Thép Đã Tôi Thế Đấy
PHẦN 2 – CHƯƠNG 2
Giu-khơ-rai trầm ngâm suy nghĩ; anh rút tẩu thuốc lá đang ngậm ở miệng ra và khẽ lấy ngón tay sờ vào tàn thuốc. Tẩu đã tắt ngóm.
Chừng mười điếu thuốc lá tỏa khói xám, cuộn khúc trên cao gần những ngọn đèn trần bóng mờ, lượn trên chiếc ghế bành của đồng chí chủ tịch Ban chấp hành tỉnh. Nét mặt những người ngồi quanh bàn trong góc phòng làm việc trông chỉ thấy lờ mờ như bị một làn sương nhẹ bao phủ.
Tô-ca-rếp ngồi cạnh đồng chí chủ tịch Ban chấp hành, ngực tì vào bàn. Ông già bứt chòm râu, cử chỉ đầy vẻ bực tức. Chốc chốc Tô-ca-rếp lại đưa mắt liếc nhìn một tên hói trán lùn tịt: tên này giọng the thé đang nói liến thoắng hàng tràng những câu rỗng tuếch như trứng đã mút hết lòng.
A-kim bắt gặp cái liếc mắt của người thợ nguội già Tô-ca-rếp, cái nhìn đó làm anh nhớ lại thời thơ ấu: hồi đó nhà bố mẹ anh có một con gà chọi, anh thường gọi đùa là “con Móc mắt”. Trước khi nhảy xổ vào đối thủ, con gà chọi ấy cũng nhìn như kiểu Tô-ca-rếp đang nhìn bây giờ.
Cuộc họp tỉnh ủy đã kéo dài hơn một tiếng rồi. Tên hói trán là chủ tịch ủy ban vận chuyển gỗ củi. Hắn vừa lấy những ngón tay rất nhẹn lật lật tập giấy, vừa nói thao thao:
Chính vì những lý do khách quan ấy mà quyết nghị của tỉnh ủy và của cục quản lý đường sắt không thể thực hiện được. Tôi xin nhắc lại: dù hạn cho một tháng nữa, chúng tôi cũng không thể cung cấp được hơn bốn trăm thước khối củi gỗ. Còn con số mười tám vạn thước khối mà các đồng chí ấn định thì là… – Tên hói trán nghĩ để tìm ra tiếng muốn nói. – Thì là chuyện không tưởng! – Nói xong hắn mím cái miệng nhỏ xíu mắm môi lại, vẻ bực tức.
Im lặng thấy càng kéo dài.
Giu-khơ-rai lấy móng tay gõ cái tẩu cho tàn thuốc rơi ra. Giọng khàn khàn trong cổ họng Tô-ca-rếp phá tan không khí im lặng:
Cần quái gì phải nhai đi nhai lại mãi như thế. Anh bảo rằng ở ủy ban vận chuyển gỗ của anh trước đây không sẵn củi, giờ cũng không có nốt và sau này các anh cũng không đào đâu ra được . . . Có phải anh nói thế không?
Tên hói trán nhún vai:
Xin lỗi đồng chí, củi thì chúng tôi đã trữ sẵn, chỉ phải cái không có xe chở đi. . . – Hắn ho lên một tiếng, lấy khăn tay kẻ ô vuông ra lau cái trán bóng. Lau xong, bàn tay lần mãi không thấy túi áo đâu, hắn bực mình nhét cái khăn vào cặp giấy.
Đê nhếch-cô từ góc phòng lên tiếng:
Thế anh đã tìm cách gì để chở củi chưa? Vì từ khi bọn phụ trách chuyên môn dính vào cuộc âm mưu phiến loạn bị bắt đến nay kể đã lâu rồi còn gì!
Tên hói trán quay lại phía Đê-nhếch-cô:.
Tôi đã ba lần báo cáo với cục đường sắt là không có phương tiện vận tải thì không làm ăn gì được…
Tô-ca-rếp ngắt lời hắn:
Cái đó chúng tôi đều đã nghe lắp đi lắp lại mãi rồi – Tô-ca-rếp hằn học nhìn hắn, giọng bực tức ra mặt – Thế ra anh cho chúng tôi là đồ ngu cả hay sao?
Câu hỏi ấy làm cho tên hói trán thấy lạnh cả gáy. Lần này hắn hạ thấp giọng nói khẽ:
Tôi không chịu trách nhiệm về những hành động của bọn phản cách mạng.
Nhưng anh hẳn phải biết là nơi các anh cho đốn gỗ ở cách đường xe lửa quá xa.
Tôi có nghe nói thế, song đấy không phải là phạm vi tôi phụ trách, nên tôi không thể báo cáo cấp trên về tình trạng bất thường xảy ra ở phạm vi người khác được. Chủ tịch hội đồng công đoàn hỏi:
Anh có bao nhiêu người làm?
Gần hai trăm.
Thế ra một năm mỗi tên ăn hại chỉ làm được độc một thước khối! Chủ tịch công đoàn nói tiếp:
Chúng tôi đã cấp phát cho ủy ban vận chuyển của các anh khẩu phần lương ăn gấp đôi, chúng tôi phải rút của anh chị em công nhân để cấp cho các anh như thế, ngược lại thì các anh làm được những gì? Hai toa bánh mì đưa cho các anh để phát cho công nhân, các anh đã nhét đâu mất?
Những câu nói từ bốn phía dồn dập trút lên đầu tên trán hói, nhưng hắn ta tìm cách đánh lảng như con nợ trốn chủ nợ.
Hắn nói quanh co, trơn tuột như chạch, không trả lời thẳng, mắt lấm lét nhìn sang hai bên. Hắn đã cảm thấy nguy đến nơi rồi. Rúm mình trong nỗi lo sợ hoảng hốt, hắn chỉ ước muốn một điều độc nhất: chóng rời khỏi được chốn này để về ăn bữa cơm chiều thịnh soạn với con vợ còn trẻ của hắn giờ đây đang đọc cuốn truyện của Pôn-đờ-cốc để giết thời giờ.
Giu-khơ-rai vừa chú ý nghe những câu trả lời của hắn, vừa ghi vào tờ giấy sổ tay: “Phải điều tra kỹ thằng cha này hơn, đây không phải đơn thuần là vấn đề thiếu tích cực. Đã có một số tài liệu về hắn… Thôi, nói chuyện với hắn đã đủ rồi. Để hắn cút đi cho rảnh. Còn chúng ta thì bắt tay vào việc của ta đi thôi”.
Đồng chí chủ tịch Ban chấp hành đọc mảnh giấy ghi mấy hàng chữ đó và nhìn Giu-khơ-rai gật đầu.
Giu-khơ-rai đứng dậy đi ra phòng ngoài gọi dây nói. Lúc anh trở vào, chủ tịch Ban chấp hành đã đọc đến đoạn cuối của nghị quyết.
” Cách chức toàn ban phụ trách cơ quan vận chuyển gỗ vì hành động phá hoại hiển
nhiên. Đưa vụ đốn gỗ này ra tòa”.
Cơ sự đã không đến nỗi nguy như hắn chờ đợi. Thật ra, cách chức vì phá hoại thì chắc là đặt vấn đề nghi ngờ lòng trung thành của hắn, nhưng đấy chẳng qua là chuyện vặt. Còn việc đốn gỗ ở công trường Bai-a-rơ-ca thì hắn không phải lo, vì nó không phải phạm vi của hắn. “Chà mình cứ tưởng là tụi nó đã lần ra được manh mối gì rồi kia…” Hắn gần như đã yên trí lắm, vừa cho giấy má vào cặp vừa nói:
Phải, tôi là một nhà chuyên môn ngoài Đảng, nên các anh có quyền không tin tôi là phải. Nhưng lương tâm tôi trong sạch. Tôi không làm được việc chỉ vì thực tế tôi không thể làm nổi thôi.
Không ai trả lời hắn. Hắn bước ra, vội vã xuống thang gác và mở cửa ra phố, thấy nhẹ nhõm cả người.
Một người mặc áo khoác bộ đội hỏi hắn:
Vị cho biết tên là gì?
Hắn chột dạ trả lời ấp úng:
– Séc…vin-ski…
Phần tử lạc loài ấy vừa ra khỏi, trong phòng giấy của chủ tịch Ban chấp hành tỉnh, mười ba cái đầu chụm sát vào nhau trên chiếc bàn lớn. Giu-khơ-rai ấn ngón tay trên tấm bản đồ mở rộng:
Các đồng chí xem… Đây là ga Bai-a-rơ-ca, cách chỗ lấy gỗ bảy dặm. Ở đấy có hai mươi mốt vạn thước khối gỗ đang xếp đống. Đội quân lao động đã khó nhọc tám tháng trời, mất bao nhiêu là công lao động. Kết quả thế nào? Chúng nó đã phản ta, xe lửa và thành phố vẫn không có củi để đốt. Gỗ đốn rồi phải chở sáu dặm đường nữa mới tới được nhà ga. Muốn thế phải dùng ít nhất là năm nghìn xe ngựa chở suốt một tháng, mà phải chở mỗi ngày hai chuyến mới được. Thôn gần nhất ở đấy cũng cách mười lăm dặm. Lại phải cái vạ tên O-rơ-lích và lũ phỉ lâu la của hắn luôn quấy phá ở những vùng này. Các đồng chí có hiểu tình hình như vậy là thế nào không?. . . Thế này đây: theo kế hoạch thì đáng lẽ công trường khai thác gỗ bắt đầu từ đây và làm dần về phía nhà ga. Nhưng quân khốn nạn chúng nó lại vào mãi tận rừng sâu mở công trường. Chúng đã tính sát: chúng ta không thể nào chở gỗ đã chặt tới đường sắt được. Thật thế, chúng ta cũng chẳng đào đâu ra lấy trăm chiếc xe ngựa. Chúng đã chơi chúng ta những đòn như thế đấy. Lợi hại chẳng kém gì cái ban bạo động của chúng. Quả đấm nắm chặt của Giu-khơ-rai nặng nề rơi chát xuống tấm bản đồ.
Cả mười ba người đều tưởng tượng thấy rất rõ tai họa đang ập đến, tai họa mà Giu-khơ-rai không nói ra. Mùa đông đã kề bên cửa. Nhà thương, trường học, các cơ quan và hàng trăm ngàn nhân dân lâm vào cảnh gió rét cắt da mà không củi đốt, còn ở các nhà ga, hành khách đông như kiến mà xe lửa mỗi tuần chỉ chạy được có một chuyến. Mỗi người suy nghĩ miên man.
Giu-khơ-rai buông nắm tay ra:
Có một biện pháp, các đồng chí ạ: phải làm cho xong trong vòng ba tháng một con đường sắt nhỏ từ ga tới chỗ đẵn gỗ – bảy dặm. Tính thế nào để trong một tháng rưỡi thì đã làm được đến đầu chỗ đẵn gỗ. Việc này tôi đã nghĩ tám ngày nay rồi… Muốn làm được thì… Giọng Giu-khơ-rai rít lên trong cổ họng khô – Thì cần ba trăm năm mươi công nhân và hai kỹ sư. Ở kho đoạn đầu máy Pu-sa Vô-đi-xa, chúng ta đã có sẵn đường ray và bảy chiếc đầu máy do thanh niên cộng sản tìm được. Trước chiến tranh người ta đã định đặt một con đường sắt nhỏ từ đấy vào thành phố. Nhưng ở Bai-a-rơ-ca, công nhân không có chỗ ở tại đấy chỉ có độc một cái trường lâm nghiệp cũ đã đổ nát ở mãi tít trong rừng. Phải chia công nhân thành từng toán đến làm việc, hai tuần thay phiên một lần, vì mỗi phiên làm lâu hơn nữa thì không chịu nổi. Ta phải phái các đoàn viên thanh niên cộng sản đến đấy, anh A-kim thấy thế nào?
Và không đợitrả lời, Giu-khơ-rai nói tiếp:
Đoàn thanh niên cộng sản phải cố hết sức điều động tất cả những đoàn viên nào có thể điều động được đến đấy trước hết là tổ chức đoàn ở Xô-lô-men- ca và một bộ phận ở trong thành phố. Nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng nếu giải thích cho lứa trẻ biết rằng có thế mới cứu được thành phố khỏi chết rét, cứu được đường xe lửa khỏi bị tê liệt thì bọn trẻ sẽ làm bằng được.
Đồng chí phụ trách đường sắt lắc đầu tỏ vẻ không tin, giọng đồng chí mệt mỏi:
Không biết giải quyết thế có ổn hay không. Tôi tính không tài nào làm được đoạn đường sắt dài bảy dặm, trên một khoảng đất không trơ trụi, trong hoàn cảnh hiện nay đang tiết trời mùa thu, sắp bắt đầu có mưa rồi, lại sắp mùa đông tháng giá… Giu-khơ-rai, không quay lại nhìn đồng chí ấy cắt ngay:
Đồng chí An-đrây Va-xi-li-ê-vích ạ, đồng chí cần phải để tâm săn sóc hơn việc đốn gỗ! Còn con đường này, chúng ta sẽ làm được.. Chẳng có ai lại chịu ngồi khoanh tay chờ chết rét đâu.
*
Những hòm dụng cụ cuối cùng đã xếp lên toa xe. Người làm trên xe lửa, ai nấy đã về phần việc của mình rồi. Ngoài trời mưa nhỏ hạt, buốt cóng. Những giọt mưa trong như những hạt pha lê lăn trên chiếc áo da ướt bóng loáng của Ri-ta.
