Steve Jobs - Thiên Tài Gàn Dở Và Câu Chuyện Thần Kỳ Về Quả Táo

9. STEVE JOBS CHIẾN ĐẤU VỚI CĂN BỆNH UNG THƯ



Ngày 1/8/2004, Steve Jobs đã gửi một thư báo hiếm hoi tới toàn thể nhân viên của Apple. “Tôi có một vài thông tin cá nhân cần chia sẻ với các bạn”, ông viết, “và tôi muốn các bạn nghe trực tiếp từ tôi”. Jobs hiếm khi gửi các thư báo tới toàn thể công ty, và thư báo này chứa một tin gây chấn động: ông được chẩn đoán mắc chứng ung thư tuyến tụy.

Thật may mắn, Jobs nói, căn bệnh ung thư của ông là một dạng bệnh rất hiếm gặp gọi là thần kinh nội tiết (neuroendocrine) hoặc u tế bào đảo (islet-cell tumor), vốn chỉ xảy ra khoảng 1% trong số tất cả các trường hợp được chẩn đoán ung thư tuyến tụy mỗi năm. Nó có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật nếu phát hiện kịp thời, và ông thuộc trường hợp này. 

Jobs cho biết ông đã tiến hành phẫu thuật và ông không cần bất kỳ sự điều trị hóa học trị liệu hoặc phóng xạ nào sau đó. Ông sẽ phải nghỉ hết tháng Tám để phục hồi và lên kế hoạch làm việc trở lại vào tháng Chín. Thư báo kết thúc với một dòng đầy tự đắc: “Tái bút: Tôi gửi bức thư này từ giường bệnh với một máy tính PowerBook 17 inch và dịch vụ chuyển phát nhanh Airport Express.” Đây là nét đặc trưng của Jobs: thậm chí một thư báo bệnh cũng là một cơ hội để giới thiệu sản phẩm của Apple. (Dĩ nhiên không phải trùng hợp, thư báo này sau đó đã được chia sẻ với giới báo chí và được đăng tải rộng rãi trên các báo, tạp chí và các trang web.)

Jobs là người cực kỳ may mắn. Bệnh ung thư tuyến tụy thường gây ra cái chết rất nhanh. Dạng bệnh phổ biến hơn – ung thư tuyến – là dạng không thể chữa khỏi. Mặc dù vậy, ban đầu Jobs đã từ chối làm phẫu thuật. Theo tạp chí Fortune, thay vào đó Jobs đã chọn điều trị bằng cách thực hiện một chế độ ăn kiêng đặc biệt trong 9 tháng. Nhưng khi phương pháp này thất bại, ông đã mở thông tuyến tụy (hay còn gọi là tiến trình Whipple) cuối tháng 7/2004 và đã loại bỏ thành công khối u. 

Được đặt tên theo nhà phẫu thuật Mỹ Allen Oldfather Whipple, người đã thực hiện hoàn hảo ca phẫu thuật trong những năm 30, tiến trình này là một ca phẫu thuật phức tạp nhằm giúp sắp xếp và kết nối lại phần lớn hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân. Phần đầu của tuyến tụy bị cắt bỏ, cùng với ống mật và túi mật. Phần lớn dạ dày và tá tràng cũng được lấy đi, và hệ thống được gắn trở lại với nhau trong một cấu hình mới. Những phần còn lại của tuyến tụy cung cấp cho hệ thống mới dịch tiêu hóa và insulin. Hầu hết các bệnh nhận trải qua tiến trình Whipple đều gặp các vấn đề về tiêu hóa, từ sự chán ghét đối với một số loại thức ăn đến các chứng nghiêm trọng hơn như bệnh đái đường. Ban đầu, hầu hết các bệnh nhân đều giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể, tuy vậy, trọng lượng của họ sẽ ổn định chỉ 1 hoặc 2 năm sau khi phẫu thuật. Một số gặp phải các vấn đề dai dẳng với sự sụt cân cũng như thiếu năng lượng và các bác sỹ không phải lúc nào cũng biết chắc chắn lý do tại sao. Với nhiều bệnh nhân khác, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của họ tương đương với những người khỏe mạnh. 

Trong 2 năm, Jobs dường như đang phục hồi trở lại. Nhưng tháng 8/2006, ông thuyết trình một bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu của Apple – hội nghị thường niên cho các nhà phát triển phần mềm của Apple. Tôi tình cờ tham dự hội nghị và tôi bị sốc trước vẻ ngoài tiều tụy của Jobs. Ông dường như quá mệt mỏi. Phần trình bày của ông rất mơ hồ và ông đã ủy thác phần lớn bài thuyết trình của mình cho các thành viên quản trị khác của Apple. Không giống như các bài phát biểu trước kia của ông, lần này Jobs trông rất bơ phờ – rõ ràng ông bị sút cân rất nhiều. 

Vẻ ngoài ốm yếu của Jobs dẫn đến nhiều suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông. Rõ ràng, nhiều người đã thắc mắc liệu có phải căn bệnh ung thư của ông đã quay trở lại. Trên Internet, xuất hiện nhiều cuộc thảo luận tại các diễn đàn và các trang web về việc liệu căn bệnh ung thư của Jobs có thực sự thuyên giảm hay không. Một phát ngôn viên của Apple đã cố gắng dập tắt những tin đồn. “Sức khỏe của Steve rất tốt”, phát ngôn viên Katie Cotton cho biết như vậy. 

Hai năm sau, sự suy đoán về tình trạng sức khỏe của Jobs đã lên đến cao trào sau bài phát biểu của ông tại Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu của Apple hồi tháng 6/2008. Xuất hiện với tình trạng tiều tụy một cách đáng báo động, một lần nữa Jobs nhường phần lớn bài phát biểu của mình cho những người khác. Khi đề tài về tình trạng sức khỏe của ông thường xuyên được đề cập trên các phương tiện truyền thông, một lần nữa Apple đã cố gắng dập tắt những tin tồn bằng cách nói rằng ông đang bị “bệnh virus thông thường” và đang sử dụng thuốc kháng sinh.

Nhưng tuyên bố trên chỉ làm gia tăng những tin đồn. Bệnh do virus thông thường gây ra không dẫn đến sự sụt cân nghiêm trọng như vậy. Sự phủ nhận một cách đáng ngờ của Apple càng làm người ta tin rằng đang có chuyện gì đó xảy ra. 

