Thi Nhân Và Sát Nhân

CHƯƠNG 7: MỘT VỤ MÁNH KHOÉ LÀM QUAN ÁN SÁT SAY MÊ MỘT BỮA TIỆC VUI CHỈ LÀM ÔNG HÀO HỨNG ĐÔI CHÚT



Lúc đi qua cổng chính khu dinh thự, quan án sát chợt dừng lại. Ông kinh ngạc nhìn về phía một người áo quần lôi thôi lếch thếch đứng trước cửa ra vào phòng ông. Đó là một người đàn ông to, béo, lùn, cái đầu tròn cạo nhẵn thín không còn một sợi tóc, gã đàn ông mặc một chiếc áo dài cũ kỹ, kiểu áo nhà sư vá chằng đụp, chân đi dôi dép rơm to tướng. Quan án sát nghĩ thầm trong bụng người nào ăn mặc thế kia mà dám tự tiện vào khu dinh thự! Ông đi về phía người lạ.
– Ông cần gì? – Quan án sát hỏi giật giọng không chút nhã nhặn.
Người kia quay đầu lại nhìn ông bằng đôi mắt to mở trừng trừng.
– Ha! Địch án sát! Tôi định vào thăm ông mà chẳng thấy ma nào ở nhà!
Giọng nói cộc cằn nhưng vẫn tỏ rõ sự tôi luyện dày dạn và đầy uy lực. Quan án sát chợt nghĩ ra.
– Rất vui mừng có dịp được làm quen với Lỗ Huynh. Quan tri huyên đã cho tôi biết về ông…
– Tôi với ông mới gặp nhau lần đầu hãy khoan nói đến sự vui mừng, ông Địch ạ. Để đến sau này hãy hay. – Nhà sư cắt ngang câu nói của quan án sát.
Đôi mắt nhà sư nhìn như thôi miên vào một điểm sau lưng quan án sát khiến ông không thể không quay đầu lại nhìn qua vai mình. Nhưng ngoài sân vẫn vắng vẻ.
– Không, quan án sát ạ, ngài vẫn chưa thể nhìn thấy cái gì đâu! Chưa thể được! Nhưng ngài đừng lo. Cái chết luôn luôn ở quanh ta. Khắp mọi nơi.
Quan án sát để ý quan sát nhà sư. Con người ghê gớm này làm ông có phần lúng túng. Không hiểu sao quan huyện Lã lại…
– Chắc ông định hỏi tôi vì sao cái ông Lã ấy lại mời tôi đến đây chứ gì, ông Địch? Tôi xin trả lời: vì tư cách của tôi là một nhà thơ hay nói cho đúng hơn là một anh chuyên viết những áng văn. Thơ của tôi thực không bao giờ dài quá một, hai dòng. Chắc hẳn ông chưa bao giờ đọc nó. Tôi biết ông là người say mê những tờ giấy lộn trịnh trọng mà thôi. – Nhà sư vừa thốt ra câu nói vừa trỏ ngón tay to như quả chuối mắn vào tập hồ sơ quan án sát đang cặp ở nách.
– Xin mời ông quá bộ vào trong này uống chén trà, – quan án sát lịch sự mở cửa mời khách.
– Cảm ơn ông, bây giờ thì tôi xin kiếu vì còn bận một vài việc trước khi mở cuộc hành trình lên tỉnh.
– Ông ở phòng nào thế Lỗ Huynh?
– Tôi ở sát ngay bàn thờ thần cáo, góc bên phải sân chính.
– À vâng, tôi cũng đã được ông Lã cho biết chỗ bàn thờ ấy, – quan án sát bất giác mỉm cười.
