Các nhà khoa học về không gian đã có bằng chứng rằng vũ trụ của chúng ta đã được tạo nên cách đây khoảng mười lăm tỉ năm, sau một vụ nổ lớn. Từ đó đến nay, vô số các dải ngân hà trong vũ trụ đã không ngừng trải rộng ra theo nhiều phía. Không những vũ trụ đã không ngừng trải rộng ra, mà nó còn không ngừng phát triển, trở nên phức tạp và đặc thù hơn. Nhiều nhà khoa học còn cho rằng quá trình đi từ sự hợp nhất đơn thuần lúc ban đầu đến sự phát triển đa dạng cuối cùng rồi cũng sẽ quay ngược lại. Nghĩa là vũ trụ sẽ thôi không còn dàn trải khắp mọi hướng như trước mà sẽ bắt đầu một quá trình co rút, hội tụ trở lại cho đến khi biến mất, không còn biểu hiện nữa và trở về với Vô Tướng – một điều chúng ta không thể nghĩ bàn gì được. Đó cũng chính là Nguồn Cội phát sinh ra vũ trụ và cả thế giới vật chất này. Quá trình vũ trụ sinh ra, phát triển, thu rút lại và hoại diệt như thế sẽ còn lặp đi lặp lại miên viễn, vô tận. “Như thế để làm gì? Tại sao vũ trụ lại mất công sinh ra, hiện hữu, rồi hoại diệt,… để làm gì?” chính là câu hỏi mà nhà vật lý học Stephen Hawking danh tiếng đã tự hỏi để rồi đồng thời nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ có thể tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này bằng những phương trình toán học.
Tuy nhiên, nếu bạn thử tập nhìn vào nội tâm của mình, thay vì theo thói quen hay nhìn ra thế giới ở bên ngoài, thì bạn sẽ nhận ra rằng cuộc đời của bạn có một mục đích bên trong và một mục đích bên ngoài, và vì bạn cũng là một vũ trụ nhỏ phản ảnh một vũ trụ lớn hơn, do đó vũ trụ lớn cũng có một mục đích bên trong và một mục đích bên ngoài, không tách rời với mục đích của bạn. Mục đích bên ngoài của vũ trụ là tạo nên các vật thể/hình tướng và kinh nghiệm sự tương tác giữa các vật thể/hình tướng ấy – như là một trò chơi của Thượng Đế, một giấc mơ, hay một tấn tuồng. Còn mục đích bên trong của vũ trụ là để tỉnh thức, để thoát ra khỏi giấc mơ của hình tướng, để trở về lại với bản chất chân thật, vô hình tướng, nguyên thủy của mình. Từ đó tiến đến sự dung hòa mục đích bên trong và mục đích bên ngoài của mình: tức là mang bản chất chân thật, vô hình tướng của Tâm vào trong thế giới của hình tướng – đời sống hằng ngày của bạn – và thông qua đó chuyển hóa thế giới chung quanh bạn. Mục đích tối hậu của sự chuyển hóa này vượt lên trên những gì trí óc của con người có thể lĩnh hội hoặc hình dung được. Và trong giai đoạn này trên địa cầu, sự chuyển hóa ấy chính là công việc quan trọng nhất mà chúng ta được ủy thác. Đó là dung hòa được mục đích bên trong và mục đích bên ngoài của đời mình, dung hòa giữa Đạo và Đời – thế giới vật chất.
Trước khi nhìn vào sự tương quan giữa sự phát triển và sự thu rút lại của vũ trụ trong cuộc đời của riêng bạn, chúng ta cần nhớ rằng những gì ta đang nói về bản chất của vũ trụ ở đây không nên xem như là những chân lý tuyệt đối. Các khái niệm hay phương trình toán học không thể giải thích được bản chất chân thật của Cái-Vô-Hạn. Tư duy con người không thể nào nắm bắt được sự rộng lớn, bao la của vũ trụ. Vì Thực tại là một tổng thể hợp nhất, và tư duy của ta luôn có khuynh hướng cắt xén thực tại ra thành từng mảnh nên chúng ta thường có những sai lầm rất căn cản, ví dụ, khi ta cho rằng đời sống có thể có những biến cố rời rạc, chẳng liên hệ gì với nhau; hoặc cho rằng một biến cố nào đó xảy ra là do một nguyên nhân duy nhất nào đó1. Mỗi ý tưởng chỉ có thể biểu thị cho một cách nhìn, và mỗi cách nhìn tự bản chất của nó đã hàm ý về một góc độ giới hạn của cách nhìn một vấn đề. Như thế, một cách nhìn chỉ có thể phản ảnh được một góc cạnh nhỏ bé của vấn đề, hoặc ít nhất thì đó cũng không phải là toàn thể vấn đề ấy. Chân lý chỉ có thể phản ảnh qua tổng thể, trong khi tổng thể là cái mà trí năng của chúng ta không thể bàn luận hay tư duy gì được. Khi bạn có khả năng nhìn từ một chỗ đã vượt lên trên những giới hạn của trí năng của con người thì mọi chuyện đang đồng thời xảy ra trong phút giây này. Tất cả mọi chuyện, từ xưa đến nay, chỉ có thể xảy ra ở phút giây hiện tại, vượt lên trên thời gian – vì thời gian là một cái gì không có thật, được tạo dựng nên bởi trí năng của con người.
Để biểu thị cho sự thật tương đối và tuyệt đối, chúng ta thử đề cập đến bình minh và hoàng hôn. Khi chúng ta nói rằng mặt trời mọc lúc bình minh và lặn lúc hoàng hôn, điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một cách tương đối thôi. Từ chỗ tuyệt đối thì cách nhìn đó là sai. Vì qua cách nhìn giới hạn của một người quan sát ở trên địa cầu thì ta thấy có hiện tượng mặt trời mọc và lặn. Nhưng nếu ta nhìn từ ngoài không gian thì mặt trời không mọc, cũng không lặn, mà nó liên tục tỏa sáng. Tuy nhiên, khi đã nhận ra điều này thì ta vẫn nói cứ về cảnh mặt trời mọc và mặt trời lặn, vẫn còn thấy được vẻ đẹp của nó, vẫn làm thơ ca ngợi nó dù ta biết đó chỉ là một sự thật tương đối.
Ta hãy bàn thêm đôi chút về một sự thật tương đối khác: sự hình thành của vũ trụ và sự hoại diệt trở về hư không, vốn cho ta thấy được khía cạnh giới hạn của thời gian, và thử xem điều này có liên quan gì đến cuộc sống của riêng bạn. Tất nhiên, khái niệm “cuộc đời của riêng tôi” là một khía cạnh giới hạn khác nữa được tạo ra bởi tư tưởng, và cũng là một kiểu sự thật tương đối khác. Bởi xét đến cùng thì chẳng có gì là cuộc đời “của bạn” cả, vì bạn và cuộc đời vốn không phải hai thực thể khác nhau, mà chỉ là một.
Lược sử đời bạn
Việc thế giới từ chỗ có hình tướng và trở về với Vô Tướng – sự giãn nở ra và thu nhỏ lại – là những chuyển động của vũ trụ mà ta gọi là chuyển động ra đi và chuyển động trở về. Hai chuyển động đó được phản ảnh khắp vũ trụ theo nhiều cách khác nhau, như là sự co giãn không ngừng của trái tim, hay hơi thở vào ra của bạn. Chúng cũng được phản ảnh trong chu kỳ ngủ và tỉnh giấc mỗi đêm bạn ngủ say, đó là khi bạn trở về với Cội Nguồn Vô Tướng của sự sống để sáng hôm sau, bạn phục hồi sự khỏe khoắn trong người, trở về… chuẩn bị cho một ngày mới.
