Những Ngày Tươi Đẹp
Chương 04
Buổi sáng hôm sau tôi đã có mặt tại bờ biển. Sương mù còn phủ mờ những bụi cỏ chông chông và mặt trời còn ngủ say dưới nước biển xanh đen. Trời lạnh căm. Tôi quấn khăn tắm quanh cổ, miệng phì phà điếu thuốc cho ấm phổi. Tôi nôn nóng đi lại trên bờ biển ẩm ướt trong khi chờ đợi cô bé.
Sáng qua, em không có hẹn sẽ gặp lại tôi vào buổi sáng nay, nhưng tôi tin rằng em sẽ đến vì đêm qua tôi đã nằm mơ thấy em. Những gì tôi nằm mơ thường rất đúng sự thật. Như có lần nằm mơ thấy con khỉ, tôi đã giúp má tôi “đánh đề” số 63 và trúng được 70.000 đồng.
Mặt trời đã ngóc đầu lên khỏi mặt nước biển như người ngủ nướng ngóc đầu ra khỏi chăn, nhìn xem trời đã thật sáng chưa để còn ngủ tiếp. Không khí ấm áp dần, nhưng tôi lười biếng không còn muốn nhảy xuống biển. Khi một người đàn ông đã có nhân tình rồi, chẳng ai còn thích gần gũi với bà vợ của mình, dù cho đó là bà vợ biển có tấm lòng bao la như lòng mẹ.
Đã hai mươi bảy tuổi, tôi vẫn còn một mình đứng nhìn biển, đúng là tôi chưa trở nên người đứng đắn. Có lẽ sáng nay cô bé không thích đi nhìn biển. Đứng đợi đến khi bụng đói cồn cào, tôi đành lủi thủi về nhà.
Thường ngày, tôi vẫn ăn hết hai trái bắp một cách mau lẹ, nhưng trong bữa ăn sáng nay tôi chẳng nuốt trôi nửa trái. Tôi cũng chẳng thèm mở nhạc nghe theo thói quen mỗi khi ăn. Cô bé đã nói đúng “Không nên làm sai cái gì mình đã hoạch định. Chỉ cần làm sai một lần rồi sẽ sai mãi”.
Hôm qua, tôi đã sống sai với thời khóa biểu cũ và hôm nay tôi cũng ăn sáng sai với giờ giấc ghi trong thời khóa biểu mới. Có thật rồi tôi sẽ sai mãi?
Tôi uể oải lấy tập bản thảo ra viết tiếp. Nhìn ra ngoài cửa sổ tìm hứng, tôi chợt thấy bóng một cô gái thấp thoáng sau những tàng cây sa bu chê xòe thấp sát mặt đất. Cô bé đến chăng? Tôi vội bước ra cửa và nhận ra bé Phượng đang xách một giỏ gì đó đến. Tôi thở dài trở vào ngồi xuống ghế giả vờ cầm bút viết. Một lúc sau, bé Phượng xách giỏ đi vào nhà.
– Má em nói đem cho anh một giỏ xoài. Xoài cuối mùa không ngọt nhưng rất hiếm.
Có xoài ăn tôi mừng rỡ, quên cả nỗi nhớ nhung cô bé. Tôi cúi xuống lựa một trái xoài to nhất trong giỏ, chẳng thèm lau chùi lớp vỏ bên ngoài, tôi đưa trái xoài lên miệng “cạp” luôn một miếng lớn. Bé Phượng nói:
– Để em lấy dao gọt vỏ đã.
– Thôi khỏi: Anh thích cạp cả vỏ ngon hơn. Trái xoài chua chua ngọt ngọt thơm phức. Chỉ một phút sau tôi đã quăng hột xoài ra ngoài cửa sổ và bắt đầu cạp trái thứ hai. Bé Phượng nhìn tôi cười.
– Ở Sài Gòn không có xoài hả anh?
