Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 2 Đừng tiết kiệm, hãy kiếm thêm



10năm kể từ khi truyền hình thực tế thống lĩnh màn ảnh nhỏ, các kênh truyền hình cáp đã và đang nghĩ ra những ý tưởng chương trình mới ngày càng sáng tạo – một số người cho là lố bịch. Tôi đã đánh liều thử xem chương trình Jersey Shore nhưng rồi phải bỏ cuộc. Nhưng dù vậy, tôi vẫn không tài nào loại bỏ một số cảnh trong chương trình Extreme Couponing (Tận dụng tối đa phiếu khuyến mãi) của đài TLC khỏi đầu.

Trong loạt phim thử nghiệm lên sóng vào tháng 1 năm 2011, bốn người đam mê phiếu khuyến mãi đến từ các vùng khác nhau của nước Mỹ đã đưa đoàn làm phim đi mua sắm và giải thích về các mẹo mực của họ. Tất cả nhìn chung đều làm theo một phương pháp – ghép phiếu khuyến mãi của nhà sản xuất với cửa hàng bán sản phẩm được khuyến mãi và tích phiếu lại cho tới khi được giá hời – nhưng ai cũng có điểm lập dị riêng. Amanda Ostrowski đến từ thành phố Cincinnati mua món bảo hiểm trị giá 35.000 đô-la cho khoản mua hàng lớn cỡ hai gian phòng. Joanie Demer (KcKinleyville, California) bắt con trai và cô bạn đang bụng mang dạ chửa lục lọi thùng rác để tìm các mẩu quảng cáo bị bỏ đi để tiết kiệm 2,64 đô-la trong tờ biên lai mua hàng trị giá 638,64 đô-la. Joyce House, một nữ y tá về hưu ở Philadelphia, nói rằng trong suốt 34 năm qua bà không hề trả tiền mua kem đánh răng hay thuốc khử mùi. Còn Nathan Engels ở Villa Hills, Kentucky, thì đầu tư mua một chiếc máy cắt giấy công nghiệp để cắt giấy được nhanh hơn. Trong loạt phim thử nghiệm, ông đã đặt mua tới 1.100 hộp Total của cửa hàng tạp hóa địa phương vì thấy rằng chỉ cần bỏ ra 150 đô-la ông có thể mua được các sản phẩm trị giá 4.000 đô-la.

Đối với Engels, tất cả chỉ là trò chơi. Ông nói trong chương trình: “Nó như một ván cờ vậy. Bạn cố gắng đánh bại đối thủ, tức là cửa hàng.” Ông quyên những hộp thức ăn của hãng Total cho một quỹ phân phát thực phẩm từ thiện – rõ ràng việc dùng phiếu khuyến mãi để trở thành Mạnh Thường Quân là một cách làm sáng tạo để giúp đỡ những người nghèo khó trong cộng đồng. Nhưng tôi không cho rằng cái nguyên do lý giải tại sao chương trình này lại được yêu thích đến thế và tại sao cuối cùng đài TLC lại quyết định phát sóng chính thức chương trình này, lại là tiềm năng làm từ thiện giá rẻ. Đúng hơn thì, trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, người ta thích thú với các phiếu khuyến mãi bởi chúng thể hiện một tư duy tằn tiện vốn được tán tụng kể từ khi Ben Franklin nói rằng một đồng tiết kiệm được là một đồng kiếm được. Và bởi chúng ta mua sắm ở cửa hàng tạp hóa nhiều hơn những địa điểm khác, nên đó là nơi mà chúng ta cho rằng mình nên thực hành tính tiết kiệm. Nhiều người trong chúng ta tự hào vì có thể dùng 1 đô-la mà mua được nhiều thứ, dù rằng theo các tiêu chuẩn khách quan thì chúng ta không phải làm thế. Theo các số liệu thống kê của Nielsen, những người ham mê sử dụng phiếu khuyến mãi thường thuộc các hộ gia đình có mức thu nhập trên 100.000 đô-la/năm hơn là các hộ có mức thu hàng năm dưới 30.000 đô-la. Một câu truyện có tên “Ode nói với cô vợ tằn tiện của mình” trong cuốn sách ăn khách Triệu phú nhà bên của Thomas Stanley và William Danko. Một người đàn ông tặng cho vợ một khoản chứng khoán trị giá 8 triệu đô-la trong công ty mà ông này vừa cổ phần hóa. Các tác giả viết: “Nàng mỉm cười và không hề thay đổi vị trí của mình ở chiếc bàn bếp, nơi nàng vẫn tiếp tục cắt ra những phiếu khuyến mãi 25 xu hay 50 xu trong những tờ báo”. Hẳn là trong lúc đó cô vợ cũng không nhận ra hoặc không quan tâm tới chuyện rằng món chứng khoán 8 triệu đô-la đó lên xuống tới 8.000 đô-la trong thời gian cô nàng ngồi hì hụi tìm cách tiết kiệm 8 đô-la bằng phiếu khuyến mãi.

Dù Nathan Engels là nam giới, song tư duy tận dụng từng xu này thường đậm chất nữ giới. Chúng ta tôn sùng niềm tin mà Betty Friedan đã miêu tả trong cuốn Sự thần bí của nữ giới là “Phụ nữ có thể tiết kiệm tiền bằng khả năng quản lý trong nhà hơn là ra ngoài làm việc kiếm tiền.”

Thực tế, thứ giáo lý tằn tiện này đúng đắn bao nhiêu phần trăm? Đây vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Ostrowski giữ vị trí quản lý thiết bị lưu trữ, thế nhưng cô nói với các nhà sản xuất chương trình Extreme Couponing rằng cô dành tới 70 giờ/tuần cho sở thích sưu tầm phiếu khuyến mãi của mình. Tôi vốn hay nghi ngờ những người nói rằng họ làm việc 70 giờ/tuần, nhưng nếu như lời tuyên bố này có thật, thì trong 70 giờ cô ấy đã giảm được tổng số hóa đơn trị giá 1.175,33 đô-la xuống còn 51,67 đô-la sau khi bỏ ra 70 đô-la thuê người cắt phiếu khuyến mãi. Như vậy cô tiết kiệm được 1.053,66 đô-la. Nếu đó là thành quả của một tuần, thì tức là cô lãi được khoảng 15 đô-la mỗi giờ. Đó là một khoản thu nhập kha khá và nếu cô đánh giá cao thời gian truy tìm khuyến mãi của mình, thì tỷ lệ thu nhập theo giờ của cô sẽ còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, vì một hộ gia đình thường có hai người không có trẻ con sẽ chẳng khi nào mua lượng thực phẩm trị giá lên tới bốn con số trong một tuần, nên không rõ là cô “tiết kiệm” được bao nhiêu.

Ấy vậy mà tiết kiệm – theo định nghĩa là hành động cắt bớt chi tiêu – lại được nhiều người coi là một đức tính đáng ngợi ca và hễ ai muốn có thêm tiền, thì lời khuyên phổ biến dành cho người đó là: hãy nhìn vào các khoản chi tiêu, nhất là tiền mua đồ ăn và quần áo, hay những khoản xa xỉ nho nhỏ như thuê người là quần áo, từ đó tìm xem chỗ nào có thể cắt giảm được.

Nói cách khác, hãy phòng thủ.

Nhưng có một điều hiếm khi được đề cập tới, đó là còn một phương án khác: tấn công. Bạn cũng có thể cố gắng kiếm thêm tiền chứ.

Tôi biết tại sao đây không phải là lời khuyên của nhiều người. Mọi người biết cách cắt giảm các khoản chi tiêu như tiền thuê bao Netflix, hay cắt phiếu khuyến mãi, dù rằng có thể họ không làm triệt để tới mức như Ostrowski, Engels và nhiều người khác. Các doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt hại trong lối tư duy này. Khi nền kinh tế đi xuống, các doanh nghiệp thường thực hiện hàng loạt những cuộc cắt giảm chi phí, chia nhỏ ngân sách nghiên cứu, hay tệ hơn, sa thải nhân viên. Tìm cách kiếm thêm tiền trong khi, khác với chính phủ, bạn không thể đánh thuế ai cả, thì phức tạp hơn và động chạm vào một số những quan điểm ăn sâu bén rễ và sai lầm về tiền bạc. Nhưng ở chương này, tôi muốn nói rằng trong một hạn mức nào đó, thì việc thay đổi thu nhập của bạn là điều hoàn toàn khả thi. Nếu thực hiện đúng, nó sẽ thoải mái hơn nhiều so với việc bóp chẹt những sở thích nho nhỏ thường ngày – chẳng hạn như mua sữa của hãng sữa chua ưa thích, dù rằng bạn thậm chí còn không có phiếu khuyến mãi – và lợi ích của nó thì lớn hơn nhiều so với những gì mà người ta có thể tiết kiệm được ở cửa hàng. Đó là sự khác biệt giữa một phiếu giảm giá 50 xu và một đợt nâng thu nhập 5.000 đô-la. Tiết kiệm là một đức tính tốt, song định nghĩa của nó là “quản lý tiền thông minh”, vậy thì tại sao chúng ta không mở rộng khái niệm đó đối với việc kiếm thêm tiền để quản lý? Đặt mục tiêu kiếm thêm tiền có thể sẽ không giúp bạn có được tất cả tài sản trên thế gian, nhưng ít nhất nó cũng đưa bạn tới gần con số mà bạn mong muốn hơn là việc tự bóp hầu bóp họng mình.

