Những diễn biến trong tư tưởng và những hành động phản ứng thể hiện ra bên ngoài chính là sự hưởng ứng của tiềm thức. Nếu suy nghĩ khôn ngoan, quyết định của bạn sẽ khôn ngoan.
Không phải mọi lời cầu nguyện đều được hồi đáp. Chính vì vậy, những người hay hoài nghi vẫn coi đây là bằng chứng chứng tỏ việc cầu nguyện không có tác dụng gì. Nhưng họ không biết rằng để việc cầu nguyện có tác dụng, con người phải vận dụng nó một cách hiệu quả với những hiểu biết rõ ràng về nền tảng khoa học của nó. Chỉ khi đó, chúng ta mới biết tại sao một lời cầu nguyện nào đó vô hiệu, để từ đó áp dụng những phương pháp thiết thực để làm cho nó hữu hiệu hơn.
Điều gì xảy ra nếu những lời cầu nguyện của bạn không được hồi đáp như mong đợi? Trước hết, bạn phải hiểu được lý do chính dẫn đến sự thất bại đó, đó là: thiếu niềm tin hoặc cố gắng quá sức. Do không hiểu biết thấu đáo về những hoạt động của tiềm thức nên nhiều người đã ngăn trở sự hồi đáp cho chính lời cầu nguyện của họ. Khi bạn đã hiểu về phương thức vận hành của tâm thức, lòng tin của bạn sẽ gia tăng đáng kể.
Hãy nhớ rằng mỗi khi tiềm thức chấp nhận một ý niệm, nó sẽ bắt đầu thực hiện ý niệm đó ngay lập tức. Nó vận dụng tất cả nguồn sức mạnh của mình, huy động tất cả những quy luật trí tuệ và tinh thần trong tầng sâu tâm thức của bạn cho mục đích đó. Quy luật này đúng đối với những ý niệm tốt đẹp và cả với những ý niệm xấu xa. Do đó, nếu bạn vận dụng tiềm thức của mình một cách tiêu cực, nó sẽ mang lại những điều phiền phức, hỗn độn và cả thất bại; nhưng khi vận dụng một cách tích cực, nó sẽ mang lại sự chỉ dẫn, tự do và thanh thản cho tâm hồn.
Rõ ràng điều duy nhất bạn phải làm để vượt qua thất bại là khiến cho tiềm thức chấp nhận ý niệm hoặc thỉnh cầu tích cực của bạn. Hãy cảm nhận tính xác thực của nó và tâm thức sẽ tiến hành phần còn lại bằng quy luật riêng của nó. Hãy truyền đạt lời thỉnh cầu của bạn với niềm tin và sự quả quyết, tiềm thức sẽ tiếp nhận và đáp lời.
Ngoài ra, cần nhớ rằng bất cứ lúc nào bạn gắng sức ép buộc tiềm thức làm gì đó cho bạn, bạn sẽ thất bại. Tiềm thức không hưởng ứng việc bức bách tinh thần; nó chỉ hưởng ứng với lòng tin hoặc những gì ý thức chấp nhận.
Việc lặp đi lặp lại trong đầu những khẳng định sau đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến những lời cầu nguyện thất bại:
• Mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn.
• Tôi sẽ không bao giờ có câu trả lời
• Tôi không tìm thấy lối ra.
• Tình thế thật vô vọng.
• Tôi không biết phải làm gì.
• Tôi hoàn toàn rối trí.
Khi khẳng định như vậy, bạn sẽ không nhận được sự hưởng ứng hoặc cộng tác nào từ tiềm thức của mình. Giống như một người lính giậm chân tại chỗ, bạn không tiến cũng chẳng thể lùi. Nói cách khác, bạn không đi tới đâu cả.
Hãy hình dung nếu bạn gọi một chiếc taxi và nói với bác tài rất nhiều điểm đến, anh ta sẽ rất lúng túng và có thể từ chối không đưa bạn đi đâu cả. Cho dù có muốn chiều lòng bạn thế nào đi nữa thì nhiều khả năng là bác tài không thể đáp ứng được những lời đề nghị của bạn.
