Sự trả thù ngọt ngào

Chương 7



“Hôm nay chúng ta phải tỏ ra lịch sự, còn ngày mai tính sau,” Claudia nói. “Anthony đã lại về nhà và mang theo người vợ mà anh ấy yêu thương. Anh ấy đã gọi vợ là em yêu. Có ai nghe thấy không? Tôi đã đứng gần đó, tôi chắc chắn mình nghe đúng.”

Chồng cô khịt mũi. “Các đời Công tước Withingsby và những người thừa kế không kết hôn vì một lý do tầm thường như tình yêu,” anh nói, “chính em biết rất rõ mà, Claudia.”

Cô đỏ mặt và cúi xuống đặt một nụ hôn lên đỉnh đầu Augusta. William cũng tỏ ra lúng túng, nhưng không còn thời gian để mọi người chuyện phiếm tiếp nữa. Cánh cửa mở ra và Công tước xuất hiện. Ông băng qua phòng trong sự im lặng chào đón và đứng quay lưng lại trước lò sưởi chưa được nhóm, hai tay chắp sau lưng

“Staunton chưa đến à?” ông hỏi có vẻ hơi thừa. “Anh ta đến muộn. Chúng ta sẽ chờ đợi theo ý muốn của anh ta.” Câu nói lạnh nhạt ấy xem ra chẳng cần một lời đáp nào.

Cả gia đình bắt đầu chờ đợi trong sự im lặng nặng nề. Bá tước Twynham rõ ràng rất muốn uống nốt ngụm rượu cuối cùng, nhưng vẫn phải kín đáo đặt ly xuống mặt tủ trong nỗi tiếc rẻ. Claudia ôm lấy Augusta và mím cười với nó. Cô bé đang cảm thấy ngỡ ngàng và hoài nghi khi mình được ngồi uống trà trong phòng khách cùng người lớn.

Charity đã lường trước được vẻ tráng lệ của Enfield Park, nhưng dẫu thế, phòng khách vẫn làm cô bị ngợp khi vừa bước chân vào. Phòng khách ở nhà cô giống một gian phòng trò chuyện ấm cúng hơn, một nơi cả nhà tụ tập khi tất cả mọi người đều trở về vào buổi tối hay khi họ tiếp đón bạn bè và hàng xóm. Căn phòng này giống như… gì nhỉ? Một khán phòng là hình ảnh duy nhất xuất hiện trong đầu cô. Trần nhà hình vòm cao vút vẽ một cảnh trong thần thoại, song cô không được thảnh thơi để xác định xem đó là cảnh gì. Các bức tường treo những bức tranh lớn đóng khung mạ vàng – hầu hết là tranh phong cảnh. Đồ nội thất mạ vàng và trang trí lộng lẫy, toát lên vẻ giàu sang, khiếu thẩm mỹ và uy quyền. Khung cửa cũng được chạm trổ công phu. Lò sưởi bằng đá cẩm thạch quả là một công trình nghệ thuật.

Nhưng cô chưa kịp ngắm nghía thêm được gì thì đã phải nín thở và tập trung chú ý vào những người đang ở trong phòng. Ngài Công tước đang trịnh trọng đứng trước lò sưởi, còn tất cả những người khác rải rác quanh phòng, người đứng người ngồi. Không ai cử động hay nói một câu, mặc dù tất cả những cái đầu đều quay ra cửa khi cô khoác tay chồng bước tới.

Chiếc váy muslin thêu của cô hình như cũng phù hợp với sự kiện này chẳng kém gì địa vị thay đổi đột ngột của cô.

Một lát sau, khi sự choáng váng ban đầu qua đi, cô lại kinh ngạc trước tất cả những người ở đâytrai của họ đã về nhà, thế nhưng không ai nói một lời với anh. Nhân danh Chúa, họ bị làm sao vậy? Câu trả lời không bao lâu đã đến. Hầu hết những ánh mắt sau ít phút đều hướng về Công tước, và rõ ràng mọi người chờ ông lên tiếng trước. Ông từ từ mở miệng, dù không cần nói gì cũng truyền đạt được thông điệp là ông không hài lòng.

