Truyện Đức.
Qua ánh mắt ta có thể phát hiện ra một tâm hồn đồng điệu, một mối tình chớm nở. Ánh mắt đắm say, giọng nói ngọt ngào, bàn tay nóng hổi của bạn tình đưa ta vào cõi lâng lâng của hạnh phúc tuyệt vời…
Đôi mắt, giọng nói, bàn tay của thầy thuốc có thể dùng phép thôi miên chữa khỏi một số bệnh thần kinh, tâm thần… Và cặp mắt, lời nói, bàn tay của một số kẻ cũng có thể biến những con người bình thường thành hung tợn, cuồng dâm hoặc thành tên giết người man rợ…
Hồ sơ lưu trữ của nhiều cơ quan pháp luật trên thế giới còn ghi lại bằng chứng xác thực về những kẻ lợi dụng phép thôi miên để thực thi những âm mưu đen tối. Dưới đây là một trong những vụ được lưu giữ trong “Hồ sơ Interpol”. Các chuyên gia nghiên cứu về thôi miên cho rằng: “Giấc thôi miên là một giấc ngủ không hoàn toàn. Ý thức cuả người bị thôi miên tuy tê liệt, nhưng không mất hẳn. Người đó vẫn có khả năng tập trung sự chú ý, các cơ quan cảm giác vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian bị thôi miên, người đó hành động theo ý chí của người thôi miên, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định”. Chắc chắn quan điểm này còn được bàn cãi, bổ sung thay đổi. Bản chất của thôi miên là gì? Cơ chế phát sinh và tác động của nó ra sao?
Là những câu hỏi còn đang chờ được giải đáp. Nhưng đó là việc của các nhà khoa học. Câu chuyện dưới đây mới thực sự liên quan tới tất cả những người bình thường chúng ta.
Cô thôn nữ Julia mười bảy tuổi, xinh đẹp lộng lẫy, vừa lấy chồng được một tháng. Chồng là công nhân một nhà máy ở Heidelberg (Đức), cha mẹ cô là những nông dân chất phác, khỏe mạnh. Một bữa kia, trên chuyến xe lửa về quê thăm cha mẹ, hình như cô ngồi cùng toa với một người đàn ông. Người đó tên gì, mặt mũi ra sao… sau này Julia không nói được, chỉ nhớ mang máng anh ta là bác sỹ. Từ sau bữa đó, Julia mắc một chứng bệnh hiểm nghèo không rõ nguyên nhân, lúc nào người cũng bần thần, đôi khi có những hành vi khác thường không ra điên không ra tỉnh, không ra ngủ, không ra thức. Cô tới nhà người bác sỹ ấy khám bệnh nhưng bệnh không thuyên giảm. Chồng cô lo lắng:
– Hai chúng mình cùng đi tới nhà bác sĩ hỏi xem sao. Từ khi anh ta chữa chạy cho em, anh thấy em càng đau yếu hơn. Bác sỹ đó tên gì?
– Em không biết.
– Ủa. Tuần nào em cũng đến đó hai ba lần mà soa không biết tên gì. Sao kỳ vậy?
– Thôi đừng dày vò em nữa anh ơi. Em đau đầu lắm.
– Ít ra em cũng biết nhà bác sỹ chớ. Em vẫn thường tới đó một mình mà. Nào, ta đi.
Heidelberg là một thành phố cổ kính, có rừng bao bọc, có con sông tươi mát đôi bờ, có trường đại học nổi tiếng khắp châu Âu. Julia dẫn chồng vào trung tâm thành phố. Tới một quảng trường nhỏ có vòi nước phun, cô đột nhiên đứng khựng ngay giữa vỉa hè.
– Em không biết phải đi tiếp về hướng nào nữa. Hình như nhà bác sỹ ở ngay gần đây thôi. Chắc chắn vậy mà không tài nào nhớ ra đường… Em van anh, đừng bắt em đi tiếp, em chịu không thấu nữa rồi.
Heinrich sửng sốt nhìn vợ. Cô ta như đang lên cơn thần kinh, toàn thân run bần bật, mắt dại hẳn đi, miệng không ngớt lặp đi lặp lại:
– Em không thể… em không thể…
– Cố lên chút nữa nào Julia. Em biết nhà bác sỹ. Nhất định em biết, cố nhớ coi.
