Phải Trái Đúng Sai

CHƯƠNG 3: CHÚNG TA CÓ SỞ HỮU CHÍNH MÌNH KHÔNG? – CHỦ NGHĨA TỰ DO CÁ NHÂN



Libertarianism: chủ trương tối đa hóa tự do cá nhân, mọi quyền lợi dành cho cá nhân. Thể hiện trong kinh tế là chính sách Laissez-faire, trong chính trị là nền chính trị của đảng Cộng hòa. Chúng tôi tạm gọi khuynh hướng này là chủ nghĩa tự do cá nhân, những người theo khuynh hướng này là người chủ trương tự do cá nhân (libertarian) để phân biệt với: Chủ nghĩa tự do dân chủ (liberalism): chủ trương tự do nhưng mong muốn xây dựng và phát triển một khung nguyên tắc, thể chế chung nhằm đảm bảo những giá trị tự do chung cho mọi người. Đây là quan điểm của đảng Dân chủ. Những người theo quan điểm này tạm gọi là những người tự do dân chủ (liberal).
Mỗi độ thu về, tạp chí Forbes công bố danh sách bốn trăm người Mỹ giàu nhất. Trong hơn một thập kỷ, cha đẻ của Microsoft-Bill Gates III-đứng đầu danh sách. Năm 2008, Gates vẫn đứng đầu và tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông khoảng 57 tỷ đô la. Những người khác cùng trong danh sách là nhà đầu tư Warren Buffett (đứng thứ tư, với 50 tỷ đô la), nhóm chủ nhân của Wal-Mart, cha đẻ của Google và Amazon, chủ nhân các công ty khai thác dầu, chủ tịch các quỹ đầu tư, các ông trùm bất động sản, ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey (xếp thứ 155, với 2,7 tỷ đô la), và xếp cuối bảng là chủ tịch New York Yankees George Steinbrenner (1,3 tỷ đô la).
Những người giàu nhất nền kinh tế Mỹ thật quá giàu có, ngay cả trong lúc khốn khó, đến nỗi chỉ là tỷ phú cũng chưa đủ để lọt được vào danh sách Forbes 400. Thực tế là nhóm 1% dân số giàu nhất sở hữu hơn một phần ba tổng tài sản của cả nước, nhiều hơn tổng tài sản của nhóm 90% dân số nghèo nhất. Nhóm 10% dân số giàu nhất chiếm 42% tổng thu nhập và nắm 71% tài sản cả nước.
Tình trạng kinh tế bất bình đẳng ở Hoa Kỳ sâu sắc hơn bất kỳ quốc gia dân chủ nào khác. Một số người nghĩ rằng bất bình đẳng như thế thật bất công và muốn đánh thuế người giàu để giúp người nghèo. Những người khác không đồng ý, họ cho rằng bất bình đẳng kinh tế – nếu như không có nguyên nhân từ bạo lực hay gian lận mà thông qua lựa chọn của mọi người trong nền kinh tế thị trường – không phải điều bất công.
Ai đúng? Nếu nghĩ công lý có nghĩa là tối đa hóa hạnh phúc, bạn có thể ủng hộ việc phân phối lại của cải trên cơ sở sau đây: Giả sử chúng ta lấy 1 triệu đô la của Bill Gates và phát cho một trăm người nghèo, mỗi người được 10.000 đô la. Tổng hạnh phúc có thể sẽ tăng. Gates sẽ chẳng tiếc tiền là mấy trong khi mỗi người nhận tiền sẽ có được niềm hạnh phúc tuyệt vời. Tổng niềm vui của họ sẽ tăng nhiều hơn nỗi buồn mất tiền của Gates.
Cái logic kiểu vị lợi này có thể phát triển đến chỗ ủng hộ cách tái phân phối thu nhập hoàn toàn cực đoan, đó là chuyển tiền của người giàu cho người nghèo cho đến khi đồng đô la cuối cùng chúng ta lấy của Gates làm ông buồn ngang với niềm vui người nhận tiền có được.
Kịch bản Robin Hood này chịu ít nhất hai phản bác – một từ chính những người theo thuyết vị lợi, một từ bên ngoài. Phản bác đầu tiên lo ngại mức thuế cao – đặc biệt thuế thu nhập – sẽ không khuyến khích mọi người làm việc và đầu tư, dẫn đến năng suất suy giảm. Nếu nền kinh tế suy thoái, sẽ có ít của cải để tái phân phối, mức độ lợi ích tổng thể sẽ giảm. Vì vậy, trước khi đánh thuế Bill Gates và Oprah Winfrey thật nặng, người theo thuyết vị lợi sẽ phải hỏi làm thế có khiến những người này làm việc ít đi, kiếm tiền ít hơn, và hậu quả cuối cùng là số tiền dùng để tái phân phối cho người nghèo giảm đi. Phản bác thứ hai đặt những tính toán hơn thiệt qua một bên và cho rằng đánh thuế người giàu để giúp đỡ người nghèo là không công bằng vì vi phạm một quyền cơ bản. Theo phản đối này, lấy tiền của Gates và Winfrey khi họ không đồng ý – ngay cả vì một lý do chính đáng – là cưỡng chế. Việc này vi phạm vào quyền tiêu tiền tự do của họ. Những người phản đối việc tái phân phối thu nhập vì nguyên nhân này được gọi là người theo chủ nghĩa tự do.
Những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ thị trường bị giới hạn và phản đối sự điều tiết của chính phủ, không phải vì tính hiệu quả của nền kinh tế mà vì tự do của con người. Ý niệm chủ đạo của họ là mỗi con người chúng ta có quyền tự do cơ bản- là quyền làm bất kể điều gì với tài sản của mình miễn là chúng ta tôn trọng quyền làm như vậy của người khác.
