Đa phần người Mỹ chưa bao giờ ký khế ước xã hội. Trên thực tế, công dân nhập tịch là những người duy nhất ở Mỹ (không kể công chức) thực sự đồng ý tuân thủ Hiến pháp -muốn nhập quốc tịch họ bắt buộc phải tuyên thệ trung thành. Những người còn lại chẳng bao giờ được yêu cầu, hay thậm chí đề nghị, đưa ra lời đồng ý. Vậy tại sao chúng ta có nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật? Và làm thế nào có thể nói chính quyền tồn tại trên cơ sở sự đồng ý của người dân nó quản lý?
John Locke cho rằng chúng ta đã ngầm ưng thuận. Bất cứ ai hưởng lợi ích từ một chính quyền, ngay cả việc đi trên đường cao tốc, cũng ngầm chấp nhận pháp luật và bị pháp luật ràng buộc. Nhưng ưng thuận ngầm là hình thức đồng ý không rõ ràng. Thật khó hình dung về mặt đạo đức làm thế nào việc đi trên đường lại đồng nghĩa với việc phê chuẩn Hiến pháp.
Immanuel Kant viện dẫn đến sự đồng ý giả thuyết. Luật pháp chỉ công bằng nếu được toàn thể cộng đồng chấp nhận. Nhưng điều này quả thật cũng là lựa chọn khó hiểu cho một khế ước xã hội thực sự. Làm thế nào thỏa thuận mang tính giả thuyết thực hiện giá trị đạo đức thay cho thỏa thuận thật?
John Rawls (1921-2002), triết gia chính trị người Mỹ đưa ra câu trả lời xuất sắc cho câu hỏi này. Trong tác phẩm Học thuyết công lý (A Theory of Justice, 1971), ông lập luận rằng cách suy nghĩ về công lý là hãy hỏi xem chúng ta sẽ ưng thuận những nguyên tắc nào trong vị thế bình đẳng ban đầu.
Rawls lý giải như sau: Giả sử chúng ta cùng tụ tập lại (cũng giống như chúng ta bây giờ) để lựa chọn các nguyên tắc quản lý cuộc sống chung cho tất cả mọi người: viết ra một khế ước xã hội. Chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc gì? Có lẽ sẽ rất khó có được sự đồng thuận. Những người khác nhau tra thích các nguyên tắc khác nhau, phản ánh các lợi ích, giá trị đạo đức, niềm tin tôn giáo và vị thế xã hội rất khác nhau. Người giàu, kẻ nghèo; người có quyền thế và đông bạn bè, kẻ thấp cổ bé họng. Một số là thành viên các nhóm thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, hoặc tôn giáo; những người khác thì không. Chúng ta có thể thương lượng bằng cách thỏa hiệp. Tuy nhiên, thỏa hiệp cũng có thể phản ánh ưu thế mặc cả của người này so với người khác. Không có lý do nào cho rằng một khế ước xã hội có được theo cách này sẽ công bằng.
Bây giờ xét suy tưởng sau: Giả sử khi tụ tập để lựa chọn các nguyên tắc, chẳng ai biết tình trạng xã hội của ai. Hãy tưởng tượng chúng ta lựa chọn sau “bức màn vô minh” – tạm thời ngăn không cho chúng ta biết ai là ai. Chúng ta không biết tầng lớp, giới tính, chủng tộc, dân tộc, chính kiến hay tôn giáo của bất kỳ ai. Chúng ta cũng không biết lợi thế và bất lợi của bất kỳ ai -khỏe hay yếu, có học vấn cao hay ai bỏ học giữa chừng, sinh ra trong gia đình hạnh phúc hay gia đình tan vỡ. Nếu chẳng ai biết bất kỳ thông tin gì như thế, thực sự chúng ta sẽ lựa chọn từ một vị trí bình đẳng ban đầu. Vì không ai có vị thế thương lượng cao hơn nên các nguyên tắc chúng ta đồng ý sẽ là công bằng.
Đây là ý tưởng của Rawls về khế ước xã hội – một thỏa thuận giả thuyết về vị thế bình đẳng ban đầu. Rawls kêu gọi chúng ta tự hỏi: chúng ta – những người có lý trí và tư lợi – sẽ lựa chọn như thế nào nếu ở trong hoàn cảnh đó. Ông không giả định tất cả chúng ta đều có động cơ tư lợi trong cuộc sống thực, chỉ là chúng ta đặt qua một bên niềm tin của mình về đạo đức và tôn giáo cho mục đích suy tưởng. Chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc nào?
Đầu tiên, ông lý giải chúng ta sẽ không chọn chủ nghĩa vị lợi. Phía sau bức màn vô minh, mỗi chúng ta có thể nghĩ, “Theo những gì tôi biết, cuối cùng tôi rất có thể trở thành thành viên của một nhóm thiểu số bị áp bức”. Và không ai muốn rủi ro trở thành tín đồ Cơ đốc bị ném cho sư tử nhằm mua vui cho đám đông. Chúng ta cũng sẽ không chọn chính sách kinh tế hoàn toàn tự do – nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân cho phép người dân có quyền giữ lại tất cả số tiền họ kiếm được trong một nền kinh tế thị trường. Mỗi người có thể nghĩ: “Tôi có thể may mắn trở thành Bill Gates, nhưng cũng hoàn toàn có thể trở thành một người vô gia cư. Vì vậy, tốt hơn tôi nên tránh một hệ thống bỏ mặc cho tôi nghèo mà không giúp đỡ gì”.
Rawls cho rằng hai nguyên tắc công lý sẽ xuất hiện từ khế ước mang tính giả thuyết này. Nguyên tắc thứ nhất đảm bảo quyền tự do cơ bản như nhau cho tất cả công dân, như quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Nguyên tắc này đứng trên mọi cân nhắc về lợi ích và phúc lợi của toàn xã hội. Nguyên tắc thứ hai liên quan đến sự bình đẳng về xã hội và kinh tế. Mặc dù không đòi hỏi phải cào bằng thu nhập và của cải, nguyên tắc này chỉ cho phép tồn tại những bất bình đẳng về xã hội và kinh tế nếu những bất bình đẳng này phục vụ lợi ích của những thành viên yếu thế nhất trong xã hội.
Các triết gia tranh cãi về việc liệu các bên tham gia khế ước xã hội mang tính giả thuyết của Rawls có lựa chọn những nguyên tắc mà ông nói họ sẽ chọn không. Dưới đây chúng ta sẽ thấy tại sao Rawls cho rằng hai nguyên tắc ấy sẽ được chọn. Nhưng trước khi chuyển sang các nguyên tắc này, chúng ta hãy xét một câu hỏi: Liệu sự thực nghiệm giả tưởng của Rawls có là cách đúng để suy nghĩ về công lý không? Làm thế nào mà nguyên tắc công lý lại có thể bắt nguồn từ một thỏa thuận không bao giờ thực sự diễn ra?
Các hạn chế về mặt đạo đức của khế ước
Để đánh giá ảnh hưởng đạo đức của khế ước giả thuyết của Rawls, cần phải biết giới hạn đạo đức của khế ước thực. Đôi lúc chúng ta cho rằng khi hai người có một thỏa thuận, các điều khoản của thỏa thuận này hẳn là công bằng. Nói cách khác, chúng ta giả định rằng hợp đồng biện minh cho những điều khoản mà nó tạo ra. Nhưng không phải như vậy, ít nhất tự nó không làm được vậy. Hợp đồng thực tế không phải công cụ đạo đức độc lập. Chỉ việc bạn và tôi đi đến thỏa thuận không đủ để khiến thỏa thuận đó công bằng. Với bất cứ hợp đồng thực tế nào, người ta luôn luôn có thể hỏi “Những gì họ ưng thuận có công bằng không?”. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta không chỉ đơn giản hướng sự chú ý vào chính hợp đồng mà cần có một số tiêu chuẩn công bằng độc lập.
Tiêu chuẩn như thế đến từ đâu? Có lẽ bạn nghĩ đến từ một khế ước lớn hơn, có từ trước – chẳng hạn như hiến pháp. Nhưng hiến pháp cũng gặp vấn đề tương tự như các thỏa thuận khác. Thực tế hiến pháp được toàn dân thông qua không chứng minh được các điều khoản của chúng công bằng. Hãy xét Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, Hiến pháp này vẫn có tì vết như chấp nhận chế độ nô lệ, và điểm hạn chế này tồn tại cho đến cuộc Nội chiến. Việc được các đại biểu tại Philadelphia và sau đó là các tiểu bang phê chuẩn không đủ để làm cho hiến pháp này công bằng.
Người ta có thể lập luận sai lầm này có thể bắt nguồn từ một thiếu sót trong sự ưng thuận. Nô lệ người Mỹ gốc Phi không nằm trong Hội nghị Lập hiến, phụ nữ cũng thế (nữ giới giành được quyền bỏ phiếu sau đó một thế kỷ). Chắc chắn một hội nghị mang tính đại diện hơn sẽ tạo ra một hiến pháp công bằng hơn. Nhưng đó là chỉ sự phỏng đoán. Không một khế ước xã hội thực tế hay hội nghị lập hiến nào, dù mức độ đại diện đến đâu, có thể đảm bảo tạo ra các điều khoản hợp tác công bằng cho xã hội.