Từ biệt Tô-ca-rếp, Ri-ta bắt chặt tay đồng chí già. và khẽ nói:
Chúc các đồng chí thành công.
Cụ già ngước hàng lông mày xám, thân thiết nhìn Ri-ta. Cụ nói lẩm bẩm, thốt lên những tiếng như đáp lại ý nghĩ của chính mình:
Phải, cái quân khốn ấy đã làm chúng mình mất ăn mất ngủ. Ở đây các đồng chí phải để ý theo dõi. Nếu bên chúng tôi có chuyện gì rắc rối thì bất cứ việc gì cần đến, các đồng chí phải giúp ngay một tay mới được. Vì cái lũ đểu ấy không có làm cái gì mà không ba hoa kiểu cách ngoài miệng bao giờ. Thôi, tàu sắp chạy, già phải lên rồi, con ạ.
Ông già khép chặt cái áo vét-tông lại. Phút cuối cùng, Ri-ta làm ra vẻ vô tình hỏi:
Kìa, thế Pa-ven không cùng đi với các đồng chí hay sao? Trong đám anh chị em đi đây, chẳng thấy anh ấy đâu cả.
À, cậu ấy hôm qua đã cùng đồng chí phụ trách công trình ngồi xe goòng đi trước để chuẩn bị cho chúng tôi tới sau.
Trên sân ga, Giác-ki và Đu-ba-va đang vội vã đi lại phía cụ Tô-ca-rếp và Ri-ta. Cùng đi với họ có cả An-na Bô-khác, áo ngắn mặc ngoài vắt thõng ngang vai, những ngón tay mảnh khảnh của chị cặp một điếu thuốc lá đã tắt.
Nhìn về phía ba người đang đi tới, Ri-ta hỏi rốn cụ Tô-ca-rếp:
Pa-ven học với bác ra sao rồi, bác?
Học gì? Cậu ấy lâu nay do cháu hướng dẫn học tập cơ mà? Đã nhiều lần cậu ta nói với bác về cháu đấy. Thằng bé nó khen cháu không ngớt lời.
Ri-ta nghe ông cụ nói, bụng vẫn chưa tin.
Có thật thế không, đồng chí Tô-ca-rếp? Theo cháu biết, anh ấy vẫn thường đến nhà bác để nhờ bác giảng lại bài cháu hướng dẫn.
Ông già phá ra cười:
Đến nhà bác à?… Tôi có thấy cậu ấy đến hỏi tôi bao giờ đâu!
Đồng chí Ri-ta ơi ! Đồng chí để cho bố già đi với chúng tôi thôi chứ. Ai lại cứ giữ mãi ông cụ lại mà chuyện thế ! Không có bố già thì chúng tôi biết làm ăn thế nào? Anh chàng người Tiệp Khắc đó còn đang muốn nói thêm gì nữa, nhưng nhận ra ba đồng chí đang đi đến gần toa xe, anh im ngay. Trong khoảnh khắc, đôi mắt anh bắt gặp cái nhìn lo lắng của An-na; trông thấy An-na mỉm cười từ biệt Đu-ba-va, anh rời cửa sổ quay phắt ngay vào trong toa, lòng buồn rười rượi.
*
Mưa thu quất vào mặt người. Những đám mây xám nghịt mọng nước kéo lê thê trên nền trời thấp. Cảnh thu muộn, những cánh rừng đã trút hết lá. Hàng cây cổ thụ đứng chau mày, giấu lớp vỏ nhăn nheo dưới màng rêu màu nâu. Mùa thu tàn nhẫn đã lột trần bộ áo sặc sỡ tươi màu của rừng để thân cây đứng trơ trụi và hốc hác.
Ga xép hiu quạnh này náu mình chính giữa rừng vắng. Từ ke bốc hàng lát đá, mới đắp thêm một dải đất lầy nhầy chạy về phía rừng. Chung quanh, người hì hục làm, đông như kiến.
Bùn nhầy nhụa, dính lấy mỗi bước đi. Ủng da lội bì bà bì bõm nghe lớp nhớp khó chịu. Người ta hùng hục xúc đất, đổ nền. Xà beng chạm loảng xoảng, cuốc bổ vào đá chan chát.
Mưa tuôn như rây bột. Hạt mưa lạnh thấm qua quần áo. Mưa đang cuốn đi công trình lao động của con người. Đất thó vữa ra như cháo đặc sệt cứ từ những chỗ mới đắp tùn
xuống.
Quần áo bị ướt sũng, vừa nặng, vừa lạnh buốt. Nhưng ngày này qua ngày khác, người ta vẫn cố làm rốn đến tận tối mịt mới nghỉ tay.
Dải đất mới đắp mỗi ngày một chui thêm mãi vào rừng sâu.
Cách nhà ga không xa, ngôi nhà đá sừng sững đứng trơ xương, trông dữ tợn. Những thứ gì có thể dỡ được, tháo được hoặc phá được thì đã bị lấy trộm đi từ bao giờ rồi. Các cửa sổ, cửa ra vào giờ chỉ còn là những lỗ hổng. Các cửa lò dưới bếp chỉ còn là những khoảng đen ngòm. Mái nhà trơ những khe, lỗ, để lộ ra kèo cột bên trong. Chỉ có nền nhà bằng bê-tông của bốn phòng rộng là còn nguyên thôi. Tối đến, bốn trăm con người quần áo ướt sũng, bê bết bùn lầy, chen chúc nhau nằm lên đấy rét run cầm cập. Người ta đứng lại ngoài cửa vắt quần áo, từng dòng nước bùn đục rỏ tong tong xuống đất. Họ nguyền rủa trời mưa gió, cảnh lầy lội. Trên ổ rơm rải mỏng dính lên nền bê-tông, họ nằm thành hàng san sát quắp lấy nhau mà ngủ cho ấm. Quần áo bốc hơi ngùn ngụt mà không tài nào khô được. Cửa sổ mất kính, che tạm bằng mấy chiếc bao tải, nước mưa hắt vào rỉ xuống nền nhà. Từng cơn mưa đổ hồi như trống giục, trút nước lên những mảnh tôn còn lại trên mái; gió gào luồn qua khe liếp chặn cửa, thổi ùa vào trong.
Sáng dậy, đoàn người kéo đến túp lều xiêu vẹo xưa kia là bếp; họ làm một bát nước chè rồi ra công trường. Trưa nào cũng chỉ độc một món đậu nấu không chán ngấy với sáu lạng bánh mì đen thui như than đá. Thành phố chỉ có thể cung cấp cho họ được đến thế thôi.
Phụ trách công trình là ông già Va-lê-ri-an Pa-tô- sơ-kin, người cao lớn khô đét, hai má hóp nhăn nheo. Cán bộ kỹ thuật là Va-cu-lên-cô, người lùn tịt, mũi sư tử ngồi chòm chõm trên khuôn mặt xương xẩu như lấy rìu mà đẽo vậy. Họ đều ở nhờ nhà người trưởng ga.
Tô-ca-rếp ngủ ở trong phòng đồng chí công an đặc biệt công tác ở ga này. Đồng chí ấy tên là Khô-li-a- va, có hai cẳng ngắn ngủn, tính người cựa quậy luôn chân luôn tay, y như giọt thủy ngân.
Đoàn người xây dựng đường sắt kiên cường chịu đựng mọi sự thiếu thốn.
Nền đường mới đắp mỗi ngày một thọc sâu vào rừng.
Trong đoàn đã có chín người đào ngũ. Mấy ngày sau lại có năm người nữa bỏ trốn.
Sang tuần thứ hai, công trường bị nó chơi một vố đầu tiên: chuyến tàu chiều từ tỉnh
lên không chở bánh mì cho công trường.
Đu-ba-va đánh thức cụ Tô-ca-rếp dậy và báo tin ấy cho đồng chí.
Người bí thư già của Đảng bộ công trường buông thõng hai chân đầy lông xuống đất, tay gãi sồn sột vào nách một cách giận dữ. Đồng chí vừa mặc quần áo vừa lẩm bẩm: – Chúng đã giở trò rồi!
Vừa lúc ấy, anh chàng Khô-li-a-va béo tròn như một quả bóng lăn vào. Tô-ca-rếp liền
ra lệnh cho anh ta:
Đi nhanh ra dây nói, gọi đến Ban đặc biệt. – Rồi quay lại dặn Đu-ba-va: – Còn cậu thì đừng có hở cái việc bánh mì này cho một ai nhé !
Mất nửa tiếng quặc nhau với các nhân viên tổng đài điện thoại, nhờ thái độ cương quyết, Khô-li-a-va đã liên lạc được với đồng chí phó chủ nhiệm Ban đặc biệt là Giu-khơ-rai. Nghe thấy Khô-li-a-va cãi nhau hoài với các nhân viên tổng đài, Tô-ca-rếp sốt ruột quá giậm chân thình thịch.
Tiếng Giu-khơ-rai thét lên trong ống nói:
Sao? Không chở bánh mì tới à? Được, để tôi hỏi ngay lập tức xem ai làm ra cái chuyện này?
Tô-ca-rếp bực tức la to vào máy:
Đồng chí cho tôi biết ngay điều này thì hơn: mai chúng tôi lấy gì cho anh em ăn đây. Giu-khơ-rai suy nghĩ. Một lát khá lâu sau, ông già bí thư Đảng ủy công trường nghe đáp lại:
Bánh mì, chúng tôi sẽ chở đến ngay đêm nay. Tôi sẽ phái Guy-gô đánh xe tới, cậu ấy biết đường. Sáng mai, các đồng chí sẽ có bánh ăn.
Tờ mờ sáng hôm sau, một chuyến xe bùn bắn bê bết chở bánh mì tới ga. Lít-kê con, mệt nhoài, bước ra khỏi xe, mặt mày phờ phạc vì suốt đêm không ngủ.
Cuộc đấu tranh để làm xong con đường ngày càng gay go quyết liệt. Phân cục đường sắt báo cho biết là không có tà vẹt. Ở thành phố thì không đào đâu ra phương tiện để chuyển đường ray và đầu máy đến công trường. Ngay đến cả các đầu máy nhỏ cũng cần phải sửa chữa lại khá nhiều mới chạy được. Toán công nhân thứ nhất sắp hết hạn, thế mà toán đến thay phiên vẫn chưa thấy mặt đâu cả. Không thể nào cứ giữ những người đã kiệt sức này ở lại làm tiếp được nữa.
Trong nếp nhà cũ kỹ, dưới ánh đèn dầu le lói, hội nghị cán bộ kéo dài cho đến tận khuya.
Sáng sớm hôm sau, Tô-ca-rếp, Đu-ba-va, Cơ-la-vi- sếch mang sáu người về thành phố để chữa đầu máy và lấy đường ray. Cơ-la-vi-sếch nguyên là công nhân nướng bánh mì nên được phái đến ban tiếp phẩm để kiểm tra, còn những anh em khác thì đi cả về Pu- sa Vô-đi-sa.
Mà mưa thì vẫn trút xuống.
*
Pa-ven vất vả mới rút được chân ra khỏi vũng vùn nhầy nhụa. Cảm thấy bần chân bỗng nhiên tê buốt, anh biết là chiếc đế giày mục đã tụt mất hẳn rồi. Ngay từ ngày đầu tới đây cho đến giờ, anh đã khổ sở vì đôi giày ống hỏng, đôi giày lúc nào cũng ướt sũng, cũng bết bùn. Bây giờ thì một chiếc đã mất hẳn đế, bàn chân giẫm thẳng trong bùn lạnh thấu xương. Chân tê giá quá chừng, anh không còn sức để làm việc nữa. Anh móc chiếc đế giày mới tụt ra khỏi bùn, nhìn nó mà thất vọng. Anh quên cả lời anh tự
hứa với mình hôm trước, buột mồm văng tục chửi rủa,. rồi bỏ đi vào túp lều nay dùng làm bếp. Ngồi cạnh bếp, anh tháo chiếc tất ướt đầm đìa ra và hơ bàn chân đã tê cứng vào lửa.
Chị Ô-đác-ca, vợ bác gác đường sắt, được người cấp dưỡng đưa vào làm phụ, đang thái củ cải trên chiếc bàn nhà bếp. Trời phú cho chị vợ còn trẻ ấy của bác gác đường sức vóc hơn người, đôi vai lực điền, bộ ngực dữ như vâm, đôi hông dư sức, thẳng đứng. Chị ta đưa dao thoăn thoắt, đống rau thái rồi chẳng mấy chốc đã chất cao trên bàn.
Thấy mặt Pa-ven, chị ta nhìn có vẻ khinh bỉ và hằn học hỏi:
Định đến chực ăn đấy à? Còn hơi sớm một chút. Chắc lại trốn việc chứ gì? Mà sao lại thò chân vào đấy? Đây là nhà bếp chứ có phải nhà tắm đâu.
Chị ta đang chửi Pa-ven thì đồng chí cấp dưỡng đứng tuổi bước vào. Pa-ven giải thích tại sao mình lại vào bếp:
Chiếc giày ống của tôi tan nát mất rồi.
Đồng chí cấp dưỡng nhìn chiếc giày ống rách nát và hất đầu về phía chị Ô-đác-ca:
Chồng chị ấy cũng võ vẽ nghề thợ giày đấy, nói bác ta khâu hộ cho, kẻo ở đây không có giày thì tong đời.
