Steve Jobs - Thiên Tài Gàn Dở Và Câu Chuyện Thần Kỳ Về Quả Táo

2. CHẾ ĐỘ CHUYÊN QUYỀN: NHÓM ĐIỀU TRA ĐẠI DIỆN MỘT THÀNH VIÊN CỦA APPLE



“Chúng tôi tạo ra những nút bấm trên màn hình trông tuyệt đến mức các bạn sẽ muốn lướt ngón tay trên chúng.”

− Steve Jobs, thuyết minh về giao diện của hệ điều hành Mac OS X trên tạp chí Fortune vào ngày 24/01/2000

Trước khi Jobs quay trở lại Apple, công ty đã cố gắng phát triển một phiên bản của hệ điều hành Macintosh trong vòng vài năm nhưng không thành công. Kể từ lần đầu tiên giới thiệu với công chúng vào năm 1984, hệ điều hành Mac OS cũ đã trở thành một bản chắp vá các hệ mã cồng kềnh, không ổn định. Nó đã trở thành một cơn ác mộng đối với công việc bảo trì và nâng cấp. Đối với người sử dụng, hệ điều hành này đồng nghĩa với tình trạng lỗi nghiêm trọng, treo máy hay phải khởi động lại – cũng như mất dữ liệu, đi kèm theo đó là sự thất vọng và giận dữ.

Vì hệ điều hành Mac OS vẫn phần lớn dựa trên hệ mã lạc hậu nên Apple quyết định nó cần phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Vào năm 1994, những chuyên gia lập trình bắt đầu viết lại từ đầu một hệ điều hành mới, được đặt mật danh Copland theo tên của một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ. Nhưng sau một vài năm cố gắng, rõ ràng, dự án này cần đến những nỗ lực phi thường và có lẽ không bao giờ hoàn thành. Ban giám đốc Apple tại thời điểm đó đã quyết định dễ dàng hơn (và thông minh hơn) nếu mua một hệ điều hành thế hệ tiếp theo từ công ty khác thay vì tự phát triển hệ điều hành đó. Việc tìm kiếm hệ điều hành mới cuối cùng dẫn đến việc mua lại công ty NeXT của Steve Jobs.

Apple rất quan tâm tới NeXTstep, một hệ điều hành tiên tiến và tinh vi đáng ngạc nhiên mà Jobs đã phát triển trong thời gian rời khỏi Apple. NeXTstep có mọi thứ mà hệ điều hành Mac OS cũ kỹ thiếu: nó hoạt động nhanh, ổn định, và gần như không gây ra lỗi. Nó cũng có những đặc điểm về hệ thống mạng hiện đại – vô cùng cần thiết trong thời đại internet – và một cấu trúc đơn thể dễ dàng cải biến và nâng cấp. Nó kèm theo một bộ công cụ lập trình góp phần tạo điều kiện cho những nhà phát triển phần mềm trong việc viết những chương trình cho hệ điều hành này. Bộ công cụ lập trình này là một lợi thế cạnh tranhh to lớn trong ngành công nghệ. Những nền tảng máy tính cơ sở sẽ hoàn toàn thất bại trừ khi nó thu hút được những chuyên gia lập trình xuất sắc sáng tạo ra những chương trình ứng dụng cho nó, cũng giống như máy chơi game sẽ bị thất bại trừ khi nó thu hút được những bản game tuyệt vời. Từ Mac cho tới Palm Pilot và Xbox, sự thành công của một nền tảng cơ sở được quyết định chủ yếu bởi những phần mềm có thể chạy trên hệ điều hành đó. Trong một vài trường hợp, điều đó được gọi là chương trình ứng dụng tiên quyết – một phần mềm thiết yếu góp phần bảo đảm cho thành công của một nền tảng cơ sở, cũng giống như phần mềm Office trên hệ điều hành Windows hay game Halo trên máy chơi game Xbox.

NeXT là gì?

Sau khi mua lại NeXT, Apple phải giải quyết việc làm thế nào để biến hệ điều hành NeXTstep thành một hệ điều hành Macintosh. Lúc đầu, công việc có vẻ quá nhiều đến mức những chuyên gia lập trình của Apple cân nhắc sử dụng giao diện cũ trong hệ điều hành Mac OS 8 và cố ghép nó lên hệ mã cơ sở của hệ điều hành NeXTstep. Theo Cordell Ratzlaff, giám đốc phụ trách giám sát công việc này, việc kết hợp giao diện dường như không phải là một thách thức lớn. “Chúng tôi chỉ định một nhà thiết kế cho hệ điều hành OS X,” Ratzlaff nhớ lại. “Công việc của anh ta khá buồn chán: làm những phần mới giống hệt những phần cũ.”

Nhưng Ratzlaff nghĩ thật xấu hổ khi sử dụng một giao diện kém hấp dẫn cho một hệ thống tao nhã như vậy, và ngay sau đó Ratzlaff chỉ định những chuyên gia thiết kế sáng tạo ra mô hình giao diện mới. Ratzlaff yêu cầu những mô hình đó phải làm nổi bật được những công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng của hệ điều hành NeXTstep – đặc biệt là khả năng hoạt họa và đồ họa mạnh mẽ. 

Ratzlaff, một giám đốc thiết kế ăn nói nhỏ nhẹ tại Cisco, đã làm việc 9 năm tại Apple. Khởi nghiệp như một chuyên gia thiết kế, Ratzlaff thăng tiến tới vị trí đứng đầu nhóm thiết kế giao diện cho hệ điều hành Mac OS. Với vai trò này, Ratzlaff phụ trách về giao diện cho những hệ điều hành của Apple, từ hệ điều hành Mac OS 8 cho tới phiên bản đầu tiên của hệ điều hành OS X.

Ngày nay, những giao diện mới trông nhiều màu sắc và năng động, nhưng vào cuối thập kỷ 1990, cả hệ điều hành của Apple và Microsoft trông đều rất đơn giản và xám xịt, với những cửa sổ hình hộp, góc nhọn và góc xiên. Lúc đó Apple tung ra chiếc máy tính iMac hình giọt nước mắt, một chiếc máy tính với vỏ nhựa trong suốt và những đường cong sắp xếp có hệ thống. Nó trở thành một niềm cảm hứng lớn cho Ratzlaff cùng những cộng sự của ông. Họ nhanh chóng tạo ra những mô hình giao diện đầy màu sắc và duyên dáng với những bảng menu trong suốt, những góc cong cùng những nút bấm hình tròn được sắp xếp có hệ thống. 

