Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 4 Ai ơi chớ học làm sang



 Những năm đầu thế kỷ XX, nghệ sĩ hoạt họa Arthur R. Momand thực hiện một cuộc điều tra những người hàng xóm cùng sinh sống quanh khu vực Long Island với mình và anh phát hiện ra một điều. Dường như nhiều người đang sống theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, họ tìm mọi cách để có được những thứ mà người khác đang có và lao vào vòng xoáy chi tiêu bất tận đang diễn ra, bởi thời gian này, người Mỹ bắt đầu tiếp nhận quan điểm rằng nhà riêng, ô tô riêng và các sản phẩm tiêu dùng khác đều là những thứ cần thiết. Khi gần 30 tuổi, Momand cho ra đời một loạt tranh hoạt hình để đả kích trào lưu này. Loạt tranh này đã có mặt trên hàng loạt tờ báo khắp nước Mỹ trong suốt vài thập kỷ; độc giả Mỹ say sưa theo dõi những câu chuyện diễn ra trong nội bộ gia đình McGinnis và những người hàng xóm vô hình nhưng thường xuyên được nhắc tới. Đó chính là họa phẩm Đua theo nhà Jones.

Và cụm từ này ăn nhập hoàn toàn với thế giới hiện đại, nơi mà chúng ta vẫn tìm cách đua đòi để trở nên nổi tiếng hay giàu có như người khác. Về chuyện này, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, nhưng khi bạn nhìn vào những người giàu sang đua đòi, bạn sẽ thấy rằng họ không sống trong những ngôi nhà một tầng giản dị hay đạp xe đi làm. Họ sống trong những ngôi nhà hoành tráng với thảm cỏ được cắt xén mượt mà, xung quanh là hàng rào làm bằng sắt rèn. Họ có lối đi riêng cho xe chạy vắt qua trước cửa nhà để có thể phô trương chiếc xe hơi đắt tiền bóng nhoáng – mà giá trị chiếc xe này một phần giúp thể hiện vị thế chủ nhân của chúng. Như chúng ta đã thấy ở phần giới thiệu, trong mục nói về những thí nghiệm với các thiết kế có logo thương hiệu, bản chất con người là tìm kiếm và khuất phục trước địa vị. Điều này đặc biệt đúng khi nói về những thứ vật chất có thể nhìn ngắm được. Ai mà biết được là cuộc hôn nhân của bạn hạnh phúc hơn người khác không cơ chứ? Ai mà biết được bữa ăn nấu vội với bạn bè của bạn còn hay ho thú vị hơn nhiều buổi dã ngoại của người khác cơ chứ? Những thứ này không dễ đem ra so sánh, nhưng rõ ràng bằng mắt thường, chúng ta có thể thấy ngôi nhà này to hơn ngôi nhà kia, chiếc xe kia đắt tiền hơn chiếc xe nọ và cái màn hình phẳng nọ thì lớn hơn và độ phân giải cao hơn màn hình khác. Chúng ta có xu hướng chi tiêu cho những thứ dễ hiển lộ hơn là những gì không giúp thể hiện vị thế của bản thân. Bản chất của con người là chi tiêu có chủ ý.

Trong năm 2009, một gia đình người Mỹ trung bình đã bỏ ra trên 50% trong tổng số các khoản chi tiêu (trị giá 49.067 đô-la) vào vấn đề nhà cửa và đi lại (tức chiếm 39% trong 62.875 đô-la tiền thu nhập trước thuế của cả hộ gia đình). Dĩ nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng những gia đình có mức thu nhập thấp sẽ phải dành một tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập để có thể trang trải tiền thuê nhà và mua vé xe buýt. Nhưng cái thú vị là ở chỗ, theo số liệu của Forbes năm 2006, trong khi 20% những gia đình nghèo nhất dành 52,6% chi tiêu cho việc thuê nhà và đi lại, thì 20% những gia đình giàu nhất lại dành đến 47,8%. Tất cả đều dao động quanh mốc 50%.

Chắc chắn, những người ở top 20% giàu có sẽ trả tiền thuế nhiều hơn và họ tiết kiệm được cũng nhiều hơn, vì thế tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập của họ thấp hơn so với những người ở top 20% nghèo khó (theo số liệu của Forbes, những người ở top giàu kiếm được 132.158 đô-la và tiêu 83.710 đô-la; còn những người ở top nghèo kiếm được 9.156 đô-la và tiêu 17.837 đô-la – một kỳ tích được thực hiện nhờ những khoản phúc lợi xã hội như quỹ An sinh xã hội). Tuy vậy, tôi vẫn thấy khó hiểu là tại sao chúng ta lại dành 50% ngân sách chi tiêu của mình – bất kể thu nhập của chúng ta là bao nhiêu − cho chuyện nhà cửa và đi lại. 50% ngân sách tức là khoảng 9.000 đô-la đối với người nghèo và 40.000 đô-la đối với người giàu. Một điểm kỳ lạ nữa là ngoài nhà cửa và xe cộ, những người thuộc tầng lớp giàu có lẽ cũng có thể đầu tư vào vô vàn thứ khác nữa, chẳng hạn như giáo dục, nghệ thuật, từ thiện, du lịch, spa.

Thế nhưng bằng cách nào đó, con số 50% vẫn hợp lý với mọi người. Song ở đây, bạn nên tự đặt cho mình câu hỏi: nếu bạn thuộc top giàu có, tức là cuộc sống của bạn được linh động hơn, thì cuộc đời bạn sẽ thay đổi ra sao nếu bạn dành 40% ngân sách cho nhà cửa, xe cộ, còn 10% dôi dư bạn dành cho việc khác? Giả sử bạn đã tiết kiệm được một khoản kha khá. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ bỏ ra 30% ngân sách cho hai khoản mục trên và 20% cho việc khác? Quyết định đó sẽ mang lại cho bạn những sự lựa chọn nào?

Có nhiều lý do để các gia đình chi tiêu theo cách như hiện nay, nhưng khi nhìn vào giao điểm giữa tiền bạc và hạnh phúc, thì tôi vẫn cho rằng chúng ta nên suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa mình với nhà cửa, xe cộ. Lý do đơn giản nhất, đây là những khoản chi tiêu lớn nhất của chúng ta. Nhiều cuốn sách và các chương trình truyền hình hướng dẫn cách sống tiết kiệm luôn tập trung vào đồ ăn, hoạt động giải trí và quần áo, bởi chúng được coi là các khoản chi phí có thể thay đổi dễ dàng. Đúng vậy, song vấn đề ở đây – như đã nói ở các chương trước – là những khoản này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong ngân sách của chúng ta và không đáng bị hy sinh. Trong khi đó, việc hạn chế chi tiêu vào chuyện nhà cửa, đi lại lại có thể mang đến những thay đổi quan trọng trong cuộc sống.

Tôi chợt nhớ lại điều này, khi phỏng vấn Kristen Hagopian, một bà mẹ có hai con nhỏ sống ở Pennsylvania và là tác giả của cuốn sách Sống tiết kiệm thông minh. Sau khi chị bỏ việc để ở nhà trông con, thu nhập hàng năm của gia đình chị từ mức 100.000 đô-la giảm xuống còn 50.000 đô-la, nhưng gia đình chị đã thích nghi được. Và chính vì vậy, chị là tâm điểm chú ý của giới truyền thông, họ thường thực hiện những chương trình xoay quanh các chuyến đi săn hàng khuyến mại của chị. Lúc thì chị mua được cốc cà phê Starbucks với giá chỉ 4 đô-la, túi bánh bột ngô 35 xen, hộp ngũ cốc Cheerios 1,75 đô-la, hay hộp chocolate hiệu Ghirardelli chỉ với một bài hát. Hagopian mua hàng tân trang ở chuỗi cửa hàng Goodwill và mua những chiếc túi cũ hiệu Louis Vuitton – tuy gọi là “cũ”, nhưng thường cái nào cũng còn nguyên cả nhãn mác – với giá rất rẻ. Nhưng một gia đình không thể từ mức thu nhập 100.000 đô-la mà thích nghi ngay với mức 50.000 đô-la chỉ bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu vốn chỉ chiếm 5% (đối với quần áo) và 10 – 15% (đối với thực phẩm) trong ngân sách chi tiêu. Vì thế tôi hỏi chị về vấn đề nhà cửa và đi lại. Chị sững người và nói, từ trước tới giờ chưa ai hỏi chị về điều đó cả. Hóa ra gia đình chị sở hữu một chiếc Lincoln Town Car đời 2000 và một chiếc Dodge Spirit đời 1992 – cả hai chiếc xe đều được bảo dưỡng cẩn thận. Họ − thật thông thái – mua một căn nhà phù hợp với mức thu nhập 50.000 đô-la thay vì 100.000 đô-la, mức thu nhập của họ khi mua căn nhà đó. Nói cách khác, đồ ăn thức uống và những chiếc túi hàng hiệu cũ không có liên quan gì. Gia đình Hagopian có thể cắt giảm một nửa thu nhập bởi họ không phải nộp tiền trả góp mua ô tô và họ có căn nhà rẻ hơn tới 50% so với những gì mà đại lý môi giới nhà đất đề xuất với những gia đình có mức thu nhập 100.000 đô-la.