Nghe nói, chị Ô-đác-ca nhìn Pa-ven và cảm thấy hơi ngượng. Chị thú thật:
Thếmà tôi đã tưởng lầm là anh trốn việc vào đây.
Pa-ven cười. Đến lượt chị Ô-đác-ca ngắm nghía chiếc giày có vẻ là tay lành nghề lắm:
Giày này chồng tôi chẳng buồn chữa đâu, giầy thế này chữa chỉ toi công. Thôi để tôi mang đến cho anh một chiếc giày cao-su cũ, tôi thấy bỏ vương ở nhà tôi ấy. Anh xỏ vào cũng đỡ lạnh chân. Chứ ai đời lại để giầy không có đế mà đi được, thật tội nợ. Nay mai lại sắp đại hàn, giày với dép như thế thì anh đến quỵ mất.
Lần này thì chị Ô-đác-ca nói có chiều thương hại Pa-ven lắm. Và chị đặt dao xuống, đi ra.
Một lát, chị mang về chiếc giày cao su đi tuyết và một miếng vải băng. Chân hơ nóng, lấy vải bọc lại, thọc vào giày rồi, Pa-ven lặng nhìn chị Ô-đác-ca thầm tỏ ý cảm ơn. Tô-ca-rếp ở tỉnh về, nét mặt hầm hầm, giận dữ.
Đồng chí triệu tập các cán bộ lại nhà Khô-li-a-va và báo cho mọi người biết những tin chẳng có gì là phấn khởi cả. Đồng chí báo cáo với anh em:
Chỗ nào cũng ỳ ra. Đi đến đâu cũng thấy bánh xe quay nhưng quay chổng lên trời cả. Phải thấy rằng chúng ta chưa trừ tiệt được bọn chó trắng. Khi chúng không còn thò ra mống nào nữa thì nghĩa là chúng vẫn còn. Tôi nói toạc ra cho anh em biết là công việc không được chạy lắm. Toán thứ hai đến thay phiên giờ vẫn chưa tập hợp xong. Sẽ gửi đến đây được bao nhiêu người cũng chưa rõ. Đại hàn sắp tới nơi rồi. Trước khi trời bắt đầu vào rét, dù chết chúng ta cũng phải vượt qua được đoạn lầy. Nếu không, rét đến, có lấy răng mà gặm đất cũng không nổi đoạn đường. Ở trên tỉnh, bọn nào làm
láo rồi sẽ bị trùy cẩn thận. Còn chúng ta ở đây phải ra sức làm nhanh gấp đôi mới được. Dù có chết đi chết lại năm lần cũng phải làm cho xong nhánh đường sắt này. Không xong thì còn mặt mũi nào làm người bôn-sê-vích nữa. Không xong thì chỉ là một bọn ươn hèn mà thôi. – Tô-ca- rếp nói, giọng hôm nay không khàn khàn như mọi khi, tiếng cụ rung lên lanh lảnh như tiếng thép. Đôi mắt sáng quắc dưới hàng lông mày cau cau đủ tỏ quyết tâm ngoan cường của đồng chí già.
Ngay hôm nay chúng ta sẽ họp kín, đánh thông trong nội bộ. Ngày mai sẽ đi làm cả. Sáng mai thì cho những người ngoài Đảng họ về. Còn chúng ta thì ở lại. Quyết nghị của tỉnh ủy đây. – Tô-ca-rếp đưa tờ giấy gấp tư cho Pan-cơ-ra-tốp.
Nhìn qua vai Pan-cơ-ra-tốp, Pa-ven thấy trong giấy có những hàng chữ: “Cần thiết giữ lại ở công trường tất cả các đoàn viên. Cho đến khi nào chở được chuyến gỗ thứ nhất về mới được thay phiên. Thừa lệnh bí thư Ban chấp hành Tỉnh. Ri-ta Uốt-chi-nô-vích”.
Căn nhà chật chội, không còn chỗ mà len vào nữa. Một trăm hai mươi con người chen chúc nhau, người đứng dựa tường, người leo lên bàn, có người leo lên cả lò bếp. Cuộc họp do Pan-cơ-ra-tốp khai mạc. Lão đồng chí Tô-ca-rếp nói ngắn thôi, nhưng đoạn cuối làm choáng váng mọi người:
Ngày mai, các đảng viên và đoàn viên đều ở lại.
Ông già giơ tay đập vào khoảng không như để nhấn mạnh là quyết nghị ấy như đanh đóng cột rồi. Cử chỉ ấy làm tan vỡ mọi hy vọng muốn về tỉnh, về với những người thân, tan hết hy vọng rút chân ra khỏi chốn bùn lầy này. Lúc đầu tiếng nhao nhao nổi lên đến nỗi không còn nghe thấy gì nữa. Ngọn đèn dầu nhỏ tí lay lắt như cũng phấp phỏng. Tối quá, không còn trông rõ mặt người. Tiếng nói ồn ào mỗi lúc một to. Nhóm này kháo nhau, mơ mộng gợi lại cảnh gia đình đầm ấm, nhóm kia tức giận kêu mệt nhọc. Có nhiều người không nói gì cả. Và chỉ có một người nói ra miệng muốn đào ngũ. Giọng căm phẫn của hắn từ trong góc nhà ném ra những câu nói chêm lời văng tục.
Mẹ kiếp! Tôi đếch vào ở đây lấy một ngày nào nữa. Đày ai đi khổ sai thì cũng phải có tội tình gì mới đày người ta được chứ. Chúng tôi đây thì có tội gì? Đã giam chúng tôi ở đây nửa tháng, xin đủ lắm rồi. Người ta là người chứ không phải là sung rụng. Ai quyết định làm chỗ này thì kẻ ấy tự dẫn xác đến đây mà làm lấy. Ai muốn thì cứ đến mà lăn mình vào đống bùn này, còn tôi, đời tôi chỉ sống có một lần, tôi phải giữ lấy thân tôi. Ngay ngày mai là tôi chuồn.
Ô-cu-nhếp đứng ngay trước mặt tên vừa la đó, anh quẹt diêm soi xem mặt tên đào ngũ đó là đứa nào. Ánh lửa diêm khoảnh khắc lóe lên trong bóng tối, làm lòi cả cái mặt méo xệch, nhăn nhó, tức tối, mồm há hốc kia. Ô-cu-nhếp nhận ra nó là con lão thư ký kế toán ở ban tiếp tế của tỉnh.
Mày soi cái gì? Tao có phải ăn trộm ăn cắp đâu mà phải giấu mặt.
Diêm tắt, Pan-cơ-ra-tốp vùng đứng phắt dậy. Anh đưa mắt nặng nề, nhìn những người đứng gần, giọng ồ ồ:
Kẻ nào dám há mồm sủa láo đấy? Đứa nào bảo nhiệm vụ Đảng trao cho là khổ sai? Các anh em, chúng ta không thể nào trở về tỉnh được. Chỗ của chúng ta là ở đây. Nếu chúng ta bỏ đi tức là nhân dân sẽ bị chết rét. Ta càng làm xong sớm thì càng về sớm.
Còn đánh bài chuồn như cái thằng khốn nạn vừa rồi thì lý tưởng của chúng ta, kỷ luật của chúng ta không cho phép.
Pan-cơ-ra-tốp – anh công nhân bốc vác – vốn không ưa nói dài, nhưng ngay mấy câu vắn tắt của anh cũng đã lại bị cái giọng ban nãy cắt lời:
Người ngoài Đảng, ngoài Đoàn thì được về phải không?
Pan-cơ-ra-tốp trả lời đốp:
– Được.
Tức thì một tên mặc chiếc bành-tô ngắn diện phố lách tới chỗ bàn. Hắn quăng ra một cái thẻ. Cái thẻ như cánh dơi liệng, chạm vào ngực Pan-cơ-ra-tốp, rồi bắn ra, rơi tõm xuống mặt bàn.
Thẻ đây, xin các anh cầm lấy hộ. Xin phép các anh, chết vì mảnh bìa này mà tội vào thân thì tôi xin đủ.
Hắn chưa dứt lời, tiếng phẫn nộ nhao nhao lên khắp gian nhà:
Mày quẳng cái gì đi đấy! Không biết nhục à!
Đồ chó chết, cút đi!
Cái thứ mặt ấy chui vào Đoàn cốt chỉ để kiếm một chỗ nào ấm cái thần xác!
Tống cổ nó đi!
Được rồi chúng tao cho mày chỗ ấm, rõ cái đồ rận tha bệnh thương hàn!
Tên vừa vứt thẻ Đoàn đó cúi gằm mặt lùi lũi bước ra. Hắn đi qua, ai nấy đều giãn ra như tránh một con bệnh truyền nhiễm. Hắn ra khỏi, cửa đóng kẹt lại. Pan-cơ-ra-tốp vò cái chứng minh thư hắn bỏ, gí vào ngọn đèn dầu.
Mảnh bìa bốc cháy, tàn quặn lại.
*
Có tiếng súng nổ. Từ phía túp nhà tồi tàn một bóng người cưỡi ngựa phóng trốn vào rừng, biến trong đêm tối. Người từ trong trường học và căn nhà đổ ùa ra. Có người đụng phải tấm biển bằng gỗ dán đút vào kẽ cửa lớn. Người ta quẹt diêm và lấy vạt áo che gió; ánh diêm lập lòe, soi lên thì đọc thấy mấy chữ: “Chúng bay cút ngay khỏi nhà ga này, ở đâu đến thì lại về đấy ngay lập tức. Kẻ nào ở lại chúng ông sẽ cho ăn đạn vào sọ. Quân ta sẽ giết sạch, không tha một mống. Gia hạn cho đến tối mai là cùng, phải tuân lệnh này” Dưới có chữ ký: “Đầu lĩnh Sê-nốc”. Sê-nốc là bè đảng O-rơ-lích.
Trong phòng Ri-ta, cuốn nhật ký của chị để mở trên bàn.
“Mồng hai tháng Chạp
Sáng nay có tuyết đầu mùa rồi. Trời lạnh ghê người. Gặp Vê-rê-sláp Ôn-sin-ski ở cầu thang. Mình và anh ta cùng đi ra ngoài. Ôn-sin-ski nói:
Tôi bao giờ cũng thích tuyết đầu mùa. Chà lạnh! Cảnh tuyết đẹp ghê, phải không chị?
Mình nghĩ đến công trường Bai-a-rơ-ca nên trả lời anh ta là mình rét và tuyết chẳng làm mình vui tí nào, trái lại chỉ làm mình khổ tâm. Mình nói cho anh ta hiểu vì sao lại thế.
Đấy là cách nhìn chủ quan của chị thôi. Nếu phát triển quan điểm của chị thì, chẳng hạn như trong lúc chiến tranh, không thể nào cho phép có tiếng cười và nói chung tất cả những gì biểu hiện vui sống được ư? Nhưng thực tế có như thế đâu chị? Thảm kịch là chỉ ở nơi hỏa tuyến. Ở đấy mối cảm về cuộc sống luôn luôn bị cái chết kề bên cạnh bóp nghẹt. Nhưng ngay ở đấy, vẫn có tiếng cười. Còn ở hậu phương cuộc sống thế nào thì nó vẫn như thế : tiếng cười và tiếng khóc, đau khổ và mừng vui, khao khát kịch hát hoan lạc tình cảm, rạo rực tình yêu.
Trong những lời của Ôn-sin-ski, khó mà phân biệt là châm biếm hay nói thật. Ôn-sin-ski là phái viên của Bộ dân ủy ngoại giao. Vào Đảng từ năm 1917. Mặc theo lối phương Tây, râu bao giờ cũng cạo nhẵn, người lúc nào cũng bôi tí nước hoa. Anh ta ở phòng đồng chí Xê-pan, cùng nhà với bọn mình. Chiều nào cũng đến thăm mình. Nói chuyện với anh chàng cũng thấy hay hay. Anh ta đã từng ở Pa-ri lâu, hiểu nhiều về phương Tây. Nhưng mình không hề nghĩ rằng anh ta với mình có thể thành bạn thân được. Lý do: đối với mình, anh ta trước hết coi mình là một phụ nữ, rồi sau nữa mới là một đồng chí Đảng. Thật ra, anh ta không che đậy gì những ý nghĩ, những thèm muốn của anh ta cả. Kể cũng là một tay bạo nói thật. Và cái thú của anh ta cũng không thô bạo đâu. Anh ta khéo nói tô vẽ cho nó đẹp. Nhưng mình không ưa anh ta. Tác phong chất phác tuy hơi cục cằn của Giu-khơ- rai làm cho mình dễ gần hơn là cái nước sơn hào nhoáng u hóa của Ôn-sin-ski.
Nhận được báo cáo ngắn từ Bai-a-rơ-ca gửi về. Mỗi ngày đặt được hơn hai trăm thước đường. Tà-vẹt đặt ngay trên đất đóng băng, lấy rìu và xà beng khoét đất ấy ra, rồi đặt tà-vẹt vào đấy. Tất cả chỉ còn hai trăm bốn mươi người. Toán thứ hai đến thay phiên đã bỏ trốn mất một nửa. Điều kiện làm việc thật là gay. Giá tuyết như vậy không biết rồi làm ăn ra sao?. .. Đu ba-va ở đấy đã được một tuần. Trong số tám đầu máy ở Pu-sa Vô-đi-xa chỉ chọn được năm. Những cái còn lại đều thiếu mất nhiều bộ phận.