Cấp trên của Ratzlaff, Bertran Serlet, bây giờ là phó tổng giám đốc phụ trách thiết kế phần mềm của Apple, tỏ ra thích thú với những mô hình này nhưng nói rõ rằng họ không có đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện chúng. Chuyên gia thiết kế duy nhất của hệ điều hành OS X tiếp tục kết hợp giao diện cũ của hệ điều hành Mac vào NeXTstep.

Sau một vài tháng làm việc, Apple tổ chức một cuộc họp để tất cả các nhóm thiết kế phát triển hệ điều hành OS X tổng hợp thành một bản báo cáo tiến trình công việc. Ratzlaff được yêu cầu giới thiệu về những bản mô hình, chủ yếu để tạo không khí vui vẻ. Bài giới thiệu của ông nhằm tạo sự thư giãn nhẹ nhàng sau một tuần dài làm việc vất vả. Ratzlaff được sắp xếp làm người phát biểu sau chót trong buổi họp cuối cùng. Nhưng Ratzlaff âm thầm hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ cho những bản thiết kế mới và chúng sẽ được thực hiện mặc dù ông ta không đánh giá cao khả năng này. Khi cuộc họp kéo dài 2 ngày chứng tỏ dự án hệ điều hành OS X thực sự có quy mô quá lớn. Mọi người phân vân làm cách nào để hoàn thành nó. “Và cuối cùng, tôi phát biểu: ‘Đây là một bản giao diện mới. Nó trong suốt, có khả năng hoạt họa thời gian thực,’” Ratzlaff nhớ lại. “Xuất hiện một vài tiếng cười trong phòng bởi chúng tôi đã không có cách nào để chỉnh sửa lại bản giao diện. Lúc đó tôi cảm thấy khá thất vọng.”

“Các anh là một lũ ngốc!”

Hai tuần sau đó, Ratzlaff nhận được một cuộc gọi từ trợ lý của Steve Jobs. Jobs chưa từng xem những bản mô hình tại cuộc họp – Jobs không tham dự – nhưng bây giờ ông muốn xem qua nó. Vào lúc đó, Jobs vẫn đang tiến hành cuộc điều tra tất cả các nhóm phát triển sản phẩm. Ratzlaff cùng những chuyên gia thiết kế đang ngồi chờ trong một phòng họp, Jobs bước vào phòng và ngay lập tức gọi họ là “một lũ nghiệp dư.”

“Các anh thiết kế hệ điều hành Mac OS, đúng không?” Jobs hỏi họ. Họ ngượng ngùng gật đầu. “Thế à, vậy các anh là một lũ ngốc.”

Jobs liệt kê một mạch tất cả những điều ông không thích về giao diện của hệ điều hành Mac cũ, gần như là tất cả mọi thứ. Một trong những điều Jobs ghét nhất là tập hợp các cách khác nhau để mở bất kỳ cửa sổ hay tập tin nào. Có ít nhất 8 cách để mở những tập tin – từ bảng menu dropdown cho tới bảng menu pop-up, công cụ DragStrip, Launcher hay Finder. “Vấn đề là các anh có quá nhiều cửa sổ,” Ratzlaff nói. “Steve muốn đơn giản việc quản lý các cửa sổ.” Bởi vì Ratzlaff là người chịu trách nhiệm chính cho những đặc điểm này, Ratzlaff bắt đầu lo lắng cho công việc của mình, nhưng sau 20 phút chỉ trích, Ratzlaff nhận ra vị trí của mình chắc chắn an toàn. “Tôi nghĩ Jobs sẽ không sa thải chúng tôi, bởi vì nếu thế nó phải đã xảy ra rồi,” Ratzlaff nói.

Jobs, Ratzlaff cùng những chuyên gia thiết kế bắt đầu thảo luận chi tiết về giao diện cũ của Mac và cách để cải thiện nó. Nhóm của Ratzlaff cho Jobs xem những mô hình của họ và buổi họp kết thúc tốt đẹp. “Làm mẫu những mô hình này và đưa cho tôi xem chúng,” Jobs chỉ đạo họ.

Nhóm thiết kế làm việc liên tục trong 3 tuần, cả ngày lẫn đêm để làm ra những bản mẫu có thể thao tác được trên phần mềm Macromedia Director, một công cụ mô phỏng đa phương tiện được sử dụng để thử nghiệm những giao diện tùy chỉnh theo ý thích cho các phần mềm và trang web. “Chúng tôi biết mình đang có nguy cơ bị mất việc vì vậy chúng tôi khá lo lắng,” Ratzlaff nói. “Jobs thường ghé vào văn phòng. Chúng tôi bàn luận cả buổi chiều với ông ấy. Jobs rất ấn tượng với công việc của chúng tôi. Từ thời điểm đó, rõ ràng là chúng tôi sẽ tạo ra giao diện mới cho hệ điều hành OS X.”

Jobs cảm thấy ấn tượng đến mức ông nói với Ratzlaff: “Đây là bằng chứng về chỉ số thông minh 3 con số đầu tiên tại Apple mà tôi được thấy.” Ratzlaff vui mừng khi nhận được lời khen ngợi. Với Jobs, thừa nhận bạn có chỉ số IQ cao hơn 100 là một ghi nhận rõ ràng. Tự tin công việc của mình sẽ ổn, Ratzlaff cùng nhóm thiết kế tự thưởng bằng một vài lon bia. Nhưng họ lo lắng khi thấy Jobs đang đi lại từ phía hành lang cùng với Phil Schiller, giám đốc marketing của Apple. May mắn thay, Jobs hoàn toàn hài lòng. Khi Jobs đến nơi, họ nghe thấy Jobs nói với Schiller bằng giọng nói hứng khởi: “Anh nên xem qua thứ này.”

“Kể từ lúc đó chúng tôi không còn phải lo lắng nữa,” Ratzlaff nói.

Không chi tiết nào là nhỏ nhặt

Trong vòng 18 tháng tiếp theo, nhóm của Ratzlaff có các buổi họp hàng tuần với Jobs để báo cáo về những mô hình mới nhất. Với mỗi thành phần của bản giao diện mới – thanh menu, phần hội thoại, những nút radio – Jobs đều yêu cầu làm một vài mô hình khác nhau để Jobs lựa chọn cái tốt nhất. Ở phần sau, chúng ta sẽ thấy rõ hơn Jobs luôn luôn đòi hỏi xây dựng nhiều phiên bản cho những sản phẩm đang trong quá trình phát triển – bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong các buổi họp với Ratzlaff, Jobs đưa ra nhiều phản hồi để cải tiến những thiết kế này, và chỉ khi Jobs hài lòng, đặc điểm đó mới được thông qua. 