Không ai có quyền trở thành một bạo chúa, Charity nghĩ – nhưng đó là ý nghĩ cô chắc chắn phải giữ cho riêng mình.

“Giờ thì ngài Staunton đã vui lòng tham gia cùng chúng ta,” cuối cùng ông nói, “ta có thể cho mang trà vào rồi. Marianne đâu? Chị rung chuông gọi trà hộ. Phu nhân Staunton có thể được miễn nhiệm vụ lần này.”

Mất vài giây Charity mới nhận ra mình là người được miễn nhiệm vụ. Khỏi việc rót trà ư? Cô sao? Nhưng đương nhiên rồi, cô bàng hoàng nhận ra. Là vợ một hầu tước thì cô là người phụ nữ có vai vế nhất ở đây. Cô càng nghĩ nhiều hơn về chiếc váy muslin thêu hoa của mình.

“Anh Tony, đến đây ngồi cạnh em và nói em biết tại sao anh chẳng bao giờ trả lời thư em,” Marianne nói, đứng dậy để kéo dây chuông. Vì cô ta không thèm nhìn Charity và vì chiếc sofa cô ta đang ngồi chỉ dành cho hai người, nên hiển nhiên lời mời của cô ta không bao gồm vợ của anh trai trong đó.

Nhưng Charity đã nhìn ra chỗ cửa sổ và nhóm người nhỏ tụ tập ở đó. Claudia đang ngồi với Augusta, một cánh tay choàng qua vai cô bé, và Charles đứng cạnh họ. Claudia bắt gặp ánh mắt cô và nhìn lại cô một cách thân thiện – hoặc Charity chọn cách tin như thế khi cô băng qua phòng tới chỗ họ. Cô sẽ không làm một cái bóng bất kể đó là ý muốn của chồng cô. Cô là một quý cô và những quý cô chưa bao giờ là cái bóng của người khác, kể cả chồng của họ.

Cô mỉm cười niềm nở. “Em được vào phòng khách để dùng trà rồi ư, Augusta?” Cô nói. “Chị rất mừng.”

“Chỉ hôm nay thôi,” Claudia nói. “Vì đây là dịp đặc biệt. Anh Anthony về nhà. Những đứa trẻ khác không được may mắn như thế dù có xị mặt và nài xin thế nào.”

“Những đứa trẻ khác ư?”

“Anh Anthony chưa nói với chị sao?” Claudia hỏi. “Nhưng đến anh ấy cũng chưa gặp đứa nào mà. Ba đứa con của Marianne và Richard – hai gái một trai – cùng hai đứa con trai của em và anh William nữa. Có lẽ sau bữa trà mời chị quá bộ lên phòng trẻ gặp chúng. Chúng sẽ mừng lắm đấy, em đảm bảo với chị.”

Charity những muốn ôm chầm lấy cô ấy khi nhận được lời mời. Chí ít cũng có một người bình thường ở Enfield Park. Làm sao Claudia tìm được chiếc váy phù hợp hoàn hảo với màu mắt cô ấy đến vậy? Cô tự hỏi.

“Charles,” cô mỉm cười với cậu ta. “Em được trung đoàn cho nghỉ phép à?”

“Thưa phu nhân.” Cậu ta cúi chào cứng nhắc. “Tôi được Công tước gọi về.”

“Phu nhân.” Charity nhẹ nhàng nói. “Chị không biết em có vui lòng gọi chị bằng tên riêng không, vì chị là chị dâu em? Tên chị là Charity.”

“Phu nhân,” cậu ta nghiêng đầu với cô.

