Thung Lũng Khủng Khiếp
CHƯƠNG 5 – NHỮNG NHÂN VẬT CỦA TẤN THẢM KỊCH
Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng, ông Mason còn hỏi lại:
– Các ông đã xem kỹ căn phòng này chưa?
– Hiện nay thì đủ rồi. – ông thanh tra đáp.
Holmes cũng gật đầu đồng ý.
– Bây giờ thì chắc các ông muốn nghe lời khai của một vài người ở trong lâu đài này. Anh Ames, chúng tôi sẽ làm việc ở trong phòng ăn. Trước hết, anh hãy cho chúng tôi nghe tất cả những gì mà anh biết.
Câu chuyện của anh đầu bếp kể lại đã thuyết phục được người nghe. Anh ta đã được nhận vào làm 5 năm trước đây, khi ông Douglas vừa đến ở Birlstone. Ông Douglas là một người có của và đàng hoàng, đã từng làm giàu trước đây ở bên Mỹ, ông tỏ ra là một ông chủ tốt và hào phóng, ông Douglas ra lệnh mỗi buổi chiều phải kéo cây cầu lên là để nối tiếp lại một phong tục cũ của tòa lâu đài cổ này. Ông rất ít khi đi London, và cũng ít khi rời khỏi làng. Nhưng một ngày, trước hôm xảy ra án mạng, ông đi lên Tunbridge Wells để mua sắm một ít đồ vật. Ngày hôm sau, chính Ames nhận xét thấy ông Douglas có vẻ hơi nóng nảy, cáu gắt và điều này thật là khác thường. Lúc xảy ra án mạng, Ames đang ở trong bếp, đang cất dọn các đồ chén bát. Chính lúc đó anh nghe tiếng kéo chuông thật mạnh, nhưng không nghe thấy tiếng súng nổ vì từ bếp lên đến căn phòng ấy còn phải qua một dãy hành lang dài và mấy lớp cửa đóng. Tiếng chuông quá mạnh cũng làm cho bà hầu phòng phải chạy ra, và hai người cùng chạy lên nhà trên. Khi đến chân cầu thang, thì bà Douglas ở trên lầu đang đi xuống. Không, bà ta không có dáng vội vàng. Và Ames có cảm giác là bà ta không bối rối. Khi bà Douglas xuống đến bậc cầu thang cuối cùng, thì ông Barker từ trong phòng chạy ra, ngăn bà lại và xin bà trở lên. Ông ấy kêu lên:
– Chị hãy trở lên phòng ngay đi. Anh ấy đã chết rồi. Chị lên đi.
Ông Barker phải nói mãi bà Douglas mới chịu lên phòng. Bà không khóc. Bà không làm ồn ào. Bà hầu phòng Allen đã dìu bà lên và ở trong phòng với bà. Ames và ông Barker lúc đó mới đi vào trong căn phòng. Bấy giờ ngọn nến không cháy, mà cây đèn lại cháy. Cả hai người nhìn qua cửa sổ, nhưng đêm tối đen như mực, và không nghe thấy gì cả. Họ đổ xô ra buồng ngoài và Ames đã hạ cây cầu rút xuống để ông Barker đi báo cảnh sát.
Lời khai của bà hầu phòng Allen cũng khớp với lời khai của Ames. Buồng riêng của bà hầu phòng ở gần phía nhà trên hơn là chỗ bếp của Ames. Bà đang đi ngủ, thì nghe tiếng chuông kéo thật mạnh. Bà có hơi nặng tai. Không biết có phải vì thế mà bà không nghe thấy tiếng súng chăng? Khi ông Ames chạy lên nhà trên, thì bà cũng chạy theo ông ta. Bà có trông thấy ông Barker mặt bối rối từ trong phòng đi ra. Ông ta chạy đến trước mặt bà Douglas lúc đó ở trên cầu thang đi xuống. Ông ta năn nỉ mời bà Douglas đi lên, và bà ta có trả lời lại điều gì đó mà bà Allen nghe không rõ. Ông Barker ra lệnh cho bà:
– Bà đưa bà chủ lên lầu đi. Và ở luôn đó với bà chủ.
