Phù thủy xứ Oz

Chương 5



Khi Dorothy thức dậy, mặt trời chiếu sáng qua những rặng cây và Toto quanh quẩn rượt đuổi chim chóc đã lâu. Còn anh Bù nhìn, vẫn nhẫn nại đợi cô trong góc nhà.

“Chúng ta phải đi kiếm nước”, cô bảo anh ta.

“Sao lại phải có nước?” anh ta hỏi.

“Để rửa mặt cho khỏi bụi đường, và để uống, cho bánh mỳ khô không dính vào cổ họng tôi”.

“Con người bằng da bằng thịt thật là bất tiện”, Bù nhìn trầm ngâm nói, “vì cô phải ăn, phải uống, phải ngủ. Tuy thế, cô có trí não, vậy là cũng đáng bao nhiêu phiền toái để có thể suy nghĩ đâu ra đấy”.

Họ bước khỏi lều tranh, xuyên quan đám cây cối tới khi tìm được một dòng suối nhỏ trong trẻo, nơi Dorothy uống nước, tắm rửa và ăn bữa sáng. Cô thấy không còn nhiều bánh trong giỏ, và cô biết ơn Bù nhìn đã không ăn gì bởi lương thực chỉ còn vừa đủ cho cô và Toto trong ngày.

Khi kết thúc bữa ăn và chuẩn bị trở lại con đường gạch vàng, cô giật mình nghe thấy một tiếng rên rỉ khe khẽ gần bên.

“Cái gì thế?”, cô bé rụt rè hỏi.

“Tôi không rõ”, Bù nhìn đáp, “ta tới xem sao”.

Ngay lúc đó một tiếng rên khác vọng tới tai họ, và âm thanh dường như đến từ phía sau. Họ quay lưng lại, bước vài bước xuyên rừng, tới khi Dorothy phát hiện có cái gì đó lóe sáng dưới ánh mặt trời, kẹt giữa đám cây cối. Cô chạy tới đó rồi đột ngột dừng lại, kêu lên sửng sốt.

Một trong những cây lớn đã bị xẻ suốt một phần, và đứng cạnh nó, với cái rìu vẫn còn nâng lên trong tay, là một người đàn ông làm toàn bằng thiếc. Đầu, tay và chân anh ta được nối với thân hình, nhưng cả người lặng phắc, như thể không tài nào nhúc nhích.

Dorothy kinh ngạc nhìn người đó, Bù nhìn cũng vậy, còn Toto thì sủa ầm ĩ và đớp vào những cái chân thiếc đến ê cả răng.

“Anh vừa rên đấy à?” Dorothy hỏi.

“Phải”, người thiếc đáp. “Tôi đấy. Tôi đã phải rên rỉ hơn một năm nay, mà trước giờ chẳng một ai nghe thấy hoặc đến giúp tôi”.

“Tôi có thể làm gì cho anh?” cô bé nhẹ nhàng hỏi, vì cô mủi lòng bởi cái giọng buồn bã của anh ta.

“Xin hãy lấy cái can dầu và tra dầu vào khớp cho tôi”, chàng ta đáp. “Chúng rỉ đến nỗi tôi không thể cử động nổi. Tra kỹ vào là tôi sẽ khỏe lại ngay. Cái can ở trên giá, trong lều tranh của tôi”.

Dorothy ngay lập tức chạy về lều tranh và tìm thấy can dầu, rồi cô quay lại và băn khoăn hỏi, “Những cái khớp của anh đâu?”

“Trước tiên xin tra vào cổ cho tôi”, Người Thiếc đáp. Thế là cô tra dầu vào đó, và vì rỉ quá nên Bù nhìn phải giữ lấy cái đâu thiếc và x`oay nhẹ từ bên nọ sang bên kia cho đến khi nó thật trơn tru, lúc đó anh chàng kia mới có thể tự xoay được.

“Giờ hãy tra dầu vào các khớp tay cho tôi”, chàng ta bảo. Dorothy tra dầu và Bù nhìn xoay chúng cho tới khi sạch rỉ và ngon lành như mới.

Thợ rừng Thiếc thở dài mãn nguyện và hạ cái rìu vẫn mắc ở trên cây.

“Dễ chịu quá”, chàng ta bảo. “Tôi cứ giương cái rùi này trong không khí từ hồi bị rỉ, thật sung sướng là rồi cũng hạ được nó xuống. Giờ xin các bạn tra dầu vào khớp chân cho tôi, tôi sẽ khỏe lại như xưa”.

Và thế là họ tra dầu vào chân chàng ta đến khi chàng ta thoải mái cử động chúng, và không ngớt cảm ơn họ về sự giải thoát, vì đó có vẻ là một người rất là lịch sự và biết ơn.

