Thăm Dò Tiềm Thức
CHƯƠNG 2: QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI TRONG TIỀM THỨC
Cho đến đây, tôi đã phác họa một vài nguyên tắc nền tảng để đề cập đến vấn đề mộng mị; khi chúng ta muốn tìm hiểu khả năng tạo ra biểu tượng của con người, chúng ta nhận thấy giấc mơ là tài liệu chính yếu và dễ thăm dò nhất để khảo sát. Ở đây phải kể đến hai điểm chính yếu: một giấc mơ phải được coi là một sự kiện mà người ta không thể sẵn định kiến, tự nó có ý nghĩa theo cách này hay cách khác, một tiếng nói đặc thù của tiềm thức.
Rất khó mà tìm cho những nguyên nhân ấy một danh từ mới mẻ hơn. Dù rằng người ta có ý chê bai tiềm thức thế nào thì người ta cũng phải cho rằng nó đáng được thăm dò. Ít ra tiềm thức cũng đáng kể như con chấy, con rận, và nó dù sao cũng đáng được nhà côn trùng học để ý một cách thành thực. Nếu có người ít kinh nghiệm và ít hiểu biết về mộng mị cho rằng mộng mị chỉ là những hiện tượng rối loạn vô nghĩa thì họ cứ tự do mà nghĩ như vậy. Nhưng nếu người ta cho rằng mộng mị là những biểu tượng bình thường (và nó thế thật) thì người ta phải giả thuyết rằng nó có nguyên nhân hợp lý hay có mục đích nào đó, hay cả hai thứ trên.
Ta hãy xét cặn kẽ hơn ý thức và tiềm thức của ta liên lạc với nhau thế nào. Thử lấy một thí dụ quen thuộc. Bất thình lình ta quên mất điều ta sắp sửa nói, tuy rằng ý nghĩ của ta mới trước đây sáng sủa. Trường hợp này nữa, ta sửa soạn giới thiệu một người bạn, lúc sắp sửa nói đến tên thì bỗng quên bẵng mất. Thực ra ý nghĩ của ta đã trở vào tiềm thức hay ít nhất tạm thời xa cách với ý thức của ta. Hiện tượng ấy cũng xảy ra cho các giác quan. Nếu chúng ta nghe một tiếng kêu liên hồi ở giới hạn âm thanh có thể nghe được, hình như tiếng kêu dừng lại rồi lại tiếp tục từng lúc đều đều. Những sự thăng trầm ấy là do sự chú ý của ta lúc tăng lúc giảm chứ không phải tiếng kêu đổi bậc cao thấp.
Khi cái gì ở ngoài tầm ý thức của ta, cái đó vẫn hiện hữu chứ không phải biến mất, cũng như cái xe chạy khuất cuối phố chứ không tan thành hư không.
Chỉ có chúng ta không trông thấy nó nữa mà thôi. Sau này ta có thể thấy lại chiếc xe ấy cũng như ta có thể thấy những ý tưởng mà chúng ta quên mất trong khoảnh khắc. Như vậy, một phần tiềm thức của ta gồm tư tưởng, cảm xúc, hình ảnh đã tan rã, dù không còn ý thức của ta nhưng vẫn ảnh hưởng đến ý thức của ta. Một người đãng trí, “trí óc vẫn để đâu đâu”, đi qua một phòng để kiếm một đồ vật. Ta thấy ông dừng lại, tỏ vẻ băn khoăn. Ông đã quên mất mình định làm gì. Hai tay sờ soạng những đồ vật trên bàn trong cơn thụy du, ông ta đã quên mất ý định lúc ban đầu, nhưng vẫn hành động theo sự dẫn dắt của ý định ấy. Rồi ông nghĩ ra điều mình muốn. Ấy là nhờ tiềm thức làm cho ông nghĩ ra.
Nếu nhận xét đến hành động của một người suy nhược thần kinh, ta sẽ thấy họ không ý thức được hay họ không nghĩ đến chuyện khác. Họ nghe đấy mà không nghe thấy gì, họ trông đấy mà không trông thấy gì, họ biết đấy mà không biết gì. Những thí dụ như thế rất nhiều cho nên nhà chuyên môn nhận thấy ngay rằng nội dung vô ý thức của tâm thần cũng tạo cho người ta có thái độ nào đó, không khác gì ý thức; trong những trường hợp ấy ta không thể xác định rõ rằng được người ấy có ý thức về một ý tưởng, một lời nói, một hành động của họ hay không.
