Thép Đã Tôi Thế Đấy
PHẦN 1 – CHƯƠNG 6
Ngôi nhà to cổ kính chỉ có một cửa sổ che màn the là thắp đèn sáng mà thôi. Ngoài sân, con chó Tơ-rê- do bị xích sủa lên khàn khàn.
Đang thiu thiu ngủ, Tô-nhi-a nghe mang máng có tiếng mợ nói nhỏ: “Chưa, em nó chưa ngủ đâu, Li- da cứ vào đây”.
Bạn đến, chân bước nhẹ nhàng, trìu mến ôm choàng lấy Tô-nhi-a, xua tan hết vẻ ngái
ngủ ở cô.
Tô-nhi-a cười mệt mỏi:
Li-da đến chơi hay quá, nhà mình hôm nay có vui lớn: cậu mình bị mệt hôm qua lên cơn sốt nặng, hôm nay đã dứt cơn, suốt ngày ngủ yên. Còn mình và mợ mình thì cũng nghỉ, vì suốt mấy đêm nay không chợp mắt. Li-da có tin gì kể đi?
Tô-nhi-a kéo bạn lại ngồi cạnh trên đi-văng.
Ồ, tin thì rất nhiều, nhưng có một tin mà mình chỉ có thể kể riêng với Tô-nhi-a thôi.
Li-da vừa nói vừa cười, mắt tinh nghịch liếc nhìn về phía mẹ Tô- nhi-a.
Mẹ Tô-nhi-a cũng mỉm cười. Bà là một người đàn bà đoan trang, đi đứng nhanh nhẹn như còn con gái, tuy năm nay đã ba mươi sáu tuổi; bà có cặp mắt màu tro thông minh, khuôn mặt đầy nghị lực, không đẹp sắc sảo nhưng có duyên.
Nghe Li-da nói, bà kéo ghế lại gần đi-văng, nói đùa: “Được, bác.bằng lòng để hai cô ngồi nói chuyện. riêng với nhau. Song trước hết cháu hãy kể cho bác nghe những tin tức ai cũng nghe được đã nào?”
Tin thứ nhất, Tô-nhi-a ạ, là chúng mình sẽ không đi học nữa. Hội đồng nhà trường đã quyết định cấp bằng tất nghiệp cho học sinh lớp bảy. – Giọng Li-da kể càng phấn khởi. – Mình mừng lắm. Mình đã ngấy cái món đại số và hình học lắm rồi ! Mà học những cái ấy làm gì kia chứ? Bọn con trai thì đã đành, chúng nó có thể sẽ học lên nữa, tuy chúng nó cũng chẳng biết sẽ học ở đâu và bao giờ. Chỗ nào cũng là mặt trận đánh nhau. Sợ thật ! Nhưng còn chúng mình, chúng mình rồi sẽ đi lấy chồng cả. Mà đời làm vợ thì có cần gì đến đại số đâu? – Nói đến đây, Li-da cười phá lên.
Mẹ Tô-nhi-a ngồi với hai cô một lát, rồi trở về phòng mình.
Li-da nhích lại gần Tô-nhi-a, lấy tay quàng cổ bạn, rỉ tai kể lại cuộc xô xát mà Li-da đã được mục kích ở ngã tư ngoài phố.
Tô-nhi-a thử tưởng tượng mình đã ngạc nhiên chừng nào khi nhận ra người đánh tháo cho tù là… Tô-nhi-a thử đoán xem ai?
Tô-nhi-a nghe chuyện rất ham, thấy hỏi thì nhún vai tỏ vẻ không biết. Li-da buột miệng:
Người đó là Ca-rơ-sa-ghin.
Tô-nhi-a nghe giật nảy mình, cúi xuống, đau đớn, như hỏi lại chính mình:
– Ca-rơ-sa-ghin à?
Li-da, muốn thử xem Tô-nhi-a nghe tin có lao đao không, bây giờ đã biết rõ kết quả rồi, thích chí liền kể sang chuyện bất hòa giữa cô và Vích-to.
Li-da mải kể chẳng để ý gì đến vẻ mặt Tô-nhi-a lúc đó đã tái đi ngón tay thon thon dứt dứt nếp áo cộc tay màu xanh. Li-da đâu có biết lúc này trái tim Tô-nhi-a se lại bao nhiêu lo lắng. Li-da không tài nào hiểu được vì sao hàng lông mi rất dày trên đôi mắt đẹp kia lại run rầy những lo âu.
Tô-nhi-a chẳng nghe gì câu chuyện về thằng quan hai say rượu muốn tiễn Li-da về nhà để giở trò nữa. Một ý nghĩ duy nhất giày vò Tô-nhi-a: “Vích-to biết tên người đánh tháo là Pa-ven. Tại sao Li-da lại nói cho hắn biết?” Và bất giác Tô-nhi-a buột mồm nói to câu đó làm cho Li-da không hiểu ra sao.
Mình nói cái gì?
Sao Li-da lại đem nói với Vích-to về chuyện “anh Pa-vơ-lu-sa”, nghĩa là về chuyện anh Pa-ven Ca-rơ- sa-ghin làm gì? Vích-to có thể sẽ tố cáo…
Không đâu! Mình tin là không, vì nghĩ cho cùng thì Vích-to tố cáo làm gì mới được? Tô-nhi-a ngồi phịch xuống, tay ôm riết lấy đầu gối.
Li-da ạ, Li-da không hiểu gì cả! Vích-to và Pa- ven thù ghét nhau. Ngoài ra lại còn chuyện khác nữa… Li-da đã làm một việc rất sai là đã kể cho Vích-to biết tên người đánh lính là Pa-vơ-lu-sa.
Đến bây giờ Li-da mới nhận thấy nỗi hồi hộp lo âu của Tô-nhi-a, và tiếng gọi “Pa-vơ-lu-sa” âu yếm mà Tô-nhi-a buột miệng thốt ra khiến Li-da bỗng nhiên hiểu hết tất cả những chuyện mà lâu nay Li-da còn mang máng ngờ ngợ.
Li-da cảm thấy mình có lỗi, nên im bặt, thái độ bối rối. Li-da nghĩ thầm: “Thế là mình nghĩ không sai! Ngộ thật! Hóa ra Tô-nhi-a đã phải lòng rồi. Phải lòng ai mới được chứ? Phải lòng một anh thợ tầm thường…”
Li-da rất muốn hỏi chuyện này, song vì nể bạn lại thôi. Muốn tìm cách làm nhẹ lỗi mình đối với bạn, cô nắm lấy tay Tô-nhi-a.
Tô-nhi-a ơi, Tô-nhi-a lo lắm phải không?
Tô-nhi-a đang mải nghĩ đi đâu, đáp lại:
– Không, có thể Vích-to tử tế hơn mình tưởng.
Mỗi bên theo đuổi một ý nghĩ riêng, câu chuyện không ăn khớp với nhau. Giữa lúc đó thì Đê-mi-a- nốp đến. Cậu ta là một thiếu niên nhút nhát, vụng về cùng học một lớp với Tô-nhi-a và Li-da.
Tiễn các bạn về rồi, Tô-nhi-a còn đứng một mình hồi lâu ngoài cổng. Dựa lưng vào hàng rào, cô thừ người nhìn đường cái chạy thẳng vào phố như một dải lụa màu sẫm. Gió là giống lang thang chơi vơi vô tận, gió nhẹ vật vờ, đến vờn trên má Tô-nhi-a, gió mang hơi ướt mát lạnh và hương vị hoa cỏ mùa xuân. Xa xa, những cửa sổ ở các căn nhà trong phố nhấp nháy như những con mắt đỏ đục ngầu giương lên nhìn, báo hiệu điều gì chẳng lành. Dưới kia là phố xá đối với cô xa lạ. Dưới phố ấy, dưới một mái
nhà ở phố ấy, người bạn cứng đầu cứng cổ của cô vẫn còn chưa hay tai nạn sắp giáng xuống đời anh. Và có thể, anh cũng đã quên cả Tô-nhi-a rồi. Bao nhiêu ngày đã trôi qua từ lần gặp cuối cùng. Lần ấy, Pa-ven xử sự không đúng, nhưng dù sao cũng là chuyện đã qua, Tô-nhi-a đã quên bẵng đi rồi. Ngày mai, Tô-nhi-a sẽ gặp Pa-ven và tình bạn sẽ nối lại, tình bạn ấy thật dạt dào êm ái. Tô-nhi-a tin lắm, tình bạn sẽ nối lại. Chỉ cầu cho đêm nay đừng xảy ra chuyện gì tai hại. Nhưng sao đêm nay rờn rợn nơm nớp dường như bóng đêm ẩn nấp, bóng đêm đang đứng rình… Trời lạnh.
Tô-nhi-a nhìn lại con đường lần nữa, rồi bước vào nhà. Nằm cuộn trong chăn, cô ngủ thiếp đi với ý nghĩ: chỉ cầu cho đêm nay đừng xảy ra chuyện gì tai hại!…
Sáng tinh sương, cả nhà còn ngủ, Tô-nhi-a đã bừng tỉnh dậy. Cô mặc vội quần áo, rón rén nhè nhẹ đi ra sân để khỏi làm thức giấc người nhà, rồi mở xích con chó lông xù Tơ-rê-do dắt đi ra phố. Đến trước nhà Pa-ven, Tô-nhi-a dừng chân lại, do dự, nhưng rồi đẩy cửa bước vào. Con chó chạy trước ngoe nguẩy đuôi…
Cũng vào sáng nay, từ sớm A-rơ-chom ở dưới làng về đi xe ngựa cùng với bác chủ lò rèn của anh. Tới cửa, anh xốc bao bột mì người ta trả công cho anh lên vai, rồi bước vào sân. Bác chủ lò rèn mang những thứ còn lại trên xe, bước theo sau. A-rơ-chom ném bao bột mì xuống bên cửa để ngỏ, cất tiếng gọi: – Páp-ca ơi!
Song, không có tiếng đáp lại.
Người thợ rèn thấy thế nói:
– Thì ta cứ đem vào nhà, còn đứng đây chờ gì nữa!
Xếp mọi thứ vào bếp đâu đấy, A-rơ-chom bước vào phòng và kinh ngạc đứng đờ người ra: nhà cửa bị lục lọi đảo lộn lung tung, quần áo cũ vứt bừa ra sàn nhà. A-rơ-chom ngơ ngác không hiểu sự thể ra sao, càu nhàu quay lại nói với người thợ rèn:
Trời đất!. Thế này nghĩa là thế nào? Bác chủ lò rèn cũng thêm vào:
Thật là loạn.
Không hiểu thằng bé rúc vào đâu? – A-rơ-chom bắt đầu phát cáu. Nhưng nhà cửa vắng tanh, chẳng có ai mà hỏi.
Bác chủ lò rèn từ giã ra về.
A-rơ-chom đi ra sân, tìm kiếm chung quanh.
“Thật chẳng hiểu câu chuyện ra sao nữa! Cửa thì bỏ ngỏ, mà Páp-ca thì mất hút”. Có tiếng chân đi đằng sau, A-rơ-chom quay lại.
Con chó to, tai vểnh, đứng ngay trước mặt. Một cô con gái mà anh không quen từ hàng rào đi vào nhà.
Cô ta nhìn A-rơ-chom, giọng hỏi khẽ:
Em cần gặp anh Pa-ven.
Tôi cũng đang cần gặp nó đây. Trời biết được nó rúc vào đâu! Tôi vừa về, cửa bỏ ngỏ mà chẳng thấy nó đâu. – Rồi A-rơ-chom hỏi cô ta:
Còn cô đến tìm Pa-ven phải không?
Anh có phải là A-rơ-chom, anh ruột Pa-ven không ạ?
