Tiền Không Bao Giờ Là Đủ
Chương 10 Bài thơ cho chiếc túi Ziploc
Tôi cam đoan là hãng S.C Johnson không thuê tôi quảng cáo, nhưng quả thực là tôi rất yêu quý những chiếc túi đựng đồ ăn Ziploc.
Khi còn nhỏ, tôi và các anh chị em trong nhà thường mang đồ ăn trưa tới trường, tức là gia đình tôi đã phải sử dụng một số lượng túi đựng sandwich khổng lồ. Vì lý do kinh tế nên chúng tôi thường dùng loại túi làm thủ công, nên thường phải cuộn lại hoặc xoắn đầu túi. Tôi nghĩ bố mẹ tôi cho rằng không có nhiều khác biệt giữa những chiếc túi loại này với túi Ziploc, nên họ thích dùng tiền vào việc khác hơn. Tôi cũng không nghĩ nhiều về chuyện đó, cho tới mùa thu năm 2006, khi các sân bay áp dụng các biện pháp an ninh mới (sau vụ phát hiện một âm mưu đánh bom xuyên Đại tây dương), trong đó hình ảnh những chiếc túi Ziploc được chú ý đặc biệt. Hành khách được yêu cầu đựng đồ cá nhân trong những chiếc túi khóa trượt trong suốt. Trong chuyến bay tới dự đám cưới một người bạn vào tháng 11 năm đó, tôi đã dùng thử một chiếc túi Ziploc và thấy thật tuyệt vời.
Đã bao giờ bạn tự hỏi những chiếc túi xinh xinh này thực sự tuyệt vời đến mức nào chưa? Chất nhựa đẹp, dày dặn. Bạn có thể biết trong đó đựng những gì, nhưng chiếc khóa trượt đã giữ mọi thứ an toàn – dù chúng là đồ lặt vặt như miếng bim bim, hay đồ ướt như khăn ẩm. Ngay từ lúc đưa đồ dùng cá nhân vào những chiếc túi này, tôi đã mê mẩn chúng. Tôi thường lấy cả nắm túi đó ở điểm phát túi miễn phí tại sân bay cho những người không nhớ quy định này, để họ có thể mang kem đánh răng, bàn chải qua chốt an ninh. Tôi tích trữ hàng đống túi và dùng đi dùng lại cho tới khi đồ trang điểm của tôi làm chúng trở nên cáu bẩn, hay những chiếc dao cạo tạo ra những lỗ thủng lỗ chỗ trên mặt túi.
Thế rồi, cách đây khoảng 2 năm, khi tôi đang rửa những chiếc túi Ziploc đã tã mòn của mình, một ý nghĩ chợt lóe lên: tôi có thể muachúng kia mà.
Có vẻ đây là một thực tế hiển nhiên, nhưng nhiều người trong chúng ta học các thói quen từ khi còn bé. Trái với quan niệm thông thường, ảnh hưởng của bố mẹ đối với thành công lâu dài của con cái hầu như không đáng kể, trong khi những thói quen lặt vặt dường như lại mang tính di truyền. Khi gọi hamburger ở nhà hàng, bao giờ tôi cũng gẩy những miếng dưa chua ra, bởi lẽ đây là điều mà cả gia đình tôi ai cũng làm – như thể dưa chua là thứ cần phải vứt đi vậy. Tương tự, từ những ngày còn ngồi lọt thỏm trong chiếc xe chở hàng ở siêu thị, tôi đã được học rằng những chiếc túi đựng sandwich sản xuất thủ công đã vô cùng hoàn hảo rồi. Vậy nên mới có chuyện khi lần đầu tiên cầm gói túi Ziploc và bỏ ra 2 đô−la để mua về cái sự xa xỉ là được sở hữu chúng, tôi cảm thấy như mình đang tiêu xài thứ gì đó hoang phí lắm. Tôi cố gắng dùng chúng thật tằn tiện, tối đa hóa sự thoải mái của hành động phù phiếm này.
Chồng tôi không gặp phải cảnh day dứt lương tâm như tôi khi ở siêu thị − nhưng đương nhiên, tránh được vỏ dưa vẫn gặp phải vỏ dừa. Anh phải mất hàng năm trời mới chịu thải bỏ những chiếc áo sơ mi đã cũ sờn khỏi tủ quần áo, nhưng vô cùng thoải mái khi chi tiêu ở siêu thị. Hệ quả là, trong một chuyến mua sắm ở Costco sau lần đầu tôi “vung tay quá trán” với gói túi Ziploc, chồng tôi mang về cả một thùng đựng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc túi Ziploc. Mỗi lần rút ra một chiếc và nhìn thấy cả một khối túi đồ sộ chưa dùng đến, tôi lại thoáng rùng mình.
Nhưng câu hỏi ở đây là: tôi sẽ còn cảm thấy rùng mình thế này đến bao giờ? Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nơm nớp lo rằng đống túi ấy sẽ mòn dần đi. Có hôm, khi lái xe về nhà với chiếc túi đựng 10 chiếc bánh quy xoắn bị vỡ một nửa, tôi không đổ đống bánh đi để giữ lại chiếc túi mà quẳng cả gói bánh đi. 10 năm nữa, có khi tôi còn không thèm nghĩ tới những chiếc túi Ziploc nữa và coi sự phục vụ của chúng là tất nhiên. Và con cái tôi cũng vậy, chúng cũng sẽ vô tư chọn những mặt hàng trong siêu thị mà không cần phải mảy may cân nhắc xem liệu có đáng bỏ thêm tiền để mua về sự thoải mái cho bản thân hay không.
