Những Đứa Con Của Thuyền Trưởng Grant

CHƯƠNG 5: “DUNCAN” RỜI BẾN



Chúng ta đã nói huân tước phu nhân Helena là một người phụ nữ rộng lượng và kiên nghị. Việc làm của nàng đã chứng minh rõ ràng điều đó. Huân tước Glenarvan thực sự có thể tự hào về người vợ cao thượng như thế, nàng có thể hiểu chàng và sát cánh cùng đi với chàng. Ngay từ lúc ở London, khi yêu cầu của chàng bị khước từ, chàng đã thoáng có ý nghĩ sẽ một mình đi tìm thuyền trưởng Grant, và nếu chàng không nói điều ấy ra trước Helena thì đó chỉ là vì chàng không thể chấp nhận được ý nghĩ phải xa nàng. Nhưng, nếu Helena muốn đích thân cùng đi thì không thể có sự do dự nào nữa. Những người hầu đều phấn khởi hoan nghênh đề nghị này, bởi vì đó là chuyện đi cứu những người Scotland như chính họ. Và Glenarvan cũng thành tâm hưởng ứng tiếng reo “hoan hô” của họ đối với bà chủ trẻ của lâu đài Malcolm Castle.
Một khi chuyến đi đã được quyết định rồi thì không nên để mất thêm giờ nào nữa. Ngay hôm ấy, huân tước Glenarvan đã ra lệnh cho John Mangles đưa tàu “Duncan” đến cảng Glasgow và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Cần nói rằng, khi đề nghị đưa “Duncan” đi thám hiểm, huân tước phu nhân Helena đã đánh giá không sai phẩm chất của nó. Con tàu chắc chắn và chạy rất nhanh ấy không thể sợ một chuyến đi xa nào.
Đó là một chiếc tàu buồm tuyệt vời chạy bằng hơi nước, trọng tải 210 tấn, trong khi đó, những chiếc tàu đầu tiên đến chây Mỹ như tàu Colomb, Vespuce, Pinzon, Magellan đều có trọng tải nhỏ hơn nhiều 1.
Hai cột buồm của “Duncan” – cột buồm trước và buồm cái – mỗi cột mang hai cánh buồm thẳng, ngoài ra trên tàu còn có những cánh buồm lệch. Tóm lại là số buồm của “Duncan” hoàn toàn bảo đảm cho nó có thể chạy như một tàu buồm có tốc độ nhanh. Nhưng tất nhiên, lớn hơn cả vẫn là có thể trông cậy vào lực cơ khí của nó, máy hơi nước được chế tạo theo thiết kế mới nhất. Đó là một động cơ cao áp 160 mã lực làm chuyển động hai chân vịt (chân vịt kép). Nếu chạy với áp suất hơi cao nhất thì “Duncan” có thể đạt đến tốc độ chưa từng có. Trong thực tế, lần chạy thử ở vịnh Clyde, kim đồng hồ tốc độ đã chỉ đến con số 17 hải lý một giờ.
Đương nhiên là “Duncan” có thể dũng cảm ra đi thậm chí vòng quanh thế giời cũng được.
John Mangles chỉ còn lo việc thiết bị lại bên trong tàu. Trước hết, anh ta cho mở rộng các hố đựng than để có thể tăng sức chứa nhiều hơn, bởi lẽ đi đường đâu có dễ dàng bổ sung được nguồn nhiên liệu dự trữ.
John Mangles khéo tính dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng trong hai năm. Quả là anh ta không thiếu tiền, anh ta thậm chí có đủ tiền sắm một khẩu đại bác vừa vừa đặt trên boong. Ai mà biết được trên đường đi có thể xảy ra những chuyện gì.
Cần phải nói rằng John Mangles là người am hiểu công việc của mình. Mặc dù anh ta chỉ huy một tàu buồm thôi, nhưng nói chung, anh được coi là một trong những thuyền trưởng tàu buồm giỏi nhất cảng Glasgow. John đã 30 tuổi. Nét mặt anh hơi nghiêm khắc, hiện rõ lòng dũng cảm và nhân hậu. Anh về ở lâu đài Malcolm – Castle từ khi còn nhỏ. Gia đình Glenarvan đã cho anh học hành và đào tạo anh thành một thuỷ thủ tuyệt vời. Trong một số chuyến đi xa do John Mangles điều hành, anh đã tỏ rõ tài nghệ, nghị lực và tính điềm đạm của mình. Khi Glenarvan giao cho anh chỉ huy tàu “Duncan”, anh đã vui lòng đảm nhận, bởi vì anh đã yêu quý người chủ lâu đài Malcolm – Castle như người anh em và tìm dịp để bày tỏ lòng trung thành của mình đối với chủ.
