Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 1 Số tiền mua chiếc nhẫn đó có thể mua được gì?



 Cuối tháng 12 năm 2009, một thanh niên gửi e-mail cho tôi đưa ra một yêu cầu kỳ lạ. Anh chàng muốn ngỏ lời cầu hôn với bạn gái trước bức điêu khắc hình chữ LOVE (tình yêu) đặt ở trung tâm Manhattan và nảy ra ý tưởng thuê các ca sĩ trong dàn hợp xướng mà tôi đang quản lý khi đó hát tụng ca cô gái. Khi chúng tôi viết thư qua lại để bàn về bài hát, đội hình dàn hợp xướng và hẹn gặp uống cà phê để tôi có thể nhận ra anh ta, chúng tôi tiến tới đề cập chuyện cưới xin và một chuyện thường tình nảy sinh, đó là những khoản chi phí khổng lồ dành cho chúng. Vài tuần sau khi chúng tôi bắt đầu liên hệ với nhau, anh chàng đã lựa được một chiếc nhẫn kim cương đáng yêu cho cô dâu tương lai của mình. Anh chàng tâm sự với tôi rằng việc bỏ số tiền dành dụm suốt 2 năm trời để mua lấy một món nữ trang thì quả là kỳ quặc, song đó là vì một mục đích tốt đẹp.

Dĩ nhiên, kết hôn với tình yêu của đời mình là một nỗ lực đáng thực hiện. Tuy vậy, khi tôi cùng các thành viên dàn hợp xướng đứng hát bên góc phố lạnh lẽo ấy và cùng reo hò khi thấy cô nàng tình nhân của anh ta chấp nhận lời cầu hôn, tôi không khỏi suy tư về nửa thứ hai trong lời tuyên ngôn của anh chàng. Bạn thử nghĩ mà xem, thật là kỳ quặc khi bỏ ra một món tiền tiết kiệm lớn như vậy để mua về một viên đá. Một viên đá lấp lánh, hẳn rồi và là viên đá mà bạn hy vọng rằng người chủ nhân cuối cùng của nó sẽ đeo nó trong suốt phần đời còn lại. Nhưng nếu xét ở khía cạnh rằng phần lớn trong chúng ta đều phải vật lộn để tiết kiệm trong một thời gian dài như thế cho một điều gì đó, ta vẫn thấy thật kỳ lạ là mình lại không suy nghĩ nhiều hơn về việc tại sao chúng ta lại dành ra quá nhiều tiền như vậy để mua một lượng nhỏ carbon nén – cái mà ngành công nghiệp đám cưới đã tuyên bố rằng hơn 80% cặp vợ chồng ở Mỹ đang làm. Theo số liệu thống kê từ bản khảo sát thường niên mang tên Những Đám Cưới Thực Thụ của TheKnot.com, thì trong năm 2010, trung bình một cặp vợ chồng dành ra 5.392 đô-la để mua nhẫn đính hôn.

Vậy thì tại sao chúng ta lại mua kim cương? Vì chúng ta đang cùng nghiền ngẫm về chủ đề tiền bạc, cuộc sống và hạnh phúc, nên tôi cho rằng ta cũng nên tìm hiểu cái logic đằng sau hành vi mua sắm gần như phổ quát này, đồng thời tìm hiểu xem nó nói lên điều gì về các quyết định tiền bạc thường nhật của chúng ta. Phần thú vị nhất của toàn bộ phương trình này là con số 5.000 đô-la mà các cặp vợ chồng dành mua nhẫn cưới, mà thực ra phải là con số 20.000 đô-la có lẻ mà mỗi cặp vợ chồng phải đầu tư vào việc tổ chức đám cưới nữa, lại được chi tiêu trước khi cuộc hôn nhân bắt đầu, khi mà mối quan hệ giữa hai người vẫn còn lấp lánh lung linh như viên đá đeo trên tay cô dâu. Thật chẳng may, vài năm sau lễ cưới, con người thì vẫn vậy, mà cái ánh sáng lấp lánh kia sẽ bị lu mờ đi đôi phần. Vài chục năm trôi qua, con cái, công việc và những công việc lặt vặt không tên sẽ hợp sức lại để rút dần rút mòn cái tài khoản cảm xúc của cặp đôi. Tới khi đó, họ lại bắt đầu mơ mộng về tất cả những gì họ muốn làm để thổi niềm đam mê và vui thích sống lại trong cuộc hôn nhân của mình, giá như họ có tiền (và thời gian).

Điều mà chúng ta quên mất trong tất cả đống lộn xộn này là tiền là thứ hoàn toàn có thể trao đổi được. Ta có thể dễ dàng dùng nó cho việc này hay việc khác. Nhưng rất ít cặp đôi suy nghĩ về điều này khi họ đang lên kế hoạch chuẩn bị cho đám cưới sẽ đưa họ vào cuộc sống lứa đôi, mà họ chỉ nghĩ về nó vào những tháng ngày mệt mỏi sau đó – mà những ngày tháng đó tất yếu sẽ đến – rằng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua nhẫn cưới và những chiếc bánh cưới được làm tỉ mẩn có thể được đầu tư một cách có chiến lược hơn trong việc giúp họ có được đời sống lứa đôi tròn vẹn sau này. Chiến lược hơn như thế nào? Tức là, số tiền mua chiếc nhẫn đó có thể mua được những gì?

