Mười phút sau, cuối cùng thì hai người cũng ra khỏi đường hầm chính và đến một khoảng đất trống, nơi đây cũng không hẳn là tối thui. Một vài tia nắng mặt trời vẫn có thể soi rọi tới đây nhờ những miệng giếng bỏ hoang, được đào trong những lớp đất bên trên. Chính nhờ những miệng giếng đó mà hệ thống thông hơi của hố Dochart đã được thiết lập. Vì không khí nóng luôn có tỷ trọng nhỏ nên khí nóng bên trong mỏ được thoát ra theo đường giếng Yarow.
Như vậy là đã có một ít khí trời cũng như ánh sáng có thể xâm nhập vào đáy giếng qua những lớp đá phiến dầy và nơi đó chính là nơi mà Simon Ford đã ở cùng với gia đình, một căn nhà nằm sâu trong lòng đất, khoét vào những táng đá phiến, ở ngay chỗ mà ngày xưa đặt những cỗ máy mạnh mẽ hoạt động để phục vụ cho việc khai thác mỏ ở hố Dochart.
Đây chính là nơi cư trú của người đốc công già, và ông đã gọi nó là “túp lều của tôi”. Cho dù đã dành dụm sau nhiều năm lao động được một món tiền kha khá, Simon Ford có thể sống đàng hoàng như mọi người tại bất cứ thành phố nào trong vương quốc này, nhưng vợ con và ngay chính ông lại thích sống trong hầm mỏ than là nơi họ đã từng hưởng hạnh phúc, đã từng có sở thích và suy nghĩ giống nhau.
Vào thời gian xảy ra câu chuyện này, Simon Ford, cựu đốc công của hố mỏ Dochart vẫn còn mạnh khỏe trong độ tuổi sáu mươi lăm của mình. Với vóc dáng cao lớn, cân đối, đúng là người Scotland, vùng đất đã cung cấp cho các binh đoàn Thượng du những chiến binh hào hùng.
Simon Ford xuất thân trong một gia đình thợ mỏ cổ xưa, và phả hệ của ông có xuất xứ từ những thời xa xưa, vào thời kỳ mới có những công cuộc khai thác mỏ than đầu tiên tại xứ Scotland này.
Ông từng đổ mồ hôi tại chính nơi mà tổ tiên ông đã vật lộn với những cây đà, cây cuốc. Ở tuổi ba mươi, ông đã là đốc công của hố mỏ Dochart, hố mỏ quan trọng nhất của toàn vùng mỏ Aberfoyle. Ông yêu say sưa nghề nghiệp của mình. Trong nhiều năm ròng rã, ông đã hăng say làm nhiệm vụ của mình. Nỗi buồn duy nhất của ông là phải trông thấy những vỉa than ngày càng ít dần; và ông đã nhìn thấy trước cái ngày mỏ cạn kiệt không còn xa lắm.
Chính vì thế mà ông dành trọn thời gian còn lại cho việc đi tìm những vỉa than mới trong toàn khu mỏ Aberfoyle gồm nhiều giếng mỏ thông ngầm với nhau. Ông đã có được niềm hạnh phúc khi tìm được vài vỉa than mới trong thời kỳ cuối của công cuộc khai thác. Bản năng thợ mỏ trong ông đã giúp ông rất nhiều; và lúc ấy kỹ sư James Starr đã đánh giá cao những đóng góp của ông. Có thể nói là ông đã chỉ ra những vỉa than trong lòng đất một cách tài tình và chính xác giống như cây gậy dùng để phát hiện ra các mạch nước ngầm trong lòng đất.
Nhưng rồi đã đến lúc mà cái chất đốt đen sì ấy đã được đào lên và lấy đi hết, và những lần thăm dò vỉa than mới không có kết quả nào khả quan thì mọi hoạt động phải ngừng lại và người thợ mỏ phải lần lượt ra đi.
Dù tin hay không tin điều ấy là sự thực thì đấy cũng đã là một nỗi thất vọng cho nhiều người. Những ai hiểu rằng, con người ta, trong thâm tâm, ai cũng yêu công việc của mình, thì sẽ không ngạc nhiên. Nhưng chắc chắn là Simon Ford là người đau khổ nhất. Ông là điển hình của loại công nhân mỏ mà cuộc sống đã gắn liền với khu mỏ.