Cục quản lý xe điện kiện Đu-ba-va vì anh ta cùng toàn đội đã dùng vũ lực giữ tất cả các xe điện đi từ Pu-sa Vô-đi-xa về tỉnh. Đu-ba-va bắt hành khách xuống, lấy toa tàu chở đường ray đến công trường. Mười chín toa xe điện theo đường quanh tỉnh chạy về ga. Công nhân xe điện hết sức giúp họ.
Ở nhà ga, số đoàn viên thanh niên cộng sản Xô- lô-men-ca còn lại suốt đêm hì hục xếp ray đi, và Đu- ba-va cùng anh em trong đội chở những thanh ray về công trường
Bai-a-rơ-ca.
A-kim gạt đi không xét vụ khiếu nại về Đu-ba-va này ở hội nghị thường vụ. Đu-ba-va
đã trình bày với chúng tôi tình trạng quan liêu lề mề quá quắt ở Cục xe điện. Họ
khăng khăng chỉ cho anh hai chiếc tàu điện và nhất định không cho hơn. Túp-ta lên
lớp Đu-ba-va:
Thời buổi này phải bỏ tác phong du kích ấy đi, bây giờ mà còn thế nữa thì có phen ngồi tù sớm. Làm như không thể nào dàn xếp thương lượng được, nên cứ phải dùng tay súng nói chuyện với nhau hay sao?
Mình chưa bao giờ thấy Đu-ba-va giận dữ đến thế. Anh ta thét ầm khiến phòng họp Tỉnh đoàn rung lên.
Đồ cạo giấy sao không vác mặt đứng ra mà thương lượng? Chỉ ngồi ở đây như con đỉa hút mực lại còn cứ xoen xoét cái lưỡi. Tớ mà về Bai-a-rơ-ca không có ray thì người ta hớt mõm tớ đi ! Được rồi, phải gửi cậu lên công trường mới chừa cái thói ngồi một chỗ làm vướng chân người khác. Để cho cụ Tô-ca-rếp cụ ấy dạy cho cậu biết thân? Túp-ta đã viết đơn kiện Đu-ba-va, nhưng A-kim đề nghị mình đi ra trước, còn anh ngồi lại nói chuyện với Túp-ta độ mươi phút. Sau đó, Túp-ta hầm hầm đi ra, đỏ mặt tía tai vì giận dữ.
3 tháng Chạp.
Tỉnh ủy lại nhận được đơn khiếu nại của Ban đặc biệt ngành giao thông về một vụ mới xảy ra. Số là Pan-cơ-ra-tốp, Ô-cu-nhếp cùng mấy đồng chí nữa đến ga Mô-lô-vi-lốp-ca dỡ cửa lớn và cửa sổ của các tòa nhà bỏ không. Lúc họ khiêng những thứ này lên tàu thì có một anh công an đặc biệt của nhà ga định bắt họ. Họ tước vũ khí của anh kia. Mãi đến khi tàu chạy, họ mới trả súng ngắn cho anh, nhưng lại moi hết đạn đi. Họ cuỗm tất cả cửa giả đi. Phòng vật liệu sở công chính lại còn tố cáo Tô-ca-rếp không được phép đã tự động lấy hai mươi put đinh ở kho Bai-a-rơ-ca. Thật ra thì số đinh này Tô-ca-rếp đã chia cho nông dân, thế vào tiền công họ đã chuyển gỗ từ nơi đẵn đến công trường để làm tà-vẹt.
( Một pút bằng 16,3 ki-lô)
Mình đã đem những chuyện này nói với đồng chí Giu-khơ-rai. Anh cười bảo: “Tất cả những chuyện ấy, rồi chúng ta sẽ dàn xếp đâu vào đấy cả”.
Trên công trường, tình hình hết sức căng thẳng, quý từng ngày một. Việc vặt gì cũng phải dùng đến hết mọi áp lực. Luôn luôn phải kéo cổ những tên kìm hãm công việc lên Tỉnh ủy. Đám thanh niên trên công trường ngày càng hay phá nội quy.
Ôn-sin-ski mang đến cho mình một cái lò sưởi điện nhỏ. Ôn-ga I-u-rê-nhê-va và mình dùng để sưởi tay. Nhưng trong phòng có lò cũng chẳng ấm thêm. Không hiểu các anh em làm trên công trường, nằm trong rừng, đêm nay ngủ làm sao được? Ôn-ga kể chuyện: trong nhà thương lạnh quá, bệnh nhân không dám thò đầu ra khỏi chăn. Cách ba ngày mới được đốt củi sưởi một lần.
Không, đồng chí Ôn-sin-ski ạ, thảm kịch ở tiền tuyến cũng, là thảm kịch của hậu phương.
4 tháng Chạp,
Tuyết suốt đêm. Tuyết xuống rất dày. Anh em ở Bai-a-rơ-ca viết thư cho mình biết: mọi vật đều bị tuyết phủ hết. Công việc bị đình lại. Người ta đổ ra quét tuyết lấy đường đi. Hôm nay tỉnh ủy quyết nghị: công tác đợt thứ nhất trên công trường trước ngày mồng một tháng Giêng năm 1922 phải làm xong đến giáp giới khu vực đốn gỗ. Người ta kể lại rằng khi nghị quyết truyền đạt tới Bai-a-rơ-ca, thì Tô-ca-rếp trả lời: “Nếu anh em chúng tôi không đổ hết, thì nhất định làm được”.
Chẳng nghe thấy nói gì về Pa-ven. Cũng lạ là chẳng có “vụ” , nào về Pa-ven tương tự như kiểu Pan-cơ-ra- tốp đã làm cả. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao Pa-ven cứ tránh mặt tôi.
5 tháng Chạp.
Hôm qua thổ phỉ lại bắn vào công trường”.
*
Ngựa rón rén đặt chân lên lớp tuyết mềm, xốp. Đôi lúc móng ngựa giẫm gẫy cành cây nằm dập dưới tuyết kêu răng rắc, con ngựa phì hơi, né sang một bên, nhưng bị nòng súng trường không cắm lưỡi lê thúc vào đôi tai, liền phi lên, đuổi theo những con đi trước.
Gần chục tên cưỡi ngựa vượt ngọn đồi ở đầu dải đất nâu còn chưa bị tuyết phủ. Chúng kìm ngựa lại đấy. Bàn đạp ngựa chạm vào nhau xoang xoảng. Con ngựa đi đầu rùng mình quẫy mạnh, toàn thân nó đã đẫm mồ hôi sau một đoạn đường dài. Thằng đi đầu nói:
Quân khốn kiếp chúng nó đang rúc trong cái nhà kia kìa. Làm thế nào đuổi chúng đi như gạt sạch tuyết mới được! Đầu lĩnh đã bảo chậm lắm ngày mai phải xua sạch cái lũ châu chấu ấy ra khỏi đây. Vì nếu không thì cái lũ “công nhân” chó chết ấy có thể mò được đến tận những đống gỗ đã đốn kia.
Bọn đi ngựa xếp hàng dọc men theo nhánh đường sắt tiến gần vào nhà ga. Chúng mon men từng bước đến khoảng rừng trống mé trước cái trường học cũ rồi đứng nấp sau những lùm cây.
Loạt súng nổ phá tan cái im lặng của đêm tối. Chùm tuyết từ trên cành cây bạch dương có ánh trăng bạc dãi lên rơi xuống như sóc chuyền cành. Giữa những hàng cây, lóe lên những tia lửa đạn bắn lỗ chỗ những mảnh tường đắp thạch cao; những mảnh kính Pan- cơ-ra-tốp lấy về lắp trên cửa sổ bị vỡ tan tành.
Loạt súng đã lôi những người ngủ trên sàn bê- tông choàng dậy, nhưng khi có những viên đạn chì như những con dế độc bay vù vù trong phòng thì họ sợ hãi nằm rạp cả xuống, mất hết trật tự, người này ngã vào người kia.
Đu-ba-va túm lấy áo ca-pốt Pa-ven.
Cậu đi đâu?
Ra ngoài.
Đu-ba-va rỉ tai nói hổn hển:
– Nằm xuống, thằng ngu ! Mày ló mặt ra, nó bắn chết tươi ngay tại chỗ.
Họ nằm bò sát vào nhau, gần ngưỡng cửa ra vào. Đu-ba-va nằm rạp xuống sàn nhà, tay chĩa súng ngắn ra phía ngoài cửa. Pa-ven ngồi xổm, hồi hộp sờ ổ đạn súng ngắn. Có năm viên tất cả. Sờ đến lỗ không đạn, anh quay ổ đạn lại.
Súng ngừng nổ. Yên lặng đột ngột làm mọi người ngạc nhiên. Đu-ba-va khẽ ra lệnh cho những người đang nằm:
– Anh em ai có vũ khí hãy tập hợp lại đây ! Pa-ven rón rén mở cửa. Ngoài khoảng rừng quang vắng, không một bóng người. Bông tuyết rơi xuống quay chầm chậm. Trong rừng sâu, lúc đó có mười tên kỵ mã đang quất ngựa chạy.
Gần trưa, một chiếc xe goòng từ thành phố lao như bay tới. Giu-khơ-rai và A-kim ở trong xe bước ra. Tô-ca-rếp và Khô-li-a-va ra đón. Người ta tháo từ trên xe xuống khẩu súng Mác-xim với mấy băng đạn và hai chục khẩu súng trường. Khẩu súng máy bố trí ngay ở sân ga.
Mọi người vội vã đi đến chỗ làm việc. Tà áo ca- pốt của Giu-khơ-rai quét trên mặt đất phủ tuyết, vẽ thành đường ngoằn ngoèo. Anh đi như gấu chạy, người vặn bên này vặn bên kia, chân hơi khoèo. Anh vẫn còn quen cái lối đi ấy như bước trên boong rập rình của chiếc phóng ngư lôi hạm hồi xưa. A-kim người cao, chân dài, nên vẫn theo kịp Giu-khơ-rai. Chỉ có cụ Tô-ca-rếp chốc chốc lại phải cắm cổ chạy theo. Cụ nói:
Việc thổ phỉ tập kích hãy còn là chuyện mệt vừa. Mệt nhất là có gò đất chắn ngáng ngay lấy đường chúng tôi đang làm. Ma xui quỷ khiến nó nằm lù lù ra đấy. Phải đào đi cả một đống đất tướng.
Ông già dừng lại, quay lưng chắn gió, châm thuốc lá một lòng bàn tay úp như cái phễu để che gió; cụ rít một hơi, rồi lại đuổi theo các đồng chí. A-kim đứng lại chờ. Giu-khơ-rai vẫn rảo bước đi trước.
A-kim hỏi Tô-ca-rếp:
Sao, bác xem liệu ở đây ta có đủ sức làm xong con đường đúng thời hạn không?
Chắc chú cũng biết, thật ra, nói chung thì không thể nào làm xong được, nhưng không làm xong cũng không được. Cho nên phải xong.
Hai người đuổi kịp Giu-khơ-rai và cả ba cùng đi ngang hàng với nhau. Ông già nói bằng một giọng phấn khởi:
Then chốt vấn đề là trông vào chỗ “nhưng” ấy. Ở đây chỉ có hai người, Pa-tô-sơ-kin và tồi biết được trong những điều kiện chó má này, với mớ dụng cụ thô sơ và nhân
lực thiếu thốn như thế này thì không thể nào làm xong được con đường. Nhưng được cái tất cả anh em ở đây đều thấy là không xong con đường này cũng không được. Cho nên tôi đã dám nói rằng: “Nếu anh em chúng tôi không đổ hết thì nhất định làm được”. Các đồng chí thử nhìn mà xem. Chúng tôi làm hùng hục đã sang tháng thứ hai rồi. Ba đợt dân công đã kế tiếp nhau làm ở đây và toán đang làm là toán thứ tư, nhưng đám đoàn viên thanh niên cộng sản là lực lượng cốt cán thì vẫn làm quần quật không nghỉ. Chính vì họ trai trẻ nên họ mới đứng vững được như thế. Cũng đã có đến một nửa anh em bị cảm mạo. Hễ cứ nhìn đám trẻ ấy là không sao cầm lòng được, thật tội và thương. Thanh niên như họ thật quý vô giá… Cái xó chết tiệt này rồi sẽ làm nhiều anh em gục mất…
Nhánh đường sắt đã làm xong đoạn đầu tiên đến cách nhà ga một cây số
Xa hơn nữa độ một cây rưỡi trên nền đường mới san bằng, những thanh gỗ dài nằm bám xuống đất trông như những cột hàng rào bị gió thổi bạt đi, đổ lăn ra. Đấy là tà-vẹt. Xa nữa, đến chân gò đất là con đường mới đắp chưa đặt ray. Đây là nhóm làm đường số một của Pan-cơ-ra-tốp.
Bốn mươi người đặt tà-vẹt. Bác nông dân râu hoe, đi giày rơm mới, đang từ từ kéo từng cây gỗ trên xe trượt tuyết đẩy ra mặt đường. Xa xa, cũng có mấy chiếc xe nữa đang dỡ gỗ xuống. Hai thanh sắt dài nằm trên đất, đó là kích thước đường ray để đo tà- vẹt cho đều. Búa, xà beng, cuốc xẻng thi nhau bổ xuống để san phẳng nền đất. Đặt tà-vẹt là một công việc tỉ mỉ và phải làm từ từ. Tà-vẹt đặt trên mặt đường phải bám rõ chặt và phải để thế nào cho đường ray đặt lên dựa đều vào mỗi thanh tà-vẹt, thanh nào cũng như thanh nào.