Nhà nước tối thiểu
Nếu lý thuyết về quyền của chủ nghĩa tự do cá nhân là chính xác thì rất nhiều chức năng của nhà nước hiện đại là bất hợp pháp và vi phạm quyền tự do. Chỉ nhà nước tối thiểu – đảm bảo việc thực thi giao kèo, bảo vệ tài sản tư nhân không bị trộm cắp và giữ gìn hòa bình – mới phù hợp với lý thuyết về quyền của chủ nghĩa tự do. Bất cứ nhà nước nào làm nhiều hơn thế là bất công về mặt đạo đức.
Chủ nghĩa tự do cá nhân bác bỏ ba loại chính sách và luật pháp mà các nhà nước hiện đại thường ban hành:
1 Không chủ nghĩa gia trưởng[8]. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân chống lại những luật lệ giúp bảo vệ chính bản thân họ trước các tổn hại. Chẳng hạn luật bắt đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ngay cả khi lái xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm là thiếu thận trọng, và ngay cả khi luật đội mũ bảo hiểm cứu mạng sống và ngăn ngừa chấn thương, sọ não, chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng luật này vi phạm quyền tự do chấp nhận những rủi ro nhất định của cá nhân. Chừng nào không có bên thứ ba bị tổn hại, chừng nào người đi xe máy tự mình trả hóa đơn y tế, nhà nước không có quyền ra lệnh họ phải phòng tránh những rủi ro nào.
2. Không có luật về đạo đức. Chủ nghĩa tự do cá nhân phản đối sử dụng sức mạnh cưỡng chế của luật pháp để khuyến khích đạo đức hoặc nhấn mạnh phán xét đạo đức của đa số. Nạn mại dâm có thể bị nhiều người phản đối trên khía cạnh đạo đức, nhưng điều đó không thể biện minh cho điều luật ngăn chặn người trưởng thành tự nguyện tham gia. Trong một cộng đồng, đa số có thể không chấp thuận đồng tính luyến ái, nhưng điều đó không biện minh cho điều luật cấm người đồng tính tự do lựa chọn bạn tình cho bản thân họ.
3. Không tái phân phối thu nhập hay tài sản. Lý thuyết về quyền của chủ nghĩa tự do cá nhân phủ quyết bất cứ điều luật nào đòi hỏi một số người phải giúp đỡ người khác, bao gồm việc đánh thuế để tái phân phối của cải. Mục tiêu việc này là để người giàu hỗ trợ người kém may mắn, thông qua trợ cấp chăm sóc y tế, nhà ở hoặc chi phí giáo dục. Công việc này phải để cá nhân thực hiện, chính quyền không được bắt buộc. Theo chủ nghĩa tự do cá nhân, thuế tái phân phối là một hình thức cưỡng chế, thậm chí là trộm cắp. Nhà nước bắt người nộp thuế giàu phải hỗ trợ các chương trình xã hội cho người nghèo cũng chẳng khác gì một tên trộm “nghĩa hiệp” cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Triết lý chủ nghĩa tự do cá nhân không thể hiện rõ ràng trong chính trị. Người bảo thủ[9] ủng hộ chính sách kinh tế tự do thường đồng hành với người theo chủ nghĩa tự do cá nhân trong các vấn đề văn hóa như cầu nguyện ở trường học, cấm phá thai, và hạn chế nội dung khiêu dâm. Và nhiều người ủng hộ hệ thống phúc lợi xã hội lại giữ quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân trên các vấn đề như quyền đồng tính, quyền sinh sản, tự do ngôn luận, tách rời chính quyền với tôn giáo.
Trong thập niên 1980, tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân trở nên nổi bật qua các bài hùng biện ủng hộ thị trường, giới hạn nhà nước của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Với tư cách là học thuyết tri thức, chủ nghĩa tự do cá nhân xuất hiện trước, đối lập với nhà nước phúc lợi. Trong tác phẩm Hiến pháp tự do (The Constitution of Liberty, 1960), triết gia và cũng là kinh tế gia người Áo Friedrich A. Hayek (1899-1992) lập luận bất kỳ nỗ lực nào thúc đẩy bình đẳng kinh tế sẽ cưỡng chế và phá hoại một xã hội tự do. Trong tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom, 1962), kinh tế gia người Mỹ Milton Friedman (1912-2006) cho rằng nhiều nhiệm vụ của nhà nước (mà chúng ta thừa nhận) thực ra xâm phạm quyền tự do của cá nhân một cách bất hợp pháp. An sinh xã hội hoặc bất kỳ chương trình hưu trí bắt buộc nào của chính quyền là một trong những ví dụ điển hình của ông: “Nếu một người thích sống gấp, tiêu xài hưởng thụ ngay bây giờ, cố tình chọn lối sống kham khổ khi về già, thì chúng ta có quyền gì ngăn không cho họ làm thế?”, Friedman cật vấn. Chúng ta có thể kêu gọi người đó tiết kiệm cho cuộc sống về già, “nhưng chúng ta liệu có quyền cưỡng bức không cho người đó làm điều anh ta lựa chọn không?”
Friedman phản đối luật về lương tối thiểu trên cơ sở tương tự. Chính phủ không có quyền ngăn chặn người sử dụng lao động trả bất kỳ mức lương nào, dù thấp, nếu người lao động chấp nhận. Chính quyền cũng xâm phạm tự do cá nhân khi ra luật chống phân biệt đối xử nơi làm việc. Nếu người sử dụng lao động muốn phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, tôn giáo hoặc yếu tố nào khác, chính quyền không có quyền cấm họ làm vậy. Theo quan điểm của Friedman, “quy định như vậy rõ ràng can thiệp vào quyền người dân tự do thực hiện giao kèo tự nguyện với nhau”.
