Bạn có quyền tự do để thực hiện những điều mình muốn. Hãy liệt kê ra những suy nghĩ cá nhân có trong tâm trí bạn, sau đó chỉ lựa chọn những ý nghĩ tích cực về sức khỏe, hạnh phúc, an bình, giàu có và rồi bạn sẽ gặt hái được những lợi ích bất ngờ trong các mối quan hệ xã hội của mình.
Như chúng ta đã biết, tư tưởng hết sức quan trọng được đề cập trong cuốn sách này là tiềm thức của chúng ta cũng giống như một cỗ máy lưu trữ có khả năng sao chép chính xác bất cứ điều gì mà chúng ta khắc sâu vào trong nó. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến quy tắc cư xử chuẩn mực trở nên quan trọng đến như vậy trong việc tạo ra và duy trì sự cân bằng hài hòa trong các mối quan hệ của bạn với người khác.
Muốn được người khác đối xử thế nào thì hãy đối với họ thế ấy.
(Matthew 7:12)
Bài học thánh Matthew đã nêu có hai lớp nghĩa hiển ngôn và hàm ẩn. Nghĩa hàm ẩn chính là nói về mối liên hệ giữa ý thức và tiềm thức của bạn.
• Bạn muốn người khác nghĩ về mình thế nào thì hãy cũng nghĩ về họ như thế.
• Bạn muốn người khác cảm nhận về mình thế nào thì cũng hãy cảm nhận về họ như thế.
• Bạn muốn người khác cư xử với bạn thế nào thì cũng hãy cư xử với họ như thế.
Chẳng hạn, bạn có thể tỏ ra lịch thiệp và nhã nhặn với ai đó khi họ đang ở trong văn phòng bạn, nhưng khi người đó vừa quay lưng đi, bạn lại chỉ trích và phẫn nộ kịch liệt đối với họ. Những suy nghĩ tiêu cực như vậy vốn có tính phá hoại ghê gớm đối với chính bạn. Nó cũng có sức tàn phá giống như thuốc độc đối với chúng ta vậy. Nguồn năng lượng tiêu cực do chính bạn sản sinh ra sẽ cướp đi của bạn sinh lực, sự nhiệt tình, sức mạnh, sự dẫn dắt và cả những suy nghĩ tốt lành khác nữa. Khi các suy nghĩ và tình cảm tiêu cực ấy lắng sâu và đọng lại trong tiềm thức bạn, chúng sẽ gây ra đủ thứ trắc trở và bệnh tật cho chính cuộc sống của bạn.
Chìa khóa cho những mối quan hệ tốt đẹp
Đừng xét đoán gì cả và ngươi sẽ không bị xét đoán. Vì khi ngươi phán xét anh em, chính ngươi sẽ bị phán xét, và khi ngươi đong cho anh em bằng đấu nào thì chính ngươi cũng sẽ bị đong lại bằng đấu ấy.
(Matthew 7:1-2)
Chìa khóa cho những mối quan hệ hòa hợp với người khác có thể tìm thấy khi chúng ta tìm hiểu thấu đáo lời răn này và áp dụng chân lý đúng đắn mà nó chứa đựng. Phán xét là suy nghĩ và hướng đến một phán quyết hoặc kết luận nào đó trong đầu bạn. Suy nghĩ mà bạn dành cho người khác là suy nghĩ của bạn, vì chính bạn chứ không phải ai khác đang suy nghĩ những điều đó. Suy nghĩ của bạn có sức mạnh tạo dựng. Chính vì vậy, bạn đã thật sự tạo ra trong trải nghiệm của chính bạn những gì bạn nghĩ và cảm nhận về người khác. Những ám thị bạn truyền cho người khác cũng sẽ được truyền đến cho chính bạn, vì tâm thức của bạn là một trường tạo tác.
Đây là lý do mà Thánh kinh nói: Vì khi ngươi phán xét anh em thì, chính ngươi sẽ bị phán xét. Điều đó có nghĩa là trong khi áp dụng những thước đo và chuẩn mực đối với người khác, bạn cũng đã tự tạo ra những thước đo và chuẩn mực ấy trong tiềm thức của mình, vốn sau đó sẽ được áp dụng lên chính bạn. Một khi bạn biết được quy luật này và hiểu cách thức hoạt động của tiềm thức, bạn sẽ luôn thận trọng để suy nghĩ, cảm nhận và cư xử đúng đắn với người khác. Làm như vậy là bạn đang tạo ra một điều kiện hành động, cảm nhận và suy nghĩ đúng đắn dành cho chính mình.
