Pq - Chỉ Số Đam Mê
1. Theo bạn đam mê là gì?
Ngọn lửa nung nấu trong lòng
Vũ khí quyền năng nhất trên đời chính là tâm hồn nhiệt huyết của con người
– Ferdinand Foch (1851–1929), nhà lý luận quân sự Pháp
Đam mê là gì?
Nếu tôi hỏi một câu đơn giản: “Bạn thích màu nào? Màu đỏ, màu xanh lá hay xanh nước biển?” Có thể bạn sẽ trả lời: “ Ừm, tôi yêu màu xanh nước biển!” Nếu tôi hỏi tiếp: “Vì sao bạn yêu màu xanh biển?” có thể bạn không có câu trả lời và thường bạn sẽ nói: “Chỉ vì tôi yêu màu xanh biển thôi, có vấn đề gì sao?” “Thế còn màu đỏ thì sao?” và bạn đáp: “Dào ôi. . . tôi ghét màu đỏ.” Vậy đấy, chúng ta yêu thích một số màu, và cũng ghét một số màu, chúng ta không lý giải được vì sao mình yêu hay ghét. Bạn yêu thứ gì đó chỉ vì bạn yêu thích nó và bạn ghét thứ gì đó chỉ vì bạn ghét nó… đơn giản vậy thôi.
Đam mê cũng nảy sinh theo cơ chế tương tự. Có những điều khắc sâu trong tim chúng ta và chúng ta yêu chúng – như vậy cũng cónghĩa chúng ta đam mê chúng. Chúng ta không biết lý do, cũng không có cách giải thích thuần logic về mối quan tâm này. Chỉ đơn giản định nghĩa bằng lời là Đam Mê.
Khi bị rơi đến tận đáy, tôi cố trở lại điểm xuất phát. Tôi tự hỏi vì sao mình lại lao vào công việc đó? Lời đáp là vì đam mê.
– Lynst James, vận động viên đua xe người Mỹ
Bạn ghét màu đỏ – đúng không? Nhưng với các sắc độ khác của màu sắc này thì sao? Nếu tôi sáng tạo, điều chỉnh tông đậm nhạt và kết hợp chúng với màu đỏ để tạo nên các gam biến thể, có thể bạn sẽ thích những màu mới này. Bạn không thích mặc quần màu đỏ nhưng có lẽ bạn sẽ thích điều khiển một chiếc Ferrari đỏ chóe! Nào hãy cùng xem xét lá cờ của Đảng Quốc xã1 (Naziflag) – lá cờ nổi tiếng của Đức Quốc xã2 – nền đỏ, vòng tròn trắng ở giữa cùng một chữ thập ngoặc màu đen! Trông nó đầy quyền năng, mê hoặc và cuốn hút. Có thể bạn sẽ thích sắc đỏ trên đó. Bạn đã thấy mẫu logo mới của hãng Airtel3 chưa? Logo mới cũng kết hợp sáng tạo ba màu đỏ, trắng và đen! Vô cùng ấn tượng! Vậy nên, có thể bạn thích hoặc ghét một số màu riêng lẻ, nhưng khi pha trộn hoặc kết hợp các màu bạn sẽ thay đổi quan niệm.
Bạn biết không, quan niệm của bạn về màu sắc cũng sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Khi bạn trưởng thành, có thể bạn không thích màu “xanh dương lòe loẹt” hoặc màu “hồng chóe”. Bạn bắt đầu để ý đến những gam hồng nhẹ nhàng, màu vàng nhạt, màu trắng hoặc màu xanh lơ! Cũng giống như đối với màu sắc, quan điểm về công việc, sở thích, thú vui và hầu hết các hoạt động của chúng ta cũng biến chuyển theo cơ chế tương tự. Cách phản ứng, sở thích, những thứ bị chúng ta ghét bỏ cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian. Cũng như khi chúng ta biết cách kết hợp sáng tạo các màu sắc và bắt đầu thích những màu vốn nằm trong “danh sách đen”, chúng ta cũng có thể tạo ra những thay đổi ở nhà và nơi làm việc để cuộc sống thêm thú vị hơn.