“Có lẽ tôi sẽ đứng mãi nếu các bạn không tới”, chàng ta nói, “chính là các bạn đã cứu sống tôi. Vì sao mọi người lại tới đây?”

“Chúng tôi đang trên đường tới Thành Ngọc Xanh, để gặp Oz vĩ đại”, cô đáp, “và chúng tôi đã dừng chân nghỉ đêm trong lều của anh”.

“Sao cô lại muốn gặp Oz?” chàng ta hỏi.

“Tôi muốn xin đưa tôi về Kansas còn Bù nhìn muốn ông cho một bộ nào vào đầu anh ấy”, cô đáp.

Trong một thoáng, Thợ rừng Thiếc miên man suy nghĩ. Rồi chàng ta bảo, “ Cô có nghĩ Oz sẽ cho tôi một quả tim?”

“Sao lại không, tôi đoán là được chứ”, Dorothy đáp, “điều đó sẽ dễ như cho Bù nhìn một trí não”.

“Đúng thế”, Thợ rừng Thiếc đáp lại. “Vậy nếu các bạn đồng ý, tôi mong được đi cùng tới Thành Ngọc Xanh xin Oz giúp đỡ”.

“Vậy ta đi nào”, anh Bù nhìn nồng nhiệt. Và Dorothy còn thêm rằng cô rất vui lòng nếu chàng ta nhập bọn. Thế là Thợ rừng Thiếc vác rìu lên vai, và họ cùng nhau xuyên qua khu rừng, ra tới con đường lát gạch vàng.

Thợ rừng Thiếc bảo Dorothy bỏ can dầu vào trong giỏ của cô, “Để nếu tôi có bị mưa và lại rỉ, thì sẽ rất cần đến nó”, chàng ta bảo.

Có anh bạn đồng hành mới cũng khá là may mắn, vì ngay sau khi bắt đầu hành trình, họ tới một nơi cây cối mọc rậm rạp trên đường tới mức không bước qua nổi. Nhưng chàng Thợ rừng Thiếc với cái rìu đã ra tay và chặt cừ tới mức phát quang đường cho cả bọn.

Trong lúc họ đi, Dorothy cứ mãi biết suy nghĩ đến đỗi cô không nhận ra là Bù nhìn đã vấp vào hố và lăn sang bên đường. Quả là anh ta phải gọi cô tới giúp lần nữa.

“Sao anh không đi vòng qua hố?” Thợ rừng Thiếc hỏi.

“Tôi không biết”, Bù nhìn vui vẻ đáp. “Đầu tôi nhồi đầy rơm, anh thấy đấy, và đó là lý do tại sao tôi phải tới chỗ Oz, xin ông cho ít tí khôn”.

“Ồ, tôi hiểu”, Thợ rừng Thiếc nói. “Nhưng, rốt cục thì trí không đâu phải là điều hay ho nhất trên đời này?”

“Anh thì có không?” Bù nhìn hỏi.

“Không, đầu tôi hoàn toàn trống rỗng”, Thợ rừng đáp, “nhưng tôi đã từng có trí khôn, và tim nữa, nên tôi biết cả hai. Tôi muốn trái tim hơn”.

“Vì sao thế?” Bù nhìn hỏi.

“Để tôi kể anh nghe chuyện này, rồi anh sẽ hiểu”.

Và thế là trong khi họ bước đi qua rừng cây, chàng Thợ rừng Thiếc kể câu chuyện sau:

“Tôi sinh ra là con trai của một thợ rừng, người chuyên đẵn cây trong rừng và bán gỗ sinh nhai. Khi lớn lên tôi cũng thành người thợ rừng, và sau khi cha chết, tôi chăm nom mẹ già lúc bà còn sống. Rồi tôi quyết chí rằng thay vì sống lẻ loi một mình, tôi sẽ cưới vợ để không còn cô độc nữa.

“Có một trong số các cô Muchkin thật xinh đẹp và tôi mau chóng yêu cô bằng cả trái tim mình. Về phần cô, cô hứa lấy tôi ngay khi nào tôi kiếm đủ tiền để xây cho cô một ngôi nhà đẹp hơn. Vậy nên tôi lao vào làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết. Nhưng cô gái sống với một bà già, người đó không muốn cô lấy ai, bì bà ta lười đến nổi chỉ muốn cô ở với bà để làm hết việc nhà và nấu nướng. Vậy nên bà già đi đến chỗ mụ Phù thủy Độc ác của miền Đông và hứa dâng hai con cừu, một con bò nếu mụ ta ngăn chặn cuộc hôn nhân. Thế là mụ Phù thủy Độc ác hóa phép cái rìu của tôi, và một ngày khi tôi đang đẵn gỗ thật lực, vì tôi mong có ngôi nhà mới với vợ càng mau càng tốt, cài rìu thình lình trượt ra và cắt đứt chân trái của tôi.

