Truyện Achentina.
Bữa đó, ngày 10 tháng Tám năm 1958, nghĩa trang trung tâm của thủ đô Buenos Aires chật cứng người dự một đám tang lớn xưa nay chưa từng có, đám tang không phải của một người bình thường mà của một nhà siêu tỉ phú đồng thời là siêu mạnh thường quân hào hiệp nhất nước: Francisco Carmona.
Thủa sinh thời, Francisco Carmona đã tài trợ rất nhiều tiền cho việc xây dựng các trường học, nên bữa nay đích thân ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đọc điếu văn nêu sự nghiệp và công trạng nhà siêu tỷ phú sớm vĩnh biệt coi đời ở tuổi mới 40.. Đứng sát bên linh cữu, quả phụ Asuncion Carmona ba mươi lăm tuổi, toàn thân choàng đồ đen tang lễ gân như gục ngã nếu không được mấy người bạn thân thiết dìu đỡ. Mọi người có mặt tại đây đổ dồn những cặp mắt cảm thông, chia sẻ nỗi đau tột cùng của quả phụ. Vì vậy chẳng ai để ý tới một người đàn ông thấp nhưng bắt đầu phát phì đứng lẫn giữa đám đông. Ông ta là cảnh sát trưởng Ramon Barios, đứng gần ông ta là viên thư ký riêng của nhà mạnh thường quân quá cố. Chính viên thư ký Pablo Lopez này tối qua đã điện cho cảnh sát trưởng yêu cầu tới dự đám tang.
– Tôi tin chắc đây là án mạng, ông cảnh sát trưởng ạ. Không có bằng chứng gì rõ rệt để cung cấp cho ông, nhưng dám cả quyết đây là án mạng. Mời ông tới dự lễ mai táng, có khi hung thủ hiện diện tại đó không chừng…
Lời cáo giác thật vu vơ, nhưng vì lương tâm nghề nghiệp, cảnh sát trưởng Ramon Barios tới nghĩa trang, chăm chú quan sát những người có mặt tuy chẳng có ý định rõ rệt mình tìm kiếm cái gì. Báo chì đều đã nêu rõ: Francisco Carmona qua đời vì bệnh ung thư máu. Nếu có điều gì nghi hoặc, chắc hẳn bác sĩ đã không ký giấy mai táng cho người xấu số.
Kỳ thực, cảnh sát trưởng Ramon Barios tới đây chủ yếu vì một động cơ sâu xa, rất riêng tư, rất thầm kính. Sau hai chục năm lăn lộn trong nghề vẫn chỉ là cảnh sát trưởng quèn, mà xem chừng khả năng thăng quan tiến chức khá mờ mịt. Trù phi… trừ phi lập được một chiến công vang dội. Và thời cơ đến: tóm cổ tên hung thủ đã hạ sát Francisco Carmona trong khi không một ai nghĩ ông này chết vì án mạng. Một thành tích xưa nay hiếm!
Bộ trưởng bộ Giáo dục kết thúc điếu văn bằng một câu thống thiết vừa đúng lúc cảnh sát trưởng Ramon Barios đi tới quyết định dứt khoát. Viên thư ký Pablo Lopez vừa rỉ tai: sẽ tạo cớ để đưa cảnh sát trưởng vào thẳng nhà Carmona. Cảnh sát trưởng gật đầu.
Qua một ngày, sang ngày 12 tháng Tám, cảnh sát trưởng tới ngôi biệt thự lộng lẫy nằm giữa trang trại bát ngát của Francisco Carmona ở ngoại ô Buenos Aires. Viên thư ký đã đứng sẵn trên bậc thềm, đưa ngay Ramon vào nhà. Đưa luôn vào căn phòng tầng trệt rất lớn, quanh tường kín mít kệ xếp những bộ sách quý, giữa bàn kê chiếc bàn giấy đồ sộ kiểu Louis XVI. Pablo Lopez giới thiệu:
– Phòng làm việc của Francisco Carmona…
Cảnh sát trưởng cảm thấy nơi đây có cái gì đó gây ấn tượng khá ngột ngạt, nặng nề khiến ông đột nhiên đâm ra dè dặt. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân vào chốn thâm nghiêm của một nhà tỷ phú. Đưa mắt đảo khắp phòng một lượt, Ramon hỏi:
– Ông ta làm việc tại đây?
