Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới

TRƯỚC NGÃ BA ĐƯỜNG –



Truyện ngắn Mỹ.
Ở tuổi ngoài năm mươi một chút mà được như thế này William Farrell có thể tự coi là thành đạt trong cuộc đời: sau ít năm làm nhân viên quèn cho một ngân hàng lớn, giờ đây ông ngồi trên ghế giám đốc chi nhánh New York với thu nhập mỗi năm vài chục ngàn đô la. Có lẽ cũng vì thế mà William luôn thấy mình còn trẻ. Quả thật, so với bạn bè đồng nghiệp cùng lứa, ông vẫn còn tráng kiện lắm. Dáng cao lớn, thân hình chắc lẳn như hồi mới ba mươi, mấy lọn tóc muối tiêu bên thái dương càng tôn cao những nét dễ ưa trên gương mặt. Tuy có những ưu thế trời cho ấy nhưng ông không để ý lắm vì mải mê công việc. Cho tới năm vừa rồi, khi gặp Cynthia. Hai người tình cờ gặp nhau trong bữa tiệc nhà bạn bè…
Cynthia ba mươi lăm, tuổi chín mọng của phụ nữ. Ngay buổi đầu William đã thấy choáng váng trước vẻ quyến rũ của thiếu phụ, không sao cưỡng nổi sức hút mãnh liệt kia. Tóm lại, ông yêu Cynthia, yêu đến phát điên phát cuồng, phát rồ phát dại… Mối tình vụng trộm đã kéo dài được khá lâu…
William nhanh nhẹn đưa xe vào gara ngôi nhà ông tại một vùng ngoại ô New York. Lúc này là 7 giờ tối ngày 20 tháng Chín năm 1976. Ông nhẹ tay tra chìa khóa mở cửa rồi len lén lách vào, gần như một tên trộm, tuy đây là nhà ông. Vì lúc này, lương tâm không thanh thản. Bóng tối và cảnh vắng lặng trong nhà khiến William trấn tĩnh lại. Rõ ràng bà vợ Marjorie còn đang mê mải với cỗ bài Bridge ở câu lạc bộ, ít nhất cũng mười lăm phút nữa mới về tới. Ông còn đủ thì giờ. Bàn tay phải trong túi run run nắm một vật bé xíu nhẵn nhụi, ông tự nhủ: Lúc này không phải lúc đắn đo suy tính gì nữa, không thể lùi bước được nữa. Ý định đã nghiền ngẫm từ lâu rồi, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, phải ra tay thôi, đừng chần chừ nữa. William lên thang rất nhanh, lẻn vào phòng vợ. Hai người ngủ riêng từ mười năm nay. Khác hẳn hai chục năm đầu mới lấy nhau. Ông đã thực sự yêu Marjorie trong hai mươi năm, nhưng giờ đây tình yêu đó đã thành dĩ vãng, xa xăm, tựa hồ không hề có…
Ông nhẹ tay mở ngăn kéo bàn ngủ của vợ, lấy đúng thứ định tìm: chiếc lọ nhỏ đựng vitamin. Trên nhãn đề rõ: lọ có sáu chục viên, sáu chục viên nhỏ xíu màu hồng mát dịu như màu hồng sơn móng tay của Cynthia. May mắn cho William, nhờ vậy ông chỉ vê cục strychnin cho vừa bằng viên vitamin rồi quét một lớp sơn móng tay lên là xong. Trông y hệt, có khi người bán thuốc cũng không thể phân biệt nổi. William mở lọ vitamin, lấy ra một viên rồi bỏ viên strychnin vào. Ông chỉ nhận ra nó vì nó nằm ngay chính giữa, lớp trên cùng, ngoài ra không có chút gì khác các viên xung quanh. Ông đậy nắp, lắc mạnh lọ thuốc. Trong gian phòng rung lên tiếng nhẹ nhẹ như tiếng lục lạc và ngay sau đó dưới tầng trệt vẳng lên một tiếng động khác: tiếng mở khóa cửa, sau đó tiếng Marjorie:
– Anh yêu, anh ở trên đó phải không?