Dĩ nhiên, không thể một sớm một chiều mà thay đổi được các khoản chi tiêu cho nhà cửa và xe cộ và để bán được một căn nhà thì chi phí giao dịch phát sinh cũng không phải là nhỏ. Nhưng nếu bạn thực lòng muốn để dành tiền cho những thứ mang lại niềm vui cho mình, hoặc bạn thực sự đang cần cắt giảm chi tiêu, vậy thì tại sao lại không nhìn xem những khoản chi phí khổng lồ đó đang làm gì với cuộc đời bạn? Có thể chúng là những mục tiêu đáng giá. Nhiều người coi nhà cửa là tài sản, nên đã dành một phần lớn thu nhập để mua nhà là một hành động hợp lý. Nhưng biết đâu chúng lại không phải là những mục tiêu đáng giá như thế. Mấy năm trở lại đây, chúng ta đều đã nghiệm ra được rằng không phải càng có trong tay nhiều nhà cửa đất đai thì càng tốt, cho dù bạn phải gồng mình ra để mua chúng. Dẫu vậy, vẫn thật ngốc nghếch khi bàn về vấn đề tài chính cá nhân mà lại không nhắc đến việc bạn sống ở đâu và bạn đi xe gì. Nhưng xét về vấn đề hạnh phúc trong cuộc sống, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những khoản mua sắm lớn và không thường xuyên (như mua nhà, xe) không đóng góp nhiều cho hạnh phúc của chúng ta, trong khi đó nếu giảm bớt tỷ trọng của chúng trong ngân sách chi tiêu, chúng ta có thêm tiền dành cho những gì thực sự mang lại niềm vui sống. Nhiều người cũng đã khám phá ra sự thật này và thay vì gồng mình lên để “bằng chị bằng em” hay chịu để những con người sống cuộc sống xa hoa đó chi phối cuộc sống của mình, thì họ nay đã có thể cười thẳng vào cái lối sống ấy.

GIẤC MƠ MỸ

Khi tôi mới bắt tay vào viết cuốn sách này, những vấn đề xung quanh việc chúng ta chi bao nhiêu cho nhà cửa, xe cộ và những chiếc sân nhà hoành tráng phần lớn đều có vẻ hàn lâm đối với tôi. Nhưng rồi, trong quá trình lên bản thảo, tôi, từ một cư dân sinh sống trong một khu chung cư ở New York, di chuyển bằng tàu điện ngầm, trở thành người sở hữu một ngôi nhà rộng rãi có sân ở khu ngoại ô, sở hữu một món tài sản mua bằng hình thức trả góp và lái xe riêng. Và thế là, trong khi ngồi fax những mẫu thỏa thuận có chữ ký của tôi cho công ty bán hàng trả góp, hay sau này, khi lái xe chạy vòng quanh nơi ở mới mộc mạc của mình tại Pennsylvania, tôi cứ miên man suy nghĩ mãi về việc tại sao chúng ta lại đưa ra những quyết định liên quan đến tài chính như hiện nay.

Thực ra, quyết định mua nhà ở vùng ngoại ô đã được chúng tôi suy nghĩ từ khá lâu. Giống như nhiều cặp vợ chồng đô thị đang trong độ tuổi nuôi con, vợ chồng tôi từ lâu cũng đã trở nên mệt mỏi với những thách thức ở New York. Tại chung cư cuối cùng mà gia đình tôi sống khi còn ở Manhattan, hai cậu con trai của tôi phải chung phòng ngủ − một hiện tượng phổ biến ở những khu đô thị đắt đỏ, nhưng với những người không sống ở New York mà chúng tôi quen biết thì điều này quả là lạ lùng, nếu xét đến số tiền thuê nhà mà chúng tôi phải bỏ ra. Văn phòng của tôi là một phần của phòng ngủ. Cuối cùng, căn hộ rộng gần 140m² của chúng tôi cũng dần trở nên chật chội. Và kết quả là, theo lệ thường, ý tưởng phải sở hữu một ngôi nhà riêng dần đến với chúng tôi.

Nhưng tại sao nó lại là một ý tưởng hấp dẫn. Câu hỏi này vẫn chưa được nhiều người đặt ra, chí ít là cho tới thời gian gần đây. Có nhà riêng là điều mà nhiều người vẫn ngợi ca gọi là “Giấc mơ Mỹ”, một “điều tốt đẹp hiển nhiên”, theo như cách nói của tạp chí Time vào mùa thu năm 2010.

Và cho tới nay, đó vẫn là một quan niệm hết sức phổ biến, căn nhà đáng để chúng ta phải thắt lưng buộc bụng để có được. Cũng theo bài báo năm 2006 trên tạp chí Forbes viết về cách người Mỹ kiếm tiền và tiêu tiền, ngày nay chúng ta dành 30%-35% ngân sách để mua nhà so với chưa đầy 15% vào năm 1960. Theo các nghiên cứu của Fannie Mae, lý do phổ biến nhất cho việc sở hữu nhà riêng là an ninh gia đình được bảo đảm hơn và họ có thể tiếp cận các trường học tốt.

Có một số nghiên cứu – thường chúng được các đại lý môi giới nhà đất phát tán – chứng minh cho cái ý tưởng rằng sở hữu nhà riêng là một điều tốt đẹp. Nào là những gia đình có nhà riêng thì có tỷ lệ đi bỏ phiếu cao hơn, con em trong các gia đình đó cũng có tỷ lệ tốt nghiệp cấp ba lớn hơn – tuy nhiên, có vẻ như những hiện tượng này chỉ có mối tương quan với nhau chứ không phải là quan hệ nhân – quả. Những người sở hữu nhà riêng có thể tham gia vào cộng đồng ở mức độ sâu sắc hơn, nhưng không phải vì họ là những người thuộc đẳng cấp cao hơn những người ở nhà thuê, mà bởi họ di chuyển ít thường xuyên hơn. Tại sao ư? Lý do nằm ở chi phí giao dịch cao ngất mà bạn phải trả cho đại lý môi giới nhà đất khi có ý định bán nhà.

Tuy nhiên, vẫn có những lợi ích thực tế đối với việc sở hữu nhà riêng. Khi là chủ sở hữu của thứ gì đó, bạn sẽ chăm chút nó tốt hơn. Căn nhà có thể được dùng làm vật thế chấp khi vay nợ và nó cũng là một cách gây dựng tài sản. Có lẽ vì những lợi ích này mà chính phủ Mỹ có nhiều chính sách trợ cấp rộng tay đối với người sở hữu nhà riêng. Không chỉ hạ thấp lãi suất thế chấp, chính phủ còn bảo đảm rằng ở thị trường thứ cấp, việc mua đi bán lại các tài sản thế chấp (tức hai tập đoàn tín dụng địa ốc lớn là Fannie Mae và Freddie Mac) luôn có mức lãi suất thấp hơn mức của các ngân hàng. Về mặt văn hóa, sở hữu nhà riêng tượng trưng cho trách nhiệm, dù rằng nó cũng thường là biểu tượng của sự nợ nần. Nếu bạn nói mình đang tiết kiệm để trả dần tiền mua nhà, mọi người sẽ gật đầu tán đồng, nhưng nếu bạn nói bạn đang tiết kiệm từng 40.000 đô-la để mua số cổ phiếu trị giá 200.000 đô-la, họ sẽ nghĩ rằng đầu bạn có vấn đề. Thực ra, có lẽ họ sẽ vì nghi ngờ mà gọi tới Ủy ban Giao dịch Chứng khoán, vì các nguyên tắc về chứng khoán yêu cầu bạn, khi mua cổ phiếu lần đầu, phải đặt nhiều tiền hơn. Hãy nghĩ mà xem. Trong thời kỳ cao trào của bong bóng nhà đất, người dân bỏ ra chưa đến 10% ngân sách để mua nhà, nhưng các khoản đầu tư khác thì có nguyên tắc nghiêm ngặt hơn – dù rằng cổ phiếu có thể thanh lý từng phần – nên bạn có thể bảo vệ các khoản đầu tư của mình, trong khi bạn không thể làm thế với một ngôi nhà. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn không thể đem phòng tắm bán lấy tiền được.

