Steve Jobs - Thiên Tài Gàn Dở Và Câu Chuyện Thần Kỳ Về Quả Táo

3. THUYẾT HOÀN HẢO: VIỆC THIẾT KẾ SẢN PHẨM VÀ THEO ĐUỔI TIÊU CHUẨN TUYỆT VỜI



“Hãy là một tiêu chuẩn về chất lượng. Một số người không quen với môi trường nơi sự hoàn hảo là điều được mong đợi.”

− Steve Jobs

Vào tháng 1/1999, trước ngày giới thiệu dòng máy tính đa màu sắc mới iMac, Steve Jobs thực hành một bài thuyết trình về sản phẩm tại thính phòng lớn gần trụ sở của Apple. Một phóng viên của tờ Time ngồi trong thính phòng vắng vẻ này, xem Jobs duyệt lại thời khắc quan trọng khi chiếc iMac mới lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Năm chiếc máy tính iMac với đủ màu sắc tươi sáng được đặt trên một cái bệ trượt đằng sau màn sân khấu, sẵn sàng xuất hiện khi có hiệu lệnh của Jobs.

Jobs muốn khi những chiếc máy tính iMac trượt ra từ đằng sau màn sân khấu, thời khắc này phải được chiếu lên một màn hình lớn đặt trên sân khấu. Các kỹ thuật viên sắp đặt mọi thứ, nhưng Jobs không nghĩ ánh sáng sân khấu có khả năng làm nổi bật được những chiếc máy tính gần như trong suốt. Những chiếc iMac trông thật tuyệt vời trên sân khấu, nhưng chúng không thực sự toả sáng trên màn hình máy chiếu. Jobs muốn những chiếc đèn phải được điều chỉnh sáng hơn và được bật sớm hơn. Jobs yêu cầu đạo diễn chương trình thử lại lần nữa. Qua chiếc tai nghe, đạo diễn chương trình chỉ dẫn nhóm nhân viên hậu trường thực hiện theo như Jobs yêu cầu. Năm chiếc iMac được đặt lại đằng sau màn sân khấu, và theo hiệu lệnh, chúng xuất hiện lần nữa.

Nhưng có vẻ ánh sáng vẫn chưa thật thích hợp. Jobs đi về nửa cuối thính phòng và ngồi phịch xuống một chiếc ghế, chân gác lên chiếc ghế phía trước. “Các anh phải làm lại cho tới khi hoàn thiện được điều đó, rõ cả chứ?” Jobs ra lệnh.

Những chiếc iMac lại được đặt sau màn sân khấu và xuất hiện lần nữa, nhưng vẫn chưa làm Jobs hài lòng. “Không! không,” Jobs nói và lắc đầu. “Nó chẳng hiệu quả gì cả.” Các kỹ thuật viên làm lại lần nữa. Lần này những chiếc đèn có ánh sáng vừa đủ, nhưng lại không được bật đúng thời điểm. Jobs bắt đầu mất kiên nhẫn. “Tôi thấy mệt mỏi với việc cứ phải yêu cầu các anh thực hiện điều này,” Jobs cằn nhằn.

Các nhân viên hậu trường làm lại lần thứ năm, và cuối cùng hiệu ứng ánh sáng trông thật tuyệt vời. Những chiếc iMac trông lấp lánh trên màn hình máy chiếu khổng lồ. Jobs vô cùng hân hoan. “Ồ! Đúng như vậy đó! Thật là tuyệt vời!” Jobs kêu lên. “Thật là hoàn hảo! Oaaaaa!”

Chứng kiến tất cả mọi việc, người phóng viên của tạp chí Time thắc mắc không hiểu tại sao lại phải mất quá nhiều thời gian vào một hiệu lệnh bật đèn đơn giản, tiêu tốn quá nhiều công sức cho một chi tiết nhỏ trong toàn bộ chương trình. Tại sao phải đầu tư quá nhiều công sức để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ như vậy? Trước đó, Jobs luôn khen ngợi những cái nắp xoáy mới trên chai nước trái cây Odwalla, điều cũng là một câu đố đối với người phóng viên này. Ai thèm quan tâm tới những cái nắp chai xoáy hay đèn sân khấu phải chắc chắn bật lên một giây trước khi chiếc màn được kéo ra? Vậy ấn tượng khác biệt nào có thể được tạo ra?

Nhưng khi những chiếc iMac xuất hiện, dàn đèn chiếu sáng ngời lên những chiếc máy tính, người phóng viên này thực sự bị ấn tượng. Anh ta viết: “Và bạn biết được điều gì? Jobs hoàn toàn đúng. Những chiếc iMac trông tuyệt vời hơn nhiều khi đèn được bật đúng lúc. Những chai nước Odwalla ngon hơn khi sử dụng nắp chai xoáy. Mọi khách hàng thực sự sẽ bị quyến rũ và mong muốn sở hữu những chiếc máy tính đầy màu sắc lại có thể dễ dàng truy cập Internet.” 

Jobs là một người cẩn thận tới từng chi tiết. Jobs là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo một cách cực đoan, rắc rối đến mức khiến các cộng sự của ông phát điên với những yêu cầu khó tính của mình. Nhưng điểm mà một số người nhận thấy Jobs đòi hỏi sự cầu toàn kiểu cách thì những người khác lại thấy ở đó niềm đam mê theo đuổi sự hoàn thiện. 

Đam mê theo đuổi sự hoàn thiện của Jobs

Tính cách không khoan nhượng của Jobs đã tạo nên một cách tiếp cận phát triển sản phẩm độc đáo tại Apple. Dưới sự hướng dẫn của Jobs, các sản phẩm được phát triển qua những vòng tuần hoàn gần như liên tục giữa mô hình và sản phẩm mẫu, không ngừng được chỉnh sửa và hoàn thiện. Cách thức này được áp dụng với cả phần cứng và phần mềm. Các sản phẩm được chuyển tới chuyển lui giữa các chuyên gia thiết kế, lập trình viên, kỹ sư và người chỉ đạo phát triển sản phẩm và sau đó tiếp tục lặp lại. Quá trình này không diễn ra theo từng bước riêng lẻ. Vô số cuộc họp phối hợp và đề xuất ý tưởng được tổ chức giữa các bộ phận. Công việc được chỉnh sửa hết lần này đến lần khác với trọng tâm làm đơn giản hoá để hoàn thiện sản phẩm. Đó là một quá trình lặp đi lặp lại một cách linh hoạt và đôi khi đồng nghĩa với việc phải quay trở lại xem xét các bản vẽ thiết kế, hay xem xét lại từng phần của sản phẩm.

Cũng giống như việc giới thiệu máy tính iMac, mọi thứ được làm đi làm lại cho tới khi đạt được sự chuẩn xác.

Trong suốt quá trình thiết kế sản phẩm, Jobs luôn yêu cầu sự tập trung cao nhất tới các chi tiết nhỏ để đảm bảo Apple tung ra thị trường các sản phẩm hoàn thiện đáng giá với công sức bỏ ra. Sản phẩm của Apple liên tục giành được nhiều giải thưởng thiết kế lớn nhỏ cũng như giành được lòng trung thành như niềm đam mê của khách hàng.

Niềm đam mê theo đuổi sự hoàn thiện của Jobs chính là bí mật cho những thiết kế tuyệt vời của Apple. Đối với Jobs, thiết kế không có nghĩa là trang trí. Đó không phải là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Đó không phải là vấn đề màu sắc hay các chi tiết kiểu dáng. Với Jobs, thiết kế chính là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế là một chức năng, chứ không phải hình thức. Và để tìm ra chính xác cách thức hoạt động của sản phẩm, nó cần phải được thảo luận kỹ càng trong quá trình thiết kế. Như Jobs giải thích với tạp chí công nghệ Wired trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1996: “Thiết kế là một từ có vẻ buồn cười. Một vài người nghĩ thiết kế nghĩa là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Nhưng nếu các bạn tìm hiểu kỹ hơn, thiết kế thực sự là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế của máy tính Mac không phải là kiểu dáng bên ngoài, mặc dù đó cũng là một phần của thiết kế. Mà chủ yếu là cách thức hoạt động của những chiếc máy này. Để thiết kế một sản phẩm hoàn thiện, bạn phải hiểu rõ về sản phẩm đó. Bạn phải thực sự phải chia sẻ cùng quan điểm với các cộng sự về toàn bộ đặc tính của sản phẩm này. Bạn cần phải có tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình để thực sự hiểu rõ ràng công việc, ‘nhai’ kỹ chứ không phải ‘nuốt chửng’ một cách vội vàng. Phần lớn mọi người không dành thời gian để làm việc này.”

Chiếc máy tính Macintosh nguyên bản mất ba năm để thiết kế. Ba năm làm việc nỗ lực không mệt mỏi. Sản phẩm này không được hoàn thiện theo tiến độ làm việc hăng say thông thường ở nhiều sản phẩm công nghệ khác. Nó phải trải qua những lần chỉnh sửa không ngừng. Mỗi chi tiết thiết kế từ màu sắc chính xác của case (thùng) máy tính cho tới các biểu tượng trên bàn phím đều được xem xét cẩn thận, hết lần này đến lần khác cho tới khi nó hoàn thiện. Như Constantin Brancusi, một nhà điêu khắc người Romani, đã từng nói: “Đơn giản là sự phức tạp đã được giải quyết.”

“Khi các anh bắt đầu một vấn đề và nghĩ nó thật đơn giản, các anh đã không hiểu vấn đề này thực sự phức tạp đến mức nào,” Jobs nói với các chuyên gia thiết kế Mac vào năm 1983. “Một khi các anh đi sâu tìm hiểu vấn đề… các anh sẽ thấy nó phức tạp, và đưa ra các giải pháp chồng chéo với nhau. Đây là điểm mà phần lớn mọi người sẽ dừng lại, và các giải pháp này có vẻ đạt được hiệu quả nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Người thực sự xuất sắc là người sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi, sâu xa của vấn đề rồi mới đưa ra một giải pháp toàn diện có hiệu quả ở mọi mức độ. Đó là điều chúng tôi muốn làm với chiếc máy tính Mac.”

Điểm khởi đầu

Tất nhiên, một phần của thiết kế là tính thẩm mỹ. Niềm đam mê của Jobs với tính thẩm mỹ trên máy tính bắt nguồn từ chiếc máy tính đầu tiên của Apple, chiếc Apple I. Được thiết kế bởi Steve Wozniak và sản xuất thủ công trong gara của cha mẹ Jobs, máy tính Apple I trông chỉ khá hơn một motherboard (bảng mạch chính) thô kệch cùng một vài vi mạch xử lý. Vào thời điểm đó, máy tính cá nhân được bán cho một lượng nhỏ khách hàng có kiến thức về máy tính: các kỹ sư và người đam mê máy tính. Họ mua các bộ phận máy tính riêng lẻ và lắp ráp chúng trong xưởng của mình. Họ tự thêm thiết bị nguồn điện, màn hình, và case (thùng) máy tính. Phần lớn mọi người dùng gỗ để làm case máy tính. Có người đặt motherboard của Apple I vào valy da với dây điện được kéo ra ở đằng sau để làm ra chiếc máy tính xách tay đầu tiên. 