Chà! Charity quay người để nhìn vào phòng và thấy mình đang bị quan sát từ đầu đến chân bởi ánh mắt khinh bỉ của Marianne. Hầu tước đang ngồi cạnh cô ta, trông bất cần và độc địa y như trong buổi sáng ở đường Upper Grossvenor hôm nào. Bá tước Twynham – Claudia đã gọi ông ta là Richard – đang đứng bên tủ ly, vẻ mặt buồn chán. William, cũng đang đứng giữa phòng, ánh mắt lơ đãng không chú mục vào đâu. Ngài Công tước thì không nhúc nhích khỏi vị trí quyền lực trước lò sưởi.

Charity tự hỏi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào nếu cô thình lình hét toáng lên hoặc vỗ tay đen đét. Cô nhận ra mình đang muốn thử nghiệm điều đó. Nhưng đúng lúc ấy cánh cửa chợt mở ra và trà được mang vào. Cô liền có một ý tưởng hay hơn.

Charity băng qua phòng với tất cả vẻ duyên dáng có thể huy động – mẹ cô vẫn thường phê bình cô đi đứng không ra dáng một quý cô, và cả Penny thỉnh thoảng cũng nói xa nói gần điều tương tự khi hai chị em đi dạo với nhau.

“Hy đặt xuống đó,” cô nói với những gia nhân, chỉ vào chiếc bàn rõ ràng dùng để đặt khay trà. Cô đi vòng qua bàn tới chiếc ghế đơn đặt phía sau, mỉm cười với cô em chồng. “Tôi sẽ rót trà, Marianne, không cần phiền cô.” Cô hướng nụ cười tương tự vào Công tước. “Cảm ơn cha, vì đã nghĩ cho con, song cha không cần miễn cho con những bổn phận của con khi làm vợ anh Anthony đâu ạ.” Cuối cùng cô chuyển nụ cười sang anh và tăng độ rạng rỡ của nó lên gấp mười lần. Cô định gửi một nụ hôn gió cho anh, nhưng không – cô sẽ không thô thiển đến thế.

Trong khoảnh khắc rợn người đó, cô tin chắc rằng một chiếc ghim rơi trên sàn cũng nghe rõ mồn một – bất chấp sàn nhà trải thảm sang trọng. Nhưng chồng cô đã đứng lên đúng lúc.

“Chắc chắn em có thể rót một tách trà cho anh, em yêu,” anh nói. Và rồi anh thực hiện điều đó, điều cô đã khuyên anh. Anh mỉm cười với cô – bằng khuôn miệng và hàm răng trắng bóng, bằng đôi mắt và cả gương mặt rạng ngời. Anh mỉm cười và biến đổi thành một người đàn ông đẹp trai đầy sức sống, chưa kể đến vẻ quyến rũ làm người ta bủn rủn. Charity tự hỏi đôi tay cô có đủ vững để nhấc ấm trà rót vào tách trà mà không làm nước trà tràn hết xuống đĩa không. Cô phải nghiêm khắc nhắc nhở mình rằng anh chỉ đang diễn vai của mình và cô cũng thế.

Mình chưa bao giờ, cô nghĩ bụng, phải vất vả đến thế để kiếm miếng ăn. Đúng là lần này cô đang kiếm được hơn nhiều, không chỉ miếng ăn, mà hơn cả những gì cô mơ tưởng. Nhưng dẫu thế…

Nhưng dẫu thế, cô không chắc sẽ đồng ý tất cả chuyện này nếu như biết trước những gì mình sẽ phải đối mặt.

***

Charity đã thay sang chiếc váy dài lụa màu xám cho bữa tối. Cổ áo giản dị, ống tay áo giản dị, tất cả những cái khác đều giản dị. Nó không xấu, cũng không phải mốt thời trang mới nhất – hay mới nhì, chồng cô nghĩ thầm. Trông nó giống một bộ trang phục lịch sự và bình thường mà một nữ gia sư có thể mặc khi đưa bọn trẻ xuống phòng khách để cha mẹ chúng khoe với khách khứa của gia đình. Nó là loại trang phục được thiết kế để khiến cô vô hình. Cô không đeo bất cứ đồ trang sức nào.

