Thăm Dò Tiềm Thức

CHƯƠNG 6: NÓI VỀ SIÊU TƯỢNG (ARCHÉTYPE) TRONG BIỂU TƯỢNG GIẤC MƠ



Tôi đã quan niệm rằng giấc mơ có nhiệm vụ đền bù. Lập thuyết như thế tất nhiên phải cho rằng giấc mơ là một hiện tượng tâm thần bình thường mà nhờ đó, những phản ứng vô tâm hay những kích động ngẫu nhiên được truyền đến ý thức. Nhiều giấc mơ có thể giải thích với sự giúp đỡ của người nằm mơ, người nằm mơ vừa cung cấp những hội ý vừa cung cấp nội dung của hình ảnh giấc mơ để người ta căn cứ vào đấy mà thăm dò từng khía cạnh.

Phương pháp này thích hợp với những trường hợp thông thường, như một người thân thích, một người bạn kể cho họ nghe một giấc mơ nhân lúc nói chuyện. Nhưng khi là giấc mơ ám ảnh hay nặng nề về cảm xúc, thì hội ý riêng của người nằm mơ đưa ra thường thường không đủ để giải thích thỏa đáng. Trong những trường hợp ấy phải kể đến những yếu tố phi cá nhân, không thể được rút ra từ kinh nghiệm riêng của người nằm mơ. Những yếu tố đó tôi đã nói đến, và Freud gọi là “vết tích tối cổ” (résidus archaiques), tức là những yếu tố tâm thần không thể cắt nghĩa được bằng một sự việc xảy ra trong đời sống cá nhân, nó hình như bẩm sinh đã có, có từ nguyên thủy, nó là một thành phần trong gia tài tinh thần của nhân loại.

Cũng như thân thể người ta là một tập hợp đầy đủ những bộ phận, mỗi bộ phận là kết quả của một cuộc tiến hóa qua các thời kỳ tiền sử, ta phải nghĩ rằng tinh thần của ta cũng có một tổ chức tương tự như thế. Tinh thần cũng như thể chất của ta, không thể là một cái gì không có quá khứ, một lịch sử của nó. Và nói đến “lịch sử”, tôi không muốn nói đến cái được tinh thần xây đắp bằng cách tham chiếu quá khứ một cách có ý thức, bằng phương tiện ngôn ngữ và những truyền thống văn hóa. Tôi muốn nói đến sự phát triển sinh vật (học), phi ý thức từ thời tiền sử, của trí khôn khi con người còn ở thời bàn cổ, cái psyché còn gần với cái psyché của loài vật.

Cái psyché trong quá khứ xa thẳm ấy là nền móng của tinh thần người ta, cũng như cơ cấu thể chất của ta căn cứ vào những điểm phổ quát trong cơ cấu loài có vú. Con mắt nhà nghề của nhà sinh vật học và giải phẫu học gia nhận thấy vết tích nguyên thủy của thân thể ta. Nhà khảo cứu có kinh nghiệm về việc thám hiểm cơ cấu tinh thần của loài người cũng vậy, họ có thể nhận ra những điểm tương đồng giữa những hình ảnh của tâm trạng con người cổ sơ và những ý niệm, thói tục, biểu tượng có ý nghĩa tập thể của họ, những chuyện thần thoại của họ.

Cũng như nhà sinh vật học cần đến khoa giải phẫu so sánh, nhà tâm lý học không thể bỏ qua một khoa giải phẫu so sánh cái psyché. Nói một cách khác, về thực tế, không những nhà tâm lý học cần có đủ kinh nghiệm về giấc mơ và những sự kiện khác của hoạt động vô thức, họ cần phải am hiểu thần thoại, hiểu theo nghĩa rộng nhất. Nếu họ không có kiến thức như thế, họ không thể nhận ra những điểm tương đồng cần phải biết. Thí dụ, họ không thể nhận ra điểm tương đồng giữa một trường hợp suy nhược thần kinh gọi là névrose compulsionnelle và trường hợp cổ điển bị ma làm (possession démoniaque), nếu họ không có kiến thức vững chắc về hai loại bệnh đó.

Quan điểm của tôi về “vết tích bản cổ”, cái mà tôi gọi là “siêu tượng” hay “hình ảnh nguyên thủy”, vẫn thường bị bài bác bởi những người không có đủ kiến thức về khoa học tâm lý giấc mơ, cũng như về thần thoại học. Người ta thường tưởng rằng danh từ “siêu tượng” chỉ những hình ảnh hay những ý tượng nhất định về thần thoại. Nhưng những hình ảnh và ý tượng thần thoại không khác gì những hình tượng do ý thức tạo ra: như vậy nếu cho rằng những cách hình dung sự vật khác như thế lại có thể di truyền được thì thật là phi lý.

Siêu tượng nằm trong cái khuynh hướng tạo ra những ý tượng (motif) như thế chứ không phải chính những ý tượng ấy; ý tượng ấy có thể khác nhau rất nhiều về chi tiết, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn một ý chính yếu. Thí dụ có nhiều cách hình dung ra hai em thù địch nhau, nhưng bản thân ý tượng thì vẫn thế. Những người chỉ trích tôi đã lầm lẫn khi cho rằng tôi muốn nói đến cách hình dung sự vật mang tính kế thừa (représentatiitons hérités), họ loại bỏ khái niệm siêu tượng cứ như chúng hoàn toàn sai trái. Họ không tính đến việc: nếu những siêu tượng là những hình dung sự vật bắt nguồn từ ý thức ta (hay ý thức đã thâu nhận được), thì chúng ta phải hiểu được chúng thay vì kinh ngạc, đến nỗi không hiểu gì cả. Thực ra siêu tượng là một khuynh hướng bản năng, cũng như khích động bản năng làm cho chim biết làm tổ, kiến biết tổ chức thành đoàn thể.