Hai chuyển động ra đi, trở về đó cũng được phản ảnh trong chu kỳ sống của mỗi người chúng ta. Chẳng biết từ đâu, có thể nói như vậy, “bạn” bất ngờ thấy mình có mặt trên thế gian này sau khi được sinh ra và lớn lên. Bạn lớn lên không những về cơ thể, mà còn về kiến thức, của cải, sự từng trải… Phạm vi ảnh hưởng của bạn cũng được mở rộng và cuộc sống cũng trở nên phức tạp. Đây là lúc bạn chủ yếu theo đuổi và thực hiện mục đích bên ngoài của mình. Thường thì bản ngã của bạn cũng phát triển một cách tương ứng, tức là khuynh hướng tự đồng nhất mình với tất cả những thứ đó (cơ thể, kiến thức, của cải, sự từng trải), do đó tư cách bên ngoài của bạn ngày càng được xác lập. Đây cũng là lúc mục đích bên ngoài của bạn – sự phát triển trong nghề nghiệp, địa vị xã hội… – lớn mạnh, bạn ngày càng bị bản ngã lấn lướt và trong bạn có một khuynh hướng mà bạn không thể cưỡng lại được là theo đuổi và tích lũy tài sản, vật chất cho mình ngày một “nhiều hơn nữa”.
Nhưng khi bạn cảm thấy đời sống của mình sắp được thăng hoa thì quá trình trở về ở trong bạn sẽ bắt đầu. Nó bắt đầu khi bạn đối diện với những điều không như ý như khi một người thân của bạn mắc bệnh và sắp qua đời; hoặc sức khỏe của bạn ngày càng giảm sút; hoặc phạm vi ảnh hưởng của bạn ngày càng thu hẹp lại,… Do đó, thay vì có được nhiều hơn thì bây giờ bạn ngày càng có ít hơn, cho nên bản ngã của bạn sẽ phản ứng lại với tình trạng này bằng sự căng thẳng, xao xuyến và buồn chán. Thế giới của bạn bỗng dưng thu hẹp lại và bạn cảm thấy mình không còn làm chủ được đời sống nữa. Thay vì bạn tác động vào đời sống, ngược lại bây giờ đời sống lại tác động lên bạn bằng cách thu hẹp dần thế giới của bạn. Tâm thức tự đồng nhất mình với hình tướng ở trong bạn bây giờ đang đi qua giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời, giai đoạn phân rã của hình tướng bên ngoài trong đời sống của bạn. Rồi đến lúc chính bạn cũng biến mất trên cõi đời này. Chiếc ghế của bạn thường ngồi chơi trước hiên nhà vẫn còn đó, nhưng bây giờ chẳng có ai ngồi trên đó nữa.
Đời sống của mỗi người – thật ra là mỗi thể sống – tiêu biểu cho một thế giới, một phương cách độc đáo qua đó vũ trụ tự trải nghiệm chính nó. Và khi hình tướng của bạn bị phân hủy, thì đó cũng là lúc kết thúc của một thế giới trong muôn vàn thế giới.
Tỉnh thức và chuyển động trở về
Sự chuyển động trở về trong đời sống một con người, sự suy sụp hoặc băng hoại của hình tướng, do tuổi già, bệnh tật, mất khả năng, do mất mát, hoặc do những biến cố bi thảm nào đó… đem đến khả năng tỉnh thức lớn ở tâm linh, tức là làm cho ý thức của người đó tách ly với hình tướng. Do nền văn hóa đương đại có rất ít yếu tố tâm linh nên không mấy người nhìn ra được điều này. Vì thế, khi sự tỉnh thức xảy đến cho họ hoặc cho một người thân, thì họ chỉ nghĩ rằng có một điều gì đó không may hay cực kỳ tệ hại đã xảy ra.
Nền văn minh của chúng ta có rất ít hiểu biết về tâm linh và thân phận con người, và khi bạn càng kém hiểu biết về hai lĩnh vực này thì bạn càng chịu nhiều khổ đau. Đối với nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, cái chết đối với họ là một khái niệm rất trừu tượng và họ không thể hiểu được điều gì sẽ đến khi hình hài của họ tan biến đi. Do đó hầu hết những người già yếu bị đưa vào những nhà an dưỡng còn thi hài người chết thì bị giấu biệt đi; trong khi ở những nền văn hóa xa xưa, thi hài người chết được đem ra cho mọi người xem2. Ở các nước Tây phương, nhìn một xác chết bị xem gần như là trái pháp luật, ngoại trừ đó là người thân của bạn. Thậm chí ở các nhà quàn, khuôn mặt của xác chết còn được trang điểm, làm cho đẹp lên. Và bạn chỉ được phép nhìn một phiên bản đã được làm đẹp của cái chết.
Vì cái chết chỉ là một khái niệm trừu tượng, hầu hết mọi người đều không được chuẩn bị cho quá trình phân rã của hình hài này. Do đó khi cái chết đến, sẽ có xúc động mạnh, có sợ hãi, tuyệt vọng, và họ không thể hiểu được những gì đang xảy ra. Họ không thể hiểu thêm gì nữa vì đối với họ tất cả ý nghĩa và mục đích của đời sống đều dính đến chuyện tích lũy của cải, thành đạt, tạo dựng, bảo vệ của cải và thỏa mãn những đòi hỏi của giác quan. Tất cả liên hệ đến chuyển động hướng ngoại và thói quen tự đồng nhất mình với hình tướng, tức là với bản ngã. Hầu hết mọi người không thể hình dung ra bất kỳ một ý nghĩa nào khác nếu đời sống của họ, thế giới của họ bỗng dưng bị sụp đổ.
Tuy nhiên, cái chết có những ý nghĩa bên trong sâu sắc hơn cho bạn so với những chuyển động ngoại vi.
Chính vào lúc tuổi già, qua sự mất mát, hoặc qua những tai ách lớn của cá nhân mà chiều tâm linh thường đi vào đời sống của họ. Tức là mục đích bên trong của họ chỉ có thể trỗi dậy khi mục đích bên ngoài của họ sụp đổ và cái vỏ cứng của bản ngã bắt đầu rạn nứt. Những sự kiện đó tượng trưng cho sự khởi đầu của quá trình trở về với sự phân rã của hình tướng. Có thể trong hầu hết các nền văn hóa cổ xưa, bằng trực giác người ta đã hiểu được quá trình này, vì thế người già được tôn kính và yêu quý. Họ được xem là những kho tàng chứa đầy sự thông thái và tạo ra chiều sâu, mà nếu không có chiều không gian này thì không có nền văn minh nào có thể tồn tại lâu dài. Trong nền văn minh phương Tây (hoàn toàn tự đồng nhất mình với bên ngoài và không hiểu được chiều tâm linh bên trong) từ “người già” chủ yếu mang ý nghĩa tiêu cực. Nó gần như đồng nghĩa với từ vô dụng, và vì thế khi một người nào đó bị cho là đã già thì đó hầu như là một sự sỉ nhục. Để tránh dùng từ này, người ta dùng những từ khác như những người cao tuổi hay các cụ. Tại sao người già lại bị cho là vô dụng? Vì ở tuổi già, trọng tâm chuyển từ trạng thái “làm việc” sang trạng thái “an nhiên tự tại”, mà nền văn minh đương đại đang lạc lối trong chuyện phải luôn luôn có nhu yếu “làm” một cái gì nên nó chẳng biết tí gì về an nhiên tự tại. Do đó nó sẽ đặt câu hỏi: “An nhiên tự tại ư? Tôi phải làm gì với cái này?”.
Ở nhiều người, chuyển động hướng ngoại để phát triển trong đời sống của họ bị cản trở một cách nghiêm trọng do sự bắt đầu quá sớm của quá trình trở về, tức là sự phân rã của hình tướng. Trong vài trường hợp thì đó là một sự cản trở tạm thời, trong những trường hợp khác thì đó là một chướng ngại vĩnh viễn. Chúng ta cho rằng trẻ nhỏ không nên đối diện với cảnh chết chóc, nhưng sự thật là một số trẻ con phải đối diện với cái chết của bố hoặc mẹ chúng do bị ốm đau hoặc tai nạn, hoặc thậm chí đối diện với khả năng chính chúng có thể chết. Một số trẻ thì bị dị tật bẩm sinh, và điều này tạo ra những hạn chế rất lớn cho sự phát triển tự nhiên của chúng. Có người thì khi đang còn ở lứa tuổi vị thành niên đã gặp phải những giới hạn rất ngặt nghèo.