Với những người tin đạo đức bắt đầu và kết thúc với sự ưng thuận, điểu này có vẻ là một luận điểm khó nghe. Nhưng không phải toàn bộ luận điểm đều gây tranh cãi. Chúng ta thường hỏi các giao dịch mọi người thực hiện có công bằng không. Và chúng ta quá quen thuộc với tính ngẫu nhiên có thể dẫn đến những giao dịch xấu: một bên có thể là nhà đàm phán tốt hơn, hay có vị thế thương lượng cao hơn, hoặc biết nhiều thông tin hơn về những thứ được trao đổi. Câu nói nổi tiếng của Don Corleone trong tiểu thuyết Bố già, “Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối” ám chỉ (theo hình thức cực đoan) rằng áp lực luôn lởn vởn, ở một mức độ nào đó, xung quanh hầu hết các cuộc đàm phán.
Thừa nhận rằng hợp đồng không đảm bảo công bằng trong các điều khoản của nó không có nghĩa là chúng ta có thể vi phạm hợp đồng tùy thích. Chúng ta bắt buộc phải thực thi ngay cả một thỏa thuận bất công, ít nhất là tại một thời điểm nào đó. Sự ưng thuận là quan trọng, ngay cả khi nó không hoàn toàn công bằng. Tuy nhiên, sự ưng thuận mang ít tính quyết định hơn so với đôi khi ta nghĩ. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa tính đạo đức của sự ưng thuận với các nguồn nghĩa vụ khác.
Giả sử chúng ta có một thỏa thuận: bạn giao cho tôi 100 con tôm hùm và tôi sẽ trả bạn 1.000 đô la. Bạn đi bắt và đem tôm đến, tôi thưởng thức ngon lành, nhưng từ chối trả tiền. Bạn nói tôi nợ bạn tiền. Tôi hỏi tại sao? Bạn có thể viện dẫn đến thỏa thuận giữa hai người nhưng bạn cũng có thể viện dẫn đến lợi ích tôi vừa hưởng thụ. Bạn có thể nói tôi có nghĩa vụ hoàn trả lợi ích mà nhờ bạn tôi được hưởng.
Bây giờ giả sử chúng ta có thỏa thuận tương tự, nhưng lần này khi bạn đã đánh bắt và mang tôm đến trước cửa nhà tôi, tôi đổi ý. Tôi không thích tôm hùm nữa. Bạn vẫn cố gắng lấy tiền. Tôi nói: “Tôi không nợ bạn bất cứ điều.gì. Bây giờ, tôi không được hưởng lợi”. Tại thời điểm này, bạn có thể viện dẫn đến thỏa thuận của chúng ta, nhưng bạn cũng có thể viện dẫn đến việc bạn làm việc chăm chỉ thế nào để bắt tôm hùm với kỳ vọng tôi sẽ mua. Bạn có thể nói tôi có nghĩa vụ phải trả vì những nỗ lực bạn đã thực hiện thay tôi.
Bây giờ hãy xem liệu chúng ta có thể tưởng tượng được một trường hợp nghĩa vụ chỉ dựa trên sự ưng thuận, không có thêm sức nặng đạo đức của việc trả cho lợi ích hay trả công cho việc bạn đã làm cho tôi. Lần này chúng ta có thỏa thuận tương tự, nhưng ngay trước khi bạn bỏ thời gian bắt tôm hùm, tôi gọi cho bạn và nói, “Tôi đổi ý. Tôi không muốn tôm hùm nữa”. Tôi có còn nợ bạn 1.000 đô la không? Bạn vẫn nói “Thỏa thuận là thỏa thuận” và nhấn mạnh rằng hành động đồng ý của tôi đã tạo ra một nghĩa vụ cho dù không có bất kỳ lợi ích hay sự trả công nào ở đây?
Các học giả ngành luật tranh luận vấn đề này trong một thời gian dài. Sự ưng thuận có thể tự tạo ra một nghĩa vụ hay cần có thêm một số yếu tố như hưởng lợi hay trả công? Cuộc tranh luận này hé lộ cho chúng ta điều gì đó về đạo đức của hợp đồng mà chúng ta thường bỏ qua: các hợp đồng thực có sức mạnh đạo đức chừng nào nó thực hiện hai lý tưởng: tự chủ và có đi có lại.
Với tư cách là các giao kết tự nguyện, hợp đồng thể hiện quyền tự chủ của chúng ta, những nghĩa vụ chúng tạo ra có sức nặng vì chúng có tính tự áp đặt – chính chúng ta tự nguyện nhận các nghĩa vụ. Là công cụ để hai bên cùng có lợi, hợp đồng dựa trên lý tưởng có đi có lại; nghĩa vụ thực hiện chúng phát sinh từ nghĩa vụ trả công cho những lợi ích người khác mang đến cho chúng ta.
Thực tế, hai lý tưởng tự chủ và có đi có lại không dễ thực hiện. Một số thỏa thuận, cho dù tự nguyện, không đem lại lợi ích cho cả hai phía. Và đôi khi chúng ta có nghĩa vụ trả công cho một lợi ích chỉ đơn giản trên cơ sở có đi có lại, ngay cả trong trường hợp không có hợp đồng. Điều này chỉ ra các giới hạn về mặt đạo đức của sự ưng thuận: Trong một vài trường hợp, ưng thuận không đủ để tạo ra một nghĩa vụ có tính ràng buộc về mặt đạo đức; trong một số trường hợp khác còn có thể không cần đến sự ưng thuận.
Khi ưng thuận không đủ: Thẻ bóng chày và nhà vệ sinh bị rò rỉ
Xét hai trường hợp chứng tỏ sự ưng thuận không thôi là chưa đủ: Khi còn nhỏ, hai đứa con trai của tôi sưu tầm thẻ bóng chày và trao đổi với nhau. Đứa lớn biết nhiều về các cầu thủ và giá trị của thẻ hơn. Nó đôi khi thực hiện các giao dịch không công bằng với đứa em, chẳng hạn đổi hai thẻ không giá trị lấy một thẻ quý hiếm. Vì thế tôi đưa ra quy định là không được thực hiện vụ trao đổi nào cho đến khi tôi phê chuẩn. Bạn có thể nghĩ đây là gia trưởng, mà đúng là thế. (Đó là mục đích của gia trưởng). Trong trường hợp này, trao đổi tự nguyện có thể không công bằng.
Vài năm trước, tôi đọc bài báo về một trường hợp cực đoan hơn: nhà vệ sinh trong căn hộ một góa phụ cao niên ở Chicago bị rò rỉ. Cụ thuê một nhà thầu sửa chửa với giá 50.000 đô la. Cụ ký hợp đồng trả ngay 25.000 đô la và trả dần số tiền còn lại. Vụ việc bị khám phá khi cụ đến ngân hàng để rút 25.000 đô la. Các nhân viên quầy giao dịch hỏi tại sao cụ cần rút nhiều tiền thế, và cụ trả lời mình phải trả thợ sửa chữa. Các nhân viên ngân hàng liên lạc với cảnh sát, bắt giữ nhà thầu vô lương tâm vì hành vi lừa đảo.
Tất cả những người ủng hộ hợp đồng hăng hái nhất cũng thừa nhận việc đòi tới 50.000 đô la để sửa chữa nhà vệ sinh là cực kỳ bất công, cho dù hai bên tự nguyện chấp nhận. Vụ việc này.minh chứng hai điểm giới hạn về mặt đạo đức của hợp đồng: Đầu tiên, hành động thỏa thuận không đảm bảo tính công bằng của hợp đồng. Thứ hai, sự ưng thuận chưa đủ tạo ra một luận điểm ràng buộc về mặt đạo đức. Hoàn toàn không còn là công cụ để hai bên cùng có lợi, hợp đồng này xem thường lý tưởng có đi có lại. Tôi nghĩ, điều này giải thích tại sao rất ít người nói cụ bà có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải trả đủ số tiền quá lớn kia.
Người ta có thể trả lời vụ sửa chữa nhà vệ sinh bất lương này không phải là hợp đồng thực sự tự nguyện, mà thuộc kiểu bóc lột, trong đó một nhà thầu vô lương tâm đã trục lợi từ một cụ bà – người không có nhiều thông tin. Tôi không biết các chi tiết của vụ việc, nhưng chúng ta vì lợi ích của lý luận, hãy giả định rằng nhà thầu không ép buộc cụ bà, và rằng cụ bà còn minh mẫn (dù cụ không có nhiều thông tin về tiền công sửa chữa) khi cụ đồng ý với thỏa thuận này. Thực tế là thỏa thuận tự nguyện không đảm bảo việc trao đổi các lợi ích ngang bằng hoặc tương đương nhau.