Giới nghiên cứu gọi hiện tượng này là “guồng quay hưởng lạc”, tức là khi con người càng kiếm được nhiều tiền, thì kỳ vọng của họ càng lớn. Nếu bạn chưa từng đi ăn hàng, thì chỉ cần có dịp ngồi ăn ở chuỗi nhà hàng T.G.I Friday’s cũng là đỉnh cao của sự vui sướng rồi. Nhưng nếu là thực khách thường xuyên của các hàng quán, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mỗi nhà hàng đều có kiểu chế biến và nước sốt riêng. Bạn sẽ đánh giá bữa ăn của mình theo chuẩn xếp hạng sao vàng của Michelin.
Chúng ta tìm đến cuốn sách này để mong tìm cách lấy tiền bạc mua về hạnh phúc, tức là dùng tiền để làm giàu cho những trải nghiệm hoặc tạo thêm không gian cho những thứ có ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Nhưng liệu có lúc nào đó, khi tiền bạc không còn mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn như trước kia? Khi lấy tiền để kiến tạo hạnh phúc, liệu lượng tiền cần thiết để khiến chúng ta cảm thấy hài lòng có tăng dần theo thời gian? Liệu có đến lúc nào đó, chúng ta phải cần đến rất nhiều tiền để có thể mua về sự hài lòng? Có cách nào để thoát ra khỏi cái “guồng quay hưởng lạc” này hay không, hoặc khiến nó quay chậm lại để chúng ta vẫn còn kịp tận hưởng những thứ xa xỉ nho nhỏ của cuộc sống như những chiếc túi Ziploc hay một tuýp kem đánh răng chất lượng? Nhưng quan trọng hơn hết, liệu có cách nào giúp chúng ta dạy con cái cách trân trọng giá trị của từng đồng đô−la mà không cần phải khép chúng vào cái khuôn khắc khổ mà chúng ta – những bậc phụ huynh – đã phải lăn lộn làm việc nhiều năm trời để mong thoát ra?
Câu trả lời không đơn giản chút nào. Có lẽ lằn ranh giới giữa việc dạy con cách dùng tiền thông minh với việc dạy chúng cách tiêu xài cẩn thận và hoang phí mỏng manh hơn nhiều so với hình dung của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng cần phải dạy con cách cảm nhận về sự đủ đầy bên cạnh những nỗi lo thông thường rằng chúng chẳng bao giờ có đủ cái gì cả.
NHỮNG NẤC THANG BẤT TẬN
Chúng ta sống trong một xã hội tin tưởng rằng theo thời gian, khả năng tài chính của con người sẽ dần được cải thiện. Chúng ta kỳ vọng rằng con cái rồi sẽ khá giả hơn bố mẹ. Năm 2007, Oprah Winfrey chia sẻ với các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Howard rằng mong ước thiết tha của bà cô dành cho cô là cô sẽ có cơ hội phục vụ những người da trắng tốt bụng, biết cư xử tử tế với người giúp việc. Cái hài hước ở đây là có vô vàn những người da trắng (và người da màu) tốt bụng cũng phải vật lộn, tranh giành lẫn nhau để được làm việc cho nhà tỉ phú tay không dựng nổi cơ đồ kia. Hay chuyện Tổng thống Barack Obama lớn lên trong cảnh mẹ con đùm bọc lẫn nhau sống qua ngày đoạn tháng mà rồi trở thành người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Có hàng triệu câu chuyện tương tự với mức độ tương phản ít gay gắt hơn. Tôi đã dành phần lớn thời gian hè năm 2010 để đi quanh New York, tìm hiểu lời giải thích cho sự suy giảm về số lượng người Hàn Quốc làm nghề bán hoa quả cho City Journal và rồi phát hiện ra một tấm gương thành công mới về kinh tế. Những người Hàn Quốc nhập cư vào Mỹ trong các thập kỷ 1970 – 1980; và, khi phải đối diện với tình trạng bị phân biệt chủng tộc trên thị trường lao động, họ đã quyết định tự đứng ra kinh doanh. Làm việc trong các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm là một công việc gian nan, nguy hiểm, song nó giúp mang lại cho họ chỗ đứng ổn định về mặt kinh tế trên đất Mỹ, để họ yên tâm khích lệ con cái học hành. Và những đứa trẻ này đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ: thế hệ người Mỹ gốc Hàn thứ hai hiện đang là những bác sĩ, giáo sư, công chức nhà nước chứ không còn là những người bán vé số dạo ở các nhà hàng nữa.
Dĩ nhiên, những giai thoại vốn không có ý nghĩa tự thân. Thống kê cho thấy tính lưu động về kinh tế ở nước Mỹ đã giảm đi trong những thập kỷ gần đây và thấp hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Dù chúng ta có những tấm gương sáng như Winfrey và Obama, song – thật không may – tính lưu động giữa các thế hệ ở người Mỹ gốc Phi cũng kém phổ biến hơn so với người Mỹ da trắng. Các dữ liệu trong bản báo cáo “Tình trạng của người lao động Mỹ” do Viện Chính sách Kinh tế công bố cho thấy, trong số những trẻ em người Mỹ gốc Phi sinh ra trong nhóm 25% gia đình có mức thu nhập thấp nhất, có tới 62,9% vẫn tiếp tục ở nhóm này khi trưởng thành. Chỉ có 3,6% vươn lên để có mặt trong danh sách 25% người có thu nhập cao nhất. Tuy nhiên, trẻ em da trắng sinh trưởng trong các gia đình nghèo lại không phải chịu bản án đó. Chỉ có 32,3% trẻ em da trắng xuất thân từ nhóm 25% gia đình có mức thu nhập thấp nhất vẫn tiếp tục ở lại nhóm này khi trưởng thành và có tới 14,2% vươn tới danh sách 25% người giàu nhất. Tuy vậy, cuộc điều tra đầu năm 2011 của tờ Washington Postlại cho thấy phần lớn người Mỹ − thuộc mọi màu da – đều cho rằng thế hệ con cái có cuộc sống khá giả hơn thế hệ bố mẹ, con số này là 51% với người da trắng, 53% với người da đen, 52% với người gốc Tây Ban Nha và chỉ có 19% người có suy nghĩ ngược lại. Số lượng người tâm niệm rằng “con hơn cha” đông hơn. Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ, trong số những người Mỹ gốc Phi, có tới 60% tin tưởng rằng con cái họ sẽ có cuộc sống đủ đầy hơn so với thế hệ bố mẹ, trong khi chỉ có 18% có suy nghĩ ngược lại – tức là nhìn chung, họ có cái nhìn lạc quan hơn so với những bậc phụ huynh da trắng (36% so với 31%). Cho dù các số liệu thống kê không cho thấy xu hướng cải thiện mức thu nhập, song chúng ta vẫn tin rằng xu hướng đó tồn tại.