Dù có nghĩ tới điều này hay không, thì phần lớn – khoảng hai phần ba người dân Mỹ − vẫn lao đầu đi mua nhà. Và bây giờ, tôi – lần đầu tiên – cũng thuộc vào nhóm đó. Chồng tôi có một vài kinh nghiệm bất thường với việc sở hữu nhà riêng rồi lại bán. Không lâu trước khi chúng tôi đính hôn, anh ấy mua một căn chung cư một phòng ngủ rộng 84m². Nó rất phù hợp với cặp vợ chồng mới cưới, nhưng khi con cái ra đời thì lại có vẻ chật chội một chút. Khi quyết định sinh đứa con thứ hai, chúng tôi rao bán căn hộ với mức giá đáy trong đợt bong bóng bất động sản vỡ hồi mùa đông năm 2008-2009. Vì chưa quyết định được là liệu sẽ tiếp tục ở lại thành phố hay đi nơi khác, nên chúng tôi thuê căn hộ khác có hai phòng ngủ cũng trong khu chung cư ấy. Cuối cùng, vào mùa xuân 2011, chúng tôi bắt đầu ngó nghiêng ở khu ngoại ô Philadelphia vì công ty chồng tôi chuyển về đó. Khi ấy, tôi đang mang bầu đứa con thứ ba và quá trình tìm kiếm một nhà trẻ ở Manhattan tỏ ra vô cùng khó khăn phức tạp. Đầu tháng 3, chúng tôi gặp một đại lý môi giới nhà đất ở Main Line và đi tìm hiểu hết ngôi nhà này tới ngôi nhà khác. Quá trình đó khiến tôi suy nghĩ về việc mình có thể mua được bao nhiêu mét vuông đất với số tiền sau thuế mà tôi bỏ ra để thuê nhà ở New York. Tôi cũng bắt đầu hiểu ra tại sao người ta lại phải mua các thiết bị giám sát trẻ nhỏ: trong khu vực rộng 140m², khi trẻ nhỏ khóc, bạn có thể nghe thấy tiếng nó. Trong lần đi xem xét một ngôi nhà, tôi đã để lạc mất đứa con 3 tuổi của mình trong khu ở rộng tới hàng trăm mét vuông. Nhưng, phải thú thực rằng, sau bao năm sống trong cảnh “chân không tới đất, cật không tới giời”, đồ chơi của con, đồ đạc, quần áo bẩn vương vãi khắp nơi, lúc này tôi đã muốn có một ngôi nhà rộng hơn.

Hãy nhân cái cảm giác của tôi với hàng triệu gia đình trẻ khác nữa, thì bạn có thể sẽ hiểu tại sao thị trường bất động sản lại khát nhà rộng, cũng như tại sao đường phố lại chật ních những chiếc ô tô hiệu SUV cao, rộng rãi. Sarah Susanka, một kiến trúc sư làm việc tại Raleigh, Bắc Carolina, nói: “Tôi nghĩ hiện tượng này xuất phát từ lịch sử đất nước chúng ta – hướng đến miền tây hoang dã. Ở nước Mỹ, chúng ta có suy nghĩ rằng càng nhiều không gian càng tự do, nó liên quan với quan điểm của chúng ta về sự bành trướng và cơ hội.”

Nhiều cơ hội dĩ nhiên là tốt hơn và như thế, trong khi các gia đình trẻ đầu thập niên 1970 ở với diện tích trung bình 140m², thì con số này đã phình to lên mức 231m² vào giai đoạn cao trào của bong bóng nhà đất năm 2007. Ở thị trường thượng lưu, những căn nhà rộng 930m² không phải là hiếm, dù rằng điều này có nghĩa là những người phụ trách việc liệt kê tên và chức năng của từng phòng trong những căn nhà đó phải vắt kiệt sức sáng tạo để đặt tên cho những căn phòng mà lẽ ra là vô danh (thư viện video? Phòng máy tính?). Giá nhà đất trung bình nhảy vọt từ 23.400 đô-la năm 1970 tới 104.500 đô-la năm 1987 (năm đầu tiên đạt mốc 6 con số) tới 247.900 đô-la năm 2007 (sau đó giảm xuống còn 221.800 đô-la năm 2010) – mức tăng trưởng này còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn lạm phát hay tăng lương – quả là một điều kỳ diệu được hiện thực hóa nhờ cây đũa thần lãi suất thấp kịch sàn. Khi lãi suất thấp, bạn sẽ có động lực để tăng số tiền trả góp hàng tháng lên một chút. Nhà báo tài chính, Liz Pulliam Weston, trong một mục báo đã vẽ một biểu đồ cho thấy, nếu bỏ ra 25% trong 45.000 đô-la thu nhập để mua nhà, thì bạn chỉ cần vay 128.745 đô-la (tính cả thuế bất động sản và bảo hiểm). Tuy nhiên, nếu bạn dành 33% trong số đó, bạn có thể vay 181.582 đô-la. Tức là bạn có thể mua căn nhà rộng hơn mà chỉ phải bỏ ra thêm 300 đô-la/tháng, trong khi thời hạn trả góp lên tới 30 năm – điều này càng khích lệ người mua chấp nhận con số dư đó. Từ người ít tiền đến người nhiều tiền đều như vậy. Giả sử bạn có thể để dành 20% thu nhập, thì với mức lãi suất thấp, sự khác biệt giữa một căn nhà 1,25 triệu đô-la (trả góp 1 triệu đô-la) và một căn nhà 2 triệu đô-la (trả góp 1,6 triệu đô-la) có thể là một khoản tiền trả góp thêm trị giá 4.000 đô-la/tháng – đây sẽ không phải là con số quá lớn nến bạn có 400.000 đô-la để trả góp. Và vì lãi suất áp lên 1,1 triệu đô-la vay đầu tiên có thể được giảm bớt, nên những con số này thậm chí còn khả quan hơn nhiều.

Dĩ nhiên, nhà lớn có nghĩa là sân cỏ lớn. Khi cân nhắc kế hoạch chuyển tới sống ở vùng ngoại ô, chúng tôi cũng phải đánh giá các ngôi nhà dựa trên tiêu chí diện tích đất trồng cỏ ở phần sân vườn, bởi một tiêu chuẩn sống tối thiểu nữa trong đời sống Mỹ là gia đình lớn thì cần không gian trồng cỏ. Nhưng bản thân những bãi cỏ cũng chỉ là một hiện tượng tương đối mới mẻ ở đây thôi – các gia đình lớn người Mỹ từ bao đời nay vẫn có thể sống tốt mà không cần tới chúng kia mà. Các nhà sử học cũng không rõ tại sao những bãi cỏ lại gắn bó chặt chẽ với “Giấc mơ Mỹ” như bản thân việc sở hữu nhà riêng. Có lẽ những cư dân ban đầu ở khu ngoại ô muốn có được cái vẻ ngoài như bãi cỏ ở những lâu đài Anh Quốc, ngoại trừ lũ cừu vốn chịu trách nhiệm tận dụng tối đa diện tích trồng trọt. Trào lưu này cứ thế lan rộng và tới nay hàng triệu héc-ta đất ở Mỹ đã phủ xanh màu cỏ mà có lẽ nếu không có người chăm sóc thì chúng khó mà mọc tốt được.

Vì cần nhà rộng hơn, nên người ta dần chuyển đi xa hơn nơi họ cần đến. Trường hợp chuyển ra vùng ngoại ô của vợ chồng tôi lại là một ngoại lệ, vì nó giúp chồng tôi ở gần văn phòng công ty và khách hàng của anh ấy hơn. Nhưng thường thì mọi chuyện không diễn ra như vậy. Thời gian trung bình di chuyển tới nơi làm việc hiện rơi vào khoảng 50 phút mỗi ngày (25 phút/chiều). Những người đi làm bằng tàu điện ngầm thường rất thoải mái với khoảng thời gian này. Nhưng với những người đi làm bằng xe riêng thì đó lại là một câu chuyện khác. Bản thân việc lái xe không lấy gì làm khó chịu cho lắm, nhưng lái xe trong lúc những người khác cũng đang lao ra đường thì lại là cả một cuộc đấu tranh. Bản chất con người có xu hướng thích nghi với những gì mang lại trạng thái khó chịu hay thoải mái ổn định. Vì vậy, dòng xe qua lại tấp nập như đưa thoi có nghĩa rằng mỗi ngày ra đường là một sự tra tấn. Có lẽ nhằm giảm bớt nỗi khó chịu trên đường đi mà chúng ta ngày càng tìm kiếm sự thuận tiện trong xe hơn – nhiều không gian để chở đồ dự phòng, nhiều chỗ để cốc hơn và có thêm màn hình tivi cho lũ trẻ − tôi cũng đã định tìm mua chiếc ô tô có gắn màn hình tivi, dù rằng khi còn nhỏ tôi hoàn toàn có thể vượt qua những chặng đường dài trên xe mà không cần có nó.

Thứ mỉa mai của ngôi nhà ngoại ô cỡ lớn, của bãi cỏ tuyệt mỹ và của những chiếc ô tô mà chúng ta đòi hỏi là, những hoạt động hàng ngày mà những thứ đáng mơ ước này buộc chúng ta phải làm lại không phải là điều mà chúng ta thích thú. Theo thang điểm 10 đo lường mức độ hạnh phúc do Dự án Người Mỹ sử dụng thời gian giới thiệu từ năm 1985, thì trong khi hoạt động làm vườn mang lại cảm giác khá thoải mái, thì chăm sóc sân lại chỉ đạt 5,0 điểm, không quá cách biệt với việc đi gặp bác sĩ (4,7 điểm), dọn nhà đạt 4,9 điểm, đi làm đạt 6,3 – tất cả đều thấp điểm hơn so với các hoạt động như chơi thể thao, thưởng lãm nghệ thuật, âm nhạc, xem tivi, tập thể dục thể thao và chơi đùa cùng trẻ nhỏ. Trong nghiên cứu năm 2004 về phụ nữ đang lao động ở Texas mà tôi có đề cập tới trong các chương trước, di chuyển tới nơi làm việc và công việc nhà là hai hoạt động xếp gần cuối nấc thang hạnh phúc đối với phụ nữ ngày nay.