Tôi đã trình bày sự ưng thuận không phải là điều kiện đủ cho bổn phận đạo đức; một thỏa thuận bất công hoàn toàn không thể đảm bảo các bên cùng có lợi, mà đặc tính tự nguyện cũng không thể bào chữa được. Bây giờ tôi muốn đưa ra một mệnh đề có tính khiêu khích hơn: Sự ưng thuận không phải điều kiện cần cho bổn phận đạo đức. Nếu tính cùng có lợi đủ rõ ràng, có thể thỏa mãn luận điểm đạo đức về tính có đi có lại mà không cần hành động ưng thuận.
Khi ưng thuận không quan trọng: Nhà của Hume và những người lau kính xe
David Hume – triết gia Scotland thế kỷ thứ 18 – đã từng phải đối mặt kiểu vụ việc như vậy. Khi còn trẻ, Hume đã viết bài phê bình gay gắt các ý kiến của Locke về khế ước xã hội.
Ông gọi nó là một “viễn tưởng triết học chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có thể trở thành hiện thực” và “một trong những hoạt động huyền bí và khó hiểu nhất có thể được tưởng tượng ra”. Vài năm sau đó, Hume có một vụ việc thực sự kiểm nghiệm quan điểm phản đối việc coi sự ưng thuận là nền tảng của bổn phận của ông.
Hume sở hữu một ngôi nhà ở Edinburgh. Ông cho người bạn James Boswell thuê và người này lại cho một người khác thuê. Người thuê lại này thấy cần sửa chữa căn nhà. Ông ta đã thuê một nhà thầu thực hiện mà không hỏi ý kiến Hume. Nhà thầu tiến hành sửa chửa và gửi hóa đơn cho Hume. Hume từ chối trả tiền với lý do ông đã không ưng thuận, ông không thuê nhà thầu. Vụ việc được đưa ra tòa. Nhà thầu thừa nhận chưa có sự ưng thuận của Hume. Nhưng căn nhà cần sửa chữa, và ông thực hiện công việc.
Hume cho đó là một lập luận tồi. Lý do đòi tiền của nhà thầu chỉ đơn giản là “công việc cần thiết phải làm”, Hume trình bày thế trước tòa. Nhưng điều này “không phải là lời giải thích hợp lý, bởi vì theo chính quy tắc này, nhà thầu có thể đến tất cả các ngôi nhà ở Edinburgh và làm những gì mình nghĩ cần phải được thực hiện, mà không có sự ưng thuận của chủ nhà… và đưa ra cùng một lý do cho những gì ông ta làm – công việc là cần thiết và ngôi nhà vì thế sẽ tốt hơn”. Nhưng Hume cho đó là “một học thuyết hoàn toàn mới và… chẳng thể biện hộ được”.
Trong vụ sửa chữa ngôi nhà của ông, Hume không thích học thuyết nghĩa vụ thuần túy dựa trên lợi ích. Nhưng lập luận phản đối của ông thất bại và tòa án phán quyết ông phải trả tiền.
Trong vụ của Hume, người ta cho rằng về mặt đạo đức, mọi người có nghĩa vụ trả công cho ích lợi phát sinh khi không có sự ưng thuận. Nhưng quan điểm này có thể dễ dàng trượt vào chiến thuật bán hàng gây áp lực và các lạm dụng khác. Trong những năm 1980 và đầu thập niên 1990, “những người lau kính xe” trở thành nỗi ám ảnh trên đường phố thành phố New York, cầm trong tay cây lau nhà bằng bọt biển và một xô nước, họ sẽ xuất hiện khi một chiếc xe hơi ngừng lại trước đèn đỏ, rửa kính chắn gió (thường không xin phép lái xe) và sau đó đòi tiền. Họ hoạt động trên lý thuyết bổn phận dựa trên ích lợi mà nhà thầu của Hume viện dẫn. Tuy nhiên, trong trường hợp không có sự đồng ý, ranh giới giữa thực hiện một dịch vụ và chèo kéo xin tiền thường nhạt nhòa. Thị trưởng Rudolph Giuliani quyết định chấm dứt nạn “những người lau kính xe” và ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ ho.
Ích lợi hay ưng thuận? Sửa xe lưu động của Sam
Dưới đây là ví dụ khác về sự nhầm lẫn có thể xảy xa khi không phân biệt rõ ràng nghĩa vụ dựa trên sự ưng thuận hay dựa trên lợi ích. Cách đây nhiều năm, khi là sinh viên cao học, tôi lái xe xuyên quốc gia với vài người bạn. Chúng tôi dừng tại một trạm nghỉ ở Hammond, Indiana, và đi vào một cửa hàng tạp hóa.
Khi quay trở ra, chiếc xe của chúng tôi không nổ máy. Không ai trong chúng tôi biết sửa xe. Nhưng trong khi đang băn khoản không biết phải làm gì, một chiếc xe dừng cạnh chúng tôi. Trên thành xe treo biển “Xe sửa xe lưu động của Sam”. Một người đàn ông, có lẽ là Sam xuống xe. Ông đến gần chúng tôi và hỏi liệu có cần ông giúp không. “Đây là cách của tôi” ông giải thích. “Tôi tính 50 đô la một giờ. Nếu tôi sửa được chiếc xe trong năm phút, các vị trả tôi 50 đô la. Nếu tôi sửa trong một giờ và không thể sửa được, các vị sẽ vẫn trả tôi 50 đô la”.
“Xác suất ông sửa được là bao nhiêu?” Tôi hỏi. Ông ta không trả lời thẳng, nhưng bắt đầu chui xuống gầm xe. Tôi không chắc phải làm gì. Tôi nhìn sang những người bạn để xem họ nghĩ gì. Sau một lúc, người đàn ông chui từ bên dưới gầm xe ra và nói, “Hệ thống đánh lửa vẫn ổn, nhưng vẫn có bốn mươi lăm phút còn lại. Các vị có muốn tôi mở ca-pô kiểm tra máy không?”
“Chờ một chút” tôi nói. “Tôi chưa thuê ông mà. Chúng ta chưa đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào”. Người đàn ông rất tức giận và nói, “Cậu muốn nói là giả sử bây giờ tôi đã sửa được xe cho cậu, khi tôi chui xuống kiểm tra dưới gầm xe cậu sẽ không trả tiền cho tôi?”.
Tôi nói: “Đó lại là chuyện khác”.
Tôi đã không đi vào sự khác biệt giữa nghĩa vụ dựa trên sự ưng thuận và nghĩa vụ dựa trên ích lợi. Vì lý do nào đó tôi không nghĩ điều đó là cần thiết. Nhưng cuộc tranh luận với người sửa xe Sam làm nổi bật lên một nhầm lẫn phổ biến về sự ưng thuận. Sam tin rằng nếu ông đã sửa được xe (khi ông chui xuống gầm xe), tôi hẳn đã nợ ông 50 du la. Tôi đồng ý. Nhưng nguyên nhân tôi có thể nợ ông là vì ông đã thực hiện một lợi ích cụ thể – sửa xe cho tôi. Ông suy diễn rằng bởi vì tôi nợ ông, tôi phải (ngầm) ưng thuận thuê ông. Nhưng suy luận đấy là sai lầm. Nó giả định một cách sai lầm rằng bất cứ khi nào có một nghĩa vụ, thì phải có một thỏa thuận – một hành động ưng thuận nào đó. Nó bỏ qua khả năng là nghĩa vụ có thể phát sinh mà không có sự ưng thuận. Nếu Sam sửa được xe ô tô, tôi hẳn đã nợ ông vì nguyên tắc có đi có lại. Khi đó chỉ đơn giản cảm ơn ông và lái xe đi có vẻ không công bằng. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi đã thuê ông.
Khi nghe kể câu chuyện này, phần lớn sinh viên của tôi đồng ý rằng trong trường hợp này tôi không nợ Sam 50 đô la. Nhưng nhiều người nghĩ vậy với lý do khác tôi. Họ lập luận vì tôi không thuê Sam (một cách rõ ràng) nên tôi không nợ và thậm chí cũng sẽ không nợ ngay cả khi ông sửa được xe của tôi. Bất kỳ khoản trả công nào cũng chỉ là hành vi hào phóng, thưởng công, không phải là nghĩa vụ. Vì vậy các sinh viên ủng hộ tôi, không phải bằng cách chấp nhận quan điểm bao quát về trách nhiệm của tôi, mà bằng cách khẳng định một quan điểm chặt chẽ về sự ưng thuận.
Mặc dù chúng ta thường có xu hướng suy diễn rằng sự ưng thuận có trong tất cả các luận điểm đạo đức, thật khó để ý thức được cuộc sống đạo đức mà không thừa nhận sức nặng độc lập của nguyên tắc có đi có lại. Hãy xem xét một hợp đồng hôn nhân. Giả sử sau hai mươi năm sống chung thủy, tôi khám phá ra vợ tôi có người đàn ông khác, về mặt dạo đức, tôi có hai cơ sở khác nhau cho sự phẫn nộ về đạo đức. Một dựa trên sự ưng thuận: “Nhưng chúng mình đã có một hôn ước. Em đã thề nguyện. Em đã bội ước”. Cơ sở thứ hai viện dẫn sự có đi có lại: “Anh đã rất chung thủy. Chắc chắn anh không đáng bị đối xử như thế. Đây không phải là cách đáp lại sự chung thủy của anh”, v.v… Cơ sở thứ hai không viện dẫn và cũng không cần tới sự ưng thuận. Nó hợp lý về mặt đạo đức, ngay cả nếu chúng ta không có hôn thú, nhưng sống chung với nhau qua từng ấy năm.