William vội đặt lọ vitamin vào chỗ cũ rồi chạy xuống đón. Khi ôm hôn vợ, ông hơi rùng mình ghê tởm, nhưng bây giờ thì đã muộn. Cỗ máy đang chạy: Mỗi ngày Marjorie uống hai viên khi ăn sáng; trong lọ có sáu mươi viên, vị chi Marjorie còn sống hoặc một ngày hoặc một tháng nữa. Hôm nay là ngày 20 tháng Chín, Marjorie sẽ chết trong khoảng từ 21 tháng Chín đến 20 tháng Mười. Đích xác ngày nào?
21 tháng Chín, William chạy xe vào khu trung tâm New York. Sáng nào cũng vậy, ông theo con đường này để tới nhiệm sở. Nhìn đồng hồ thấy kim chỉ 8 giờ 30 phút, ông thầm tính toán: mười lăm phút nữa Marjorie sẽ tỉnh giấc, cô xuống bếp nấu món ăn sáng, trở lên lầu, và vẫn bận tấm áo ngủ hoa hoét mà ông chịu không nổi, cô trèo lên giường, kê gối tựa lưng thoải mái rồi uống hai viên vitamin chiêu bằng ly nước cam tươi. Hồi nãy, trước khi đi làm ông đã hé cửa liếc vào: Marjorie vẫn ngủ say, và vẫn để cả một đống “lô” uốn tóc cùng với trâm, cặp tua tủa trên đầu như mọi bữa. Thật khó coi!…
Lúc đó, William chợt mong sao cho sự việc xảy ra ngay sáng nay. Đã quyết thì quyết cho rồi. Đáng lẽ không nên lắc. Cô ta sẽ lấy viên trên cùng, và thế là gọn sau vài phút đồng hồ. Còn bây giờ, đành phải chờ. Có khi phải chờ một tháng. Ngồi vào bàn làm việc quen thuộc từ bao năm nay, William không sao đọc nổi những tờ giấy cô thư ký vừa mang tới. Hai mắt nhìn trân trân vào chiếc đồng hồ đề bàn xinh xắn trước mặt: kim chỉ 9 giờ 5. Sau mười phút nữa có thể gọi được…
Mắt vẫn nhìn trân trân vào đồng hồ, đầu óc tập trung đến nỗi nhìn rõ chiếc kim phút xuống dần, xuống dần con số 3. Chiếc đồng hồ là quà rặng của Marjorie nhân dịp kỷ niệm đám cưới hai vợ chồng, vào dịp thứ bao nhiêu cũng chẳng nhớ nữa. Tất nhiên, ông ta thấy chiếc đồng hồ xấu ghê xấu gớm. Cái cô Marjorie này đâu có phân biệt nổi cái xấu với cái đẹp!
9 giờ 15. William nhấc máy điện thoại. Và bất chợt nhận ra một điều thật vô lý: không sao nhớ ra số điện thoại nhà mình. Mỗi năm ông gọi điện về nhà không tới mười lần, những khi cần báo cho vợ biết tối nay ông mời khách về nhà ăn tối. Thế thôi. Còn thì chỉ Marjorie gọi tới, ngày nào cũng gọi, dù chỉ để nói những chuyện chẳng đáng gì như “bữa nay nhà mình không có thư”, hoặc hỏi thăm chồng vài câu…
William vừa tìm được số điện thoại trong sổ. Bấm xong phím số cuối cùng, ông nhịn thở…
Chuông đổ… hồi thứ nhất… thứ hai…
Tiếng chị vợ:
– Alô, tôi nghe đây.
– Anh đây, William đây.
Giọng Marjorie bỗng tỏ vẻ lo lắng:
– Có chuyện gì không anh?
– Không, anh chỉ báo em biết chiều nay anh về hơi trễ một chút.