Đòi hỏi giấy phép hành nghề cũng là sự can thiệp sai trái vào quyền tự do lựa chọn. Nếu thợ cắt tóc chưa qua đào tạo muốn cung cấp dịch vụ không chuyên nghiệp, và nếu một số khách hàng sẵn sàng chấp nhận cắt một cái đầu giá rẻ, thì chính quyền không được cấm giao dịch này. Friedman mở rộng logic này cho cả các bác sĩ. Nếu tôi muốn mặc cả chi phí mổ ruột thừa, tôi phải được tự do thuê bất cứ ai tôi chọn, cho dù người đó có chứng chỉ hay không. Sự thật là đa phần mọi người muốn bảo đảm bác sĩ của mình có năng lực, thị trường có thể cung cấp thông tin đó. Thay vì dựa vào nhà nước cấp giấy phép hành nghề cho bác sĩ, Friedman đề nghị bệnh nhân có thể sử dụng dịch vụ đánh giá cá nhân như Consumer Reports hoặc Good Housekeeping.
Triết lý thị trường tự do
Trong tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước và điều không tưởng (Anarchy, State and Utopia, 1974), Robert Nozick đưa ra luận điểm triết học bảo vệ nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân và thách thức những ý tưởng công lý phân phối quen thuộc.
Ông bắt đầu bằng tuyên bố các cá nhân có quyền “quá mạnh mẽ và sâu rộng” đến nỗi “họ đặt câu hỏi về vai trò củ chính quyền, nếu có”. Ông kết luận “chỉ nhà nước tối thiểu – giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện các giao kèo và bảo vệ người dân chống lại vũ lực, trộm cắp và gian lận là hợp lý. Bất kỳ nhà nước nào lớn hơn, vi phạm quyền con người – bắt người dân không được làm việc nọ việc kia – là bất công”.
Nổi bật trong số những việc mà không ai bị buộc phải làm là giúp đỡ người khác. Đánh thuế người giàu để giúp đỡ người nghèo là cưỡng ép người giàu. Điều này vi phạm quyền họ muốn làm gì tùy thích với tài sản của mình.
Theo Nozick, bất bình đẳng kinh tế như vậy không có gì sai trái. Việc những người trong danh sách Forbes 400 có cả tỷ đô la trong khi nhiều người khác không xu dính túi không cho phép bạn kết luận tình trạng như thế là công bằng hay bất công. Nozick bác bỏ ý tưởng cho rằng phân phối công bằng chỉ bao gồm một mô hình nào đó, chẳng hạn như thu nhập bình đẳng, lợi ích đồng đều, hoặc chia đều theo nhu cầu cơ bản. Điều quan trọng là cách phân phối này xuất hiện bằng cách nào.
Nozick bác bỏ các lý thuyết về công lý có tính khuôn mẫu ủng hộ sự lựa chọn của con người trong thị trường tự do. Ông cho rằng công bằng trong phân phối phụ thuộc vào hai yêu cầu: công bằng trong tài sản ban đầu và công bằng trong chuyển giao.
Yêu cầu đầu tiên xác định xem tài nguyên bạn sử dụng để kiếm tiền có phải là sở hữu hợp pháp của bạn không. (Nếu làm giàu nhờ bán hàng ăn cắp, bạn sẽ không thỏa mãn yêu cầu này). Yêu cầu thứ hai xác định xem liệu bạn đã kiếm tiền hoặc thông qua trao đổi tự do trên thị trường hoặc từ quà tặng người khác tự nguyện tặng bạn không. Nếu đáp án cho cả hai câu hỏi là có, bạn đáng được hưởng những gì bạn có, và chính quyền không thể lấy đi nếu bạn không đồng ý. Miễn là không ai khởi đầu bằng tài sản phi nghĩa, bất kỳ phân phối nào là kết quả của một thị trường tự do đều công bằng, cho dù cuối cùng mọi người có bình đẳng với nhau hay không.
Nozick thừa nhận không dễ dàng xác định liệu tài sản ban đầu làm nền tảng cho tình trạng kinh tế ngày nay) là công bằng hay bất chính. Làm sao chúng ta có thể biết được liệu có bao nhiêu phần trong phân phối thu nhập và sự giàu có ngày nay bắt nguồn từ sự cướp đoạt đất đai và tài sản của người khác một cách bất hợp pháp thông qua vũ lực, trộm cắp, lừa đảo ở các thế hệ đi trước? Nếu có thể chứng minh được rằng những người giàu nhất có được tài sản do bất công trong quá khứ – chẳng hạn do buôn nô lệ da đen hoặc tước quyền sở hữu của thổ dân da đỏ, thì sau đó theo Nozick, có thể khắc phục bất công trong trường hợp này qua thuế, tiền bồi thường, hoặc các phương thức khác. Nhưng điều quan trọng cần chú ý là các biện pháp này nhằm khắc phục những sai lầm trong quá khứ, không phải để mang bình đẳng lớn hơn cho chúng ta.
Nozick minh họa sự điên rồ (ông quan niệm thế) của việc tái phân phối bằng một ví dụ giả thuyết về cầu thủ bóng rổ vĩ đại Wilt Chamberlain, người mà tiền lương vào đầu những năm 1970 khoảng 200.000 đô la mỗi mùa giải. Vì bây giờ Michael Jordan mới là siêu sao trong làng bóng rổ, chúng tôi thay ví dụ của Nozick bằng Jordan, cầu thủ dội Chicago Bulls, kiếm được 31 triệu đô la vào năm 2009. Số tiền Jordan kiếm được trong một trận đấu còn nhiều hơn Chamberlain kiếm được trong cả mùa.