Jobs không thích khiếu thẩm mỹ nghiệp dư của những đam mê máy tính này. Jobs muốn bán những chiếc máy tính hoàn thiện cho những khách hàng trả tiền, càng nhiều càng tốt. Để thu hút những khách hàng thông thường, máy tính của Apple phải trông giống như sản phẩm hoàn thiện, chứ không phải là bán thành phẩm như Healthkit. Điều những chiếc máy tính cần phải có chính là một case máy tính đẹp để làm dấu hiệu thể hiện chức năng sản phẩm tiêu dùng của chúng. Ý tưởng của Jobs là làm những chiếc máy tính hoàn thiện thực sự – một sản phẩm sử dụng tốt, không cần phải lắp ráp, cũng giống như một cái máy pha cà phê. Chỉ cần cắm điện vào, bạn có thể bắt đầu làm việc.

Chiến dịch thiết kế của Jobs bắt đầu với chiếc Apple II, ra đời ngay sau khi công ty hợp nhất vào năm 1976. Trong khi Wozniak nghiên cứu những sản phẩm phần cứng mang tính đột phá (nhờ đó Wozniak giành được một vị trí trong bảo tàng lưu danh những nhà phát minh Mỹ), Jobs tập trung vào những chiếc case máy tính. “Rõ ràng, chỉ có một số người đam mê phần cứng có khả năng lắp ráp máy tính cho riêng mình, còn rất nhiều người khác không tự mình lắp ráp được nhưng vẫn muốn tìm hiểu về máy tính… giống như tôi khi còn là cậu bé 10 tuổi. Ước muốn của tôi đặt vào Apple II là bán một chiếc máy tính hoàn thiện thực sự đầu tiên… Tôi có một ý tưởng mới lạ là làm một chiếc máy tính có case bằng nhựa. 

 Chưa ai từng để máy tính vào case bằng nhựa. Để định hình vỏ máy tính nên trông như thế nào, Jobs lang thang vào các cửa hàng tổng hợp để tìm ý tưởng. Jobs tìm ra được ý tưởng trong ngăn dụng cụ bếp tại cửa hàng Macy khi trông thấy những chiếc máy xay sinh tố Cuisinart. Đó chính là thứ Apple II cần: một chiếc vỏ bằng nhựa đúc bắt mắt với những góc lượn mềm mại, nền màu nhạt cùng bề mặt hơi nháp. 

Không am hiểu nhiều về thiết kế công nghiệp, Jobs tìm kiếm một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Jobs bắt đầu tìm kiếm ở các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này. Jobs đặt vấn đề với hai trong số những công ty thiết kế hàng đầu tại  Silicon Valley, nhưng bị từ chối do Apple không có đủ tiền trả công. Jobs đề nghị trả họ bằng cổ phiếu tại Apple, thứ chẳng có giá trị gì vào thời điểm đó (nhưng nhanh chóng đáng giá hàng triệu đô-la). Họ từ chối. Có lẽ sau này họ phải cảm thấy hối tiếc vì quyết định đó. 

Hỏi han xung quanh, cuối cùng Jobs tìm được Jerry Manock, một nhà thiết kế tự do vừa mới rời công ty Hewlett-Packard một tháng trước đó và đang tìm việc làm. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo. Jobs chỉ có rất ít tiền, trong khi Manock gần như khánh kiệt. “Khi Steve đề nghị tôi thiết kế vỏ ngoài cho máy tính Apple II, tôi không hề có ý định từ chối,” Manock nói. “Nhưng tôi đề nghị được ứng trước tiền công.”

Manock thiết kế một chiếc vỏ máy tính có hình dáng phù hợp với bảng mạch chủ do Wozniak chế tạo. Điểm cân nhắc lớn nhất đó là chiếc vỏ này có thể đúc dễ dàng với chi phí thấp. Manock thiết kế một khối nghiêng ở phía trước để đặt bàn phím cố định với máy tính, phần đằng sau cao hơn để tạo không gian đặt những khe cắm mở rộng. Jobs muốn chiếc máy tính trông thật ấn tượng khi người sử dụng mở vỏ máy tính ra nên đề nghị Manock mạ chrome phía trong vỏ máy, nhưng Manock bỏ qua ý tưởng này và Jobs cũng chẳng đòi hỏi thêm điều đó. 

Để hoàn tất phần vỏ máy tính cho lần xuất hiện đầu tiên của Apple II trước công chúng tại Hội chợ máy tính West Coast vào tháng 4/1977 (ngày nay được coi như là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của ngành công nghiệp máy tính cá nhân), Manock cho làm một vài vỏ máy tính tại một xưởng đúc nhựa giá rẻ. Khi những chiếc vỏ được chuyển đến, trông chúng khá thô. Họ phải đánh bóng bằng cát để cho phần nắp khít với phần đế, một vài vỏ máy tính được sơn để trông bắt mắt hơn. Manock chuẩn bị 20 cái vỏ máy tính cho Hội chợ, nhưng chỉ có 3 cái hoàn thiện với bảng mạch ở bên trong. Jobs đặt 3 chiếc máy này ở bàn đằng trước. Jobs xếp những chiếc máy chưa hoàn thiện rất chuyên nghiệp ở phía sau gian trưng bày. “So sánh với những chiếc máy tính thô sơ trong những gian trưng bày khác tại Hội chợ, những chiếc máy tính hoàn thiện có vỏ nhựa của chúng tôi làm cho mọi người cảm thấy hứng thú,” Manock nhớ lại. “Mặc dù Apple chỉ mới thành lập được vài tháng, nhưng khi nhìn vào những chiếc máy tính có vỏ bằng nhựa này, mọi người có cảm giác như thể chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn vậy.”

Những chiếc vỏ đúc bằng nhựa giúp Apple II trở thành một sản phẩm tiêu dùng, giống như Hewlett-Packard đã làm được với máy tính bỏ túi. Trước khi Bill Hewlett thiết kế chiếc máy tính “bỏ túi” đầu tiên, phần lớn máy tính là những phiên bản đặt trên bàn có kích thước lớn và khá đắt. Những nghiên cứu thị trường của HP trước đó đã ước tính nhu cầu của thị trường đối với máy tính bỏ túi là khoảng 50 nghìn chiếc. Nhưng theo bản năng, Hewlett nhận thấy các nhà khoa học và kỹ sư có lẽ sẽ thích loại máy tính bỏ túi nhỏ gọn có vỏ bằng nhựa. Hewlett đã đúng. HP đã bán 50 nghìn chiếc máy tính bỏ túi HP-35 chỉ trong vòng vài tháng đầu tiên. Chính vỏ máy đã tạo ra sự khác biệt.

Cũng tương tự như vậy, việc chế tạo Apple II với vỏ máy bằng nhựa tiện lợi đã làm biến đổi máy tính cá nhân từ một công việc chỉ dành cho những người đam mê máy tính tự mình lắp ráp trở thành một thiết bị tiện lợi cho mọi người sử dụng thông thường. Jobs đã hy vọng Apple II có thể thu hút được những người yêu thích phần mềm, hơn là chỉ hấp dẫn với những người đam mê tìm hiểu các đồ điện tử, và mong muốn của Jobs đã thành hiện thực. Hai lập trình viên là sinh viên của trường đại học Harvard gồm Dan Bricklin và Bob Frankston đã phát minh ra VisiCalc – bảng tính đầu tiên – phần mềm này nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến trong máy tính Apple II. VisiCalc giúp thực hiện tự động hoá công việc tính toán buồn tẻ. Các nhân viên kế toán thường phải mất nhiều giờ để tính toán sổ sách kinh doanh thì nay công việc này bỗng nhiên trở nên dễ dàng. VisiCalc – cùng với Apple II – trở thành trang bị cần phải có trong mỗi hoạt động kinh doanh. Doanh thu của Apple II tăng từ 770.000 đô-la vào năm 1977 lên 49 triệu đô-la vào năm 1979 – biến Apple II trở thành chiếc máy tính cá nhân có doanh thu bán hàng tăng nhanh nhất trong thời kỳ đó.

Jobs tham gia vào lĩnh vực thiết kế

Cùng với sự thành công nhanh chóng của Apple II, Jobs bắt đầu chú tâm tới lĩnh vực thiết kế công nghiệp. Thiết kế là nhân tố quan trọng để phân biệt triết lý tiện dụng cho người sử dụng của Apple với kiểu đóng gói thô sơ, thực dụng của các đối thủ cạnh tranh như IBM.

Tháng 3/1982, Jobs quyết định Apple cần một nhà thiết kế công nghiệp “tầm cỡ thế giới”. Jerry Manock cũng như các thành viên khác trong nhóm thiết kế của Apple không đáp ứng được tiêu chí này. Vào đầu thập kỷ 1980, thiết kế trở thành một động lực chính trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là tại châu Âu. Thành công bất ngờ của Memphis, một bộ thiết kế các sản phẩm và đồ gia dụng từ Italia đang chi phối lĩnh vực thiết kế trong thời gian đó, đã khiến Jobs nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để đem sự tinh tế cùng chất lượng của những mẫu thiết kế áp dụng vào trong lĩnh vực kinh doanh máy tính. Jobs đặc biệt quan tâm tới việc thiết lập một loại ngôn ngữ thiết kế thống nhất cho tất cả sản phẩm của công ty. Jobs muốn đem lại cho các sản phẩm phần cứng sự nhất quán trong thiết kế mà Apple bắt đầu đạt được trong lĩnh vực phần mềm, và biến nó trở thành một tiêu chí đặc trưng dễ nhận biết đối với sản phẩm của Apple. Vì vậy, Apple tổ chức một cuộc thi thiết kế, chỉ dẫn các ứng viên lựa chọn cảm hứng từ các tạp chí thiết kế như I.D. để phác thảo ra 7 sản phẩm, mỗi sản phẩm đặt theo tên một trong số 7 chú lùn của nàng Bạch Tuyết. 

Người giành chiến thắng là Hartmut Esslinger, một nhà thiết kế công nghiệp người Đức ở tầm tuổi 35 và cũng giống như Jobs, nghỉ học giữa chừng để thực hiện ước mơ với động lực và hoài bão lớn lao. Esslinger từng tham gia thiết kế mẫu TV cho Sony. Năm 1983, Esslinger chuyển đến California và tự thành lập một văn phòng thiết kế có tên Frog Design, Inc., chuyên thiết kế cho Apple với mức lương cao chưa từng thấy 100.000 đô-la mỗi tháng, cộng với tiền làm theo giờ và một số khoản phụ phí khác. 

 Làm việc cho Apple, Esslinger đã hình thành nên một phong cách đặc trưng được biết đến như là ngôn ngữ thiết kế “Bạch Tuyết”, phong cách đã thống trị lĩnh vực thiết kế vỏ máy tính trong suốt một thập kỷ – và không chỉ thống trị tại Apple mà nó còn có ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp máy tính thế giới. 