Nếu quan sát những người thành công, bạn sẽ thấy họ luôn yêu thích công việc của mình. Họ thích chiến thắng, thích đạt được thành tựu. Nếu những gì bạn đạt được nâng bạn lên tầm cao mới, chắc chắn chúng là động lực thôi thúc bạn. Nhiều sinh viên muốn thấy tên mình được ghi trên bảng danh dự ở trường đại học, mục tiêu đó trở thành niềm đam mê của họ. Họ sẽ gắng sức đạt lấy nó. Những diễn viên như Shah Rukh Khan4 yêu thích diễn xuất và yêu thích trở thành tâm điểm. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, anh vẫn thường nói rằng: “Tôi thích nhận giải thưởng.” Được trở thành tâm điểm trong lòng công chúng chính là động lực thôi thúc anh nỗ lực, là niềm đam mê của anh.
Thực tế, đam mê xuất phát từ đáy lòng bạn, là điều bạn muốn làm, điều thôi thúc bạn, làm bạn thỏa chí, gây hứng thú cho bạn một cách không hề gượng ép. Tạo hóa có những cách riêng để dẫn lối cho mỗi chúng ta. Nỗi sợ là một bản năng cơ bản giúp con người kịp thời nhận ra những mối nguy cơ – hiểm họa đối với cơ thể hoặc cuộc sống của chúng ta – do đó giúp ta phản ứng tự vệ.
Thành công không phải là ngọn lửa tự bùng lên, bạn phải tự nhen nhóm nó từ trong tim.
– Reggie Leach, cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp người Canada
Cũng như thế, Đam Mê chính là món quà của tạo hóa, nhờ đó chúng ta có thể biết được mình có đi đúng đường, hướng đúng mục tiêu hay không, từ đó có thể theo đuổi những thứ nằm trong tầm với. Nó giống như một chiếc la bàn hoặc nguồn hứng khởi từ bên trong. Nó vạch đường chỉ lối cho bạn, đồng thời truyền cho bạn nội lực cần thiết để đạt được mục tiêu. Trong trường hợp này mục tiêu chính là lực hút lôi cuốn bạn, do đó bạn không thực sự cảm thấy mình đang phải gắng sức nhiều. Đấy đích thực là vẻ đẹp của niềm đam mê. Bạn hãy nhìn Aamir Khan mà xem: là một diễn viên, diễn xuất hoàn hảo chính là niềm đam mê của anh ấy; có thể nỗ lực vượt qua cái bóng của chính mình cũng chính là niềm đam mê của anh ấy. Aamir không ngại diễn đi diễn lại một cảnh đến cả trăm lần, cho đến khi có thể tự nhủ với bản thân rằng đó là một cảnh quay hoàn hảo.
Đam mê mang đến cho con người hai điều: Thứ nhất, nó giúp chúng ta được là chính mình, sống và đối nhân xử thế như ý mìnhmong muốn. Thứ hai, nó hòa hợp và làm hoàn thiện mỗi người. Nếu bạn muốn vươn cao hơn nhịp sống bình lặng, đam mê chính là chìa khóa cho bạn. Nếu bạn muốn mình thuộc số đông, bạn có thể làm tốt mà không cần đến nó. Trong quân ngũ người ta thường nói: “Nhuệ khí là một trạng thái của trí óc”. Nếu nhuệ khí là trạng thái của trí óc thì tôi cũng muốn nói rằng: “Đam mê là trạng thái của con tim”. Giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem đam mê sẽ mang lại cho mỗi người những gì. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo cơ chế nào? Đam mê có thể khơi gợi lên trong chúng ta nhiều trạng thái tình cảm khác nhau, đồng thời biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
Những sắc màu khác biệt của đam mê
Đam mê cũng có hình hài. Bạn có thể cảm nhận được những hình dạng và sắc màu khác nhau của nó. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài nét đặc trưng của đam mê:
Đam mê ngự trong tâm hồn bạn – một tiếng gọi từ bên trong
Đức Phật Cồ Đàm5 (Gautam Buddha) là một người phi thường dù ngài sống cuộc đời bình dị. Chính tiếng gọi bên trong đã thôi thúc ngài dấn bước kiếm tìm sự an lạc, hành trình đi tìm ánh sáng xuất phát từ tình yêu, lòng cảm thông đối với người khác. Ngài nhận thức được rằng nếu bản thân ngài còn tham – sân – si6, thì mọi người trên đời này cũng bị ràng buộc như vậy. Tiếng gọi bên trong đã thôi thúc ngài từ bỏ gia đình, vương quốc để tìm đường giải thoát cho chúng sinh khỏi bề khổ và lòng tham sân si. Đây là cấp độ cao nhất của đam mê, nếu nó nảy nở thì có thể khiến người ta hy sinh, dâng hiến hết mình, biến người bình thường trở thành những nhân vật phi thường.