– Thiếu gì.
– Sao trông anh ăn có vẻ “say mê” quá vậy?
– Ở Sài Gòn anh làm quái gì có tiền mà mua xoài. Bao nhiêu tiền má cho, anh giao cho mấy ông chủ bàn billard “giữ” hết rồi.
– Chứ không phải anh giao cho mấy cô “giữ” à?
– Mấy cô hả? Giữ cái búa!
Bé Phượng bật cười.
– “Kẹo” như anh. Chắc chẳng cô nào thèm ưa.
– Cần quái gì mấy cô. Sống một mình không khỏe hơn sao.
Nuốt xong một miếng xoài, tôi mới biết mình nói “ba xạo”. Cần gì mấy cô. Đúng rồi, nhưng phải trừ cô bé tôi mới quen, vì cả buổi sáng nay tôi thấy cần em lắm lắm. Tôi hỏi bé Phượng.
– Ai chở em đến đây?
– Anh Minh.
– Minh đâu?
– Anh ấy còn hái táo ngoài vườn.
Tuần này, nếu tôi đánh đề tuổi “con ngựa” của cậu em tôi, chắc tôi sẽ trúng lớn vì vừa nhắc đến Minh, em đã bụm hai tay đầy táo đi vào để trên bàn.
– Anh ăn thử táo này xem, giòn và ngọt lắm. Em phải để con Phượng đi trước rồi mới hái. Em sợ nó biết cây táo đặc biệt của em, nó sẽ dẫn bạn bè đến ăn hết ngay.
Bé Phượng lấy một quả táo bỏ vô miệng nhai rồi nhăn mặt
– Trời ơi, chua hơn chanh.
Minh nói
– Chua hả? Tại bàn tay chuyên vắt chanh vào nước mắm của mày sờ vào đó. Đi qua bác Năm kiếm muối ớt coi.
– Em đâu có phải là người làm của anh đâu mà anh sai.
– Nói không nghe hả? chốc nữa chở mày về, tao “lạng” xe cho mày đứng tim luôn.
Bé Phượng có lẽ sợ lời đe dọa đó. Em đi ra ngoài và nó vọng vào.
– Hôm nào em sẽ đâm lủng lốp xe cho anh dẫn bộ chết luôn.
Minh cười nói với tôi.
– Con nhỏ chỉ được mạnh cái miệng chứ còn nhát hơn thỏ. Chở nó em chỉ cần “lạng xe một vòng là nó run rẩy bẩy và khóc thét lên.
Minh đi lại quan sát trong căn nhà rồi ngồi xuống chiếc giường nylon.
– Em đã khám phá ra một điều lạ. Có “hình bóng” một cô gái trong nhà này.
Tôi chỉ bức tranh trên vách hỏi:
– Có phải em nói “hình bóng” cô bé này?
Minh lắc đầu.
– Không phải đâu. Một người bằng xương bằng thịt và còn để lại mùi hương trong nhà.
Tôi nghĩ không lẽ Minh đã biết chuyện cô bé đến đây uống cà phê, hay cậu em tôi chỉ nói “bắt nọn”? Tôi làm bộ hỏi:
– Ai đâu?
– Ai thì anh biết rồi còn hỏi làm gì?
Tôi e dè nhìn mặt Minh. Cậu em tôi đã tức vì chuyện cô bé đã đến đây chăng? Tuy vậy tôi vẫn cãi bướng.
– Em đừng xạo. Chính mắt em có thấy không?
– Cần gì phải thấy. Em chỉ đoán cũng đúng ngay chóc. Bộ từ ngày anh ở đây, chị Ngọc chưa sang chơi lần nào sao?
Hú hồn! Tôi bật cười cho sự lo sợ không đâu của mình.
– Được như em nói thì thật hân hạnh cho anh. Ở đây nửa tháng anh chẳng hề thấy mặt cô Ngọc dài ngắn như thế nào.
