Những Ngày Tươi Đẹp
Chương 03
Dì Phong nhất định bắt buộc tôi ở lại nhà dì để chăm sóc việc ăn uống được kỹ càng. Tôi phải đưa ra nhiều lý do như sự yên tĩnh, thoáng khí và sống một mình tôi mới dễ làm việc. Tôi cần viết xong tập tiểu luận trong vòng ba tháng để kịp trình Hội Đồng Giám Khảo vào tháng mười hai. Nghe vậy, dì Phòng mới chấp nhận đòi hỏi của tôi.
Ba ngày sau, tôi trở lại rẫy. Căn nhà tranh đã được quét dọn gọn gàng. Trong nhà có một giường nylon, một chiếc bàn và một chiếc ghế đúng như lời tôi yêu cầu, vì không muốn tiếp khách ở đây. Tôi còn có một bếp dầu để đun nước uống, một phích chứa nước sôi để pha cà phê khi cần. Sau nhà có một ảnh nước lớn cho tôi tắm rửa. Còn cơm ăn, không muốn tôi mất thì giờ nấu nướng, dì Phong đã nhờ bác Năm nấu và đem sang mỗi bữa.
Trên bàn tôi để tất cả những quyển sách cần thiết. Một máy cassette chạy pin và những băng nhạc ưa thích đem từ Sài Gòn ra. Khi biết trong vườn có một cây trúc đào nở hoa bốn mùa, tôi đã nhờ bác Năm cưa ngang một ống tre khô và như thế trên bàn còn có thêm một “bình hoa” trúc đào luôn luôn có những bông hoa đỏ hồng tươi thắm.
Tập tiểu luận của tôi viết về chí Tôn ca (bhagavad Gità). Đó là một tập thơ (nhưng chẳng thơ mộng tí nào) dài 700 câu, là một phần rất nhỏ của thiên anh hùng ca vĩ đại Mahâbhârata dài 10.000 câu, được sáng tác ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ năm trước Thiên chúa giáng sinh. Theo các học giả, chí Tôn ca là một Cuốn Thánh thư nào vĩ đại, đầy đủ và vắn tắt bằng nó. Công việc của tôi là cố gắng nói lên đầy đủ sự vĩ đại của tập thơ vắn tắt đó, trong tập tiểu luận nhỏ bé của mình.
Tôi quyết định mỗi ngày phải viết mười trang giấy pelure và trong vòng hơn một tháng hay tháng rưỡi tôi phải hoàn tất tập tiểu luận. Tôi tự viết một thời khóa biểu, dán trên ván như sau:
07g: tắm biển
07g: 30: ăn sáng, nghe nhạc
08g: viết
12g: ăn trưa, nghe nhạc
12g30 ngủ
15g viết
18g30 tắm biển
19g ăn tối, nghe nhạc
20g viết
23g ngủ
Bị chú ngày chủ nhật tự do.
Tôi đã sống đúng thời khóa biểu trên được mười một ngày. Tập tiểu luận của tôi đã được 100 trang, không kể bốn trang bìa. Chỉ có 100 trang vì ngày chủ nhật tôi dành thì giờ về thăm gia đình dì Phong.
Giữa tháng chín, trời đã đổ những cơn mưa nửa đêm làm không khí mát lạnh vào những buổi sáng, khiến người ta dễ ngủ vùi. Nhưng theo thói quen tôi đã thức giấc vào lúc mặt trời nhô lên khỏi mặt biển và tiếng chim hót ríu rít vang lên trong những lùm cây táo ngoài vườn.
Thường ngày, tôi cởi trần và mặc quần tắm chạy thẳng ra biển bơi lội. Sáng nay, trời gây gây lạnh tôi phải mặc quần dài, áo thun và choàng khăn tắm quanh vai khi rời khỏi nhà.
