Ngồi xếp chân vòng tròn ở một đầu chiếc ghế tràng kỷ, nhà sư có thân hình béo phệ, thản nhiên đưa mắt nhìn người khách mới đến. Lát sau, nhà sư mới cất giọng khàn khàn:
– Không được. Quá ngọ tôi có việc phải ra ngoài thị trấn rồi.
Những ngón tay thô đầy lông lá của nhà sư kẹp vào một quyển sách bìa cứng đặt trên đầu gối.
Ông khách mới đến người dong dỏng cao, mặc áo dài màu xanh da trời, ngoài khoác áo thụng bằng lụa thâm. Từ lúc bước chân vào nhà, ông ta cứ đứng yên một chỗ, không nói, có lẽ đang thấm mệt, sau chặng đường dài vừa đi bộ suốt dãy phố Đền Thờ. Thế mà nhà sư, vị chủ nhà khiếm nhã chẳng thèm mời ông ngồi. Dù sau cái hình hài gớm ghiếc cùng với cả cái thói lỗ mãng của nhà sư cũng không làm giảm giá trị những người quân tử.
Khách đứng nhìn nhà sư, ngán ngẩm. Cái đầu trọc lốc, to tướng, lún sâu giữa đôi vai thô kệch, bộ mặt xạm nắng như bị hun khói, cặp má xệ, râu ria đâm tua tủa, cái mũi tròn to núc ních như cục thịt, miệng loe ống nhổ với đôi môi dày trề ra, hai con mắt ốc nhồi mở thao láo to một cách kỳ lạ… tất cả làm ông khách không thể không nghĩ đến một con cóc kếch xù đang ngồi trước mặt mình. Mùi mồ hôi dầu xông lên từ bộ áo cà sa vá chằng đụp, quện với mùi hương trầm cứ luẩn quẩn trong không gian tù túng của gian nhà trống rỗng. Khách lắng nghe tiếng đọc kinh đều đều từ phía gian nhà đối diện với Miếu Thiêng vẳng đến. Ông cố nén tiếng thở dài ngao ngán.
– Bạch sư thầy, thế thì quan tri huyện chắc sẽ kém vui. Trưa nay quan huyện cho mở tiệc thết khách ở tư dinh. Tối mai ngài lại tổ chức một cuộc họp mặt mừng Tết trung thu tại vách đá Lục Bảo Ngọc.
Nhà sư khịt mũi ầm ĩ:
– Quan huyện của ông cần phải biết điều hơn… Hừ… tiếp khách… Tại sao ông ấy không đến đây mà lại cử cố vấn riêng của ông ấy đến, hử?
– Thưa, vì quan tri phủ có việc mới qua đây. Sáng nay ngài cho đòi quan tri huyện đến tư dinh của ngài ở phía tây thị trấn để dự cuộc hội thảo của mười bốn vị quan huyện dưới trướng ngài. Sau cuộc hội thảo, quan tri huyện còn phải ở lại dự tiệc do quan tỉnh trưởng thết đãi. – Ông khách đằng hắng lấy giọng và nói thêm như thể thanh minh. – Quan huyện thường hay tổ chức những cuộc vui họp mặt với bạn bè trong các dịp lễ tết, tổ chức đơn giản nhưng thân mật… Mở đầu có bình thơ… Hình như sư thầy cũng…
– Còn ai được mời đến nữa? – Nhà sư chợt hỏi.
– Dạ trước hết có viện sĩ Triệu, rồi đến ngài Trương Lan Bài, thi sĩ của triều đình. Hai vị này lúc nào cũng sát cánh bên nhau và…
– Bọn người ấy thì tôi còn lạ gì, – nhà sư cướp lời. – Cả những thi phẩm của họ nữa. Nếu vậy thì rất có thể tôi cũng sẽ đến. Còn như nếu chỉ có những bài thơ tồi của quan huyện ông thì…
Nhà sư bỏ dở câu nói, ném về phía ông khách một cái nhìn rầu rĩ, rồi lại sỗ sàng hỏi:
– Còn ai nữa không?
– Thưa còn quan án sát Địch người huyện Phố Dương. Quan án sát đến đây từ hôm qua.
– Địch, huyện Phố Dương? – Nhà sư đáng ghét chột dạ nhắc lại. – Ma quỷ! Này ông cố vấn! Ông không có ý định làm tôi lầm tưởng rằng cái ông án sát ấy cũng thật bụng muốn tham dự vào những trò văn chương này chứ? – Nhà sư bực bội khỏi khách. – Tôi luôn nghe thiên hạ đồn rằng ông ấy chỉ là phường tiểu tốt vô danh, là lũ người chuyên đi gieo rắc những điềm gở.
