Những người thuỷ thủ dẫn gã hoa tiêu đến rồi lập tức đi ra ngay.
– Ngươi muốn nói chuyện với ta phải không, Ayrton? – Glenarvan hỏi.
– Vâng, thưa huân tước, – gã hoa tiêu trả lời.
– Với mình ta thôi?
– Vâng, nhưng tôi cảm thấy có thiếu tá Mac Nabbs và ông Paganel cùng tham dự thì có lợi hơn.
– Lợi cho ai?
– Cho tôi
Ayrton nói rất bình tĩnh. Glenarvan chăm chú nhìn gã. Sau đó ông sai người mời Mac Nabbs và Paganel đến phòng chung. Họ có mặt ngay, Glenarvan nói với gã hoa tiêu:
– Chúng tôi nghe đây.
Ayrton sắp xếp ý vài phút, rồi nói:
– Khi hai người ký với nhau một bản giao kèo hay hợp đồng thì thường có người làm chứng. Chính vì vậy nên tôi đã đề nghị để ông Paganel và thiếu tá Mac Nabbs có mặt ở đây. Tôi nói trắng ra là tôi muốn đế nghị với ngài một bản giao kèo.
– Bản giao kèo là thế nào? – Glenarvan hỏi.
– Thế này đây, Ayrton đáp. – Các ông muốn biết ở tôi một số tin tức có lợi cho các ông, còn tôi cũng muốn đạt được ở các ông một số nhượng bộ quan trọng nào đó đối với tôi. Có đi có lại mà, thưa huân tước. Như thế có hợp ý mấy ông không?
– Nhưng tin tức ấy là gì? – Paganel nhanh nhẩu hỏi.
– Không, – Glenarvan ngăn nhà địa lý lại, nói. – Những nhượng bộ ấy là gì?
Ayrton gật đầu tỏ ra hiểu ý Glenarvan.
– Những nhượng bộ mà tôi đề nghị các ông thực hiện là thế này, – gã nói. – Xin huân tước cho biết: Ngài vẫn giữ ý định giao tôi cho chính quyền Anh như cũ chứ?
– Đúng thế, Ayrton. Và chỉ có như vậy mới công minh mà thôi.
– Tôi không tranh cãi, – gã hoa tiêu bình tĩnh nói. – Như vậy là ngài không đồng ý trả tự do cho tôi.
– Không, Ayrton, ta không thể trả tự do cho người.
– Tôi cũng không yêu cầu như thế! – Gã hoa tiêu kiêu hãnh trả lời.
– Vậy ngươi cần gì nào?
– Đó là giữa cái giá treo cổ đang chờ đợi tôi và cái tự do mà ngài huân tước không thể ban cho tôi.
– Nghĩa là thế nào?
– Ngài hãy cho tôi lên một hòn đảo hoang ở Thái Bình Dương và hãy để cho tôi những thứ gì cần thiết nhất. Ở đó tôi sẽ tự lo liệu cuộc sống cho mình. Còn với thời gian thì biết đâu được! Rất có thể là tôi sẽ ăn năn hối cải.
Glenarvan không lường trước lời đề nghị như thế! Sau khi suy nghĩ, ông nói với gã hoa tiêu:
– Thế nếu ta hứa thực hiện yêu cầu của ngươi thì ngươi sẽ kể hết những điều ta cần chứ?
– Vâng, thưa huân tước, nghĩa là tất cả những gì mà tôi biết về thuyền trưởng Grant và số phận của “Britania”.
– Nói hết sự thật chứ?
– Nói hết sự thật.
– Nhưng, ai sẽ bảo đảm cho ta đây?
– Vâng, tôi hiểu điều gì đang làm ngài phải lo lắng, thưa huân tước. Ngài phải tin vào lời nói của tôi – lời của kẻ phạm tội! Đúng vậy, nhưng biết làm sao được! Sự thể đã thế rồi. Đành phải hoặc là chấp nhận hoặc là khước từ thôi.
– Ta tin ngươi, Ayrton. – Glenarvan nói một cách đơn giản.
– Huân tước làm như vậy là phải, còn nếu như tôi đánh lừa ngài thì lúc nào ngài cũng có thể trả thù tôi được.
– Bằng cách nào?
– Trở lại đảo của tôi và bắt lại tôi: vì tôi không thể trốn khỏi đảo được kia mà.
Ayrton đã trả lời tất cả. Gã đã thấy trước mọi khó khăn và tự đi đến những kết luận bất lợi nhất đối với gã. Rõ ràng là gã có thái độ thật lòng đối với giao kèo này và hết sức thẳng thắn. Nhưng Ayrton còn tỏ ra khẳng khái hơn nữa.