NHIỀU TIỀN = NHIỀU HẠNH PHÚC?

Cuốn sách này hứa sẽ chia sẻ với bạn điều mà những người hạnh phúc nhất biết về việc kiếm tiền và tiêu tiền. Để hiểu logic phần còn lại của chương này, bạn phải thừa nhận rằng tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ với nhau. Đối với tôi, điều này là hợp logic. Bỏ qua những yếu tố về tình cảm và những phóng đại xung quanh nó, tiền không có gì khác hơn là một phương tiện giúp bạn có được những hàng hóa và dịch vụ mà bạn cho rằng nên có. Dĩ nhiên, càng có nhiều tiền, bạn càng có khả năng kiếm được những thứ đó. Không giống các nguồn lực khác, chẳng hạn như thời gian, lợi ích của tiền bạc là nhìn chung, bạn có thể gia tăng số lượng tiền mà bạn có. Người quyền lực nhất thế giới cũng chỉ có không quá 168 giờ mỗi tuần. Nhưng trừ khi bạn sống trong một nền kinh tế độc tài và tập trung, nơi bạn phải buộc chân bó cẳng vào tình trạng hiện tại, bạn có thể tìm cách gia tăng thu nhập của mình. Câu hỏi đặt ra là, điều đó sẽ mang lại tác động gì cho cuộc sống của bạn?

Thường thì nó sẽ mang lại những tác động hết sức tích cực. Năm 2010, nhà tâm lý học Daniel Kahneman và nhà kinh tế học Angus Deaton đã đăng tải kết quả nghiên cứu trên tờ tạp chí của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia Mỹ. Nghiên cứu này đánh giá sức khỏe cảm xúc (cảm xúc hàng ngày) và mức độ hài lòng trong cuộc sống nói chung (người ta cảm thấy cuộc sống của mình đang diễn ra như thế nào) dựa trên thu nhập. Khi nghiên cứu các dữ liệu điều tra của Gallup đối với hơn 450.000 người dân Mỹ, họ nhận thấy rằng “tác động của thu nhập đối với cuộc sống của các cá nhân cho thấy họ không hài lòng với cuộc sống, ít nhất là tới khi thu nhập vượt qua con số 120.000 đô-la.” Bài báo còn hiển thị các biểu đồ cho thấy mức độ hài lòng với cuộc sống tiếp tục tăng qua con số 160.000 đô-la thu nhập hộ gia đình và trên mức đó thì số mẫu lấy ngẫu nhiên của Gallup không nhận thêm dữ liệu.

Trạng thái cảm xúc hàng ngày lại khác hơn một chút. Như chúng ta có thể hình dung, thu nhập thấp không phải là công thức làm nên hạnh phúc. Theo hai tác giả này, thì “thiếu tiền mang lại cảm giác khổ sở và chán ghét cuộc sống” và thường thì nó cũng khiến người ta cảm thấy giận dữ hơn. Những điểm số đánh giá trên được thể hiện tốt hơn ở những người có thu nhập hộ gia đình vào khoảng 75.000 đô-la, rồi sau đó thăng bằng dần. “Thu nhập trên 75.000 đô-la ở nước Mỹ hiện nay… thu nhập cao không phải là con đường dẫn tới hạnh phúc, cũng không phải là con đường hóa giải bất hạnh hay căng thẳng, mặc dù thu nhập cao vẫn giúp người ta nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực hơn,” Kahneman và Deaton viết.

Tại sao lại cần phân tách những số đo khác nhau này? Hạnh phúc là điều phức tạp và trạng thái cảm xúc thường nhật chịu tác động từ nhiều yếu tố − chẳng hạn như tính cách bẩm sinh của một người và tình hình giao thông trên đường người đó đi làm. 75.000 đô-la có thể là cái mốc mà tại đó bạn có đủ tiền bạc để giải quyết những khó chịu nho nhỏ, hay hóa giải những rắc rối lớn có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc. Bữa tối nấu hỏng ư? Có hề gì, bạn sẽ gọi pizza. Một khoản đại tu xe bất ngờ không có nghĩa là bạn không thể trả món tiền vay thế chấp định kỳ. Có lẽ bạn cũng mua bảo hiểm y tế và bạn có sức khỏe tốt hơn những người ít tiền. Nhưng hơn thế nữa, nhiều tiền hơn – chí ít là tới cái mốc mà dữ liệu không với tới được – lại không giúp ích gì lắm cho bạn. Ít ra là tại nước Mỹ, thu nhập 100.000 đô-la hay 120.000 đô-la có nghĩa là bạn vẫn phải chen chúc trên xe lửa vào giờ cao điểm, chứ bạn không được đưa rước bằng máy bay trực thăng đỗ trên mái tòa văn phòng của bạn. Dù quan trọng, nhưng mức thu nhập 6 con số đối với đa số vẫn là chưa đủ để họ hoàn toàn không phải lo lắng về tình hình tài chính của mình, hay chỉ đi làm vì sở thích mà thôi. Áp lực công việc cũng có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc hàng ngày và chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng những người kiếm được 1 triệu đô-la mỗi năm cũng có thể chịu áp lực công việc như thường.

Tuy thế, 75.000 đô-la là con số cao hơn mức thu nhập hộ gia đình trung bình ở Mỹ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng nhiều người có thể cải thiện tâm trạng hàng ngày bằng cách tăng thu nhập và đại đa số chúng ta đều nghĩ rằng cuộc sống của mình, nhìn chung, sẽ tươi đẹp hơn khi mức thu nhập hộ gia đình tăng lên. Vì thế mà tôi có phần khó hiểu là tại sao chúng ta lại rỉ tai nhau rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc. Dĩ nhiên, có thể dễ dàng tìm thấy câu chuyện về những người giàu có nhưng sống khổ sở và nghĩ rằng cuộc sống của họ là bỏ đi, nhưng trong một thế giới lên tới 7 tỉ người thì chúng ta có thể tìm kiếm đủ thứ chuyện. Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, tôi nhận ra rằng chúng ta ủng hộ rất nhiều quan điểm về thu nhập xuất phát từ ý thức về đạo đức chứ không theo một logic cụ thể nào. Kinh Thánh nói rằng “tình yêu tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác” (1 Timothy 6:10), mà chúng ta ngày nay thường nói rút gọn là “tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác.”

Tuy nhiên, những quan điểm này cũng có vấn đề. Trước tiên, nếu được đề nghị tăng lương lên 10.000 đô-la, hẳn chẳng có mấy người lại từ chối vì sợ ảnh hưởng tới linh hồn cao thượng của mình. Mà ý nghĩa của sự giàu có là gì? Ngay cả người cao thượng nhất trong chúng ta hẳn cũng không quyết định chuyển tới một làng quê Ấn Độ và sống với thu nhập 1 đô-la/ngày. Nếu người giàu không thể lên thiên đường được thì tất cả chúng ta hẳn đều gặp rắc rối, bởi lẽ những cư dân hiện đại của thế giới phát triển đều thuộc nhóm những người giàu có nhất trong lịch sử loài người – họ có cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với những người từng đạt được sự xa hoa vĩ đại trong đế chế La Mã thời thánh Paul. Vì thế, tôi mong chúng ta hãy đọc đoạn Thánh kinh đó trong ngữ cảnh của nó. Thánh Paul viết tình yêu tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác là bởi “trên con đường tìm kiếm nó, nhiều người đã bỏ mất đức tin của mình và tự lấy gai nhọn đâm vào chính mình.” Như vậy tức là bản thân tiền bạc không phải là vấn đề − sai lầm nằm ở chỗ không đặt Chúa trước tiền bạc. Nhưng người nào kiếm được nhiều tiền không có nghĩa là anh ta tôn thờ tiền bạc và người nào kiếm được ít tiền không có nghĩa là anh ta sẽ được miễn nhiễm trước sự cám dỗ của nó. Những thứ khác cũng có thể trở thành vật được tôn sùng. Nợ nần có thể nhanh chóng trở thành ông chủ. Thiếu tiền tiết kiệm có thể buộc người ta phải mặc cả với đạo đức của mình để duy trì một công việc nào đó. Ngược lại, có tiền, bạn sẽ có phương tiện để hành động vì những ý định tốt đẹp. Người Samaritan nhân lành không chỉ dừng lại để giúp đỡ người đàn ông bị thương nằm ở vệ đường. Ông còn thuê phòng trọ, mua đồ ăn thức uống và chăm sóc cho đến khi người gặp nạn hồi phục.