Bà vợ đảm đang của Simon Ford là Madge, một phụ nữ cao lớn, mạnh mẽ, thuộc loại “nội tướng” nếu nói theo cách của người Scotland. Cũng giống như ông chồng, bà không bao giờ muốn rời xa cái hố Dochart. Về mặt đó, có thể nói bà là người chia sẻ hoàn toàn với chồng những niềm hy vọng và cả những khổ đau. Bà khích lệ chồng, giục chồng tiến lên phía trước. Bà luôn nói với ông bằng một cung cách nghiêm trọng và điều đó luôn hâm nóng bầu nhiệt huyết trong trái tim người đốc công già.
– Aberfoyle chỉ ngủ thôi, Simon ạ – Bà nói với ông như vậy – Ông có lý, mỏ của chúng ta chỉ nghỉ ngơi một thời gian thôi chứ nó không chết đâu.
Bà Madge biết cách bỏ qua mọi chuyện xảy ra bên trên mặt đất, để tập trung nỗ lực vào việc vun vén cho hạnh phúc gia đình bé nhỏ gồm ba người trong “túp lều” ở hầm mỏ này.
Chính vào thời điểm đó mà kỹ sư James Starr tới.
Ông kỹ sư rất được mọi người trông chờ nơi đây. Simon Ford đứng chờ ngoài cửa và ngay từ xa ông đã thấy ánh đèn của Harry báo hiệu là ông cựu giám đốc khu mỏ đã tới. Ông liền chạy vội ra.
– Xin hoan nghênh ông đã tới, thưa ông James! – Simon Ford reo lên bằng một giọng nói to, vang rền dưới cái vòm đá phiến – Hoan nghênh ông đã đến với túp lều bé nhỏ của người đốc công già! Dù có nằm tận độ sâu 500 mét thì nhà này cũng vẫn hiếu khách như thường!
– Thế nào, ông có khỏe không, ông già Simon can đảm? – James Starr nói trong khi bàn tay ông siết chặt tay của chủ nhà.
– Rất khỏe, thưa ông Starr. Làm sao lại có thể khác được, khi mà ở dưới này, chúng tôi không biết đến mưa nắng là gì?
– Thì tôi cũng có nói khác ông về chuyện đó đâu, thưa ông Simon – James Starr trả lời một cách hân hoan khi thấy người đốc công già vẫn không khác xưa là bao! – Thực ra tôi cũng đang tự hỏi mình sao không đánh đổi căn nhà tôi ở Canongate để lấy một túp lều kế bên ông!
– Xin sẵn sàng phục vụ ông, thưa ông Starr. Tôi biết một người thợ mỏ, xưa đã từng làm việc với ông, ông ta sẽ rất vui sướng được là láng giềng chung vách với ông.
– Thế còn bà Madge đâu? Bà có khỏe không? – Ông kỹ sư hỏi.
– Ái chà, bà ấy còn khỏe hơn cả tôi, nếu có thể nói như vậy! – Simon Ford đáp – Bà ấy đang dành cho mình một niềm vui khi được gặp ông ở bàn ăn. Tôi nghĩ là bà ấy sẽ tỏ ra xuất sắc hơn khi được tiếp đón ông.
– Chúng ta sẽ được thấy điều đó, Simon ạ! – Ông kỹ sư đáp, trong lòng ông cảm thấy không thể dửng dưng trước một bữa ăn ngon, nhất là sau một ngày đi đường mệt nhoài.
– Ông đói rồi chứ, thưa ông Starr?
– Đói ngấu đi ấy chứ. Chuyến đi này làm tôi thấy đói quá rồi. Trời hôm nay lại xấu thậm tệ!…
– À! Ở trên đó trời mưa nhỉ! – Simon Ford đáp với vẻ ái ngại rõ rệt.
– Đúng, mưa to và nước sông Forth cứ nổi sóng như là biển động vậy!
– Thế mà ông có biết không, ông James? Ở dưới này không bao giờ mưa cả. À, mà chuyện đó thì ông đã quá rõ rồi còn gì! Còn bây giờ thì chúng ta đã đến nơi rồi. Xin phép được nhắc lại một lần nữa: ông sẽ là thượng khách của gia đình chúng tôi.
Simon Ford, theo sau là Harry, mời ông James Starr bước vào nhà. Họ đang ở trong một căn phòng rộng rãi, với nhiều ngọn đèn được thắp lên; ngay chính giữa nhà cũng có một ngọn đèn, nó được móc vào chiếc rầm gỗ sơn phết sặc sỡ.