Như vậy, nếu công việc nhà, dọn dẹp sân vườn và đi làm khiến chúng ta cảm thấy khổ sở, hoặc chí ít là ở cuối nấc thang hạnh phúc trong khi chúng ta có vô vàn cách thức tốt hơn để tiêu khiển, thì tại sao lại phải theo đuổi cho bằng được những ngôi nhà rộng lớn, đắt đỏ, sân vườn đầy cỏ và chúng ta phải lái xe hàng chặng đường mỗi ngày vào giờ cao điểm để đi làm hay trở về đó? Một số cách giải thích tập trung vào các chính sách của nhà nước, chẳng hạn như chính sách không khuyến khích cách sử dụng bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau kết hợp lại, các chính sách trợ cấp xây đường của liên bang và các chính sách về giáo dục khiến cho các trường học ở khu vực thành thị trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các bậc phụ huynh trung lưu. Khi tôi nêu lên câu hỏi này cho mọi người, thì trường học là vấn đề được nhiều người nhắc đến nhất. Những nơi có trường học tốt sẽ đắt đỏ hơn và diện tích cũng như giá cả nhà ở sẽ tăng lên khi các gia đình có mức thu nhập cao (nhất là trong mấy năm trở lại đây, khi những người có thu nhập cao nhận được nhiều lợi ích hơn) sẵn lòng chi trả nhiều hơn để mua. Một số nhà kinh tế học như Robert Frank, tác giả cuốn Falling Behind: How Rising Inequality Harms the Middle Class (tạm dịch: Tụt lại đằng sau: tình trạng mất công bằng mới nổi ảnh hưởng ra sao tới tầng lớp trung lưu), cho rằng sở dĩ các khoản vay tiền mua nhà ngày càng phát triển là do các gia đình trung lưu không muốn để con cái vào học những trường kém chất lượng. Phát hiện này có rất nhiều ý nghĩa. Trường học tốt là một lý do chính khiến chúng ta quyết định mua nhà ở đâu đó. Mặt khác, nơi nào có chất lượng trường học tương đương nhau lại có mức giá nhà đất khác nhau rất nhiều (chưa tính đến mức giá cho thuê nhà nếu bạn không muốn mua). Chẳng hạn, ở vùng Hạ Merion, Pennsylvanin, nếu vào mùa xuân năm 2011, bạn có thể mua một căn nhà có ba phòng ngủ, cách bến xe công cộng đi tới Philadelphia chỉ vài phút đi bộ, với giá chỉ 165.000 đô-la. Bạn cũng có thể mua một căn nhà trị giá 3 triệu đô-la hoặc hơn. Trường học tốt không phải là lý do duy nhất. Tôi thiên về giả thuyết về “điều tốt đẹp hiển nhiên” hơn. Ai cũng muốn có nó, vì thế mà chắc hẳn có nó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, hạnh phúc luôn là cuộc tranh đấu với sự thích nghi – tức là, quen thuộc với hoàn cảnh, nên dần dà chúng sẽ không còn mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc như trước kia chúng từng làm nữa. Trong một công trình nghiên cứu hàng chục thí nghiệm khác nhau, các giáo sư Elizabeth Dunn, Daniel Gilbert và Timothy Wilson phát hiện ra một số đề tài lặp đi lặp lại liên quan tới việc tiền bạc có thể và không thể mang lại hạnh phúc ra sao. Một đề tài chính trong, theo như bài viết của họ là: “Nếu tiền của là hạn chế thì tốt hơn hết chúng ta hãy dồn nguồn tài sản hữu hạn đó của mình cho những niềm vui nhỏ bé nhưng thường xuyên hơn là để mua những niềm vui lớn lao mà ít gặp. Trên thực tế, theo nhiều khía cạnh khác nhau, hạnh phúc có mối liên hệ mật thiết với tần suất hơn là cấp độ các trải nghiệm tích cực của con người.” Quan hệ tình dục đều đặn ba lần/tuần thì tốt hơn là những đêm nóng bỏng nhưng chỉ diễn ra ba lần/năm. Sự đa dạng cũng ngăn cản sự nhàm chán và những trải nghiệm thú vị nho nhỏ, lặp đi lặp lại có khả năng đem lại sự đa dạng cho cuộc sống nhiều hơn những khoản mua sắm lớn mà không thường xuyên. “Chẳng hạn, uống bia với bạn bè sau giờ làm việc thì không lần nào giống lần nào cả; tuần này quán bia trưng ra loại bia tươi India Pale Ale mới đến từ bang Oregon, còn anh chàng Sam thì mang theo cô bạn mới tên Kate và cô nàng đã khiến cả đám cười sặc sụa vì một câu chuyện hài. Nhưng nếu chúng ta đặt một bàn ăn đắt tiền thì chiếc bàn đó quanh năm suốt tháng vẫn chỉ có như vậy mà thôi.” Chí ít thì cái hữu dụng của một chiếc xe là nằm ở chỗ nó có thể đưa bạn đi tới những nơi mới mẻ, thú vị − theo một nghiên cứu thực hiện trên những người lớn tuổi ở Mỹ, thì đây cũng là một lý do để họ tin rằng chi tiêu tiền mua xe giúp mang lại hạnh phúc cho họ − nhưng bất kỳ chiếc xe nào cũng có thể làm được điều đó. Còn một căn nhà nếu không có gì thay đổi thì sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán.

Nói thế không có nghĩa rằng bỏ tiền ra mua nhà, sắm xe là không nên. Chúng ta ai chẳng muốn có phương tiện di chuyển và chỗ ở tiện nghi. Tôi cũng thế. Vấn đề chỉ phát sinh khi chúng ta chi tiêu quá tay cho chúng, vượt quá cái ngưỡng yêu cầu về tiện nghi, tính năng và an toàn, lên tới mức mà chúng ta không còn tiền cho những thú vui khác. Nếu chúng ta cắt giảm từ 33% ngân sách cho nhà cửa xuống còn 25%, thì lúc đó chúng ta sẽ có thêm 8% cho những thứ khác. Tức là với 50.000 đô-la chúng ta sẽ dư 4.000 đô-la và với 100.000 đô-la chúng ta sẽ có 8.000 đô-la – mà để mua được hạnh phúc, thì những con số đó đủ để trang trải cho rất nhiều bữa tối ngoài nhà hàng, những vé xem phim, những buổi du hí cuối tuần, hay thậm chí là thuê được người dọn dẹp nhà cửa để chúng ta có thì giờ tận hưởng tất cả những thú vui đó. Hãy thử nghĩ xem: nếu cần phải tiết kiệm trong khi thu nhập không tăng, thì việc hạn chế ăn hàng, xem phim, du lịch cuối tuần đòi hỏi ở bạn tinh thần kỷ luật tự giác hàng ngày để tiết chế bản thân. Nhưng oái oăm là, phần lớn chúng ta đều thiếu đức tính này. Trong khi đó, việc mua một căn nhà (hay một chiếc xe) rẻ tiền hơn chỉ cần bạn tự kiềm chế một lần, sau đó thì bạn sẽ được thoải mái hàng năm trời.

Bên cạnh đó còn có vấn đề tự do nữa. Bỏ ra tới một nửa ngân sách cho nhà cửa, xe cộ khiến thu nhập của bạn đóng đinh tại một chỗ. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn muốn thực hiện một bước ngoặt mạo hiểm về nghề nghiệp, đi học thêm, hay chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi một thời gian? Quỹ dự phòng có thể trang trải chi phí cho bạn trong một thời gian, nhưng những khoản tiền trả góp hàng tháng cho nhà và xe sẽ làm hao mòn cái quỹ đó nhiều hơn là những khoản chi tiêu nhỏ lẻ hàng ngày. Gần đây đã xuất hiện một làn sóng phản ứng nhẹ đối với việc sở hữu nhà riêng. Đầu cơ chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận, nhưng điều mà trước năm 2007 người ta đã quên đi mất là điều này cũng có thể vận hành theo chiều ngược lại. Nếu ngôi nhà trị giá 200.000 đô-la của bạn giảm 10% giá trị trước khi bạn thanh toán được số tiền gốc và bạn mới trả được 10%, thì khi đó bạn đã mất 100% tài sản của mình. Vì mọi người bắt đầu nghiêm túc thực hiện những phân tích rủi ro đối với việc sở hữu nhà ở, nên theo quan sát của hãng địa ốc Fannie Mae, trong mấy năm trở lại đây, tỷ lệ người thuê nhà cho rằng có nhà riêng thì tốt hơn ở nhà trọ đã giảm xuống.

ĐÂU CẦN NHÀ Ở QUÁ LỚN

Tôi cho rằng sở hữu nhà riêng là một quan niệm đã ăn sâu vào máu người dân Mỹ, nên nó sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Nhiều người vẫn say sưa với cái ý tưởng có một không gian riêng của mình – một nơi mà chúng ta có thể tha hồ tự ý xây thêm cái nọ, sửa cái kia và cũng không có chuyện một ông chủ nhà nào đó một ngày kia hứng lên cải tạo nơi chúng ta ở và cố tình thu hẹp lại không gian sống của chúng ta. Hơn nữa, khi thuê nhà, chúng ta phải liên tục trả tiền thuê, trong khi nếu mua đứt bán đoạn một căn thì chỉ phải trả góp trong 15 năm, hoặc sớm hơn, hoặc trả tiền mặt một lần. Không nợ nần gì cả ngoài thuế bất động sản, bảo hiểm và các khoản phí sinh hoạt – chính điều này sẽ mang đến nguồn tự do vô bờ bến và nó giúp chúng ta có thể giảm tỷ lệ chi phí cho vấn đề nơi ở trong phần ngân sách chi tiêu.