Với 5.392 đô-la bạn có thể mua được rất nhiều thứ, nhưng tôi thích câu hỏi này bởi nó nhấn mạnh đến ý tưởng về chi phí cơ hội và ý nghĩa của việc sử dụng các nguồn lực của mình một cách thông minh. Đây là một quan điểm đang ngày càng trở nên thịnh hành khi mà trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế đang từng bước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Dĩ nhiên, các chuyên gia đã tán tụng quá mức tình trạng tỉnh táo mới – như họ vẫn thường làm vậy. Một trong những sở thích của tôi là lục lọi trong đống tạp chí tài chính cũ, những câu trích dẫn đánh giá sai hoàn toàn bản chất con người. Ta hãy đọc những dòng thâm thúy sau đây trong tạp chí Money, trích từ một bài viết xuất bản khoảng một năm sau Ngày Thứ Sáu Đen Tối năm 1987: “Giai đoạn chi tiêu vung vãi, chủ nghĩa yêu bản thân thái quá và cái ý tưởng rằng ta có thể đầu cơ vào cổ phiếu mà không chịu bất kỳ rủi ro nào – tất cả đã qua rồi.” Đương nhiên là thế, nếu cái mà người viết cho rằng “tất cả đã qua rồi” nghĩa là “qua cho tới giai đoạn Nasdaq phình to như quả bong bóng trong giai đoạn 1997-1999.” Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn còn điều gì đó đáng khai thác trong cái khát vọng hậu Đại Suy Thoái này đối với việc điều chỉnh tiền bạc cho khớp với các giá trị của chúng ta. Ngay cả khi ví tiền của chúng ta lại được đổ đầy, thì cũng nên biết rằng chúng ta đang coi trọng từng đồng. Đê mê với niềm hạnh phúc buổi đầu, ít cặp đôi nào nghĩ tới khía cạnh thực tế của việc liệu tất cả số tiền dành để chi trả cho đám cưới kia có thể mua lại cho họ những gì và có quá nhiều lý do thuộc về tình cảm ở đây khiến chúng ta không nỡ đặt ra câu hỏi đối với khoản chi phí vốn đã ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa của chúng ta, giống như kiểu dừng tổ chức ngày Quốc khánh lại vậy. Nhưng làm như vậy sẽ đem lại một thí nghiệm tưởng tượng khá thú vị − trong đó chúng ta nghĩ đến tất cả các quyết định của mình về tiền bạc – và mang lại những bằng chứng cho thấy có lẽ cách sử dụng tiền của chúng ta thiên về lựa chọn hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.

NỀN KINH TẾ HÀO NHOÁNG RẺ TIỀN

Trong suốt giai đoạn chuẩn bị cho đám cưới, ít cô dâu nào bỏ ra vài phút để suy tư về chuyện từ đâu mà những chiếc nhẫn kim cương lại trở nên phổ biến đến thế. Câu trả lời hóa ra lại là một câu chuyện hay ho về việc thay đổi các chuẩn mực xã hội và chủ nghĩa cơ hội trắng trợn. Nhẫn đính hôn đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng dường như nỗi ám ảnh về nhẫn kim cương có nguồn gốc từ thập niên 1930. Năm 1990, trong một bài báo viết cho Tạp chí Luật, Kinh tế học & Tổ chức, giáo sư luật Margaret Brinig có nói rằng nhẫn trở nên phổ biến khi nhà nước bãi bỏ luật cho phép phụ nữ khởi kiện đối tượng “vi phạm lời hứa hôn”. Tuy “ăn cơm trước kẻng” vẫn là một hành vi cấm kỵ trong những năm sau Thế chiến I, nhưng đâu đó vẫn còn những “vùng xám” và gần như một nửa số phụ nữ bị mất trinh trong thời kỳ đính hôn. Brinig viết: “Chuyện này cũng tốt thôi. [Nhưng đối với phụ nữ], nếu hôn lễ không thành thì cô sẽ không còn có cơ hội được dâng tấm thân trinh trắng cho người mới và như thế cô sẽ bị tổn thất về ‘giá trị’”. Một gã láu cá muốn ăn nằm với những cô gái tử tế có thể “cầu hôn” rồi sau đó bỏ rơi những vị hôn thê của mình. Có lẽ để phòng trừ mối nguy hại này, nhiều bang đã ra luật cho phép phụ nữ khởi kiện hành vi vi phạm lời hứa hôn, từ đó ngăn những hành vi này ở nam giới, hay chí ít là cũng khiến họ phải đối mặt với những hậu quả đắt giá cho những trò lả lơi ong bướm của mình.

Sau đó, tới năm 1935, một nhà lập pháp bang Indiana hậu thuẫn cho một đạo luật bãi bỏ tư cách khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại khi bị hủy hôn ước. Các tổ chức pháp quyền khác cũng làm theo như vậy và điều này đặt ra một câu hỏi: nếu phụ nữ không được quyền khởi kiện, thì cô ấy có thể làm gì để tự vệ? Một giải pháp là yêu cầu vị hôn phu tương lai phải giao nộp một khoản tiền lớn khi đính hôn. Điều này sẽ khiến cho bất cứ chàng rể tiềm năng nào cũng phải suy nghĩ chín chắn trước khi quyến rũ một người phụ nữ với ý định ám muội. Và cách hiệu quả nhất để làm điều này là người nam giới phải đưa tiền cho người trong mộng của mình. Tiền có thể được dùng làm bất kỳ việc gì và do đó, phương pháp này ít ra cũng giúp cho người phụ nữ có thể làm được điều gì đó hữu ích với nó, chẳng hạn như đi học hay kinh doanh. Nhưng những con người thanh lịch lại luôn cho rằng tiền mặt là một thứ thô lậu trong những tình huống phù hợp, vì thế mà phương thức này không được phổ biến lắm.

Nhưng may thay, trong khi các cô dâu tìm kiếm thứ gì đó đắt đỏ mà tôn kính để bảo lãnh cho danh dự của mình, thì ngành công nghiệp sản xuất kim cương lại đang vật lộn với nguồn cung đá quý dư thừa và họ cần tìm một lối ra cho chúng. Nhận thấy cơ hội này, công ty DeBeers đã thực hiện một trong những chiến dịch marketing đầu tiên trên toàn nước Mỹ nhằm đẩy mạnh doanh số bán kim cương. Hãng quảng cáo đã thuê các minh tinh Hollywood đeo những chiếc nhẫn thật nổi bật và chẳng bao lâu sau cảnh cầu hôn trong các bộ phim đều thấy có hình ảnh những viên kim cương. Chỉ trong vòng ba thập kỷ mà chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương đã bén rễ lành trong nền văn hóa, gần như được tất cả mọi người chấp nhận và nhanh chóng trở thành đối tượng của tình trạng lạm phát tràn lan khi mà “hai tháng lương” trở thành mức thuế suất được đề nghị cho các chàng rể; và ở một số nơi, nhẫn đính hôn có kim cương dưới 1 carat – gần với mức trung bình hiện nay – sẽ trở thành nguyên nhân gây ra những lời đồn đại thì thầm bình luận về năng lực tài chính của người đàn ông. Bởi con người mặc nhiên khuất phục trước những biểu trưng của vị thế, nên những người nam giới như anh bạn trẻ mà tôi đề cập đến ở đầu chương hiện đang phải chịu áp lực rất lớn là phải bỏ ra một khoản tiền đáng kể để mua nhẫn nhằm thể hiện sự quan tâm tới vị hôn thê của mình.