Sự gián đoạn của chuyển động hướng ngoại vào lúc ta nghĩ điều đó “không nên xảy ra” cũng có thể mang lại cho ta một sự tỉnh thức tâm linh sớm hơn. Xét cho cùng, không có chuyện gì xảy ra mà lại không nên, tức là không có chuyện gì xảy ra mà không có mục đích của nó, và đó cũng là một phần của bức tranh toàn thể, lớn lao hơn mà lúc này có thể ta chưa nhìn thấy. Như thế thì sự gián đoạn của mục đích bên ngoài có thể giúp bạn tìm ra mục đích bên trong và sẽ dẫn đến sự xuất hiện một mục đích bên ngoài sâu sắc hơn, đi đôi với mục đích bên trong. Trẻ con mà phải chịu nhiều khổ đau sớm thường lớn lên với sự trưởng thành, chín chắn hơn so với độ tuổi của chúng.
Những gì bạn mất mát trên phương diện hình tướng sẽ được đền bù trên phương diện bản chất. Ở một số nền văn hóa cổ xưa có nói đến những dạng nhân vật đặc biệt như dị nhân chột mắt hay những vị thầy đau khổ lại có tài chữa bệnh cho nhiều người; điều này nói lên rằng: Những gì bạn bị mất mát hay tàn tật trên mặt hình tướng có thể là một cánh cửa rất lớn, mở lối cho bạn đi vào cõi tâm linh. Khi bạn đã trực nghiệm được bản chất không bền vững của mọi hình tướng, bạn sẽ không còn quá coi trọng hình tướng nữa, nên bạn sẽ không còn mù quáng chạy theo hay bị vướng mắc vào chúng nữa.
Ngày nay người ta chỉ mới bắt đầu nhận ra cơ hội mà sự tan rã hình tướng mang lại, chủ yếu qua hình thức biểu hiện của tuổi già. Đa số vẫn còn bỏ lỡ cơ hội đó một cách tội nghiệp vì bản ngã thường tự đồng nhất mình với chuyển động trở về cũng như với chuyển động ra đi. Kết quả là lớp vỏ bản ngã ở trong họ càng trở nên cứng rắn hơn, thay vì mở ra thì nó lại càng co rúm lại. Lúc đó bản ngã đang bị suy yếu ở trong bạn sẽ dùng những ngày còn lại để than vãn, tự giam hãm mình trong những sợ hãi hay giận dữ, than thân trách phận, mặc cảm tội lỗi, oán trách người khác, hoặc xoay qua những cách tránh né vấn đề như là vướng mắc vào những ký ức cũ,… hoặc thích suy tư hay nói về quá khứ.
Khi bản ngã không còn tự đồng nhất mình với chuyển động trở về thì tuổi già hay sự cận kề cái chết trở về ý nghĩa của chính nó: Là cánh cửa giúp bạn đi vào cõi tâm linh. Tôi đã từng gặp nhiều người là hiện thân của quá trình này: Họ trở nên bừng sáng. Cái hình hài đang suy tàn kia của họ trở nên trong suốt dưới ánh sáng của nhận thức.
Trong một thế giới mới, tuổi già sẽ được hiển nhiên công nhận và được đánh giá là thời kỳ nở rộ của nhận thức ở một con người. Đối với những người còn lạc lối trong những tình huống ở bên ngoài đời sống thì đó là cơ hội giúp họ trở về, dù là muộn màng, khi họ thức tỉnh với mục tiêu bên trong của mình. Đối với những người khác thì tuổi già tượng trưng cho quá trình tăng tốc và lớn mạnh của quá trình tỉnh thức.
Tỉnh thức và chuyển động hướng ngoại
Sự phát triển tự nhiên của một người cùng với chuyển động hướng ngoại thường bị bản ngã khống chế và dùng để phục vụ cho riêng nó: “Hãy nhìn những gì tớ có thể làm được, tớ cá với cậu rằng cậu không thể làm được như tớ”. Đó là lời một đứa trẻ nói với bạn bè khi phát hiện ra cơ thể của nó ngày càng mạnh hơn và có thể làm nhiều việc hơn. Đó cũng chính là một trong những cố gắng đầu tiên của bản ngã nhằm củng cố chính nó qua việc tự đồng nhất mình với những chuyển động hướng ngoại thông qua khái niệm “tớ có nhiều hơn cậu”. Nó cảm thấy mạnh hơn người khác bằng cách hạ thấp giá trị của người khác. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu của bao nhiêu cảm nhận sai lầm khác của bản ngã.
Tuy nhiên, khi nhận thức của bạn được phát triển và bản ngã không còn điều khiển đời sống của bạn thì không cần phải đợi đến lúc đời sống của mình bị thu hẹp lại hay sụp đổ do tuổi già hay bất trắc thì bạn mới có thể trở về với mục đích bên trong. Vì nhận thức mới đã bắt đầu phát sinh trên hành tinh này nên ngày càng có nhiều người không cần phải trải qua biến động mới đạt đến sự tỉnh thức. Họ tự nguyện dấn thân vào con đường tỉnh thức dù vẫn tham gia vào chu kỳ phát triển ở bên ngoài. Khi chu kỳ đó không còn bị khống chế bởi bản ngã, thì chiều tâm linh sẽ đi vào thế giới này qua chuyển động hướng ngoại – tức là qua ý tưởng, lời nói, hành động, sự sáng tạo – cũng mạnh mẽ như là chuyển động trở về – Sự Tĩnh lặng, an nhiên tự tại và sự phân rã của hình tướng.
Cho đến bây giờ thì sự thông minh của con người, chẳng qua cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của sự thông thái sáng tạo của vũ trụ, đang bị biến dạng và bị khống chế bởi bản ngã. Tôi gọi đó là “sự thông minh chỉ để phục vụ cho sự điên rồ”. Phân tách nguyên tử cần rất nhiều sự thông minh. Nhưng dùng sự thông minh đó để chế tạo và cất trữ hàng tấn bom nguyên tử là điều hết sức điên rồ hay ít nhất cũng là một điều cực kỳ kém thông minh. Sự ngu xuẩn thì tương đối vô hại, nhưng ngu xuẩn mà lại thêm chút thông minh thực là một điều rất nguy hại. Sự thông minh có tính ngu xuẩn này (có thể tìm ra vô số ví dụ hiển nhiên) đang đe dọa sự tồn vong của loài người chúng ta.
Nếu không bị tác hại bởi những tha hóa của bản ngã thì sự thông minh của con người sẽ song hành với chuyển động hướng ngoại của sự thông minh sáng tạo của vũ trụ. Chúng ta trở thành những người tham dự có ý thức vào sự xây dựng, và sáng tạo những biểu hiện bên ngoài. Không phải ta là người xây dựng mà chính là sự thông minh của vũ trụ xây dựng qua ta. Do ta không tự đồng nhất mình với những gì mình sáng tạo ra, nên ta không tự đánh mất mình trong những gì mình sáng tạo. Chúng ta biết rằng hoạt động sáng tạo đòi hỏi một mức năng lượng cao nhất, mạnh mẽ nhất, nhưng đó không phải là một công việc khó khăn hay căng thẳng. Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa cường độ và sự căng thẳng. Căng thẳng là dấu hiệu khi bản ngã đã trở về cùng với những phản ứng tiêu cực khi bạn đối diện với các trở ngại trong những việc đang làm.
Sức mạnh nằm đằng sau những ham muốn của bản ngã là nhu yếu tạo ra “những kẻ thù”, tức là sức phản kháng dưới dạng một phản lực có cùng cường độ. Khi bản ngã của bạn càng lớn thì cảm giác cách ly giữa bạn với mọi người càng mạnh. Hành động duy nhất bạn làm mà không gây ra phản ứng đối nghịch là một hành động nhắm đến lợi ích chung của mọi người. Hành động này kết hợp chứ không loại bỏ, là đoàn kết chứ không chia cắt. Chúng không vì lợi ích riêng của “đất nước tôi” mà vì cho cả loài người, nó không vì “tôn giáo của riêng tôi” mà vì sự phát triển chung trong nhận thức của con người, nó không vì lợi ích riêng cho “loài người”, mà vì tất cả các loài hữu tình trên trái đất3.
Ta cũng biết rằng hành động cho dù cần thiết cũng chỉ là nhân tố thứ yếu để tạo ra thực tại ở bên ngoài ta. Vì nhân tố chính của sáng tạo là nhận thức. Dù ta có năng nổ thế nào, có cố gắng đến mấy thì trạng thái nhận thức của ta vẫn là nhân tố tạo ra thế giới. Nếu không có sự thay đổi bên trong thì ta có hành động bao nhiêu cũng không thể tạo nên những thay đổi tích cực mà chỉ là tái tạo lại những phiên bản được sửa đổi chút ít của cùng một thế giới, một thế giới phản ảnh tâm thức mê mờ của bản ngã.