Một quan điểm lầm lạc khác về tiền bạc là càng kiếm nhiều, ta càng tiêu nhiều, vì thế hãy kháng cự mọi nỗ lực tiến lên phía trước. Quan điểm này cũng có phần đúng. Chẳng hạn, người giàu chi nhiều tiền mua xe hơn. Cách đây vài năm, tạp chí Forbes nghiên cứu một số dữ liệu cho trang web của mình về tình hình thu nhập và tiêu dùng và họ nhận thấy rằng 20% hộ gia đình nghèo nhất nước Mỹ chi 14,7% trong số tổng các khoản chi tiêu cho việc đi lại, còn những người giàu nhất chi 17,4% − đây là con số cao hơn cả về tỷ lệ phần trăm và số tiền thực tế − và đây là hiện tượng mà tôi thấy thực khó hiểu. Nhưng nhìn chung, người ta không tiêu hết tất cả các khoản thu dư thừa đó. Một nghiên cứu của trang CareerBuilder.com thực hiện năm 2009 cho thấy khoảng 61% công nhân sống trong cảnh qua ngày đoạn tháng, trong khi chỉ có khoảng 30% những người có thu nhập trên 100.000 đô-la là có cùng hoàn cảnh sống đó. Dĩ nhiên, đó vẫn là một tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên, song vẫn ít hơn nhiều. Cục Dự trữ Liên bang cứ 3 năm lại thực hiện một điều tra nhằm theo dõi tình hình tài chính của người tiêu dùng tính theo tỷ lệ thu nhập. Cục này cho biết các gia đình có thu nhập càng cao thì tỷ lệ tiết kiệm càng lớn:

Phần trăm thu nhập (%)Phần trăm hộ gia đình có tiết kiệm (%)
40 – 6057,8
60 – 8066,8
80 – 9072,9
90+84,8

Do tiết kiệm và đầu tư các khoản nhỏ sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận tích lũy (tôi sẽ bàn đến vấn đề này trong chương tiếp theo nói về hưu trí), nên để tích lũy được lượng tài sản lớn, trước tiên bạn phải tiết kiệm và đầu tư những khoản lớn. Mặc dù, thật ngạc nhiên, một tỷ lệ lớn các gia đình có thu nhập cao không làm như vậy – chúng ta có thể suy nghĩ xem điều gì đang diễn ra với 15,2% các gia đình nằm trong top 10% thu nhập nhưng không tiết kiệm – nên việc họ tiết kiệm/đầu tư sẽ dễ dàng hơn so với những gia đình có thu nhập thấp hơn.

Đây là phép toán số học rõ ràng, nên cần đặt câu hỏi tại sao đa phần những công trình hướng dẫn hoạch định tài chính cá nhân lại coi việc tiết kiệm (phòng thủ), chứ không phải kiếm thêm (tấn công) là cách tiến lên tốt nhất. Tôi đồ rằng nguyên nhân là do phần lớn chúng ta tin – theo cách nói trong chương trình Triệu phú nhà bên – “đại bộ phận người dân không có khả năng gia tăng thu nhập một cách đáng kể.” Vì thế, lời khuyên về tài chính mà chúng ta thấy hợp lý nhất là chia nhỏ chiếc bánh cố định của mình, đầu tư một mẩu nhỏ trong đó với hy vọng rằng về lâu về dài mình sẽ tích lũy được chút lời lãi nào đó. Chúng ta cho rằng không có cách nào để làm cho chiếc bánh đó lớn hơn.

Nhưng điều này có đúng hay không? Xét theo nghĩa rộng và lâu dài, thì rõ ràng thu nhập hộ gia đình liên quan mật thiết tới sự lựa chọn, đặc biệt là đối với những người có trình độ học vấn.

Nghề nghiệp là biến thể quan trọng đầu tiên. Thông thường, các công việc đòi hỏi các kỹ năng giống nhau và số lượng năm học giống nhau lại mang lại mức thu nhập rất khác nhau. Nếu bạn lướt qua các báo cáo của Cục Thống kê Lao động về dự đoán lao động và thu nhập toàn quốc trong đó thống kê mức lương trung bình cho các công việc bạn sẽ thấy được điều đó.

Hãy lấy ví dụ là ngành kỹ sư. Ngành này được trả lương rất cao, nhưng một số lĩnh vực lại được trả lương cao hơn:

Lĩnh vực kỹ sưLương trung bình năm (đô-la)
Công nghiệp77.090
Cơ khí80.580
Dân sự81.180
Y sinh học82.550
Điện86.250
Hóa học91.670
Vũ trụ96.270
Xăng dầu119.960

Nếu quan sát các lĩnh vực thấp hơn trong ngành kỹ sư và kiến trúc, bạn cũng sẽ thấy những khác biệt. Họa viên cơ điện kiếm được 54.800 đô-la/năm. Họa viên cơ khí kiếm được 49.790 đô-la/năm. Một khoản chênh lệch khoảng 5.000 đô-la mỗi năm, hay 400 đô-la mỗi tháng, không phải là món tiền lớn nến bạn thích lĩnh vực này hơn lĩnh vực khác. Nhưng nếu bạn, với tư cách là sinh viên trong những chuyên ngành này, có quan điểm trung lập, thì 400 đô-la/tháng (ngay cả sau khi đã trừ thuế) vẫn nhiều hơn những gì mà người ta có thể tiết kiệm với các phiếu khuyến mãi.

Hoặc có lẽ bạn là một người có khiếu sáng tạo và yêu thích thiết kế. Ở ngành này cũng có nhiều sự khác biệt lớn:

Lĩnh vực thiết kếThu nhập trung bình năm (đô-la)
Hoa24.940
Đồ họa47.820
Triển lãm50.600
Nội thất51.990
Thời trang74.410

Các số liệu của Cục Thống kê Lao động mang lại một số ngạc nhiên quan niệm của mọi người về nấc thang xã hội. Nhiều nhà văn, biên tập viên tự nhủ rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trong nghề quan hệ công chúng, nhưng điều này đâu phải lúc nào cũng đúng. Các biên tập viên kiếm được 58.440 đô-la. Các chuyên viên quan hệ công chúng kiếm được 59.370 đô-la. Nhà văn, người viết sách kiếm được 64.560 đô-la – tuy nhiên, đây chỉ là con số trung bình và đằng sau nó là rất nhiều biến thể khác nhau, dẫu rằng tôi và John Grisham cùng làm một nghề như nhau. Trước đây, tôi cứ chắc mẩm rằng các trợ lý bác sĩ kiếm được nhiều hơn trợ lý nha khoa, nhưng trên thực tế trợ lý nha khoa lại kiếm được 34.000 đô-la, trong khi trợ lý bác sĩ chỉ kiếm được 29.450 đô-la. Thư ký luật sư kiếm được 42.940 đô-la, nhiều tiền hơn hẳn các thư ký bác sĩ kiếm được 31.450 đô-la. Giáo viên bổ túc kiếm được nhiều hơn giáo viên mầm non (50.390 đô-la so với 27.450 đô-la). Có lẽ nguyên nhân là do các giáo viên bổ túc phần nhiều là các giáo viên có chứng chỉ, làm việc trong các trường lớn, nhưng nếu bạn có chứng chỉ sư phạm và muốn chuyển sang dạy ngoài hệ thống phổ thông, thì bạn sẽ phải đối mặt với những hệ quả lớn về tài chính cho quyết định đó đấy.

Ngay cả trong những ngành nghề có mức lương thấp hơn, thì chuyên ngành hẹp cũng là điều quan trọng. Công nhân vận hành dụng cụ đốn gỗ kiếm được 32.870 đô-la, còn công nhân vận hành nông cụ kiếm được 25.220 đô-la. Thợ tỉa cây kiếm được nhiều hơn người lau dọn sàn nhà. Những nghề thu nhập cao cũng khác nhau ở lĩnh vực chuyên môn. Trong khi các nhà thiên văn học kiếm được 102.740 đô-la, thì các nhà khoa học khí quyển và không gian chỉ kiếm được 85.160 đô-la. Các nhà địa chất học (92.710 đô-la) kiếm được nhiều hơn các nhà thủy văn học (76.760 đô-la) và bác sĩ nội khoa (183.990 đô-la) kiếm được nhiều hơn các bác sĩ gia đình (168.550 đô-la).