Và ngạc nhiên thấy Pablo cười khẩy:
– Không đâu, thưa cảnh sát trưởng, ngài Francisco Carmona nhà tôi thực ra chưa bao giờ vào căn phòng này. Vì ngài đâu có việc! Chiếc bàn kia là chỗ của tôi.
Rồi Pablo thuật lại cho Ramon nghe rõ:
– Hai chúng tôi vốn là bạn học cùng trường. Tốt nghiệp xong, Francisco Carmona bảo tôi về làm thư ký cho ông ta, nghĩa là thay ông đảm đương mọi công việc, quản lý tài sản riêng của ông ấy. Tôi nhận lời. Từ đó tới giờ, chưa có gì phải phàn nàn về Francisco Carmona, và theo tôi, ông ấy cũng không có gì phải phàn nàn về tôi…
Nói tới đây, Pablo Lopez hạ thấp giọng:
– Tôi là người hiểu Francisco Carmona rõ nhất, còn rõ hơn cả vợ ông ta hiểu nữa kia. Vì thế mới dám nói với cảnh sát trưởng rằng trong cái chết của Francisco Carmona có điều bí ẩn đáng ngờ. Chính ông ta cũng nghi nghi hoặc hoặc, đôi khi buột miệng thốt ra đôi lời khiến tối phải bận tâm…
Francisco Carmona cmả thấy bị ai đe dọa cách nào đấy.
– Ông ta bị ai thù oán không?
– Đã giàu có thì dù hảo tâm, rộng rãi đến mấy vẫn có người thù oán, tránh sao khỏi. Kẻ không được hưởng tỵ nạnh người được, kẻ được ít so đọ với người được nhiều… Nhưng khoan đã, để tôi chỉ cho cảnh sát trưởng cái cớ tạo điều kiện cho ông vào nhà này một cách hợp pháp.
Pablo chỉ cái bàn cũng kiểu Louis XVI nhưng nhỏ hơn, rồi cao giọng nói:
– Ông Francisco Carmona thường để các đồ trang sức và nhiều xấp bạc trong hộc bàn. Sáng nay, tôi phát hiện thấy tất cả đều biến mất. Tuy chỉ mình tôi giữ chìa khóa. Mà không thấy có dấu vết cậy phá. Từ đó, tôi nghĩ thủ phạm là người trong nhà, có chìa khóa giả trong tay.
Pablo Lopez nháy mắt, chỉ vào túi mình. Rõ ràng tự tay anh ta đã lấy các thứ trong hộc bàn. Anh giả bộ bị mất cắp, nhưng không nói thành tiếng sợ có người nghe lén ngoài cửa. Cảnh sát trưởng nhanh miệng hòa theo:
– Được rồi, nếu vậy tôi cần gặp bà Carmona, được chứ? Cần xin phép bà cho thẩm vấn các gia nhân.
Viên thư ký dẫn cảnh sát trưởng lên lầu một, đưa vào căn phòng rộng. Cuối phòng có cửa thông sang một nơi trông có vẻ như một phòng thí nghiệm. Quả phụ Asuncion Carmona từ đó bước ra, trên mình khoác tấm blu trắng của nữ y tá. Cảnh sát trưởng Ramon không dấu nổi vẻ ngạc nhiên. Asuncion Carmona chìa tay:
– Tôi hoàn toàn thông cảm thái độ của ông cảnh sát trưởng. Ông không ngờ tại đây lại có phòng thí nghiệm, phải không ạ? Khi lấy Francisco, tôi vừa tốt nghiệp bác sỹ y khoa xong. Sau lễ cưới, tôi không được hành nghề chuyên môn của mình vì những lý do dễ hiểu. Nhưng sau một năm, tôi bắt đầu chán ngấy cảnh ăn không ngồi rồi. Tôi đề nghị ông xã trang bị cho một phòng thí nghiệm ngay tại đây và đã được Francisco đồng ý. – Asuncion Carmona đưa tay về phía cửa để ngỏ – Tôi có những máy điện quang tối tân nhất và nhiều thiết bị xét nghiệm cực kỳ hiện đại. Từ mười năm nay tôi tập trung sức lực vào công trình nghiên cứu bệnh ung thư và tìm các liệu pháp chữa trị…
Cảnh sát trưởng Ramon khâm phục nhìn góa phụ Carmona. Hiển nhiên bà ta là con người có hạn. Nói năng giản dị, không giả bộ đóng vai quả phụ đau thương. Nghiên cứu về y học là niềm say mê tột cùng của bà, chắc nó sẽ giúp bà vượt qua thử thách cam go hiện nay. Ông hỏi thật lịch sự:
– Thưa bà, tôi có thể gặp qua các gia nhân được không?