– Còn tôi thì không hiểu tại sao quan tri huyện lại không chịu bảo quản cẩn thận cái nơi thờ cúng ấy, – nhà sư nói một cách bất bình. – Những con cáo là một phần của toàn thể đời sống chung trên thế gian này đấy, ông Địch ạ. Đời sống của con cáo cũng tương tự như đời sống của con người. Đời sống chúng ta quan trọng ra sao, đời sống của chúng cũng quan trọng như thế. Nếu giữa con người với nhau có mối liên hệ khăng khít thì trong một con người cũng có sự gắn bó chặt chẽ với một con vật nhất định. Ông nên nhớ những vết hoàng đạo ảnh hưởng đến số mệnh của chúng ta đều tượng trưng bằng các loài vật, ông Địch ạ! (Nhà sư nhìn trừng trừng vào mặt quan án sát, tay đưa lên xoa chòm râu mọc tua tủa hai bên má). Tuổi ông là tuổi Hổ có phải không? – Nhà sư đột nhiên hỏi.
Trước cử chỉ tỏ vẻ xác nhận của quan án sát, nhà sư kỳ quái hếch cặp môi dày lên thành một nụ cười nhếch mép giả tạo, cái nhếch mép làm ông càng giống hệt một con cóc.
– Hừ! Một con hổ với một con cáo, còn gì hơn nữa! – Nét mặt nhà sư bỗng nhiên sa sầm, hai bên cánh mũi núc ních như cục thịt xuất hiện những vết nhăn sâu. – Ông cần phải hết sức cảnh giác, ông Địch ạ! – Giọng nhà sư rầu rĩ. – Theo chỗ tôi biết, đêm qua có một vụ giết người. Một vụ thứ hai sắp tiếp diễn. Tập hồ sơ ông mang ở nách kia mang tên Dược Lan, bà ta cũng có nguy cơ sẽ chết vì một án tử hình. Những người chết, sớm muộn rồi sẽ bám theo ông đấy, ông Địch ạ!
Nhà sư ngẩng cái đầu tròn vo lên và lại nhìn trừng trừng vào một điểm qua cạnh sườn quan án sát, mắt quắc lên những tia kỳ lạ.
Quan án sát không sao tự kiềm chế nổi. Ông rùng mình một cái và khi ông sắp có thể nói được một câu gì đó thì nhà sư đã lại nói tiếp bằng cái giọng sấn sổ quen thuộc của ông ta.
– Quan án sát ạ, ngài đừng có trông mong gì ở sự hỗ trợ của tôi. Tôi coi chuyện công lý của ngài chỉ là một thứ trò hề quá tồi. Vì thế tôi sẽ không bao giờ thò dù chỉ một ngón tay để bắt kẻ phạm tội cho ông đâu! Những kẻ làm điều ác đã tự cầm tù chúng rồi. Chúng loay hoay trong những vòng kiềm toả còn chật hẹp và chặt chẽ hơn nhiều so với tất cả các nhà ngục trên thế gian này, và không bao giờ có thể thoát ra được. Thôi, hẹn gặp lại ông tối nay, ông Địch.
Nhà sư bước đi kéo theo những tiếng đùng đục của đôi dép rơm đập trên mặt sân.
Quan án sát đứng nhìn theo nhà sư một tí rồi vội vã quay vào phòng. Ông tự giận mình vì cảm thấy đã có lúc lúng túng bị động trước mặt ông ta.
Lũ gia nhân đã vén màn dọn giường chiếu và pha sẵn nước trà cho ông. Ông hể hả nhìn ấm trà nóng pha sẵn để trong giỏ lót bông bên cạnh cây đèn nến đồ sộ bằng thiếc, rồi ra đứng trước bàn trang điểm của phụ nữ cầm tấm khăn mặt thơm tho gia nhân đã chuẩn bị cho ông từ trước trong chiếc chậu thau, xoa lên mặt và cổ. Lập tức ông cảm thấy tỉnh táo dễ chịu. Lỗ Huynh chỉ là một con người kỳ quặc như biết bao nhân vật lập dị chỉ ham thích những chuyện lạ đời! Ông đi lại gần cái bàn kê sát cửa sổ có cánh cửa lùa, ngồi xuống ngắm hòn non bộ ngoài vườn một lát rồi chậm rãi mở tập hồ sơ.
Thoạt tiên là bản tóm tắt của Lã về đời tư nữ thi sĩ, gồm khoảng hai chục tờ giấy. Bản tóm tắt viết rất tài tình và cẩn thận đến mức không ngờ. Nội dung chứa đựng hầu hết các tình tiết của vụ án. Bối cảnh vụ án được người viết mô tả bằng những từ ngữ ẩn ý, cố tránh tất cả những từ xúc phạm, tuy nhiên lời và ý vẫn sáng sủa dễ hiểu.
