Tập Trung Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu

6. Đánh bại sự trì hoãn



Sự trì hoãn là kẻ thù tự nhiên của tập trung. Khi chúng ta trì hoãn, chúng ta làm những thứ linh tinh thay vì những thứ chúng ta biết mình phải làm. Đây là vấn đề lớn mà nhiều người gặp phải trên con đường chinh phục mục tiêu. Bạn sẽ thấy có nhiều cách tiếp cận để vượt qua chuyện này. Khi tìm được phương pháp phù hợp nhất, bạn đã có lợi thế hơn hẳn những đối thủ của mình.

Có chắc là bạn đang gặp vấn đề không?

Trước khi tìm thuốc chữa, phải chắc là bạn mắc bệnh. Nếu bạn trì hoãn mọi việc cho đến khi chỉ còn những giây cuối cùng rồi mới bắt tay vào làm và làm tốt thì đó không phải là bạn đang trì hoãn. Bạn chỉ đang chọn cách sử dụng thời gian tập trung vào việc khác trước cho tới khi đến thời điểm tiến hành một việc nào đó, rồi bạn làm. Bạn đã học được cách đánh giá chính xác bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm một việc gì đó, như thế bạn hoàn toàn không cần làm sớm. Nếu điều duy nhất làm bận lòng là người khác nói bạn đang trì hoãn, thì không cần phải quan tâm và hãy tiếp tục làm như cũ, vì mọi việc vẫn tốt đẹp mà.

W. SHAKESPEARE NóI VỀ THỜI GIAN

“Sớm 3 tiếng còn hơn muộn 1 phút.”

Vở Các bà vợ vui tính ở Windsor

“Tôi đã bỏ phí thời gian, và giờ thời gian bỏ qua tôi.”

Vở Vua Richard II

Nếu ngược lại, bạn bị chậm hạn chót hay nhận thấy việc để mọi thứ đến phút cuối cùng mới làm khiến bạn stress, rõ ràng bạn là một người hay trì hoãn. Hãy áp dụng những kỹ thuật tiếp theo để thay đổi.

Sức cám dỗ của việc trì hoãn

Để hiểu được động lực tại sao bạn luôn thích trì hoãn, hãy xem sự cám dỗ này bắt đầu như thế nào. Trước mỗi sự việc thường có hai hay nhiều lựa chọn. Đơn giản là “có” hoặc “không”: Có nên mua cái bánh sôcôla kia hay không? Đôi khi một sự việc có nhiều lựa chọn: Nên ở nhà xem tivi hay là đến lớp thể dục thẩm mỹ? Điều gì quyết định lựa chọn của bạn?

Khi Isacc Newton đưa ra định luật về chuyển động, ông không có chủ ý đưa ra những định luật về hành vi của con người. Định luật đầu tiên phát biểu như sau:

Một vật đứng yên sẽ đứng yên mãi mãi và một vật chuyển động sẽ chuyển động thẳng đều mãi mãi nếu không có lực tác động.

Áp dụng với con người, một người đang nghỉ trên ghế sô-pha có xu hướng muốn tiếp tục ngồi ở đó, và một người đang chuyển động theo một hướng nhất định (ví dụ, đang đi ăn tối) sẽ có xu hướng tiếp tục theo hướng đó (ăn tiếp một chút bánh sôcôla cho món tráng miệng).

Cho nên, để thay đổi được hướng chuyển động của mình, chúng ta phải có những cố gắng. Nhưng tại sao điều này lại khó khăn đến vậy khi chúng ta biết hết những lợi ích của nó, ví dụ ăn những món ăn bổ dưỡng, tập thể dục, làm việc theo đúng lịch trình có ích lợi hơn nhiều so với việc trì hoãn đến phút cuối.

Có một lý do, đó là sức hấp dẫn của việc trì hoãn trước mắt quá lớn, ngược lại, ý nghĩ phải làm ngay trở nên rất yếu ớt trong hiện tai, và chỉ có ý nghĩa về lâu dài. Nói chung, tiến hành làm ngay sẽ có giá trị trong tương lai trong khi nếu trì hoãn lại thì trước mắt bạn có thể tận hưởng thêm bao nhiêu điều. Trì hoãn mang lại giá trị ngay lập tức. Vì thế, việc trì hoãn bao giờ cũng có giá trị trước mắt.

