Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Bạn có nhiều tiền hơn bạn nghĩ



Một buổi chiều Chủ nhật, khi ngồi lướt qua mục lưu trữ các e-mail mà tôi đăng ký nhận, tôi chợt dừng mắt trước dòng tiêu đề thú vị trong mục làm cha mẹ: “Của từ trên trời rơi xuống”.

Với một tiêu đề như thế thì hẳn nhiên là tôi phải đọc tiếp rồi. Hóa ra là buổi sáng hôm đó, một thành viên lâu năm trong danh sách e-mail đó đã đăng tải một tin nhắn nói rằng một công ty công nghệ lớn vừa mua lại công ty nơi chồng cô làm việc. Để giữ chân và làm hài lòng các nhân viên chủ chốt trong quá trình chuyển giao, công ty thu mua giàu có này đã trao cho họ nhiều phần thưởng vật chất khác nhau, bao gồm tăng lương, quyền chọn mua chứng khoán và các khoản thưởng khác cho những người ở lại. Tuy không biết con số chính xác họ nhận được là bao nhiêu, nhưng cô tuyên bố rằng nhờ vào vận may trời cho này mà vợ chồng cô giờ đây đã có mặt trong hàng ngũ thượng lưu.

Cô còn cho biết trước giờ hai vợ chồng đều sống giản dị − có lẽ còn trên giản dị một bậc; dịp mua sắm cuối tuần cả hai đi từ cửa hàng này tới cửa hàng nọ để so sánh giá cả. Giống như phần lớn những người suốt ngày đăm chiêu nghĩ ngợi làm sao để tiết kiệm được vài đồng, từ lâu cô cũng đã mường tượng ra cuộc sống của hai vợ chồng khi túi họ đã rủng rỉnh. Giờ thì điều đó đã trở thành hiện thực.

Vậy sử dụng số tiền đó như thế nào cho hiệu quả nhất? Cô viết: “Tài khoản tiết kiệm cho lũ trẻ học đại học sau này hiện vẫn còn quá ít, giờ chúng tôi có thể xử lý vấn đề đó rồi. Chúng tôi cũng đã có những kỳ nghỉ thú vị, vấn đề chúng tôi đang gặp phải chỉ là không có thời gian. Nhưng ngoài ra thì chúng tôi có thể làm được những gì với số tiền đó nữa?”

Mặc dù gửi tin nhắn trên vào cuối tuần, nhưng chẳng mấy chốc cô đã nhận được hàng tá e-mail phản hồi từ những thành viên khác, tất cả đều háo hức chia sẻ ý tưởng của mình. Một số tỏ ra thông thái (hãy nhờ chuyên gia hoạch định tài chính tư vấn), hoặc khác thường (mua vàng và két sắt), một số khuyên tiết kiệm cho tương lai và dự phòng những lúc khó khăn – một phiên bản dự phòng hậu cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Thế nhưng cặp vợ chồng tằn tiện này đã thanh toán xong các khoản nợ nần. Chi tiêu điều độ và tiết kiệm là những thói quen đã ăn sâu vào máu của họ, nên việc nhắc họ tiết kiệm có lẽ hơi thừa.

Và thế là cuộc trao đổi lại nhanh chóng xoay sang khía cạnh triết học. Thay vì nghĩ cách sử dụng món tiền đó, mọi người lại nghĩ về chuyện tiền sẽ cho phép cô làm gì. Nhiều năm qua, người phụ nữ này đã chia sẻ với các thành viên khác trong diễn đàn những nỗi bức xúc của cô trong công việc, nên một người gợi ý, biết đâu số tiền trời cho này lại là một cơ hội tốt để cô nghĩ lại về nghề nghiệp của mình. Một số khác khuyên cô phóng tay làm phúc, hỗ trợ cho những mục đích mà cô hằng quan tâm – đây là một ý tưởng cô tỏ ra thích thú, tuy rằng cô không nghĩ mình là một nhà hảo tâm. Một người khác chia sẻ câu chuyện đáng buồn của cha mẹ cô, những người đã tích cóp được rất nhiều tiền, nhưng không bao giờ tự cho phép mình chi tiêu. Khi họ qua đời, cô được thừa kế một gia tài tươm tất và vì không muốn đi theo vết xe đổ của bố mẹ, nên cô không tiếc tay chi tiền cho những chuyến du lịch hạng sang và những dự án từ thiện mà hẳn bố mẹ cô nếu còn sống cũng sẽ ủng hộ. Cô vui mừng vì có được những cơ hội đó, dù rằng vẫn cảm thấy buồn vì bố mẹ cô chưa từng có cơ hội được tận hưởng niềm vui mà khối tài sản khổng lồ của họ có thể mang lại. Suy cho cùng thì, dù ít tiền hay nhiều tiền, chẳng ai có thể giữ được chúng mãi.