Anh gõ cửa phòng thay đồ của cô, cô hầu mới ra mở cửa. Anh dừng lại ở ngưỡng cửa, quan sát vợ bằng đôi mắt hơi nheo lại.

“Cô đi được rồi,” anh bảo cô gái, cô ta liền nhún gối chào rồi vội vã chạy đi mà không kịp liếc lại bà chủ để xem có được đồng ý không.

Cô ta đã làm được những việc đáng khâm phục với mái tóc vợ anh. Nó lượn sóng mềm mại quanh gương mặt cô và cuộn lại xinh xắn ở sau đầu. Anh thích kiểu tóc đơn giản mọi khi hơn, nhưng anh không nói gì.

“Tại sao em chọn chủ trì bữa trà chiều nay?” Anh hỏi cô. Cô đã khiến anh hoàn toàn bất ngờ. Anh gần như thích thú, cảm nhận được sự khó chịu rõ mồn một của mọi người, quan sát sự sững sờ của họ trước vợ anh, người đã ăn mặc cực kỳ đơn giản trong chiếc váy muslin cũ – hoàn toàn đối lập với trang phục thanh lịch, đắt tiền, hợp thời trang của họ. Anh đã làm tất cả khó xử, lúng túng, kể cả cha anh, anh cá là thế. Họ không biết làm thế nào với anh hay với hôn nhân bất ngờ của anh. Có lẽ tất cả đều hơi sợ anh. Và chắc chắn biết rõ lý do mình được triệu tập về Enfield Park. Một phần đương nhiên là vì sức khỏe của cha họ – nhưng đó chỉ là cái cớ cho ý định tổ chức lễ đính hôn cho người thừa kế của ông với cô gái đã được chọn từ nhỏ. Có cả một vũ hội được tổ chức để ăn mừng sự kiện này một cách rộng rãi.

“Bởi vì, như cha ngài đã nhắc em,” vợ anh trả lời, “đó là nhiệm vụ của em khi làm vợ con trai cả của ông.”

“Không nhất thiết em phải thực hiện bổn phận của mình vì đã nhận lãnh nó,” anh nói. “Em biết nó không nằm trong ý định của tôi khi đưa em về đây.”

“Nhưng ngài đã chọn một quý cô làm vợ, thưa ngài,” cô nhắc anh. “Một quý cô biết người ta mong chờ gì ở mình sau khi kết hôn dẫu cho cô ấy không thể ăn mặc hay diễn vai một nữ công tước tương lại. Ngài có thể yên trí rằng gia đình ngài hoàn toàn xem thường vẻ ngoài và lai lịch của em, khả năng giao tiếp kém cỏi và sự nghèo khó của em. Họ cứ thoải mái làm vậy đi vì em chẳng làm được gì để thay đổi những thứ đó. Nhưng em sẽ không để họ tin rằng em cũng không được giáo dục đầy đủ. Đó là một sự dối trá và là sự sỉ nhục đối với hồi ức về mẹ em.”

Khác xa con chuột nhỏ lặng lẽ của anh. Anh ngờ rằng cô ta không thực sự tồn tại. Charity Duncan chắc chắn đã đóng kịch trong cuộc phỏng vấn đó. Cô rất muốn có vị trí gia sư – cô đã thất bại trong sáu lần nỗ lực trước – và đã cư xử như một nữ gia sư đúng nghĩa. Anh đã coi diễn xuất của cô là thực và không nhận thấy có một cá tính mạnh đằng sau vẻ nhu mì ấy. Lẽ ra anh nên chú ý nhiều hơn đến đôi mắt xanh linh lợi kia. Anh đã bị lừa. Nhưng lời cô nói lúc này chứa đựng sự thật. Tất cả mọi người chiều này đã đối xử với cô bằng sự hạ mình kín đáo và có học. Cô không thuộc thế giới của họ. Tất cả bọn họ đều sợ khi nghĩ rằng một ngày nào đó cô sẽ là vợ người đứng đầu gia đình. Cha anh hẳn cảm thấy tất cả mọi thứ ông đã gây dựng được đang đổ vỡ loảng xoảng bên tai.