Bây giờ xin xác định sự liên lạc giữa siêu tượng và bản năng. Cái chúng ta gọi là “bản năng” chỉ là một khích động sinh lý mà giác quan chúng ta cảm giác được. Nhưng những bản năng ấy cũng bộc lộ bằng những hình ảnh của giấc mơ mà chúng thường biểu lộ bằng những hình ảnh có tính cách biểu tượng. Tôi gọi những cách biểu lộ ấy là siêu tượng. Ta không biết gì về nguồn gốc của chúng cả. Chúng xuất hiện vào bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu trên khắp thế giới, cả ở những nơi không thể căn cứ vào sự di truyền từ đời này sang đời khác hay vào sự pha giống nhân những vụ di dân trong lịch sử để cắt nghĩa sự có mặt ấy.

Tôi còn nhớ nhiều người đến hỏi tôi vì họ không thể hiểu được chút nào về giấc mơ của họ hay của con cái họ. Trong giấc mơ của họ xuất hiện những hình ảnh mà họ không thể tìm ra nguồn gốc trong ký ức, hay họ chắc chắn rằng họ không truyền lại cho con cái. Một vài người trong số những người ấy có học thức cao. Có cả những thầy thuốc trị bệnh thần kinh.
Tôi nhớ rõ một trường hợp, một giáo sư nọ bất thần thấy hiện ra một huyễn ảnh làm ông ta tưởng rằng mình điên. Tôi lấy ra trên giá một cuốn sách cổ đã có từ bốn trăm năm và đưa cho ông ta xem một bức họa cũ vẽ đúng vật mà ông ta thấy, tôi nói: “Chẳng có lý gì để bảo rằng ông điên cả, huyễn ảnh của ông đã có người thấy cách đây bốn trăm năm rồi.” Ông ta choáng váng ngồi phịch xuống ghế, nhưng rồi lại trở lại bình thường.

Một người cũng là y sĩ trị bệnh thần kinh cho tôi biết một trường hợp rất quan trọng, một hôm ông ta mang lại cho tôi một cuốn sổ tay. Con gái ông mới mười tuổi đã tặng ông nhân dịp lễ Noel. Trong cuốn sổ đứa bé ghi chép những giấc mơ của nó hồi lên tám tuổi. Đó là những giấc mơ kỳ quái nhất mà tôi được biết, và tôi hiểu tại sao ki đọc, người cha cảm thấy kinh hoàng như thế. Mặc dù lời lẽ con trẻ, giấc ảnh giấc mơ kể lại cũng có vẻ siêu nhiên, hình ảnh giấc mơ thì người cha chịu không sao hiểu được nguồn gốc. Sau đây là những ý tượng chính:

1. “Con vật độc ác”, một con quái vật hình rắn có nhiều sừng, nó giết và ăn thịt tất cả các loài vật. Nhưng Thượng đế xuất hiện ở bốn phương, thực ra là bốn ông Thần làm cho những con vật chết kia sống lại.

2. Một cuộc thăng thiên, người ta làm lễ, có múa mọi. Và một cuộc đi xuống địa ngục, ở đây có các thiên thần làm việc thiện.

3. Một đám thú vật nhỏ làm đứa bé sợ hãi, đám thú vật lớn rất mau, sau cùng một con ăn thịt đứa bé.

4. Một con chuột con bị sâu, rắn, cá và người xâm nhập vào nó, rồi con chuột trở thành người. Giấc mơ này tượng trưng cho bốn giai đoạn của nguồn gốc nhân loại.

5. Một giọt nước hiện ra như trông qua kính hiển vi. Đứa bé trông thấy trong ấy có những cành cây. Điều đó tượng trưng cho nguồn gốc trần gian.

6. Một đứa trẻ độc ác cầm những hòn đất trong tay, nó ném những mẩu đất vào mọi người qua lại. Thế rồi những người qua lại trở nên độc ác.

7. Một người đàn bà say rượu ngã xuống nước, khi trở lên thì bà ta hết say và trở nên lương thiện.

8. Truyện xảy ra ở bên Mỹ, nhiều người nằm vào ổ kiến bị kiến đốt. Đứa trẻ kinh sợ, ngã xuống sông.

9. Một bãi sa mạc trên cung trăng, đứa bé thụt xuống sâu quá, nó rớt xuống địa ngục.

10. Đứa trẻ trông thấy một vần tròn sáng: nó sờ tay vào. Hơi bốc ra. Một người chạy đến giết nó.

11. Đứa trẻ mơ thấy nó đau ốm nặng. Bất thần chim chóc từ trong da thịt nó chui ra che lấp hẳn nó.

12. Những đám ruồi che lấp Mặt trời, Mặt trăng và tinh tú, trừ một ngôi sao. Ngôi sao ấy rớt xuống đứa trẻ.

Trong bản nguyên tác tiếng Đức, giấc mơ nào cũng bắt đầu bằng mấy chữ quen dùng trong truyện cổ tích: “Ngày xưa có một…” Viết như thế đứa trẻ có ý coi mỗi giấc mơ như là một truyện thần tiên muốn kể cho cha nghe nhân dịp lễ Noel. Người cha thử giải thích những giấc mơ bằng nội dung của chúng. Nhưng ông không giải thích nổi vì nội dung đó hình như không có gì là hội ý của riêng người nằm mơ.

Muốn cho rằng những giấc mơ ấy không phải là của một sự xếp đặt có ý thức, thì người ta phải biết rõ đứa trẻ để tin chắc rằng nó thành thực. (Dù là tưởng tượng ra thì cũng rất khó hiểu.) Trong trường hợp này, người cha tin rằng đứa bé nói đúng điều nó nằm mơ và tôi không cần phải nghi ngờ. Tôi cũng biết đứa bé, nhưng trước thời kỳ nó chép lại giấc mơ để tặng cha, bởi vậy tôi không có dịp hỏi về giấc mơ ấy. Nó sống ở ngoại quốc và chết vì bệnh vào sau ngày lễ Noel ấy.