Và khi ngươi đong cho anh em bằng đấu nào thì chính ngươi cũng sẽ bị đong lại bằng đấu ấy. Việc tốt bạn làm cho người khác sẽ quay lại với bạn với cùng mức độ, và việc xấu do bạn làm cũng sẽ quay về với bạn thuận theo quy luật tâm thức của bạn. Nếu ai đó lừa lọc và dối gạt người khác, anh ta thật sự cũng đang lừa lọc và dối gạt chính mình: Cảm giác tội lỗi và tâm thái mất mát trong anh ta chắc chắn sẽ thu hút về phía anh ta những mất mát theo những cách nào đó, vào một lúc nào đó. Tiềm thức luôn ghi lại những động thái tinh thần của anh ta và tạo ra những phản ứng tùy thuộc vào những ý định và những thôi thúc nó nhận được.
Tiềm thức của bạn vốn không thể bị ai tác động và bất biến, nó tồn tại ở mọi cá nhân, trong mọi tổ chức giáo phái hoặc thiết chế tôn giáo. Nó vốn không lưu chứa lòng trắc ẩn cũng như hận thù. Chỉ có cung cách mà bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động đối với người khác cuối cùng sẽ tạo ra những tác động trở lại chính bản thân bạn.
Phản ứng phi lý từ những bài báo
Một phụ nữ đã viết thư nhờ tôi giúp đỡ cho trường hợp của chồng cô ấy. Cô cho tôi biết rằng mỗi khi đọc các bài viết trong chuyên mục của một cây bút nào đó trên báo thì chồng cô lại nổi trận lôi đình. Cô cũng cho biết rằng những phản ứng giận dữ và cơn thịnh nộ dồn dập triền miên này rất tai hại cho chứng cao huyết áp của anh ấy. Bác sĩ của anh cũng đã khuyên anh nên tìm cách giảm bớt sự căng thẳng bằng cách tự điều chỉnh lại cảm xúc của mình nhưng anh ấy vẫn chưa làm được.
Tôi đã mời người đàn ông này đến gặp tôi và giải thích cho anh biết cách tâm thức của anh vận hành. Rồi anh cũng đã hiểu rằng thật là khờ khạo khi bỗng dưng lại đi nổi cơn tam bành với một bài viết trên báo mà không nhận ra rằng những cơn thịnh nộ ấy đã gây ra những tác hại ghê gớm đối với tinh thần và thể chất của chính mình.
Anh bắt đầu nhận ra rằng anh cứ nên để cho cây bút trên chuyên mục nọ có quyền tự do phát biểu ý kiến của ông ta cho dù anh có bất đồng quan điểm với ông ta về mặt chính trị, tôn giáo hoặc bất kỳ phương diện nào khác chăng nữa. Tương tự như vậy, nhà báo kia cũng để anh tự do viết thư tới tòa soạn để phản đối những phát biểu công khai của ông này. Anh học được rằng mình có thể bất đồng với người khác nhưng không nên bất hòa. Anh đã thức tỉnh trước chân lý đơn giản rằng không bao giờ có chuyện anh bị tác động vì điều gì do một người nào đó nói hoặc làm, mà chính phản ứng của anh đối với điều được nói hoặc làm đó mới là quan trọng.
Những nhận thức trên đã giúp người đàn ông này được xoa dịu. Anh nhận ra rằng chỉ cần tập luyện chút ít là anh có thể khống chế được những cơn thịnh nộ của mình. Sau này vợ anh kể lại với tôi rằng anh rốt cuộc còn học được cách cười nhạo những gì các nhà báo đã viết chứ không nổi trận lôi đình như trước nữa. Anh cũng học cách cười nhạo chính bản thân mình vì đã phản ứng dữ tợn không cần thiết như vậy. Những bài báo đã không còn khả năng quấy nhiễu, khiêu khích và chọc tức đến anh nữa. Và chứng cao huyết áp của anh cũng được kiểm soát tốt hơn nhờ việc anh ngày một tự chủ và thanh thản hơn trong cảm xúc của mình.