Trong một hội nghị tiếp theo với sự tham gia của giới báo chí và các nhà phân tích để thảo luận về lợi nhuận, các thành viên quản trị của Apple đã né tránh một loạt các câu hỏi về sức khỏe của Jobs. Những người đặt câu hỏi đã không ngừng lại: “Steve vẫn ổn chứ?”. Giám đốc tài chính của Apple, Peter Oppenheimer, đã từ chối đưa ra thông tin chi tiết. Ông khẳng định sức khỏe của Jobs là một “vấn đề riêng” mặc dù nhiều chuyên gia phân tích cho rằng không phải như vậy. Các thành viên của Apple, đặc biệt là ban quản trị, được giao trách nhiệm công bố bất kỳ điều gì có thể gây ảnh hưởng tới công ty, chẳng hạn như khả năng Jobs nghỉ hưu hoặc khả năng về cái chết của ông. 

Tạp chí tài chính Barron’s cho rằng Jobs có thể có giá trị hơn bất kỳ giám đốc điều hành nào khác trên thế giới với ước tính rằng thị trường của Apple sẽ mất đi khoảng 20 tỷ USD nếu Jobs không nắm giữ cương vị giám đốc điều hành. 

Phố Wall đã kêu gọi Jobs tiết lộ kế hoạch chọn người kế nhiệm của ông nếu có. Các nhà đầu tư muốn đảm bảo rằng công ty sẽ nằm trong tay các nhà quản lý giỏi.

Những người ủng hộ Apple cũng bị bối rối bởi cái gọi là sự thiếu sót hiếm hoi. Gần đây, Jobs đã làm mọi thứ một cách đúng đắn. Ông đã mắc phải rất ít sai lầm trong điều hành Apple, chắc chắn ông đã lên kế hoạch cho những điều sắp tới? Đối với một người luôn tỉ mỉ về mọi thứ như Jobs, dường như sẽ là không đúng nếu ông vẫn tỏ ra quá thờ ơ về vấn đề này. Chắc chắn ông đã vạch ra kế hoạch người kế nhiệm riêng của mình? Đối với một số người, đó dường như là thất bại lớn nhất mà Jobs đã từng mắc phải. 

Những người khác cho rằng thực tế Jobs đã có một kế hoạch cho người kế nhiệm nhưng ông đã giữ bí mật giống như hầu hết những việc mà ông đã làm. Chẳng hạn Jack Welch đã giữ bí mật về kế hoạch kế vị của ông tại GE. Cuối cùng, khi kế hoạch chọn người kế vị được tiết lộ, đã xuất hiện một làn sóng giận dữ từ những thành viên quản trị không được lựa chọn. Một số cho rằng công ty không bao giờ phục hồi được. Tương tự như vậy, có thể Jobs giữ kế hoạch chọn người kế vị của mình một cách bí mật để chặn trước mầm mống nổi loạn trong hàng ngũ quản lý cấp cao của Apple. 

Trong tháng Tám, tạp chí New York Times đã tiết lộ rằng Jobs đã tiến hành một số thủ tục phẫu thuật hồi đầu năm mặc dù thông tin chi tiết còn rất mơ hồ. Jobs đang gặp “những vấn đề về tiêu hóa” và có thể phải tiến hành một cuộc phẫu thuật để giải phóng “tình trạng bị tắc nghẽn”. 

Khi sự suy đoán của báo giới về tình trạng sức khỏe của ông chưa chịu ngừng lại, Jobs gọi điện cho Joe Nocera, người phụ trách chuyên mục của New York Times. “Bạn nghĩ rằng tôi là một kẻ ngạo mạn – người tự cho mình đứng trên pháp luật còn tôi cho rằng bạn là kẻ luôn hiểu sai về sự thật”, Jobs nói với Joe Nocera. Jobs nói rằng ông sẽ tiết lộ các vấn đề sức khỏe của mình cho Nocera nhưng chỉ khi Nocera hứa giữ bí mật. Nocera đã đồng ý. Jobs thừa nhận rằng ông bị nặng hơn bệnh virus thông thường như không nguy hiểm đến tính mạng, và không phải căn bệnh ung thư của ông quay trở lại. Với những bệnh mắc phải và những biện pháp đang điều trị, Jobs buộc Nocera phải hứa giữ bí mật. 

Bất chấp những nỗ lực này, những bài viết về tình hình sức khỏe suy yếu của Jobs vẫn tiếp diễn. Tháng 8/2008, Bloomberg tình cờ đăng tải một bản cáo phó 2.500 từ về cái chết của Jobs. Tuổi và nguyên nhân cái chết của ông bị để trống. Cũng giống như nhiều hãng truyền thông khác, Bloomberg đã chuẩn bị bản cáo phó để phòng trường hợp tệ nhất xảy ra. 

Thông tin trên các phương tiện truyền thông trở nên quá ầm ĩ đến nỗi Jobs buộc phải phản ứng lại, nhưng theo cách của riêng ông. Nhân sự kiện đặc biệt trong tháng Chín để ra mắt dòng iPod mới, Jobs đã bắt đầu buổi ra mắt bằng một dòng trích dẫn của Mark Twain: “Những bài viết về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá mức”. Một tháng sau đó, trong một bài thuyết trình giới thiệu sản phẩm khác, ông đã kết thúc bằng dòng chữ “110/70” – chỉ số huyết áp của ông. Tuy nhiên, khi tới phần hỏi – đáp, ông đã thẳng thừng tuyên bố rằng ông sẽ không đề cập bất kỳ điều gì thêm về sức khỏe của ông. 

Giữa tháng Chín, Apple đã đưa ra một tin chấn động tại Macworld – cuộc họp thường niên của các phe cánh của Apple nơi mà công ty này là trung tâm thu hút sự chú ý trong nhiều năm. Một bản thông báo ngắn gọn đã được công bố sau hội nghị năm 2008: Apple không còn tham gia Macworld nữa. Và Steve Jobs đã không phát biểu trong năm đó. Thay vào đó, phó giám đốc marketing Phil Schiller là người thực hiện bài phát biểu cuối cùng của công ty tại Macworld Expo.

Thậm chí đối với một công ty như Apple, vốn luôn luôn khô khan và vô cảm thì thông báo này vẫn là điều cực kỳ tàn nhẫn. Nó cũng giống như một kết cục u ám. Những câu hỏi về sức khỏe của Jobs vẫn tràn lan trên báo chí ngay trước cuộc triển lãm. Một lần nữa, Jobs buộc phải lên tiếng. Ngày 5/1/2009, buổi tối ngay trước khi khai trương buổi triển lãm, Jobs đã đưa ra một tuyên bố rằng ông đang bị chứng “mất cân bằng hoóc môn” trong nhiều tháng. “Phương thuốc cho vấn đề dinh dưỡng này khá đơn giản và dễ thực hiện, và tôi đã bắt đầu tiến hành điều trị”, Jobs nói. Nhiều quan sát viên của Apple đã thở phào nhẹ nhõm. 

