Ồ! Đây Chính Là Thứ Tôi Cần

CHƯƠNG 9 NHỮNG SUY NGHĨ CUỐI CÙNG



Chúng ta cùng khởi hành từ thảo nguyên vùng Serengite và bị một con hổ răng kiếm rượt đuổi. Nhưng giờ chúng ta thấy mình ở đây, trong những trang cuối cùng và kết thúc cuộc phiêu lưu. Suốt chặng đường đi, chúng ta đã thấy những cá nhân với sự tự chủ phi thường, và một vài người mất tự chủ. Chúng ta đã ghé thăm các phòng thí nghiệm, nơi những người ăn kiêng phải cưỡng lại sự cám dỗ của bánh sô-cô-la, và những người phải chịu đựng nỗi lo lắng phải đối mặt với nỗi sợ hãi của họ. Chúng ta cũng đã thấy các nhà nghiên cứu về hệ thần kinh phát hiện ra lời hứa về phần thưởng, và các nhà tiếp thị áp dụng phương pháp nghiên cứu về hệ thần kinh phát hiện ra phần thưởng. Chúng ta cũng đến với những sự can thiệp vận dụng thái độ tự hào, tha thứ, tập luyện, ngồi thiền, áp lực xã hội, tiền bạc, giấc ngủ nhằm tạo động lực cho mọi người thay đổi bản thân. Chúng ta cũng đã gặp các nhà tâm lí học dùng điện gây choáng cho những con chuột, “tra tấn” những người nghiện thuốc – tất cả đều nhân danh khoa học ý chí.

Tôi hi vọng cuộc hành trình này đem đến cho bạn nhiều hơn là một cái nhìn thoáng qua vào thế giới đầy hấp dẫn của nghiên cứu khoa học. Mỗi nghiên cứu này đều dạy cho chúng ta đôi điều về bản thân và thách thức ý chí của mình. Chúng giúp chúng ta nhận biết năng lực tự nhiên về khả năng tự chủ, ngay cả khi chúng ta phải đấu tranh để vận dụng sự tự chủ đó. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ thất bại của mình và đưa ra các giải pháp khả thi. Thậm chí, chúng còn cho chúng ta thấy đôi điều về ý nghĩ khi được là con người. Ví dụ, rất nhiều lần chúng ta thấy mình không phải là một cái tôi, mà là nhiều cái tôi.

Bản chất con người của chúng ta gồm cả cái tôi muốn được thỏa mãn ngay lập tức, và cái tôi với mục đích cao cả hơn. Chúng ta được sinh ra để được cám dỗ, và để cưỡng lại cám dỗ. Con người cảm thấy căng thẳng, sợ hãi, mất kiểm soát, và cũng phải tìm ra sức mạnh để giữ bình tĩnh và chịu trách nhiệm trước các lựa chọn của mình. Tự chủ là vấn đề hiểu rõ sự khác biệt giữa những cái tôi, không phải thay đổi một cách cơ bản con người chúng ta. Trong khi truy tìm sự tự chủ, vũ khí thông thường mà chúng ta vận dụng để chống lại bản thân – cảm giác có lỗi, sự căng thẳng và xấu hổ – không đem lại hiệu quả. Những người có sự tự chủ cao nhất không gây ra cuộc chiến tranh với chính mình. Họ học được cách chấp nhận và hợp nhất những cái tôi đang cạnh tranh này với nhau.

Nếu có bí mật để có sự tự chủ cao hơn, khoa học chỉ ra một điều: đó là sức mạnh của sự quan tâm. Nó huấn luyện tâm trí nhận biết khi bạn đưa ra lựa chọn, thay vì chạy theo một chiếc máy lái tự động. Nó nhận biết cách bạn cho phép bản thân được chần chừ, hoặc cách bạn vận dụng hành vi tốt để đánh giá việc tự chiều theo ý thích. Nó nhận ra rằng, lời hứa về phần thưởng không phải lúc nào cũng đem lại phần thưởng, và rằng, cái tôi trong tương lai của bạn không phải là một siêu anh hùng hoặc một kẻ xa lạ. Nó thấy rằng, thế giới của bạn – từ các mánh lới quảng cáo kinh doanh đến minh chứng xã hội – hình thành nên hành vi của bạn. Nó giúp bạn lưu tâm và cảm nhận cơn thèm khi bạn muốn khiến bản thân xao lãng hoặc đầu hàng. Nó gợi nhớ đến điều bạn thực sự mong muốn, và biết điều thực sự giúp bạn cảm thấy tốt đẹp hơn. Tự nhận thức là “cái tôi” mà bạn luôn luôn có thể dựa vào để giúp mình làm việc khó, và làm việc quan trọng nhất. Và đó là định nghĩa hay nhất về ý chí mà tôi có thể nghĩ ra.

Lời cuối

Theo tinh thần tìm hiểu thông tin mang tính khoa học, các khóa học Khoa học Ý chí của tôi luôn luôn kết thúc bằng việc hỏi các học viên xem điều gì nổi bật nhất với họ trong số những việc mà họ đã quan sát và những thí nghiệm mà họ đã áp dụng. Gần đây, một nhà khoa học gợi ý rằng, kết luận hợp lí duy nhất dành cho một cuốn sách về các ý tưởng khoa học là: Hãy đưa ra kết luận của riêng bạn. Vì vậy, cũng hấp dẫn như khi đưa ra lời cuối, tôi sẽ áp dụng quyền năng “Tôi sẽ không” của mình và hỏi bạn:

• Suy nghĩ của bạn về ý chí và sự tự chủ có thay đổi không?

• Thí nghiệm ý chí nào hữu ích nhất với bạn?

• Khoảnh khắc á-à nào thú vị nhất với bạn?

• Bạn sẽ ghi nhớ thông tin nào?

Khi bạn tiếp tục bước trên đường đời, hãy giữ nếp nghĩ của một nhà khoa học. Hãy thử những thứ mới mẻ, tự thu thập dữ liệu và lắng nghe bằng chứng. Hãy cởi mở với những ý tưởng bất ngờ và rút ra bài học kinh nghiệm từ thất bại và thành công. Kiên trì áp dụng phương pháp hiệu quả và chia sẻ vốn hiểu biết với người khác. Với những thói quen và sự cám dỗ hiện đại của con người chúng ta, thì đây là điều tốt nhất chúng ta có thể làm – nhưng khi chúng ta thực hiện với thái độ hiếu kì và tự cảm thông, nó đem lại nhiều hơn là sự kì vọng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.