Tưởng tượng ra hợp đồng hoàn hảo
Những vụ việc bất hạnh khác nhau cho chúng ta biết điều gì về giá trị đạo đức của hợp đồng? Hợp đồng có được giá trị đạo đức nhờ hai lý tưởng khác nhau: tự chủ và có đi có lại. Nhưng phần lớn hợp đồng không đáp ứng những lý tưởng này. Nếu tôi làm ăn với ai đó có vị thế thương lượng cao hơn, thỏa thuận của tôi có thể không hoàn toàn tự nguyện mà bị áp lực hay trong trường hợp cực đoan là bị cưỡng ép. Nếu tôi đàm phán với người có nhiều kiến thức về những thứ đang trao đổi, thỏa thuận có thể không phải là hai bên cùng có lợi. Trong trường hợp cực đoan, tôi có thể bị gian lận hoặc lừa gạt.
Trong cuộc sống thực, mọi người có hoàn cảnh khác nhau. Điều này có nghĩa chắc chắn có sự khác biệt trong vị thế thương lượng và kiến thức. Và chừng nào điều này còn đúng, thì tự bản thân thỏa thuận không đảm bảo sự công bằng của thỏa thuận. Đây là lý do tại sao hợp đồng thực không thể là công cụ đạo đức độc lập. Người ta luôn có thể hỏi: “Nhưng những điều họ ưng thuận có công bằng không?”
Nhưng hãy tưởng tượng một hợp đồng giữa những người có vị thế và kiến thức bình đẳng, chứ không bất bình đẳng: những người có hoàn cảnh giống nhau. Và tưởng tượng đối tượng của hợp đồng này không là việc sửa chữa ống nước hoặc các vụ làm ăn bình thường, mà là những nguyên tắc chi phối cuộc sống chung của chúng ta, để xác định quyền và nghĩa vụ của công dân chúng ta. Hợp đồng như thế, giữa các bên như thế, sẽ không có chỗ cho sự ép buộc hay lừa dối hay lợi thế bất công khác. Các điều khoản, cho dù là gì, cũng sẽ công bằng, vì ưu điểm của chính thỏa thuận đó.
Nếu có thể tưởng tượng được một hợp đồng như thế, bạn đã đến với ý tưởng của Rawls về hợp đồng mang tính giả thiết trong vị thế bình đẳng ban đầu. Bức màn vô minh đảm bảo sự bình đẳng về quyền lực và kiến thức theo đúng yêu cầu về tình trạng ban đầu. Bằng cách bảo đảm không ai biết vị trí của tôi trong xã hội; thế mạnh hay điểm yếu; các giá trị hoặc mục tiêu của tôi, bức màn vô minh này đảm bảo không ai có thể trục lợi, cho dù vô tình, nhờ vị thế thương lượng tốt hơn.
Nếu cho phép biết trước thông tin của cụ thể ai đó, thì kết cục sẽ có tính thiên vị bởi các yếu tố ngẫu nhiên tùy tiện… Nếu tình trạng ban đầu là để tạo ra các thỏa thuận công bằng, các bên phải có vị thế như nhau và được đối xử bình đẳng như người có đạo đức. Tính ngẫu nhiên phải được khắc phục nhờ điều chỉnh các hoàn cảnh của trạng thái hợp đồng ban đầu.
Điều trớ trêu là hợp đồng mang tính giả thuyết đằng sau bức màn vô minh không phải là một dạng nhạt nhòa của một hợp đồng thực, và vì thế là một thứ ít có giá trị đạo đức; nó lại là một dạng thuần khiết của hợp đồng thực, và do đó là một thứ có ảnh hưởng đạo đức mạnh mẽ hơn.
Hai nguyên tắc công lý
Giả sử Rawls đúng: Nghĩ về công lý là hỏi xem chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc gì trong trạng thái bình đẳng ban đầu, đằng sau tấm màn vô minh. Các nguyên tắc nào sẽ xuất hiện?
Theo Rawls chúng ta sẽ không chọn chủ nghĩa vị lợi. Phía sau bức màn vô minh, chúng ta không biết vị trí của mình trong xã hội, nhưng chúng ta thực sự biết rằng mình muốn theo đuổi mục đích của bản thân và muốn được đối xử với sự tôn trọng. Trong trường hợp chúng ta là thành viên của một dân tộc hay tôn giáo thiểu số, chúng ta không muốn bị áp bức, thậm chí nếu điều này mang đến niềm vui cho đa số. Khi bức màn vô minh được vén lên và cuộc sống thực tế bắt đầu, chúng ta không muốn thấy mình là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo hay phân biệt chủng tộc. Để tự vệ chống lại những nguy cơ đó, chúng ta sẽ loại bỏ chủ nghĩa vị lợi và đồng ý nguyên tắc bình đẳng về quyền tự do cơ bản cho tất cả các công dân, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng. Và chúng ta có thể khẳng định rằng nguyên tắc này được ưu tiên hơn tất cả nỗ lục để tối đa hóa lợi ích chung. Chúng ta sẽ không hy sinh các quyền và tự do cơ bản vì lợi ích xã hội và kinh tế.
Chúng ta chọn nguyên tắc khống chế bất bình đẳng xã hội và kinh tế nào? Để đề phòng rủi ro rơi vào cảnh nghèo, thoạt đầu chúng ta có thể ủng hộ phân phối thu nhập và sự giàu có ngang bằng nhau. Nhưng sau đó chúng ta phát hiện ra mình có thể làm tốt hơn, ngay cả đối với những người dưới đáy xã hội. Giả sử bằng cách cho phép bất bình đẳng ở mức độ nhất định, chẳng hạn như lương bác sĩ cao hơn lương tài xế xe buýt; chúng ta có thể cải thiện tình cảnh những người kém thế – bằng cách gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo. Cho phép khả năng này xuất hiện, chúng ta áp dụng điều Rawls gọi là “nguyên tắc khác biệt”: chỉ cho phép những bất bình đẳng kinh tế và xã hội nào làm gia tăng lợi ích của các thành viên kém may mắn nhất trong xã hội.
Chính xác thì tại sao chủ nghĩa quân bình[22] là nguyên tắc khác biệt? Thật khó nói, bởi vì tác dụng của sự chênh lệch tiền lương phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội. Giả sử lương bác sĩ cao hơn khiến dịch vụ chăm sóc y tế ở các vùng nông thôn nghèo khổ tốt hơn. Trong trường hợp đó, khác biệt về lương có thể phù hợp với nguyên tắc của Rawls. Nhưng giả sử lương bác sĩ cao không tác động đến dịch vụ y tế ở vùng xa Appalachia, mà lại chỉ khiến cho có thêm nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở khu Beverly Mills. Trong trường hợp đó, theo quan điểm của Rawls, mức chênh lệch về lương sẽ rất khó biện minh.
Thế còn về khoản thu nhập lớn của Michael Jordan hay tài sản khổng lồ của Bill Gates thì sao? Những bất bình đẳng này có phù hợp với nguyên tắc khác biệt không? Tất nhiên, học thuyết của Rawls không có mục đích đánh giá mức lương của người này hay người kia có công bằng không; mục đích của học thuyết là cấu trúc cơ bản của xã hội, cũng như cách phân bổ quyền và nghĩa vụ, thu nhập và của cải, quyền lực và cơ hội.
Với Rawls thì vấn đề cần hỏi là liệu tài sản của Gates có được tạo ra trong một hệ thống mà xét tổng thể, vận hành vì lợi ích của những người yếu thế nhất không. Ví dụ, tài sản này có chịu một mức thuế lũy tiến đánh thuế người giàu nhằm cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế và phúc lợi cho người nghèo không? Nếu có, và nếu hệ thống này làm người nghèo khá hơn so với hệ thống chia đều tất cả, thì sự bất bình đẳng này phù hợp với nguyên tắc khác biệt.
Một số người nghi ngờ liệu các bên trong tình trạng ban đầu có chọn nguyên tắc khác biệt không. Làm thế nào để Rawls biết được, đằng sau bức màn vô minh, mọi người sẽ không đánh cược, sẵn sàng mạo hiểm sống trong một xã hội bất bình đẳng với hy vọng ngoi được lên lớp trên? Nhỡ có người thậm chí lựa chọn xã hội phong kiến, sẵn sàng chấp nhận rủi ro trở thành một nông nô không có đất với hy vọng có thể trở thành một vị vua.
Rawls không tin những người chọn nguyên tắc để quản lý cuộc sống cơ bản của mình sẽ lựa chọn những cơ hội đó. Trừ khi họ biết mình là những người yêu thích rủi ro (một tính cách bị bức màn vô minh che để không ai nhìn thấy), mọi người sẽ không cá độ với mức rủi ro cao. Nhưng trường hợp của Rawls về nguyên tắc khác biệt không dựa hoàn toàn vào giả định cho rằng mọi người ở vị trí ban đầu sẽ sợ rủi ro.