Nhưng gần đây đã có nhiều quan niệm phản đối việc sở hữu nhà riêng lớn, khiến chủ sở hữu phải gồng mình lên gánh chịu những khoản phí của nó. Một nghiên cứu do đại lý môi giới nhà đất Trulia thực hiện hồi mùa hè năm 2010 cho thấy, trong số những người dân Mỹ cho rằng sở hữu nhà riêng là một phần trong “Giấc mơ Mỹ”, chỉ có 9% nói rằng ngôi nhà lý tưởng của họ sẽ phải rộng hơn 300m². 9% khác cho rằng diện tích 75m² – 130m² đã là lý tưởng rồi. Năm 2009, diện tích nhà ở mới trung bình giảm xuống còn 226m², rồi xuống tiếp thành 222m² năm 2010.

Và như một thông lệ, khi những trào lưu lớn bỗng dưng quay đầu – dù chỉ một chút thôi – thì các ngòi bút lại tha hồ ầm ĩ. Và thế là độc giả được đọc khá nhiều bài báo viết về những căn nhà siêu nhỏ.

Jay Shafer, người đứng đầu công ty Nhà siêu nhỏ Tumbleweed ở California, là nhân vật nổi bật trong những câu chuyện này. Shafer tự hào tuyên bố trên trang web của mình rằng, “từ năm 1997 tới nay tôi đã sống trong những ngôi nhà còn nhỏ hơn tủ quần áo của nhiều người.” Những ngôi nhà do anh thiết kế có diện tích từ 6m²-74m² – và với rất nhiều chi tiết thiết kế, chúng trông giống như những chiếc lều ấm áp của các chú lùn trong truyện cổ tích.

Khi gọi điện cho Shafer, tôi mới được biết rằng anh đã có thói quen sống giản dị từ hàng chục năm nay rồi. Nhiều năm trước, vào các mùa hè anh thường dạy học trong một chiếc lều trại ở Long Island và sống trên một chiếc xe tải “đầy đủ mọi thứ ngoại trừ toilet” (“Kể ra mà có laptop thì hay, nhưng thời đó đã làm gì có”, anh chia sẻ). Gần đây, anh sống trong một ngôi nhà rộng chưa đầy 9m², nhưng khi có con, hai vợ chồng anh mới chuyển tới ngôi nhà rộng 47m² mà đối với anh nó đã giống như “cả một tòa lâu đài” rồi. Ngôi nhà cũ của anh nằm kế bên đó, như một chiếc hang.

Khách hàng của anh rất đa dạng. Một số là người lớn tuổi chuẩn bị về hưu, một số, theo anh nói “là những người thuộc tuýp sáng tạo, thích làm việc này việc nọ hơn là trả tiền thế chấp hàng tháng. Với một ngôi nhà nhỏ, bạn sẽ có được sự tự do.” Nhưng nói thế không có nghĩa là nhà nhỏ thì giá rẻ đâu nhé. Một ngôi nhà có diện tích 9m² có thể có giá trị 40.000 đô-la, tức là giá trị trên mỗi mét vuông của nó vẫn rất lớn bởi nó vẫn có những bộ phận rất đắt đỏ, chẳng hạn như nhà bếp và phòng tắm. Như vậy, ngay cả khi bạn xây dựng một căn nhà siêu nhỏ ở nơi đồng không mông quạnh, thì bạn vẫn phải trả một khoản chi phí nhà ở trên mỗi mét vuông tương đương một nửa giá chi phí cho một căn hộ cao cấp ở Manhattan. Nhưng mặt khác, nếu nói về nơi ở thì cái giá 40.000 đô-la vẫn là khả quan. Chi phí điện nước có thể chỉ mất khoảng 8 đô-la/tháng, hơn nữa, theo Shafer, “bạn có thể loại bỏ tất cả những gì không cần thiết”. Một ngôi nhà rộng 9m² không thể chứa hết những đồ đạc biểu trưng cho cuộc sống hiện đại, vì thế mà bạn sẽ không phải mua chúng. Thay vào đó, bạn dùng số tiền ấy để mua những trải nghiệm sống cho mình.

Theo Kent Griswold, chủ nhân blog Nhà nhỏ, thường xuyên đăng tải các bức ảnh chụp những ngôi nhà kiểu như thiết kế của Shafer, cho rằng triết lý sống tối giản là động cơ chính đằng sau trào lưu này. Gần đây, anh có bài viết giới thiệu về một cabin bằng gỗ có ống khói bằng đá với một vòm hiên rất nhỏ dựng trên ngọn núi vùng duyên hải phía bắc California, một ngôi nhà thuyền nhỏ làm bằng gỗ tếch đang được rao bán ở Seattle và một bài viết về những chiếc lều của những người nông dân vùng Buryat, khu công viên quốc gia Tunkinsky, Siberia. Griswold chia sẻ, anh đã tìm được một lượng khách hàng trong số những người yêu thích những căn nhà nhỏ và nhờ đó mà “kiếm được một khoản thu nhập tươm tất”. Đối với đa phần trong số họ, nhà nhỏ thực sự là điều kỳ diệu và bản thân Griswold cũng sống trong một tòa lâu đài rộng chừng 100m². Anh nói: “Nhà siêu nhỏ là một phong trào sống hiện nay và xu hướng ngày nay là người ta giảm bớt diện tích nhà ở đi.” Dù là đa phần chúng ta đều không thích thú gì khi phải sống trong những ngôi nhà chỉ vẻn vẹn 100m², nhưng rõ ràng, chúng ta đang nghiệm ra rằng lớn hơn chưa hẳn đã tốt hơn. Tốt hơn có thể tốt hơn nữa – và đôi khi có thể rẻ hơn nữa.

Ít ra thì cũng chính nhờ cái thông điệp đó mà cuốn sách về thiết kế của Sarah Susanka (Ngôi nhà không lớn) được có mặt trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất. Cô cho biết, ở nhiều ngôi nhà rộng, căn phòng ăn trang trọng, phòng ngủ và lối vào thênh thang như thánh đường chỉ được sử dụng nhiều lắm là vài ba lần mỗi năm. Những căn phòng này cộng lại có thể lên đến hơn 90m² diện tích bị lãng phí. Nào là những căn phòng ngủ dành cho khách, phòng tập thể dục và nhiều căn phòng không tên khác dựng lên chỉ để lấp chỗ trống. Khi mới vào nghề, Susanka từng gặp những gia đình yêu cầu cô thiết kế các căn phòng phụ và họ muốn để dành ra tới 3 hoặc hơn 3 căn phòng hoàn toàn không dùng đến, đôi khi còn không để đồ đạc trong đó nữa. Khi cô chỉ ra điểm mất cân đối trong căn nhà, họ chỉ nhún vai lãnh đạm. Những căn phòng đó không được sử dụng và chúng tồn tại chỉ để tăng giá trị cho ngôi nhà khi bán lại. Susanka trầm ngâm nói: “Người ta đã phí phạm bao nhiêu tiền cho mỗi ngôi nhà – nhất là những ngôi nhà mới – cho một căn phòng được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng hay theo nhu cầu của thời đại cũ?” Dù là phòng bỏ không, nhưng chúng vẫn cần phải có hệ thống sưởi, làm mát và cần phải lau chùi thường xuyên. Một căn phòng tắm dành cho khách được xây dựng với chi phí 15.000 đô-la có lẽ chỉ được trưng dụng ba cuối tuần mỗi năm. “Rốt cuộc là chi phí mỗi lần giật nước trong bồn cầu ở đó cũng trở nên đắt đỏ,” cô nói.

Sau một vài năm được nghe vô vàn những yêu cầu kỳ quặc khác của khách hàng, Susanka bắt đầu “yêu cầu mọi người suy nghĩ về cuộc sống thực tế của họ thay vì cuộc sống mà họ nghĩ trong đầu hay tưởng tượng ra trong một thế giới siêu thực.” Mục tiêu ở đây là “sử dụng từng mét vuông mỗi ngày” và sử dụng đồng tiền bạn kiếm được để bổ sung thêm những chi tiết thiết kế tuyệt vời và thổi hồn vào cho ngôi nhà.