Nhận thức
Nhận thức vốn đã là ý thức, là sự nhận biết. Nó là sự chưa biểu hiện của cái Vô Cùng. Tuy nhiên vũ trụ chỉ đang dần dần trở nên có nhận thức. Bản thân của nhận thức là một cái gì vượt thoát thời gian và vì thế không đi qua quá trình tiến hóa. Nhận thức chưa bao giờ được tạo sinh do đó chưa bao giờ bị hoại diệt. Khi nhận thức đã biểu hiện thành vũ trụ hữu hình thì nó phải chịu chi phối bởi thời gian và phải đi qua quá trình tiến hóa. Nhưng không một ai trong chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩa của quá trình này. Tuy nhiên, ta có thể hé thấy được quá trình này trong chính mình và trở thành một người tham dự có ý thức.
Nhận thức chính là sự thông minh sáng tạo, nguyên lý hình thành đứng đằng sau sự phát sinh của hình tướng. Hàng triệu năm qua, nhận thức đã và đang chuẩn bị cho hình tướng để qua đó mà nhận thức được thể hiện.
Dù cõi chưa biểu hiện của nhận thức thuần khiết có thể được xem như là một chiều không gian khác, nó vẫn không tách biệt với chiều không gian này của hình tướng. Vì hình tướng và vô hình tướng thâm nhập vào nhau. Cõi Vô Tướng đi vào cõi hình tướng như là nhận thức, là không gian bên trong, là Hiện Hữu. Bằng cách nào? Qua hình tướng của con người, vì con người đang bắt đầu trở nên có ý thức và vì thế mà có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Con người đã được tạo ra để phục vụ cho mục đích cao cả này, và hàng triệu hình tướng khác đã được tạo ra để tạo cơ sở cho mục đích đó.
Khi nhận thức từ Vô Tướng hóa thân vào chiều không gian hiển lộ tức là trở thành có hình tướng, thì nhận thức đi vào một trạng thái ngủ mê. Sự thông minh sáng tạo vẫn còn đó nhưng nhận thức thì đã đánh mất ý thức về chính mình. Nó tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng, tức là tự đồng nhất mình với hình tướng. Ta có thể mô tả điều này như là sự giáng trần của Cõi Thiêng Liêng vào trong thế giới của hình tướng. Vào giai đoạn tiến hóa đó của vũ trụ, toàn bộ chuyển động hướng ngoại xảy ra trong trạng thái ngủ mê đó. Phút giây tỉnh thức ngắn ngủi cho mỗi người chỉ xảy đến khi có sự phân rã của hình tướng, tức là khi ta đi qua cái chết. Nhưng vì nhận thức vẫn còn ngủ mê nên ta lại tiếp tục hóa thân vào một kiếp khác, và một lần nữa lại tự đồng nhất mình với những hình tướng khác, tiếp diễn sự ngủ mê của một cá nhân và cũng là một phần của sự ngủ mê của tập thể. Trên thảo nguyên, khi con sư tử bắt được một con ngựa vằn và xé xác để ăn thì nhận thức được hóa thân dưới hình tướng của con ngựa vằn trong phút lâm chung bỗng dưng tự tách mình ra khỏi hình tướng đó và chợt tỉnh ngộ, trở về với bản chất chân thật vô sinh, bất diệt của mình tức là nhận thức, nhưng ngay lập tức nhận thức lại rơi trở lại vào trạng thái ngủ mê và lại hóa thân vào một hình tướng khác. Hoặc khi con sư tử già yếu, chẳng còn săn bắt được nữa, đến lúc trút hơi thở cuối cùng, nó cũng có được phút giây tỉnh thức ngắn ngủi rồi rơi trở lại một giấc mơ hình tướng khác.
Trên hành tinh chúng ta, bản ngã của con người đại diện cho giai đoạn cuối cùng của sự ngủ mê của vũ trụ, sự tự đồng nhất của nhận thức với hình tướng. Đó là một giai đoạn cần thiết trong quá trình phát triển của nhận thức.
Bộ não của con người là một dạng phát triển cao, qua đó nhận thức có thể đi vào chiều không gian này. Não bộ bao gồm khoảng một trăm tỉ tế bào thần kinh (gọi là nơ-ron), tương ứng với số tinh tú trong dãy thiên hà của chúng ta, nên thiên hà cũng có thể xem là bộ óc tầm mức của vũ trụ. Não bộ không thể tạo ra nhận thức mà chính nhận thức đã tạo ra não bộ, dạng vật chất phức tạp nhất trên trái đất, để đại diện cho nó. Khi khối óc ta bị tổn hại, không có nghĩa là bạn trở nên mất nhận thức, mà chỉ có nghĩa là nhận thức không còn dùng hình thức đó (tức là não bộ) để đi vào chiều không gian này. Ta không thể nào đánh mất nhận thức vì nhận thức chính là bản chất chân thực của ta. Ta có thể đánh mất những gì mình có chứ không thể đánh mất những gì chính là mình.
Hành động khi đã tỉnh thức
Những hành động khi bạn đã tỉnh thức là biểu hiện bên ngoài của giai đoạn phát triển tiếp theo của nhận thức trên hành tinh của chúng ta. Càng tiến gần đến giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa thì bản ngã của chúng ta càng trở nên tha hóa, tương tự như con nhộng đi qua trạng thái thoái hóa trước khi biến thành con bướm. Tuy nhiên thứ tâm thức mới cũng đang xuất hiện mặc dù thứ tâm thức cũ đang trong quá trình tan rã.
Chúng ta đang chứng kiến một sự kiện rất quan trọng trong quá trình tiến hóa của nhận thức nhân loại, dù bạn sẽ không bao giờ nghe nói về tin này trong chương trình tin tức buổi tối. Trên hành tinh này, và có thể cùng một lúc ở nhiều nơi khác trong thiên hà, nhận thức đang bắt đầu thức tỉnh khỏi giấc mơ hình tướng. Điều này không có nghĩa là tất cả hình tướng (tức là thế giới của chúng ta) sẽ bị tan rã, tuy nhiên có một số biểu hiện của hình tướng không còn cần thiết nữa sẽ chắc chắn tan rã. Điều này có nghĩa là nhận thức giờ đây có thể tạo ra hình tướng mà không tự đánh mất chính mình trong những hình tướng đó. Nhận thức có thể ý thức về chính mình, dù nó đang tạo ra hoặc đang trải nghiệm về hình tướng. Tại sao nhận thức lại tiếp tục tạo ra và trải nghiệm hình tướng? Vì nhận thức muốn thưởng thức hình tướng. Nhưng bằng cách nào? Qua những con người đã tỉnh thức, những người đã học được ý nghĩa của “hành động trong trạng thái tỉnh thức”.
Hành động trong trạng thái tỉnh thức là sự song hành giữa mục đích bên ngoài của bạn – những gì bạn làm – với mục đích bên trong của bạn – tỉnh thức và tiếp tục duy trì sự tỉnh thức đó. Qua trạng thái hành động trong tỉnh thức, bạn hợp nhất với mục đích bên ngoài của vũ trụ. Qua bạn mà nhận thức có thể đi vào thế giới này. Nhận thức sẽ đi vào suy nghĩ của bạn và kích thích nó. Nhận thức sẽ đi vào những công việc bạn làm, hướng dẫn và truyền sức mạnh cho những công việc đó.
Điều cần thiết không phải là bạn cần phải “làm gì” mà chính là “cách bạn làm” những công việc đó; đây mới là điều quyết định bạn có hoàn thành được sứ mệnh của mình hay không. Và mức độ ý thức của bạn quyết định “cách bạn làm” những công việc đó.