đây chỉ độc cụ già trưởng toán La-gu-chin là thạo kỹ thuật đặt đường ray. Cụ là bố đẻ Ta-li-a. Tuy đã năm mươi tư tuổi rồi mà đầu cụ không một sợi tóc bạc, râu vểnh ra hai bên, đen như hắc ín. Cụ đã tự nguyện ở lại làm, đến lượt thay phiên thứ tư vẫn không về. Cụ lăn lộn với đám thanh niên, đồng cam cộng khổ; được toàn đội yêu kính. Tuy là một người ngoài Đảng, bao giờ cụ cũng được mời vào ngồi ghế danh dự trong tất cả các cuộc họp Đảng. Tự hào với điều đó, cụ đã hứa là việc chưa xong thì quyết không bỏ công trường về.
– Đời nào tôi có thể bỏ anh em mà về được, anh em thử nghĩ mà xem. Rời tôi ra, anh em đặt tà-vẹt sẽ lúng túng mất: công việc này cần phải có con mắt tinh, có tay quen mới làm được. Còn tôi thì trong đời đã đặt không biết bao nhiêu là tà-vẹt trên khắp đất nước Nga ta rồi… – Cứ mỗi lần có chuyến thay phiên thì cụ lại nói bằng một giọng hồn nhiên như thế và tự nguyện ở lại làm.
Pa-tô-sơ-kin tin ông cụ nên ít khi đến kiểm tra đoạn đường cụ làm. Lúc Giu-khơ-rai, A-kim và Tô- ca-rếp đến chỗ anh em làm việc thì Pan-cơ-ra-tốp đang bổ búa xuống moi đất chôn tà-vẹt, người anh mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ gay.
A-kim mãi mới nhận ra được anh chàng công nhân khuân vác đó. Pan-cơ-ra-tốp gầy
xọp đi. Hai gò má cao bây giờ càng gồ lên, mặt rửa quấy quá, trông càng xám xịt và hốc hác thêm.
– Kìa, các đồng chí phụ trách trên tỉnh đã xuống.
Anh nói và chìa bàn tay nóng bỏng, ướt đẫm mồ hôi ra bắt tay A-kim.
Tiếng cuốc xẻng ngừng lại. A-kim thấy chung quanh đều là những khuôn mặt xanh vàng. Áo ca-pốt và áo ngắn mặc ngoài của họ cởi ra, ném lăn lóc ngay trên mặt đất phủ tuyết.
Nói chuyện với cụ La-gu-chin xong, Tô-ca-rếp kéo Pan-cơ-ra-tốp đi và dẫn hai đồng
chí tỉnh ủy đến đám đất đã san bằng. Chàng công nhân khuân vác ít nói đi cạnh Giu-
khơ-rai.
Giu-khơ-rai nghiêm giọng hỏi Pan-cơ-ra-tốp:
Pan-cơ-ra-tốp, chú cho tôi biết việc xảy ra ở Mô- tô-vi-lốp-ca giữa chú và nhân viên công an đặc biệt! Chú nghĩ sao, có thấy là tước vũ khí của người ta như thế thì quá lắm không?
Pan-cơ-ra-tốp mỉm cười, luống cuống:
Chúng tôi tước vũ khí của hắn ta là do có sự thoả thuận cả; chính tự hắn ta yêu cầu như thế. Hắn là một thằng quen chúng tôi. Chúng tôi nói hết với hắn hoàn cảnh khó khăn của chúng ta. Nghe xong, hắn ta nói: “Các cậu ạ, mình không đủ quyền cho các cậu chở cửa đi được đâu. Có lệnh của đồng chí Gie-din- ski( Đồng chí Gie-din-ski phụ trách công an tình báo ở trung ương lúc bấy giờ ) bảo phải ngăn ngừa tình trạng trộm cướp tài sản của nhà ga cơ mà. Cái thằng cha trưởng ga khốn nạn ở đây vốn thù với mình. Nó hay ăn cắp mà mình thì không để cho nó ăn cắp. Nếu để các cậu lấy cửa đi nó nhất định sẽ tố cáo mình với cấp trên và đưa mình ra tòa án cách mạng. Đấy, thà các cậu cứ tước vũ khí của mình rồi hãy khuân đồ chở đi. Nếu thằng trưởng ga không báo cáo lên trên thì coi như là ổn”. Chúng tôi đã làm y như thế. Những cánh cửa cái, cửa sổ ấy, chúng tôi có phải lấy dùng cho chúng tôi đâu.
Nhận thấy tia sáng nụ cười long lanh trên đôi mắt Giu-khơ-rai, Pan-cơ-ra-tốp nói thêm:
Đồng chí Giu-khơ-rai ạ, nếu có phạt thì cứ để mình chúng tôi chịu phạt, đừng làm tội thằng bé ấy.
Việc đó đã giải quyết xong đâu vào đấy rồi, không nói nữa. Nhưng từ nay về sau đừng có làm những chuyện ấy nữa. Làm như thế là phá kỷ luật đấy. Chúng ta có đủ sức mạnh để đấu tranh có tổ chức mà tiêu diệt bệnh quan liêu. Thôi được. Giờ ta nói đến chuyện quan trọng hơn. – Và Giu-khơ-rai bắt đầu hỏi tỉ mỉ đầu đuôi chuyện thổ phỉ tập kích hôm vừa rồi.
*
Chỗ ấy cách ga bốn cây số rưỡi, những chiếc xẻng thi nhau khoét đất kịch hệt. Anh em đang xẻ cái gò đứng chắn giữa đường.
Chung quanh có bảy người đứng gác, vũ khí trong tay có khẩu ca-ra-bin của Khô-li-a-va và mấy khẩu súng ngắn của Pa-ven, Pan-cơ-ra-tốp, Đu-ba-va và Khô-mu-tốp. Vũ khí của toàn đội chỉ có thế.
Kỹ sư Pa-tô-sơ-kin ngồi trên dốc đang ghi mấy con số vào sổ tay. Chỉ còn một mình kỹ sư Pa-tô-sơ-kin ở lại vì tên kỹ sư Va-cu-lên-cô sáng nay đã chuồn mất về tỉnh. Hắn cho là thà chịu xử tội đào ngũ còn hơn phải ăn đạn của bọn phỉ, chết uổng mạng. Pa-tô-sơ-kin quay lại khẽ nói với Khô-mu-tốp đứng trước mặt mình:
Bốc cái gò này đi phải mất nửa tháng. Đất có tuyết đóng thành băng cứng quá. Khô-mu-tốp vốn người ít nói, mặt lúc nào cũng cau cau, nghe thế thì cắn môi vào ria mép, tỏ vẻ tức giận đáp lại:
Hạn trên cho chúng ta tất cả chỉ có hăm nhăm ngày, thế mà cụ định lấy nghiến nửa tháng cho đoạn đường này à?
Hạn trên cho như thế là không sát. Thật ra suốt đời tôi chưa bao giờ làm đường trong điều kiện như thế này và với số lượng thành phần người như thế này. Tôi cũng có thể tính sai, mà thật tôi đã tính sai hai lần rồi.
Giữa lúc đó, Giu-khơ-rai, A-kim và Pan-cơ-ra-tốp tới gần chỗ san nền đất. Từ trên gò đất, anh em trông thấy ngay ba người đang đi đến.
Một cậu mắt lác, mặc áo len thủng, hở cả khuỷu tay, thích vào người Pa-ven. Đấy là Pết-ca Tơ-rô-phi- mốp, vốn là một thợ bắt bù loong ở xưởng đường sắt. Anh ta giơ tay chỉ về phía dưới chân gò đất:
Cậu trông kìa! Ai thế nhỉ?
Tức thì, Pa-ven, tay vẫn cầm xẻng, chạy xuống dốc băng băng. Dưới vành mũ, đôi mắt anh mỉm cười thắm thiết. Giu-khơ-rai nắm chặt tay anh lâu hơn những người khác.
Chào chú Pa-ven. Chú ăn mặc quần nọ áo kia như thế, có trời nhận ra được! Pan-cơ-ra-tốp cười gượng, nói đùa với A-kim:
Được cái năm ngón chân cậu ta cũng khéo bảo nhau, lúc nào cũng tòi ra ngoài cả. Lại được mấy cái thằng đào ngũ còn thông đồng nhau xoáy của cậu ấy cái áo ca-pốt. May mà Ô-cu-nhếp, cùng tổ với cậu ta, cho cậu ta cái áo vét-tông. Hai tay ấy thật là con chấy cắn đôi, – Pan-cơ-ra-tốp giọng buồn buồn quay về phía A-kim nói thêm. – Không hề gì đâu, Pa-vơ- lu-sa là một anh chàng máu nóng. Cậu ấy đến sẽ sưởi ấm trên sàn bê-tông một tuần vì ổ rơm thì mỏng dính gần như là nằm không. Rồi đến cái nước mặc “thứ áo ván gỗ bốn dài hai ngắn” mất thôi.
Ô-cu-nhếp lông mày da đen, mũi hơi cong, nheo cặp mắt láu lỉnh cãi lại:
Chúng tôi chẳng để Pa-vơ-lu-sa đổ đâu. Nếu cho biểu quyết thì chúng tôi tán thành ngay để cậu ấy vào bếp làm chân cấp dưỡng, giữ chức lính trù bị cho Ô-đác-ca. Ở đấy nếu cậu ta không phải tay ngốc thì vừa được no bụng, lại vừa được ấm thân, hoặc là vì ở gần bếp, hoặc là vì có hơi bà Ô-đác-ca.
Chuỗi cười vui vẻ của mọi người vang lên làm át cả tiếng nói của Ô-cu-nhếp.
Lần đầu tiên người ta cười trong ngày hôm ấy. Giu-khơ-rai xem xét gò đất, rồi cùng Tô-ca-rếp và Pa-tô-sơ-kin ngồi xe trượt tuyết đến khu vực đốn gỗ, xong lại quay về. Mọi người vẫn kiên tâm đào đất trên gò. Nhìn những nhát cuốc sáng loáng, nhìn những cái lưng khom đem hết sức ra làm, Giu-khơ-rai nói khẽ với A-kim:
Chẳng mít-tinh làm quái gì nữa. Bác Tô-ca-rếp ạ bác nói đúng đấy, đám trẻ thật là những người quý vô giá. Thép tôi là ở chỗ này đây.
Giu-khơ-rai nhìn những anh em đào đất làm việc, cặp mắt vốn nghiêm của anh đầy mến thương âu yếm lẫn tự hào cương nghị. Cách đây không lâu, một số trong đám chàng trai trẻ này đã từng nhô lưỡi lê thép xông lên trong đêm đi dẹp phiến loạn. Và bây giờ đây chính họ lại đang ôm ấp một ý nguyện duy nhất: khơi mạch máu thép đường ray nối đến tận những đống củi quý như vàng, nguồn sức nóng và sự sống. Ôn tồn nhưng giọng rất tự tin, kỹ sư Pa-tô-sơ-kin trình bày cho Giu-khơ-rai biết là không thể nào mở thông đường qua gò đất trong vòng hai tuần lễ được.
Giu-khơ-rai tai vẫn lắng nghe con tính của kỹ sư, trong óc nghĩ thầm cách giải quyết.
Các đồng chí hãy rút hết người sang bên kia gò để mở đường tiếp, còn quả đồi này thì chúng ta sẽ có cách khắc phục.
Giu-khơ-rai ngồi nói chuyện hồi lâu ở dây nói nhà ga. Khô-li-a-va đứng gác ngoài cửa. Anh ta nghe rõ đằng sau lưng mình tiếng nói trầm trầm của Giu-khơ-rai.
Gọi điện ngay cho đồng chí tham mưu trưởng quân khu, bảo tôi đề nghị với đồng chí ấy cho trung đoàn của Pu-dư-rếp-ski đến khu vực công trường. Phải quét sạch bọn phỉ ở khu này. Gửi cả chiếc tàu bọc sắt và công binh từ căn cứ đến đây. Còn những việc khác, tôi sẽ tự giải quyết lấy. Đêm tôi sẽ về. Bảo Guy- gô mười hai giờ đêm nay đánh xe ra ga.
Trong căn nhà, sau mấy lời ngắn của A kim, Giu- khơ-rai bắt đầu nói chuyện. Một tiếng đồng hồ qua mà không ai để ý đến thời gian. Chuyện trò thân mật giữa đồng chí và đồng chí. Giu-khơ-rai nói cho anh em biết không thể nào kéo dài được thời hạn đã ấn định, đến mồng một tháng Giêng phải làm xong công trình đường sắt này.
Chúng ta chuyển công tác của công trường sang chế độ quân sự. Các đảng viên cộng sản phải tổ chức thành đại đội công tác đặc biệt. Chỉ định đồng chí Đu-ba-va làm đại đội trưởng. Sáu phân đội thì mỗi phân đội một nhiệm vụ nhất định. Công việc còn lại chia đều làm sáu phần. Mỗi phân đội có phần việc của mình. Trước ngày mồng một tháng Giêng, tất cả mọi việc phải xong. Phân đội nào xong trước thì nghỉ trước và được về tỉnh. Ngoài ra, chủ tịch đoàn Ban chấp hành tỉnh sẽ đề nghị Ban chấp hành Trung ương U-cơ-ren( Hội đồng bộ trưởng U-crai-na) tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ cho người lao động khá nhất trong mỗi phân đội.