Đam mê là ngọn nguồn sinh ra năng lượng cực mạnh
Đa phần những người có nghị lực đều do đam mê dẫn lối. Một đô vật hay võ sĩ quyền anh có thể tung nắm đấm mạnh mẽ, nhưng cần có một dạng năng lượng khác để anh ta điều khiển sức mạnh đó. Bạn có thể tham khảo trường hợp của Muhammad Ali – “người di chuyển nhẹ nhàng như bướm lượn và tung đòn như ong châm”. Câu chuyện về bước đường trở thành võ sĩ quyền anh của Muhammad Ali có liên quan đến yếu tố đam mê. Năm 1954, khi mới 12 tuổi, chiếc xe đạp của Muhammad Ali bị mất trộm, cậu bé đã rất thất vọng. Trong khi cậu bừng bừng muốn dạy cho kẻ trộm một bài học, một viên cảnh sát đã bảo cậu rằng: “trước hết cháu phải học đánh quyền anh.” Cậu đã làm theo và sau vài tuần, cậu đã thắng trận đầu. Trong ba thập kỷ tiếp theo, Ali luôn xuất hiện trên các võ đài và trở thành nhà vô địch thế giới môn quyền anh hạng nặng vào năm 1964 – tròn 10 năm sau đó. Chìa khóa thành công của Ali chính là “Đam mê để vượt trội”, nó đã động viên, khắc sâu thành nguyên tắc nghiêm ngặt, lẽ sống riêng của anh. Rõ ràng anh đã có được nguồn năng lượng vô song.
Bruce Lee (Lý Tiểu Long) trở thành huyền thoại Hollywood bởi niềm đam mê đã thôi thúc ông luyện tập để có được hình thể tuyệt hảo khiến cả thế giới đều thèm muốn. Niềm yêu thích võ thuật của ông đúng là không ai sánh kịp. Từ một cậu bé nghèo khổ người Hồng Kông, ông đã trở thành biểu tượng điện ảnh thế giới, có sức ảnh hưởng sâu rộng hơn cả Elvis Presley7, Marilyn Monroe8 và James Dean9 cộng lại. Còn hơn cả một hiện tượng, Jackie Chan (Thành Long) là người lên kịch bản, chỉ đạo sản xuất và diễn xuất trong các phim của ông. Ông sống với từng thước phim, bất kỳ khi nào bạn nhìn thấy ông trên màn ảnh, bạn đều thấy ông giống như một quả cầu lửa – tràn đầy nhiệt huyết, sinh lực và đam mê dành cho tác phẩm nghệ thuật của mình.
Bạn diễn của Shah Rukh Khan thường nói rằng: “Anh chàng này có một nguồn sức lực khủng khiếp – anh ấy chẳng khác nào một nhà máy phát điện cả.” Có thể anh ấy không có được sức mạnh như của Bruce Lee hay Muhammad Ali nhưng anh ấy có một nguồn năng lượng dồi dào, bởi anh ấy yêu diễn xuất.
Nếu bạn đam mê thứ gì đó, rốt cuộc nó sẽ khiến bạn thỏa mãn. Sanjeev Kapoor10 – chủ chương trình truyền hình Khana Khazana nói vui như sau: “Khi bạn dành trọn tình yêu, lòng mến thương và đam mê để chuẩn bị bữa ăn, nó sẽ ngon vượt quá mong đợi của bạn.” Khi bữa ăn được nấu xong, người đầu bếp sẽ có được cảm giác hài lòng khôn tả.
Một thợ máy giỏi yêu thích công việc và hăng say làm việc sẽ thấy hết sức thích thú sau khi sửa xong một chiếc ô tô hay xe đạp.
Cảm giác thích thú – Đam mê sẽ nâng lên tột đỉnh
Sẽ không ít người băn khoăn, vì sao người ta lại lái máy bay chiến đấu với tốc độ gấp đôi vận tốc âm thanh và mạo hiểm tính mạng của mình với đủ các trò nhào lộn trên không.