Sau khi đọc kĩ một lượt, quan án sát thả người thoải mái trong chiếc ghế bành, hai tay khoanh trước ngực, trong óc mường tượng lại toàn bộ cuộc đời của nữ thi sĩ.
Dược Lan là con gái duy nhất của một phó dược sĩ ở kinh đô. Ông bố tự học môn văn và đã dạy con gái biết đọc biết viết ngay từ lúc lên năm tuổi. Nhưng ông đã không quản lý tốt được công việc của mình, cho nên khi nuôi con đến năm mười sáu tuổi thì ông đã mắc nợ đến nỗi phải đem con bán cho một nhà chứa nổi tiếng. Thế là chỉ trong vòng bốn năm cô con gái đã hoàn toàn thay đổi. Cô trở thành một con người từng trải, năng đi lại giao thiệp với nhiều người trong giới văn nghệ sĩ già cũng như trẻ. Nhờ có những mối dây liên hệ đó, cô đã tiến bước mau lẹ trong tất cả các môn nghệ thuật giải tí, trong đó nổi lên rõ nét nhất là tài làm thơ của cô.
Mười chín tuổi giữa lúc đang có khả năng trở thành một cô gái lẳng lơ khét tiếng của phòng khách thì cô đã biến mất vào ngày một ngày hai. Phường hội các nhà chứa liền tung ra những tay chuyên làm nghề di dò la lão luyện và khôn khéo nhất của họ. Là một tổ chức tiêu biểu cho sự vây hãm rộng lớn như thiên la địa võng, mà rốt cuộc họ cũng đành chịu bó tay, chẳng tìm thấy dấu vết của cô gái đâu cả.
Hai năm sau, ngẫu nhiên cô gái bị phát hiện trong một khách sạn tồi tàn ở miền Bắc xứ sở, bệnh tật, ốm yếu và không còn nơi nương tựa. Chính trong tình cảnh ấy, thi sĩ Văn Đông Dương đã tìm ra cô. Người đàn ông trẻ tuổi này nổi tiếng là có tinh thần sắt đá, có khuôn mặt đẹp và một gia sản kếch xù thừa kế của ông cha. Hồi trước ở kinh đô, anh ta đã quen biết và cũng đã yêu cô Dược Lan. Lần gặp gỡ ấy, anh ta đã trả hết các món nợ cho cô và biến cô thành người bạn keo sơn của mình. Họ đưa nhau về kinh đô và tổ chức những cuộc vui liên miên ở đó. Văn cho ra mắt công chúng một tập thơ chung của hai người. Từ đó họ được giới văn sĩ trong cả nước biết đến. Đôi bạn văn ấy đã đi du ngoạn khắp nơi, thăm tất cả những vùng cao của vương quốc và được các giới văn sĩ có tên tuổi ở những nơi họ đi qua tiếp đón long trọng. Đôi khi họ dừng chân hàng mấy tháng liền ở một nơi họ cảm thấy thích thú. Sự kết giao của hai người kéo dài được một năm thì đột nhiên Văn bỏ rơi Dược Lan để chạy theo một phụ nữ làm trò nhào lộn lưu động.
Dược Lan từ giã kinh đô trở về vùng núi Tế Xuyên và dùng món quà từ biệt hậu hĩ Văn tặng để tậu một gia sản tuyệt vời! Cô ta sống ở đây cùng với một bầy nữ gia nhân và một số đào hát. Biệt thự của cô trở thành trung tâm của đời sống tinh thần và nghệ thuật của cái tỉnh hẻo lánh ấy. Cô dành đặc ân cho một hội chọn lọc gồm những người hâm mộ mình và tất cả các văn sĩ, các quan chức cao cấp, những người nô nức xúm xít quanh cô. (Họ bao cô bằng sự có mặt của họ với giá đắt). Quan tri huyện Lã đã không thể chế ngự nổi cám dỗ khi ông dùng cho đề tài này cái công thức muôn thuở: “Mỗi câu thơ của nữ thi sĩ đáng giá ngàn vàng”. Trong bản tóm tắt của Lã cũng nói rõ Dược Lan đặc biệt gắn bó với một số bạn gái mà nữ thi sĩ thường làm thơ tặng họ. Hai năm sau Dược Lan phải vội vã rời bỏ vùng Tế Xuyên chỉ vì một câu chuyện rắc rối xảy ra với một trong số học trò của bà ta là con gái quan tuần phủ.
