Những Ngày Tươi Đẹp

Chương 14



Khi đến đón cô bé đi học, tôi đã đứng ngây người như phỗng đá nhìn em trong chiếc áo dài màu trắng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô bé mặc y phục Việt Nam và trông em rất “ngộ”. Cô bé hơi đỏ mặt, em hỏi:

– Em có gì khác lạ mà ông nhìn kỹ vậy?

– Trông em giống y chang một… nữ sinh.

Cô bé chun mũi.

– Em không giống nữ sinh thì giống y hệt cô giáo à? còn ông hóa trang khéo lắm, trông ông giống y hệt một nam sinh.

– Một nam sinh ngu đần nhất lớp. Vì mặt mày già khằn như tôi mà còn ngồi học lớp mười hai, chứng tỏ đã thi rớt ít nhất hai chục keo.

Cô bé cười. Em mở cặp vải có những ô vuông xanh đỏ, lấy ra một quyển vở đưa cho tôi.

– Ông hãy cầm lấp một quyển vở, vào lớp chịu khó ghi chép học hành đàng hoàng để sang năm thi đậu.

– Thôi dẹp. Cầm sách vở ghi chép mỏi tay lắm. Vào lớp chỉ cần nhìn cô giáo là tôi đủ thuộc bài.

Nhìn đồng hồ đeo tay thấy còn sớm, tôi rủ cô bé đi uống cà phê trước khi đến trường. Chúng tôi vào một quán ăn của người Tàu. Buổi sáng quán đông nghẹt khách, chúng tôi phải ngồi ngoài hiên trên những chiếc ghế thấp. Tôi gọi cho cô bé một ly “xây chừng”, tôi một ly “pạc xỉu” và một đĩa “pánh bao”. Những người ngồi ở bàn bên cạnh trố mắt nhìn chúng tôi như một hiện tượng lạ. Chắc huyện lỵ này chẳng bao giờ họ thấy có một đôi học sinh nào, dám cặp kè ngồi uống cà phê và hút thuốc tỉnh bơ như chúng tôi.

Trên vỉa hè đã có nhiều cô cậu học sinh mặc quần áo mới náo nức đến trường. Tự dưng tôi cảm thấy náo nức đến trường như họ. Dời xa mái trường trung học cách đây sáu năm, tôi đã quên hết những cảm giác bừng nở trong ngày khai trường. Ở đại học người ta không còn bắt gặp được những cảm giác ấy. Cảm giác náo nức được mặc quần áo mới, được gặp lại bạn cũ, được ngồi trong lớp học tường vôi mới quét thơm nồng, được chiêm ngưỡng những thầy giáo, cô giáo mới.

Tôi uống vội ly “pạc xỉu”, ăn nhanh ba cái “pánh bao”. Tôi nắm tay cô bé hòa nhập vào đám đông học sinh đang lũ lượt đến trường.

Buổi sáng hơi lạnh. Ngôi trường đông như ngày hội. Rộn rã tiếng cười nói: Một vài nữ sinh mặc áo len ngắn tay, màu sắc nổi bật trên những chiếc áo dài trắng tinh. Những cây Phượng, me tây, cây muồng hình như cũng mặc áo mới, màu lá mướt xanh. Dãy lầu, ngày tôi mới đến, còn xây cất dở dang, hôm nay đã xây xong. Nước vôi mới quét vàng tươi rạng rỡ.

Cô bé giật mạnh tay tôi.

– Ông quăng điếu thuốc đi. Học sinh gì mà phì phà luôn miệng coi chừng bị đuổi ra khỏi trường bây giờ.

Tôi bật cười quên vai trò của mình là một nam sinh đi học ké. Tôi búng điếu thuốc xuống sân cát và dùng mũi giày dụi tắt đốm lửa.

– Anh Thanh.

Tôi giật nảy người khi thấy bé Phượng cùng mấy cô bạn đang bước đến gần. Trong chiếc áo dài màu trắng, trông em cao và lớn hơn khi mặc áo bà ba ở nhà. Cô nhỏ cười hỏi:

– Anh đi đâu mà lạc vào đây?

– Anh đến đây xin… dạy học.

– Xạo. Đi xin dạy học mà mặc quần xanh áo trắng như học trò. Anh định vào đây chọc mấy cô nữ sinh phải không? Để em đi “méc” ông Tổng giám thị.

Tôi níu tay cô nhỏ đứng lại.

– Thôi mà. Để anh “làm ăn” một chút mà.

– Không được. Nhà trường không chấp nhận học sinh bê bối như anh.

– Bê bối gì đâu. Anh mặc đồng phục đàng hoàng. Anh cũng có giấy vào lớp như mọi học sinh khác vậy.

– Giấy vào lớp của anh đâu?

Kẹt quá tôi nói đại.

– Giấy của anh, Minh giữ rồi.

May thay, Minh đã lù lù đi đến. Là học sinh đàn anh trong trường nên trông em rất hách. Minh hất cằm hỏi bé Phượng.

– Lộn xộn gì vậy nhỏ. Tao “mời” anh Thanh đi học với tao cho vui.

Bé Phượng gục gục đầu nói:

– Được rồi, em về “méc ” ba tội anh rủ anh Thanh đi học.

Minh bật cười.

– Trời đất ơi! Tưởng mày “méc” rủ đi đánh billard tao mới sợ, chứ rủ đi học thì tốt quá rồi. Dám ba còn thưởng cho tao nữa.

