Pho Tượng Thần Kâli

CHƯƠNG 2



Sheela Khan, cảnh sát trưởng thành phố Calcutta, lật lên lật xuống dải băng lụa đã thắt cổ giáo sư Mainright. Xác Mainright được đặt nằm giữa phòng, phủ lên một tấm vải trắng.
Lát sau, cảnh sát trưởng nói:
– Vái trời đây không phải là sợi “dây thiêng!”
Ông cảnh sát trưởng chừng bốn mươi lăm tuổi, cao lớn, vai rộng, tóc xoắn. Khuôn mặt rộng, mắt sáng, cái mũi hơi khoằm cho ta cảm tưởng về một con người mạnh mẽ, bình thản và thẳng thắn. Bob hỏi:
– “Dây thiêng”? Có phải là loại dây thừng mà ngày xưa bọn Thug sử dụng để thắt cổ các nạn nhân của chúng không?
Sheela Khan gật đầu:
– Phải đấy, ông Morane ạ. Nhưng bọn Thug đó từ lâu không ai nói đến nữa. Trong thế kỷ trước, người Anh đã càn quèt chúng không thương tiếc, họ bắt cầm tù hoặc xử tử các thủ lãnh. Không, không thể được, đây không thể là họn Thug… Một tên trộm tầm thường, thế thôi…
Khan nói những lời cuối bằng một giọng trầm xuống, hình như ông cố tìm cách để tự trấn an mình. Rồi ông lại nói tiếp:
– Tuy nhiên có một điều làm tôi áy náy là sự hiện diện của pho tượng thần Kâli này. Không một thứ gì bị lấy mất. Người ta đã tìm thấy tiền bạc và các đồ quý giá ở trong nhà. Không một cánh cửa nào bị cạy phá, trừ một cửa sổ ở tầng lầu qua đó kẻ kia đã xâm nhập. Hắn chỉ lấy đi có mỗi một thứ là pho tượng bằng chì này. Ông thấy đó: kẻ trộm vào nhà của nhà bác học giàu có và hiền lành, mặc sức giết ông ta trong khi bọn tôi tớ đi đâu mất biệt… lại chỉ lấy có một pho tượng bằng chì… Ông tin chắc không có điều gì để cho tôi biết thêm chứ, thiếu tá Morane?
Bob tỏ vẻ hờ hững, chẳng nói có, cũng chẳng nói không:
– Thưa ông, như tôi đã nói, ngày mai tôi có hẹn với giáo sư Mainright, thì ngay lúc tối tôi nhận được một lá thư của ông ta cầu cứu tôi. Tôi thử gọi điện thoại cho ông ta để xem có chuyện gì thì người ta trả lời là đường dây mắc kẹt. Vì thế tôi mới đến đây. Vừa bước vào nhà thì một người đàn ông lao lại phía tôi định đâm tôi. Tôi chống trả và hắn trốn mất, bỏ lại pho tượng này, quấn trong một chiếc khăn. Tôi vào đây thì thấy xác ông Mainright. Đoạn sau thì như ông đã biết.
Sheela Khan nhăn nhíu mặt mày, làm mất đi những đường nét kiêu hãnh:
– Vâng, đoạn sau thì tôi biết, nghĩa là chẳng biết được bao nhiêu. Chắc chắn là dây điện thoại đã bị cắt trước khi ông đến, vì thế ông giáo sư mới báo động cho ông bằng cách gởi thư.
Morane không nén được nụ cười mỉm. Sheela Khan có vẻ thông minh, chàng người Pháp ngạc nhiên thấy ông ta làm bộ thơ ngây. Dầu sao đi nữa thì địa vị cảnh sát trưởng Calcutta đòi hỏi phải có năng lực nào đó. Hình như Sheela Khan đang cố gắng thu hẹp sự việc chơi cái trò tung bụi vào mắt kẻ đối thoại. Bob nêu nhận xét:
– Một kẻ trộm tầm thường chẳng làm rắc rối sự việc đến độ này đâu. Hắn chẳng cắt dây điện thoại từ lâu trước khi ra tay trộm cắp. Hơn nữa, ông giáo sư không kịp có thì giờ báo động cho tôi. Chắc chắn là ông ấy cũng chẳng nghĩ tới chuyện báo động nữa đấy. Nếu gặp một kẻ ác độc thì người ta làm gì để tự vệ? Kêu “Cứu tôi!” hoặc gọi cảnh sát, hoặc cầm lấy một khẩu súng lục chứ… Ông Mainright chắc hẳn phải có một khẩu súng để ở chỗ nào đó.