Đi khỏi Tế Xuyên, nữ thi sĩ thay đổi hẳn lối sống. Bà ta mua một ngôi đền gọi là đền Bạch Hạc, một ngôi đền nhỏ của đạo Lão ở vùng hồ, nơi phong cảnh rất đẹp và đã tuyên bố quy theo đạo Lão. Bà ta chỉ giữ lại bên mình một đứa ở gái, tuyệt đối không tiếp một người đàn ông nào nữa và chỉ chuyên chú vào việc làm thơ tôn giáo. Bà vẫn giữ thói quen chi tiêu tiền bạc của mình một cách dễ dãi như khi kiếm ra nó. Ví dụ đã trả tiền bồi thường rất hậu cho những người giúp việc khi bà ta rời khỏi Tế Xuyên. Việc mua khu đền Bạch Hạc đã ngốn hết số tiền còn lại. Nhưng lúc này bà ta cũng chẳng cần đến nó nữa bởi vì đã có các thân hào trong vùng trả tiền rất hậu do việc bà ta dạy dỗ nghệ thuật cho các cô gái của họ. Bài viết của quan tri huyện kết thúc ở đây. Dưới trang cuối ông thêm một câu ghi chú như sau: “Yêu cầu tham khảo các tài liệu tư pháp kèm theo”.
Quan án sát đứng lên mở tập tài liệu chính thức ra. Đôi mắt nghề nghiệp đã giúp ông phân biệt nhanh chóng những sự việc chủ yếu. Hai tháng trước đây, vào khoảng cuối mùa xuân những viên cảnh sát của toà án địa phương được dịp kéo nhau vào đền Bạch Hạc đào bới dưới gốc cây anh đào sau vườn. Họ đã đào được thi thể trần truồng đứa hầu gái của Dược Lan, một cô gái mười bảy tuổi. Sau khi mổ khám tử thi, người ta biết cô gái đã chết được ba ngày, khắp mình toàn những vết bầm tím do bị đánh bằng gậy. Dược Lan bị bắt giữ và bị truy tố về tội cố ý đánh chết người. Lúc đầu bà ta khăng khăng phủ nhận những lời tố giác. Nhưng ba ngày sau đó, bà ta khai rằng đứa ở của bà ta xin phép nghỉ một tuần lễ về thăm bố mẹ già và đã lên đường sau khi phục dịch xong bữa ăn tối cho bà ta. Ăn tối xong, bà ta đi dạo mát một mình ở ven hồ theo lệ thường. Khoảng nửa đêm, khi quay về bà ta thấy cánh cửa nhỏ ngoài vườn bị phá. Đi xem xét các nơi thấy mất hai cây đèn chùm bằng bạc. Bà ta nói với viên quan huyện rằng đã khai báo việc mất trộm ngay sáng hôm sau. Theo bà ta thì đứa ở gái khi đi quên cái gì đó phải quay lại và đã chạm trán với bọn trộm. Cô gái bị chúng tra khảo chỗ để tiền bạc của chủ nhà và đã bị chúng tra khảo đến chết.