Ngôn ngữ thiết kế “Bạch Tuyết” của Esslinger được đặc trưng bằng việc sử dụng một cách khéo léo các mặt vát, cạnh xiên, và góc tròn. Phong cách này được thể hiện rõ nét trên chiếc máy tính Macintosh SE, một chiếc máy tính đa chức năng có case máy tính thẳng đứng và màn hình trông giống một khuôn mặt. Chiếc máy này được thiết kế tao nhã nhưng thể hiện cá tính đặc trưng, dễ gần.

Giống như Jobs, Esslinger luôn để ý tới các chi tiết nhỏ. Một trong những phong cách của Esslinger là sử dụng những đường sọc thẳng và ngang, góp phần chia nhỏ vỏ máy tính khiến cho nó trông có vẻ nhỏ hơn thực tế. 

Nhiều đường sọc được mở rộng để làm các khe thông gió, được thiết kế chính xác thành các mặt cắt hình chữ S để tránh những vật như cái kẹp giấy chui vào trong máy. Esslinger cũng kiên quyết sử dụng những phương thức sản xuất tiên tiến nhất và gợi ý Jobs nên áp dụng một loại kỹ thuật đúc đặc biệt được biết đến với tên gọi zero-draft (không phác thảo). Mặc dù kỹ thuật này rất tốn kém, nó giúp cho vỏ máy tính của Apple nhỏ và chính xác hơn, đạt tiêu chuẩn hoàn thiện mà Jobs luôn tán thành. Kỹ thuật này cũng làm cho vỏ máy tính rất khó để những kẻ làm hàng giả bắt chước; vào thời điểm đó, Apple đang phải đối mặt với vấn đề hàng giả giá thành rẻ.

Những thiết kế “Bạch Tuyết” của Apple tiếp tục giành được nhiều giải thưởng thiết kế, và thậm chí những ý tưởng này được nhiều đối thủ cạnh tranh của Apple áp dụng rộng rãi đến mức chúng trở thành tiêu chuẩn được thừa nhận ngầm về thiết kế vỏ máy tính. Tất cả các máy tính màu be của Dell, IBM, Compaq, và các công ty sản xuất máy tính khác được bán trong thập kỷ 1980 và 1990 trông khá giống nhau và đó là do cùng áp dụng kiểu thiết kế  “Bạch Tuyết”.

Máy tính Macintosh, chiếc máy tính với chất lượng giống xe Wolkswagen của Jobs

Trước khi Esslinger trở thành chuyên gia thiết kế chính của Jobs, Jobs cũng bắt đầu “mài sắc giác quan thiết kế” của mình. Năm 1984, khi đang phát triển chiếc máy tính Macintosh thế hệ đầu, Jobs bắt đầu phát triển một quy trình thiết kế đặc trưng bằng việc liên tục điều chỉnh các sản phẩm mẫu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của mình, Jobs chỉ định Manock thiết kế vỏ ngoài cho máy tính Mac. Sau khi trở thành một nhân viên chính thức của Apple, Manock cộng tác chặt chẽ với một nhà thiết kế tài năng khác của Apple, Terry Oyama, người phụ trách phần lớn việc thiết kế ban đầu.

Jobs muốn máy tính Mac phải hoạt động ổn định giống như một chiếc xe Wolkswagen – nghĩa là một chiếc máy tính giá rẻ, thông dụng cho mọi đối tượng khách hàng. Để chiếc máy tính này có thể sản xuất dễ dàng, Jobs học tập kinh nghiệm của một trong những thần tượng của ông, Henry Ford. Jobs chỉ đưa ra một loại cấu hình cho Mac, ví như chiếc máy tính Model T, bị chế nhạo là có thể mang bất cứ màu sắc nào không cứ chỉ là màu đen. Chiếc máy tính Mac thế hệ đầu có màu be, không có khe cắm mở rộng và có bộ nhớ rất hạn chế. Đó là những quyết định gây tranh cãi vào thời điểm đó, và nhiều người dự đoán những quyết định đó sẽ khiến chiếc máy tính này thất bại. Không ai sẽ mua một chiếc máy tính có cấu hình thấp như vậy mà lại không có khả năng nâng cấp. Nhưng cũng giống như Ford, Jobs đưa ra quyết định này chủ yếu để tiết kiệm giá thành sản xuất. Nhưng nó cũng có một tác dụng phụ mà theo Jobs dự đoán sẽ có lợi cho người sử dụng: đơn giản hoá chiếc máy tính này.

Jobs muốn những người lựa chọn chiếc máy tính này có thể sử dụng được ngay lập tức, bất kể họ có kiến thức về máy tính hay không. Jobs khẳng định người sở hữu chiếc máy tính mới này không cần phải lắp ráp, không phải cắm màn hình vào case máy tính; và chắc chắn họ không phải học bất kỳ mã lệnh bí mật nào để sử dụng chiếc máy tính này. 

Để làm chiếc máy tính này có thể dễ dàng cài đặt, Jobs cùng nhóm thiết kế quyết định màn hình, ổ đĩa cùng bảng mạch của chiếc máy tính Mac được đặt trong cùng một case máy tính, với bàn phím tháo rời và chuột được cắm đằng sau case. Kiểu thiết kế tất cả trong một này giúp cho người sử dụng không phải lắp đặt dây điện cùng ổ cắm giống như những máy tính khác, và làm nó trông nhỏ hơn khi đặt trên bàn. Mac được thiết kế với chiều thẳng đứng có vẻ khác thường vào thời điểm đó. Ổ đĩa được đặt phía dưới màn hình, thay vì đặt bên cạnh như những chiếc máy tính khác vào thời đó, làm cho chúng trông giống như những cái hộp đựng bánh pizza.

Kiểu sắp đặt dựng đứng này khiến cho chiếc máy tính Mac trông giống như một khuôn mặt. Khe ổ đĩa tương tự như cái miệng còn hốc cắm bàn phím ở dưới đáy là cái cằm. Jobs chộp ngay lấy ý tưởng này. Jobs muốn chiếc máy tính Mac trông thân thiện và có thể sử dụng dễ dàng nên đã chỉ đạo cho nhóm thiết kế tạo ra kiểu case máy tính “thân thiện”. Ban đầu, các nhà thiết kế không hiểu rõ điều Jobs muốn ám chỉ. “Cho dù Steve không vẽ bất kỳ đường nét nào nhưng ý tưởng và cảm hứng của ông đã định hình ra thiết kế này,” Oyama nói sau này. “Thành thật mà nói, chúng tôi không hình dung được một chiếc máy tính ‘thân thiện’ phải như thế nào cho đến khi Jobs nói với chúng tôi.”

Jobs không thích những thiết kế ra đời trước Mac. Chiếc máy tính Lisa với một dải bằng nhựa phía trên màn hình. Nó làm cho Jobs liên tưởng đến vầng trán của người Cro-Magnon (người thông minh đầu tiên ở châu Âu). Jobs quyết định “trán” của máy tính Mac phải mỏng hơn và trông thông minh hơn. Jobs cũng muốn case máy tính phải bền và chống xước. Manock lựa chọn loại nhựa cứng ABS – loại nhựa được sử dụng để làm các viên gạch trong trò chơi xếp hình Lego – và tạo cho nó một kết cấu bền giúp tránh được các vết xước. Manock chọn màu be, màu Pantone 453, mà ông nghĩ sẽ lâu phai dưới ánh sáng mặt trời. Những màu sắc tươi sáng được sử dụng ở những dòng máy tính trước đó sau một thời gian sử dụng đã biến thành màu vàng xỉn xấu xí. Thêm vào đó, màu be đất có vẻ như là màu thích hợp nhất với các văn phòng và căn hộ, và nó cũng tương tự như màu mà hãng Hewlett-Packard sử dụng cho nhưng chiếc máy tính của mình lúc đó. Quyết định lựa chọn màu sắc này đã khởi đầu cho một xu hướng sử dụng màu be cho máy tính và thiết bị văn phòng kéo dài gần 20 năm.

Oyama làm một mô hình bằng thạch cao và Jobs tập trung tất cả các nhóm phát triển sản phẩm để nhận xét về mô hình này. Andy Hertzfeld, một thành viên chủ chốt của nhóm thiết kế, người đã viết nhiều phần mềm hệ thống, nghĩ mô hình này trông đáng yêu, hấp dẫn và có một cá tính đặc trưng. Nhưng Jobs thấy vẫn cần phải cải tiến tiếp. “Sau khi những người khác đưa ra nhận xét của mình, Steve đưa ra một tràng phê bình không thương tiếc: ‘Trông nó quá vuông vức, nó cần phải mềm mại hơn nữa. Thiết diện của mặt vát đầu tiên cần phải lớn hơn, và tôi không thích kích cỡ của mặt vát này. Nhưng dù sao đây cũng là bước khởi đầu,’” Hertzfeld nhớ lại. “Tôi thậm chí còn không biết mặt vát là cái gì, nhưng Steve có vẻ diễn đạt rất trôi chảy ngôn ngữ trong ngành thiết kế công nghiệp, và luôn đòi hỏi cực kỳ khắt khe về thiết kế.”

Jobs tập trung vào mọi chi tiết. Thậm chí con chuột còn được thiết kế tương đồng với hình dáng của chiếc máy tính: nó có cùng tỉ lệ kích thước, và nút bấm hình vuông duy nhất của con chuột cũng tương ứng với hình dáng và vị trí của màn hình.

Chỉ có một công tắc duy nhất ở máy tính Mac – công tắc bật/tắt. Công tắc này được đặt ở phía sau máy, nơi người sử dụng không tình cờ đụng vào và làm tắt máy tính. Bởi vì nó được giấu ở đằng sau, Manock cẩn thận thiết kế một khu vực mềm xung quanh công tắc để người sử dụng có thể dễ dàng sờ thấy ở đằng sau máy. Theo đánh giá của Manock, chính việc chú trọng tới từng chi tiết đã đưa Mac trở thành chiếc máy tính được ưa thích trong một thời gian dài. “Việc chú trọng tới từng chi tiết đã biến một sản phẩm bình thường thành một đồ tạo tác,” Manock nói.

Jobs cũng đưa ra nhiều ý tưởng về thiết kế cho Mac để quyết định đến sự tương tác của người sử dụng với nó. Ví dụ như Jobs quyết định bỏ tất cả các phím chức năng và con trỏ mũi tên, những phím tiêu chuẩn trên bàn phím ở thời điểm đó. Jobs không muốn người sử dụng ấn các phím chức năng để tương tác với máy tính – thay vào đó người sử dụng phải dùng chuột. Đó là một ví dụ đầu tiên cho tiêu chuẩn hình thức quyết định chức năng. Việc thiếu các phím chức năng này có một hiệu quả phụ nữa: nó đòi hỏi các nhà phát triển phần mềm phải viết lại hoàn toàn các chương trình của họ cho giao diện Mac, thay vì đơn giản chỉ chỉnh sửa một số đặc điểm trong phần mềm cho máy tính Apple II. Giao diện đồ họa tương tác với người sử dụng của Mac thể hiện một cách thức tương tác mới với máy tính, và Jobs muốn buộc các nhà phát triển phần mềm phải áp dụng tiêu chuẩn này một cách triệt để.