Bạn sẽ có sự đảo lộn thứ tự ưu tiên khi bản thân việc thực hiện công việc trở thành mục đích chính trong những hành động của bạn. Nói đúng hơn là có một dòng nhận thức tuôn chảy vào trong những gì bạn làm. Dòng nhận thức đó chính là nhân tố tạo ra chất lượng trong những việc bạn thực hiện. Nói khác đi là trong bất kỳ tình huống nào, hoặc công việc gì, trạng thái nhận thức là nhân tố quyết định, tình huống và những gì phải làm trở thành thứ yếu. Thành công trong “tương lai” không thể tách rời khỏi nhận thức. Mỗi hành động của bạn có thể xuất phát từ sự phản kháng của bản ngã hay được tạo ra từ sự chú tâm đầy cảnh tỉnh của thứ nhận thức đã được tỉnh thức ở bên trong. Những hành động chân chính phát xuất từ trường năng lượng của sự chú tâm đó, chứ không phải là từ bản ngã và lối suy nghĩ thiếu nhận thức và bị định đặt ở trong bạn.
Ba thuộc tính của hành động khi đã tỉnh thức
Có ba cách để nhận thức tuôn chảy vào những việc bạn làm, tức là qua bạn mà nhận thức đi vào thế giới. Qua 3 thuộc tính này, bạn có thể song hành với năng lực sáng tạo của vũ trụ. Ở đây thuộc tính có nghĩa là tần số năng lượng tuôn chảy vào trong những gì bạn làm và nối kết hành động của bạn với tâm thức giác ngộ đang nảy sinh trong thế giới này. Nếu hành động của bạn không phát xuất từ một trong ba thuộc tính này thì những gì bạn làm sẽ mang tính tha hóa của bản ngã. Những thuộc tính này có thể luân phiên nhau biểu hiện hàng ngày, và một trong ba thuộc tính đó có thể đóng vai trò chủ đạo trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày, mỗi thuộc tính sẽ phù hợp với một tình huống nào đó.
Ba thuộc tính của hành động có tỉnh thức là sự chấp nhận, niềm hứng khởi, và lòng nhiệt tình. Mỗi thuộc tính tượng trưng cho một tần số rung nào đó của nhận thức. Bạn cần phải tỉnh táo để đảm bảo rằng có một thuộc tính nào đó đang được biểu hiện khi bạn làm bất kỳ một công việc gì – từ một chuyện đơn giản nhất cho đến việc rất phức tạp. Nếu bạn không ở trong trạng thái chấp nhận, có niềm hứng khởi, hoặc có lòng nhiệt tình thì hãy nhìn kỹ để thấy rằng bạn đang tạo ra khổ đau cho chính mình và những người chung quanh.
Chấp nhận
Đối với những công việc mà bạn cảm thấy không mấy hứng thú thì ít ra bạn cũng nên chấp nhận rằng đó là những công việc bạn cần phải làm. Chấp nhận nghĩa là: Đây là những gì mà tình huống này, phút giây này yêu cầu mình làm, vì thế mình tự nguyện làm, không phản kháng, không than van. Ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của thái độ chấp nhận ở bên trong đối với những gì đang xảy ra và chấp nhận những gì bạn cần phải “làm” là một khía cạnh khác của thái độ chấp nhận đó. Ví dụ bạn có thể cảm thấy chẳng thích thú gì khi bạn phải thay chiếc lốp xe bị hỏng lúc ban đêm ở một nơi rất vắng vẻ, mà trời thì đang mưa xối xả, nhưng bạn có thể chấp nhận việc đó. Làm một việc với thái độ chấp nhận có nghĩa là bạn có được sự bình an trong khi làm công việc ấy. Sự bình an đó là một sự rung động của năng lượng rất vi tế tuôn chảy vào trong những công việc bạn làm. Bề ngoài thì thái độ chấp nhận giống như một trạng thái thụ động, nhưng thực tế nó rất năng động và mang tính sáng tạo vì nó mang đến một cái gì đó hoàn toàn mới. Sự an bình đó, khoảng rung năng lượng tinh tế đó chính là nhận thức, và một trong những cách để nhận thức có thể đi vào thế giới là qua thái độ làm việc với sự chấp nhận.
Nếu bạn không cảm thấy thích thú hoặc không thể chấp nhận được những gì bạn đang làm thì hãy ngừng lại ngay. Nếu không, bạn sẽ không nhận phần trách nhiệm cho việc duy nhất mà mình thực sự có thể chịu trách nhiệm (cũng là điều duy nhất thực sự quan trọng), đó là tình trạng tâm thức của bạn. Và nếu bạn không chịu trách nhiệm cho trạng thái nhận thức của bạn thì bạn sẽ không nhận phần trách nhiệm của mình với đời sống.
Niềm hứng khởi
Cảm giác an bình đến từ hành động với thái độ chấp nhận công việc sẽ trở thành một cảm giác sống động khi bạn thực sự có niềm hứng khởi trong những việc bạn làm. Niềm hứng khởi là thuộc tính thứ hai của làm việc trong trạng thái tỉnh thức. Trong một thế giới mới, niềm hứng khởi (là động lực đằng sau những việc bạn làm) sẽ thay thế cho lòng ham muốn của con người. Sự ham muốn xuất phát từ ảo tưởng của bản ngã rằng bạn chỉ là một mảnh tách rời với năng lực đằng sau mọi sáng tạo. Qua niềm hứng khởi, bạn tiếp xúc với chính năng lực sáng tạo đó.
Khi giây phút hiện tại là tâm điểm của đời bạn, mà không phải là quá khứ hay tương lai, thì khả năng thưởng thức những gì mình làm – và theo đó là chất lượng đời sống của bạn – sẽ gia tăng mạnh mẽ. Niềm hứng khởi là khía cạnh năng động của trạng thái an nhiên tự tại. Khi năng lực sáng tạo của vũ trụ nhận thức được chính nó, thì nó sẽ thể hiện ra thành niềm hứng khởi. Bạn không cần phải đợi một điều gì “có ý nghĩa” xảy ra cho bạn thì bạn mới có được niềm vui từ những gì bạn làm. Niềm hứng khởi là một điều có ý nghĩa hơn là những gì bạn từng mong ước. Hội chứng “vẫn chờ đợi để bắt đầu một cuộc sống” là một trong những ảo tưởng phổ biến nhất của trạng thái mất nhận thức. Thay vì đợi một cái gì thay đổi để bạn có thể bắt đầu thưởng thức những gì mình làm thì bạn hãy thưởng thức những gì mình đang làm ngay trong phút giây này. Những thay đổi tích cực bên ngoài rất dễ xảy đến khi chúng ta có mặt và thưởng thức những gì mình đang làm. Đừng đợi đầu óc của bạn “cho phép bạn” thì bạn mới có thể có được niềm vui, vì bạn sẽ được nghe rằng có rất nhiều lý do tại sao bạn không thể có niềm vui trong lúc này. Trí năng của bạn sẽ nói “Bây giờ thì chưa được. Vì lúc này là lúc rất bận rộn. Không có thời gian. Có lẽ ngày mai”. Cái ngày mai đó sẽ không bao giờ đến, trừ khi ngay trong phút giây này, bạn tìm được niềm vui trong những gì mình làm.
Khi nói ta thích làm công việc này hoặc công việc kia thì đó là một sai lầm trong nhận thức, vì nói như thế là ngụ ý rằng niềm vui phát sinh từ những công việc ấy. Thật ra niềm vui của bạn không đến từ những công việc bạn làm, mà đến từ một nơi rất sâu ở trong bạn; niềm vui tuôn chảy vào công việc và tuôn chảy vào đời sống của bạn. Nhận thức sai lầm nhưng rất phổ biến rằng “niềm vui của tôi do những công việc tôi làm mang lại” là một cảm nhận rất nguy hại, vì nó làm cho ta tin rằng niềm vui là một cái gì đến từ những thứ khác, như là một hoạt động hay là một sự việc nào đó. Do đó, bạn trông chờ vào đời sống mang đến cho bạn niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhưng đời sống không thể làm được điều đó. Và đây là lý do tại sao nhiều người thường xuyên cảm thấy không thỏa mãn trong đời sống. Vì đời sống đã không mang lại cho họ những gì mà họ nghĩ là họ cần.