Dĩ nhiên, chiếc nhẫn mới chỉ là khoản mua lớn đầu tiên trong cuộc hôn phối, đằng sau nó là một danh sách miên man về các khoản phải chi khác. Bất kỳ thương gia nào cũng biết rằng một khi một khách hàng mua một khoản đắt tiền, thì tức là cánh cửa xả lũ đã mở rồi. Tại sao lại không mua những tấm thảm đẹp đẽ khi mà anh đã mua cái ô tô? Với niềm đam mê theo đuổi sự xa hoa, đằng sau là những chiếc nhẫn kim cương đắt tiền, chúng ta dễ dàng tìm ra được lời biện hộ cho những khoản mua khác mà có lẽ ở các thời điểm khác trong cuộc sống, chúng ta chẳng bao giờ dám đối đãi bản thân như thế. Quay trở lại mùa xuân hè năm 2004, khi tôi đang lên kế hoạch cho đám cưới của mình, tôi đã gom góp cả một bộ sưu tập các tạp chí Martha Stewart Weddings và các cuốn sách hướng dẫn cách chuẩn bị đám cưới. Tôi dành hàng giờ để cân nhắc về những câu hỏi như liệu có cần in thiếp cưới, ghi tên và ngày cưới lên đó không. Nên để khách mừng thổi bóng bay hay vẫy pháo hoa, hay ném hoa giấy? Những năm tháng qua vẫn chưa thể làm thay đổi cái quan điểm của ngành công nghệ đám cưới rằng những tiểu tiết nhỏ nhặt và chắc chắn là rất đắt đỏ này cần có sự lưu tâm đặc biệt của các cô dâu. Gần đây, tôi có dịp ghé vào cửa hàng đồ cưới của The Knot và sau khi đi qua những gian trưng bày những hạng mục truyền thống như váy cưới, tôi chợt gặp những hạng mục gây tò mò chẳng hạn như “Đồ trang trí trên bàn tiệc có hình kim cương”, được quảng cáo là “được cắt khéo léo và lấp lánh”, từ đó “làm tăng thêm không khí huyền ảo sang trọng cho phong cách tiệc cưới của bạn”, hay “mang lại không gian kỳ diệu cho bữa tiệc đính hôn.” Phần lớn các sản phẩm này đều có thể được tùy chỉnh theo yêu cầu. Chẳng hạn, bạn có thể có một “khung đựng đĩa hình vuông và đĩa được thiết kế thanh lịch theo yêu cầu” (đặt trên các bàn ăn để đánh dấu số bàn) với giá 64 đô-la và 100 thỏi socola hiệu Hershey’s Kisses thiết kế riêng với giá 19,99 đô-la – tức gấp khoảng 4 lần so với giá các thỏi socola Kisses bán đại trà trong các cửa hàng bách hóa.

Những tiểu tiết đó không mấy quan trọng. Thế nhưng chúng ta đều bỏ tiền tiêu cho những thứ tương tự như những vật trang trí trên bàn tiệc cưới kể trên – hoặc thậm chí cho những thứ còn vô nghĩa hơn. Trong trường hợp của tôi là những khoản phí nộp chậm cho T-Mobile. Nhưng hiệu quả cuối cùng của tất cả những việc như đặt thỏi socola được thiết kế riêng hay không là chính đám cưới, chứ không phải hôn lễ, mới trở thành điểm chính. Và cả quá trình này bỗng trở thành nỗi băn khoăn liệu bạn có để khăn lụa trên ghế không, thay vì sự nguyện ước cống hiến cho nhau và chung thủy với người bạn đời.

Chúng ta hồ hởi tới dự đám cưới và nền văn hóa của chúng ta không ngăn trở kiểu tư duy này cả. Khi một cặp đôi tuyên bố đã đính hôn, điều đầu tiên mọi người muốn làm là trầm trồ ngắm chiếc nhẫn kim cương của cô dâu, dù rằng theo tập tục hiện đại, thật kỳ quặc khi nghĩ rằng người đàn ông nên đưa một số vốn cho người phụ nữ để bảo đảm rằng cô ấy sẽ không bị “hủy hoại” bởi việc quan hệ tình dục trong thời kỳ đính hôn. Trước thời điểm diễn ra đám cưới của Hoàng tử Williams và Kate Middleton vào tháng 4 năm 2011, giới báo chí sục sôi như lên đồng, nhiều tờ còn dành hẳn toàn bộ hai trang giữa để bàn về chiếc xe ngựa mà công nương sẽ ngồi khi tới nhà thờ − và hầu như không bài báo nào đề cập tới chuyện cặp vợ chồng hoàng gia này định nuôi dạy con cái ra sao, hay họ sẽ làm gì sau đám cưới. Chúng ta tới đám cưới bởi, theo hình dung thông thường, lễ cưới là sự tích tụ của hàng thập kỷ mơ ước. Đối với cô dâu, đó chính là ngày của cô ấy. Cô ấy cần phải là một công chúa – lại một lý do khác nữa giải thích cho việc tại sao chúng ta lại bị ám ảnh đến thế vào những đám cưới hoàng tộc, vốn có những nàng công chúa thực sự. Đó là sự tưởng tượng của một đứa trẻ và vì thế chúng ta có xu hướng nghĩ về đám cưới giống như tư duy của một đứa trẻ lên 4. Tức là, “sau khi tìm được người trong mộng, chúng ta lúc nào cũng hướng đi về phía mặt trời lặn,” Alisa Bowman, tác giả cuốn Project: Happily Ever After(tạm dịch: Dự án: Bên nhau trọn đời), một cuốn hồi ký về cuộc hôn nhân của bà, viết. Trong các câu truyện cổ tích, phần đám cưới thường ở ngay trước chữ “Hết truyện”.

SAU KHI BÊN NHAU TRỌN ĐỜI

Bạn thử nghĩ xem, ý tưởng coi đám cưới là đoạn kết có hậu mới nực cười làm sao. Cho dù cái ngày trong mộng của bạn có đẹp đến đâu, thì trong đời thực, sáng hôm sau bạn vẫn phải thức dậy và bước ra khỏi giường cơ mà. Sau tuần trăng mật, bạn sẽ có mặt ở nhà. Bạn sẽ phải quay trở lại trường học hay cơ quan. Và cuối cùng, cái con người vừa ngủ vừa ngáy như sấm, thậm chí biết đâu hắn ta còn có hơi thở nặng mùi nữa, mà bạn thức giấc bên cạnh sẽ làm điều gì đó khiến bạn điên tiết.

