Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới

SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT TỘI DANH MỚI –



Truyện Mỹ.
Trên đường băng sân bay Roosevelt ở Long Island bên Hoa Kỳ, một chiếc máy bay sắp cất cánh. Máy bay không có gì khác thường: kiểu nhỏ, một động cơ, loại máy bay vẫn thấy hàng ngày trên các sân bay hồi những năm 20 của thế kỷ này. Điều khác thường nằm ở đích đến của nó: Paris. Máy bay sẽ vượt Đại Tây dương, điều từ trước tới lúc này chưa ai làm nổi. Trên khoang lái chỉ có một thanh niên hai mươi lăm tuổi. Với đôi mắt sáng, mái tóc bờm xờm trông càng trẻ hơn tuổi. Mấy người đứng xem lẩm bẩm bảo nhau khi máy bay lao ra biển, bay khuất đường chân trời:
– Tay này điên!
Bảy giờ sáng ngày 20 tháng Năm năm 1927, chàng “điên” hạ cánh xuống sân bay Bourget sau ba mươi ba giờ ba mươi phút bay. Trong một chớp mắt của lịch sử, chàng trai vụt trở thành người nổi tiếng nhất thời đó, thành một anh hùng huyền thoại. Năm năm sau, Charles Lindbergh lại có một cuộc gặp thứ hai với lịch sử, lần này là một cuộc gặp bi thảm…
Bữa người chiến thắng Đại Tây dương trở về, công chúng Mỹ hân hoan đến cuồng nhiệt. Vị anh hùng trẻ tuổi khiêm tốn, niềm nở nên càng chinh phục mạnh lòng mến mộ của mọi người. Tháng Năm năm 1929, khi anh cưới Anne Morrow xinh đẹp, con gái cựu đại sứ Mỹ ở Mêhicô, hầu như cả nước coi đây là một lễ hội chung. Và khi cậu con đầu lòng của họ ra đời ngày 27 tháng Sáu năm 1930, nhà nhà đều coi là tin mừng của chính gia đình mình. Một tờ báo viết “Lindbergh đã cho nước Mỹ chúng ta một đứa con trai”. Hai vợ chồng đặt tên con là Charles Lindbergh. Nhưng ánh hào quang rực rỡ mau chóng trở thành gánh nặng cho đôi vợi chồng trẻ. Mỗi bước đi là một bước bị săn đón: hàng chục, có khi nhà trăm người đeo bám sau lưng, vây kín xung quanh, túc trực trước cửa nhà riêng. Lindbergh phải tính chuyện tìm một nơi ẩn dật, tránh xa đám đông…
Nhờ có dịp bay nhiều lần trên lãnh thổ Hoa Kỳ, anh nhắm được một địa điểm lý tưởng: một vùng rừng núi thuộc New Jersey. Trên đỉnh ngọn đồi có khoảnh đất rộng xung quanh là cánh đồng, bãi cỏ. Thị trấn gần nhất, Hopewell, cũng cách đây nhiều cây số. Đường xá thuộc loại hai, khó lưu thông. Đại tá Lindbergh vừa được thăng cấp – quyết định xây tổ ấm tại đây. Ngôi nhà ở Hopewell mọc rất nham. Chỉ đơn giản thôi: một trệt một lầu. Dưới tầng trệt có phòng ăn, phòng khách, phòng làm việc và mấy gian phụ. Trên lâu là các phòng ngủ. Hai vợ chồng dọn tới ở từ đầu năm, tuy cho tới bữa hôm nay mùng 1 tháng Ba năm 1932, ngôi nhà vẫn chưa hoàn tất. Bé Charles đáng lẽ về chơi với ngoại nhưng không được khỏe nên ở lại nhà. Bệnh không có gì đáng ngại, bé chỉ cảm lạnh sơ sơ, nhưng bố mẹ cẩn thận giữ lại để tiện chăm sóc. Lúc bảy giờ tối, cô bảo mẫu xinh đẹp Betty Gow hai mươi bảy tuổi, người Anh, tắm cho bé. Cô nghĩ: bé đã đỡ, không đáng lo. Tắm xong cô choàng thêm bộ đồ ngủ bằng len ra ngoài sơmi, đặt bé nằm ngủ, dùng kim băng ghim chặt các mép chân cho khỏi tụt. Cô hôn thằng nhỏ rồi ra khỏi phòng. Lúc tám giờ, Betty quay lại. Charles đang ngủ ngon giấc. Thấy cửa sổ chưa đóng, cô tới đẩy mạnh cánh cửa nhưng gỗ tươi trương nở không đóng chặt được, Betty để mở hé vì thấy trời không lạnh lắm. Cơn cảm nhẹ giữ chân đứa bé, cánh cửa sổ không đóng kín.. toàn những điều nhỏ nhặt không quan trọng. Vậy mà lại là đầu mối dẫn tới một trong mấy vụ án gây xôn xao nhất thế kỷ này, để lại những dấu hỏi gần 70 năm sau vẫnchưa có lời giải đáp. Và có lẽ không bao giờ có…
Vào khoảng trước mười hai giờ đêm, hai vợ chồng Lindbergh đang ngồi uống café trong phòng khách chợt nghe tiếng động ngoài nhà. Nhưng họ không bận tâm: chắc cành khô rớt ngoài vườn thôi. Vài phút sau, Anne lên gác ngủ, đại tá vào phòng làm việc. Cô Betty trở lại phòng bé Charles lần nữa cho chắc dạ. Giường Charles trống trơn. Lúc đó cô bảo mẫu không thể nghĩ có chuyện gì khác: bà chủ đã vào mang con về phòng mình. Cô tới gõ cửa phòng Anne: Không có Charles trong đó. Cả hai người chột dạ, chạy vội xuống tầng dưới, tông cửa phòng làm việc. Lindbergh đang ngồi viết. Không có Charles trong phòng. Ba người hốt hoảng chạy vội lên cầu thang, vào phòng trẻ…
Và hiểu ngay ra: dưới sàn có vết bùn, ngoài cửa sổ có chiếc thang dựa bờ tường, trên lò sưởi hơi gần chiếc cửa sổ có chiếc bì thư nhỏ. Charles Lindbergh đã bị bắt cóc!