Điều đó cũng giống như khi làm việc với những sức mạnh to lớn của tiềm thức. Bạn phải có một ý niệm dứt khoát trong đầu. Bạn phải xác định rõ ràng rằng chắc chắn có một lối ra, một giải pháp cho vấn đề bức bối của mình. Chỉ khi đó, Trí huệ Vô lượng trong tiềm thức của bạn mới biết câu trả lời. Khi bạn đi đến một kết luận dứt khoát trong ý thức, tâm thức của bạn được chuẩn bị, và theo lòng tin, nó sẽ được thực hiện nơi bạn.
Hãy dùng sức tưởng tượng, không phải sức mạnh ý chí
Vận dụng được sức mạnh của tiềm thức không giống như việc đẩy lùi một chướng ngại vật. Dốc sức nhiều không có nghĩa là sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Đừng sử dụng sức mạnh của ý chí. Thay vào đó, hãy mường tượng đến kết cục và trạng thái tự do mà nó tạo ra. Bạn sẽ thấy rằng trí tuệ của bạn đang cố can thiệp, cố tìm những phương hướng giải quyết vấn đề và áp đặt những phương hướng đó lên tiềm thức của bạn.
Đừng để rơi vào tình trạng đó. Hãy gạt qua một bên những kỹ năng giải quyết vấn đề theo trí năng; mà thay vào đó, hãy kiên trì theo đuổi một niềm tin giản dị, mộc mạc và có khả năng tạo nên phép mầu. Hãy hình dung bản thân không mắc bệnh tật hay gặp phải vấn đề gì. Hãy tưởng tượng cảm xúc hài lòng của bạn về trạng thái tự do tự tại mà bạn đang tìm kiếm. Hãy cắt bỏ mọi lề thói rườm rà khỏi quá trình này, bởi cách đơn giản nhất chính là cách tốt nhất.
Ba bước để thành công trong cầu nguyện
Muốn cầu nguyện thành công, phải tuân thủ ba bước sau:
1. Biết hoặc thừa nhận vấn đề.
2. Chuyển giao vấn đề đến tiềm thức, chỉ có tiềm thức mới có thể đưa ra giải pháp hoặc lối thoát hữu hiệu.
3. Hãy tịnh tâm với cảm giác tin tưởng sâu sắc rằng vấn đề sẽ được giải quyết.
Đừng bao giờ tự nói với mình: “Ước gì tôi có thể lành bệnh” hoặc “Hy vọng điều này có kết quả” bởi sự hoài nghi và do dự chỉ khiến cho lời câu nguyện của bạn suy giảm hiệu lực.
Hãy truyền ý niệm về sự khỏe mạnh đến tiềm thức của bạn với niềm xác tín tuyệt đối; sau đó bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn. Hãy phó thác bản thân cho sức mạnh của tiềm thức.
Vì sao lời cầu nguyện của bạn không được đáp lại như ý muốn
Emile Coué là một tâm lý gia lừng danh người Pháp, những buổi diễn thuyết của ông đã thu hút rất nhiều người hâm mộ ở Mỹ. Một trong những tư tưởng xuyên suốt của ông là:
Khi những khát khao và sự tưởng tượng của bạn xung đột nhau, sự tưởng tượng luôn thắng thế.
Ông gọi đây là quy luật nghịch đảo nỗ lực.
Giả định rằng bạn được yêu cầu bước đi trên một tấm ván hẹp đặt dưới sàn. Bạn sẽ làm điều đó một cách dễ dàng, không thắc mắc gì. Nhưng nếu tấm ván đó được kê giữa hai bức tường cao 6 mét, liệu bạn có bước qua mà không hề nao núng?
Có lẽ là không. Mong muốn bước qua tấm ván dài của bạn xung đột với sự tưởng tượng của bạn. Bạn hình dung mình ngã khỏi tấm ván và rơi xuống đất. Bạn có thể rất muốn bước qua tấm ván, nhưng nỗi sợ hãi bị vấp ngã sẽ ngăn cản bạn thực hiện điều đó. Càng ra sức chế ngự trí tưởng tượng chừng nào, bạn càng tập trung sức mạnh vào ý niệm té ngã đang khống chế bạn chừng ấy.