“Guồng quay hưởng lạc” là một thành tố cơ bản trong niềm tin này trên những nấc thang bất tận. Giới kinh tế học thậm chí còn phải đưa nó vào trong dữ liệu tính toán chi phí sinh hoạt. Bạn thử nghĩ mà xem. Trong lúc đang đọc cuốn sách này, nếu phải đứng lên đi lấy cốc nước uống, bạn có ngạc nhiên khi thấy nước sạch tự xuất hiện trong nhà dù bạn không cần phải nhấc tay động chân? 150 năm trước, đây là cả một bước cải thiện nhảy vọt về chất lượng sống đấy. Còn giờ đây, chúng ta chỉ để ý đến nó khi không có nước mà thôi. Tiếp nữa, việc chúng ta hiển nhiên cho rằng con mình sẽ sống sót qua thời kỳ sơ sinh cũng là một guồng quay hưởng lạc khác mà chúng ta may mắn được làm quen.
Song guồng quay hưởng lạc lại là một hiện tượng khó nắm bắt. Nhiều nghiên cứu đã cùng đi đến một kết luận rằng phụ nữ hiện đại không hạnh phúc bằng phụ nữ của 50 năm về trước. Một số người tôn sùng truyền thống lấy đây làm bằng chứng cho thấy phụ nữ chỉ muốn quanh quẩn ở nhà dọn dẹp thay vì chen chúc giành giật nơi công sở − nhưng sự vận động của cái guồng quay hưởng lạc cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi khung tham chiếu. Có lẽ trước đây phụ nữ chỉ so sánh mình với những người phụ nữ khác, còn giờ đây, chúng ta so sánh mình với cả nam giới và trong bối cảnh bùng nổ cơ hội như hiện nay, chúng ta không chỉ so sánh mình với bất kỳ người nam giới nào, mà còn với những người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế quyền lực trong các công ty. Guồng quay hưởng lạc đã khiến chúng ta cảm thấy mình ít hạnh phúc hơn – hay khá khẩm nhất là bằng – so với trước kia, dù rằng chúng ta ngày càng có nhiều thứ hơn. Chúng ta dần quen với tình trạng sống của mình và rồi quay trở lại mức độ hạnh phúc trước đây.
Tôi có thể nghiệm thấy điều này trong chính cuộc sống của mình. Lần đầu tiên khi bài báo của tôi được đăng tải trên tờ USA Today, khi tôi vẫn còn là một thực tập sinh trẻ tuổi, hình như tôi đã đi thu thập mọi ấn bản của số báo đó trong khu vực thành phố Washington. 10 năm sau đó, sau khi đã xuất bản hàng trăm bài báo, tôi chỉ cắt và giữ lại một hay nhiều nhất là hai ấn bản. Tình hình tài chính của tôi cũng khá hơn nhiều so với hình dung trước kia. Và rồi, khi 24 tuổi, tôi tình cờ gặp được một anh chàng tốt bụng trong quán bar – một anh chàng thuộc tuýp doanh nhân, học trên tôi 10 khóa và làm ăn rất cừ. Khi cưới anh ấy, cuộc sống của tôi đã sang một trang mới mà tôi chưa từng nghĩ tới và rốt cuộc, điều đó đã khiến tôi phải đặt câu hỏi: Nếu một người có thể mua được nhiều loại hàng hóa hay trải nghiệm theo sự dẫn dắt của nền văn hóa tiêu dùng, thì liệu người đó có tiếp tục tìm thấy niềm vui trong những thứ nhỏ bé nữa hay không?
Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền bạc khiến chúng ta khó hưởng thụ những niềm vui nhỏ bé hơn. Một công trình đăng tải trên tờ Psychological Science năm 2010 đo lường tác động của thu nhập hay tiền bạc đối với hạnh phúc và việc tận hưởng những cảm xúc tích cực. Các tác giả của công trình này cho hay, nhiều nghiên cứu khác đều cho thấy những tác động tiêu cực; điều hay ho hơn nữa là, khi cho những người tham gia nghiên cứu này ở Canada nhìn vào những bức ảnh chụp tiền rồi sau đó đưa chocolate cho họ ăn, họ lại dành ít thời gian nhâm nhi tận hưởng những thanh chocolate đó hơn. Đây là cái mỉa mai của con người. Chúng ta mong muốn những thứ mà mình không có, để rồi khi có rồi chúng ta lại không còn muốn chúng nữa. Pablo Picasso có lời giải thích chí lý nhất khi nói: “Tôi thích sống như một người nghèo với rất nhiều tiền trong tay.”