– Thưa huân tước và các ông, – Ayrton nói thêm, – tôi muốn các ông tin rằng tôi thành khẩn. Tôi không có ý định dẫn các ông đi lạc hướng nữa và ngay bây giờ đây, một lần nữa tôi xin chứng minh sự thành khẩn của mình trong việc này: tôi thành khẩn là bởi vì tôi tin vào sự trung thực của các ông.
– Nói đi, Ayrton, – Glenarvan giục.
– Tôi vẫn chưa được các ông chấp nhận đề nghị của tôi kia mà. Vả lại, tôi xin nói một cách không do dự rằng tôi biết về Harry Grant không bao nhiêu đâu.
– Không bao nhiêu! – Glenarvan thốt lên.
– Vâng, thưa huân tước. Những tình tiết mà tôi nói cho các ông biết đều liên quan đến cá nhân tôi. Không bieté liệu có giúp được gì cho các ông tiếp tục lần theo dấu tích đã mất không.
Vẻ thất vọng nặng nề hiện rõ trên nét mặt Glenarvan và thiếu tá. Họ vẫn cứ tin là gã hoa tiêu nắm được điều bí mật quan trọng, vậy mà bỗng nhiên gã lại thú nhận rằng mọi tin tức của gã đều vô ích đối với họ. Riêng Paganel vẫn thản nhiên. Nhưng dẫu sao cả ba người đều xúc động trước lời thú nhận của Ayrton, nhất là những lời sau cùng của gã.
– Như vậy là, thưa huân tước, tôi xin nói trước với ngài rằng bản giao kèo sẽ ít có lợi cho các ngài hơn là cho tôi.
– Điều đó không quan trọng, – Glenarvan đáp. – Ta chấp nhận lời đề ng hị của ngươi, Ayrton. Ta hứa sẽ cho ngươi lên một hòn đảo ở Thái Bình Dương.
– Tốt lắm, thưa huân tước, – gã hoa tiêu thốt lên. – Tôi xin sẵn sàng trả lời.
– Chúng tôi sẽ không hỏi nữa. – Glenarvan nói. – ngươi hãy tự kể tất cả những gì mà ngươi biết, và trước hết hãy nói ngươi là người thế nào?
– Thưa các ngài, – Ayrton bắt đầu – Tôi đích danh là Tom Ayrton, hoa tiêu tàu “Britania”. Ngày 12 tháng 3 năm 1861, tôi rời cảng Glasgow trên chiếc tàu của Harry Grant. Mười bốn tháng trời chúng tôi cùng ông ta rẽ sóng Thái Bình Dương đi tìm một nơi thích hợp để làm vùng di dân Scotland. Harry Grant sinh ra là để làm những sự nghiệp lớn, nhưng tôi và ông ta thường có những cuộc đụng độ nghiêm trọng. Tính cách của ông ấy không hợp với tôi. Tôi không biết phục tùng vô điều kiện còn Harry Grant thì khi đã thông qua một quyết định nào đó thì coi như xong và mọi ý kiến chống lại đều vô ích. Đó là con người sắt, nghiêm khắc với bản thân và với những người khác. Tôi đã có lần dám đứng lên chống ông ta. Tôi định dấy loạn trong đoàn thuỷ thủ và chiếm đoạt tàu. Tôi làm như vậy đúng hay sai, điều ấy không quan trọng. Dẫu sao thì ngày 8 tháng 4 năm 1862. Harry Grant cũng đã đẩy tôi lên vùng duyên hải phía tây Australie.
– Australie? – Thiếu tá nhắc lại, ngắt ngay lời kể của Ayrton. Nghĩa là ngươi đã rời khỏi “Britania” trước khi đến cảng Callao, là nơi đã phát đi những tin cuối cùng về con tàu ấy, phải không?
– Vâng, – gã hoa tiêu đáp. – Thời gian tôi ở tàu “Britania” thì chưa bao giờ “Britania” đỗ ở cảng Callao cả. Nếu hôm ở trang trại của Paddy O’Moore tôi có nhắc đến Callao thì đó chỉ là do tôi nghe qua chuyện các ông kể mà thôi.
– Nói tiếp đi, Ayrton. – Glenarvan nói.
