Tiền Không Bao Giờ Là Đủ
Chương 5 Ngày cuối tuần tuyệt vời nhất
Gia đình tôi hay xem chương trình Dora – nhà thám hiểm. Thường thì tôi trốn ra một góc ngồi đọc báo trong khi lũ trẻ dán mắt vào màn hình tivi.
Nhưng một ngày mùa thu cách đây không lâu, tôi bỗng có hứng xem tập “Ngày đặc biệt của Boots”. Trong tập này, Boots, chú khỉ bạn thân của Dora, được phép thực hiện “ngày đặc biệt” của mình bằng cách làm bất kỳ điều gì nó thích. Giống như đứa trẻ vốn không quen kìm nén sự hiếu động, Boots nhanh chóng nghĩ ra được ngày đặc biệt đó sẽ phải như thế nào. Nó và Dora cùng gia nhập một đoàn diễu hành đánh trống, tới thăm Trung tâm giải cứu động vật của người anh họ Diego của Dora − ở đó họ gặp một con chim chuối (một sự liên hệ khá lý thú tới món ăn ưa thích của loài khỉ) và tới thăm bố của Boots đang làm việc tại một công viên giải trí. Dọc đường, họ mua kem, ngồi trên một chiếc tàu kéo và một chiếc xe cứu hỏa. Thường thì cuối mỗi tập phim, Dora và Boots lại cùng nhau nói về điều gì khiến họ thích thú nhất trong ngày hôm đó. Trong tập này, Boots nói rằng ngày hôm đó toàn những điều nó ưa thích.
Câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ. Để sử dụng một ngày, hoặc tốt hơn cả là một dịp cuối tuần, bằng những gì mình ưa thích, thì sẽ như thế nào nhỉ? Người ta sẽ làm gì? Đâu là những điều khiến họ ưa thích? Và, điều quan trọng nhất liên quan tới cuốn sách này, là chúng sẽ tiêu tốn hết bao nhiêu?
Hóa ra là chỉ hết có 200 đô-la thôi. Chí ít thì điều đó là đúng với trường hợp của Jennie Aguirre, sống tại Goodyear, Arizona. Chị đã tình nguyện tham gia vào thí nghiệm của tôi để giúp tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhiệm vụ của chị là: lên kế hoạch cho một dịp cuối tuần thật là đáng nhớ và tính xem nó sẽ mất bao nhiêu tiền. Chị quả là một chú chuột bạch đáng yêu. Với 200 đô-la, chị đi ăn uống, mua sắm và tụ tập bạn bè. Thực ra, Aguirre cho rằng, nếu sáng tạo thêm chút nữa, hẳn chị sẽ chỉ cần tiêu ít hơn. Tuy nhiên, bài học mà cả Aguirre và tôi cùng rút ra là, khi nói về hạnh phúc, thì chiến lược cũng quan trọng không kém tiền bạc. Dù có trong tay tất cả tiền bạc trên thế gian, hay chỉ có một phần rất nhỏ trong số đó, thì bất kỳ ai mong muốn trải nghiệm những giây phút “hứng khởi”, như cách nói của Aguirre trong một e-mail viết sau ngày cuối tuần đó, cũng đều có thể áp dụng các phương pháp của chị.
TRẢI NGHIỆM VÀ VẬT CHẤT
Trong suốt những năm qua, khi viết và nói chuyện về cách sử dụng thời gian, tôi đã thực hiện được rất nhiều cuộc “cải cách thời gian”, trong đó, tôi yêu cầu các tình nguyện viên ghi chép lại chính xác cách họ sử dụng từng giờ trong một tuần liền. Sau đó, tôi giúp họ tìm ra những cách sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Thường thì tôi bắt đầu bằng câu hỏi họ muốn có thêm điều gì trong cuộc sống – câu hỏi này khó hơn bạn tưởng rất nhiều. Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ về những gì mình muốn làm ít hơn (như lái xe hay rửa bát chẳng hạn), mà không nghĩ về những gì mình thích làm với số thời gian tiết kiệm được đó. Để giúp mọi người suy nghĩ về câu hỏi đó, tôi có mượn một bài tập có tên Danh sách 100 ước mơ từ chuyên gia tư vấn tâm lý Caroline Ceniza-Levine. Đây là một danh sách hoàn toàn không qua biên tập gồm tất cả những gì bạn muốn làm hay muốn có trong cuộc sống. Thông thường, mọi người sẽ bắt đầu với những ước mơ lớn lao, chẳng hạn như tới thăm các kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng khi tới gần con số 100, dĩ nhiên chúng ta lại bắt đầu suy nghĩ về những thú vui hàng ngày, chẳng hạn như tới thăm bảo tàng nghệ thuật trong một giờ, hoặc ăn tối với bạn thân một tuần một lần.
