Tại Sao Lại Chần Chừ ?

Chương 5 : Nổi loạn



“Sự chần chừ là nấm mồ chôn vùi cơ hội.”

5.1. Tại sao phải nổi loạn?

“Nổi loạn = Hành động chống lại hay bất tuân theo điều gì đó”

1. Bạn có biết tôi đang nói gì không?

“Bạn không hiểu tôi!”

Tôi đã từng cảm thấy chẳng có ai trên đời này hiểu mình cả. Đã bao giờ bạn cảm thấy như vậy chưa? Bạn có cảm thấy rằng chẳng có ai thực sự lắng nghe bạn và để tâm đến những điều bạn nói? Bạn luôn bị đối xử như 1 đứa trẻ, luôn được hướng dẫn nên làm cái gì và làm như thế nào. Nếu bạn cảm thấy như thế thì bạn không đơn độc đâu. Hầu hết bạn trẻ đều có chung suy nghĩ đó. Họ cảm thấy không 1 ai hiểu mình, sự thấu hiểu của mọi người với họ trống trơn giống như 1 trang giấy trắng.

Họ cho rằng cha mẹ không hiểu họ. Thầy cô, bạn bè không hiểu họ. Cả thế giới không hiểu họ!

2. Cơn giận dữ – Cảm giác của bò tót nhìn thấy màu đỏ

Khi cảm thấy không được mọi người xung quanh thấu hiểu, chúng ta dễ trở nên giận dữ. Tức giận là 1 trong những lý do khiến con người ta nổi loạn. Cơn giận dữ này sẽ khiến chúng ta có xu hướng chống lại những người mà ta không thích và trì hoãn việc thực hiện những nhiệm vụ được giao. Khi đó, ta đang gửi đi 1 tín hiệu mang ý nghĩa nổi loạn. Đôi khi, cơn giận này lớn đến mức khiến ta chẳng muốn làm bất kỳ công việc gì. Tất nhiên, điều này còn tệ hơn cả sự chần chừ nữa!

Nếu duy trì trạng thái giận dữ này trong thời gian dài, những người này không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm hại cả chính bản thân họ. Họ trở thành 1 người nóng tính và rất dễ bực tức.

3. Có ai đó sẽ làm việc này

Khi chúng ta nổi loạn và trì hoãn 1 công việc nào đó thì sẽ có người cảm thấy đây là 1 công việc cần thực hiện gấp và thế là họ làm luôn. Vậy là chúng ta khỏi phải làm việc đó nữa. Chẳng hạn, khi bạn không chịu mang tách xuống nhà bếp để rửa, chắc chắn bố mẹ bạn sẽ bảo em bạn làm việc đó. Vì thế, bằng cách nổi loạn, bạn có thể cư xử theo kiểu 1 ông vua hay bà hoàng thực sự, và những người khác sẽ làm mọi việc cho bạn. Bạn nghĩ mình có thể dùng cái nhận thức đầy sức mạnh này để nổi loạn và tránh khỏi phải làm việc gì hết.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng đây là 1 ý tưởng tuyệt vời, nhưng hãy cẩn thận. Cái ý tưởng “hãy nổi loạn để khỏi phải làm việc” là 1 suy nghĩ hết sức tệ hại và có thể phá hỏng mối quan hệ của bạn với anh chị en, cha mẹ và bạn bè của bạn. Bạn có muốn điều này xảy ra không?

5.2. Tại sao chúng ta không học cách tôn trọng người khác?

“Tôn trọng = Ý thức về giá trị của 1 con người”

Để phá vỡ tính cách nổi loạn này, chúng ta phải học cách tôn trọng người khác. Tôi hiểu đây không phải là việc dễ dàng. Có người từng nói rằng sự tôn trọng cần phải được tích lũy.

Để hiểu được phương pháp học cách tôn trọng người khác ra sao, chúng ta hãy thử trò chơi có tên gọi “Cân nhắc hậu quả”. Trò chơi này đòi hỏi ta phải nghĩ đến 1 tình huống cụ thể và xác định những hậu quả từ tình huống đó.