Chính vì những thái độ thuộc loại ấy mà nhiều y sĩ không cho rằng những người loạn thần kinh khẳng định điều gì là họ nói dối. Hẳn là những người như thế tuyên bố nhiều điều không thực tình hơn phần đông người khác, nhưng danh từ “nói dối” không đúng với trường hợp này. Ngoài thực tế thì trạng thái tâm thần của họ làm cho họ có thái độ bất định, ý thức của họ lẩn trốn mất, vì có tiềm thức xen vào, không thể biết trước được. Xúc giác của họ cũng bị xao động như thế. Đâm mũi kim vào tay, có lúc người loạn thần kinh biết đau, một lúc sau họ không thấy gì cả. Nếu làm được cho họ chú ý đến một điểm nào thì toàn thân họ tê liệt hẳn cho đến lúc không còn áp lực làm cho mọi cảm giác tê liệt như thế, bấy giờ họ mới lại có cảm giác. Nhưng trong thời gian ấy, người bệnh ghi nhận một cách ý thức điều gì xảy ra cho họ.
Thầy thuốc có thể nhận định rõ ràng nhờ sự diễn tiến của trạng thái ấy khi thôi miên một người bệnh. Họ có thể chứng minh dễ dàng rằng người bệnh đã ghi nhận thực sự từng chi tiết một. Trong lúc họ mất hẳn ý thức như thế, mũi kim châm vào người hay điều gì họ ghi được (ngoài ý thức) sau này họ nói lại rất đúng, y như là không có sự tê liệt cảm giác. Tôi còn nhớ một người đàn bà được người ta chở vào nhà thương trong tình trạng ngớ ngẩn u mê. Ngày hôm sau tỉnh lại bà ta biết mình là ai nhưng không biết mình đang ở đâu và tại sao mình lại đến đây, đến vào ngày nào. Nhưng khi đã thôi miên bà ta thì bà ta kể rõ được đã lâm bệnh như thế nào, ai đã đưa bà ta vào đây. Có thể phối kiểm lại những chi tiết ấy xem có đúng không. Bà cũng có thể nói rõ giờ vào bệnh viện, vì ở lối vào có một cái đồng hồ. Trong lúc bị thôi miên, trí nhớ của bà ta cũng rõ ràng như bà vẫn đủ thần trí.
Khi đề cập đến những vấn đề ấy, thường thường chúng tôi phải căn cứ vào những kinh nghiệm ở bệnh viện. Bởi vậy cho nên nhiều nhà phê bình tưởng tiềm thức với những dấu hiệu biểu lộ rất tế nhị của nó chỉ thuộc về lĩnh vực tâm lý bệnh học. Họ cho rằng những biểu lộ của tiềm thức là triệu chứng suy nhược thần kinh tâm bệnh, không liên hệ gì với trạng thái tâm thần bình thường. Nhưng những hiện tượng suy nhược thần kinh bất cứ về phương diện nào cũng không thể là sản phẩm độc nhất của người bệnh. Thực ra đó chỉ là những hiện tượng bình thường mà bệnh hoạn đã phóng đại thêm, nhờ sự phóng đại đó mà dễ quan sát hơn. Nhiều triệu chứng loạn thần kinh có thể nhận thấy ở một người bình thường, nhưng nhẹ nhàng hơn cho nên người ta không để ý. Thí dụ tính hay quên là một điều rất thường, một vài ý tưởng mà ta có ý thức không còn sinh lực nữa vì ý tứ của ta đã quay đi chỗ khác. Khi ý tứ của ta chuyển hướng như thế, những điều mà ta không chú ý đến nữa sẽ chìm vào bóng tối, ví như ban đêm một cái đèn rọi soi sáng một khoảng cảnh vật còn những chỗ khác ở trong tối. Điều đó không tránh được, vì rằng tâm thần người ta chỉ có giữ được một số hình ảnh sáng sủa cũng không đồng đều. Tuy thế, những gì quên đi không phải là không có nữa. Tuy ta không thể nhớ lại nó theo ý muốn, nhưng nó vẫn mặc nhiên có mặt ở dưới lằn mức trí nhớ và có thể trở lại lĩnh vực ý thức bất cứ lúc nào, nhiều khi hàng năm sau.