Những mô hình của nhóm thiết kế trên chương trình Macromedia Director trông rất bắt mắt, nhưng chúng không phải là phần mềm chức năng. Jobs có thể đóng và mở các cửa sổ, kéo thanh menu xuống, và xem hệ thống làm việc như thế nào. Nhưng chúng chỉ là những hình ảnh sinh động chứ không phải là mã hoạt động. Nhóm thiết kế cho chạy mã hoạt động trên một chiếc máy tính khác được đặt ngay cạnh bản chạy thử trên chương trình Director. Khi nhóm thiết kế trình diễn mã hoạt động cho Jobs, ông rướn người về phía trước, mũi gần như chạm vào màn hình, so sánh một cách kỹ càng giữa bản demo với mô hình và ngược lại.

“Jobs so sánh chúng một cách kỹ càng đến từng milimet để xem chúng có khớp với nhau hay không,” Ratzlaff nói. “Jobs đi sâu vào vấn đề chi tiết. Jobs nghiên cứu cẩn thận mọi thứ, đến mức chi tiết nhất có thể.” Nếu như mã hoạt động và mô hình không khớp với nhau, “kỹ sư nào đó có thể sẽ bị la mắng,” Ratzlaff nói.

Không thể tin được, nhóm của Ratzlaff mất 6 tháng để hoàn chỉnh thanh cuốn thỏa mãn yêu cầu của Jobs. Những thanh cuốn là một phần quan trọng của bất kỳ hệ điều hành máy tính nào nhưng có lẽ cũng là phần khó nhìn thấy nhất trên bản giao diện. Tuy nhiên, Jobs kiên quyết với ý tưởng thanh cuốn phải trông như thế nào, và nhóm của Ratzlaff phải thiết kế hết bản này đến bản khác. “Nó phải được thực hiện hoàn hảo,” Ratzlaff nói và mỉm cười trước nỗ lực to lớn để tạo tác một chi tiết nhỏ như vậy.

Lúc đầu, nhóm thiết kế cảm thấy rất khó để làm cho những chi tiết thanh cuốn giống như thật. Con trỏ chuột sai kích cỡ, hay ở sai vị trí, hay màu sắc không phù hợp. Những thanh cuốn phải khác đi khi cửa sổ ở tình trạng hoạt động hay khi nằm sau cửa sổ khác. “Công việc khá là khó khăn để làm chúng phù hợp với phần còn lại của bản thiết kế trong tất cả những trạng thái khác nhau,” Ratzlaff nói: không che dấu vẻ mệt mỏi trong giọng nói của mình. “Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện nó cho đến khi nó hoàn chỉnh. Chúng tôi phải dồn tâm trí vào nó trong một thời gian rất dài.”

Đơn giản hoá giao diện

Giao diện của hệ điều hành OS X được thiết kế với nhiều điểm khác biệt. Bởi vì hệ thống này hoàn toàn mới mẻ với mọi người – thậm chí với những người đã sử dụng hệ điều hành Mac từ lâu – nên Jobs tập trung vào đơn giản hoá giao diện này hết mức có thể. Ví dụ, trong hệ điều hành cũ Mac OS, đa phần thanh công cụ setting quyết định hoạt động của hệ thống được giấu trong vô số những thanh công cụ System Extensions, Control Panel và những hộp hội thoại đặc biệt ở những phần hệ thống khác nhau. Thiết lập một kết nối internet trước kia bao gồm việc điều chỉnh phần settings ở gần nửa tá chỗ khác nhau. 

Để đơn giản hoá mọi thứ, Jobs yêu cầu tập hợp phần lớn thanh điều chỉnh settings vào một hộp System Preferences duy nhất được đặt trong một công cụ điều chỉnh gọi là “Dock”.

Dock là một thanh công cụ chứa nhiều biểu tượng, nằm ở phía dưới màn hình. Đó là nơi để các ứng dụng thường xuyên sử dụng cùng với thùng rác. Nó có thể chứa tất cả các loại ứng dụng, từ những tệp tin hay sử dụng cho tới những chương trình nhỏ được gọi là “script”.

Jobs yêu cầu đơn giản hoá bản giao diện hết mức có thể, vì Jobs cho rằng nội dung của cửa sổ là phần quan trọng nhất chứ không phải là bản thân cửa sổ đó. Mong muốn đơn giản và gọn nhẹ bản giao diện mới của Jobs đã đặt dấu chấm hết cho một vài đặc điểm quan trọng, bao gồm một kiểu cửa sổ đơn nhất mà nhóm thiết kế đã phát triển trong nhiều tháng liền. 

Jobs không thích việc phải mở nhiều cửa sổ. Mỗi lần một tệp tin hay văn bản được mở ra, nó làm xuất hiện một cửa sổ mới. Và màn hình nhanh chóng bị che kín với nhiều cửa sổ chồng chéo lên nhau. Vì vậy, các chuyên gia thiết kế đã sáng tạo ra một kiểu cửa sổ đơn nhất đặc biệt. Mọi thứ đều được hiển thị trên cùng một cửa sổ, bất kể người sử dụng đang làm việc trên phần mềm nào. Kiểu cửa sổ này có thể hiển thị bảng tính, văn bản hay hình ảnh. Hiệu ứng tương tự như khi bạn chuyển từ trang web này sang trang web khác trong cùng một cửa sổ lướt web duy nhất, chỉ khác là nó chuyển đổi giữa những tài liệu được lưu trữ trong ổ cứng máy tính. 

Thỉnh thoảng hệ thống này làm việc trơn tru, nhưng cửa sổ này thường phải điều chỉnh kích cỡ để hiển thị các loại tài liệu khác nhau. Khi hiển thị một văn bản, cửa sổ này có dạng hẹp để kéo văn bản lên xuống dễ dàng hơn. Nhưng nếu người sử dụng mở một hình ảnh ở định dạng nằm ngang, cửa sổ này phải giãn rộng ra. 

Nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất. Đặc biệt với Jobs, hệ thống này đòi hỏi những chuyên gia thiết kế phải tạo ra một nút bấm chuyên dụng trên thanh công cụ để bật tắt cửa sổ này. Với sở thích về tính đơn giản, Jobs quyết định không sử dụng nút bấm này. Jobs có thể chấp nhận việc điều chỉnh kích cỡ cửa sổ chứ không chấp nhận nút bấm làm lộn xộn thanh chức năng menu. “Nút bấm bổ sung này không được điều chỉnh bởi chức năng của nó,” Ratzlaff nói. Quyết định bỏ nút bấm này của Jobs thể hiện yêu cầu của Jobs về tính đơn giản, và mong muốn xây dựng lâu dài các hệ thống thiết kế đơn giản hết mức có thể. 

Khi phát triển bản giao diện mới, Jobs cũng thỉnh thoảng đề xuất các ý tưởng lúc đầu có vẻ điên rồ nhưng sau đó hoá ra lại là ý tưởng tuyệt vời. Trong một buổi họp, Jobs đang kiểm tra cẩn thận 3 nút bấm nhỏ trên góc trái của mỗi cửa sổ. Ba nút bấm này dùng để đóng, thu nhỏ và mở rộng cửa sổ. Những chuyên gia thiết kế dùng cùng màu xám để thể hiện cho những nút bấm này nhằm tránh làm mất tập trung người sử dụng, nhưng khó có thể phân biệt chức năng của từng nút bấm. Một vài người đề xuất thể hiện chức năng của những nút bấm này bằng hình ảnh trực quan xuất hiện khi di chuột lên nút bấm đó.

Nhưng sau đó Jobs đưa ra một ý tưởng có vẻ kỳ quặc: những nút bấm này nên được thể hiện bằng màu sắc giống như đèn giao thông: đỏ để đóng cửa sổ, vàng để thu nhỏ và xanh để mở cửa sổ. “Khi chúng tôi nghe thấy ý tưởng này, chúng tôi cảm giác điều này có vẻ lạ lẫm khi áp dụng vào máy tính,” Ratzlaff nói. “Nhưng chúng tôi điều chỉnh nó trong chốc lát và Jobs hoàn toàn đúng.” Màu sắc của những nút bấm này thể hiện rõ ràng kết quả xảy ra khi bấm những nút này, đặc biệt là nút màu đỏ thể hiện “nguy hiểm” khi người sử dụng vô tình bấm vào nút đó nhưng không có ý định đóng cửa sổ này.

Giới thiệu hệ điều hành OS X

Jobs biết hệ điều hành OS X có thể gây ra sự phản đối dữ dội từ những đối tác phát triển phần mềm của Apple do các công ty này phải viết lại tất cả các phần mềm mới có thể chạy được trên hệ điều hành mới này. Mặc dù có thể sử dụng những công cụ lập trình tuyệt vời của hệ điều hành OS X, những công ty này vẫn có nguy cơ phản đối điều này. Jobs cùng các thành viên ban quản trị cố gắng tìm biện pháp tốt nhất để tiếp cận cộng đồng các nhà phát triển phần mềm. Cuối cùng họ thống nhất một chiến lược: chỉ cần họ có thể thuyết phục ba trong số những công ty lớn nhất viết phần mềm cho hệ điều hành OS X thì các công ty khác cũng sẽ làm theo. Ba công ty được nhắm tới đó là Microsoft, Adobe và Macromedia.

Chiến lược này đã thực sự đem lại hiệu quả. Ngay từ đầu, Microsoft bày tỏ sự ủng hộ đối với hệ điều hành OS X bởi vì vào năm 1998, Jobs đã đạt được thỏa thuận với Bill Gates, Microsoft cam kết hỗ trợ phần mềm cho Apple trong vòng 5 năm. Nhưng Adobe và Macromedia không lập tức chuyển đổi những chương trình ứng dụng nổi tiếng của họ như Photoshop và Dreamweaver. Cuối cùng cả hai công ty này đồng ý phát triển một phiên bản mới cho chương trình ứng dụng của họ nhưng họ từ chối viết lại những ứng dụng khác dành cho hệ điều hành OS X, quyết định có ảnh hưởng quan trọng tới Apple và công việc kinh doanh của công ty này: dẫn đến việc Apple phải tự phát triển những bộ chương trình ứng dụng phổ biến (iLife và iWork) cũng như gián tiếp dẫn tới việc sáng tạo ra máy nghe nhạc iPod cùng điện thoại iPhone.

Trong khi việc Apple đang phát triển hệ điều hành OS X được công khai, thông tin hệ điều hành này có giao diện mới được giữ bí mật hoàn toàn. Giao diện mới này được phát triển trong tình trạng tuyệt mật, chỉ một số ít người trực tiếp phát triển giao diện này mới biết Apple đang tiến hành cải tiến giao diện mới. Một trong những lý do giữ bí mật việc phát triển giao diện mới mà Jobs tuyên bố là nhằm hạn chế các công ty khác – đặc biệt là Microsoft – sao chép.

Nhưng quan trọng hơn, Jobs không muốn làm ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của hệ điều hành hiện tại Macintosh. Jobs muốn tránh hiệu ứng Osborne, trong đó một công ty tự tay kết thúc công việc kinh doanh của mình bằng việc tuyên bố đang phát triển một công nghệ mới tiên tiến khi vẫn chưa sẵn sàng bán sản phẩm đó. 

Ngay khi Apple bắt đầu phát triển hệ điều hành OS X, Jobs chỉ đạo mọi nhân viên của Apple chấm dứt việc công khai chỉ trích hệ điều hành hiện tại Mac OS. Trong nhiều năm, các chuyên gia phát triển chương trình tại Apple biết rõ ràng về những vấn đề và thiếu sót của hệ điều hành này. “OS X là đứa con tinh thần của Jobs, vì vậy ông ta biết rõ nó tuyệt vời như thế nào,” Peter Hoddie nói. “Nhưng Jobs nói rằng trong một vài năm tới chúng tôi phải tập trung vào hệ điều hành Mac OS bởi vì chúng tôi không bao giờ đạt được thành quả như ngày hôm nay mà thiếu sự đóng góp của nó. Jobs cũng giống như Khrushchev (cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũ), buộc mọi người phải chú ý: ‘Các anh phải ủng hộ hệ điều hành Mac OS. Hãy nhớ kỹ điều này.’”