Tiền của Michael Jordan
Gác sang một bên bất kỳ thắc mắc nào về tài sản ban đầu, hãy tưởng tượng Nozick đề xuất bạn thiết lập cách phân phối thu nhập và tài sản ban đầu theo bất cứ mẫu hình nào bạn cho là công bằng – một phân phối bình đẳng hoàn hảo. Bây giờ mùa bóng rổ bắt đầu. Những người muốn xem Michael Jordan thi đấu bỏ 5 đô la vào một cái hộp mỗi khi họ mua vé. Jordan được lấy số tiền trong hộp. (Trong cuộc sống thực tế tất nhiên tiền lương của Jordan được chủ sở hữu đội bóng trả từ doanh thu của đội. Nozick đơn giản hóa giả định này và cho những người hâm mộ trả tiền trực tiếp cho Jordan để chúng ta tập trung vào khía cạnh triết học của việc trao đổi tự nguyện).
Vì nhiều người háo hức xem Jordan chơi, rất nhiều người mua vé và chiếc hộp đầy ắp. Do đó cuối mùa giải, Jordan kiếm được 31 triệu đô la, nhiều hơn so với bất cứ cầu thủ nào khác. Kết quả là sự phân phối ban đầu – một trong những điều bạn xem xét là công bằng – không còn nữa. Jordan có nhiều và những người khác có ít hơn. Tuy nhiên, cách phân phối mới phát sinh thông qua sự lựa chọn hoàn toàn tự nguyện. Ai có căn cứ để phàn nàn? Không phải những người trả tiền để xem Jordan thi đấu, họ tự do lựa chọn mua vé. Không phải những người không thích bóng rổ và ở nhà, họ không chi một đồng xu nào cho Jordan. Và dĩ nhiên không phải Jordan; anh chọn chơi bóng rổ để kiếm bộn tiền.
Nozick tin kịch bản này minh họa hai vấn đề với các lý thuyết theo khuôn mẫu của công bằng trong phân phối. Đầu tiên, tự do gây rối loạn các mẫu hình. Bất cứ ai tin rằng bất bình đẳng kinh tế là không công bằng sẽ phải can thiệp vào thị trường tự do một cách liên tục và lặp đi lặp lại để hủy bỏ ảnh hưởng của các lựa chọn của người dân. Thứ hai, can thiệp theo cách đó – đánh thuế Jordan để hỗ trợ các chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn – không chỉ đảo lộn kết quả của giao dịch tự nguyện, mà còn vi phạm quyền sử dụng thu nhập của Jordan. Nó buộc anh phải đóng góp từ thiện ngược với ý chí của mình.
Chính xác thì đánh thuế thu nhập của Jordan có gì sai? Theo Nozick, nguyên tắc đạo đức phải đứng trên tiền bạc. Ở vấn đề này, ông tin rằng, tự do của con người là cao nhất, ông lý giải như sau: “Đánh thuế thu nhập chẳng khác gì lao động cưỡng bức”. Nếu có quyền lấy đi một phần thu nhập của tôi, nhà nước cũng có quyền lấy đi một phần thời gian của tôi. Thay vì lấy chẳng hạn 30% thu nhập của tôi, nhà nước cũng có thể trực tiếp bắt tôi dành 30% thời gian làm việc công ích. Nhưng nếu có thể buộc tôi phải lao động, chẳng phải nhà nước có quyền sở hữu tôi đó sao?
Giữ lại kết quả lao động của một ai đó tương đương việc lấy đi thời gian và ra lệnh người đó thực hiện rất nhiều việc khác nhau. Nếu người ta buộc bạn phải làm công việc nhất định, hoặc làm việc không được trả lương trong một khoảng thời gian nhất định, họ quyết định bạn phải làm gì và những gì bạn làm không theo ý muốn của bạn – tất cả điều này khiến họ trở thành “chủ nhân một phần” của bạn.
Dòng lý luận này đưa chúng ta đến điểm đạo đức then chốt của chủ nghĩa tự do cá nhân: ý tưởng tự sở hữu. Nếu tôi là riêng của bản thân mình, tôi phải sở hữu sức lao động của tôi. (Nếu một ai khác có thể ra lệnh cho tôi làm việc, người đó sẽ là ông chủ và tôi sẽ là nô lệ). Nhưng nếu tôi sở hữu sức lao động của mình, tôi phải được hưởng thành quả lao động (Nếu người khác được hưởng thu nhập của tôi, người đó sẽ sở hữu sức lao động của tôi và do đó sẽ sở hữu tôi). Đó là lý do tại sao, theo Nozick, đánh thuế một phần trong khoản lương 31 triệu đô la của Michael Jordan để giúp người nghèo vi phạm quyền của anh. Điều này có nghĩa nhà nước hoặc cộng đồng sở hữu một phần Jordan.
Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân thấy một sự liên tục về mặt đạo đức từ thuế (lấy thu nhập của tôi) sang lao động cưỡng bức (lấy sức lao động của tôi) rồi đến chế độ nô lệ (phủ nhận việc tôi sở hữu chính bản thân mình):
Tự sở hữu – Bị chiếm đoạt
con người – bị biến thành nô lệ
lao động – bị cưỡng bức
thành quả lao động – bị đánh thuế
Tất nhiên, ngay cả cách tính thuế thu nhập cực đoan nhất cũng không lấy 100% thu nhập của ai đó. Vì thế các chính quyền không đòi hỏi chiếm toàn bộ quyền sở hữu các công dân nộp thuế của mình. Nhưng Nozick vẫn cho rằng nhà nước sở hữu một phần chúng ta – phần nào thì tương ứng với phần thu nhập chúng ta phải nộp để hỗ trợ các hoạt dộng bên ngoài chức năng của nhà nước tối thiểu.
Chúng ta có sở hữu bản thân mình không?