“Sẽ không người nào công khai sỉ nhục em hết,” anh khẳng định với cô, không phải lần đầu. Nhưng giờ anh cảm thấy lời cam kết này có tính cá nhân hơn. “Không ai dám làm thế.”

Cô mỉm cười và bước về phía anh. “Những lời sỉ nhục chỉ có tác động thực sự,” cô nói, “khi người bị sỉ nhục để tâm đến chúng. Em sẽ không bị sỉ nhục ở đây, thưa ngài.” Cô khoác lấy cánh tay anh chìa ra.

Và đó, anh nghĩ, là sự bác bỏ lặng lẽ, duyên dáng, và rất kiên định. Cô không quan tâm đến ai trong ngôi nhà này, lời nói của cô cho anh biết điều đó. Anh cũng vậy. Anh không trở về nhà vì lòng quan tâm. Anh về nhà để khẳng định bản thân và sự độc lập của mình một lần cho mãi mãi. Và có lẽ để cho những bóng ma yên nghỉ – dù ý nghĩ ấy đến giờ mới nảy ra trong tâm trí anh và làm anh ngạc nhiên. Không có bóng ma nào để mà yên nghỉ. Tất cả mọi thứ đã qua, đã chết và kết thúc từ lâu.

“Em muốn biết nhiều hơn về gia đình ngài,” cô nói khi anh dẫn cô từ phòng khách ra cầu thang lớn, dường như để phủ nhận điều cô vừa ám chỉ. “Có lẽ ngài sẽ khai sáng thêm cho em vào ngày mai.”

“Bản thân tôi không gặp họ trong tám năm qua,” anh nói. “Nên không có gì để nói, thưa phu nhân.”

“Nhưng hẳn ngài có những kỷ niệm thời niên thiếu,” cô nói. “William chắc là cùng độ tuổi với ngài, và cả Marianne nữa.”

“William kém tôi một tuổi và Marianne kém hai,” anh nói. Sau đó là phần lớn những ca sinh non và sảy thai.

“Có một em trai và một em gái cùng trang lứa hẳn là tuyệt vời lắm,” cô nói.

Phải, anh lúc nào cũng chiều chuộng, che chở và ghen tị với những đứa em nhỏ hơn, yếu ớt hơn, trừ Will con người sôi nổi ra. Anh sẽ đánh đổi vị trí với Will bất cứ khi nào có thể ngoại trừ việc anh không thể bảo vệ Will khỏi những gánh nặng khó khăn của người thừa kế tước vị cha họ.

“Tôi cho là vậy,” anh nói. “Tôi không hay nghĩ đến tuổi thơ của mình.”

“Trước buổi chiều nay ngài chưa hề gặp ngài Twynham,” cô nói, nhìn anh. “Nhưng ngài đã gặp Claudia. Có phải cô ấy và William đã kết hôn trước khi ngài bỏ đi?”

“Trước đó một tháng,” anh nói cụt lủn. Anh không muốn nói về Claudia. Hay về Will. Anh không muốn nói chuyện.

“Cô ấy rất đẹp,” cô nói.

“Phải,” cô vẫn đang nhìn anh. “Đúng vậy, em dâu tôi rất xinh đẹp.”

Cũng may là không còn thời gian để trò chuyện nữa. Cả gia đình đã đông đủ trong phòng khách, và bữa tối đã sẵn sàng. Marianne và Claudia, anh lướt mắt qua – đều ăn vận lộng lẫy và đeo đầy đồ trang sức. Cánh nam giới thì ăn mặc không chê vào đâu được, giống như anh. Phục sức trang trọng cho bữa tối luôn là một quy tắc ở Enfield, kể cả khi họ chỉ ăn tối trong phạm vi gia đình, giống như tối nay.