Đây là điều mà Bowman đã phát hiện ra. Vợ chồng chị bước vào cuộc hôn nhân với niềm đê mê sung sướng như mọi cặp vợ chồng khác. Nhưng rồi, 8 năm sau, họ sinh con. Đứa trẻ có thói quen khóc dạ đề, Bowman thì đang trải qua giai đoạn trầm cảm sau sinh, chồng chị thất nghiệp hai lần và nhiều chuyện khác nữa. Tất cả những sự kiện đó cứ trút thêm căng thẳng vào cuộc sống của họ, tới mức họ phải vắt óc cân đo đong đếm xem cái gì nên và không nên mua, giặt giũ như thế nào. Bowman thậm chí còn nghĩ chồng mình chết quách đi cho rảnh, thực ra, chị còn lên kế hoạch làm đám ma cho anh. Trong trường hợp anh ấy không chết, Bowman nhớ lại, “tôi còn nghĩ tới chuyện ly dị vài lần mỗi ngày.”

Bowman có thể đưa ra các dữ liệu thống kê để chứng minh rằng chị không phải là người bất bình thường. Chị cho biết, 72% phụ nữ có gia đình từng nghĩ tới chuyện ly hôn và quá nửa không có hứng thú gì với chuyện giường chiếu. Chúng ta ai cũng yêu con trẻ, nhưng ngay đến những cuộc hôn nhân mặn nồng nhất cũng sẽ bị con trẻ, rồi những mâu thuẫn về việc nhà, tài chính và kéo theo đó là thời gian, làm cho căng thẳng. Các chuyên gia tư vấn về hôn nhân không còn lạ lẫm với những mâu thuẫn như vậy và họ đưa ra những “liều thuốc” hết sức đơn giản mà hầu như ai cũng biết: dành thời gian riêng cho nhau, dành thời gian để chuyện trò cùng nhau, một lời cam kết đỡ gánh nặng cho chồng hay vợ nếu người đó cảm thấy mình đang làm việc quá sức hay không được trân trọng đúng mực. Tuy vậy, một cuộc điều tra trên Redbook cho thấy 45% độc giả − đa phần là các bà mẹ − có những cuộc hẹn hò buổi tối với chồng thuộc loại “khá hiếm hoi”. 18% khác xoay xở để có một tối hẹn hò thường xuyên, nhưng với tần suất là 1 tháng/lần. Ta hãy quên chuyện thuê người dọn dẹp nhà cửa đi. Ai mà có đủ tiền chứ? Giữa đống hóa đơn lộn xộn, nào là tiền mua bỉm trẻ em, tiền mua đồ ăn thức uống, tiền bảo hiểm, tiền trả góp, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy họ không còn đồng nào dành cho những thứ xa xỉ hay những chuyện lãng mạn dông dài.

Ngoại trừ một thứ.

Bạn vẫn còn nhớ tới những chiếc nhẫn kim cương đấy chứ? Cũng với số tiền trung bình 5.392 đô-la mà các cặp vợ chồng bỏ ra để mua nhẫn đính hôn, một cặp vợ chồng son có thể dùng nó để thuê người trông trẻ với giá 50 đô-la/đêm trong suốt 107 đêm, nhờ đó họ có thể có thời gian cho nhau hay chở nhau đi dạo.

Con số 12.124 đô-la mà The Knot thông báo là con số trung bình các cặp đôi bỏ ra thuê địa điểm tổ chức lễ cưới có thể trang trải dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ở mức 100 đô-la với tần suất 2 lần/tháng trong suốt 5 năm mà nhiều cặp có hai con nhỏ phải trải qua, đó là giai đoạn mà trẻ có thể đổ sữa ra ngoài chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Con số 1.988 đô-la chi trả cho dịch vụ hoa và trang trí đám cưới có thể dùng để mua 198 bó hoa trị giá 10 đô-la – một cử chỉ yêu thương dành tặng người bạn đời mà bạn có thể thực hiện hàng tháng trong suốt 16,5 năm liên tục.

Trên thực tế, cặp vợ chồng son có thể qua mặt mọi người, mua chiếc nhẫn thật lớn bằng đá zirconia và dành toàn bộ số tiền 26.984 đô-la chi trả cho đám cưới để lập nên một “quỹ tự do” giúp mang lại cho họ sự an toàn về tài chính cũng như sự linh động trong sự nghiệp, sau khi những vị khách mời đã ném đi những quả hạnh nhân mang thương hiệu Jordan mà ai đó cho rằng là một khoản không thể thiếu trong đám cưới.

Những tính toán trên không nhằm nói rằng việc bỏ ra những khoản tiền lớn để làm đám cưới hay mua nhẫn cưới là sai trái. Tôi sẽ là kẻ đạo đức giả nếu nói vậy và thực tình thì tôi cũng cảm thấy khá hài lòng với những khoản chi tiêu lớn trong đám cưới của mình nhiều năm trước đây, chẳng hạn như việc thuê dàn hợp xướng hát. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi được đôi điều từ những cặp vợ chồng biết tổ chức những đám cưới đẹp lung linh với chi phí rất rẻ. Chris Rice, giám đốc cộng đồng ban Nhà ở và Cư trú, trường Đại học Webster, St. Louis, gặp vợ mình tại trường trung học. Anh muốn ngỏ lời cầu hôn với nàng, song “nhẫn kim cương thì quá đắt, mà chúng tôi lại chẳng đủ tiền. Chúng tôi không muốn mắc nợ chỉ vì cái nhẫn.” Họ cùng bàn bạc về chuyện đó và quyết định rằng: “tình yêu của chúng tôi là quá viên mãn rồi, nên không cần phải có nhẫn kim cương làm gì.” Anh mua cho vị hôn thê một chiếc nhẫn đính một viên ngọc bích màu xanh, hai bên là hai viên ngọc bích trắng và đi kèm là họa tiết trang trí kiểu mắt cáo tinh xảo. Chiếc nhẫn quả là đẹp và “khá lớn. Thật khó mà không nhận ra nó. Nó độc đáo tới nỗi ai cũng phải lên tiếng khen ngợi,” anh nói. Tổng giá trị của nó ư? 267 đô-la, kèm bảo hành trọn đời.