Vài phút sau cảnh sát đã có mặt. Dấu vết trên hiện trường rất dễ xác minh. Nhất là lá thư bằng tiếng Anh viết tay, lời lẽ kỳ cục, đầy lỗi chính tả, tạm dịch:
“Ông thân mến! Thu xếp 50.000 đô, 25.000 bằng giấy hai chục, 15.000 bằng giấy một chục, 10.000 bằng giấy năm đô. Sau hai bốn ngày sẽ bảo chỗ nộp. Không được báo cảnh sát, không nói năng gì. Thằng nhỏ được coi sóc tốt. Thư bọn này gửi cho ông mang chữ ký dưới đây…”
Không có chữ ký, chỉ có một hình vẽ quái dị: hai vòng tròn một xanh một đỏ ngoắc vào nhau, mỗi vòng có 3 lỗ thủng. Không phải chuyên viên cũng thấy ngay kẻ viết bức thư là người nước ngoài, chắc người Đức. Vì đáng lẽ viết “tốt” theo tiếng Anh là “good” thì hắn lại viết tiếng Đức “gut”. Trên thư không có vân tay. Các vết bùn cũng không nói lên điều gì. Tên, hoặc những tên hung thủ, chắc đã bọc giầy trong những chiếc tất. Chỉ có cái thang đáng chú ý. Thang có kết cấu rất đặc biệt: có thể tháo rời thành ba đoạn. Loại thang không có bán trên thị trường mà được chế tạo thủ công với chất lượng tuyệt hảo, chắc là tác phẩm của một tay thợ chuyên nghiệp rất lành nghề. Hơn nữa, thanh thứ sáu kể từ dưới lên bị gẫy khiến hung thủ té ngã để lại dấu trên bùn và gây tiếng động mà hai vợ chồng Lindbergh ngồi trong phòng khách đã nghe. Gần chân thang, cảnh sát lượm được chiếc đục thợ mộc. Những dấu vết và vật chứng ban đầu cho thấy: có thể hung thủ là thợ mộc, người gốc Đức. Tất nhiên, nếu những thứ đó không do nó cố ý tạo ra để đánh lạc hướng điều tra.
Sáng hôm sau, đại tá Lindbergh mang bộ mặt căng thẳng, xanh rớt tới cuộc họp báo. Ông tuyên bố sẵn sàng thỏa mãn mọi yêu sách, hứa không làm bọn bắt cóc bị cảnh sát quấy rầy. Điều ao ước duy nhất của ông bà là lại được ôm thằng con vào lòng. Niềm xúc động của người dân Mỹ, của người các nước trên thế giới thật mãnh liệt. Hàng ngàn thư, điện tới tấp gửi về Hopewell, trong đó có cả thư thăm hỏi của tổng thống mỹ và nhiều nguyên thủ quốc gia. Công chúng Mỹ coi đây là một thách đố, một sỉ nhục với mỗi cá nhân. Hàng ngàn người tình nguyện trở thành thám tử. Cơ quan cảnh sát bị ngập dưới vô vàn lời tố giác mơ hồ, bối rối trước vô số đầu mồi giả. Họ tiến hành cuộc điều tra trong những điều kiện rối mù, trong không khí hoang mang cực độ của dân chúng, nên vụ án trở nên cực kỳ khó khăn, một trong những vụ khó nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Trước tiên họ tìm dấu vết hung thủ trong số người giúp việc gia đình Lindbergh. Cảnh sát cho rằng: hung thủ có tay trong là điều hiển nhiên. Nếu không, làm sao nó biết đích xác phòng ngủ của đứa bé, nhất là biết rõ tối đó nó ở lại nhà chứ không tới chỗ ông bà ngoại, Nhưng đại tá Lindbergh lại hoàn toàn tin tưởng những người giúp việc, cấm cảnh sát thẩm vấn họ. Sau này, thái độ kỳ cục của ông bị chê trách mạnh và gây nên nhiều lời đồn đại…
Trước mắt, do bị ngăn tiếp xúc với người làm, cảnh sát tập trung vào nhân vật gần gũi với đối tượng đó: chàng lính thủy người Na Uy tên Henry Jonhson, lái xe cũ của Lindbergh hiện đang là tình nhân của cô bảo mẫu Betty Gow. Anh ta đã tới đây ngày 28 tháng Hai, và hẹn sẽ trở lại ngày 1 tháng Ba, ngày xảy ra vụ bắt cóc. Nhưng chiều hôm ấy anh gọi điện cho Betty báo hoãn nhưng không nói lý do. Chừng ấy đủ cho cảnh sát bắt giữ Henry ngày 4 tháng Ba. Hơn nữa, cảnh sát có thêm hai bằng chứng khiến họ càng nghi ngờ: nhiều nhân chứng đã nhìn thấy vào đúng buổi chiều hôm đó một chiếc Chrysler xanh lá cây đỗ gần biệt thự Lindbergh. Henry cũng có một Chrysler xanh lá cây. Khám xe, thấy trong cốp có…một chai sữa. Thủy thủ uống sữa là chuyện khó tin. Đúng là của thằng nhỏ. Cảnh sát tra hỏi Henry khá mạnh tay trong lúc đường phố nổi loạn. Đám đông tức giận định xông vào đồn:
– Không cần xét xử! Treo cổ nó lên! Xé xác nó ra bà con ơi!