Minh cười ruồi.
– Em đoán không sai đâu. Thế nào chị Ngọc cũng phải sang đây. Có thể chỉ trong ngày hôm nay.
Tôi cười.
– Thôi cậu. Dẹp nghề thầy bói đi.
Rồi không hiểu vì “ma đưa lối, quỉ dẫn đường” hay vì được đấng Brahmâ “phù hộ” mà tôi buột miệng hỏi
– Lâu nay, em có gặp lại cô bé chúng ta đã thấy ngoài phố không?
Minh đột nhiên bật cười thích thú.
– Anh có hỏi em mới nhớ. Tối qua, em đã gặp nó ở quán nước và cho nó một trận.
Tôi trợn mắt hỏi:
– Một trận?
– Phải.
– Bằng tay?
– Không. Bằng một đĩa bánh.
– Cô bé bị bể đầu?
– Sao anh có vẻ lo lắng cho con nhỏ đó quá vậy?
Tôi nuốt nước miếng nói:
– Anh chỉ tò mò muốn biết rõ chuyện vậy mà.
Minh xin tôi một điếu thuốc, châm hút rồi nói:
– Để em kể rõ chuyện cho anh nghe, em và tụi bạn ngồi uống bia ở quán nước gần nhà thờ, chỗ có con đường quẹo ra biển mà me đã chở anh đi qua đó. Tụi em ngồi được một lúc khá lâu thấy con nhỏ đi vào một mình ngồi ở chiếc bàn khuất sau chậu cây bụt đỏ. Lúc đó em đã hơi ngà ngà và một thằng bạn đã thách em đến nói chuyện với con nhỏ. Em bưng cả đĩa bánh sang bàn nó mời. Con nhỏ nói: “cám ơn, hôm nay tôi không thèm ăn bánh“. Em nói, không thèm cũng phải ăn và em đã tạt cả đĩa bánh vào mặt nó.
Tôi hốt hoảng hỏi:
– Cả đĩa bánh? Vậy chắc cô bé đã bị bể đầu?
– Em không rõ nữa vì sau đó em đã vội “dù”. Anh thấy em “chì” không. Nói là làm. Nói cho con nhỏ một trận là nó lãnh đủ một trận.
Tôi định kể rõ cho Minh biết chuyện cô bé đã đến đây và yêu cầu em bỏ thái độ trêu chọc du côn đó đi, nhưng bé Phượng đã cầm đĩa muối ớt đi vào. Chẳng thể để cho Phượng biết chuyện riêng tư này, tôi đành ngồi im, mong có dịp khác sẽ nói chuyện với Minh.
Những trái táo vàng bóng, mặc dù đã được chấm muối ớt, khi bỏ vào miệng nhai tôi vẫn thấy chúng đắng chát. Có phải vì tối hôm qua bị Minh làm hỗn nên cô bé đã giận chẳng thèm đến gặp tôi ngoài bờ biển sáng nay? Đến chiều chắc tôi phải đi phố tìm gặp em để “thanh minh, thanh nga” cho em biết, tôi không dính líu gì đến “vụ” đó cả.
Ăn táo xong, Minh đứng dậy nói:
– Thôi tụi em về để anh học. Chủ nhật tuần này em sẽ đem xe đến đón anh về nhà chơi.
Sợ chủ nhật cô bé có thể đến thăm, tôi tìm cớ thoái thác.
– Em khỏi đến đón anh mất công. Nêu rảnh, anh sẽ về thăm dì. Nếu có hứng anh sẽ ở lại đây làm việc luôn chủ nhật.
Bé Phượng nói:
– Học nhiều vậy, anh không sợ loạn óc sao?
Tôi cười.
– Học vậy mà ăn nhằm gì. Cả năm anh chơi rồi, bây giờ cần phải làm việc bù cho xong.