Chúng ta phải làm điều đó như thế nào? Hãy liên tục duy trì sự hào hứng của mình trước những trải nghiệm mới hay những chiến thắng nhỏ bé – đó là một thái độ mà tôi mong muốn có và đang tích cực trau dồi. Trường hợp của tôi thì dễ dàng hơn bởi tôi vốn có thói quen sống tằn tiện. Tôi đã phải mất hàng năm trời mới thoát ra khỏi cái cảm giác day dứt mỗi khi mua những chiếc túi Ziploc, nên hẳn là tôi sẽ không đi sùng bái những chiếc giày hàng hiệu, mà nếu có thế đi chăng nữa, thì chắc cũng phải mất hàng chục năm nữa chứ không ít. Việc có con nhỏ cũng góp phần làm guồng quay hưởng lạc quay chậm lại, bởi nó khiến việc hưởng thụ những thú vui xa xỉ mà lẽ ra trên lý thuyết tôi hoàn toàn có thể thực hiện được (như ăn hàng và thoải mái di chuyển, không phải nheo nhóc tay bế tay bồng) trở nên khó khăn hơn. Tôi vẫn có những thú vui xa xỉ ấy, nhưng ở mức độ ít hơn so với khi chưa có con và chúng mang lại cho tôi những niềm sung sướng hân hoan hoàn toàn mới mẻ. Sau chuyến bay nhọc nhằn, chăm bẵm và trông lũ con nghịch như quỷ sứ, thì chỉ cần có cơ hội ngồi đọc báo trên một chuyến bay cũng đủ khiến bạn cảm thấy thư thái như đang ở spa rồi. Hơn nữa, vì tôi thích ngồi viết lách hơn là đi mua sắm, nên hiếm khi tôi lang thang ở các cửa hàng để cân nhắc xem tiền mình làm ra có thể mua được những gì.
Mà dù cho bạn không có thói quen sống tằn tiện và cũng chẳng có con nhỏ, thì cách tốt nhất để duy trì sự hứng khởi với những thú vui nho nhỏ vẫn là tự nhắc nhở mình rằng thú vui rốt cuộc vẫn chỉ là thú vui mà thôi. Nghiên cứu về thái độ tri ân trong cuộc sống có lẽ đã bị thổi phồng lên quá đáng, song cũng đâu có hại gì nếu bạn luyện cho tâm trí mình tìm kiếm niềm vui ở những điều giản dị. Chiếc máy tính chạy êm. Một ngày nắng đẹp. Lọ dầu gội đầu thơm tho. Một tách cà phê ngon. Tất cả đều có thể vô tình trôi qua hoặc bạn có thể để ý, ghi chép lại và hân hoan vì có chúng.
Chẳng có gì thực sự chính xác về mặt khoa học ở đây cả, dù tôi thấy thật nực cười khi “đơn giản” lại trở thành một ngành công nghiệp đồ sộ. Hẳn là phải có lý do gì đó nên cuốn tạp chí Real Simple mới có tên như vậy chứ; tuy nhiên, một chiếc quần vải lanh trị giá 400 đô−la, hay những món đồ thời trang tương tự có mặt trong mục thời trang của tờ tạp chí này, lại không hề đơn giản chút nào. Ngày nay, chúng ta chăm chú tìm kiếm những mẩu chuyện có ý nghĩa và luôn tìm cách thoát ra khỏi đống lộn xộn của cuộc sống hiện đại để tìm hạnh phúc ở những thứ phi vật chất, chẳng hạn như ngửi một bông hoa, đánh một phím đàn. Và như vậy, hãy nhớ rằng cái guồng quay hưởng lạc không phải lúc nào cũng tệ hại. Chúng ta nên kỳ vọng vào sự xuất hiện hiển nhiên của nguồn nước sạch, vào sự no đủ cho con trẻ − và đó chính là dấu hiệu của sự tiến bộ, để chúng ta thấy rằng không có điện thoại di động chỉ là một sự thiếu thốn, chứ chưa hẳn là một sự thiếu thốn thực thụ.
TÔI DẠY CHO CON CÁI NHỮNG GÌ?
Tôi nghĩ những chiếc quần vải lanh trị giá 400 đô-la của tờ tạp chí Real Simple đã mang đến một thông tin thú vị về mối quan hệ yêu-ghét của chúng ta đối với cái guồng quay hưởng lạc kia – và thông tin này có nhiều ý nghĩa đối với các bậc phụ huynh. Chúng ta lên án xã hội vật chất, nhưng lại không muốn có kỷ luật nghiêm khắc. Chúng ta ca ngợi những món đồ ăn đơn giản nhà làm… nhưng lại chẳng ưa gì món sa lát ngọt Jell-O rẻ tiền mà các bà các mẹ thế hệ nghèo khổ trước đây của mình làm ra. Tôi sẵn lòng sống chắt chiu tằn tiện vì những mục tiêu tài chính lớn hơn, nhưng vẫn có những giới hạn. Tôi không muốn sống ở một khu tồi tàn, hay phải học lại những kỹ năng nấu mỳ từ thuở mới ra trường, trừ khi tôi quá thèm ăn mỳ.
Con cái tôi rồi sẽ nhận ra được điều này, nên gần đây tôi trăn trở nghĩ cách nên dạy con cái những gì về chuyện tiền nong. Trên Internet đầy rẫy các lời khuyên, mẹo mực, nhưng tôi thấy nhiều khi những lời khuyên đó chẳng dựa trên nghiên cứu nào sất. Vậy nên, để tìm hiểu kỹ hơn, tôi tìm tới Lewis Mandell, chủ nhiệm danh dự của Trường Quản lý SUNY Buffalo. Anh đã có nhiều năm nghiên cứu về đề tài trẻ nhỏ và tiền bạc; anh chia sẻ: “Thật hay là trong cuộc sống có vô vàn các chuyên gia về trẻ em. Họ viết sách về trẻ em và nói đủ thứ trên trời dưới biển về trẻ em như thể đó là những chân lý đã được chấp nhận vậy. Ấy vậy mà những thông tin của họ hoàn toàn không hề được xác thực bởi bất kỳ dữ liệu hay nghiên cứu nào.”
Chẳng hạn, có nên cho trẻ tiền tiêu vặt không? Có vẻ như đấy là một cách trực tiếp dạy chúng cách quản lý tiền nong. Cứ cho chúng 5-10 đô-la mỗi tuần rồi để chúng tự xử lý những khoản tiêu pha lặt vặt trong khoảng đó. Tương tự, chuyện dạy học sinh cấp ba về môn tài chính cũng có vẻ hay ho. Cứ nhìn vào tỷ lệ những người lớn đang phải sống theo kiểu giật gấu vá vai và không hề có khái niệm gì về cái gọi là lãi suất đối với thẻ tín dụng, thì rõ ràng việc dạy con trẻ kiến thức về tiền bạc không có gì là sai cả.