Ý nghĩ “tôi sẽ dùng sức mạnh ý chí để khắc phục sự thất bại” càng củng cố thêm ý nghĩ thất bại. Sự gắng sức về tinh thần thường dẫn tới việc tự chuốc lấy thất bại, tạo ra cái đối nghịch với điều mong muốn. Càng tập trung vận dụng sức mạnh ý chí tức là càng nhấn mạnh tình trạng bất lực. Tiềm thức của bạn sẽ chấp nhận cái mạnh mẽ hơn trong hai xác nhận đối nghịch nhau.
Bạn phải nhận ra sai lầm của mình là gì. Bạn đang cố gắng thái quá! Đừng bao giờ cố buộc tiềm thức chấp nhận ý niệm của bạn bằng việc vận dụng sức mạnh ý chí. Những cố gắng như vậy tất sẽ thất bại. Kết cục rất thường thấy là bạn gặp phải điều trái ngược với những mong muốn của mình.
Bạn phải tham dự một kỳ thi nào đó. Bạn đã dành rất nhiều thời gian để học tập và ôn luyện tài liệu. Bạn cảm thấy như thể bạn biết rõ bài thi. Nhưng khi bạn đối mặt với một tờ giấy thi trống trơn, bạn thấy tâm trí mình cũng trống rỗng như thế. Tất cả kiến thức đã học đột nhiên rời bỏ bạn. Bạn tập trung dồn hết tất cả sức mạnh của ý chí, nhưng càng cố gắng, kiến thức dường như càng chạy trốn xa hơn.
Bạn thất vọng rời khỏi phòng thi. Áp lực tinh thần đã tan biến. Đột nhiên, những đáp án mà vài phút trước bạn tìm kiếm một cách vô vọng chợt hiện ra trong tâm trí bạn như thể trêu ngươi. Bạn tự nhủ rằng bạn biết đáp án, biết chắc, biết rõ… nhưng đúng lúc bạn cần thì chúng không hiện ra. Sai lầm của bạn là đã cố bắt bản thân phải ghi nhớ. Theo quy luật nghịch đảo nỗ lực, việc này không dẫn tới thành công, mà sẽ dẫn tới thất bại. Điều bạn đạt được hoàn toàn trái ngược những gì bạn mong muốn.
Cần loại bỏ xung đột giữa ước muốn và sự tưởng tượng
Vận dụng sức mạnh tinh thần hoặc sức mạnh ý chí cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị một sự kháng cự. Ngay cả khi bạn đang tưởng tượng ra sự kháng cự, cũng có nghĩa bạn đã tạo ra nó rồi.
Kinh thánh có đoạn viết:
Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ đáp ứng.
(Matthew 18:19)
Hai người nói trên là ai? Họ tượng trưng cho sự đoàn kết hoặc sự hòa hợp giữa ý thức và tiềm thức của bạn về bất kỳ ý niệm, nguyện vọng hoặc hình ảnh nội tâm nào. Khi không còn bất kỳ sự tranh cãi giữa những xung đột trong tâm thức bạn, lời cầu nguyện của bạn sẽ có kết quả. Họ cũng có thể là biểu trưng cho bạn và mong muốn của bạn, tư tưởng và cảm giác của bạn, ý niệm và tình cảm của bạn, ước muốn và sự tưởng tượng của bạn.
Bạn chủ ý đưa mình vào trạng thái mơ màng, giảm thiểu sự gắng sức để né tránh sự xung đột giữa những ước muốn và sự tưởng tượng. Khi bạn ở trong trạng thái mơ màng phần lớn ý thức sẽ lắng xuống. Thời gian tốt nhất để thấm nhuần tiềm thức của bạn là ngay trước khi ngủ và sau khi thức dậy, bởi đây là thời điểm bùng nổ ở mức độ cao nhất của tiềm thức. Trong trạng thái này những tư tưởng và hình ảnh tiêu cực – vốn có xu hướng vô hiệu hóa ước muốn và ngăn cản sự chấp nhận của tiềm thức sẽ biến mất. Khi bạn hình dung ra cảnh thực hiện ước muốn và vui sướng cảm nhận kết quả, tiềm thức của bạn sẽ đưa đến sự hiện thực hóa ước muốn đó.