Đây là tôi nói những điều mà ta trông thấy hay nghe thấy trong điều kiện ý thức hẳn hoi, nhưng sau quên đi. Nhưng có khi chúng ta trông thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy cái gì mà không để ý đến, hoặc vì ta đang chú ý đến cái khác, hoặc vì sự khích động giác quan yếu ớt quá không thể để lại một cảm giác có ý thức. Tuy nhiên tiềm thức của ta đã ghi nhận, những cảm giác vô ý thức đó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta. Chúng ảnh hưởng đến cách phản ứng của chúng ta trước sự vật và hành động của người khác.
Thí dụ sau đây rất rõ nghĩa: một vị giáo sư đi chơi vùng quê với người học trò của ông, đang mải nói chuyện về một vấn đề khúc mắc. Bất thần ông nhận thấy dòng tư tưởng của ông bị gián đoạn vì một đợt kỷ niệm từ ngày thơ ấu… Những điều ông vừa nói không ăn nhập gì với những kỷ niệm ấy. Khi nhìn lại đằng sau, ông chợt nhận ra vừa đi qua một cái trại thì những kỷ niệm ấy hiện ra trong trí. Ông đề nghị với người học trò trở lại chỗ mà ông bắt đầu thấy xuất hiện những kỷ niệm ấy. Trở lại tới nơi, ông ngửi thấy mùi ngỗng và hiểu rằng mùi ngỗng đó đã gợi lên những đợt kỷ niệm.
Lúc thiếu thời ông sống trong một cái trại nuôi ngỗng, mùi đặc biệt của ngỗng để lại một cảm giác bền vững nhưng ông đã quên đi. Khi đi chơi qua trại, ông ngửi lại mùi ấy mà không để ý đến, cảm giác phi ý thức đó đã đánh thức những kinh nghiệm tuổi thơ đã bị quên. Sự tri giác như thế có tính cách phi ý thức vì ý tứ của ông quay về chỗ khác, sự khích động không đủ mạnh mẽ để đánh vào ý thức của ông và làm ông lưu ý tới. Thế mà nó đã làm hiển hiện những kỷ niệm bị lãng quên từ lâu.
Sự tri giác phi ý thức có ảnh hưởng làm xuất hiện những hiện tượng tâm thần, ảnh hưởng ấy có thể cắt nghĩa được sự xuất hiện những triệu chứng suy nhược thần kinh hay những kỷ niệm êm đềm hơn khi một hình ảnh, một mùi vị, một âm thanh gợi lên những hoàn quá khứ. Thí dụ một thiếu nữ làm việc trong văn phòng bề ngoài có vẻ vui vẻ khỏe khoắn. Một lát sau cô ta nhức đầu dữ dội và tỏ vẻ mệt mỏi. Tuy không để ý, nhưng cô đã nghe còi tàu xa xa, tiếng còi đã vô tình nhắc đến sự buồn rầu của cảnh vĩnh biệt người yêu mà cô vẫn cố quên.
Bên cạnh trường hợp quên bình thường, Freud đã mô tả nhiều trường hợp quên những kỷ niệm buồn bực, những kỷ niệm mà ta sẵn sàng để quên. Cũng như Nietzsche đã lưu ý chúng ta, khi lòng tự ái của chúng ta bị xâm phạm thì trí nhớ của chúng ta thường thích nhượng bộ. Bởi thế cho nên trong số những kỷ niệm đã quên đi, ta thấy nhiều sự kiện đã ghi nhận nhưng không ý thức được vì chúng có vẻ khó chịu và không thích hợp với thế giới tâm tưởng của ta, (chúng ta không thể nhớ lại theo ý muốn được). Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này ấy là dồn nén. Sau đây là một thí dụ: một cô thư ký ghen với một bà cộng tác với chủ của cô, cô luôn luôn quên mời bà ấy đến dự các phiên họp nhóm tuy rằng bà có tên trên bản danh sách mà cô vẫn dùng. Nhưng nếu người ta lưu ý cô đến việc ấy, cô trả lời rằng cô quên, và người ta làm phiền cô. Không bao giờ cô chấp nhận lý do chính xác của sự quên ấy, cả trong bản tâm cô cũng vậy.