Ví dụ, nếu tôi chọn dành hai giờ sắp tới để lướt web, tôi sẽ rất thích. Trong khi đáng lẽ tôi nên viết báo cáo phải nộp trong hai tuần nữa. Nhưng tôi không làm ngay thì cũng chưa sao cả. Sự trả giá sẽ đến trong một tuần nữa, khi tôi nhận ra tôi đã ở trong tình trạng không thể cứu vãn được, hay là trong hai tuần nữa, khi tôi đã hoàn toàn bị chậm hạn chót và khách hàng sẽ nổi giận.

Có một sự khác biệt quan trọng nữa, đó là những lựa chọn mang tính ngắn hạn thường kích thích các yếu tố cảm giác và tình cảm, trong khi những lựa chọn dài hạn lại thường kích thích các yếu tố mang tính trí tuệ.

Trong cuộc chiến giữa cảm xúc và lý trí, bạn thử nghĩ xem cái nào sẽ chiến thắng trong phần lớn thời gian. Gợi ý nhé: Hãy nhìn ra thế giới xung quanh mình, chiến tranh, tàn phá môi trường, tình trạng nợ nần của một người dân thường ‒ câu trả lời đã quá rõ.

Chiếc bánh socola trông thật quá hấp dẫn, hương thơm đặc biệt, vị ngọt mềm trên đầu lưỡi. ý nghĩ về việc giảm cân… ừ thì cũng hay đấy…

Sau đây là điều quan trọng nhất sẽ giúp bạn có thể đưa ra sự lựa chọn tốt hơn: Bí mật của việc lựa chọn tốt là hãy làm cho chúng có vẻ sống động, đầy cảm xúc.

Bạn sẽ làm điều này như thế nào? Bằng cách vận dụng trí tưởng tượng để thấy, nghe, cảm nhận, nếm và ngửi, những lựa chọn tốt còn mạnh mẽ hơn những lựa chọn không tốt.

Hãy nhắm mắt lại và bắt đầu hình dung kết quả của những lựa chọn tốt. Điều này rất quan trọng: Đừng hình dung chính bạn đang làm những công việc của mình, chỉ hình dung kết quả cuối cũng hoặc các bước tiến hành.

Bạn nhìn thấy gì khi hình dung xong? Ví dụ, bạn thấy gì khi ý tưởng kinh doanh mới chỉ đang ở dạng dự án của bạn đạt được thành công? Nếu việc kinh doanh đó là một gian hàng, bạn có thể hình dung ra nó chật ních khách hàng…

Và bạn sẽ nghe thấy gì? Có thể là việc khách hàng khen ngợi những hàng hóa mà bạn đang bán, hoặc chính bạn gọi cho bạn bè để nói về việc kinh doanh của mình.

Và bạn sẽ cảm thấy gì? Có lẽ đây là điều quan trọng nhất ‒ bạn sẽ thấy tự hào, hạnh phúc, thích thú và rất vui.

Đôi khi cả hương thơm cũng đến với bạn. Bạn có thể ngửi được mùi thơm hương hoa khi bạn gây dựng cửa hàng của bạn.

Nếu bạn thấy khó hình dung ra kết quả mong muốn, hãy bắt đầu bằng cách nhớ lại những lúc bạn đạt được điều gì đó mang lại cảm giác hài lòng. Hãy nhớ lại bằng tất cả các giác quan của bạn xem nó như thế nào, sau đó hãy chuyển những cảm xúc đó tới kết quả của mục tiêu hiện tại.

Với mùi vị, hãy tưởng tượng tới một bữa tối được tổ chức để kỷ niệm lễ khai trương cơ sở kinh doanh, một người nào đó nâng cốc chúc mừng, và bạn đang uống một ly sâm banh.

Càng tưởng tượng rõ ràng và thú vị bao nhiêu, bạn càng hứng thú muốn bắt đầu bấy nhiêu.