Vào năm 1993, khi Michael Jordan tuyên bố giải nghệ, ủng hộ viên đội Chicago Bulls tan nát cõi lòng. Sau đó anh lại tái suất và dẫn dắt Bulls vô địch thêm ba mùa giải nữa. Nhưng giả sử, trong năm 1993, Hội đồng thành phố Chicago (có thể là Quốc hội), để giảm bớt đau khổ cho người hâm mộ đội Chicago Bulls đã biểu quyết yêu cầu Jordan chơi bóng rổ trong 1/3 mùa tiếp theo. Hầu hết mọi người sẽ xem điều luật này bất công, vi phạm quyền tự do của Jordan. Nhưng nếu Quốc hội không thể bắt Jordan quay trở lại sân bóng rổ (dù chỉ một phần ba mùa giải), thì họ có quyền gì buộc anh phải bỏ một phần ba số tiền anh kiếm được nhờ việc chơi bóng rổ?
Những người ủng hộ việc phân phối lại thu nhập thông qua thuế có rất nhiều lập luận phản bác logic của chủ nghĩa tự do cá nhân. Nhưng hầu hết các phản bác này đều bị phản bác lại.
Phản đối 1: Thuế không tệ như lao động cưỡng bức
Nếu bị đánh thuế, bạn luôn có thể chọn làm việc ít đi và nộp thuế thấp hơn; nhưng nếu bị buộc phải lao động cưỡng bức, bạn không có sự lựa chọn đó.
Chủ nghĩa tự do cá nhân trả lời: Vâng, đúng thế. Nhưng tại sao chính quyền buộc bạn phải lựa chọn thế? Một số người thích ngắm cảnh hoàng hôn, trong khi những người khác thích các hoạt động tốn tiền như đi xem phim, ra ngoài ăn uống, chèo thuyền… Liệu có nên đánh thuế những người thích ngắm cảnh ít hơn những người thích các hoại động tốn tiền?
Hãy xét điều tương tự sau: Một kẻ trộm đột nhập vào nhà bạn, và chỉ có thời gian để lấy hoặc ti vi màn hình phẳng trị giá 1.000 đô la hoặc 1.000 đô la tiền mặt bạn giấu dưới tấm nệm. Bạn có thể hy vọng gã đánh cắp ti vi, bởi vì sau đó bạn có thể lựa chọn xem có chi 1.000 đô la để mua ti vi hay không. Nếu kẻ trộm đánh cắp tiền mặt, gã sẽ chẳng cho bạn lựa chọn như vậy (giả định là quá muộn để trả lại cửa hàng ti vi). Nhưng việc mất ti vi (hoặc làm việc ít hơn) không liên quan gì đến quan điểm này, tên trộm (và cả chính quyền) sai trong cả hai trường hợp, bất kể nạn nhân có thể làm điều gì để giảm thiểu thiệt hại.
Phản đối 2: Người nghèo cần tiền hơn
Chủ nghĩa tự do cá nhân trả lời: Có lẽ vậy. Nhưng đây là lý do để thuyết phục người giàu tự nguyện hỗ trợ người nghèo thông qua sự lựa chọn riêng tự do của họ. Không thể biện minh cho việc buộc Jordan và Gates làm từ thiện. Cướp của người giàu chia cho người nghèo là ăn cắp, cho dù đó là Robin Hood hay chính quyền.
Xét việc tương tự sau: Một bệnh nhân phải lọc máu cần một quả thận của tôi nhiều hơn tôi (Giả sử tôi có đủ hai quả thận) nhưng không có nghĩa là ông ta có quyền lấy đi quả thận của tôi. Nhà nước cũng không có quyền lấy quả thận của tôi cho người bệnh nhân đó, cho dù nhu cầu người đó có cấp bách đến mấy. Tại sao không? Bởi vì đó là của tôi. Không thể tước đi quyền căn bản của tôi làm những gì tôi muốn với những gì tôi sở hữu.
Phản đối 3: Michael Jordan không chơi một mình. Thế nên anh nợ những người góp phần vào thành công của anh.
Chủ nghĩa tự do cá nhân trả lời: Đúng là thành công của Jordan phụ thuộc vào người khác. Bóng rổ là môn thể thao đồng đội. Mọi người không thể trả 31 triệu đô la để xem anh ném bóng một mình trên sân trống. Anh không bao giờ có thể làm được điều đó mà không có đồng đội, huấn luyện viên, trọng tài, truyền hình, công nhân bảo dưỡng sân vận động… Nhưng những người này đã được thị trường trả lương cho công việc họ làm. Mặc dù kiếm ít hơn Jordan, họ tự nguyện chấp nhận làm việc với mức lương đó. Vì vậy, chẳng có lý do gì để nói Jordan nợ họ một phần thu nhập của anh. Và thậm chí nếu Jordan thiếu nợ đồng đội và huấn luyện viên, vẫn rất khó biện minh cho việc đánh thuế thu nhập của anh nhằm cung cấp thực phẩm cho các nhà tế bần hoặc cho người vô gia cư.
Phản đối 4: Jordan không thực sự bị đánh thuế mà không có sự đồng ý của anh. Là công dân trong một nền dân chủ, anh có một tiếng nói trong việc đưa ra các luật thuế mà anh là người nộp.
Chủ nghĩa tự do cá nhân trả lời: Đồng thuận dân chủ chưa đủ. Giả sử Jordan bỏ phiếu chống lại luật thuế, nhưng luật này vẫn được thông qua. Sở Thuế vụ sẽ không bắt anh nộp chứ? Hẳn nhiên là không rồi. Bạn có thể tranh luận rằng do sống trong xã hội này, Jordan đồng ý (ít nhất là ngầm định) phục tùng đa số và tuân thủ pháp luật. Nhưng liệu điều này có đồng nghĩa với việc: là công dân sống trong xã hội, chúng ta phải viết cho đa số một tấm séc trắng, và đồng ý trước với tất cả các luật, cho dù bất công?