Sau khi đọc qua một vài danh sách như vậy, tôi phát hiện ra một mô típ chung: nhiều hoạt động được nêu trong đó thiên về khía cạnh trải nghiệm nhiều hơn. Điều này cũng đúng với cái ngày đặc biệt của chú khỉ Boots – đó là một ngày đầy những trải nghiệm vui vẻ chứ không phải là mua sắm. Chú khỉ ấy rõ ràng đã hiểu ra điều gì đó. Theo Sonja Lyubomirsky, tác giả cuốn sách The How of Happiness (tạm dịch: Hạnh phúc là như thế nào), cho biết: “Khi bạn đã có trong tay thứ gì, thì nó sẽ nhanh chóng trở nên quen thuộc với bạn và không còn khiến bạn hứng thú nữa.” Trong khi đó, bạn có thể cảm nhận và tận hưởng một kỷ niệm hết lần này tới lần khác.
Dĩ nhiên, không phải vật chất khiến chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, dù rằng một số người không sẵn lòng chấp nhận sự mạo hiểm đó. Bạn sẽ tìm được trên Internet một cộng đồng văn hóa tuy nhỏ nhưng rất nghiêm túc sống theo chủ nghĩa tối giản – tức là sở hữu càng ít thứ càng tốt. Nina Yau, 26 tuổi, từng sống ở Chicago, là chủ nhân của blog Lâu đài trên cát. Mùa hè năm 2008, cô đi đến quyết định rằng “tôi không muốn bị vật chất vây hãm nữa”. Bị chôn chân trong một công việc đầy áp lực, cô cảm thấy mình hầu như không được quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân. Nhưng cô có thể kiểm soát những thứ trong căn hộ nơi cô sinh sống. Nhìn một lượt quanh căn hộ, cô thấy “những đồ đạc tôi không cần. Những bộ quần áo tôi chưa từng mặc và cũng không cần đến chúng. Nếu đã không cần có chúng, thì sở hữu chúng có tích sự gì?” Rồi cô bắt đầu loại bỏ từng thứ một. Trước tiên, qua mục rao vặt trên trang Amazon và Craigslist, cô bán các băng phim, sách, những đĩa CD của ban nhạc Backstreet Boys mà cô sưu tập thời mới lớn. Yau kiếm được kha khá tiền sau “thương vụ” đó và cô cảm thấy rất vui vẻ. Cô tiếp tục thanh lý tủ quần áo bằng cách cho bạn bè và quyên góp cho một trại từ thiện trong vùng. Cô giảm dần từng thứ và cuối cùng, quyết tâm sở hữu chưa đầy 100 vật dụng. Cô đăng lên blog tất cả những gì mình có và thường xuyên đánh giá lại sự cần thiết của chúng. Cô chia sẻ: “Đôi khi bạn bận rộn và cứ để mọi thứ tích lũy lại lúc nào không hay.” Vì thế cô tiếp tục giảm thiểu các vật sở hữu của mình, cho tới khi quay trở lại Đài Loan vào đầu năm 2011, cô chỉ mang theo vẻn vẹn 34 thứ:
- 1 chiếc laptop MacBook Pro, màn hình 13,3 inch
- 1 chiếc camera Sony Cyber-shot DSC-T99
- 1 cuốn nhật ký điện tử của hãng Moleskine
- 1 chiếc USB Flash Drive
- Hộ chiếu
- Tai nghe
- 1 chiếc túi vải màu xanh
- 1 chiếc túi đeo màu xanh
- Vòng đeo tay
- Kính mắt
- Kính râm
- 1 bộ bikini màu tía
- 1 chiếc áo khoác màu đen
- 1 chiếc áo khoác màu xanh
- 1 chiếc áo khoác có mũ đằng sau màu xám
- Áo ngực (gộp chung làm một mục)
- Tất (gộp chung làm một mục)
- Đồ lót (gộp chung làm một mục)
- 1 chiếc quần bò
- 1 chiếc quần ngố màu đen
- 1 chiếc quần soóc màu đen
- 1 đầm màu xám
- 1 chân váy màu xám
- 1 áo khoét nách màu đen
- 1 áo khoét nách màu xanh
- 1 áo khoét nách màu xám
- 1 áo phông màu vàng xám
- 1 áo phông màu đen
- 1 áo phông màu xám
- 1 đôi giày cao gót màu đen
- 1 đôi giày thể thao hiệu Vibram FiveFingers màu đen
- 1 đôi xăng-đan màu nâu
- 1 đôi giày bệt màu đen
- 1 đôi bốt màu nâu