Marjorie lẩm bẩm có ý không vui, nhưng lại lấy ngay được giọng niềm nở:
– Không sao đâu, anh yêu. Vừa ngủ dậy đã được nghe tiếng anh dù qua điện thoại em cũng thấy vui quá. Thật không ngờ, Mong anh luôn gọi điện cho em như thế này nha!
William thoáng ngạc nhiên nhưng trấn tĩnh được ngay:
– Đồng ý. Từ nay, sáng nào anh cũng gọi điện cho em. Anh hứa.
Suốt ngày hôm đó, William cố hết sức bắt đầu óc tập trung làm việc. Nhưng trong khi đọc các bản thống kê, cân đối thu chi, hóa đơn xuất nhập… cứ có hai con số lởn vởn trong đầu tuy chẳng ăn nhập gì vơi những con số đang sờ sờ trước mắt: 58 – 29… 58 viên vitamin, 29 ngày sống, thời hạn tối đa cho Marjorie…
Chiều đến, ông hăm hở lao tới nhà cô bồ Cynthia. Ông làm việc này vì cô, để có cô cho riêng mình, để bắt đầu một cuộc sống mới, để có được một thời thanh xuân mới. Rất cần gặp cô thật nhanh, vì chỉ khi ở bên người tình ông mới tạm quên được việc mình đã làm. Tuy nhiên ông không cho Cynthia biết. Không dám nói, sợ bị người tình ghê sợ, có thể sẽ hắt hủi mình. Nên William nín thinh không hé răng tiết lộ. Cynthia tiếp đón ông vẫn nồng nàn vẫn thắm thiết hết mình như mọi bữa. Khi đồng hồ điểm 9 giờ ông trở về nhà. Vừa vào tới phòng khách, William giật mình đứng sững Marjorie đứng chờ ông tự lúc nào đang nở nụ cười tươi tắn, giang rộng hai tay đón ông. Bữa nay cô diện tấm áo mới, mái tóc bới đổi kiểu cũng mới, trông thật xinh. Hơn nữa, khác hẳn mọi bữa thấy ông về trễ cô thường cằn nhằn kèm theo hàng tràng dài lời khuyên gìn giữ sức khỏe đại loại “vừa vừa thôi ông ạ, cày thế để mà chết sớm à?”…. thì bữa nay cô không hề trách móc nửa lời. Chỉ nắm tay kéo tuột William vào bếp:
– Nhìn kìa, em nấu toàn những món anh thích nhất.
William chưa kịp cởi áo mưa, đi theo vợ như cái máy, mãi mới hỏi:
– Sao lại làm vào hôm nay?
Marjorie nhoẻn cười nhí nhảnh, ngoẹo đầu nũng nịu:
– Để cảm ơn anh đã gọi điện cho em sáng nay, anh yêu! Lâu lắm mới lại được như vậy, nên em rất sung sướng… Không được quên đâu nha, anh đã hứa sáng nào cũng gọi điện cho em rồi đấy!