Nằm dưới bức màn vô minh là một lập luận đạo đức có thể được trình bày độc lập với thực nghiệm giả tưởng này. Ý tưởng chính là sự phân phối thu nhập và cơ hội không nên dựa trên các yếu tố ngẫu nhiên xét từ quan điểm đạo đức.
Lập luận ngẫu nhiên về mặt đạo đức
Rawls đưa ra lý lẽ này bằng cách so sánh một số lý thuyết công lý cạnh tranh nhau, bắt đầu từ công lý của hệ thống quý tộc phong kiến. Ngày nay, không ai bảo vệ công lý của chế độ phong kiến hay hệ thống đẳng cấp. Rawls nhận xét những hệ thống như thế bất công bởi chúng phân bố thu nhập, của cải, cơ hội và quyền lực theo sự ngẫu nhiên về dòng dõi. Nếu được sinh ra với dòng dõi quý tộc, bạn có nhiều quyền lực và của cải hơn con cái của nông nô. Nhưng bạn không thể làm gì thay đổi được hoàn cảnh khi sinh của mình. Vì vậy, thật không công bằng nếu để tiền đồ của bạn phụ thuộc vào tính ngẫu nhiên này.
Xã hội kiểu thị trường khắc phục tính ngẫu nhiên này, ít nhất ở mức độ nào đó. Nghề nghiệp được mở rộng với người có tài năng cần thiết và tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật. Công dân được bảo đảm quyền tự do bình đẳng cơ bản, và thị trường tự xác định cách phân phối thu nhập và tài sản. Hệ thống này – thị trường tự do với bình đẳng cơ hội mang tính hình thức – tương ứng với lý thuyết của chủ nghĩa tự do cá nhân về công lý. Nó tốt hơn xã hội phong kiến và phân tầng giai cấp vì bác bỏ hệ thống cấp bậc cố định phụ thuộc vào dòng dõi.
Về mặt luật pháp, hệ thống này cho phép tất cả mọi người phấn đấu và cạnh tranh. Tuy nhiên trong thực tế, còn lâu cơ hội mới thực sự công bằng. Rõ ràng người có gia đình hỗ trợ và giáo dục tốt có lợi thế hơn những người không có. Cho phép tất cả mọi người tham gia đường đua là một điều tốt. Nhưng nếu mọi người bắt đầu từ điểm xuất phát khác nhau, cuộc đua này không công bằng. Theo Rawls đó là lý do vì sao phân phối thu nhập và của cải trong thị trường tự do với bình đẳng cơ hội mang tính hình thức không thể được coi là công bằng. Sự bất công rõ ràng nhất của hệ thống tự do cá nhân “là cho phép chia phần không hợp lý do ảnh hưởng từ những yếu tố rất ngẫu nhiên theo quan điểm đạo đức”.
Một cách khắc phục bất công này là sửa chữa những bất lợi về xã hội và kinh tế. Chế độ nhân tài[23] nỗ lực làm điều đó bằng cách cải tiến bình đẳng cơ hội mang tính hình thức đơn thuần. Loại bỏ những trở ngại trên con đường dẫn tới thành công bằng cách cung cấp cơ hội bình đẳng giáo dục như nhau, để con nhà nghèo có thể cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng với con nhà giàu. Thành lập chương trình Khởi phát Tài năng[24], dinh dưỡng tuổi thơ và các chương trình chăm sóc sức khỏe, chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp – bất kỳ thứ gì cần thiết để thiết lập cùng một điểm xuất phát cho tất cả mọi người, bất kể tầng lớp hay nền tảng gia đình như thế nào.
Theo chế độ nhân tài, việc phân phối thu nhập và của cải nhờ thị trường tự do chỉ công bằng khi mọi người đều có cơ hội phát triển tài năng như nhau. Chỉ khi tất cả đều có chung vạch xuất phát thì mới có thể nói người chiến thắng cuộc đua xứng đáng phần thưởng của mình.
Rawls cho rằng quan niệm nhân tài khắc phục được các lợi thế có tính ngẫu nhiên về mặt đạo đức nhất định, nhưng vẫn chưa đạt được công lý. Vì ngay cả khi bạn đưa mọi người đến cùng một điểm xuất phát, ít nhiều vẫn dự đoán được ai sẽ chiến thắng trên đường đua – những người chạy nhanh nhất. Nhưng trở thành người chạy nhanh không hoàn toàn là việc do một mình tôi làm ra. Về mặt đạo đức, điều này cũng ngẫu nhiên như việc được sinh ra trong một gia đình giàu có.
“Ngay cả khi hoàn toàn loại trừ được ảnh hưởng của ngẫu nhiên xã hội”, Rawls viết, “hệ thống nhân tài vẫn cho phép phân phối của cải và thu nhập phụ thuộc vào sự phân bố khả năng và tài năng thiên bẩm”
Nếu Rawls đúng, ngay cả một thị trường tự do vận hành trong một xã hội có cơ hội bình đẳng giáo dục cũng không tạo ra một phân phối thu nhập và của cải công bằng. Lý do: “Ai được thứ gì là kết quả của xổ số tự nhiên, và dưới quan điểm đạo đức, kết quả này có tính ngẫu nhiên. Chẳng có nhiều lý do hơn để cho phép phân phối thu nhập và của cải dựa vào phân phối các tài năng thiên bẩm chứ không phải số phận lịch sử và xã hội”.
Rawls kết luận do cùng một nguyên nhân (dù mức độ ít hơn) khái niệm công lý của chế độ nhân tài cũng không hoàn thiện như khái niệm của chủ nghĩa tự do cá nhân, cả hai đặt việc phân phối căn cứ trên các yếu tố ngẫu nhiên về mặt đạo đức. “Một khi chúng ta gặp khó khăn trong việc xác định cách phân phối do ảnh hưởng của tính ngẫu nhiên về mặt xã hội hoặc sự may rủi thiên bẩm, chúng ta sẽ bị ràng buộc phải chịu đựng những ảnh hưởng của yếu tố khác. Từ góc độ đạo đức, cả hai đều mang tính ngẫu nhiên như nhau”.
Rawls lập luận: Một khi chúng ta nhận thấy sự ngẫu nhiên về mặt đạo đức làm hỏng cả lý thuyết về công lý của chủ nghĩa tự do cá nhân và chế độ nhân tài, chúng ta không thể thỏa mãn khi thiếu một quan niệm quân bình hơn. Nhưng quan niệm này là gì? Nó là thứ khắc phục bất bình đẳng cơ hội giáo dục, hay là thứ hoàn toàn khác để khắc phục sự bất bình đẳng thiên bẩm? Nếu chúng ta băn khoăn bởi thực tế là một số người chạy nhanh hơn những người khác, chúng ta có nên buộc người chạy nhanh phải đi đôi giày thật nặng không? Một số người phản đối chủ nghĩa quân bình cho rằng ngoài xã hội thị trường nhân tài chỉ có một hình thức khác là cào bằng – bắt người tài năng phải chịu thêm các vật cản.
Nỗi khiếp đảm chủ nghĩa quân bình
Truyện ngắn khoa học viễn tưởng Bergeron Harrison của nhà văn Kurt Vonnegut diễn tả nỗi lo lắng này. Câu chuyện bắt đầu: “Đó là năm 2081, rồi cuối cùng mọi người bình đẳng… Không ai thông minh hơn người khác. Không ai dễ nhìn hơn người khác. Không ai khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn người khác”. Sự bình đẳng triệt để này đã được thực thi bởi các đặc vụ của Tướng Cào-bằng-cơ-hội Hoa Kỳ (the United States Handicapper General). Công dân nào có trí thông minh trên mức trung bình được yêu cầu theo máy thu kiểm soát tâm thần ở tai. Cứ hai mươi giây, máy phát của chính quyền gửi tới một tiếng ồn to để ngăn chặn họ “lợi dụng ưu thế của bộ não.”
Cậu bé mười bốn tuổi Harrison Bergeron, thông minh, đẹp trai và có nhiều năng khiếu hơn người bình thường và do vậy phải đeo một máy thu rất nặng. Thay vì đeo một máy thu nhỏ, “cậu bé đeo trên tai một máy thu to đùng”. Dể ngụy trang cho vẻ đẹp trai của mình, Harrison phải đeo “một quả bóng cao su đỏ trên chóp mũi, cạo trụi lông mày, và nhuộm đen hàm răng trắng bóc của mình”. Và để giảm thể lực của mình, cậu phải mặc một bộ giáp kim loại nặng. “Trong đời sống bình thường, Harrison phải đeo phụ trọng 30 kg”.
Một ngày, Harrison bỏ tất cả phụ trọng trong một hành động anh hùng thách thức chính thể bạo chúa quân bình. Tôi không làm câu chuyện mất hay bằng cách tiết lộ kết thúc. Hẳn đã rõ làm thế nào câu chuyện của Vonnegut nêu bật sự phản đối quen thuộc đối với lý thuyết công lý của chủ nghĩa quân bình.