Nhưng như chúng ta đã thấy trong chương nói về chi phí biên khi sinh thêm con, con người quá phức tạp, nên một cộng một chưa chắc đã bằng hai. Theo chia sẻ của Mandell, nghiên cứu của anh cho thấy những trẻ được nhận tiền tiêu vặt đều đặn không kèm theo điều kiện gì (ví dụ, làm việc nhà mới được bố mẹ cho tiền) thường lại ít nhạy bén về mặt tài chính hơn so với những trẻ được bố mẹ trả công để làm việc nhà và những trẻ không có khoản tiêu vặt nào. Phân tích trong nhiều nghiên cứu về tiền tiêu vặt cho thấy, “những khoản tiền tiêu vặt không kèm theo điều kiện gì sẽ khiến trẻ nhỏ cảm thấy chúng có quyền hưởng thụ số tiền đó, dẫn tới hiện tượng trẻ ít có mong muốn lao động, vì chúng thấy rằng tiền tự xuất hiện mà không cần chúng phải động tay động chân”, Mandell nói. Trên lý thuyết, những trẻ phải lên tiếng xin tiền bố mẹ mỗi khi muốn tiêu pha cũng nhận thấy rằng chúng không cần phải làm việc mà vẫn có tiền, nhưng hãy nghĩ mà xem: liên tục phải đàm phán với bố mẹ để lấy tiền cũng là một công việc đâu kém phần cực nhọc! Theo Mandell: “Tôi thường so sánh những đứa trẻ đó với những chuyên viên phát triển ở một tổ chức phi lợi nhuận. Họ đi làm và công việc của họ là kêu gọi lòng hảo tâm quyên góp của mọi người.” Như vậy, lũ trẻ sẽ phải suy nghĩ xem việc gì nên xin tiền, việc gì không và chúng cũng phải mất khá nhiều thời gian vò đầu bứt tai mà nghĩ ra đủ thứ lý do chính đáng để xin xỏ bố mẹ. Trong khi đó, những trẻ được nhận tiền tiêu vặt vô điều kiện sẽ đi đến chỗ tin rằng (mà nhiều người lớn cũng có chung quan niệm này) chỉ cần có mặt là đến tháng sẽ được nhận tiền. Dần dà, chúng không còn bận tâm tới chuyện tiền nong nữa.
Tương tự, Mandell cũng phát hiện ra rằng các học sinh lớn từng tham gia cả những khóa học nâng cao về tài chính cũng không ghi được điểm cao hơn trong những bài kiểm tra về kiến thức tài chính. Về sau, chúng vẫn phải gánh những khoản nợ thẻ tín dụng hay tài khoản bị thâm hụt như thường. Như vậy, theo Mandell, các khóa học cũng không có tác dụng gì. Anh cho rằng, khác với các kỹ năng lái xe được dạy trong khóa dạy lái xe, phần lớn những kiến thức về tài chính đều không mang lại ích lợi trực tiếp nào cho trẻ vị thành niên mới 17-18 tuổi. Phải vài năm nữa chúng mới nghĩ tới chuyện mua đồ trả góp và ngay cả những em có mức thu nhập ổn định cũng hiếm khi phải một mình chịu trách nhiệm nuôi cả gia đình. Như vậy, tương tự như với các môn học, ngay khi thi xong thì “chữ thầy trả thầy” hết. Và đến khi thực sự cần đến những thông tin này, chúng ta thường tìm kiếm ở những nguồn khác chứ ít khi quay về với những gì đã được dạy ở trường.
Vậy nên hiểu điều này như thế nào? Có những thứ dường như quan trọng hơn đấy. Cũng giống như câu chuyện của tôi với đống dưa chua hay những chiếc túi sản xuất thủ công, trẻ nhỏ học thói quen từ bố mẹ, dù rằng bố mẹ không hề dạy dỗ chúng điều gì về vấn đề tài chính.
Nhà tâm lý học hành vi Matt Wallaert từng là chuyên gia hàng đầu tại Thrive, một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân trực tuyến. Anh chia sẻ: “Tôi đã nói chuyện với hàng nghìn người về vấn đề tài chính cá nhân. Trong số những người rất giỏi kỹ năng quản lý tiền bạc mà tôi từng gặp, không ai không nói rằng: ‘Tôi học những điều đó từ bố mẹ tôi.’” Nếu con cái bạn thấy bạn trả tiền hóa đơn đúng hạn, không vung tay quá trán và tích trữ tiền bạc cho tương lai, thì những hành động này sẽ trở thành thông lệ đối với chúng. Nếu con bạn có tài khoản tiết kiệm và chúng được biết rằng tiền mừng sinh nhật, tiền mừng trong các dịp lễ tết của chúng đều sẽ được chuyển một phần vào tài khoản đó, dần dà, đây sẽ là một thói quen rất khó bỏ. Chuyện tiết kiệm sẽ trở thành một thói quen hàng ngày. Theo Mandell, bên cạnh sự thiếu phù hợp khi dạy kiến thức tài chính cho trẻ vị thành niên, một lý do khác khiến những khóa học này ở trường cấp ba trở nên không hữu dụng với trẻ là những quan niệm về tài chính vốn đã ăn sâu bén rễ trong chúng từ rất lâu. Những sự can thiệp để uốn nắn tư duy cho trẻ chỉ có tác dụng thực sự khi được tiến hành ở lứa tuổi 8-12. Mà như thế cũng chưa hẳn đã chắc là chúng sẽ phát huy tác dụng thực tế. Có nhiều trường hợp bố mẹ sống tằn tiện mà con cái lại sống theo kiểu bóc ngắn cắn dài – nhưng tác động tới trẻ ở độ tuổi càng nhỏ càng tốt.
