Những Quy Tắc Trong Công Việc

Lời giới thiệu “Những quy tắc trong công việc”



TTO – Tôi bắt đầu hình thành những quy tắc trong công việc cách đây rất lâu, khi còn làm Trợ lý Giám đốc. Khi đó, có một vị trí còn trống rất đáng mơ ước: chức Giám đốc. Có hai ứng cử viên sáng giá nhất: Tôi và Rob. Trên giấy tờ, tôi nhiều kinh nghiệm hơn, chuyên môn tốt hơn và phần đông thành viên trong công ty muốn tôi trở thành sếp của họ. Nói chung, tôi biết về công việc mới này tốt hơn. Về phía Rob, thành thật mà nói, anh ta vô dụng.

Trong khi đang tán gẫu với một nhà quản trị bên ngoài công ty, tôi hỏi anh ta nghĩ thế nào về cơ hội thành công của tôi; “rất nhỏ”, anh ta trả lời. Tôi cảm thấy tức giận. Tôi giải thích về tất cả kinh nghiệm, khả năng chuyên môn và năng lực vượt trội của mình. “Đúng vậy”, anh ta trả lời, “nhưng anh không hành động giống như một Giám đốc”. “Vậy Rob làm được điều đó sao?”. “Đúng, đó chính là sức mạnh của tác phong đúng”. Người tư vấn đó đã hoàn toàn đúng – Rob đã trở thành Giám đốc. Tôi phải làm việc dưới tay một đứa con nít, nhưng là đứa con nít có những bước đi đúng đắn. Và tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng tác phong ấy.

Nhân viên tư vấn đó đã hoàn toàn đúng, giám đốc luôn có một kiểu tác phong riêng. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng thực tế, mỗi nhân viên, mỗi công việc, mỗi người đều có tác phong riêng của mình. Nhân viên lễ tân có tác phong riêng, nhân viên thu ngân cũng vậy và tất nhiên cả nhân viên phục vụ, văn phòng, người quản lý, nhân viên an ninh, thậm chí cả Ban giám đốc cũng đều có tác phong riêng. Tôi bắt đầu rèn luyện để có kiểu tác phong này một cách kín đáo.

Xem xét cụ thể

Khi bắt đầu chú tâm quan sát các tác phong, tôi nhận ra giám đốc còn có phong cách ăn mặc, nói năng và cư xử riêng của họ. Vì vậy, việc tôi có năng lực và kinh nghiệm là chưa đủ. Tôi phải có dáng vẻ bên ngoài nổi bật hơn những người còn lại. Đó không chỉ là một tác phong, mà đó hoàn toàn là một sự sáng tạo. Càng quan sát, tôi càng nhận ra rằng tờ báo bạn đọc cũng quan trọng như cây bút bạn viết, cách bạn viết, cách bạn nói chuyện tại cuộc họp hay với đồng nghiệp. Trên thực tế, người ta cũng sẽ đánh giá loại báo bạn đọc và dựa vào đó để cư xử với bạn. Như vậy, khả năng hoàn thành tốt công việc là chưa đủ. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có phong cách của mình. Cuốn sách này giúp bạn tạo dựng nên phong cách đó, tất nhiên nó chỉ có tác dụng khi bạn đã có năng lực để hoàn thành công việc. Rất nhiều người có năng lực làm việc. Vậy làm cách nào để bạn nổi bật? Để bạn là ứng viên sáng giá cho việc thăng tiến? Điều gì đã làm nên sự khác biệt?

Hành động trước một bước

Theo quan sát của tôi, trong những giám đốc, có một số người đã thuần thục tác phong và một số người khác, một cách vô thức, vẫn tiếp tục luyện tập tác phong cho chức vụ tiếp theo, đó là tác phong của Tổng giám đốc.

Đôi khi, tôi ghé thăm một số công ty và thấy những nhà quản lý sẽ mãi ở lại vị trí của họ rất lâu. Tuy nhiên, một số nhà quản lý khác lại đang luyện tập để đến vị trí giám đốc khu vực với phong cách và hình ảnh mới.

Sau đó, tôi chuyển từ luyện tập tác phong của một giám đốc lên tác phong của một vị Tổng giám đốc. Ba tháng sau, tôi được thăng chức từ Trợ lý giám đốc lên thẳng vị trí Tổng giám đốc và hiện nay tôi đã là sếp của “tay con nít” đó.