Ngồi vào bàn, tuy chị vợ luôn mỉm cười thúc giục nhưng William không sao nuốt nổi những món ăn ngon lành được vợ xào nấu rất khéo. Trong lòng day dứt một nỗi niềm khó tả, pha trộn thương xót lẫn ghê tởm. Bao năm nay ông ta không ngó ngàng gì tới vợ, coi Marjorie chỉ còn là một mớ những thỏa thuận, những thói quen, những định kiến. Vậy mà chỉ một cuộc điện thoại sáng nay đã biến Marjorie thành người phụ nữ đầy sức sống và tình yêu đang âu yếm chăm sóc ông… Nhưng muộn mất rồi… Đã đi thì phải đi tới cùng, đâm lao thì phải theo lao. Bỏ dở bữa ăn, William lên lầu, mặc cho vợ cô níu kéo với đôi mắt hờn tủi ngân ngấn ướt…
Trong ba ngày liên, cảnh khó lòng chịu đựng này cứ như vậy diễn ra. Sáng sáng, William bồn chồn ngồi sau bàn làm việc ở nhiệm sở nhìn trân trân vào chiếc kim đồng hồ mạ vàng chờ lúc nó chỉ 9 giờ 15 phút. Nhấc điện thoại… nghe hồi chuông thứ nhất… hồi thứ hai, rồi nghe tiếng Marjorie sau hồi chuông thứ ba. Càng ngày cô càng tỏ vẻ thích lệ mới này, cô vừa nói vừa cười, giọng đầy âu yếm…
Sau mỗi lần như vậy, khi gác máy William lại tự nhiếc mình dã man vô nhân đạo, lại hạ quyết tâm khi về nhà sẽ ném lọ vitamin thật xa. Vẫn còn kịp dừng lại, vẫn còn đủ thì giờ cứu sống Marjorie…
Nhưng đến tối, sau khi chia tay Cynthia, ý định cũ lại trở lại mạnh hơn, dữ dội hơn: phải đi đến cùng!
Ngày thứ năm, ngày Marjorie uống viên thứ chín thứ mười đã tới. Một bài toán bất ngờ lần đầu tiên xuất hiện. Mọi trưa thứ bảy trước William vẫn tới nhiệm sở làm việc, cả ngày chủ nhật cũng phải đi làm trong khi Marjorie về nghỉ cuối tuần tại nhà nghỉ của hai vợ chồng ở Lockport phía bắc bang New York kế cận thác Niagara. Nhưng thứ bảy này cô ta khăng khăng đòi chồng cùng đi…
Tất nhiên William viện đủ cớ để từ chối, nhưng sau hồi lâu, sợ vợ sinh nghi đành phải nhận lời. Trước khi lên đường, ông không quên lấy lọ vitamin trong học bàn ngủ bỏ vào túi…
Lỡ Marjorie chết ngay bên mình thì rầy rà to!
Thứ hai ngày 27 tháng Chín năm 1976, William ngồi trong phòng làm việc tại nhiệm sở, hai mắt trân trân nhìn kim đồng hồ trên bàn đang chỉ 9 giờ 10. Cố xua đuổi những hình ảnh ngọt ngào trong dịp nghỉ cuối tuần vừa qua mà không sao làm được. Marjorie chưa bao giờ đáng yêu như trong mấy ngày vừa rồi. Cô đòi bằng được hai vợ chồng dắt nhau đi trên con đường bên thác Niagara, đoạn đường hai người đã cùng đi hồi mới cưới. Và khiến ông nhớ lại nhiều điều nhiều cảnh đã vùi sâu trong ký ức từ lâu…
Lần này William thấy cảm động, bối rối hơn bao giờ hết. Và nao núng lưỡng lự hơn bao giờ hết. Nên dừng tay chăng? Vẫn còn kịp mà!
Nhưng rồi như bị ma đưa lối quỷ dẫn đường, bàn tay lại run run lấy chiếc lọ trong túi bỏ vào hộc bàn ngủ trong phòng Marjorie. Chắc bây giờ Marjorie đang đợi cú điện thoại buổi sáng, cú điện thoại đã trở thành mòn quà quý giá không thể thiếu hàng ngày. William liếc nhìn đồng hồ: 9 giờ 20. Ủa, sao nhanh vậy, trễ 5 phút rồi. Tay run bắn lên, ông nhấc máy, bấm số. Hồi chuông thứ nhất… hồi chuông thứ hai… Đây là lúc Marjorie cầm máy… Hồi chuông thứ ba đổ ở đầu dây bên kiea, một hồi nữa, rồi một hồi nữa…
Sau hồi chuông thứ mười, William quăng máy đâm bổ ra ngoài…
Đáng lẽ phải ngồi yên tại chỗ và đợi, như kịch bản đã vạch sẵn, vả lại đây là điều chờ đợi, mong mỏi từ lâu nay mới tới, sao lại hốt hoảng như vậy?