Người giúp việc của John Mangles – Tom Austin – là thuỷ thủ lão luyện hoàn toàn đáng tin cậy. Kể cả thuyền trưởng và phó thuyền trưởng, tàu “Duncan” gồm có 25 người. Tất cả họ, những người thuỷ thủ dày dạn, đều là người gốc Dumbartaon, đều là con em các tá điền làm thuê cho dòng họ Glenarvan. Ngay cả ở trên tàu họ cũng vẫn chứng tỏ mình là dòng dõi của người Scotland can đảm. Như vậy là Glenarvan đã có dưới quyền mình một đoàn thuỷ thủ trung thành, dũng cảm, thiết tha với công việc, có kinh nghiệm, biết sử dụng vũ khí và thích hợp với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất. Khi đoàn thuỷ thủ “Duncan” được biết hướng đi, mọi người đã không sao kiềm nổi niềm vui sướng và reo lên hoan hô vang dội cả vách núi Dumbarton.
John Mangles trong khi miệt mài lo việc bốc nhiên liệu và lương thực lên tàu “Duncan” đã không quên việc cần phải bố trí phòng ở cho vợ chồng huân tước trong chuyến đi xa này. Đồng thời, anh cũng phải chuẩn bị phòng cho các con của thuyền trưởng Grant – vì huân tước phu nhân Helena không thể không chiều theo yêu cầu của Mary cho cô được đi theo tàu “Duncan”. Còn Robert, tất nhiên, thà trốn lẹ xuống hầm tàu còn hơn phải ở lại trên bờ. Chú tình nguyện đi tàu “Duncan” làm thuỷ thủ thiếu niên, giống như Nelson và Franklin hồi nào. Ai nỡ lòng từ chối một chú bé như vậy! Thậm chí người ta cũng không có ý đồ ấy. Đành phải chấp nhận cả việc coi như chú không phải như một hành khách, mà là một thành viên của đoàn thám hiểm. John Mangles đã được giao việc dạy nghề đi biển cho chú.
– Tuyệt quá! – Robert tuyên bố – Xin thuyền trưởng đừng thương xót cháu và cứ cho ăn roi, nếu cháu làm điều gì đó không phải.
– Hãy yên tâm về cái khoản đó, chú bé của tôi ạ. – Glenarvan nghiêm giọng nói.
Để bổ sung danh sách hành khách của tàu, còn phải kể đến thiếu tá Mac Nabbs. Đó là một người tuổi chừng 50. Với nét mặt cân đối, trầm tĩnh, hiền hoà và độ lượng, Mac Nabbs bao giờ cũng chấp hành đúng mệnh lệnh, luôn luôn đồng tình với mọi người trong mọi việc. Ông không bao giờ tranh luận về một việc gì, không cãi lộn với ai, không bao giờ mất bình tĩnh. Ông leo lên thành hầm bị phá sập cũng bình tĩnh như leo cầu thang lên phòng ngủ của mình vậy. Không có cái gì, thậm chí bom nổ cũng không thể làm cho ông lo âu hoặc đi trệch khỏi đường hướng của ông, và hẳn là chờ đến khi nhắm mắt xuôi tay ông cũng không một lần tức giận. Mac Nabbs không những là một chiến binh dũng cảm, một người có thể lực cường tráng, mà ở ông còn có phẩm chất quý giá hơn nữa, ấy là lòng nhân đạo – đó cũng chính là sức mạnh tinh thần của ông. Điểm yếu duy nhất của ông: ông là người Scotland chính gốc, một người con chân chính của Caledonia và kiên quyết giữ lại mọi phong tục cổ xưa của quê hương mình. Bởi vậy, không bao giờ ông muốn phục vụ cho nước Anh: còn quân hàm thiếu tá của mình ông đã nhận ở trung đoàn cận vệ kỵ binh 42, nơi các sĩ quan chỉ huy được bổ nhiệm toàn là các nhà quý tộc người Scotland. Là người ruột thịt của Glenarvan, Mac Nabbs đã sống ở Malcolm – Castle; là một sĩ quan, thiếu tá coi việc đi biển trên tàu “Duncan” là một việc hoàn toàn tự nhiên.
Đó là những hành khách của chiếc tàu buồm mà hoàn cảnh bất ngờ đã khiến họ chấp nhận thực hiện một trong những cuộc thám hiểm kỳ diệu nhất của thời đại.
Từ lúc xuất hiện ở bến tàu Glasgow, “Duncan” bắt đầu gây sự tò mò của công chúng. Ngày nào cũng có đông người đến xem tàu, người ta bàn tán nhiều về nó. Điều này làm các thuyền trưởng khác chẳng thích thú gì, kể cả thuyền trưởng Burton, chỉ huy chiếc tàu lộng lẫy “Scotland” đang đậu sát tàu “Duncan” chuẩn bị đi Calcutta. Thuyền trưởng của con tàu đồ sộ ấy quả thực có quyền từ trên cao nhìn xuống tàu “Duncan” bé con láng giềng của mình. Tuy nhiên, ý thích chung của mọi người ngày càng hướng về chiếc tàu của Glenarvan.