Độc giả trên blog của tôi và nhiều chuyên gia khác mà tôi có dịp phỏng vấn cũng có vô số các mẹo mực khác nhau (một số người cũng không nhất trí với quan điểm của Mandell). Những lời khuyên đắc dụng nhất đều xoay quanh việc phải cởi mở chia sẻ với con cái về tình hình tài chính của bố mẹ, để lũ trẻ không coi tiền bạc là điều gì đó bí mật. Hãy dạy con từ vết xe đổ của những người họ hàng gần gũi. Hãy lấy thời gian xem tivi làm công cụ dạy dỗ. Theo Shay Olivarria, diễn giả kiêm tác giả của những cuốn sách hướng dẫn kiến thức tài chính, cho biết: “Tivi đem lại những cơ hội dạy con tuyệt vời.” Nếu thấy lũ trẻ đang ngồi xem những chương trình không nên xem (chẳng hạn những chương trình giới thiệu về lối sống xa hoa của những người nổi tiếng), thì chí ít, bạn cũng có thể lợi dụng được tình hình đó. Hãy hỏi con: tại sao những nhân vật này lại cho rằng nhà đẹp xe xịn là minh chứng cho sự thành công? Hãy cho chúng biết rằng khoản thanh toán lãi suất vay trả góp thấp sẽ giúp chúng dễ xoay xở vào mỗi tháng hơn và nếu bạn đang phải làm thêm giờ để đủ tiền đưa cả nhà đi nghỉ mát hay để trả nợ, hãy chỉ cho chúng thấy mối quan hệ giữa lao động với kết quả mong muốn. Hãy nhớ rằng khi được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa phi tiền mặt, trẻ nhỏ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu tiền là gì. Olivarria cho hay: “Rất nhiều trẻ em không hiểu quy trình vận hành của những chiếc thẻ ATM. Chúng cứ nghĩ rằng việc rút tiền ở máy ATM là điều kỳ diệu mà không biết rằng bạn phải gửi tiền vào ngân hàng rồi mới được phép rút ra.” Có thể chúng cho rằng hễ cứ cần mua thứ gì, bạn chỉ cần ra máy quẹt thẻ là có tiền, chứ đâu hiểu rằng có vay thì có trả. Vì thế, đôi khi bạn cũng nên dùng tiền mặt để dạy con chuyện tiền nong. Đồng thời, hãy để chúng tự vấp ngã vài lần. Olivarria thích đưa các cháu tới các công viên giải trí gần nhà ở California. Cô cho chúng một khoản tiền nhất định (chẳng hạn 20 đô-la) và bảo chúng tự đi mua đồ ăn hay những gì chúng thích. Rõ ràng, khi một đứa trẻ lần đầu cầm tiền trong tay, nó sẽ ngay lập tức tiêu hết số tiền đó cho một món đồ chơi xa xỉ, để rồi cả ngày chịu thèm thuồng nhìn các anh chị em mình ăn hamburger hay kem ngon lành và mua các món đồ lưu niệm khác từ số tiền được quản lý khéo léo của chúng. Olivarria nói: “Đó là một bài học tuyệt vời. Tôi thà để một đứa trẻ 8 tuổi nhịn đói ở khu giải trí Disneyland vì nó đã lỡ tay sắm con chuột Mickey to đùng hơn là nhìn một gã 30 tuổi đẩy con cái vào cảnh màn trời chiếu đất vì tiêu hoang.”
Hãy khích lệ con bạn tìm hiểu giá trị bản thân khi chúng bắt đầu tự kiếm tiền qua việc trông trẻ, cắt cỏ, hay một công việc bán thời gian khác. Hãy nói với chúng về các loại thuế, về lý do phải đóng thuế và các loại lãi suất được hình thành ra sao. Leah, một độc giả trên blog của tôi, cho biết sau khi cô đủ 16 tuổi, cô hiểu rõ mọi ngóc ngách tình hình tài chính của gia đình, vì bố cô là người tự kinh doanh và ông chính thức phong cô làm kế toán cho ông. Leah đã vất vả tự học phần mềm kế toán, cô cũng phạm nhiều sai lầm đắt giá, nhưng “khi lòng tự tin và kỹ năng của tôi dần phát triển, tôi thậm chí lại cảm thấy thích thú với công việc đó. Tôi tiếp tục làm việc cho bố mẹ mình cho tới khi lập gia đình năm 23 tuổi.” Bạn cũng có thể để con tự chịu trách nhiệm thanh toán các khoản hóa đơn trực tuyến dưới sự giám sát của mình; bạn sẽ biết rằng nó đã học được cách quản lý tiền bạc khi nó dành một khoản ngân sách hạn chế cho việc mua sắm dịp Giáng sinh thay vì đòi hỏi mọi thứ.
Dĩ nhiên, quá trình này cũng đòi hỏi bạn phải tự tìm hiểu những quan niệm của bản thân về chuyện tiền bạc. Tôi vẫn đang loay hoay với vấn đề này. Khi mới tính đến chuyện phải dạy con về vấn đề tiền bạc, suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải cho chúng “biết giá trị của từng đồng”. Tôi tin mình sẽ có được sự tự do vô bờ về tài chính nếu biết sống chắt chiu, tích lũy cho tương lai và can đảm nói không với những ham muốn nhất thời để có thể thực hiện những mục tiêu to lớn hơn. Tôi đã gặp nhiều câu chuyện rùng rợn về những thanh niên trưởng thành nợ nần chồng chất rồi hy vọng bố mẹ sẽ ra tay giải cứu giúp, lý do chỉ bởi họ không hiểu hoặc không trân trọng công sức kiếm được những đồng tiền mà họ đã và đang phung phí. Chắc chắn tôi sẽ rất buồn nếu con tôi không muốn làm việc chăm chỉ hay cho rằng một số công việc nào đó là “dưới tầm” của chúng. Về những công việc tệ hại mà chúng ta có từ thuở mới đi làm, chúng ta vẫn thường tự nhủ mình rằng “vấn đề không phải là chuyện kiếm tiền, mà là học hỏi kinh nghiệm.” Chúng ta muốn tin rằng những công việc đó giúp mình rèn luyện bản thân.