Tập kỹ năng nói

Rob đã có một tác phong đúng (Quy tắc 2.5: Phát huy phong cách có thể tạo được sự chú ý) nhưng thật không may, anh ta lại không bám sát quy tắc cơ bản nhất khi không có nhiều kiến thức về công việc mình làm. Anh ta có vẻ rất phù hợp với công việc nhưng điều quan trọng nhất thì không làm được: anh ta không thể làm tốt công việc như đáng lẽ anh phải làm. Sở dĩ tôi được giao một vị trí cao hơn vị trí của anh ta vì họ không thể sa thải anh ta (sa thải một người vừa nhậm chức vốn không phải là ý kiến hay) nhưng họ lại cần một người trên quyền anh ta để có thể sửa chữa ngay những điều ngớ ngẩn mà anh ta mắc phải. Không có năng lực, Rob yên vị trong vài năm, không tiến bộ và cũng chẳng thụt lùi, chỉ vẫn có điệu bộ chuẩn và tác phong đúng. Cuối cùng, anh ta cũng bỏ cuộc và mở một nhà hàng của riêng mình. Nhà hàng đó cũng phá sản sau một thời gian ngắn hoạt động bởi anh ta quên Quy tắc 1.2: Đừng bao giờ giậm chân tại chỗ, cũng có thể anh ta chẳng biết đến quy tắc này. Anh ta vẫn có tác phong như thể mình vẫn là giám đốc chứ không phải là người chủ cửa hàng. Khách hàng của anh ta chưa bao giờ thích anh ta cả.

Đừng bao giờ để ai biết bạn đã làm việc vất vả như thế nào

Hiện nay, tôi là một người thích học hỏi những quy tắc. Vấn đề ở chỗ tôi học các quy tắc một cách bí mật. Tôi dành từng giây phút rỗi rãi (các buổi tối, cuối tuần, giờ nghỉ trưa) để học những điều tôi nghĩ là thiết thực cho mình. Nhưng tôi không cho ai biết cả, đó là Quy tắc 1.10.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã có thể làm tốt công việc của mình, và những quy tắc làm việc manh nha ra đời.

Có kế hoạch

Làm tổng giám đốc có những điều hay và những cái dở nhất định. Công việc thì nhiều hơn 50% nhưng lương chỉ cao hơn có 20%. Về logic, bước tiếp theo của tôi sẽ là vị trí Giám đốc khu vực. Nhưng tôi thấy vị trí đó không hấp dẫn. Nhiều việc hơn mà lương lại không cao hơn. Tôi bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Quy tắc 3: Có kế hoạch. Tôi muốn bước lên vị trí nào? Tôi muốn làm điều gì tiếp theo? Tôi đã phát ngán với việc dính chặt ở văn phòng suốt ngày và với hàng trăm cuộc gặp theo lịch hẹn. Lúc nào tôi cũng phải ở văn phòng giám đốc. Tôi không thích những điều đó. Tôi muốn có lại những hứng khởi làm việc. Tôi muốn được thực hành các quy tắc. Và vậy là tôi lên một kế hoạch.

Một điều công ty tôi thiếu là một người luôn năng động có thể giải quyết mọi vấn đề, kiểu như là sếp của sếp vậy. Vì thế tôi thực hiện Quy tắc 1.4: Tìm kiếm điều mới mẻ cho mình. Tôi nói với sếp rằng công ty cần một bản báo cáo. Tôi sẽ không bao giờ nói rằng đó là công việc thích hợp với tôi, nhưng bản thân chương trình làm việc sẽ nói lên điều này. Tất nhiên là tôi được giao công việc đó, và tôi trở thành một tổng giám đốc lưu động, làm công việc tôi đặt ra và chỉ phải trực tiếp trả lời với lãnh đạo. Vậy thù lao ra sao? Số tiền ấy lớn hơn cả lương của Giám đốc khu vực nhưng tôi đã thực hiện Quy tắc 5: Tự lo cho chính bạn. Họ không thể biết và tôi cũng chẳng để lộ ra. Nhưng tôi luôn xây dựng mối quan hệ bằng hữu và mong nhận được sự ủng hộ của họ. Rõ ràng là tôi không lấn sân sang công việc của họ nên họ cũng chẳng coi tôi là một mối đe dọa. Nếu họ biết về khoản thù lao đó thì có lẽ họ cũng muốn, nhưng họ lại chẳng thích công việc mà tôi đã tạo ra dường như chỉ cho bản thân mình.

Tôi làm công việc này một cách vui vẻ, thành thật và tận tuỵ. Trên thực tế, tôi luôn giữ quan hệ ngoại giao với những vị tổng giám đốc khác. Tôi luôn lịch sự với họ, thậm chí cả khi có “lấn sân” sang một chút công việc của họ. Tôi đã hình thành Quy tắc 4: Nếu không nói được gì tử tế thì hãy im lặng và Quy tắc 8: Trau dồi kỹ năng ngoại giao.

Quan hệ với những người biết chuyện

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng nếu muốn biết việc gì đang diễn ra ở công ty thì tốt nhất nên hỏi những người tôi biết rõ: những người quét dọn, nhân viên lễ tân, thủ quỹ, người trực thang máy hay lái xe. Tìm ra được những người này và được họ ủng hộ đều quan trọng, đó chính là nội dung Quy tắc 9.6. Họ sẽ cho tôi nhiều thông tin hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được, mà tôi chỉ cần đưa ra câu hỏi thật đơn giản: “Chào Bob, dạo này con gái anh học hành thế nào?”

Tập hợp Những quy tắc làm việc bắt đầu được định dạng. Trong vài năm sau đó, bằng kinh nghiệm và sự chín chắn của mình, tôi để những quy tắc phát triển sâu hơn. Tôi nghỉ việc và tự tạo dựng trung tâm tư vấn của mình. Tôi đào tạo các nhà quản lý với những quy tắc làm việc, quan sát họ bước ra thế giới, chinh phục số phận của mình với sức mạnh, sự uyển chuyển, sự tự tin và quyền lực.