Mỗi tháng trong vòng vài tháng liên tiếp, Manock cùng Oyama làm ra các hình mẫu mới, và Jobs tập hợp các nhóm phát triển sản phẩm để lắng nghe đánh giá của họ. Mỗi lần có hình mẫu mới, tất cả các hình mẫu cũ được xếp đối diện với mẫu mới để so sánh. “Đến mẫu thứ tư, tôi khó có thể phân biệt nó với hình mẫu thứ ba, nhưng Steve luôn đưa ra lời nhận xét và rất quyết đoán, nói Jobs thích hay không thích một chi tiết mà tôi khó có thể quan sát được,” Hertzfeld nhớ lại. Manock và Oyama làm năm hay sáu sản phẩm mẫu trước khi Jobs cảm thấy ưng ý, sau đó họ chuyển sự quan tâm sang công việc biến nó thành một chiếc case máy tính được sản xuất hàng loạt. Để ăn mừng – và để công nhận sự nỗ lực không mệt mỏi của nhóm thiết kế – Jobs tổ chức một “bữa tiệc ký kết” bằng sâm-panh và các thành viên chủ chốt của nhóm thiết kế ký tên vào mặt bên trong của case máy tính. “Việc này giống như các họa sỹ ký tên vào tác phẩm của mình vậy,” Jobs giải thích.

Tuy nhiên, khi Mac chính thức được tung ra thị trường vào tháng 1/1984, nó thực sự có cấu hình quá thấp. Để tiết kiệm chi phí, Jobs chỉ thiết kế dung lượng bộ nhớ 128K, quá nhỏ so với dung lượng cần thiết. Những thao tác đơn giản như sao chép các file dữ liệu trở thành công việc chán ngắt đòi hỏi người sử dụng phải nhét, tháo đĩa mềm. Những người sử dụng thời gian đầu yêu thích chiếc máy tính này trên nguyên tắc nhưng lại không thích nó khi thao tác. “Điều tôi (và tôi nghĩ cả những khách hàng khác đã mua Mac từ những ngày đầu tiên) yêu thích không phải là bản thân chiếc máy tính, quá chậm và cấu hình thấp, mà yêu thích ý tưởng lãng mạn được thể hiện trong chiếc máy tính này,” tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Douglas Adams viết.

Mac thể hiện cam kết của Jobs đem công nghệ đến với mọi người dân. Jobs muốn một chiếc máy tính thân thiện, dễ tiếp cận mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng – và Jobs đạt được mục đích này thông qua cách thiết kế thích hợp. Jobs cũng phát triển quá trình thiết kế đặc trưng – “khám phá” một sản phẩm thông qua việc xem xét liên tục hết các mô hình mẫu. 

Khám phá Apple

Jobs chú ý tới mọi chi tiết thiết kế của máy tính, bao gồm cả việc thiết kế cách bao gói sản phẩm. Trên thực tế, Jobs quyết định cách đóng gói máy tính Macintosh phải là một phần không thể thiếu trong việc giới thiệu với khách hàng nền tảng “cách mạng” của máy tính này. 

Quay trở lại thời điểm năm 1984, không người nào ngoài một số người làm việc trong một vài phòng thí nghiệm nghiên cứu đã từng thấy bất kỳ vật dụng nào giống như chiếc máy tính Macintosh. Thời điểm đó, chỉ các kỹ sư và những người đam mê công nghệ mới sử dụng máy tính cá nhân. Họ mua những bộ phận riêng lẻ của máy tính và lắp ráp chúng trong xưởng cơ khí. Máy tính lúc đó thực hiện các phép toán và được điều khiển bằng cách đánh lệnh tại vị trí con trỏ nhấp nháy. 

Ngược lại, Jobs cùng nhóm phát triển Mac đã thiết kế một chiếc máy tính thân thiện với những biểu tượng sinh động và các thanh menu bằng tiếng Anh thông thường, tất cả đều được điều khiển bằng một thiết bị trỏ và nhấp lạ lẫm – con chuột.

Để giúp khách hàng tự mình làm quen với con chuột và các thiết bị khác của máy tính Mac, Jobs quyết định khách hàng nên tự lắp ráp Mac khi lấy ra khỏi hộp đựng. Việc ráp các bộ phận của máy tính góp phần giới thiệu với người sử dụng tất cả các bộ phận máy tính, và đem lại cho họ một cảm giác về cách thức hoạt động của chiếc máy tính này.

Tất cả các bộ phận – máy tính, bàn phím, con chuột, dây điện, ổ đĩa, và sách hướng dẫn sử dụng – được đóng gói riêng biệt. Jobs tham gia vào quá trình thiết kế hộp đựng, được trang trí bằng hình ảnh đen trắng của Mac và một vài nhãn hiệu khác, sử dụng kiểu font chữ Apple Garamond khá mềm mại. Vào thời điểm đó, Jobs nói về “tính thanh lịch” và “khiếu thẩm mỹ”, nhưng những ý tưởng về cách đóng gói đã đưa đến cho ngành công nghệ một quá trình thú vị – “đập hộp một sản phẩm”, một cách thức giúp người sử dụng làm quen với thiết bị mới – cách thức này đã được mọi công ty từ Dell tới những nhà sản xuất điện thoại di động áp dụng sau này. 

Apple vẫn luôn cẩn thận trong việc thiết kế bao gói sản phẩm với những hướng dẫn về cách giới thiệu sản phẩm.

Năm 1999, Jonathan Ive kể lại trên tạp chí Fast Company về quy trình đóng gói chiếc máy tính iMac đầu tiên được thiết kế cẩn thận nhằm mục đích giới thiệu nó với người sử dụng mới. Các phụ kiện của máy tính iMac, bàn phím, và sách hướng dẫn đều được đặt trong một miếng xốp gấp đôi. Khi khách hàng mở miếng xốp đầu tiên, họ thấy cái quai nắm ở phía trên máy tính iMac – thứ rõ ràng chỉ cho người sử dụng phải nhấc chiếc máy ra khỏi hộp và đặt nó lên bàn. “Quai nắm là một ý tưởng tuyệt vời,” Ive nói. “Bạn sẽ biết ngay cái quai nắm đặt ở đó nhằm mục đích gì.”

Sau đó khách hàng tự nhiên sẽ chuyển sang hộp đựng thiết bị trong đó chứa 3 loại dây cáp: một là dây cáp điện, một là dây mạng, và cái còn lại là dây cắm bàn phím. Ive nói cách giới thiệu những bộ phận này theo thứ tự – từ quai nắm của iMac, sau đó tới những dây cáp để lắp đặt máy – đều được suy tính cẩn thận nhằm mục đích hướng dẫn một cách rõ ràng đối với khách hàng, cho dù trước đó có thể họ chưa từng mua một chiếc máy tính nào, những bước cần làm để lắp đặt và khởi động nó. “Điều này nghe có vẻ đơn giản và hiển nhiên,” Ive nói. “Nhưng để đạt được mức độ đơn giản như vậy thường đòi hỏi việc thử đi thử lại nhiều lần trong quá trình thiết kế. Bạn phải dành nhiều năng lượng để hiểu rõ những vấn đề tồn tại mà khách hàng gặp phải – cho dù họ khó có thể tự nhận thấy những vấn đề đó.”

Việc chú ý tới mức chi tiết như vậy đôi khi bị coi là điên khùng; và đôi khi nó thực sự như vậy. Ngay trước khi tung ra máy nghe nhạc iPod, Jobs cảm thấy không hài lòng vì việc giắc cắm tai nghe không tạo ra âm thanh lách cách vừa ý khi cắm và rút tai nghe. Hàng chục chiếc iPod mẫu chuẩn bị được đem tặng cho các phóng viên và khách VIP tại buổi giới thiệu sản phẩm. Jobs chỉ đạo một người kỹ sư trang bị thêm cho tất cả những chiếc máy nghe nhạc iPod đó giắc cắm mới, loại có thể tạo ra tiếng lách cách mà Jobs mong muốn. 

Đây là một ví dụ khác: Có thời điểm Jobs muốn điều chỉnh lại thiết kế bảng mạch chính nguyên bản của máy tính Mac vì lý do thẩm mỹ. Theo Jobs, bảng mạch chính này trông “xấu xí”, và Jobs muốn điều chỉnh lại bảng mạch chính để làm các mạch vi xử lý và mạch điện sắp xếp gọn gàng hơn. Theo lẽ tự nhiên, các kỹ sư cảm thấy thất kinh. Bảng mạch chính là một thiết bị công nghệ cực kỳ phức tạp. Sắp đặt của bảng mạch chính được thiết kế cẩn thận để đảm bảo sự liên kết ổn định và chắc chắn giữa các bộ phận. Nó được sắp đặt cẩn thận nhằm hạn chế sự lỏng lẻo giữa các mạch vi xử lý và hạn chế tình trạng nhiễm điện từ vi mạch  này sang vi mạch khác. Việc thiết kế lại bảng mạch chính để làm nó trông bắt mắt hơn không phải là việc dễ dàng. Theo lẽ tự nhiên các kỹ sư phản đối ý tưởng này, nói rằng không có người dùng nào lại điên rồ đến mức có ý định xem bảng mạch chính. Quan trọng hơn, những kỹ sư này dự đoán sự sắp đặt mới sẽ làm cho thiết bị này hoạt động không bình thường. Nhưng Jobs kiên quyết thực hiện ý tưởng này. “Một người thợ mộc giỏi sẽ không sử dụng miếng gỗ xấu để làm phần lưng của một chiếc tủ, cho dù sẽ không ai nhìn thấy nó,” Jobs nói.

Bất đắc dĩ, các kỹ sư thiết kế phần cứng sáng tạo ra một bản thiết kế mới, đầu tư vài ngàn đô-la để sản xuất một bảng mạch gọn gàng hơn. Nhưng đúng như dự đoán, bảng mạch chính mới không hoạt động, và Jobs phải từ bỏ ý tưởng này.

Lòng kiên quyết theo đuổi sự hoàn thiện của Jobs đôi khi làm trì hoãn sự ra đời của các sản phẩm; và Jobs sẵn sàng chấm dứt bất kỳ dự án nào dù nhóm thiết kế đã phải làm việc trong nhiều năm. Tuy nhiên, tính cách kiên quyết không nhân nhượng của Jobs đã đảm bảo các sản phẩm của Apple không bao giờ được tung ra thị trường khi chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của Jobs. Giống như một người thợ mộc giỏi, Jobs áp dụng cách thức tiếp cận kiểu thủ công đối với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. 