Nếu vậy, đa số có thể đánh thuế thiểu số, thậm chí tịch thu tài sản trái với ý muốn của họ. Quyền cá nhân có ý nghĩa gì? Nếu biện minh cho việc lấy tài sản, phải chăng đồng thuận dân chủ cũng biện minh cho việc lấy đi tự do? Liệu đa số có thể tước đi quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của tôi; và là công dân trong xã hội dân chủ, tôi phải nhất trí với quyết định của đa số?
Chủ nghĩa tự do cá nhân đã dễ dàng phản bác bốn luận điểm đầu tiên. Nhưng các luận điểm sau khó phản bác hơn:
Phản đối 5: Jordan may mắn
Jordan có thiên phú chơi bóng rổ và may mắn sống trong một xã hội quý trọng khả năng ném bóng vào rổ. Cho dù có vất vả luyện tập ra sao đi chăng nữa, Jordan cũng không thể yêu cầu được thưởng vì thiên phú của mình, hoặc vì sống tại một thời đại khi bóng rổ được ưa chuộng và là nghề kiếm bộn tiền. Nhưng những điều này không phải do anh tạo ra. Vì vậy về mặt đạo đức khó có thể nói rằng anh có quyền giữ tất cả số tiền mình kiếm được nhờ thiên phú. Cộng đồng khiến mọi việc công bằng hơn thông qua thuế thu nhập vì lợi ích chung.
Chủ nghĩa tự do cá nhân trả lời: Điểm phản đối xoay quanh việc tài năng của Jordan có thực sự là của anh không. Tuy nhiên, dòng lập luận này tàng ẩn nguy cơ. Nếu không xứng dáng hưởng lợi ích từ kết quả của việc mài giũa tài năng của mình, thì Jordan không thực sự sở hữu chúng. Và nếu anh không sở hữu tài năng và kỹ năng của mình, thì anh cũng không thực sự sở hữu mình. Nhưng nếu Jordan không là của ai, thì ai là chủ của Jordan? Bạn có chắc muốn trao cho cộng đồng chính trị quyền sở hữu các công dân của mình?
Ý niệm về quyền tự sở hữu khá hấp dẫn, đặc biệt cho những người tìm kiếm một nền tảng vững chắc cho quyền cá nhân. Ý tưởng rằng tôi thuộc về chính bản thân mình chứ không thuộc về nhà nước hoặc cộng đồng chính trị, là cách để giải thích lý do tại sao thật sai lầm khi hy sinh quyền của tôi vì phúc lợi của người khác. Hãy nhớ lại sự miễn cưỡng của chúng ta khi đẩy ông béo từ cầu rơi xuống để chận chiếc xe điện mất phanh. Chúng ta ngần ngại đẩy ông béo vì nhận ra rằng cuộc sống của ông béo thuộc về chính ông ta? Nếu tự ông béo nhảy xuống (và chết) để cứu các công nhân trên đường ray thì sẽ có ít người phản đối hơn. Xét cho cùng đó là cuộc sống của ông ta. Nhưng cuộc sống của ông ta không phải thứ chúng ta có thể lấy và sử dụng, ngay cả khi có lý do chính đáng. Cũng có thể lập luận tương tự trong trường hợp cậu bé thử việc bất hạnh. Nếu Parker chọn hy sinh để cứu đoàn thủy thủ khỏi chết, hầu hết mọi người sẽ nói cậu bé có quyền làm thế. Nhưng nhóm thủy thủ kia không có quyền giúp mình sống mà lấy đi sinh mạng không thuộc về họ.
Nhiều người phản đối nền kinh tế tự do vẫn viện dẫn ý tưởng về quyền tự sở hữu trong các lĩnh vực khác. Điều này có thể giải thích sự hấp dẫn bền bỉ của chủ nghĩa tự do cá nhân, ngay cả đối với những người ủng hộ hệ thống phúc lợi xã hội. Hãy cùng xem xét ý tưởng tự sở hữu này xuất hiện trong tranh luận về tự do sinh sản, đạo đức tình dục, và các quyền riêng tư.
Người ta thường nói chính quyền không nên cấm ngừa hay phá thai, bởi vì người phụ nữ nên được tự do quyết định làm gì với cơ thể của chính họ. Luật pháp không nên trừng phạt ngoại tình, mại dâm hoặc đồng tính luyến ái – vì người trưởng thành phải được tự do lựa chọn bạn tình cho chính mình.
Một số ủng hộ thị trường mua bán thận để ghép với lý do tôi sở hữu cơ thể mình, và do đó phải được tự do bán các bộ phận cơ thể. Một số mở rộng nguyên tắc này để bảo vệ quyền trợ tử[10] (tự sát có hỗ trợ). Vì làm chủ cuộc sống của chính mình, tôi phải được tự do kết liễu cuộc sống khi muốn, và thỉnh cầu một bác sĩ sẵn lòng (hoặc bất cứ ai khác) hỗ trợ. Nhà nước không có quyền ngăn chặn tôi sử dụng cơ thể mình, kết liễu cuộc sống khi tôi muốn thế.
Ý tưởng chúng ta là riêng của chính mình còn thể hiện trong nhiều lập luận về tự do lựa chọn. Nếu tôi sở hữu cơ thể, cuộc sống và con người tôi, tôi phải được tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn với chúng (miễn là tôi không làm hại người khác). Mặc dù hấp dẫn, ý tưởng này không dễ áp dụng đến tận cùng. Nếu bị cám dỗ bởi những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân, bạn hãy xét ba trường hợp dưới đây để xem mình sẽ đeo đuổi chủ nghĩa này đến mức độ nào:
Bán thận
Hầu hết các nước cấm mua bán nội tạng để cấy ghép. Tại Hoa Kỳ, người ta có thể hiến, nhưng không được bán thận trên thị trường tự do. Nhưng một số người cho rằng phải thay đổi luật này. Họ chỉ ra hàng ngàn người chết mỗi năm do chờ đợi ghép thận – và nguồn cung cấp thận sẽ dồi dào hơn nếu tồn tại một thị trường thận tự do. Họ cũng cho rằng những người cần tiền nên được tự do bán thận nếu muốn.