Sau khi viên quan huyện nghe thêm lời khai của nhiều nhân chứng khác đã khẳng định giữa bà ta và đứa ở gái thường xảy ra to tiếng. Các nhân chứng còn cho biết nhiều lần họ nghe thấy những tiếng kêu la giữa đêm khuya thanh vắng. Ngôi đền ở biệt lập một nơi, nhưng vài nhân chứng đi qua đó vào đúng cái đêm xảy ra câu chuyện bi thảm ấy nói rằng họ chẳng nhìn thấy bóng một tên ăn trộm hay một tên lưu manh nào lảng vảng ở đó. Quan huyện tuyên bố lời khai của Dược Lan là nguỵ tạo là dối trá và truy tố bà ta thêm về tội tự phá cổng vườn và ném hai cây đèn chùm xuống giếng để đánh lạc hướng cuộc điều tra. Mặt khác, viên quan huyện căn cứ vào những hoạt động đạp trời khuấy nước của bà ta trước đây, còn toan khép bà ta vào tội tử hình thì có tin một trang trại trong vùng bị cướp kéo đến cướp phá, giết vợ chồng chủ trại chặt ra từng khúc. Viên quan huyện nhạy bén lập tức hoãn việc xét xử Dược Lan và cho người đi dò tìm bọn cướp, đồng thời xác minh lại lời khai của Dược Lan. Cái tin nhà thi sĩ nổi tiếng bị bắt lan truyền đi khắp nơi trong nước. Quan tuần phủ bèn ra lệnh chuyển vụ này lên tình xét xử
Quan tuần phủ cho mở cuộc điều tra tỉ mỉ. Sau đó vị quan lớn vốn dĩ rất hâm mộ nữ thi sĩ này đã nêu bật hai điểm theo ông cần phải xem xét đến. Trước hết ông chỉ ra rằng viên quan huyện cách đây một năm đã xin nữ thi sĩ Dược Lan ban cho ân huệ nhưng bị nàng khước từ (viên quan huyện xác nhận điều đó là có thật nhưng phủ nhận ảnh hưởng của nó đối với việc thi hành công vụ của ông ta. Ông ta đã nhận được một lá thư nặc danh cho biết có một xác chết chôn dưới gốc cây anh đào và ông ta thấy mình có trách nhiệm phải xác minh lời loan báo đó). Quan tuần phủ thì lại cho rằng viên quan huyện đã xét đoán hấp tấp hồ đồ tội trạng của Dược Lan nên tạm thời cách chức ông ta. Lại thêm lực lượng cảnh sát võ trang vừa bắt được một tên trong bọn cướp đã tấn công vào trang trại vài tuần lễ dưới đây. Tên này khẳng định có được nghe tên đầu đảng của hắn nói về những của nả có thể kiếm được ở đền Bạch Hạc. Tên đầu đảng của hắn nói nếu tiện dịp sẽ đáp qua đấy một tí xem sao. Việc này có vẻ xác nhận lời khai của Dược Lan rằng đứa ở gái bị bọn cướp khảo tra đến chết. Trên cơ sở phân tích như vậy, quan tuần phủ mới quyết định chuyển vụ Dược Lan sang toà án tỉnh và khuyên toà án nên xử trắng án cho bị cáo.
Rất nhiều lá thư của các nhân vật cao cấp gửi tới tấp đến toà án xin chiếu cố cho nữ thi sĩ. Vị quan cai trị sắp công bố trắng án thì có một người gánh nước thuê ở vùng hồ xin vào ra mắt. Người này khai sở dĩ bây giờ ông ta mới đến trình diện là vì mấy tuần lễ nay anh ta phải dẫn ông cậu đi tìm mộ gia đình. Anh ta tự nhận mình là bạn của đứa hầu gái và khẳng định đã cô đã nhiều lần nói rằng bà chủ đã nài nỉ cô và cứ mỗi lần cô từ chối lại bị bà chủ đánh. Những mối ngờ vực của vị quan cai trị càng tăng thêm do việc khám nghiệm tử thi cho thấy đứa hầu gái vẫn còn trinh tiết. Nếu bị bọn cướp tra khảo, chắc chắn trước khi đánh chết cô gái chúng phải hãm hiếp. Ông liền cho người đi sục sạo khắp mọi nơi trong tỉnh để tìm kỳ được bọn đã cướp trại vì theo ông, lời khai của chúng hết sức cần thiết. Nhưng những cưộc tìm kiếm đều không mang lại kết quả. Mặc khác, lá thư nặc danh cũng chưa tìm ra người viết. Trước tình hình đó, quan tuần phủ muốn bứt mình ra khỏi sự việc gai góc ấy nên đã chuyển tất cả hồ sơ lên toà án chính quốc.