“Chào phu nhân!” Công tước nghiêng đầu và đưa tay cho Charity để dẫn cô vào bàn ăn. Dĩ nhiên đó là việc ông sẽ làm vì nó nằm trong khuôn phép. Ông cũng sẽ để cô ngồi đối diện ông, ở cuối bàn. Nhưng hẳn lòng tự ái của ông bị xúc phạm ghê gớm khi phải thể hiện sự tôn trọng đối với một phụ nữ trông như – và mới đây thôi còn đúng là – một nữ gia sư điển hình.

Cô nở nụ cười thân thiện với ông và vòng tay qua tay ông. “Cảm ơn cha,” cô nói.

Hầu tước mím môi. Anh không hề chờ đợi một sự duyên dáng ấm áp như vợ anh đang biểu lộ, nhưng anh không hối tiếc vì điều đó, thực ra nó còn hay hơn vẻ nhút nhát và nghiêm trang anh đã lường trước và mong đợi. Cuộc sống ở Enfield Park chưa bao giờ chào đón những nụ cười – hay sự ấm áp. Và chưa có đứa con nào của Công tước Withingsby từng gọi ông bằng một cái tên thân mật hơn chữ ngài. Anh tự hỏi vợ mình có nhận ra điều đó, và kết luận rằng có thể. Anh nén một tiếng cười.

Nhưng anh tỉnh trí lại ngay lập tức. Anh có phải dẫn Claudia vào chỗ ngồi không, vì cô ấy ngồi kế bên vợ anh? Tuy nhiên William, anh nhẹ người khi trông thấy, đã chìa tay ra cho cô. William, người đã không nói một lời với anh và không nhìn qua anh một lần trong suốt bữa tiệc trà. Một thời là bạn thân nhất và cuối cùng là kẻ thù ghê gớm nhất của anh. Chà, tất cả đều đã là quá khứ. Twynham và Marianne đang cùng nhau đi vào bàn. Hầu tước đi cuối cùng, sau Charles.

Charles cũng đã không nói câu nào với anh trong bữa trà. Tám năm trước nó là một thằng bé mười hai tuổi hiếu động, thông minh, luôn nhìn anh cả nó với vẻ ngưỡng mộ tôn sùng. Giờ đây ánh mắt đó đã không còn. Anh đã không thể nào giải thích cho nó nguyên nhân anh bỏ di. Anh còn không có ý định giải thích. Anh đã lẳng lặng bỏ đi không lời tạm biệt. Anh đã để nước mắt mình rơi trên thân hình đứa em nhỏ mới sinh. Anh không muốn làm thế với Charles.

“Rốt cuộc em lại là người cao nhất trong mấy anh em,” lúc này anh lên tiếng.

“Có vẻ thế,” em trai anh nói.

Công tước, ngồi ở vị trí chủ tọa, cúi đầu xuống và mọi người làm theo. Dĩ nhiên sẽ có một bài cầu nguyện long trọng và dài lê thê ngân lên trước khi đồ ăn được mang ra. Cảm giác thật lạ khi quay về nhà, Hầu tước thầm nghĩ, ngồi giữa những con người xa lạ với anh đồng thời cũng vô cùng quen thuộc như một phần cơ thể anh vậy. Và anh cảm thấy, sau quãng thời gian tám năm, như thể bằng một cách kì lạ nào đấy anh vẫn luôn mang họ bên mình. Anh cảm thấy lại mắc vào họ lần nữa, cứ như rốt cuộc anh không thoát khỏi họ. Cảm giác ấy thật ngột ngạt.

Lúc bài cầu nguyện kết thúc, anh ngẩng lên nhìn vợ mình ở cuối bàn, cô đang mỉm cười và quay sang nói chuyện với William ngồi kế bên. Khi ấy anh có một cảm giác nhẹ nhõm đến mức gần như là yêu mến vì đã cưới cô và mang cô theo cùng.

