Những Đứa Con Của Thuyền Trưởng Grant

CHƯƠNG 7: JACQUES PAGANEL TỪ ĐÂU ĐẾN VÀ ĐI ĐÂU



Rõ ràng ông thư ký của Hội Địa lý là một người có sức hấp dẫn, vì tất cả những điều ấy đã được ông nói ra một cách hết sức tự nhiên. Vả lại, bây giờ huân tước đã biết rất rõ ông đang có quan hệ với ai: tên tuổi và công lao của Jacques Paganel đã quá quen thuộc đối với ông. Những tác phẩm của ông ta về địa lý, những báo cáo về các phát hiện mới nhất in trong các tập san của Hội, việc trao đổi thư từ của ông với hầu như khắp thế giới – tất cả những điều đó đã làm cho Paganel trở thành một trong những nhà bác học nổi tiếng nhất nước Pháp. Do đó, Glenarvan đã nồng nhiệt chìa tay ra cho người khách bất ngờ bắt.
– Bây giờ chúng ta đã quen biết nhau rồi, – huân tước nói, – thưa ngài Paganel. Ngài cho phép tôi hỏi ngài một câu được chứ?
– Hai mươi câu cũng được, thưa huân tước, – Jacques Paganel đáp, tôi luôn luôn sẵn sàng nói chuyện với ngài.
– Ngài đã lên tàu này buổi tối ngày hôm kia?’
– Vâng, thưa huân tước, tám giờ tối ngày hôm kia. Tôi đã từ tàu hoả nhảy xuống ga, và từ ga bổ lên tàu “Scotland” mà từ Paris tôi đã đặt mua vé phòng số sáu. Hôm ấy trời tối thui. Tôi không gặp ai trên boong tàu cả. Vì mệt mỏi sau ba mươi tiếng đồng hồ đi đường, biết rằng để khỏi bị say sóng, tốt nhất là lên tàu đi nằm ngay, nên tôi đã ngủ li bì suốt ba mươi sáu tiếng đồng hồ qua!
Bây giờ thì mọi người đã hiểu Jacques Paganel xuất hiện trên tàu này như thế nào. Nhà du hành người Pháp đã lên nhầm tàu “Duncan” trong lúc mọi người đi lễ ở nhà thờ. Thế là mọi chuyện đã rõ ràng. Nhưng nhà bác học địa lý sẽ nói sao đây, sau khi được biết tên và hướng đi của con tàu mà ông đã lên nhầm?
– Vậy là, thưa ngài Paganel, ngài đã chọn Calcuta làm đích cho cuộc thám hiểm của ngài phải không? – Huân tước hỏi.
– Vâng, thưa huân tước. Suốt đời mình tôi ấp ủ ước mơ được thấy Ấn Độ. Và cuối cùng ước mơ tha thiết của tôi đang được thực hiện. Tôi sắp đặt chân lên xứ sở của voi.
– Nghĩa là, thưa ngài Paganel, ngài không thể chấp nhận được việc đáng lẽ đi đến một nước này, mà lại buộc phải đến một nước khác, phải không?
– Đúng thế, thưa huân tước, không những không thể được, mà thậm chí rất khó chịu là khác, bởi vì tôi có thư giới thiệu đến gặp huân tước Sommerset, toàn quyền tại Ấn Độ, hơn nữa, tôi được Hội Địa lý giao phó nhiệm vụ cần phải thực hiện.
– À, ngài có công vụ?