Người phụ nữ mới giàu này nhận được rất nhiều lời khuyên, mẹo mực khác nhau và một lượng khổng lồ các câu trả lời đưa chúng ta đến với một sự thật không thể chối cãi: tiền là một thứ quyền lực. Tiền cũng là một thứ phức tạp. Càng nghĩ về nó, nó càng khiến ta phải nảy ra những câu hỏi như: “Làm thế nào để có tiền? Ta nên tiết kiệm hay chi tiêu? Nếu tiêu tiền, thì nên tiêu vào việc gì?” Mặc dù ai cũng có thể nói “tiền không mua được hạnh phúc” hay phủ nhận tầm quan trọng của nó trong cuộc sống, nhưng nó vẫn có ý nghĩa nào đó đối với chúng ta. Nếu không thế, thì tại sao lại có nhiều người từ bỏ thời gian cuối tuần đến thế để chia sẻ suy nghĩ của họ về chủ đề tiền bạc với một người phụ nữ mà hầu như họ chỉ quen biết qua một danh sách e-mail?

Một lý do khiến chúng ta phải suy nghĩ về chuyện tiền bạc là vì nó là phương tiện giúp chúng ta dễ dàng so sánh mình với những người khác, mà con người thì vốn sẵn tính xét nét so bì. Khoa học hiện đại chỉ ra rằng chúng ta thậm chí bị “lập trình” khuất phục trước các biểu tượng về tài sản và địa vị (thực tế hoặc giả tưởng). Một số nhà nghiên cứu người Hà Lan từng thực hiện một cuộc thử nghiệm tại một khu trung tâm mua sắm; trong cuộc thử nghiệm này, một phụ nữ có vai trò nhờ người đi qua trả lời các câu hỏi trong một bản điều tra. Khi người phụ nữ này quàng chiếc khăn để lộ rõ thương hiệu Tommy Hilfiger, thì người đi mua sắm tỏ ra sẵn lòng tham gia cuộc điều tra hơn so với khi cô cũng quàng chiếc khăn tương tự nhưng không có logo nhãn mác nào cả. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu mời tình nguyện viên xem một đoạn video quay cảnh một người đàn ông đang phỏng vấn xin việc. Khi người đàn ông này mặc quần áo có logo nhà thiết kế, người xem đánh giá anh là người phù hợp hơn với công việc và họ đề xuất mức lương cao hơn cho anh so với khi anh không mặc trang phục có logo. Thậm chí trong một thử nghiệm khác cũng của nhóm nghiên cứu này, trong đó một số phụ nữ phải tới gõ cửa từng nhà để quyên tiền từ thiện. Kết quả cho thấy, mọi người quyên số tiền lớn gấp hai khi những phụ nữ này mặc trang phục có logo của nhà thiết kế so với khi họ mặc những trang phục được sản xuất đại trà.

Rõ ràng đây là một điều ngớ ngẩn. Thực ra, ý thức của chúng ta biết rằng những biểu trưng cho địa vị như thế là vô nghĩa lý (chưa kể tới việc chúng dễ bị giả mạo), vì thế cho nên chúng ta mới cho ra đời nhiều câu cách ngôn, tục ngữ để đả kích nỗi ám ảnh của chúng ta đối với tiền như “Tiền là nguồn gốc của mọi tội ác.” Chúng ta than vãn về một xã hội vật chất (mà dường như xã hội này bao gồm tất cả mọi người chỉ trừ chúng ta). Chúng ta kể lể với bất kỳ ai sẵn lòng lắng nghe rằng chúng ta hẳn là cao thượng về mặt đạo đức hơn những kẻ giàu có trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rằng những kẻ đó hẳn đã bán đi linh hồn của mình mới có thể kiếm được số gia sản lớn như vậy, hoặc nếu không thì chắc họ cũng đang che giấu một nỗi khốn khổ bí mật nào đó. Thế nhưng, trong khi đó, nhiều người trong số chúng ta vẫn bấu víu vào một công việc mà bản thân chẳng lấy gì làm hứng thú chỉ bởi công việc đó “giúp trang trải sinh hoạt” – cũng là một hình thức thỏa hiệp về mặt đạo đức, chỉ có điều sự thỏa hiệp này lại được xã hội chấp nhận hơn.

Vậy chúng ta phải lý giải điều này như thế nào? Về cơ bản, điều cần lý giải ở đây là chúng ta có những quan điểm lộn xộn về tiền bạc. Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển rầm rộ là nghiên cứu về hạnh phúc đang chỉ ra cho chúng ta thấy rằng chúng ta không giỏi đoán xem trong nhiều khía cạnh của đời sống, điều gì sẽ mang lại sự thỏa mãn cho chúng ta. Một ví dụ kinh điển là một nghiên cứu so sánh những người bị bệnh nặng về thận – họ phải mất nhiều giờ mỗi tuần nằm gắn chặt với những chiếc máy thẩm tách – với những người khỏe mạnh. Nhìn vào tình cảnh đó, hẳn ta sẽ đinh ninh rằng những bệnh nhân này mới là những người khốn khổ. Nhưng không hẳn thế. Xét về tổng thể, họ không bất hạnh hơn những người mạnh khỏe hơn. Chúng ta quen với nhiều thứ và kết quả tất yếu là chúng ta có thể thuyết phục mình rằng chúng ta nên bất hạnh, bất chấp tất cả những điều may mắn khách quan mà chúng ta có được. Ta có thể có một công việc tuyệt vời, một gia đình chan chứa tình yêu thương, sức khỏe tốt, thế nhưng ta vẫn có thể rơi vào tâm trạng xấu chỉ bởi ta lỡ làm đổ cà phê lên áo do đạp phanh gấp vì có người cắt ngang đường ta đi. Chúng ta được dạy rằng hạnh phúc là kết quả của những sự lựa chọn có ý thức.