Các phi công trong Không lực Ấn Độ lái máy bay chiến đấu Sukhoi được trả lương thấp hơn so với các phi công lái máy bay vận chuyển hành khách Boeing. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là những phi công trẻ này khao khát được lái máy bay chiến đấu hơn bất cứ loại máy bay nào khác. Tôi đã từng gặp những phi công lái máy bay chiến đấu, vì lý do sức khỏe mà phải ở mãi trên mặt đất, họ hầu như thất vọng vì bị tước mất cơ hội bay. Khi một phi công kéo cần lái đưa máy bay cất cánh, lực hấp dẫn tác động lên anh ta, theo nghĩa đen sẽ làm máu ở đầu anh ta bị cạn đột ngột. Đây thực sự là hoạt động tốn nhiều sức lực, nó hầu như rút cạn năng lượng của bạn. Hơn nữa, nguy cơ thương vong ở các phi công lái máy bay chiến đấu nằm ở mức rất cao khi so sánh với bất cứ nghề nghiệp nào khác. Đa số đều bất chấp mọi lý do – kể cả nguy cơ khi bay, bởi vì họ yêu thích cảm giác được bay. Họ lái máy bay bởi vì công việc này đưa họ lên cao.
Đam mê cuốn hút bạn
Mùi sơn dầu và chiếc giá vẽ đã đặt sẵn trên khung khiến cho máu như cuộn trào trong huyết mạch mỗi họa sĩ. Nó cuốn người họa sĩ vào cuộc chơi màu sắc. Những giai điệu hay sẽ luôn khiến cho đôi chân John Travolta, Madonna và Michael Jackson muốn nhún nhảy.
Tôi yêu thích nhạc và biết chơi hơn một loại nhạc cụ. Tôi thích chơi trống, mỗi khi tôi thấy một ban nhạc đang chơi bản nào đó, tôi có cảm giác muốn nhảy lên sân khấu góp vui cùng họ. Tôi đã làm như vậy nhiều lần rồi, chỉ đơn giản vì tôi muốn chơi nhạc.
Đam mê là thứ bạn luôn quan tâm
Bạn trở nên đam mê thứ gì đó khi nó thôi thúc con tim bạn. Tôi có một người bạn, vợ anh ấy làm việc cho một tổ chức chuyên chăm sóc những người mắc phải căn bệnh AIDS. Cô thường xuyên phải đi công tác, nhiều lần phải đến những vùng sâu vùng xa, công việc của cô lại đặt ra lắm yêu cầu. Đó là công việc trong một tổ chức phi chính phủ cho nên chắc chắn khoản tiền được trả còn kém xa mức được mong đợi. Tuy nhiên, tôi thấy cô ấy lúc nào cũng tận tâm với công việc.
Câu chuyện của Margaret Giannini rất thú vị. Cô là giảng viên chính ở một trường y, cô luôn hoàn thành tốt công việc của mình giống như các đồng nghiệp khác, cho đến một ngày cô có cơ hội gặp gỡ bố mẹ của năm cháu nhỏ chậm phát triến. Họ không tìm được khoa điều trị thích hợp cho con mình, bởi khoa đó chưa hề tồn tại. Họ cảm thấy tủi nhục và bực bội. Họ kể cho cô nghe câu chuyện của mình cùng những trải nghiệm gây xúc động, cô đã vô cùng sốc khi biết rằng ngay trong ngành y vẫn có sự phân biệt đối xử như vậy.
Cô xúc động thực sự, và để giúp đỡ họ, cô đã mở lịch khám đều đặn mỗi tuần một buổi cho con họ. Quyết định đơn giản từ con tim đã làm thay đổi cuộc đời cô. Cô sớm trở thành người sáng lập của phòng khám đầu tiên và duy nhất như vậy trên thế giới, chú trọng đến các nhu cầu thể chất của các trẻ chậm phát triển. Cuối cùng cô quyết định toàn tâm toàn ý vì những nhìn thấy chặng cuối cuộc hành trình cũng chính là một biểu hiện của đam mê. Các vận động viên thể thao tên tuổi thường mường tượng cảnh mình đứng trên bục vinh quang, trước những tràng vỗ tay như sấm dậy của khán giả, được khách mời danh dự trao cúp. Tất cả đều diễn ra trong đầu. Sức mạnh và tính sáng rõ của hình ảnh này do đam mê mang lại đã đem đến nguồn năng lượng cho những quán quân này. Họ có thể nhìn thấy được điều họ muốn đạt đến. Hình ảnh rõ nét của thành quả cuối cùng có thể xác lập nên sức mạnh củaniềm đam mê trong bạn. Các kiến trúc sư, các nhà thiết kế xe hơi, các nhà thiết kế thời trang tài ba luôn hình dung được sản phẩmcuối cùng trước mắt – một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, một chiếc xe thể thao kiểu dáng tuyệt hảo hay một bộ cánh bắt mắt – đóchính là Đam Mê.