Nhưng ngày 14/1, chỉ sau đó hai tuần, trong một bản thông báo nội bộ khác của Apple, Jobs đã tiết lộ rằng các vấn đề sức khỏe của ông nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông công bố trước đây. Jobs đã viết rằng trước đó một tuần ông được biết “các vấn đề liên quan đến sức khỏe của ông phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu”. Ông đang phải nghỉ 6 tháng, tới tận cuối tháng Sáu, để tập trung vào vấn đề sức khỏe của mình. 

Trong khi Jobs vẫn giữ cương vị CEO, ông đang dần chuyển giao các hoạt động hàng ngày cho Tim Cook, người đã đảm nhiệm cương vị CEO trong suốt thời gian Jobs vắng mặt năm 2004. Jobs đã lên kế hoạch tham gia vào “những quyết định lớn mang tầm chiến lược” có ảnh hưởng tới công ty. 

Thông tin này làm cho những người ủng hộ Apple rơi vào suy sụp. Các tuyên bố của công ty về sức khỏe của Jobs khá mâu thuẫn và gây nhiều bối rối. Trước hết, các vấn đề của ông dường như dễ dàng điều trị. Bây giờ, chúng lại trở nên nghiêm trọng đến nỗi ông phải nghỉ làm 6 tháng. Tệ hơn, sự vắng mặt tạm thời của Jobs có thể trở nên thường xuyên hơn. Có lẽ, sức khỏe của ông không được cải thiện hoặc đây là bước đi đầu tiên trong giai đoạn nghỉ hưu. 

Câu hỏi được đặt ra: “Điều gì sẽ xảy ra với Apple nếu không có Jobs?”

Sự vươn lên của Tim Cook

Được coi là nhân vật số 2 sau Jobs, trong vài năm vừa qua Cook được nhiều người nhìn nhận là người có khả năng kế vị Jobs nhất. Các ứng cử viên khác bao gồm Phil Schiller, người đứng đầu về tiếp thị của Apple; Mark Papermaster, trưởng bộ phận iPod; và Jonathan Ive, trưởng bộ phận thiết kế. Nhưng xét trên nhiều phương diện, Cook dường như là sự lựa chọn phù hợp nhất. Ông có nhiều nét điển hình của Jobs, chẳng hạn như yêu cầu không khoan nhượng về sự hoàn hảo và trách nhiệm giải trình, đồng thời không mắc phải những tính xấu, chẳng hạn như tính khí thất thường của Jobs. Trong khi không ai có thể thay thế được Jobs thì Cook dường như là một sự thay thế đáng tin cậy. 

Tim Cook gia nhập Apple tháng 3/1998 trên cương vị phó giám đốc điều hành, phụ trách chỉnh đốn các hoạt động sản xuất vốn lộn xộn ở Apple. Jobs tuyển dụng Cook từ Compaq nơi Cook phụ trách nhập và kiểm kê hàng hóa cho toàn công ty. Trước đó, Cook đã làm việc 12 năm ở IBM, phụ trách sản xuất và phân phối các máy tính của công ty. 

Trước khi Cook xuất hiện, Apple đã có các nhà máy sản xuất ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Hoạt động ở các công ty rất lộn xộn và gây nhiều lãng phí. Nhiều máy tính được làm toàn bộ ở châu Á; một số khác làm ở châu Âu hoặc Mỹ. Nhiều máy móc được sản xuất một phần ở châu Á rồi vận chuyển tới châu Âu để lắp ráp, hoàn thiện, sau đó vận chuyển ngược trở lại châu Á để đóng gói. Đó là một hệ thống hoàn toàn kém hiệu quả. 

Cook được tin tưởng giao nhiệm vụ sắp xếp lại quá trình này và ông đã thực sự đưa Apple ra khỏi việc sản xuất toàn bộ. Ông đã đóng cửa các kho hàng và các xưởng, đồng thời buộc các nhà cung cấp phải mở các cửa hàng ngay cạnh các nhà máy lắp ráp. Việc sản xuất của Apple trở nên nhanh gọn và hiệu quả hơn, và quan trọng nhất là thời gian công ty dành cho các hàng hóa chưa bán đã giảm từ đơn vị tháng xuống đơn vị ngày. Những hàng hóa chưa bán có thể là một nguy cơ lớn, đặc biệt là đối với các mặt hàng điện tử dân dụng khi mà các sản phẩm thường xuyên được nâng cấp hoặc được thay thế bởi những mẫu mới trước khi bán. 

Thiên hướng giữ bí mật của Jobs đã giúp Cook quản lý hiệu quả sự lưu thông hàng hóa của Apple. Nếu những chi tiết về các sản phẩm mới của Apple bị rò rỉ, có nguy cơ khách hàng sẽ ngừng mua các sản phẩm hiện tại để đợi các phiên bản mới hơn, cải tiến hơn – dẫn đến tình trạng bán rẻ các mẫu mã cũ, hoặc tệ hơn là dẫn tới hiệu ứng Osborne mà ở đó việc bán hàng bị đình trệ nếu một sản phẩm mới được công bố quá sớm và khách hàng ngừng mua sản phẩm hiện tại. 

Dưới thời của Cook, Apple đã trở thành một địa chỉ có sức hút lớn. Công ty hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới mà không bán hết những hàng hóa hiện tại của họ – một chiêu thức Apple đã áp dụng thành công đối với các sản phẩm Mac, iPod và iPhone mới. Thường thì các sản phẩm mới của Apple đã có mặt tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu của Apple cho đến khi Jobs sẵn sàng công bố chúng. Một trong những sự chuyển đổi đáng chú ý nhất dưới sự giám sát của Cook là sự chuyển đổi sang sử dụng bộ xử lý Intel vào năm 2006. Apple đã chuyển đổi thành công toàn bộ dòng máy tính của mình từ các mô hình chạy bằng chip PowerPC cũ sang các mô hình mới hơn với chip Intel mà không gặp cản trở hoặc thậm chí sự sụt giảm về doanh số bán hàng nào.

Thậm chí khi khách hàng biết đến những máy tính mới với chip Intel nhưng họ vẫn không ngừng mua các máy cũ. 

Nhờ năng lực của mình, Cook không ngừng thăng tiến trong đội ngũ quản lý cấp cao của Apple. Năm 2000, Jobs giao cho Cook phụ trách đội ngũ bán hàng và hoạt động hỗ trợ khách hàng của Apple. Năm 2002, Jobs chỉ định ông làm người đứng đầu bộ phận bán hàng toàn cầu. Năm 2004, Cook được chọn đứng đầu bộ phận Macintosh của công ty; năm 2005, Cook được chọn làm giám đốc trung tâm khai thác, giám sát việc bán hàng, các hoạt động toàn cầu và bộ phận Macintosh. 