Tuy nhiên thuyết công lý của Rawls không bị phản đối kiểu đó. Ông cho rằng cào bằng không phải là cách thay thế duy nhất cho xã hội thị trường nhân tài. Nguyên tắc khác biệt của Rawls khắc phục những phân bố không đồng đều của tài năng và thiên phú mà không gây cản trở tài năng. Làm thế nào? Khuyến khích nhân tài phát triển và sử dụng tài năng của họ, nhưng với điều kiện là phần thưởng mà các nhân tài kiếm được trên thị trường thuộc về toàn thể cộng đồng.
Không cản trở những người chạy nhanh nhất, cho phép họ chạy hết sức. Đơn giản chỉ cần thừa nhận trước rằng chiến thắng không thuộc về một mình họ, mà cần được chia sẻ với những người không có thiên phú tương tự. Mặc dù nguyên tắc khác biệt không đòi hỏi phân phối bình đẳng thu nhập và của cải, nhưng đưa ra một ý tưởng về bình đẳng mạnh mẽ, tràn đầy cảm hứng.
Nguyên tắc khác biệt thể hiện một sự thỏa thuận liên quan đến tài năng bẩm sinh như một loại tài sản thông thường và phải chia sẻ vì lợi ích của chính sự phân bố dù nó xảy ra như thế nào. Những người được trời ưu đãi cho dù họ là ai, chỉ có thể được hưởng lợi từ may mắn của mình theo những điều khoản cải thiện tình cảnh những người không may mắn. May mắn trời phú không chỉ đơn thuần dược dùng để kiếm lợi bởi vì họ tài năng hơn, mà để trang trải các chi phí giáo dục, đào tạo và sử dụng thiên bẩm của họ theo những cách giúp đỡ những người kém may mắn. Không ai xứng dáng với năng lực thiên phú lớn hơn hay đáng được hưởng một khởi đầu thuận lợi hơn trong xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta nên loại bỏ những khác biệt này. Có một cách xử lý khác. Cấu trúc cơ bản của xã hội nên dược sắp xếp sao cho các ngẫu nhiên này có thể vận hành vì lợi ích những người ít may mắn nhất.
Bây giờ xét bốn lý thuyết về công lý trong phân phối cạnh tranh nhau:
1. Hệ thống đẳng cấp phong kiến: Phân cấp cố định dựa trên dòng dõi.
2. Tự do: Thị trường tự do với cơ hội bình đẳng mang tính hình thức.
3. Chế độ nhân tài: Thị trường tự do với cơ hội bình đẳng công bằng.
4. Quân bình: Nguyên tắc khác biệt của Rawls.
Rawls cho rằng ba học thuyết đầu đặt việc chia phần trên các yếu tố có tính ngẫu nhiên theo quan điểm đạo đức – sự ngẫu nhiên của dòng dõi hay ưu thế về xã hội, kinh tế, hoặc tài năng và khả năng thiên phú. Chỉ nguyên lý khác biệt tránh được việc phân phối thu nhập và của cải dựa trên các yếu tố ngẫu nhiên. Mặc dù lập luận về tính ngẫu nhiên về mặt đạo đức không dựa trên lập luận về tình trạng ban đầu, nhưng chúng tương tự nhau trên khía cạnh sau: Cả hai cho rằng, khi suy nghĩ về công lý, chúng ta nên loại ra hoặc đặt sang một bên những sự kiện mang tính ngẫu nhiên về con người và vị trí xã hội.
Phản đối 1: Phần thưởng
Nguyên tắc khác biệt của Rawls gặp hai phản đối chính. Phản đối đầu tiên: Phần thưởng thì sao? Nếu nhân tài chỉ có thể được tưởng thưởng từ tài năng của mình với điều kiện phải giúp đỡ những người nghèo nhất, sẽ ra sao nếu họ quyết định làm việc ít đi, hoặc không phát triển kỹ năng của mình ngay từ đầu? Nếu mức thuế cao hay chênh lệch lương nhỏ, liệu những người lẽ ra là bác sĩ phẫu thuật sẽ chọn những công việc đơn giản hơn không? Liệu Micheal Jordan sẽ không còn cố gắng khi nhảy ném bóng nữa hay anh sẽ giã từ sân bóng sớm không?
Rawls trả lời: Để có phần thưởng, nguyên tắc khác biệt cho phép bất bình đẳng thu nhập, miễn điều này giúp ích cho nhiều người bất lợi nhất. Trả lương cao hơn cho các CEO hoặc giảm thuế cho người giàu chỉ để tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là chưa đủ. Nhưng nếu phần thưởng này tạo ra sự tăng trưởng kinh tế có thể cải thiện tình trạng những người ở dưới đáy xã hội, thì nguyên tắc khác biệt cho phép.
Điều quan trọng cần nhận thấy là sự chênh lệch tiền lương để có phần thưởng khác với việc nói người thành công có đặc quyền về mặt đạo đức với thành quả lao động của họ. Nếu Rawls đúng, bất bình đẳng thu nhập chỉ công bằng chừng nào chúng kích thích nỗ lực trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, không phải vì các CEO hay ngôi sao thể thao xứng đáng kiếm nhiều tiền hơn công nhân nhà máy.
Phản đối 2: Nỗ lực
Điều này đưa ta đến lý lẽ phản đối thứ hai mang tính thách thức hơn: Nỗ lực thì sao? Rawls phủ quyết lý thuyết công lý của chế độ nhân tài với lý do tài năng thiên phú của mọi người không phải thứ họ tự làm ra. Nhưng những người làm việc chăm chỉ, nỗ lực để trau dồi tài năng của mình thì sao? Bill Gates làm việc bền bỉ và khó khăn để phát triển Microsoft. Michael Jordan bỏ ra vô số giờ tập để mài giũa kỹ năng bóng rổ của mình. Mặc dù tài năng và thiên phú, họ có xứng đáng với phần thưởng do nỗ lực của mình mang lại không?
Rawls trả lời ngay cả nỗ lực cũng có thể là thành quả của một sự dạy dỗ tốt, “Ngay cả sự sẵn sàng để nỗ lực, cố gắng, và do đó xứng đáng theo nghĩa bình thường cũng phụ thuộc vào gia đình hạnh phúc và hoàn cảnh xã hội”.
Cũng giống như các yếu tố khác góp phần vào thành công, nỗ lực chịu ảnh hưởng của tính ngẫu nhiên mà chúng ta không thể kể công. “Có vẻ khả năng nỗ lực của một người chịu ảnh hưởng bởi kỹ năng trời phú, cũng như những con đường trải rộng trước anh ta. Nếu những thứ khác giống nhau, người nào có những yếu tố trên, khả năng phấn đấu bền bỉ sẽ tốt hơn”.
Nhiều sinh viên của tôi phản đối lý luận của Rawls về nỗ lực. Họ tranh luận rằng thành tích của mình, kể cả việc đỗ vào Harvard, phản ánh công sức của riêng họ, không phải các yếu tố mang tính ngẫu nhiên về mặt đạo đức nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhiều người nghi ngờ bất kỳ lý thuyết về công lý nào cho rằng về mặt đạo đức chúng ta không xứng đáng với những phần thưởng do nỗ lực của chúng ta mang lại.
Sau khi chúng tôi tranh luận về ý kiến của Rawls về nỗ lực, tôi tiến hành một cuộc khảo sát không khoa học lắm. Tôi chỉ ra ngành tâm lý học cho rằng thứ tự sinh ảnh hưởng đến nỗ lực và sự phấn đấu, chẳng hạn nỗ lực thi đỗ vào Harvard. Các báo cáo cho rằng con trưởng có thái độ làm việc tốt hơn, kiếm tiền tốt hơn và đạt nhiều thành công hơn con thứ. Những nghiên cứu này gây tranh cãi, và tôi không biết kết quả có đúng không. Nhưng chỉ thử cho vui, tôi yêu cầu sinh viên nào là con trưởng giơ tay. Khoảng 75 đến 80 phần trăm sinh viên giơ tay. Kết quả các cuộc thăm dò tôi thực hiện gần như nhau.
Không ai cho rằng mình có cách nào đó để trở thành con trưởng. Nếu một cái gì có tính ngẫu nhiên về mặt đạo đức như thứ tự sinh có thể ảnh hưởng đến xu hướng cố gắng làm việc chăm chỉ và tận tâm của chúng ta, thì Rawls đúng. Ngay cả nỗ lực cũng không thể là cơ sở của sự xứng đáng về mặt đạo đức.
Một lần nữa luận điểm cho rằng mọi người xứng đáng với phần thưởng vì đã nỗ lực và chăm chỉ, lại bị nghi ngờ với nguyên nhân sau: dù thường viện dẫn đến nỗ lực, những người ủng hộ chế độ nhân tài không thực sự cho rằng chỉ nỗ lực không thôi có thể là cơ sở của thu nhập và sự giàu có. Hãy xem xét hai công nhân xây dựng.