Nhưng, khi động tới vấn đề tiền bạc, thì những sự lựa chọn của chúng ta lại thường là những điều ngược lại. Bất chấp nỗi ám ảnh về giá trị thực của mình, phần lớn trong chúng ta đều không cân nhắc những quyết định mình đưa ra một cách có lý trí và rốt cuộc, chúng ta cúi đầu trước một giả định cơ bản – và đặc biệt phổ biến – về tài chính như sau:

Tiền không bao giờ là đủ.

Đây là điều giả định tồn tại trong đầu người phụ nữ trong danh sách e-mail của tôi và cô giữ niềm tin đó cho tới khi chồng cô được tăng lương bất ngờ, khiến cô không còn có thể tin vào điều đó nữa. Chúng ta đều từng trải qua những lần như thế này: chúng ta tiếc nuối than vãn cho những điều có thể làm, giá như chúng ta có “rất nhiều tiền trong tay…” và với những ai có niềm tin vào định mệnh mà cho rằng người có trách nhiệm thì nên làm gì với những gì đang có trong tay, chúng ta cho rằng những ý tưởng và khát vọng lớn lao đó đều chỉ là ảo tưởng.

Chẳng hạn, nếu bạn tin vào những công cụ tính toán ngân sách trực tuyến, hẳn những người thận trọng sẽ phải dành phần lớn thu nhập của họ để ngăn chặn tình trạng không nhà ở, đói nghèo, không cơm ăn áo mặc. Thu nhập của mỗi người mỗi khác và các nhu cầu của con người mang tính cơ bản một cách tương đối, vậy nên thật lạ khi họ khuyên tất cả chúng ta đều nên chi 5% thu nhập cho việc mua sắm quần áo, 15% để đi lại, 10 – 15% để ăn uống và 25 – 35% cho nhà cửa. Thế nhưng, những con số đó vẫn cứ xuất hiện đều đều trên mạng. Nhiều ngân sách dạng này còn để chừa ra 5 – 10% cho một danh mục gọi là “các khoản khác” – và đây mới là nơi diễn ra nhiều trò hay – bất kể thu nhập của bạn là 40.000 đô-la, 400.000 đô-la, hay 4 triệu đô-la.

Nhưng ý tưởng này không phải là chân lý. Dù chúng ta vẫn thường nghe theo thứ kiến thức giả định của đám đông, song đâu có ai ép buộc chúng ta phải kiếm tiền hay chi tiêu theo cách nào đó và nếu suy nghĩ lại, chúng ta có thể nhận ra rằng những nguồn lực mà chúng ta đã có hoặc có thể có hỗ trợ nhiều cho việc xây dựng hạnh phúc của chúng ta hơn chúng ta nghĩ.

Vì tôi vốn cũng đang nghiên cứu về cách kiếm tiền và tiêu tiền, cũng như cách thực hiện điều đó tốt hơn, nên tôi bắt đầu hỏi mọi người một câu hỏi ở quy mô rộng lớn trong danh sách e-mail đó:

Nếu bạn có tất cả tiền bạc trên thế giới này – không hẳn thế, nhưng là tất cả số tiền mà bạn muốn – thì bạn sẽ thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình?

Câu trả lời của mọi người quả thực rất thú vị. Họ bắt đầu với những thứ vẫn khiến họ bực mình: “Tôi sẽ không thèm ngày hai buổi đi làm nữa”. “Tôi sẽ không rửa bát nữa”. “Tôi sẽ chỉ bay những chuyến bay hạng thương gia và sẽ đi thẳng tới phía trước hàng rào an ninh đáng ghét.” Sau đó họ nghĩ đến những điều đáng khao khát: “Tôi sẽ làm việc ít hơn và đi du lịch nhiều hơn.” Một số ít người hạnh phúc nói rằng họ hài lòng tới nỗi họ không muốn thay đổi điều gì trong đời sống hiện tại, nhưng nếu hỏi tới, họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách sử dụng số tiền đó để hỗ trợ cho cuộc sống của người khác. Họ bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để thay đổi thế giới, làm từ thiện để san bằng những bất công khiến họ bức xúc và đầu tư vào những dự án giúp kiến tạo nên thế giới mà họ muốn sinh sống.

Hoặc, ở một khía cạnh nhẹ nhàng hơn, như một phụ nữ nói với tôi: “Tôi sẽ mua một vài nhà mạng và một số kênh truyền hình cáp và hủy tất cả các chương trình thực tế.”