– Vâng, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện một chuyến du hành bổ ích và thú vị. Kế hoạch cuộc du hành đã được nhà bác học là bạn và đồng nghiệp của tôi, ngài Vivien de Saint Martin khởi thảo. Theo kế hoạch đó, tôi phải lần theo dấu tích của anh em Schlagin-Weit, đại tá Waugh de Webb, Hodgson, các nhà truyền giáo Hue và Gabet, de Moorcroft, de Jules Remy và nhiều nhà du hành nổi tiếng khác. Tôi muốn đạt được điều mà chẳng may nhà truyền giáo Crick đã không thực hiện được vào năm 1846, tức là khảo cứu dòng chảy của sông Yarou-Dzagbo-Tchou 1, bắt nguồn từ Bắc dãy Himalaya, tưới mát cho Tây Tạng trên suốt chiều dài 1.500 kilometre. Tôi muốn cuối cùng phải làm sáng tỏ một điều: con sông ấy có hoà cùng dòng sông Brahmapoutre ở phía Đông Bắc tỉnh Assam không? Chỉ cần nhà du hành nào giải đáp được câu hỏi quan trọng nhất ấy đối với khoa địa lý của Ấn Độ, người đó tất nhiên sẽ được thưởng mề đay vàng.
Paganel là một người đáng khâm phục. Ông ta nói với sự hăng say đặc biệt, cứ thế tuôn ra theo trí tưởng tượng, không gì có thể ngăn được ông ta nói, cũng giống như không gì có thể cản được dòng thác.
– Thưa ngài Jacque – huân tước lên tiếng, khi nhà bác học trứ danh nghỉ lấy hơi. – Khỏi phải tranh cãi, đó là một cuộc du hành tuyệt vời, và khoa học sẽ biết ơn ngài về cuộc hành trình ấy. Nhưng tôi không muốn để ngài bị lạc xa hơn, vì vậy thấy cần phải nói ngay rằng trong thời gian trước mắt có lẽ ngài đành phải từ bỏ thú vui đến thăm Ấn Độ.
– Từ bỏ ư? Vì sao?
– Tại vì, ngài đang đi về hướng ngược hẳn với bán đảo Ấn Độ.
– Sao lại thế, thưa ngài thuyền trưởng Burton…?
– Tôi không phải thuyền trưởng Burton.- John Mangles lên tiếng.
– Nhưng, “Scotland”…
– Đây là tàu, nhưng không phải tàu “Scotland”!
Nỗi kinh ngạc của P không sao tả xiết. Ông lần lượt nhìn huân tước Glenarvan lúc ấy vẫn giữ vẻ trịnh trọng, huân tước phu nhân Helena và cô Mary, nét mặt hiện rõ vẻ buồn rầu và sự thông cảm. John Mangles mỉm cười, thiếu tá điềm đạm. Rồi nhà bác học nhún vai, kéo xệ mục kỉnh trên trán xuống mũi, kêu lên:
– Sao lại có chuyện đùa thế này!?
Nhưng, đúng lúc ấy, mắt ông đã dừng lại nơi tay lái và ông đã đọc được dòng chữ đề: “Duncan” “Glasgow”
– “Duncan”! “Duncan”! – P thét lên trong nỗi thất vọng rồi sau đó xuống cầu thang, về thằng phòng mình.
Khi nhà bác học rủi ro biến mất, không ai trên tàu, trừ thiếu tá, có thể nhịn cười được. Cả các thuỷ thủ cũng cười rộ lên. Đi lạc hướng trên tàu hoả, cho dù ngồi nhầm tàu, đáng lẽ đi Edinbourg thì lại đi Dumbarton chẳng hạn, thì vẫn chưa đến nỗi nào, nhưng lên nhầm tàu thuỷ đi Chili trong khi định đi Ấn Độ thì đó là một điều quá ư đãng trí!
– Tuy nhiên, trường hợp ấy đối với Jacques không làm tôi ngạc nhiên, – huân tước Glenarvan nhận xét. – Ông ta vẫn nổi tiếng với những điều rủi ro như vậy đấy. Có lần ông đã cho in một tấm bản đồ châu Mỹ tuyệt diệu, trong đó khéo léo vẽ cả nước Nhật Bản. Nhưng tất cả điều đó không ngăn cản ông trở thành nhà bác học xuất sắc và là một trong những nhà địa lý giỏi nhất nước Pháp.