Cuộc tranh luận về sản phẩm máy giặt tuyệt vời

Vào đầu thập niên 1980, Jobs nổi tiếng với việc sống trong một ngôi nhà lớn nhưng gần như không có đồ đạc gì, Jobs không chấp nhận được những vật dụng không đạt tiêu chuẩn của riêng mình. Jobs ngủ trên một tấm nệm, được bao xung quanh bằng vài bức tranh in khổng lồ. Thậm chí Jobs còn mua một chiếc đàn piano sản xuất tại Đức cho dù không hề biết chơi loại nhạc cụ này. Lý do là Jobs ngưỡng mộ kiểu thiết kế và sự khéo léo trong việc tạo tác chiếc đàn piano ấy. Khi cựu CEO của Apple, John Sculley thăm nhà Jobs, Sculley cảm thấy vô cùng bất ngờ trước vẻ luộm thuộm của ngôi nhà. Nó trông như bị bỏ hoang, đặc biệt khi so sánh với với những lâu đài được chăm sóc hoàn hảo xung quanh nhà Jobs. “Tôi xin lỗi tôi không có nhiều đồ đạc,” Jobs nói với Sculley, “tôi thực sự không có thời gian quan tâm tới chúng.”

Sculley nói Jobs không muốn mua bất cứ vật dụng nào trừ cái tốt nhất. “Tôi nhớ lần đến nhà Jobs và anh ta không có bất kỳ đồ đạc nào; Jobs chỉ có một bức hình Einstein, người Jobs vô cùng ngưỡng mộ cùng chiếc đèn Tiffany, một cái ghế và giường,” Sculley kể với tôi. “Jobs không cần nhiều đồ đạc, nhưng Jobs lựa chọn cực kỳ cẩn thận thứ mình muốn.”

Jobs gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm. Có dạo, khi đi tìm một chiếc điện thoại mới, Jobs không thể quyết định nên mua chiếc nào bởi vì ông không thích bất kỳ chiếc nào trong số đó. “Tôi đi vòng vòng mà chẳng mua được gì nhiều,” Jobs trả lời câu hỏi về vật dụng hay sản phẩm công nghệ nào ông mua, “bởi vì tôi thấy những sản phẩm này trông thật lố bịch.”

Khi Jobs đi mua sắm, quá trình mua sắm có thể diễn ra rất phức tạp. Khi kiếm mua một chiếc máy giặt và sấy quần áo mới, Jobs có thể kéo cả gia đình vào một cuộc thảo luận dài 2 tuần về việc lựa chọn mẫu sản phẩm nào. Không giống như hầu hết các gia đình khác, gia đình Jobs không nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên những đặc điểm và giá cả. Thay vào đó, cuộc thảo luận về việc chọn mua sẽ xoay quanh việc phân tích kiểu thiết kế của Mỹ với kiểu thiết kế của châu Âu, lượng tiêu thụ nước và bột giặt, tốc độ giặt cùng độ bền của quần áo. 

“Đôi lúc chúng tôi thảo luận về việc cân bằng các yếu tố chúng tôi muốn đạt được. Chúng tôi cuối cùng bàn thảo nhiều về thiết kế, cùng giá trị sử dụng đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi quan tâm nhiều đến việc quần áo sẽ được giặt xong trong vòng một tiếng hay tiếng rưỡi? Chúng tôi quan tâm tới việc quần áo có mềm mại và bền hơn không? Chúng tôi quan tâm tới việc có tiết kiệm được 1/4 lượng nước sử dụng không? Chúng tôi mất 2 tuần thảo luận về vấn đề này tại bàn ăn mỗi buổi tối. Chúng tôi có nhiều thời gian thảo luận về chiếc máy giặt, sấy quần áo cũ. Và cuộc nói chuyện chỉ xoay quanh kiểu thiết kế.”

Cuối cùng, Jobs lựa chọn sản phẩm của Đức, mà theo Jobs nghĩ là “quá đắt” nhưng giặt quần áo sạch với lượng nước và xà phòng ít hơn. “Chiếc máy giặt này được thiết kế thực sự tuyệt vời và là một trong số ít sản phẩm chúng tôi mua trong vòng vài năm gần đây mà cả gia đình tôi đều cảm thấy hài lòng,” Jobs nói. “Những người thiết kế chiếc máy giặt này đã suy tính cẩn thận về quá trình phát triển sản phẩm. Họ đã làm tốt công việc thiết kế những chiếc máy giặt và sấy quần áo này. Tôi cảm thấy hài lòng với chiếc máy giặt này hơn bất kỳ sản phẩm công nghệ cao nào trong nhiều năm trở lại đây.”

Cuộc thảo luận thú vị về chiếc máy giặt có vẻ hơi thái quá, nhưng Jobs đã áp dụng cùng giá trị và tiến trình như thế trong quá trình phát triển sản phẩm tại Apple. Thiết kế công nghiệp tại Apple không bị coi công đoạn sau cùng khi sản phẩm đã được chế tạo, giống như ở nhiều công ty khác. Rất nhiều người coi việc thiết kế như là lớp vỏ bề ngoài được thêm vào tại thời điểm cuối. Trên thực tế, tại nhiều công ty, công việc thiết kế hoàn toàn được ủy quyền cho một công ty khác. Một công ty phụ trách việc thiết kế hình thức bề ngoài của sản phẩm – cũng như một công ty khác đảm nhận việc sản xuất sản phẩm đó. 

“Thật buồn và đáng thất vọng khi xung quanh chúng ta tràn ngập những sản phẩm thể hiện sự thiếu quan tâm quá mức,” trưởng nhóm thiết kế của Apple, Jonathan Ive nói. “Đó là một điều thú vị thể hiện qua một sản phẩm. Sản phẩm phản ánh mức độ giá trị và ưu tiên về công ty đã sản xuất ra sản phẩm đó.”

Apple thuê các công ty ngoài sản xuất phần lớn các chi tiết sản phẩm của mình, nhưng không thuê thiết kế sản phẩm. Một việc làm khá trái ngược. Các chuyên gia thiết kế công nghiệp tại Apple tham gia chặt chẽ vào quá trình phát triển sản phẩm ngay từ cuộc họp đầu tiên.

Jonathan Ive, nhà thiết kế

Mang quốc tịch Anh và ở độ tuổi gần tứ tuần, Ive có thân hình cơ bắp như một đô vật với mái tóc cắt cua. Không giống như vẻ ngoài dữ dằn, Ive rất thân thiện và dễ gần. Ive ăn nói rất nhỏ nhẹ, gần như rụt rè, không hề giống với hình dung về một người có vị trí cao trong tập đoàn khổng lồ như Apple. Ive khá nhút nhát, có lần ông còn nhờ Jobs lên sân khấu nhận giải thưởng hộ mình, dù đang ngồi ngay phía dưới đám đông khán giả. 

Ive liên tục nhận được các giải thưởng. Ive hai lần được vinh danh là Nhà thiết kế của năm do Bảo tàng thiết kế có uy tín tại London trao tặng. Năm 2006, Ive được hoàng gia Anh phong cấp bậc Trung tá trong quân đội hoàng gia Anh, một vinh dự to lớn. 

Ive gặp khó khăn trong việc diễn giải mọi việc một cách cụ thể và đơn giản. Ông thường có xu hướng diễn giải một cách trừu tượng, và đôi khi thiên về kiểu nói chung chung. Ông cũng thường lảng tránh trả lời các câu hỏi riêng tư, nhưng khi nói về lĩnh vực thiết kế – lĩnh vực sở trường, thì thật khó có thể khiến Ive dừng lại. Ive nói về công việc thiết kế với toàn bộ sự nhiệt tình, đam mê, liên tục khoa chân múa tay và nắm chặt bàn tay để thể hiện sự nhấn mạnh. 

Tại một trong những buổi giới thiệu sản phẩm của Apple, tôi đề nghị Ive đưa ra một vài nhận xét nhanh về việc thiết kế vỏ máy bằng nhôm cho các trạm làm việc chuyên dụng cao cấp (cùng một loại vỏ máy được sử dụng trong vài năm gần đây trong một chuỗi các sản phẩm, từ Power Mac G5 vào năm 2003 tới Mac Pro hiện tại), được làm từ những tấm nhôm thô trông tự nhiên như những miếng đá thiên thạch trong bộ phim đình đám năm 2001, A Space Odyssey (Cuộc phiêu lưu vào không gian).

Ive vui sướng miêu tả triết lý cùng tất cả những khó khăn trong việc thiết kế máy tính. Giống như Jobs, Ive có xu hướng hướng đến sự giản đơn. Ive miêu tả quá trình thiết kế là những bước đơn giản hoá thông qua sự lặp đi lặp lại. “Tôi đoán mỗi lần bạn làm điều gì đó, bạn cảm thấy vô cùng hài lòng với điều bạn vừa mới phát triển,” Ive nói. “Điều này thực sự khó khăn.” Ive đi tới gần một mô hình trưng bày cạnh đó, trình bày ngắn gọn về chiếc vỏ bằng nhôm. “Chúng tôi áp dụng một kiểu thiết kế đơn giản và đạt được sự giản đơn thực sự,” Ive nói. “Nó trông đơn giản, bởi vì nó thực sự đơn giản.”

Ive nói mục tiêu “đơn giản” là triết lý tổng thể trong quá trình thiết kế. “Chúng tôi muốn loại bỏ tất cả trừ những thứ thực sự cần thiết, nhưng các bạn không thể nhận thấy cố gắng này,” Ive nói. “Hết lần này qua lần khác, chúng tôi quay trở lại xem xét vấn đề từ đầu. ‘Chúng ta có cần phần đó không? Liệu chúng ta có thể khiến cho bộ phận này thực hiện chức năng của bốn bộ phận khác không?’ Nó trở thành việc thực hành cắt giảm và đơn giản hoá, nhưng điều này giúp cho sản phẩm của Apple có thể thuận tiện trong sản xuất và dễ dàng trong sử dụng.”

Sau đó Ive bắt đầu bài diễn thuyết dài 20 phút một cách hăng say về thiết kế của chiếc máy tính mới. Ive có lẽ còn trình bày nhiều vấn đề hơn nữa nếu như không bị một thành viên nhóm quan hệ công chúng cắt ngang để nhắc Ive về những cuộc hẹn khác. Ive không thể tự mình dừng lại, thiết kế là công việc và là niềm đam mê của ông. Hãy để Ive bắt đầu và ông sẽ nói một cách hăng say và chân thành về việc thiết kế sản phẩm nào đó có vẻ đơn giản như chốt mở cửa chẳng hạn. Trước khi chia tay, tôi đề nghị Ive so sánh Power Mac G5 với những chiếc máy tính có thiết kế đẹp được bình chọn của tạp chí Window PCs, như Alienware hay Falcon Northwest. Những loại máy tính này có xu hướng giống như những chiếc xe hơi cơ bắp cải tiến, được trang trí bằng những hình sơn ngọn lửa hay những hình lưới chrome. 

“Nó thực sự hiệu quả hơn khi bạn không sử dụng một lớp vỏ ngoài để tạo ra vẻ mạnh mẽ,” Ive nói. “Tôi xem nó như một công cụ. Nó là một công cụ thực sự hiệu quả. Không chỉ với bề mặt bằng nhựa mà thật sự nó là một công cụ hiệu quả. Trên thực tế, nó rõ ràng là một công cụ hiệu quả.” Ive nói tiếp, “từ quan điểm của nhà thiết kế, nó không phải là một trò chơi diện mạo mà chúng ta đang thử nghiệm. Nó là một việc làm rất thiết thực. Đó là việc sử dụng vật liệu theo cách đơn giản nhất.”