* Có thể bạn đang đặt ra một số câu hỏi. Những quy tắc này hoạt động như thế nào và liệu chúng có hấp dẫn không? Thực ra, bạn không phải thay đổi ai cả mà là chính bạn, bạn đang cần tự thay đổi và tiến về phía trước.

* Tôi phải trở thành một người khác sao? Không! Có thể bạn phải thay đổi cách cư xử của mình đôi chút, nhưng bạn vẫn giữ nguyên tính cách và những giá trị bản thân bạn. Bạn vẫn sẽ là bạn, nhưng bạn sẽ nhanh nhẹn hơn, hoạt bát hơn, và thành công hơn.

* Những quy tắc này có khó học không? Không hề, bạn chỉ cần một hoặc hai tuần để học, nhưng để thuần thục thì có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn phải học hỏi. Thà bạn đang thực hành một quy tắc còn hơn là bạn chẳng theo một quy tắc nào.

* Có dễ nhận ra những người khác cũng đang thực hiện những quy tắc này không? Đôi khi bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này, nhưng người tuân thủ luật chơi một cách thuần thục sẽ chẳng bao giờ để lộ ra họ đang làm điều đó. Nhưng nếu bạn cũng là một người đang theo những luật chơi đó thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra quy tắc họ đang theo đuổi trong từng thời điểm nhất định.

* Tôi sẽ thấy hiệu quả ngay chứ? Bạn có thể thấy điều này ngay lập tức.

* Tôi có phải thường xuyên thực hành không? Tôi thậm chí còn không dám thừa nhận mình đang ưu tiên rèn luyện những quy tắc này – vì suy cho cùng tôi luôn là người tuân thủ luật chơi.

* Liệu việc thực hiện những quy tắc này có gì trái với đạo đức không? Tất nhiên là không. Bạn chẳng làm điều gì sai trái cả, bạn chỉ dùng trí thông minh bẩm sinh và năng lực của mình, vận dụng nó một cách có chủ ý. Đây là điểm mấu chốt để hiểu những quy tắc này. Tất cả những điều bạn làm đều đã được chuẩn bị trước, tất nhiên bạn vẫn chỉ quyết định khi sự việc đã xảy ra, nhưng bạn luôn nhận biết được tình huống chứ không phải tiếp nhận nó một cách thụ động. Bạn sẽ luôn tỉnh táo và cảnh giác, nhận ra thời điểm và tận dụng khả năng của mình. Điều quan trọng nhất là bạn phải có năng lực trong công việc và phải khởi đầu nó một cách tốt đẹp. Những quy tắc này không dành cho những người thích khoe khoang, màu mè, lười biếng hay những người sống không có mục đích. Bạn nghĩ bạn làm việc thực sự chăm chỉ? Hãy bắt tay vào làm việc trước khi áp dụng những quy tắc này.

Hãy đối mặt với công việc của bạn. Bạn thích công việc đó. Bạn vui thích khi được làm việc. Bạn cũng thực sự mong muốn được biết những quy tắc làm việc và sẽ thực hiện nó. Điều tôi muốn bạn làm là bạn hãy nghĩ đến từng khía cạnh công việc một cách có ý thức và thay đổi để cải thiện:

* Cách thức bạn làm việc

* Thái độ mọi người đón nhận sự thay đổi đó

Nếu không thực hiện những quy tắc này thì bạn sẽ đi loanh quanh một hồi, đối mặt với khó khăn và có thể tìm được điều bạn đang mong muốn. Có thể bạn đã biết rất nhiều quy tắc, và đang thực hành vừa theo bản năng, vừa theo trực giác. Bây giờ chúng ta sẽ thực hiện nó một cách có chủ ý. Nếu bạn thực hiện những quy tắc đó, bạn sẽ:

* Được thăng tiến

* Có quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp

* Hài lòng với bản thân hơn

* Yêu thích công việc của mình hơn

* Hiểu công việc của mình hơn

* Hiểu quan điểm của sếp hơn

* Tự hào về cả công việc lẫn bản thân mình hơn

* Trở thành tấm gương cho cấp dưới

* Cống hiến nhiều hơn cho công ty

* Được tôn trọng và coi trọng

* Có môi trường thân thiện và hợp tác xung quanh mình

* Nếu tự khởi nghiệp, bạn sẽ thành công

Những quy tắc này thật đơn giản và hiệu quả, an toàn và hữu ích. Đó là 10 bước để xây dựng sự tự tin và bạn sẽ trở nên mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Tâm của bạn cũng sẽ sáng hơn. Bạn sẽ không phải làm bất cứ điều gì bạn không thích, không mong đợi hay những điều người khác bắt bạn phải làm. Những quy tắc này sẽ giúp bạn phát huy tố chất của bạn cũng như nâng cao thêm năng lực bản thân. Đây là món quà tôi dành tặng các bạn. Những quy tắc đó là của bạn. Hãy sử dụng chúng thật hiệu quả và chúc bạn thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.