Hai anh em chào tôi về. Còn một mình trong căn nhà vắng lặng thay vì lấy giấy bút ra viết, tôi lại nghĩ đến cô bé và bỗng dưng buồn. Tôi chẳng phải là người có can đảm ngồi ì ra một đống chịu đựng nỗi buồn qua đi. Tôi luôn luôn bị đuối sức trong những lần chịu đựng đó, dù cho nỗi buồn rất nhẹ nhàng.
Ở Sài Gòn, mỗi khi cơn buồn nhập vào người, tôi phải đi “giải buồn” ngay ở rạp ciné, bàn billard, sân tập Judo hay phóng xe chạy như bay ở xa lộ. Chẳng bao giờ tôi giải buồn được bằng âm nhạc hay đi dạo. Bây giờ để giải buồn, tôi chỉ có cách là tiếp tục ăn những trái xoài chín vàng. Ăn là cách giải buồn tuyệt vời nhất, tôi đã khám phá ra trong buổi chiều nay.
Những trái xoài đã làm tôi đầy bụng bỏ bữa cơm trưa. Sau một giấc ngủ ngắn, những trái xoài đã làm tôi đau bụng đi không nổi và tôi đành bỏ ý định đi dạo phố tìm gặp cô bé.
Tôi nằm im trên giường chịu đựng những cơn đau quặn người, nhưng mấy trái xoài trời đánh đâu có chịu cho tôi nằm yên. Chúng bắt tôi bò ra khỏi giường đi ra sau nhà rồi bò lên giường. Rồi lại đi ra sau nhà… chúa ơi, con có tội tình gì mà Ngài nỡ để mấy trái xoài quỉ sứ hành con mệt đừ.
Tôi đã nằm thiếp đi cho đến khi nghe tiếng bác Năm gọi dậy.
– Sao cậu không thắp đèn? Đau hả?
Nhìn mâm cơm bác Năm còn bưng trên tay, tôi nói:
– Thôi bác bưng về đi. Tôi đau bụng ăn không được.
Bác Năm để mâm xuống bàn, bác móc túi lấy hộp quẹt thắp đèn dầu ở gần chồng sách. Ngọn đèn không sáng lắm, nhưng cũng làm tôi hoa mắt, vì đã nằm khá lâu trong bóng tối. Bác Năm đến bên giường hỏi tôi.
– Cậu có dầu cù là không?
Tôi lắc đầu. Ông nói:
– Để tôi về lấy hộp dầu. Cậu ăn cháo được không, để tôi nấu luôn.
– Cảm ơn bác, tối nay tôi nhịn ăn cho mau lành. Nếu bên nhà bác có thuốc Garnidan cho tôi ít viên.
– Được rồi, để tôi về xem.
Bác Năm bưng mâm cơm về nhà và khi ra ngoài ông không quên đẩy hai cánh cửa khép lại. Tôi trùm chăn lên đến cổ, mặt quay vào vách để ánh sáng ngọn đèn khỏi làm tôi chói mắt và nằm co người như con tôm cho dịu cơn đau. Tôi lo sợ, nếu lần đau bụng này cũng dai dẳng và trầm trọng như lần tôi bị ở Đà Lạt, chắc tôi phải nằm nhà thương.
“Nhà thương” hai tiếng đó chẳng dễ thương tí nào. Tôi thù ghét nó nhất trên trần đời dù cho chính nó đã (và chắc chắn sẽ còn dài dài) cứu sống tôi nhiều lần. Tôi không chịu nổi màu trắng bệnh hoạn ở giường bệnh, trên vách tường và trên những bộ đồng phục của các y tá.
Mùi thuốc tây luôn luôn làm tôi buồn nôn dù cho đó là mùi thơm của viên thuốc chữa bệnh nôn. Tôi đã học Judo đến đai nâu, nhưng không hiểu sao mỗi lần thấy kim tiêm do y tá sắp lụi vào người, tôi liền “phản ứng tự vệ” nhảy ra xa một trăm thước. Lạy trời, lạy chúa, lạy Phật, lạy Brahmkâ xin các Ngài hãy “nối vòng tay lớn” ngăn chặn đừng cho y tá đến “chích” con.