Với mọi bài tập trong cuốn sách này, bạn hãy tập đi tập lại cho đến khi bạn tìm thấy một mô hình thích hợp nhất cho mình. Ví dụ, một vài người sẽ thấy quá sợ hãi để có thể mở được một cơ sở kinh doanh, họ có thể sẽ thấy hấp dẫn hơn nếu chỉ vay một khoản tiền để thuê cơ sở, hay là việc người cho vay sẽ khen ngợi kế hoạch kinh doanh hoàn hảo của họ.

Khi bạn hình dung ra bất cứ điều gì làm động lực thúc đẩy nhất, hãy giữ nguyên trạng thái hứng thú, rồi sau khi mở mắt ra, bất ngờ đi xem tivi hay lướt web có vẻ hơi nhàm chán nếu đem so sánh với trạng thái hưng phấn đó. Hãy tiến hành ngay khi cảm giác của bạn về việc đó còn đang tươi mới.

Sử dụng phương pháp “mỏ neo” để tập trung

Để những kỹ năng tưởng tượng có thể phát huy tác dụng, bạn phải thực hành. Để thực hành, bạn phải ngừng hẳn lại. Giống như khi tức giận bạn phải đếm từ 1 đến 10 thay vì xả luôn ra. Để không phải làm như vậy mỗi khi mất bình tĩnh, sẽ rất hữu ích nếu có thể “neo” lại trạng thái ham thích theo cách mà bạn sẽ dễ dàng lựa chọn những gì tốt nhất cho mình. Bạn đã đọc về phương pháp này và nó bắt nguồn như thế nào từ công trình của Pavlov. Bây giờ hãy xem bạn có thể áp dụng những tình huống này như thế nào để ngăn chặn sự trì hoãn:

• Chọn tâm trạng thể hiện cảm giác tích cực của bạn khi thực hiện những việc bị trì hoãn. Nếu bạn có xu hướng trì hoãn việc tập thể dục, hãy thử nghĩ xem bạn sẽ cực kỳ khỏe mạnh do việc tập thể dục đều đặn mang lại. Nếu bạn trì hoãn thực hiện một dự án dài hạn, hãy thử tâm trạng vui sướng khi dự án kết thúc. Nếu bạn có xu hướng trì hoãn những công việc điều hành, hãy chọn trạng thái thư giãn yên bình khi bạn giải quyết xong tất cả các việc đó.

• Đứng dậy, nhắm mắt lại và vận dụng trí nhớ để tạo ra một hình ảnh rõ ràng về tâm trạng tích cực, bao gồm những gì bạn sẽ thấy, sẽ nghe, cảm nhận, thậm chí cả hương thơm và mùi vị của nó khi bạn trải nghiệm trạng thái cảm xúc đó.

• Giữ những cảm xúc này cho đến khi chúng trở nên mạnh mẽ.

• Khi đạt đến đỉnh cao, hãy làm một cử chỉ như là siết chặt ngón tay cái vào ngón tay trỏ. Giữ trong một giây rồi thả lỏng ra. Đây chính là “mỏ neo” của bạn dấu hiệu cho thấy bạn đã trải qua cảm giác đó.

• Lặp lại quá trình này, tốt nhất là trong một đến hai ngày.

• Để kiểm tra, hãy làm động tác “thả mỏ neo” – nghĩa là làm động tác đó và kiểm tra cảm giác của mình. Nếu cảm giác chưa đủ mạnh, hãy tiếp tục luyện tập.

Lần sau, khi bị ý định trì hoãn lôi kéo, hãy làm động tác này thật đúng và bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để chọn những hoạt động hướng tới kết quả mong muốn.