Tất cả những vật dụng trên đựng vừa trong hai chiếc túi nhỏ và cô vui mừng vì có thể tha hồ làm những gì mình thích mà không cần phải lo lắng vì đồ đạc lỉnh kỉnh nữa, nhờ vậy mà cô được tự do hơn nhiều. Bằng cách chủ động chọn cuộc sống ít sở hữu vật chất, cô có thể dựng nhà ở cả Mỹ và Đài Loan, thoải mái di chuyển giữa hai nơi với một phong thái mà những người như chúng ta – mỗi khi di chuyển đều mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ túi to hộp nhỏ, huy động cả xe và người chuyên chở − khó mà hiểu được. Vì không phải mua đồ mới hay bảo quản đồ cũ, nên cô có thêm nhiều thời gian đi du lịch và trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 6 năm 2011, cô đã đặt chân tới 8 quốc gia. Những trải nghiệm này “mang lại cho cuộc sống của tôi niềm hạnh phúc và sự phong phú hơn bất kỳ món đồ vật chất nào”, cô chia sẻ.
Yau có những niềm tin bền vững, nên tôi tò mò không biết cô ấy sẽ tiếp tục sống theo cách này trong bao lâu. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng việc theo đuổi đời sống tối giản sẽ trở nên vô cùng khó khăn khi xuất hiện những người khác trong cuộc sống của bạn. Tôi cũng thường xuyên thanh lọc đồ đạc của mình, song chỉ riêng đống ghép hình Lego Duplo đựng đầy trong chiếc bồn tắm cũ ở nhà tôi đếm ra cũng đã trên 100 món rồi.
Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng ranh giới giữa vật chất và trải nghiệm mong manh hơn nhiều những gì người theo chủ nghĩa cực đoan nói. Mua một chiếc lều là mua đồ đạc hay trải nghiệm? Nó là đồ vật, nhưng nó giúp chúng ta cơ hội thực hiện một chuyến cắm trại thú vị. Một cuốn sách là đồ vật, nhưng tôi hy vọng nó cũng là một trải nghiệm, khi ta cuộn tròn nằm đọc sách và đưa mình vào một thế giới khác. Một trong những món đồ được liệt vào danh sách những “khoản mua sắm tuyệt vời nhất” của tôi, là một bộ đồ nội thất ngoài trời giúp gia đình tôi, kể từ khi chuyển tới Pennsylvania, có thể ăn, đọc sách và giao lưu ở ngoài nhà. Chắc hẳn bạn cũng có những món đồ nằm trong danh sách “khoản mua sắm tuyệt vời nhất” đó chứ. Mặt khác, khi ngồi dỡ hàng tá thùng đồ to nhỏ trong ngôi nhà mới, tôi chợt nhận ra rằng trong suốt những năm qua mình đã tích lũy vô số đồ thủy tinh, những chiếc áo phông mua vào dịp giảm giá và những chiếc túi mang về từ các hội thảo – chúng chẳng mang lại cho tôi chút vui vẻ nào mà lại còn tạo ra cảm giác trì trệ khi cứ xếp xó trong những chiếc tủ đựng đồ. Vì vậy, nói chung, bạn hoàn toàn có thể mua chiếc lều ít tiền hơn (miễn đủ tốt là được) và dùng số tiền tiết kiệm được để tổ chức thêm một chuyến cắm trại nữa. Còn nhiều cách khác nữa giúp bạn bớt tiền chi tiêu mua sắm (hoặc giảm bớt không gian trưng dụng) trong khi vẫn thụ hưởng lợi ích mà những món đồ đó mang lại. Chẳng hạn, một chiếc máy đọc sách điện tử Kindle có thể lưu trữ cả một giá sách. Những người hàng xóm thông minh có thể lập một thư viện cho mượn các loại đồ đạc không dùng thường xuyên. Một nhóm người quen biết và tin cậy lẫn nhau có thể sở hữu chung một chiếc máy cắt cỏ, đồ chơi trẻ nhỏ, DVD, dụng cụ và đồ phục vụ liên hoan. Chúng ta lên kế hoạch cho những trải nghiệm, tận hưởng chúng và lưu giữ trong ký ức những kỷ niệm tươi đẹp về chúng. Điều này đúng với những trải nghiệm hiếm hoi trong đời (như tới thăm các kỳ quan thế giới), nhưng cũng đúng với những sự kiện vui vẻ thường nhật – như tới thăm bảo tàng hay đi dạo trong công viên.