Asuncion Carmona ban tặng nụ cười hé môi:
– Xin cứ tự nhiên. Vụ mất trộm Pablo vừa cho biết chẳng đáng là gì, nhưng mời ông cứ thực thi nhiệm vụ của mình… Xin phép, tôi đang làm dở vài thí nghiệm. Và rất cần làm việc để đầu óc khỏi nghĩ ngợi lung tung.
Quả phụ Carmona bước về phía phòng thí nghiệm. Cảnh sát trưởng mạo muội hỏi với một câu chót:
– Thưa bà, ông nhà từ trần vì chứng ung thư máu. Chắc bà có chăm sóc ông chứ ạ?
Trên gương mặt góa phụ trẻ thoáng gợn nét u tối:
– Không. Chăm sóc một người thân thiết là việc rất đau lòng. Khi biết đích xác căn bệnh của Francisco, tôi thực tình không muốn can thiệp vào. Tôi mời đủ mặt chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới, nhưng cuối cùng đành bó tay.
Cảnh sát trưởng Ramon cáo lui, theo chân viên thư ký Pablo Lopez xuống tâng trệt.
– Mời cảnh sat trưởng xem phòng kế bên phòng làm việc của Francisco. Những gì ông vừa thấy nãy giờ chưa phải là thứ kỳ lạ nhất.
Pablo đẩy cánh cửa, cảnh sát trưởng bất giác kêu lên vì kinh ngạc…
Hai người vừa bước vào căn phòng rộng mênh mông, nửa như chuồng thú, nửa như nhà kính trồng cây mùa đông. Các bức tường ba bề bốn bên đều phủ kín những rặng cây lạ mắt quấn vào nhau chằng chịt, hình thù quái đản nhưu trăm ngàn rắn độc lúc nhúc, gây cảm giác rờn rợn mơ hồ. Giữa phòng đặt nhiều dãy chuồng nhốt khỉ và nhiều lại chim sắc lông sặc sỡ, chúng dường như chungsống với nhau rất hòa thuận. Nhưung chí chóe luôn không ngớt làm đinh tai nhức óc. Bên dãy chuồng kê chiếc tràng kỷ bằng mây duy nhất trong phong, không còn đồ đạc gì khác. Pablo Lopez cất cao giọng át tiếng các con vật:
– Đây là nơi Francisco Carmona ở hầu như suốt ngày. Ngả người trên tràng kỷ, hết đọc lại vẽ trong hàng giờ liền. Tôi rất thắc mắc không hiểu tại sao ông ta lại có thể làm như vậy giữa cảnh huyên náo và cái mùi chuồng thú này.
Viên thư ký chỉ tiếp vào đám cành lá rậm rịt phủ kín các bức tường.
– Ông cảnh sát trửong có biết đấy là gì không? Những loại cây biết ăn thịt đấy! Toàn loại cây biết ăn thịt. Mỗi ngày phải mang vào đây một hũ lớn đầy ruồi nhặng còn sống, thả cho bay loạn xạ khắp phòng. Đến tối là hết nhẵn không còn một mống. Francisco Carmona thích xem chúng bị cây ăn thịt.