Bài thuyết trình của Ive về vỏ máy tính bằng nhôm mở ra nhiều điều về quá trình thiết kế ra sản phẩm này: sự cố gắng hướng tới việc tinh gọn và đơn giản hoá, chú ý tới từng chi tiết, và tôn trọng vật liệu. Thêm vào đó là niềm đam mê và nỗ lực của Ive. Tất cả những nhân tố đó tổng hoà lại thành quá trình thiết kế độc đáo của Ive.

Thiên hướng sử dụng vật mẫu

Ive cùng vợ, Heather, sống với hai con trong một căn nhà gần đỉnh núi Twin Peaks nhìn về thành phố San Francisco. Ngôi nhà được miêu tả là “giản dị”, nhưng Ive lại lái một chiếc xe kiểu điệp viên James Bond – một chiếc Aston Martin trị giá 200.000 đô-la.

Ban đầu, Ive muốn theo đuổi nghề thiết kế xe hơi. Tham gia một khoá học tại Trường Nghệ thuật trung tâm Saint Martins ở London, nhưng Ive nhận thấy những sinh viên khác có tính cách kỳ lạ. “Họ thường tạo ra những âm thanh ‘brừm, brừm’ khi họ vẽ bản thiết kế,” Ive kể lại. Vì thế, Ive quay sang đăng ký tham gia chương trình thiết kế sản phẩm tại trường bách khoa Newcastle.

Chính tại trường bách khoa Newcastle, Ive đã phát triển xu hướng sử dụng vật mẫu. Clive Grinyer, bạn học và sau này trở thành một trong những cộng sự của Ive, nhớ có lần đến thăm căn phòng của Ive. Clive cảm thấy sửng sốt khi nhìn thấy căn phòng chứa hàng trăm mô hình bằng xốp minh họa cho bài khoá luận của Ive: sự kết hợp chiếc máy trợ thính và tai nghe nhằm giúp giáo viên giao tiếp với học sinh khiếm thính. Phần lớn các sinh viên khác chỉ làm năm hoặc sáu mô hình cho bài khoá luận của mình. “Trong tất cả những người tôi từng gặp, Ive là người toàn tâm toàn ý với những mục tiêu của mình và luôn cố gắng để đạt được,” Grinyer nói.

Thật kỳ quặc, khi còn là sinh viên Ive chẳng mấy quan tâm tới máy tính. “Tại trường đại học, tôi gặp vấn đề thực sự với máy tính,” Ive nói. “Tôi nghĩ mình không có khả năng trong lĩnh vực công nghệ.” Nhưng ngay trước khi rời Newcastle năm 1989, Ive biết đến Mac. “Tôi nhớ mình đã cảm thấy kinh ngạc trước thiết kế tuyệt vời của Mac hơn bất kỳ chiếc máy tính nào tôi đã từng sử dụng,” Ive nói. “Tôi bị ấn tượng vì sự quan tâm của nhà sản xuất đến trải nghiệm của người sử dụng được thể hiện qua chiếc máy tính này. Qua nó, tôi cảm nhận được mối liên kết giữa tôi với các nhà thiết kế. Tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về công ty: quá trình thành lập, giá trị và cơ cấu. Càng tìm hiểu về công ty có phong cách khác thường, gần như là nổi loạn này, tôi càng bị thu hút, vì nó chỉ ra một hướng đi mới trong ngành công nghiệp vốn đầy tự mãn và thiếu tính sáng tạo. Apple ủng hộ và hướng đến một mục đích lớn hơn cả lợi nhuận.”

Theo thời gian, niềm đam mê máy tính lớn dần trong Ive. Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Face, Ive giải thích ông bị cuốn hút bởi tính chất đa chức năng của máy tính. “Không có sản phầm nào thay đổi chức năng đa dạng như máy tính,” Ive nói. “Chiếc iMac có thể là một chiếc máy nghe nhạc, một công cụ chỉnh sửa video, một phương tiện để sắp xếp hình ảnh. Trên chiếc máy tính này, bạn có thể làm công việc thiết kế hay đánh máy. Bởi vì chức năng của nó quá mới mẻ, dễ thay đổi, nó cho phép chúng ta sử dụng những chất liệu mới để sáng tạo ra những hình thức mới. Khả năng của máy tính là vô tận. Tôi yêu thích điều này.”

Sau khi rời Newcastle, Ive đồng thành lập nhóm thiết kế Tangerine tại London năm 1989, nơi Ive thiết kế các sản phẩm đa dạng, từ bồn cầu tới lược chải tóc. Nhưng Ive cảm thấy không hài lòng với kiểu công việc hợp đồng. Giống như một người ngoài cuộc, Ive không có nhiều ảnh hưởng tới sản phẩm từ những ý tưởng của mình đối với công ty đặt hàng.

Năm 1992, Ive nhận được điện thoại từ Apple đề nghị Ive đề xuất một số ý tưởng về những chiếc máy tính trước đó. Apple vô cùng ấn tượng với những ý tưởng đó, sau đó Ive được nhận làm chuyên gia thiết kế và chuyển tới California. Nhưng khi Apple bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái, công việc thiết kế bị chuyển xuống một tầng hầm bụi bặm. Các giám đốc Apple bắt đầu tìm kiếm sự cạnh tranh để kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo. Họ muốn sử dụng các nhóm điều tra đại diện. Ive gần như muốn từ bỏ công việc. Ive làm việc độc lập và đơn độc. Ive tiếp tục phát triển các sản phẩm mẫu, nhưng những sản phẩm mẫu này chủ yếu bị xếp xó tại văn phòng của ông. Gặp Ive đang làm việc một mình trong văn phòng, hiểu rõ về Ive, Jobs đã sáng suốt quyết định khai thác tài năng tiềm tàng của ông.

Tất nhiên, mọi thứ đã trở nên khác biệt kể từ ngày Jobs quay trở lại Apple. Ive vẫn là một chuyên gia thiết kế, nhưng kết quả công việc khác nhau một trời một vực.

Ive thành lập một nhóm thiết kế nhỏ bao gồm khoảng chục nhà thiết kế công nghiệp, những người đã làm việc nhiều năm tại Apple. “Chúng tôi tập hợp thành một nhóm thiết kế hoàn hảo,” Ive nói. Nhóm thiết kế này làm việc trong một nhà xưởng riêng cách biệt hoàn toàn với toàn bộ phần còn lại của Apple. Nằm trong một toà nhà ít người biết đến, xưởng làm việc này là khu vực cấm tiếp cận đối với phần lớn nhân viên của Apple vì công ty lo ngại những sản phẩm đang phát triển bị tiết lộ ra ngoài. Chỉ có một số người có phận sự mới được đi vào khu vực này bằng thẻ từ nhận dạng; cửa chính và cửa sổ được lắp kính tối màu. Thậm chí cả Sculley cũng không được phép đi vào khu vực này. 

Trong xưởng thiết kế, có rất ít khu vực riêng tư, không có phòng ngủ nhỏ hay phòng làm việc. Xưởng là một không gian mở có diện tích lớn với một vài khu vực thiết kế chung cho cả nhóm. Nó được trang bị đầy đủ các loại máy móc hiện đại, đắt tiền: máy in 3D, trạm làm việc CAD (máy tính trợ giúp việc thiết kế) mạnh mẽ, và những công cụ máy móc CNC (máy tính kiểm soát số). Ngoài ra, nó còn có một hệ thống âm thanh hoành tráng phát loại nhạc điện tử, một vài bản nhạc loại này được gửi đến từ bạn bè của Ive tại Anh. Ive tự nhận mình là một người đam mê âm nhạc, và là bạn thân của DJ nhạc techno hàng đầu, John Digweed.

Khi khai thác các tính năng của máy công cụ, không chi phí nào là vô ích. Thay vì thuê thêm nhiều chuyên gia thiết kế, Ive sử dụng nguồn lực của mình vào các máy móc mô phỏng sản phẩm mẫu. “Bằng cách giữ nhóm thiết kế có quy mô nhỏ và đầu tư chủ yếu vào công cụ và tiến trình thiết kế, chúng tôi có thể làm việc với mức độ phối hợp gần như là hoàn hảo,” Ive nói. “Trên thực tế, quá trình chúng tôi tiến hành công việc thiết kế sẽ được thể hiện rõ trên sản phẩm.”

Ive cho biết sử dụng các nhóm thiết kế quy mô nhỏ và có quan hệ mật thiết với nhau là chìa khoá cho sự sáng tạo và hiệu quả công việc. Ive phủ nhận thông tin những cách tân của Apple là sản phẩm của cá nhân nào đó, thay vào đó, nó là sản phẩm của cả tập thể. Đó là quá trình “cùng nhau nghiên cứu và nỗ lực đạt được kết quả tốt hơn khả năng của mình. Một trong những đặc điểm nổi bật của nhóm là tính tò mò, hứng thú khi tìm thấy điểm sai sót bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã phát hiện ra điều mới mẻ hơn.”

Bất cứ khi nào nói về công việc của mình, Ive luôn nhấn mạnh vai trò của cả nhóm. Ive không bao giờ thể hiện cái tôi quá cao. Sau lần đầu tiên Digweed gặp Ive, Digweed mất vài tháng mới biết vai trò thực sự của Ive tại Apple. “Jonathan (Ive) nói về cách thức họ thiết kế các sản phẩm khác nhau và tôi ngồi đó suy nghĩ: ‘Chúa ơi. Những sản phẩm từ sự sáng tạo của Ive được mọi người khắp trên thế giới sử dụng hàng ngày nhưng ông ấy không bao giờ có biểu hiện tự đắc nào về điều này.”

Quá trình thiết kế của Ive

Ive thường nói sự đơn giản trong thiết kế của Apple là sự đánh lừa. Với nhiều người, những sản phẩm đó trông vô cùng đơn giản. Nó đơn giản và không có nhiều màu sắc, dường như chẳng có “thiết kế” nào. Không có hình trang trí hay chi tiết phụ tùng nào thể hiện quá trình thiết kế. Nhưng với Ive, đó chính là mục đích tối thượng được hướng đến. Ive nói nhiệm vụ đặt ra là “giải quyết các vấn đề vô cùng phức tạp và khiến giải pháp cho những vấn đề ấy trở nên quen thuộc và đơn giản đến mức người sử dụng không có cảm giác về sự khó khăn trong vấn đề này nữa.”