Cảnh sát phải đàn áp dữ dội mới giải tán hết. Thật vô cùng may mắn cho Henry, anh ta có bằng chứng ngoại phạm không thể bác bỏ: cả ngày lẫn đêm mùng 1 tháng Ba anh đều ở tại gia đình cho trọ, rất đông người xác nhận như vậy. Sữa là thức uống thường ngày của anh. Là thủy thủ mà lại giải khát bằng sữa, suýt nữa Henry phải trả giá đắt. Trong lúc đó, vợ chồng Lindbergh nhận được bức thông điệp thứ hai, cũng có hai vòng tròn thủng lỗ: “Đã dặn không được báo cảnh sát. Nhưng mấy người báo, nên phải chịu hậu quả. Tiền chuộc từ 50.000 lên 70.000 đô”
Đúng lúc này cảnh sát thấy xuất hiện một khách quen: Al One. Tên cướp khét tiếng đang đếm lịch trong nhà tù Cook Country, nhưng dư âm của nó còn lớn đến mức một thám tử không ngần ngại tuyên bố với báo chí rằng chính nó đã tổ chức, chỉ huy vụ bắt cóc từ nơi giam giữ. Al One không bỏ lỡ dịp tốt. Nó viết đơn cho tổng thống Mỹ cam đoan biết rõ nội vụ từ đầu và sẵn sàng khai hết. Với hai điều kiện: phải thả nó ra, và duy trì đạo luật Cấm Rượu. Chẳng cần nhiều thì giờ điều tra, nhà chức trách biết ngay Al One chỉ là tên đại bịp, nó chẳng biết chút gì hết. Họ để nó ngồi yên trong rù, cuộc điều tra lại bắt đầu từ số không.
Ngày 8 tháng Ba, một tuần sau vụ bắt cóc, vợ chồng Lindbergh vẫn không liên lạc được với bọn cướp. Họ tuyệt vọng, biết rằng mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày giảm bớt khả năng thấy lại đứa con còn sống. Họ nhờ đăng lên báo lời kêu gọi thảm thiết: “Vợ chồng chúng tôi xin được tiếp xúc với những người đã bắt cóc con chúng tôi. Xin cử cho một đại diện tới gặp người của chúng tôi, người này phải được các ông chấp thuận, nơi gặp do các ông ấn định”.
Tới thời điểm này mới có đôi chút chuyển biến. Nhưng không do công của cảnh sát, mặc dầu họ đã huy động những lực lượng và những phương tiện lớn lao nhất từ trước tới giờ. Mà do sáng kiến có phần kỳ cục của một công dân Mỹ bình thường, một nhân vật bất ngờ và đặc biệt nhất trong câu chuyện này. Giáo sư Condon là con người lập dị, đãng trí, mơ mộng, một con người theo chủ nghĩa lạc quan cực đoan luôn cho rằng chỉ cần có đôi chút thiện chí là thay đổi được thế giới. Vị cựu giáo sư khoa sư phạm bảy mươi tư tuổi dùng thì giờ nghỉ hưu rảnh rỗi vào việc rèn luyện cơ thể và nghiên cứu thuật thần bí. Mọi người quý mến ông nhưng không tin tưởng lắm vào những gì ông làm. Như mọi người khác, giáo sư Condon rất phẫn nộ và cũng muốn giúp một tay. Ông tới tòa soạn tờ Bronx Home News, báo địa phương của Bronx ở ngoại ô New York nơi ông cư ngụ. Ông bảo các ký giả:
– Mấy chú đăng ngay lên báo: tôi sẵn sàng làm trung gian tới gặp bọn cướp. Tôi cam đoan không phản chúng và xin góp 1.000 đô, toàn bộ số tiền dành dụm cả đời người, vào tiền chuộc.
Nhà báo thấy đề nghị của giáo sư già nực cười. Đã có biết bao nhân vật cao cấp trong giới tôn giáo, giới dân sự nhận đứng trung gian rồi, ông già lập dị này trông mong vào cái gì?
Nhưng sẵn có thiện cảm với ông và thấy ông khẩn khoản rất chân thành rất cảm động, nhà báo đăng lên trang nhất số báo sớm hôm sau. Ngay hôm đó giáo sư Condon nhận được thư hồi âm của bọn cưốp. Thư gấp làm tư, đề “Đọc cho ông Lindbergh”. Giáo sư nhấc điện thoại, chờ khá lâu mới gặp được đại tá. Ông nói hết đầu đuôi. Đại tá Lindbergh không tỏ ra tin tưởng lắm, vì đã có không dưới mười cú phôn tương tự, tất cả đều do những kẻ thích đùa dai hoặc những tên lừa đảo. Hơn nữa, giáo sư lại là người không thật nghiêm túc. Thì ông hãy nghe đọc lá thư này xem sao?
“Thưa quý ông. Ông Condon làm trung gian coi bộ được. Hãy trao 70.000 đô cho ông ta. Coi chừng đó, đừng hòng giăng bẫy. Nhận đủ tiền sẽ bảo nơi đón thằng nhỏ”.
Lindbergh bàn đặt một câu hỏi mà ông cho là có tính chất quyết định. Từ bữa nhận được lá thư của bọn bắt cóc, ông đã yêu cầu cảnh sát không tiết lộ cho báo chí một chi tiết quan trọng và không ai có thể bịa ra.
– Ký tên ai?