Tiếng đập cửa cộc cộc, làm tôi giật mình ngoảnh lại. Trời ơi, chữa bệnh như cứu hỏa, bộ hôm nay bác Năm “mát” hay sao mà còn bày đặt lịch sự quá vậy. Tôi bực mình gắt.
– Vào đi.
Cánh cửa hé mở. Một người tóc xõa mặc quần áo trắng đi vào. Tôi vội nhắm mắt lại than thầm. Trời! Ở đây cũng có ma nữa sao?
– Ông bớt đau chưa?
Nghe giọng cô gái nói trong trẻo, tôi vội mở mắt nhìn. Tôi luôn luôn vội mở mắt nhìn bất cứ cô gái nào. Theo tôi chẳng có đóa hoa nào xấu trên cõi đời này, ngay cả ma nếu là ma con gái cũng vẫn đẹp như hoa bằng vải vậy.
– Cô là ai?
– Ba tôi nói đem thuốc Garnidan sang cho ông, nhưng tôi muốn khám xem ông thật sự đau bệnh gì?
Đúng là “nghề” của nàng. Cô y tá nào cũng ước ao được cưới người yêu lý tưởng là một ông bác sĩ và trong khi chờ đợi lên xe hoa (chứ không phải xe cứu thương), các nàng đã tự biến mình thành “bà bác sĩ” luôn luôn đòi khám bệnh nhân.
– Cô là cô Ngọc?
– Ờ, sao ông biết tên tôi?
Chắc nàng nghĩ nàng là “viên ngọc” quí và hiếm có nhất trần gian này chăng? Tuy đau bụng nhưng tôi vẫn thích nói “xỏ ngọt”.
– Tên của cô đã vang lừng khắp nhà thương, nhà hộ sinh, nhà xác ai mà chẳng biết.
Có lẽ nàng còn ngây thơ “cụ bà” không biết lời khen “đểu” của tôi, nên vẫn cười được như thường.
– Ông quá khen. Tôi không được nổi danh như ông nói đâu. Ông đau bụng à?
Chúa ơi! Sao trên đời lại có cô y tá “thông minh” quá vậy. Không lẽ tôi xin thuốc Garnidan để chữa bệnh đau chân! Tôi định nói, tôi bị bệnh “Tào Tháo đuổi” nhưng chẳng cần phải dài dòng văn tự, tôi đã bị bắt buộc phải chứng minh bệnh của mình bằng cách lồm cồm bò dậy khỏi giường và đi nhanh ra nhà sau. Rồi đi nhanh vào nhà và lồm cồm bò lên giường nằm thở hổn hển.
– Ông có thể bị bệnh dịch tả vì đã “ăn rau sống quả xanh uống nước không đun sôi” vậy để tôi chích thuốc cho ông.
Chích! Tiếng chích đó nổ vang như tiếng súng đại bác 122 ly, khiến tôi giật mình tung chăn ngồi nhổm dậy.
– Tôi khỏe mạnh rồi. Cô chỉ cần cho tôi vài viên Garnidan là đủ.
Cô gái cười.
– Ông đừng sợ. Tôi chích “ven” không đau đâu.
Tôi thét lên.
– Không có “ven”, mông, tay, chân, gì cả. Tôi đã nói là khỏe rồi.
– Sao ông “nhát gan” quá vậy.
Tôi thở dài.
– Tại tôi bị đau gan kinh miên.
Nàng dịu dàng nói:
– Ông hãy can đảm chịu chích cho mau lành bệnh. Đừng để phải nằm nhà thương nơi đất khách quê người.