Bầu trời, mặt biển đã được cơn mưa đêm qua tắm gội, trông trong sáng hơn mọi ngày. Tôi cất tiếng chào biển, người vợ hiền của ta ở chốn này. Gần hai tuần sống ở đây, tôi và biển đã làm lễ cưới. Biển không còn là người tình đầu, thầm thì những lời yêu thương lẩm cẩm với tôi như xưa. Bây giờ biển là vợ tôi và mỗi ngày “nàng” có bổn phận tắm rửa kỹ càng cho tôi hai lần. Trời còn gây lạnh, chạy bộ khoảng một cây số cho nóng người. Trước khi nhảy xuống biển, tôi tưởng nước lạnh lắm, không ngờ nước biển ấm hơn không khí trên mặt nước. Tôi trầm mình lặn những hơi dài trong khi bơi ra xa.
Chưa bao giờ tôi gặp một người tắm chung với tôi ở quãng biển này. Ngay cả trên bờ, tôi cũng ít khi gặp người lạ đi ngang vì rẫy của nhà Minh ở khá xa khu đông dân cư. Một mình giữa thiên nhiên bao la, tôi kêu rú lên từng hồi một cách man dại rồi bật cười hặc hặc. Chắc bà vợ biển của tôi phải bực mình lắm vì đã lấy nhằm một ông chồng khùng.
Khi bơi vào gần bờ, tôi nhìn thấy một cô gái đang đứng ở chỗ tôi để quần áo và đang hướng ống nhòm về phía tôi. Tôi nghĩ là bé Phượng, nhưng nhìn kỹ quần áo cô gái mặc, tôi biết không phải là cô em họ của tôi, Phượng đâu có diện áo pull, quần jeans “kẻng” như vậy, có lẽ đó là cô Ngọc, con gái bác Năm người giữ rẫy như Minh đã nói, nhưng tôi chưa có dịp gặp mặt lần nào.
Tôi phớt tỉnh ăng lê đi lên bờ. Theo thói quen, tôi nghiêng đầu nhảy vài cái cho nước biển trong tai chảy ra và tôi thấy cô gái vẫn hướng ống nhòm về phía tôi. Bị quan sát kỹ quá, tôi đâm nhột, chẳng còn phớt tỉnh ăng lê nữa.
Tôi đi nhanh về phía cô gái, định ôm quần áo về nhà tắm lại bằng nước ngọt.
Khi tôi đến gần cô gái thả ống nhòm đeo tòn teng trước ngực và chúa ơi, nàng đâu phải là người xa lạ. Nàng chín là cô bé “kiêu lắm” mà tôi và Minh đã gặp ở ngoài phố hôm nào. Cô bé nhìn tôi từ đầu đến chân rồi buông tiếng thở dài.
– Ông làm tôi thất vọng!
Theo đúng truyền thống con trai Bắc kỳ “ăn miếng trả miếng” chứ không có nhường nhịn.
– Chắc em tưởng tôi là “kép độc” của một gánh cải lương mà em ưa thích, vừa mới từ Sài Gòn ra huyện hát phải không?
– Không. Tôi tưởng ông là một quái vật. Nghe tiếng kêu rú vang mặt biển, tôi đã đưa ống nhòm ra quan sát hy vọng được thấy một quái vật thời tiền sử còn sống sót ở biển này, không ngờ chỉ là ông. Một người rất tầm thường vì có đủ đầu, mình và tay chân.
Nghe cô bé trả lời, tôi biết nàng chẳng phải thuộc loại “con nai vàng ngơ ngác” mà là “con nai vàng có sừng”. Đúng là dân học ở Tây về, miệng lưỡi “ăn người” lắm. Tôi cúi xuống ôm quần áo vào ngục định “lỉnh” cho xong chuyện, nhưng cô bé còn nói với theo.
– Ông không cảm ơn tôi à?
Dòng máu nóng trong tôi đột nhiên nổi lên cuồn cuộn như thác đổ. Tôi đâu phải là hạng đàn ông để cho mấy cô “nhí” hạ mình bằng “võ miệng” dễ dàng. Tôi gắt:
– Cảm ơn cô. Cái búa!
Cô bé bật cười rồi khum tay che miệng
– Ông ăn nói “bất lịch sịch” quá. Tôi đã mất thì giờ đứng coi chừng quần áo cho ông khỏi bị mất cắp, vậy mà ông không thèm một lời cám ơn tử tế.