Trên bàn ăn có phủ chiếc khăn với màu sắc vui mắt chỉ còn chờ thực khách, xung quanh bàn là bốn chiếc ghế dựa có bọc da mà mặt da đã hơi sờn.
– Chào bà Madge. – Ông kỹ sư nói.
– Kính chào ông James. – Người phụ nữ xứ Scotland vừa nói vừa bước ra chào khách.
– Rất vui mừng được gặp lại bà, bà Madge ạ.
– Ông nói đúng quá, ông James, thật là dễ chịu biết bao khi được gặp lại những người luôn luôn đối xử tốt với mình.
Đúng lúc chủ và khách ngồi vào bàn tiệc, thì James Starr nói:
– Xin hỏi một câu trước khi ăn, các vị có muốn tôi ăn uống ngon miệng không?
– Điều đó sẽ là một vinh dự lớn cho gia đình chúng tôi thưa ông James. – Simon Ford đáp.
– Muốn vậy, tôi cần phải trút bỏ những nỗi bận tâm. Vậy xin phép được nêu ra hai câu hỏi.
– Xin ông vào ngay vấn đề.
– Trong thư ông gửi cho tôi, ông có nói là sẽ có một tin có thể làm tôi chú ý?
– Đúng vậy, một thông tin rất lý thú.
– Lý thú với ông?
– Cho cả ông và tôi, thưa ông James. Nhưng tôi muốn nói cho ông rõ sau bữa ăn này và ngay tại những nơi có liên quan. Nếu không như vậy, ông có thể không tin tôi.
– Này ông Simon, – Viên kỹ sư tiếp lời – xin ông hãy nhìn thẳng vào mắt tôi. Một thông tin quan trọng?… Được…! Tôi sẽ không hỏi ông thêm điều gì nữa. – Ông kỹ sư nói tiếp như thể ông đã có được đáp số của vấn đề qua ánh mắt người đốc công.
– Còn câu hỏi thứ hai? – Simon hỏi tiếp.
– Ông Simon, thế ông có biết kẻ nào đã viết cho tôi cái này? – Ông kỹ sư vừa hỏi vừa đưa lá thư nặc danh ra.
Simon Ford cầm lấy lá thư và chăm chú đọc. Đọc xong, ông đưa lá thư đó cho người con trai:
– Con có nhận ra nét chữ này không? – Ông hỏi.
– Thưa cha không ạ. – Harry trả lời.
– Thế lá thư này cũng mang dấu của bưu cục Aberfoyle à? – Simon Ford hỏi ông kỹ sư.
– Đúng thế, giống như bức thư của ông vậy. – James Starr đáp.
– Con nghĩ sao về vấn đề này, Harry? – Simon Ford chau mày hỏi con trai.
– Thưa cha, theo con nghĩ, – Harry đáp – thì có kẻ nào đó muốn ngăn cản ông James Starr đến chỗ cha hẹn.
– Nhưng mà ai mới được chứ? – Người thợ già kêu lên – Kẻ nào mà lại dám đọc cả những bí mật trong ý nghĩ của ta?
Nói đoạn Simon Ford trầm ngâm một hồi lâu cho đến khi bà Madge kéo ông về thực tại.
– Xin ông hãy ngồi xuống đã, ông Starr. – Bà nói – Nồi xúp nguội hết rồi. Giờ đây chúng ta đừng nghĩ ngợi gì đến lá thư ấy nữa!
Sau lời mời của bà chủ nhà, mọi người đều ngồi vào bàn. James Starr ngồi đối diện với bà Madge theo phép lịch sự, còn hai cha con ông Ford ngồi đối diện nhau.
Đó là một bữa cơm tuyệt vời theo phong cách Scotland. Đầu bữa ăn là món xúp thịt có tên là hotchpotch. Theo lời ông già Simon thì bà vợ ông nổi tiếng trong vùng về cách nấu món xúp này.
Tiếp đến món ragu gà có tên là cockyleeky cũng không kém phần tuyệt vời.
Nhưng món chủ lực của bữa ăn lại là một thứ bánh cổ truyền có tên là haggis làm bằng lúa mạch và thịt. Món ăn trứ danh này có thể đã đem lại cảm hứng cho nhiều thi sĩ; và số phận của nó cũng như số phận của những điều tốt đẹp ở đời này: nó quá nhanh như một giấc mơ.