Một lập luận cho phép mua bán thận dựa trên ý niệm tự sở hữu của chủ nghĩa tự do cá nhân: Nếu sở hữu cơ thể chính mình, tôi phải được tự do bán bộ phận cơ thể của tôi khi muốn. Như Nozick viết: “Điểm mấu chốt của khái niệm quyền sở hữu với X là quyền quyết định những gì sẽ được làm với X”. Nhưng ít người ủng hộ việc bán nội tạng thực sự hiểu trọn vẹn logic của chủ nghĩa tự do cá nhân. Đây là lý do: Hầu hết những người ủng hộ thị trường mua bán thận đều nhấn mạnh tầm quan trọng đạo đức do cứu được nhiều mạng sống, và thực tế hầu hết những người hiến tặng một quả thận có thể sống ổn với một quả thận còn lại. Nhưng nếu bạn tin rằng cơ thể và cuộc sống của bạn là tài sản của bạn, không nhận xét nào dưới đây thực sự quan trọng. Nếu bạn sở hữu mình, bạn có quyền sử dụng cơ thể mình tùy thích là lý do để bạn bán một phần cơ thể mình. Mạng sống bạn cứu được hoặc việc tốt bạn làm không còn là điểm đáng quan tâm.
Để xem vì sao như vậy, hãy xét hai trường hợp sau: Đầu tiên, giả sử người mua tiềm năng quả thận quý giá của bạn khỏe mạnh hoàn toàn, ông ta trả bạn (hoặc nông dân ở một quốc gia đang phát triển) 8.000 đô la, không phải bởi vì ông ta rất cần cấy ghép nội tạng, mà vì ông là người môi giới mua bán bộ phận cơ thể người cho các khách hàng giàu có. Có nên cho phép mua bán thận vì mục đích này? Nếu tin vào quyền tự sở hữu, bạn sẽ rất khó nói không. Điều quan trọng không phải là mục đích mà là quyền tự mình định đoạt tài sản riêng theo cách tùy thích. Tất nhiên, bạn có thể ghê tởm việc buôn bán bộ phận nội tạng cơ thể để kiếm lời và chỉ ủng hộ việc mua bán thận vì mục đích cứu mạng. Nhưng nếu bạn giữ quan điểm này, cách bảo vệ thị trường thận của bạn sẽ không dựa trên tiền đề của chủ nghĩa tự do cá nhân. Bạn sẽ phải thừa nhận rằng chúng ta chưa có quyền sở hữu không giới hạn với các bộ phận cơ thể mình.
Xem xét tiếp trường hợp thứ hai. Giả sử một nông dân nghèo trong một ngôi làng Ân Độ có thể làm bất kỳ việc gì để cho con vào đại học. Để kiếm đủ tiền, ông ta bán thận cho một người giàu ở Mỹ cần được ghép thận. Một vài năm sau, khi đứa con thứ của ông chuẩn bị vào đại học, một người mua khác đến gặp và đưa ra mức giá rất cao cho quả thận thứ hai. Ông nông dân có nên được tự do bán nốt quả thận, ngay cả khi bán đi sẽ chết? Nếu lý lẽ đạo đức của việc mua bán cơ quan nội tạng dựa trên khái niệm về quyền tự sở hữu, câu trả lời phải là có. Thật kỳ quái khi nghĩ rằng ông nông dân sở hữu một quả thận của mình nhưng lại không sở hữu quả thận kia. Một số có thể phản đối là không ai được bán mạng vì tiền. Nhưng nếu con người sở hữu bản thân và cuộc sống của chính mình, thì ông nông dân có đủ quyền bán quả thận thứ hai của mình, ngay cả khi phải đổi cả mạng sống. (Kịch bản này không hoàn toàn mang tính giả thuyết. Năm 1990, một tù nhân ở nhà tù California muốn tặng quả thận thứ hai của mình cho cô con gái. Ủy ban đạo đức của bệnh viện từ chối).
Dĩ nhiên hoàn toàn có thể chỉ cho phép mua bán những nội tạng dùng để cứu mạng và không gây nguy hại đến mạng sống của người bán. Nhưng một chính sách như thế sẽ không dựa trên nguyên tắc tự sở hữu. Nếu thật sự sở hữu cơ thể và cuộc sống của mình, chúng ta có toàn quyền định đoạt việc có nên bán các bộ phận cơ thể của chúng ta với bất kỳ mục đích gì, chịu bất kỳ nguy cơ nào.
Trợ tử
Năm 2007, bác sĩ Jack Kevorkian 79 tuổi được phóng thích khỏi một nhà tù ở Michigan sau tám năm thụ án vì đã tiêm thuốc độc cho các bệnh nhân bị bệnh nan y muốn được chết. Để được ra tù, ông đã hứa không hỗ trợ bất kỳ bệnh nhân nào tự sát.
Trong những năm 1990, bác sĩ Kevorkian (còn được gọi là “Bác sĩ Tử thần”) đã vận động cho luật trợ giúp tự tử và thực hiện những gì ông rao giảng, giúp 130 người kết liễu cuộc sống của mình. Ông bị buộc tội, đưa ra tòa và bị kết án giết người mức độ hai chỉ sau khi ông đưa cho chương trình 60 Minutes của đài CBS một đoạn phim quay cảnh ông hành động, tiêm mũi thuốc độc vào một người đàn ông bị chứng tê liệt thần kinh vận động hành hạ. Trợ tử là hành vi bất hợp pháp ở Michigan (tiểu bang nơi bác sĩ Kevorkian sinh sống) cũng như trong tất cả các tiểu bang khác, ngoại trừ Oregon và Washington. Nhiều quốc gia cấm trợ tử, và chỉ rất ít (nổi tiếng nhất là Hà Lan) chấp nhận hành động này.