Phải, cô hỏi làm gì vậy?
Nhưng cô gái không đáp lại, vẻ mặt lo âu ngước nhìn cánh cửa mở. “Sao mình không
đến từ tối hôm qua? Có lẽ thế rồi ư, có lẽ thế rồi ư?…” – Nghĩ thế, nỗi lo nặng nề càng
đè trĩu cõi lòng Tô-nhi-a hơn nữa.
A-rơ-chom còn đang ngạc nhiên nhìn cô gái, thì cô ta lại hỏi:
Anh về đã thấy cửa để ngỏ, và Pa-ven không có nhà, phải không anh?
Phải ! Nhưng tôi muốn biết cô đến tìm Pa-ven có việc gì?
Tô-nhi-a bước lại gần, đưa mắt nhìn chung quanh, rồi nói với A-rơ-chom, giọng bồi hồi:
Em không biết chắc lắm. Song nếu Pa-ven không có nhà tức là đã bị bắt rồi. A-rơ-chom giật bắn mình, hốt hoảng:
Bị bắt vì sao cơ?
Tô-nhi-a nói:
– Ta đi vào trong nhà nói chuyện.
A-rơ-chom im lặng, nghe Tô-nhi-a kể. Khi Tô-nhi- a đã kể tất cả những điều cô biết,
A-rơ-chom thất vọng. A-rơ-chom tức bực chửi đổng lên:
À thật là lũ khốn nạn ! Bọn chó chỉ chực có thế !. .. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trong nhà bị lục tung lên như thế. Ma quỷ đâu đã dẫn thằng bé vào câu chuyện này…
Bây giờ không biết tìm nó ở đâu cho thấy? Còn cô, cô là ai nhỉ?
Em là con gái ông kiểm lâm Tu-ma-nốp. Em có quen Pa-ven.
À à – A-rơ-chom kéo dài mãi tiếng “à”. – Đây, tôi mang bột mì về cho nó ăn thêm một chút, thế mà bây giờ thì như vậy đấy…
Hai người lặng lẽ nhìn nhau.
Lúc chào A-rơ-chom ra về, Tô-nhi-a dặn khẽ:
Em về đây. Có lẽ anh sẽ tìm thấy Pa-ven. Chiều nay em sẽ đến, anh cho em biết tin về anh ấy.
A-rơ-chom im lặng gật đầu.
*
Con nhặng gầy còm thức giấc ngủ mùa đông bay vo ve ở góc cửa sổ. Một cô gái nông dân chống tay vào đầu gối, ngồi ở mép chiếc ghế dài đệm đã mòn trơ, mắt cô thờ thẫn nhìn xuống sàn nhà nhớp nháp.
Lão giám binh ngậm bên mép một điếu thuốc lá đang nguệch ngoạc viết kín tờ giấy; dưới hàng chữ “trung úy giám binh thành Sê-pê-tốp-ca” hắn hí hửng ký ngoằn ngoèo,
rồi đóng con dấu tên mình. Có tiếng lộp cộp ngoài cửa, hắn ngửng đầu lên.
Xa-lô-mư-ga, tay quấn băng, đứng trước mặt hắn.
Lão giám binh cất tiếng chào:
Cơn gió lành nào đưa cậu đến đây thế?
Cậu bảo gió lành à? Một tên ở trung đoàn Bô- gun làm tay tớ gẫy lòi xương ra đây. Có một người đàn bà ngồi đấy, song Xa-lô-mư-ga chẳng giữ ý gì, văng tục ngay.
Thế cậu về đây chữa hay sao?
Có chữa ở bên kia thế giới. Khắp các mặt trận chúng nó uy hiếp quân mình, ngấy đánh nhau quá rồi.
Lão giám binh ngắt lời hắn, hất đầu ra hiệu chỉ người con gái.
Thôi, chốc nữa ta sẽ nói chuyện.
Xa-lô-mư-ga ngồi phịch xuống ghế đầu và trật mũ ra, đính huy hiệu đinh ba sơn men:
quốc trưng của “U-cơ-ren dân quốc”.
Hắn bắt đầu nồi nhỏ:
Gô-lúp phái mình về đây. Sắp có một sư đoàn bộ binh về đây trú quân. Có thể sinh ra lắm chuyện, mình phải về trước thu xếp. Có thể là “đầu lĩnh trưởng” sẽ thân hành đến đây, và cùng đi với “đầu lĩnh trưởng” còn có một tay tai to mặt lớn nước ngoài nữa. Vì thế đừng có ai hở mồm gì về vụ “chất tươi” hôm trước mà vạ đấy nhé! Còn cậu thì đang viết gì đấy?
Tên giám binh nhếch miệng chuyển mẩu thuốc lá sang mép kia, đáp lại:
Tớ vớ được một thằng nhãi con chết rấp. Cậu nhớ thằng cha Giu-khơ-rai chứ, gã lính thủy xúi thợ xe lửa chồm lên với chúng mình ấy mà? Cậu biết không, chúng mình tóm được nó ở ngoài ga đấy.
Thế rồi thế nào? – Xa-lô-mư-ga nhích lại gần, chăm chú nghe.
Thế rồi thằng Ô-men-sên-cơ, trưởng đồn nhà ga, là một thằng ngu như bò, đưa thằng cha Giu-khơ- rai sang đây mà chỉ cho một thằng lính giải đi. Vì thế cho nên cái thằng nhãi con đang bị giam bây giờ nó mới đánh tháo được cho thằng kia giữa ban ngày ban mặt. Chúng nó tước súng thằng lính của mình, đấm vỡ quai hàm rồi biến. Thằng Giu-khơ-rai thì mất tích, còn thằng nhãi thì rơi vào tay mình. Hồ sơ đây, đọc mà xem.
Tên giám binh ấn cho Xa-lô-mư-ga một tập giấy.
Thằng này lấy tay trái còn lành lần giở tập hồ sơ xem phớt qua. Xong rồi, hắn nhìn chằm chặp tên giám binh:
Thế cậu chả moi được ở nó cái gì à?
Mình mất năm ngày trời vất vả với nó rồi đấy. Nó một mực: ‘Tôi không biết gì hết. Tôi không đánh tháo cho ai cả”. Thật giống giặc lỏi con. Thằng lính áp giải thì nhận đúng mặt nó rồi, vừa nhìn thấy đã suýt nữa thì đè thằng nhãi ra chịt lấy cổ. Phải giằng
nó ra, vì thằng lính đâu bị Ô-men-sên-cơ cho ăn hai mươi lăm roi về tội để tù xổng, nên hắn ấm ức cứ muốn nuốt chửng thằng nhãi. Thôi giữ mãi của nợ ấy cũng chẳng được tích sự gì. Tớ định viết giấy sang bên tham mưu để xin lệnh cho treo cổ. Xa-lô-mư-ga nhổ nước bọt khinh bỉ.
Mày lành quá. Phải tay tao thì nó đã phun ra rồi. Mày thật là đồ con nhà thầy tu, hạng mày không biết cách lấy cung. Giám binh gì mà như là thầy dòng ấy! Mày đã nện nó ra trò chưa đã?
Lão giám binh phát cáu:
Mày nói thế mà cũng nói được. Bỏ cái lối nói mỉa ấy của mày đi. Tao làm giám binh ở đây. Yêu cầu mày đừng chõ vào việc của tao.
Xa-lô-mư-ga thấy tên giám binh sừng sộ thì cười lên ha hả:
Hà hà! Thôi xin ông thầy dòng non đừng bốc lên thế mà nổ con ngươi, lòi con mắt. Việc của mày thôi mặc xác mày. Bây giờ mày nói cho tao biết đào đâu được hai chai “cay” đây.
Tên giám binh cũng cười làm lành:
Cái món ấy thì có thể được.
Còn về thằng nhãi này. – Xa-lô-mư-ga gí ngón tay vào tập giấy. – Cái thằng nhãi này, nếu mày muốn cho nó tong đời thì chớ nói mười sáu tuổi, mà phải tăng lên mười tám. Dễ thôi, vòng lại tí râu con số sáu là được không thì trên chẳng duyệt bản án đâu.
*
Trong nhà pha có ba người bị giam. Một ông cụ già râu ria xồm xoàm, mặc áo bông rách, nằm nghiêng trên bục, hai cẳng gầy đét co quắp lại thảm hại trong chiếc quần vải thô lụng thụng. Cụ bị giam vì tên lính ngụy đóng ở nhà cụ có con ngựa biến đâu mất. Dưới đất, một mụ nạ dòng, mắt ti hí rất gian giảo, cằm nhọn hoắt, vốn lầm nghề nấu rượu. Mụ bị kết tội ăn cắp đồng hồ và các thứ đồ quý khác. Ở một góc dưới khung cửa sổ, Pa-ven ngả đầu trên mũ cát-két nát, nằm gần như bất tỉnh.
Người ta đẩy vào nhà giam một cô gái trùm khăn sặc sỡ kiểu nông dân, hai mắt to sợ sệt.
Cô đứng một lúc, rồi lại ngồi bên mụ đàn bà nấu rượu. Mụ ta đưa mắt xét nét cô từng li từng tí, rồi hỏi liến thoắng:
Cô bé kia cũng vào khám đấy à?
Không có tiếng đáp lại. Mụ ta vẫn không chịu thôi:
– Sao bị tóm thế? Có phải bị bắt vì nấu rượu lậu không?
Cô gái nông dân đứng dậy, nhìn mụ già khó chịu ấy khẽ đáp lại:
Không. Tôi bị bắt vì anh tôi. Mụ kia cứ hỏi gặng:
Thế ông anh làm sao?
Ông cụ già phải chen vào:
Cái nhà mụ kia, thói đâu cứ làm tội người ta như thế? Lòng người ta đang như tan nát, mà mụ cứ lắm điều, hỏi ra rả.
Mụ kia phát cáu, quay phắt lại phía bục:
Ai khiến ông lên mặt dạy đời thế hả ông lão kia? Tôi có nói với ông đâu mà ông chen vào?
Ông lão bực mình nhổ nước bọt.
Lão cứ nói đấy. Mụ phải để cho người ta yên chứ !
Trong nhà giam lại im bặt. Cô gái nông dân cởi khăn quàng trải xuống đất nằm, lấy tay gối má. Mụ hàng rượu lấy cơm ra ăn. Ông lão ngồi dậy, buông chân xuống đất và thủng thẳng quấn một điếu thuốc hút. Khói thuốc khét lẹt tỏa khắp nhà giam. Miệng còn nhồm nhoàm nhai cơm bỏm ba bỏm bẻm, mụ kia càu nhàu:
Cái nhà ông lão kia, không để cho người ta ăn cơm yên nữa. Khét lên lèn lẹt. Hút gì mà hút lắm thế. Y như cái ống khói !
Ông cụ chẳng vừa, nói lại:
Mụ sợ gầy đi à? Chẳng mấy chốc rồi cửa kia mụ đi không lọt. Mụ gọi thằng bé kia vào cho nó ăn với, còn hơn là tọng cả vào mồm một mình mình thế.
Mụ kia bực mình cãi lại:
Tôi bảo nó ăn mà nó có ăn đâu. Còn ông, ông đừng có mở mồm là đụng đến tôi; tôi không ăn của nhà ông đâu mà ông nói.
Người con gái ngoảnh lại phía mụ nấu rượu, hất đầu ra hiệu về phía Pa-ven, hỏi mụ ta:
Bà có biết sao anh ấy bị bắt không bà?
Người tỉnh này đây. Con út mụ nấu bếp Ca-rơ- sa-ghin đấy mà. Rồi mụ ghé vào tai cô gái thì thào:
Cậu ấy đánh tháo cho một anh bôn-sê-vích. Anh này trước là lính thủy cũng ở tỉnh này, trọ ở nhà mụ Dô-du-li-kha, ngay cạnh nhà tôi.