– Thế là tôi lủi thủi một mình trên bờ biển gần như hoang vắng nhưng chỉ cách trại giam Perth vẻn vẹn hai mươi hải lý. Trong khi đi lang thang trên bờ tôi gặp một toán phạm nhân vừa trốn trại và nhập vào với họ. Tôi xin phép các ông không kể về đời tư của tôi trong hai năm rưỡi vừa qua. Tôi chỉ xin nói rằng tôi đã núp dưới cái tên Ben Joyce và trở thành người cầm đầu băng cướp. Tháng 9 năm 1864 tôi đến trang trại của người Irland nọ và vào làm công cho ông ta với cái tên thật là Ayrton. Tôi chờ đợi có dịp thuận lợi là cướp một chiếc tàu nào đó. Đó là ước muốn tha thiết của tôi. Hai tháng sau thì “Duncan” đã xuất hiện. Khi đến trang trại, ngài huân tước đã kể lại toàn bộ lai lịch về thuyền trưởng Grant. Qua đó tôi mới biết những gì mà trước đây tôi chưa biết, chẳng hạn: Việc “Britania” đã đậu ở cảng Callao, những tin tức cuối cùng về chiếc tàu là vào tháng 6 năm 1862 (hai tháng sau khi tôi bị đày lên bờ biển), chuyện lá thư bỏ trong chai, chuyện chiếc tàu bị đắm ở vĩ tuyến 37. Cuối cùng, tôi được biết các ông đã có kết luận xác đáng là cần phải tìm Harry Grant ở lục địa Austrlie. Tôi không lưỡng lự chút nào nữa. liền quyết định chiếm đoạt “Duncan”, một chiếc tàu tuyệt diệu, vượt xa cả những tàu chạy nhanh nhất của hạm đội Anh… Nhưng “Duncan” lúc ấy đang bị hỏng nặng. Tôi đã đề nghị đưa tàu đến Melbourne, còn bản thân tôi thì xin làm người dẫn đường cho các ông đến nơi tàu “Britania” bị đắm ở vùng duyên hải phía đông Australie. Bằng cách đó tôi đã có cớ dẫn đoàn thám hiểm của các ông đi qua tỉnh Victoria. Đồng bọn của tôi đã theo dõi các ông, lúc đi sau, lúc vượt lên trước. Chính bọn chúng đã gây ra tội ác ở cầu Camden. Nếu tàu “Duncan” mà đến được bờ biển phía đông Australie, thì đã không thoát khỏi sa vào tay tôi, mà, với một chiếc tàu như thế thì tôi đã trở thành bá chủ đại dương. Thế rồi tôi đã dẫn các ông đến sông Snowy. Bò và ngựa đã lần lượt chết vì tôi cho ăn là độc. Tôi đã để cho chiếc xe bị sa lầy ở bờ sông. Còn những điều khác thì các ông đã biết cả rồi. Các ông cũng có thể biết chắc rằng nếu không có sự sơ suất của ngài Paganel thì giờ đây tôi đã đang chỉ huy tàu “Duncan”. Thưa các ngài, đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Rủi thay, những lời thú tội này không thể giúp các ngài tìm ra dấu tích của Harry Grant. Như các ngài thấy đó, việc giao kèo với tôi ít có lợi cho các ngài.
Gã hoa tiêu im bặt, hai tay đan chéo trên ngực theo thói quen và chờ đợi. Glenarvan và những người bạn của ông im lặng. Họ cảm thấy rằng mọi điều kể của tên bất nhân lạ lùng này đều đúng sự thật. Chỉ vì những nguyên nhân khách quan mà gã không chiếm đoạt được “Duncan”.
Thiếu tá đã hỏi gã hoa tiêu về một số mốc thời gian có liên quan đến tàu “Britania”.
– Như vậy là ngươi đã bị đày lên bờ biển phía tây Australie ngày 8 tháng 4 năm 1862?
– Đúng thế.
– Thé ngươi có biết trong thời gian ấy Harry Grant có kế hoạch gì không?
– Tôi chỉ biết mang máng thôi.
– Cũng được, cứ nói đi: một sự thật dù nhỏ bé cũng có thể giúp chúng tôi xác định đúng hướng tìm thuyền trưởng Grant.
– Đây là tất cả những gì tôi có thể nói với các ngài: thuyền trưởng Grant đã dự tính đến New-Zealand. Khi tôi còn ở tàu “Britania” thì những ý định đó ông ta chưa thực hiện. Như vậy, không thể loại trừ khả năng thuyền trưởng Grant khi rời cảng Callao đã đi thẳng New-Zealand. Điều đó khớp với thời gian đắm tàu được nói ở trong thư: 27 tháng 6 năm 1862.
– Hoàn toàn đúng như vậy, – Paganel lên tiếng.