Đam mê có thể giúp bạn tiến xa hơn
Bạn không hề cảm thấy mình đang phải gắng sức. Nếu làm vườn là công việc bạn yêu thích, bạn không ngại tưới cây hay nhổ cỏ, bất chấp ánh nắng rát buổi chiều. “Tôi sẵn sàng đi bộ thêm cả dặm đường chỉ để có được một điếu Camel!” Đây là lời của một người để nói về thuốc lá Camel. Hút thuốc gây nghiện, đam mê cũng như vậy. Nó sẽ thôi thúc bạn tiến xa hơn, nhờ đó bạn đến được đích cuối cùng mà không hề nghĩ rằng mình đã phải mất nhiều công sức hơn. Có những việc khi làm, chúng ta không cảmthấy mình quá gắng sức vì nó. Nếu có hoạt động nào như vậy, đó là một dấu hiệu mách bảo có thể đó là niềm đam mê của bạn.
Ở Học viện Quốc phòng, điều kiện học tập rất khắc nghiệt và đòi hỏi kỷ luật cực kỳ cao. Đa phần các học viên đều mong chờ kỳ nghỉ để có thể được trở về nhà trong vòng một tháng và nghỉ ngơi. Trong kỳ nghỉ, câu lạc bộ leo núi ở Học viện Quốc phòng tổ chức các chuyến thám hiểm. Những người tình nguyện tham gia thám hiểm chấp nhận mất đi kỳ nghỉ, không có cơ hội về nhà gặp cha mẹ, phải chuẩn bị lên đường. Trong số đó, tôi đã gặp rất nhiều gương mặt nhiệt huyết vô cùng, các em sẵn sàng tham gia chuyến đi, trong khi các bạn đồng trang lứa được nghỉ ngơi ở nhà. Sau cuộc hành trình, họ trở về và nhanh chóng trở lại guồng học tập như trước đây – thậm chí không có lấy một ngày nghỉ nào! Đối với họ, đi leo núi chính là một kỳ nghỉ, họ thấy công việc đó chẳng nặng nhọc tý nào – bởi họ yêu thích nó.
Đam mê là niềm hạnh phúc và tình yêu
Về cơ bản, dàn nhạc giao hưởng New York cũng giống với bất kỳ dàn nhạc giao hưởng nào khác – tất cả các nhạc công đều có niềm say mê của trẻ thơ, nếu không tính đến những giờ khổ luyện và những lời chỉ trích, bạn sẽ chỉ thấy ở đó hình ảnh một học sinh 17 tuổi, tràn trề cảm hứng và tình yêu âm nhạc. – Zubin Mehta, nhạc trưởng danh tiếng người Ấn Độ
Khi bạn nhìn nhạc trưởng Zubin Mehta đứng trên sân khấu chỉ huy dàn nhạc – bạn sẽ thấy được một con người của xúc cảm thăng hoa. Ông dồn toàn bộ tâm trí vào công việc đang làm. Những người như ông dường như bị điều gì đó chiếm lĩnh. Bạn sẽ không thể đạt đến đỉnh cao như họ, trừ khi bạn có tình yêu lớn lao đối với những việc bạn làm. Bạn cũng sẽ bắt gặp trạng thái thăng hoa ở những vận động viên Tennis, những người chơi golf đẳng cấp như Tiger Woods hay ở những diễn viên xuất chúng như Amitabh Bachchan. Xuất hiện trong chương trình “Cà phê cùng Karan” – show truyền hình được ưa chuộng của diễn viên nổi tiếng Bollywood – Karan Johar, Amitabh Bachchan được hỏi bí quyết nào giúp anh thành công, hay vì sao anh có thể diễn những vai diễn khó một cách xuất sắc đến vậy. Anh trả lời một cách đơn giản nhưng hàm chứa ý nghĩa quan trọng: “Khi đã bước ra trước ống kính, tôi không biết chuyện gì xảy đến, tôi chỉ biết hóa thân vào nhân vật mà thôi.” Đây chính là trạng thái “phiêu”, thăng hoa từ con tim.