Tôi không ưa phụ nữ và tôi thích đàn ông
Cynthia R. là thư ký điều hành ở một công ty lớn. Cô đã tìm đến gặp tôi vì cô luôn cảm thấy ghét cay ghét đắng một vài phụ nữ trong văn phòng của mình. Cô tin rằng họ lúc nào cũng ngồi lê đôi mách và đồn thổi, thêu dệt nên những lời dối trá đầy ác ý về cô. Khi tôi hỏi, cô thú nhận rằng cô gặp nhiều vấn đề rắc rối trong quan hệ với những phụ nữ khác. Cô nói: “Tôi không ưa phụ nữ. Tôi chỉ thích làm việc với đàn ông.”
Khi tiếp tục trò chuyện với cô, tôi đã phát hiện ra rằng Cynthia vẫn hay nói chuyện với những nhân viên dưới quyền quản lý của cô bằng lối nói kiêu kỳ, hống hách và đầy khiêu khích. Trong cách nói của cô, có gì đó như là sự khoa trương, và tôi nhận ra rằng giọng điệu ấy của cô đã tạo ra những tác động khó chịu đến một số người khác. Nhưng cô thì không hề nhận ra được điều này. Cô chỉ chăm chăm nghĩ rằng các đồng nghiệp luôn lấy làm thích thú trong việc gây khó khăn cho cô.
Nếu tất cả mọi người nơi bạn làm việc đều làm cho bạn phật ý, thì lẽ nào bạn không nghĩ đến khả năng những quấy rầy và bực bội này có thể đã nảy sinh do một kiểu mẫu tiềm thức hoặc sự phóng chiếu nội tâm nào đó vốn phát xuất từ phía chính bạn? Tất cả chúng ta đều biết rằng một con chó sẽ phản ứng hung dữ ra sao nếu gặp một người ghét chó hoặc sợ chó. Loài vật có khả năng nắm bắt rất nhạy cảm những rung động từ tiềm thức của con người và phản ứng theo những gì nó cảm nhận được. Hoàn toàn không có ý xúc phạm, nhưng thực chất con người cũng rất nhạy cảm, không kém chó, mèo và những động vật khác nếu xét về phương diện này.
Với người phụ nữ mắc chứng căm ghét những phụ nữ khác này, tôi đã đề nghị cô ấy thực hành một phương pháp cầu nguyện. Tôi giải thích với cô rằng khi cô bắt đầu tự nhận ra những giá trị tinh thần và quả quyết những điều đúng đắn trong cuộc sống thì nỗi căm ghét phụ nữ ở cô sẽ hoàn toàn biến mất cùng với cung cách nói năng và điệu bộ đã tạo ra sự căm ghét như vậy đối với người khác. Cô ấy đã kinh ngạc hiểu ra rằng xúc cảm của chúng ta luôn hiển hiện qua lời ăn tiếng nói, hành động, văn phong và qua tất cả mọi phương diện trong đời sống của chúng ta.
Kết quả cuộc nói chuyện giữa chúng tôi là Cynthia đã thôi cư xử theo cái lối đầy bất mãn và phẫn nộ thường thấy ở cô. Cô đã hình dung ra một cách thức cầu nguyện và thực hành thật đều đặn, có hệ thống và nhiệt tình tại văn phòng của mình.
Đây là những lời cầu nguyện đã đem lại thành công cho cô:
Tôi suy nghĩ, nói năng và hành động thật đằm thắm, dịu dàng và hòa nhã. Lúc này, tôi chỉ biểu lộ tình yêu, sự thanh thản, lòng khoan dung và sự tử tế đến với mọi người, kể cả những người đã chỉ trích và ngồi lê đôi mách nói xấu về tôi. Tôi gắn kết ý nghĩ của tôi vào sự thanh bình, hòa hợp và tốt lành hướng về tất cả.
Mỗi khi tôi sắp có những phản ứng tiêu cực, tôi lại dặn mình rằng: “Tôi suy nghĩ, nói năng và hành động theo nguyên tắc hài hòa, lành mạnh và an bình đã có trong tôi. Và luôn có một trí tuệ sáng suốt dẫn dắt, định hướng, khơi gợi cho tôi trên mọi bước đường đời.”
Nhờ thường xuyên thực hành những lời cầu nguyện trên mà cuộc sống của cô ấy đã thay đổi. Cô nhận thấy bầu không khí đầy chỉ trích và khiêu khích nơi cô làm việc đã dần tan biến. Các đồng nghiệp trở thành bạn bè và bạn đồng hành thật sự với cô. Cô đã khám phá ra một chân lý rằng chúng ta không thể quy kết trách nhiệm hay thay đổi bất kỳ ai trên đời này, ngoại trừ chính bản thân chúng ta.