Cô gái nông dân bỗng sực nhớ lại những lời lúc nãy của lão giám binh: “Tớ định viết sang tham mưu để xin lệnh cho treo cổ…”.
Từng đoàn xe lửa tới tấp chạy đến mắc kẹt với nhau ở nhà ga. Các tiểu đoàn lính từ trên tàu đổ xuống ồn ào, rối loạn. Chuyến tàu bọc sắt có bốn toa kiểu “Da-pô-rô” từ từ bò trên đường sắt. Lính đẩy súng lớn từ trên những toa không mui xuống, kéo ngựa từ trong các toa hàng ra. Bọn kỵ binh thắng ngựa tót lên đi chèn qua đám bộ binh, ra sân ga đứng thành một đội kỵ mã.
Cai, quản nhốn nháo gọi số hiệu đơn vị của chúng.
Nhà ga ồn ào như một tổ ong. Đám đông lộn xộn những người cuống quít ầm ĩ, dần dần sắp thành từng trung đội vuông vắn, rồi dòng người súng ống đó kéo ào ào vào thành phố. Mãi đến tận tối, xe ngựa vẫn kêu lóc cóc trên đường, bộ phận hậu cần của
sư đoàn mới đến vẫn tiếp nhau tiến vào thành phố.
Và đi đoạn hậu là đại đội tham mưu, một trăm hai mươi cái mõm gào lên:
Trên phố này có tiếng gì
Ầm ầm náo động nổi lên ?
Đấy là đầu lĩnh Pêt-lu-ra
Xuất hiện dưới trời U-cơ-ren…
Pa-ven nhóm lên nhìn qua cửa sổ. Trong nhá nhem cảnh chiều xuống sớm, anh nghe
rõ tiếng bánh xe lăn ầm ầm trên đường phố, tiếng chân rầm rập và tiếng hát nhao
nhao.
Phía sau có tiếng người dịu dàng nói khẽ:
Có lẽ quân lính kéo vào thành. Pa-ven ngoảnh lại.
Người nói là thiếu nữ bị dẫn vào tối qua.
Pa-ven được nghe chuyện cô ta, mụ nấu rượu hỏi gặng mãi làm cô phải nói. Thiếu nữ ấy quê ở một làng cách Sê-pê-tốp-ca bảy dặm. Anh cô – Gơ-rít-cô – vốn là một du kích đỏ, trước kia làm chủ tịch ủy ban dân cày nghèo.
Khi quân ta phải rút lui, Gơ-rít-cô cũng đeo ngay băng đạn súng máy vào người và theo anh em đi. Gia đình anh giờ thì bị chúng nó khủng bố. Nhà chỉ có độc một con ngựa cũng bị chúng dắt đi mất. ông bố bị bắt đem ra tỉnh, bị hành hạ trong xà lim. Tên lý trưởng hội tề, một tay thuộc loại trước kia Gơ-rít-cô đã bắt vào khuôn vào phép, bây giờ được dịp trả thù, chuyên môn cắt nhà anh phải cho hết lũ lính này đến lũ lính khác đóng. Gia đình khốn khổ đến cùng cực. Tối hôm qua tên giám binh đến làng vây ráp, tên lý trưởng dẫn nó đến nhà cô bé, cô lọt vào mắt lão quan tư; sáng sớm nó cho đem cô lên tỉnh lấy cớ “để lấy khẩu cung”.
Pa-ven thao thức không ngủ, lòng bồn chồn, mắt không sao nhắm được. Một ý nghĩ duy nhất quay cuồng trong đầu: “Ngày mai rồi sẽ ra sao.. “.
Mình mẩy bị đánh giờ vẫn còn đau ê ẩm. Tên lính giải Giu-khơ-rai thù anh, đánh anh dã man như thú dữ.
Anh cố lắng nghe tiếng rì rầm trò chuyện của hai người đàn bà bên cạnh cho khuây nỗi lòng căm uất.
Cô gái thấp giọng thì thào kể đến chuyện lão quan tư định giở trò. Lão quan tư đã sán đến, nằn nì, dậm dọa. Bị cưỡng lại, hắn đùng đùng nổi giận, hùng hổ dọa: “Mày không chịu, tao cứ nhốt vào hầm nhà pha thì mày đừng có hòng ra khỏi nữa”.
Bóng tối tràn vào dần dần ngập hết gian phòng. Đêm đến, một đêm nghẹt thở, tâm tư thao thức giày vò không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Sáu ngày ở đây đối với Pa-ven tưởng chừng như đến hàng tháng rồi. Nằm sàn đất cứng như đá, người lại càng đau nhừ. Trong phòng giam này chỉ còn có ba người: tên quan hai đã thả mụ hàng rượu ra để về lấy chất cay mang hầu chúng. Ông cụ già nằm trên bục gỗ ngủ kỹ, ngáy khỏe
như ở nhà vậy. Y như một nhà hiền triết, cụ lúc nào cũng bình thản, đêm nào cũng ngon giấc. Khơ- ri-chi-na – cô gái nông dân – và Pa-ven nằm dưới đất gần như kề bên nhau. Chiều qua, Pa-ven nhìn qua cửa sổ thấy Xéc-gây đứng ỉu xìu hồi lâu trước nhà pha, buồn rầu nhìn lên những cửa sổ trại giam. “Xéc-gây chắc biết mình bị nhốt ở đây”.
Ba ngày nay có người gửi vào cho Pa-ven mấy mẩu bánh mì đen. Ai gửi đến, chúng cũng chẳng cho hay. Đã hai hôm nay, tên giám binh làm Pa-ven hoảng hốt vì những câu tra hỏi xoi mói.
Tra thế nghĩa là thế nào?
Pa-ven chối hết không khai gì cả. Vì sao không khai? Bản thân anh cũng không biết.
Anh muốn can đảm, anh muốn mình cũng cứng cỏi như những anh hùng đọc thấy
trong sách. Nhưng đến khi chúng bắt anh, dẫn anh đi giữa đêm dày, lúc đi qua cái
hình thù lù lù của cối xay chạy bằng hơi nước, có tiếng một thằng lính áp giải nói:
“Bẩm trung úy đưa nó đi làm gì nữa, cứ cho một phát vào lưng là xong chuyện”. Lúc
ấy Pa-ven mới cảm thấy rờn rợn. Phải, mới mười sáu tuổi đầu mà đã phải chết thì khổ
thật. Vì khi đã chết rồi thì dù sao cũng là mãi mãi không sống nữa, không bao giờ
sống nữa.
Khơ-ri-chi-na cũng nghĩ ngợi. Cô hiểu số phận Pa- ven hơn cả Pa-ven kia. Anh ta chắc còn chưa biết chuyện… chứ cô thì đã nghe chúng nói thế nào rồi. Ban đêm, Pa-ven không ngủ, cứ day dứt vật mình.
Khơ-ri-chi-na cảm thấy thương anh, ôi, thương không biết bao nhiêu mà kể. Song Khơ-ri-chi-na cũng có nỗi đau đớn của mình, cô không quên được những lời khủng khiếp của lão giám binh:
“Liệu hồn, mai rồi biết tay tao. Không bằng lòng tao, thì tao vứt xuống cho bọn vệ sĩ.
Lính Cô-dắc chúng nó không chê mày đâu. Tùy mày chọn đấy”.
Lòng Khơ-ri-chi-na nặng trình trịch. Chẳng còn có thể trông ai thương cho phận mình nữa! Có tội tình gì cho cam. Có phải vì cô đâu mà anh Gơ-rít- cô đi theo du kích đỏ? “Ôi? Sao sống ở thế gian này khổ đến thế này !”
Nỗi đau đớn nhoi nhói ứ nghẹn lấy cổ. Thất vọng mênh mông, hãi hùng khủng khiếp, tất cả như chẹt lấy lòng; Khơ-ri-chi-na nức nở khóc. Tấm thân non trẻ run lên, lo sợ và buồn vô hạn.
Có bóng người động đậy ở góc tường:
– Em làm sao thế?
Khơ- ri-chi-na ngỏ với người bạn ít nói nỗi khổ cùng đường của mình, tiếng nói khẽ,
nhưng mang hơi thở nồng nàn. Pa-ven lặng nghe, bàn tay đặt lên đôi bàn tay Khơ-ri-
chi-na.
Bọn quỷ ấy chúng nó sẽ hành hạ em đến chết mất. – Cô gái nghĩ mà khiếp đảm, nuốt nước mắt thì thào: – Em đến bị với chúng nó mất. Sức em không làm gì chúng nó
được.
Biết nói gì với người con gái này? Biết nói gì được? Nói không ra lời! Cuộc đời bạn bị dồn đến chỗ cùng đường, đến chỗ ngạt thở.
Hay ngày mai dùng võ lực bênh bạn, không để chúng đem đi, đánh nhau với chúng nó. Chúng nó sẽ đập chết Khơ-ri-chi-na, chém đứt cổ, và như thế là xong đời. Để an ủi người bạn gái đang bị đau khổ giày vò này, Pa-ven chỉ biết lấy tay trìu mến vuốt ve bàn tay bạn. Tiếng khóc nguôi dần.
Chốc chốc, tiếng lính gác ngoài cửa quen miệng hỏi người qua lại: “Ai, đứng lại!” Rồi lại vẫn là canh trường tịch mịch. Ông lão ngủ say như chết. Thời gian vô hình trôi đi chậm chạp. Đôi cánh tay ôm lấy và kéo riết Pa-ven lại gần. Pa-ven không hiểu ra sao. Đôi môi Khơ-ri-chi-na nóng hổi tha thiết thủ thỉ:
Anh ơi, anh yêu của em, đằng nào em cũng bị rồi, không thằng quan làm nhục em, thì lũ lính cũng làm nhục em mất. Anh hãy nghe em, anh ơi! Em không muốn trinh bạch của em vào tay đồ chó nhơ bẩn.
Khơ-ri-chi-na, em nói sao?
Song đôi cánh tay mầm mẫm cứ riết lấy Pa-ven. Khó mà rời cặp môi mọng và nóng bỏng ấy. Lời nói của cô gái giản dị và âu yếm. Pa-ven giờ mới hiểu điều mà bạn muốn cầu xin mình.
thức về hiện tại thốt nhiên mờ đi những hình ảnh ghê rợn: khóa sắt của buồng giam, thằng lính gác có ria đỏ hoe, lão quan tư, những trận đòn dã man, bảy đêm thao thức ngột ngạt, tất cả chìm đắm vào dĩ vãng. Giây phút này chỉ còn đôi môi nóng bỏng và khuôn mặt ướt đầm nước mắt của Khơ-ri-chi-na.
Bỗng nhiên Pa-ven sực nhớ đến Tô-nhi-a.
Anh quên nàng làm sao được? Đối với lòng anh, đôi mắt ấy đẹp xiết bao và yêu dấu xiết bao!
Pa-ven còn đủ sức dứt ra. Anh đứng lên, choáng váng, lảo đảo như người say rượu, hai bàn tay níu lấy song sắt cửa sổ. Tay Khơ-ri-chi-na sờ soạng với lấy anh:
– Anh ơi, thế nào hở anh ơi?
Tiếng gọi mang bao nhiêu đắm đuối ! Pa-ven cúi xuống, nắm rất chặt đôi bàn tay của Khơ-ri-chi-na:
-Anh không thể nào làm thế được, Khơ-ri-chi-na ạ. Anh hiểu em rất tốt.