Đến đầu năm 2009, Cook là thành viên quản trị được trả lương cao nhất, đồng thời là CEO trên thực tế của công ty. Với nhiều trách nhiệm như vậy, Cook đã điều hành Apple một cách hiệu quả trong nhiều năm, qua đó cho phép Jobs tập trung vào việc phát triển sản phẩm mới và các vấn đề chiến lược như ký kết các thỏa thuận với các hãng thu âm và các trường quay. 

“Tim điều hành Apple và hiện đã điều hành Apple được một thời gian dài”, Michael Janes, một đồng nghiệp trước đây của Cook đã nói với trang điện tử của tạp chí Wired. “Steve là bộ mặt của công ty và là người tham gia vào vấn đề phát triển sản phẩm còn Tim là người phụ trách tất cả những mẫu thiết kế đó và biến chúng thành một lượng lớn tiền mặt cho công ty.”

Cũng giống như Jobs, Cook xuất thân từ tầng lớp lao động. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo ở một thị trấn nhỏ bang Alabama. Bố ông là một công nhân đóng tàu đã nghỉ hưu, mẹ làm nội trợ. Ông học kỹ sư công nghiệp tại trường Đại học Auburn và có được tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại trường Đại học Duke. 

Tương tự Jobs, Cook cũng đã phải chạy đua với tử thần vào năm 1996 khi ông bị chẩn đoán sai với chứng bệnh đa xơ cứng, một trải nghiệm được cho là khiến ông sợ hãi đến cứng người. Sau chẩn đoán sai lầm này, Cook đã trở nên quan tâm hơn về sức khỏe của mình, ăn uống tốt hơn và chăm chỉ tập thể dục. Ông thường xuyên đạp xe trên các đoạn đường dài và tập thể hình. 

Cũng như Jobs, Cook là một người tham công tiếc việc. Ông thường tiến hành các cuộc họp lúc sáng sớm hoặc kêu gọi hội nghị muộn vào các buổi tối, đặc biệt là khi làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài của Apple. 

Nếu Cook đang không làm việc thì ông cũng đang vạch ra các kế hoạch. Công việc của Cook ở Apple chính là cuộc sống của ông. Ông không kết hôn, sống giữ mình và không hay tham gia tiệc tùng. Ông ít khi xuất hiện ở các sự kiện xã hội tại  Silicon Valley và hiếm khi phát biểu tại các hội nghị công nghiệp. Ông dành nhiều tiền làm từ thiện mặc dù ông luôn luôn ẩn danh. Gây sự ồn ào hoặc tạo sự chú ý không phải là phong cách của ông. 

Nhưng trong khi Jobs là người tình cảm và tính khí thất thường thì Cook là người trầm lặng và nói năng nhẹ nhàng. Nhờ xuất thân từ Alabama, Cook xuất hiện như một quý ông miền nam lịch sự một cách hoàn hảo. Ông được cho là chưa bao giờ giận dữ – một điều không thể tin được, đặc biệt là khi Jobs nổi tiếng là một người hay cáu kỉnh. 

Tuy nhiên, Cook có uy quyền không quá lớn. Ông yêu cầu sự tôn trọng và lòng trung thành của các đồng nghiệp cũng như các đối thủ. Những người từng làm việc với ông nói rằng ông là một nhà lãnh đạo giỏi. Ông đưa ra những chỉ dẫn đơn giản và rõ ràng, đồng thời thường khen ngợi hoặc tặng quà cho những nhân viên làm tốt công việc của mình. Ông là người có định hướng hành động và cực kỳ có tổ chức. Các cuộc họp lúc khuya thường được dùng vào việc nghiên cứu tỉ mỉ các con số. 

Không giống Jobs, Cook nổi tiếng là người hay sử dụng sự hóm hỉnh của mình để xoa dịu các tình huống căng thẳng. Tại một cuộc họp lớn về bán hàng, ông đã trao cho nhóm bán hàng tệ nhất một ống bơm trong toilet như một phần thưởng. Nếu là Jobs, có thể ông đã đe dọa sa thải nhiều người trong số họ. 

Apple không có Steve Jobs

Rõ ràng Cook có năng lực để điều hành một công ty lớn như Apple với một danh mục sản phẩm đa dạng, và Cook dường như có các kỹ năng lãnh đạo để quản lý nhóm quản trị của Apple. 

Nhưng nhiều quan sát viên băn khoăn liệu Cook có đủ sự sáng tạo và tầm nhìn để lãnh đạo công ty hay không. Liệu Cook có được bản năng thiết kế như của Jobs hay có đủ tài năng để phát triển các sản phẩm mang tính cách mạng hay không. Theo các nhà quan sát, chắc chắn tất cả những phẩm chất này là điều cần thiết để duy trì sự thành công của Apple. 

Tuy nhiên, câu hỏi liệu Apple có thể tồn tại mà không có Jobs đã được trả lời một phần trước đó. 

Năm 1985, Jobs bị buộc phải rời Apple sau khi mất quyền kiểm soát công ty vào tay John Sculley. Sau khi Jobs rời đi, Sculley điều hành Apple trong 10 năm. Trong thời gian này, Sculley đã biến Apple thành một công ty lớn và đầy quyền lực. Dưới sự lãnh đạo của Sculley, Apple trở thành một trong những công ty máy tính lớn nhất và thành công nhất thế giới. Doanh thu của Apple tăng gấp 10 lần, từ 1 tỷ USD đô-la lên 10 tỷ đô-la một năm. 

Tất nhiên, tình hình đã xấu đi từ giữa những năm 1990. Sculley từ chức năm 1993 sau nhiều quý hoạt động kém hiệu quả và Apple đã đấu tranh để thay thế ông. Sau Sculley, xuất hiện một loạt các CEO bất lực. Dòng sản phẩm của Apple trở nên lộn xộn và rối ren, đồng thời sự cạnh tranh khốc liệt từ Microsoft làm cho Apple gần như sụp đổ. Công ty có lẽ đã dễ dàng bị phá sản nếu Jobs không quay trở lại để cứu công ty và cuối cùng đã đưa công ty đi đến thành công lớn hơn. 

Tất nhiên, toàn bộ ngành công nghiệp máy tính ngày nay có thể đã khác đi nhiều nếu Jobs vẫn ở lại Apple năm 1985 nhưng lịch sử cho thấy Apple vẫn tồn tại được trong một thập kỷ mà không có Jobs, và điều này có thể sẽ lặp lại, ít nhất là trong một khoảng thời gian. 