Bài tập này đã làm sáng tỏ nhiều điều. Với những người mới bắt đầu, nó giúp chúng ta nhận ra rằng những điều phiền phức lớn nhất của mình có thể giải quyết được với một số tiền ít hơn ta tưởng rất nhiều. Nếu bạn không thích rửa bát, bạn có thể thỏa thuận điều đó với một đứa trẻ với mức giá bạn có thể chấp nhận được. Bạn có thể dùng bát đũa giấy sử dụng một lần rồi góp tiền cho tổ chức từ thiện vì môi trường, coi đó như hành động sám hối. Ngay cả một chuyến bay hạng thương gia cũng có thể liên quan tới một số tiền ít ỏi. Nhưng quan trọng hơn là bằng cách tìm ra đâu là những điều quan trọng với bạn, bạn có thể bắt tay vào tìm ra những cách có thể sử dụng tiền một cách hài lòng. Nếu làm việc ít hơn, du lịch nhiều hơn là điều quan trọng với bạn, thì dần dần, nó có thể trở thành một mục tiêu tài chính. Tiền đến rồi đi và chúng ta có thể điều chuyển nó nếu muốn.

Đó chính là điều mà Danny và Jillian Tobias đã phát hiện ra. Cặp vợ chồng trẻ này đã làm việc vất vả ngay sau khi ra trường, chỉ tiêu lương của một người, còn lương của người kia thì tiết kiệm và cả hai sống chung trong một căn hộ một phòng ngủ thuê được với giá rất rẻ mạt ở thủ đô Washington. Ngày cuối tuần, họ đi một chiếc ô tô cũ mua lại, còn ngày trong tuần thì dùng phương tiện công cộng. Họ đạp xe dã ngoại và chèo thuyền kayak thay vì lượn lờ hết quán bar này tới quán bar khác và mời bạn đến nhà ăn thay vì đi ăn hàng. Họ làm tất cả những điều đó mà không bắt mình phải hy sinh điều gì (“thực ra, điều đó đâu có gì khó lắm,” Danny viết) và thay vì thanh toán các khoản nợ vay từ thời đi học, họ lại tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm lên tới 80.000 đô-la trong 5 năm đó. Sau đó, họ dùng số tiền đó để đi du lịch đó đây trên thế giới trong 2 năm liên tiếp. Họ đã trèo lên ngọn núi Kilimanjaro, đã thấy những con khỉ núi ở Uganda và đã đi dọc theo Con Đường Tơ Lụa kéo dài từ Istanbul tới Trung Quốc và đã thử vô vàn các loại bia địa phương khác nhau trên châu Mỹ. Danny cho biết: “Chúng tôi nửa muốn tiếp tục tiết kiệm thêm 5 năm nữa và về hưu ở một quốc gia ngoại quốc nào đó thay vì nghỉ ngơi 2 năm như thế, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều đó không phù hợp với mình, chúng tôi muốn sinh em bé.” Nếu hủy chương trình “hưu trí mini”, họ không chắc là khi nào thì sẽ thực hiện được nó.

Giờ đây, họ đã quay về Mỹ để bắt đầu đời sống của người trưởng thành – dĩ nhiên là trong túi họ không còn là bao. Khi đi du lịch, “chúng tôi thống nhất là sẽ chi tiêu hơn tiết kiệm,” Danny nói. Nhưng số dư tài khoản ngân hàng hiện tại của họ không có gì khác biệt so với tình trạng chung của nhiều người cuối độ tuổi 20. Nhiều người có thể làm như Danny và Jillian nếu họ muốn thế. Sự khác biệt nằm ở chỗ, thay vì bỏ ra 35% thu nhập đầu tư cho một ngôi nhà mà họ không muốn hoặc không cần, vợ chồng Tobias đã đặt câu hỏi họ có thể sử dụng tiền như thế nào để có được cuộc sống mà họ mong muốn. Bằng cách đó, họ đưa bản thân thoát ra khỏi tư duy khan hiếm – tức quan niệm cho rằng nguồn lực để giúp con người làm, có và trải nghiệm những thứ đáng mơ ước sẽ luôn là những thứ khó nắm bắt.

Tiền không bao giờ là đủ nói về mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc và về việc có thể sử dụng tiền như thế nào trong xã hội giàu có này để tối ưu hóa sự thịnh vượng cho bản thân cũng như cho những người mà chúng ta quan tâm. Để bắt đầu, chúng ta phải dừng ngay việc suy nghĩ về tiền bạc như thứ gì đó xấu xa, ghê tởm, hay là thứ chỉ thú vị khi so sánh tài sản của chúng ta với người khác. Thay vào đó, chúng ta phải coi nó là một công cụ, một phương sách để sở hữu, làm và quan tâm đến những điều mang lại niềm vui cho bản thân. Tôi đã đi đến chỗ tin tưởng rằng những người hạnh phúc với tiền bạc nhất là những người sống theo ba tuyên ngôn về tài sản – một từ vốn thiên về quan điểm hơn là số lượng:

  1. Tôi đã có đủ. Có những người trên thế giới này có nhiều tiền hơn tôi, nhưng cũng có nhiều người có ít hơn tôi rất nhiều.

  2. Nỗ lực kiếm tiền. Nếu muốn có thêm nhiều tiền hơn hiện giờ để thực hiện những mục tiêu lớn lao, tôi phải tìm ra cách để kiếm được số tiền đó.