Có lẽ, Judo đến đệ nhất đẳng huyền đai, chắc tôi vẫn bị những lời nói ngon ngọt của các cô gái quật ngã dễ dàng. Nghe Ngọc nói, tôi đã mủi lòng chịu nằm yên giơ tay cho nàng chích “ven”.
Trước khi mũi kim thứ nhất chích vào người, tôi đã nhét cả khăn lau mặt vào miệng để khỏi la hét. đến mũi kim thứ hai, tôi chịu hết nổi. Ngọc vừa rút mũi kim ra khỏi cánh tay, tôi hét lên văng cả chiếc khăn ra khỏi miệng và vì quá sợ, tôi đã ôm chặt nàng. Và vì “phản ứng tự vệ” của con nhà võ, tôi đã cúi hôn nàng để nàng khỏi mở miệng dụ dỗ chích thêm mũi kim thứ ba.
Khi tôi buông Ngọc ra, tôi đã truyền bệnh sợ hãi sang nàng.
Nàng run rẩy nói:
– Sao anh “bạo” quá vậy?
Tôi thở dài.
– Tại tôi bị đau gan kinh miên.
Nàng gượng cười.
– May mà anh bị đau gan, nếu không ai mà chịu nổi sự “can đảm” của anh.
Mũi thuốc vitamine C Ngọc chích vào người đã giúp tôi khỏe khoắn có thể đi lại được, nhưng vì lười biếng tôi nằm lì trên giường nhờ Ngọc pha cho tôi một ly cà phê đen với nước sôi có sẵn trong phích. Trong khi chờ đợi cà phê nhỏ giọt, Ngọc đổ nước nóng vào khăn, vắt khô, lau mặt cho tôi, rồi nàng kéo ghế ngồi bên giường tâm sự.
Ngọc trách tôi “tự kiêu”. (Lạy chúa, điều này thật oan cho con. Vì không ai yêu thương con nên con chỉ “tự ái” chứ không có “tự kiêu”). Tôi sống ở đây gần nửa tháng mà chẳng thèm sang thăm nhà nàng. Hai bên nào có xa xôi gì. Phải chăng tôi “khinh” gia đình nàng nghèo. (Lạy chúa, lại một điều oan cho con. Là người “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, chưa kiếm ra đồng bạc nào, vậy con đâu dám “khinh” ai).
Ngọc đã thấy tôi, ngay hôm tôi đến thăm rẫy lần đầu với em Minh và chính nàng đã giúp bác Năm thu dọn lại căn nhà này cho tôi đến ở. Nàng nói phải chăng tôi đã biết nàng xấu xí, quê mùa, nên không thèm giao thiệp (Lạy chúa, lại một điều oan. Con đâu biết mặt mũi nàng dài như ngắn thế nào).
Nhiều lần, Ngọc đã muốn thay ba nàng mang cơm sang cho tôi, nhưng nàng đã bỏ ý định đó vì không muốn nhìn bản mặt “dễ ghét” của tôi (Lạy chúa, lại một điều oan cho con. Bản mặt con mà “dễ ghét”ư? Nếu “dễ ghét” sao con Kiki không cắn con? ). Mãi đến hôm nay nghe ba nàng nói tôi đau bụng nặng, nàng cũng không muốn sang, nhưng sau, nàng bị bắt buộc phải sang vì lương tâm nghề nghiệp “cắn rứt” (Lạy chúa, thật may cho con, lương tâm của nàng chưa bị rụng răng).
Ngọc nói, nàng phải ở lại nhà thương làm việc ba ngày liên tiếp rồi được nghỉ một ngày. Những ngày nghỉ nàng thường về giúp đỡ ba má vì hai ông bà già chỉ có mình nàng là người con duy nhất. Nàng nói, nghề y tá là nghề bạc bẽo nhất trần gian. Nàng đã băng bó cho thiên hạ không biết bao nhiêu vết thương tay chân, mặt mũi, bụng lưng… Vậy mà chẳng ai giúp nàng băng bó “vết thương lòng” (Lạy chúa, chắc nàng muốn con làm bác sĩ băng bó “bộ lòng” của nàng chăng?