Những giấc mơ của đứa bé có tính chất rất riêng biệt. Những ý chính có màu sắc triết lý rõ rệt. Giấc mơ thứ nhất nói đến một con quái vật giết chết những con vật khác nhưng Thượng đế làm phép thần cho chúng sống lại hết bằngApokatastasis thần diệu hay là sự tái tạo chung cuộc (rétablessement final). Tại Tây phương, Ky Tô giáo có nói đến điều ấy. Người ta tìm thấy trong sách truyền giáo của các môn đệ Ky Tô (Apotus III, 21): Đấng Ky Tô mà “trời phải giữ lại cho đến lúc cuối thì Đấng Cứu thế sẽ tái lập thế gian cho đúng với tình trạng toàn thiện nguyên thủy. Nhưng theo Thánh Matthieu (XVIII, 11) thì đã có một phong thái (tradition) Do Thái tối cổ theo đó Elie sẽ đến trước để tái lập thế gian. Ý niệm đó cũng có trong thiên thứ nhất Epitre aux Corinthiens (Thông thư gửi người Corinth) (XV, 22). “Bởi vì mọi người đều chết như Adam, cho nên mọi người đều sống lại trong đấng Ky Tô.”

Người ta có thể giả thuyết rằng đứa bé đã lượm lặt ý tưởng ấy trong nền giáo dục tôn giáo. Nhưng giáo dục tôn giáo của nó rất sơ sài. Cha mẹ nó chính thức theo đạo Tin Lành nhưng thực ra họ chỉ biết Kinh Thánh qua lời nói của người khác mà thôi. Khó lòng cho rằng người ta đã giảng giải cho đứa trẻ những hình ảnh về sự phục sinh khó hiểu như thế. Chắc chắn là cha nó chưa bao giờ nghe nói đến huyền tượng ấy.

Trong số 12 giấc mơ, có đến chín giấc mơ nói về đề tài tận diệt và tái sinh. Không có đề tài nào tỏ ra có vết tích giáo dục hay ảnh hưởng Ky Tô giáo đặc thù. Trái lại những đề tài ấy có liên lạc rất gần với những huyền tượng tối cổ. Sự liên lạc ấy được xác định trong cái gọi là “huyền tượng vũ trụ” (sự sáng tạo thế gian và loài người) ở trong giấc mơ thứ tư và thứ năm.

Mối quan hệ giữa cái chết và sự tái sinh, Adam và Ky Tô (chết và tái sinh), có nói đến trong thiên Epitre aux Corinthiens (I, XV, 22) mà tôi vừa dẫn chứng. Ta phải để ý rằng ý niệm Đấng Ky Tô Cứu thế là một cách diễn lại một sự tích tiền Ky Tô giáo, khá phổ biến trên khắp thế giới. Đó là sự tích người anh hùng cứu nhân độ thế, bị một con quỷ ăn thịt rồi tái sinh chiến thắng con quỷ. Sự tích ấy bắt nguồn ở đâu thì không ai biết. Chúng ta cũng không biết làm cách nào để khảo sát. Điều ta có vẻ như biết chắc là thế hệ nào cũng quen thuộc với nó và hình như được thế hệ trước truyền lại cho. Thậm chí ta có thể không lầm lẫn mà giả thuyết rằng sự tích đó bắt nguồn từ một thời kỳ mà người ta chưa biết rằng mình có một huyền tượng về người anh hùng, bởi vì họ chưa biết suy xét về điều họ nói. Người anh hùng đó là một siêu tượng đã có từ thượng cổ.

Những siêu tượng xuất phát từ đầu óc đứa trẻ có tầm quan trọng đặc biệt khi chúng ta biết chắc chắn rằng đứa trẻ không biết gì về những tục lệ liên quan đến siêu tượng đó. Trong trường hợp tôi nói đây, gia đình bé gái chỉ biết hời hợt về đạo Ky Tô. Khái niệm về Ky Tô giáo có thể tượng trưng bằng những ý niệm như Thượng đế, thiên thần, thiên đường, địa ngục, thiện ác. Nhưng đứa bé diễn tả những ý ấy theo những phong thái hoàn toàn xa lạ với Ky Tô giáo.

Ta hãy xét giấc mơ thứ nhất. Thượng đế được quan niệm là bốn vị thần từ “bốn phương” đến. Bốn phương nào? Giấc mơ không hề đả động đến một cái phòng, vả chăng căn phòng không hợp với cái được gọi là một quan niệm về càn khôn vũ trụ, có sự thể hiện của Đấng Chúa tể. Khái niệm “tứ đại” sự quan trọng của con số bốn là một khái niệm lạ lùng, tuy nhiên nó đóng vai trò quan trọng trong nhiều tôn giáo và triết thuyết. Ky Tô giáo đã đem khái niệm Trinité (1) ra thay thế cho khái niệm tứ đại. Chúng tôi có thể cho rằng đứa bé phải biết khái niệm Trinité, nhưng trong một gia đình giai cấp trung lưu ngày nay ai có thể nghe nói đến khái niệm tứ đại với tính chất thần kỳ? Khái niệm ấy khá phổ biến đối với những người nghiên cứu triết lý thời Trung cổ, nhưng đã bị bỏ quên từ đầu thế kỷ thứ XVIII, và ít nhất từ hai trăm năm nay người ta đã quên hẳn. Đứa bé đã tìm ở đâu ra? Trong những ảo ảnh Ezéchiel? Ky Tô giáo không hề hình dung Thượng đế và những thiên thần tối cao.