Tuy nhiên, vẫn có lúc tôi nghi ngờ về các bài học mà những công việc ấy mang lại cho tôi. Như đã đề cập ở chương 3, khi còn tuổi vị thành niên, tôi từng dành cả một mùa hè làm công việc phết bơ tỏi lên bánh mỳ 8 tiếng một ngày ở một cửa hàng Ý ăn nhanh và người tôi bốc mùi tới nỗi trên đường về nhà mỗi ngày tôi phải mở cửa xe hết cỡ để bay bớt mùi. Lên đại học, tôi dành nguyên một học kỳ đi giao báo vào lúc 6 rưỡi sáng trong khi những người bạn học khá giả vẫn đang cuộn mình ngủ ngon lành trên giường. Những công việc đó quả thực cũng dạy tôi một vài điều và một trong những bài học mà tôi rút ra là mình thực sự không muốn bắt con cái mình phải lao vào những công việc như vậy chỉ để rèn luyện nhân cách. Bây giờ, tôi sẽ khuyên chúng học được những kỹ năng hữu dụng. Em trai tôi biết lập trình và thiết kế trang web nên nó chẳng bao giờ phải đi phết bơ tỏi lên bánh mỳ cả.
Đúng là tôi biết giá trị của từng đồng tiền kiếm được, nhưng điều đó cũng khiến tôi đưa ra những lựa chọn thiển cận bởi đôi khi tôi đánh giá giá trị của chúng lớn quá – mà yêu tiền quá hay tiêu xài nhiều quá thì đều không tốt như nhau. Tôi đã cố tình dây dưa không thuê người trông trẻ bởi dịch vụ đó thật đắt đỏ, nhưng chính vì vậy, tôi vừa gặp khó khăn trong công việc lại vừa khiến gia đình lục đục, căng thẳng. Tôi cũng từng không muốn thực hiện những khoản đầu tư cho công việc như thuê trợ lý hay trả tiền PR, bởi tôi cứ tự nhủ mình có thể “tiết kiệm” được tiền nếu tự làm – dĩ nhiên, ngoại trừ những lúc tôi làm không đến nơi, hay (trường hợp này thường xảy ra hơn) không làm gì cả. Tôi hy vọng mình có thể dạy cho con mình biết rằng tính tằn tiện không phải là phẩm hạnh nào cao quý, tách rời khỏi những mục tiêu lớn lao hơn. Quyền năng của tiền bạc không nằm ở những con số, mà ở những gì nó có thể làm được. Đôi khi chúng ta phải đương đầu với rủi ro và đôi khi chúng ta lại phải đầu tư vào những gì quan trọng.
Sở dĩ tôi có những suy nghĩ trên một phần bởi tôi đã nghiệm ra rằng chi tiêu cho con cái không chỉ đơn thuần nhằm khiến chúng hạnh phúc, mà còn khiến chúng ta hạnh phúc. Như đã đề cập ở chương nói về sự cho đi, tiêu tiền cho người khác – thậm chí là người xa lạ − cũng có ích lợi hơn so với việc tiêu tiền cho bản thân. Như vậy, việc tiêu tiền cho những người mà bạn yêu quý sẽ còn hữu ích hơn. Chúng ta vẫn thường mua quà tặng người thân vào các dịp Giáng sinh và sinh nhật, vậy có gì là sai nếu mua quà cho họ vào các dịp khác nữa?
Tôi nêu vấn đề này trên blog sau khi gặp phải tình thế khó xử ở cửa hàng sách Barnes & Noble vào một buổi sáng thứ bảy cách đây không lâu. Số là tôi đẩy xe nôi đưa Jasper đi một vòng trong khi Michael trông đứa nhỏ. Tôi rất thích ở một mình với Jasper vì nó đã lớn và có thể truyền đạt được những ý tưởng ngộ nghĩnh của mình. Hai mẹ con đã có một thời gian trò chuyện vui vẻ dưới ánh nắng chiều tà ấm áp ngày thu hôm ấy. Thằng bé rất ngoan khi ở siêu thị, dù rằng chúng tôi đã phải chờ trong một hàng dài. Và vì lúc sáng như đã hứa, nên tôi đưa nó tới cửa hàng sách. Hai mẹ con cùng xem một vài cuốn, rồi thằng bé phát hiện ra chỗ trưng bày đồ chơi của hàng Thomas & Friends.
Tôi không hiểu sao lại có nhiều đồ chơi bày bán ở một nơi được gọi là cửa hàng sách đến thế, nhưng có một điều mà tôi biết: chúng ta đã bị những chiếc tàu gỗ hiệu Thomas thôi miên đã từ lâu. Thằng bé Jasper nhìn thấy Gordon (cỗ máy tàu tốc hành dài màu xanh) và chiếc toa chở than và thế là nó đòi mua cho bằng được.
Tôi phải làm gì đây?
Ngay lập tức, tôi mua luôn chiếc tàu Gordon ấy; và phải thú thực rằng đó là một khoản mua sắm ngẫu hứng đắt đỏ − 21,99 đô-la chứ ít đâu. Sau quyết định vội vàng đó, tôi lại thẫn thờ tiếc nuối, bối rối không hiểu mình vừa làm chuyện gì. Liệu tôi có làm hư con mình không? Nếu so với mức thu nhập 4,90 đô-la một giờ ở cửa hàng Fazoli ngày xưa, thì để mua con tôi tàu Gordon, tôi phải làm cái công việc chẳng mấy vui vẻ đó trong 5 giờ. 5 giờ làm việc cật lực chỉ để tha về một con tàu đồ chơi giống hệt 10 con tàu đã có ở nhà (dù rằng chúng không phải là tàu Gordon, Jasper đã nói với tôi như thế lúc ở cửa hàng sách và quả thực là nó nói đúng.)