  3. Mỗi đồng tiền đều là một lựa chọn. Tôi kiếm nó ra sao và sử dụng nó thế nào đều phụ thuộc vào tôi.

Tôi chiêm nghiệm về ba tuyên ngôn này ngay sau khi bắt tay vào viết cuốn sách này, cũng là thời điểm mà Michael, chồng tôi và tôi cùng thực hiện chuyến đi nghỉ không có con cái đi kèm mà đã lâu chúng tôi không có được. Không lâu sau dịp Giáng sinh năm 2010, chúng tôi tới Morocco, đất nước tuy không phải là nghèo nhất, nhưng cũng còn xa mới đứng trong hàng ngũ những nước giàu. Một số vùng ở đó đã rất phát triển với những nguồn khoáng sản rộng lớn đã góp phần làm nên hàng dặm đường xa lộ mới mẻ tới nỗi hệ thống định vị GPS của chúng tôi còn phải tỏ ra lúng túng. Tuy nhiên, một số vùng khác lại có những con đường chỉ khá khẩm hơn một chút so với những con đường mòn xuyên núi và ở nhiều vùng nông thôn, con người sống theo lối sống đơn sơ, chăn dê giống thế hệ tổ tiên họ đã làm cách đó hàng mấy thế kỷ. Trẻ con ở những ngôi làng nhỏ bé này có dáng vóc nhỏ hơn so với tuổi – đôi khi trông chúng như trẻ mới tập đi, dù rằng chúng đang tự đến trường, song một sự tăng trưởng “còi cọc” là không tránh khỏi ngay cả đối với một quốc gia thuộc loại thu nhập trung bình, nơi người dân sống với chưa đầy 2 đô-la/ngày.

Một đời sống sơ đẳng như vậy mang theo rất nhiều khó khăn, vì thế mà người ta thường chạy ra khỏi làng để kiếm tiền từ du khách theo những cách mà tôi – trong vai trò khách du lịch – cũng có đôi điều nghĩ ngợi. Dọc con đường núi từ Marrakech tới Ouarzazate, những người đàn ông xuất hiện ở mọi khúc quanh để bán những viên đá núi lửa có tinh thể bên trong. Họ không có nhiều hàng, nhưng sẵn sàng đứng bên vệ đường cả ngày để bán những gì họ có. Có thể có người thích đứng bán đá cạnh xa lộ bụi bặm, nhưng lý do khả dĩ hơn khiến họ đứng ở đó là khiến một du khách trả “hớ” cho những viên đá ấy sẽ giúp họ có đời sống tốt hơn so với những việc khác mà họ có thể làm.

Người lớn bán những vật vô giá trị là một chuyện đã đành, nhưng cái đáng ngại nhất là khi người lớn bắt trẻ nhỏ phải lợi dụng du khách: chúng bán các túi giấy (một bé gái ở quảng trường chính ở Marrakech đã năm lần bảy lượt mời chúng tôi mua), hay làm phiền khi nằng nặc mời mọc chúng tôi để chúng trở thành hướng dẫn viên cho chúng tôi tại khu thành cổ Ouarzazate. Nhiều đứa trẻ thông thuộc ít nhất ba ngoại ngữ (tiếng Ả-rập, tiếng Pháp, tiếng Anh), nhưng mặc dù có được những năng lực mà lẽ ra nhờ đó chúng có thể tiến tới kiếm được một công việc ở Liên Hợp Quốc, chúng lại ở đây, vác ba lô thuê cho du khách. Đây là một sự lãng phí nguồn lực con người kinh khủng và tôi đã chứng kiến sự lãng phí này ở rất nhiều nơi – chẳng hạn như ở Cam-pu-chia, nơi tôi từng nghe thấy những đứa trẻ ở đây xin tiền một cặp vợ chồng người Nhật bằng tiếng Nhật, rồi sau đó quay sang vợ chồng tôi xin tiền bằng tiếng Anh. Ở Ấn Độ, nơi xuất khẩu những công nhân có khát vọng và tài năng nhất trên thế giới, khu ổ chuột ở Delhi lại làm cháy rần rật trong đầu tôi hình ảnh những đứa trẻ lom khom cùng với những con chó sục sạo những đống rác, tranh giành nhau để lấy đi bất kỳ thứ gì có thể sử dụng hoặc bán được.

Với những người sống trong thế giới phát triển, ngay cả khi đang phải vật lộn qua các cuộc suy thoái, khủng hoảng hay gặp vận rủi, thì cũng ít người có thể hiểu được việc cha mẹ bắt con nhỏ ra ngoài bán giấy lụa cho người lạ hay lục lọi trong đống rác. Điều này sẽ khiến tuyên ngôn thứ nhất về tài sản trở nên rõ ràng. Ngay cả khi quy đổi sức mua tương đương thì một mức lương được coi là khiêm tốn ở Mỹ cũng đủ sức tiêu dông dài ở Morocco, Cam-pu-chia hay Ấn Độ.