Tôi nhún vai trả lời:
– Tôi có “thuê” cô coi hộ quần áo hồi nào đâu. Ở khúc biển này có ma nào đến mà sợ mất cắp.
– Vậy mà vừa rồi có mọi người sắp lấy cắp quần áo của ông, nếu không có tôi ngăn cản.
Tôi ngó quanh hỏi:
– Ai đâu?
Cô bé chỉ vào mặt cô và đáp.
– Chính tôi.
Tôi bật cười hặc hặc. Mỗi khi tôi bật cười hặc hặc thì lạ lùng thay dòng máu trong tôi lại phẳng lặng như “nước hồ thu” Tôi trở nên ăn nói rất dịu dàng, nhưng có duyên hay không thì còn phải xét lại.
– Cám ơn em đã coi giùm quần áo. Sao em không xuống biển tắm? Nước ấm lắm.
Cô bé nói:
– Tôi chỉ thích nhìn biển.
– “Nhìn biển” chúa ơi, tôi đã hiểu cô bé này mắc chứng bệnh thiếu “đứng đắn” như tôi ngày xưa. Tôi hỏi:
– Em mười bảy tuổi phải không?
– Ai nói cho ông biết vậy?
– Rimbaud.
– Rimbaud?
– Phải. Ông ấy đã nói “Người ta không thể đứng đắn khi mới mười bảy tuổi”.
– Ông nghĩ tôi là người thiếu “đứng đắn”.
– Phải. Khi em đã đi bộ mỏi chân ra biển, nhưng không tắm mà chỉ đứng nhìn.
– Như vậy, tôi thiếu “đứng đắn” hơi sớm vì một tuần nữa mới ăn sinh nhật mười bảy tuổi.
Mặt trời mọc lơ lửng trên mặt biển xanh thẫm như một quả bóng bóng bay màu đỏ rực, đang chuyển dần sang màu vàng óng. Không đeo đồng hồ, nhưng tôi cũng biết đã đến giờ ăn sáng theo thời khóa biểu. Tôi nói với cô bé
– Nếu em rảnh, mời em đến nhà tôi uống cà phê. Nhà tôi ở trong rẫy kia.
Tôi chỉ tay cho cô bé thấy những tàng cây xanh vươn cao ở phía sau những đụn cát. Cô bé nói:
– Vâng. Tôi sẽ uống, nếu cà phê ông pha không quá tệ.
Tôi quàng khăn tắm quanh vai bước đi trước và cô bé đi theo bên cạnh. Buổi sáng mát rượi. Trên những đụn cát vẫn còn ẩm ướt, dấu vết của trận mưa đêm qua chưa biến mất. Tôi dẫn cô bé đi trên một đường mòn nhỏ bé để tránh những cây cỏ chông chông hình cầu tua tủa những gai dài đâm vào ống chân đau buốt.
– Này cô bé…
– Tôi lớn rồi, xin ông đừng gọi tôi là “cô bé”.
– Vậy, này “cô lớn”…
– Ồ, tiếng đó nghe kỳ quá.
– Vậy thì “cô vừa vừa”…
– Thôi, ông cứ gọi tôi là “cô bé” đi cho được việc.
– Này cô bé, có phải em đã học ở bên tây về?
– Không phải bên Tây đâu, tôi học ở Bỉ.
– Nhưng chắc em cũng rành Pascal.
– Phải. Một nhà tư tưởng lớn người Pháp.
– Chắc em cũng biết ông ấy đã nói câu: “cái tôi là cái đáng ghét”.
– Phải. Tôi đã làm một bài luận về câu nói đó.
– Như vậy em bỏ xưng “tôi” được không?
– Tại sao?
– Ở tuổi em, xưng “tôi” là cái đáng ghét.
– Đấy là cái giá phải trả cho ly cà phê của ông?
– Không đắt lắm đâu cô bé, khi em được uống cà phê do chính tay tôi pha.
– Được rồi “em” đồng ý với điều kiện ông phải tiếp tục xưng “tôi”.
– Tại sao tôi không được phép dùng tiếng “anh” cho ngọt ngào.
– Vì ông xứng đáng với tiếng “tôi” đáng ghét.