Bây giờ, đồng ý rằng những thông tin trên có thể thú vị và hữu ích nếu bạn đang ở độ tuổi 20 và đang cân nhắc chuyện sự nghiệp cho mình. Nhưng nó sẽ ít hữu ích hơn nếu bạn đã gắn bó lâu dài với một lĩnh vực nào đó và việc thay đổi nghề nghiệp có thể sẽ khiến bạn gặp khó khăn hay đòi hỏi nhiều năm đào tạo trước khi lĩnh được quả ngọt của nó (VD: đi học y khoa vào độ tuổi 45). Nhưng nếu bạn đang muốn thay đổi nghề nghiệp và bạn có hai năm để thực hiện điều đó, thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều lựa chọn hấp dẫn. Tháng 2 năm 2011, Louise Tutelian viết một bài báo cho trang MoneyWatch.com của kênh CBS về các nghề nghiệp trả lương hậu hĩnh và đang thiếu nhân sự mà chỉ đòi hỏi thời gian đào tạo chưa đầy hai năm:

  • Chuyên gia phát triển ứng dụng trên điện thoại di động

  • Nhà quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu

  • Cố vấn tài chính

  • Giám đốc marketing trực tuyến

  • Chuyên gia phân tích tài chính cho ngành phát triển game

  • Quản lý bán hàng các dụng cụ y học

  • Nhà xạ trị

  • Quản lý phát triển kinh doanh lĩnh vực năng lượng mặt trời

Có một điều cần lưu ý là những danh sách như thế này luôn biến động. Vị trí quản lý cho các xưởng sản xuất roi ngựa có lẽ cũng đã có thời được chào đón nhiệt liệt. Thật vô nghĩa khi dấn thân làm một nghề bạn không thích chỉ để kiếm thêm tiền và tôi cũng không thể nói rằng mọi công việc trong danh sách trên của Tutelian đều hấp dẫn đối với mình. Nhưng nếu bạn không thích công việc hiện tại của mình, thì khả năng là bạn sẽ thích một công việc khác có mức lương cao hơn. Vậy tại sao không dành thời gian ngồi cắt phiếu khuyến mãi để suy nghĩ về câu hỏi đó – hay tham gia một khóa học nào đó?

Biến thể quan trọng thứ hai trong thu nhập hộ gia đình là số lượng thành viên trong hộ tham gia vào lực lượng lao động. 25% hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất có trung bình khoảng 2 thành viên có thu nhập, trong khi những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình có ít người lao động hơn. Nguyên nhân đôi khi là do không phải gia đình nào cũng có hai người lớn, hoặc một người phải chăm lo con cái hay theo đuổi những mục đích khác. Không tham gia lực lượng lao động rõ ràng là sẽ mang lại những hệ quả về mặt tài chính và những hệ quả này không chỉ kéo dài trong thời gian người đó ở nhà mà thôi. Nghiên cứu về hiện tượng nghỉ làm của nhà kinh tế học Sylvia Ann Hewlett cho thấy những phụ nữ nghỉ việc từ 3 năm trở lên khi quay lại làm việc chỉ có thu nhập bằng 63% so với những người ở lại.

Còn biến thể thứ ba? Những người lao động đó làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần? Rất nhiều nghiên cứu, trong đó có cả những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đã phát hiện ra rằng phần lớn các bà mẹ muốn làm công việc bán thời gian. Thường điều này là vì những nguyên nhân mà chúng ta cho là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi thì cho rằng, vì mỗi tuần có tới 168 giờ, nên làm việc 40 giờ/tuần có lẽ là cân bằng với tôi hơn là chỉ làm 20 giờ/tuần. Nhưng ngay cả khi sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc có những lợi ích, thì nó cũng có những mặt hạn chế về tài chính. Warren Farrell, tác giả cuốn sách Tại sao nam giới kiếm nhiều tiền hơn, khi nghiên cứu các dữ liệu thống kê tổng điều tra dân số phát hiện ra rằng những người làm việc 45 giờ mỗi tuần kiếm nhiều gấp đôi thu nhập của những người chỉ làm 34 giờ/tuần, dù rằng thời lượng làm việc của họ chỉ nhiều hơn khoảng 1/3. Khoảng cách này còn lớn hơn nếu ta xét đến con số 19 giờ/tuần – đây là số giờ làm việc trung bình của các bà mẹ làm việc bán thời gian theo điều tra về Sử dụng thời gian của người Mỹ. Việc chuyển từ công việc bán thời gian sang toàn thời gian có thể đem lại một sự khác biệt đáng kể cho thu nhập hộ gia đình – nó cũng không khác gì việc bạn nhận làm thêm giờ đâu – nếu công việc của bạn có thể làm thêm giờ.

Dĩ nhiên, khi nghe thấy tôi đề xuất tăng tổng thời lượng làm việc của mỗi hộ gia đình, hẳn mọi người sẽ lên tiếng than phiền rằng các khoản chi phí cho việc trông giữ trẻ sẽ ngốn hết tất cả những khoản thu nhập mà họ kiếm được thêm đó. Điều này có thể đúng – tuy rằng không nhất thiết lúc nào cũng phải như vậy, nhất là khi lũ trẻ lớn lên. Một số cặp vợ chồng giàu trí sáng tạo thậm chí đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để hạn chế chi phí trông giữ trẻ nhỏ trong khi cả hai vẫn làm việc toàn thời gian. Chẳng hạn, vợ chồng Joy Charde có hai con nhỏ, đứa lớn 2 tuổi, đứa thứ hai còn ít tuổi hơn. Chồng cô là lập trình viên máy tính cho chính quyền bang New York, anh làm việc từ 7 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Còn Joy là quản lý kinh doanh của thư viện gần nhà, chị làm việc từ 4 giờ chiều tới 8 giờ tối, cộng thêm 3 giờ làm việc tại nhà (ngoài ra chị còn viết blog tại trang CreativeMamma.com) khi ít nhất một trong hai đứa con ngủ. Bằng cách đó, cả hai đều có thể làm việc từ 35 – 40 giờ mỗi tuần mà không phải trả thêm tiền trông giữ trẻ ban ngày. Dĩ nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể làm như thế, nhưng trên thực tế thì đúng là không phải công việc nào cũng phải thực hiện trong giờ hành chính từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều!

Một yếu tố cuối cùng trong thu nhập hộ gia đình là mức độ chủ động trong việc tìm kiếm mức lương cao hơn, dù là trong cùng một vị trí công việc. Theo cuốn sách Phụ nữ không hỏi xuất bản năm 2003 của Linda Babcock và Sara Laschever, nam thanh niên có xu hướng thương lượng mức lương đầu tiên của mình cao gấp 4 lần so với phụ nữ trẻ, tức là tới khi cả hai đến tuổi 60, nam giới sẽ có thu nhập nhiều hơn nữ giới 500.000 đô-la. Thời gian bạn dành để suy nghĩ xem làm thế nào để tiết kiệm chi tiêu gia đình cũng có thể được dùng để luyện tập các kỹ năng thương lượng hay tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, qua đó buộc công ty hiện tại phải tăng mức lương cho bạn. Bạn cũng có thể dùng thời gian đó để trau dồi năng lực bản thân để chuẩn bị cho đợt thăng chức tiếp theo, vốn sẽ mang lại cho bạn mức thu nhập đủ cao để khiến bạn cảm thấy rằng việc bỏ ra 4 đô-la mua một tuýp kem đánh răng hai tháng một lần không phải là điều gì quá xa xỉ.

TƯ DUY 1099

Đó là chuyện lâu dài. Tuy vậy, ngay cả trước mắt, tôi vẫn cho rằng thu nhập có thể điều chỉnh được. Cái quan điểm cho rằng không thể thay đổi được thu nhập xuất phát từ cái mà tôi gọi là tư duy “W-2”. Không lâu sau khi năm mới đến, những người có thu nhập ổn định ở nước Mỹ đều nhận được một bản sao kê khá đẹp mắt, có chương mục rõ ràng thể hiện tổng số thu nhập của họ trong năm trước đó. Nếu bạn làm công ăn lương với một công ty, thì con số thu nhập này hầu như giữ nguyên từ lúc bạn và ông chủ của bạn thương lượng và sẽ không thay đổi trừ khi bạn thay đổi công việc hay được thăng chức – dĩ nhiên, những sự thay đổi này không phải lúc nào cũng xảy ra.

Nhưng một lượng đáng kể người lao động ở Mỹ là những đối tượng phải kê khai mẫu thuế “1099-R” – tức những người làm việc tự do, công nhân tạm thời, hay những người tự kinh doanh có thu nhập theo từng dự án – do đó mà thu nhập của họ thay đổi từ tháng này sang tháng khác. Nếu ít việc làm, thu nhập sẽ giảm xuống, nhưng khi công ăn việc làm nở rộ, thì một người có thể giắt lưng được một khoản kha khá trong một thời gian tương đối ngắn.

Vậy việc kiếm một phần – hoặc toàn phần – thu nhập của bạn theo cách này sẽ thay đổ suy nghĩ của bạn về những gì bạn làm ra. Khi bạn thấy khối lượng công việc mình làm có mối liên hệ khăng khít với mức thu nhập mình nhận về, thì bạn sẽ nhận ra rằng càng nỗ lực, bạn sẽ càng kiếm thêm được nhiều tiền.