***

Charity đã nói dối trong suốt bữa ăn. Khi Marianne hỏi về gia đình cô, với một vẻ khinh khỉnh có vẻ nghiễm nhiên là dành cho cô, Charity đã nói thật về cha – chỉ không đả động đến tình trạng nợ nần của ông – nhưng khẳng định cô là con độc nhất. Cô cũng buộc phải nói dối lần thứ hai khi giải thích rằng tài sản của ông theo pháp lý đã để lại cho một người họ hàng xa là nam giới và kết quả là cô phải đi làm nghề gia sư.

Dù đã nói với chồng lúc trước rằng cô miễn dịch với sự sỉ nhục trong ngôi nhà này, cô vẫn thấy mình không thể chịu nổi ý nghĩ để các em mình trở thành đối tượng của sự coi thường ngấm ngầm mà những người ở địa vị cao vời vợi nơi đây dành cho một gia đình ở vị trí rất thấp như gia đình cô. Cô không chịu đựng nổi nếu phải nhìn ảnh hưởng từ câu chuyện về Phil tội nghiệp lên bọn họ.

Gia đình là tài sản rất riêng tư của cô. Cô không muốn chia sẻ họ với những con người lạnh lùng này. Một phần trong cô thấy hối hận vì đã chấp nhận lời đề nghị lạ lùng của Hầu tước Staunton. Một phần khác trong cô khư khư giữ lấy cái ý niệm rằng về cơ bản thì nó đáng giá – cô sẽ được đoàn tụ với gia đình và sẽ không một ai chia cắt họ được nữa.

Khi bữa ăn kết thúc, Công tước nhìn suốt chiều dài chiếc bàn tới chỗ cô và nhướng mày. Cô mỉm cười với ông – thật khó khăn làm sao khi giữ nguyên nụ cười và không đầu hàng bầu không khí ngột ngạt trong nhà! – và đứng lên để cùng với hai người phụ nữ kia rời khỏi phòng.

Claudia là người duy nhất trò chuyện với cô. Cô ấy kể cho cô nghe về hai đứa con trai của mình, Charity đã gặp qua chúng ở phòng trẻ sau bữa trà, và nói rằng ngày mai cô nhất định phải tới nhà Dower để thăm chúng lần nữa.

“Nhưng mà,” Claudia nói thêm, “chiều mai khách khứa sẽ tới, nên chị hãy đến vào buổi sáng nhé, trừ phi chị quen dậy muộn. Song em dám chắc là không phải, nếu chị đã quen quản lý học sinh.” Câu nói của cô cất lên không mang bất cứ sự khinh miệt nào.

Các vị khách – phải rồi. Công tước đã nhắc đến họ trong bữa ăn. Ông bà Bá tước Tillden và cô con gái sắp đến. Charity lấy làm lạ vì họ lại đi đón khách trong khi Công tước rõ ràng đang ốm và chính lý do sức khỏe đã khiến ông gọi chồng cô về. Nhưng có lẽ bá tước và gia đình chơi thân với nhau. Thật khó mà tưởng tượng Công tước Withingsby lại có bạn thân.

Chắc chắn sự có mặt của các vị khách sẽ khiến cô thêm lúng túng. Cô không có kinh nghiệm tiếp xúc với nhân vật nổi tiếng nào ngoài ngài Humphrey Loring. Và cô có quá ít váy áo, lại chẳng bộ nào phù hợp với sự kiện đó. Nhưng cô sẽ không cho phép mình hoảng loạn. Rốt cuộc chẳng phải nó là điểm chính yếu sao? Cô được đưa về đây để bị làm bẽ mặt.

“Phu nhân Staunton,” Marianne nói lanh lảnh khi cánh nam giới đã tề tựu cùng họ trong phòng khách, “hãy cho chúng tôi thưởng thức một bản nhạc piano. Tôi sẽ không xúc phạm chị bằng cách hỏi chị có biết chơi không. Dạy nhạc chắc hẳn là một trong những nhiệm vụ của nữ gia sư.”

“Quả đúng vậy,” Charity nói, rồi đứng lên. “Và tôi cũng được học đàn từ một giáo viên giỏi nhất, Marianne ạ. Mẹ tôi đã dạy tôi.”