Quan án sát khép tập hồ sơ, bước ra ngoài hành lang. Gió thu nhè nhẹ thổi làm lay động những khóm trúc trên hòn non bộ, đó là dấu hiệu của một buổi tối êm đềm sắp trôi qua.
Quả thực bạn đồng nghiệp của ông nói không sai. Đây là một việc rất lý thú, nói cho đúng hơn là một việc hết sức hấp dẫn. Ông vuốt chòm ria, tư lự. Quan tri huyện đã nói với ông đây là một việc hóc búa nhưng chỉ đơn thuần về mặt lý thuyết. Ông biết lắm chứ. Sự việc này sẽ đặt mắt ông như một loại thử thách cá nhân. Đó là chưa kể nếu ông gặp được nữ thi sĩ, tức là để cho bà ta lôi kéo ông vào cuộc, cột ông vào vấn đề ông đang cần tìm hiểu rằng liệu bà ta có đúng là tội phạm hay không?
Quan án sát lững thững bước từng bước dài trên hành lang, hai tay chắp sau lưng. Về cái vụ rắc rối này ông chỉ có trong tay những tài liệu do một người đứng trung gian cung cấp. Đúng lúc ấy trong óc ông lại thoáng hiện ra dáng dấp con cóc của vị nhà sư. Cứ nghĩ đến nhân vật lạ lùng ấy là ông lại nhớ ngay đến lời nói của ông ta về vấn đề sống chết đang đặt ra đối với nữ thi sĩ. Tự nhiên ông cảm thấy một cái gì bất ổn xâm chiếm trong người giống như một linh cảm mơ hồ. Rất có thể ông sẽ loại trừ được cái việc dây nhợ này bằng cách vùi đầu vào tập hồ sơ mà phân tích thật chu đáo tất cả những tình tiết của nó. Bây giờ là năm giờ chiều. Còn độ hai tiếng nữa mới đến bữa ăn tối. Thực ra ông cũng chẳng ham hố gì những việc như thế này. Ông chỉ muốn gác nó lại để trong bữa tiệc tối nay trao đổi ý kiến một cách cởi mở với bà ta xem thế nào. Ông cũng sẽ nghe thêm ý kiến của ông viện sĩ hàn lâm và ông thi sĩ triều đình nói về nữ thi sĩ. Ồng sẽ cố gắng lái câu chuyện để xem họ nghĩ gì về tội trạng của bà ta. Thế là bữa tiệc vui mà vị quan đồng nghiệp của ông hứa hẹn bỗng nhiên được ông ta biến thành nước đi ghê gớm của phiên toà để cân nhắc một cái án tử hình! Lúc này ông có cảm giác như đang đứng trước một tai hoạ ghê gớm sắp xảy ra.
Quan án sát cố xua đuổi những tư tưởng u ám trong đầu và lại nghĩ đến vụ ám hại phó bảng Tống. Đó cũng là một việc đang chọc tức ông. Dù đã đến tận hiện trường, đã trực tiếp đi điều tra, nhưng ông vẫn không làm được gì hơn là trông chờ hoàn toàn vào những yếu tố do người của quan tri huyện cung cấp. Một lần nữa ông lại buộc phải làm việc với những tin tức trung gian.
Quan án sát chợt dừng chân, cau mày. Ông đứng tư lự một lát rồi bước vào phòng và nhặt quyển sổ nhạc của Tống vứt trên mặt bàn. Ngoài những tài liệu ghi chép lịch sử của chàng phó bảng, đây là vật duy nhất liên hệ với người đã chết. Ông lại mở những trang giấy chữ viết chi chít và đột nhiên mỉm cười. Thật là phiêu lưu, nhưng cũng đáng để ông bỏ công gắng sức. Thà chịu ngồi buồn một mình trong xó buồng còn hơn cứ lặp đi lặp lại những điều người ta đã công bố rộng rãi mà mình thì cứ như vừa mới được nghe thấy lần đầu tiên trong đời!
Quan án sát vào phòng đổi y phục, ông mặc một chiếc áo dài giản dị màu xanh biếc. Sau khi đội một chiếc mũ đen nhỏ lên đầu, ông bước ra khỏi phòng, tài liệu kẹp nách.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.