Sự đơn giản là kết quả của quá trình thiết kế đặc trưng bằng cách đưa ra hàng loạt ý tưởng và sau đó chọn lọc những ý tưởng này – cũng giống như cách các phần mềm của Apple được thiết kế. Quá trình này có sự tham gia của nhiều nhóm phát triển của Apple, không chỉ là những chuyên gia thiết kế. Các kỹ sư, chuyên gia lập trình, và thậm chí những nhân viên marketing cũng tham gia vào quá trình này. Trong mọi dự án, các chuyên gia thiết kế công nghiệp của Ive đều tham gia ngay từ đầu. “Chúng tôi tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm ngay từ sớm,” Ive nói. “Chúng tôi phối hợp một cách tự nhiên, liên tục với Steve, với bộ phận đảm trách phần cứng và phần mềm. Tôi nghĩ đó là một trong những điểm đặc biệt tại Apple. Khi chúng tôi phát triển các ý tưởng của mình, không hề có một kiểu cấu trúc hoàn chỉnh, được xây dựng sẵn trước đó. Tôi nghĩ trong những giai đoạn đầu, khi bạn vẫn rất cởi mở với công việc khám phá, bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn.”

Để tìm thấy những cơ hội đó, Jobs luôn tránh cách thức thiết kế theo kiểu chuỗi, từng bước một, trong đó các sản phẩm được chuyển từ nhóm này sang nhóm khác và không có nhiều sự trao đổi qua lại giữa các bộ phận. Điều này hoàn toàn khác biệt với các công ty khác. Jobs ví von nó giống như việc bạn thấy một mô hình xe hơi tuyệt vời tại triển lãm xe, nhưng khi chiếc xe này được bán ra thị trường 4 năm sau đó, nó nhanh chóng trở thành phế phẩm. “Và bạn tìm hiểu, điều gì đã xảy ra? Họ đã có thiết kế tuyệt vời. Họ đã nắm được nó trong lòng bàn tay! Họ gặp phải thất bại ngay ngưỡng cửa thành công!… Sự thật là, các chuyên gia thiết kế đưa ra ý tưởng thực sự tuyệt vời. Sau đó họ chuyển bản thiết kế cho các kỹ sư thực hiện phần việc tiếp theo. Các kỹ sư kêu ca: ‘Nhưng chúng tôi không thể thực hiện bản thiết kế này. Đó là điều không thể thực hiện.’ Và sản phẩm trở nên tồi hơn nguyên mẫu. Sau đó các kỹ sư chuyển sản phẩm này cho bộ phận sản xuất tiến hành công việc. Bộ phận sản xuất lại phàn nàn: ‘Chúng tôi không thể sản xuất sản phẩm này!’ Và… lại tiếp tục tồi hơn nữa.”

Trong các cuộc phỏng vấn, Ive nói về “sự phối hợp chặt chẽ,” “sự giao phấn chéo,” và “phát triển cùng lúc.” Các sản phẩm được Apple phát triển không được chuyển qua từng nhóm, từ chuyên gia thiết kế tới các kỹ sư và tới các chuyên gia lập trình, và cuối cùng là nhân viên marketing. Quá trình thiết kế không phải là một chuỗi liên tục.

Thay vào đó, các sản phẩm được tất cả các nhóm nghiên cứu cùng một lúc, và qua mỗi giai đoạn, đều có các buổi họp đánh giá tổng thể.

“Các buổi họp dường như diễn ra liên tục. Chúng là phần không thể thiếu trong quá trình ‘phối hợp chặt chẽ’, nếu thiếu những buổi họp như thế này, chúng tôi sẽ không thể có được sự phối hợp chéo như vậy. “Cách thức phát triển sản phẩm theo kiểu truyền thống không đạt được hiệu quả khi bạn có tham vọng giống như chúng tôi,” Ive nói với tạp chí Time. “Khi những thách thức trở nên phức tạp, bạn phải phát triển sản phẩm theo cách phối hợp và thống nhất chặt chẽ hơn.”

Quá trình thiết kế bắt đầu bằng việc đưa ra rất nhiều bản phác thảo. Nhóm của Ive làm việc cùng nhau, đánh giá ý kiến của nhau và bản phản hồi tổng thể của các kỹ sư và tất nhiên của chính Jobs. Sau đó, nhóm tiến hành thiết kế các mô hình 3D trên máy tính trên các ứng dụng CAD khác nhau, thiết bị được sử dụng để làm các mô hình thật bằng bọt biển hay các chất liệu khác. Nhóm thiết kế thường xây dựng một vài mô hình, không chỉ kiểm tra hình dáng bề ngoài của sản phẩm mới, mà cả hình dáng bên trong. Các mô hình mẫu chính xác đến cả bề mặt bên trong cùng thông số độ dày của lớp vỏ được chuyển tới các kỹ sư phần cứng, và họ sẽ kiểm tra xem những bộ phận bên trong máy có vừa khớp với nhau hay không. Những kỹ sư này cũng đảm bảo không khí được lưu thông thuận lợi bên trong máy, và những bộ phận bên trong như các loại cổng (USB, mạng…) cùng hộp pin được sắp xếp phù hợp.

“Chúng tôi làm rất nhiều mô hình và sản phẩm mẫu, sau đó chúng tôi xem xét và điều chỉnh,” Ive nói. “Chúng tôi tin tưởng rằng từ việc làm sản phẩm mẫu cho đến sản xuất, chúng tôi có thể lựa chọn và cảm nhận sản phẩm tốt nhất.” Số lượng mô hình mẫu được làm là con số khổng lồ. “Chúng tôi làm vô số sản phẩm mẫu: số lượng các giải pháp chúng tôi đưa ra để lựa chọn một giải pháp tối ưu là con số khá lớn, nhưng đó là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi,” Ive nói.

Robert Brunner, một cộng sự của Ive tại công ty Pentagram Design và cựu trưởng nhóm thiết kế của Apple nói, điều quan trọng là các sản phẩm mẫu của Apple luôn luôn được thiết kế phù hợp với thực tế quá trình sản xuất. “Các chuyên gia thiết kế Apple sử dụng 10% thời gian để làm công việc thiết kế công nghiệp truyền thống: đưa ra các ý tưởng, vẽ thiết kế, làm các mô hình, đánh giá ý tưởng đó,” Brunner nói. “Những chuyên gia thiết kế này sử dụng 90% thời gian để sản xuất sản phẩm mẫu, tìm cách thức để hiện thực hóa ý tưởng của mình.”

Phương pháp thiết kế lặp đi lặp lại của Apple hơi giống với kỹ thuật mà các chuyên gia tâm lý áp dụng để nghiên cứu cách giải quyết vấn đề “đưa ra giải pháp và kiểm tra hiệu quả.” Để giải quyết một vấn đề, tất cả các giải pháp khả thi được đưa ra và kiểm tra xem liệu những giải pháp này có đem lại một giải pháp tối ưu. Đó là một hình thức thử và sai, nhưng nó không được thực hiện một cách ngẫu nhiên; nó có định hướng và mục đích rõ ràng. Các chuyên gia thiết kế Apple đưa ra hàng chục các giải pháp có khả năng, liên tục kiểm tra hiệu quả của những giải pháp này xem liệu nó có đạt gần tới biện pháp tối ưu hay không. Quá trình này cũng giống như kỹ thuật được sử dụng nhiều trong các công việc sáng tạo, từ viết văn tới sáng tác âm nhạc. Một nhà văn thường bắt đầu bằng việc đưa ra một bản phác thảo thô, tìm kiếm ngôn từ và ý tưởng, đến cấu trúc bài văn và sự thống nhất, sau đó quay lại từ đầu và chỉnh lý lại những phần viết của mình, đôi khi lặp đi lặp lại nhiều lần. “Cố gắng đơn giản hoá và điều chỉnh công việc là một thách thức to lớn,” Ive nói. 

Chú ý đến chi tiết: Thiết kế chìm

Nhóm của Ive chú ý đến các chi tiết mà những công ty khác thường xem nhẹ, chẳng hạn như là đèn bật/tắt đơn giản và sạc pin. Dây điện của chiếc máy tính iMac nguyên bản có vỏ ngoài trong suốt – cũng giống như vỏ ngoài của iMac – có thể nhìn rõ 3 sợi dây xoắn bên trong. Các công ty khác hầu như rất ít chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên, đây lại là điểm khác biệt của Apple. Việc chú ý đến các chi tiết nhỏ thường được mặc định là dành riêng cho các loại hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm của Apple thường chú ý đến các chi tiết nhỏ vốn là đặc trưng của các sản phẩm gốm sứ thủ công hơn là các mặt hàng sản xuất hàng loạt. “Theo tôi, điểm đặc trưng trong công việc của chúng tôi ở Apple là chú ý đến từng chi tiết, dù là nhỏ nhất,” Ive nói. “Tôi nghĩ đôi khi nó giống như việc sản xuất một món đồ thủ công hơn là sản xuất hàng loạt. Nhưng đó lại là điều rất quan trọng.”

Thậm chí các chi tiết bên trong của máy tính cũng được xem xét một cách thận trọng. Tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Thiết kế London, Ive đã trưng bày các bộ phận của một chiếc máy tính xách tay để người xem có thể thấy sự cẩn thận trong từng chi tiết thiết kế bên trong. “Bạn có thể thấy sự quan tâm chưa từng có của chúng tôi đến từng chi tiết sản phẩm,” Ive cho biết. 

Loại thiết kế chìm này chính là đặc trưng trong các sản phẩm của Apple. Các mẫu iMac gần đây có màn hình rộng, phẳng với thân máy ẩn phía sau. Màn hình được gắn với một chân đế làm bằng chất liệu nhôm. Đế nhôm này cho phép màn hình có thể nghiêng về phía trước hoặc phía sau chỉ với một lực tác động nhỏ. Tuy nhiên, phải mất nhiều tháng trời mới có thể làm cho màn hình chuyển động một cách dễ dàng cũng như giữ cố định ở một vị trí. Máy tính phải có độ cân bằng tối ưu để đảm bảo cho màn hình không bị dịch chuyển. “Đây là một công việc rất khó khăn”, Ive phát biểu tại một hội nghị thiết kế. 

Chân đế của chiếc iMac được làm bằng một chất liệu đặc biệt không trượt, giúp máy tính không bị xê dịch khi nghiêng màn hình. Vì sao phải là một chất liệu đặc biệt? Bởi vì Ive không thích loại chân đế cao su. Có thể dễ dàng gắn thêm chân đế cao su và rất ít người chú ý đến chi tiết này. Tuy nhiên đối với Ive, việc sử dụng chân đế cao su không đi trước thời đại. Ive có khuynh hướng tạo ra các sản phẩm mới, và hoàn thiện các quá trình sản xuất mới.

Chẳng hạn như Ive đã quay lưng lại với các miếng dán sticker. Đối với nhiều sản phẩm của Apple, thông tin chi tiết, thậm chí cả mã số sê-ri độc quyền, được phun laser trực tiếp lên vỏ máy. Rõ ràng, việc dán các miếng sticker thì đơn giản hơn rất nhiều song phun laser là một cách khác cho thấy sự cách tân của Ive và Apple trong chế tạo sản phẩm.