Đã chỉ định xong đội trưởng của các đội. Đội một: đồng chí Pan-cơ-ra-tốp, đội hai:
đồng chí Đu-ba-va, đội ba: đồng chí Khô-mu-tốp, đội bốn: đồng chí La- gu-chin, đội
năm: đồng chí Pa-ven, đội sáu: đồng chí Ô-cu-nhếp.
Giu-khơ-rai kết thúc bài nói chuyện:
Còn người phụ trách chung toàn bộ công trường, nghĩa là nhà lãnh đạo tư tưởng và tổ chức của công trường thì vẫn là đồng chí An-tôn Nhi-ki-phô-rô-vích Tô-ca-rếp. Từng nhịp vỗ tay rào rào dường như có cả một đàn chim cất cánh bay lên. Những khuôn mặt khắc khổ hôm nay cười tươi nở. Câu nói đùa thân mật, trong đoạn cuối câu chuyện, từ miệng một người xưa nay vốn nghiêm nghị, đã làm nổ ra một chuỗi cười tiêu tan hết căng thẳng trong óc từ nãy đến giờ của người nghe chăm chú.
Hai mươi con người tiễn chân A-kim và Giu-khơ- rai đến tận chiếc xe goòng.
Lúc bắt tay chào Pa-ven, nhìn chiếc giày bám đầy tuyết của Pa-ven, Giu-khơ-rai nói khẽ:
Anh sẽ gửi giày xuống cho chú. Chân chú bị tê cóng rồi còn gì nữa?
Xem chừng tê cứng rồi, anh ạ. Đã buốt buốt và bắt đầu sưng. – Pa-ven đáp lại và sực nhớ đến lời ngỏ xin từ lâu, anh nắm tay áo Giu-khơ-rai: – Anh có thể cho em mấy viên đạn súng ngắn được không anh? Em chỉ còn ba viên đạn tốt thôi.
Giu-khơ-rai ngậm ngùi lắc đầu, nhưng trông thấy vẻ thất vọng trong cặp mắt Pa-ven, anh không do dự, cởi ngay khẩu Mô-de của mình đưa cho Pa-ven.
Đây anh tặng chú.
Pa-ven vẫn chưa tin ngay là mình được một vật tặng từ lâu hằng mơ ước, nhưng Giu-khơ-rai đã khoác cây súng lên vai Pa-ven:
Cầm lấy, cầm lấy. Anh biết mắt chú đã mê nó từ lâu. Nhưng chú phải cẩn thận, chớ bắn phải người nhà đấy nhớ. Còn ba hộp đạn đầy đấy, anh cho chú cả.
Những cặp mắt thèm muốn đều nhìn chòng chọc vào Pa-ven. Có người kêu lên:
Páp-ca ơi, đưa tớ đổi cho cậu lấy đôi giày ống lót dạ và thêm cả một chiếc áo da ngắn nào!
Pan-cơ-ra-tốp lấy tay phát vào lưng Pa-ven nói trêu:
Thằng khập khiễng, đổi lấy đôi giày đi cho được việc. Cứ kéo lê mãi chiếc giày cao su thì chẳng sống đến ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh đâu !
Đặt chân lên bậc xe goòng, Giu-khơ-rai tỳ vào gối viết giấy phép cho khẩu súng vừa tặng.
Mới sáng tinh sương ngày hôm sau đã thấy ầm ầm ở ngã ba đường, đoàn tàu bọc sắt đi vào ga. Hơi tỏa ra trắng xóa như lông ngỗng trời, bốc lên thành những lùm khói dày đặc rồi tan vào bầu trời trong và lạnh giá. Những người mặc áo da từ những toa xe bọc sắt bước ra. Mấy giờ sau, ba anh công binh đến chôn sâu hai quả mìn to tướng màu thép nâu nâu; họ buộc hai dây dài vào mìn và bắn mấy phát súng hiệu. Nghe súng hiệu, người ta vội vàng chạy tản, tránh xa cái gò trở nên ghê sợ. Diêm châm vào đầu ngòi mìn, làm phụt lửa lân tinh.
Trong một lúc, hàng trăm con người có mặt hồi hộp như thắt lòng lại. Một phút, hai phút chờ đợi sợ hãi… Bỗng nhiên mặt đất chuyển mình, một sức mạnh ghê gớm đã cuốn bay những đỉnh dốc của ngọn đồi, tung lên cao những mảnh đất lớn. Tiếng nổ thứ hai mạnh hơn tiếng thứ nhất. Tiếng nổ ghê người vang khắp khu rừng, ầm ầm, hỗn loạn, kèm theo tiếng rào rào của những tảng đất bị bắn tung lên rơi xuống.
Chỗ ấy vừa rồi còn là ngọn đồi, giờ đã biến thành hố sâu toác ra, chung quanh trong vòng hai chục thước, đất vụn bắn tung tóe khắp mặt tuyết trắng như đường.
Mọi người cầm xà beng và xẻng cuốc chạy túa lại chỗ hố sâu do mìn nổ vừa đào lên. Sau khi Giu-khơ-rai đi khỏi, ở công trường, không khí thi đua mở ra sôi nổi: ai sẽ là người lao động khá nhất?
Trời còn rất lâu mới sáng, Pa-ven đã khẽ trở dậy để không làm thức giấc anh em. Anh cố lê đôi chân tê cứng trên sàn nhà lạnh buốt, vào bếp, đun nước sôi pha chè, rồi trở ra đánh thức toàn đội dậy.
Khi toàn công trường sẵn sàng thì bên ngoài trời đã sáng rõ.
Buổi uống nước chè sáng ở nhà bếp, Pan-cơ-ra-tốp chen đến bàn Đu-ba-va và đội của anh ta là đám thanh niên xưởng sửa chữa vũ khí. Pan-cơ-ra-tốp nói với Đu-ba-va, giọng có vẻ bực tức:
Cậu thấy chưa, thằng cha Páp-ca đã đánh thức đội của nó dậy từ lúc trời chưa sáng. Tớ đoán chắc chúng nó đã đặt được hai mươi thước đường rồi. Anh em trong đội tớ nói là Páp-ca khéo động viên các anh em thợ các phân xưởng chính nhà máy xe lửa của nó, bọn họ định ngày hăm nhăm tháng Chạp là đã làm xong đoạn đường của đội. Ra nó muốn xách mũi tất cả chúng ta đấy chắc. Nhưng xin lỗi các tướng ấy để rồi xem ai hơn !
Đu-ba-va cười nhạt. Anh thừa hiểu tại sao cách làm của phân đội công nhân các phân xưởng chính nhà máy xe lửa lại chạm đến lòng người bí thư thanh niên khu bến tàu như vậy. Việc làm của Pa-ven là một roi quất mạnh vào cả bản thân Đu-ba-va nữa: lặng lẽ không nói, Pa-ven đã lên tiếng thách thức công trường.
Pan-cơ-ra-tốp nói:
Tình bạn là một chuyện, còn đây là chuyện khác: đây là vấn đề ai hơn ai.
Gần giữa trưa, công việc đang hăng hái của đội Pa-ven bỗng nhiên bị ngừng lại. Người gác đứng bên giá súng trông thấy một toán kỵ binh xuất hiện trong rừng, liền bắn báo động.
Cầm lấy súng anh em ơi! Có phỉ ! – Pa-ven la to và quẳng xẻng xuống, rồi nhảy bổ lại gốc cây có treo khẩu súng mô-de của anh.
Lấy súng xong, cả đội nằm dàn ngay ra mặt tuyết cạnh đường. Những người kỵ binh đi đầu vẫy mũ. Một người trong bọn họ kêu to:
Dừng lại, các đồng chí! Người nhà đây mà!
Chừng năm mươi chiến sĩ kỵ binh, đội mũ Bu-đi- on-ny có sao đỏ, đang men theo
đường cái, tiến lại gần.
Thì ra đó là một trung đội của trung đoàn Pu-dư- rếp-ski đến thăm công trường. Pa-ven để ý đến cái tai cụt của con ngựa người chỉ huy cưỡi. Con ngựa cái lông xám đẹp có đốm trắng trên trán không chịu đứng yên một chỗ, cứ đi xoay vòng tròn dưới tay cương của người cưỡi nó. Thốt nhiên, Pa-ven nhảy bổ đến chỗ con ngựa, và lúc Pa-ven chạy đến tóm lấy bờm thì nó sợ hãi lùi lại.
Lư-sca, con nỡm này, không ngờ ta lại gặp mi ở đây! Con yêu mĩ miều cụt tai của ta xông pha lửa đạn mà vẫn còn sống yên lành đấy ư?…
Pa-ven âu yếm ôm lấy cái cổ mềm mại của con ngựa và lấy tay vuốt ve cái mũi phập phồng của nó.
Người chỉ huy chăm chú nhìn Pa-ven. Sau khi đã nhận ra người quen, đồng chí sửng sốt kêu lên:
Ơ kìa ! Pa-ven đấy à? Cậu nhận ra ngựa của cậu mà sao không nhận ra Xê-rê-đa. Chào người anh em.
*
Trên tỉnh đều dồn sức “chạy” cho công trường. Cố gắng đó đã ảnh hưởng tốt đến công việc ở đây ngay. Giác-ki đã dốc hết lực lượng ở quận ủy, gửi toàn bộ đoàn viên còn lại đến Bai-a-rơ-ca. Ở khu Xô-lô-men- ca chỉ còn lại có số nữ đồng chí. Ở Trường kỹ thuật cầu đường, Giác-ki đã tìm cách lập được một đội sinh viên nữa gửi ra công trường.
Lúc báo tin đó cho A-kim, Giác-ki nói nửa đùa, nửa thật:
Chỉ còn độc mình tôi với phái vô sản giống cái ở lại nhà. Tôi sẽ để Ta-li-a, con cụ La-gu-chin, thay tôi sẽ viết lên cánh cửa: “Ban phụ nữ”. Còn tôi thì cũng chạy đến Bai-a-rơ-ca nốt thôi. Bởi vì đồng chí có thấy không, giống đàn ông ở lại có độc mình tôi. Thật là không tiện. Các cô ấy cứ nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ. Chắc thế nào các cô ấy cũng nói với nhau: “Cái anh chàng ngỗng đực đầu đàn này phái tụi con trai đi hết, còn mình thì ở lại”. Hay có khi còn nói những câu tệ hơn nữa kia. Đề nghị đồng chí đồng ý cho tôi đi.
A-kim cười nhưng không đồng ý.
Người kéo đến Bai-a-rơ-ca rất đông, trong số đó có cả sáu mươi sinh viên trường kỹ thuật cầu đường.
Giu-khơ-rai đã lấy được ở Cục đường sắt bốn toa xe gửi đến chỗ công trường làm chỗ tạm trú cho những công nhân mới đến.
Phân đội Đu-ba-va được lệnh rút ra khỏi công trường đi Pu-sa Vô-đi-xa để lấy một số đầu máy nhỏ và sáu mươi lăm toa trần cho nhánh đường sắt này. Công việc này được tính vào nhiệm vụ trên công trường của họ.
Trước khi đi, Đu-ba-va góp ý kiến với cụ Tô-ca-rếp là nên gọi Cơ-la-vi-sếch lên công trường và giao cho anh ta một phân đội mới tổ chức. Tô-ca-rếp đồng ý và ra lệnh
ngay, không ngờ đến duyên cớ chính đã làm Đu-ba-va nghĩ đến chàng trai người Tiệp kia ở trên đời. Duyên cớ ấy là bức thư của An-na vừa gửi cho anh, do các anh em ở Xô-lô-men-ca mới đến mang tới. An-na viết:
“Anh Đu-ba-va! Em và anh Cơ-la-vi-sếch đã chọn cho các anh một đống sách. Gửi anh và toàn thể những chiến sĩ xung kích ở Bai-a-rơ-ca lời chào nồng nhiệt. Các anh là những tay rất cừ. Chúc các anh can đảm và nghị lực. Hôm qua đã phát hết nhẵn số củi cuối cùng còn lại trong kho. Cơ-la-vi-sếch nhờ chuyển lời thăm anh. Anh ấy là một thanh niên rất trội. Chính tự tay anh ấy nướng bánh mì cho các anh đấy. Anh ấy không giao cho ai làm cả. Tự tay anh ấy rây lấy bột mì, nhào lấy bột bánh. Không biết anh ấy khéo kiếm đâu ra được thứ bột mì tốt nên bánh mì làm ra rất ngon, khác hẳn với thứ bánh em vẫn lĩnh hàng ngày. Tối đến, anh chị em đều họp mặt ở nhà em: Có Ta-li-a, con cụ La-gu-chin, A-rơ-chu-kin, Cơ-la- vi-sếch và đôi khi cả Giác-ki cũng đến. Có đẩy mạnh được việc học, nhưng phần lớn là nói đến tất cả mọi chuyện và tất cả mọi người, nhất là thường nói đến các anh trên công trường. Chị em đều bực mình vì chuyện đồng chí Tô-ca-rếp từ chối không nhận họ lên công trường làm việc. Chị em quả quyết gian khổ thế nào đi nữa cũng sẽ chịu được như mọi người. Ta- li-a nói: “Mình sẽ mặc áo của thầy mình và sẽ lên gặp ông cụ, xem ông cụ có đuổi ra khỏi đấy được không nào”.