Vì thế, khi nói chuyện với Aguirre, một bà mẹ có con gái 13 tuổi, đang làm việc cho trường đại học trực tuyến Western Governors, tôi đã hỏi cô ấy những việc để tạo ra một ngày cuối tuần tuyệt diệu – những câu hỏi nhằm thừa nhận vai trò tối quan trọng của trải nghiệm trong hạnh phúc của con người:
1. Những hoạt động mà bạn thích làm nhất là gì? Dĩ nhiên, dựa theo danh sách 100 ước mơ của bạn, thì chúng có thể là bất kỳ thứ gì bạn muốn, song các nghiên cứu về hạnh phúc có thể đưa ra cho bạn một số chỉ dẫn. Một nghiên cứu mà tôi thường xuyên nhắc đến là nghiên cứu về các phụ nữ đi làm ở Texas xuất bản năm 2004 trên tờ Science. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng, hơn cả những hoạt động thú vị hiển nhiên như ăn uống và tình dục, phần lớn chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc nhất khi được giao lưu, vận động thể dục thể thao, hay tham gia vào các hoạt động tinh thần. Hãy thử nghĩ mà xem, điều đó có lý đấy chứ. Theo Lyubomirsky, những hoạt động này nhằm giải quyết những nhu cầu cơ bản của chúng ta: “Một là nhu cầu gắn kết với xã hội. Tiếp đến là nhu cầu về năng lực – chúng ta muốn trở thành người có năng lực và muốn làm chủ mọi thứ, tiếp nữa là sự tự chủ.” Tập luyện thể dục thách thức cơ thể chúng ta trong quá trình đạt tới năng lực và sự tự chủ và chúng tạo ra một lượng endorphin tự nhiên. Để nâng cao chỉ số hạnh phúc, hãy tập thể dục ngoài trời. Rất nhiều nghiên cứu khác nhau đã cùng đi đến một kết luận rằng tập thể dục ngoài trời khiến chúng ta cảm thấy hào hứng hơn và khả năng lặp lại thói quen này cũng cao hơn. Các hoạt động tình nguyện, thờ cúng hay thiên về tâm linh thử thách tâm hồn chúng ta, còn việc giao lưu với người khác sẽ khiến chúng ta cảm thấy mình thuộc về một điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình.
Aguirre suy nghĩ một lúc rồi nói với tôi: “Tôi vẫn muốn thử tham gia một lớp học nấu ăn. Tôi thích nhảy và cũng từng theo học các lớp múa rồi. Tôi thích đi mua sắm và thích chơi game ban đêm cùng bạn bè. Gần đây, tôi còn phát hiện ra mình thích hát karaoke và trong vài lần tụ tập bạn bè, chúng tôi đã thuê máy hát. Một trong những hoạt động ưa thích của tôi là đạp xe, chồng tôi cũng vậy, nhưng con gái tôi thì hay kêu ca về chuyện đó. Tôi muốn thực hiện một chuyến đạp xe đường trường ở đâu đó, chúng tôi đã bàn về kế hoạch này rồi nhưng vẫn chưa thực hiện được.”
Có vẻ mọi hoạt động trên đều không tiêu tốn nhiều, ngoại trừ việc mua sắm, nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào cách bạn mua sắm như thế nào. Aguirre hứa với tôi rằng cô sẽ hết sức khéo léo. Nhưng nếu quan tâm, bạn có thể liệt kê ra cách thức thực hiện những hoạt động ưa thích mà không mấy tốn kém. Chẳng hạn:
Nếu thích xem phim mà không hoàn toàn hứng thú với một bộ phim cụ thể nào, bạn có thể tới xem một buổi chiếu phim miễn phí ở trường đại học gần nhà, hoặc xem một bộ phim đã qua giai đoạn công chiếu.