Viên cảnh sát trưởng giải thích:
– Chúng tôi tìm thấy những viên đạn và cái băng đạn trong một ngăn kéo bàn giấy, nhưng khẩu súng thì không thấy.
– Nhưng viên đạn và băng bạn trong ngăn kéo chứng tỏ rằng phải có một khẩu súng lục cùng trong ngăn kéo đó. Một kẻ nào đã lấy đi mà ông giáo sư không biết. Chắc kẻ đó là một người đầy tớ, bị kẻ thù của chủ mua chuộc.
Sheela Khan phản đối:
– Kẻ thù! Ông kết luận mau quá đấy, thiếu tá ạ. Một nhà bác học hiền lành như giáo sư Mainright chẳng có nhiều kẻ thù đâu.
Morane cắt ngang:
– Ai cũng có thể có kẻ thù. Bằng chứng ông Mainright có kẻ thù là đây: Ông ấy đang nằm đó.
– Chỉ là một tên trộm bình thường.
– Thưa ông, không! Không phải một tên trộm bình thường. Vụ này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Khi ông giáo sư viết cho tôi, ông ấy đã cảm thấy bị đe dọa. Ông ấy gọi đến tôi vì ông ấy biết tiếng tăm của tôi qua người bạn chung của hai chúng tôi là ông Clairembart ở Paris. Ông Mainright biết tính tôi thích chuyên phiêu lưu, lại ưa nhúng tay vào chuyện đời. Có thể là ông không biết tôi, chứ một số ngươi vẫn gọi tôi là Bob Morane – Don Quichotte. Tôi xin nhắc lại, nếu chỉ là chuyện trộm cướp bình thường thì ông giáo sư đáng thương Mainright chẳng gọi đến tôi đâu. Mà ông ấy cũng chẳng có thì giờ mà gọi nữa. Trộm cướp có báo trước cho nạn nhân cảá giờ đồng hồ đâu!
Sheela Khan lặng ngắm anh chàng người Pháp, nụ cười tinh quái trên môi. Đợi Bob nói xong, ông ta mới đáp:
– Thiếu tá Moraue! Ông còn tiếng tăm hơn là ông tưởng nữa đấy! Tôi có đọc truyện nói về một số những hoạt động của ông, đăng trên các báo Âu châu và tôi biết tài năng ông ra sao rồi. Tôi biết ông là người thành thật lương thiện, không thể nào phạm pháp, nhưng tôi cũng biết ông thường nổi hứng xía vào những chuyện chẳng liên quan gì đến ông. Vì thế tôi yêu cầu ông đứng ngoài chuyện này, để tôi được tự tay gỡ rối. Nếu như ông nghĩ đây là một vụ án mạng có tầm quan trọng thì cuối cùng tôi cũng khám phá ra. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ giả thuyết của tôi: đây là một vụ trộm cắp bình thường.
Bob nhún vai, cố giữ cho ra vẻ hờ hững, nhưng chỉ là giả tạo:
– Một kẻ trộm sử dụng “dây thiêng” của những người Thug thời xưa, lại đặc biệt chỉ ưa thích có pho tượng thần Kâli, dù bằng chì hay không đi nữa…? Thưa ông cảnh sát trưởng, nếu ông thích những giải đáp dễ dãi thì tùy ý. Ông là cảnh sát, tự nhiên ông biết công việc phải làm của mình. Ông cho phép tôi trở về khách sạn chứ?
Sheela Khan gật đầu:
– Thiếu tá có thể về nghỉ. Tôi biết ông chẳng dính dáng gì trong vụ án mạng này. Tuy nhiên tôi cũng yêu cầu ông trong vài hôm đừng có rời thành phố, có thể tôi cần đến ông. Biết đâu chừng? Dầu sao thì ông cũng phải ký vào một bản khai báo, lúc đó tôi sẽ cho đòi.
– Thưa ông cảnh sát trưởng, đồng ý! Tôi tự đặt mình dưới sự sai phái của ông!
Hai người bắt tay nhau, và Bob tiến về phía cửa căn phòng. Nhưng chưa tới nơi thì đột nhiên chàng đổi ý quay lại, hỏi:
– Thưa ông cảnh sát trưởng, hình như ông biết nhiều về tôi, nhưng có một điều mà ông vẫn chưa biết.
– Chi vậy, thiếu tá?
– Tôi là một nhà sưu tầm ham mê những đồ ngoại quốc.
– Tôi không biết đấy.
Morane đưa tay chỉ pho tượng nhỏ vẫn đặt ở một góc bàn:
– Pho tượng này sẽ rất xinh trong bộ sưu tập của tôi. Tôi có thể lấy đi chứ?