Pa-ven còn nói nữa, nhưng chính anh cũng không hiểu mình nói gì. Để phá tan cái im lặng đang đè trĩu xuống đó, Pa- ven đứng hẳn dậy, bước lại chỗ ông lão nằm, ngồi xuống mép bục lay ông dậy:
– Cụ có thuốc cho cháu xin điếu.
Trong góc kia, cô gái gục mặt vào khăn trùm đầu, khóc nức nở.
Sớm hôm sau, lão giám binh và lính đến bắt Khơ- ri-chi-na đem đi. Đôi mắt to của người con gái ngẩng nhìn Pa-ven vĩnh biệt. Trong đôi mắt đó gửi lại cả niềm trách
móc. Khi Khơ-ri-chi-na bị giải đi khỏi, cửa đóng lại, lòng Pa-ven càng thấy nặng nề, bóng tối càng thấy dầy đặc hơn.
Suốt ngày hôm ấy, ông lão không tài nào gợi được Pa-ven nói một tiếng. Bọn lính đổi gác. Tối đến, chúng dẫn thêm một người bị bắt nữa vào. Pa-ven nhận ngay ra Đô-lin-nhích, người thợ mộc ở nhà máy đường. Pa-ven đã gặp anh dạo tháng Hai năm 1917, lúc làn sóng cách mạng xô đến tận Sê-pê-tốp-ca này. Hồi ấy, trong bao cuộc biểu tình mít tinh ầm ĩ, Pa-ven nghe thấy chỉ có một người bôn-sê-vích nói. Người bôn-sê- vích ấy chính là anh Đô-lin-nhích này đây. Anh đã leo lên hàng rào bên đường, đứng ra kêu gọi binh lính. Pa-ven vẫn còn in sâu trong trí nhớ lời kết luận của anh ta hôm ấy: “Các bạn binh lính ! Các bạn hãy cùng đi với những người bôn-sê-vích: họ không bao giở phản lại quyền lợi các bạn!”
Và từ dạo đó đến bây giờ, Pa-ven mới gặp lại người thợ mộc ấy. Người anh trông vạm vỡ, mập mạp, mặc chiếc áo sơ-mi vàng bạc màu, ngoài khoác áo vét-tông đã cũ. Thoạt vào anh đưa mắt chăm chú nhìn quanh phòng giam một lượt.
Ông cụ già suốt ngày ngồi im không có ai nói chuyện, chắc khổ tâm lắm, nên giờ có người bạn mới để tâm sự ông cụ có vẻ thú. Đô-lin-nhích ngồi vào bục với cụ vừa quấn thuốc hút vừa hỏi cặn kẽ mọi chuyện. Rồi anh ngồi lại gần Pa-ven.
Còn chú có chuyện gì kể anh nghe với không? Làm sao chú lại bị rơi vào đây? Nghe Pa-ven trả lời nhát gừng, Đô-lin-nhích biết Pa-ven chưa dám tin mình nên ít nói thế. Nhưng khi đã hiểu Pa-ven bị buộc tội gì rồi, đôi mắt thông minh của người thợ mộc ngạc nhiên chăm chăm nhìn Pa- ven. Anh ngồi sát cạnh Pa-ven:
Vậy ra chú đã đánh tháo cho Giu-khơ-rai phải không? À, ra thế đấy. Anh cũng không biết là chúng tóm được chú.
Pa-ven sửng sốt, chống tay nhổm dậy:
Giu-khơ-rai? Giu-khơ-rai nào? Tôi không biết gì hết. Tự nhiên vô cớ cứ gán tội vào cho người ta…
Nhưng Đô-lin-nhích mỉm cười, nhích lại gần, nói nhỏ:
Thôi chú, với anh chú đừng chối mãi thế. Anh còn biết hơn chú nữa cơ.
Chính anh đưa Giu-khơ-rai đi trốn. Anh ấy giờ thì chắc chu lắm rồi. Giu-khơ-rai đã kể hết chuyện em cho anh nghe.
Suy nghĩ một lát, Đô-lin-nhích nói thêm:
Còn chú thì chú cứng đấy. Song cứ xét việc chú còn đây thì tài liệu của nó về chú chẳng có quái gì đâu. Có thể nói là cũng chẳng có gì đáng ngại lắm.
Người thợ mộc nói xong, cởi áo vét-tông rải xuống sàn, ngồi lên, dựa lưng vào tường và lại cuốn điếu thuốc nữa.
Những lời vừa rồi của Đô-lin-nhích làm cho Pa- ven đã hiểu: Đô-lin-nhích là người
của ta, rõ lắm. Ừ, nếu anh ấy đã đưa Giu-khơ-rai đi trốn thì tức là….
Đến chập tối thì Pa-ven được biết là Đô-lin-nhích bị bắt vì tội tuyên truyền địch vận. Chúng tóm được quả tang anh đang phát truyền đơn của ủy ban cách mạng toàn tỉnh kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng và chạy sang hàng ngũ quân đỏ.
Đô-lin-nhích vốn là người thận trọng, nên chỉ kể cho Pa-ven một số chuyện thôi. Anh nghĩ thầm: “Ai mà biết trước được. Nếu cậu bé bị chúng lấy sắt thông nòng súng mà nện cho thì.. . Cậu ta hãy còn non lắm”.
Tối khuya, hai người sủa soạn đi ngủ, Đô-lin-nhích mới tỏ nỗi lo lắng của mình trong một câu chuyện ngắn gọn:
Pa-ven ạ, tình cảnh chúng mình có thể nói là bi đát lắm đấy, mắc cẳng rồi. Đành phải đợi xem thế nào thôi.
Ngày hôm sau, lại thêm người bị bắt nữa vào: bác thợ cạo Den-xe có hai tai như tai voi, cổ ngẳng, cả tỉnh ai cũng biết mặt. Bác ta hoa tay múa chân nóng nảy kể bô bô với Đô-lin-nhích:
Đây chuyện thế này đây. Lão Phúc, lão Bơ-lup- tanh, lão Tơ-rắc-ten-be định mang lễ vật đến chào mừng đầu lĩnh trưởng. Tôi bảo họ: các ông muốn dâng lễ vật cho người ta thì các ông cứ việc mang. Còn như đưa kiến nghị thì ai thay mặt cả đám dân Do-thái này mà ký vào? Nói các ngài tha lỗi: có đứa đếch nào ký. Bọn họ ký vì họ tính chuyện có lợi cho họ. Phúc có cửa hàng. Tơ-rắc-ten-be có máy xay. Còn tôi thì có gì? Những người nghèo đói khác có gì? Bọn khố rách áo ôm chúng tôi chẳng có cóc khô gì cả. Nhưng, khốn nỗi, tôi chỉ được có cái lưỡi dài mà thôi. Chẳng là ngày hôm nay có một ông đội vào hàng tôi cạo mặt. Ông ta thuộc đạo quân mới kéo vào đây. Tôi hỏi ông ta: “Thưa ông bảo giùm cháu, đầu lĩnh trưởng liệu có biết dân Do-thái ở đây bị càn không ạ? Ngài có tiếp một đoàn đại biểu Do thái lên kêu với ngài không, ông nhỉ?” Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, cái lưỡi tôi đã làm hại tôi bao lần rồi. Bà con thử đoán xem? Tôi cạo cho ông ta, bôi kem xoa phấn đẹp đẽ, tươm tất, dùng toàn thứ thượng hảo hạng. Thế rồi ông ta trả công tôi như thế nào? Ông ta đứng dậy, đáng lẽ trả tiền công cho tôi thì trái lại, ông ta bắt ngay tôi về tội “tuyên truyền chống chính phủ”. Và Den-xe nắm tay đấm ngực thình thịch: “Tuyên truyền cái gì chứ? Nào tôi có nói cái gì? Tôi chỉ hỏi một câu thường thôi… Thế mà người ta lại tống tôi vào nhà giam…” Den-xe tức tối, nắm lấy khuy áo Đô-lin-nhích vặn vặn, lúc thì kéo tay này, lúc kéo tay kia của Đô- lin-nhích.
Đô-lin-nhích không nhịn được cười trước cơn nóng nảy của Den-xe. Khi bác thợ cạo dứt lời, anh nghiêm nét mặt:
Bác Den-xe này, bác cũng là người hiểu biết đấy, thế mà có lúc bác lại dại dột đến thế được. Bác tưởng đã là lúc mở mồm nói cho sướng lưỡi hay sao. Tôi không có khuyên bác tự dẫn xác vào đây đâu nhớ.
Den-xe nhìn Đô-lin-nhích hiểu ý và phẩy tay thất vọng. Giữa lúc ấy cửa mở; người ta
ẩy mụ đàn bà nấu rượu vào. Mụ đang chửi thậm tệ thằng lính Cô-dắc giải mụ:
Trời đánh thánh vật cả lũ chúng mày với thằng quan nhà chúng mày nữa. Rượu của tao, nó nốc cho cạn, rồi cháy xác nó ra!
Tên lính gác đóng cửa lại, tiếng then cài lách cách. Mụ hàng rượu ngồi xuống bục. Ông lão nói đùa ngay:
Sao, mụ lắm điều kia lại vào đấy à? Mời mụ ngồi chơi, làm khách của bà con chúng tôi vậy.
Mụ ta nguýt ông già, vớ lấy gói quần áo, rồi ngồi phệt xuống sàn bên cạnh Đô-lin-nhích.
Chúng lại nhốt mụ, sau khi đã tước của mụ mấy chai “cay”.
Bỗng dưng có tiếng động ở ngoài cửa bốt gác; rồi có tiếng ai ra lệnh hách dịch. Những người bị giam đều quay đầu ngó ra cửa.
*
Ở quảng trường, gần cái nhà thờ nhỏ, cao lêu nghêu, có tháp chuông rất cổ, đang diễn ra một trò lạ thường chưa từng có ở thành phố này: bọn ngụy diễu binh. Những đơn vị của sư đoàn bộ binh, súng ống nai nịt từ đầu đến chân, đứng thành đội hình chữ nhật, đều răm rắp trên ba mặt quảng trường.
Ở đằng trước, ba trung đoàn bộ binh đứng theo đội hình ô vuông kéo dài từ cổng nhà thờ đến suốt dọc hàng giậu trường học.
Một đám người họp thành một khối màu xám bẩn, đội mũ sắt trông như quả dưa hấu bổ đôi úp sụp lấy đầu, đứng sắp hàng thẳng, súng cầm tay dựng bên hông, băng đạn cuốn đầy người. Đấy là sư đoàn thiện chiến nhất của nền “Đốc chính”. Chúng ăn mặc chững vì lấy ở những kho quần áo của quân đội Nga hoàng cũ. Số quân này hơn một nửa là con nhà cu-lắc, những quân thù ghét chính quyền Xô-viết ra mặt.
Quân phản động Nga trắng ném sư đoàn này vào thị trấn Sê-pê-tốp-ca để bảo vệ đầu mối đường xe lửa có tính chất chiến lược trọng yếu bậc nhất này.
Từ Sê-pê-tốp-ca có đường sắt đi năm ngả. Đối với Pết-lu-ra, mất Sê-pê-tốp-ca tức là mất tất cả. Chính thể “Đốc chính” của chúng thế là chỉ còn mảnh đất tí xíu này. Thủ đô của “Đốc chính” bây giờ phải đóng ở thị trấn Vi-nhít-xa nhỏ bé.
Tên “đầu lĩnh trưởng” đã định thân hành đến duyệt các đơn vị. Quân lính sẵn sàng đón hắn.
Ở hàng cuối, xếp cho khuất mắt vào tận xó quảng trường là trung đoàn lính mới động viên. Đám thanh niên ấy chân không giầy, quần áo tạp nham đủ kiểu, đủ màu; những chàng dân quê ấy bị bọn ngụy sục vào tận làng kéo khỏi ổ nằm hay tóm ngay giữa đường trong những đêm càn bắt lính, chẳng có bụng dạ nào đi đánh nhau cả. Họ nói với nhau:
Ai dại gì!