Lý do trốn tránh và cách vượt qua

Có thể có một nguyên do sâu xa hơn khi bạn trốn tránh làm một việc gì đó. Nếu thế, nó sẽ giúp bạn xác định những lý do, niềm tin và cách vượt qua. Sau đây là những lý do phổ biến nhất và cách vượt qua:

Vì điều kiện không đúng

Liệt kê tất cả những điều kiện bạn cần xem chúng có từng tồn tại hay không. Nếu không, chia kế hoạch của bạn ra từng phần nhỏ và tự hỏi xem liệu bạn có đủ điều kiện để hoàn thành giai đoạn đầu tiên hay không. Câu trả lời có thể là có, vậy thì hãy thực hiện bước một và chuyển sang bước tiếp theo. Nếu bạn vẫn thấy có vấn đề, hãy tiếp tục chia nhỏ hơn nữa các bước.

Vì mình làm tốt nhất khi có cảm giác mạnh

Nếu bạn là người thích cảm giác mạnh, hãy thử mang đến cho mình những cảm giác mạnh như nhảy cầu. Nói nghiêm túc, kể cả một trò chơi điện tử tốc độ cao hay một bài thể dục cường độ cao cũng khiến bạn thích thú.

Tôi không muốn và không thể ép mình được

Hãy tập nói “không” với những thứ bạn không muốn làm. Nếu có cách nào tống khứ những thứ không thích, bạn hãy làm thật sớm (ví dụ như ủy quyền cho người khác). Nếu không, hãy đánh giá xem làm những việc này đem lại những lợi ích gì và giữ điều đó trong đầu.

Vì tôi tìm kiếm sự hoàn hảo

Hãy tự cho phép bạn làm mọi việc không hoàn hảo. Hãy tập làm những thứ nhỏ nhặt một cách không hoàn hảo và chú ý xem điều gì xảy ra (hoặc điều gì không xảy ra).

Vì nó làm cho người khác phát điên. Thật đắc ý!

Nếu sự trì hoãn của bạn là để chống đối lại việc người khác muốn bạn làm, hãy nghĩ đến những cách thẳng thắn hơn để thể hiện sự giận dữ của mình, hoặc bạn phải kiểm soát được chúng.

Vì tôi không cảm thấy việc đó tốt

Không cần bạn phải cảm thấy tốt, chỉ cần bạn làm việc đó thôi. Nhưng sẽ dễ hơn nếu kết hợp nó với những thứ đem lại cho bạn cảm giác thích thú (ví dụ, nghe nhạc trong khi phân loại hóa đơn thuế) hoặc tự thưởng cho mình khi xong việc.

Lý do của bạn là gì?

Trong những lý do trên, đâu là lý do gần với bạn nhất khi bạn trì hoãn công việc?

_______________________________________________

Bạn sẽ làm gì nếu lần sau bạn muốn vượt qua sự trì hoãn?

_______________________________________________

Nếu bạn vẫn thấy không chắc chắn

Có thể sẽ có những lần bạn không biết chắc chắn tại sao mình lại trì hoãn, và làm rõ lý do sẽ giúp bạn vượt qua. Vào những lúc như thế, bạn nên tự vấn bản thân vài câu hỏi. Những kỹ thuật dưới đây rất hữu ích vì nó có thể gợi ra điều ẩn chứa trong tiềm thức của bạn. Khi bạn đã tìm ra lý do, bạn sẽ có thể đối phó chúng bằng một trong những kỹ thuật mà chúng tôi đưa ra. Nếu còn một việc gì đó mà bạn đang trì hoãn, hãy thử làm bài tập hoàn thành câu dưới đây, nếu không có, hãy giữ chúng để sử dụng cho lần trì hoãn sau.

Thực hiện các bước đầu tiên

Bước đầu tiên bao giờ cũng là bước khó khăn nhất. Thay vì húc đầu ngay vào khó khăn lớn nhất, bạn hãy trì hoãn và bắt đầu bằng việc chia nhỏ công việc. Bạn đã học được cách chia nhỏ công việc ở chương trước, càng chia nhỏ mục tiêu càng dễ hoàn thành, và bạn sẽ có cảm giác đang dần dần đạt được kết quả.

“Càng chia nhỏ công việc, càng dễ hoàn thành”

Lý do tại sao câu nói này lại đúng đã được nhóm Nghiên cứu về Trì hoãn do Giáo sư Timothy Pychyl thực hiện tại Đại học Carleton thuộc Ottawa.