Chắc nó sẽ làm thế thật đấy. Anh chuyển hộ lời em thăm anh chàng mắt đen. An-na”. *
Bão tuyết bỗng nổi lên dữ dội. Trời bị mây xám nghịt kéo đến phủ kín vòm trời tụt xuống thấp hẳn. Tuyết rơi dày đặc. Đến chiều tối, gió rít vào các ống khói, gào thét giữa rừng cây, chạy đuổi theo những cơn lốc tuyết xoáy tròn, làm cho khu rừng ngập những tiếng hú ghê rợn.
Bão gầm thét, phá phách suốt đêm. Tuy lò đốt cả đêm, người vẫn thấy rét buốt thấu xương. Gian nhà ga đổ nát này không còn giữ được hơi nóng cho người.
Sáng hôm sau, các đội lao động ra làm việc, thụt chân sâu vào tầng tuyết dày cồm cộm. Nhưng trên rừng cây, mặt trời đỏ rực và nền trời trong xanh không chút vẩn mây.
Phân đội Pa-ven quét tuyết trên phần đường của mình bị ngập tuyết. Cho đến lúc này, Pa-ven mới cảm thấy hết khổ cực của giá rét. Chiếc áo cũ Ô-cu- nhếp cho chẳng làm anh ấm được, còn chiếc giày cao- su thì nhét đầy tuyết đóng băng. Đã mấy lần giày thụt vào đống tuyết. Vì anh ngủ trên sàn nhà rắn như đá nên ở cổ mọc lên hai cái nhọt tướng. Cụ Tô-ca-rếp cho anh cái khăn mặt dùng làm khăn quàng cổ.
Pa-ven cầm cái xẻng to bằng gỗ hùng hục gạt tuyết, người anh gầy rạc đi, hai mắt sưng đỏ húp lên.
Giữa lúc đó, một chuyến tàu chở hành khách đang ì ạch bò đến tận ga. Chiếc đầu máy hết hơi cố sức lắm mới lôi được con tàu về đây. Trong toa than, không còn lấy một
thanh củi, những thanh củi cuối cùng sắp cháy rụi hết trong lò.
Người thợ máy kêu với trưởng ga:
Cho củi thì chúng tôi đi, bằng không thì bây giờ trong máy cũng hãy còn có cái để chạy được một tí, xin cho lái dẹp vào khu tàu trú.
Thế là người ta lái tàu dẹp sang bên và giải thích cho đám hành khách thất đảm kia biết lý do dừng lại. Người trong các toa chật ních, kẻ thở vắn than dài, đứa chửi rủa ầm ĩ.
Trưởng ga mách nước cho những người lái chuyến tàu:
Các anh lại nói chuyện với cụ già kia kìa, ông cụ đang đi ở ke ấy. Cụ ấy là phụ trách công trường ở đây. Cụ ta có thể hạ lệnh xe trượt tuyết chở củi đến cho đầu tàu. Ở đây họ vẫn dùng củi gỗ làm tà vẹt đấy mà.
Mấy người lái tàu đến gặp Tô-ca-rếp. Ông cụ bảo họ:
Chúng tôi sẽ cho gỗ, nhưng không cho không đâu. Vì đây là vật liệu xây dựng của chúng tôi. Hiện công trường chúng tôi đang bị tuyết phủ làm ngăn trở công việc mà trong tàu các anh có sáu bảy trăm hành khách. Đàn bà, trẻ con thì có thể ở lại trong toa, còn những người khác thì xuống vác xẻng đi xúc tuyết độ đến chiều tối là được.
Có làm thế thì mới được cấp củi cho tàu chạy. Bằng không thì xin mời họ cứ ngồi với con tàu chết tiệt đến sang năm mới vậy.
Có tiếng người sửng sốt la lên nhao nhao phía sau lưng Pa-ven:
Anh em ơi, trông kìa! Trông tất cả đám người kia xuống đông quá! Lại có cả phụ nữ nữa kia!
Pa-ven quay lại. Tô-ca-rếp đi đến gần nói:
Đấy giao cho chú một trăm người. Chú giao việc cho họ và trông họ làm, đừng để họ khoanh tay đứng không.
Pa-ven phân công cho những người mới đến. Một anh chàng cao lêu nghêu mặc đồng phục ngành đường sắt có cổ bằng lông cừu, đầu đội mũ da dê ấm. Hắn ta đang quay cái xẻng trên tay, tỏ vẻ bực tức và quay sang phía người đàn bà trẻ tuổi đứng cạnh đội mũ da rái cá, trên mỏm có chiếc núm bằng lông nõn, hắn càu nhàu:
Không đời nào anh lại xúc tuyết, chẳng ai có quyền bắt anh được cả. Anh là kỹ sư cầu đường, nếu họ cầu xin anh giúp thì anh có thể giúp đỡ chỉ huy công việc cho họ. Còn như xúc tuyết thì không phải việc của anh, không phải việc của em. Không ai bắt ta làm được. Không có chỉ thị cấp nào quy định làm như thế cả. Cái lão già ấy đã làm trái nguyên tắc. Anh sẽ kiện cho lão ta biết tay. – Rồi hắn hỏi một công nhân đứng gần hắn ta nhất: – Ai là đội trưởng ở đây?
Pa-ven đi tới:
Sao anh không làm việc?
Thằng kia đưa mắt khinh bỉ nhìn Pa-ven từ đầu đến chân:
Còn anh là ai?
Tôi là công nhân.
Thế thì tôi chẳng thèm nói với anh. Cứ bảo đội trưởng hay là giám thị lại đây. Pa-ven quắc mắt nhìn hắn:
Không muốn làm à? Tùy đấy. Nhưng nếu vé không có dấu của chúng tôi thì đừng hòng lên tàu. Đây là mệnh lệnh của đồng chí phụ trách công trường.
Nói xong, Pa-ven quay sang phía người phụ nữ:
Còn chị nữa, chị cũng không chịu làm phải không?
Nhưng bỗng Pa-ven ngẩn người ra trong giây lát: trước mặt anh là Tô-nhi-a Tu-ma-nô-va.
Tô-nhi-a khó khăn lắm mới nhận ra cái người mặc rách rưới này là Pa-ven. Pa-ven đứng ngay đó, trước mặt Tô-nhi-a, mình khoác manh áo rách bươm, chân xỏ đôi ủng kỳ quái, cổ buộc cái khăn mặt cáu bẩn, mặt đã lâu không rửa. Chỉ độc có đôi mắt là vẫn như xưa, đôi mắt ánh lên một ngọn lửa không gì dập tắt được. Đôi mắt Pa-ven. Thế mà cái người rách rưới y như ma cà bông này cách đây không lâu đã là người mà Tô-nhi-a yêu dấu ! Không ngờ được. Mới chẳng bao lâu mà sự đời đã thay đổi cả! Tô-nhi-a mới lấy chồng, lần này theo chồng về một thành phố lớn, nơi chồng đảm nhiệm một chức vụ trọng yếu ở Cục đường sắt. Và trên đường đi, tại chốn này đây, Tô-nhi-a lại phải tình cờ gặp lại người tình thuở ấy ! Tô-nhi-a thấy ngại ngùng không dám đưa tay ra bắt. Va-xi-li, chồng chị, sẽ nghĩ thế nào, nếu chị bắt tay Pa-ven? Đời Pa-ven đã xuống dốc đến thế thì mình cũng ngượng với mình thật. Rõ ràng là anh chàng đốt lò này đã chẳng ngóc đầu lên được: anh ta chẳng làm được nghề ngỗng gì hơn cái nghề đi xúc đất!
Tô-nhi-a đứng ngây, mặt đỏ bừng, thẹn thùng, luống cuống. Tên kỹ sư, thấy gã rách rưới cứ nhìn vợ mình chằm chằm không rời mắt, thì cho là gã ta xấc xược, tức điên người. Hắn quẳng xẻng xuống đất, lại gần Tô-nhi-a.
Lại đằng này Tô-nhi-a. Anh không thể nhìn cái thằng khố rách áo ôm la-da-rôn này mà yên được.
( La-da-rôn, dân bị coi là hạ lưu xừ Náp-lơ trong truyện Giu-dép-pê Ga-ri-ban-đi) Pa-ven đã đọc truyện Giu-dép-pê Ga-ri-ban-đi, nên thừa hiểu thế nào là la-da-rôn rồi.
Nếu tao là la-da-rôn thì mày chỉ là một thằng tư sản mà người ta chưa cắt cổ nốt. – Pa-ven thét lên cự lại tên kỹ sư, rồi quay nhìn Tô-nhi-a, nói gọn lỏn mấy tiếng: – Còn đồng chí Tu-ma-nô-va, đồng chí hãy nhặt xẻng đứng vào hàng mà làm đi. Đừng có bắt chước cái loài bò đực ăn no béo xác ấy. Xin lỗi, nhưng tôi không biết hắn với đồng chí là thế nào.
Pa-ven nhìn đôi giày đi tuyết của Tô-nhi-a, mỉm cười không thiện cảm và nói thêm:
Tôi chẳng khuyên ai lần chần ở lại đây làm gì. Hôm mới rồi, bọn phỉ vừa đến quấy chúng tôi đấy.
Nói xong, Pa-ven quay đi, lê gót giày cao su, bon về chỗ anh em mình.
Lời nói vừa rồi của Pa-ven tác động ngay cả đến anh chàng kỹ sư.
Tô-nhi-a đã bảo được hắn ở lại và đi xúc tuyết vậy.
Chiều đến, xong việc, hành khách lại trở về ga. Chồng Tô-nhi-a nhảy tót đi trước, vội chiếm chỗ tốt trong toa. Tô-nhi-a dừng lại để anh em công nhân đi hết. Pa-ven mệt nhoài chống xẻng đi sau cùng. Khi hai người đi ngang nhau, Tô-nhi-a lên tiếng:
Chào Pa-vơ-lu-sa. Nói thật với anh, tôi không ngờ lại thấy anh như thế này. Hóa ra chính quyền Xô-viết không có việc gì khác tốt hơn đáng giao cho anh hay sao mà lại để anh đi xúc đất như vậy? Tôi cứ tưởng đã từ lâu anh làm chính ủy hay là giữ một chức vụ gì đại khái như vậy rồi kia đấy. Đời anh thật cũng chẳng lấy gì được may mắn lắm nhỉ…
Pa-ven dừng lại, ngạc nhiên nhìn Tô-nhi-a từ đầu đến chân.
Còn tôi, tôi cũng không ngờ gặp cô lại đến nỗi… bọc đường thế này – Nghĩ mãi anh mới tìm được tiếng nói bóng bẩy thích hợp và nhẹ hơn.
Tai Tô-nhi-a đỏ tía lên.
Anh vẫn cái tật cục cằn như trước.
Pa-ven vác xẻng lên vai và rảo bước đi. Được vài bước, anh mới đáp lại:
Tính cục cằn của tôi, nói cô đừng giận, nó còn hơn cái điệu lịch sự của cô, đồng chí Tu-ma-nô-va ạ! Về đời tôi, không mượn lo cô phải lo hộ. Đâu vẫn vào đấy. Chỉ có đời cô thì tôi không ngờ là nó đốn đến thế. Cách đây hai năm, cô khá hơn nhiều, lúc đó cô còn dám bắt tay một người thợ và cô không lấy đó làm xấu hổ. Nhưng bây giờ thì người cô sặc mùi băng phiến. Nói thật tình ra, tôi chẳng có gì để nói với cô nữa.
*
Pa-ven nhận được thư của A-rơ-chom. Anh cho biết sắp cưới vợ và khẩn khoản giục Pa-ven thế nào cũng phải về dự.
Gió dứt lá thư khỏi tay Pa-ven, lá thư bay lên không như con chim bồ câu. Không, anh chẳng đi dự đám cưới được đâu. Có thể nào lại nghĩ đến đi được! Từ hôm qua, thằng gấu Pan-cơ-ra-tốp đã đuổi kịp phân đội của anh và đang tiến với một đà nhanh ai cũng phải sợ. Anh công nhân bến tàu này dốc toàn lực lao lên phía trước, quyết chí vươn lên hàng đầu, vẻ trầm tĩnh ngày thường của anh đã biến đi, anh luôn luôn động viên toàn anh em “bến tàu” của mình làm việc với một nhịp điệu như điên cuồng. Pa-tô-sơ-kin theo dõi cuộc thi đua giữa những người làm đường, một cuộc thi im lặng mà ác liệt này. Ông già gãi đầu ngạc nhiên tự hỏi mình: “Không hiểu họ là những con người thế nào mà làm được như vậy nhỉ? Cái sức mạnh thật khó hiểu kia là thế nào? Thật nếu trời cứ thế này cho được tám ngày nữa thì chúng mình sẽ làm được tới khu rừng đã đốn gỗ. Tục ngữ nói rất đúng: có sống hết đời, học hành trọn kiếp, cho đến già vẫn còn thấy là mình dốt. Việc làm của những con người này đã làm đảo lộn hết mọi con tính và tất cả các chỉ tiêu”.