Bọn sĩ quan của Pết-lu-ra chỉ đạt được kết quả là áp giải họ vào thành phố, chia ra
thành các đại đội và tiểu đoàn, rồi ấn súng vào tay họ.
Nhưng ngay ngày hôm sau một phần ba số đó đã biến mất, số còn lại mỗi ngày một ít đi.
Phát ngay giày cho lớp thanh niên đó thì quá ư là dại, vả lại giày của bọn ngụy có nhiều lắm đâu, nên chúng liền ra lệnh đi lên tập trung phải mang kèm theo cả giầy. Kết quả rất ngộ nghĩnh. Vì những người bị bắt làm lính ấy đào đâu ra giày, ngay mảnh giẻ rách buộc lạt, buộc dây thép đủ dính được lấy chân cũng chẳng có nữa là. Chúng đành dẫn họ đi chân đất ra tham gia cuộc duyệt binh còn hơn.
Sau bộ binh là đến trung đoàn kỵ binh của Gô- lúp. Bọn này đứng án ngữ giữ đám đông dân phố đang tò mò. Ai cũng muốn xem duyệt binh thế nào. “Đầu lĩnh trưởng” sắp đến nơi rồi. Thành phố này mấy khi có duyệt binh như thế. Cho nên dân phố không ai muốn bỏ qua trò vui không mất tiền này.
Trên những bậc thềm nhà thờ, bọn võ quan, bọn chức tước, hai con gái lão giáo trưởng, một mớ các viên giáo học U-cơ-ren, một nhóm Cô-dắc “tự do”, viên thị trưởng người hơi gù lưng, – tóm lại là đám thượng lưu của “xã hội” ở đây. Trong số đó có tên tổng thanh tra bộ binh, mặc quân phục. Chính hắn ta chỉ huy cuộc duyệt binh hôm nay.
Trong nhà thờ, lão cố Vát-xi-li, mặc áo chầu, chuẩn bị làm lễ.
Người ta chuẩn bị đón tiếp Pết-lu-ra long trọng lắm. Có mang cả cờ vàng xanh da trời đến nữa. Lính mới hôm nay phải tuyên thệ trước mặt “đầu lĩnh trưởng”.
Tên chỉ huy sư đoàn ngồi trên chiếc xe “Pho” tàng, róc sơn, lòi sắt, chạy về phía nhà ga đón Pết-lu-ra.
Lão tổng thanh tra bộ binh ra hiệu gọi gã quan năm Séc-nhắc mảnh khảnh, có tí râu mép vểnh lên rất điệu:
Anh lấy một người đi theo. Chạy về đoàn bộ và hậu cần kiểm tra lại. Bố trí cho sạch mắt, cho tươm tất đâu vào đấy Nếu ở đấy có bọn tù thì sàng lọc lại xem. Bọn lem nhem thì tống cổ ra nhớ.
Séc-nhắc rập chân đứng nghiêm chào, rồi cùng một tên quan ba phi ngựa về đoàn bộ. Tên thanh tra quay lại vồn vã hỏi đứa con gái lớn lão cố đạo:
Còn cơm nước thế nào, cô? Chu tất rồi chứ?
Ngài không lo, có quan giám binh thân đến trông nom rồi ạ. – Con này đáp lời, hai mắt thèm thuồng đắm đuối nhìn tên thanh tra đẹp trai kia.
Bỗng tất cả náo động lên: một tên kỵ binh cúi rạp trên bờm ngựa, phi tới. Hắn vẫy tay và kêu lên:
Đến rồi !
Tên thanh tra liền hô:
– Đứng vào hàng!
Bọn cai đội chạy về chỗ.
Khi chiếc xe ô-tô “Pho” thở hổn hà hổn hển đỗ bên thềm nhà thờ, nhạc cử bài: Xứ U-cơ-ren vẫn sống mãi.
“Đầu lĩnh trưởng” Pết-lu-ra theo sau tên sư đoàn trưởng; nặng nề bước ra khỏi xe. Y người tầm thước, đầu bướu cắm chắc trên cái cổ đỏ gay, mặc áo Cô-dắc xanh bằng dạ tốt; lưng thắt dây da vàng, giắt khẩu Bơ-rao-ninh nhỏ xíu bên hông đựng trong túi bằng da hươu lộn. Đầu y đội mũ lưỡi trai kiểu “Kê- ren-ski”: có mang huy hiệu cái đinh ba sơn men. Trông hình dạng Xi-môn Pết-lu-ra chẳng có tướng nhà binh tí nào. Vẻ bực tức, y nghe tên thanh tra báo cáo rất ngắn. Sau đó tên thị trưởng đọc chúc từ.
Pết-lu-ra lơ đãng nghe; qua đầu tên thị trưởng, y nhìn xuống các trung đoàn quân trước mặt sắp thẳng hàng.
Y gật đầu ra hiệu cho tên thanh tra:
– Cho bắt đầu duyệt binh.
Y leo lên một cái bục nhỏ gần cột cờ hò hét với lính mươi phút. Y nói không hùng lắm, không có hứng, vì đi đường mệt. Y nói xong thì rắp theo lệnh chỉ huy, quân lính reo lên: “Vinh quang! Vinh quang!”. Y bước xuống và lấy khăn lau trán rồi cùng với tên thanh tra và tên sư đoàn trưởng duyệt các đơn vị.
Khi đi qua những hàng lính mới động viên, y nheo mắt khinh bỉ, cắn môi tỏ vẻ bực mình.
Duyệt binh gần xong, thì đoàn lính mới động viên từng trung đội một, hàng ngũ loạc choạc, đi gần tới cột cờ chỗ lão cố Vát-xi-li tay cầm sách bổn đứng làm phép, bọn lính hôn sách bổn, rồi hôn vào một góc lá cờ. Đang lúc làm lễ thì xảy ra một chuyện bất ngờ.
Một đoàn đại biểu không biết ở đâu mọc ra, len lỏi vào quảng trường, lù lù tới tận chỗ Pết-lu-ra. Đi đầu là lão Bơ-lúp-tanh, lái gỗ giàu sụ, lễ mễ bê lễ vật. Theo sau là lão chủ hiệu tạp hóa Phúc và ba tên lái buôn to khác. Bơ-lúp-tanh khúm núm cúi rạp lưng dâng lễ vật cho Pết-lu-ra:
Toàn dân Do-thái chúng tôi kính cẩn chào mừng ngài Quốc trưởng, đội ơn cao dày của ngài và tỏ lòng sùng bái ngài. Kính mong ngài chấp nhận cho tờ chúc từ của chúng tôi.
Tên đội đứng bên nhận lễ vật, Pết-lu-ra liếc qua tờ chúc từ, rồi lẩm bẩm:
Được
Bẩm tướng công, chúng con cắn cỏ lạy ngài thi ân cho chúng con được làm ăn buôn bán và che chở cho chúng con là người Do-thái khỏi bị những cuộc càn Do-thái – Lão Phúc khó khăn mãi mới dám nói đến tiếng “càn Do-thái” này.
Pết-lu-ra, mặt hầm hầm, cau mày khó chịu.
Quân đội ta không có càn Do-thái, các người phải biết thế mới được.
Lão Phúc buông thõng tay, tiu nghỉu.
Pết-lu-ra nhún vai bực tức, cáu cái đoàn đại biểu rất chướng này. Y quay phắt lại.
Đứng sau y, Gô-lúp đang mím môi cắn râu mép đen sì.
Đại tá dân kêu về lính của ông. Ông phải xét xem vì sao dân kêu, và thi hành những biện pháp cần thiết. – Rồi hắn quay lại tên thanh tra ra lệnh: Bắt đầu cho diễu binh. Đoàn đại biểu vô phúc có ngờ đâu lại chạm trán Gô-lúp ở đây, bèn vội vàng tìm cách lủi đi.
Lúc bấy giờ, mọi người đi xem đều chú ý vào bọn lính đang sửa soạn diễu binh. Tiếng chỉ huy thét lên cộc lốc.
Gô-lúp vẻ mặt bề ngoài cố trấn tĩnh, đón đầu Bơ- lúp-tanh, nói nhỏ nhưng dằn từng tiếng:
Xéo ngay đi chỗ khác, đồ ngoại đạo. Xéo ngay không ông cho băm thịt chúng mày làm ba-tê bây giờ.
Nhạc cử một bản hành khúc, và những đơn vị đầu tiên và đầu diễu. Khi đi ngang qua chỗ Pết-lu-ra đứng, chúng hô lên hai tiếng “Vinh quang!” như cái máy, rồi quay rẽ sang các phố bên. Đi đầu các đại đội là bọn cai đội mặc quần áo ka-ki mới, bước ung dung như đi dạo phố, tay ve vẩy chiếc gậy chỉ huy. Đây là lần đầu tiên bọn cai đội cầm gậy, cũng như bọn lính bồng súng, được học lối diễu binh như thế.
Cái đuôi sau rốt là lính mới động viên, đi loạc choạc, không biết bước theo lối nhà binh, vừa đi vừa xô đẩy nhau.
Tiếng chân đất lê trên đường nghe lào xào. Cai đội chạy ngược chạy xuôi để giữ hàng lối, nhưng không tài nào giữ được.
Khi đại đội hai đi qua, một gã đi rìa bên phải, mặc áo sơ-mi vải thô, mải há hốc mồm nhìn “đầu lĩnh trưởng”, vấp phải ổ gà, ngã sóng soài ra mặt đường. Súng của gã quệt vào đá kêu đến keng một cái. Gã lóp ngóp chực bò dậy, nhưng bị dòng người đi sau hỗn loạn kéo tràn qua đạp gã ta lại ngã giúi ngay xuống nữa.
Người đứng xem thấy thế cười bò ra. Cả trung đội của gã ta rối tung. Đám lính còn lại đi sau tán loạn. Gã thanh niên rủi ro kia nhặt súng đứng dậy chạy vội theo đội mình. Pết-lu-ra thấy cảnh tượng chán chường ấy, quay mặt đi không buồn nhìn nữa. .Y không chờ cho hàng quân đi diễu hết bỏ đi ra xe ô-tô. Tên thanh tra chạy theo sau khúm núm hỏi:
Đức đầu lĩnh trưởng, ngài không ở lại xơi cơm ạ?
Pết-lu-ra thốt ra tiếng gọn lỏn:
– Không.
Trong số những người trèo lên hang giậu sắt cao nhà thờ đứng xem diễu binh có Xéc-
gây, Va-li-a và Cơ-lim-ca.
Xéc-gây tay bíu chắc lấy cột giậu, đôi mắt hằn học nhìn bọn đứng ở dưới thềm.
– Va-li-a ơi, ta đi về thôi ! Hạ màn đến nơi rồi.
Xéc-gây tay buông song sắt tụt xuống, giọng khiêu khích, nói rất to. Những người đứng xem nghe câu nói, kinh ngạc ngoái cổ lại nhìn.
Xéc-gây thản nhiên, không để ý đến ai, cứ đi thẳng ra cửa. Em gái anh và Cơ-lim-ca đi
theo sau.
*
Quan năm Séc-nhắc và một quan ba đi theo phi ngựa đến đồn giám binh, nhảy phắt xuống. Chúng đưa ngựa cho tên lính hầu, rồi hộc tốc đi vào trại vệ sĩ. Séc-nhắc giọng hách dịch hỏi tên lính gác:
Đồn trưởng đâu? Tên lính ấp úng:
Con không biết, ông đồn đi đâu rồi ấy ạ.