Một người khỏe mạnh rắn rỏi, có thể xây dựng bốn bức tường trong ngày mà không đổ chỉ một giọt mồ hôi. Người thứ hai yếu ớt gầy gò và không thể bê cùng lúc hai viên gạch. Mặc dù người này làm việc cực kỳ chăm chỉ, nhưng việc anh ta làm trong một tuần thì người đồng nghiệp cơ bắp làm một ngày là xong. Không người nào theo chủ nghĩa nhân tài có thể nói người công nhân yếu nhưng chăm chỉ xứng đáng được trả tiền nhiều hơn, vì đã nỗ lực nhiều hơn người công nhân khỏe mạnh.
Hoặc xét Michael Jordan. Sự thật anh luyện tập cực kỳ chăm chỉ. Nhưng một vài cầu thủ chơi bóng rổ luyện tập còn chăm chỉ hơn. Không ai có thể nói những người này xứng đáng có được hợp đồng lớn hơn hợp đồng của Jordan vì đó là phần thưởng quá trình luyện tập vất vả của họ. Vì vậy theo chủ nghĩa nhân tài, mặc dù nói về nỗ lực nhưng thực tế chính sự đóng góp hoặc thành tựu mới xứng đáng được thưởng. Cho dù thái độ làm việc có là việc riêng của chúng ta hay không, đóng góp của chúng ta phụ thuộc – ít nhất một phần nào đó – vào thiên phú mà chúng ta không thể tự kể công.
Bác bỏ sự xứng đáng đạo đức
Nếu lý luận đạo đức về tính ngẫu nhiên trong phân bố tài năng của Rawls đúng, thì có một kết luận đáng ngạc nhiên: Công lý phân phối không phải là vấn đề thưởng cho những người xứng đáng về mặt đạo đức.
Ông thừa nhận kết luận này trái ngược với cách suy nghĩ bình thường của chúng ta về công lý: “Có một xu hướng phổ biến giả định rằng thu nhập và của cải, và nói chung những điều tốt đẹp trong cuộc sống phải được phân phối theo sự xứng đáng về mặt đạo đức. Công lý là hạnh phúc do phẩm chất sinh ra… Giờ đây công lý với tư cách là sự công bằng bác bỏ quan niệm này”.
Ravvls làm xói mòn quan điểm của chế độ nhân tài bằng cách gợi lên sự hoài nghi vào tiền đề cơ bản của nó – nếu chúng ta loại bỏ các rào cản xã hội và kinh tế trên con đường dẫn tới thành công thì có thể nói mọi người xứng đáng với những phần thưởng do tài năng của họ mang lại.
Chúng ta không xứng đáng với vị thế của mình trong hệ thống phân phối tài năng thiên phú, cũng như điểm xuất phát của chúng ta trong xã hội. Ý kiến chúng ta xứng đáng với tính cách tốt cho phép mình nỗ lực trau dồi khả năng cũng có vấn đề; bởi vì tính cách đó phụ thuộc rất lớn vào nền tảng gia đình và hoàn cảnh xã hội khi còn thơ ấu – điều chúng ta không thể chọn được. Khái niệm xứng đáng không áp dụng ở đây.
Nếu công lý phân phối không phải là việc khen thưởng cho sự xứng đáng về mặt đạo đức, thì có phải điều này có nghĩa là những người làm việc chăm chỉ và chơi đúng luật không được yêu sách về những phần thưởng họ nhận được nhờ nỗ lực của mình? Không, không hẳn thế. Ở đây Rawls nêu ra một sự phân biệt quan trọng nhưng tinh tế – giữa xứng đáng về mặt đạo đức và điều mà ông gọi “sự được phép theo kỳ vọng hợp pháp”. Sự khác biệt là: Không giống luận điểm về xứng đáng, sự được phép có thể chỉ nảy sinh một lần khi một số luật chơi nhất định đã đâu vào đó. Nó không thể cho chúng ta biết cách thiết lập các quy tắc ban đầu như thế nào.
Xung đột giữa xứng đáng về đạo đức và sự được phép là nguyên nhân cơ bản trong nhiều cuộc tranh luận nóng nhất về công lý của chúng ta: Một số người nói rằng tăng thuế đánh vào người giàu là tước đoạt của họ thứ họ xứng đáng có được; hoặc coi tính đa dạng chủng tộc và sắc tộc là một yếu tố trong tuyển sinh đại học đã tước đi lợi thế của những ứng viên có điểm SAT cao – lợi thế mà về mặt đạo đức họ xứng đáng được hưởng. Những người khác nói không – về mặt đạo đức, mọi người không xứng đáng được hưởng các lợi thế này; đầu tiên chúng ta phải quyết định luật chơi (mức thuế, các tiêu chuẩn trúng tuyển) nên như thế nào. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói ai có quyền có thứ gì.
Xem xét sự khác biệt giữa trò chơi may rủi và trò chơi kỹ năng. Giả sử tôi mua xổ số. Nếu trúng thưởng, tôi được phép nhận tiền thưởng. Nhưng tôi không thể nói mình xứng đáng trúng thưởng, bởi vì xổ số là trò chơi may rủi. Tôi không dùng đức tính hay kỹ năng của mình để chiến thắng trong trò chơi.
Giờ tưởng tượng Boston Red Sox[25] chiến thắng trong giải World Series. Với kết quả thế, họ được phép nhận cúp. Nhưng họ có xứng đáng chiến thắng hay không lại là vấn đề khác. Câu trả lời phụ thuộc vào cách chơi của họ. Họ thắng “rùa” (ví dụ do trọng tài thổi sai tại một thời điểm quyết định) hay bởi vì họ thực sự chơi tốt hơn đối thủ, thể hiện phẩm chất và kỹ năng tuyệt vời trên sân?
Trò chơi kỹ năng, không giống trò chơi may rủi; có thể có sự khác biệt giữa người được phép thắng và người xứng đáng thắng. Đó là bối vì trò chơi kỹ năng tưởng thưởng cho sự khổ luyện và thể hiện một số đức tính nhất định, Rawls cho rằng công lý phân phối không phải là khen thưởng đức tính hay sự xứng đáng về mặt đạo đức. Thay vào đó, nó là sự đáp ứng kỳ vọng hợp pháp phát sinh khi các quy tắc của cuộc chơi được đặt đúng vị tri. Một khi các nguyên tắc công lý thiết lập nên các điều khoản của hợp tác xã hội, người dân được hưởng các lợi ích họ kiếm được theo quy định đó. Nhưng nếu được yêu cầu nộp thuế một phần thu nhập để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, họ không thể phàn nàn việc này gây cho họ tổn thất về những gì họ xứng đáng được hưởng.
Khi đó, một kế hoạch phân phối công bằng trả lời cho câu hỏi con người có quyền được hưởng gì; nó đáp ứng kỳ vọng hợp pháp của họ do các thiết chế xã hội thiết lập. Nhưng những điều họ được phép có không tỷ lệ và cũng không phụ thuộc vào giá trị nội tại của họ. Các nguyên tắc công lý điều chỉnh cấu trúc cơ bản của xã hội… không đề cập đến sự xứng đáng về mặt đạo đức, và không có xu hướng phân phối phần chia tương ứng với nó.
Rawls bác bỏ việc lấy sự xứng đáng về mặt đạo đức làm cơ sở cho công lý phân phối trên hai căn cứ. Đầu tiên, như chúng ta đã thấy, những tài năng (của tôi) cho phép tôi cạnh tranh thành công hơn những người khác không hoàn toàn do tôi tự tạo ra. Nhưng sự ngẫu nhiên thứ hai cũng không kém phần quyết định: tại bất kỳ thời điểm nào, những phẩm chất mà một xã hội đánh giá cao cũng ngẫu nhiên về mặt đạo đức. Ngay cả khi tôi đã có một tài năng duy nhất, không có gì phải bàn cãi, thì hoàn toàn có thể phần thưởng gặt hái được từ tài năng này cũng phụ thuộc vào tính ngẫu nhiên của cung và cầu. Ở xứ Tuscany thời Trung cổ, họa sĩ vẽ bích họa rất được trọng vọng, trong khi thế kỷ 21 ở California, lập trình viên máy tính mới có giá. Kỹ năng của tôi kiếm được nhiều hay ít tiền phụ thuộc vào việc xã hội mong muốn những gì. Và điều này phụ thuộc vào phẩm chất, đặc tính một xã hội muốn tưởng thưởng.
Hãy xem xét sự khác biệt về tiền lương như sau:
• Lương bình quân giáo viên ở Hoa Kỳ khoảng 43.000 đôla/năm. David Letterman diễn giả chương trình trò chuyện đêm khuya kiếm được 31.000.000 đôla/năm.
• Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lohn Roberts được trả 217.400 đôla/năm. Thẩm phán Judy, người phụ trách chương trình truyền hình thực tế, kiếm được 25.000.000 đôla/năm.