Người ta cũng có thể đặt ra câu hỏi như thế về con rắn có nhiều sừng. Đành rằng trong Thánh Kinh người ta thấy có nhiều vật có sừng, thí dụ trong thiên sấm truyền Apocalypse (Mặc khải). Nhưng hình như những con vật đều là giống bốn chân tuy rằng chúa của chúng là con rồng (tiếng Hy Lạp, rồng là drakon, nghĩa là rắn). Con rắn có sừng xuất hiện trong khoa luyện kim Latin vào thế kỷ thứ XVI, người ta nói đến con rắn quadricornutus, biểu tượng của thần Mercure đối chiếu với Trinité Ky Tô giáo. Nhưng khó lòng mà biết được nguồn gốc ấy. Theo sự hiểu biết của tôi, chỉ có một nhà trứ tác mới biết tới mà thôi. Đứa trẻ này không có cách nào để biết được cả.

Trong giấc mơ thứ hai có một ý tượng chắc chắn là không thuộc về Ky Tô giáo và làm đảo lộn những giá trị đã hình thành, đó là điệu múa ngoại đạo của những người ở Thiên đàng, thiên thần làm việc thiện dưới địa ngục. Vậy đứa bé đã tìm được ở đâu những khái niệm có ý nghĩa cách mạng xứng đáng với thần khí của Nietzsche như vậy?

Những câu hỏi ấy dẫn đến một câu hỏi khác: Những giấc mơ đó có ảnh hưởng đền bù đến thế nào mà một đứa bé đã cho là quan trọng đến nỗi đem tặng cha làm quà Noel? Nếu những giấc mơ đó là của một ông thầy pháp trong một bộ lạc cổ sơ thì người ta có thể giả thiết rằng nó tượng trưng cho những hình thức triết lý về cái chết, về sự hồi sinh hay sự phục hồi chung cuộc, về nguồn gốc thế gian, sự sáng tạo ra loài người và tính cách tương đối của các giá trị. Nhưng nếu chỉ đứng trên bình diện cá nhân thì sự giải thích những giấc mơ đó thật là khó khăn đến làm chán nản. Không thể chối cãi rằng giấc mơ có những hình ảnh tập thể, phần nào tương tự những điều đem dạy bảo thanh niên các bộ lạc cổ sơ lúc họ bước vào đời. Lúc ấy người ta dạy chúng biết Thượng đế hay các thần linh, hay những loài vật đã sáng lập ra thế gian và loài người thế nào, sau sẽ về đâu, ý nghĩa cái chết thế nào? Chúng ta sống trong nền văn minh Ky Tô giáo, có khi nào chúng ta dạy dỗ con em như vậy không ? Có, vào lúc tuổi thiếu niên. Nhưng phần nhiều người ta chỉ nghĩ đến những điều ấy khi đã già, khi đã gần chết.

Đối với bé gái thì có cả hai tình trạng ấy. Nó đến gần tuổi dậy thì, đồng thời cũng gần đến ngày chết (đứa bé chết sau đấy một năm). Trong những biểu tượng giấc mơ gần như không có gì bảo cho nó biết là nó bắt đầu vào cuộc sống người lớn, nhưng, trái lại, có nhiều điểm ngụ ý diệt thế và phục hồi chung cuộc. Thực ra, lần đầu tiên đọc những giấc mơ ấy tôi rất xao xuyến mà có cảm tưởng rằng sắp xảy ra một tai nạn không tránh được. Lý do là tôi luận ra rằng ý nghĩa tượng trưng của giấc mơ có tính cách đền bù đặc biệt. Thật trái với hết thảy những gì mà người ta có thể chờ đợi ở tâm hồn một đứa bé trạc tuổi ấy.

Những giấc mơ đó cho ta một cạnh khía mới và rất hãi hùng của cái chết. Những hình ảnh thuộc loại ấy phải của người già chỉ nhìn về đằng sau chứ không thể là của đứa trẻ bình thường nhìn về phía trước. Bầu không khí ấy gợi đến câu phương ngôn cổ La Mã: đời người là giấc mộng ngắn ngủi chứ không phải sự vui sướng, bồng bột của tuổi niên thiếu. Đời người của đứa bé này giống như một sự cúng dường tuổi thanh xuân (voeu d’un sacrifice printanier) như đã có thi sĩ từng ca ngợi. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng cái chết gần kề mà đứa bé không ngờ đến đã phủ một bóng đen lên đời sống và mộng mị của nó. Cả đến bàn thờ của giáo đường Công giáo cũng có ý nghĩa một bên là nấm mồ, một bên là sự hồi sinh, nghĩa là sự biến đổi cái chế thành sự sống bất diệt.