Bà đưa bà chủ lên lầu về phòng và cố khuyên bà chủ bình tĩnh lại. Bà Douglas, chân tay run bắn, nhưng cũng không muốn đi xuống nữa. Bà mặc chiếc áo khoác, ngồi vào bên lò sưởi, hai tay ôm lấy đầu. Bà Allen đã ở lại đó cả đêm với bà.
Còn các gia nhân khác, thì họ đều đi ngủ cả, và chỉ được báo động trước lúc cảnh sát đến một chút thôi.
Đến lượt ông Barker. Về những sự kiện xảy ra đêm hôm qua, ông cũng khai y như đã khai với trung sĩ Wilson. Riêng ông, ông tin rằng tên sát nhân đã trốn qua cửa sổ. Theo ông thì vết máu ở trên thành cửa sổ không cho phép người ta nhgi ngờ điều đó. Nhưng ông ta không hiểu vì sao hung thủ lại có thể biến đi được, hoặc tại sao nó lại không chịu trốn bằng xe đạp, nếu chiếc xe ấy là của nó.
Về vụ án mạng này, ông có thể có một quan điểm rất rõ ràng. Ông Douglas là người Ailen di cư sang Mỹ từ thời còn thanh niên, đã làm ăn phát đạt và Barker đã quen biết ông ta ở California. Hai người chung vốn khai thác một cái mỏ, kết quả hết sức tốt đẹp. Đột nhiên Douglas bán lại phần của ông ta và trở về Anh. Lúc đó Barker vừa góa vợ. ít lâu sau, Barker chuyển hết tài sản ra thành tiền mặt rồi về London, vì thế hai người lại nối lại tình bạn cũ. Douglas làm cho Barker có cảm giác rằng có một mối nguy hiểm nào đó đang treo trên đầu mình, và Barker vẫn nghĩ rằng việc Douglas đột ngột rời bỏ California là có liên quan đến mối nguy hiểm đó. Barker tưởng tượng một hội kín nào đó, có mối thù không đội trời chung với Douglas. Chính một vài câu nói của Douglas đã làm nẩy nở ý nghĩ này trong đầu Barker, chứ bản thân Barker thì chưa bao giờ hỏi gì về cái hội kín này. Barker đoán rằng những chữ viết trên mẩu bìa cứng là có liên quan đến hội kín.
Ông thanh tra MacDonald hỏi:
– Ông đã sống với ông Douglas trong bao lâu ở California?
– Khoảng 5 năm.
– Lúc đó Douglas sống độc thân?
– Góa vợ.
– Bà vợ thứ nhất của Douglas là người nước nào?
– Thụy Điển. Tôi có thấy ảnh của bà ta. Đó là một phụ nữ rất đẹp, chết trước khi chúng tôi quen nhau một năm.
– Liệu ông có thể xác định được quá khứ của bà ta ở một vùng nào cụ thể bên Mỹ không?
– Douglas có nói với tôi là ở Chicago. Ông ta biết rất rõ thành phố này và đã làm việc ở đó, Ông ta cũng có nói với tôi về những vùng mỏ khai thác than và sắt.
– Ông Douglas có làm chính trị không? Cái hội kín này có mục đích chính trị không?
– Không. Ông ấy không bao giờ để ý đến chính trị.
– Ông có nghĩ rằng đây là một cái hội phạm pháp không?
– Tuyệt đối không. Tôi chưa thấy một người nào lại thẳng thắng và dứt khoát như ông Douglas.
– Ông có thể cho chúng tôi biết những chi tiết gì đặc biệt về cuộc đời của Douglas ở California được không?
– Lúc đó ông ta sống ru rú trong khu mỏ và chỉ đi đến những nơi đông người khi nào đặc biệt lắm mà thôi. Khi ông ta đột ngột bỏ về Châu Âu, thì một tuần lễ sau có 6 người đến tìm ông ta.
– Loại người như thế nào?
– Những người trông có vẻ bất trị lắm. Họ kéo nhau đến khu mỏ và muốn biết Douglas đang ở đâu. Tôi nói là ông ta đã trở về Châu Âu và tôi không biết địa chỉ.
– Họ là người Mỹ? Người California?
– California thì tôi không biết. Nhưng người Mỹ thì chắc chắn rồi, không phải là dân thợ mỏ.
– Cách đây có đến 6 năm không?
– Gần 7 năm.