Mức lương chênh lệch này có công bằng không? Câu trả lời của Rawls phụ thuộc vào việc liệu chúng có xuất hiện trong một hệ thống thuế và tái phân phối vận hành vì lợi ích của nhóm người nghèo không. Nếu đúng; Letterman và thẩm phán Judy sẽ được phép hưởng khoản thu nhập của họ. Tuy nhiên, không thể nói thẩm phán Judy xứng đáng kiếm nhiều gấp trăm lần so với chánh án Roberts, hoặc Letterman xứng đáng kiếm nhiều gấp bảy trăm lần giáo viên. Thực tế việc tình cờ sống trong một xã hội trả lương hậu hĩ cho các ngôi sao truyền hình là sự may mắn của họ, không phải điều họ xứng đáng.
Những người thành đạt thường bỏ qua các khía cạnh tình cờ này trong thành công của mình. Ít nhất trên khía cạnh nào đó, nhiều người trong chúng ta may mắn có các phẩm chất mà xã hội tình cờ coi trọng. Trong xã hội thị trường, thật đáng giá nếu có tài kinh doanh. Trong xã hội quan liêu, khả năng kết thân dễ dàng và thuận lợi với cấp trên mới đáng giá. Trong xã hội dân chủ đại chúng, thật đáng giá nếu ăn ảnh khi xuất hiện trên truyền hình, và có khả năng nói chuyện ngắn gọn, hấp dẫn. Trong xã hội thích tranh tụng, rất có ích khi đi học trường luật, có kỹ năng lý luận và diễn giải để có điểm LSAT cao.
Chúng ta không thể tác động đến việc xã hội của chúng ta tưởng thưởng những giá trị nào. Giả sử chúng ta – với tài năng của mình – không sống trong một xã hội công nghệ tiên tiến, ưa tranh tụng như xã hội chúng ta, mà trong một xã hội săn bắn, một xã hội chiến binh, hay một xã hội tặng thưởng những phần thưởng cao quý và uy tín nhất cho những người có thể lực tốt nhất, hoặc sùng đạo nhất. Tài năng cua chúng ta sẽ ra sao? Rõ ràng, chúng sẽ không đưa chúng ta vươn xa. Và không nghi ngờ gì nữa, một số người sẽ phát triển những kỹ năng khác. Tuy nhiên, liệu chúng ta có ít xứng đáng hay thiếu giá trị hơn chúng ta bây giờ không? Câu trả lời của Rawls là không. Chúng ta có thể nhận được ít hơn, và đúng như thế. Nhưng khi được hưởng ít hơn, không vì thế mà chúng ta giảm giá trị đi, ít xứng đáng hơn những người khác. Điều này cũng đúng với những người thiếu vị trí có uy tín trong xã hội chúng ta, và những người có ít những năng khiếu mà xã hội chúng ta tình cờ coi trọng.
Vì thế, khi chúng ta được lợi do luật chơi thường cho khả năng vận dụng tài năng của mình, thì thật sai lầm và ngạo mạn khi cho rằng chúng ta xứng đáng nhất để sống trong một xã hội đánh giá cao những phẩm chất chúng ta có dư thừa.
Woody Allen đưa ra điểm tương tự trong bộ phim Stardust Memories. Allen đóng vai một nhân vật tương tự như chính bản thân ông – một diễn viên hài nổi tiếng có tên Sandy, gặp gỡ Jerry, bạn hàng xóm hồi bé bây giờ là một tài xế taxi bất đắc chí.
SANDY: Cậu đang làm gì vậy? Cậu làm sao thế?
JERRY: Cậu biết tôi làm gì không? Tôi lái xe taxi.
SANDY: Ồ, trông cậu ổn mà. Cậu lái xe taxi thì có làm sao?
JERRY: Chà. Nhưng nhìn tôi so với cậu…
SANDY: Cậu muốn tôi nói điều gì? Tôi là đứa trẻ trong khu phố hay kể chuyện cười, phải không?
JERRY: Ừ.
SANDY: Vậy, vì vậy, chúng ta, cậu biết đấy, chúng ta sống trong một xã hội đánh giá cao chuyện cười, cậu thấy không? Nếu cậu nghĩ về điều đó theo cách này – (hắng giọng) nếu tôi là người da đỏ Apache, những người không cần diễn viên hài, phải không? Nếu thế tôi là kẻ thất nghiệp.
JERRY: Vậy hả? Ồ, thôi nào, điều đó không giúp tớ cảm thấy tốt hơn.
Người lái xe taxi đã không thay đổi trước lý lẽ của người diễn viên hài kịch về tính ngẫu nhiên theo khía cạnh đạo đức của danh vọng và tiền bạc. Xem sự khốn khổ của mình như vận rủi đã không an ủi được người tài xế. Có lẽ nguyên do trong một chế độ nhân tài, phần lớn mọi người nghĩ rằng thành tựu lớn phản ánh những gì chúng ta xứng đáng, một ý tưởng không phải dễ dàng đánh đổ. Liệu công bằng trong phân phối có thể được tách hẳn ra khỏi sự xứng đáng về mặt đạo đức là một câu hỏi chúng ta khám phá trong những trang tiếp theo.
Cuộc sống có không công bằng?
Vào năm 1980, khi Ronald Reagan tranh cử tổng thống, kinh tế gia Milton Friedman cùng vợ Rose (đồng tác giả) xuất bản quyển Tự do lựa chọn (Free to Choose) – một tác phẩm rất ăn khách. Quyển sách bảo vệ nền kinh tế thị trường tự do và đã trở thành một cuốn sách giáo khoa – thậm chí một thánh kinh – cho các năm Reagan tại nhiệm. Để bảo vệ nguyên tắc kinh tế tự do chống lại sự phản đối của chủ nghĩa quân bình, Friedman có một sự nhượng bộ đáng ngạc nhiên, ông thừa nhận những người lớn lên trong gia đình giàu có và học ở các trưởng tốt có lợi thế không công bằng so với những người không có nền tảng ưu đãi. Ông cũng thừa nhận những người – dù không tự mình tạo ra – thừa hưởng tài năng và thiên phú cố một lợi thế không công bằng so với những người khác.
Tuy nhiên khác Rawls, Friedman nhấn mạnh chúng ta không nên cố gắng khắc phục bất công này. Thay vào đó, chúng ta nên biết cách sống chung với nó, và hưởng những lợi ích nó mang đến: Cuộc sống vốn không công bằng. Thật hấp dẫn để tin rằng chính quyền có thể khắc phục những gì tự nhiên đã tạo ra. Tuy nhiên, cũng thật quan trọng để nhận ra chúng ta được hưởng thật nhiều lợi ích từ những, bất công mà chúng ta phàn nàn.
Không có gì công bằng… khi Muhammad Ali sinh ra đã có những kỹ năng để ông trở thành võ sĩ quyền anh cừ khôi… Chắc chắn không công bằng khi Muhammad Ali có thể kiếm được hàng triệu đôla trong một đêm. Tuy nhiên, phải chăng sẽ bất công hơn với những người thích xem ông nếu, vì một số lý tưởng bình đẳng trừu tượng, Muhammad Ali không được phép kiếm được nhiều hơn trong trận đấu.
Trong tác phẩm Lý thuyết về công lý, Rawls bác bỏ lời khuyên về sự thỏa mãn mà quan điểm của Friedman phản ánh. Rawls tuyên bố một chân lý quen thuộc mà chúng ta thường lãng quên: Cách mọi thứ vận hành không quyết định cách chúng nên được vận hành.
Chúng ta nên phản đối luận điểm rằng trật tự trong các thể chế luôn luôn có nhược điểm vì sự phân bố tài năng thiên phú và sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh xã hội là không công bằng, và sự bất công này có tính tất yếu dù con người có sắp đặt ra sao đi chăng nữa. Đôi khi suy nghĩ này được xem như cái cớ để bỏ qua sự bất công, như thể từ chối chấp nhận sự bất công tương đương với việc không thể chấp nhận cái chết. Sự phân bố thiên phú không công bằng mà cũng chẳng bất công, cũng chẳng bất công khi ai đó được sinh ra trong xã hội với một vị trí cụ thể nào đó. Đây đơn giản là những sự kiện tự nhiên. Đâu là công bằng và bất công là cách mà các thể chế đối phó với những sự kiện đó.
Rawls đề xuất cách chúng ta đối phó với những sự kiện này bằng cách đồng ý “chia sẻ số phận với mọi người”, và “[tự mình] tận dụng sự ngẫu nhiên của tạo hóa và hoàn cảnh xã hội khi làm việc gì đó là vì lợi ích chung”. Cho dù cuối cùng có thành công hay không, lý thuyết của ông thể hiện một nghiên cứu hấp dẫn nhất trong lịch sử ngành triết học chính trị Mỹ về một xã hội bình đẳng hơn.
Chú thích:
[22] egalitarism, niềm tin rằng mọi người đều quan trọng như nhau và do đó, nên có quyền lợi và cơ hội giống nhau.
[23] Meritocracy – chế độ sử dụng con người theo thực tài.
[24] “Head Start”, chương trình của Bộ Y tế Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, dinh dưỡng toàn điện cho trẻ em những gia đình thu nhập thấp.
[25] Một đội bóng chày chuyện nghiệp ở Mỹ.
[26] Affirmation action