– Nhưng mà không có từ nào trong lá thư nói đến New-Zealand – Glenarvan bác lại.
– Về điều này thì tôi không thể trả lời các ngài được! – Gã hoa tiêu nói.
– Thôi được rồi, Ayrton, – ngươi đã giữ lời hứa, thì cũng giữ lời hứa. Chúng tôi sẽ bàn xem cho ngươi lên đảo nào ở Thái Bình Dương.
– Ồ, đối với tôi thì đảo nào cũng vậy thôi. – Ayrton tuyên bố.
– Ngươi hãy về chỗ và đợi quyết định của chúng tôi. – Glenarvan nói.
Gã hoa tiêu ra khỏi phòng, có hai thuỷ thủ đi kèm.
– Tên bất lương này có thể trở thành một người chân chính, thiếu tá nói.
– Đúng, – Glenarvan tán thành. – Hắn thông minh, kiên quyết nhưng phải hướng hắn làm những điều thiện kia.
– Thế còn Harry Grant?
– Tôi sợ không thể tìm được ông ta. Tội nghiệp cho những đứa con của ông ấy. Ai có thể nói được cha của chúng bây giờ ở đâu?
– Tôi, – Paganel lên tiếng. – vâng, tôi…
Bạn đọc để ý thấy rằng nhà địa lý thường ưa nói, hay nóng vội, nhưng suốt cuộc hỏi cung hầu như ông không nói gì. Ông chỉ im lặng ngồi nghe. Những điều ông nói bây giờ đáng giá ngàn vàng, Glenarvan tươi tỉnh hẳn lên.
– Ngài ư? Paganel? Ngài biết thuyền trưởng Grant đang ở đâu? – Huân tước kêu to lên.
– Vâng, nói chung là có thể biết được. – nhà địa lý đáp.
– Làm sao ngài biết?
– Tất cả đều từ bức thư ấy mà ra.
– À, à… – Giọng thiếu tá đầy vẻ nghi ngờ.
– Trước hết, ông hãy nghe đã Mac Nabbs, rồi sau hãy nhún vai. – nhà địa lý nhận xét. – Tôi bấy lâu vẫn im lặng, biết rằng, dù sao ông vẫn không tin tôi. Vậy thì nói ra để làm gì? Nếu như bây giờ tôi quyết định nói ra điều ấy thì đó chỉ là vì những lời của Ayrton đã xác nhận giả định của tôi mà thôi.
– Nghĩa là thuyền trưởng Grant đang ở New-Zealand sao? – Glenarvan hỏi.
– Xin ngài hãy nghe tôi, rồi sau đó ngài tự xác định. – Paganel trả lời. – Sự sơ suất trong lá thư đã cứu chúng ta ấy không phải là tình cờ đâu, có thể giải thích được. Khi tôi viết lá thư theo lời đọc của huân tước, thì từ “New-Zealand” cứ ám ảnh tôi hoài. Lý do là thế này, Ngài có nhớ chúng ta ngồi trên xe kéo, Mac Nabbs đã kể cho huân tước phu nhân nghe về bọn tội phạm, về tai nạn xe lửa trên cầu Camden không? Hôm ấy, thiếu tá đã đưa cho Helena tờ “báo Australie và New-Zealand”. Trong đó có bài tường thuật về tai nạn xe lửa đó. Lúc tôi viết thư, tờ báo ấy nằm trên sàn xe, được gấp lại, tên tờ báo bằng tiếng Anh bị lấp đi, tôi chỉ còn trông thấy có hai âm tiết cuối cùng là “Aland”. Trước đây ta vẫn cho rằng từ ấy có nghĩa là “lên mặt đất”. Nhưng thực ra đó là đuôi của từ “Zealand” 1
– Có chuyện gì nữa đây? – Glenarvan ngạc nhiên bật dậy.
– Vâng, – Paganel tiếp tục bằng một giọng hết sức tự tin. – lời giải thích ấy trước đây tôi chưa nghĩ ra. Và ngài có biết tại sao không? Tại vì rằng, tôi cũng rất tự nhiên thôi, chủ yếu là nghiên cứu bức thư bản tiếng Pháp là bản đầy đủ hơn các bản khác. Nhưng khốn nỗi, bản này lại không có cái từ quan trọng đó.
– Ôi dào? Sao mà khéo tưởng tượng thế, ngài Paganel, – Mac Nabbs nói. – Sao ngài lại dễ quên những điều kết luận trước kia của ngài thế!
– Không đâu, thiếu tá, tôi sẵn sàng trả lời ngài về tất cả mọi điều.
– Thế thì xin ngài cho biết ngài giải thích như thế nào từ “Austral”!