Nắng buổi sáng còn yếu, phải khó nhọc mới chiếu xuyên qua được những lùm cây thấp xuống mảnh đất trước nhà những đốm vàng nho nhỏ. Tôi mở tung tất cả các cánh cửa của căn nhà tranh để xua đuổi bóng tối còn ẩn ở góc nhà. Tôi kéo ghế mời cô bé ngồi, rồi đi bắc ấm nước lên bếp dầu. Ra sau nhà tắm rửa xong, tôi mặc quần áo chỉnh tề pha chế cà phê.
– Em uống cà phê đen hay cà phê sữa?
– Em không uống được sữa, ông cho em ly cà phê đen.
Tôi pha cho cô bé một phin cà phê vào chiếc tách trắng uống trà và pha cho tôi một ly cối sữa nước sôi. Tôi cầm phin cà phê lên cho nhỏ vài giọt xuống ly sữa rồi đặt chiếc phin xuống lại chiếc tách.
– Ông không uống được cà phê?
– Buổi sáng tôi uống một ly “pạc xỉu” để được no đến trưa.
Trên bàn có hai trái bắp luộc đã nguội. Chắc bác Năm đã đem qua lúc tôi ra biển tắm. Mỗi sáng, bác thường đem qua cho tôi bắp luộc hay khoai mì, khoai lang luộc để ăn lót dạ. Tôi rất khoái mấy món ăn miền quê đó, ăn chúng tôi thấy ngon miệng hơn ăn bánh mì bơ đường như ở Sài Gòn. Tôi bóc vỏ một trái bắp mời cô bé. Em cầm lấy, tẻ từng hạt rồi bỏ vào miệng nhai. Ăn kiểu đó chắc đến mai mới xong. Tôi thích ăn kiểu “thổi kèn harmonica” hơn và chỉ một phút sau (chắc không lâu đến một phút đâu ) trái bắp trong tay tôi đã trơ cùi.
– Ông ngồi đi chứ, sao đứng hoài vậy?
Trong nhà chỉ có một chiếc ghế, tôi phải kéo chiếc giường nylon đến gần bàn và ngồi xuống. Chiếc giường thấp, mỗi lần muốn cầm ly sữa trên bàn tôi lại nhổm người dậy. Biết có ngày cô bé sẽ đến nhà này, chắc tôi đã xin dì Phong hai chiếc ghế.
Cô bé xúc một ít đường bỏ vào tách cà phê khuấy đều. Em hỏi:
– Ông sống ở đây một mình?
– Không. Tôi sống với cái bóng của tôi nữa. Em muốn nghe nhạc không?
Cô bé gật đầu.
– Nếu ông có băng nhạc hòa tấu nào đó.
Tôi đứng dậy tìm trong đống băng nhạc một cuốn băng tôi đã thâu những bản nhạc đệm trong các cuốn phim mà tôi ưa thích. Cuốn băng từ ngày ở đây tôi chưa nghe lại lần nào. Tôi bỏ cuốn băng vào máy cassette và hỏi:
– Em có yêu cầu bản nào không?
– Ông hãy cho em nghe bản nào ông thích nhất.
Tôi ấn nút rewinh cho cuốn băng chạy ngược lại. Bản nhạc tôi thích nhất đã được thâu ở đầu cuốn băng. Tôi ngồi xuống giường, đánh diêm châm thuốc hút, chờ đợi tiếng nhạc vang lên. Hy vọng cô bé cũng thích bản nhạc đệm trong cuốn phim Quelque’un dernier la porte do charles Bronson đóng. Bản nhạc có lẫn tiếng sóng và tiếng chim hải âu kêu, được đệm trong đoạn phim một người đàn ông mất trí đi trên bờ biển cố nhớ lại xem mình có phải là thủ phạm của một vụ án mạng.