Lộ trình vận dụng uy tín

 Sự khác biệt lớn nhất thời điểm này chính là việc Jobs đã biến những nét đặc trưng cá nhân của mình thành các tiến trình kinh doanh của Apple. Tiến trình này gọi là “lộ trình vận dụng uy tín”, một giai đoạn do nhà xã hội học người Đức Max Weber đặt tên trong một nghiên cứu kinh điển về xã hội học tôn giáo. 

Weber quan tâm đến những gì đã xảy ra đối với các phong trào tôn giáo sau khi các nhà lãnh đạo uy tín của họ qua đời. Hầu hết các tôn giáo đều bắt đầu với các lãnh tụ có khả năng tiên tri, chẳng hạn như Chúa Jesus, Mohammed hay Phật Thích Ca Mâu Ni – những người thu hút các tín đồ bằng các phẩm chất tuyệt vời cũng như các thông điệp đi ngược lại với truyền thống của họ. Tuy nhiên, sau khi những lãnh tụ này qua đời, uy tín và thông điệp của họ phải được “đời sống hóa” nếu phong trào muốn tồn tại. Những lời răn dạy và các phương pháp của họ phải được thể chế hóa, trở thành nền tảng cho các truyền thống mới. 

Trong kinh doanh, lộ trình vận dụng uy tín là quá trình biến những nét đặc trưng cá nhân của một nhà lãnh đạo kinh doanh uy tín thành một phương pháp kinh doanh. Một nghiên cứu đã được tiến hành bởi các chuyên gia quản lý Janice M. Beyer và Larry D. Browning về tập đoàn bán dẫn Sematech có trụ sở tại Austin, bang Texas. 

Được thiết lập từ giữa những năm 1980, Sematech là một tổ chức gồm 14 hãng chế tạo chip của Mỹ kết hợp lại với nhau để giúp ngành công nghiệp máy tính Mỹ theo kịp công nghệ chế tạo chip của Nhật Bản. Tổ chức này đứng đầu bởi Bob Noyce, một huyền thoại tại  Silicon Valley, người phát minh ra mạch tích hợp và đồng sáng lập gã khổng lồ Intel. Sematech có một môi trường cộng tác đặc biệt mà nhiều đối thủ khó có được trong ngành kinh doanh chip mang tính cạnh tranh khốc liệt này. Theo Beyer và Browning, môi trường cộng tác này là kết quả trực tiếp của sự lãnh đạo mang tính dân chủ và cộng tác đặc biệt của Noyce.

Quan trọng hơn, đặc điểm này vẫn tồn tại sau khi Noyce qua đời đột ngột vì bệnh tim năm 1990 bởi vì nó đã trở thành nền tảng của tổ chức này. Beyer và Browning kết luận rằng nếu những nét đặc trưng của một người lãnh đạo trở thành quen thuộc, chúng sẽ tồn tại như những nền tảng của công ty. Khi chúng tạo được nền tảng vững chắc, chúng sẽ biểu trưng cho cách thức tiến hành kinh doanh của một công ty. “Những truyền thống dân chủ và hợp tác tồn tại sau cái chết của Noyce và hiện vẫn được duy trì.” 

Những ví dụ khác được các học giả nghiên cứu bao gồm Alcoholics Anonymous được sáng lập bởi Bill Wilson, người mà những kinh nghiệm cá nhân của ông được đưa vào “12 bước đi và 12 truyền thống”, sau này trở thành một chương trình 12 bước nổi tiếng. IBM và Wal-Mart cũng thường được dẫn chứng như những công ty đã biến uy tín của người sáng lập thành những cách thức tiến hành kinh doanh. 

Tại Microsoft, chủ tịch Steve Ballmer đã nghiên cứu những bài viết của Max Weber trước khi tiếp quản quyền lãnh đạo từ người sáng lập Bill Gates. “Tôi đã ra ngoài và mang cuốn sách về”, ông nói. “Và bạn thấy rất nhiều thể chế lớn đã cố gắng phổ biến hóa những nét đặc trưng của các nhà lãnh đạo uy tín… Có thể có những điều lớn lao xảy ra sau thời đại của các nhà lãnh đạo uy tín nhưng bạn phải nghĩ đến và phải dứt khoát về điều đó.”

Tại Apple, những nét tính cách đặc trưng của Jobs – sự nhiệt tình quá mức, sự tập trung và niềm đam mê đổi mới – đã trở thành những tiến trình mang tính bản năng giúp Apple đảm bảo cung cấp thường xuyên các dòng sản phẩm thành công dù có hay không có Jobs. 

Chẳng hạn, chủ nghĩa hoàn hảo và sự chú ý tới từng chi tiết của Jobs đã được phổ biến hóa trở thành nền tảng của công ty. Jobs từng ném những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vào mặt nhân viên và gọi đó là “đồ rác rưởi” cho đến khi nó được làm lại hoàn hảo. Hiện đội ngũ nhân viên của Apple tạo ra và liên tục kiểm nghiệm những sản phẩm mới cho đến khi chúng đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất. Tóm lại, việc theo đuổi không ngừng nghỉ của Jobs đối với sự hoàn hảo đã trở thành một quá trình riêng được áp dụng trong toàn công ty và nó sẽ vẫn được duy trì dù ai là người nắm quyền Apple đi chăng nữa. 

Nền tảng này có thể cũng giúp Apple đảm bảo rằng sở trường tuyệt vời về đổi mới của Jobs được phát huy. Những sản phẩm như iPhone chưa bao giờ đạt tới mức hoàn hảo theo tưởng tượng của Jobs. Hơn nữa, chúng được “khám phá” thông qua việc sáng tạo hàng trăm mẫu khác nhau. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu của Apple đều được phát hiện ra sau những thất bại của các kỹ sư. Quá trình tạo mẫu của Apple đã trở thành một phương thức thúc đẩy sự đổi mới cũng như sự kiểm soát chất lượng sản phẩm. 

Đây là một hệ thống không phụ thuộc vào một mình Jobs. Tất nhiên, Jobs đóng vai trò quan trọng như các kỹ sư, các nhà thiết kế và các lập trình viên của ông cũng vậy – và có thể tượng tượng được rằng quá trình này vẫn hoạt động tốt khi không có Jobs. 

“Tinh thần của Steve Jobs đã được thể chế hóa”, một thành viên Apple đã viết như vậy khi báo cáo về một bản chú thích đầu tư của nhà phân tích Shaw Wu của Kaufman Bros. Theo Wu, tinh thần và nghị lực của Jobs đã được truyền đạt tới hàng ngàn nhân viên của Apple, đặc biệt là đội ngũ quản trị. “Chúng tôi tin rằng hiện nay Apple đã có một nền tảng vững chắc và văn hóa đổi mới cũng như sức mê hoặc hay tinh thần của Apple ít nhiều đã được thể chế hóa”. 