Vừa lúc ấy, Paganel, sau khi biết chắc hành lý của mình còn nguyên vẹn trên tàu, lại trèo lên boong. Buồn rầu và xấu hổ, ông cứ lẩm bẩm hoài cái từ bất hạnh: “Duncan”, “Duncan”. Những từ khác ông không tìm ra. Ông cứ đi lui, đi tới, ngắm nhìn các cột buồm trên tàu và chân trời biển cả lặng êm. Cuối cùng, ông lại đến gặp huân tước Glenarvan.
– Thế tàu “Duncan” này đi đâu? – Ông hỏi.
– Đi châu Mỹ, thưa ngài P.
– Cụ thể là đi đâu?
– Đi Chili! Đi Chili! – Nhà bác học rủi ro kêu lên. – còn cuộc thám hiểm của tôi lại đi Ấn Độ… Bây giờ làm sao tôi có thể đến dự cuộc hội nghị của Hội Địa lý được?
– Đừng thất vọng, thưa ngài Paganel, – Glenarvan bắt đầu an ủi ông. Tất cả những chuyện ấy đều có thể kết thúc đối với ngài mà không phí mất bao nhiêu thời gian đâu. Còn con sông Yarou Dzango Tchou vẫn sẽ đợi ngài ở vùng núi Tây Tạng. Chúng ta sắp ghé lại đảo Madere và đến đó ngài sẽ chuyển tàu trở lại châu Âu.
– Cảm ơn ngài huân tước, có nhẽ đàng thế vậy. Nhưng phải nói rằng, cuộc phiêu lưu thật kỳ diệu! Chuyện tương tự như thế này chỉ có thể xảy ra đối với tôi mà thôi. Nhưng còn chiếc vé phòng tôi đã đặt mua trên tàu “Scotland”!
– Thôi, về chiếc tàu “Scotland” tốt hơn hết ngài hãy quên đi.
– Nhưng, tôi cảm thấy rằng, – Paganel lại nói tiếp, mắt nhìn quanh tàu, – “Duncan” là một chiếc tàu buồm để dạo chơi.
– Vâng, thưa ngài, – John Mangles lên tiếng, – nó thuộc về ngài huân tước Glenarvan đây…
– … và ông ta mong ngài hãy đáp lại lòng mến khách của ông ta một cách tự nhiên. – Glenarvan nói tiếp lời của John Mangles.
– Tôi vô cùng cảm ơn ngài huân tước, – Paganel đáp, – Tôi xúc động sâu sắc trước tấm lòng thịnh tình của ngài. Nhưng ngài cho phép tôi được nói lên điều suy nghĩ đơn giản của mình như sau: Ấn Độ là một đất nước tuyệt diệu, đầy những bất ngờ kỳ lạ đối với khách du lịch. Có lẽ quý bà, quý cô chưa đến đó… Chỉ cần người lái tàu ngoặt tay lái là “Duncan” sẽ chạy theo hướng Calcutta cũng dễ dàng như đi Concepcion, mà cuộc hành trình lại vui thú biết bao.
Nhưng, trong thấy Glenarvan lắc đầu không đồng ý, Paganel im ngay.
– Thưa ngài Paganel, – huân tước phu nhân Helena nói, – nếu đây là một chuyến đi du hí thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngài ngay rằng: “Nào, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi Ấn Độ” và tôi tin rằng huân tước Glenarvan cũng sẽ không phản đối. Nhưng vấn đề là “Duncan” cần đi châu Mỹ để tìm cứu những người bị nạn ở vùng bờ biển Patagonia, đưa họ về nước, vì vậy nó không thể từ bỏ mục đích nhân đạo như thế.
Mấy phút sau, nhà du hành người Pháp đã hiểu cặn kẽ sự việc. Ông không nén nổi hồi hộp khi nghe nói về việc tìm thấy lá thư trong chai, về thuyền trưởng Grant và lời đề nghị đầy lòng độ lượng của huân tước phu nhân Helena.