Đoạn nhạc dạo vang lên khiến tôi giật mình. Tôi đã bỏ lầm băng nhạc rồi chăng? Không, trong đống băng nhạc của tôi làm gì có bản nhạc quái quỉ đó. Bản nhạc Somewhere My Love. Bây giờ tôi mới hiểu sự “páo thù” của cô em gái tôi. Con nhỏ đã tráo đổi cuốn băng của nó để tôi đem ra ngoài này nghe cho bỏ ghét. Tôi đứng dậy định tắt bản nhạc phải gió đó đi, cô bé đã gật gù nói
– Không ngờ ông hợp “gout” với em. Em rất thích nghe bản Somewhere My Love, nhất là những ngày sống ở Bỉ, khi phải giam mình trong phòng nhìn tuyết rơi trắng xóa phủ kín mọi vật bên ngoài.
Được cô bé nhận là hợp gout, tôi không dám đính chính, đành ngồi im trên giường, bậm môi cố gắng chịu đựng cho bản nhạc của nợ qua đi. Lấy một quyển sách dày cộm trên bàn, cô bé lật xem vài trang rồi để lại chỗ cũ. Em nói:
– Ông làm rẫy mà cũng chịu khó đọc sách mở mang kiến thức ghê. Loại sách Philo này em không dám đọc vì sợ nhức đầu.
Tôi đành phải “thanh minh thanh nga” cho cô bé biết, tôi từ đâu đến và đến đây để làm gì. Em cười nói
– Không ngờ ông học cao dữ vậy. Em xin lỗi đã lầm tưởng ông là một nông dân.
Tôi cười.
– Em không tưởng lầm đâu. Tôi định lấy vợ quê và sống bằng nghề nông. Còn em, em vui lòng cho tôi biết sơ qua về “tiểu sử” được chứ?
– Je suis comme je suis. Ông thấy em như thế nào thì em như thế ấy. Chẳng có gì đáng nói thêm.
– Thì em cũng có thể nói cho tôi biết em từ đâu đến chứ?
– Từ sương mù.
– Chắc em là “thi sĩ”.
– Em không nói đùa đâu. Em từ thành phố sương mù Đà Lạt xuống đây.
Vậy mà tôi cứ tưởng em từ ngoại quốc về đây nghỉ hè.
– Em về nước hơn hai năm rồi. Em đến đây không phải để nghỉ hè mà để…
Cô bé ngừng nói: Em nhắm mắt lại rồi thở dài.
– Thôi ông ạ. Hiểu nhau nhiều chúng ta sẽ khó thân với nhau.
Thấy em có chuyện buồn muốn giấu nên tôi hỏi lảng sang chuyện khác.
– Mỗi sáng em đều đi “nhìn” biển sớm như hôm nay?
Cô bé bưng tách cà phê lên uống một ngụm nhỏ rồi áp chiếc tách vào má.
– Em thường đi quanh quẩn ở khúc biển phía gần phố vào hai buổi sáng và chiều. Ít khi em đi lên trên này. Còn ông sáng nào cũng đi tắm biển chứ?
– Tôi tắm cả buổi chiều nữa. Nếu em thường đi lên khúc biển này, chắc tôi gặp em từ lâu.
Cô bé đặt tách cà phê xuống chiếc đĩa trên bàn, chợt nhớ ra chuyện gì em ngẩng đầu lên hỏi tôi.
– Ông sống ở đây như người ở ẩn, làm sao biết được em ở ngoại quốc về?
– Cậu em họ của tôi nói có biết em.
– Em ông là ai vậy kìa?
– Chính cậu là người đã bóp còi xe Honda kêu vang như còi xe chữa lửa khi gặp em ngoài phố.
Cô bé cười gục gục đầu.
– Em nhớ ra rồi. Mà sao ông biết chuyện ấy, em ông kể lại à?
– Lần ấy, tôi ngồi ở phía sau xe Honda.
– Chúa ơi, vậy mà em cứ tưởng hai “nhóc” nào trêu em.
Tôi cười hỏi:
– Hình như đã có lần em “chọc quê” cậu em tôi?
– Vâng. Có một tối em vào uống cà phê ở một quán gần nhà thờ. Em ông đã đến xin được trả tiền. Ông biết em làm sao không?
– Em đã trả luôn ly cà phê cho cậu em tôi?
– Làm gì có chuyện đó. Em đã nói bà chủ quán gói cho em mười cái bánh ngọt, để em ông trả tiền luôn.
Tôi bật cười
– Hèn chi cậu em tôi có vẻ “cay cú” em lắm.
