Sức Mạnh Tiềm Thức

CHƯƠNG 19: TIỀM THỨC LOẠI BỎ NỖI SỢ HÃI



Kẻ thù lớn nhất của con người là nỗi sợ hãi. Đằng sau sự thất bại, bệnh tật và các mối quan hệ tồi tệ là những nỗi sợ hãi. Rất nhiều người còn sợ cả những chuyện liên quan đến quá khứ, tương lai, tuổi già và sự chết chóc. Nhưng sợ hãi chỉ là một ý nghĩ trong tâm trí, thế nên khi sợ hãi tức là bạn đang sợ những ý nghĩ của chính mình.
Một trong những sinh viên của tôi nhận được lời mời phát biểu tại một bữa tiệc thường niên do công ty cậu ta tổ chức. Cậu ta nói với tôi rằng cậu ta sợ hãi khi nghĩ đến việc phải nói chuyện trước cả ngàn người, trong số đó rất nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực của cậu ta. Sau khi nói chuyện với tôi, cậu ta đã khắc phục nỗi sợ hãi của mình bằng cách này: Nhiều đêm cậu ta ngồi tĩnh lặng khoảng năm phút trong một chiếc ghế bành và thì thầm với chính mình một cách chậm rãi, tĩnh lặng và tích cực:
Ta sẽ chế ngự nỗi sợ hãi này. Lúc này ta đang khắc phục nó. Ta diễn thuyết với sự đĩnh đạc và tự tin. Ta cảm thấy thư giãn và thoải mái.
Theo cách này, cậu ta đã vận hành một quy luật cụ thể của tâm thức. Khi thời điểm đã đến, cậu ta đã khắc phục được sự sợ hãi của mình và diễn thuyết rất thành công.
Tiềm thức tuân theo sự ám thị. Chính sự ám thị kiểm soát nó. Khi tâm thức lắng dịu và thư giãn, những ý nghĩ của ý thức chìm sâu vào tiềm thức. Quá trình này tương tự như sự thẩm thấu trong đó các chất lưu được tách bởi một màng lọc tổ ong hòa lẫn vào nhau. Khi những hạt giống tích cực này chìm vào vùng tiềm thức, chúng sẽ phát triển theo quy luật của riêng nó và bạn trở nên tự chủ, an bình và tĩnh lặng.
Kẻ thù lớn nhất của chúng ta
Xin được nhắc lại: kẻ thù lớn nhất của chúng ta chính là nỗi sợ hãi. Sợ hãi chỉ là một ý nghĩ trong tâm trí, thế nên khi sợ hãi tức là bạn đang sợ những ý nghĩ của chính mình. Một đứa trẻ có thể bị đờ người ra vì sợ hãi khi bạn nói với nó rằng có một con quái vật dưới gầm giường và con quái vật sẽ vồ lấy nó khi đêm xuống. Nhưng khi bố mẹ cậu bé bật đèn lên, cậu bé chẳng thấy con quái vật nào cả, và thế là nó được giải phóng khỏi sự sợ hãi. Sự sợ hãi trong tâm trí của cậu bé là thật đến từng li như thể thật sự đã có con quái vật ở đó. Nhưng cậu bé đã được giải thoát khỏi ý nghĩ lệch lạc trong tâm trí nó. Điều cậu bé sợ hãi không hề tồn tại. Tương tự như vậy, hầu hết những nỗi sợ hãi của bạn đều không thật. Chúng chỉ là sự gắn kết của những hình ảnh xấu xa và không thật.
Hãy đối diện với nỗi sợ hãi
Ralph Waldo Emerson, triết gia kiêm nhà thơ vĩ đại của thế kỷ 19 đã nói: “Hãy làm điều mà bạn sợ phải làm, và nỗi sợ hãi tất sẽ tan biến.”
Trước kia, cũng có lần tôi cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc phải diễn thuyết trước nhiều người. Nhưng nếu lúc đó tôi đầu hàng trước nỗi sợ hãi này, thì giờ đây hẳn tôi sẽ không thể viết được quyển sách mà bạn đang đọc. Tôi cũng sẽ không thể chia sẻ với người khác những gì tôi đã học được về sức mạnh kỳ diệu của tiềm thức.
Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó theo lời khuyên của Emerson. Dù lòng cảm thấy run sợ, nhưng tôi vẫn xuất hiện trước hàng trăm cử tọa để diễn thuyết. Dần dần tôi trở nên ít sợ hơn, và cuối cùng tôi đã cảm thấy thoải mái hơn, thích thú hơn với những gì mình đang làm. Tôi thậm chí còn mong đợi những buổi diễn thuyết khác. Tôi đã làm điều mà tôi sợ phải làm, và nỗi sợ đó trong tôi đã hoàn toàn tan biến.
Khi khẳng định một cách tích cực rằng bạn sẽ kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình và đi đến một quyết định dứt khoát trong ý thức, bạn sẽ giải phóng sức mạnh của tiềm thức vốn luôn tuôn chảy để đáp lại bản chất ý nghĩ của bạn.
Sợ thất bại
Tôi thường tiếp đón những buổi viếng thăm của các sinh viên tại một trường đại học gần nơi tôi sống. Nhiều người trong số họ phàn nàn về điều mà chúng tôi vẫn gọi là chứng quên do ám thị trong suốt các kỳ thi cử. Họ cho biết: “Trước kỳ thi, tôi đã học thuộc lòng tài liệu hoàn toàn, nhưng khi ngồi trong phòng thi, tâm trí tôi hoàn toàn trống không! Và rồi khi hết giờ thi, mọi thứ lại hiện ra rõ mồn một trong đầu tôi.”
Rất nhiều người trong chúng ta cũng từng có những trải nghiệm tương tự. Chúng ta sẽ giải thích hiện tượng này bằng một trong những quy luật quan trọng của tiềm thức. Ý niệm vốn hiện thực hóa bản thân nó là ý niệm mà chúng ta tập trung chú ý nhiều nhất. Trong lúc nói chuyện với các sinh viên này, tôi nhận thấy họ lưu tâm nhiều nhất đến ý niệm thất bại. Bởi vậy, đó là sự thất bại mà tiềm thức đã mang vào hiện thực. Sự lo sợ thất bại tự thân nó tạo ra trải nghiệm thất bại, qua chứng hay quên tạm thời.
Sheila A. là một trong những sinh viên y khoa thông minh nhất lớp. Song khi đối mặt với phần thi viết hoặc vấn đáp, cô thấy mình hầu như chẳng nhớ một điều gì, thậm chí là những câu hỏi cực kỳ đơn giản. Tôi giải thích nguyên nhân cho cô ấy hiểu. Đó là vì trước kỳ thi vài ngày, cô luôn lo lắng và suy nghĩ ủ ê về những rủi ro thất bại. Chính những ý nghĩ tiêu cực này đã choán hết tâm trí cô và dần trở thành nỗi sợ hãi to lớn trong lòng cô.
Khi những ý nghĩ đó bị sự sợ hãi chi phối mãnh liệt, nó sẽ được hiện thực hóa trong tiềm thức theo chiều hướng đó. Nói cách khác, cô sinh viên này đang yêu cầu tiềm thức của mình phải xác quyết rằng cô đã thất bại, và nó đã xảy ra như vậy.
Khi Sheila nghiên cứu tác động của tiềm thức, cô hiểu ra rằng đó chính là nơi lưu trữ của trí nhớ. Nó có khả năng ghi nhận một cách hoàn hảo tất cả những gì cô nghe và đọc trong suốt quá trình học của mình. Hơn thế nữa, cô hiểu rằng tiềm thức rất nhạy cảm và có tính tương hỗ. Cách thức để hòa hợp mật thiết với nó là phải trong trạng thái thư giãn, bình an và tự tin.
Thế là mỗi buổi tối và sáng, cô bắt đầu tưởng tượng đến kết quả tốt đẹp mà mình mong đợi. Khi cô bắt đầu trầm tư mặc tưởng kết quả hạnh phúc này, cô đã tạo ra một sự hồi đáp tương ứng trong chính bản thân cô.
Với sự kích thích liên tục này, sức mạnh khôn ngoan tuyệt đối của tiềm thức đã nhận được thông điệp. Nó ra lệnh và dìu dắt ý thức của cô một cách tương ứng. Cô tưởng tượng mục tiêu của mình, vì vậy tiềm thức quyết tâm vận dụng mọi biện pháp để hiện thực hóa mục tiêu đó. Sau khi theo đuổi quy trình này, cô không còn gặp khó khăn khi đối mặt với các kỳ thi về sau. Sự sáng suốt chủ quan của tiềm thức đã tiếp quản và buộc cô phải đạt đến một kết quả tốt đẹp.