Như vậy quan hệ giữa niềm vui và những gì bạn làm là gì? Bạn sẽ thấy có niềm vui trong bất kỳ công việc nào nếu bạn hoàn toàn có mặt, trong bất kỳ công việc nào mà bạn làm không phải vì đó là một phương tiện để giúp bạn đạt được một mục đích nào đó. Bạn thực sự cảm thấy hứng khởi không phải vì những công việc bạn làm mà vì cảm giác sống động sâu sắc đang tuôn chảy vào trong những công việc đó. Cảm giác sống động đó chính là bản chất chân thật của bạn. Điều này có nghĩa là khi bạn cảm thấy thích thú thực hiện một điều gì, chính là bạn đang thực sự trải nghiệm niềm vui của an nhiên tự tại ở khía cạnh năng động của nó. Vì thế, bất cứ công việc nào bạn cảm thấy thích thú khi thực hiện đều sẽ liên kết bạn với năng lực sáng tạo của vũ trụ.
Tôi có một thực tập tâm linh sau đây để giúp cho bạn bồi đắp năng lực và phát triển sự sáng tạo trong cuộc sống của bạn. Hãy lập một danh sách những công việc thường nhật của bạn, luôn cả những việc mà bạn cho là nhàm chán, chẳng thú vị gì, những việc bạn cảm thấy rắc rối hay căng thẳng. Tuy vậy, ban đầu bạn nên tránh những việc mà bạn cảm thấy chán ghét thậm tệ, vì đó là những việc bạn cần phải buông bỏ hay ngừng lại, hoặc bạn cần thực tập chấp nhận trước khi có thể bắt đầu. Trở lại cái danh sách của những công việc bạn thường làm mà tôi vừa đề nghị ở trên, có thể đó là chuyện bạn đi làm ở công ty, chuyện bạn phải giặt giũ áo quần, đi chợ mua thức ăn,… hay bất kỳ công việc nào bạn cho là buồn tẻ hoặc thường làm cho bạn cảm thấy căng thẳng. Sau đó, khi bạn làm những công việc ấy, hãy biến nó thành một phương tiện giúp bạn có được sự chú tâm. Hãy có mặt hoàn toàn với công việc ấy, cảm nhận sự tĩnh lặng và sống động nhưng tỉnh táo ở trong lòng khi bạn làm việc. Bạn sẽ nhận thấy rằng những gì mình làm trong trạng thái tỉnh giác cao độ như thế rất thú vị chứ không buồn tẻ, khó chịu hay căng thẳng. Nói chính xác hơn, những gì bạn thưởng thức không phải đến từ những hoạt động ở bên ngoài, mà đến từ một nhận thức im lắng ở bên trong tuôn chảy vào những hoạt động đó. Đây chính là tìm ra niềm vui của an nhiên tự tại trong những công việc bạn làm. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa hay quá căng thẳng thì đó là vì bạn chưa mang chiều không gian im lắng đó vào trong đời sống của bạn. Vì bạn chưa cảm thấy rằng trở nên có nhận thức hơn trong những gì bạn làm là mục tiêu chính của đời bạn.
Thế giới mới sẽ phát sinh khi càng ngày càng có nhiều người nhận thức rằng mục đích chính của đời họ là đưa ánh sáng của thứ nhận thức mới đi vào thế giới này, do đó họ dùng tất cả những công việc họ làm như là phương tiện để truyền đạt cái nhận thức đó.
Niềm vui của an nhiên tự tại là niềm vui khi có nhận thức. Tâm thức đã giác ngộ sẽ thế chỗ cho thứ tâm thức cũ của bản ngã và bắt đầu điều hành đời sống của bạn. Bạn sẽ thấy rằng những việc bạn đã từng làm trước kia giờ đây bỗng trở nên rộng mở khi nhận thức mới tiếp thêm sức lực cho nó.
Có những người, qua hoạt động sáng tạo của mình, đã làm giàu cho đời sống của những người khác, chỉ đơn giản vì họ yêu thích những gì họ đang làm; họ làm không vì mong đợi thành tựu hay muốn đạt được điều gì thông qua những hoạt động đó. Họ có thể là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ,… Ngoài niềm hứng khởi, những điều họ làm bây giờ có thêm cường độ và sự sáng tạo vượt xa những gì mà một con người bình thường có thể thực hiện được.
Nhưng bạn đừng để những công việc này làm cho bạn cảm thấy mình trở thành một người quan trọng, vì đó là dấu hiệu của bản ngã đang biểu hiện ở trong bạn. Vì bạn vẫn chỉ là một con người bình thường. Những gì phi thường là những gì qua bạn mà đi vào thế giới này. Bạn và mọi người đều có cùng tính chất phi thường như thế. Hafiz, một nhà thơ và cũng là một giáo sĩ Sufi nổi tiếng người Ba Tư vào thế kỷ thứ 14 đã diễn tả rất hay chân lý này: “Tôi chỉ là một chiếc lỗ trong ống sáo mà Thượng Đế đã thổi hơi qua. Hãy lắng nghe điệu nhạc này”.
Lòng nhiệt thành
Vẫn còn có một cách hiển lộ sáng tạo khác nữa đối với những người vẫn miệt mài hướng đến mục tiêu tỉnh thức trong nội tâm của họ. Một ngày nào đó, họ đột nhiên nhận biết được mục tiêu bên ngoài của mình. Họ bỗng mở ra một tầm nhìn rộng khắp, thấy được một mục tiêu để đạt đến, và từ đó họ nỗ lực hướng đến thực hiện mục tiêu đó. Mục tiêu hay tầm nhìn lúc ấy của họ thường có liên quan theo một cách nào đó với những gì mà trong một phạm trù nhỏ hơn họ vẫn đang thực hiện và vốn đã có sự hứng thú trong việc làm ấy. Đây chính là điểm khởi sinh thuộc tính thứ ba trong sở hành của một con người giác ngộ: lòng nhiệt thành.
Lòng nhiệt thành là niềm vui sâu sắc trong những gì bạn làm, cộng thêm một tầm nhìn hay một mục tiêu để hướng đến. Khi bạn có thêm mục tiêu là niềm vui trong công việc, thì sẽ có sự thay đổi trong tần số rung của những công việc đó. Bạn sẽ thấy mình như một mũi tên đang phóng về đích – và đang hứng khởi vì quá trình này.
Đối với một người bàng quan thì có vẻ như bạn đang bị căng thẳng, nhưng mức độ lòng nhiệt thành của bạn chẳng liên quan gì đến sự căng thẳng cả. Sự căng thẳng chỉ xảy ra khi bạn mong muốn đạt đến mục tiêu nhiều hơn là thưởng thức những công việc mà bạn đang làm. Khi đó ở bạn có sự mất quân bình giữa niềm vui thú và sự cảnh giác cao độ, tạo nên sự căng thẳng ở trong bạn. Khi có sự căng thẳng thì thường đó là dấu hiệu bản ngã của bạn đã trở về và bạn đã tự tách mình ra khỏi năng lực sáng tạo của vũ trụ, trong bạn chỉ có sức mạnh và sự căng thẳng của lòng ham muốn của bản ngã. Do đó bạn phải đấu tranh và cố gắng mới làm được một việc nào đó. Sự căng thẳng luôn làm giảm chất lượng và hiệu quả của những gì bạn làm. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa sự căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực như lo lắng hay giận dữ. Những cảm xúc tiêu cực này rất nguy hại đối với cơ thể của bạn và hiện đang được khoa học công nhận rằng đó là một trong những nguyên nhân chính gây nên những căn bệnh như ung thư và bệnh tim.
Không giống như sự căng thẳng, lòng nhiệt thành có tần số năng lượng cao hơn và vì thế mà thích ứng với khả năng sáng tạo của vũ trụ. Đây là lý do tại sao Ralph Waldo Emerson đã nói “Bạn không thể làm được điều gì to lớn nếu bạn không có lòng nhiệt thành”. Danh từ enthusiasm (lòng nhiệt thành) có nguồn gốc từ chữ Hy lạp cổ – “en” và “theos”, nghĩa là Thượng Đế. Còn từ enthousiazein có nghĩa là bị chiếm hữu bởi một vị thần. Với lòng nhiệt thành, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn không cần phải tự mình làm tất cả mọi việc. Thật ra tự bản thân bạn “không thể” làm được một điều gì có ý nghĩa. Lòng nhiệt thành khi được nuôi dưỡng liên tục sẽ tạo ra một cơn sóng của năng lực sáng tạo, và điều bạn cần làm lúc đó chỉ là “cỡi trên sóng mà đi”, không cần phải tiêu phí nhiều hơi sức.