Cảnh sát trưởng Ramon đột nhiên thấy bối rối. Tính cách nhà tỷ phú quá cố bất chợt hiện ra dưới mắt ông khác hẳn trước. Và không hiểu sao, tự nhiên giả thuyết về án mạng bỗng trở nên khả dĩ, gần như hiển nhiên. Ông hỏi bằng giọng bối rối khó che giấu:
– Anh có thường lui tới nơi này không?
– Chỉ khi nào có công việc thật khẩn cấp. Vả lại ông Francisco Carmona không cho phép ai vào, trừ người làm vườn đồng thời cũng là người nuôi các con vật.
– Thế vợ ông ta?
– Không bao giờ đặt chân tới. Bà ta ghét cay ghét đắng cả cây lẫn vật, điều cũng dễ thông cảm thôi…
Cảnh sát trưởng Ramon Barios dảo mắt nhìn quanh căn phòng không-thể-sống-nổi nhưng lại là nơi một trong những người giàu có nhất thế giới chọn làm chỗ sống qua nửa cuộc đời mình. Tính cách của con người luôn luôn khiến ông cảnh sát trưởng kinh ngạc. Thực tiễn khác xa trí tưởng tượng đến thế là cùng. Vậy thì, một cái chết được tất cả mọi người cho là tự nhiên rất có thể là một án mạng lắm chứ?
Người làm vườn kiêm nuôi thú vừa bước chân vào, nhỏ con, da rám nắng, cuối mép lủng lẳng mẩu thuốc hút dở. Anh ta đưa mắt nhìn các hàng cây, các chuồng khỉ, không tỏ vẻ gì thích thú. Cảnh sát trưởng buột miệng nhận xét thành tiếng…
Người đó cười khẩy.
– Đúng thế. Mấy cái cây cũng như mấy con vật chết tiệt này không sao ưa nổi. Nhưng tôi cứ phải chăm sóc vì được trả tiền công. Mong sao chúng biến hết đi cho khuất mắt. May mà từ nay trở đi bà chủ giữ quyền quyết định, tình trạng này chắc không kéo dài nữa…
Cảnh sát trưởng do đã biết thái độ của Asuncion Carmona đối với khoảng môi trường rất độc đáo này, nên chỉ hỏi:
– Chắc tốn kém cực kỳ, nhỉ?
Người kia chẳng thiết dụi mẩu thuốc, cứ thế ném vào chuồng khỉ.
– Ông nói rất đúng đấy, nhất là thời kỳ đầu.
– Thế là thế nào?
– Hồi ông chủ mới trưng bày phòng này, cây cối theo nhau chết dần chết mòn. Không thứ nào sống quá mười lăm ngày. Phải đặt tận rừng Amazon mang về thay thế, hàng trăm cây chứ ít ỏi gì. Những đồ quỷ này khỏe cực kỳ thế mà cứ chết hàng loạt… Lũ khỉ lũ chim cũng thế, chết nhe răng hết. Không thiết ăn uống gì, chịu chết vì đói… Lại phải mua từng thùng bự mang về.
– Hồi nãy bác vừa nói chỉ thời gian đầu mới xảy ra như vậy. Tại sao thế? Bây giờ không còn tình trạng đó nữa à?
– Không còn. Từ cách nay kha khá lâu rồi. Xem nào… phải rồi, từ bữa ông chủ bắt đầu ngã bệnh…
Cảnh sát trưởng không nghe tiếp nữa. Ông rời phong, lên cầu thang, chẳng gõ cửa, bước ngay vào phòng Asuncion Carmona. Quả phụ sửng sốt, từ phòng thí nghiệm đi ra. Cảnh sát trưởng nghiêm giọng ra lệnh:
– Không được đóng cửa, tôi muốn vào xem trong đó…
Asuncion Carmona cứ đóng cửa. Rồi cởi blu, ngồi xuống ghế. Bình thản châm thuốc hút…
– Ông cảnh sát trưởng khỏi vào cho mệt. Tôi sẽ khai hết.
Góa phụ bắt đầu kể:
– Lúc ông vừa tới, tôi đã biết ngay chuyện mất trộm trong phòng làm việc của chông tôi là chuyện dựng đứng để tạo cớ thôi. Nhưng thú thật, tôi cho rằng ông không thể phát hiện…
Asuncion Carmona thở dài.