– Thưa quý bà, – nhà bác học nói với Helena, – cho phép tôi được bày tỏ lòng khâm phục vô hạn đối với hành vi cao cả của bà. Xin bà cứ cho tàu tiếp tục cuộc hành trình của nó. Tôi không thể tha thứ cho mình nếu làm tàu chậm trể dù chỉ một ngày.
– Vậy ngài có muốn đi cùng với đoàn thám hiểm chúng tôi không? – huân tước phu nhân hỏi.
– Không thể như vậy được, tôi phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi sẽ rời tàu ngay ở bến đỗ đầu tiên.
– Nghĩa là ở Madere, – John Mangles nhận xét.
– Cứ cho là ở Madere. Từ đó tôi chỉ có cách Lisbone cả thảy một trăm tám mươi hải lý và sẽ đợi chuyển sang tàu khác.
– Biết làm sao được, thưa ngài Paganel, – Glenarvan nói, – đành phải thế vậy. Còn về tôi, tôi hân hạnh có dịp được tiếp ngài ở thăm vài ngày trên tàu của chúng tôi, hy vọng rằng ngài sẽ không cảm thấy buồn tẻ quá khi sống với chúng tôi.
– Ồ, – nhà bác học kêu lên, – thưa huân tước, nhầm tàu một cách thuận lợi thế này còn là may mắn lắm! Hơn nữa, không thể không công nhận rằng, một người định đi Ấn Độ mà lại nhầm tàu đi châu Mỹ, thì quả là nực cười quá đỗi.
Tuy còn buồn, nhưng Paganel đã buộc lòng phải chấp nhận sự chậm trễ mà ông không thể cưỡng lại được. Ông ta là một người rất đáng yêu, vui tính, tất nhiên hơi đãng trí, và đã làm cho quý bà, quý cô luôn luôn hài lòng. Paganel làm quen với mọi người chưa đầy một ngày. Nhưng ông đã yêu cầu được xem bức thư quan trọng và đã nghiên cứu bức thư khá kỹ lưỡng. Lời giải thích của bức thư không gây cho ông sự nghi ngờ nào cả. Ông tỏ rõ thiện cảm đối với Mary Grant và cậu em trai của cô và cố gắng khêu gợi cho chúng niềm hy vọng chắc chắn sẽ gặp cha. Ông vững tin một cuộc thám hiểm của tàu “Duncan” sẽ thành công, nhìn nhận mọi việc hết sức lạc quan, khiến cô Mary nghe ông nói đã mỉm cười. Quả thật, nếu không phải thực hiện nhiệm vụ của Hội Địa lý thì ông cũng lao vào cuộc tìm kiếm thuyền trưởng Grant.
Khi được biết huân tước phu nhân Helena là con gái của nhà du hành nổi tiếng William Tuffnel, ông đã reo lên phấn khởi. Ông biết cha của Helena. Đó là một nhà bác học thật là dũng cảm. Khi William Tuffnel trở thành viện sĩ thông tấn của Hội Địa lý Paris, họ đã trao đổi với nhau biết bao nhiêu thư từ! Và chính ông, Paganel, đã cùng với ngài Malte Brun giới thiệu Tuffnel vào Hội!… Cuộc gặp gỡ mới kỳ diệu làm sao! Thật là sung sướng khi được cùng đi du lịch với con gái của William Tuffnel.
Cuối cùng, nhà địa lý đã yêu cầu huân tước phu nhân Helena cho phép ông được hôn nàng. Và huân tước Glenarvan đã đồng ý, mặc dù, có thể điều đó không được “improper” cho lắm… Mọi người đã cố gắng thuyết phục nhà địa lý tham gia cuộc thám hiểm. Huân tước phu nhân Helena nói:
– Thưa ngài Paganel, xin ngài hãy nhân danh nước Pháp chia sẻ với xứ sở Scotland niềm vinh dự tham gia cuộc thám hiểm này
– Vâng, tất nhiên rồi!
– Nhà địa lý rất cần cho cuộc thám hiểm của chúng tôi. Có gì đẹp bằng đem khoa học phục vụ con người.
– Vâng, tất nhiên rồi!