Nếu muốn tụ tập ăn uống cùng bạn bè, bạn có thể thực hiện theo hình thức “góp gạo thổi cơm chung” tại nhà mà không cần tới nhà hàng.
Nếu thích mua sắm, bạn có thể thực hiện chương trình trao đổi quần áo với bạn bè và “mua sắm” tại tủ quần áo của nhau.
Nếu thích du lịch, hãy trao đổi nhà với người khác hoặc chọn địa điểm nào gần nhà.
Nếu thích ở khách sạn, bạn có thể thuê một phòng khách sạn hạng sang trong vùng, dành cả ngày ở spa và thuê dịch vụ phục vụ tại phòng – miễn là không phải bỏ tiền mua vé máy bay.
Sau khi Aguirre hoàn thành danh sách các hoạt động của một ngày cuối tuần tuyệt vời, chúng tôi chuyển sang bước quan trọng nhất trong việc gây dựng hạnh phúc trong cuộc sống với câu hỏi thứ hai:
2. Chính xác thì khi nào bạn có thể thực hiện được những việc này? Là một chuyên gia hoạch định, nên việc chuẩn bị cho các sự kiện vui vẻ gần như là bản năng đối với tôi, nhưng tôi không hiểu tại sao lại thế, cho tới khi tôi nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực tâm lý tích cực. Trong quá trình viết bài cho tạp chí Prevention về chủ đề xây dựng một ngày nghỉ cuối tuần lý tưởng, tôi chợt nhận ra rằng đặt hy vọng vào những điều cụ thể sẽ giúp bạn tận hưởng chúng tốt hơn. Cassie Mogilner, giáo sư marketing trường hướng nghiệp Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Điều này giúp kéo dài các trải nghiệm. Chính lúc mong chờ và chuẩn bị cho sự kiện đó cũng là khi bạn có cơ hội trải nghiệm nó.” Đây là một trong những lý do người ta lại thích đi du lịch trong ngày nghỉ. Thường thì trước mỗi chuyến đi xa, bạn sẽ phải suy nghĩ về nó trong ít nhất vài ngày trước đó. Trên thực tế, công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu ứng dụng về chất lượng cuộc sống năm 2010 kết luận rằng việc kỳ vọng về kỳ nghỉ trước khi nó diễn ra giúp nâng cao mức độ hạnh phúc trong 8 tuần lễ liên tiếp – đây là cơ sở để lý giải việc tổ chức các kỳ nghỉ ngắn ngày thường xuyên lại tốt hơn các kỳ nghỉ dài hơi nhưng hiếm hoi. Như vậy, nếu cứ cách một tháng bạn lại tổ chức một kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày thì bạn sẽ được hạnh phúc suốt cả năm. Chính vì yếu tố về sự kỳ vọng này mà tôi hay tổ chức những tuần lễ sinh nhật tuyệt vời. Tôi không chỉ suy nghĩ trước về những gì mình thích làm – như gặp gỡ bạn bè, đưa con cái đi chơi, massage – mà tôi còn lên kế hoạch trước cho những sự kiện này và cảm thấy thích thú khi nhìn thấy chúng trên tờ lịch của mình, hân hoan khi biết rằng vé đã đặt, người trông trẻ cũng đã thuê.
Nhìn vào thời gian biểu của Aguirre, chúng tôi quyết định chọn dịp cuối tuần ngày 28-30 tháng 1 năm 2011. Trước khi lập kế hoạch chi tiết và chuẩn bị công tác hậu cần, Aguirre đi đăng ký lớp học nấu ăn sẽ bắt đầu vào đầu năm, vậy nên cô quyết định hoãn kế hoạch nấu nướng cho tới lúc đó. Chúng tôi cũng bàn về chuyện tổ chức một buổi hát karaoke vào tối thứ Sáu, nhưng hóa ra hầu hết các quán bar trong vùng đều chỉ tổ chức hát karaoke vào giữa tuần để thu hút khách (nhưng tôi buộc phải tính điểm cộng cho Aguirre vì nỗ lực: cô đã nhờ bạn bè gọi điện hỏi khắp các quán bar ở Arizona). Mặc dù các hoạt động quen thuộc ngày cuối tuần của cô chỉ là ngủ và đi lễ nhà thờ, dưới đây là kế hoạch cho kỳ nghỉ ngơi lý tưởng của cô:
Thứ Sáu: Dành một giờ tâm tình với chồng, tiếp đến là đi nhảy cả đêm với các bạn gái.