– Hồi cưới Fracisco, tôi ngỡ mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Ngỡ như vậy suốt hai năm. Sau đó, thấy chán ngấy cuộc sống vô dụng, thấy thèm được làm một công việc gì đó…
Asuncion Carmona dừng lời giây lát. Cảnh sát trưởng vẫn đứng im không nhúc nhíc, lặng lẽ quan sát thiếu phụ.
– Đó là lúc tôi yêu cầu Francisco lắp đặt phòng thí nghiệm. Ông ấy không chần chừ, cho tôi những thiết bị đắt giá nhất, những máy móc mà nhiều bệnh viện của Achentina không thể có. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong thâm tâm ông ấy không chấp nhận… Theo ông ấy nghĩ, tôi phải thuộc về ông ấy, hoàn toàn thuộc vào một mình ông ấy. Coi tôi như một cái trong tất cả những cái đã có, một trong những đồ sở hữu, một thứ đồ vật vô trt vô giác… Ít lâu sau Francisco mang thú về nuôi trong căn phòng ngay dưới phòng thí nghiệm của tôi, và ở lỳ trong đó suốt ngày…
Cảnh sát trưởng lẩm bẩm:
– Ngay dưới phòng thí nghiệm của bà…
– Từ buổi đầu, tôi đã ghét con vật và cây cối ấy, nhất là các loài cây, những cái cây ghê tởm biết ăn thịt. Tôi nghĩ có lẽ chính chúng là nguyên nhân dẫn tới mọi chuyện. Chúng như một lời chửi rủa, một sự khiêu khích tôi. Tôi quyết định trả thù.
Asuncion Carmona nín bặt. Rõ ràng không muốn kể tiếp phần còn lại. Cảnh sát trưởng Ramon Barios đỡ lời:
– Quang tuyến X…
– Vâng, bị chiếu quang tuyến X trong thời gian dài, các tế bào sẽ bị tổn thương nặng dẫn đến cái chết. Tôi có trong phòng thí nghiệm những máy quang tuyến mạnh nhất…
Tôi thay một đoạn ván sàn bằng tấm gỗ thật mỏng, chiếu luồng bức xạ xuống phòng dưới, nhưng chỉ nhắm vào các cây và các chuồng nuôi súc vật thôi. Chúng lần lượt lăn ra chết. Francisco rất tức. Đoán già đoán non là có tay tôi nhúng vào, nhưng không phát hiện ra. Có khi cho rằng tôi trộn bả vào thức ăn, vào đất trồng, chứ không nghi ngờ phòng thí nghiệm của tôi. Vả lại, tôi vẫn cấm cửa không cho ai bén mảng tới đó. Dù thế nào mặc lòng, Francisco đối xử với tôi rất tàn tệ… không sao chịu nổi nữa…
Góa phụ Carmona bưng mặt:
– Thế rồi, một bữa kia, tôi chĩa máy về phía chiếc tràng kỷ…
Tối hôm đó, Francisco kêu mệt. Hôm sau, hôm sau nữa, tôi tiếp tục dài dài. Phải sau sáu tháng…
Tòa kết tội Asuncion Carmona giết chồng, kêu án hai mươi lăm năm khổ sai. Trong ngục, cô xin tham gia bộ phận y tế và rất tận tình chăm sóc bạn tù khi đau ốm, không quản ngại nguy hiểm dơ dáy. Ban quản lao nhiều lần tuyên dương tinh thần dũng cảm, tận tụy của cô. Asuncion Carmona đã tìm lại được thiên hướng đích thực của mình: chăm sóc, cứu chữa người đồng loại. Đáng lẽ cô phải làm điều đó từ lâu.. Tiếc thay, vừa cầm mảnh bằng tốt nghiệp bác sỹ y khoa trong tay, cô đã hấp tấp vớ phải người chồng tuy giàu có bạc tỷ nhưng không có chút tình yêu thương nào. Đã thế lại còn mắc thói say mê bệnh hoạn: trồng những loại cây ăn thịt.