Viên cảnh sát trưởng khẽ rùng mình:
– Đó là một tang vật, thiếu tá ạ! Ông không nghĩ đến chuyện đó hay sao?
Bob khẽ nháy mắt:
– Trái lại, tôi biết chứ! Một tang vật trong một vụ trộm cắp nhỏ nhoi, chẳng có gì quan trọng, dù nó có biến thành rắc rối ra một vu giết người đi nữa. Người của ông đã lấy dấu tay trên pho tượng rồi, ông còn khám phá thêm các dấu khác được sao?
Khan cười nhẹ. Một tiếng cười nhỏ, hoàn toàn đúng lúc mà một nghệ sĩ sân khấu hay một tài tử màn bạc cũng phải ghen. Ở Sheela Khan, cái gì cũng đúng mức: từ quần áo đến điệu bộ cử chỉ, giọng nói và ngay cả giọng tiếng Anh của ông ta nữa. Tất cả những thứ đó chứng tỏ rằng con người này cả đời chưa hề trượt chân trên vỉa hè, chưa hề nhảy bậc thang, hoặc đánh rơi cái nĩa của mình trong một bữa tiệc. Ông ta như được đúc khuôn trong sự hoàn hảo.
– Vài ngày nữa, vụ này chắc chắn được sáng tỏ. Khi đó, thiếu tá ạ, tôi sẽ hân hạnh đưa biếu ông pho tượng.
Bob trề môi:
– Vài ngày nữa. Câu nói đó thiên hạ thừa biết rồi. Tôi biết tất cả các cảnh sát trên thế giới họ giống nhau như những hạt cát. Trật tự ở đó thì phải biết! Để một tang vật giả dụ như pho tượng thần Kâli trong một cái tủ, hai ngày sau muốn tìm lại thì sẽ thấy thay vào đó là một chai rượu ngâm những của quái gì đâu không à.
Lần này Sheela Khan đành cất tiếng cười thẳng thắn:
– Thua ông rồi, thiếu tá ạ. Lấy pho tượng của ông đi và đừng nói đến nó nữa. Tạm thời, hãy thế đã… khi nào cần, tôi sẽ đòi lại.
Bob lấy khăn bọc pho tượng, cũng chiếc khăn lúc trước đã sử dụng trong cùng một công việc. Sheela Khan búng ngón tay, một cảnh sát viên hiện ra ở nơi ngưỡng cửa.
– Burham, anh đưa thiếu tá Morane về khách sạn của ông ấy và phải bảo toàn tính mạng của thiếu tá cho tới khi đến đó.
Bob rùng mình:
– Tính mạng bảo toàn? Ông muốn nói gì vậy?
Sheela Khan đưa tay chỉ cái bọc gói pho tượng mà Morane kẹp dưới nách trái:
– Pho tượng này, thiếu tá ạ! Chính ông nói nó là nguyên nhân của mọi tai họa. Cẩn thận đừng để lại thấy có sợi dây thiêng quanh cổ chính mình.
Bob không đáp. Chàng có cảm tưởng rằng câu nói đùa của Sheela Khan rất có thể sẽ có chuyện, chứ chẳng phải chỉ là câu nói đùa.
 
Trong căn phòng của mình tại khách sạn Thanh Xà, Bob Morane ngắm nghía pho tượng nhỏ màu đen trước mặt, đặt trên giường. Càng lúc chàng càng tin chắc rằng pho tượng này là nguyên nhân gây ra vu án mạng, và vì lý do đó chứ không phải lý do ham thích sưu tầm mà chàng đã xin Sheela Khan cho phép chàng mang nó đi. Chàng không biểu lộ ra ngoài, nhưng chàng thật lòng xúc động trước cái chết của giáo sư Mainright và quyết định, khi có dịp, sẽ báo thù cho ông. Chàng nói với pho tượng:
– Nữ thần Phá Hoại và Chết Chốc hả? Ước sao ta biết được chuyện gì trong cái đầu nhỏ bé bằng chì của ngươi…
Kâli câm lặng, thè cái lưỡi nhìn Morane chăm chú bằng đôi mắt đỏ. Bob lại nói:
– Yên chí, chẳng bao lâu ta sẽ biết được sự bí mật của ngươi thôi. Thế nào ngươi cũng có một sự bí mật, còn ông bạn Sheela Khan của chúng ta, miệng nói sao thì nói, chứ ông ta cũng tin như vậy.
