Những Đứa Con Của Thuyền Trưởng Grant

CHƯƠNG 7: AYRTON HAY LÀ BEN JOYCE?



Ayrton xuất hiện. Gã rắn rỏi bước đi trên boong dưới và trèo lên cầu thang. Mắt gã u buồn, răng cắn chặt, hai nắm tay bóp mạnh. Ở gã, người ta không cảm thấy thái độ xấc xược thách thức, hay một sự quy phục.
Sau khi ra trình diện trước Glenarvan, gã lặng lẽ vắt chéo tay trên ngực và chờ đợi những câu hỏi.
Gã vẫn im lặng và nhìn thờ ơ như trước.
– Hãy nghe đây, Ayrton, – lần nữa Glenarvan nói với gã, – vì lợi ích của ngươi mà nói đi! Sự thành khẩn có thể giảm bớt tội trạng của ngươi. Ta hỏi lần cuối cùng: Ngươi có định trả lời những câu hỏi của ta không?
Ayrton quay về phía Glenarvan và nhìn thẳng vào mắt ông:
– Thưa huân tước, tôi không định trả lời, hãy để cho ngành tư pháp xử tội tôi.
– Điều đó dễ thôi. – Glenarvan nhận xét.
– Dễ sao, thưa huân tước? Ayrton nói vẻ giễu cợt. – Tôi cảm thấy nói như vậy là quá ư dũng cảm đấy! Tôi khẳng định rằng vị quan tào tài giỏi nhất nước Anh cũng phải lúng túng trong vụ án của tôi. Ai nói được vì sao tôi lại xuất hiện ở Australie, trong khi không có mặt thuyền trưởng Grant? Ai chứng minh được rằng tôi chính là Ben Joyce, như cảnh sát xác nhận, nếu như tôi chưa khi nào bị cảnh sát bắt cả, còn bạn bè của tôi thì đang sống tự do? Ai, trừ huân tước ra, có thể tố cáo tôi không những đã phạm tội ác mà thậm chí còn có hành vi đáng chê trách nào đó? Ai có thể xác nhận rằng tôi định cướp tàu của ngài và giao cho những người tội phạm? Không có ai cả! Ngài nghe thấy không? Không có ai cả! Ngài hoài nghi phải không? Cứ việc. Nhưng chừng ấy còn quá ít để kết tội một con người. Ở đây cần phải có tang chứng, mà ngài lại không có. Cho nên bây giờ, nếu không có điều trái ngược nào được chứng minh, thì tôi vẫn là Ayrton, hoa tiêu của tàu “Britania”.
Khi nói đến điều đó, Ayrton hoạt bát hẳn lên, nhưng chẳng bao lâu gã lại giữ vẻ thờ ơ, hờ hững như trước. Hình như gã tưởng rằng lời tuyên bố ấy của gã sẽ chấm dứt cuộc lấy cung, song, gã đã nhầm. Glenarvan đã lại lên tiếng.
– Ayrton, ta không phải là vị quan toà truy xét quá khứ của ngươi. Đấy không phải việc của ta. Nào, chúng ta hãy xác định cho chính xác. Ta không yêu cầu ngươi phải nói những điều chống lại bản thân mình. Đây không phải toà án. Nhưng, người biết ta đang bận công việc tìm kiếm gì rồi, và ngươi có thể chỉ dẫn ta lần ra dấu tích đã bị mất. Ngươi sẽ nói chứ?
Ayrton kiên quyết lắc đâu.
– Ngươi không thể nói cho ta biết thuyền trưởng Grant hiện giờ ở đâu sao? – Glenarvan hỏi.
– Không, thưa huân tước. – Ayrton đáp.
– Vậy ngươi hãy cho biết tàu “Britania” bị đắm ở đâu?
– Không.
– Ayrton. – Glenarvan nói gần như van lơn. – Nếu ngươi biết Harry Grant ở đâu thì hãy nói đi, ít nhất cũng để cho những đứa con của ông ta được biết. Ngươi thấy đó, chúng đang chờ đợi ngươi như thế nào, dù là một lời thôi!
Ayrton run lên. Gương mặt gã thể hiện rõ sự giằng xé trong lòng. Nhưng gã vẫn khẽ đáp:
– Tôi không thể nói, thưa huân tước.
Và ngay sau đó, dường như hối hận về phút giây yếu đuối của mình, gã nói thêm một cách quyết liệt:
– Không! Không! Ngài không thể biết gì ở tôi hết! Ngài có thể treo cổ tôi, nếu ngài muốn.
– Treo cổ? – Glenarvan mất bình tĩnh, thét lên.
Nhưng sau khi kiềm chế được mình, ông lại nói một cách nghiêm túc.
– Ayrton ở đây không có cả quan toà lẫn đao phủ. Đến bến đỗ đầu tiên, ngươi sẽ được giao cho chính quyền Anh.
– Tôi cũng mong vậy đó, – gã hoa tiêu đáp.
Rồi gã lại bình tĩnh đi về căn phòng giam gã. Bên lối ra vào có hai thuỷ thủ đứng gác. Họ được lệnh phải theo dõi từng hành vi của gã.
Những người chứng kiến cảnh hỏi cung ấy giải tán, đầy căm phẫn và thất vọng.
Một khi Glenarvan đã không khai thác được gì ở Ayrton thì biét làm sao đây? Có lẽ cứ hành động như đã quyết định ở Eden: trở về châu Âu để khi khác sẽ lại tiếp tục việc tìm kiếm chưa thành. Còn bây giờ đây, những dấu tích của “Britania” hình như đã bị mất tăm. Bức thư trong chai không lại lời giải thích mới nào; trên suốt vĩ tuyến 37, không còn sót một nước nào mà không được tìm kiếm cả, vì vậy “Duncan” chỉ còn cách quay về nước thôi.
