Thuật Thúc Đẩy Nhân Viên
Chương 13. Đào tạo và hướng dẫn liên tục
Chìa khóa để thúc đẩy nhân viên là tạo ra một môi trường khiến họ cảm thấy hạnh
phúc khi làm việc. Càng hạnh phúc, họ càng làm tốt công việc được giao, họ càng hợp tác với nhau hơn, sáng tạo hơn và bạn càng có một môi trường làm việc tích cực hơn quanh mình. Earl Nightingale đã từng viết, “hạnh phúc là luôn nhận ra một mục tiêu hoặc lý tưởng xứng đáng.” Bất cứ khi nào mọi người tin rằng cá nhân họ đang phát triển, họ sẽ tiến bộ hơn nữa mỗi ngày đồng thời tiến tới trở thành người có năng lực nhất có thể, trải nghiệm nhiều hạnh phúc và động lực hơn. Và không gì có thể tạo ra những cảm xúc này nhất quán hơn sự cống hiến của bạn, với tư cách một người quản lý trong việc đào tạo, giáo dục và phát triển liên tục nguồn nhân lực.
Học hỏi liên tục là chìa khóa để đạt được hiệu suất, động lực, sự nhiệt tình và cam kết cao. Mọi người sẽ đánh giá thấp bản thân nếu họ không biết cách hoàn thành nhiệm vụ của mình, đó là lý do tại sao hướng dẫn là việc của bạn (như mô tả trong chương 12). Tuy nhiên, chủ đề của chương này không chỉ là về việc các nhân viên học hỏi những gì họ cần biết để thực hiện công việc của họ một cách chính xác; mà là về việc các nhân viên liên tục học hỏi những điều mới mẻ trong các lĩnh vực mới và liên tục nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của họ, từ đó mở đường cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp trong tương lai.
Câu hỏi đúng đắn
Một số nhà quản lý đặt câu hỏi về ý tưởng đào tạo nhân viên bằng cách đưa ra câu hỏi, “Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta đào tạo họ và họ rời đi?” Đó là câu hỏi sai lầm. Câu hỏi phải là, “Chuyện gì xảy ra nếu bạn không đào tạo họ và họ ở lại?” Các công ty như IBM và AT&T rất đam mê đào tạo nhân viên một cách thường xuyên. Một nhân viên ở IBM, sau nhiều tháng đào tạo trước khi bắt đầu công việc, cần 40 đến 80 giờ đào tạo bổ sung mỗi năm. Đây là một yêu cầu tối thiểu để tiếp tục làm việc. Các nhân viên tham gia đào tạo rất nghiêm túc. Những công ty thành công nhất dành hàng trăm triệu đô-la mỗi năm để đào tạo người của họ, bởi họ biết rằng hoạt động đào tạo phù hợp mang lại hiệu quả rất cao. Theo Human Resource Executive Magazine, việc đào tạo nhân lực các kỹ năng quan trọng trong công việc có thể mang lại hiệu quả gấp 10, 20 thậm chí 30 lần chi phí đào tạo trong những năm tiếp theo. Mỗi đô-la mà công ty dành ra để đào tạo nhân lực sẽ mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc.
Nhân lực là chi phí lớn nhất
Bên cạnh chi phí vốn hàng hóa bán ra, chi phí hoạt động của các công ty nói chung gồm khoảng 85% tiền lương kèm các lợi ích và chỉ 15% chi cho mọi thứ khác, từ tiền thuê nhà đến các chi phí. Thậm chí gộp cả chi phí sản xuất, một công ty nói chung chi 65% tổng doanh thu vào tiền lương và các chi phí liên quan. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ, các công ty chi trung bình khoảng 1% hoặc ít
hơn trong tổng doanh thu của họ vào đào tạo những người được kỳ vọng sẽ tạo ra phần lớn tổng doanh thu. Theo nghiên cứu này, 20% các công ty hàng đầu về lợi nhuận trong ngành công nghiệp dành 3% hoặc hơn trong doanh thu tổng doanh thu của họ đào tạo nhân viên của mình. Những công ty chi từ 5% đến 10% tổng doanh thu bán hàng vào đào tạo luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất và mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.