Cô bé bưng tách cà phê lên uống một ngụm nữa rồi nói:
– Mấy giờ rồi ông?
– Tôi đứng dậy tìm chiếc đồng hồ đeo tay để lẫn trong đống sách bừa bộn trên bàn.
– Tám giờ bốn lăm.
Cô bé vội kéo ghế đứng dậy.
– Trễ giờ rồi. Em xin phép ông, em về.
– Ngồi chơi đã. Em có chuyện gì mà cần về gấp vậy?
Cô bé chỉ tấm bìa ghi thời khóa biểu tôi dán trên vách.
– Em đã làm mất bốn mươi lăm phút viết lách của ông rồi.
– Ôi, có gì quan trọng đâu. Chiều tôi viết cũng được. Em cứ ngồi nói chuyện cho vui.
Cô bé lắc đầu
– Không nên làm sai những gì mình đã hoạch định, ông ạ, chỉ cần làm sai một lần rồi sẽ sai mãi.
Tôi xé tấm bìa ghi thời khóa biểu, vo tròn lại ném qua cửa sổ.
– Thời khóa biểu đó xưa rồi. Tôi đã áp dụng một thời khóa biểu mới sáng nay nghỉ.
Cô bé cười nói:
– Thôi để dịp khác chúng ta sẽ gặp nhau. Em có lời khen cà phê ông pha rất ngon.
– Vậy em hãy ngồi lại đây, tôi pha cho em một ly nữa. Ly thứ hai, tôi luôn luôn pha ngon hơn ly đầu nhiều.
Cô bé lắc đầu.
– Cảm ơn ông, em đã no.
Tôi định đưa cô bé về một đoạn đường, nhưng em không chịu. Tôi đành đứng tựa cửa nhìn theo, cho đến khi em đi khuất sau hàng cây xương rồng có những nụ hoa đỏ tươi.
Trở vào nhà, tôi tắt máy cassette, đá chiếc giường nylon về chỗ cũ. Ngồi xuống ghế, tôi rủa thầm. Bố khỉ, cái thời khóa biểu hại chủ. Tôi lấy tấm bìa khác ghi ngay một thời khóa biểu mới.
07g tắm biển
07g30 ăn sáng, nghe nhạc
08g chơi
12g ăn trưa, nghe nhạc
12g30 ngủ hay thức nói chuyện cũng được
15g chơi
18g30 tắm biển
19g ăn tối
20g viết chút ít hay chơi
23g chắc chắn phải ngủ để lấy sức mai chơi tiếp
Bị chú được quyền thay đổi cho phù hợp với tình thế.
Tôi gạch thêm hai gạch màu đỏ dưới dòng chữ bị chú cho chắc ăn. Ba má tôi nếu được đọc tấm thời khóa biểu này, chắc sẽ hài lòng ghê gớm về sự “chăm chơi” của tôi.
Nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ. Tôi lấy xấp bản thảo tập tiểu luận ra viết tiếp. Trang giấy trắng trải ra trước mặt sáng nay, sao bỗng rộng mênh mông hơn cả sa mạc Sahara. Như người lữ hành đói khát lạc đường trong sa mạc, không còn phân biệt được phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mắt hoa lên như nhìn đâu cũng thấy “ốc đảo” có giếng nước ngọt và hàng dừa trĩu trái. Tôi cũng chẳng còn phân biệt được Karma với Arjuna, Jnâna-mârga với Karma-mârga, Asat với Sat… Mắt hoa lên, nhìn đâu cũng thấy “cô bé” có đôi mắt đen láy và nụ cười tươi mát.
Brahmâ ơi! Học hành kiểu này chắc có ngày con sẽ gặp Ngài ở chợ trời.
Tự dưng cơn hứng trong người tôi nổi lên dào dạt, tôi cầm bút say mê viết. Sau một hồi hì hục làm việc, tôi quăng bút nhìn lại công trình sáng tác của mình. Lạ lùng chưa, trên mặt giấy chẳng có chữ nghĩa, sáng nay tôi cho chúng đi chỗ khác chơi.