Phương pháp khắc phục sự trì hoãn

Hãy viết ra suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn để hoàn thành những câu sau đây. Công việc mà tôi đang trì hoãn là:

__________________________________________________

1. Có một điều rất quan trọng cần nhớ khi làm công việc này là:

__________________________________________________

2. Người có thể giúp tôi hoàn thành công việc này là:

__________________________________________________

3. Một việc tương tự như việc này mà tôi đã làm thành công là:

__________________________________________________

4. Có một điều mà không ai có biết về việc này là:

__________________________________________________

5. Một biểu tượng hay cho công việc này là:

__________________________________________________

6. Tôi sẽ biết tôi hoàn thành công việc này khi:

__________________________________________________

7. Một tiêu đề hay cho công việc này là:

__________________________________________________

8. Phẩm chất giúp tôi làm được công việc này là:

__________________________________________________

9. Nếu tôi có quyền năng để thay đổi một điều gì đó trong công việc này, tôi sẽ thay đổi:

__________________________________________________

Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng: có hai cách con người thực hiện các nhiệm vụ. Một số người theo hướng hành động, họ dễ dàng làm từng nhiệm vụ nối tiếp nhau. Một số người theo hướng trạng thái, họ có xu hướng trì hoãn và trải qua các cảm giác bất an, buồn chán và đôi khi tội lỗi. Theo Pychyl, nếu bạn thuộc nhóm thứ hai, bạn sẽ không thích công việc đó nhưng tự hứa sẽ làm nó sau 10 phút. Hết 10 phút gần như chắc chắn tâm trạng bạn sẽ thay đổi và có thể tiếp tục.

Bạn cũng có thể mở rộng chiến lược chia nhỏ công việc bằng cách xác định một loạt các mốc bạn cần vượt qua trên con đường chinh phục mục tiêu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sức mạnh của việc này. Một nghiên cứu của Dan Ariely thực hiện năm 2001 tại Trường Quản lý Sloan MIT và Klaus Wertenbroch tại Insead là: giao cho một nhóm nhiệm vụ lớn và hạn chót duy nhất. Một nhóm khác có hạn chót hàng tuần với từng nhiệm vụ nhỏ cho tới khi hoàn tất nhiệm vụ lớn. Kết quả là, nhóm thứ nhất trung bình chậm hạn chót 12 ngày trong khi nhóm thứ 2 trung bình chỉ chậm nửa ngày.

HãY TáC ĐỘNG VàO THỊ GIáC

Với những dự án lớn bạn có thể thảo ra một thời gian biểu và đánh dấu những quãng ngắt với những nhiệm vụ bạn cần hoàn thành và thời gian dự kiến. Tô màu những khoảng thời gian khi bạn hoàn thành mỗi nhiệm vụ. Để nó ở nơi mà ngày nào bạn cũng phải nhìn thấy.

Sự trì hoãn và danh sách những việc cần làm

Bên cạnh việc áp dụng những biện pháp chúng tôi đưa ra, sẽ có thể giúp ích hơn cho bạn nếu bạn xác định được xem bạn thuộc nhóm nào trong ba trường phái cơ bản sau đây:

1. Trường phái khắt khe: Làm những việc khó khăn nhất trước, sau đó từ từ làm phần còn lại

2. Trường phái hưởng thụ: Làm một hay hai việc dễ nhất trước sau đó tăng dần độ khó lên.

3. Trường phái ngẫu hứng: Viết mỗi công việc lên một tấm thẻ, nhắm mắt lại, trộn đều và rút ra một tấm, được tấm nào thì làm việc đấy.

Bạn thuộc trường phái nào? Hãy thử tất cả và xem nhóm nào khiến bạn làm được những việc quan trọng nhất trong một khoảng thời gian như nhau.

Giờ đây bạn đã có trong tay những cách thức để loại bỏ sự trì hoãn và tập trung vào những thứ sẽ giúp bạn tăng tốc về phía mục tiêu. Trong Chương 7 bạn sẽ được thấy những công cụ tập trung mới lạ, giúp cho chuyến đi này dễ hơn và nhanh hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.