– Thế mà hai ông đã sống với nhau 5 năm ở California. Vậy thì cái vụ hội kín này phải cách đây ít nhất đến 11 năm.
– Đúng thế.
– Một mối thù dai dẳng.
– Tôi nghĩ rằng mối thù này lúc nào cũng lởn vởn trong đầu ông ta.
– Khi một người cảm thấy mình bị đe dọa, thì người đó phải nhờ cảnh sát bảo vệ chứ?
– Có thể đây là một mối nguy hiểm mà các cơ quan cảnh sát không làm gì được cũng nên. Nhưng có một điều này các ông cần phải biết: ông Douglas không khi nào đi ra ngoài lại không mang vũ khí. Nhưng hôm qua ông ấy lại mặc chiếc áo khoác ở nhà, và để súng ở trong buồng. Có lẽ vì thấy chiếc cầu rút đã kéo lên, nên ông ta cho thế là an toàn chăng?
Ông MacDonald hỏi thêm:
– Ông Douglas đã rời California đã 6 năm rồi. Đến năm sau thì ông cũng bỏ đi nốt phải không?
– Vâng, đúng thế.
– Ông ta lấy vợ khác từ 5 năm nay. Vậy thì ông trở về Anh vào lúc ông ta cưới vợ chứ?
– Một tháng trước ngày cưới. Tôi là người làm chứng của ông ta.
– Thế ông có quen biết bà Douglas trước khi cưới không?
– Không. Tôi đã rời khỏi nước Anh từ 10 năm rồi.
– Nhưng từ đó đến nay ông đã gặp bà ta nhiều lần rồi chứ?
Barker nhìn ông thanh tra một cách hết sức nghiêm trang:
– Tôi đã gặp ông ta nhiều lần, từ ngày cưới đến giờ. Còn nếu tôi có gặp bà ta đi nữa thì bởi vì không thể ở trong nhà một người mà lại không biết đến vợ người đó. Nếu ông tưởng tượng rằng có một mối liên quan nào đó….
– Tôi chẳng tưởng tượng gì cả. Tôi có nhiệm vụ phải tìm tất cả những gì có thể liên quan đến vụ án. Nhưng tôi không muốn làm mất lòng ai.
Barker đáp lại một cách khô khốc:
– Có những cái tìm kiếm làm mất lòng người khác đấy, ông thanh tra à.
– Chúng tôi chỉ muốn có các sự kiện. Nếu những sự việc này được trình bày ra đây một cách sáng tỏ, thì điều này chỉ có lợi cho ông, cho mọi người. Ông Douglas có hoàn toàn tán thành tình bạn của ông đối với vợ ông ta không?
Barker tái mặt, hai bàn tay nắm chặt vào nhau, nói to tiếng:
– Ông không có quyền hỏi tôi những câu như vậy. Việc này có liên quan gì đến vụ án mà ông đang điều tra?
– Tôi có phải nhắc lại câu hỏi này không, thưa ông?
– Ông cứ nhắc lại, còn tôi, tôi không trả lời.
– Ông có thể không trả lời, nhưng ông phải biết chính cái việc từ chối đã là một câu trả lời rồi. Bởi vì ông sẽ chịu trả lời nếu ông không có điều gì dấu diếm.
Barker ngồi im lặng một lát, nét mặt căng thẳng. Rồi ông ta trở lại thư thái hơn, nhìn chúng tôi mỉm cười:
– Thôi được, tôi thấy thật ra các ông cũng chỉ làm nhiệm vụ của mình thôi. Tôi muốn nói với các ông rằng Douglas có một tính xấu là hay ghen. Ông ta rất quý mến tôi. Và ông ta cũng quý vợ ông ta lắm. Mỗi lần tôi đến đây, ông ta đều rất vui lòng. Lâu tôi không đến chơi là ông liền cho người đi gọi. Tuy vậy, khi ông thấy vợ ông và tôi ngồi nói chuyện với nhau thì ông ta nổi nóng đến mức nói tôi chẳng ra gì nữa. Đã nhiều lần tôi thề rằng sẽ không đặt chân đến đây nữa. Nhưng khi tôi hờn dỗi thì ông ấy lại viết cho tôi những bức thư rất dễ thương làm tôi không thể giận lâu hơn được nữa. Và sau đây là lời nói cương quyết của tôi: Không có một người phụ nữ nào lại yêu chồng và chung thủy như bà Douglas.