Đó là những ý tưởng mà giấc mơ gợi lên cho đứa bé. Nhưng giấc mơ ấy là sự sửa soạn cho cái chết của đứa bé được diễn tả bằng câu chuyện ngắn ngủi, tương tự truyện kể cho thiếu niên trong bộ lạc cổ sơ lúc bước vào đời, hay các sa di theo đạo Thiền. Bức thông điệp không có sắc thái Ky Tô giáo nhưng có sắc thái tư tưởng cổ sơ. Hình như nó có nguồn gốc ở ngoài phong thái văn hóa lịch sử, ở cội nguồn đã bị quên lãng từ lâu của tâm thần, từ thời tiền sử, đã nuôi dưỡng sự tư biện tôn giáo và triết lý về đời sống và cái chết. Ta có cảm tưởng như những biến cố chưa xảy ra đã phủ bóng đen lên đứa bé, gợi lên những tư tưởng tuy bình thường êm ả nhưng vẫn diễn tả một biến cố tan khốc sắp xảy đến hay gắn bó mật thiết với những biến cố ấy. Tuy rằng những ý tưởng ấy được biểu lộ dưới hình thức riêng biệt ít hay nhiều mang tính chất cá nhân, nhưng những mô thức đại thể (schème général) có tính cách tập thể. Người ta thấy chúng ở mọi nơi, mọi lúc; tùy theo bản năng của mỗi giống vật, chúng thay đổi rất nhiều tuy rằng vẫn theo đuổi một mục đích chung. Chúng tôi không cho rằng mỗi sinh vật sinh ra đời đều tự tạo lấy những bản năng riêng biệt của mình như một điểm sở đắc của cá nhân và chúng tôi cũng không thể giả thiết rằng loài người sinh ra rồi sáng chế lấy cách xử kỷ tiếp vật của mình như một dấu hiệu riêng biệt của loài người. Cũng như bản năng, những mô thức tập thể (schème collectif) của tư tưởng loài người có tính cách di truyền, mới sinh ra đã có rồi. Những mô thức tập thể đó được lúc thuận tiện thì tác động tương tự nhau chẳng ít thì nhiều, đối với tất cả mọi người. Những hiện tượng tâm tình từ đó xuất phát các loại tư tưởng, đều tương tự nhau trên khắp thế giới. Chúng ta còn có thể nhận thấy chúng ở loài vật, và về phương diện tình cảm thì súc vật cũng hiểu nhau. Nếu tính chất bẩm sinh của siêu tượng (archétypes) làm chúng ta ngạc nhiên thì chúng ta nói sao về sâu bọ, về tính chất phức tạp trong cơ năng cộng sinh của chúng? Bởi vì phần nhiều sâu bọ không biết cha mẹ nó là ai, nó không nhận được sự dạy dỗ của cha mẹ. Như vậy tại sao lại giả thiết rằng loài người là loài vật duy nhất không có bản năng đặc thù, hay giả thiết rằng cái psyché của loài người không còn dấu vết bản cổ.

Dĩ nhiên, nếu người ta đồng nhất hóa cái psyché với lương tâm (conscience), người ta sẽ thấy ngay sự lầm lẫn vì như vậy loài người sinh ra với cái psyché trống rỗng, rồi sau này nó không chứa đựng cái gì khác ngoài những kinh nghiệm bản thân. Nhưng cái psyché là cái gì hơn cái lương tâm. Loài vật chỉ có một cái lương tâm giới hạn, nhưng nhiều phản ứng và khích động của nó tỏ ra nó có một cái psyché. Và những dân tộc cổ sơ làm nhiều việc mà họ không biết ý nghĩa.

Chúng ta sẽ nhận thấy hiện tượng đó vẫn xảy ra cho chúng ta nếu chúng ta hỏi một người văn minh xem họ có biết gì về ý nghĩa thực sự của cây Noel hay cái trứng Paques (lễ Phục Sinh). Thực ra người văn minh cũng làm nhiều việc mà không hiểu ý nghĩa. Thầy thuốc trị bệnh thường gặp những người vốn dĩ thông minh nhưng xử sự một cách kỳ dị, họ không biết họ nói gì hay làm gì. Họ bất thần có những khuynh hướng cực ngu muội mà chính họ không thể cắt nghĩa được.

Thoạt kỳ thủy, những phản ứng và khích động có vẻ như thuộc về bản chất thâm sâu riêng biệt của cá nhân, chúng ta không muốn để ý đến nữa và cho là một thái độ cá nhân. Nhưng thực ra những phản ứng và khích động đó căn cứ vào một hệ thống bản năng đã có sẵn, hệ thống đó luôn luôn hoạt động và xác định đặc tính của loài người. Nhiều hình thức tư tưởng, nhiều cử chỉ ai cũng hiểu được và rất nhiều thái độ đều phỏng theo một mô thức lập ra trước khi con người đạt tới trình độ biết suy tưởng. Người ta còn có thể cho rằng nguồn gốc xa xôi của khả năng suy tưởng riêng biệt của con người xuất phát từ những xúc động tâm tình mãnh liệt. Để làm sáng tỏ thuyết này ta hãy lấy một thí dụ: một người bàn cổ trong lúc giận dữ và thất vọng vì đã không bắt được con cá nào đã bóp cổ đừa con yêu của mình đến chết, rồi anh ta hối hận nhìn cái tử thi đứa nhỏ trong tay mà ăn năn vô cùng. Người ấy có thể nhớ suốt đời phút đau khổ của mình.

Chúng ta không thể biết được rằng một kinh nghiệm như thế là nguyên nhân nguyên thủy thực sự của sự khai triển lương tâm (développement de la conscience) loài người hay không. Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng một xúc động tâm tình tương tự thường rất cần để thức tỉnh người ta, làm cho họ biết để ý đến công việc họ làm. Đó là trường hợp một nhà quý phái Tây Ban Nha ở thế kỷ thứ XIII, tên là Raimond Lulle. Ông ta mất bao nhiêu công phu mới được một nàng nhận lời đến nơi hẹn. Cô nàng lẳng lặng cởi áo ra cho ông ta thấy rõ cái ung thư trên vú. Cuộc đời nhà quý phái thay đổi hẳn vì sự xúc động ấy. Ông ta trở thành một nhà thần học danh tiếng kiêm một nhà truyền giáo rất tài ba của giáo hội. Trong trường hợp thay đổi bất thần như thế, thường thường người ta có thể cho rằng một siêu tượng đã tác động từ lâu trong tiềm thức và đã khéo léo đặt những cơ hội để gây ra cơn khủng hoảng.