Julia buông mình ngồi bệt xuống hè, bưng mặt khóc rưng rức, không nói không rằng. Heinrich đành dìu vợ quay về. Sau đó anh còn tiếp tục thử bảo vợ đưa mình đi như vậy nhiều lần. Lần nào cũng chỉ tới quảng trường vòi nước phun là Julia dừng lại, lên cơn thần kinh. Mãi về sau, qua nhiều lần anh khéo léo dỗ ngọt, vợ anh mới thổ lộ đôi điều:
– Chỉ một mình anh ấy mới chữa được bệnh cho em. Anh ấy biết cách chữa: đặt tay lên đầu em và nhìn chằm chặp hồi lâu, thế là hết đau đầu.
– Có nói gì không?
– Nói: “Julia bình tĩnh nào. Ngủ đi”. Thế là em ngủ luôn và lành hết bệnh.
Heinrich không moi thêm được gì hơn. Những tháng sau đó Julia vẫn kêu đau đầu dữ dội, khóc lóc suốt ngày, gầy tọp đi, luôn miệng thở than sẵp chết đến nơi. Nhưng hễ chồng vừa đi làm là cô tót ngay tới nhà viên bác sỹ bí ẩn, mang cho anh ta những món tiền khá lớn. Heinrich nhận ra mình đang bị cứa cổ ngày càng sâu thêm nên từ chối không đưa tiền cho vợ nữa. Julia bèn lấy cắp, bán thêm đồ nữ trang để cung phụng cho bác sỹ. Nhưng sức khỏe của cô ngày càng suy kiệt. Heinrich mấy lần bí mật bám theo nhưng lần nào cũng bị vợ phát hiện. Mới đi được chừng nửa đường cô ta đã quay về không đi tiếp nữa. Thế là bệnh cô ngày càng trầm trọng hơn, các cơn đau càng dữ dội hơn trước. Thương vợ Heinrich đành bỏ cuộc. Chỉ còn một cách duy nhất: tới báo cảnh sát nhờ can thiệp.
– Thưa, một người không rõ là ai. Từ gần bảy năm nay hắn chữa bệnh cho vợ tôi, nhưng tôi chưa hề biết mặt, biết tên, cũng chẳng rõ địa chỉ. Hắn đã lấy của vợ chồng tôi trên ba ngàn Mác…
Viên sỹ quan cảnh sát trực ban ghi lời khai, nhưng ông ta thấy nó kỳ cục. Heinrich phải trở về nhà lôi toàn thể họ hàng, láng giềng thân quen, lôi cả bác sỹ gia đình tới Sở cảnh sát làm chứng anh ta không điên, chuyện anh ta thưa kiện là có thật..v.v..
Cảnh sát Heidelberg lúng túng không biết nên mở cuộc điều tra như thế nào, xưa nay họ chưa hề gặp chuyện này. Chỉ biết đặt giả thuyết vụ này chắc có liên quan tới thuật thôi miên. Họ bèn nhờ giáo sư Mayer tiếp tay. Ông là giáo sư rất nổi tiếng, chuyên gia về khoa tâm thần kinh, một trong những vị thành thạo về khoa thôi miên hồi này còn rất hiếm ở Đức. Ngay sau lần khám bệnh đầu tiên, giáo sư khẳng định:
– Cô này đang trong trạng thái thôi miên rất sâu. Thủ phạm đang thôi miên Julia rất giỏi. Hắn dùng những khóa mật mã bằng từ ngữ để ngăn cản cô ấy nói ra những điều muốn giữ kín. Nếu ta không tìm ra chìa khóa thích hợp để giải mã thì không thể biết hắn sai Julia làm những việc gì. Suy nghĩ hồi lầu, giáo sư Mayer tiếp:
– Để tôi thử xem. Bằng cách tôi cũng thôi miên Julia. Phải rất kiên nhẫn, phải mất nhiều thì giờ mới mong thành công. Nhưng tôi hy vọng Julia là tuýp người rất nhạy cảm, nhạy cảm quá mức bình thường. Tôi lo tên kia đã bắt cô ấy làm nhiều chuyện nghiêm trọng. Tình hình thật đáng ngại.