– Lạ lắm, ông đại tá! Không hẳn là chữ ký. Chỉ có một vòng tròn xanh và một vòng tròn đỏ, với ba lỗ thủng…
– Giáo sư thuê ngay chiếc xe chạy tới Hopewell. Tôi chi tiền. Đi lẹ lên! Tôi van ông…
Suốt một tháng sau, giáo sư Condon thương lượng với bọn cướp. Cuộc thương lượng đầy khó khăn, vì đại tá Lindbergh nhất định đòi cung cấp bằng chứng thằng nhỏ đang nằm trong tay chúng và số tiền chuộc chỉ có 50.000 chứ không phải 70.000 đôla. Mãi tới khi giáo sư Condon nhận được, qua bưu điện, bộ đồ ngủ tí xíu của đứa bé, đại tá Lindbergh mới quyết định: sẽ giao tiền chuộc ngay. Hai bên thỏa thuận ngày 2 tháng Tư, ban đêm, tại một nghĩa trang của New York. Cảnh sát chấp nhận thỉnh cầu của đại tá: không giăng bẫy, nhưng đòi ghi số tất cả mọi tờ giấy bạc. Xe đại tá chở giáo sư đỗ trước cổng nghĩa trang. Một mình giáo sư len lỏi giữa các nấm mộ, ôm chặt vào ngực chiếc hộp đựng 50.000 đôla. Một bóng đen lầm lũi tới gần. Bắt đầu cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa vị giáo sư già đầy lòng nhân hậu với một trong những tên cướp ghê tởm nhất nước Mỹ. Trời sáng trăng. Tên cướp giấu kín mặt, chỉ chiếc hộp:
– Đựng gì vậy? – Nó nói giọng Đức đặc sệt:
– 50.000 đô.
– Phải đủ 70.000 đô.
Giáo sư cố thuyết phục: vợ chồng Lindbergh không sao kiếm được hơn, thế này đã quá sức họ rồi. Rất lâu mới đi tới thỏa thuận. Tên cướp nhận chiếc hộp, trao lá thư nói địa điểm tìm đứa bé. Trước khi biến, nó ngoái cổ dặn: chỉ được mở sau ba tiếng. Di nhiên Lindbergh không chờ, ông mở ngay bì thư. “Đứa bé ở trên tàu Nelly, tàu nhỏ dài chừng 9 mét. Trên tàu có hai người. Cả hai không dính dấp chuyện này. Tàu ở giữa vịnh Horseneck và GuyHead, gần đảo Elisabeth”.
Đại tá nhảy lên máy bay. Tới nơi, hỏi dân địa phương thì không ai biết có con tàu Nelly. Bay rất nhiều vòng ngang dọc bờ biển, người bố đáng thương không tìm thấy dấu hiệu gì.
Ở Hopewell mọi người rất sung sướng trước kết cụ đầy may mắn, Một tiệc mừng lớn được chuẩn bị. Phòng thằng nhỏ sau bao tháng âm u bữa nay được thắp sáng trưng. Chiếc nôi đã sẵn sàng đón bé. Gần trưa Lindbergh mới về tới nhà. Chỉ có một mình. Ngày 6 tháng Tư, ông thừa nhận trước giới báo chí mình đã bị lừa. Và phát đơn kiện. Ngay lập tức, số các tờ bạc được thông báo cho mọi ngân hàng Mỹ và Canađa.
Lindbergh lần theo đầu mối khác, hay đúng hơn, trở lại đầu mối cũ. Đó là John Hugues Curtis, chủ thuyền ở Norfolk, người đã tới kiếm đại tá từ ngày 22 tháng Ba trước. Bữa đó, cùng với John còn có hai nhân vật đáng kính: mục sư Dobson Peackok chủ trị nhà thờ Norfolk và đô đốc Burnage. John cho biết: một người tên Sam đã nhân danh bọn cướp liên lạc với ông, người này biết chỗ đứa bé đang ở…
Hồi đó đại tá Lindbergh đang đặt hết hi vọng vào giáo sư Condon nên bỏ qua tin này. Sau đó, John và mục sư Peackok liên tục thông báo cho báo chí biết họ bí mật tiếp xúc nhiều lần với bọn cướp nhưng không được phép lộ chi tiết. Sau khi mất toi tiền chuộc, Lindbergh không thể nghĩ gì khác: có lẽ John nói đúng. Hơn nữa, vào đúng lúc này John vừa đưa ra một tuyên bố cực kỳ giật gân được mọi tờ báo đăng lên trang nhất: ông ta đang giữ một số tờ bạc trong khoản tiền chuộc, do bọn cướp đưa trên con tàu cá xanh bỏ neo trong vịnh Norfolk. Chúng có năm tên: ba đàn ông, hai đàn bà, đều là người Bắc Âu. Mọi chi tiết đều được John miêu tả tỉ mỉ: tên, nhân dạng, diễn biến vụ bắt cóc…
Cảnh sát bỏ ngoài tai nhưng Lindbergh coi đây là hy vọng cuối cùng. Ông đưa John lên du thuyền chạy khắp vịnh Norfolk kiếm chiếc tàu cá màu xanh. Cuộc tìm kiếm diễn ra như một chiến dịch quân sự: ngoài du thuyền của viên phi công còn có ba thủy phi cơ, sáu diệt ngư lôi hạm, mười ba tàu cao tốc trang bị đại liên, năm chục tàu tuần tiễu… săn lùng suốt ba ngày đêm…
Ngày thứ ba, mọi người mới té ngửa: ông mục sư trục trặc thần kinh và lão chủ thuyền háo danh bịa chuyện để được mọi người chú ý. Chiến dịch kết thúc trong thảm bại. Lindbergh kiệt sức trở về sau một ngày lênh đênh trên du thuyền. Trên bến, trung úy cảnh sát Richard đứng chờ sẵn. Anh bước tới:
– Thưa đại tá, nên chấm dứt mọi tìm kiếm.
– Sao? Tìm thấy thằng nhỏ rồi?