Khách ung dung vuốt chòm ria mép đen nhánh và trả lời nhà sư với một dáng điệu hết sức kiểu cách.
– Bạch thầy, ngài án sát với quan tri huyện vốn là chỗ thân tình. Hai người là bạn đồng nghiệp của nhau. Quan tri huyện xem quan án sát như người nhà. Vì thế quan án sát ít khi vắng mặt trong các cuộc tiếp khách của quan tri huyện.
Nhà sư hỏi một câu giễu cợt:
– Thế ông đã bị ông ấy làm rầy rà bao giờ chưa?
Ngừng một lát, nét mặt đăm chiêu, hai má căng phồng lại càng giống cóc, nhà sư cười ha hả, môi cong lên hở cả hai hàm răng khấp khểnh.
– Địch hả?
Đoạn nhà sư giương đôi mắt ốc nhồi lơ đãng nhìn ông khách. Rồi lại cúi xuống đưa bàn tay lên xoa xoa bộ râu quai nón mọc tua tủa ở hai bên má và như thể chọc tức vị thuyết khách, nhà sư nghiến răng kèn kẹt làm ra vẻ giận dữ nói một câu lầu bầu trong miệng.
– Ta rất ngờ giọng điệu của những con cáo. Thiên hạ đồn rằng ông ta là người quỷ quái tinh ma lắm.
Rồi đột nhiên nhà sư ngẩng mặt lên nhăn nhó hỏi:
– Ông vừa nói tên ông là gì nhỉ, Bao hay Hao?
Hình 1. Cố vấn Cao đến mời nhà sư
– Tên tôi là Cao. Cao Phong xin hết lòng với nhà sư.
Nhà sư nhìn chằm chằm vào một điểm phía sau lưng khách. Khách bất giác quay đầu lại nhìn qua vai mình nhưng chẳng thấy gì cả.
– Được lắm, ông Cao, – bỗng nhiên nhà sư tuyên bố. – Tôi đã đổi ý. Bây giờ ông về nói với chủ ông là tôi nhận lời.
Ném tia mắt bán tín bán nghi về phía vị sứ giả bao giờ cũng đứng một chỗ trơ trơ thản nhiên, nhà sư hỏi bằng một giọng khô khốc:
– Sao chủ ông lại biết tôi đang ở ngôi chùa này?
– Nghe thiên hạ đồn rằng nhà sư đã trở về thị trấn được hai ngày. Sáng nayuan tri huyện dặn tôi lúc đi qua phố Đền Thờ hỏi thăm tin tức và người ta cho biết…
– Thôi được. Thực ra tôi cũng định đến đây sớm hơn độ hai ngày. Nhưng rồi rốt cuộc bây giờ mới đến. Dọc đường tôi gặp trở ngại… Nhưng thôi việc đó chẳng liên can gì đến ông. Ông về nói với ông Lã rằng tôi sẽ đến và sẽ dùng cơm trưa ở đấy. Nhớ chuẩn bị cho tôi một bữa ăn chay và một căn phòng nhỏ. Nhỏ thôi nhưng đặc biệt phải sạch sẽ. Đấy ông xem, một anh phu đào huyệt sống ẩn dật mà còn phải đeo đẳng những trọng trách… trọng trách của quá khứ, trọng trách đối với hiện tại…
Dứt lời nhà sư phá lên cười. Chuỗi cười lớn làm rung đôi bả vai u nặng. Nhưng tiếng cười chợt im lặng đột ngột như khi nó bắt đầu.
– Thôi chào ông Cao. – Vẫn cái giọng khàn khàn, nhà sư chấm dứt cuộc nói chuyện.
Vị sứ giả Cao cung kính cúi chào nhà sư, hai cánh tay khoanh vào nhau trong ống áo thụng. Rồi lui ra.
Còn lại một mình, nhà sư béo phệ biệt hiệu Người Đào Huyệt mới giở quyển sách bìa cứng trên đùi ra. Đó là một quyển sách cũ kỹ nói về thuật bói toán. Ngón tay trỏ của nhà sư lần theo những cột chữ ghi trên trang sách thứ nhất, miệng đọc to: “Con cáo đen đã ra khỏi hang. Coi chừng!”
Nhà sư gập quyển sách lại, mắt nhìn trừng trừng vào một điểm trên cánh cửa ra vào hệt như dáng dấp của một con cóc lì lợm.