Buổi thôi miên thứ nhất, Julia kể đôi điều với cảnh sát bằng giọng khó nhọc, đều đều, khác lạ:
– Tôi ngồi xe lửa. Đau đầu. Người đàn ông ngồi bên nói: “Tôi là bác sỹ thiên nhiên liệu pháp, tên là Berjen. Cô đang bệnh. Để tôi chữa giùm. Mang va-li giúp tôi. Cầm tay. Nhìn vào mắt tôi. Tôi mất hết ý chí. Hắn bảo: “Xung quanh cô tối den”, tôi không nhìn thấy gì nữa, nhưng chân vẫn bước. Hắn đưa tôi vào một căn nhà, một cầu thang, hai lầu. Hắn đặt tay lên đầu tôi, nói: “Bình tĩnh”… và tôi không thấy gì nữa.
– Tả người đó coi.
– Không được, không nhìn thấy gì.
– Xóa hết mọi hình ảnh khác. Chỉ nghĩ về người đó. Hắn làm gì để cô khỏi đau đầu?
– Đặt tay trái lên ngực tôi, tay phải đưa lên đầu tôi xoa xoa rồi đưa dần xuống trước mặt tôi.
– Tiếp tục nghĩ về hắn, cô thấy gì?
– Ống chân trái có vết sẹo. Bận áo tắm màu trắng, thắt lưng xanh. Cao lớn.
– Tóc màu gì?
– Màu sáng.
– Mặt thế nào?
– Hàm phải có một răng vàng. Chỉ thấy thế, không thấy gì hơn. Cho tôi nghỉ…
Dần dần, mỗi buổi một ít, bằng cách ghép các từ với nhau, thu gọn các câu hỏi và sử dụng vô vàn kỹ thuật phức tạp tinh vi mà chỉ các nhà tâm thần học, thôi miên học mới nắm được, giáo sư Mayer mon men tới gần cái cơ chế đã kìm hãm ý thức của Julia. Cô tả thêm những nhân vật mới, những địa điẻm mới, những đồ đạc có hình thù, màu sắc. Đặc biệt có một phòng khách được tả tỉ mỉ đến mức cảnh sát căn cứ vào những đồ đạc trang trí trong phòng do Julia kể lại mà tìm đúng căn phòng đó, trong một khách sạn tại thành phố. Điều đã xảy ra trong phòng khách sạn này được Julia thuật lại qua những câu rời rạc đứt đoạn, trong tiếng khóc nức nở. Cô bưng hai tay che kín mặt, cô giãy giụa lăn lộn trên giường khám. Rõ ràng Julia đã bị ép phải hiến thân cho kẻ kia. Trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Thông thường người phụ nữ bị thôi miên không chịu vâng lệnh cởi bỏ váy áo. Nhưng Julia thì tuân lệnh. Cô là người dễ điều khiển, nhạy bén với thôi miên. Và gã kia là một tên cực kỳ nguy hiểm, trình độ rất cao.
Một hôm, cảnh sát vùng Speyer tình cờ bắt giữ tên Kanter, cựu nhân viên ngân hàng về tội mạo nhận là lương y để trấn lột vài trăm Mác của một bệnh nhân nhẹ dạ cả tin. Vì câu chuyện về Julia đang gây dư luận bàn tán sôi nổi khắp nước Đức, nên cảnh sát Speyer gửi tấm hình của Kanter tới Heidelberg. Cảnh sát Heidelberg đưa tấm hình cho Julia coi, cầu may vậy thôi, với hy vọng làm bật lên trong ý thức cô một chân dung rõ nét. Nhưng cô không nhận ra đó là ai. Chỉ thấy một mặt tối đen chùm lên bức hình. Cảnh sát giải Kanter tới tận nơi để đối chất với Julia. Hắn chối bay chối biến mọi chuyện.
– Không biết người phụ nữ này. Không tới Heidelberg. Không biết thôi miên là thứ gì…
Tuy cãi rất hăng nhưng thái độ lại lúng túng, không dám nhìn thẳng vào Julia. Cặp mắt hắn rất lạ: nhợt nhạt như của người khác cấy vào, như tự chúng đứng riêng một mình, không hề ăn nhập với khuôn mặt. Nhưng hắn có tất cả những đặc điểm mà nạn nhân đã mô tả: ống chân có vết sẹo, một cái răng vàng, mặc áo lót trắng, thắt lưng màu xanhv.v…
Nhưng hắn vẫn gân cổ chổi bai bải. Điều rất lạ là tuy Julia đứng ngay trước mặt nhưng cô không nhận ra hắn.