Điều này, theo gợi ý của Susanka, có nghĩa là hãy bỏ đi phòng ăn và phòng ngủ trang trọng và chỉ để một căn phòng sinh hoạt gia đình thoải mái, tốt nhất là nhìn sang phía bếp. Nếu trong gia đình có thành viên nào đó thích xem tivi hay chơi điện tử ở căn phòng chung đó, thì bạn có thể thiết kế một căn phòng tách biệt gần đó, có cửa kính để những thành viên thích sự yên tĩnh có thể ngồi đọc sách, trong khi vẫn tham gia vào không gian sinh hoạt chung của cả gia đình. Hoặc ngược lại, có thể để lũ trẻ chơi đùa trong căn phòng tách biệt đó, trong khi người lớn tha hồ trò chuyện ở phòng ngoài mà không cần phải thi thoảng hét lên bắt chúng im lặng. Một trong những lý do người ta cần có những căn nhà lớn là vì họ muốn không bị tiếng ồn của thành viên khác trong gia đình làm phiền, nhưng một cặp cửa kính cách âm giúp các thành viên tha hồ làm việc riêng trong khi vẫn có được cảm giác gắn kết với gia đình sẽ là một giải pháp ít đắt đỏ hơn nhiều. Tuy một số người thích có không gian riêng rộng rãi, nhưng theo Susanka, “phần lớn thời gian ở nhà của chúng ta là ở bên nhau.” Thực ra, cô nói, nếu ngôi nhà khiến các thành viên ở mỗi người một hướng, thì họ sẽ cảm thấy cô đơn. Nếu nhà có trẻ nhỏ, thì nhu cầu riêng tư của chúng có thể được giải quyết bằng thiết kế giường tầng có rèm, hoặc xây cho mỗi đứa một “nơi ẩn náu” nhỏ − chẳng hạn như các góc đọc sách, hay thậm chí là một căn phòng xây theo phong cách phù thủy Harry Potter ở dưới chân cầu thang. Còn nếu bạn có thể đưa ra bằng chứng là trong năm qua, bạn đã đặt chân tới nơi tập thể hình với tần suất ít nhất 2 lần/tuần, thì khi đó bạn có đủ lý do để xây phòng tập thể hình riêng ở nhà. Nhưng, Susanka cũng chia sẻ: “Bạn phải suy nghĩ thực tế về cuộc sống của mình. Đừng mong cứ xây phòng tập thì bạn sẽ thay đổi được thói quen.”

Susanka nhắc cho những người chủ nhà nhớ rằng số tiền họ tiết kiệm được bằng cách mua hoặc xây dựng những căn nhà không quá lớn có thể dùng để đầu tư vào những chi tiết thiết kế không những giúp căn nhà trở lên đẹp hơn mà còn khiến họ hạnh phúc hơn khi sống trong đó. Trổ cửa sổ cạnh một bức tường thẳng đứng liền kề khiến cho ánh sáng có thể lưu chuyển xung quanh căn phòng, làm căn phòng rộng hơn và sáng hơn. Thay vì treo đèn ở chính giữa hành lang, hãy chuyển nó tới cuối phòng, đặt nó chiếu thẳng vào một bức tranh nào đó. Con người thường bị thu hút về phía có ánh sáng, nên “chúng ta sẽ yêu thích toàn bộ phần căn nhà nối liền với hành lang” – đây là điều mà một chiếc đèn treo ở phần trung tâm khó có thể làm được. Ánh sáng ở phía cuối góp phần khiến tinh thần chúng ta vui vẻ hơn. Việc đa dạng hóa độ cao của trần và các góc có thể tạo cảm giác gần gũi và làm căn nhà trở nên rộng hơn. Nếu căn nhà có ít phòng tắm hơn, thì mỗi căn phòng tắm bạn có lúc này sẽ có thể được trang bị đồ đạc tốt hơn; số tiền dành để xây một căn phòng không sử dụng, thay vào đó, có thể dùng để mua gối lụa, thảm lót sàn và các tạo tác nghệ thuật và ngôi nhà sẽ trở thành một địa điểm tĩnh dưỡng cao cấp.

Dĩ nhiên, điều đó cho thấy bạn cần phải có những sự thỏa hiệp. Có lẽ, một số ít người có điều kiện để thuê một kiến trúc sư tài ba, là tác giả của vài cuốn sách thuộc hàng bán chạy sẽ không cần phải thỏa hiệp như thế. Nhưng Susanka cho biết rằng ngay cả những khách hàng giàu có của cô cũng cho hay, họ “thích ngôi nhà của mình hơn nếu từng phần diện tích trong đó đều được sử dụng hàng ngày.”

Những lời nói đó đã vang lên trong đầu tôi khi vợ chồng tôi quyết định chọn một ngôi nhà không quá nhỏ. Về mặt tài chính, chúng tôi có thể mua được nó (đây là một trong những lợi ích của việc mua sắm ở một thị trường đang đi xuống). Nhưng chúng tôi cũng vật lộn với câu hỏi về diện tích trong một thời gian. Đối với tôi, một lý do để thương lượng giảm giá và lãi suất trả góp là số tiền dư sẽ giúp chúng tôi có đủ tiền để thuê người lau dọn và sửa chữa ngôi nhà. Chúng tôi cũng xem xét một số căn nhà có giá trị tương đương nhưng nhỏ hơn, song chúng tôi không muốn lại phải chuyển nhà lần nữa khi số lượng thành viên trong gia đình tăng lên; hơn nữa, chúng tôi cũng thích ông bà thỉnh thoảng tới thăm và chắc hẳn họ sẽ chẳng muốn tới nếu mỗi lần ở lại là họ phải ngủ trên ghế sofa hay trên một chiếc nệm xì hơi. Trước khi lùng mua nhà, tôi cũng đọc các cuốn sách của Susanka. Vì thế mà tôi thích cách thiết kế của ngôi nhà mới: chỗ ngồi bên cửa sổ, trần nhà có nhiều chiều cao khác nhau, lò sưởi. Những chi tiết này khiến cho căn nhà trở nên ấm áp hơn. Thêm vào đó, mặc dù cũng thích cái cảm giác gia đình gần gũi nhau, song tôi lại làm việc ở nhà. Vậy nên việc có một chỗ riêng để làm việc (bao gồm một phòng họp và một tấm màn để thực hiện quay các buổi phỏng vấn mà không để lộ phía sau hậu trường một chiếc giường ngủ bừa bộn) thực sự là một điểm cộng. Trên thực tế, chúng tôi dự định sẽ biến cả những căn phòng bình thường không sử dụng thành trụ sở của công ty mang tên tôi. Và tôi biết là mình sẽ sử dụng chúng hàng ngày.

“CỎ NON XANH RỢN CHÂN TRỜI”

Mặc dù những gia đình trưởng giả lúc nào cũng có thảm cỏ xanh mượt và chiếc máy xén cỏ có giá đắt hơn cả một chiếc ô tô nhỏ, thì ngày càng có nhiều người đang suy nghĩ lại về chiếc sân của mình. Tôi biết, ai cũng muốn nhà mình có chỗ cho trẻ con chạy nhảy, một mảnh vườn, hay một nơi treo xích đu – thú thực là nhà mới của tôi cũng có sân cỏ − nhưng tôi cũng biết rằng các điểm vui chơi công cộng cũng là nơi vận động lý tưởng cho trẻ nhỏ. Nói về cộng đồng, thì có một cách tổ chức khả thi, tận dụng được lợi ích của mô hình sống ở cả nông thôn và thành thị, đó là một số các gia đình có nhà nhỏ cùng xây cạnh nhau, ở giữa là một không gian chung khép kín. Các hiên nhà đều hướng về sân chơi chung này và trẻ nhỏ lúc nào cũng có bạn để chơi cùng. Đây là sân chơi mà không phải gia đình nào cũng đủ khả năng tự xây dựng và hàng xóm bốn bên đều chung tay chia sẻ nhân lực hay kinh phí để duy trì nó.

Khi không thực hiện được mô hình tổ chức cộng đồng như thế, một số người quyết định loại bỏ hoàn toàn bãi cỏ. Ta hãy cùng nghe câu chuyện của Faulkner Faulkner và bãi cỏ đầy rắc rối của cô. Faulkner sống ở Jacksonville, Florida, nhưng thường xuyên đi công tác. Và mỗi khi cô vắng mặt, thì bãi cỏ cầu kỳ, háo nước của cô nếu không khô héo đi thì lại mọc um lên, vi phạm các quy định sống cộng đồng. Faulkner rất ghét việc cứ mỗi lần đi công tác trở về lại phải nộp phạt 50 đô-la, nhưng điều khiến cô đi đến quyết định cuối cùng với bãi cỏ là chuyến công tác tại vùng nông thôn ở Kenya. Ở đó, cô hòa mình vào nhịp sống của người dân và hàng ngày cô phải thức dậy từ sáng sớm rồi cùng dân làng đi bộ hàng dặm dọc theo con sông cạn trơ đáy để tới nguồn nước, sau đó vác vài lít nước trở về để nấu nướng và giặt giũ. “Việc đó chiếm nguyên cả buổi sáng của họ,” Faulkner kể. Và ngay khi lên máy bay trở về Mỹ, cô liền nghĩ: “Mình đã mất bao nhiêu lít nước cho cái bãi cỏ chết tiệt đó?” Ở một góc độ rộng hơn, tại sao cô lại phải cần bãi cỏ ấy? Một bãi cỏ xanh mượt, được cắt tỉa cẩn thận từ lâu đã là công thức mặc định đối với một môi trường sống “tử tế”, nhưng đó không phải là điều bắt buộc.