Nhớ đến thái độ của viên cảnh sát trưởng, Morane thấy thật lạ lùng. Tại sao Sheela Khan lại kết luận mau mắn như vậy? Tại sao chỉ tranh luận cho có hình thức, ông ta lại đồng ý cho chàng mang bức tượng đi? Dầu gì đi nữa, trong một vu án mạng thì tang vật dù chỉ là một miếng kim loại tầm thường được trang sức ít nhiều vẫn là một tang vật cần phải gìn giữ chứ?
Morane nhún vai. Chàng đang ở Ấn Độ, cảnh sát ở đây chắc chắn không có nổi sự lanh lẹ của các chuyên gia trong Sở Cảnh sát Anh quốc. Mặc dù có vẻ chững chạc, cử chỉ đàng hoàng, vốn tiếng Anh đáng mặt một sinh viên đại học Oxford, có thể Sheela Khan chỉ có một cái đầu rỗng tuếch, một người máy hoàn toàn chẳng có tim óc. Bob tự nhủ: “Tất cả những điều này chẳng chỉ dẫn cho ta bắt đầu cuộc điều tra của ta tự chỗ nào. Muốn trả thù cho giáo sư Mainright theo đúng nguyên tắc ‘Bạn của bạn ta chính là bạn ta’, được lắm! Nhưng làm cách nào để bắt tay vào việc? Việc thứ nhất là phải tìm lại hung thủ. Ở bãi sa mạc thì dễ, nhưng trong một thành phố năm triệu người, mà người Ấn nào cũng giống người Ấn nào thì gay go đấy. Trừ phi kẻ thắt cổ người tự ý tìm đến ta với một sợi dây thiêng dành cho ta thì không kể”.
Quay về phía pho tượng đen, Morane chắp tay như cầu nguyện, nói: “Hỡi nữ thần Kâli nhỏ bé của ta, kẻ bảo trợ cho những vụ khủng bố thiêng liêng, những cái chết đột ngột, và chôn cất miễn phí 1! Hãy đưa kẻ thắt cổ người lại đây cho ta… để ta xử với hắn một vố tuyệt đẹp!” Morane đứng dậy, cầm lấy pho tượng, dùng hai miếng băng keo gắn chặt nó vào đáy ngăn kéo dưới của chiếc tủ gỗ. Chàng nhăn mặt: Chỗ giấu chưa được chắc ăn lắm, nhưng ta cũng chẳng tìm được chỗ nào tốt hơn. Tạm thời, hãy vậy đã.
Chàng quay lại bên giường có để khẩu súng luc, kiểm soát coi vũ khí có hoạt động hoàn hảo chăng, và xem kỹ lại hộp cơ bẩm. Thông thường, Morane tin tưởng ở tài khéo léo, lanh lẹ của mình trong các cuộc vật lộn tay đôi, nhưng chàng hiểu rằng nếu quả thật có chuyện với bọn Thug thì phải chơi chặt chẽ hơn. Những kẻ cuồng tín nữ thần Kâli này là những chuyên gia về siết cổ người. Nếu Bob biết Hiệp khí đạo thì chàng chẳng phải thắc mắc mà đem cân nhắc giữa hai phương pháp: vật lộn và dùng súng. Một khẩu súng lục vẫn chắc ăn hơn trước mặt một kẻ giết người có kinh nghiệm và cuồng tín. Ngón tay trỏ khẽ động, kẻ yếu lại chiến thắng. Nữ thần Kâli ngày xưa có thể đánh bại những ma quỷ đáng gờm nhất, nhưng bà ta cũng chẳng làm được gì trước một họng súng. Trước họng súng thì sợi dây thiêng cũng trở thành vô hiệu, khác nào khẩu thần công bắn đá trước khẩu đại bác tầm xa. Tuy đã chắc dạ như vậy, Morane vẫn quyết định không để mặc cho may rủi. Chàng cẩn thận cài chốt cửa buồng, tấn thêm một chiếc ghế, đặt cho lưng ghế chặn ngay bên dưới chỗ ổ khóa phô ro. Rồi chàng lấy hết các thứ có thể thấy như chai lọ; hy sinh một lít nước suối, chai nước hoa Cologne và những dược liệu để đổi lấy sự an toàn cho mình. Chàng đập vỡ những chai lọ đó ở chỗ bao lơn và trải ra ngoài đó những miểng chai sắc như lưỡi dao cạo.
Được bảo vệ như thế rồi, Bob mới tắt đèn, lên giường nằm dài ra. Năm phút sau, bàn tay phải đặt trên chuôi súng, chàng ngủ bình yên như một đứa trẻ lúc đi ngủ vẫn tiếc mãi đồ chơi ham thích chẳng nỡ rời.
——————————–
1 Người Thug, sau khi thắt cổ nạn nhân, đem chôn, không để lộ dấu mộ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.