Dĩ nhiên, lý do thằng bé có tới 10 con tàu ở nhà là bởi cuộc sống đã được cải thiện hơn rất nhiều kể từ cái thời mức thu nhập chỉ vẻn vẹn 4,9 đô-la một giờ. Nhà biên đạo múa Twyla Tharp đã viết trong cuốn hồi ký The Creative Habit rằng, “một khi giải quyết xong những nhu cầu cơ bản, thì bạn sẽ được tùy ý sử dụng tiền bạc.” Trong tâm trí tôi lúc ấy – và sau này khi ngồi viết blog – tôi liệt kê ra những lý do biện minh cho việc bỏ ra 21,99 đô-la để mua một món quà ngẫu hứng cho con. Tài khoản lương hưu của tôi vẫn dồi dào. Tôi có một quỹ dự phòng đủ để tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Con cái tôi đã có ngân sách học đại học và cả nhà đều có bảo hiểm y tế. Giả sử chúng tôi vẫn còn đang phải chật vật bổ sung vào tất cả những khoản ngân sách ấy, thì chuyện tiêu tiền cho vui có gì là sai trái hay không? Đêm hôm trước khi tôi mua con tàu Gordon ấy, tôi, chồng tôi và em trai tôi đã chi hơn 21,99 đô-la để đi uống rượu margarita ở một quán ăn Mehico, bởi thức uống đó rất ngon. Nếu vậy thì tại sao tôi lại không nên dành cũng số tiền đó cho những ý thích ngẫu hứng của Jasper kia chứ? Có nhiều thứ hay ho hơn là ngồi nghe thằng bé bập bẹ bi bô cả ngày cái câu: “Con với mẹ đi hiệu sách rất vui! Mẹ mua Gordon cho con!” Vật chất không khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng những thứ vật chất mà bạn thực sự dành thời gian hưởng thụ nó lại biến thành một trải nghiệm. Lúc này, khi ngồi biên tập chương này, thì chuyến đi hiệu sách của hai mẹ con tôi đã diễn ra cách đó vài tháng rồi, nên tôi có đủ bằng chứng để khẳng định rằng tới giờ Jasper (và cả Sam nữa, vì nó cũng lớn hơn rồi) vẫn còn chơi với con tàu Gordon ấy cùng tất cả những chiếc tàu khác của nó. Thế là đủ đối với một món đồ chơi và một đứa trẻ lên 3.
Các độc giả trên blog của tôi thấy điều tôi băn khoăn thực kỳ khôi, nên đã gửi lời trấn an.
Diana khuyên tôi: “Hãy dừng ngay cái cảm giác ăn năn ấy lại đi. Thằng bé mới 3 tuổi thôi mà! Nó còn chưa biết (hoặc chưa thèm quan tâm) đến chuyện tiết kiệm tiền về hưu hay phải đóng bảo hiểm y tế đâu. Mà đúng ra thì nó phải như thế chứ. Nó hoàn toàn không hay biết gì về tất cả những thứ đó. Nó chỉ biết có con tàu Gordon và nó yêu quý con tàu ấy. Nếu chị mua Gordon vì muốn mua cho thằng bé, thì đó đã đành là một chuyện. Nhưng nếu chị bỏ tiền ra mua vì sợ thằng bé sẽ làm ầm cái hiệu sách ấy lên, thì đó hẳn là một câu chuyện khác rồi. Tôi đồ rằng thằng Jasper cảm thấy nó xứng đáng. Nó thực lòng muốn Gordon. Mà chị thì có điều kiện để mua con tàu ấy cho nó và chị đã mua. Chấm hết.”
Cũng với quan điểm tương tự, Miles viết: “Đương nhiên, tiền không mua được tình yêu. Và chúng ta thì muốn dạy cho con cái về tất cả những điều quan trọng trong cuộc sống. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng muốn bao bọc chúng trong tình yêu thương – và đôi khi điều đó có nghĩa là bỏ ra chút tiền nhỏ để mua thứ chúng thích. Nếu chị thường xuyên làm như thế thì mới có vấn đề. [Thực ra tôi không thường xuyên làm như thế; có hôm hai mẹ con vào hiệu thuốc mà tôi không bỏ ra xu nào mua cho thằng Jasper cái kẹo mà nó đòi]. Chứ thực ra thi thoảng chị cũng phải quá tay một chút. Cũng giống như cuộc sống, làm cha mẹ là sự kết hợp giữa cơ thể, tâm trí và linh hồn – tức thể chất, tâm trí và cảm xúc. Để thể hiện tình yêu với con cái, bạn phải vận dụng cả ba yếu tố này. Đừng để nỗi sợ hãi lấn át bạn. ‘Tình yêu hoàn hảo sẽ đẩy lùi nỗi sợ’ – nếu hiểu đúng theo ngữ cảnh của nó thì câu nói này sẽ mang một ý nghĩa khác, nhưng nó cũng là một nguyên tắc khái quát đúng đắn.”
Tình yêu hoàn hảo sẽ đẩy lùi nỗi sợ − nỗi sợ rằng chúng ta sẽ không có đầy đủ những thứ mình mong muốn và rằng vô vàn những thứ mà chúng ta thực sự có trong tay sẽ làm tổn hại tới con cái – những sinh linh quý giá. Tôi mong mình sẽ tránh được sai lầm ở cả hai hướng trên. Một hôm, tôi thấy Jasper thận trọng cất đồ chơi vào trong những chiếc túi Ziploc – chí ít thì nó cũng nghĩ rằng làm như thế là gọn gàng lắm rồi. Có lẽ nếu có cuộc sống đủ đầy – hay thậm chí có trong tay mọi tài sản trên thế gian – chúng ta vẫn có thể háo hức theo đuổi những niềm vui trong cuộc sống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.