Những kinh nghiệm trên đây hình như muốn chứng minh rằng siêu tượng không có những tướng tĩnh (formes statiques). Đó là những yếu tố linh động biểu lộ bằng những khích động cũng ngẫu phát như bản năng. Có những giấc mơ, có những huyễn ảnh hay ý tưởng bất thần hiện ra, mặc dầu tìm tòi cặn kẽ đến đâu cũng không ra nguyên nhân. Điều đó không có nghĩa là nguyên nhân ấy không tồn tại. Nhưng nó xa xôi quá, tối tăm quá, chúng ta không thể thấy được. Trong trường hợp ấy phải đợi lúc nào hiểu được giấc mơ và ý nghĩa của nó hoặc đợi một biến cố ở ngoài xảy đến và cắt nghĩa giấc mơ. Một chuyện xảy ra trong lúc nằm mơ, có thể còn thuộc về tương lai. Tiềm thức của ta và giấc mơ cũng bận tâm đến tương lai và những cái có thể xảy ra trong tương lai, cũng như ý thức của ta vậy. Trên khắp thế giới, bấy lâu người ta tin rằng giấc mơ có nhiệm vụ chính yếu là báo trước cho biết tương lai. Thời Cổ và thời Trung cổ, giấc mơ đóng một vai trò trong việc xét đoán căn bệnh lương y. Tôi có thể lấy một giấc mơ kim thời (moderne) để xác nhận tính cách tiên liệu (hay tiền tri thức) trong một giấc mơ cũ do một người sống vào thế kỷ II tên là Artémidore xứ Daldis sưu tầm được. Một người nằm mơ thấy cha mình chết trong đống lửa một cái nhà đang cháy. Một thời gian sau, y chết vì bệnh phlegmon (2) (sốt nóng), tôi cho là bệnh sưng phổi. Cũng là sự tình cờ, một người bạn y sĩ của tôi mắc bệnh sốt nóng nặng – một bệnh phlegmon – đến phải thiệt mạng. Một người trước kia đã đến nhờ y sĩ ấy chữa bệnh, và không biết gì về căn bệnh của viên y sĩ, y nằm mơ thấy y sĩ chết trong một đống lửa lớn. Việc đó xảy ra vào lúc y sĩ vừa vào bệnh viện, bệnh mới khởi phát. Người nằm mơ không biết gì cả, chỉ biết rằng y sĩ mắc bệnh, phải vào bệnh viện. Ba tuần lễ sau thì y sĩ chết.

Thí dụ trên đây cho biết rằng giấc mơ có thể có tính cách tiên liệu, tiên đoán; người nào muốn giải thích giấc mơ phải kể đến khía cạnh ấy, nhất là khi giấc mơ có một ý nghĩa rõ ràng nhưng nội dung không đủ để cắt nghĩa. Một giấc mơ như thế hình như xuất hiện từ hư vô, người ta tự hỏi không biết nguyên nhân của nó ở đâu? Dĩ nhiên, nếu người ta biết sự việc xảy ra sau đó thì nguyên nhân ấy rõ ràng. Giấc mơ là bức thông điệp báo cho biết sự việc đó. Bởi vì, chỉ có ý thức của ta còn chưa biết mà thôi. Tiềm thức hình như đã biết trước và đã tìm lấy một kết luận đem biểu lộ trong giấc mơ. Hình như tiềm thức có khả năng quan sát sự việc và rút ra những kết luận cũng như ý thức vậy. Nó có thể sử dụng một vài sự kiện, dự đoán kết quả có thể có, chính vì chúng ta không ý thức được những sự kiện ấy.

Nhưng những tác động của tiềm thức trong trường hợp ấy đều ở ngoài vùng ý thức của ta. Sự nhận định này rất quan trọng. Sự phân tích theo cách lý luận là quyền năng của ý thức. Chúng ta tiến hành việc lý luận bằng cách tuyển lựa những yếu tố phù hợp với lý trí và kiến thức của ta. Trái lại tiềm thức hình như dựa theo những khuynh hướng bản năng phát lộ bằng những hình thức ý tưởng riêng biệt của nó – nghĩa là bằng những siêu tượng. Nếu người ta bảo một y sĩ mô tả một chứng bệnh, ông ta sẽ dùng những lý niệm (concepts rationnels) như “nhiễm độc” hay “sốt nóng”. Giấc mơ diễn tả một cách thơ mộng hơn. Giấc mơ hình dung thể xác đau ốm của người ta là cái nhà, nóng sốt là lửa đốt cháy cái nhà ấy.

Như giấc mơ nói trên đây đã chứng minh, tiềm thức giải quyết tình trạng vẫn bằng phương thức đã dùng từ thời Artémidore. Tiềm thức có trực giác lý hội một cái gì ta không biết được và đặt vào vùng tác động của siêu tượng. Như vậy ta phải nghĩ rằng tinh thần siêu tượng đã thay thế tư tưởng ý thức cách lý luận của ý thức để tìm lấy luận giải. Siêu tượng có sáng kiến riêng của nó và có sinh lực đặc thù của nó. Có siêu tượng dùng hình thức biểu tượng của nó để có thể suy diễn ra ý nghĩa và can thiệp vào một tình huống nào đó bằng những kích động và những loại tư tưởng riêng biệt của nó. Vì phương diện ấy, nó tác động đến những mặc cảm. Tự nó muốn đến đâu thì đến, không lường được, có khi nó chống đối lại chủ ý của ta hay làm sai lệch đi, làm ta phải bối rối. Người ta có thể tri giác được sinh lực đặc thù của siêu tượng khi người ta có cơ hội xét định sức quyến rũ mà nó tạo ra cho ta. Hình như nó nguyền rủa, trù yểm ta cũng như những mặc cảm của ta vậy. Cũng như mặc cảm cá nhân, mặc cảm tập thể thuộc về siêu tượng cũng có một quá khứ. Nhưng mặc cảm cá nhân chỉ gây những ngang trái cho cá nhân, còn siêu tượng tạo ra những huyền tượng, những tôn giáo, những triết lý có ảnh hưởng đến một dân tộc, đến thời đại và làm cho chúng hiện ra dưới một sắc thái riêng. Chúng tôi coi mặc cảm cá nhân là một cách đền bù thái độ của con người, thái độ ấy xuất phát từ tâm thức đơn phương và sai lệch (không ngụ ý đạo đức). Những huyền tượng có tính cách tôn giáo cũng vậy, có thể coi là một liều thuốc tinh thần chống lại những khổ đau và day dứt của kiếp sống như: đói khát, chiến tranh, bệnh tật, tử vong.