Jobs giới thiệu hệ điều hành OS X vào tháng 1/2000 tại triển lãm Macworld, sau gần 2 năm rưỡi phát triển với sự tham gia của khoảng 1.000 chuyên gia lập trình. Hệ điều hành OS X ra đời từ sự đóng góp to lớn cả về trí lực và vật lực. Hệ điều hành này đã là – và vẫn là – giao diện máy tính tinh vi nhất được thiết kế cho đến ngày nay, với những hiệu ứng đồ họa thời gian thực phức tạp như hiệu ứng trong suốt, hiệu ứng tạo bóng cũng như hiệu ứng hoạt hình. Nhưng hệ điều hành này phải có khả năng chạy trên tất cả các bộ xử lý G3 mà Apple có trên thị trường cũng như có khả năng chạy chỉ với bộ nhớ đồ họa thấp 8MB. Đó là một đòi hỏi rất cao.

Khi giới thiệu hệ điều hành OS X tại triển lãm Macworld, Jobs cũng tuyên bố việc ông đã trở thành CEO thường trực của Apple, tuyên bố này nhận được sự hoan nghênh của đám đông những nhân vật quan trọng. Một vài nhân viên Apple cho rằng chỉ đến khi hệ điều hành OS X được tung ra thị trường vào tháng 4/2001, Jobs mới thực sự trở thành CEO thường trực của Apple. Vào thời điểm đó, Jobs đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Apple được 2 năm rưỡi, và đã thay thế gần như toàn bộ các giám đốc và nhân viên cao cấp tại Apple, điều chỉnh lại hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm, đem lại sức sống mới cho hệ thống phần cứng bằng chiếc máy tính iMac, cũng như tái tổ chức hoạt động bán hàng. Ratzlaff nhận xét với sự ra đời của hệ điều hành OS X, Jobs đã cải tiến toàn bộ công ty và tất cả những sản phẩm quan trọng của Apple. “Jobs đang chờ đợi những bộ phận quan trọng cuối cùng của công ty hoạt động theo tiêu chuẩn của ông ấy trước khi đảm nhiệm vai trò CEO tại Apple,” Ratzlaff nói.

Tiến trình thiết kế của Jobs

Sau khi cho ra đời hệ điều hành OS X, Jobs chuyển sự quan tâm sang một vài phần mềm khác của Apple, trong đó một số phải trải qua sự điều chỉnh triệt để. Trong nhiều năm, Apple luôn khuyến khích những chuyên gia thiết kế tuân thủ chặt chẽ Những hướng dẫn về giao diện con người, có thể coi như là một cuốn Kinh Thánh được thiết kế nhằm bảo đảm trải nghiệm liên tục của người sử dụng thống nhất qua một chuỗi các sản phẩm ứng dụng. Bản hướng dẫn này đề xuất cho các chuyên gia thiết kế nên đặt thanh menu ở vị trí nào, loại lệnh nào họ nên sử dụng, và những hộp hội thoại nên được thiết kế ra sao. Điều này xuất phát từ ý tưởng tất cả các phần mềm cho máy tính Mac nên có giao diện giống nhau, bất kể phần mềm này được công ty nào phát triển.

Bản hướng dẫn này được soạn thảo lần đầu tiên vào thập kỷ 1980 khi máy tính chủ yếu được sử dụng để tạo và in văn bản. Nhưng trong thời đại Internet, máy tính được sử dụng cho mục đích giải trí và truyền thông cũng thông dụng không kém mục đích in văn bản hay chỉnh sửa video. Những phần mềm dùng để xem phim hay hội thoại qua video có thể đơn giản hơn những chương trình ứng dụng như Photoshop hay Excel rất nhiều. Thông thường, người sử dụng chỉ cần dùng một vài chức năng cơ bản, và tất cả các thành menu phức tạp cùng với những hộp hội thoại có thể được thay thế bằng một vài nút bấm đơn giản. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, người sử dụng máy tính chuyển sang xu thế dùng những ứng dụng nhỏ đơn chức năng trên cả hệ điều hành của Mac (Widgets) và Windows (Gadgets). 

Chương trình QuickTime của Apple là một minh chứng hàng đầu về những phần mềm hưởng lợi từ sự thay đổi cách tư duy về giao diện máy tính. Từng được sử dụng để chạy các file đa phương tiện, chủ yếu là nhạc và phim, QuickTime chỉ cần một vài nút điều khiển chạy và tạm ngừng cũng như điều chỉnh âm lượng. Apple quyết định QuickTime là một trong số những chương trình phần mềm tiên phong có giao diện đơn giản.

Giao diện của QuickTime được thiết kế bởi Tim Wasko, một người Canada ăn nói nhỏ nhẹ sau này tham gia thiết kế giao diện cho máy nghe nhạc iPod. Wasko được biết đến như là một vị thánh về thiết kế tại Apple. “Wasko là một người có niềm đam mê mãnh liệt với Photoshop,” Hoddie nói. “Nếu bạn hỏi: ‘Ý tưởng này về cái gì?’ và câu trả lời sẽ là những cái nhấp chuột” – Hoddie bắt chước âm thanh những ngón tay lướt trên bàn phím – “và chỉ cần như vậy thôi là đủ để diễn tả toàn bộ ý tưởng.”

 Nhóm thiết kế chương trình QuickTime bao gồm nửa tá các chuyên gia thiết kế và lập trình, trong đó có cả Hoddie và Wasko. Họ làm việc với Jobs một hay hai lần mỗi tuần trong vòng 6 tháng. Hàng tuần, nhóm thiết kế giới thiệu hàng chục bản thiết kế mới, xoay quanh một số bố cục và kiểu dáng khác nhau. Nhóm thiết kế đưa ra những ý tưởng ban đầu như sử dụng bề mặt bằng nhựa màu vàng được lấy cảm hứng từ máy nghe nhạc Sport Walkman của Sony cùng nhiều kiểu bề mặt bằng gỗ và kim loại khác nhau. Các ý tưởng đó có vẻ khá mạo hiểm. “Steve không phải là một người cấp tiến về thiết kế, nhưng anh ấy luôn sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới mẻ,” Hoddie nói.

Ban đầu, những bản thiết kế được giới thiệu trên máy tính, nhưng nhóm thiết kế nhận thấy việc chuyển đổi những thiết kế này trên màn hình là không khoa học nên họ chuyển sang in trên giấy khổ lớn. Những bản in này được trải ra trên chiếc bàn họp rộng và có thể được lựa chọn nhanh chóng. Jobs cùng các chuyên gia thiết kế nhận thấy họ có thể dễ dàng lựa chọn những bản thiết kế họ thích từ đống bản in và quyết định bố cục này nên đi với kiểu dáng nào. Phương pháp này hiệu quả đến mức kể từ đó phần lớn chuyên gia thiết kế của Apple đều áp dụng.