Séc-nhắc đưa mắt nhìn một vòng gian phòng gác lộn xộn, bẩn thỉu, nhìn những giường, chăn đệm xộc xệch, trên có mấy tên lính Cô-dắc phất phơ nằm chỏng gọng. Có cấp trên vào mà bọn chúng cũng không thèm đứng dậy nữa. Séc-nhắc thét lên:
Sao bẩn như chuồng bò thế này? – Hắn la bọn lính đang nằm:
Bọn bay nằm đấy làm gì như đàn lợn xề mới đẻ xong thế?
Một tên lính Cô-dắc ngồi nhổm dậy, ợ một cái như người ăn quá no, rồi lè nhè bực tức:
Làm gì mà thét lên thế? Chúng tôi cũng có mồm biết thét được cả. Séc-nhắc chồm lên:
A, mày láo, mày có biết mày nói với ai không? Đồ ngu như bò! Tao là đại tá Séc-nhắc đây. Hiểu chưa? Đồ chó chết ! Đứng dậy ngay lập tức không có roi này ông quất ngay vào lưng bây giờ. – Séc-nhắc nóng tiết lồng lộn lên. – ông hẹn cho chúng mày một phút, chúng mày phải tức khắc vứt ngay những thứ bẩn thỉu này đi, dọn lại giường, rồi ngồi lại cho ra người một tí. Bộ đội gì mà như thế. Chẳng phải lính Cô-dắc nữa, mà thật là một lũ cướp đường.
Séc-nhắc tức giận tới cao độ; đụng phải chậu rác giữa đường, hắn bực quá lấy chân đá ngay.
Tên quan ba cũng phụ họa theo, chửi rủa lung tung, quất roi vun vút vào không khí, đuổi những tên lính đang nằm bò dậy.
Đức “đầu lĩnh trưởng” đang duyệt binh. Ngài có thể ghé vào đây. Quân bay hoạt lên xem nào, mau lên!
Bọn lính nhận ra câu chuyện trở nên quan trọng, không phải trò đùa, có thể ăn đòn thật vì uy danh Séc-nhắc thì ai mà không biết nữa. Chúng chạy đi dọn dẹp nhốn nháo lên như người phải bỏng.
Công việc bắt đầu chạy hăng.
Tên quan ba đề nghị với Séc-nhắc:
Bây giờ ta đi xem lại bọn tù. Chẳng hiểu chúng nhốt những ai ở đây! Nhỡ ra đức “đầu lĩnh trưởng” ngài ngó vào, thì lại có chuyện mất.
Séc-nhắc hỏi tên gác:
Đứa nào cầm chìa khóa? Mở ngay nhà pha xem nào!
Đồn trưởng sao đi đâu mất mặt! Cứ để ta chờ mãi hắn hay sao? Rồi Séc-nhắc ra lệnh:
Đi tìm đồn trưởng gọi về đây cho ta. Tập hợp đội vệ sĩ ra sân, sắp thẳng hàng lại… Tại sao súng không có lưỡi lê?
Tên quản phân trần:
Bẩm quan, chúng con mới đổi đến hôm qua.
Nói rồi, hắn chạy ra cửa, đi tìm đồn trưởng.
Tên quan ba lấy chân ẩy cửa nhà pha. Một vài người ngồi ở sàn đứng nhổm dậy,
những người khác vẫn nằm.
Séc-nhắc ra lệnh:
– Mở cửa ra, ở đây tối quá.
Hắn nhìn kỹ từng mặt người bị giam.
– Làm sao mà bị giam?
Hắn quắc mắt hỏi ông cụ già đang ngồi trên bục.
Cụ này đứng dậy, xốc lại cái quần, giọng lắp bắp sợ sệt trả lời ấp úng:
Bẩm ngài, lão không biết. Lão thấy dẫn đến đây thì ở đây. Ở nhà lão mất con ngựa, lão có tội gì đâu.
Tên quan ba ngắt lời:
Mất con ngựa của ai?
Ngựa của quân đội ạ. Các ông quyền đóng ở nhà lão bán nó đi lấy tiền uống rượu và bây giờ lại đổ tội cho lão.
Séc-nhắc liếc mắt rất nhanh, nhìn ông già từ đầu đến chân và nhún vai bực mình:
Nhặt quần áo, rồi xéo. – Séc-nhắc quát lên thế, rồi quay lại mụ nấu rượu.
Ông lão vẫn chưa tin là chúng tha mình, quay lại phía tên quan ba, chớp chớp cặp mắt lờ đờ hỏi lại:
Thưa, thế lão được về ạ? Tên quan ba gật đầu:
Ừ, bước đi ngay cho rảnh.
Ông lão vội vớ lấy cái túi treo ở bục, rồi lách ra cửa lủi mất.
Séc-nhắc đã hỏi đến mụ nấu rượu:
– Còn mụ kia, sao mụ bị giam ở đây?
Mụ hàng rượu nhai nghiến ngấu cho hết miếng ba-tê, rồi nói huyên thuyên:
Bẩm quan lớn, thật oan con. Con ở góa. – Các ông ấy đến nhà con uống rượu, rồi bắt giam con.
Séc-nhắc hỏi:
Tao nghe ra là mụ bán rượu chứ gì?
Sao gọi là bán được ạ? Như ông đồn trưởng đây lấy của con bốn chai, mà không trả xu nào cả. Các ông ấy thế cả, uống rồi quịt. Thế còn gọi là buôn bán sao được nữa ạ.
Thôi! Ta hiểu rồi? Mụ cút đi đâu thì cút, nhanh lên.
Mụ ta không để lũ quan ngụy phải nhắc lại lệnh của chúng lần thứ hai nữa, vớ lấy cái thúng, cúi lạy cảm ơn rối rít, rồi đi giật lùi ra cửa.
Đa tạ các quan. Xin trời phật phù hộ các ngài được mạnh khỏe. Đô-lin-nhích tròn xoe mắt nhìn tấn hài kịch đó.
Không ai trong những người tù ở đây còn hiểu như . thế là thế nào. Chỉ rõ một điều: chắc bọn mới đến là chỉ huy cao cấp gì đây nên mới có quyền thả tù như vậy. Séc-nhắc hỏi đến Đô-lin-nhích:
Còn tên kia, tại sao mày bị bắt?
Đứng dậy! Trước mặt đại tá phải đứng dậy! Đô-lin-nhích nặng nề, chậm chạp đứng dậy. Séc-nhắc hỏi lại:
Tao hỏi mày tại sao bị bắt?
Đô-lin-nhích nhìn bộ râu mép vểnh của tên quan năm đến mấy giây, nhìn cái mặt cạo nhẫn của hắn, rồi nhìn cái mũ lưỡi trai mới kiểu “Kê-ren-ki” có đính huy hiệu sơn men. Bỗng nhiên một ý nghĩ táo bạo thoáng qua trong óc: “May ra có thể ăn tiền đấy?” Và anh nói ra ý nghĩ vừa vụt đến trong đầu: – Tôi bị bắt vì tội đi chơi sau tám giờ tối.
Toàn thân căng thẳng đến đau đớn, anh chờ đợi.
Thế đêm hôm đi làm gì?
Bẩm lúc ấy chưa khuya, mới có mười một giờ thôi ạ. Miệng nói mà bụng vẫn không tin là thoát được. Nhưng đầu gối anh run lên khi nghe tiếng quát cộc lốc:
Cút!
Anh quên khuấy cả chiếc áo vét-tông, cứ thế đi ra cửa.
Lão quan ba đã hỏi sang người khác.
Pa-ven là người cuối cùng. Anh đang ngồi trên sàn, rất đỗi bàng hoàng không hiểu
chuyện ra làm sao nữa, cũng không đủ thời giờ để ngẫm nghĩ tại sao chúng lại tha cả
Đô-lin-nhích ra được. Không thể nào mà hiểu được. Chúng thả tất cả hay sao. Nhưng
sao lại thả Đô-lin-nhích?… Đô-lin-nhích bảo với chúng là bị bắt vì đi chơi khuya…
Pa-ven vụt hiểu ra.
Tên quan năm hỏi đến lượt bác thợ cạo Den-xe gầy nhom. Vẫn một câu hỏi đi hỏi lại đó:
– Còn mày, sao bị bắt?
Den-xe mặt tái mét, hồi hộp, hăng máu trả lời:
Các ông ấy bảo con tuyên truyền, con không hiểu con tuyên truyền cái gì cả. Séc-nhắc vểnh tai lên nghe:
Cái gì? Cái gì? Tuyên truyền à? Mày tuyên truyền cái gì?
Con có biết đâu, con chỉ nói người ta lấy chữ ký vào bản đơn kêu của dân Do-thái đưa lên đức “đầu lĩnh trưởng”.
Tên quan ba và Séc-nhắc nhích lại gần Den-xe:
Đơn kêu gì?
Dạ đơn xin cấm càn Do-thái. Ngài cũng biết ở đây vừa có một cuộc càn ghê người. Dân chúng khiếp đảm.
Séc-nhắc ngắt lời:
Ta hiểu rồi. Được muốn có đơn kêu chúng tao sẽ thảo đơn kêu cho mày, đồ Do-thái mạt kiếp.
Rồi Séc-nhắc quay lại bảo tên quan ba:
Giữ quân này cho ta cẩn thận, đem dẫn xa đi, đưa nó về ban tham mưu; ta sẽ nói chuyện thẳng với nó để xem chính đứa nào đầu têu cái việc đơn kêu này.
Den-xe chực nhoi lên cãi, song roi ngựa của tên quan ba đã quất vào lưng:
Câm mồm, thằng chó chết.
Bác thợ cạo đau nhăn mặt lại, lùi về góc phòng; môi run lên cố nén tiếng khóc nấc ứ lên cổ.
Khi cảnh cuối đó diễn ra thì Pa-ven đã đứng dậy.
Trong nhà giam chỉ còn mình anh và Den-xe. Séc-nhắc đã đứng trước Pa-ven, giương hai mắt đen hau háu nhìn anh từ đầu đến chân:
Thằng này, chuyện gì thế? Tiếng Pa-ven đáp nhanh:
Con cắt một miếng yên ngựa để làm đế giày. Tên quan năm không hiểu hỏi lại:
Yên ngựa nào?
Có hai ông lính Cô-dắc đóng ở nhà con, con chót dại cắt chiếc yên ngựa cũ để làm đế giày, cho nên các ông lính Cô-dắc bắt con đem đến đây. – Và hăng lên, với hy vọng ngây ngất được trả lại tự do, Pa-ven nói thêm: – Nếu con biết là không được lấy thì… Lão quan năm nhìn Pa-ven, bĩu môi khinh bỉ:
Không hiểu lão đồn trưởng giám binh làm cái ngỗng gì? Thật trời mà hiểu được ra làm sao! Bắt giam được những của quý thật? – Rồi hắn quay ra cửa, hét Pa-ven: – Thôi cho mày về nhà và nói với bố mày cho mấy cái phát vào mông đít. Ranh con, xéo! Pa-ven còn ngỡ là tai mình nghe nhầm và con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, anh nhặt cái áo vét tông của Đô-lin-nhích bỏ rơi trên sàn, rồi chạy ra cửa. Anh qua phòng gác và theo sau Séc-nhắc đang đi ra, anh vụt qua sân, rồi chạy qua cổng sắt và ra đường cái.
Trong nhà giam chỉ còn lại bác thợ cạo Den-xe đen đủi. Đau buồn tê tái, bác đưa mắt nhìn chung quanh.
Theo bản năng, bác đi mấy bước ra cửa, nhưng một tên lính gác đã vào khép cửa, khóa trái lại và ngồi trên chiếc ghế đẩu chắn ngay đó.