Thí dụ, huyền tượng (mythe) anh hùng bao giờ cũng là một người có uy quyền rộng lớn, một người trời chiến thắng được điều ác, tượng trưng bởi rồng, rắn, quỷ quái, để cứu thoát dân chúng khỏi sự hủy diệt và tử vong. Tụng niệm kinh pháp, tế lễ, thờ phụng anh hùng với những nghi thức múa hát, đọc kinh, cũng dường như làm cho người dự lễ có những xúc động thiêng liêng (như bị mê hoặc bởi tà thuật), con người khích động đến độ đồng nhất hóa mình với anh hùng.

Nếu chúng ta nhìn thấy tình trạng ấy với con mắt người sùng đạo, ta có thể hiểu được tại sao người thường có thể quên được sự bất lực khốn cùng của mình mà có được khí phách siêu nhân loại ít ra trong chốc lát. Nhiều khi sự tin tưởng như thế nâng đỡ họ rất lâu và làm cho đời sống của họ có một phong độ nào đó. Nó có thể đem lại phong độ cho cả một dân tộc. Một thí dụ rất ý nghĩa là sự huyền bí Eleusis (đã bị bãi bỏ vào đầu thế kỷ VII), sự huyền bí ấy cùng với lời Tiên tri ở đền Delphes, diễn tả “tinh lý” và tinh thần Cổ Hy Lạp. Ở một quy mô lớn hơn kỷ nguyên Cơ đốc đã nhờ đến sự huyền bí người-trời của thời cổ (bắt nguồn từ huyền tượng Osiris-Horus của nước Cổ Ai Cập) cho uy thế và tầm quan trọng của nó.

Thường thường người ta nghĩ rằng vào một dịp nào đó trong thời tiền sử, những ý tưởng thần thoại nền tảng được sáng chế ra bởi một triết gia hay một nhà tiên tri, sau đó một dân tộc dễ tin và thiếu óc phê bình cứ thế tin theo mãi. Người ta cũng nói rằng một chuyện bày đặt của Giáo hội tham quyền cố vị không có gì xác thực, đó chỉ là những chuyện huyền hoặc. Nhưng từ “sáng chế” (inventer) có gốc từ chữ Latin invenire, nghĩa là “tìm thấy bằng cách tìm kiếm”. Theo định nghĩa thứ hai, chứ ấy gợi lên một thứ trực giác về điều người ta sẽ tìm thấy.

Xin phép cho tôi trở lại những ý tưởng kỳ dị trong giấc mơ của cô bé. Hình như không phải nó tìm kiếm mà thấy những ý tưởng kỳ dị ấy, vì nó đã phải ngạc nhiên vì tự dưng thấy chúng. Những ý tưởng đó đến với nó như những truyện kỳ lạ và bất ngờ, có vẻ hay lắm nên nó mới đem tặng cha làm quà Noel. Đứa bé đã đi trở lên khá xa, đến thời kỳ thai nghén huyền bí Ky Tô giáo, thời kỳ mà sự phát sinh Chúa Trời còn lẫn lộn với bí mật cây xanh muôn thuở mang ánh sáng xuống trần gian (trong giấc mơ thứ năm).
Tuy rằng có nhiều chứng tích lịch sử về liên lạc giữa đấng Ky Tô và cái cây, nhưng cha mẹ đứa bé chắc phải bối rối nếu đứa bé hỏi tại sao lại lấy cây thông cắm nến để trang hoàng lễ Giáng Sinh. Chắc họ sẽ trả lời: “Thì đó là một tục lễ Ky Tô giáo!” Muốn trả lời đích xác hơn tất nhiên phải phân tích sâu rộng biểu tượng thời cổ về sự chết của thần linh, sự liên lạc với tục thờ phụng Đại Mẫu (Grande Mère), biểu tượng của Đại Mẫu chính là cái cây, ấy là chỉ nói đến một cạnh khía của một vấn đề rất phức tạp.

Chúng ta càng đi sâu vào nguồn gốc một hình ảnh tập thể (nói theo ngôn ngữ của tu sĩ, là một tín lý – dogme), chúng ta càng thấy chằng chịt khôn cùng những mô thức siêu tượng, trước đây không ai để tâm suy nghĩ đến cả. Bởi vậy ngày nay chúng ta biết nhiều về ý nghĩa tượng trưng của huyền tượng hơn hết cả thế hệ trước. Thực ra người xưa không suy nghĩ về biểu tượng. Họ chỉ được nâng đỡ và khuyến khích bởi ý nghĩa của biểu tượng.