Triết lý đó vẫn tiếp tục khi họ lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào ngày 1 tháng 10 năm 2010 tại Nhà Butterfly ở St. Louis. Họ thấy rằng thực chất không ai thích ăn kẹo mềm cả, cho nên họ mời khách kem nước quả (tổng trị giá: 100 đô-la) thay vì đặt một chiếc bánh cưới cầu kỳ. Vì lễ cưới diễn ra ngoài trời trong một khung cảnh vốn đã đẹp sẵn, nên họ không phải chi tiêu nhiều vào việc mua hoa trang trí. Do sắp xếp buổi lễ và khu vực đón tiếp khách ở cùng một chỗ, nên họ tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng. Và, dĩ nhiên, cách tiết kiệm tốt nhất là chỉ mời những người thực sự thân thiết tới dự. Rice chia sẻ: “Thường thì khi mời cưới, bạn hay mời những người mà bạn cảm thấy mình có trách nhiệm phải mời họ. Nhưng thực ra thì bạn đâu cần phải làm thế.”

Đó là một ý tưởng thú vị. Song cái quan trọng hơn ở đây mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ và những người đã hứa hôn – mà thực ra là với tất cả mọi người – là việc sử dụng tiền bạc là sự lựa chọn của mỗi người và những lựa chọn này sẽ phản ánh những gì chúng ta ưu tiên. Nếu ta đeo nhẫn kim cương mà lại đi nói rằng không đủ tiền để mời người bạn đời đi ăn tối, thì thực ra, câu nói đó lại có ý nghĩa rằng với chúng ta, đồ trang sức còn có giá trị hơn so với việc dành thời gian ở bên nhau. Sự thực phũ phàng này còn tiếp diễn trong suốt cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nói rằng mình không có thời gian đi chơi với con cái bởi phải làm việc để trả nợ mua nhà, thì trên thực tế, thông điệp mà chúng ta truyền đi sẽ là căn nhà quan trọng hơn con cái. Chúng ta có thể phung phí tiền mua một chiếc xe xa hoa, hoặc dành dụm số tiền đó để chi dùng trong quá trình chuyển sang một công việc mà ta hằng mơ ước. Số tiền dùng vào việc này có nghĩa là nó sẽ không được dùng vào việc khác và những sự lựa chọn này đều có tác động tới hạnh phúc của chúng ta cũng như của những người mà ta thương yêu. Bạn hãy cân nhắc điều này mà xem: nhiều người thẳng tay chi hàng nghìn đô-la để mua hoa trang trí tiệc cưới nhưng không bỏ ra chừng ấy số tiền để mua tặng bạn đời trong suốt quãng đời sống chung sau đám cưới. Chúng ta vẫn làm như thế, mặc dù những nghiên cứu về hạnh phúc đã chỉ ra rằng những cử chỉ nhỏ, thường xuyên sẽ có tác động nhiều tới sự hạnh phúc chung của chúng ta hơn là những sự kiện lớn lao mà ít ỏi. Như một nghiên cứu kinh điển từ thập kỷ 1970 trên những người trúng giải sổ xố bang Illinois đã chỉ ra, bạn sẽ quen với việc trúng số. Hay như một nghiên cứu của Đức đối với 1.761 người đã lập gia đình trên 15 năm đã nhận ra, bạn sẽ quen với việc có gia đình. Tuy nhiên, Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học tại trường Đại học California, Riverside, viết trong cuốn sách The How of Happiness: A Sci-entific Approach to Getting the Life You Want (tạm dịch: Hạnh phúc như thế nào: Cái nhìn khoa học về việc sống cuộc sống mơ ước), rằng có thể có nhiều biến thể quan trọng trong cách tiếp nhận này. Trong đó, bà nói về một người tham gia nghiên cứu trên của Đức; với ông này, niềm hạnh phúc lứa đôi kéo dài nhiều năm sau giai đoạn thoái trào thông thường của các đám cưới. Bà viết: “Ông quyết tâm trở thành người chồng tốt nhất trong khả năng của mình và không xem nhẹ vợ cũng như mối quan hệ giữa họ. Ông không bao giờ quên nói “Anh yêu em”, ông tặng hoa cho vợ, chủ động lên kế hoạch, đi du lịch và khởi xướng các trò vui, ông quan tâm tới những khó khăn, thành công và cảm giác của vợ.” Những hành động quan tâm nhỏ thường xuyên như thế có thể giữ lửa ấm tình yêu cháy bùng hàng năm sau đám cưới.

Thực ra, đây cũng là cách mà Bowman đã dùng để tiết kiệm cho đám cưới của mình – cô học cách tập trung vào người chồng, vào việc lên kế hoạch cho những cuộc hẹn hò cùng nhau, thay vì bỏ công bỏ sức vào những việc tưởng như quá dễ dàng sau khi chiếc nhẫn kim cương được luồn vào ngón tay cô dâu tương lai. Cô cho hay, mặc dù tổ chức đám cưới là một công việc gian nan, “nhưng cái khó khăn thực sự lại đến sau đó.” Người trông trẻ, dịch vụ dọn dẹp – những thứ giúp làm nhẹ bớt những khó khăn đó có thể không được lãng mạn như những ly rượu cưới, hay những món đồ trang trí hình kim cương trên bàn cưới, hay viên kim cương lớn trong chiếc hộp mang thương hiệu Tiffany. Nhưng, Bowman nói, về lâu về dài, “chiếc nhẫn không giúp gắn bó hai người lại với nhau.” Nhưng một chút kiềm chế chi tiêu trong đám cưới thì có thể làm được điều đó.

SỰ SUY TÍNH

Cách tư duy này chỉ là sự thu nhỏ của một khái niệm rộng hơn về việc sử dụng tiền bạc có ý thức – hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách đặt những biến thể khác nhau của câu hỏi: “Chiếc nhẫn đó có thể mua được thứ gì khác?”

Tấm thảm đó có thể mua được thứ gì khác?

Cái áo len đó có thể mua được thứ gì khác?

Cái ô tô đó có thể mua được thứ gì khác?

Cái gì cũng có chi phí cơ hội. Tiền là thứ hoàn toàn có thể thay thế được, vì thế mỗi một đồng dùng vào thứ này có thể được dùng vào thứ khác.

Câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải đặt ra cho bản thân là liệu cái “thứ khác” đó có thực sự giúp chúng ta và những người thân yêu của chúng ta hạnh phúc hơn không. Trong cuốn 168 giờ, tôi khuyên mọi người viết nhật ký để họ có thể hình dung rõ hơn là họ đã sử dụng thời gian của mình như thế nào. Bằng cách đó, họ có thể phân tích những mô típ để xem liệu chúng có khớp với các ưu tiên của họ hay không. Tương tự, đa phần các chuyên gia tư vấn tài chính đều sẽ khuyên những ai đang băn khoăn về tình hình tài chính của mình rằng họ nên kiểm soát mọi đồng tiền đến và đi ra khỏi túi của họ. Đó là một ý tưởng hợp lý và tôi biết rằng có những người say mê việc ghi chép nhật ký chi tiêu. Một anh bạn tôi cho biết anh đã ghi nhật ký về từng đô-la anh kiếm được hay chi tiêu kể từ năm 1998. Cục Thống kê Lao động (BLS − Bureau of Labor Statistics) Mỹ cũng ghi nhật ký chi tiêu quốc dân tương tự như thế thông qua cuộc Nghiên cứu tình hình tiêu dùng thường niên. Theo BLS, một gia đình Mỹ trung bình, trong đó có 1,3 người lao động với 2,5 người phụ thuộc, kiếm được 62.857 đô-la trong năm 2009. Sau khi trả tiền thuế, một gia đình sẽ chi tiêu như sau:

  • 16.895 đô-la tiền thuê/mua nhà

  • 7.658 đô-la tiền đi lại (gồm 1.986 đô-la tiền gas)

  • 6.372 đô-la tiền thức ăn (3.753 đô-la tiền ăn tại nhà và 2.619 đô-la tiền ăn ngoài)

  • 5.471 đô-la tiền mua bảo hiểm cá nhân và đóng tiền lương hưu

  • 3.126 đô-la tiền chăm sóc sức khỏe

  • 2.693 đô-la tiền giải trí

  • 1.725 đô-la tiền mua quần áo và các dịch vụ

  • 5.127 đô-la tiền vào các khoản “khác”

Dĩ nhiên, nếu nhìn trung bình thì không thể thấy những khác biệt. Để so sánh giữa bạn và những người giống như bạn, bạn có thể truy cập vào trang Bundle.com, một trang web về ngân sách lưu dữ liệu của bạn để so sánh chúng với dữ liệu tiêu dùng của hàng triệu người khác. Ở trang này, chúng tôi thấy rằng ở bang Minneapolis, một gia đình có bố mẹ ở độ tuổi cuối 30 đầu 40, với thu nhập 75.000 – 100.000 đô-la một năm, chi khoảng 704 đô-la mỗi tháng cho việc di chuyển. Một phụ nữ độc thân (độ tuổi 18 – 25) sống ở San Francisco với thu nhập 40.00 – 50.000 đô-la/năm chi 1.091 đô-la/tháng cho ăn uống. Ở thành phố New York, các gia đình có bố mẹ trẻ tuổi và thu nhập trên 125.000 đô-la chi 1.836 đô-la/năm tiền sử dụng điện thoại.

Sau khi đã vạch ra được số tiền bạn kiếm về và số tiền bạn chi tiêu và thấy rằng mình nên sử dụng tiền khác đi. Judi Rosenthal, một nhà hoạch định tài chính, kể với tôi rằng trước đây cô thường tự hào vì mình không sở hữu một chiếc ô tô nào cả và đây đã là một sự tiết kiệm đáng kể ở New York rồi. Sau đó, cô chuyển tới Boston, nhưng mạng lưới giao thông công cộng ở đây không được đầy đủ như ở New York, nên những lần xe buýt chạy không đúng lịch trình đã khiến cô đi làm muộn. Để tránh điều đó cũng như tránh tổn thất nặng nề về tài chính mà chuyện bị nghỉ việc sẽ đem lại, nên khi thời tiết xấu cô lại bắt taxi. Nhưng rồi hóa ra việc này lại thường xuyên xảy ra ở Boston. Cuối cùng, cô cộng tổng tiền taxi trong một tháng rồi nhận ra mình có thể tiết kiệm tiền bằng cách thuê một chiếc Honda Civic, dù cô sẽ phải trả phí đỗ xe. Điều đó cũng nói lên điều gì đó, dù rằng việc thuê mướn thường không phải là một giải pháp tài chính tuyệt vời.

Tuy nhiên, tôi có cái cảm giác rằng phần lớn mọi người đều hiểu tiền bạc của họ hơn là thời gian – thứ mà chỉ được theo dõi thường xuyên khi người ta làm việc theo giờ công và gần như chưa bao giờ được theo dõi trong cuộc sống riêng tư. Chúng ta phải dành thu nhập để trả tiền thuế và các chi tiêu thường nhật, nên có lẽ những con số đó chưa hẳn khiến chúng ta ngạc nhiên – ít ra thì tôi hy vọng là như vậy. Tôi cũng biết rằng, đối với một số loại quản lý tài chính cá nhân, sự hữu dụng của việc ghi chép nhật ký chi tiêu là nó chỉ rõ cho ta thấy mình đang phung phí bao nhiêu tiền vào những thú vui nhỏ nhặt chẳng hạn như cà phê. Tuy rằng nếu có những mục tiêu tài chính lớn hơn, thì chúng ta có thể loại bỏ những khoản chi tiêu ấy, song đôi khi những thú vui nhỏ bé lại là một cách rất khả dĩ để tăng thêm niềm hạnh phúc cho chúng ta trong cuộc sống. Chiếc nhẫn đó còn có thể mua được những gì nữa? Một lượng cà phê rất lớn. Thêm nữa, bài tập này thường được làm để bảo đảm rằng mục “thu” lớn hơn mục “chi”. Tôi biết việc này không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng đã có vô số cuốn sách viết về cách thoát khỏi hố nợ tiêu dùng. Ta hãy nói rằng, với bạn, thu nhiều hơn chi. Bạn không bỏ ra 1.800 đô-la mỗi tháng vào những thứ mà bạn cũng chẳng biết được. Ở đây xuất hiện hai câu hỏi thú vị hơn:

1. Bạn cảm nhận thế nào về số tiền kiếm được? Có lẽ bạn cũng có cảm giác gì đó về con số đó. Một cuộc điều tra của Gallup năm 2008 đã phát hiện ra rằng 51% người Mỹ có công ăn việc làm cảm thấy họ bị trả lương thấp, 46% cho rằng họ được trả lương đúng mức và 3% cảm thấy họ được trả lương cao. Nếu bạn rơi vào nhóm thứ nhất, hãy dành thời gian để suy nghĩ tại sao và bạn có thể − dần dần – thay đổi điều đó hay không. Chúng ta sẽ quay trở lại chủ đề này ở chương tới. Nhưng cho dù thuộc nhóm nào, thì bạn cảm nhận gì về cái cách bạn đang kiếm tiền? Bạn có thức dậy với niềm háo hức tới nơi làm việc, hay bạn chỉ đếm xem còn bao lâu nữa mình sẽ về hưu? Có lẽ là bạn sẽ ở đâu đó ở khoảng giữa. Chúng ta thường nghĩ về tiền bạc và hạnh phúc trong bối cảnh sử dụng chúng ra sao, nhưng chí ít thì hạnh phúc một phần liên quan tới việc chúng ta sử dụng thời gian như thế nào, mà chúng ta thì dành một lượng lớn thời gian để kiếm tiền. Tạp chí Khoa học năm 2004 có đăng tải một nghiên cứu đo lường mức độ hạnh phúc của phụ nữ có việc làm trong một ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, ở mức trung bình, thời gian đi làm buổi sáng, thời gian làm việc và thời gian từ sở làm về nhà là ba sự kiện được xếp thấp nhất. Vì chúng ta dành nhiều thời gian để làm việc hơn là để gọi điện tán gẫu với bạn bè hay (nếu bạn có một công việc toàn thời gian) xem tivi – các hoạt động được thứ hạng cao trong danh sách các hoạt động gây hứng thú – nên nếu bạn thấy rằng công việc cũng thú vị hay ho như gọi điện tán gẫu, thì dĩ nhiên là bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

2. Bạn muốn sử dụng tiền như thế nào? Đây là một câu hỏi lớn hơn nhiệm vụ thông thường là thiết lập ngân sách, bởi nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ xem điều gì là quan trọng với chúng ta và phải vượt qua được tư duy tiền bạc thông thường – tức tư duy cho rằng chẳng có gì là đủ cả. Chỉ bởi nhiều người trong chúng ta cho rằng mình không có thời gian, nên chúng ta không bao giờ tính toán xem mình muốn dành thời gian làm gì, chúng ta thường nghĩ rằng mình không thể có được cái này hay cái kia, hay nghĩ rằng chỉ những người giàu có mới có được chúng và rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Chúng ta nghĩ rằng khoản này khoản kia là hoàn toàn cần thiết, dù rằng phần lớn loài người đều có thể tồn tại mà không cần chúng. Và như thế, chúng ta sống với một hình dung hạn chế trong tâm trí về cuộc sống.

Để vượt qua được điều này, chúng ta cần phải có một cuốn nhật ký chi tiêu khác hơn, không chỉ tập trung vào con số mà còn vào cái cảm giác chúng mang đến.

Vì vậy, bạn hãy ghi chép lại các nguồn thu nhập của mình, giữ lấy các hóa đơn, biên lai trong một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm nếu bạn thích. Ban đầu tôi viết đoạn này vào một buổi tối thứ bảy (đó là một câu chuyện dài – nhưng nó cho thấy tôi đang làm đúng nghề) và hai khoản chi tiêu chính của tôi trong ngày đó vượt quá 1/30 khoản tiền thuê nhà là buổi học bơi cho lũ trẻ và chuyến đi mua đồ ăn. Tôi cảm thấy thoải mái với những buổi học bơi. Lũ trẻ được học thêm kỹ năng, giáo viên hướng dẫn chúng tôi thuê từ trang rao vặt Craigslist cũng rất vui tính và khéo động viên – dù rằng chúng tôi nhận ra ngay là để học bơi tiến bộ thì cần một môi trường thoải mái hơn khu bể bơi liên hợp xây trong khu nhà. Trong biên lai mua đồ tạp phẩm của tôi, một số mặt hàng khiến tôi có cảm giác tích cực, một số khác thì không. Càng nhìn gói càng cua hoàng đế đông lạnh to bự, tôi mới thấy mình lãng phí.

Dần dần, bạn có thể dùng những gợi ý này để cùng bàn xem điều gì bạn thích và có giá trị. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học thì bạn có thể suy luận xem cái gì có tính năng thực dụng cao nhất với mình. Câu trả lời có thể khiến bạn phải ngạc nhiên đấy, nhưng có lẽ chúng sẽ cho bạn thấy nhiều điều nếu bạn để ý.

Ngẫm lại về ngày đó, tôi nhận thấy mình hài lòng khi trả tiền cho các buổi học bơi vì hai lý do. Lý do thứ nhất là tôi hy vọng trong những năm tới đây tôi có thể dành ra nhiều giờ vui đùa cùng con cái trong bể bơi hay dưới những con sóng biển. Lý do thứ hai, đặc biệt trong nền kinh tế hiện nay, tôi muốn hỗ trợ cho những người “đơn thương độc mã” như mình, nhất là phụ nữ, những người tự làm việc không có tổ chức nào. Chính cái ý nghĩ đó đã khiến tôi suy nghĩ lại về việc làm sao để thực hiện được tất cả mọi loại công việc. Chồng tôi thích càng cua hoàng đế. Việc mua chúng giống như đem tặng anh ấy một món quà nhỏ, và như chúng ta sẽ bàn luận trong chương nói về sự cho đi, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu tiền cho người khác có mối tương quan hiển nhiên với hạnh phúc (dù rằng món quà đó được mua từ tài khoản chung). Việc mua càng cua cũng khiến tôi phải suy nghĩ về việc nấu một bữa ăn thật đặc biệt cùng chồng. Suy tư về những trải nghiệm thú vị cũng là một hợp phần chính của hạnh phúc.

Khi bạn nhìn vào các loại hóa đơn và biên lai và lọc ra món nào hữu dụng, hãy viết nó ra. Một số khoản hữu dụng của tôi là:

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp cá thể

  • Ăn thật tốt, nhất là với những người bạn tốt, đặc biệt là đi ăn ngoài

  • Các món quà khiến những người thân yêu của tôi vui vẻ

  • Hoa và cây cỏ

  • Đi thăm các danh lam thắng cảnh, từ các cánh đồng dâu tây tới Morocco

  • Soạn nhạc và nghe những bản nhạc do mình viết ra (nhạc sống)

  • Sách, tạp chí, vở ghi chép, bút và các phương pháp khác để làm sinh động thêm cho những chữ in

Điều gì liên quan đến tiền mà khiến bạn hạnh phúc? Hãy viết những khoản đó xuống và cất chúng trong ví của bạn, hoặc mang theo bất kỳ nơi nào bạn phải trả tiền. Làm cách đó, bạn có thể nhớ, chẳng hạn như khi hai người đang bàn với nhau xem nên ăn ở đâu, thì việc hỗ trợ cho người chủ quán pizza gần nhà sẽ phù hợp với các giá trị của bạn hơn là lượn lờ ở các chuỗi cửa hàng ăn nhanh và rằng bỏ tiền đăng ký mua tạp chí dài hạn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn là mua chiếc quần mới.