Xét từ khía cạnh môi trường, chúng ta cũng có hàng tá lý do để không tuân theo điều đó. Những người chủ nhà thường sử dụng một lượng lớn thuốc diệt cỏ để loại bỏ các loại “cỏ dại” như bồ công anh hay cỏ ba lá, vốn có màu xanh hệt như màu xanh của cỏ. Mà bản thân việc cắt cỏ trong thời hiện đại, cơ giới hóa ngày nay đòi hỏi phải có nhiên liệu và điều đó lại kéo theo một tai hại nữa là người ta thường tự đổ nhiên liệu cho máy cắt cỏ ở sân nhà chứ không phải ở các trạm xăng phục vụ chuyên nghiệp. Và như thế, nhiên liệu bị đổ tràn ra ngoài rồi đi vào nguồn nước. Theo ước tính, việc chăm sóc các loài cây không thuộc bản địa đòi hỏi 10.000 lít nước ngoài nước mưa mỗi năm/sân vườn.

Vì những lý do trên mà chính quyền nhiều thành phố như Raleigh và Los Angeles đã ra quy định số lần tưới nước trong một tuần cho mỗi gia đình. Phần lớn các thành phố ở Canada đã có luật cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu. Nhưng thay vì dùng tiền thuế của người dân để buộc họ phải thi hành các quy định trên, có một giải pháp khác là để người dân nhìn nhận việc sở hữu bãi cỏ riêng như một trào lưu – giống như trào lưu đội mũ gắn lông của các loài chim quý hiếm từng thịnh hành trước đây. Các trào lưu sẽ thay đổi khi có một số lượng người đủ lớn nhận thấy chúng là những trào lưu lố bịch. Ngày nay, chẳng còn mấy ông bố đốt thuốc ở sân chơi của con trẻ, dù không ai cấm. Tương tự, sự hiện diện của bãi cỏ mênh mông xanh mướt, sạch bóng cỏ dại giữa ngày hè một ngày nào đó có thể cũng sẽ bị lên án là kỳ dị và đi ngược lại với lợi ích cộng đồng.

Dĩ nhiên, có nhiều cách khác nhau để khiến ngôi nhà của bạn không có dáng vẻ tiều tụy xác xơ như nhà hoang. Những nhà có bãi cỏ có thể thu hẹp diện tích trồng cỏ bằng cách chỉ để một khoảng nhỏ trồng cỏ xung quanh nhà, phần còn lại là vườn cây để thu hút chim chóc. Ngôi nhà mới của chúng tôi có một diện tích khá lớn dành để trồng các loại cây thích hợp với không khí ở vùng đông Pennsylvania – nho, cây to và các loại cây khác – nhằm giảm thiểu diện tích trồng cỏ vốn đòi hỏi sự chăm bón thường xuyên. Từ cửa sổ phòng làm việc của tôi nhìn ra khoảng không với đủ loại sắc xanh còn thú vị hơn nhiều so với việc nhìn một bãi cỏ mênh mông đơn sắc tẻ nhạt. Trồng vườn là một phương án hợp lý, với điều kiện bạn thích trồng vườn (thực ra rất nhiều người có sở thích này) và không trồng những loài háo nước. Phương án ít gây hại nhất là không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ mà để cỏ tự mọc vào mùa hè.

Một số người hăng hái tham gia vào phong trào “giệt các bãi cỏ”. Anne Severs, một cư dân ở California, xây dựng khu vườn rộng 232m² trồng toàn các loại cây địa phương năm 2003 và tới bây giờ, ngôi nhà của cô là điểm đến thường xuyên của chương trình du lịch Hồi sinh những khu vườn bản địa trong vùng. Khu vườn sặc sỡ của cô trồng các loại hoa mặt khỉ, bạc hà dại, manzanita, hoa vân anh California, hoa violet và kiều mạch. Severs không phải tưới nước vào mùa hè và nhờ cách sử dụng thông minh lớp phủ bổi nên cô không bị mất thời gian xử lý lũ cỏ dại. Cô nói: “Nếu tôi có ở vườn, thì cũng chỉ để ngắm nó mà thôi.”

Tương tự, Faulkner cũng đã nhổ hết những mảng cỏ ở sân nhà để đưa vào đó các loại đá và trồng những loại cây khỏe mạnh như nhài liên minh; cô sắp xếp để nó mang phong vị một khu vườn Anh quốc. Vì mọi loại cây cô trồng đều sinh trưởng tốt trong môi trường khí hậu Florida nên chúng không đòi hỏi chút công chăm bón nào. Cô cho hay: “Tôi không cần phải cắt cỏ, tưới nước, hay xén tỉa gì cả.” Hóa đơn tiền nước hàng tháng của cô giảm từ mức 80 – 90 đô-la xuống còn 20 đô-la, đó là chưa kể đến những khoản tiền phạt từ nay cô không còn phải đóng nữa.

CÂU HỎI MỘT CHIẾC XE

Chiếc xe là vật cuối cùng trong bộ ba những biểu trưng của sự giàu sang – những món tài sản khiến chúng ta phải so sánh mình với người khác. Ô tô có cần thiết không? Tôi biết, phần lớn những người sống ở bên ngoài New York và một số khu đô thị đông dân cư khác không thể sống mà hoàn toàn không có chiếc ô tô nào, dù rằng sự phát triển của Zipcar, Hertz on Demand và các dịch vụ chia sẻ xe khác đang giúp cho cuộc sống “không ô tô” trở nên khả thi hơn. Nhưng hiện nay, với sự ra đời của các công ty này, người ta có thể đi làm bằng các phương tiện chuyên chở công cộng hoặc bằng xe đạp, rồi mượn xe để đi mua sắm cuối tuần, đi khám sức khỏe, hay thực hiện các chuyến du hí ngoại thành. Colleen McCormick, phát ngôn viên của Zipcar, cho tôi hay, các thành viên tham gia vào chương trình của công ty thông báo trung bình họ tiết kiệm được khoảng 600 đô-la/tháng so với khi sở hữu xe riêng. Trong khi các gia đình khác bỏ ra 15%-20% ngân sách cho việc đi lại, thì các gia đình của Zipcar chỉ phải chi 6%. 600 đô-la/tháng còn có thể mua cho bạn cặp vé máy bay từ New York đi California, những buổi spa cuối tuần, hay tương đương với mức lương tháng của 5 nhân viên thủ thư ở một ngôi làng xa xôi của Morocco. Trong khi đó, bạn vẫn có được xe khi cần!

Hoặc cho dù không muốn dùng chung xe với người lạ, thì chúng ta vẫn có thể tiết kiệm được chi phí sử dụng xe bằng cách kéo dài thời gian dùng xe. Carl Texter, kế toán trưởng của công ty Quản lý Hậu cần Cardinal, lái chiếc xe Acura suốt 10 năm. Anh cũng đã có ý định mua xe mới và dĩ nhiên, anh hoàn toàn đủ điều kiện để làm việc đó, song anh chưa yên tâm là mình có thể tìm được một chiếc mới có giá phải chăng và chất lượng tốt như chiếc hiện tại. Anh cho hay, nếu được bảo dưỡng cẩn thận, những chiếc ô tô này có thể có tuổi thọ rất cao. Không phải dành tiền mua xe trả góp nên anh và vợ có thể làm được nhiều việc khác, chẳng hạn như họ vừa đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng cao cấp Anse Chastanet ở St. Lucia. Nhiều người cũng có thể cắt giảm tiền mua gas và phí bảo dưỡng xe bằng cách ít sử dụng xe hơn. Trong cuốn sách rất thú vị có tên Traffic (tạm dịch: Giao thông) xuất bản năm 2008, Tom Vanderbilt cho biết nhu cầu giao thông rất đa dạng. Chúng ta không lái xe bởi cần đi đâu đó, mà vì chúng ta có ô tô mà đường sá lại đẹp, đỗ xe cũng thuận lợi.

Vì vậy, đây là một câu hỏi khá hóc búa đặt ra cho những gia đình sở hữu 2 chiếc ô tô: các bạn sẽ sống ra sao nếu cả nhà chỉ có một chiếc xe? Mấy ngày đầu mọi việc có thể sẽ hỗn loạn và các thành viên sẽ cần phải điều phối với nhau về lịch trình công việc nhiều hơn thường lệ. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, các bạn sẽ dần quen với việc đi làm cùng nhau, có thể là đi làm cùng mọi người trong gia đình, hay đi cùng đồng nghiệp, hoặc hàng xóm cùng chỗ làm. Buổi sáng, cả gia đình có thể lên xe rồi thả người đi làm ở bến xe điện ngầm, tối về lại đón họ ở đó. Trẻ con có thể bắt xe buýt, đi cùng xe người khác, đi bộ, hoặc đạp xe tới trường. Có thể họ sẽ phải giảm bớt các hoạt động của mình, song làm tài xế riêng cho lũ nhóc suốt cả buổi chiều hay vào ngày nghỉ cuối tuần là một trong những nguyên nhân chính khiến các bậc phụ huynh cảm thấy phiền hà. Có thể họ sẽ không có nhiều thời gian đi mua sắm nữa, nhưng thực ra, chúng ta đâu có cần nhiều đồ đến thế. Một độc giả trên blog của tôi cho biết: “Chúng tôi thích chỉ có một chiếc xe thôi, vì như thế chúng tôi sẽ phải có chiến lược mỗi khi lập kế hoạch ra khỏi nhà – dù là để đi tới cửa hàng hay thăm hỏi bạn bè – và nhờ vậy mà chúng tôi tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.” Về lâu về dài, một trong hai vợ chồng có thể điều đình về khả năng làm việc ở nhà thường xuyên hơn, hoặc chuyển tới sinh sống ở gần nơi làm việc hay trường học hơn và nhờ cắt giảm được thời gian đi lại nên chúng ta cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Mua nhà ở địa điểm gần hơn có thể đắt đỏ hơn, song như đã trình bày, nếu giảm được 300 đô-la mỗi tháng tiền trả góp mua ô tô, tiền bảo hiểm, gas, bạn có thể vay thêm hơn 50.000 đô-la cho một tài sản thế chấp, trong khi tổng chi phí cho nhà ở và đi lại vẫn không đổi.