Cơ-la-vi-sếch ở dưới tỉnh lên mang đến số bánh mì cuối cùng do chính tay anh làm ra. Thăm Tô-ca-rếp xong, anh đến chỗ làm việc tìm Pa-ven. Đôi bạn gặp nhau thân thiết. Cơ-la-vi-sếch mỉm cười rút trong bao túi ra một cái áo bông Thụy Điển màu vàng rất choáng. Anh lấy tay vỗ mặt da mềm của chiếc áo và nói với Pa-ven:
Áo gửi cho cậu đây. Có đoán được ai gửi không?… Hừ, cậu ngốc quá đi thôi! Đồng chí Ri-ta gửi cho cậu đấy vì chị ấy không muốn cậu chết rét, ngốc ạ!Chẳng là anh A-kim nói với chị ấy là cậu mặc trần có cái vét-tông, chịu rét mà làm việc. Áo này do đồng chí Ô-sin-ski tặng chị ấy, mới cầm lấy ở tay anh ta tặng, chị ấy đưa ngay cho mình và bảo: “Mang ra cho Pa- ven”. Ôn-sin-ski nhăn nhó nói: “Tôi có thể gửi cho đồng chí ấy chiếc áo ca-pốt”. Nhưng Ri-ta cười hơ hớ: “Thôi, anh ấy mặc áo khoác ngắn làm việc tiện hơn. Cơ-la-vi-sếch mang hộ nhớ!”.
Pa-ven cầm tấm áo sang trọng đó trong tay, lòng xiết nỗi ngạc nhiên. Anh ngập ngừng một hồi mới khoác nó lên người đang rét run cầm cập. Lớp lông mềm làm cho vai và ngực anh thấy ấm lại ngay.
*
Ri-ta ghi trong nhật ký:
20 tháng Chạp.
Đang mùa bão. Tuyết xuống nhiều, gió rít mạnh. Các anh em ở Bai-a-rơ-ca đã gần đến đích thì những cơn rét dữ và bão tuyết làm cho họ phải dừng lại. Họ bị ngập trong tuyết. Đất có tuyết phủ đông cứng lại, đào đất gay thật. Chỉ còn lại tất cả bảy trăm năm mươi thước nữa thôi, nhưng là những thước đường ác liệt nhất.
Tô-ca-rếp báo tin: trên công trường chớm có dịch thương hàn, có ba người đã mắc bệnh.
22 tháng Chạp.
Không ai ở Bai-a-rơ-ca về dự cuộc họp toàn thể chấp hành tỉnh đoàn thanh niên. Bọn phỉ vừa làm trúc chuyến tàu chở bánh mì ở đoạn đường cách Bai- a-rơ-ca mười bảy cây số. Theo mệnh lệnh của đại diện Ban dân ủy cung cấp, toàn thể công nhân xây dựng đường sắt phải điều đến chỗ xảy ra tai nạn.
23 tháng Chạp.
Lại thêm bảy người mắc thương hàn từ Bai-a-rơ- ca đưa về tỉnh. Trong số đó có Ô-cu-nhếp. Mình có ra ga. Người ta đưa xuống những xác đã chết cứng vì lạnh từ các thành toa của chuyến tàu mới ở Khác- cốp tới. Ở nhà thương rét lắm. Trận bão tuyết tai ác!
Bao giờ mới hết bão cho?
24 tháng chạp.
Vừa ở đằng Giu-khơ-rai về. Té ra là đúng: đêm qua O-rơ-lích đã dẫn cả lũ phỉ tập kích vào Bai-a- rơ-ca. Ta với chúng đánh nhau trong hai tiếng đồng hồ. Quân phỉ cắt mất đường dây, nên mãi sáng nay Giu-khơ-rai mới nhận được báo cáo đích xác. Thổ phỉ bị đánh lui. Cụ Tô-ca-rếp bị thương, đạn xuyên vào ngực. Hôm nay người ta sẽ
đưa cụ về đây. Cơ-la-vi- sếch bị chém chết. Đêm ấy, anh đến phiên đi gác. Chính anh trông thấy bọn phỉ, anh liền vừa báo động, vừa bắn chặn bọn giặc nhảy xổ vào, nhưng vì không chạy kịp đến trường học, nên đã bị bọn phỉ chém chết. Trong đội công nhân làm đường có mười một người bị thương. Hiện giờ có chiếc tàu bọc sắt và hai đội kỵ binh đang tuần tiễu ở đấy.
Pan-cơ-ra-tốp lên thay cụ Tô-ca-rếp phụ trách công trường. Ban ngày, Pu-dư-rếp-ski đã vây một bộ phận phỉ ở đồi Gơ-lu-bô-ki và đã giết sạch không còn một mống. Nhiều công nhân làm đường ngoài Đảng không đợi tàu đến nữa, đã bỏ công trường lần theo đường tà-vẹt trốn về.
25 tháng Chạp.
Người ta dã đưa cụ Tô-ca-rếp và những anh em bị thương khác về đây và đem ngay vào bệnh viện cứu chữa. Các bác sĩ đều hứa cứu sống ông già. Cụ ta nằm mê man không biết gì. Tính mệnh của những người khác không nguy lắm, có thể qua được. Tỉnh ủy và chấp hành tỉnh đoàn chúng mình nhận được bức điện từ Bai-a-rơ-ca gửi về: “Để trả lời vụ quấy rối của bọn thổ phỉ, chúng tôi, những người xung phong xây dựng đường sắt, đã họp mít-tinh cùng với đơn vị tàu bọc sắt mang tên “Vì chính quyền Xô-viết” và các chiến sĩ Hồng quân trung đoàn kỵ binh, xin hứa với các đồng chí, dù trở lực thế nào, đúng ngày mồng một tháng Giêng, chúng tôi sẽ cung cấp được củi cho thành phố. Chúng tôi nguyện tiếp tục làm việc với dũng khí càng tăng lên gấp bội. Đảng cộng sản, người đã tin cậy gửi chúng tôi tới đây, muôn năm! Chủ tịch buổi mít-tinh: Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Bí thư: Béc-din”.
Thi hài Cơ-la-vi-sếch đã được an táng tại Xô-lô- men-ca, theo tang lễ quân đội. *
Đống củi ta hằng mong gần tới rồi, chẳng còn bao xa nữa, nhưng công việc tiến hành chậm chạp không thể chịu được, vì bệnh thương hàn mỗi ngày cướp mất hàng chục bàn tay có ích, lúc này cần vô cùng, quý vô cùng.
Pa-ven đi về phía ga, bước lảo đảo như người say rượu hai chân chỉ chực khuỵu xuống. Anh bị sốt từ lâu nhưng hôm nay cảm thấy người khó chịu hơn hẳn mọi khi. Bệnh thương hàn lâu nay phá tỉa đội làm đường, bây giờ đã bắt đầu tấn công đến Pa-ven. Nhưng sức vóc rắn chắc của anh đã chống cự lại, và năm hôm nay, anh vẫn còn đủ sức nhấc mình khỏi sàn bê tông loáng thoáng phủ rơm, để cùng anh em đi làm. Ngay cả cái áo lông ấm của Ri-ta biếu và đôi giày ống lót dạ của Giu-khơ-rai gửi cho đang bọc lấy đôi chân tê buốt, cũng không thể cứu anh khỏi nguy được.
Mỗi bước đi, anh thấy ngực đau nhói như dao đâm, răng đánh vào nhau lập cập, mắt hoa lên và cây cối chung quanh đối với anh hình như đang quay cuồng một cách lạ lùng.
Khó nhọc lắm anh mới lê bước được đến ga. Tiếng ồn ào khác thường làm anh ngạc nhiên. Cố nhìn xem: thì ra có một chuyến tàu dài dằng dặc đỗ dọc suốt nhà ga. Trên
những toa trần, toàn là các đầu máy nhỏ, đường ray, tà-vẹt. Những người đi theo đoàn tàu mới đến đang bốc những hàng ấy xuống. Pa-ven đi mấy bước nữa, người đã thấy loạng choạng mất thăng bằng. Rồi đầu anh từ từ chạm đất. Má đang nóng bừng áp vào tuyết thấy lành lạnh, dễ chịu.
Mấy giờ sau, có người đi qua vấp phải người anh, người ta mới đưa anh về căn nhà. Pa-ven thở dốc, tâm thần mê man, không nhận ra được ai nữa. Y sĩ ở chiếc tàu bọc sắt được mời đến khám, chẩn đoán:
“Bị sưng phổi nặng và bị thương hàn. Nhiệt độ 41,5. Còn nhức đầu xương và sưng cổ, nhưng không đáng kể vì so với hai chứng trên chỉ là bệnh vặt. Chỉ hai bệnh trên cũng đủ qua đời”.
Pan-cơ-ra-tốp và Đu-ba-va vừa đi chuyến tàu dài tới đã hết sức tìm mọi cách cứu sống Pa-ven.
A-li-ô-sa Cô-khan-ski là người cùng quê với Pa- ven được giao trách nhiệm đưa người bệnh về Sê-pê- tốp-ca.
Nhờ toàn đội của Pa-ven giúp tay vào, chủ yếu là nhờ áp lực của Khô-li-a-va, nên
Pan-cơ-ra-tốp và Đu- ba-va mới đưa được Pa-ven mê man bất tỉnh và A- li-ô-sa vào
một toa tàu đã chật ních người. Vì sợ bệnh thương hàn truyền nhiễm, hành khách
không cho đưa vào toa. Họ phản đối ầm ĩ và dọa khi tàu chạy, họ sẽ quẳng người
bệnh xuống đường.
Khô-li-a-va vung súng lục trước mũi những ai cản trở việc đưa người bệnh lên tàu.
Anh thét lên:
Người ốm này không có bệnh truyền nhiễm! Thế nào cũng phải để cho người bệnh đi, dù cho có phải đuổi tất cả mọi người xuống thì cũng cứ phải đưa đi ! Nói cho bọn các anh nhớ rằng, nếu định chạm tay vào người anh ta, tôi sẽ báo cho các nhân viên công an đặc biệt ở các ga dọc đường: đuổi tất cả xuống tàu và tống giam ngay. A-li-ô-sa này, đây là khẩu Mô- de của Pa-ven, cầm lấy, nếu đứa nào dám đầu têu cho Pa-ven xuống thì cứ bắn ngay.
Khô-li-a-va nói dọa thêm câu ấy.
Tàu chuyển bánh. Trên sân ga vắng, Pan-cơ-ra- tốp đi lại gần Đu-ba-va.
Cậu thấy thế nào, liệu có sống được không?
Về thôi. Đu-ba-va, nó sẽ thế nào thì cũng đành thôi. Tất cả công việc giờ do chúng mình phải gánh vác cả. Đêm nay, phải chuyển các đầu máy xuống để sáng mai còn đốt lò thử xem.
Khô-li-a-va gọi điện thoại suốt dọc đường tàu, nói chuyện với các bạn công an đặc biệt của mình và tha thiết đề nghị họ không để cho hành khách khiêng bệnh nhân Pa-ven xuống tàu. Mãi đến lúc nhận được lời các bạn hứa chắc chắn sẽ làm theo lời anh yêu cầu anh mới đi ngủ.
Đến một nhà ga lớn, người ta khiêng từ chuyến tàu chở khách xuống ngay sân ga một xác chết, xác một người thanh niên lạ mặt tóc hoe. Anh ta là ai, vì sao chết, chẳng ai biết cả. Các nhân viên công an đặc biệt của nhà ga nhớ tới lời yêu cầu của Khô-li- a-va, bèn chạy lại toa xe để ngăn cản không cho khiêng xuống, nhưng đến lúc chính mắt trông thấy người thanh niên kia đã chết thật, họ đành phải cho phép khiêng xác đến nhà xác của trạm tiêu chuyển.
Họ gọi ngay dây nói về Bai-a-rơ-ca báo cho Khô- li a-va biết tin bạn anh đã chết, số phận của người bạn đó bấy lâu đã làm cho anh rất lo ngại.
Một bức điện ngắn từ Bai-a-rơ-ca báo về Tỉnh ủy tin Pa-ven từ trần.
Còn A-li-ô-sa Cô-khan-ski thì sau khi đã đưa được Pa-ven về tới gia đình, chính A-li-
ô-sa lại bị bệnh thương hàn quật ngã.
*
“9 tháng Giêng.
Sao lòng tôi thấy đau đớn nặng nề như vậy? Trước khi ngồi vào bàn, tôi đã khóc nhiều. Ai tưởng được rằng Ri-ta này lại có thể khóc được, có thể khóc đau xót như thế được ! Có phải bao giở nước mắt cũng là dấu hiệu của sự yếu lòng không? Hôm nay ta khóc vì đau đớn sâu xa trong lòng. Tại sao đau đớn này lại đến với ta giữa một ngày thắng lợi lớn, khi giặc rét rùng rợn đã bị đánh bại rồi, khi các ga xe lửa đã có củi gỗ quý giá chất đầy ăm ắp trong kho? Tại sao nó lại đến vào giữa ngày mà tôi vừa được dự lễ chiến thắng trong cuộc hội nghị mở rộng của Xô-viết thành phố, lễ mừng những người anh hùng xây dựng đường sắt? Phải, chúng ta đã thắng lợi, nhưng để góp vào thắng lợi đó, hai người đã hy sinh: Cơ-la-vi-sếch và Pa-ven.
Cái chết của Pa-ven đã làm cho tôi thấy một sự thật: đối với tôi, Pa-ven thân quý hơn là tôi vẫn tưởng.
Thôi từ nay tôi bỏ không viết cuốn nhật ký này nữa. Rồi có khi nào tôi bắt đầu một
cuốn nhật ký mới nữa không? Không biết thế nào. Ngay mai viết thư đến Khác-cốp
báo tin tôi đồng ý nhận công tác ở Trung ương đoàn thanh niên cộng sản U-cơ-ren”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.