Đam mê điều gì đó
Tôi chơi trống bởi vì tôi mê chơi nhạc, tôi thích tiếng trống, tôi thích đứng cùng nhóm với một người chơi ghi ta, một tay saxophone hay người đánh keyboard! Tôi cùng một ban nhạc nghiệp dư biểu diễn miễn phí hàng giờ liền. Khi bạn sẵn lòng làm điều gì mà không đòi hỏi tiền nong, đó chính là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy trái tim bạn hướng về nó, bạn mê đắm với công việc đó.
Hãy xét lần nữa trường hợp của Shah Rukh Khan, một diễn viên tài năng, anh nói anh xuất hiện trước ống kính máy quay vì anh yêu thích công việc này. Anh sẵn sàng làm việc không công nếu có một vai diễn tốt cho dù anh có thể kiếm được bộn tiền nhờ đóng quảng cáo. Bạn sẵn lòng làm điều gì đó kể cả khi bạn dễ dàng kiếm tiền từ những nguồn khác, đó là một biểu hiện rõ nét củaniềm đam mê.
Một người không biết đam mê thì chẳng thể làm thay đổi thế giới. –Billie Jean King
Đam mê và ám ảnh
Ám ảnh là mức độ cao hơn đam mê. Ám ảnh là khi bạn quá yêu thứ gì đó đến độ tâm trí mất cân bằng – nó sẽ lấy đi phần tốt đẹp trong con người bạn. Thực tế, ranh giới giữa hai cấp độ này vô cùng mong manh Những người mê đắm đến ám ảnh không phải là hiếm gặp. Thông thường từ ám ảnh có ngụ ý tiêu cực, khi bạn mất đi trạng thái cân bằng về tinh thần, thậm chí cả về thể chất. Nó có thể làm cho người khác đau đớn, nó cũng có thể gây hại cho chính người mang nỗi ám ảnh. Khi ám ảnh bộc phát thành cảm xúc, nó có thể sẽ rất nguy hiểm.
Trong đa số các trường hợp, ranh giới giữa hai mức độ rất mờ nhạt, bạn sẽ gặp những người tràn đầy nhiệt huyết bước chênh vênh giữa hai bờ Đam mê và Ám ảnh. Đôi lúc bạn có thể chạm đến nỗi ám ảnh, miễn sao bạn đảm bảo đôi chân mình đứng vững trên mặt đất, lý trí mình luôn làm chủ và có chừng mực. Những người đạt thành tích cao thường làm như vậy.
Nhìn chung, những người có đam mê đều rất nhiệt tình, tràn trề năng lượng, sẵn sàng nhập cuộc và quan trọng nhất là họ nhập thân vào công việc. Họ đã có sẵn lửa trong tim, nhờ đó họ thể hiện vượt trội hơn những người khác. Thỉnh thoảng một vài người trong số này bộc lộ những biểu hiện gần như ám ảnh. Trong số một trăm người bạn gặp, có chừng 15 đến 20 người có lòng đam mê, những người còn lại thì không. Thật đáng ngạc nhiên khi Nguyên lý Pereto11 về tỷ lệ 80 : 20 lại có thể áp dụng trong trường hợp này.
Cùng tóm tắt
Đường đi của riêng bạn
1. Kể tên năm người đam mê điều gì đó. Gọi tên niềm đam mê của họ.
2. Trong số năm người đó, có bao nhiêu người được cho là bị ám ảnh?
3. Ở họ có điểm gì nổi trội, có thể coi là cá tính của họ?
4. Trong mỗi lĩnh vực sau, kể tên hai người mà bạn cho rằng họ có niềm đam mê.
5. Trở lại câu hỏi 3. ở bạn có nét tính cách nào của họ không? Nếu có hãy liệt kê chúng ra.
Đam mê rất khó điều chỉnh, tuy nhiên nó chính là suối nguồn sức mạnh.
– Ralph Waldo Emerson (1803–1882), nhà thơ Mỹ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.