Tôi là một trong số những người may mắn, mặc dù tôi đã hơi lớn tuổi và những tham vọng giành được vinh quang trong thể thao đã nằm lại phía sau. Nhưng tôi vẫn có được cơ hội xem những trận tranh tài trong kỳ Thế vận hội mùa Hè năm 1988 cùng cha mẹ của mình. Thời gian đó, cha tôi đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Người mẹ chu đáo của tôi phục vụ bánh nhân sô-cô-la và sữa trong lúc chúng tôi theo dõi các vận động viên khỏe mạnh phá kỷ lục thế giới. Đó là khoảng thời gian thật thú vị và đầy cảm xúc đối với tôi.
Trong khi tôi ngồi xem thi đấu điền kinh với cha mẹ và cổ vũ cho các tuyển thủ Mỹ, cha tôi hỏi: “Con có biết người ta còn thiếu sót gì không? Họ không trao huy chương vàng cho những bậc cha mẹ tốt nhất”.
Đó chỉ là một câu nói rất bình thường nhưng tôi biết chắc rằng cha tôi đang nói rất nghiêm túc.
Sau khi cha tôi mất vào năm 1990, tôi vẫn thường tự hỏi tại sao xã hội chúng ta lại không trao giải cho những người giữ những vai trò quan trọng nhất. Trở thành bậc cha mẹ vĩ đại không phải là một cuộc thi có thể đánh giá bằng việc chạy tốc độ, một cú lặn hay một cuộc tranh tài nói chung. Cũng như quá trình rèn luyện một tuyển thủ Thế vận hội, bản chất tự nhiên của quá trình này đòi hỏi nhiều năm nỗ lực, cống hiến và tận tâm. Tuy nhiên, nó không thể cô đọng lại trong một cuộc chạy 10 giây, một bài bơi bốn vòng hay một cú nhảy sào được.
Trọng tài sẽ không giơ bảng điểm lên mỗi khi các bậc cha mẹ đưa ra những lời khuyên tốt đẹp hoặc hy sinh cho đứa con mình yêu thương. Nếu họ có trao giải cho sự dưỡng dục, tôi biết một người cha và một người mẹ mà tôi muốn đề cử nhận chiếc huy chương vàng.
Còn bạn thì sao? Bạn có làm được không?
Nếu không, có lẽ đã đến lúc tập luyện và trưởng thành. Đây là một cuộc đua đường trường và chỉ những ai mạnh mẽ mới có thể vượt qua và đạt được thành công.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.