Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới

CÔ GÁI TRÊN ĐOÀN TÀU TỐC HÀNH –



Truyện Đan Mạch.
Đoàn tàu chạy vào đường hầm Mulehortz, Thuỵ Sĩ. Dưới luồng đèn pha, người lái tàu chợt thấy hình như có người nép vào góc hầm. Một xác chết. Cô gái cao 1.60m, khoảng ngoài đôi mươi, rất xinh đẹp. Biên bản khám nghiệm tử thi vẫn miêu tả cô rất xinh đẹp: thon thả, mặt trái xoang, lông mi dài, mắt to rất xanh, răng đều, tóc vàng mượt. Trên người có sẹo mổ ruột thừa. Bận đồ nhẹ, vải caro xanh đậm và trắng, túi to, có nhãn đề “Chế tạo tại Đan Mạch”. Đeo nhẫn, không đi giầy. Tính giờ, đoán chừng cô bị rơi từ đoàn tàu tốc hành tuyến Bắc, đoàn tàu này đã dừng ở Zurich rồi đi Roma. Tất cả các quốc gia đoàn tàu đi qua: Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Tây Đức, Italia dều được Interpol yêu cầm tham gia cuộc điều tra.
Trung uý cảnh sát Đan Mạch Brenxen được cảnh sát Thuỵ Sĩ báo: họ tìm thấy trong đường hầm những mảnh hộ chiếu chắc là của nạn nhân. Chắp lại thấy số hộ chiếu là 146945 cấp ngày 22-6-1961 cho một cô gái Đan Mạch tên là Epba, sinh ngày 20-8-1937 ở Djetol, bác sỹ vật lý trị liệu ngủ ở Copenhaghen. Trung uý Brenxen tìm đến nhà cô gái, trên lầu 2 một ngôi nhà loại trung bình. Anh bỏ mũ, lấy bộ đưa đám hỏi người đàn ông đứng tuổi vừa mở cửa:
– Bác là người nhà của Epba Guttensen?
– Vâng, tôi là bố. – Ông ta tái mặt, sửa lại kính, nhìn kỹ viên trung uý rồi hỏi – Chắc có chuyện gì?
– Con gái bác đi vắng ạ?
– Vâng.
– Đi tàu tốc hành tuyến Bắc?
– Tôi vừa tiễn chân nó cách đây ba ngày. Có gì nghiêm trọng lắm không?
– Tôi sợ là có, bác ạ.
– Rất nghiêm trọng à?
– Vâng.
Những cuộc viếng thăm loại này bao giờ cũng nặng nề, khó nói. Nhất là những phút đầu tiên tiếp xúc. Lần lần, trung uý mới đỡ lúng túng, xem ra ông già đã hiểu.
– Người ta tìm thấy thi thể của một cô gái bận đồ ca-rô xanh trắng trong đường hầm bên Thuỵ Sỹ, trên đường tàu tuyến Bắc chạy qua. Có cả hộ chiếu của con gái bác.
– Nó ngã chắc?
– Có thể.
– Bác ở nhà một mình đấy chứ? Bác gái không có nhà chứ? Tôi có ba tấm ảnh của cảnh sát Thuỵ Sĩ chụp để nhận dạng nạn nhân. Tuy người ta cố thu xếp nhưng cảnh tượng vẫn rất nặng nề. Nếu bác thấy không đủ can đảm thì thôi, để nhờ người khác nhận diện cũng được.
– Không sao, cứ đưa tôi xem. Nhanh lên, bà nhà tôi sắp về. Sau đó người bố khốn khổ kể lại cuộc đời ngắn ngủi của con mình.
Cô Epba từ nhà đi ngày 10-5, lúc 13h30, tới Zurích bằng đoàn tàu tốc hành tuyến Bắc. Cô được tuyển vào làm bác sỹ vật lý trong một bệnh viện, sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 1-6 tới. Ông bố đã tiễn cô ra ga, đứng lại với con cho đến lúc tàu chuyển bánh. Bố bùi ngùi, con cũng xúc động, hai bố con chưa bao giờ phải xa nhau. Tuy vậy, cô vẫn không tỏ ra quá yếu đuối, mệt mỏi. Không có lý do gì khiến cô tự sát.
– Cô Epba đi một mình?
– Một mình.
– Bác có thấy người nào đứng gần hoặc tỏ vẻ quan tâm đến cô ấy?
– Không. Vả lại nó không mua vé ghi số, định ngang đường sẽ mua vé nằm.
– Tôi xin thành thật chia buồn với bác. Các đồng nghiệp của tôi sẽ tới gặp bác để ghi lời khai.
– Anh cho rằng nó bị ngã à?
– Ít có khả năng. Ít khi bị ngã từ trên tàu xuống mà chân không đi giày và vẫn mặc đồ dạo phố. Cảnh sát Thuỵ Sỹ nghĩ đến án mạng nhiều hơn. Chào bác, tôi thành thật chia buồn cùng bác.