Đứng trên thềm nhà giam, Séc-nhắc rất lấy làm hài lòng, nói với tên quan ba:
Thật may mà chúng mình ngó đến đây. Mày xem chúng nhét vào đây đủ cóc nhái bỏ đi. Mình phải cho tên đồn trưởng giám binh ngồi tù ít nhất là hai tuần mới được. Thôi, ta đi chứ!
Tên quản đã tập hợp sẵn lính của nó sắp hàng ở cả ngoài sân. Thấy tên quan năm, hắn chạy lại báo cáo:
Bẩm quan đại tá, doanh trại xếp dọn đã xong đâu vào đấy rồi ạ!
Séc-nhắc cho chân vào bàn đạp, nhảy phắt lên yên ngựa. Còn tên quan ba thì vẫn loay hoay với con ngựa bất kham của nó. Séc-nhắc vừa lần dây cương, vừa bảo tên đội:
Mày bảo với đồn trưởng giám binh là tao đã thả hết cả lũ chó chết mà hắn thu nhặt bấy lâu nay. Mày nói thêm với hắn là tao sẽ cho hắn ngồi tù hai tuần vì tội để bẩn thỉu ở đây. Còn thằng đang bị nhốt kia thì điệu ngay lập tức sang tham mưu. Chúng bay thì chuẩn bị cho sẵn sàng!
Tên đội đáp lại, tay đưa lên ngang vành mũ:
Xin tuân lệnh quan đại tá.
Tên quan năm thúc ngựa cùng với tên quan ba phi lại quảng trường, nhưng diễu binh
đó đã xong từ lâu rồi.
*
Chạy qua được bảy nhà thì Pa-ven dừng lại. Không còn sức mà chạy tiếp nữa. Những ngày đói khát bị giam trong phòng ngột ngạt làm Pa-ven kiệt sức. Về nhà thì không được. Đến nhà Bơ-ru-giắc thì nhỡ ra có ai biết là có thể làm liên lụy, tan cửa nát nhà bạn. Vậy thì đi đâu bây giờ?
Anh không biết làm thế nào, cứ chạy, những vườn rau và sân sau các nhà đã lùi lại sau anh. Mãi đến khi chạm người vào hàng rào nhà ai đó, Pa-ven mới sực tỉnh.
Pa-ven đứng sững lại sửng sốt: sau hàng rào cao mà mình đang đứng tựa lưng đây lại chính là vườn nhà ông chánh kiểm lâm. Hóa ra đôi chân mỏi dừ của mình lại đưa mình đến đây. Mình đã định bụng đến đây hay sao ấy nhỉ? Không.
Nhưng tại sao mình lại đứng ngay trước biệt thự này mà không dừng chân đứng lại ở chỗ khác?
Anh không tài nào trả lời được câu hỏi đó.
Phải kiếm chỗ nào nghỉ chân cái đã, rồi còn nghĩ cách đi xa nữa. Trong vườn này có một vòm cây rất kín, nấp vào đấy chẳng ai thấy được đâu.
Pa-ven nhảy lên, bám lấy mép một thanh gỗ, trèo lên hàng rào rồi tụt sang bên kia.
Anh đưa mắt nhìn mái nhà thấp thoáng sau rặng cây rồi đi thẳng đến vòm cây. Nhưng
chỗ vòm cây trống trải quá. Dạo hè còn có nho dại phủ kín, giờ thì cây cối trơ trụi.
Anh định quay ra, nhưng muộn quá rồi: tiếng chó sủa dữ dội ở sau lưng. Một con chó
to từ trong nhà đang chạy hồng hộc theo lối đi đầy lá, xồ ra cắn anh, sủa oang cả vườn
lên.
Pa-ven đứng thế thủ.
Nó nhảy xổ vào nhưng bị Pa-ven lấy chân đá. Con chó lồng lên chực nhảy vào lần nữa. Thật cũng chẳng biết rồi sẽ ra sao, nếu lúc đó không có tiếng ai quá quen thuộc lanh lảnh la lên:
– Tơ-rê-do, chạy lại đây nào!
Tô-nhi-a chạy ra, cầm lấy vòng xích cổ lôi con chó Tơ-rê-do lại, rồi nói với bóng
người đang đứng bên hàng rào:
– Anh làm thế nào mà vào đây được? Con chó này hay cắn lắm đấy. May mà tôi…
Tô-nhi-a chưa nói hết câu đã im bặt, mắt mở to nhìn. Anh chàng trẻ tuổi không rõ làm
sao vào đây được này giống Pa-ven quá!
Bóng kia động đậy, khẽ hỏi lại:
– Em… cô không nhận ra tôi sao?
Tô-nhi-a reo lên một tiếng và bổ lại chỗ Pa-ven:
– Anh Pa-vơ-lu-sa, anh đấy ư?
Con chó Tơ-rê-do nghe tiếng chủ kêu tưởng là ra hiệu cho cắn, bèn nhảy xổ lên.
– Không được cắn, đi!
Tơ-rê-do bị Tô-nhi-a đá cho mấy cái, hục hặc cúp đuôi chạy vào trong nhà.
Tô-nhi-a nắm lấy tay Pa-ven hỏi:
Anh được tha hay sao?
Thế em cũng biết chuyện à?
Tô-nhi-a không nén được nỗi hồi hộp, cảm động, trả lời câu một:
Em biết hết, Li-da kể cho em nghe. Nhưng anh làm thế nào ra được? Người ta tha anh hay sao?
Pa-ven trả lời, giọng mệt mỏi:
Chúng tha nhầm, em ạ. Anh trốn khỏi nhà pha. Chắc bây giờ chúng đang truy nã. Anh cũng không định đến đây. Tình cờ trông thấy vòm cây kia anh tính vào ẩn để nghỉ một lát. – Rồi như để xin lỗi, Pa- ven nói thêm:
– Anh mệt lắm !
Tô-nhi-a nhìn anh một lúc lâu, chan chứa tình thương, trìu mến mặn nồng, vừa lo
lắng, vừa vui sướng… Tô-nhi-a siết chặt tay Pa-ven:
Anh Pa-ven, anh Pa-ven yêu quý, anh Pa-ven thân thiết bé bỏng của em, em yêu anh…anh có hiểu em không? Anh rất bướng của em. Tại sao tối hôm nọ anh lại đùng đùng bỏ về? Giờ anh phải vào nhà em. Em giữ anh lại, không cho anh đi nữa đâu. Anh ở nhà em yên ổn. Anh ở đây đến bao giờ yên thì thôi.
Pa-ven lắc đầu:
Nhỡ chúng tìm thấy anh ở nhà em thì làm thế nào? Anh không thể vào nhà em được. Tay Tô-nhi-a càng siết chặt, mi dài rung rung, mắt sáng lên.
Anh không vào thì chẳng bao giờ anh còn gặp được em nữa. Với lại, anh A-rơ-chom không có nhà, anh ấy đã bị chúng áp giải đi lái xe rồi. Các anh công nhân xe lửa đều bị chúng bắt đi làm cả. Anh tính đi đâu bây giờ mới được?
Pa-ven hiểu thấu lòng Tô-nhi-a lo lắng, nhưng mối lo sợ có thể gieo tai vạ cho người con gái mà anh yêu dấu khiến anh ngần ngại. Bao nhiêu thử thách đã làm anh kiệt sức mệt lả, bụng đói như cào làm Pa- ven không cưỡng lại được nữa: anh nghe theo. Trong khi Pa-ven ngả lưng ở ghế dài buồng Tô-nhi- a, thì Tô-nhi-a xuống nói chuyện với mẹ ở dưới bếp:
Mợ ơi, trên buồng con có anh Pa-ven Ca-rơ-sa- ghin là học trò con, mợ nhớ ra chứ? Con không dám giấu mợ điều gì. Anh ấy bị bắt vì đánh tháo cho một người lính thủy bôn-sê-vích. Anh ấy vừa trốn ra được, nhưng không có nơi nào ẩn cả.- Giọng Tô-nhi-a bắt đầu run: – Mợ ơi, con xin phép mợ đồng ý để anh ấy ở nhờ nhà ta, con van mợ! Đôi mắt Tô-nhi-a van lơn nhìn mẹ.
Bà mẹ thì nhìn mắt con như dò xét.
Được mợ cũng chẳng cấm con. Song con cho cậu ta ở vào đâu mới được?
Để anh ấy ở trong buồng con, nghỉ trên ghế dài. Song mợ đừng nói gì với cậu vội, mợ nhớ.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt con:
Con bấy lâu nay khóc mãi, thế ra là vì nó đấy?
Vâng ạ.
Nhưng nó mới ít tuổi đầu!
Vâng, song nếu anh ấy không trốn được thì cũng bị đem bắn như người lớn vậy. Pa-ven ở trong nhà làm bà mẹ không được yên tâm. Bà lo lắng về chuyện Pa-ven bị bắt, mà Tô-nhi-a thì rõ ràng là cảm mến cậu bé đó rồi và bà cũng lo lắng vì bà hoàn toàn không biết gì về Pa-ven hết.
Còn Tô-nhi-a thì bận tíu tít:
Phải cho anh ấy tắm, mợ ạ. Bây giờ con lo cho anh ấy tắm ngay. Anh ấy bẩn như người thợ mới ở lò ra… Đã lâu lắm rồi, anh ấy có được tắm rửa gì đâu.
Tô-nhi-a vội vã chạy đi đun nước, sắp quần áo và để khỏi phải nói nhiều với Pa-ven, cô đùng đùng dắt tay anh, dẫn vào buồng tắm.
Anh phải thay hết quần áo đi. Quần áo anh phải giặt mới được. Anh lấy quần áo kia mà thay.
Và Tô-nhi-a chỉ cái áo lính thủy cổ trắng kẻ dọc, cái quần ống rộng thùng thình đã gấp cẩn thận để trên ghế.
Pa-ven đưa mắt ngạc nhiên nhìn chung quanh. Tô-nhi-a mỉm cười:
Đây là quần áo giả trai ngày hội trá hình của em, chắc anh mặc vừa. Thôi em để anh tắm nhớ. Em xuống dọn cơm anh ăn.
Nói rồi đóng sập cửa. Pa-ven chỉ còn biết làm theo lời Tô-nhi-a cởi quần áo ra và nhảy vào chậu tắm.
Một giờ sau, bà mẹ, Tô-nhi-a và Pa-ven ngồi ăn cơm dưới bếp. Đói quá, Pa-ven ăn hết đĩa thứ ba mà không để ý. Mới đầu có mặt bà mẹ Tô-nhi-a, Pa-ven cũng ngượng, nhưng sau thấy bà niềm nở, anh đâm dạn ra.
Cơm xong, cả ba người sang buồng Tô-nhi-a. Mẹ Tô-nhi-a hỏi han Pa-ven, anh kể cho bà nghe những bước gian truân của mình. Nghe xong, mẹ Tô-nhi-a hỏi:
Thế em định thế nào bây giờ?
Con định gặp anh A-rơ-chom con, rồi đi khỏi đây.
Đi đâu?
Con định đi U-mân hay đi Ki-ép. Con chưa biết đi đâu Nhưng chắc chắn là phải đi khỏi đây mới được.
Pa-ven không tài nào ngờ được số phận mình có thể thay đổi nhanh như thế. Sáng còn bị nhốt ở nhà giam, bây giờ đã ở bên Tô-nhi-a rồi, mặc quần áo mới tinh và cái chính là đã được tự do.
Cuộc đời đôi khi xoay hẳn chiều lại như thế đấy: lúc thì bóng tối mù mịt trùm kín cuộc đời, lúc thì ánh sáng mặt trời lại tươi vui cười với bạn. Nếu không có mối lo bị bắt lại thì lúc này Pa-ven cảm thấy đúng là sung sướng hoàn toàn rồi.