Thỉnh thoảng sau những buổi họp, Jobs mang theo một chồng bản in và đem chúng cho những người khác xem. “Jobs có tư duy thiết kế tuyệt vời, nhưng Jobs cũng là một người biết cách lắng nghe,” Hoddie nói.

Sau một vài tuần làm việc với các bản thiết kế khác nhau, Wasko nảy ra ý tưởng về nền màu kim loại bóng, Jobs thích ý tưởng này, nhưng theo ông nó chưa thực sự rõ ràng. Trong buổi họp tiếp theo, Jobs đem đến một cuốn quảng cáo của Hewlett-Packard với biểu tượng HP trên nền kim loại giống như một thiết bị nhà bếp cao cấp. “Tôi thích kiểu dáng này,” Jobs nói với nhóm thiết kế. “Hãy xem các anh có thể làm được gì.”

Nhóm thiết kế quay trở lại với kiểu bề mặt màu kim loại bóng cho chương trình QuickTime. Một vài năm sau này, màu kim loại bóng vẫn là kiểu thiết kế chủ yếu được sử dụng cho phần lớn các phần mềm cũng như các phần cứng cao cấp của Apple. Trong những năm đầu thập kỷ 2000, đa phần các chương trình ứng dụng của Apple được thiết kế bề mặt màu kim loại bóng, từ chương trình duyệt web Safari cho tới bộ lịch iCal.

Jobs tham gia chặt chẽ vào quá trình thiết kế. Jobs đưa ra nhiều ý tưởng cũng như gợi ý để cải tiến bản thiết kế. Đóng góp của Jobs không chỉ gói gọn trong việc lựa chọn bản thiết kế ông thích và không thích. “Jobs không tham gia kiểu ‘cái này tồi, cái này tốt,’” Hoddie nhận xét. “Jobs thực sự là một phần của bản thiết kế.”

Sự đơn giản không thực tế

Jobs không bao giờ hứng thú với công nghệ chỉ vì bản thân công nghệ. Jobs không bao giờ thêm vào những tính năng không cần thiết hay cố nhồi nhét nhiều tính năng vào trong một sản phẩm chỉ vì những tính năng này có thể thêm vào dễ dàng. Jobs làm hoàn toàn ngược lại. Jobs loại bỏ những đặc điểm phức tạp trong sản phẩm cho đến khi những sản phẩm này trở nên đơn giản và dễ sử dụng. Nhiều sản phẩm của Apple được thiết kế bắt nguồn từ quan điểm của người sử dụng.

Ví dụ như kho nhạc trực tuyến iTunes, ra đời năm 2001, thời điểm cao trào của xu hướng chia sẻ dữ liệu trực tuyến. Nhiều người vào thời điểm đó nghi ngại làm cách nào iTunes có thể cạnh tranh với nạn sao chép lậu. Tại sao khách hàng phải trả 1 đô-la cho mỗi bài hát trong khi họ có thể tải cùng bài hát đó miễn phí? Câu trả lời của Jobs là “trải nghiệm của khách hàng.” Thay vì mất thời gian mò mẫm trên những mạng chia sẻ dữ liệu để tìm bài hát, những người yêu thích âm nhạc có thể đăng nhập vào kho nhạc iTunes và mua bài hát chỉ bằng một cái nhấp chuột đơn giản. Apple bảo đảm chất lượng cũng như độ tin cậy của những bài hát này thông qua phương thức mua trực tuyến đơn giản. “Chúng tôi không biết làm cách nào các bạn có thể thuyết phục người sử dụng ngừng hành vi ăn cắp (bản quyền) trừ khi các bạn có thể đem lại cho họ củ cà-rốt – chứ không phải là cây gậy,” Jobs nói. “Và củ cà-rốt đó là: Chúng tôi sẽ đem đến cho các bạn một trải nghiệm tốt hơn… và điều này chỉ tốn của các bạn một đô-la cho mỗi bài hát.”

Jobs luôn lấy khách hàng làm trung tâm. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Jobs luôn nói xuất phát điểm cho máy nghe nhạc iPod không phải là một chiếc ổ cứng nhỏ hay một bộ vi xử lý mới mà là trải nghiệm của người sử dụng. “Steve tiến hành một vài quan sát thú vị từ rất sớm về cách thức duyệt nội dung,” Jonathan Ive nói về chiếc iPod. “Đó là tập trung tối đa và cố gắng không ôm đồm quá nhiều tính năng vào trong chiếc máy này – điều có thể dẫn tới sự phức tạp cũng như nguy cơ thất bại. Những tính năng chính sẽ bị lu mờ vì chúng bị che khuất bởi những thứ vớ vẩn khác.”

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong quá trình thiết kế của Apple là sự đơn giản. Tính đơn giản trong những sản phẩm của Apple được bắt nguồn từ lựa chọn của khách hàng. Với Jobs, ít hơn luôn đồng nghĩa với nhiều hơn. “Khi công nghệ trở nên phức tạp hơn, sức mạnh cốt lõi của Apple ở khả năng biến những công nghệ vô cùng tinh vi trở nên dễ nắm bắt đối với mọi người càng trở thành đòi hỏi lớn hơn,” Jobs phát biểu với tờ Times.

Cựu CEO John Sculley nói Jobs tập trung vào những đặc tính bị loại ra cũng nhiều không kém những đặc tính được thêm vào. “Điều làm cho phương pháp luận của Steve khác biệt với người khác là Steve luôn luôn tin tưởng rằng những quyết định quan trọng nhất chúng ta đưa ra không phải là những điều chúng ta thực hiện mà chính là những điều chúng ta quyết định không thực hiện,” Sculley nói vậy với tôi.