Khi xuống đến tầng, trung uý gặp một bà già trạc 60. Bà cụ mỉm cười chào anh. Anh biết đó là ai, cúi đầu đi thẳng, không dám nhìn lại.
Trung uý mua vé đi Zurich trên đoàn tàu tuyến Bắc, khởi hành từ Copenhagen lúc 13h30. Anh đứng trên tàu nhìn đám đông dưới sân ga, kẻ cười người khóc, tưởng tượng cảnh ông già tóc bạc tiễn chân con gái lần đầu đi xa. Chắc có những giọt nước mắt đọng trên cặp kính lão. Lúc tàu gần chạy, ông còn mua cho nó tờ báo “Ô chữ” và cuốn phim. Tàu vừa rùng mình, cô nghịch ngợm bấm một tấm ảnh chụp bố đứng tần ngần dưới sân ga, rồi nắm chặt bàn tay bố trong lòng bàn tay nóng ấm, bảo: “Bố đừng lo lắng gì. Bữa nào được nghỉ ba bốn ngày, con sẽ chạy về thăm bố. Không lâu đâu bố ơi!”. Trung uý đi kiếm chỗ ngồi, gặp người kiểm soát vé đang tíu tít kiểm tra vé trước khi đến biên giới. Bác ta đang vội nên cau có trả lời trung uý:
– Phải. Hôm kia tôi có công tác trên tàu.
– Bác có thấy một cô gái tóc vàng từ Copenhagen đi Zurich?
– Hỏi hay nhỉ. Một cô gái tóc vàng, lên tàu hôm kia? Mỗi ngày có hai trăm cô gái tóc vàng đi tàu, ai nhớ được.
– Nếu muốn thuê giường nằm cô ta phải hỏi bác chứ?
– Không. Hỏi nhân viên chuyên trách. Vào tìm trong các khoang vé nằm ấy.
– Tên người ấy là gì? Bác soát vé nguýt dài, định tống khứ anh chàng ấm ớ này đi cho khuất mắt, nhưng Brenxen nhanh hơn.
– Cảnh sát đây nhé, đừng giỡn!
– Dạ, dạ… vâng, mời anh gặp Letto, người Đức.
Letto nhỏ con, tóc nâu, mắt lấm lét. Trung uý nhìn anh ta hồi lâu.
– Giường nằm à? Chậm mất rồi. Nhưng cứ đợi xem. Đến ga Putgarza may ra… Tôi sẽ cố gắng… Anh ta lên mặt quan trọng. Phân phối giường nằm, đút túi số tiền phụ trội à khoản “bồi dưỡng” không nhỏ. Tàu đỗ ga Lubech. Trung uý tranh thủ gọi điện báo cho đồng nghiệp bên Đức biết anh vừa qua biên giới và xin một cảnh sát Đức đến tiếp sức vì anh không được quyền hành động trên lãnh thổ nước khác. Anh sẽ nhận ra người đó ở tờ báo Hamburg mở rộng cầm tay.
Từ ga Hamburg đi tiếp, trung uý đã có thêm người giúp. Anh và viên cảnh sát Đức phải đợi nửa giờ mới thấy Letto làm xong việc phân phát giường.
– Ông là Letto?
– Phải.
– Ông có nhớ một cô gái tóc vàng, cách đây ba ngày hỏi thuê giường nằm trên đoàn tàu này không?
Cặp mắt lấm lét của Letto lướt qua hai nhân viên cảnh sát.
– Có biết bao nhiêu người hỏi mua vé nằm! Làm sao nhớ?
– Đúng, nhưng sau đó cô ta đã chết. Rất xinh đẹp. Mặc đồ caro xanh trắng.
– Vậy à? Cô đó hả? Trời, khủng khiếp quá!
– Thế ra, ông còn nhớ?
– Nhớ! Một cô gái đẹp hết sức… mà có vẻ ngơ ngác, như con chim non rớt khỏi tổ.
– Ông xếp được chỗ nằm cho cô ấy chứ?
– Tất nhiên.
– Ở đâu?
– Toa 6 thì phải… Nhưng không nhớ khoang số mấy.
– Cố nhớ lại xem.
– Không chắc lắm, có lẽ khoang 12.
– Cô ấy có một mình ở đấy?
– Hừm… không.
– Với ai?
– Để nhớ xem đã. Không biết là một hay hai người. Chắc chắn có một cậu mặc bludong màu be.
– Ông có nói chuyện với cô ta chứ?
– Có, đôi ba câu.
Letto nở nụ cười hiểu ngầm rất khó coi. Nhân đà, trung uý hỏi luôn:
– Gạ gẫm cô ta chứ gì?
– Đại khái cũng có gạ tí tỉnh. Chuyện thường tình phải không? Nhưng thấy không ăn tôi cho qua luôn. Trò vặt vãnh kể gì. Không thiếu con gái, chả cần.
– Cô ấy xuống ga nào?