Những mặc định trong nội tâm có thể ngăn cản sự thăng tiến
Một ngày nọ, ông Jim S. là một đại lý bán hàng đã đến gặp tôi. Ông ấy đang vô cùng bối rối trước những khó khăn mà giám đốc bán hàng của công ty đang gây ra cho ông. Jim đã làm việc cho công ty suốt mười năm mà chưa hề được bất kỳ sự đề bạt hoặc ghi nhận nào. Ông cho tôi xem doanh số bán hàng của mình ở công ty. Và tôi dễ dàng nhận ra rằng ông đạt được doanh số cao hơn cả những đại lý bán hàng khác trong khu vực kinh doanh của công ty ông. Ông giải thích rằng bởi vì giám đốc bán hàng không hề thích ông và ông quả quyết rằng mình đã bị đối xử hết sức bất công. Trong các hội nghị ở công ty, vị giám đốc nọ thường hay nhạo báng những đề xuất của ông và có đôi lần tỏ ra khiếm nhã đến mức gay gắt với ông.
Sau khi bàn bạc cụ thể về hoàn cảnh của ông, tôi gợi ý với Jim rằng hãy hình dung có một phần lớn nguyên nhân đã xuất phát từ phía chính ông. Rõ ràng là sự phản ứng của cấp trên đã xác nhận lại những ý niệm và niềm tin của Jim đối với ông ta. Bởi vì khi chúng ta đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu như thế. Cái đấu tinh thần hay chính ý niệm của Jim về vị giám đốc bán hàng là ông ấy là người nhỏ nhen, luôn có thành kiến và rất gắt gỏng. Trong Jim đầy ắp cảm nhận cay nghiệt và thù địch dành cho người quản lý của mình. Trên đường đi làm, trong đầu ông vẫn thường diễn ra những cuộc đối thoại say sưa trong chính mình với đầy ắp những lời chỉ trích, những tranh cãi, những lời buộc tội đáp trả và phản kháng kịch liệt hướng về vị giám đốc bán hàng kia.
Vậy là, những gì Jim âm thầm cho đi, ông đã phải nhận lại về mình. Sau cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, Jim nhận ra rằng những lời lẽ bật lên trong nội tâm ông thật quá tiêu cực. Cường độ và sức mạnh của những tư tưởng và cảm xúc không nói ra thành lời, những lời chỉ trích và lăng mạ âm thầm đối với viên giám đốc bán hàng mà ông cứ nhẩm đi nhẩm lại thường xuyên đã đi sâu và ghi dấu vào tiềm thức của ông. Chính điều này đã gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía cấp trên đối với ông, đồng thời, chúng cũng gây ra những rối loạn khác về thể chất và cảm xúc trong bản thân ông.
Được tôi thuyết phục, Jim bắt đầu cầu nguyện thường xuyên như sau:
Trong vũ trụ cá nhân tôi, tôi chính là người duy nhất suy nghĩ. Tôi phải chịu trách nhiệm với những gì tôi nghĩ về cấp trên của tôi còn ông ấy thì hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ của tôi hướng về ông ấy. Bây giờ, tôi không cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào hay cái gì được quyền quấy rầy và làm tôi xao động. Tôi chân thành mong ước sức khỏe, sự thành công, niềm thanh tĩnh tâm hồn và hạnh phúc sẽ đến với cấp trên của tôi. Tôi thành tâm cầu phúc cho ông ấy, và tôi cũng biết rằng ông ấy sẽ nhận được những dẫn dắt diệu kỳ trên mọi bước đường của mình.
Jim đã lặp đi lặp lại thành tiếng lời cầu nguyện của mình một cách từ tốn, lặng lẽ và rất xúc động, cảm nhận rằng tâm thức của ông giống như một khu vườn và bất cứ điều gì ông gieo vào mảnh vườn ấy sẽ lớn lên và nảy nở, cũng như các loài cây sẽ lớn lên từ các hạt giống được gieo xuống.