Ông thanh tra MacDonald hỏi:
– Ông có biết chiếc nhẫn cưới của nạn nhân đã bị rút ra khỏi ngón tay của người ấy không?
– Hình như thế.
– Tại sao ông lại nói là “hình như thế”. Ông biết rõ đây là một việc có thật kia mà.
Barker có vẻ lúng túng:
– Khi tôi nói “hình như thế” là tôi muốn nói rằng cũng có thể chính nạn nhân đã tự mình rút chiếc nhẫn đó ra.
– Việc chiếc nhẫn cưới biến mất, đã gợi ý cho mọi người thấy rằng có một mối liên quan nào đó giữa đám cưới của ông Douglas và vụ án này. Có phải không ông?
Barker nhún vai trả lời:
– Tôi sẽ không đi tìm xem nó gợi ý cái gì, nhưng nếu ông muốn ám chỉ rằng việc đó làm tổn thương đến danh dự bà Douglas thì…..
Hai mắt ông ta long lanh sáng quắc, và ông ta phải dùng tất cả nghị lực để kìm hãm xúc cảm.
-…. Thì ông đã đi lầm đường rồi đấy, Có thế thôi.
Ông thanh tra MacDonald lạnh nhạt nói:
– Tạm thời bây giờ tôi không có gì hỏi thêm ông nữa…
Holmes vội bác ngay:
– Xin ông một chi tiết nhỏ, thưa ông Barker. Khi ông bước vào trong phòng, thì chỉ có một ngọn nến thắp để trên bàn, có phải không?
– Vâng.
– Chính nhờ ánh sáng của ngọn nến đó mà ông đã trông thấy là có một việc khủng khiếp vừa xảy ra, phải không?
– Đúng thế.
– Ông đã tức khắc kéo chuông ngay để báo động.
– Vâng.
– Và mọi người đã đổ ngay đến đấy chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, Có phải không?
– Chỉ sau không đầy một phút.
– ấy thế mà khi mọi người vào đây lại thấy ngọn nến được tắt đi và ngọn đèn đã được thắp lên, như vậy có lạ lùng không ông?
Một lần nữa, Barker lại tỏ ra hơi lúng túng. Ông ta im lặng một lát rồi mới trả lời:
– Thưa ông tôi không thấy có gì lạ lùng. Ngọn nến chiếu ánh sáng lu mờ quá. ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải có một ánh sáng tốt hơn. Cái đèn lúc đó để trên bàn, tôi đã thắp nó lên.
– Và ông đã tắt ngọn nến đi.
– Vâng.
Holmes không hỏi thêm, và Barker – sau một cái nhìn thách thức về phía mỗi người chúng tôi, đã rời căn phòng đi ra.
MacDonald viết một mảnh giấy nhỏ báo cho bà Douglas biết là ông sẽ lên gặp bà, nhưng bà đã trả lời là bà sẽ xuống.
Đó là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, cao lớn, rất đẹp, dáng điệu chín chắn, và hết sức tự chủ, khác hẳn với hình ảnh một người bi thảm và rã rời mà tôi hình dung ra trong đầu. Bà lần lượt nhìn chúng tôi, với một biểu hiện dò hỏi. Rồi đôi mắt dò hỏi đó, nhường chỗ cho một câu hỏi đột ngột:
– Các ông đã tìm ra gì chưa?
Trong giọng nói của bà chứa đựng sự sợ sệt nhiều hơn là niềm hy vọng.
– Thưa bà, chúng tôi đã làm những việc cần làm. Xin bà cứ yên tâm. – MacDonald trả lời
– Xin các ông đừng ngại tốn kém tiền bạc. – bà Douglas nói, giọng thều thào.
– Không biết bà có đem lại cho chúng tôi một chút ít ánh sáng nào không?
– Thưa, tôi sẵn sàng làm tất cả những gì mà các ông cần.
– Ông Barker cho biết rằng bà không bước chân vào căn phòng xảy ra án mạng.
– Vâng. Ông ta đã bắt tôi phải đi lên và trở về phòng riêng.
– Bà nghe tiếng súng nổ, và bà đã tức khắc xuống ngay?
– Tôi mặc áo khoác ngoài và tôi chạy xuống.