Nguyên liệu và quá trình sản xuất

Một vài năm gần đây việc thiết kế các sản phẩm của Apple đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ những chiếc iMac đa màu sắc đến những chiếc laptop MacBook màu đen. Khoảng 4 năm một lần, “ngôn ngữ” thiết kế của Apple lại có sự thay đổi. Cuối những năm 1990, các sản phẩm của Apple sử dụng chủ yếu chất liệu nhựa trong suốt sáng màu (chiếc eBook và chiếc iMac Bondi-blue thế hệ đầu). Sau đó, đầu những năm 2000, Apple bắt đầu chế tạo sản phẩm từ nhựa polycarbornate màu trắng và crôm sáng màu (iPod, iBook, iMac Luxo-lamp). Sau đó xuất hiện laptop với chất liệu kim loại như titan và nhôm (Power Book và MacBook Pro). Gần đây, Apple đã bắt đầu sử dụng nhựa đen, nhôm và kính (iPhone, iPod nano, iMacs với chip Intel và laptop Macbook)

Không có việc lập kế hoạch từ trước, chí ít là trong chủ định, cho quá trình chuyển tiếp giữa các giai đoạn thiết kế khác nhau của Apple. Hơn nữa, đó là một quá trình diễn ra từ từ – đầu tiên là thiết kế mới, sau mới đến các chi tiết khác. Và nó thường gắn với việc thử nghiệm với nguyên liệu và phương pháp sản xuất mới. Khi các nhà thiết kế của Apple đã quen với nguyên liệu mới, họ bắt đầu sử dụng nó trong nhiều sản phẩm hơn. Nhôm là một ví dụ, nó lần đầu tiên được sử dụng trong thiết kế vỏ máy Power Book vào tháng 1/2003. Sau đó, chất liệu này được sử dụng trong thiết kế vỏ máy Power Mac, tháng 7/2003 và iPod mini tháng 1/2004. Hiện nhôm được sử dụng trong nhiều sản phẩm của Apple, từ iPod cho đến bàn phím máy tính iMac.

Ive đã nhiều lần nói rằng không có sự ép buộc trong thiết kế của Apple. Các nhà thiết kế chưa bao giờ nói với nhau: “Hãy tạo ra một cái máy tính bắt mắt.” Máy tính iMac có thể trông thân thiện và bắt mắt, nhưng đó chưa bao giờ là tôn chỉ mục đích của nhóm thiết kế. Các nhà thiết kế của Apple sẽ nói với nhau: “Hãy nhìn vào những gì chúng ta có thể làm với chất liệu nhựa; chúng ta có thể tạo ra một chiếc máy tính trong suốt.” Và quy trình bắt đầu từ đây.

Ive và các nhà thiết kế đặc biệt chú ý đến nguyên liệu và khoa học vật chất. Với nhiều công ty, nguyên liệu chỉ là thứ yếu trong quá trình sản xuất. Nhưng đối với Ive và nhóm thiết kế, nguyên liệu là yếu tố hàng đầu. Chẳng hạn, theo Ive, chiếc iMac đầu tiên luôn được định hướng trở thành “sản phẩm chất liệu nhựa không gây thất vọng.” Tuy nhiên, nhựa thường được xem là chất liệu rẻ tiền. Để biến chiếc iMac từ một sản phẩm tầm thường thành một sản phẩm đẳng cấp, nhóm thiết kế đã quyết định chế tạo vỏ máy trong suốt. Nhưng đầu tiên họ gặp phải vấn đề xuất hiện các vệt mờ trên lớp vỏ trong suốt sau khi xuất xưởng. Để đảm bảo không xuất hiện các vệt mờ, nhóm thiết kế đã đến thăm một xưởng bánh kẹo và ở đó họ học được quy trình nhuộm màu hàng loạt. (Liệu những công ty khác trong ngành công nghiệp điện dân dụng đã học được gì từ các hãng sản xuất bánh kẹo?)

Sau đó, Ive và nhóm thiết kế trở nên quan tâm đến các nguyên liệu khác, đặc biệt là nhôm. Ngay từ đầu, Ive đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nguyên liệu này. Đề cập đến chân nhôm của thế hệ iMac màn hình phẳng gần đây, Ive nói: “Tôi muốn chúng ta lấy một mẩu nguyên liệu thô – một mẩu nhôm dầy – và tận dụng các tính năng của nó: uốn cong, đục lỗ và ô xi hóa… Chúng tôi đã dành thời gian sang vùng đông bắc Nhật Bản để nói chuyện với một chuyên gia về tạo hình kim loại nhằm tìm hiểu kỹ vấn đề. Chúng tôi thích tháo rời các bộ phận của một đồ vật để tìm hiểu quá trình chế tạo ra nó. Cấu trúc của sản phẩm bắt đầu lộ diện thông qua việc tìm hiểu tường tận về nguyên liệu.”

Cũng giống như vật liệu, Ive cùng nhóm của mình là những người ham tìm hiểu về những quy trình sản xuất mới. Nhóm thiết kế liên tục tìm kiếm các cách thức mới để sản xuất các sản phẩm, và một vài trong số những thiết kế nổi tiếng của Apple là những sản phẩm sử dụng các kỹ thuật sản xuất mới. Ví dụ, một vài thế hệ đầu tiên của máy nghe nhạc iPod có một màng nhựa mỏng trong suốt phủ trên bề mặt thân máy. Lớp vỏ mỏng bằng nhựa trong suốt này đem lại cho iPod hình thức bắt mắt với gờ nổi và chiều sâu mà không cần phải thực sự tăng thêm các chi tiết tạo tác như vậy. Nó cũng đem lại vẻ bề ngoài sành điệu hơn một bề mặt bằng nhựa phẳng thông thường.

Lớp vỏ mỏng bằng nhựa trong suốt này là một sản phẩm của kỹ thuật đúc nhựa có tên “twin-shot” (bắn-đôi), một cách thức phức tạp và tốn kém trong đó hai loại nhựa khác nhau được cùng lúc bắn vào một khuôn đúc và gắn chặt với nhau mà không hề tạo ra vết nối. Do đó, mặt trước của chiếc iPod dường như được làm từ hai loại vật liệu khác nhau – nhưng không hề có vết nối nào giữa hai loại vật liệu này.

“Bây giờ chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm bằng nhựa mà trước kia chúng tôi cho là không thể làm được,” Ive chia sẻ với Bảo tàng Thiết kế. “Các vật liệu sử dụng kỹ thuật bắn đôi đem lại cho chúng tôi những khả năng sản xuất ra các sản phẩm có chức năng và hình thức đa dạng chưa từng xuất hiện trước đó. Máy nghe nhạc iPod được sản xuất từ nhựa áp dụng kỹ thuật bắn đôi không hề có vết nối hay nắp mở pin, cho phép chúng tôi sáng tạo ra một thiết kế hoàn toàn đóng kín. 

Trước khi máy nghe nhạc iPod ra đời, nhóm của Ive cũng thí nghiệm với những kỹ thuật đúc mới trong một chuỗi các sản phẩm được làm từ nhựa trong, bao gồm Cube, một bộ loa và loa trầm cho Harman Kardon. Máy nghe nhạc iPod xuất hiện với vẻ ngoài tươi mới, nhưng vẻ ngoài của nó thực sự là kết quả của nhiều năm thí nghiệm với những kỹ thuật đúc mới. “Một vài sản phẩm bằng hợp kim trắng mà chúng tôi đang sản xuất cũng là một phần mở rộng của kỹ thuật đó,” Ive nói.

Khả năng sản xuất ra các sản phẩm không có mối nối dẫn đến một quyết định thiết kế áp dụng trên iPod bị nhiều khách hàng chỉ trích nặng nề – họ không có khả năng thay pin cho chiếc máy nghe nhạc này. Pin của iPod được gắn chặt bên trong thân máy, đa phần người sử dụng không có khả năng mở ra trừ khi họ sẵn sàng cậy tấm kim loại ở phía sau máy lên. Apple và một vài công ty bên thứ ba cung cấp dịch vụ thay pin, nhưng người sử dụng phải trả thêm chi phí.

Apple tuyên bố pin được thiết kế có độ bền nhiều năm liền, thường lâu hơn cả tuổi thọ của bản thân iPod, nhưng với một vài khách hàng, pin bị gắn chặt bên trong có thể là biểu hiện của sự suy giảm chất lượng có chủ đích – nó khiến cho iPod không thể sửa chữa. 

Nghiên cứu của Apple về các thiết bị điện tử khác, chủ yếu là máy tính xách tay, chỉ ra rằng hiếm có người sử dụng nào thực sự thay pin cho thiết bị của mình. Họ thích suy nghĩ rằng các thiết bị của mình cần có khả năng thay thế pin, nhưng trong thực tế họ hiếm khi làm vậy. Và với Ive, làm ra một chiếc máy nghe nhạc mỏng, có kiểu dáng đẹp tiện dụng, có thể bỏ túi quan trọng hơn việc làm ra các cục pin có thể dễ dàng thay thế. 

Tại Apple, những thiết kế đẹp bắt nguồn từ niềm đam mê với vật liệu thô và các quy trình sản xuất mới. Đó là sự tìm hiểu tổng thể cách thức sản phẩm mới hoạt động, một quá trình kỹ lưỡng đồng nghĩa với việc xem xét nhiều lần trước khi các chuyên gia thiết kế hoàn tất công việc của mình. Đó là việc từ chối nhân nhượng theo một cách thức rất cuồng tín nhưng lại đảm bảo cho sản phẩm của Apple đạt đến độ hoàn chỉnh giống như một món hàng thủ công tinh xảo nhất. 

  NHỮNG BÀI HỌC TỪ STEVE

• Không nhượng bộ. Chính đòi hỏi sự hoàn thiện của Jobs đã tạo ra một quá trình phát triển sản phẩm độc đáo thực sự đem lại những sản phẩm tuyệt vời.

• Thiết kế là một chức năng, không phải hình thức. Với Jobs, thiết kế là một cách thức sản phẩm hoạt động.

• Xem xét cẩn thận. Jobs xem xét toàn bộ cách thức sản phẩm hoạt động trong suốt quá trình thiết kế. 

• Kết hợp tất cả mọi người. Thiết kế không chỉ là công việc của những chuyên gia thiết kế. Các kỹ sư, chuyên gia lập trình và nhân viên marketing cũng có thể giúp đánh giá cách thức sản phẩm hoạt động. 

• Tránh quy trình tuần tự. Jobs liên tục chuyển các sản phẩm mẫu qua lại giữa các nhóm, không phải tuần tự từ nhóm này sang nhóm tiếp theo.

• Đưa ra ý tưởng và kiểm nghiệm. Sử dụng phương pháp thử sai – sáng tạo và điều chỉnh – nhằm đưa ra hàng loạt các giải pháp, từ đó lựa chọn ra giải pháp tối ưu nhất.

• Không ép buộc. Jobs không cố gắng thiết kế một sản phẩm “thân thiện” có chủ đích. Sự “thân thiện” được thể hiện thông qua quá trình thiết kế sản phẩm.

• Tôn trọng vật liệu. Máy tính iMac được làm từ nhựa. Máy điện thoại iPhone được làm từ kính. Hình thức của những sản phẩm này phụ thuộc vào chất liệu làm ra chúng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.