Chuyên gia phân tích Gene Munster của Piper Jaffray cũng có quan điểm tương tự về đội ngũ quản trị của Apple. “Trong khi Jobs là bộ mặt không thể thay thế của Apple”, Munster viết trong một chú thích đầu tư, sự đổi mới của công ty đến từ toàn thể đội ngũ trong công ty, đặc biệt là đội ngũ quản trị. “Cùng với Jobs, đội ngũ quản lý này chịu trách nhiệm về sự đổi mới sản phẩm của Apple.”

Cook: “Chúng tôi ở đây để tạo ra những sản phẩm vĩ đại”

Tháng 1/2009, trong một lời kêu gọi với các chuyên gia phân tích của Phố Wall, Tim Cook đã đưa ra một tuyên bố thú vị về triết lý của Apple:

Đội ngũ quản trị của Apple là những người rộng rãi, sâu sắc và hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời, và họ lãnh đạo hơn 35.000 nhân viên – những người mà tôi cho là “thông minh một cách tinh quái”. Họ phân bổ trong mọi lĩnh vực của công ty, từ kỹ sư, tiếp thị đến hoạt động, bán hàng và các lĩnh vực khác. Tất cả những giá trị của công ty đều được quán triệt một cách cực kỳ chu đáo. 

Chúng tôi tin rằng chúng tôi tồn tại trên trái đất này là để làm ra những sản phẩm vĩ đại, và điều đó sẽ không thay đổi. Chúng tôi luôn luôn chú trọng đến sự đổi mới. Chúng tôi tin vào sự đơn giản chứ không phải sự phức tạp. Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần phải sở hữu và kiểm soát những công nghệ lớn phía sau những sản phẩm chúng tôi làm ra và chỉ tham gia vào các thị trường mà ở đó chúng tôi có thể có những đóng góp lớn. 

Chúng tôi tin tưởng rằng việc từ chối hàng nghìn dự án sẽ giúp chúng tôi có thể thực sự tập trung vào một vài dự án thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với chúng tôi. Chúng tôi tin vào sự hợp tác chặt chẽ cũng như sự phối hợp giữa các nhóm trong công ty, qua đó cho phép chúng tôi đổi mới theo những cách mà người khác không thể. 

Thẳng thắn mà nói, chúng tôi luôn phấn đấu hướng tới sự hoàn hảo cho mỗi nhóm trong công ty, và chúng tôi đủ trung thực để thừa nhận những gì mình sai và có đủ can đảm để sửa đổi. Với tôi, dù bất kỳ ai đảm nhiệm bất kỳ công việc gì thì những giá trị đó đã trở thành nền tảng của công ty này, qua đó giúp Apple sẽ luôn hoàn thành tốt công việc của mình. 

Đó là một trong những tuyên bố công khai chi tiết đầu tiên của Cook về công ty và nó cho thấy sự sáng suốt trong suy nghĩ của ông. Tuyên bố này chứng tỏ khả năng lãnh đạo của Cook. Trước đó, Cook dường như là một người không tinh tường khi không có những bài phát biểu truyền cảm nào. Nhưng ở đây là một sự mô tả mang tính hùng biện về cái đã mang lại thành công cho Apple. Tất nhiên, Apple đã đi theo những ý tưởng này trong nhiều năm nhưng rõ ràng là Cook đã nghiên cứu rất nhiều về văn hóa của Apple và đã phát triển một triết lý rõ ràng, rành mạch cho việc lãnh đạo công ty. 

Đáng lưu ý, đó dường như là một triết lý phi thường giống như việc vận dụng uy tín của Jobs vào hành động thực tiễn. Cook dường như đang mô tả những nét đặc trưng cá nhân cũng như cách làm việc của Jobs và biến chúng thành các triết lý kinh doanh khác nhau:

“Chúng tôi tồn tại trên trái đất này là để làm ra những sản phẩm vĩ đại.”

Đây là tinh hoa của Jobs – một người luôn hướng tới sản phẩm (product guy). Jobs đã từng nói: “Bạn cần một nền văn hóa định hướng sản phẩm ngay cả ở trong một công ty công nghệ. Nhiều công ty có những kỹ sư tài giỏi và những nhân viên khéo léo. Nhưng rốt cuộc, vẫn cần một lực hấp dẫn để kết hợp chúng lại với nhau.”

“Chúng tôi luôn luôn chú trọng đến sự đổi mới.”

Điều này minh chứng cho sự đam mê của Jobs đối với việc tập trung vào những thay đổi mang tính cách mạng bởi vì chúng là những thứ tạo nên một dấu ấn trong vũ trụ này. “Tôi luôn luôn bị hấp dẫn bởi những thay đổi mang tính cách mạng”, Jobs nói. “Tôi không biết tại sao. Có lẽ vì chúng là những công việc khó khăn.”

“Chúng tôi tin vào sự đơn giản chứ không phải sự phức tạp.”

Đây là mục tiêu lâu dài của Jobs hướng tới dân chủ hóa công nghệ và mang nó đến với nhiều người. Tất nhiên, đơn giản hóa công nghệ đã bám sâu vào nền tảng của Apple. 

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần phải sở hữu và kiểm soát những công nghệ lớn phía sau những sản phẩm chúng tôi làm ra.”

Niềm tin không đổi của Jobs về việc Apple cần phải kiểm soát “toàn bộ thiết bị” không chỉ giúp đảm bảo sự tích hợp, độ tin cậy và tính tiện dụng mà còn giúp Apple theo kịp những thay đổi trong ngành công nghệ phát triển nhanh chóng này. 

“Chúng tôi tin tưởng rằng việc từ chối hàng nghìn dự án sẽ giúp chúng tôi có thể tập trung vào một vài dự án thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với chúng tôi.” 

Nguyên tắc và sự tập trung của Jobs không chỉ cứu Apple năm 1996 bằng cách loại bỏ hàng chục ý tưởng không có lợi vốn là nguyên nhân gây ra sự tụt dốc của Apple mà còn đảm bảo cho Apple tập trung được toàn bộ năng lượng của mình vào các sản phẩm và các dự án mang lại hiệu quả cao nhất. 

“Chúng tôi tin vào sự hợp tác chặt chẽ cũng như sự phối hợp giữa các nhóm trong công ty.”

Đây là sự mô tả về cách thức nhóm A của Jobs làm việc. Từ những nguyên tắc khác nhau trong công ty, các nhóm đã truyền cảm hứng và tiếp sức mạnh cho các ý tưởng của nhau. Chẳng hạn, bánh xe cuộn của iPod được đề xuất đầu tiên bởi Phil Schiller, nhân viên hàng đầu về quảng cáo chứ không phải người của nhóm thiết kế. 