– Từ lúc bà nghe tiếng nổ đến lúc ông Barker ngăn bà lại, mất khoảng bao nhiêu.
– Có lẽ độ hai phút. Trong những lúc như vậy thật khó tính được thời gian.
– Bà có thể dự tính được khoảng thời gian từ lúc chồng bà đi xuống nhà đến lúc bà nghe tiếng súng nổ không?
– Thưa ông, chồng tôi đi từ buồng tắm ra nên tôi không nghe thấy tiếng anh ấy đi xuống.
– Bà đã quen ông ấy ở Anh có phải không?
– Thưa vâng, đã 5 năm rồi.
– Bà có bao giờ nghe thấy ông ấy nói về một chuyện gì xảy ra ở bên Mỹ và dự cảm về một mối nguy hiểm nào không?
Bà Douglas suy nghĩ lung lắm trước khi trả lời. Mãi một lúc sau bà mới nói:
– Thưa có. Tôi vẫn có linh tính là có một sự nguy hiểm đe dọa chồng tôi. Anh không chịu bàn luận gì với tôi về việc này cả, vì anh ấy chủ tâm tránh cho tôi mọi sự sợ hãi.
– Vậy làm sao bà lại biết được?
Nét mặt bà Douglas hồng tươi hẳn lên trong một nụ cười:
– Tôi biết được bí mật này là nhờ vào nhiều dấu hiệu: vì anh ấy không chịu nói gì với tôi về một vài quãng đời của anh khi còn ở bên Mỹ. Vì tôi thấy anh ấy có những biện pháp tự vệ riêng. Vì đôi lúc anh ấy không kiềm chế được và nói lỡ vài lời. Vì thấy cái cách anh ấy nhìn những người lạ mặt bất chợt đến đây. Tôi hoàn toàn chắc chắn là anh ấy có những kẻ thù ghê gớm, mà anh ấy cho là đang dò tìm tung tích của anh, và anh luôn luôn cảnh giác đề phòng.
– Ông ấy đã lỡ mồm nói ra điều gì làm bà phải chú ý. – Holmes hỏi.
– “Thung lũng khủng khiếp”. Có một lần anh ấy dùng hình tượng này để nói với tôi. Khi tôi thấy anh ấy nghiêm nghị hơn bình thường, tôi có hỏi: “Có bao giờ chúng ta ra khỏi được cái “Thung lũng khủng khiếp” ấy không?”. Và anh ấy đã trả lời rằng: “Có lẽ chúng ta không bao giờ ra khỏi được”.
– Tất nhiên là bà có hỏi ông nhà xem ông muốn nói gì bằng hình tượng “Thung lũng khủng khiếp”.
– Vâng, tôi có hỏi. Nhưng anh ấy sa sầm mặt lại và lắc đầu nói: “Cầu trời cho cái bóng ấy không bao giờ phủ cả lên em nữa”. Đó là cái thung lũng thực sự chứ không phải là một hình tượng. Anh ấy đã sống ở đó và một sự khủng khiếp đã xảy ra có liên quan đến anh.
– Thế ông ấy có nêu tên một người nào không?
– Cách đây ba năm, anh ấy bị sốt cao. Trong cơn mê, anh ấy luôn luôn nhắc đến một tên người. Cái tên ấy là trưởng toán McGinty. Lúc anh ấy bình phục, tôi có hỏi trưởng toán McGinty là ai. Anh ấy cười trả lời: “Nhờ trời, nó chưa bao giờ làm trưởng cái toán của anh”. Nhưng chắc có một mối liên hệ nào đó giữa người trưởng toán đó và thung lũng khủng khiếp.
Ông thanh tra MacDonald nói:
– Bà đã gặp ông Douglas trong nhà trọ một gia đình ở London và hai ông bà đã hứa hôn với nhau cũng ở đó. Trong việc lập gia đình, có một yếu tố nào bí mật hay cần phải giữ kín không? Hay là một yếu tố lãng mạn?
– Lãng mạn à? Vâng, thưa có. Bao giờ thì cũng có yếu tố lãng mạn. Không có cái gì là bí mật cả.
– Ông ấy có tình địch không?
– Thưa không. Lúc đó tôi hoàn toàn tự do.