Bản chất con người là luôn so sánh mình với những người có nhiều hơn mình và do đó chúng ta hay cảm thấy bứt rứt lo sợ rằng mình bị tụt lại đằng sau – sợ rằng nếu chúng ta đang rất thoải mái, thì lẽ ra chúng ta phải thành triệu phú và rằng nếu ta là triệu phú, ta nên trở thành tỉ phú – nhưng mặt khác, việc so sánh mình với những người có ít hơn mình cũng dễ dàng như vậy. Mà thực ra là còn dễ hơn rất nhiều, bởi có nhiều người như vậy hơn. Theo các số liệu công bố năm 2006 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới của Liên Hợp Quốc, để lọt vào top 10% những người giàu có nhất thế giới, một người cần có số tài sản gia đình ở mức khoảng 61.000 đô-la. Giá trị tài sản ròng trung bình của thế giới – ngưỡng mà một nửa dân số toàn cầu chưa đạt tới – chỉ vào khoảng 2.200 đô-la. Năm 2007, giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ là khoảng 120.000 đô-la.

Nếu như suy nghĩ đó làm cho bạn cảm thấy mình giàu, vậy tại sao lại chỉ so sánh tài sản của bạn với những người còn sống đương thời? 400 năm trước, vua Louis XIV dù có giàu thiên vạn ức cũng không thể mua được thuốc kháng sinh, vắc-xin, hay tiếp cận công nghệ nha khoa hiện đại mà trước giờ chúng ta vẫn không để ý tới. Nữ hoàng Maria Theresa, người đứng đầu đế chế Habsburg suốt 40 năm trong những năm 1700, đã phải chứng kiến sự ra đi trước tuổi trưởng thành của 6 trong tổng số 16 người con của bà – một tỷ lệ mà hiếm có bậc phụ huynh nào, thuộc bất kỳ mức độ thu nhập nào, trong thế giới phát triển ngày nay có thể hiểu được. Bất kỳ ai sinh ra trong một quốc gia phát triển trong 70 năm trở lại đây đều đã may mắn rút thăm trúng được số độc đắc trong lịch sử loài người. Chúng ta là một trong những dân tộc giàu có nhất từng hiện diện trên hành tinh này và nếu bạn thuộc nhóm có đủ thu nhập để mua những cuốn sách như thế này và có đủ trình độ học vấn để đọc chúng, thì cũng tức là bạn đã trúng số độc đắc lần hai rồi đấy. Bởi – xét lời tuyên ngôn thứ ba về tài sản – nếu mọi người trên thế giới chưa may mắn có được nền học vấn như chúng ta đang có lại có thể tìm ra cách làm giàu cho mình bằng việc bán đá, vậy thì về mặt giả thuyết, chúng ta cũng có thể tìm ra những cách để mở rộng hoàn cảnh của mình dần theo thời gian.

Vì vậy, nếu chúng ta đã trúng số độc đắc trong lịch sử loài người, dù rằng phần thưởng không được trao bằng hiện vật như giải thưởng Powerball, thì chúng ta nên làm gì với giải thưởng đó? Điều này đưa chúng ta đến với tuyên ngôn thứ ba. Người ta nói rằng tiền không mua được hạnh phúc, nhưng đó là một câu chuyện chưa hoàn chỉnh. Đối với những người mới bắt đầu, tôi không chắc mình đã nhắc lại câu cách ngôn đó cho bà mẹ người Morocco bị buộc phải cho con ra ngoài bán giấy lụa để nuôi gia đình. Về bản chất, tiền chỉ là một phương tiện trao đổi, do đó để thỏa mãn các nhu cầu và khát vọng. So với phần lớn nhân loại, chúng ta có trong tay công cụ này và xuất phát từ tư duy đầy đủ, chúng ta có thể nhận ra rằng các quyết định kiếm tiền và chi tiêu phần lớn đều là những sự lựa chọn. Ngoài chuyện đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình – mà một số người như cặp vợ chồng Danny và Jillian Tobias đã xoay xở được với một số tiền khá ít ỏi, dù là họ đang ở Mỹ − bất kỳ khi nào chúng ta bỏ ra một đô-la để mua một thứ gì đó, cũng tức là chúng ta đang lựa chọn không dùng tờ đô-la đó để mua thứ khác. Mỗi một quyết định liên quan đến tiền bạc đều nói lên đôi điều về các giá trị mà một con người đề cao. Chẳng hạn, dù bạn có tất cả số tiền mình mong muốn, tôi chắc rằng bạn vẫn có thể liệt kê ra được một số hạng mục hoặc trải nghiệm không mang lại cho bạn chút hài lòng nào dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa. Tôi thường có cảm giác này khi ngắm những bức tranh trong những buổi triển lãm mới nhất. Vì thế mà có lẽ chúng ta nên thay đổi cái cụm từ mệt mỏi đó. Nếu tiền không mua được hạnh phúc, thì có lẽ đó là do chúng ta không biết sử dụng nó đúng cách.