 “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi luôn phấn đấu hướng tới sự hoàn hảo cho mỗi nhóm trong công ty.”

Đây là chủ nghĩa hoàn hảo của Jobs góp phần mang lại thành công cho Apple. Nhờ việc loại bỏ những sản phẩm mang tính tầm thường, Apple đã đổi mới và thành công trong hầu hết các lĩnh vực mà công ty này tham gia. 

Cook kết luận rằng có lẽ điểm quan trọng nhất là tất cả những giá trị và tinh thần của Jobs hiện đã bám sâu vào nền tảng văn hóa của công ty, qua đó giúp công ty luôn hoạt động hiệu quả dù bất kỳ ai đảm nhiệm một vị trí cụ thể nào:

“Với tôi, dù bất kỳ ai đảm nhiệm bất kỳ công việc gì thì những giá trị đó đã trở thành nền tảng của công ty này, qua đó giúp Apple sẽ luôn hoàn thành tốt công việc của mình.”

Sự kế vị tại Apple

Tuy nhiên, việc thừa nhận rằng công ty sẽ tiếp tục phát triển dù bất kỳ ai đảm nhiệm bất kỳ công việc gì không phải là lời giải đáp cho mọi câu hỏi. Thậm chí dù Cook có thể đã tham khảo ý kiến của Jobs trong tuyên bố này và cố gắng đảm bảo với Phố Wall về các kế hoạch kế vị của Apple nhưng Apple sẽ không bao giờ được như vậy nếu không có Jobs. 

Việc thay thế Jobs cũng giống như việc cố gắng thay thế Mick Jagger. Không còn cách nào khác. Không có Jagger, Rolling Stones không còn là Rolling Stones nữa. Cook là người đầu tiên nhận ra điều tương tự sẽ xảy ra với Apple. Cook từng nói: “Thay thế Steve? Không. Ông là người không thể thay thế. Đó là điều mọi người phải vượt qua.”

Ballmer của Microsoft đã từng nói điều tương tự về ông chủ trước đây của công ty này: “Bạn không thể thay thế Bill Gates. Bạn có thể điều hành một công ty lớn nhưng bạn không nên nghĩ rằng bạn sẽ thay thế người sáng lập ra công ty… Bạn không thể suy nghĩ theo cách đó; đó là lối nghĩa sai lầm.”

Trường hợp của Apple cũng vậy. Nhiều người lo ngại không ai có thể thay thế vai trò lãnh đạo uy tín của Jobs. Người kế vị Jobs có thể tiếp tục duy trì được sự thành công của công ty nhưng nhiều người lo sợ những phút chói sáng của công ty sẽ bị mất đi. Trong nhiều năm, Sculley đã phát triển thành công Apple nhưng vẫn thiếu một tầm nhìn để gắn kết toàn công ty. Thực tế, công ty đã trở nên rạn nứt, vô kỷ luật và cuối cùng gần đi đến bờ vực phá sản. 

Sculley là ví dụ điển hình về những gì đã xảy ra ở nhiều công ty sau khi những nhà lãnh đạo uy tín bị thay thế bằng các nhà lãnh đạo có khuynh hướng truyền thống hơn, thậm chí cả khi công ty đã vận dụng thành công triết lý của nhà sáng lập. Các nhà lãnh đạo kinh doanh truyền thống chú trọng đến những điều cơ bản, chẳng hạn như tiếp thị hoặc mở rộng các chi nhánh hiện có. Sculley là một nhà lãnh đạo truyền thống. Ông phát triển Apple bằng cách tiếp nối và mở rộng hướng đi truyền thống của công ty. Ông tập trung vào các hoạt động hơn là sự đổi mới. Apple phát triển bởi vì toàn bộ ngành công nghiệp máy tính đang phát triển nhanh chóng vào thời điểm đó. Sculley đã giữ cho Apple không văng ra khỏi trào lưu phát triển đó. 

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng Cook và những người có khả năng kế vị khác có thể cũng tương tự như Sculley. Với tư cách là nhà điều hành, Cook có thể duy trì sự thịnh vượng của công ty trong nhiều năm – thậm chí làm cho nó phát triển hơn – nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với sự đổi mới của Apple? Liệu khả năng sáng tạo có bị mất đi?

Có lẽ điều Apple cần là một người có khả năng sáng tạo ở cương vị lãnh đạo – một người như Dean Kamen, người phát minh ra Segway? Nhưng thay thế Jobs bằng một CEO sáng tạo có thể còn mạo hiểm hơn. Có thể dễ dàng tưởng tượng ra một CEO không tuân theo các nguyên tắc của công ty, người tự cho mình là Steve Jobs nhưng lại tạo ra các sản phẩm kém chất lượng mà không ai muốn, chẳng hạn như Segway. 

Rõ ràng Apple có một nền tảng vững chắc nhưng thiếu một nguời lãnh đạo mạnh mẽ, liệu đội ngũ của Apple có thất bại trong hợp tác nhóm? Thiếu một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như Jobs, liệu quyền quyết định của công ty có rơi vào tay hội đồng giống như nhiều công ty khác?

Khả năng điều này có xảy ra hay không còn phải xem xét nhưng bằng chứng rõ ràng nhất về việc Apple sẽ vẫn tốt đẹp khi không có Jobs nằm ở một công ty khác của Jobs, công ty Pixar (hiện thuộc sở hữu của Disney).

Apple và Pixar đều dựa vào quá trình “chế tạo và kiểm nghiệm” tương tự nhau, một quá trình cho phép khám phá các sản phẩm trong suốt quá trình thiết kế mẫu. 

Jobs chưa bao giờ quản lý Pixar giống như cách ông quản lý Apple – ông thường xuyên vắng mặt tại Pixar. Nhưng Pixar đã lần lượt tạo ra các sản phẩm bom tấn mà không có sự giám sát của Jobs. 

Nhưng nếu cho rằng người kế vị Jobs sẽ làm được điều tương tự như Jobs đã làm là một sai lầm. Người kế vị của Jobs cần phải có sự khác biệt. Chắc chắn sẽ rất buồn khi phải thực hiện việc chuyển giao quyền lực ở Apple và có thể sẽ không tránh được những sai lầm nhưng Jonathan Ive, người mà tài năng của ông là điều không phải bàn cãi, sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho bộ phận thiết kế mẫu công nghiệp của Apple; Phil Schiller sẽ đảm bảo sự vượt trội của Apple về tiếp thị; và Cook sẽ phụ trách chung, đảm bảo Apple sẽ vận hành trơn tru như một chiếc đồng hồ. Như chúng ta thấy, một trong những tài năng lớn nhất của Jobs là phát hiện ra tài năng của người khác. Ông luôn có sở trường về tuyển dụng những con người vĩ đại và ông gắn kết họ lại thành một đội ngũ tuyệt vời tại Apple. 