Tôi cũng hướng dẫn ông ấy thực hành việc tưởng tượng hoặc hình dung nên những quang cảnh nội tâm trước khi đi ngủ. Ông hình dung mình dựng một kịch bản, theo đó cấp trên của ông đến chúc mừng cho những thành tích xuất sắc ông đã đạt được, ca ngợi sự nhiệt huyết và hăng hái của ông cũng như đánh giá cao ông vì được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Từ sâu xa, ông cảm nhận tất cả tính xác thực của kịch bản đó. Ông cảm nhận cái bắt tay của cấp trên, lắng nghe giọng nói của ông ấy, và nhìn thấy ông ấy mỉm cười. Ông đã dựng nên trong mình một bộ phim tinh thần thật sự, dựng cảnh và xây dựng tình huống bằng tất cả khả năng tưởng tượng của ông. Từng đêm, ông chiếu lại bộ phim tinh thần này trong đầu mình, biết chắc rằng tiềm thức của ông là một môi trường có khả năng tiếp nhận và ở đó những hình tượng được ý thức tạo nên sẽ được ghi khắc lại.
Dần dần, bằng quá trình bồi đắp trí tuệ và tâm hồn, những ấn tượng sâu sắc đã được hình thành trong tiềm thức của ông. Và thật tự nhiên, điều đó đã được thể hiện ra trong đời thực. Giám đốc bán hàng của Jim đã gọi ông đến San Francisco, chúc mừng ông và đề bạt ông làm giám đốc bán hàng khu vực, giao cho ông nhiều trọng trách hơn hẳn trước kia và lương bổng thì được tăng đáng kể. Vậy là, một khi Jim thay đổi quan niệm và cách đánh giá của mình về cấp trên, tiềm thức của ông cũng hiểu rằng cấp trên của ông cũng tự nhiên hưởng ứng theo.
Đừng cho bất cứ ai trên đời cái quyền làm bạn chệch hướng khỏi mục tiêu và đích đến trong cuộc đời bạn.
Tình yêu thương là kết quả của sự hòa thuận với người khác. Tình yêu thương là sự cảm thông, là những mong mỏi tốt lành và sự tôn trọng người khác.
Hãy chín chắn trong cảm xúc
Những điều người khác nói ra không thể nào thực sự quấy nhiễu hoặc chọc tức được bạn trừ phi bạn cho phép những điều đó tác động đến bạn. Cách thức duy nhất để người khác có thể khiến cho bạn khổ sở là thông qua chính suy nghĩ của bạn. Nếu bạn nổi cơn thịnh nộ, bạn phải trải qua bốn giai đoạn này trong tâm thức. Bạn bắt đầu nghĩ về những gì được nói ra. Bạn quyết định nổi giận và phát xuất ra những cảm xúc giận dữ. Rồi thì bạn quyết định hành động. Có thể bạn sẽ cãi lại và phản ứng theo kiểu ăn miếng trả miếng. Như bạn thấy đó, tất cả tư tưởng, cảm xúc, phản ứng và hành động đều đã diễn ra trong tâm thức của bạn.
Đúng là không ai thích bị chỉ trích hoặc xem thường cả. Tuy nhiên, chúng ta lại hoàn toàn có quyền lựa chọn cách thức phản ứng như thế nào khi những điều đó xảy đến. Lựa chọn chín chắn của chúng ta chính là kiềm chế và không phản ứng bằng cái cách đầy tiêu cực tương ứng. Sự phản ứng theo lối trả miếng là đồng nghĩa với sự hạ thấp mình xuống ngang tầm với sự chỉ trích, làm giảm giá trị cũng như hòa lẫn vào làm một với bầu không khí tiêu cực do người khác tạo ra. Vậy nên, hãy đồng nhất chính bạn với mục tiêu quan trọng của bạn trong đời. Và đừng bao giờ cho phép bất cứ ai làm cho bạn xao lãng khỏi ý hướng nội tâm về sự an bình, thanh tĩnh, lành mạnh và rạng rỡ của mình.
Ý nghĩa của tình yêu
Sigmund Freud, nhà sáng lập khoa phân tâm học và một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử tâm lý học, đã nói rằng người ta sẽ đau bệnh và sẽ chết nếu không có tình yêu. Yêu nghĩa là cảm thông, suy nghĩ tốt đẹp và trân trọng người khác. Bạn bày tỏ và cho đi tình yêu và thiện chí nhiều chừng nào thì bạn càng nhận lại được nhiều chừng nấy.
Giao tiếp với người khó tính
Trên đời này thật sự có một số người rất khó tính. Về mặt tinh thần, họ là những người có tâm tính độc địa và kỳ quặc. Con người họ đã trở nên lệch lạc trong đời sống. Nhiều người trong số họ là những kẻ có tính khí bất thường, dễ sa vào tranh cãi, không hợp tác, gắt gỏng, yếm thế và cay độc trước cuộc sống. Họ là những ca bệnh hoạn về mặt tâm lý. Tâm thức của họ đã bị biến dạng và méo mó, có lẽ cũng là vì những trải nghiệm họ đã phải chịu đựng trong quá khứ.