“Chuyện này thoạt tiên là một bất hạnh lớn, vì tôi hiểu người một chân thì không thể đẵn gỗ giỏi. Nên tôi tới chỗ bác thợ thiếc, và bảo bác làm cho một cái chân mới bằng thiếc. Cái chân rất hợp, khi tôi đã quen với nó. Nhưng hành động của tôi làm Phù thủy Độc ác nổi giận, vì mụ ta đã hứa với bà già là tôi sẽ không lấy được cô gái Muchikin xinh xắn. Khi tôi bắt đầu đốn cây trở lại, một lần nữa cái rìu của tôi trượt ra và cắt đi chân phải. Tôi tới bác thợ thiếc lần nữa, và bảo bác ấy làm cho tôi cái chân bằng thiếc. Mụ Phù thủy Độc ác khi đó liền cho cái rìu văng ra và cắt rời đầu tôi, và tôi đã nghĩ với mình thế là hết. Nhưng bác thợ thiếc đã ở đó, và bác liền làm cho tôi một cái đầu mới bằng thiếc.

“Tôi nghĩ vậy là tôi đã thắng mụ Phù thủy Độc ác, và tôi làm việc còn hăng say hơn trước, nhưng tôi không ngờ rằng kẻ thù của mình tàn nhẫn đến thế. Mụ đã nghĩ ra một cách mới để giết chết tình yêu của tôi dành cho cô gái Muchkin xinh đẹp, liền khiến cái rìu của tôi văng ra, xẻ suốt thân tôi thành hai mảnh. Một lần nữa bác thợ thiếc liền đến giúp, bác làm cho tôi một thân hình bằng thiếc, buộc chặt tay, chân, đầu thiếc của tôi vào thân thể đó bằng những khớp nối, để tôi cử động được dễ dàng như cũ. Nhưng trời ơi. Giờ dây tôi không còn tim, nên tôi đánh mất tình yêu dành cho cô gái Muchkin, không còn quan tâm đến việc có lấy cô hay không. Tôi nghĩ giờ này cô vẫn sống với bà già, chờ tôi đến với cô.

“Thân thể tôi sáng rực dưới ánh mặt trời khiến tôi rất tự hào vì nó, và chẳng hề gì nếu giờ đây cái rìu nó văng ra, nó cũng đâu chém được tôi. Chỉ có một nỗi hiểm nguy, đó là các khớp sẽ rỉ, nhưng tôi giữ một can dầu trong lều và cẩn thận tra dầu cho mình khi cần thiết. Tuy nhiên, đến một ngày tôi quên làm điều đó, và gặp phải cơn mưa trước khi nhớ ra nguy cơ rỉ của các khớp, và tôi đã phải đứng giữa rừng cho tới khi các bạn tới giúp. Đó là một điều kinh khủng đã trải qua, nhưng trong cái năm phải đứng đó, tôi có thời gian suy nghĩ ra rằng cái mất mát lớn nhất của tôi là trái tim. Khi đang yêu, tôi là người hạnh phúc nhất trên thế giới. Nhưng không ai có thể yêu kẻ mà tim không còn. Vậy nên tôi quyết tâm đi gặp phù thủy Oz để xin một trái tim. Được vậy, tôi sẽ trở về với cô gái Muchkin và cưới cô làm vợ”.

Cả Dorothy lẫn Bù nhìn đều vô cùng thú vị về câu chuyện của Thợ rừng Thiếc. Giờ họ đã hiểu vì sao chàng ta mong mỏi để có được trái tim.

“Cũng vậy cả”, Bù nhìn nói, “Tôi sẽ vẫn hỏi xin bộ não thay vì trái tim, vì kẻ ngốc sẽ không biết làm gì với trái tim nếu hắn có”.

“Tôi sẽ lấy trái tim”, Thợ rừng Thiếc đáp, “vì trí khôn không làm ta hạnh phúc, và hạnh phúc là điều tốt đẹp nhât trên đời này”.

Dorothy không nói gì, cô bối rối không biết ai đúng đây trong hai người bạn. Và cô quyết định rằng nếu cô được trở lại Kansas với thím Em thì dù Thợ rừng không có trái tim hay Bù nhìn không có bộ não cũng chẳng thành vấn đề, vì mỗi người đều có được cái họ muốn.

Điều làm cô lo nhất là bánh mì đã sắp hết, và một bữa nữa cho cô và Toto sẽ là sạch cả giỏ. Đã rõ là cả Thợ rừng với Bù nhìn chẳng ăn gì, nhưng cô không làm bằng với thiếc với rơm, và sẽ chẳng nào chịu nổi nếu mà không ăn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.