Nhưng chính ngay giữa lúc này, lúc anh đang ở cái nhà rộng rãi và yên tĩnh này, thì chúng có thể bắt lại anh ngay ở đây.
Phải liệu đi, đến đâu cũng được, đừng ở lại đây nữa. Nhưng nào bụng có muốn rời nơi này đâu! Thật là oái oăm ! Lúc đọc truyện vị anh hùng Ga-ri-ban- đi thì mê thật! Cứ mơ ước được như Ga-ri-ban-đi. Tuy biết đời ông ta gian khổ lắm, bị đuổi khắp thế giới, nhưng vẫn thèm cuộc đời đó. Thế mà nếm mùi tra tấn ghê khiếp mới được bảy ngày mà đã thấy dài đằng đẵng như đến cả năm trường rồi.
Xem thế thì ra mình chẳng có tướng anh hùng.
Tô-nhi-a ngả đầu về phía Pa-ven hỏi:
– Anh đang nghĩ gì thế, anh?
Pa-ven có cảm tưởng như đôi mắt của người yêu xanh thăm thẳm vô cùng tận.
Tô-nhi-a ơi, em có muốn anh kể về Khơ-ri-chi-na cho em nghe không? Tô-nhi-a đon đả:
Anh kể đi.
Và từ hôm ấy, Khơ-ri-chi-na không trở lại nữa.
Đoạn cuối của câu chuyện, Pa-ven khó khăn mãi mới kể nốt được.
Trong phòng tịch mịch, chỉ có tiếng đồng hồ kêu tích tắc đều đều… Tô-nhi-a cúi đầu,
cắn chặt môi, cố giữ khỏi bật tiếng khóc.
Pa-ven nhìn người yêu, giọng quả quyết:
Anh phải đi ngay hôm nay.
Không, không, hôm nay anh không đi đâu cả.
Những ngón tay thon thon ấm áp của Tô-nhi-a khẽ lần mái tóc cứng của Pa-ven giật tóc anh trìu mến.
– Tô-nhi-a ạ, em phải giúp anh. Cần ra sở đầu máy xe lửa hỏi thăm tin tức anh A-rơ-
chom và đưa mảnh giấy anh viết cho Xéc-gây. Anh có khẩu súng ngắn giấu trên tổ
quạ. Anh không thể đến lấy được, nên muốn nhờ Xéc-gây đến lấy hộ. Em có giúp
được anh không?
Tô-nhi-a đứng dậy:
Được anh ạ. Em sẽ đi tìm Li-da, cùng với cô ta vào sở đầu máy. Thế anh viết cho Xéc-gây đi, em sẽ đưa đến. Anh ấy ở đâu? Nếu anh ấy muốn đến gặp anh thì nói là anh ở đâu được?
Suy nghĩ một lát, Pa-ven đáp:
Cứ bảo anh ấy chiều nay mang khẩu súng đến vườn nhà.
Đến khuya, Tô-nhi-a mới về, Pa-ven đã ngủ say. Tay ai vuốt trán làm Pa-ven thức dậy. Tô-nhi-a cười vui sướng:
Anh A-rơ-chom sắp đến ngay bây giờ. Anh ấy mới đi về. Có ông cụ đẻ ra Li-da bảo đảm, nên anh ấy được phép ra ngoài một tiếng. Đầu máy anh ấy lái còn đỗ trong sở. Em không thể nói được là anh ở đây chỉ bảo anh ấy đến đây, em có việc quan trọng lắm cần nhắn anh ấy. Kia kìa, anh ấy đã đến rồi!
Tô-nhi-a chạy ra cổng. A-rơ-chom thấy Pa-ven còn ngỡ là mắt mình trông nhầm, đứng sững lại ngay trước cửa. A-rơ-chom vào rồi. Tô-nhi-a khép cửa lại để cậu mình bị đau thương hàn nằm ở bên phòng giấy khỏi nghe tiếng.
Tay A-rơ-chom ôm chặt lấy Pa-ven, ghì em vào lòng, làm khớp xương Pa-ven kêu răng rắc:
Em Páp-ca của anh!
*
Thế là quyết định rồi: mai Pa-ven đi. A-rơ-chom thu xếp cho em ngồi vào đầu máy do bác Bơ-ru-giắc lái đi Ca-da-chin.
A-rơ-chom thường ngày tính khô khan, đã phải nôn nao trong lòng vì lo lắng cho em, không biết số phận em ra sao. Bây giờ thì lòng anh dạt dào vui sướng không sao kể xiết.
Vậy cứ thế em nhé. Năm giờ sáng mai, anh đón em ở nhà kho vật liệu. Lúc chất củi lên tàu thì em trèo lên ngồi luôn. Anh muốn nói chuyện nữa với em, song đến giờ phải về rồi. Mai anh lại ra tiễn em đi. Bây giờ các anh bị động viên, đang có biên chế thành tiểu đoàn lính thợ xe lửa, làm việc có lính mang súng đi kèm y như dưới thời giặc Đức vậy.
Anh từ giã em ra về.
Bóng tối trùm xuống rất nhanh. Xéc-gây sẽ đến đây bằng lối cổng vào vườn. Pa-ven đi đi lại lại trong phòng tối đợi Xéc-gây đến. Tô-nhi-a và mẹ còn ngồi ở đầu giường cậu Tô-nhi-a.
Pa-ven và Xéc-gây gặp nhau trong tối: hai bạn siết chặt tay nhau. Cả Va-li-a cũng đến. Ba người nói chuyện nhỏ:
Mình không mang khẩu súng đến cho cậu được. Sân nhà cậu giờ đầy lính ngụy đóng. Xe ngổn ngang. Chúng đốt lửa giữa sân. Thật chẳng làm thế nào leo lên cây có tổ quạ được cả. Không may thế đấy.
Pa-ven nói để bạn yên lòng:
Thôi cóc cần súng nữa. Có lẽ thế càng hay. Đi đường có súng, nó tóm được thì lại mất đầu. Song khi nào lấy được thì cậu phải cố lấy đi nhé. Thế nào cũng lấy đi đấy. Va-li-a nhích lại gần:
Bao giờ anh đi?
Mai, Va-li-a ạ, vào lúc mờ sáng.
Nhưng anh làm thế nào trốn ra được, nói cho em nghe với.
Pa-ven thì thầm kể lại qua loa chuyện vừa xảy ra.
Ba người trẻ tuổi chia tay nhau thân thiết quá. Xéc-gây không đùa như mọi khi nữa, lòng bồi hồi cảm động. Giọng Va-li-a nghẹn ngào mãi mới thốt ra:
Thôi, anh đi khỏe mạnh, anh Pa-ven nhớ. Đừng quên chúng em đấy! Bóng hai người bạn đi ra chìm ngay vào đêm tối.
Trong nhà lặng lẽ. Chỉ có tiếng đồng hồ buông tiếng tích tắc đều đều không mệt mỏi. Pa-ven cũng như Tô-nhi-a chẳng ai nghĩ gì đến đi ngủ cả: chỉ còn sáu tiếng nữa thôi, hai người đã phải xa nhau, và có thể sẽ không bao giờ được thấy lại mặt nhau nữa.
Thời giờ ngắn ngủi thế này, kể lể với nhau làm sao hết được trăm ngàn ý nghĩ và lời nói mà mỗi người mang nặng trong lòng.
Tuổi thiếu niên ! Tuổi thiếu niên tươi đẹp biết bao, khi bạn còn chưa biết gì đến khát
vọng, mà bạn chỉ mới cảm thấy mơ hồ trong những tiếng đập gấp gấp của trái tim; khi bàn tay của bạn run rẩy, sờ sợ, rụt nhanh lại, vì vô tình chạm vào ngực người bạn gái, khi tình bạn của tuổi niên thiếu còn ngăn được lòng bạn không để đi đến bước cuối của tình cảm. Còn gì trên đời có thể ngọt ngào hơn hai cánh tay người yêu đang quàng lên cổ bạn và cái hôn của ai nồng cháy, như có luồng điện phát ra.
Đây là cái hôn thứ hai từ khi đôi trẻ thân nhau. Ngoài mẹ ra, Pa-ven có được ai âu yếm bao giờ. Trái lại anh bị đòn, bị đánh nhiều. Và vì thế, anh càng cảm thấy hết sức thấm thía sự âu yếm của Tô-nhi-a.
Suốt cả cuộc đời vất vả cay nghiệt, Pa-ven có bao giờ biết trên đời có niềm vui sướng ấy. Người con gái này đây là hạnh phúc lớn trên đường đời anh đi. Anh ngửi mái tóc thơm và tưởng chừng như nhìn thấy mắt người yêu.
Anh yêu em lắm, Tô-nhi-a ạ. Anh không thể nói hết lòng anh với em được. Anh không biết nói thế nào.
Bao nhiêu ý nghĩ quên hết… Tấm thân mềm mại này chiều anh ngoan ngoãn biết bao nhiêu. Song tình bạn của tuổi thiếu niên vẫn là trên hết!
Em Tô-nhi-a, bao giờ yên hàn rồi, anh sẽ làm thợ điện. Nếu bấy giờ em vẫn không chê anh, nếu thật em yêu anh, chứ không phải chỉ thích cho vui thì anh sẽ là người chồng tốt của em. Anh sẽ không bao giờ đánh em. Nếu anh mà làm em khổ thì anh sẽ không sống làm gì.
Và sợ ôm nhau mà ngủ quên đi trong lòng nhau, đôi trẻ rời nhau, để mẹ khỏi nghĩ đến điều gì không tốt. Đôi bạn còn hứa với nhau sẽ không bao giờ quên nhau, rồi mới đi ngủ. Lúc ấy đã quá nửa đêm.
Sáng sớm, mẹ Tô-nhi-a đánh thức Pa-ven dậy. Anh nhảy thoắt xuống đất.
Giữa lúc Pa-ven vào phòng tắm lấy áo cũ của mình thay, đi giày và khoác chiếc áo vét-tông của Đô-lin- nhích ra ngoài, thì bà mẹ đánh thức Tô-nhi-a dậy.
Hai người vội vã ra đi trong sương mai ầm ướt;
họ đi về phía nhà ga, vòng vào kho củi. A-rơ-chom đang sốt ruột đợi hai người bên toa than chở đầy củi.
Khói phì lên phủ mờ cả đầu máy lớn. Đầu máy thong thả lại gần. Bác Bơ-ru-giắc từ trong ca-bin nhìn qua cửa sổ.
Phút biệt ly ngắn ngủi. Pa-ven bíu chắc lấy tay vịn thang xe, trèo bậc sắt lên tàu. Lên rồi, anh quay nhìn lại. Hai bóng thân yêu đứng ở lối chắn ngang đường tàu: thân hình cao lớn của A-rơ-chom và bên cạnh là Tô-nhi-a thon thon, nhỏ bé.
Gió mạnh như giận dữ thổi phần phật vào cổ áo và làm bay ngược mớ tóc bồng màu hạt dẻ của Tô- nhi-a. Tô-nhi-a vẫy tay, không nén được thổn thức. A-rơ-chom liếc nhìn cô bé, thở dài:
“Nhất định hai đứa bé phải lòng nhau rồi. À, tay Pa-ven này, thế mà bảo nó còn bé bỏng”.
Khi con tàu đã khuất vào đường ngoặt, A-rơ-chom quay lại phía Tô-nhi-a:
– Từ nay, chúng ta là chỗ thân tình cả.
Và bàn tay bé nhỏ của Tô-nhi-a lọt thỏm trong bàn tay to tướng của A-rơ-chom.
Từ xa vọng lại tiếng ầm ầm của con tàu chạy gấp lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.