Trên đường chạy xe hết tốc độ để về nhà, William chợt nhận ra mình đã phạm sai lâm nghiêm trọng…Đáng lẽ không nên hạ sát Marjorie ở thời điểm hiện tại… Nếu cô ta chết ngay ngày đầu, ngay từ viên thuốc thứ nhất, không đáp lại cú điện thoại đầu tiên ông gọi cho cô sau bao nhiêu năm, mọi sự sẽ diễn ra trót lọt chẳng có vướng mắc gì, theo đúng kế hoạch dự tính. Nhưng sự việc xảy ra theo quy luật của nó: do thấp thỏm, nơm nớp mỗi ngày, ông đã phải gọi điện cho vợ, và giữa hai người đã có những cuộc trò chuyện được nối lại sau nhiều năm đứt đoạn…
Không biết từ lúc nào, tận đáy sâu tiềm thức, William không muốn giết vợ nữa. Tuy lý trí chưa nhận biết thật rõ rệt nhưng thâm tâm đã chấp nhận, đã mong muốn Marjorie vẫn tồn tại, với những tật xấu, những lố lăng vốn có, với tình yêu chồng theo kiểu riêng của cô. Vậy mà ông lại giết chết cô rồi!
Về tới nhà, William Farrell chợt cảm thấy còn một chút hy vọng mong manh. Biết đâu đấy, có khi Marjorie không ở trong phòng ngủ khi ông gọi điện về? Có thể đang sửa soạn bữa sáng trong bếp chẳng hạn…
Trước khi nhảy từng bốn bực một lên cầu thang, William liếc nhìn vào bếp: không có người. Đạp cửa phòng trên của Marjorie chạy vào: cô nằm gục trên giường, ly nước cam trống trơn bên chiếc lọ đựng những viên vitamin màu hồng. Một tay vắt lên máy điện thoại, có lẽ phút cuối cùng cô định gọi chồng cầu cứu…
William nhảy bổ tới nhấc điện thoại gọi Parker, bác sỹ của gia đình. Rồi cố tìm cách cứu chữa Marjorie bằng nhưng phương tiện gặp chăng hay chớ: đắp khăn ướt, xoa bóp, hà hơi thổi ngạt. Không một giây nào nghĩ mình đang hành động hết sức phi lý: mới tối qua thôi, chính tay mình đặt lọ thuốc vào ngăn kéo kia, chính tay mình đã giết vợ. Gây án mạng có chủ định, hơn nữa, có thể coi là án mạng được lặp lại mỗi ngày, bởi lẽ mỗi ngày ông ta đều có thể cứu sống vợ nhưng vẫn để mặc. Bây giờ đứng trước người vợ sắp chết, hoặc chết rồi không chừng, William quên hết mọi chuyện. Bác sỹ Parker vừa tới. Không cần hỏi han vô ích, bác sỹ tới ngay bên giường. Sau vài giây khám nghiệm, bác sỹ lắc đầu. Hết hy vọng. William gục xuống khóc nức nở. Bác sỹ hỏi ông: “Bà nhà có hay dùng thuốc ngủ hoặc có xài ma túy không?”, ông chỉ lắc đầu, không nói. Bác sỹ Parker thở dài buồn bã. Ông quen biết hai vợ chồng từ hai mươi năm nay, đã trở thành bạn thân của họ, nhưng ông vẫn phải làm phận sự của mình.
– Tôi rất tiếc, ông bạn thân mến. Tôi không thể ký chứng nhận khai tử được. Đây là một vụ đầu độc. Phải chờ nhà chức trách mở cuộc điều tra.