– Vì… vì cháu chết rồi, thưa đại tá. Vừa tìm thấy xác cháu…
Ngày 12 tháng Năm năm 1932, hai công nhân xe tải tới chở gỗ thấy trong cánh rừng ngay bên biệt thự Hopewell xác một đứa trẻ con. Cô bảo mẫu khẳng định quần áo trên thi thể đúng là của cậu bé Charles Auguste Lindbergh. Thế là hết!
Kết quả khám nghiệm càng làm tăng nỗi khủng khiếp. Tình trạng xác chết cho thấy đứa bé bị giết từ hơn tháng rưỡi trước, rất có thể ngay đêm bị bắt. Mọi cuộc mặc cả của bọn cướp chẳng qua chỉ là trò lừa bịp khốn nạn. Xương sọ đứa bé bị đập vỡ, có thể nó bị giết trong rừng, cũng có thể bị đập đầu xuống đất khi thang gãy…
Toàn liên bang phẫn nộ thét to đòi trả thù. Lúc này cảnh sát có thể rảnh tay hoạt động, không còn phải thận trọng như khi đứa trẻ dường như đang sống trong tay bọn cướp. Hơn nữa, quốc hội vừa thông qua đạo luật khẩn cấp “Luật về vụ bắt cóc Lindbergh”, giao trách nhiệm cho FBI mởi điều tra trong mọi vụ bắt cóc. Trước khi có đạo luật này, bắt cóc ở địa phương nào chỉ do cảnh sát địa phương đó đảm trách. Đầu tháng Sáu năm 1932, xuất hiện yếu tố mới: các tờ bạc tiền chuộc lần lượt bị phát giác. Tên cướp khá thận trọng, hắn tiêu theo kiểu nhỏ giọt. Thỉnh thoảng mới có một ngân hàng tìm thấy một tờ khi kiểm tiền cuối ngày. Cái khó là truy lùng tìm kẻ mang nó tới. Đôi khi bắt giữ được một người thì lần nào cũng là một thương nhân lương thiện không nhớ ra ai đã trả cho mình tờ bạc đó. Tuy nhiên cảnh sát thấy một chi tiết đáng chú ý: Phần lớn các ngân hàng nhận loại bạc này đều nằm trong quận Bronx thuộc New York. Mà Bronx lại là nơi giáo sư Condon cư ngụ. Và ông đã đăng lời kêu gọi bọn cướp trên tờ báo địa phương. Như vậy, có nhiều khả năng nó là người nơi đây.
Đầu mối xem ra có vẻ chắc ăn và dễ nhưng lại đặt ra nhiều trở ngại khó vượt qua. Trước hết, Bronx có hàng trăm ngàn cư dân trong đó có nhiều ngàn người mang dáng vẻ tương tự tên cướp. Sau nữa điều tra các ngoại kiều dù là người Ý, người Tàu hay người Đức sinh sống ở Mỹ xưa nay đều vô cùng khó. Họ thường bảo vệ lẫn nhau, hiếm khi tố giác kẻ bị tình nghi. Dorothy vậy, cảnh sát đi theo hướng trước đây đã tính đến: phát hiện tay trong của hung thủ ở đám người giúp việc nhà Lindbergh. Cô hầu phòng vợ đại tá, một cô tóc nâu kiều diễm hai mươi bảy tuổi, tên Violette Sharp được cảnh sát coi là người đó. Kiểm tra thấy đêm xảy ra vụ việc, cô ta không ở nhà mà chũng không cung cấp được bằng chứng ngoại phạm. Cảnh sát thẩm vấn gắt gáo. Thái độ Sharp tỏ ra khác thường: cam đoan tối đó tới chơi với ba người bạn nhưng nhất quyết không chịu kể tên. Chỉ cho biết: một trong ssó đó tên Ermest. Vừa bặn cảnh sát mới tóm cổ một gã tên Ermest Brinkert, nghi là thủ phạm. Khi đưa hình gã cho Sharp, cô ta òa khóc. Phải chăng cô thú nhận?
Vì đêm đã khuya, cảnh sát hoãn cuộc thẩm vấn tới sáng hôm sau. Nhưng bữa sau đó, cảnh sát chẳng biết được gì thêm: mới nói được vài câu, Sharp xin vào toa-let. Lát sau, người ta thấy cô nằm chết trong đó: tự sát bằng thuốc độc cyanua. Phải chăng đây là minh chứng phạm tội? Hay là cách thẩm vấn thô bạo đã khiến cô gái dễ xúc cảm phải quyên sinh?
Trong khi đó, Ermest Brinkert cũng khốn đốn: không có bằng chứng ngoại phạm, đã thế, tuy giáo sư Condon không khẳng định dứt khoát nhưng cho rằng gã có thể là tên đã gặp ông trong nghĩa trang. May sao, cuối cùng Ermest Brinkert được… Ermest Miller cứu thoát. Anh này tự tìm đến cảnh sát, nhận đêm đó ở vùng Violette Sharp và đôi bạn thân khác nữa. Vậy là cả bốn đều vô can. Có điều là anh ta không biết tại sao cô bạn gái tự tử. Hai Ermest được tha về. Tới thời điểm này xuất hiện một anh chàng đáng mặt nhân vật trong tiểu thuyết: Arthur. Barry có thể coi như Arsène Lupin người Mỹ, có tài chôm chỉa không kém nhân vật người Pháp trog các chuyện trinh thám cuả Maurice Leblanc. Thói táo tợn khó tin của gã đã một thời giúp báo chí bán chạy như tôm tươi. Như trong vụ trấn lột toàn bộ đồ frang sức của một chủ ngân hàng giầu nhất đám ngay giữa dạ hội khiêu vũ, trong những điều kiện hết sức nực cười… Đêm xảy ra vụ bắt cóc Arthur tới thuê căn biệt thự kế cận biệt thự nhà Lindbergh. Để làm gì?