Một nghiên cứu do bà Elke den Ouden thuộc Đại học công nghệ Eindhoven, Hà Lan tiến hành cho thấy gần một nửa sản phẩm bị khách hàng trả để lấy lại tiền vẫn hoạt động tốt, chúng bị trả lại chỉ vì những người chủ sở hữu mới không biết cách sử dụng chúng. Elke nhận thấy những khách hàng phổ thông người Mỹ thường mò mẫm cách thức sử dụng một sản phẩm mới chỉ trong vòng 20 phút trước khi từ bỏ ý định này và đem trả lại cửa hàng. Điều này là sự thật đối với các sản phẩm điện thoại di động, đầu đĩa DVD, và máy nghe nhạc MP3. Ngạc nhiên hơn nữa, Elke còn yêu cầu một vài giám đốc của Phillips (công ty sản xuất đồ điện tử khổng lồ của Hà Lan – một trong số khách hàng của bà ta) đem một đống các sản phẩm về nhà và sử dụng chúng trong kỳ nghỉ cuối tuần. Những giám đốc này, phần lớn là những người am hiểu về công nghệ, không biết cách làm cho những sản phẩm này hoạt động. “Khi được tận mắt chứng kiến khó khăn của khách hàng, những nhà phát triển sản phẩm cảm thấy sững sờ với mớ bòng bong họ đã tạo ra,” Elke viết.

Elke kết luận rằng những sản phẩm này không được xác định rõ đặc điểm trong giai đoạn thiết kế ban đầu: không ai tuyên bố rõ ràng chức năng chủ yếu của sản phẩm là gì. Do đó, các chuyên gia thiết kế thêm vào vô số các đặc tính và khả năng cho đến khi sản phẩm đó trở thành một mớ hỗn độn. Đó là một câu chuyện quá quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế phần mềm và đồ điện tử. Các kỹ sư có xu hướng sáng tạo ra những sản phẩm chỉ bản thân họ mới có thể hiểu được. Hãy xem những chiếc máy nghe nhạc MP3 Nomad Jukebox thế hệ đầu của Creative, giao diện của chúng khó hiểu đến mức chỉ có kẻ nghiện máy tính mới thích nổi.

Nhiều sản phẩm điện tử dân dụng được thiết kế với quan điểm càng nhiều tính năng đồng nghĩa với giá trị cao hơn. Các kỹ sư thường phải chịu áp lực bổ sung các tính năng cho phiên bản sản phẩm mới, điều được thị trường đánh giá là “mới và được cải tiến.” Nhiều trường hợp ôm đồm quá nhiều chức năng bắt nguồn từ sự mong đợi của khách hàng. Khách hàng thường mong muốn phiên bản mới sẽ có những tính năng mới hơn; nếu không, đâu là động lực để nâng cấp? Thêm vào đó, khách hàng có xu hướng tìm mua những thiết bị có nhiều tính năng nhất. Thêm nhiều tính năng đồng nghĩa với có giá trị tốt hơn. Tuy nhiên, Apple cố gắng phản bác lại quan điểm này. Chiếc máy nghe nhạc iPod đầu tiên có phần cứng cho tính năng nghe đài FM và thu âm, tuy nhiên những tính năng này không được thực hiện vì chúng chỉ làm thiết bị phức tạp thêm. “Điều thú vị là ngoài sự đơn giản, đó còn là một sự đơn giản gần như không hoàn hảo, và thể hiện được sự hoàn hảo đó, đã đem đến một sản phẩm hoàn toàn khác biệt,” Ive nói. “Nhưng sự khác biệt không phải là mục đích chính. Thực ra, không khó để phát minh ra một thứ khác biệt. Điều thú vị là, khi ta bắt đầu nhận thấy sự khác biệt đó là kết quả của đòi hỏi đơn giản hoá sản phẩm.”

 Nhiều công ty thích tuyên bố lấy khách hàng làm trung tâm. Họ tiếp xúc với khách hàng và hỏi khách hàng muốn điều gì. Sáng kiến lấy khách hàng làm trung tâm được tiến hành thông qua thu thập ý kiến phản hồi và các nhóm điều tra đại diện. Tuy nhiên, Jobs tránh sử dụng những nghiên cứu không thực tế với những khách hàng bị khoá trong một phòng họp. Jobs tự mình xem xét sản phẩm công nghệ mới đó, ghi lại phản ứng của chính mình, điều được coi như là ý kiến phản hồi đối với các kỹ sư của Apple. Nếu một sản phẩm nào sử dụng quá khó khăn, Jobs đưa ra hướng dẫn để đơn giản hoá sản phẩm đó. Bất kỳ tính năng nào không cần thiết hay gây bối rối sẽ bị loại bỏ. Nếu sản phẩm đó thích hợp với Jobs, nó sẽ thích hợp với khách hàng của Apple.

John Sculley nói rằng Jobs luôn quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng. “Jobs luôn nhìn vào mọi thứ từ quan điểm: vậy trải nghiệm của khách hàng sẽ như thế nào?” Sculley nói. “Nhưng không giống như nhiều người làm việc trong lĩnh vực tiếp thị sản phẩm ngày nay, họ đi ra ngoài và tiến hành điều tra khách hàng, hỏi mọi người về điều họ muốn, Jobs lại không tin vào điều đó. Jobs nói: ‘Làm sao tôi có thể hỏi người nào đó rằng chiếc máy tính dựa trên nền tảng đồ họa nên như thế nào trong khi người đó không có bất kỳ kiến thức nào về nó? Chưa ai từng thấy loại máy tính này trước đó.’”

Sáng tạo trong nghệ thuật và công nghệ là khả năng thể hiện của từng cá nhân. Cũng giống như một người họa sỹ không thể vẽ ra một bức tranh bằng cách tiến hành điều tra nhóm đại diện, Jobs cũng không sử dụng cách thức này. Jobs không thể cải tiến sản phẩm bằng cách hỏi một nhóm điều tra đại diện điều họ muốn – họ không biết rõ mình muốn điều gì. Giống như Henry Ford đã từng nói: “Nếu tôi hỏi khách hàng của mình họ muốn điều gì, họ sẽ trả lời là: một con ngựa.”

Patrick Whitney, giám đốc Viện thiết kế thuộc Viện Công nghệ Illinois, trung tâm thiết kế lớn nhất nước Mỹ, cho rằng việc điều tra những nhóm khách hàng không thích hợp để tiến hành cải tiến công nghệ. Theo cách truyền thống, ngành công nghệ tiến hành các nghiên cứu có kiểm soát chặt chẽ về những sản phẩm mới, đặc biệt là về giao diện. Những nghiên cứu về sự tương tác giữa người sử dụng với máy tính thường được tiến hành sau khi một sản phẩm mới ra đời nhằm xem xét điểm nào đã đạt được như mong đợi và điểm nào cần phải điều chỉnh. Trên lý thuyết, những nghiên cứu này cần sự tham gia của những người không quen thuộc với sản phẩm công nghệ đó, nếu không họ sẽ làm sai lệch kết quả nghiên cứu. “Những nhóm người sử dụng cần có các cá nhân không hiểu biết về công nghệ,” Whitney giải thích. “Nhưng những người sử dụng này không thể nói cho bạn chính xác điều họ muốn. Bạn phải quan sát họ để tìm ra điều đó.”