Nhiều người thường lầm lẫn đánh giá quá cao vai trò của ý muốn, họ cho rằng họ không hành động nếu không có toan tính và quyết định hẳn hoi. Nhưng ta phải ráng mà phân biệt cẩn thận nội dung có chủ ý với nội dung không chủ ý của tâm trí. Nội dung có chủ ý gốc ở cá tính của Bản ngã. Trái lại nội dung không chủ ý xuất phát từ một nguồn gốc trái nghịch với Bản ngã chứ không phải tương đồng. Chính bộ mặt trái nghịch đó đã xui cô thư ký quên mời bà bạn của ông chủ.
Có nhiều lý do khiến cho chúng ta quên những sự kiện mình cảm thấy hay nhận thấy. Cũng có nhiều cách để nhớ lại. Trường hợp cryptomnésie hay là “kỷ niệm giấu kín” cho ta một thí dụ ý nghĩa. Một nhà văn trình bày một loại chứng cứ hay tình tiết một câu chuyện theo cốt truyện định trước, bất thần ông ta rẽ sang một lối khác. Có lẽ vì một ý mới vừa xuất hiện, một hình ảnh khác hay một tình tiết phụ khác mới nghĩ ra. Nếu ta hỏi tại sao anh ta lại lan man sang lối khác thế, anh ta cũng không thể trả lời ta được. Có lẽ anh ta cũng không nhận thấy mình đã đổi hướng tư tưởng tuy rằng anh ta viết những điều hoàn toàn mới lạ mà bề ngoài anh ta không có một ý niệm nào. Nhưng có khi ta có thể chứng minh rằng những điều anh ta vừa viết rất giống tác phẩm của một nhà văn nào đấy, tác phẩm ấy, anh ta cũng tưởng rằng mình chưa đọc qua.
Tôi tìm thấy một thí dụ kỳ thú trong tác phẩm Ainsi parlait Zarathoustra (Zarathoustra đã nói như thế) của Nietzsche. Tác giả gần như chép lại từng chữ một ghi trong cuốn sổ đi biển của một chiếc hải thuyền vào năm 1686. Cũng là một sự tình cờ, tôi đã đọc bài tường thuật chuyện ấy trong một quyển sách xuất bản năm 1835 (nửa thế kỷ trước khi Nietzsche viết sách của ông). Khi tôi đọc thấy những đoạn ấy trong tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế của Nietzsche, tôi phải ngạc nhiên vì lời văn khác hẳn lối viết của Nietzsche. Tôi phải tin rằng Nietzsche đã đọc cuốn sách kia, tuy ông không hề nhắc đến cuốn sách. Tôi viết thư hỏi em gái ông vẫn còn sống, và bà này xác nhận nó cùng đọc với anh cuốn sách ấy khi bà mới 11 tuổi. Theo nội dung sách của Nietzsche tôi không thể nào nghĩ rằng ông biết mình đạo văn. Tôi cho rằng 50 năm sau câu chuyện ấy bất ngờ hiện lên trong ý thức của ông.
Trong những trường hợp ấy, người ta đã hồi tưởng kỷ niệm mà không ý thức được sự hồi tưởng ấy. Trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra cho một nhạc sỹ ki anh ta đã nghe một điệu hát cổ hay một điệu nhạc bình dân từ lúc còn thơ ấu, đến lúc đã đứng tuổi điệu hát xuất hiện thành đề tài của một khúc hòa tấu. Một ý tưởng hay một hình ảnh trở lại từ tiềm thức chỉ là nét phác bề ngoài về thực chất và về tác động của phần phức tạp trong cái psyché của loài người. Nhưng có lẽ nó đã giúp ta hiểu được vóc dáng của những cảm giác phi ý thức từ đó có thể đột ngột xuất hiện những biểu tượng giấc mơ. Khích động phi ý thức có thể là đủ loại nhu cầu, ý hướng, ý định; mọi yếu tố tri giác hay trực giác, mọi tư tưởng hữu lý hay vô lý, mọi cách kết luận, quy nạp, diễn dịch hay nhập đề; và tất cả mọi sắc thái tâm tình. Bất cứ hiện tượng tâm thần nào cũng có thể trở thành phi ý thức phần nào, tạm thời hay vĩnh viễn.