Đây là một câu hỏi để bạn tự vấn mình: bạn có thể kiếm được 2.000 đô-la trong 30 ngày nữa được không? Đây là câu hỏi mà đôi khi các nhà kinh tế học đặt ra để tính toán xem có bao nhiêu gia đình bấp bênh về mặt tài chính. Một báo cáo xuất bản hồi tháng 5 năm 2011 của Ban Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho thấy chỉ có một nửa số người Mỹ có thể làm được điều đó. Người ta thường trích dẫn những số liệu đó để chứng minh tỷ lệ tiết kiệm thấp của người Mỹ, nhưng rút tiền tiết kiệm (hoặc bán tài sản hay đi vay nợ) không phải là cách duy nhất để đáp ứng một nhu cầu chi tiêu cao đột xuất. JP và Camille Noe Pagán sống ở Ann Arbor bang Michigan, biết rõ họ sẽ làm gì để bù được khoản 2.000 đô-la đó. Cả hai vợ chồng đều làm việc tự do trong lĩnh vực truyền thông. Việc không ai trong hai người có thu nhập ổn định trong khi phải nuôi hai con nhỏ nghe có vẻ mạo hiểm. Camille thú nhận: “ngay cả bây giờ vẫn có nhiều đêm tôi tỉnh giấc và cho rằng điều này thật điên rồ,” nhưng nó cũng có những ưu điểm, đặc biệt là những ưu điểm về mặt tài chính. Camille nói: “Chúng tôi lúc nào cũng có thể nỗ lực để kiếm thêm khách hàng hoặc thay đổi chiến lược của mình. Tôi vẫn kiếm được nhiều tiền hơn nhiều so với một công việc làm công ăn lương”. Cô và chồng có một số đầu việc ổn định và thông qua các nguồn thu nhập này, cả hai đặt mục tiêu kiếm được ít nhất 4.000 đô-la mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thường thì Camille kiếm được gần 5.000 – 6.000 đô-la mỗi tháng. Có một tháng, cô đặt mục tiêu kiếm được 10.000 đô-la và đạt được mục tiêu đó, tuy nhiên, điều đó đòi hỏi ở cô nhiều nỗ lực cũng như những đầu tư về mặt quan hệ. Cô đưa ra những ý tưởng mới và thông báo cho mọi biên tập viên mà mình biết rằng: “Tôi có thời gian rảnh”. Và bởi cô đã xây dựng mạng lưới biên tập viên này từ lâu trước đó, nên nhiều người đặt hàng cô.

Thu nhập 4.000 đô-la và 10.000 đô-la mỗi tháng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và một số gia đình sẽ cảm thấy khó mà lên kế hoạch chi tiêu, dù rằng thu nhập hộ gia đình của họ có thể ở đâu đó trong khoảng 48.000 đô-la (cả hai cùng kiếm được mức thu nhập tối thiểu), 72.000 đô-la (cả hai cùng kiếm được 3.000 đô-la mỗi tháng), 100.000 đô-la (một người kiếm được 3.000 đô-la/tháng, một người được 5.000 – 6.000 đô-la), 144.000 đô-la (cả hai kiếm được 6.000 đô-la một tháng), hay thậm chí là tiến gần ngưỡng 200.000 đô-la (nếu cả hai cùng đặt mục tiêu 10.000 đô-la mỗi tháng). Gia đình Pagán tiết kiệm khi tình hình thuận lợi; họ gửi ngân hàng 20% số thu nhập của mình và để ra 25% để trả tiền thuế. Họ giữ các khoản chi tiêu cơ bản ở mức thấp, vì thế họ có thể lấy tiền mặt để thanh toán các hóa đơn, ngay cả trong những tháng làm ăn khó khăn. Tuy họ không thể lập kế hoạch chi tiêu, nhưng bù lại, đầu óc họ hoàn toàn thảnh thơi vì họ biết khi cần, mình có thể kiếm thêm tiền bằng cách nào.

Chẳng hạn, khi tôi phỏng vấn Camille lần đầu vào cuối năm 2010, cô đang mang thai đứa con thứ hai. Gia đình họ đã mua bảo hiểm y tế, nhưng khoản tiền chi trả cho thời gian thai nghén lại không nhiều. Nếu đẻ thường, họ sẽ phải bù vào khoảng 4.000 đô-la – và họ đã tiết kiệm cho việc này. Tuy nhiên, nếu đó là một ca đẻ khó, thì họ có thể sẽ phải nhận tấm hóa đơn lên tới 20.000 đô-la. Chi trả cho khoản chi phí đó bằng tiền tiết kiệm có thể sẽ khiến họ không được an toàn về mặt tài chính, và cũng khó có thể bù lại khoản tiết kiệm đó chỉ bằng cách tìm phiếu khuyến mãi. Nhưng vì cả hai đều biết cách kiếm tiền khi cần, nên khi đó họ cảm thấy khá tự tin rằng họ có thể gây dựng lại khoản tiết kiệm đó trong vòng một vài tháng tới một năm nhờ nỗ lực hơn sau khi Camille quay trở lại làm việc (và thật may mắn, bé Xavier sinh ra khỏe mạnh và không gây tốn kém cho bố mẹ).

Chỉ một số ít các gia đình sống hoàn toàn bằng thu nhập không cố định, nhưng không còn hiếm hoi như xưa nữa. Và theo một nghiên cứu của công ty nghiên cứu Kelly Services vào năm 2009, 26% người lao động Mỹ cho biết họ là các lao động tự do – điều này cho thấy có vẻ như nhiều người trong chúng ta có một phần thu nhập khác ngoài nguồn lương chính thức. Truyền thống làm đêm đã ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa của chúng ta trong thời kỳ Đại Suy thoái. Ban đầu, “làm thêm” có nghĩa là tiếp tục tới làm ở một chỗ khác sau một ngày dài lao động ở nơi làm việc chính thức, nhưng giờ đây việc làm thêm này có thể linh động hơn, sáng tạo hơn, hoặc thú vị hơn và thậm chí có thể là cơ hội để bạn khám phá ngã rẽ sự nghiệp mới nếu thành công. Thực tế công nghệ và xã hội học ngày nay đang hội tụ lại và khiến những công việc làm thêm trở nên hiệu quả và thú vị hơn.

Chẳng hạn như sự phát triển của Etsy và các cổng bán đồ thủ công trực tuyến khác. Từ trước tới nay, những người có sở thích làm đồ thủ công vẫn hay mày mò đục đẽo các loại đồ chơi bằng gỗ hay may quần áo búp bê trong gara gia đình, nhưng thường thì đó cũng là điểm dừng cho những sáng tạo của họ, trừ khi người đó có máu kinh doanh thì anh ta sẽ hoặc mở một cửa hàng (cần phải có vốn) và bán hàng ở các chợ vào dịp Giáng sinh (vốn chỉ mở có mùa), hoặc – kể từ sau năm 1997 – mở một trang thương mại điện tử (vốn đòi hỏi kỹ năng IT, dù rằng eBay đã giúp việc kinh doanh điện tử trở nên dễ dàng hơn cho những người không có khiếu kỹ thuật). Tuy nhiên, ngày nay, những người có khiếu sáng tạo có thêm lựa chọn nữa là tải ảnh lên hệ thống cổng bán đồ thủ công và sử dụng công nghệ trên cổng đó để giao lưu kết nối với người mua hàng khắp nơi trên thế giới. Hóa ra đó lại là một thị trường rất khá. Doanh số của Etsy tăng từ 88 triệu đô-la năm 2008 lên 181 triệu đô-la năm 2009 và 314 triệu đô-la năm 2010. Trung bình một người bán không cần phải kiếm được nhiều; doanh số 31 triệu đô-la chia cho 400.000 người bán chỉ cho ra kết quả là 785 đô-la/người bán/năm; nhưng không có rào cản nào ngăn bạn tham gia cả. Những người có nhiều năng lực sáng tạo có thể làm được tốt hơn thế.

Dĩ nhiên, bán đồ thủ công trực tuyến không phải là cách làm thêm duy nhất hay lời lãi nhất. Một cách trực tiếp khác giúp bạn gia tăng thu nhập là nhận làm thêm bất cứ khâu việc nào mà bạn vẫn thường làm trong công việc chính thức. Nếu bạn là giáo viên, bạn có thể nhận làm gia sư sau giờ dạy hoặc vào cuối tuần, hay tham gia các lớp dạy trực tuyến vào ban đêm sau khi lũ trẻ đã đi ngủ. Nếu là biên tập viên, bạn có thể hiệu đính thư giới thiệu, sơ yếu lý lịch và các bài luận xin vào trường của các học sinh. Những người làm công nghệ có thể làm thêm các công việc liên quan đến trang web. Khi tôi còn là một thực tập sinh ở tờ tạp chí Nước Mỹ ngày nay, tôi đã bổ sung cho khoản thu nhập thực nhận 1.200 đô-la/tháng của mình bằng cách viết bài cho các báo, tạp chí và trang web khác. Ban đầu, tôi không kiếm được nhiều, nhưng nếu bạn giới hạn ngân sách của mình ở mức 1.200 đô-la, thì một khoản thu nhập thêm 500 – 1.000 đô-la mỗi tháng sẽ là cả một món hời lớn. Khi đó, tôi đã có thể gửi ngân hàng gần như toàn bộ số tiền kiếm thêm đó sau khi trừ thuế.