Ví dụ, đa số chúng ta đều thấy mẹ lúc nào cũng cằn nhằn và đó là lý do khiến ta chần chừ. Vậy hãy tưởng tượng cảnh chúng ta loại bỏ bố mẹ ra khỏi cuộc đời mình. Liệu cuộc sống của ta có được cải thiện vượt bậc không? Chắc chắn là chẳng còn ai cằn nhằn với ta suốt ngày nữa. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra đến với những khía cạnh khác trong cuộc sống của ta? Liệu còn người nào nhắc nhở chúng ta phải làm cái này cái nọ, tắm táp cho ta bằng tình yêu thương vô bờ bến, nấu những món ăn ta thích, chia sẻ niềm vui va tiếng cười với ta không? Có thể sẽ có 1 ai đó làm cho ta những việc tương tự nhưng tôi tin chắc sẽ chẳng bao giờ người đó yêu thương ta bằng tình yêu của 1 người mẹ.

Khi “Cân nhắc hậu quả” của việc thiếu vắng 1 người nào đó trong cuộc đời mình, ta sẽ nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của người đó đối với ra. Chỉ khi đó, ta mới có thể trân trọng sự hy sinh của họ và tôn trọng con người họ.

1. Vài điều để bạn cân nhắc

Hãy hiểu rằng, cha mẹ chúng ta đã phải làm việc vất vả để chăm lo cho ta, từ việc nuôi nấng ta cho đến việc mua cho ta những vật dụng ta cần, chẳng hạn 1 cái máy MP3. Vì thế, hãy trân trọng sự hy sinh và tình yêu thương của cha mẹ.

Hãy hiểu rằng công sức và sự cống hiến của thầy cô vì lợi ích của chúng ta. Sở dĩ họ nghiêm khắc với ta cũng chỉ vì họ lo cho ta. Họ trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn ta và họ biết rằng học thức và việc học hỏi không ngừng là điều rất quan trọng trong xã hội ngày nay. Hãy hiểu rằng khi thầy cô giáo cho ta bài tập để làm, họ sẽ phải chấm bài của cả lớp trong khi ta chỉ phải làm bài tập đó 1 lần mà thôi.

Hãy hiểu rằng bạn bè ta luôn ở đó vì ta. Hãy tôn trọng họ vì tình bạn mà họ đã dành cho ta. Khi ta gặp rắc rối trong cuộc sống, họ sẽ ở bên ta và hỗ trợ ta về mặt tinh thần.

Hãy hiểu rằng anh chị em là những người cùng lớn khôn bên ta. Hãy nhớ đến những kỷ niệm vui buồn đã có với nhau từ thời thơ bé và đừng để những trận cãi vả nhỏ nhặt ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa đôi bên.

Trong cuốn sách For One More Day, Mitch Albom đã nhắc lại câu chuyện về Charles “Chick” Benetto – vốn là 1 vận động viên bóng chày Mỹ nhưng hiện đang trong cơn tuyệt vọng. Charles đã gặp được hồn ma của người mẹ quá cố của mình và nhớ lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Charles nhớ lại những lúc ông tỏ ra bất kính và thường tình yêu thương với bà. Chúng ta cũng thường không nhìn thấy sự hy sinh của cha mẹ trong việc chăm lo cho ta được lớn lên trong tình yêu thương và hạnh phúc. Chúng ta thường không nhận ra và trân trọng những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà cha mẹ dành cho ta.

Đừng tự nhủ mình sẽ bắt đầu bày tỏ sự tôn trọng với những người xung quanh vào ngày mai. Hãy làm việc này ngay bây giờ.

2. Hãy tôn trọng bản thân

Bạn cũng đừng quên tôn trọng chính bản thân mình. Đừng quên rằng mình cũng giống như tất cả mọi người và xứng đáng được tôn trọng. Nhưng hãy hiểu rằng, sự tôn trọng cần phải được tích lũy chứ không phải tự nhiên mà có. Vì thế, hãy xem xét lại cách cư xử đúng mực, những người xung quanh tất nhiên sẽ tôn trọng ta.

Với 1 quan niệm đúng đắn, chúng ta có thể giải quyết được mọi việc và vượt qua được sự chần chừ.

Kết luận : Việc nổi loạn có thể là nguyên nhân khiến chúng ta chần chừ. Hãy tôn trọng người khác và trân trọng những điều họ đã làm cho ta. Hãy biết tôn trọng bản thân và cho mọi người thấy giá trị của mình. Và trên hết, hãy chứng minh điều này bằng hạnh động thiết thực!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.