Rất nhiều người đã tháo gỡ những tình thế khó khăn và những vấn đề gặp phải bằng cách vận dụng tưởng tượng có kiểm soát, có phương hướng. Họ hiểu biết sâu sắc rằng bất cứ điều gì họ tưởng tượng và cảm nhận là thật sẽ và phải xảy ra.
Một phụ nữ trẻ tên Shara G. đã tìm đến tôi trong trạng thái gần như tuyệt vọng. Cô ấy bị vướng vào chuyện kiện cáo rắc rối triền miên mà chưa có kết quả. Mong mỏi sâu xa nhất của Shara G. là một giải pháp hòa hợp cho vụ tranh kiện. Tuy nhiên, hình ảnh nội tâm của cô phản ánh sự sợ hãi, mất mát, nợ nần và nghèo túng. Kết quả đã đúng như cô tiên đoán. Sự tưởng tượng đã đánh bại mong muốn của cô và chuyện kiện cáo cứ kéo dài triền miên.
Nghe theo gợi ý của tôi, mỗi đêm trước khi đi ngủ, Shara đã tự đưa mình vào một trạng thái mơ màng, bắt đầu hình dung đến kết thúc khả quan cho vấn đề của cô. Từ tưởng tượng, Shara bắt đầu vận dụng tất cả khả năng vốn có để đi vào cảm nhận. Cô ý thức rất rõ rằng hình ảnh trong tâm trí cô phải thống nhất với ý nguyện trong tim cô.
Khi trở nên mơ màng, cô bắt đầu hình dung một cách sinh động cuộc gặp gỡ với luật sư riêng. Cô thấy mình đang thắc mắc và lắng nghe ông ta giải thích về kết quả vụ kiện cáo. Cô nghe ông ta lặp đi lặp lại nhiều lần rằng: “Vụ việc đã được hòa giải tại tòa án. Đây là một giải pháp hòa bình.”
Mỗi khi những ý nghĩ sợ sệt len vào tâm trí, Shara lại vận dụng cuộn băng video tưởng tượng về cuộc gặp với luật sư của mình, đầy đủ từng lời lẽ và cử chỉ. Cô làm điều đó một cách thường xuyên và tràn đầy tin tưởng, đến độ nỗi sợ sệt của cô đã bị đẩy lùi, thậm chí trước khi cô biết chúng đã len lỏi vào tâm trí cô.
Vài tuần trôi qua, luật sư của cô xác nhận điều cô đang tưởng tượng và cảm nhận là có thật. Vụ kiện đã được hòa giải, và cô biết mình có thể nhìn nhận nó như một cuộc thu xếp ổn thỏa.
Điểm lại những ý cần nhớ
1. Sự bức bách tinh thần hoặc gắng sức quá nhiều phản ánh nỗi hoang mang và sự sợ hãi – vốn là tác nhân ngăn trở kết quả của bạn. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn hãy cứ thư thả hành động.
2. Khi tâm trí bạn được thư giãn và bạn có thể chấp nhận một ý niệm, tiềm thức của bạn sẽ bắt tay thực hiện ý niệm đó.
3. Độc lập suy nghĩ và hoạch định theo những phương pháp truyền thống. Hãy biết rằng luôn có câu trả lời và giải pháp cho mọi vấn đề.
4. Đừng quá bận tâm đến nhịp điệu sinh học của cơ thể bạn. Hãy chú tâm vào tiềm thức và thường xuyên quả quyết rằng những điều kỳ diệu đang diễn ra.
5. Tưởng tượng là khả năng mạnh mẽ nhất của bạn. Hãy tưởng tưởng điều lý thú và tốt đẹp. Bạn chính là hình ảnh của những gì bạn hình dung về chính mình.
6. Trước khi ngủ, hãy hình dung việc hiện thực hóa niềm mong mỏi của bạn. Hãy ngủ trong bình an và thức dậy trong niềm hân hoan.
Quả quyết tức là khẳng định sự việc chắc chắn sẽ xảy ra như thế và khi bạn kiên trì thái độ tinh thần này, bạn sẽ nhận được kết quả cho lời cầu nguyện của mình.