Câu hỏi đặt ra là, bạn sẽ làm gì khi phải giao tiếp với một người thuộc kiểu người này? Thường chúng ta sẽ tự động đề phòng, không tránh khỏi cảm giác khó chịu và thể hiện ra sự căm ghét của mình với những năng lượng đầy tiêu cực. Nhưng có phải là khi cư xử với cung cách ấy, trước hết chúng ta đã tự khoác lên mình sự tiêu cực không đáng có, và còn phải nhận lãnh về mình tất cả những tác động tai hại của sự tiêu cực ấy. Vậy nên, thay vì làm như thế, chúng ta hãy xử sự theo chiều hướng tích cực hơn, hãy cố gắng “lấy điều thiện đối xử với cái ác.” Chính cách thức này sẽ tạo ra quanh chúng ta một chiếc áo giáp ngăn cản những thái độ khó tính và gắt gỏng tác động đến mình. Hơn thế nữa việc truyền đi lòng trắc ẩn và sự cảm thông còn có thể khởi động một tiến trình thay đổi đối với những con người khó tính kia.
Kẻ bất hạnh thường mong người khác cũng bất hạnh
Một người tiêu cực, méo mó, lệch lạc thì không thể hòa hợp được với cuộc sống nhiệm màu xung quanh. Những kẻ đó thường cảm thấy phẫn nộ với những ai được sống thanh thản, hạnh phúc và hân hoan. Anh ta thường chỉ trích, kết án và lăng mạ những người đã đối xử tốt và tử tế với mình. Anh ta thường luẩn quẩn với nghi vấn của mình về người khác: Tại sao họ lại được hạnh phúc như vậy trong khi tôi khốn khổ thế kia? Và trong thâm tâm, anh ta cứ muốn kéo tuột người khác xuống ngang bằng với mình. Câu tục ngữ xưa: “Kẻ bất hạnh thường mong người khác cũng bất hạnh” vẫn luôn đúng trong thời này.
Có một người đàn ông tên là Bruce T. từng dự những buổi nói chuyện của tôi ở Luân Đôn đã kể cho tôi nghe kinh nghiệm của anh ấy về trường hợp này. Anh đã trở thành thành viên tích cực trong một tổ chức tình nguyện với mục đích là làm đẹp cho cộng đồng nơi anh sinh sống. Hầu hết những người tham gia tình nguyện đều nhiệt tình quan tâm đến những công việc như trồng cây, làm vườn, phát quang những khu vực đổ nát xập xệ và sửa sang những ngôi nhà ọp ẹp. Tuy nhiên, trong nhóm lại có một thành viên thường chống đối mọi biện pháp do bất cứ ai gợi ra. Hơn thế nữa, anh ta lại còn hay công kích và nghi ngờ động cơ của người khác. Vì vậy, anh ta đã khiến cho những buổi họp mặt của nhóm trở nên khó chịu và nặng nề đến nỗi số thành viên tham dự bắt đầu giảm dần đi.
Có một vài thành viên khác trong nhóm đã gặp Bruce và đề nghị họp mọi người lại để tống cổ kẻ gắt gỏng kia ra khỏi nhóm tình nguyện. Bruce chuẩn bị tham gia kế hoạch của mọi người thì chợt nhận ra rằng nếu anh và cả nhóm cùng làm như vậy thì có nghĩa là thái độ lệch lạc của người này sẽ cứ mãi còn duy trì trong anh ta. Thay vì như vậy, anh đã chọn một cách khác, và anh bắt đầu tự hình dung rằng người này đang dần thay đổi thành một thành viên dễ chịu hơn và hòa nhập với nhóm hơn. Trước khi một cuộc họp bắt đầu, Bruce lại tìm đến một góc yên tĩnh và tự nhủ:
Tôi suy nghĩ, nói năng và hành động trong sự hòa hợp đích thực với nguyên tắc hài hòa và an bình trong tôi. Tất cả những người dấn thân vào những mục tiêu chung của tổ chức chúng tôi đều làm như vậy với sự nhiệt thành và quyết tâm theo một nguyên lý kỳ diệu: Không có bất hòa, không có cãi cọ. Có một trí tuệ sáng suốt luôn chỉ đạo, định hướng và dẫn dắt chúng tôi trong mọi việc mà chúng tôi thực hiện.