Nhiều công việc sáng tạo khác – tổ chức sự kiện, trang trí, thiết kế − cũng là những lựa chọn cho bạn. Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng không thể kiếm tiền bằng cách viết blog, nhưng trong năm vừa qua tôi đã học biết thêm về cơ chế vận hành của hình thức này và cũng thấy một số người kiếm được kha khá theo cách này (trong đó có cả tôi – tôi tham gia cộng tác với trang MoneyWatch của đài CBS). Điều thú vị là ở chỗ, một trong số những người thành công nhất trong việc gia tăng thu nhập qua trang web là những blogger viết về tài chính – trang web của họ thường có đầy những lời khuyên về việc làm thế nào để cắt giảm chi tiêu! Tôi thích cái nghịch lý ở đây, tuy rằng những blogger tốt nhất thường khá thẳng thắn về vấn đề này. Họ là những doanh nhân sắc sảo và trong một nền kinh tế khó khăn như hiện nay, thì các trang web thường nhanh chóng dẫn liên kết tới các địa chỉ có khuyến mãi và giảm giá.

Carrie Rocha, thành phố Minneapolis, là chủ nhân của blog Đem tiền bỏ túi. Ban đầu, cô lập blog và coi viết lách như công việc làm thêm trong khi vẫn chính thức giữ vai trò giám đốc điều hành chính cho một công ty (chồng cô đi học và chăm sóc hai con nhỏ). Cô viết blog sau 8 giờ tối và vào buổi sáng, rồi cô bắt đầu kiếm được chút ít từ đó. Nhưng với vai trò là trụ cột chính trong gia đình, cô thực sự vui mừng vì có blog đó khi cô bị sa thải vào đầu năm 2010. Giờ đây, cô đã có thể chuyên tâm cho dự án này và tới cuối năm đó, blog của cô cán mốc 230.000 lượt khách ghé thăm mỗi tháng với tổng thu nhập khoảng 4.000 – 8.000 đô-la mỗi tháng từ tiền quảng cáo và một khoản thu nhập tương đương từ các hoạt động liên kết. Cô cho biết: “Blog này nuôi sống cả gia đình tôi” – và đây là lý do cô dành nhiều thời gian để phát triển nó đến thế.

Tương tự, Kelly Whalen, chủ sở hữu blog The Centsible Life (tiêu tiền hợp lý), cho biết blog của cô đã giúp tăng thu nhập gia đình lên tới 50%. Từ lâu Whalen chỉ ở nhà chăm sóc 4 con nhỏ, nên kinh tế gia đình khá eo hẹp – chính vì thế mà blog của cô là nguồn thông tin phổ biến về các chủ đề như hỏi xin bỉm hơn là mua đồ chơi hay quần áo cho trẻ mới sinh. Nhưng giờ đây, khi cô đã có được nguồn thu nhập đáng kể, “chúng tôi không còn phải căng thẳng vì từng đồng nữa”, cô nói. Cô tranh thủ thời gian bằng cách hạn chế những hoạt động khác, chẳng hạn như xem tivi. Đứa con út của cô sắp đi lớp. Nhưng dù rảnh rỗi, cô đã học được một bài học rằng “ngay cả khi bạn có hai giờ nghỉ ngơi thì bạn cũng có thể làm được điều gì đó. Thêm được cái gì tốt cái đấy.”

Cả hai blogger này đều phải vừa làm vừa học trở thành doanh nhân và đây là kỹ năng không đến tự nhiên với hầu hết mọi người. Tôi cho rằng lý do khiến nhiều người tìm việc làm ngoài giờ hay chuyên tâm khởi dựng một doanh nghiệp đều vướng mắc ở các kế hoạch marketing nhiều cấp độ, hay ấn vào những quảng cáo trực tuyến với những tuyên bố xanh rờn như “Người mẹ kiếm được 9.000 đô-la một tháng trong khi làm việc bán thời gian tại nhà!” Với những cuộc phiêu lưu này, một người ít nhất đã làm được cái công việc cơ bản nhất là vạch ra một doanh nghiệp cho bạn, dù rằng các mô hình kinh doanh hầu như chỉ mang lại lợi nhuận thích đáng cho những người đi đầu.

Chúng ta cũng có thể có công việc phụ vào các thời gian khác, chẳng hạn như cho thuê nhà – có rất nhiều sách đã viết về chủ đề này. Elizabeth Simmerman và chồng đã tăng thu nhập (cả hai đều là chuyên gia tư vấn) với nguồn thu nhập từ ngôi nhà cho thuê ở Boston. Cả hai cùng thích điều đó. Nhưng Elizabeth cho biết, họ phải chi trước nhiều khoản và chẳng có gì là hay ho khi sau cả tuần làm việc, tới cuối tuần họ lại phải lọ mọ đi sửa trần nhà. Không phải ai cũng thích việc sửa chữa (hay thuê người sửa chữa) và cho thuê nhà cũng có nhiều rủi ro như bất kỳ ngành nghề nào khác – điều mà những người mua đất để đầu tư ở Las Vegas năm 2007 đã phát hiện ra.

Một số người do không biết cách tiếp thị bản thân nên chỉ tìm được những công việc có mức thù lao thấp, không đòi hỏi kỹ năng, chẳng hạn như trả lời các cuộc điều tra trực tuyến. Hãy tin tôi đi, thời gian của bạn giá trị hơn vài xu tiền công khi bạn nhấp chuột vào mấy ô đó nhiều.

Một phương án tốt hơn là tự rèn luyện cách tư duy của một doanh nhân. Nói rộng ra, bạn có thể làm điều này bằng cách hỏi mình ba câu:

Tôi có kỹ năng gì hay tôi có thể học kỹ năng nào mà tôi thích? Whalen nói: “Có rất nhiều kỹ năng sống cơ bản mà có thể bạn đã có sẵn”, chẳng hạn như chơi một nhạc cụ nào đó, nói tiếng nước ngoài, viết thư pháp, hiệu đính, viết đơn xin việc…

Tôi có thể kiếm tiền từ những kỹ năng nào trong đó? Nếu bạn có thể suy nghĩ sáng tạo, thì đừng mặc nhiên cho rằng không có thị trường nào cho các kỹ năng của mình. Ngay cả việc ngồi đọc báo hay xem tivi cũng có thể là một “kỹ năng”, nếu xét trong bối cảnh bạn nhận công việc trông nhà cho người khác vào ngày đi làm để thay họ nhận đồ bưu phẩm hay vào cuối tuần. Hãy lên một danh sách dài những công việc bạn có thể làm đi nhé.

Làm thế nào để gặp được những người sẵn sàng trả tiền cho tôi để làm những công việc đó? Trong ví dụ trên, bạn có thể làm hợp đồng với một công ty dịch vụ chăm sóc khách hàng để thế chân cho những nhân viên bị gọi đi làm đột xuất trong thời gian cần có ba thợ ống nước. Hãy hỏi và để ý xung quanh. Đó là những gì mà các doanh nhân thường làm và nếu bạn bắt đầu suy nghĩ theo lối này, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra được cách nào đó để kiếm thêm thu nhập, hoặc tìm kiếm việc nào đó mà bạn muốn thử làm chính thức.

LÀM SAO TÔI CÓ ĐỦ TIỀN?

Chắn chắn không phải ai cũng có thể điều chỉnh thu nhập và không phải ai cũng muốn làm như thế. Nhưng đôi khi, chỉ cần một hành động đơn giản là tư duy theo một hướng khác cũng có thể mang lại những tác động lớn. Hãy lấy chủ đề thời gian làm ví dụ. Khi cảm thấy quá mệt mỏi, thay vì nói: “Tôi không có thời gian”, bạn hãy nói: “Đó không phải là việc ưu tiên” và thử quan sát xem bạn cảm thấy như thế nào. Thường thì đây là lời giải thích hoàn toàn hợp lý cho việc bạn không muốn dành thời gian làm việc gì đó, chẳng hạn như lau rèm cửa. Những lời nói này nhắc cho chúng ta nhớ rằng thời gian là một lựa chọn.