William không phản ứng gì khi nghe nói “mở cuộc điều tra”. Một tuần sau, khi cuộc điều tra bắt đầu ông ta cũng không phản ứng gì. Mổ tử thi Marjorie, bác sỹ pháp y phát hiện một lượng strychnin chết người. Chồng nạn nhân rõ ràng là kẻ đáng nghi, nhưng các điều tra viên chưa lần ra manh mối, vì William chỉ trả lời các câu hỏi của họ rất lấp lửng, thậm chí tránh né. Ông ta chưa hết bàng hoàng trước cái chết của người vợ.
Thực ra, William đang lẩn trốn sau một màn sương, một trạng thái tranh tối tranh sáng, hòng thoát khỏi mọi hồi ức đau buồn, thoát khỏi nỗi hối hận không sao chịu nổi. Vì vậy ông ta trả lời cảnh sát bằng những câu rời rạc, thậm chí ngớ ngẩn. Như khi giải thích lý do tại sao bữa đó bỗng nhiên ông về nhà vào một thời điểm khác thường như vậy. Ông ta có thể trả lời: do vợ gọi về giúp vì cô ấy đột nhiên khó ở. Nhưng trái lại, ông ta nói chính mình đã gọi điện về nhà và không thấy trả lời nên chột dạ quay về.
– Tôi vẫn thường gọi điện cho vợ tôi lúc 9 giờ 15 phút sáng. Lần nào cô ấy cũng nhấc máy ở hồi chuông thứ ba.
Biết khó moi được điều gì ở ông ta, cảnh sát lần theo đầu mối khác. Họ theo dõi việc đi lại, nghe lén điện thoại mong phát hiện một cô bồ nhí nào đó của William. Nhưng không thấy gì, họ cho rằng cuộc sống riêng của con người này hoàn toàn trong sáng không một gợn mây. Tối nào cũng đi thẳng một mạch về nhà đóng kín cửa không tiếp ai. Những cú điện thoại gọi tới đều của bạn bè thân hữu muốn an ủi ông ta cho khuây sầu nhưng không được, ông toàn nhắc tới Marjorie giữa hai tiếng sụt sùi. Đúng là một người góa bụa không thể nguôi ngoai. William Farrell không đóng kịch chút nào. Sau khi giết vợ, không lúc nào ông nghĩ tới chuyện gặp lại con người đã từng là nguyên nhân khiến ông phạm tội. Toàn bộ dĩ vãng, một dĩ vãng không sao chịu nổi bỗng chốc phai mờ. Chỉ còn đâu đó, trong sâu thẳm tâm hồn một cái gì mà ông biết là không nên làm thức dậy, trong đó có Cynthia. Cùng với tất cả các thứ khác, Cynthia đã biến khỏi tâm trí William ngay lúc Marjorie tắt thở…
Sau thời gian điều tra cực ký công phu tỉ mỉ như kiến tha mồi, cảnh sát New York mới thu thập đủ bằng chứng William Farrell phạm tội. Họ kiểm tra sổ bán thuốc của tất cả các cửa hàng dược ở Lockport và ở vùng có nhà nghỉ của đôi vợ chồng. Trong những tháng trước khi xảy ra án mạng, không thấy có tên William Farrell trong danh sách những khách hàng mua strychnin. Song cảnh sát không vì vậy mà bỏ qua, họ tỏ ra là những người đặc biệt kiên nhẫn và tài giỏi: lần lượt gặp từng người có tên trong danh sách. Và một người hàng xóm nhà William đã day tay mím miệng thề rất độc: “Tôi đâu có mua strychnin hồi nào!” Khi tới đối chất, người bán dược phẩm nhận ngay ra William. Ông này bưng hai tay ôm chặt đầu như thể đang cố lục lọi hồi ức về quá khứ xa xăm. Rồi tuyên bố rất bình thản tựa hồ nói về một kẻ nào khác.
– Vâng, đúng tôi. Chính tôi đã giết cô ấy…
Tuy vậy, William không phải ra trước tòa. Ba tháng sau khi bị tạm giam, một cơn đau tim đột ngột đã thay luật pháp trần gian đưa con người sám hối muộn màng này xuống hỏa ngục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.