Chỉ sau vài tuần, đột nhiên thành viên từng gây quá nhiều rắc rối kia đã đề xuất một sáng kiến mới với mọi người. Anh ta trình bày ý tưởng của mình bằng một cung cách rất vui vẻ và đầy hợp tác đến mức anh đã tranh thủ được sự tán thành của tất cả mọi người trong nhóm, kể cả những người đã từng muốn đá anh ra khỏi tập thể.
Thực hành sự thấu cảm
Gần đây, có một phụ nữ trẻ tên Alice O. đã tìm đến gặp tôi. Cô ấy thổ lộ với tôi rằng lâu nay cô vốn căm ghét một phụ nữ trẻ khác là đồng nghiệp của cô ở văn phòng, đơn giản bởi vì cô cảm thấy người phụ nữ kia luôn trông xinh đẹp hơn, hạnh phúc hơn và thành đạt hơn mình. Và rồi đòn chí mạng giáng vào cô là người phụ nữ kia đã hứa hôn với vị chủ tịch điều hành của công ty, người Alice vốn ngưỡng mộ từ lâu rồi.
Sau đám cưới một ngày, người phụ nữ mà Alice vốn căm ghét đã đến văn phòng cùng với đứa con gái là con của cô ấy với chồng trước. Alice không hề biết trước kia cô đồng nghiệp từng có chồng, thậm chí là đã có con. Cô bé con gái của người phụ nữ kia mắc tật bẩm sinh ở chân nên bé phải mang nẹp chỉnh hình. Alice tình cờ nghe cô bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bố mới của con cũng làm việc ở đây nữa hả mẹ? Con thấy yêu nơi này quá, vì nơi này toàn là những người mà con yêu quý.”
Alice nói tiếp: “Vậy là trái tim tôi đột nhiên dạt dào tình cảm dành cho bé gái ấy! Tôi cảm nhận được rằng cô bé này hẳn đang cảm thấy hạnh phúc đến nhường nào. Tôi mường tượng ra rằng người phụ nữ này vẫn vô cùng hạnh phúc, bất chấp những mối ác cảm mà tôi đã dành cho cô ấy. Và rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy yêu mến cô ấy thật nhiều. Tôi vào phòng làm việc của cô và nói rằng tôi chúc cô ấy được hạnh phúc. Thật tâm tôi đã nghĩ và mong muốn như vậy.”
Trong khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà Alice nhận thấy tình thương yêu đang tồn tại là lúc Alice cảm nhận được điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự thấu cảm. Sự tri nhận này không giống như sự đồng cảm khi chúng ta thấu hiểu được những cảm xúc của người khác mà nó còn cao hơn thế nữa. Trạng thái này có nghĩa là khi chúng ta đang hình dung và tự đặt mình vào trong tâm trạng và tâm thái của người khác. Khi Alice phóng chiếu tâm trạng và cảm xúc của trái tim cô vào tâm trạng và cảm xúc của người phụ nữ kia, việc đó giống như là cô đang bắt đầu suy nghĩ thông qua kinh nghiệm của người phụ nữ kia vậy. Cô đang để cho mình suy nghĩ và cảm nhận giống như người phụ nữ kia, và cô cũng đang suy nghĩ và cảm nhận như đứa bé, vì cô cũng đã tự đặt mình vào tâm thức của bé gái ấy.
Bất cứ khi nào bạn chợt cảm thấy mình muốn xúc phạm hoặc nghĩ xấu về người khác, hãy thầm đặt mình vào trong tâm thức của người kia. Và hãy cảm giác điều người kia đang cảm giác, cảm nhận điều người kia đang cảm nhận, suy nghĩ như người kia đang suy nghĩ, khi ấy bạn sẽ cảm nhận được chân lý trong lời dạy Anh em hãy yêu thương nhau.
Điểm lại những ý cần nhớ
1. Tiềm thức của bạn là cỗ máy có khả năng ghi nhận và sao chép những suy nghĩ theo thói quen của bạn. Khi bạn nghĩ tốt về người khác cũng có nghĩa là bạn thật sự đang nghĩ tốt về chính mình.
2. Tư tưởng thù ghét và oán hận chính là liều thuốc độc tinh thần. Đừng nghĩ xấu về người khác vì làm vậy cũng là bạn đang nghĩ xấu về mình. Trong vũ trụ của riêng bạn, bạn là người duy nhất suy nghĩ còn tư tưởng của bạn chính là sức mạnh tạo tác.