Cảnh sát thực sự bối rối. Cho dù đúng hắn là thủ phạm đi nữa, nhưng buộc tội hắn sao được? Căn cứ vào bằng chứng gì? Cuối cùng lại phải nhờ đến giáo sư Mayer mới giải nổi bài toán hóc búa này. Giáo sư phải bỏ ra một thời gian dài tìm tòi, suy luận, làm việc cật lực. Ông đã tìm ra được khóa mật mã đầu tiên: Flosila. Từ này tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng chính vì thế nên rất khó khám phá. Trong khi hỏi chuyện Julia, giáo sư nhận thấy thỉnh thoảng cô thốt ra những âm tiết lẻ tẻ, rời rạc, khó hiểu. Giáo sư ghép những âm tiết đó lại, thử nhiều lần, thay đổi thứ tự… cuối cùng mới nắm được chìa khóa giải mã. Sau Flosila, giáo sư Mayer tìm thêm được hai từ khác; Combarus và Filofi.
Khóa Flosila mở chiếc cửa cho Julia nói ra những quan hệ tình dục hỗn loạn mà cô buộc phải chấp thuận. Kanter chỉ cần nói “Flosila” là đủ khiến cho Julia chịu để hắn thỏa sức cưỡng bức. Với từ này hắn có thể làm điều đón mạt đó với bất cứ người phụ nữ nào bị hắn khống chế. Flosila đã biến cô gái nông thôn thùy mị nết na thành con người dâm dục trơ trẽn tột độ. Kanter còn nói:
– Filofi… Heinrich nó định giết em đấy… Em phải xuống tay trước mới ổn… Này, nó có súng không?
– Có.
– Để chỗ nào?
– Trong hộc bàn ngủ.
– Tối nay em lấy súng bỏ sẵn dưới gối. Chờ khi Heinrich ngủ say, em mở khóa an toàn, gí sát nòng súng vào thái duơng nó rồi xiết cò. Xong, đặt súng vào tay nó làm như nó tự sát. Em phải bắn, Julia. Anh ra lệnh cho em phải bắn Heinrich!
Julia đã làm đúng như lời dẫn dụ của tên phù thủy gian ác. Nhưng chồng cô không chết. Vì Heinrich đã cảnh giác tháo hết đạn trong súng, đem giấu kín từ khi nghe vợ nói nhiều tới chuyện tự sát. Mỗi lần ra lệnh, Kanter lại dùng một từ khóa thích hợp với từng loại hành động và dặn Julia: “Không được nói cho bất cứ ai biết tôi bảo cô làm gì. Cô không được nhớ gì hết. Chỉ khi nào tôi đập vào tay cô và bẻ ngón tay út cô mới nhớ lại và nói kết quả công việc đã làm với tôi”. Công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Mayer dày cộp, không thể trích hết trong bài này. Sau sáu tháng thử công phu, ông mới dựng lại được kiếp sống thứ hai của Julia với đủ ba lần mang thai rồi bị nạo thai mà vẫn không hề hay biết tý gì!
Tuy cực kỳ tài giỏi nhưng giáo sư Mayer vẫn không phanh phui hết mọi tình tiết của vụ án. Cuối cùng chính Julia đã tình cờ nhận ra tên Botmor chủ cửa hàng thịt heo, kẻ đã trả một giá cắt cổ cho Kanter để thuê cô một đêm. Sau phiên tòa kéo dài ba tuần, tòa án Heidelberg tuyên phạt Kanter với hình phạt cao nhất vì phạm tội lừa đảo, phá hoại thuần phong mỹ tục, gây thương tật cho nạn nhân. Bọn đồng phạm cũng bị trừng trị thích đáng. Julia dần dần hồi phục. Cô trở lại cuộc sống bình thường sau bảy năm sống đồng thời hai kiếp sống dưới luồng mắt, lời dẫn dụ và bàn tay ma quái của phù thủy Kanter.