Thoạt nhìn, các lý lẽ ủng hộ trợ tử có vẻ là một ứng dụng mang tính giáo khoa của triết lý chủ nghĩa tự do cá nhân. Đối với người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, cấm trợ tử là bất công vì: Nếu cuộc sống của tôi thuộc về chính mình, tôi phải được tự do để kết liễu. Và nếu tôi chấp nhận một thỏa thuận tự nguyện với một ai đó giúp tôi chết, chính quyền không có quyền can thiệp.
Nhưng trường hợp cho phép trợ tử không nhất thiết phụ thuộc vào ý tưởng tự sở hữu, hoặc cuộc sống của chúng ta thuộc về chúng ta. Nhiều người ủng hộ trợ tử không sử dụng quyền tự sở hữu, nhưng ủng hộ nhân danh phẩm giá và lòng từ bi. Họ nói rằng bệnh nhân bị bệnh nan y đang vô cùng đau khổ, thà để họ đi sớm còn hơn bắt họ chịu đựng đau đớn kéo dài. Ngay cả những người luôn tin chúng ta có nghĩa vụ chung phải bảo vệ mạng sống con người cũng kết luận rằng ở một thời điểm nào đó, ý niệm từ bi lớn hơn bổn phận phải thực hiện. Với bệnh nhân bị bệnh nan y, các lý lẽ của chủ nghĩa tự do cá nhân ủng hộ trợ tử vẫn mắc mứu với lập luận về từ bi. Để đánh giá ảnh hưởng đạo đức của ý tưởng tự sở hữu, hãy xét trường hợp trợ tử không liên quan đến bệnh nhân bị bệnh nan y. Rõ ràng đây là một trường hợp kỳ lạ. Nhưng điều này cho phép chúng ta đánh giá một mình logic của nhủ nghĩa tự do cá nhân, mà không bị ý niệm nhân phẩm và từ bi xen vào.
Đồng thuận ăn thịt người
Năm 2001, có một cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở một làng vùng Rotenburg, nước Đức. Bernd-Jurgen Brandes, một kỹ sư phần mềm 43 tuổi, đã trả lời một quảng cáo trên Internet tìm kiếm một người tự nguyện để bị giết và ăn thịt. Quảng cáo này được đăng bởi Armin Meiwes, một kỹ thuật viên máy tính 42 tuổi. Meiwes không treo tiền bồi thường, chỉ quảng cáo là một trải nghiệm. Khoảng hai trăm người đã trả lời quảng cáo này. Bốn người đã đến trang trại của Meiwes để dự phỏng vấn, nhưng quyết định không tham gia. Nhưng khi gặp và cùng Meiwes nhâm nhi cà phê, Brandes đã đồng ý. Meiwes giết vị khách của mình, xả thịt, bảo quản trong túi nhựa đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Đến khi bị bắt, “Kẻ ăn thịt người làng Rotenburg” đã chén hơn hai mươi cân thịt của nạn nhân tự nguyện, một số được nấu với dầu ô liu và tỏi.
Khi Meiwes được đưa ra xử, sự khủng khiếp của vụ án cuốn hút công chúng và làm tòa bối rối. Đức không có luật xử việc ăn thịt người. Bên biện hộ cho rằng không thể kết tội giết người bởi vì nạn nhân tự nguyện tham gia vào cái chết của chính mình. Luật sư của Meiwes nghĩ khách hàng của ông chỉ có tội duy nhất là “giết người theo thỉnh nguyện” – một hình thức trợ tử có mức án tối đa năm năm. Tòa án đã cố gắng giải quyết vấn đề hóc búa và kết án Meiwes tội ngộ sát và phạt tù tám năm rưỡi. Nhưng hai năm sau, Tòa phúc thẩm bác bỏ, coi án này quá nhẹ, và kết Meiwes án chung thân. Trong đoạn kết kỳ lạ của câu chuyện khủng khiếp, kẻ giết người ăn thịt ăn chay trường trong tù, với lý do trồng trọt theo kiểu công nghiệp là vô nhân đạo.
Vụ ăn thịt người giữa những người trưởng thành tự nguyện đặt ra thử thách cuối cùng cho nguyên tắc tự sở hữu của chủ nghĩa tự do cá nhân và các ý tưởng công lý đặt nền tảng trên đó. Đó là một dạng trợ tử ở mức cực đoan. Vì vụ này không có gì liên quan đến việc làm giảm nỗi đau của một bệnh nhân bị bệnh nan y, nó chỉ có thể được biện minh trên căn cứ chúng ta làm chủ cơ thể và cuộc sống của chính mình, và có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Nếu mệnh đề này của chủ nghĩa tự do cá nhân là đúng, ngăn cấm việc bị ăn thịt tự nguyện là bất công, vi phạm quyền tự do. Nhà nước không thể trừng phạt Armin Meiwes cũng như không thể đánh thuế Bill Gates và Michael Jordan để giúp đỡ người nghèo.
Chú thích:
[8] Paternalism – chính sách của chính quyền điều khiển mọi người một cách như bề trên trong gia đình, cung cấp cho mọi người những gì họ cần, nhưng chẳng cho họ quyền lựa chọn.
[9] Conservatism. Trong tiếng Việt, từ “bảo thủ” thường được hiểu với một nghĩa xấu, nhưng đây là một khuynh hướng triết học chính trị chủ trương giữ gìn, bảo tồn những giá trị, những thể chế (chính trị, văn hóa, đạo đức, tôn giáo,…) đã qua thử thách trong lịch sử.
[10] “assisted suicide” – Kết thúc cuộc sống của chính mình với sự trợ giúp của một người khác (thường là bác sĩ).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.