Sợ nước
Năm mười tuổi, một lần nọ tôi bị rơi xuống hồ bơi. Lúc đó tôi không hề biết bơi. Theo bản năng, tôi đập tay loạn xạ, nhưng cũng vô ích. Tôi cảm thấy mình đang chìm xuống. Ngay lúc này đây tôi vẫn nhớ như in nỗi kinh hoàng lúc đó. Tôi cố vẫy vùng để ngoi lên, nhưng miệng tôi đầy nước. Ngay thời khắc định mệnh đó, một cậu bạn trạc tuổi tôi đã nhìn thấy tôi và nhảy xuống nước kéo tôi lên. Trải nghiệm này đã ám ảnh và ăn sâu vào trong tiềm thức tôi. Kết quả là tôi đã sợ nước trong nhiều năm trời.
Một ngày nọ, tôi kể về nỗi sợ phi lý này của mình với một nhà tâm lý học cao niên. Nghe xong, ông nói: “Hãy xuống hồ bơi. Hãy nhìn và chạm vào nước. Nước đơn giản chỉ là nước, được tạo thành từ hai nguyên tử hydro và một nguyên tử ôxy. Nó không có ý chí, cũng không nhận thức được. Nhưng con thì có cả hai.”
Tôi gật đầu, tự hỏi không biết việc này sẽ đi đến đâu. “Ngay khi con hiểu được rằng nước về cơ bản là thụ động, hãy dõng dạc la to bằng một giọng nói mạnh mẽ: ‘Ta sẽ làm chủ ngươi. Nhờ sức mạnh của tâm thức, ta sẽ thống trị ngươi’. Rồi hãy bước xuống nước. Thực hành những bài học về bơi lội. Hãy sử dụng sức mạnh nội tâm để khống chế mặt nước.”
Tôi đã làm như được chỉ bảo. Ngay khi tôi đón nhận một thái độ mới mẻ của tâm thức, sức mạnh tuyệt đối của tiềm thức đã đáp trả, tạo cho tôi sức mạnh, sự tin tưởng và tự tin. Nó đã giúp tôi khắc phục được nỗi sợ hãi của mình, và tôi đã làm chủ được nước. Thời gian này tôi vẫn thường đi bơi vào mỗi sáng để duy trì sức khỏe và sự sảng khoái.
Phương pháp chế ngự nỗi sợ hãi
Dưới đây là một phương pháp khắc phục nỗi sợ hãi mà tôi đã truyền lại cho hàng ngàn người. Nó hiệu lực như một phép mầu.
Giả sử bạn sợ bơi. Bây giờ hãy bắt đầu ngồi tĩnh lặng trong năm hoặc mười phút, ba đến bốn lần một ngày. Hãy tự đặt mình vào một trạng thái thư giãn thật sâu. Lúc này hãy tưởng tượng bạn đang bơi. Trong tâm thức là bạn đang bơi. Bạn tự đưa mình vào dòng nước. Bạn cảm nhận sự mát dịu trong lành của nước và những cử động của hai tay và hai chân. Tất cả là hiện thực, là sống động và là một hoạt động phấn chấn của tâm thức.
Đây không phải là sự mơ mộng hão huyền. Bạn hiểu rằng những gì bạn đang trải nghiệm trong trí tưởng tượng sẽ được phát triển trong tiềm thức của bạn. Sau đó bạn sẽ được thôi thúc bộc lộ hình ảnh và chân dung của bức ảnh mà bạn đã khắc ghi trong tiềm thức. Khi bạn bơi lần kế tiếp, chính cảm giác đó sẽ được bộc lộ. Đây là quy luật của tiềm thức.
Bạn có thể áp dụng cùng một phương pháp như thế này cho những người khác, với những nỗi sợ hãi khác nhau. Nếu bạn sợ độ cao, hãy tưởng tượng bạn đang dạo bộ trên núi. Cảm nhận tính hiện thực của nó. Tận hưởng không khí trong lành, hoa cỏ và một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Hãy biết rằng khi tiếp tục thực hành điều này trong tâm trí, thì sau này bạn sẽ thực hiện nó trong đời thực một cách dễ dàng và thoải mái.
Nỗi sợ bình thường
Thông thường, một đứa bé mới sinh ra có hai cái sợ cơ bản: sợ té ngã và sợ những tiếng động lớn bất ngờ. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Những nỗi sợ này đóng vai trò như một kiểu hệ thống báo động mà tự nhiên đã ban tặng cho mỗi người.