Tôi rất sợ phải nghe người khác kể lại những vết thương lòng của họ. Bởi tôi biết chắc chắn chuyện đó chẳng hay ho và vui vẻ tí nào, nên tốt hơn tôi phải ngăn Ngọc, trước khi nàng có hứng kể chuyện lòng (thòng) của nàng. Tôi nói:
– Lớn lên ai mà chẳng bị vết thương lòng. Vết thương tay chân mình còn không tránh được, làm sao giữ cho lòng mình khỏi bị trầy trụa khi mà mình không thấy nó rõ ràng. Thôi cứ để thời gian chữa lành vết thương lòng Ngọc ạ. Nếu thời gian là y sĩ dở ẹc thì sẽ có Trời chữa cho chúng ta.
Ngọc lắc đầu.
– Chẳng bao giờ Trời chữa lành vết thương đó được.
– Ngọc nghĩ Trời là một ông “lang băm ” sao?
– Không phải vậy. Vì chính Trời là người đã gây vết thương lòng cho chúng ta.
Ngẫm nghĩ lời Ngọc nói, tôi thấy nàng có lý. Không phải chỉ có vết thương lòng mà ngay vết thương chân tay cũng chính do Trời gây ra. Tại sao tôi có mụn ghẻ ở tay? Dễ hiểu quá mà, đâu phải lỗi tại tôi ở bẩn mà vì “số Trời” đã định tôi phải có mụn ghẻ, cũng như tôi phải lấy một người nào đó làm vợ vậy mà. Nhưng bàn mãi chuyện Trời, chỉ thêm nhức đầu. Tôi nói đại.
– Nếu Trời không chữa lành vết thương lòng của Ngọc, để đó tôi chữa cho. Dễ ợt mà.
Ngọc cười.
– Anh chữa lành hay làm cho vết thương đau đớn thêm?
Cà phê đã nhỏ đầy ly. Ngọc đứng dậy bỏ chiếc phin xuống bàn, rồi bưng ly cà phê đến cho tôi. Nàng nói:
– Anh uống vậy tốt hơn. Bỏ đường vào thêm đau bụng.
Tôi nhắm mắt nốc luôn một hơi ly cà phê đen cho đã ghiền và cho bớt đắng. Khi Ngọc đưa tay lấy chiếc ly không, tôi cầm lấy tay nàng và nàng giật mạnh ra.
– Tôi anh nằm nghỉ cho khỏe.
Tôi nói:
– Tôi định bắt mạch thăm bệnh chữa vết thương lòng cho Ngọc, mà Ngọc không chịu, vậy mai sau bệnh nặng đừng trách tôi.
Nàng cười.
– Cám ơn “ông bác sĩ”. Thôi khuya rồi, Ngọc về.
Thu dọn đồ nghề bỏ vào hộp. Ngọc nói:
– Mai Ngọc sẽ vào nhà thương xin bình nước biển về “vô” cho anh. Người anh thiếu nhiều nước.
Tôi đã thấy cây kim “vô” nước biển rồi. Nó to bằng ngón tay út là ít. Nên tôi vội từ chối.
– Thôi khỏi: Để tôi uống mười lít nước đun sôi, người sẽ đủ nước ngay. Ngày mai Ngọc nhớ nói bác Năm nấu cho tôi một tô cháo thịt thật bự, ăn xong tôi sẽ khỏe như Thạch Sanh.
– Anh đừng sợ. Ngọc “mát ” tay lắm. Chích không đau đâu.
Nhìn theo bóng Ngọc thấp thoáng bên ngoài cửa sổ tối đen, tôi than thầm “Người đâu gặp gỡ làm chi. Ngày mai biết chích thêm gì nữa đây?”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.