Một hồi kẻng vang lên chát tai tiếng kẻng như tiếng réo gọi của tuổi thơ khiến tôi xúc động. Đã từ lâu rồi, tôi không còn được nghe tiếng kẻng quê mùa đáng yêu đó nữa. Ngay những năm cuối ở trung học, trường tôi đã thay tiếng kẻng bằng những hồi chuông điện reo vang như báo hiệu giờ chiếu phim ở các rạp ciné.

Tiếng kẻng có mãnh lực kỳ lạ, nó khiến tất cả học sinh răm rắp tuân theo mệnh lệnh. Bé Phượng thôi cãi cọ. Em vội vàng cùng bạn bè đến xếp hàng trước lớp. Tôi và cô bé cùng theo Minh đến xếp hàng dưới tàng một cây me cành lá rập rạp, không để một tia nắng xuyên qua.

Vào lớp, tôi và Minh ngồi bên nhau trên chiếc ghế ngay sau lưng cô bé. Và chúa ơi, giờ học đầu tiên tôi bị bắt buộc phải học chính là giờ “Triết”. Một cô giáo mặc áo dài màu xám rêu, tóc cắt ngắn đúng trên bục gỗ thao thao giảng “Triết lý là gì?”.

Cũng câu hỏi đó, tôi đã thắc mắc nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, có lẽ tại những người dạy tôi toàn là các giáo sư già. Hôm nay, nhờ cô giáo trẻ tuổi, xinh đẹp giảng dạy, tôi đã hiểu được chút chút.

Cô nói, triết lý chỉ là thái độ tra hỏi đến nền tảng sự việc, triết lý không nằm ở trong những câu trả lời mà nó nằm ở trong những câu hỏi: Ví dụ đặt câu hỏi: con người từ đâu mà có? Đó là một câu hỏi triết lý. Các anh chị hiểu không?

Cả lớp đồng thanh đáp:

– Hiểu.

Cô giáo chỉ Minh.

– Anh hãy đúng dậy, cho tôi một câu hỏi có tính cách triết lý.

Minh lúng túng đứng dậy. Tôi nhắc nhỏ cho em nghe và Minh lập lại.

– Thượng đế có thật hay không?

– Đúng rồi. Cám ơn, anh ngồi xuống.

Cô giáo chỉ sang tôi.

– Anh này, hãy cho tôi một câu hỏi khác.

Minh lấy tay che miệng cười và nói nhỏ.

– Oan gia lại gặp oan gia.

Tôi đứng dậy đáp.

– Thưa cô, ví dụ em hỏi “cô có yêu em không? “

Cả lớp cười ồ lên như thác đổ. Cô giáo đỏ mặt mím chặt môi gõ mạnh tay lên bảng gỗ. Lớp học im lặng dần. Cô giáo quắc mắt nhìn tôi, gằn từng tiếng.

– Anh phải xin lỗi tôi. Nếu anh không muốn tôi gọi anh là học sinh mất dạy.

– Thưa cô, chính nhờ cô gọi em là một học sinh mất dạy, nên câu hỏi của em mới có tính cánh triết lý vì nó đã đụng chạm đến vấn đề đạo đức.

Cả lớp vỗ tay reo vang. Đúng. Đúng.

Cô giáo mím chặt môi gõ mạnh lên bảng gỗ. Khi lớp học im lặng, cô giáo nói nhỏ nhẹ.

– Anh nói cũng có lý. Nhưng câu hỏi của anh không phải là câu hỏi tốt nêu ra trong lớp học.

– Thưa cô, một câu hỏi liên quan đến vấn đề đạo đức không phải là một câu hỏi tốt và cần thiết sao?

Cô giáo có vẻ hơi lúng túng vì lời ngụy biện của tôi. Đùa với một người đồng môn học với mình như vậy là đủ rồi nên tôi nói:

– Thưa cô. Cho em đặt câu hỏi khác rõ ràng hơn. ví dụ: Chết rồi con người đi về đâu?

Như gỡ được nước cờ bí, cô giáo mỉm cười nói:

– Cám ơn anh đã đưa ra một câu hỏi tốt.

Đấy có phải là một câu hỏi tốt?

Mãi đến khi tan học về, tôi mói biết mình đã ngu đần nêu ra một câu hỏi xấu, vì câu hỏi đã gây cho cô bé thắc mắc về cái chết.

Trên đường về, cô bé không còn vui tươi như lúc đến trường. Em cúi đầu im lặng đi bên tôi mặc cho tôi đã nhiều lần gợi chuyện. Khi chúng tôi sắp chia tay nhau để ai về nhà nấy, cô bé mới nhìn tôi hỏi:

– Ông có biết, chết rồi con người đi về đâu?

Tôi nói:

– Em hãy dành câu hỏi đó cho cô giáo dạy triết của em.

– Em không có thì giờ để hỏi cô giáo. Em muốn biết câu trả lời của ông.

Nhìn đôi mắt đầy lo âu của em, tôi lúng túng tìm cách nói dối cho em được an lòng.

– Chết rồi em sẽ lên Thiên Đàng.

– Chắc không?

– Chắc. Vì chúa đã phán những cô gái khi chết còn quá trẻ đều phải được lên Thiên Đàng.

– Còn ông, chết rồi ông đi đâu?

– Tôi phải xuống Địa Ngục.

– Tại sao vậy?

– Vì tôi đã nói xạo quá nhiều.

– Đáng kiếp. Em sẽ lên Thiên Đàng một mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.