Sợ hãi bình thường cũng là điều tốt. Chẳng hạn như bạn nghe tiếng xe hơi đang chạy với vận tốc cao hướng về phía mình và bạn đứng sang một bên để bảo toàn sinh mạng. Đây là phản ứng hoàn toàn tự nhiên và bình thường.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nỗi sợ hãi bất thường. Chúng được hình thành bởi những trải nghiệm đặc biệt nào đó hoặc do bố mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người vốn ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời của bạn truyền sang cho bạn.
Nỗi sợ bất thường
Nỗi sợ bất thường xuất hiện khi người ta để mặc cho trí tưởng tượng tha hồ hoành hành. Tôi biết có một phụ nữ khi được mời tham gia một chuyến đi vòng quanh thế giới bằng máy bay đã bắt đầu cắt riêng những bài viết về thảm họa máy bay trên tất cả các báo. Thậm chí cô còn mua một cuốn băng video về Những Vụ Rơi Máy Bay Thảm Khốc Nhất Thế Giới. Cô còn tưởng tượng cảnh mình rơi xuống biển và chết đuối, còn máy bay thì bốc cháy ngùn ngụt. Rõ ràng đây là nỗi sợ hãi bất thường. Nếu cứ khăng khăng nghĩ về điều này thì cô ta sẽ để cho nỗi sợ hãi kiểm soát mình hoàn toàn.
Thế giới này có rất nhiều người luôn lo sợ một ngày nào đó sẽ có điều khủng khiếp hoặc thảm cảnh xảy ra cho con cái họ và cho chính bản thân họ. Khi biết về một nạn dịch hiếm thấy nào đó trên sách báo, họ bắt đầu lo sợ mình sẽ bị lây nhiễm. Thậm chí một số người còn tưởng tượng mình đã bị nhiễm rồi. Tất cả điều này là nỗi sợ hãi bất thường.
Giải pháp cho nỗi sợ hãi bất thường
Nếu bạn thấy mình bị vây bủa bởi một nỗi sợ bất thường, hãy vận tâm trí để chuyển tâm trí sang hướng ngược lại. Nếu bạn vẫn ở thái cực của sự sợ hãi, bạn sẽ phải chịu đựng cảnh tù hãm cùng với sự suy kiệt về tinh thần và thể chất. Khi sự sợ hãi xuất hiện, một trong những quy luật cơ bản của tiềm thức ngay lập tức làm phát sinh theo đó một ước muốn và khát khao ngược lại với điều bạn sợ.
Hãy chú tâm vào ước muốn vừa xuất hiện này. Hãy để tâm trí của bạn bị cuốn hút và mải mê vào sự khao khát này. Hãy hiểu rằng chủ quan luôn lật đổ khách quan. Thái độ này sẽ mang lại cho bạn tự tin và nâng cao tinh thần của bạn. Sức mạnh Vô lượng của tiềm thức sẽ hoạt động nhân danh bạn. Nó không thể thất bại. Vì vậy, chắc chắn sau đó bạn sẽ cảm thấy thoải mái và bình an hơn.
Thoát khỏi khu rừng sợ hãi
John N. từng là trung úy phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ vào Thế chiến thứ hai. Ông kể có lần chiếc máy bay chở ông bị trúng đạn và bị hư hại nặng. Ông phải nhảy dù xuống một ngọn núi bên dưới, xung quanh là rừng rậm bao phủ. Dĩ nhiên ông rất sợ, nhưng ông cũng biết rằng sợ hãi có hai trạng thái: bình thường và bất thường. Ông biết nỗi sợ hãi bất thường đang kiểm soát mình.
Thế là ông quyết định làm một điều gì đó để trấn áp nỗi lo sợ của mình ngay lập tức. Ông bắt đầu tự nhủ: “John, ngươi không thể đầu hàng sự sợ hãi của mình. Nỗi sợ hãi hiện tại chỉ là sự khơi gợi cho một khao khát được an toàn, và nó chính là một lối thoát.”
Ông đứng giữa một khu đất trống và điều hòa nhịp thở của mình. Ông cố xua tan những dấu hiệu đầu tiên của sự sợ hãi. Ngay khi cảm thấy thư giãn hơn, ông bắt đầu quả quyết: “Trí huệ Vô lượng, vốn dẫn dắt những hành tinh trong quỹ đạo của chúng, giờ đây đang dẫn dắt và chỉ dẫn để tôi thoát khỏi khu rừng này và tìm về với sự an toàn.” Ông tiếp tục đọc to điều này với chính mình trong khoảng mười phút.