Dĩ nhiên, cũng sẽ có những điểm bất lợi. Một độc giả khác trên blog của tôi cho hay, từ nhiều năm nay gia đình cô chỉ sử dụng một chiếc xe bởi cô có thể đi bộ tới nơi làm việc và gửi con ở nhà trẻ trên đường đi làm. Chồng cô vì làm ở xa hơn nên lái xe. Rắc rối xảy ra khi con gái họ ốm và cần phải đưa tới bác sĩ. Cô ở gần con nhất thì lại không có sẵn xe khi cần.

Đây là một vấn đề và là lý do khi chuyển ra ngoại ô, vợ chồng tôi lại quyết định mua 2 xe, dù rằng tôi có thể làm việc ở nhà, mà nhà thì chỉ cách cửa hàng, bưu điện, trường tiểu học vài phút đi bộ. Nếu cả gia đình tôi chỉ có một chiếc xe thì chắc chắn chồng tôi sẽ là người sử dụng nó, nhưng tôi không thích mỗi lúc cần đi đâu lại phải gọi đến chồng (dù là khi chúng tôi chỉ có một chiếc xe, anh ấy sẵn sàng nhường tôi và gọi taxi khi tôi không tiện chở anh ấy). Một lý do nữa để dùng 2 xe là dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, tuy nhiên, trong những tình thế như vậy, chúng ta vẫn có thể nhờ cậy ở hàng xóm hay họ hàng.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi đối với chính quá trình tư duy của mình, chúng ta có khuynh hướng đề cao tự do, sự linh hoạt và chúng ta xây dựng cuộc sống của mình dựa theo đó, dù chúng ta ít khi cần đến chúng. Giờ đây, tôi lại tự cười chính bản thân vì đã có lần khi tìm mua nhà, tôi coi việc căn nhà đó tạo điều kiện cho tôi có thể tới nơi chúng tôi thuê để cất trữ đồ đạc bất kỳ lúc nào tùy thích là một điểm cộng. Thực ra, chúng tôi chỉ đến đó duy nhất hai lần: khi chuyển đồ đến và chuyển đồ đi. Tương tự, bạn có thể thấy điều này trong chương trình quảng cáo gần đây cho loại ô tô điện và mối lo về đường trường mà nó nêu ra, tức là mối lo rằng xe bạn có thể bị hết điện khi chưa tới chỗ nạp điện. Chiếc xe hiệu Nissan Leaf có thể đi tới 160km, một quãng đường dài mà tới 90% trong số chúng ta chưa chắc đi hết trong một ngày. Nhưng đâu đó trong tâm trí, chúng ta vẫn có cái ý nghĩ rằng biết đâu một ngày kia, dù chúng ta chỉ có thói quen đi làm rồi trở về nhà, chúng ta lại leo lên đường cao tốc mà lái một lèo tới thành phố Atlantic. Bạn không thể làm được thế với một chiếc xe điện, hay khi những người đi cùng xe đang chờ bạn về, hay khi cả gia đình hẹn nhau đón chuyến xe điện ngầm lúc 5 giờ 45 phút chiều. Đó là một điều tưởng tượng, cũng giống như những món đồ sứ sang trọng mà các cặp đôi đính hôn đăng ký mua khi tưởng tượng về đời sống vợ chồng. Tưởng tượng thì cũng tốt thôi, nhưng rắc rối là khi chúng ta hy sinh hạnh phúc hiện tại để đón đầu chúng. Giảm bớt 100 đô-la/tháng cho vấn đề xe cộ – có thể là chúng ta lái xe ít hơn, hoặc sử dụng chiếc xe hiện tại lâu hơn – sẽ giúp chúng ta có đủ tiền để mua một ly cà phê mỗi ngày. Làm việc ở nhà một lần/tuần tiết kiệm cho chúng ta 50 phút để tận hưởng một ly cà phê và sống ở một ngôi nhà nhỏ hơn nhưng cách nơi làm việc chỉ 5 phút đi bộ cũng có tác dụng tương tự.

Hoặc bạn cũng có thể nghĩ cách quẳng béng những khoản tiền nhà, tiền ô tô đi – như Sherrie Tingley đã làm.

Tingley và chồng hiện đều đang ở tuổi ngũ tuần. Trước đây, họ sinh sống ở một ngôi nhà ngoại ô thành phố Ottawa, nhưng việc lái xe 20 phút vào thành phố khiến họ cảm thấy bất tiện, “như thể chúng tôi không hề có đời sống riêng vậy”, Tingley chia sẻ. Nơi họ sống không có nhiều chỗ giải trí, nhưng nếu cả hai đi đâu đó trong thành phố sau giờ làm việc thì họ sẽ về nhà lúc tối muộn. Vì thế, năm 2000, họ mua một căn hộ nằm ở vùng chuyển tiếp gần thành phố với giá 116.000 đô-la và họ vay thế chấp 87.000 đô-la. Với mức thu nhập của cả hai vợ chồng lên tới triệu đô-la, lẽ ra họ cũng có thể mua được căn nhà đắt tiền hơn thế, song họ muốn xoay xở với thu nhập của một người, để phòng khi một người mất việc hoặc muốn bỏ việc. Họ sống ở tầng trên (rộng khoảng 70m²) và cho thuê tầng dưới. Vì có thêm thu nhập từ tiền cho thuê nhà, họ dành khoản tiền dư đó để thanh toán khoản vay thế chấp và trả hết nợ trong vòng 5 năm. Sau đó, họ bắt tay vào tiết kiệm để cải tạo lại ngôi nhà, ghép hai căn hộ lại thành một ngôi nhà rộng 130m² (Tingley phàn nàn rằng lúc này ngôi nhà đó lại trở nên quá lớn). Họ bỏ đi bãi cỏ vì: “Chúng tôi thấy nó chẳng được tích sự gì cả, trừ khi cần chỗ chơi bóng gỗ trên cỏ”, Tingley nói. Thay vào đó, họ trồng cây và để một khoảng sân trống làm chỗ nghỉ ngơi, đi dạo vì giờ đây họ không còn mất thời gian đi lại như trước.

Thực ra, lúc này, cả hai bắt đầu cùng nhau đi bộ đi làm và chặng đường tới nơi làm việc bỗng trở thành nơi hò hẹn lãng mạn. Họ thích cuộc sống hiện tại tới mức “chúng tôi bắt đầu tự hỏi xem liệu có cần thiết chi tiền sử dụng xe nữa hay không và cả hai đã quyết định lần tới khi nó hỏng, chúng tôi sẽ bỏ nó luôn”, Tingley cho biết. Họ sắm hai chiếc xe đạp và một chiếc đèo hàng để chở đồ đạc và bán chiếc ô tô hồi tháng 8 năm 2008.

Giờ đây, mỗi cuối tuần cả hai lại cùng đạp xe tới siêu thị. Tingley nói: “Thi thoảng chúng tôi lại bắt xe buýt và mỗi lần đi xe buýt giống như cả một chuyến thám hiểm vậy. Nhưng về mặt tài chính, chúng tôi đang tiết kiệm được kha khá đấy.” Năm ngoái, họ chi hết tổng cộng 600 đô-la để thuê ô tô trong những chuyến đi xa. Hơn nữa, Tingley chia sẻ: “Tôi nhận ra những lần đi mua sắm trước đây của mình đều lãng phí thời gian vì chúng tôi cứ mua những thứ không cần thiết.” Bây giờ Tingley chủ yếu mua sắm chủ động qua mạng. Vì giảm bớt được các khoản chi phí cho nhà cửa và xe cộ nên phí sinh hoạt gia đình hàng tháng của họ chỉ mất khoảng 2.000 đô-la, mà phần lớn trong số đó họ dành cho các hoạt động thư giãn như ăn hàng, đi du lịch và giải trí. Tingley đang theo đúng kế hoạch tiết kiệm 70.000 đô-la/năm. Cô sẽ đưa tất cả số tiền đó vào “quỹ tự do” để sớm đến ngày cô có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn.

Nói một cách ngắn gọn, đó là một cuộc sống thoải mái, không vượt quá điều kiện cho phép. Một người họ hàng của Tingley đang tính chuyện dùng thẻ visa có lần hỏi cô về lãi suất. Tingley thú thực rằng cô không biết lãi suất là bao nhiêu, bởi cô chưa từng phải trả lãi. Cô tâm sự: “Tôi không muốn đua đòi theo người”. Chẳng có lý do gì để nhọc lòng đi theo người khác trong khi bạn đang hài lòng với những gì mình có.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.