Tiền là một chủ đề quá cũ, vì thế tôi muốn chỉ rõ cuốn sách này nói về cái gì, không nói về cái gì. Cách tốt nhất để định nghĩa nó là coi nó như một chuỗi các bài luận về chủ đề tiền bạc và mục đích là khiến độc giả nói rằng: “Mình chưa từng suy nghĩ như vậy trước đây.” Khác với nhiều tác giả viết các cuốn sách khác về tiền, tôi sẽ không cho bạn biết quỹ tương hỗ là gì, hay bạn nên đầu tư vào quỹ nào. Tôi sẽ không chia sẻ với các bạn bí quyết kiếm triệu đô từ bất động sản, bởi tôi chưa từng kiếm được triệu đô từ bất động sản. Tôi sẽ không cho bạn biết các tổ chức tín dụng tính toán điểm số tín dụng của bạn như thế nào; tôi không thể nói là tôi hoàn toàn hiểu nó, nhưng dường như họ mỉm cười hài lòng khi thanh toán hóa đơn cho bạn đầy đủ và đúng thời hạn – mà đây cũng là một ý tưởng tuyệt vời đối với tôi. Có lẽ điều quan trọng nhất là trong cuốn sách này không có phần nào đề cập tới việc hướng dẫn bạn thoát nợ. Tuy rằng bạn có thể sống với tư duy đầy đủ nếu thu nhập hàng tháng của bạn nhiều hơn một chút so với số tiền bạn phải chi trả hàng tháng cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình, nhưng thật khó mà có được tư duy này khi mà mọi đô-la đều đã có chỗ để tiêu hết rồi. Theo thời gian, tình huống nào rồi cũng có thể thay đổi. Nhưng đã có một số cuốn sách rất tuyệt vời bàn về chủ đề này rồi, mà tôi thì không thể bổ sung điều gì mới mẻ ở đó nữa.

Tuy nhiên, khi đọc xong những cuốn sách đó, tôi nhận thấy có một mô típ chung lặp đi lặp lại: hãy trả hết các khoản nợ không phải thế chấp, sau đó để ra khoảng 500 đô-la mỗi tháng để đầu tư. Theo họ, lý do bạn nên làm thế bởi nếu bạn đặt số tiền đó vào thị trường chứng khoán, vào các quỹ trả bạn 12% lãi suất mỗi năm, như vậy, 40 năm sau, bạn sẽ tiết kiệm được 5,7 triệu đô-la. Quả là một phép tính hấp dẫn, dù rằng có đôi chút đáng ngờ, nhưng dù là bạn chấp nhận những tính toán đó ở giá trị bề mặt, thì vẫn còn một điều mà những cuốn sách này không đề cập đến: có một khoảng thời gian rất dài giữa món thanh toán số tiền nợ 500 đô-la cuối cùng của bạn và việc có được 5,7 triệu đô-la trong tài khoản môi giới chứng khoán của bạn. Bạn sẽ phải kiếm tiền và chi tiêu như thế nào trong suốt thời gian đó? Bạn sẽ làm gì trong những quyết định thường nhật và những quyết định lâu dài về công việc, nhà cửa, xe cộ, gia đình và bất kỳ thứ gì có ý nghĩa đối với bạn?

Cuốn sách này dành cho những người muốn tỉnh táo trước những lựa chọn tài chính của mình – những người muốn tìm hiểu xem logo trên chiếc khăn của người phụ nữ tươi tắn trong khu trung tâm thương mại có ý nghĩa gì. Nó dành cho những người muốn suy nghĩ và lập kế hoạch cho tương lai, những người quan tâm muốn biết xem người ta kiếm tiền và chi tiêu như thế nào ở hiện tại cũng như trong quá khứ và chúng ta làm thế nào để cải thiện được những thói quen đó của mình để chúng ngày một tốt hơn. Bất cứ khi nào có thể, tôi sẽ thực tế, nhưng bên cạnh đó tôi cũng cho rằng sẽ thú vị hơn nếu chúng ta suy nghĩ rộng dài, chuyển từ việc tự giúp đỡ bản thân đơn thuần sang những mối nghi vấn lớn hơn về việc tại sao chúng ta lại làm những gì chúng ta đang làm. Nhiều cuốn sách về tài chính cá nhân cho rằng một quãng đời nghỉ hưu phong lưu nhàn nhã là mục tiêu dành cho tất cả mọi người, nhưng có nhất thiết phải thế không? Ngành bất động sản cho rằng mọi người đều muốn sở hữu một căn nhà, bởi đó là một sự đầu tư khôn ngoan – dù rằng những năm vừa qua đã chứng minh những thiếu sót trong quan niệm đó và vẫn chưa có bằng chứng nào rõ ràng chứng minh nhà cửa khiến người ta hạnh phúc. Những cuốn sách dạy tiết kiệm thì cho rằng các chi phí nhà ở và đi lại là cố định, vậy nên họ tập trung vào nhiều loại chi phí khác nhau, như chi phí mua thực phẩm hay mua bảo hiểm ô tô, dù rằng chúng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách của mỗi gia đình. Còn về cái ý tưởng “ngân sách” kia thì thế nào? Tôi tin rằng cũng cần tư duy lại về vấn đề này. Tôi là một người viết tự do và chưa từng có thu nhập hàng tháng ổn định, vì thế mà cái ý tưởng rằng mỗi tháng có một số tiền cố định chảy vào túi tôi, rồi sau đó tôi phải chia lẻ chúng ra theo từng tỷ lệ nhất định dường như cũng không phải là một điều bắt buộc đối với tôi. Ngày càng có nhiều người có hoàn cảnh giống nhau và một phần vì lý do này mà đôi khi dễ hơn và ít gian nan hơn khi nghĩ về việc tăng thu hơn là giảm chi. Tôi sẽ đề cập tới một số giả định về việc phải chi tiêu bao nhiêu để nuôi dạy con cái, tới một số hạng mục chi tiêu có mối tương quan với niềm hạnh phúc của chúng ta và chi phí cơ hội liên quan tới việc tiết kiệm tiền bằng cách hy sinh thời gian. Tôi sẽ bàn về cách làm thế nào để chi tiền và làm thế nào để dùng nó mà tạo ra những cơ hội cho người khác.