– Xin ngài hãy tin tôi.
– Các bạn của tôi, các bạn muốn biết tôi đang nghĩ gì phải không? Paganel hỏi. Các bạn rất muốn tôi ở lại đây, đúng không?
– Chính ngài, Paganel ạ, ngài cũng hết sức muốn ở lại, – Glenarvan đối đáp.
– Muốn lắm chứ! – Nhà bác học kêu lên. – Nhưng tôi sợ quấy rầy các bạn thôi.
Mọi người trên tàu đều lấy làm phấn khởi khi hay tin về quyết định của Paganel. Chú bé Robert hứng chí đến mức nhảy bổ đến ôm lấy cổ nhà bác học, khiến ngài thư ký đáng kính của Hội Địa lý suýt té nhào.
– Thằng bé lanh lợi dữ! – P nói. – Tôi sẽ dạy chú ta học địa lý.
Bởi vì John Mangles đã đảm nhận dạy Robert nghề đi biển, Glenarvan dạy chú trở thành người dũng cảm, thiếu tá dạy chú làm người điềm đạm, huân tước phu nhân Helena dạy chú trở thành con người nhân hậu và độ lượng, còn Mary Grant thì dạy em biết ơn tất cả những người thầy như vậy, nên nhất định là Grant con phải trở thành một người hoàn hảo.
“Duncan” sau khi nhanh chóng ăn than ở một cảng nhỏ đã rời ngay khỏi nơi buồn tẻ này. Nó đi chếch về hướng tây và sa vào dòng hải lưu chạy ven bờ biển Bresil, nhưng mồng 7 tháng chín, đúng lúc gió bắc thổi mạnh, nó đã băng qua đường xích đạo và đến Nam bán cầu.
Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Ai nấy đều tin tưởng cuộc thám hiểm thành công. Dường như mỗi ngày triển vọng tìm thấy thuyền trưởng Grant càng tăng thêm. Có lẽ chính thuyền trưởng tàu “Duncan” là người tin tưởng hơn ai hết vào sự thành công ấy. Vả chăng niềm tin của chàng chủ yếu bắt nguồn từ lòng thiết tha mong muốn cho cô Mary được an ủi và hạnh phúc. John Mangles đã dành cho cô gái ấy những tình cảm đặc biệt mà chàng giấu không khéo nên mọi người trên tàu “Duncan”, trừ Mary và bản thân chàng, ai cũng nhận thấy cả. Còn về nhà bác học địa lý thì chắc chắn ông là người hạnh phúc nhất ở Nam bán cầu này. Suốt mấy ngày ròng, ông nghiên cứu bản đồ địa lý trải trên bàn trong căn phòng chung. Việc đó cản trở Olbinett bày bàn ăn, nên ngày nào giữa nhà địa lý và anh chàng đầu bếp cũng xảy ra cãi lộn. Nhưng, phải nói thêm rằng, trong những cuộc cãi lộn ấy, mọi người đi tàu đều đứng về phía Paganel, ngoại trừ thiếu tá – một người thờ ơ với môn địa lý, nhất là trong giờ ăn trưa. Ngoài ra, Paganel đã lục được ở chỗ phó thuyền trưởng cả một chồng sách lẻ tẻ, trong đó có cả những sách bằng tiếng Tây Ban Nha, nên ông đã quyết định học tiếng của Servantes, là thứ tiếng phải nói rằng trên tàu không ai biết cả. Biết được tiếng đó, nhà địa lý sẽ đỡ gặp khó khăn trong việc nghiên cứu vùng duyên hải Chili. Dựa vào những khả năng về ngôn ngữ của mình, Paganel hy vọng khi đến Concepcion ông sẽ nói thạo tiếng Tây Ban Nha. Thế là ông sốt sắng lao vào học và luôn mồm lẩm nhẩm những từ mới.
Lúc rảnh, ông còn khéo léo thu xếp dạy Robert học: kể cho chú nghe về mảnh đất mà “Duncan” đang nhang chóng tiến đến gần…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.