Quan điểm tương tự cũng đúng với chuyện tiền nong. Thay vì nói “Tôi không đủ tiền mua nó” – với điều kiện “nó” ở đây là điều hợp lý – điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chuyển sang đặt cho mình câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để mua được nó?” Kelly Whalen, chủ nhân blog The Centsible Life, đã lên một danh sách gồm các trải nghiệm và tài sản mà cô mong muốn có trong đời của mình. Một mục tiêu trong đó là đưa gia đình – gồm cả 4 đứa con – tới Disney World. Có vô vàn cách thức khác nhau để làm điều này. Bạn có thể đặt mua vé máy bay hạng sang, ở trong những khách sạn xa hoa nhất và dùng bữa ở những nhà hàng đắt đỏ nhất. Nhưng điều cô chọn làm là nắm lấy một cơ hội: khi một người con trai của cô sắp tới đó tham gia một cuộc thi chế tạo robot, cô đã đưa cả gia đình đi theo. Họ tìm kiếm các cơ hội chi tiêu giá rẻ và đặt cọc trước tại một khách sạn. Cô xoay xở để mượn xe của một trong những khách hàng quảng cáo trên blog của mình (họ phải lái xe từ Philadelphia để vận chuyển robot). Họ cắt giảm các khoản chi tiêu khác và – dĩ nhiên – số tiền thu được từ blog của cô đã khiến cho chuyến đi đó trở nên khả thi hơn so với khi gia đình cô chỉ có một nguồn thu nhập.

Hãy nghiên cứu giá cả và tìm cách kiếm đủ số tiền để chi tiêu cho những khoản mà bạn muốn. Nếu bạn muốn nghỉ ngơi trong khoảng hai tháng trước khi tìm việc mới, hãy tính xem bạn cần có bao nhiêu tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian đó và bạn cần phải làm thêm bao nhiêu giờ, hay bạn phải nhận thêm công việc phụ để có được số tiền đó như thế nào. Nếu bạn có thể tìm ra cách trang trải cho những khoản chi phí đó, thì câu hỏi duy nhất còn lại mà bạn cần hỏi bản thân là liệu bạn có muốn chi tiền cho những khoản đó không.

Nhưng nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không đoái hoài tới câu hỏi thứ nhất và như vậy thì thực quá tệ hại. Khi bạn biết mình có thể kiếm thêm tiền thông qua một loạt các bước, chẳng hạn như gọi điện cho các khách hàng của mình để báo rằng mình sẽ dành cho họ mức giá ưu đãi, thì bạn không nhất thiết phải cân nhắc chuyện cắt giảm chi tiêu làm đầu. Bạn có thể nhận thấy với cùng một thời gian, thì việc bạn đầu tư thời gian đó có giúp bạn kiếm thêm tiền nhiều hơn so với việc tiết kiệm hay không.

Đó là cả một quan niệm mang tính cách mạng. Phần lớn các cuốn sách và các chuyên gia về tài chính đều sẽ nói điều ngược lại, rằng bạn nên chắt bóp từng xu và giảm tới mức tối thiểu từng khoản xa xỉ nho nhỏ mới có thể cáng đáng được những khoản lớn trong cuộc sống – một căn nhà, một tuổi già êm đềm, hay một gia đình. Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ khuyên các bạn rằng thực ra chúng ta cũng nên hài lòng với việc chi tiêu ít hơn cho những khoản lớn – điều đó sẽ cho chúng ta có cơ hội thực hiện những việc nhỏ bé nhưng mang lại niềm vui cho mình. Cuốn sách này nói về cách mua hạnh phúc. Latté là món khoái khẩu nho nhỏ đầu tiên mà người ta định gạt ra khỏi ngân sách khi họ cần thêm tiền. Bạn có thể thử tự pha cà phê tại nhà, nhưng bản thân tôi cũng đang sở hữu một chiếc máy pha cà phê mà người ta nói rằng nó có thể khiến sữa nổi bọt và tôi xin khẳng định rằng cà phê tự pha không giống với cà phê đi mua. Thiếu cà phê có thể sẽ làm bạn bứt rứt khó chịu cả ngày và đồng nghiệp cũng như gia đình bạn hẳn sẽ lấy làm vui mừng nếu bạn chịu bỏ ra vài đồng để bớt cau có. Tương tự, thỉnh thoảng khi bước chân vào cửa hàng, bạn cũng nên tặc lưỡi mua bất kỳ món nào mình thích ăn, chẳng hạn như càng cua hoàng đế chẳng hạn, dù là khi đó cửa hàng đang có đợt giảm giá hay không. Chúng vẫn còn rẻ chán so với việc đi ăn hàng! Mà việc bỏ tiền ra đi ăn hàng cũng đâu có gì sai, chưa kể đó còn là giải pháp lý tưởng khi bạn tổ chức sinh nhật hay muốn đãi bạn bè từ xa đến. Thậm chí, bữa ăn trưa văn phòng cũng là một cách giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tại nơi làm việc – về lý thuyết, mang cơm nhà đi ăn cũng ổn, đặc biệt là khi sếp bạn cũng có thói quen này, nhưng trên thực tế, nhiều khi cũng khó mà gây dựng mối quan hệ theo cách này. Có thể dễ dàng cắt giảm các chi phí ăn uống và giải trí, nhưng chính những lúc chúng ta ngồi ăn, tham gia vào các hoạt động giải trí và giao lưu kết bạn mới là những khoảnh khắc thú vị nhất.

Đó là cái khó đối với những người có tư tưởng tằn tiện, bởi thực ra việc cắt giảm hạn mức chi tiêu cho những khoản xa xỉ nhỏ nhặt này không những gây khó chịu, mà nó còn chẳng để dư ra cho bạn nhiều tiền như bạn tưởng – nhất là so với những nỗi khó chịu mà bạn đang tự rước vào thân. Trung bình một gia đình chi 7,6% ngân sách cho thực phẩm tiêu thụ tại nhà và 5,3% cho thực phẩm ăn bên ngoài. Như vậy, cho dù bạn có gạch bỏ hết các khoản ăn ngoài và cắt đi một nửa ngân sách cho đồ ăn thức uống, thì bạn cũng chỉ bỏ ra được cùng lắm là 9,1% trong số thu nhập, tức là chỉ hơn 4.500 đô-la trong số 50.000 đô-la thu nhập. Và vì các hộ gia đình có thu nhập cao hơn sẽ có tỷ lệ chi tiêu cho đồ ăn ít hơn so với các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nên họ lại còn tiết kiệm được ít hơn nữa (khoảng 7.000 đô-la trong tổng số thu nhập 100.000 đô-la). Dĩ nhiên, đây là con số không hề nhỏ và với những ai vốn đã chi tiêu nhiều vì chỉ quen ăn hàng thì con số họ tiết kiệm được còn lớn hơn. Tuy vậy, nếu chỉ chăm chăm cắt giảm những khoản chi tiêu này thì bạn vẫn phải mất hàng năm tích góp mới có đủ tiền để trả khoản tiền mua nhà trả góp hay để gây dựng một quỹ “tích cốc phòng cơ” cho hẳn hoi. Và điều quan trọng nhất là, trong suốt chừng ấy năm bóp bụng bóp dạ, bạn sẽ phải sống trong tâm trạng bứt rứt không yên vì hầu như bạn chỉ tồn tại – chứ không phải sống – nhờ cơm và các loại rau đậu củ quả chứ không hề được bước chân ra ngoài để ăn hàng.

Đây là một bức tranh thu nhỏ thể hiện cho một sự thật lớn hơn về kinh tế. Trong suốt những năm qua, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những câu chuyện về việc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. Người ta đã phải giở các hợp đồng tuyển dụng ra để thương lượng đi thương lượng lại cho tới khi cổ chày vắt cũng chẳng ra giọt nước nào nữa mới thôi. Một số nơi còn dẹp cả khu tự làm salad hỗn hợp trong căng-tin dành cho nhân viên. Nhưng thực ra, khi doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thì việc loại bỏ khu tự làm salad hỗn hợp cũng không giúp ích được gì nhiều mà còn khiến nhân viên của họ khổ sở hơn. Giải pháp nào tốt hơn ư? Hãy noi gương các doanh nghiệp có năng lực quản lý tốt: đầu tư vào những gì sẽ giúp bạn tăng trưởng doanh thu trong tương lai.

Theo Dave Lassman, phó giám đốc bộ phận hoạt động của Leed’s, một công ty tại Pittsburgh chuyên sản xuất các vật phẩm khuyến mãi (như các vật phẩm tặng miễn phí tại các hội nghị), thì đây chính là cách làm của công ty anh trong đợt suy thoái kinh tế gần đây. Anh cho biết: “Chúng tôi nhìn vào thị trường, vào các đối thủ và nhận thấy rằng mình có cơ hội chiếm lĩnh một chút thị phần”. Và thế là họ bắt tay vào tuyển dụng nhân sự cho bộ phận phát triển sản phẩm trong khi các công ty khác đều đồng loạt sa thải nhân viên. Kết quả là, khi nền kinh tế khởi sắc, doanh số bán hàng của họ “cao hơn mục tiêu đề ra và hơn con số trung bình toàn ngành.”