“Sẽ cực kỳ ngây thơ nếu nhìn vào Apple và cho rằng nó chỉ hoạt động vì có Steve Jobs”, Jason Snell, biên tập viên của Macworld nói. “Đó là một câu chuyện thần tiên. Công ty hoạt động tốt vì nó gồm một đội ngũ những người biết làm thế nào để đi đến thành công.”

Thậm chí có thể có những mặt tích cực nếu người khác điều hành Apple. Jobs đã mang đến sự nghiêm khắc và tính liên tục cho công việc. Apple thiếu đi thiên hướng giữ bí mật và kiểm soát toàn bộ có thể lỏng lẻo hơn một chút, mở cửa hơn một chút. Nó có thể kết nối tốt hơn với các khách hàng của mình và với giới báo chí.

Apple thời kỳ hậu Jobs sẽ có sự khác biệt, và thực tế nó có thể sẽ chệch choạc hơn. Chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng nó cũng có thể giống như AC/DC với Scott hoặc Van Halen với Sammy Hagar – hai nhóm được cho là đã trải qua thời kỳ hoàng kim của họ với sự thay thế nhóm trưởng.  

Sự ám ảnh của Jobs về cái chết

Khi tôi nghiên cứu Inside Steve’s Brain, tôi đọc mọi thứ về Jobs, bao gồm mọi bài phỏng vấn và bài viết trên tạp chí được xuất bản trong vài thập kỷ qua. Một trong những điểm nổi bật nhất về những bài phỏng vấn này là số lần Jobs đề cập đến cái chết như một động lực cho cuộc sống. 

 Hết lần này đến lần khác Jobs nói rằng ông bị thôi thúc phải tạo ra sự ảnh hưởng khi mà thời gian của ông không còn nhiều. Đó là một chủ đề được đề cập nhiều lần và tôi đã nghĩ về việc dành hẳn một chương đề cập đến chủ đề này. Jobs bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi ông cạnh tranh ngay cả với Emily Johnson.

Thậm chí ở độ tuổi hai mươi, Jobs đã bị ảm ảnh về cái chết của mình. Theo Sculley, Jobs tin rằng cuộc sống của mình sẽ không kéo dài và điều đó thôi thúc Jobs tạo ra ảnh hưởng trước khi mất. Trong cuốn tự truyện của mình, Sculley cho rằng đó là lý do tại sao Jobs lại có động lực và tham vọng như vậy. Tất nhiên, Jobs đã sống lâu hơn so với dự báo của cá nhân ông. 

Năm 2005, Jobs đã có một bài phát biểu mở màn tại một khóa sinh viên sắp tốt nghiệp của trường đại học Standford. Bài phát biểu của ông chủ yếu tập trung vào lý do tại sao và làm thế nào nó có thể trở thành phát minh quan trọng nhất của cuộc đời. Jobs đã nói với các sinh viên trẻ:

Cần nhớ rằng việc tôi có thể chết sớm đã trở thành động lực quan trọng nhất giúp tôi đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu hết mọi thứ – sự mong đợi của nguời khác, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, sự bối rối hay sự thất bại – tất cả đều biến mất khi phải đối mặt với cái chết, để lại duy nhất những gì thực sự quan trọng. 

Jobs tiếp tục:

Cần nhớ rằng việc bạn có thể chết sớm là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh cái bẫy của lối suy nghĩ cho rằng bạn sắp mất đi thứ gì đó. Thực tế bạn chẳng còn gì cả. Không có lý do gì để không thực hiện theo sự mách bảo của con tim. 

Jobs đã nói với các sinh viên tốt nghiệp của trường Standford về sự chẩn đoán căn bệnh ung thư của mình và làm thế nào viễn cảnh về cái chết đã trở thành một công cụ hữu ích. Ông tiếp tục:

Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người muốn đi đến thiên đường cũng không muốn chết để được đi đến đó. Tuy nhiên, cái chết là điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Chưa ai từng thoát khỏi nó. Và nó phải diễn ra như vậy bởi vì Cái chết được coi là sự sáng tạo vĩ đại nhất của Cuộc sống. Nó là nhân tố làm thay đổi Cuộc sống. Nó xóa bỏ cái cũ để dọn đường cho cái mới. 

Ngay bây giờ bạn là cái mới nhưng một ngày không xa bạn sẽ dần dần trở thành cái cũ và bị xóa bỏ. Xin lỗi vì đã làm các bạn chấn động nhưng điều đó khá đúng. 

Thời gian của bạn không có nhiều, vì thế đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác. Đừng bị mắc bẫy vào những giáo điều – tức là sống với những kết quả từ lối suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng nói của người khác lấn át tiếng nói của chính bạn. Và quan trọng nhất, hãy dũng cảm đi theo con tim và trực giác của bạn. Bằng một cách nào đó chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là phụ. 

Apple chắc chắn sẽ không bao giờ giống như trước khi không có Jobs. Nhưng trong suốt thời gian Jobs vắng mặt để điều trị bệnh – và cả trong thời khắc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây – Apple đã nỗ lực có được những khoản thu nhập kỷ lục và mức tăng 10% trong doanh số bán hàng của Mac. 

Dù có hay không có Jobs, công ty dường như sẽ ngăn chặn được tình trạng suy thoái. 

Sự phàn nàn của giới phê bình về giá cả đắt đỏ đối với các sản phẩm của Apple rõ ràng là không có thật. Thành công của công ty – cho dù công ty có ở tình trạng suy thoái hay không – chứng tỏ rằng thị trường vẫn có chỗ cho những sản phẩm chất lượng tốt, “đáng đồng tiền bát gạo”. Nếu công ty tiếp tục đi theo triết lý này sau khi thay thế Jobs, và Cook đã khẳng định chắc chắn về điều đó, thì công ty sẽ tiếp tục phát triển. 

Chắc chắn Apple không cần một nhà lãnh đạo – người muốn trở thành một Steve mới. Người nào chà đạp lên tài năng, khối óc và kinh nghiệm mà Jobs đã vun đắp tại Apple trong suốt 10 năm qua sẽ phải bị coi là một thảm họa. 

Nhưng dường như một nhà lãnh đạo không quá sôi nổi như Cook sẽ không làm điều đó. 

Có thể Cook không có những bài phát biểu hùng hồn nhưng ông sẽ lặng lẽ giúp cho các kỹ sư, các lập trình viên và các nhà thiết kế chủ chốt của Apple tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp máy tính với những sản phẩm sáng tạo. Và đó là một tương lai mà mọi người có thể hướng tới. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.