Để làm thí dụ, tôi xin đưa ra một kinh nghiệm khi tôi ở một bộ lạc núi Elgon, Phi châu. Mỗi buổi sáng, từ lúc bình minh, họ ở trong nhà ra, họ nhổ và thổi vào tay và giơ lên ánh nắng mặt trời ban sớm làm như dâng hơi thở hay nước miếng cho ông thần đang hiện lên ở chân trời, gọi là thần mungu. (Danh từ này thuộc ngôn ngữ swahili, họ dùng để cắt nghĩa một tục lệ, nó có nguồn gốc tận các đảo Nam Á, đồng nghĩa với mana, hay mulungu. Những chữ ấy tương đương với nhau ám chỉ một quyền lực rất nhiệm mầu ở khắp vạn vật, chúng ta gọi là thần linh. Đối với họ, chữ mungu tương đương với Thượng đế hay Allah.) Khi tôi hỏi họ ý nghĩa cử chỉ ấy, tại sao họ làm thế, họ đều hết sức kinh ngạc. Họ chỉ biết trả lời: “Chúng tôi vẫn làm thế. Xưa nay vẫn làm thế khi Mặt trời mọc.” Tôi muốn kết luận rằng mungu là Mặt trời thì họ cả cười. Thực ra Mặt trời không còn là mungunữa khi đã ở trên chân trời. Mungu chỉ là Mặt trời mọc mà thôi.

Chỉ có tôi hiểu rõ ý nghĩa việc làm của họ mà thôi, còn họ không biết tới, họ chỉ làm như vậy mà không suy nghĩ gì cả. Bởi vậy họ không thể giải thích được. Tôi kết luận rằng họ cúng dâng linh hồn cho thần mungu, hơi thở (là đời sống) và nước miếng có nghĩa là tinh chất của linh hồn. Việc thổi hay nhổ vào cái đó có ảnh hưởng thiêng liêng, đấng Ky Tô đã dùng nước miếng để chữa một người khỏi mù. Một thí dụ nữa: một người con hít lấy hơi thở của cha lúc cha chết để thu lấy linh hồn cha. Có lẽ những người Phi châu ấy trong quá khứ xa xôi của họ vị tất đã biết rõ ý nghĩa tục lệ của họ. Tổ tiên của họ chắc còn biết ít hơn vì họ còn kém ý thức hơn về ý tượng của các tục lệ và còn suy nghĩ ít hơn về việc làm của họ.

Nhân vật Faust của Goethe nói rất đúng: “Am anfang war die tat” (Khởi thủy là hành động). “Hành động” không bao giờ được “sáng chế” ra, người ta thực hiện hành động. Nhưng tư tưởng là một khám phá tương đối muộn màng của loài người. Con người hành động vì trước tiên họ bị thúc đẩy bởi những nguyên nhân mà họ không ý thức được. Mãi về sau này họ mới bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thúc đẩy họ hành động. Hẳn là phải mất nhiều thời gian họ mới hiểu được sự phi lý này: chính họ thúc đẩy họ, vì trí khôn của họ chưa được một động lực nào ngoài động lực của chính mình.

Nghĩ rằng cái cây, con vật tự sáng chế ra nó sẽ làm cho ta tức cười. Thế mà có nhiều người cho rằng cái psyché, hay tinh thần tự nó là tác giả của nó. Thực ra trí khôn đạt được trình độ ý thức ngày nay cũng không khác nào giống sauriens(3) đã biến thành loài có vú. Cũng như đã tiến triển từ quá khứ xa xôi, trí khôn còn tiếp tục tiến triển nữa, chúng ta được thúc đẩy tiến tới bởi những khích động ngoại tại.

Những động lực nội tại có nguồn gốc sâu xa chứ không phải tự tâm thức, tâm thức cũng không thể kiểm soát được. Trong thần thoại cổ tích những động lực ấy được gọi là mana, ma quỷ hay thần linh hay ông trời. Ngày nay, những động lực ấy vẫn còn tác động. Nếu những động lực ấy phù hợp với sở thích của ta, ta nói đến thần hứng, đến những nguồn khích động tốt đẹp và chúng ta tự hào rằng chúng ta là những người “thông minh”. Nếu những động lực ấy không thuận lợi, chúng ta tuyên bố rằng không may, rằng người ta ác cảm với mình hay sự đau khổ của ta có những nguyên do bệnh hoạn. Điều duy nhất chúng ta không chấp nhận được là chúng ta tùy thuộc vào những “quyền lực” ở ngoài ý muốn của ta. Tuy nhiên, gần đây người văn minh quả thực đã có nhiều ý chí và có thể tùy tiện sử dụng ý chí đó. Họ đã biết làm việc có hiệu quả không cần đến ca hát hay tiếng trống để tạo ra một trạng thái thôi miên. Người ta cũng có thể miễn cầu kinh hằng ngày mong có sự giúp đỡ của thần linh. Người ta có thể làm điều họ đã lựa chọn. Người ta có thể biến đổi ý nghĩ thành hành động mà không gặp trở ngại, trong khi người cổ sơ trên mỗi bước đường còn bị ngăn cản bởi sự sợ hãi, bởi mê tín và những trở ngại vô hình khác. Mê tín của người ngày nay có thể tóm tắt trong câu nói này: “Muốn là có thể làm được.”

Nhưng con người ngày nay đã thiếu nhiều soát xét nội tâm khi họ có những tin tưởng đó. Họ không nhận thấy rằng mặc dù có suy xét và suy xét có hiệu quả, họ vẫn bị chi phối bởi những uy lực mà họ không kiểm soát được. Quỷ thần của họ vẫn còn đó chưa đi đâu mất. Quỷ thần chỉ đổi ra tên khác mà thôi. Quỷ thần vẫn áp bức họ bằng những mối băn khoăn, những sự lo ngại mờ mịt, những biến chứng tâm lý, khiến họ cần dùng biết bao thuốc men, rượu, thuốc lá, đồ ăn và nhất là bằng sự tăng gia một số lượng lớn người suy nhược thần kinh.

________
(1) Chúa Trời Ba Ngôi
(2)Tiếng Hy Lạp: phlegein, bùng cháy
(3) Động vật thuộc bộ thằn lằn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.