DANH SÁCH 10.000 ĐÔ-LA

Khi bạn dần hiểu ra điều gì khiến mình thỏa mãn, thì đó cũng là lúc bạn có thể bắt đầu mơ mộng một chút nữa về những gì số tiền của bạn có thể làm được. Chúng ta ai cũng biết đến những giấc mơ thông thường: ngôi nhà, chiếc xe, tiền để dành lúc về hưu, tiền để dành cho con học đại học. Vậy còn những giấc mơ bay bổng hơn nữa thì sao? Có vô vàn cách mua hạnh phúc. Ở phần giới thiệu, tôi có hỏi mọi người xem họ sẽ thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình nếu họ có trong tay tất cả tài sản của thế gian, hay chí ít là có tất cả những gì họ cần. Trong chương này, tôi sẽ nói chuyện thực tế hơn. Giả sử bạn có một khoản thừa kế bất ngờ trị giá 50.000 đô-la (mà bạn không phải trả thuế). Vốn là một con người đầy trách nhiệm, trước tiên bạn dành ra 40.000 đô-la để tiết kiệm, trả hết nợ và làm từ thiện. Nhưng con số 10.000 đô-la còn lại mới thực sự thú vị.

Bạn sẽ làm gì với nó? Quy tắc duy nhất ở đây là, khi ngẫm lại cuộc đời mình, bạn sẽ nhớ lại một cách vui vẻ cách mà bạn đã chi tiêu 10.000 đô-la đó. Bạn có thể:

  • Bay tới Mông Cổ (2.000 đô-la), rồi tham gia chuyến dã ngoại nhiều môn thể thao phối hợp tại Mông Cổ của tổ chức Trao đổi Nguồn lực Quốc tế trong đó bạn được tham gia một cuộc hành trình dài trên lưng lạc đà và ngủ trong các trại dựng trên sa mạc (trị giá 4.000 đô-la, cộng thêm 900 đô-la nếu bạn đi một mình), thêm một vài ngày nghỉ ngơi thư giãn và đi mua sắm những món quà lưu niệm đắt tiền.

  • Học lấy bằng phi công (lên tới 10.000 đô-la tùy theo trường dạy). Nếu may mắn tìm được trường lấy học phí rẻ hơn, bạn có thể dành số tiền dư ra để thuê máy bay bay trong vài giờ để kiểm tra chất lượng bằng lái đó.

  • Thông qua trang donorschoose.org, một trang web giúp bạn tài trợ cho các dự án lớp học, hãy tài trợ cho 125 em nhỏ ở thành phố Indianapolis vui chơi một ngày ở vườn bách thú (10 đô-la mỗi em, tổng cộng 1.250 đô-la) và trong 8 năm tiếp theo, mỗi năm lặp lại món quà này một lần.

  • Mua 80 buổi massage, mỗi buổi kéo dài một giờ (100 đô-la/buổi, cộng thêm 25 đô-la tiền thưởng cho nhân viên), để xua tan những căng thẳng.

  • Trả lương cho 6-7 nhân viên trông thư viện ở vùng nông thôn Morocco (mỗi người 1.500 đô-la).

  • Du lịch vòng quanh Alaska trên một chiếc tàu có cửa sổ trông ra biển với một chiếc piano lớn (giá sẽ rẻ hơn, 9.500 đô-la cho hai người), rồi trả tiền cho người đánh các bản nhạc jazz ưa thích (500 đô-la vài giờ − với điều kiện người nhạc công đã ở trên tàu rồi).

  • Dùng ngày phép ở công ty để đi nghỉ một tháng ở đâu đó – có thể là tới một nơi nào đó trên biển (giả sử nơi đó cho thuê 5.000 đô-la vào mùa không cao điểm) – nơi bạn có thể một mình thực hiện những dự án mà bạn yêu thích và thanh toán các khoản chi tiêu bằng số tiền dư ra (khoảng 5.000 đô-la nữa, nhưng nhớ là nhu cầu của mỗi người mỗi khác).

  • Thuê người trông trẻ để hai vợ chồng có thể đi ăn ngoài và khiêu vũ (trị giá 200 đô-la một tối) với nhau vào các buổi tối thứ 6 trong suốt một năm.

  • Thông qua globalgiving.org, một trang web giúp bạn quyên tiền tài trợ cho các dự án phát triển khắp nơi trên thế giới, giúp 250 em nhỏ ở các ngôi làng vùng sâu vùng xa ở Rajasthan, Ấn Độ, tới trường (40 đô-la/em).

  • Thành lập một giải thưởng cho các tác phẩm văn thơ mới (1.000 đô-la/năm trong 5 năm), thành lập và quảng bá một trang web giới thiệu các nghệ sĩ mà bạn phát hiện ra (tối đa là 5.000 đô-la).

Hãy bớt chút thời gian để suy nghĩ về danh sách những việc bạn muốn làm. Hãy nghiêm túc hỏi bạn bè xem họ sẽ làm gì, rồi bỏ phiếu xem ý tưởng 10.000 đô-la của ai là tốt nhất. Những câu trả lời đó có thực tế không? Ai mà biết được chứ? Nhưng suy nghĩ xem 10.000 đô-la đó có thể giúp bạn làm gì cũng là một việc làm hay – nó là bước đầu tiên giúp bạn nghĩ rộng ra về những lựa chọn mà bạn có thể có mà không phải suy tính về những chi phí cơ hội. Vì rằng, Chris Rice và người bạn đời của mình đã có một đám cưới không hề kém đáng nhớ với giá chưa đến 10.000 đô-la, con số còn dưới mức trung bình của nhiều đám cưới ngày nay. Và giờ đây, họ bắt đầu suy nghĩ về chuyện chiếc nhẫn cưới đó có thể mua được cho họ những gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.