Sau khi hỏi ý kiến mọi người, Glenarvan bàn bạc riêng với John Mangles về việc cho tàu quay lui, John xem kỹ các hố than, biết chắc than chỉ đủ cho nhiều nhất là hai tuần. Vậy là, ngay ở bến đỗ đầu tiên đã cần phải dự trữ thêm nhiên liệu, John đề nghị Glenarvan cho tàu chạy về Talcahuano, nơi “Duncan” đã một lần ăn than trước khi bắt đầu cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Đấy có lẽ là con đường thẳng, hơn nữa nó lại đi dọc theo vĩ tuyến ba mươi bảy. Còn sau đó, khi đã có đủ mọi thứ cần thiết rồi, tàu sẽ chạy về phía nam, vòng qua mũi Horn, đi thẳng sang Đại Tây Dương về Scotland.
Kế hoạch ấy đã được chấp nhận, và thợ máy đã được lệnh tăng áp suất hơi. “Duncan” lên đường đi vịnh Talcahuano. Con tàu lướt trên mặt đại dương phẳng lặng và đến sáu giờ thì những đỉnh núi cuối cùng của New-Zealand đã khuất trong làn khói nóng.
Thế là bắt đầu đường về, chặng đường đáng buồn đối với những con người dũng cảm quay về mà không có Harry Grant sau bao ngày mất công tìm kiếm. Đoàn thuỷ thủ của “Duncan” khi rời Scotland từng vui vẻ và tràn đầy hy vọng thành công là vậy, thế mà bây giờ lại mất tinh thần và quay trở lại châu Âu trong trạng thái buồn thảm nhất. Không một ai trong đám thuỷ thủ đáng yêu ấy lấy làm vui khi trở về quê hương, vì vậy mọi người đều sẵn sàng tiếp tục cuộc hành trình nguy hiểm trên đại dương, cốt sao tìm được thuyền trưởng Grant.
Trên “Duncan” mới hôm nào vang lên những tiếng reo vui “hoan hô” để chào đón Glenarvan, giờ đây bao trùm một bầu không khí buồn chán. Các hành khách hầu như không nhìn nhau như trước nữa, những câu chuyện vui dọc đường cũng im bặt. Mọi người, ai nấy ở riêng trong phòng mình, hoạ hoàn mới lên boong. Paganel hình như buồn nản hơn cả. Khi Glenarvan lại nói đến những cuộc tìm kiếm mới trong tương lai, Paganel đã lắc đầu, dường như ông đã mất hết hy vọng và tin rằng những người bị nạn trên tàu “Britania” đã chết, không bao giờ trở về nước nữa.
Trong khi đó, có một người trên tàu “Duncan” có thể kể về tai nạn ấy, nhưng gã lại tiếp tục im lặng. Đó là Ayrton. Không nghi ngờ gì nữa, nếu tên bất nhân này cũng không biết thuyền trưởng Grant hiện ở đâu thì ít nhất gã cũng biết nơi đắm tàu chứ.
Nhiều lần Glenarvan đã định khai thác điều gì đó ở gã hoa tiêu, nhưng những lời hứa hẹn và đe doạ đều không có tác dụng. Sự ngoan cố không thể hiểu nổi của Ayrton thật là quá đáng, đến mức thiếu tá cũng phải nghi ngờ không biết gã có biết gì hay không? Nhà địa lý cũng cho là như thế? Nhưng nếu không biết gì cả thì sao gã lại không thừa nhận điều ấy, bởi vì như vậy chẳng hại gì cho gã kia mà. Sự im lặng của gã đã cản trở việc lập kế hoạch tìm kiếm tiếp theo. Sự có mặt của Ayrton ở Australie có nghĩa rằng Harry Grant cũng đang ở lục địa này chăng? Dù sao đi nữa thì cũng cần buộc Ayrton phải nói.
Huân tước phu nhân Helena thấy Glenarvan không khai thác được gì đã yêu cầu được thử nói chuyện với Ayrton. Biết đâu, nàng nghĩ, sự mềm dẻo của phụ nữ sẽ làm được cái mà nam giới không làm được.
Glenarvan biết người vợ trẻ của mình khá thông minh, nên đồng ý để nàng được làm theo ý muốn.
Và thế là ngày 5 tháng 3, Ayrton được dẫn đến phòng của huân tước phu nhân Helena. Ở đây có cả Mary Grant. Sự có mặt của cô gái trẻ có thể gây ảnh hưởng lớn đối với gã hoa tiêu, còn huân tước phu nhân Helena thì không muốn bỏ lỡ một cơ hội thành công nào.
Sau khi nói chuyện với Ayrton, Helena bước ra khỏi phòng mình. Glenarvan đến bên vợ, hỏi:
– Ayrton kể hết rồi chứ, em?
– Chưa, – Helena trả lời, – nhưng hắn đã chấp nhận yêu cầu của em. – Hắn muốn nói chuyện với anh đó.
– Ồ, Helena thân yêu, thế là em đã thành công!
– Em hy vọng thế, anh Edward!
– Em có thể thay mặt anh hứa với hắn một điều gì không?
– Em chỉ hứa với hắn một điều là anh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để giảm nhẹ tội lỗi cho hắn.
– Được, được lắm, em yêu quý ạ! Thôi, anh sẽ cho Ayrton đến gặp anh ngay bây giờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.