Thời gian nhổ neo của “Duncan” đã tới gần, John Mangles tỏ ra là một thuyền trưởng thành thạo và đầy nghị lực. Sau một tháng kể từ ngày chạy thử ở vịnh Fort-Of-Clyde, “Duncan” đã được nạp nhiên liệu, lương thực, được trang bị để đi xa và giờ đây đã sẳn sàng ra khơi. Ngày nhổ neo được ấn định vào ngày 25 tháng 8. Như vậy là chiếc tàu buồm có thể đến các vĩ độ phía Nam vào khoảng đầu mùa xuân tới.
Khi dự án của huân tước Glenarvan được nhiều người biết đến thì ông phải nghe không ít ý kiến nhận xét về nỗi gian lao và nguy hiểm của một cuộc hành trình như thế. Nhưng, ông đã không mảy may để ý đến và vẫn chuẩn bị rời khỏi Malcolm-Castle. Đến lúc ấy, nhiều người đã từng bài bác ngài huân tước Scotland lại bắt đầu ngầm thán phục ông. Cuối cùng, dư luận xã hội đã công khai đứng về phía ông, và tất cả báo chí, trừ các cơ quan ngôn luận của chính phủ, đều nhất trí lên án hành vi của các nhà quý tộc ở bộ tư lệnh hải quân. Mặc dù vậy, huân tước Glenarvan vẫn dửng dưng đối với những lời khen ngợi, cũng như những lời chê bai – ông cứ làm công việc mà ông coi là nghĩa vụ của mình, còn chuyện khác không làm ông bận lòng.
24 tháng Tám, Glenarvan, huân tước phu nhân Helena, thiếu tá Mac Nabbs, Mary và Robert Grant, anh chàng Olbinett, đầu bếp trên tàu, và vợ anh là cô Olbinett, người hầu của huân tước phu nhân Glenarvan, bắt đầu rời khỏi Malcolm-Castle. Những người đầy tờ trung thành với gia đình Glenarvan đã tổ chức tiễn đưa họ đầy nhiệt tình.
Vài giờ sau, những người viễn du đã có mặt trên tàu “Duncan”. Dân chúng Glasgow với lòng đầy thiện cảm chào mừng huân tước phu nhân Helena, người phụ nữ trẻ tuổi dũng cảm, đã khước từ cuộc sống xa hoa với đủ mọi thú vui êm ái để vội vả ra đi cứu giúp những người bị nạn đắm tàu…
“Duncan” định ra khơi ngày 25 tháng 8, khoảng ba giờ sáng, lúc thuỷ triều bắt đầu xuống…
Mười một giờ tối, mọi người đã có mặt trên tàu. Thuyền trưởng và đoàn thuỷ thủ lo chuẩn bị những việc cuối cùng. Lúc nửa đểm. Họ bắt đầu nhóm lò. Thuyền trưởng ra lệnh xúc than vào lò thật nhanh, và chẳng bao lâu, những cụm khói đen đã toả vào sương đêm. Các cánh buồm chưa dùng đến vì đang gió Tây Nam, đã được bọc kín bằng vải gai để khỏi bị ám khói.
Đến hai giờ sáng, trên tàu “Duncan” người ta đã bắt đầu cảm thấy những tiếng rung do nồi hơi phát ra: Áp kế chỉ bốn atmosphere, hơi thừa rít xè xè qua các miệng van. Giữa lúc thuỷ triều lên và xuống gió tạm thời yên lắng. Trời bắt đầu sáng, đã có thể nhìn thấy lạch sông Clyde, các phao tiêu trên sông với những đèn pha đã bị lu mờ trước ánh bình minh. Đã đến giờ nhỏ neo, John Mangles ra lệnh báo cáo cho huân tước Glenarvan biết, và huân tước lên ngay boong tàu.
Chẳng mấy chốc nước bắt đầu rút. “Duncan” rúc những hồi còi rền vang, các dây buộc tàu đã được cuốn lại, con tàu rời bến. Chân vịt bắt đầu quay. “Duncan” bơi theo lạch, John không lấy theo hoa tiêu vì anh đã quá thuộc lạch sông Clyde và không ai có thể đưa tàu ra khơi giỏi hơn anh. Chiếc tàu buồm ngoan ngoãn di động theo ý muốn của John. Anh làm việc lặng lẽ, chắc chắn, tay phải điều khiển máy, tay trái điều khiển tay lái. Chẳng mấy chốc những nhà máy cuối cùng trên bờ đã hoà lẫn vào các biệt thự nhô cao trên những quả đồi ven biển. Tiếng ồn ào của phố cảng bặt lại phía xa.
Một giờ sau, “Duncan” đã băng qua dãy núi Dumbarton và hai giờ sau đã ra tới vịnh Fort-Of-Clyde. Sáu giờ sáng, chiếc tàu buồm đã lướt sóng ngoài biển khơi.
Chú thích
(1)Christophe Colomb đã hoàn thành cuộc hành trình thứ 4 đến châu Mỹ bằng 4 chiếc tàu: Colomb đi tàu lớn nhất, trọng tải 70 tấn, còn tàu nhỏ nhất trọng tải 50 tấn. Đó là những tàu chỉ để chạy ven biển (ghi chú của tác giả)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.