Whitney cho rằng Sony có thể không bao giờ phát minh ra máy nghe nhạc Walkman nếu công ty này nghe theo những người sử dụng. Thực tế, Sony đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trước khi tung ra sản phẩm này. “Tất cả dữ liệu nghiên cứu thị trường đều chỉ ra Walkman sẽ thất bại. Điều này là hoàn toàn rõ ràng. Sẽ không có khách hàng nào muốn mua nó. Nhưng thành viên sáng lập Sony, ông Akio Morita vẫn tung sản phẩm này ra thị trường. Morita biết đánh giá của người sử dụng là không đáng tin. Jobs cũng như vậy. Jobs không cần đến những nhóm người sử dụng bởi chính Jobs là một chuyên gia về trải nghiệm của người sử dụng.’”

“Chúng tôi có rất đông khách hàng, và chúng tôi tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về số lượng sản phẩm được sử dụng trong thực tế,” Jobs phát biểu với tạp chí Business Week. “Chúng tôi cũng theo dõi khá cẩn thận các xu thế trong ngành công nghiệp máy tính. Nhưng cuối cùng, mọi việc trở nên quá phức tạp, thật khó có thể thiết kế ra những sản phẩm dựa trên đánh giá của các nhóm điều tra đại diện. Đa phần mọi người không biết rõ điều họ muốn cho tới khi chúng tôi chỉ cho họ thấy.”

Jobs là nhóm điều tra đại diện một thành viên của Apple. Một trong những điểm mạnh cơ bản của Jobs là ông không phải là kỹ sư. Jobs không được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực chế tạo máy và lập trình. Jobs không có bằng cấp về kinh doanh. Trên thực tế, Jobs không có bất kỳ bằng cấp nào. Jobs đã bỏ học giữa chừng. Jobs không suy nghĩ giống như một kỹ sư. Ông suy nghĩ giống như một người không chuyên, điều khiến Jobs trở thành đối tượng điều tra hoàn hảo cho những sản phẩm của Apple. Jobs là đối tượng điều tra đặc trưng, khách hàng lý tưởng của Apple. “Về mặt công nghệ, Jobs là một người đam mê hết mình,” Dag Spicer, chuyên viên quản lý cao cấp tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính tại Mountain View, California. “Jobs không được đào tạo cơ bản, nhưng Jobs theo đuổi và đam mê công nghệ từ khi còn là một cậu bé. Jobs có đủ kiến thức để nắm bắt các xu thế mới, giống như một nhà phân tích cổ phiếu tài giỏi. Jobs có quan điểm của một người bình thường (không chuyên). Đó chính là một đặc điểm quý.”

Guy Kawasaki, trưởng nhóm truyền giáo từng làm việc tại Apple, cho biết ngân sách dành cho các nhóm điều tra đại diện và nghiên cứu thị trường tại Apple là một số âm – điều Kawasaki nói chỉ mang tính chất khoa trương. Giống như hầu hết các công ty khác, Apple cũng chi ngân sách vào hoạt động nghiên cứu nhu cầu khách hàng, nhưng Jobs chắc chắn không điều tra người sử dụng khi phát triển sản phẩm mới. “Steve Jobs không tiến hành nghiên cứu thị trường,” Kawasaki nói. “Đối với Jobs, nghiên cứu thị trường cũng giống như việc bán cầu não phải nói với bán cầu não trái vậy.”

Quá trình thiết kế hệ điều hành OS X phản ánh rõ vai trò của Jobs với tư cách là nhóm điều tra đại diện một thành viên của Apple. Bằng cách tập trung vào trải nghiệm của người sử dụng, Jobs định hướng cho việc thiết kế và tạo động lực hướng tới sự đơn giản. Một trong những khả năng thiên phú nổi bật nhất của Jobs được thể hiện trong các quyết định loại bỏ và đơn giản hoá – bất kể đó là số lượng sản phẩm Apple sản xuất hay số lượng nút bấm hộp hội thoại của một ứng dụng nào đó.

 NHỮNG BÀI HỌC TỪ STEVE

• Làm một người chuyên quyền. Một người nào đó phải đưa ra quyết định. Jobs là nhóm điều tra đại diện một thành viên của Apple. Đây không phải là cách thức các công ty khác thực hiện nhưng nó đã đem lại hiệu quả.

• Tạo ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu nhất. Jobs luôn yêu cầu phải có nhiều lựa chọn.

• Thiết kế cẩn thận đến từng chi tiết. Để ý đến từng chi tiết nhỏ. Jobs quan tâm đến cả những chi tiết nhỏ nhất. Các bạn cũng nên làm như vậy.

• Đơn giản hoá. Đơn giản đồng nghĩa với cắt giảm những thứ không cần thiết. Điều này một lần nữa thể hiện sự tập trung của Jobs: đơn giản có nghĩa là nói “không”.

• Đừng sợ phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Hệ điều hành Mac OS X xứng đáng với công sức làm lại từ đầu mặc dù nó cần đến sự đóng góp của một nghìn chuyên gia lập trình nỗ lực không ngừng trong vòng 3 năm để hoàn thành.

• Tránh bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Osborne. Giữ thông tin về loại sản phẩm mới tuyệt đối bí mật cho đến khi sản phẩm này sẵn sàng bán ra thị trường để tránh khách hàng ngừng mua sản phẩm hiện tại trong quá trình đợi sản phẩm mới ra đời.

• Đừng tự bôi xấu chính mình. Các kỹ sư của Apple không thích hệ điều hành cũ Mac OS, nhưng Jobs ra lệnh cho họ thể hiện quan điểm tích cực đối với hệ điều hành này.

• Khi thực hiện các ý tưởng, mọi thứ chỉ là một trò chơi mạo hiểm. Jobs không phải là một người cấp tiến về thiết kế nhưng Jobs luôn sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới mẻ.

• Tìm kiếm cách thức dễ dàng để thể hiện ý tưởng mới. Nếu điều này nghĩa là trải những trang giấy khổ lớn lên một chiếc bàn họp rộng, hãy kiếm một chiếc máy in lớn.

• Đừng nghe theo khách hàng của bạn. Họ không thực sự biết rõ điều họ muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.