Cảnh sát thấy cần hỏi cho ra nhẽ. Sợ bị gán tội tầy đình phải lên ghế điện như chơi, gã đành bấm bụng thú nhận bằng chứng ngoại phạm của mình. Phải dùng từ “thú nhận” trong trường hợp độc đáo này vì bằng chứng ngoại phạm của Arthur không giống ai: một vụ ăn trộm!
Đêm đó gã tới “thăm” một nhà ở Concordia cách xa nơi xảy ra bắt cóc chừng một trăm kilomet. Gã tả lại cuộc ăn sương rất cụ thể, với đầy đủ những chi tiết kỹ thuật chính xác đến một cảnh sát tin bằng chứng ngoại phạm của gã và thay vì thả cho về, họ phải bắt đi đếm lịch năm năm vì tội trộm cắp.
Đã sang tháng Mười năm 1932. Cuộc điều tra chưa lần ra manh mối nào. Lực lượng cảnh sát được huy động đông đảo nhất trong lịch sử để phá một vụ án hình sự nhưng lại tỏ ra bất lực. Năm 1933 trôi qua, tình hình vẫn không nhúc nhích. Hai vợ chông Lindbergh hoàn toàn thất vọng, rời ngôi biệt thự đáng lẽ là tổ ấm tràn đầy hạnh phúc của họ. Họ tặng nhà cho chính quyền bang New York dùng làm nơi cưu mang trẻ nghèo. Báo chí thấy chuyện đã nhàm, chỉ thỉnh thoảng mới nhắc tới. Chín tháng đầu của năm 1934 lặng lẽ trôi. Bất chợt vụ án lại bùng lên trong một hoàn cảnh không ai ngờ. Lần này những yếu tố kinh tế vĩ mô đóng vai trò quyết định. Như nhiều người đã biết, cho tới cuộc đại khủng hoảng năm 1929, một phần các tờ bạc Mỹ có thể đổi lấy vàng, những tờ này được gọi là “chứng chỉ vàng”. Bất cứ ai cũng có thể mang những tờ đó tới ngân hàng đổi lấy số vàng tương ứng. Đến năm 1933, nhằm vực dậy nền kinh tế chính quyền bãi bỏ lệ này, các chứng chỉ vàng không được phép lưu hành, phải đổi lấy tờ bạc không chuyển đổi. Một phần lớn số tiền chuộc của nhà Lindbergh thuộc loại chứng chỉ vàng.
Ngày 15 tháng Chín năm 1934, một chiếc xe tới đậu trước trạm xăng phường Bronx. Đổ xăng xong, người lái trả tờ đô chứng chỉ vàng. Chủ trạm lưu ý anh ta: lọai bạc này không còn được lưu hành, người lái xe đáp:
– Lo gì không xài được. Tôi còn cả đống ở nhà, có sao đâu!
Thấy khách hơi dữ tướng, chủ trạm xăng nín thing, chỉ bí mật ghi số xe, báo cảnh sát kèm theo tờ bạc. Tờ bạc mang số của khoản tiền chuộc. Việc xác minh tung tích gã lãi xe không khó: Bruno Hauftmann, ngụ đường 32 phường Bronx, thợ mộc, gốc Đức. Sau bốn ngày bám đuôi không thấy gì khác, cảnh sát quyết định bắt giữ. Trong chốc lát, Bruno vụt trở thành người nổi tiếng nhất nước. Bruno sinh năm 1899 bên Đức. Trong Thế chiến thứ nhất, hắn chiến đấu dũng cảm, nhưng sau khi xuất ngũ, không thích nghi được với đời sống thường dân. Hắn liên tiếp trộm cắp, đã bị chính quyền Đức kết án bốn năm tù, cấm lưu trú mười lăm năm. Hắn bèn vượt biên sang Mỹ định làm lại cuộc đời. Khởi đầu khá thuận lợi, nhờ có tay nghề thợ mộc rất khéo nên kiếm ngay được chỗ làm tốt. Sau vài năm hắn cưới cô đồng hương Anna Schoefle, đẻ một đứa con, dọn tới ở trong ngôi nhà vườn ở Bronx. Bruno có vẻ đã tu tỉnh, trở thành người lương thiện. Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên: năm 1932 đột nhiên hắn bỏ chỗ làm ở công ty Lumber và tuy thất nghiệp nhưng mức sống lại lên hương: hai vợ chồng đi nghỉ hè ở Florida, tậu chiếc xe cáu cạnh. Ngay lần xét nhà đầu tiên cảnh sát tìm thấy số tiền chuộc cất giấu dưới tấm ván trong gara. Các cuộc thẩm vấn nối nhau không dứt nhưng Bruno chối phăng, trả lời trôi chảy mọi câu hỏi.
– Các tờ bạc ở đâu ra?
– Một người bạn thân tặng tôi chiếc hộp này khi anh ta sắp trở về Đức. Lúc nhận, tôi không biết hộp đựng gì.
– Tên người đó?
– Fisch.. Isidor Fisch.
– Hiện giờ ở đâu?
– Chết rồi.
– Nói dễ nghe thế!