Trong thị trường phụ tùng ô tô cạnh tranh cao, Tổng công ty Dana nổi tiếng với việc dành một ngày mỗi tuần để đào tạo nhân viên các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách xuất sắc. Và công ty luôn đạt định mức sản xuất vượt trội so với đối thủ cạnh tranh, những người làm 5 ngày một tuần và được được đào tạo ít hoặc không được đào tạo.
Đào tạo và động lực thúc đẩy nhân viên
Có một mối quan hệ trực tiếp giữa việc đào tạo liên tục và tiềm năng phát triển cá nhân cũng như gia tăng sự tự tin của mọi người. Bất cứ khi nào họ tiếp nhận thông tin mới và khám phá ra rằng họ đang giải phóng nhiều tiềm năng nhiều hơn, lòng tự trọng của họ cũng tăng lên. Nhận thức về bản thân họ cũng được cải thiện. Họ cảm thấy hạnh phúc hơn và tích cực hơn về bản thân.
Một trong những việc các nhà quản lý nên làm là đưa ra một kế hoạch đào tạo cho từng nhân viên. Hãy gặp từng người để xác định những kỹ năng mà họ cần, ngoài các kỹ năng hiện có của họ, để đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp.
Nếu làm việc cho một công ty lớn, bạn có thể sắp xếp đào tạo nội bộ. Nếu bạn đang làm việc cho một công ty nhỏ hơn, thì có hàng ngàn các tổ chức đào tạo tuyệt vời có thể tiến hành đào tạo chuyên ngành tùy chọn cho nhân viên và doanh nghiệp của bạn. Đôi khi, một chương trình đào tạo hoàn toàn có thể làm thay đổi hiệu suất của cả bộ phận, hoặc thậm chí toàn tổ chức.
Phát triển bản thân và công việc liên tục là động lực đáng tin cậy nhất của mọi người, có khả năng thúc đẩy họ tiến đến các mức độ cao hơn về năng lực và hoạt động. Đào tạo nhân viên là hoạt động vô cùng cần thiết giúp tạo ra một môi trường doanh nghiệp hiệu quả.
Đào tạo mang lại lợi thế cạnh tranh
Một nhà điều hành cấp cao nói với tôi rằng: “Lợi thế cạnh tranh duy nhất mà chúng tôi có là khả năng học hỏi và áp dụng những ý tưởng mới nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh”.
Giống như một đội thể thao hàng đầu có một chương trình đào tạo nghiêm ngặt và liên tục tại chỗ, một công ty hàng đầu cũng phải làm vậy bởi “cuộc sống của bạn chỉ trở nên tốt hơn khi bạn trở nên tốt hơn.” Tương tự như vậy, mọi người chỉ tốt hơn khi các nhà quản lý tốt hơn. Công ty chỉ tốt hơn khi các nhân viên tốt hơn. Và như Pat Riley, huấn luyện viên bóng rổ, đã viết, “Nếu không tốt hơn, bạn đang tệ đi.” Do tốc độ thay đổi đáng kinh ngạc và sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp ngày nay, nếu bạn và công ty của bạn không liên tục cải tiến ngày càng tốt hơn, họ thực sự đang tụt lại đằng sau so với những công ty đang đào tạo người của họ tiến lên một tầm cao mới. Đào tạo và phát triển liên tục không phải là một lựa chọn. Nó không mang tính tùy chọn thực sự. Nó là một hoạt động bắt buộc để tồn tại trên thị trường ngày nay và tương lai.
Bài tập thực hành
1. Hỏi trực tiếp các nhân viên của bạn để xác định một trong những kỹ năng mà họ muốn có hay cải tiến thông qua đào tạo và phát triển nhằm tạo ra những đóng góp có giá trị hơn cho tổ chức. Sau đó, dành thời gian và tiền bạc cần thiết cho mỗi nhân viên để họ phát triển kỹ năng đó.
2. Chọn một kỹ năng ở bản thân có thể giúp bạn làm công việc của mình tốt hơn. Thết lập một lịch trình đào tạo về khả năng đọc, nghe các chương trình audio, tham dự hội thảo và các triển lãm đồng thời thực hành các kỹ năng mới của bạn tại nơi làm việc. Bạn sẽ là động lực và là nguồn cảm hứng cho những người khác nâng cao kỹ năng của họ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.