John nói tiếp: “Đột nhiên, tôi cảm thấy một điều gì đó bắt đầu khuấy động trong tôi. Đó là một tâm trạng tự tin và chân thành. Tôi bắt đầu đi trong vô thức đến bên kia của khu đất trống. Ở đó, tôi nhìn thấy một con đường dài, và thế là tôi tiếp tục bước đi trên con đường đó. Hai ngày sau, lạ lùng thay, tôi đã đến được một ngôi làng nhỏ. Người dân sống nơi đây vô cùng thân thiện. Họ cho tôi ăn và đưa tôi đến bìa rừng, nơi đó có sẵn một chiếc máy bay cứu hộ đang đợi để đưa tôi đi.”
Chính sự thay đổi thái độ tinh thần của John đã cứu ông ấy. Sự tự tin và trông cậy của ông vào sự sáng suốt của tâm trí và sức mạnh bên trong đã giúp ông tìm ra một giải pháp cho vấn đề của mình.
Ông nói thêm: “Nếu tôi than khóc cho số phận và đầu hàng trước nỗi sợ hãi của mình thì hẳn nó đã quật ngã tôi, tôi sẽ chết vì sợ hãi và đói khát.”
Tự mình sa thải mình
Rafael S. là một ủy viên quản trị trong một tổ chức lớn. Anh ta thừa nhận với tôi rằng trong suốt ba năm làm việc, lúc nào anh ta cũng lo sợ mình bị mất chức. Anh ta luôn tưởng tượng về sự thất bại, hình dung cảnh thuộc cấp được đề bạt lên vị trí cao hơn mình. Trên thực tế, điều mà anh ta đang lo sợ không hề tồn tại, nó chỉ là một ý nghĩ lo lắng trong tâm thức của anh ta mà thôi. Trí tưởng tượng sống động của anh ta càng khiến anh ta ngày một căng thẳng đến nỗi chẳng thể tập trung làm được việc gì. Cuối cùng, anh ta bị buộc thôi việc.
Trong trường hợp này, nguyên nhân sâu xa của việc Rafael bị sa thải chính là ở bản thân anh ta. Những hình ảnh tiêu cực cùng những cơn ám thị liên tục đã được anh ta chuyển đến tiềm thức của mình, và tiềm thức đã hồi đáp tương ứng. Nó khiến anh ta mất tập trung, liên tục phạm sai lầm và đưa ra những quyết định khờ khạo. Chính những điều này đã tạo ra sự thất bại của anh ta. Nếu trước đó anh ta nhận ra nỗi sợ bất thường của mình để hướng ý nghĩ đến những khát khao an toàn thì có lẽ anh ta đã không bị mất việc.
Giãi bày những nỗi lo sợ trong bạn
Hãy tìm hiểu về những điều kỳ diệu của tiềm thức. Hãy hiểu cách nó hoạt động và tác dụng ra sao. Hãy nắm bắt tất cả những phương pháp để vận dụng nó. Hãy thực hành ngay lúc này, ngay hôm nay! Tiềm thức của bạn sẽ đáp trả, và bạn sẽ được giải phóng khỏi mọi nỗi kinh sợ.
Điểm lại những ý cần nhớ
1. Hãy làm điều mà bạn sợ làm, và sự sợ hãi tất sẽ tan biến. Nếu bạn tự nhủ với niềm tin và lòng cậy trông hoàn toàn: “Ta sẽ chế ngự nỗi sợ hãi này”, bạn sẽ thành công.
2. Sợ hãi là một ý nghĩ tiêu cực trong tâm thức. Hãy thay thế nó bằng một ý nghĩ có tính xây dựng. Sợ hãi đã giết chết hàng triệu người. Sự tự tin mạnh hơn sợ hãi. Không có gì mạnh mẽ hơn lòng cậy trông vào những điều tốt đẹp.
3. Sợ hãi là kẻ thù lớn nhất của con người. Nó ở ngay sau sự thất bại, bệnh tật, và những mối quan hệ tồi tệ. Tình yêu có thể xua tan nỗi sợ hãi. Tình yêu là một sự gắn bó cảm xúc với những điều tốt đẹp của cuộc sống. Hãy yêu với sự chân thật, hợp nhất, chân chính, thiện ý và thành công. Hãy sống trong sự mong mỏi hân hoan của điều cao đẹp nhất và chắc chắn điều cao đẹp đó sẽ đến với bạn.