Chiếc đàn piano là một nhạc cụ tuyệt vời. Từ lúc uống trà Charity đã rất muốn chơi nó. Cô ngồi xuống và đặt tay lên phím đàn, biết rất rõ rằng lúc ấy Công tước đang đứng trước lò sưởi, Marianne bắt đầu cười nói với các anh em trai và em dâu, bá tước Twynham thì ngả mình xuống sofa chợp mắt một lát sau bữa tối, còn Hầu tước đang đứng sau băng ghế của chiếc đàn.

“Tuyệt vời, em yêu,” anh nói khi cô đàn xong, mỉm cười với đôi mắt cô và nâng bàn tay cô đưa lên môi. “Em không chơi tiếp nữa sao – vì anh?”

“Không phải tối nay, Anthony,” cô nói, hơi nghiêng người lại gần anh và nhìn vào mắt anh nồng ấm trước khi anh buông tay cô ra. Khi nhận lời làm chuyện này, cô đã không nghĩ sẽ bị yêu cầu đóng kịch. Nó giả trá đến đáng ngại. Nhưng Charity còn buồn bực vì một điều khác. Cô đứng dậy và băng qua phòng tới bên lò sưởi. Cô lưỡng lự một lúc – Công tước Withingsby là một người rất đáng sợ. Người ta rất dễ rơi vào thói quen co rúm lại trước ông. Nhưng cô sẽ không co rúm. Cô vòng tay qua cánh tay ông và mỉm cười khi ánh mắt ông nhìn vô với sự ngạc nhiên rành rành.

“Cha,” cô nói, “cha không ngồi xuống sao? Trông cha có vẻ mệt. Để con rung chuông gọi trà và rót cho cha một tách nhé!” Trông ông hết sức ốm yếu, như thể ông đứng thẳng được là nhờ toàn bộ sức mạnh ý chí.

Sự yên ắng kỳ lạ bao trùm căn phòng. Đến tiếng thở cũng dường như nén lại.

“Cảm ơn sự quan tâm của cô,” ông nói sau phút im lặng dường như vô tận, “nhưng ta thích đứng. Và ta không uống trà vào buổi tối.”

“Ồ,” giờ cô đâm ra khó xử, ôm lấy cánh tay ông mà không biết nên nói gì hay nên đi đâu. “Vậy con sẽ đứng đây với cha một lát. Những bức tranh trong phòng hết thảy đều là tranh phong cảnh. Thế tranh chân dung ở đâu ạ? Những bức chân dung gia đình ấy cha?”

“Có một phòng tranh,” Công tước nói trong khi những người khác tiếp tục dỏng tai nghe với tiếng thở nén lại, “với những bức chân dung gia đình. Ta sẽ lấy làm hân hạnh được dẫn cô tới đó vào sáng mai, thưa phu nhân.”

“Cảm ơn cha,” cô nói, “con rất thích. Ở đó có chân dung của cha không? Và của… của anh Anthony nữa?”

Ông mím môi và càng khiến cô liên tưởng đến chồng mình. Và rồi ông kể cho cô về những bức chân dung gia đình đã được vẽ trước khi nữ Công tước qua đời hai năm. Ông nhắc đến những bức chân dung xa xưa hơn, bao gồm hai bức của Van Dyck, một bức của Sir Joshua Reynold(1)

(1) Hai họa sĩ vẽ tranh chân dung nổi tiếng thời bấy giờ.

Charity nhận thấy bàn tay ông dài và những móng tay được cắt tỉa kỹ lưỡng, giống tay con trai ông. Nó cũng trắng như giấy, làn da mỏng căng ra trên những đường gân xanh. Ông đã không nói dối để kiếm cớ triệu con trai về, cô thầm nghĩ. Ông đang ốm. Cô cảm thấy buồn cho ông. Cô tự hỏi ông có khả năng yêu thương không. Cô tự hỏi ông có yêu vợ mình không. Ông có yêu các con không, có yêu chồng cô không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.