– Cái đó thì chịu. Để xem nào! Xuống Zurich thì phải. Ga cuối cùng của cô nàng mà.
– Ông có thấy cô ấy xuống tàu không?
– Không.
– Qua Zurich có thấy xuống không?
– Không. Ai để ý làm gì nữa. Tôi nghiệp cô bé! Sao mà chết?
– Ông không biết thì lạ thật. Báo cả nước Thuỵ Sỹ sáng nay đều đăng tin.
– Tôi không đọc báo Thụy Sỹ.
– Tìm xác thấy trong hầm Mulehorzt. Có thể rơi xuống đường tàu này.
– Anh vặn vẹo tôi chuyện đó hử? Chắc anh là cảnh sát?
– Đúng. Ông theo tàu tới tận Roma chứ?
– Tới Roma.
– Ta còn gặp nhau.
Trên chặng Francfurt đi Bale, viên cảnh sát Đức cùng Brenxen chuyển chỗ tất cả hành khách nằm toa 6 sang toa khác. Đến Zurich sẽ cắt toa này lại để cảnh sát Thuỵ Sỹ lên khám xét kỹ. Trung uý vào khoang 12 ngồi. Ánh đèn ngủ lờ mờ soi chiếc giường tầng dưới. Cô Epba đã nằm đây đêm hôm kia. Có khi cô đã bị giết trên đó, sau cuộc vật lộn kịch liệt, nếu không bị bất ngờ đánh chết. Có nhiều khả năng chính cô đã tự mình gây ra cái chết thảm thương đó, sắc đẹp của người con gái nhiều khi là con dao hai lưỡi. Trên đoàn tàu ai biết được có những loại người gì? Nhân viên soát vé rụt rè đến gặp trung uý đang gà gật. Trung uý giật mình giơ vé ra.
– Không, – bác xua tay, thì thầm – Tôi vừa đọc báo Francfurt, có bài về cô bé đáng thương ấy. Tôi cố nhớ lại…
– Bác nhớ ra cái gì?
– Nhớ nhưng không dám chắc. Trước khi tới ga Zurich, cô bé đánh thức tôi và hỏi tàu có đi đến Sua không? Ga Sua dưới Zurich. Tôi bảo: Phải trả thêm tiền vé. Điều làm tôi để ý là… Hình như không phải cô ấy trả tiền. Lúc ấy Letto đứng gần đó thì phải. Cô ấy cười, trao tiền cho tôi như thể anh ta vừa trao tiền cho cô bé.
– Bác cho rằng chính anh ta xúi cô bé đi tới Sua?
– Có thể lắm. Nhưng anh mới là người làm nghề đặt giả thuyết này, giả thuyết nọ, không phải tôi. Lúc cô bé hỏi tôi là 5 giờ sáng. Tàu sẽ đến Zurich lúc 8h17 phút.
Trung uý tỉnh hẳn ngủ, đi dọc hành lang tìm Letto. Anh ta nằm trên giường dành riêng cho nhân viên. Brenxen đứng nhìn không dám hỏi, vì anh không được quyền điều tra trên đất Đức. Vả lại, dại gì đánh động.
Đoàn tàu tới ga Bale. Trong sương mù đêm tối, có một thanh tra cảnh sát Thuỵ Sỹ tới truyền đạt lai lịch của Letto do Interpol cung cấp: sinh ngày 3-10-1934 ở Rey, Cộng hoà Liên bang Đức, quốc tịch Đức, đã có nhiều tiền án, một lần can tội năm 1956.
Đúng 8h17 phút, tàu tốc hành tuyến Bắc vào ga Zurich. Cảnh sát Thuỵ Sỹ tới còng tay Letto. Hắn thú nhận: thấy cô Epba tỏ ra có cảm tình với gã, gã rủ cô ở lại trên tàu cho tới ga Sua rồi sẽ quay lại Zurich trên chuyến tàu thứ nhất, để có dịp tìm hiểu nhau thật sâu… Nhưng cô gái không cho gã vượt qua giới hạn nào đó, ít ra cũng không cho vượt vào đêm nay, trên con tàu này. Thế là gã đùng đùng nổi giận, bóp cổ cô bé rồi vứt xác qua cửa sổ. Khi khám nhà hắn, cảnh sát còn thấy chiếc máy ảnh Kodak của Epba trong có cuộn phim, quà tặng của ông bố già trước khi cô đi xa. Cuộn phim được trả lại cho ông gần như còn nguyên vẹn… Trừ một tấm chụp bố già rơm rớm nước mắt giơ bàn tay gầy guộc vẫy đứa con yêu khi đoàn tàu chuyển bánh. Lần đầu tiên nó rời tổ ấm, ngờ đâu cũng là lần cuối cùng… Nhũng con chim non khi rời tổ thường thích bay thật nhanh đến những chân trời mới lạ mà không lường hết những cạm bẫy rình rập trên mọi nẻo đường…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.