Tôi không phải là chuyên gia về quản lý thời gian. Tôi thậm chí còn không phải là một tấm gương điển hình cho việc quản lý thời gian – theo như nhận xét của một khán giả tại Pittburgh khi thấy một sự trái khoáy trớ trêu là diễn giả về quản lý thời gian của họ lại lôi thôi lếch thếch chạy vào và bị muộn mất 5 phút. Tôi tiếp xúc với chủ đề thời gian trong vai trò một nhà báo thích viết về kinh tế học dưới góc độ con người. Con người làm gì để để tối ưu hóa sự phân bổ các nguồn lực? Thời gian là một nguồn lực. Tiền cũng vậy, đương nhiên là cũng có một số điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng. Tôi muốn tiếp cận chủ đề tiền bạc theo cách mà tôi dùng để phân tích thời gian, đặt ra những câu hỏi lớn về việc chúng ta cần làm gì với nó, trong khi vẫn làm cho chủ đề này trở nên thú vị hơn bằng cách điểm xuyết những câu chuyện về những người lục rác, những gia đình giàu có, những người ủng hộ việc diệt trừ cỏ để nhường đất sống cho các loại cây khác, các doanh nhân tự tay làm từ thiện, các nhà thuyết giáo bảo đảm hoàn trả thuế thập phân cho người theo đạo và những người có thể dạy chúng ta đôi điều về tiền bạc, dù rằng không ai trong chúng ta là những kế toán chuyên nghiệp hay các nhà hoạch định tài chính cả.

Đây không phải là cuốn sách viết về bản thân tôi, tuy vậy trong câu chuyện đôi khi tôi vẫn có mặt. Một lý do lớn khiến tôi cảm thấy hào hứng với chủ đề này là nó cho tôi cơ hội học trở thành người quản lý tốt hơn những nguồn lực mà tôi đang có hoặc có thể có. Nếu may mắn có một cuộc sống đầy đủ sung túc, thì tôi nên làm gì để xây dựng một cuộc sống sao cho xứng đáng với vận may đó? Ngay cả những người có nhiều tiền hơn số tiền mà tôi mong muốn có được rốt cuộc cũng phải thực hiện những sự lựa chọn cơ mà. Vậy thì khung lựa chọn nào có thể tối ưu hóa sự thịnh vượng cho cả cuộc sống riêng của tôi và của những người tôi quan tâm?

Đó là một câu hỏi đầy thách thức, một câu hỏi mà tôi mong bạn cũng sẽ đặt ra khi đọc cuốn sách này. Sau khi điều tra những nghiên cứu về phương thức tối đa hóa hạnh phúc, tôi đã có được những lời gợi ý hợp lý để bổ sung vào cuộc thảo luận qua e-mail về số tài sản bỗng dưng nhận được của người phụ nữ nọ. Ngày nay, tôi dành tiền mua nhiều hơn những thú vui nho nhỏ như ly latté hay vài bông hoa và mua nhiều quà tặng hơn cũng như tụ tập giao lưu với bạn hữu nhiều hơn. Tôi dành tiền hơn cho một thứ gì đó khi tôi có thể xác định được người chủ cụ thể hay loại hình sáng tạo sẽ nhận được lợi ích từ hoạt động mua bán của tôi. Mặt khác, trong khi tôi đang viết cuốn sách này, vợ chồng chúng tôi quyết định chuyển từ New York về Pennsylvania, một phần vì chi phí sinh hoạt ở đây thấp hơn. Hai vợ chồng tôi bay tới Morocco trên một chuyến bay giá rẻ hơn nhiều so với mức dự định ban đầu. Tôi dùng một phần số tiền tiết kiệm được đó để quyên cho một dự án xây thư viện nông thôn – và một phần là năng lượng mặt trời – tại khu vực Zawiya Ahansal gần một số ngôi làng chúng tôi đã đi qua. Tại đây, 70% nam giới và 90% nữ giới không biết chữ. Thư viện này sẽ là cánh cửa đầu tiên giúp 15.000 người dân nơi đây tiếp cận với sách vở, báo chí và Internet. Tôi hy vọng rằng bằng những hành động nhỏ bé đó, chúng tôi có thể góp phần tạo ra một thế giới mà trong đó các bé gái không cần phải đi bán giấy lụa, còn người lớn không phải đi bán đá trừ khi họ muốn làm vậy. Tôi thích chụp ảnh những em bé Morocco ngồi bên máy tính, nó khiến tôi thích thú hơn nhiều so với việc quyên tiền cho Delta. Như những gì mà trải nghiệm này và nhiều trải nghiệm khác đã và đang dạy cho tôi thấy, khi bạn nghĩ rộng ra về những sự lựa chọn của mình, thì đúng là tiền có thể mua được hạnh phúc đấy.

Và cuốn sách này viết về cách làm thế nào để thực hiện được điều đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.