– Cũng vẫn như lúc đầu thôi. Nó có nghía là “ở phía nam”.
– Hay lắm! Thế còn những chữ “indi” mà lúc đầu được giải thích là “indiens” – những người da đỏ”, sau đó lại giải thích là “indigenes” – những người thổ dân”? Thế bây giờ ngài hiểu từ đó như thế nào?
– Lời giải thích thứ ba và cũng là lời giải nghĩa cuối cùng như sau: đó là những chữ đầu của từ indigence – “thiếu thốn.”
– Còn từ “contin”? Có nghĩa là “lục địa” như cũ không? – Mac Nabbs hỏi.
– Không, tất nhiên rồi, vì New-Zealand chỉ là đảo.
– Vậy thì thế nào bây giờ? – Glenarvan hỏi.
– Thưa huân tước thân mến, bây giờ tôi xin đọc cho ngài nghe nội dung của lá thư theo cách giải thích mới, cách giải thích thứ ba, rồi ngài sẽ tự hiểu. Nhưng, trước tiên, tôi yêu cầu ngài: một là, hãy quên đi những lời giải thích trước đây, gạt bỏ đi những định kiến. Hai là ngài hiểu cho, có thể có một số chỗ ngài thấy dài dòng mà tôi giải thích chưa thật đạt lắm. Chẳng hạn như từ Agonie, là từ mà tôi không thể nào giải thích khác được. Nhưng, tất cả những chỗ ấy hoàn toàn không quan trọng. Hơn nữa, lời giải thích của tôi dựa vào bản thư bằng tiếng Pháp, mà xin ngài chớ quên rằng nó lại do một người Anh viết, nên có thể có một số đặc điểm của tiếng nước ngoài, ông ta không biết. Bây giờ tôi xin bắt đầu.
Paganel chậm rãi và dõng dạc đọc như sau:
– Ngày 27 tháng 6 năm 1862, chiếc tàu ba cột buồm “Britania” đi từ cảng Glasgow, sau thời gian “hấp hối” kéo dài, đã bị đắm ở vùng biển phía nam, gần bờ biển New-Zealand (theo bản tiếng Anh là Zealand). Hai thuỷ thủ và thuyền trưởng Grant đã thoát được lên bờ. Ở đây thường xuyên bị thiếu thốn cùng cực, họ đã thả bức thư này ở kinh độ… và vĩ độ 37011’. Hãy đến cứu giúp họ, hoặc là họ sẽ bị chết.
Paganel im lặng. Lời giải thích bức thư như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng chính vì nó tưởng như đúng với sự thật, nên nó vẫn có thể sai. Bởi vậy mà cả Glenarvan lẫn thiếu tá đều bài bác nó. Tuy nhiên, nếu dấu tích của “Britania” đã không được tìm thấy ở cả bờ biển Patagonia lẫn bờ biển Australie, nơi vĩ tuyến 37 đi qua, thì tất nhiên nó có cơ hội được tìm thấy ở New-Zealand.
Khi nhà địa lý nói điều đó, các bạn của ông lấy làm ngạc nhiên.
– Paganel, xin ngài cho biết. – Glenarvan nói với ông, – tại sao suốt hai tháng qua ngài cứ giữ kín lời giải thích ấy?
– Bởi vì toi không muốn gieo hy vọng cho các bạn một cách vô ích. Hơn nữa, đằng nào thì cũng ta cũng đi Aucklan là nơi cũng nằm đúng ngay trên vĩ độ đã được nói đến trong thư.
– Thế, sau đó, khi chúng ta đi chệch đường, tại sao ngài cũng không nói gì?
– Là vì, lời giải thích của toio, dù có đúng đi nữa, thì khi ấy cũng không thể giúp cho việc cứu thuyền trưởng.
– Tại sao ngài lại nghĩ như vậy?
– Vì rằng, nếu từ đó đến nay đã hai năm rồi, mà không thấy thuyền trưởng đâu, có nghĩa là ông đã mất, hoặc là trong vụ đắm tàu, hoặc là trong tay người New-Zealand.
– Ngài nghĩ vậy? – Glenarvan hỏi.
– Tôi nghĩ rằng, có thể là chúng ta tìm được dấu vết của “Britania” nhưng những người bị nạn thì chết mất rồi, không bao giờ trở lại nữa.
Các bạn của tôi, đừng nên nói ra điều này. – Glenarvan nói. – Hãy thu xếp cho tôi một dịp thích hợp, để tôi báo tin ấy cho những đứa con của thuyền trưởng Grant.