– Biết làm sao được! Tôi có giết anh ta đâu? Nghe tin anh ta chết, tôi mới mở hộp ra coi và thấy toàn giấy bạc. Biết anh ta không có người thừa kế, tôi mang tiền ra xài…
Cảnh sát đi xác minh, thấy có người tên là Isidor Fisch thật. Bị lao phổi, trở về Đức, chết ngay khi vừa tới đích. Khi lên đường, có để lại một phần tài sản cho Bruno. Vậy là lời khai của Bruno có phần đúng. Phải kiếm thêm bằng chứng. Bằng chứng do chuyên viên giám định đồ mộc Koehler cung cấp khá thuyết phục. Qua xem kỹ chiếc thang, ông đưa ra một kết luận thần tình, một kiết tác về suy luận khoa học. Ngay từ trước khi Bruno bị bắt, ông đã tuyên bố: chất liệu gỗ này chỉ có ở công ty Lumber, nơi Bruno đã từng làm việc. Giờ đây, ông khai còn chi tiết hơn. Một bên tay thang có bốn lỗ vuông, vừa khít với bốn chiếc đinh tìm thấy trong nhà Bruno. Thang được bào bằng lưỡi bào của Bruno: lưỡi bào đã cũ, để lại trên mặt gỗ những rãnh li ti có hình dáng đặc thù không lẫn vào đâu được, giống như dấu vân tay…
Kiểm tra bộ đồ nghề của hắn thấy thiếu một chiếc đục, đúng phóc chiếc đục rớt trên hiện trường hồi tháng Ba năm 1932. Chưa hết, khám nhà thật kỹ lần nữa cảnh sát thấy sau cánh cửa tủ ghi một số điện thoại: số máy giáo sư Condon…
Bruno tìm cách chống chế:
– Tôi quan tâm tới vụ Lindbergh như tất cả mọi người. Đọc thấy số điện của giáo sư, tôi ghi lại để theo dõi tình hình…
Khốn nỗi, các tòa soạn khi được hỏi đều cam đoan chưa bao giờ đăng số điện của giáo sư lên báo. Bruno vẫn một mực kêu oan, nhưng cuộc điều tra đến đây kết thúc. Hắn bị buộc tội bắt cóc bé Charles Auguste Lindbergh, sẽ phải ra trước vành móng ngựa.
Phiên tòa khai mạc ngày 2 tháng Giêng năm 1935 ở Flemington bang New Jersey. Một phiên tòa kiểu Mỹ, nghĩa là rất đồ sộ, vượt qua mọi kích cỡ thông thường: trên một ngàn hai trăm ký giả chen chúc trong thành phố nhỏ, bưu điện phải thiết lập mạng điện thoại riêng cho họ với dung lượng lên tới ba triệu từ mỗi ngày. Bên nguyên, bên bị tập hợp tất cả các luật sư giỏi nhất. Ngồi ghế công tố là tổng kiểm sát trưởng Willentz mặt sắt đen sì với tài hùng biện đã thành huyền thoại. Bị cáo có bốn luật sư do Edward Reilly chỉ đạo. Ông là nhà tội phạm học danh tiếng nhất Hoa Kỳ thời đó, là luật gia sáng giá nhất và cũng giảo hoạt nhất. Cử tọa lèn chặt phòng xử chật hẹp. Không khí như bốc lửa. Nhân chứng đầu tiên lên khai: bà Lindbergh. Cử tọa im phăng phắc. Bà rất xúc động nhưng cố trấn tĩnh thuật lại vụ việc. Khi tòa đưa vật chứng ra, trong đó có bộ đồ ngủ tí xíu bằng len, bà ngã ngất…
Bên bị đơn tỏ ra khôn khéo, tuyên bố từ bỏ quyền phản biện. Đến lượt đại tá. Ông vẫn giữ được vẻ sinh viên với đôi mắt xa xăm mái tóc rối bù, trông trẻ hơn tuổi băm hai. Riêng cái nhìn dường như đăm chiêu hơn, khắc khổ hơn ngày xưa… Ông nhắc lại diễn biến như bà vợ vừa kể, rồi kể tới cảnh đi nộp tiền chuộc. Không khí phòng xử càng căng thẳng vì mọi người đều biết viên đạo tá đã trực tiếp chứng kiến cảnh này, tuy hơi xa một chút. Xe chạy trong đem tối qua các đường phố vắng lặng của New York, dừng lại trước cổng nghĩa trang, giáo sư Condon ôm chiếc hộp mất hút giữa các nấm mồ… Và ông nghe tiếng gọi phía xa:
– Tới đây, giáo sư!
Tổng kiểm sát trưởng Willentz hỏi:
– Sau bữa đó, có khi nào ông nghe lại giọng nói này không?
– Có, tôi có nghe.
– Đó là giọng của ai?
– Của Bruno Hauftmann.
Lời khai của đại tá gây ấn tượng mạnh, nhưng không thấm gì so với lời khai của người tiếp theo, người đang được mọi người nóng lòng chờ đợi, nguời duy nhất đã trò chuyện với tên cướp, người làm chứng số một…
Giáo sư Condon khai ngày 9 tháng Giêng. Bữa đó công chúng hiếu kỳ kéo tới quá đông, tòa phải xin thêm cảnh sát trật tự. Tuy tuổi cao, tóc bạc trắng, nhưng dáng đi của giáo sư vẫn nhanh nhẹn, cứng cáp khi ông bước lên chỗ đứng khai. Ông tả tỉ mỉ, chính xác cuộc gặp trong nghĩa trang…
Tổng kiểm sát trưởng hỏi:
– Người giáo sư gặp đêm đó là ai?
Condon quay sang bị cáo, nhìn thẳng mắt hắn, đáp chắc nịch:
– Bruno Hauftmann.
Đến lượt các chuyên viên. Lời khai của họ càng đè nặng lên bị cáo. Trước hết là chuyên viên nhận mặt chữ Albet Osborn có uy tín khắp thế giới. Kết luận của ông dựa trên ba mươi bản viết tay gồm mười bốn thư tống tiền gửi cho vợ chồng Lindbergh và giáo sư Condon, mười sáu bản khác của Bruno viết trước và sau khi bị bắt.