– Việc mất chiếc nhẫn cưới, có gợi cho bà một ý nghĩ gì không? Nếu kẻ thù cũ đã đến đây và ám hại ông, thì có lý nào chúng lại tháo chiếc nhẫn.
Trong một thoáng, tôi chợt thấy một cái gì đó như là một nụ cười rất kín đáo trên đôi môi bà Douglas. Bà ta bình tĩnh trả lời:
– Tôi tuyệt đối không hiểu gì cả. Thật là kỳ lạ.
Ông Thanh tra nói:
– Thưa bà, chúng tôi không giữ bà lâu hơn nữa và rất tiếc đã quấy rầy bà. Tất nhiên còn một số điều nữa phải xem xét thêm, nhưng chúng tôi sẽ xin kêu gọi sự giúp đỡ của bà khi nào cần thiết.
Bà ta đứng lên, và tôi lại bất chợt một lần nữa thấy đôi mắt sắc sảo nhìn chúng tôi một cách dò hỏi. Rồi bước ra khỏi phòng ăn.
Khi hai cánh cửa phòng đã khép lại, ông thanh tra MacDonald khe khẽ nói một cách trầm ngâm: “Một người đàn bà đẹp. Một người đàn bà rất đẹp. Cái tay Barker này là một người được phụ nữ ưa thích. Cậu ta công nhận rằng Douglas có tính hay ghen. Biết đâu rằng cái ghen này không phải là vô căn cứ. Rồi lại còn chuyện cái nhẫn cưới nữa. Chúng ta không thể coi thường chi tiết ấy được. Một người mà đã rút cái nhẫn cưới ra khỏi bàn tay của một xác chết. Ông nghĩ thế nào, ông Holmes”.
Holmes ngồi yên lặng, hai tay ôm đầu. Anh đứng dậy ra giật chuông, và khi người đầu bếp vào, anh hỏi:
– Anh Ames, ông Barker hiện giờ ở đâu?
– Thưa ông, để tôi đi xem.
Một lát sau, anh ta trở lại báo cáo ông Barker hiện đang ở ngoài vườn.
– Anh Ames, anh cố nhớ lại xem, đêm hôm qua khi anh vào gặp ông Barker thì ông ta đi gì ở chân?
– Ông ta đi giày vải. Tôi đã mang giày da đến cho ông ta thay để đi báo cảnh sát.
– Thế đôi giày vải ấy bây giờ ở đâu rồi?
– Dưới gầm ghế ở phòng ngoài.
– Rất tốt, việc phân biệt giữa những vết chân của ông Barker và của một người ở ngoài là rất quan trọng chứ? Anh có đồng ý không.
– Thưa ông, vâng, tôi nhận thấy các vết chân của ông Barker đều đầy dấu máu. Nhưng cả những vết chân của tôi cũng thế.
– Đó là điều bình thường, nếu căn cứ vào tình trạng căn buồng lúc đó. Chúng tôi lại sẽ gọi chuông khi nào cần đến anh.
Vài phút sau chúng tôi đã trở lại căn buồng có án mạng. Holmes đã nhặt mang theo đôi giày vải để ở buồng ngoài, đôi giày đỏ lòm máu.
Holmes cầm đôi giày ra đứng trước cửa sổ chăm chú xem xét, vừa xem vừa nói khẽ một mình.
– Kỳ cục. Thực là kỳ cục.
Anh ta nhẹ nhàng cúi xuống và đặt chiếc giày cải lên vết máu trên khung thành cửa sổ: Khớp đúng như in. Anh ta mỉm cười, nhìn mọi người.
Ông thanh tra bối rối đến cực độ, hét lên như người điên:
– Chính tay Barker này đã in dấu giày trên thành cửa sổ. Nó rộng hơn một dấu chân bình thường. Tôi nhớ rằng ông đã có nói đây là một bàn chân phẳng. Bây giờ mới hiểu tại sao. Nhưng này ông Holmes, thế hắn định chơi cái trò gì đây?
Holmes cũng nhắc lại một cách trầm ngâm:
– Vâng, vâng. Trò gì nào?
Mason tủm tỉm cười: xoa mãi hai bàn tay vào nhau với một niềm vui thích hoàn toàn có tính cách nghề nghiệp:
– Tôi đã báo trước cho các ngài biết mà. Gay go hóc búa lắm chứ có phải chơi đâu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.