Lòng nhiệt thành mang lại sức mạnh rất lớn cho hành động, đến nỗi những người chưa đạt được năng lực đó sẽ kinh hãi khi nhìn thấy những thành tựu đó “của bạn” và họ có thể cho rằng bạn cũng vĩ đại như thế. Tuy nhiên, ta biết sự thật mà Chúa Jesus muốn đề cập khi Người nói “Tự bản thân ta, ta chẳng làm được gì”. Không giống như lòng ham muốn của bản ngã thường tạo nên sự chống đối tương đương với cường độ của lòng ham muốn đó, lòng nhiệt thành không bao giờ tạo nên sự chống đối. Nó không có tính đối kháng. Hoạt động của lòng nhiệt thành không tạo ra người thắng, kẻ thua. Nó dựa trên cơ sở của sự dung nạp, mà không phải là khai trừ những người khác. Lòng nhiệt thành không cần lợi dụng hay thao túng người khác vì nó là năng lực của chính sự sáng tạo và vì thế mà không cần lấy thêm năng lượng từ nguồn khác. Lòng ham muốn của bản ngã luôn muốn lấy đi một cái gì đó từ người khác. Trong khi lòng nhiệt thành cung cấp cho người khác từ sự sung túc có của chính nó. Khi gặp chướng ngại dưới dạng những nghịch cảnh hay một người nào đó không muốn hợp tác, lòng nhiệt thành không bao giờ phản ứng mà sẽ tìm cách hóa giải năng lượng đối nghịch đó thành thái độ hợp tác, biến thù thành bạn, qua thái độ nhường nhịn, bao dung.
Lòng nhiệt thành và bản ngã là hai thứ không thể cùng một lúc tồn tại bên cạnh nhau. Có cái này thì không thể có cái kia. Lòng nhiệt thành biết những gì nó muốn hướng đến, nhưng cùng một lúc, nó hợp nhất một cách sâu sắc với phút giây hiện tại, vì phút giây hiện tại là nguồn tạo nên sức sống cho nó, là niềm vui và sức mạnh của nó. Lòng nhiệt thành chẳng “cần” bất cứ một cái gì vì tự nó không “thiếu” một cái gì cả. Lòng nhiệt thành hợp nhất với đời sống và dù các hoạt động do lòng nhiệt thành tạo ra có sức mạnh thế nào, nó vẫn không bị đánh mất mình ở trong đó. Ở giữa tâm điểm của lòng nhiệt thành luôn luôn còn một khoảng không của sự tĩnh lặng rất sống động, một nỗi an bình ở giữa những hoạt náo, nó vừa là nguồn của tất cả những hoạt động đó, nhưng đồng thời những hoạt náo đó không thể nào chạm đến hay ảnh hưởng được nó.
Qua lòng nhiệt thành, bạn hoàn toàn song hành với nguyên lý sáng tạo hướng ngoại của vũ trụ mà không tự đồng nhất mình với những gì nó tạo ra, tức là không bị vướng vào vấn đề bản ngã. Khi không có vấn đề tự đồng nhất mình với một cái gì đó thì bạn không có vấn đề với sự vướng mắc – một trong những nguồn gốc lớn của khổ đau. Một khi đợt sóng của năng lượng sáng tạo đi qua, lực căng cấu trúc lại giảm xuống thì phần còn lại chỉ là niềm vui qua những việc mình làm. Nhưng không phải lúc nào lòng nhiệt thành cũng hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người. Chỉ khi có những đợt sóng mới của năng lượng sáng tạo xảy đến thì theo đó là sự phát sinh của lòng nhiệt thành mới.
Khi chuyển động trở về hướng đến sự phân rã của hình tướng bắt đầu thì lòng nhiệt thành sẽ không còn hữu ích cho bạn nữa. Vì lòng nhiệt thành thuộc về chuyển động ra đi của đời sống. Chỉ qua thái độ chấp nhận thì bạn mới có thể song hành với chuyển động trở về – quá trình về lại với Cội Nguồn.
Tóm lại: Niềm vui từ những gì mình làm, cộng với một tầm nhìn hay một mục tiêu kết hợp lại thành lòng nhiệt thành. Dù bạn đã có một mục tiêu để hướng đến, những gì bạn đang làm trong giây phút này phải là tâm điểm tập trung sự chú tâm của bạn, nếu không thì bạn sẽ tách ly khỏi vị trí song hành với mục đích của vũ trụ. Đừng biến mục tiêu hay tầm nhìn của mình thành một tiêu ảnh đã được phóng đại, thổi phồng lên về chính mình vì đó là một hình thức kín đáo của bản ngã như là muốn làm ngôi sao điện ảnh, muốn làm một nhà văn nổi tiếng hay một đại gia trong thương trường,… Cũng đừng tập trung vào mục tiêu để “tậu” được cái này cái nọ như tậu một biệt thự bên bờ biển, sở hữu một công ty của riêng mình, hay có 10 triệu đô-la gửi ngân hàng. Một tiêu ảnh đã được phóng đại về chính mình hay bạn hình dung rằng mình “sở hữu” cái này cái kia đều là các mục tiêu “chết” và do đó không làm cho bạn có thêm năng lực. Thay vào đó, hãy chọn một mục tiêu có tính năng động, tức là hướng đến một “hoạt động” của bạn mà qua đó liên kết với người khác và với đời sống. Thay vì thấy mình là một ngôi sao điện ảnh, một văn hào nổi tiếng,… hãy xem mình đang dùng công việc đó chỉ để động viên người khác và làm giàu cho cuộc sống của họ. Hãy cảm nhận cách mà những hoạt động đó làm giàu hơn, không những đời sống của bạn, mà đời sống của biết bao nhiêu người khác. Hãy thấy mình là một cánh cửa qua đó năng lượng từ Cội Nguồn của Vô Tướng tuôn chảy vào đời sống, phục vụ cho lợi ích của tất cả mọi người4.
Tất cả những điều này có nghĩa là mục tiêu hay tầm nhìn của bạn đã trở thành một hiện thực ở trong mình, ở cấp độ suy nghĩ và cảm nhận. Lòng nhiệt thành là năng lực chuyển đổi những phác họa, những hoạch định trong đầu bạn đi vào chiều không gian của vật chất. Đó là cách sử dụng trí năng đầy sáng tạo và đó là lý do tại sao ở đó không có sự ham muốn. Bạn không thể thể hiện được những gì bạn mong muốn, bạn chỉ có thể thể hiện được những gì mình sẵn có. Bạn có thể đạt được những gì mình mong muốn qua nỗ lực và căng thẳng, nhưng đó không phải là cách mà thế giới mới cần. Chúa Jesus đưa ra chìa khóa trong việc sử dụng trí năng một cách sáng tạo và của việc thể hiện hình tướng một cách có ý thức khi Người nói: “Những gì con cầu xin trong khi cầu nguyện, hãy tin là con đã nhận được, và đương nhiên những thứ đó sẽ là của con”.
Những người nắm giữ tần số
Những hành động hướng ngoại để tạo nên hình tướng có cường độ khác nhau ở mỗi người. Có người cảm thấy có ham muốn mạnh mẽ trong việc tạo dựng, tham gia, xây đắp, thành đạt, hay tác động đến đời sống. Nếu họ thiếu nhận thức thì dĩ nhiên là bản ngã của họ sẽ khống chế họ và dùng năng lượng của chu kỳ hướng ngoại cho mục đích riêng của bản ngã. Nếu tình trạng này xảy ra thì dòng năng lượng sáng tạo ở trong họ sẽ bị giảm sút và họ phải trông cậy vào “nỗ lực” của mình để đạt được những gì cần làm. Ngược lại, nếu họ có nhận thức, thì những người này sẽ có chu kỳ hướng ngoại rất năng động với tính sáng tạo rất cao. Những người khác, sau một thời kỳ phát triển tự nhiên của thời kỳ trưởng thành, chu kỳ hướng ngoại sẽ đi đến chỗ hoàn mãn, và họ sống một đời sống mà bề ngoài như có vẻ thụ động, ít sôi nổi và không có nhiều thay đổi.