Nhờ nó mà bà Madge đã nhận được nhiều lời khen ngợi của vị khách quý.
Bữa ăn được kết thúc bằng món tráng miệng gồm có kẹo, bánh, phô-mai được làm rất khéo. Tất cả được ăn kèm với ly rượu mạnh hai mươi lăm tuổi, đúng bằng tuổi Harry.
Bữa ăn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Hai ông già James Starr và Simon Ford không những chỉ ăn ngon miệng mà họ còn trò chuyện vui vẻ, chủ yếu họ nhắc lại những câu chuyện ngày xưa, trong vùng mỏ Aberfoyle.
Còn Harry thì chỉ ngồi ăn và im lặng. Đã hai lần cậu ta rời bàn ăn và bước ra ngoài nhà. Chắc chắn cậu ta cảm thấy lo lắng kể từ khi xảy ra chuyện viên đá rơi và cậu muốn quan sát quanh nhà. Cả lá thư nặc danh nữa, nó không thể làm cậu yên lòng được khi cậu vừa bước ra khỏi nhà để quan sát một lần nữa thì ông kỹ sư nói với Simon Ford và Madge:
– Hai ông bà có một cậu con trai thật tuyệt vời!
– Vâng, thưa ông James, cháu nó tốt bụng và chăm chỉ lắm. – Ông đốc công già nói.
– Thế cháu nó chịu ở đây, trong căn nhà hầm này à?
– Cháu không muốn xa vợ chồng tôi.
– Thế ông bà có định tìm vợ cho cậu ấy không?
– Tìm vợ cho Harry ư? – Simon Ford kêu lên – Nhưng lấy ai bây giờ? Lấy một cô gái trên phố thích ăn diện, nhảy múa, thích ở thị trấn hơn căn hầm này ư! Cháu nó không muốn một người vợ như vậy!
– Này ông Simon, – Madge tiếp lời – vậy chứ có bao giờ ông giục thằng Harry lấy vợ đâu…
– Tôi giục làm sao được nó, – Ông già đáp – mà đã vội gì cơ chứ! Vả lại biết có tìm được không đã chứ.
Đúng lúc ấy thì Harry bước vào khiến ông già Simon thôi không nói nữa.
Cho đến khi bà Madge rời bàn thì cả ba người đàn ông đều làm theo bà và tất cả ra ngồi trước cửa căn nhà.
– Nào Simon, – Ông kỹ sư nói – bây giờ tôi nghe ông nói đây!
– Ông James, – Simon đáp – tôi không cần ông nghe tôi, mà tôi muốn ông bắt tay vào việc ngay. Bây giờ xin hỏi là ông đã hết mệt chưa?
– Tôi hoàn toàn lại sức rồi ông Simon ạ. Bây giờ tôi sẵn sàng đi theo ông đến bất kỳ nơi nào ông muốn.
– Harry con, – Simon Ford vừa nói vừa quay về phía con trai – con hãy chuẩn bị đèn an toàn.
– Phải dùng cả đèn an toàn cơ à? – James Starr kêu lên với vẻ ngạc nhiên – Trong hầm mỏ không còn than này làm gì còn khí than gây nổ.
– Vâng, thưa ông James, ta cứ cẩn thận thì hơn!
– Này ông bạn Simon tốt bụng của tôi, ông có định bảo tôi mặc cả trang phục thợ mỏ nữa không đây?
– Chưa, chưa cần, thưa ông James! – Người đốc công già vui vẻ đáp lại và đôi mắt long lanh trong hố mắt sâu.
Harry quay vào nhà và trở ra ngay với ba chiếc đèn an toàn cầm tay.
Harry đưa một chiếc cho ông kỹ sư, một chiếc khác cho cha mình; còn chiếc cuối cùng cậu cầm trong tay trái, tay phải cậu nắm một cây gậy dài.
– Nào chúng ta lên đường thôi! – Simon Ford nói, tay ông cầm lấy chiếc cuốc chim dựng ở cửa nhà.
– Nào xuất phát! – Ông kỹ sư đáp – Chào bà Madge nhé!
– Cầu Chúa phù hộ cho các ông! – Người phụ nữ xứ Scotland đáp.
– Bà nhớ chuẩn bị bữa chiều nhé. – Simon nói lớn với vợ – Lúc về, chúng tôi sẽ đói ngấu, và sẽ rất hoan nghênh bữa ăn đó!