Phần lớn những tài liệu nói trên trở thành phi ý thức chỉ vì chúng không có chỗ đứng trong ý thức. Một vài ý tưởng của ta mất sinh lực và trở thành phi ý thức (nghĩa là không được ý thức của ta lưu ý đến nữa) chỉ vì chúng không còn ích dụng như trước hay vì một lý do nào đó chúng ta muốn xua đuổi.
Theo ý nghĩa đó thì hiện tượng quên là một hiện tượng bình thường và cần thiết để trong ý thức có chỗ cho những cảm giác và ý tưởng mới. Nếu không có sự quên ấy, những kinh nghiệm của ta sẽ ở dưới ngưỡng cửa ý thức và đầu óc ta sẽ bị tràn đầy đến nỗi không chứa được hết. Tình trạng này được khá nhiều người biết, thậm chí người nào biết qua tâm lý học cũng phải công nhận.
Trong khi những yếu tố của ý thức có thể biến vào tiềm thức thì những yếu tố mới có thể xuất hiện trong ý thức. Thí dụ người ta có thể có cảm tưởng rằng có cái gì sắp sửa xâm nhập vào ý thức, rằng “có cái gì phảng phất trong không khí”, rằng “có con lươn trong kẽ đá”. Tiềm thức không phải chỉ là cái kho chứa quá khứ của ta mà còn đầy rẫy những trạng thái tâm thần và ý tưởng sắp xảy đến; sự khám phá ấy làm cho tôi có thái độ riêng đối với tâm lý học – đó là một sự mới lạ. Có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn đề ấy nhưng thực ra ngoài những kỷ niệm xa xôi thuộc về ý thức còn có những ý mới đột nhiên bộc lộ từ tiềm thức, những ý đó trước kia chưa bao giờ ta ý thức được. Những ý đó xuất hiện từ vực sâu tối thẳm của tâm hồn như một bông hoa sen. Chúng là một phần rất quan trọng của cái psyché phi ý thức.
Chúng ta còn thấy rất nhiều thí dụ trong đời sống hằng ngày; những vấn đề tiến thoái lưỡng nan có khi giải quyết được một cách bất ngờ nhờ một cách nhìn mới mẻ. Một vài ý kiến hay nhất của nhiều triết gia, nghệ sỹ, bác học gia là kết quả của những cảm hứng bất thần do tiềm thức đem lại. Đặt tay vào kho vật liệu phong phú của tiềm thức và biến đổi một cách hữu hiệu thành triết học, văn chương, âm nhạc hay sự khám phá khoa học, người ta thường bảo như thế là thần hứng. Chúng ta tìm thấy những bằng chứng hiển nhiên ngay trong lịch sử khoa học. Thí dụ, nhà toán học Poincaré và nhà bác học Kékulé đã tự thú rằng nhiều khám phá quan trọng của họ bắt nguồn từ những hình ảnh khải thị đột nhiên xuất phát từ cái tiềm thức. Cái gọi là kinh nghiệm thần bí của Descartes đã khải thị cho ông biết thứ bậc các khoa học trong chớp loáng, cũng thuộc về một hiện tượng tương tự. Tiểu thuyết gia Robert Louis Stevenson tìm kiếm trong nhiều năm trong một truyện diễn tả được ý niệm sâu sắc về bản chất lưỡng diện của cá tính con người, đã được một giấc mộng bất thần báo cho cốt truyện Le Docteur Jekyll et Mr Hyde (Bác sĩ Jykyll và ông Hyde).
Sau này tôi sẽ mô tả một cách chi tiết hơn những vật liệu phi ý thức đó lộ ra từ tiềm thức thế nào, và nghiên cứu xem chúng biểu đạt dưới những hình thức nào. Bây giờ tôi chỉ xin lưu ý mọi người rằng khả năng làm xuất hiện những tài liệu mới của tiềm thức giúp ta giải thích những biểu tượng của giấc mơ, bởi vì kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi đã nhiều lần cho tôi biết rằng những hình ảnh và ý tưởng của giấc mơ không thể bảo là hoàn toàn thuộc về những hiện tượng trí nhớ. Những hình ảnh và ý tưởng đó biểu thị những tư tưởng mới chưa từng vượt qua ngưỡng cửa ý thức.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.