Bản chất của họ có vẻ hướng nội hơn và đối với họ thì chuyển động hướng ngoại để xây dựng cái này, cái kia chỉ ở mức tối thiểu. Họ thích trở về nhà hơn là ra đi. Họ không còn mong muốn tham gia nhiều vào những hoạt động bên ngoài hay có ý muốn thay đổi thế giới. Nếu có chút tham vọng, thì họ chỉ mong tìm được một công việc giúp họ có được sự độc lập hơn trong đời sống. Một ít trong số đó cảm thấy khó hòa nhập với đời sống này. Số ít khác thì may mắn có được một chỗ trú thân để sống một đời sống tương đối ổn định, có công việc với thu nhập ổn định hay có cơ sở làm ăn riêng. Có người thì muốn sống trong một cộng đồng tâm linh hay một tu viện nào đó. Có người thì trở thành kẻ bị đời sống loại bỏ và họ sống bên lề cái xã hội mà họ thấy không có gì tương đồng để có thể chia sẻ. Có người thì sa vào nghiện ngập vì họ cảm thấy đời sống của họ có quá nhiều khổ đau. Có người thì cuối cùng trở thành những nhà trị liệu hay những vị thầy trong lĩnh vực tâm linh, dạy người khác về Hiện Hữu, về an nhiên tự tại.
Trong các thời đại trước, có lẽ họ được gọi là các bậc hiền triết; nhưng xã hội ngày nay dường như không có chỗ dành cho họ. Tuy nhiên, trong thế giới mới họ lại đóng một vai trò rất trọng yếu, tương đương như những nhà phát minh, những người có khả năng thực hiện những công trình gian khó, những nhà cải cách. Chức năng của họ là cắm neo tần số của tâm thức mới trên địa cầu này. Tôi gọi họ là những người-nắm-giữ-tần-số. Họ có mặt để tạo ra thứ nhận thức mới qua những sinh hoạt thường nhật trong đời sống, qua mối quan hệ với người khác, cũng như qua an nhiên tự tại.
Theo cách này, họ làm cho những điều thường có vẻ như vô nghĩa trước đây trở thành những điều có ý nghĩa sâu sắc. Công việc của họ là mang không gian của sự tĩnh lặng đi vào thế giới này bằng cách có mặt sâu sắc với những gì họ làm. Những gì họ làm đều có nhận thức nên mỗi việc làm đều có chất lượng cao, ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất. Mục đích của họ là làm mọi thứ một cách thiêng liêng. Vì mỗi người là một phần căn bản của nhận thức tập thể của nhân loại, do đó họ có tác động sâu sắc đến thế giới hơn so với những gì ta có thể nhìn thấy bên ngoài.
Thế giới mới không phải là một điều không tưởng
Như vậy cõi trời mới mà tôi đề cập đến ở đây có phải là một điều không tưởng, sai lạc như con người đã từng nói đến trước đây? Không phải, vì tất cả những cách nhìn không tưởng, sai lạc đều có một điểm tương đồng này: Là sự phóng chiếu của trí năng về tương lai, bạn ước mơ rằng “một ngày kia”, mọi thứ đều tốt đẹp, bạn sẽ được cứu rỗi, thế giới này sẽ có hòa bình và mọi người sẽ sống hòa hợp với nhau, những vấn đề của bạn đều được giải quyết ổn thỏa… Đã có nhiều người từng có cách nhìn về đời sống một cách không tưởng như thế. Một số đã đi đến chổ tuyệt vọng, một số khác thì rơi vào thảm họa.
Ở trung tâm của cách nhìn đời sống một cách sai lạc, không tưởng đó là một trong những tha hóa chính trong cấu trúc của lối nhận thức cũ: Đi tìm sự cứu rỗi ở tương lai. Tương lai chỉ tồn tại ở một chỗ duy nhất: ở trong đầu bạn, vì thế khi bạn trông chờ tương lai, bạn mê lầm đi tìm một cái gì trong trí năng bạn, một cái gì không xác thực, để mong có được sự cứu chuộc. Do đó bạn bị mắc kẹt vào hình tướng, vào bản ngã, vào tương lai.
Một nhà tiên tri đã viết trong Thánh Kinh: “Và tôi trông thấy một cõi trời mới và một thế giới mới”. Cơ sở của thế giới mới là một cõi trời mới – tâm thức giác ngộ. Địa cầu, tức thực tại bên ngoài, chỉ là cái phản ảnh bên ngoài của tâm thức giác ngộ đó, tức thực tại ở bên trong. Sự khởi đầu của một cõi trời mới, tức là một thế giới mới không phải là một sự kiện nào đó trong tương lai sẽ mang lại giải thoát cho chúng ta. Vì không có một cái gì đó ở tương lai có thể “làm” cho chúng ta giải thoát ngoài phút giây này. Nhận ra điều đó tức là tỉnh thức. Tỉnh thức ở tương lai là một sự kiện hết sức phi lý, vì tỉnh thức có nghĩa là nhận chân được Hiện Hữu, những gì đang có mặt trong phút giây này. Vì thế cõi trời mới, nhận thức giác ngộ không phải là một trạng thái để ta nhắm đến ở tương lai. Cõi trời mới và thế giới mới đang xuất hiện ở trong bạn vào lúc này; nếu chúng chẳng xuất hiện từ lúc này, thì chúng chẳng hơn gì một ý nghĩ ở trong đầu bạn. Do đó, Chúa Jesus đã dạy học trò của Ngài rằng: “Thiên đường là ở ngay đây, ở ngay trong chính con”.
Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Jesus đã tiên đoán một điều mà cho đến thời đại ngày nay vẫn rất ít người có thể hiểu được. Ngài nói: “Phúc thay cho những con người khiêm cung, vì họ sẽ thừa hưởng quả đất này”. Vậy ai là những người khiêm cung? Và họ sẽ thừa hưởng quả đất này nghĩa là gì? Những con người khiêm cung là những con người không còn bị khống chế bởi bản ngã. Họ là những người đã giác ngộ được bản chất chân thực và thiết yếu của mình: là Tâm, là nhận thức vô hình tướng; và họ nhận ra “bản chất chân thực” đó ở người khác, và ở trong tất cả mọi loài. Họ sống trong trạng thái thong dong, vì thế mà cảm nhận được tánh nhất thể giữa mình với mọi thứ và với Cội Nguồn. Họ là hiện thân của tâm thức giác ngộ và đang làm đổi thay tất cả các khía cạnh của đời sống trên trái đất này, kể cả thiên nhiên, vì đời sống trên trái đất không tách rời với nhận thức của những con người đang cảm nhận và tương tác với nó. Câu nói của Chúa Jesus có ý rằng: Những con người có đức khiêm cung sẽ thừa hưởng tất cả những điều tốt lành trên quả đất này.
Thật vậy, một loài người mới đang trỗi dậy trên hành tinh này. Loài người đó đang trỗi dậy và bạn chính là giống người mới đó!
CHÚ THÍCH
1. Cho rằng một biến cố nào đó xảy ra là do một nguyên nhân duy nhất nào đó: Đây là một sai lầm trong nhận thức vì mỗi biến cố muốn xảy ra được thì phải có rất nhiều nguyên nhân. Do đó, khi bạn gặp một sự đổ vỡ trong quan hệ luyến ái, hay gặp phải một chuyện gì không may, bạn không thể cho rằng chính người đó (một nguyên nhân duy nhất) đã phá hết những gì bạn đang có. Bạn cho rằng vì người đó mà bạn phải gánh chịu tất cả những khổ đau nhưng thực ra chính bạn cũng đã, không ít thì nhiều, góp phần làm cho biến cố này xảy ra.
2. Thi hài người chết được đem ra cho mọi người xem: Giúp ta ý thức về lẽ vô thường của đời người, ý thức rằng ta rồi cũng sẽ chết, giúp chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống và điều này có thể giúp chúng ta biết chúng ta nên sống như thế nào để không hoang phí đời sống của mình.
3. Tất cả các loài hữu tình trên trái đất: Con người, muôn thú, cỏ cây.
4. Hãy thấy mình là một cánh cửa qua đó năng lượng từ Cội Nguồn của Vô Tướng tuôn chảy vào đời sống, phục vụ cho lợi ích của tất cả mọi người: Tức thấy mình là biểu hiện tươi mát, thánh thiện của Trời Đất.