4. Hãy xóa tan những ám thị sợ hãi bằng ý nghĩ ngược lại, chẳng hạn: “Tôi hát thật hay; Tôi yên bình, thanh thản và tĩnh lặng.” Nó sẽ mang lại những điều tốt đẹp.
5. Nếu bạn sợ phải lội qua con nước, hãy cứ bơi đi. Hãy bơi một cách thoải mái và vui thú trong trí tưởng tượng của mình. Hãy đặt bạn vào dòng nước trong tiềm thức. Hãy cảm nhận cái lạnh của nước và một cảm xúc mãnh liệt khi bơi qua hồ bơi. Hãy làm nó trở nên sống động. Khi bạn thực hành điều này trong tâm thức, bạn sẽ được thôi thúc đi vào dòng nước và làm chủ nó. Đây là quy luật của tâm thức.
6. Những nỗi lo sợ bình thường vẫn tốt. Lo sợ bất thường mới là điều nguy hại và có tính tàn phá. Đắm chìm triền miên trong những ý nghĩ sợ hãi sẽ tạo ra nỗi sợ hãi bất thường, những ám ảnh và lo lắng. Sợ một điều gì đó dai dẳng sẽ gây ra một cảm giác sợ hãi và kinh hoàng.
7. Bạn có thể khắc phục sự lo sợ bất thường khi bạn biết sức mạnh của tiềm thức có thể thay đổi những trạng thái và tạo ra những khao khát được ấp ủ trong lòng. Những khi đối mặt với những nỗi sợ bất thường, hãy tập trung vào sự khao khát an toàn của bạn, vốn đối nghịch với sự sợ hãi. Đây chính là tình yêu sẽ xua tan nỗi sợ hãi.
8. Nếu bạn sợ thất bại, hãy nghĩ đến sự thành công. Nếu bạn sợ đau ốm, hãy tập trung vào trạng thái sức khỏe hoàn hảo. Nếu bạn sợ chết, hãy chú tâm vào một cuộc sống vĩnh cửu.
9. Quy luật cao cả về sự thay thế là lời giải đáp cho nỗi sợ hãi. Bất cứ bạn sợ hãi điều gì, giải pháp của nó được thể hiện dưới hình thức là sự khao khát của bạn. Nếu bạn đau ốm, bạn khao khát sức khỏe. Nếu bạn bị giam cầm trong lo sợ, bạn khao khát sự tự do. Hãy mong đợi điều tốt đẹp. Hãy tập trung tâm trí vào điều tốt đẹp, và hãy nhận thức rằng tiềm thức luôn luôn đáp trả bạn.
10. Hãy nhìn vào những lo sợ của bạn; đưa chúng ra ánh sáng của lý trí. Hãy học cách cười vào những sợ hãi của bạn. Đó là phương thuốc hữu hiệu nhất. Không gì có thể gây phiền toái cho bạn ngoại trừ ý nghĩ của bạn. Những ám thị, những nhận định hoặc những đe dọa của người khác không có sức mạnh. Sức mạnh nằm bên trong bạn, và khi những ý nghĩ của bạn được hướng vào điều được coi là tốt đẹp, thì sức mạnh của tiềm thức luôn đồng hành với những ý nghĩ của bạn về điều tốt đẹp.
11. Chỉ có một sức mạnh sáng tạo duy nhất, và nó chuyển động như sự hài hòa. Không có sự chia cắt hay xung đột nào trong đó. Cội nguồn của nó là tình yêu.
Quy luật cao cả về sự thay thế là lời giải đáp cho nỗi sợ hãi. Bất cứ bạn sợ hãi điều gì, giải pháp của nó được thể hiện dưới hình thức là sự khao khát của bạn. Nếu bạn đau ốm, bạn khao khát sức khỏe. Nếu bạn bị giam cầm trong lo sợ, bạn khao khát sự tự do. Hãy mong đợi điều tốt đẹp. Hãy tập trung tâm trí vào điều tốt đẹp, và biết rằng tiềm thức luôn luôn đáp trả bạn. Như vậy bạn sẽ không bao giờ chết trong nỗi sợ hãi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.