Bạn có thể làm được như thế chứ? Việc tăng mức thu nhập thêm 12% có khó khăn lắm không? Số tiền thêm này, nếu trừ đi thuế thu nhập, sẽ tương đương với mức 9,1% mà bạn có thể tiết kiệm được từ các phiếu khuyến mãi hay từ chế độ ăn uống tằn tiện. Nếu bạn yêu thích công việc của mình và có cơ hội làm thêm, hoặc bạn tìm được một công việc làm ngoài mà bạn thấy hứng thú, thì nó sẽ thú vị hơn nhiều so với việc chúi đầu vào lục tìm các phiếu khuyến mãi. Nếu có thể tăng thu nhập lên hơn 12%, thì khi đó bạn đã có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá cho các mục tiêu lâu dài mà không cần phải hy sinh những sở thích nho nhỏ hàng ngày. Tiết kiệm là một việc làm khó khăn khi nó đòi hỏi bạn phải hạ thấp mức sống hiện thời, thắt lưng buộc bụng hàng ngày. Nhưng nếu kiếm thêm được chút nào đó thì sự việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Có thể cả việc tiết kiệm và kiếm thêm tiền đều khó khả thi, nhưng dẫu sao cũng đáng để bạn suy ngẫm.

Chính bản thân tôi cũng từng phải rất chật vật mới suy nghĩ được theo lối này. Tôi cũng lớn lên trong một gia đình có truyền thống tích cóp phiếu khuyến mãi, chỉ có điều chúng tôi không quá nghiện tích trữ đồ, cắt phiếu khuyến mãi, hay các đợt khuyến mãi mua nhiều. Chúng tôi có những mục đích khiêm tốn hơn. Tuy vậy, tôi vẫn coi siêu thị là nơi mình nên tiết kiệm và tiết kiệm tiền khi đi mua sắm là điều mà tôi − một người chặt chẽ về kinh tế − nên làm. Tôi vẫn giữ cái lối suy nghĩ ấy, dù khi đã nhận ra những đêm tôi thèm gọi pizza là những đêm trong nhà tôi chẳng có món nào khoái khẩu. Mà để mua được một chiếc pizza giá rẻ thì phải tích cóp cả đống phiếu khuyến mãi.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tôi đã cố gắng thay đổi tư duy tiết kiệm của mình bằng cách đầu tư tiếp cận với những lớp độc giả mới, dù chưa quen thuộc nhưng họ sẽ trân trọng những lời tư vấn của tôi. Cứ khi nào nhìn thấy một phiếu khuyến mãi giảm 1 đô-la cho mỗi ly nước quả kèm theo tờ Tạp chí Phố Wall (một sự kết hợp kỳ quặc) trên trang chuyên đăng khuyến mãi SmartSource, tôi lại gửi email cho người biên tập viên. Không phải lần nào tôi cũng thành công, nhưng thường thì cũng có kết quả.

Dĩ nhiên, điều này khơi lên một câu hỏi: nếu tôi biết mình có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc nỗ lực hơn – dù là số tiền đó không nhiều – thì tại sao tôi lại không làm? Câu hỏi này chạm đến một vấn đề rộng hơn, đó là thu nhập là một sự lựa chọn, tức là liên quan tới phần thứ hai của câu hỏi “tôi có thể mua nó bằng cách nào?”; tôi có muốn có nó hay không? Người bình thường có thể kiếm được 200.000 đô-la/năm nếu họ tiết kiệm, nhưng thường thì họ sẽ không hướng tới điều đó bởi luôn tồn tại những ưu tiên mâu thuẫn với nhau.

Và một trong những ưu tiên đó là một đời sống thoải mái hơn. Tôi thấy làm việc thì thú vị và thoải mái hơn là xem tivi, nhưng có lẽ tôi lại nằm trong nhóm thiểu số. Linda Formichelli, chủ nhân blog The Renegade Writer, cho tôi biết rằng trong những năm qua, số tiền chi tiêu của cô ngày càng tăng, nhưng sau đó cô tự nhắc nhở mình rằng: “Bây giờ thì mình phải kiếm thêm tiền để trang trải cho những khoản đó!” Cô còn bổ sung các khoản chi tiêu nữa như tiền học thêm kỹ năng, tiền thuê một văn phòng theo giờ và truyền hình cáp (“chỉ để xem chương trình Project Runway thôi, nhưng chẳng lẽ tôi không xứng đáng được xem tivi sau khi đã làm việc vất vả như vậy sao?”). Và quả thực, cô ấy đã kiếm được số tiền để bù vào những khoản chi tiêu đó mà không phải làm thêm quá nhiều. Cô đã xuất bản những cuốn sách điện tử, các khóa đào tạo, các ý tưởng bài viết mới, các hoạt động hướng dẫn khách hàng, v.v…

Vấn đề nằm ở chỗ, cô ấy không mấy hứng thú với cuộc sống bận rộn. Cô kể: “Một hôm, tôi bị căng thẳng tới mức đau dạ dày và không thể đứng dậy khỏi ghế được. Ngày hôm đó tôi có hẹn với chuyên gia tư vấn đời sống và chị ấy nói rằng mỗi lần chúng tôi gặp nhau, tôi lại yêu cầu chị ấy giúp tìm thêm những thử thách mới, những dự án mới, những cách thức mới để kiếm thêm tiền. Nhưng chị ấy thấy tôi đang bị căng thẳng và hỏi liệu tôi có nghĩ tới việc cắt giảm chi tiêu đi không?” Và Linda đã làm thế.

Mặc dù thu nhập có mối tương quan với hạnh phúc, song thu nhập nhiều hơn không có nghĩa là con người sẽ hạnh phúc hơn. Có những điều đem lại cho chúng ta niềm vui hơn so với những việc khác và đôi khi công việc là một sự đầu tư. Chúng ta lựa chọn công việc yêu thích tuy lương thấp và mang lại ích lợi cho chúng ta – dù rằng đó chỉ là lợi ích về mặt tinh thần nhưng khiến chúng ta vui vẻ – thay vì một công việc lương cao. Đó là lý do tại sao trong suốt 3 năm qua tôi không hề viết thuê cho ai cuốn sách nào cả.

Jaime Tardy và gia đình cô cũng đưa ra quyết định tương tự. Tôi quen Jaime vì cô ấy viết một blog có tên Eventual Millionaire, trong đó mỗi tuần cô đăng tải một bài phỏng vấn các nhà triệu phú và cô kể về cách gia đình cô thanh toán được khoản nợ 70.000 đô-la trong một thời gian ngắn. Nhưng điều khiến tôi thấy thú vị là cả hai vợ chồng cô cùng chủ động cắt giảm nửa số ngân sách gia đình để mưu cầu hạnh phúc.

Trước đó, Jaime làm việc cho doanh nghiệp và kiếm được khoảng 100.000 đô-la mỗi năm, nhưng cô thường xuyên phải đi lại. Chồng cô là một diễn viên xiếc. Thu nhập của anh vào khoảng 40.000 đô-la/năm và anh cũng phải di chuyển rất nhiều. Do thu nhập của Jaime chiếm hơn 2/3 tổng mức thu nhập của cả gia đình, nên khi họ có con và không muốn phải xoay trần với đủ thứ công việc của một gia đình có cả hai bố mẹ đều di chuyển liên tục, thì giải pháp hiển nhiên là chồng cô sẽ làm việc ít hơn và chỉ đi biểu diễn ở gần nhà. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ Jaime không thích công việc của cô, mà chồng cô thì lại đam mê nghiệp diễn. Nếu cô ấy phải làm việc nhiều hơn, còn chồng hạn chế biểu diễn, thì cả hai sẽ đều trở nên khổ sở.

Vì vậy họ đi đến một giải pháp khác. Chồng cô sẽ nỗ lực phát triển sự nghiệp để tăng tiền cát-xê và tìm kiếm các địa điểm biểu diễn mới, còn cô sẽ mở một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp. Thu nhập của Jaime giảm xuống rõ rệt, nhưng cô cũng hạn chế bớt giờ làm việc dù rằng bất cứ lúc nào cần thiết, cô đều có thể tăng giờ làm. Hiện nay, cô không tăng giờ làm, bởi vì gia đình cô giờ đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu chi tiêu và họ cũng đã chuyển tới sống ở một ngôi nhà rẻ hơn. Nhưng biết đâu trong tương lai họ lại sẽ quyết định điều chỉnh thu nhập một lần nữa. Jaime nói: “Tôi biết là chúng tôi có thể kiếm được 140.000 đô-la mỗi năm, nhưng lần này tôi sẽ tự mình kiếm số tiền đó”, theo cách cô muốn và làm những gì mà cô thích. Vì họ đều yêu thích công việc của mình, nên cả hai đều cảm thấy khá hài lòng – và sự hài lòng – cho dù thu nhập của bạn ra sao − cũng là điểm chính của cuốn sách này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.