– Tất cả các thư tống tiền đều do một người viết: Bruno Hauftmann.
Osborn đưa ra một loạt dẫn chứng không thể bác bỏ: những lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, hình dáng các con chữ, con số. Sau Osborn đến Koehler, chuyên viên kì tài về đồ gỗ. Ông trình bày các suy luận và minh chứng rất khoa học của mình: không nghi ngờ gì, các thứ tìm thấy trong nhà Bruno là những thứ đã được dùng để chế tác chiếc thang dùng trong vụ bắt cóc.
Bên bị cho qua những lời làm chứng chính xác đó, chỉ bám chặt lấy khía cạnh duy nhất họ đang có lợi thế: đồng phạm với hung thủ là ai? Vì rõ ràng Bruno không thể hành động đơn độc. Phải có kẻ chỉ đường đi lối lại trong biệt thự, vị trí từng người trong từng phòng…
Mặt khác, thái độ đại tá Lindbergh kiên quyết không cho thẩm vấn người giúp việc cũng rất khả nghi. Phải chăng ông ta bao che cho ai đó?
Bên bị nêu tên các đồng phạm: Isidor Fisch, bạn chí cốt của Bruno, kẻ đã trao nộp tiền cho hắn trước khi về chết bên Đức; Violette Sharp, cô gái đã tự vẫn; bếp trưởng của gia đình Lindbergh vùa qua đời chưa lâu…
Cả ba đều đã hết sống, không thể tới tòa cãi lại. Luật sư Reilly còn đi xa hơn. Ông lên án cô bảo mẫy Betty Gow: cô có đủ phương tiện giúp tên cướp lọt vào nhà. Giáo sư Condon cũng không thoát khỏi ông luật sư nảy lửa: tại sao giáo sư được chúng chọn đứng ra trung gian? Thật đáng ngờ!
Tuy nhiên, tất cả chỉ là giả thuyết. Trong năm chục người làm chứng của bên bị, không ai đưa ra được bằng chứng gỡ tội nào, dù chỉ là một bằng chứng nhỏ. Trong khi bên nguyên có tới một trăm người làm chứng. Phiên tòa gần kết thúc. Tổng kiểm sát truởng Warrentz kết luận:
– Hung thủ đang đứng trước mắt chúng ta. Nếu không xử hắn, ngay ngày mai sẽ không còn bà mẹ nào nhìn con mình đi tới trường mà không cảm thấy khiếp sợ. Tôi yêu cầu án tử hình.
Bất chợt xảy ra chuyện bất ngờ. Từ cuối phòng bỗng cất lên tiếng thét:
– Dừng lại! Dừng lại! Tôi là mục sư. Vừa có người xưng tội giết người!
Đó là mục sư Vincent Brunz. Ông được dẫn lên chỗ khai. Nhưng chỉ nói được mấy câu lảm nhảm: thì ra ông ta đã mất trí từ lâu. Đây là sự kiện cuối cùng trong vụ án, một vụ bao phủ trong bầu không khí ồn ào không sao tưởng tượng nổi, cho tới phút chót vẫn rối rắm, hỗn loạn vì có quá nhiều tên lừa đảo, bịp bợm, dối trá can thiệp vào định đục nước buông câu…
Ngày 13 tháng Hai năm 1935, sau mười một giờ nghị án, hội đồng xét xử tuyên bố Bruno Hauftmann phạm tội giết người có định trước, phải lĩnh án tử hình. Tuy vậy, chiếc ghế điện còn phải chờ lâu. Ở Hoa Kỳ có hàng loạt thủ tục tư pháp trì hoãn việc thi hành án. Vả lại, trong trường hợp này, không phải tất cả mọi chuyện đều rõ như ban ngày. Các tờ viết tay, chiếc thang, chiếc đục đều của Bruno, một mình nó nắm giữ các tờ bạc tiền chuộc, chính hắn tới gặp giáo sư Condon… đó là những điều đã rõ. Nhưng nếu hung thủ có hành động đơn độc? Nếu không có đồng phạm, làm sao nó biết chắc tối đó bé Lindbergh ở nhà chứ không tới ông bà ngoại như đã dự định? Làm sao nó biết đích xác phòng ngủ của đứa nhỏ? Và nếu Bruno không phải là hung thủ duy nhất thì phần trách nhiệm của nó đến đâu? Hắn có phải là kẻ giết bé Charles Auguste?… Đây là những nghi vấn không thể không đặt ra.
Vì những lẽ đó, một Uỷ ban bảo vệ Bruno ra đời, do Anna, vợ hung thủ đứng đầu. Chị ta tổ chức nhiều cuộc họp tại tất cả các thành phố lớn có đông kiều dân Đức. Tại các cuộc họp, họ đả đảo Lindbergh, hoan hô Bruno Hauftamann. Các luật sư kháng án sáu lần… nhưng đều bị bác, tổng thống Mỹ không ký lệnh ân xá. Ngày 3 tháng Tám năm 1936, một năm hai tháng sau khi bị kết án, Bruno Hauftmann phải lên ghế điện tuy vẫn một mực kêu oan. Qua xác minh, thẩm định, giờ đây có thể khẳng định chắc chắn Bruno Hauftmann là hung thủ. Nhưng có kẻ nào khác tiếp tay hắn không thì vẫn còn là một câu hỏi. Một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp. Có điều chắc chắn là qua vụ án này từ vựng ngành tội phạm học của Mỹ có thêm một thuật ngữ mới: “Kidnapping” (Bắt cóc trẻ con). Sau này, cũng chính xã hội Mỹ sẽ cho ra đời nhiều tội danh mới nữa như: Serial-killer (Giết người hàng loạt), Serial-adulterer (Thông dâm hàng loạt)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.