Tôi khoái bức tranh “bất đắc dĩ” do mình “viết” ra lắm lắm. Tôi dán bức tranh lên vách, châm một điếu thuốc ngồi ngả lưng ở ghế dựa ngắm nghía một cách say mê. Nhưng, chúa ơi! Sao càng nhìn lâu tôi càng thấy hình người trong tranh chẳng giống cô bé tí nào mà lại giống tôi y hệt. Giống tôi thì dán lên vách làm cái quái gì. Tôi giựt bức tranh ra khỏi vách và xé vụn ném ra ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ là thùng rác vĩ đại của tôi.
Trí nhớ tôi vốn rất kỳ dị. Nhiều khi một vài chữ Anh, Pháp hay Phạn ngữ rất thông thường vậy mà tôi vẫn quên “béng” đi mất. Muốn viết những chữ đó ra trên giấy, tôi phải khó nhọc tra lại từ điển. Những người thân xa cách lâu ngày khi gặp lại vẫn thường trách tôi “vô tình” vì sau một hồi chuyện trò “cà kê dê ngỗng” tôi đã xin lỗi hỏi họ tên gì? Ngay địa chỉ nhà tôi, tôi cũng thường viết sai số nhà hoài hoài. Mỗi khi gởi thư cho ai, tôi phải móc ví lấy thẻ sinh viên xem lại địa chỉ cho chắc.
Cái gì tôi cũng chỉ nhớ loáng thoáng. Nhất là những khuôn mặt người khác, tôi chỉ nhớ được một, hai điểm khác biệt nào đó mà thôi, nhưng chắc chắn tôi không thể nào quên hẳn họ được dù chỉ nhìn thoáng qua một lần.
Nhưng có điều lạ là khi tôi cố quên một cái gì thì cái đó lại hiện ra rõ ràng trong óc. Đã nhiều lần tôi cố quên hẳn khuôn mặt mấy ông chủ nợ, nhưng buồn thay chính những lần cố quên đó, khuôn mặt của mấy ông lại lù lù hiện ra rõ ràng đến nỗi tôi có thể nói chính xác lông mũi của ông này dài hơn lông mũi của ông kia mấy milimét.
Sợ có thể quên đi khuôn mặt của cô bé hay nhầm lẫn em với cô gái ở một tiệm cầm đồ bình dân Sài Gòn, luôn miệng chê đồng hồ của tôi cũ, mỗi khi tôi đem đến cầm vì kẹt tiền đi ciné. Tôi nghĩ phải tìm một vật gì đặt trước mặt để dễ dàng liên tưởng đến em.
Tôi mở valy lấy ra tập nhạc “ca khúc cho người tình bé nhỏ” của một anh bạn gửi tặng. Bìa tập nhạc đã in lại một bức tranh sơn dầu của đinh Tiến Luyện vẽ một cô bé khỏa thân. Cô bé đứng giữa trời trong một đêm sương có trăng mờ nhạt, tay em cầm một nụ hồng đỏ rực, ép sát vào ngực như để truyền hơi ấm từ đóa hoa cho người.
Cô bé trong tranh nhìn nghiêng trông hao hao giống cô bé của tôi ở ngoài đời từ đầu đến cổ. Còn từ vai trở xuống, tôi thật sự chẳng biết cô bé của tôi có giống cô bé trong tranh không?
Tôi ghim bức tranh cô bé khỏa thân trên vách. Sợ mình ham nhìn cô bé trong tranh, đầu óc lung lạc quên cả học hành, tôi mở cuốn Philosophies of India xé tấm ảnh chụp tượng Đấng sáng tạo Brahmâ có bốn đầu. Tôi ghi tấm ảnh lên trên bức tranh cô bé để nhờ Ngài nhắc nhở và “phù hộ” tôi viết cho xong tập tiểu luận trong tháng này.
Nhưng bức tranh vẫn chưa đủ giúp tôi liên tưởng dễ dàng đến cô bé. Tôi phải mở cassette nghe thêm bản nhạc trời đánh Somewhere My Love. Nhờ bản nhạc hợp gout với cô bé (nhưng chẳng hợp gout với tôi tí nào), tôi đã hình dung ra cô bé rất rõ ràng, mỗi khi muốn nhớ đến em.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.