3. Tâm thức của bạn là một trường tạo tác; chính vì vậy, bạn cũng đang đưa vào trong kinh nghiệm của mình những suy nghĩ và cảm nhận về người khác. Đây là ý nghĩa tâm lý của quy tắc cư xử chuẩn mực. Bạn muốn người khác nghĩ về bạn thế nào thì hãy cứ nghĩ về họ như thế ấy.
4. Khi bạn gian lận, cướp bóc, lừa gạt người khác thì bạn cũng đẩy chính mình vào sự thiếu thốn, mất mát và hẫng hụt. Tiềm thức của bạn luôn ghi nhận những động cơ nội tâm, những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Khi chúng mang tính tiêu cực, mất mát, hụt hẫng thì khó khăn rắc rối sẽ tìm đến bạn bằng đủ mọi cách. Bởi vì, điều gì bạn làm với người khác cũng là bạn đang làm với chính mình.
5. Điều thiện bạn làm, sự tử tế bạn trao đi, tình yêu và thiện chí bạn bày tỏ, tất cả sẽ được nhân bội và qua nhiều con đường sẽ tìm về với bạn.
6. Bạn phải chịu trách nhiệm về cách bạn suy nghĩ về người khác. Nên nhớ rằng người khác không phải chịu trách nhiệm về cách bạn suy nghĩ về họ. Những ý nghĩ của bạn sẽ được nhân lên và phản chiếu.
7. Hãy chấp nhận những bất đồng của người khác đối với bạn. Họ hoàn toàn có quyền được không giống bạn, và bạn cũng có tự do tương tự để được bất đồng với họ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên bất đồng chứ không nên bất hòa với bất kỳ ai.
8. Cũng như các con vật có thể nắm bắt được những rung động sợ hãi, nhiều người cũng có được sự nhạy cảm tương tự như vậy. Những suy nghĩ bạn tin là đã được che giấu thật ra lại luôn phát lộ qua giọng nói, nét mặt, và ngôn ngữ cử chỉ của bạn. Điều này là đúng đối với những suy nghĩ tích cực lẫn những suy nghĩ tiêu cực.
9. Những suy tư trong nội tâm của bạn, sự nung nấu những ý nghĩ và cảm xúc thầm lặng trong bạn có thể được cảm nhận thông qua phản ứng của người khác đối với bạn.
10. Hãy mong ước cho người khác điều bạn mong ước cho chính mình. Đây là chìa khóa quan trọng cho những mối quan hệ hòa hợp giữa người và người.
11. Hãy thay đổi cách nhìn và đánh giá của bạn về cấp trên của mình. Hãy cảm nhận và tin rằng người đó đang cư xử theo quy tắc cư xử chuẩn mực và theo quy luật của tình yêu, và người đó sẽ luôn hưởng ứng đúng như thế.
12. Một người không thể nào khiêu khích hoặc quấy rối được bạn trừ phi bạn cho phép người đó thực hiện được điều đó. Tư tưởng của bạn là một sức mạnh sáng tạo, vì vậy bạn có thể chúc phúc cho người khác. Nếu có ai đó lôi tên bạn ra lăng mạ, hãy đáp lại rằng: “Sự an bình của đời sống nhiệm màu sẽ tràn đầy tâm hồn anh.”
13. Tình yêu là đáp án cho sự hòa thuận với người khác. Yêu thương chính là thấu hiểu, thiện ý, và sự tôn trọng lẫn nhau.
14. Hãy cảm thông với những người vì chịu tác động của hoàn cảnh tiêu cực mà trở nên gắt gỏng và khó ưa. Ánh sáng diệu kỳ có trong họ cũng như có trong tất thảy mọi người. Thông hiểu tất cả chính là tha thứ cho tất cả.
15. Hãy hoan hỉ cùng với sự thành công, thăng tiến và hạnh vận của người khác. Khi bạn làm như vậy, bạn cũng sẽ thu hút vận may đến với mình.
Hãy rèn luyện để chín chắn về mặt cảm xúc và chấp nhận những bất đồng của người khác với bạn. Người khác hoàn toàn có quyền không giống với bạn, và bạn cũng có quyền tự do tương tự để bất đồng với người khác. Nhớ rằng, bạn có thể bất đồng nhưng không nên bất hòa với ai cả.