Thứ Bảy: Đạp xe
Tối thứ Bảy: Chơi game cả tối với bạn bè
Chủ nhật: Thong thả đi mua sắm vào buổi chiều
Tối Chủ nhật: Càng cua cho bữa tối (một trong những món ăn ưa thích của gia đình cô).
Aguirre đã rất khôn khéo khi hạn chế các tham vọng của mình ở con số một vài hoạt động. Ngay cả ngày đặc biệt của chú khỉ Boots cũng chỉ gói gọn trong 3 hoạt động chính và một số trò giải trí thay vì 10 sự kiện trường kỳ khiến bạn không còn sức tận hưởng những hoạt động cuối ngày nữa.
Cô cũng khôn ngoan khi lên kế hoạch vui chơi vào tối chủ nhật, vì theo giáo sư Mogilner, điều đó sẽ giúp kéo dài ngày cuối tuần hơn. Nhiều người, dù yêu thích công việc, thỉnh thoảng vẫn cảm thấy buồn vào tối Chủ nhật. Khi bạn có kế hoạch cho thời điểm đó, thì thay vì suy nghĩ về việc phải quay trở lại đi làm vào thứ Hai, bạn sẽ dành cả buổi chiều Chủ nhật để mong buổi tối đến mau.
Tuy vậy, nếu không muốn trông bơ phờ vào ngày thứ Hai, thì các kế hoạch tối Chủ nhật chỉ nên nhẹ nhàng thôi. Cuối hè năm 2010, Holland Saltsman và John Buck, cặp vợ chồng sống ở St. Louis với hai con nhỏ, rủ bạn bè thu xếp đi nghỉ cuối tuần vào mùa thu. Trong suốt 3 tháng liên tiếp, cứ mỗi tối Chủ nhật, họ lại tiếp một gia đình tới ăn bữa tối tại nhà. Vì đó là buổi tối trước tuần đi học/đi làm mới, nên họ đặt ra “giờ giới nghiêm” là 7giờ 30 phút tối, song vì đã có kế hoạch từ trước nên mọi người đều háo hức mong chờ tới bữa tối đó và theo Saltsman: “Chúng tôi cố gắng tổ chức thật vui vẻ và thoải mái chuyện trò tâm sự trong vài giờ gặp nhau.”
Dĩ nhiên, để thực sự tận hưởng ngày cuối tuần, bạn cũng phải đặt ra câu hỏi thứ ba:
3. Làm thế nào để loại bỏ những điều không mang lại niềm vui? Vâng, ngay cả trong ngày cuối tuần tuyệt vời nhất, bạn vẫn có những việc cần làm, dù việc cần làm đó chỉ nhẹ nhàng như đi đổ xăng xe, hay rút tiền ở cây ATM. Trong trường hợp đó, hãy nhớ dành khoảng 2-3 tiếng cho những công việc lặt vặt, vì theo Mogilner, “như thế bạn sẽ có thể toàn tâm toàn ý tận hưởng những giờ phút vui vẻ khác.” Khó mà thư giãn được nếu lúc nào đầu óc bạn cũng quẩn quanh với những việc lặt vặt chưa làm xong. Khi dành riêng thời gian cho chúng, bạn có thể tự nhủ rằng: “Đã có thời gian riêng để làm các công việc vặt rồi, bây giờ thì không phải lúc đó đâu.” Thêm nữa, việc dành riêng một khoảng thời gian như thế giúp bạn không phải tốn nhiều công vào những hoạt động mình không thích. Bạn có thể lờ chúng đi, giảm thiểu thời gian thực hiện chúng, hoặc thuê người làm. Thuê người có thể mất thêm tiền, nhưng nếu bạn thực lòng không thích việc gì đó, thì đó lại là một cách sử dụng nguồn lực thông minh – mà có khi nguồn lực đó lại là số tiền mà bạn tiết kiệm được thông qua việc chi tiêu ít đi.
Và cuối cùng, khi bạn suy nghĩ về ngày cuối tuần tuyệt vời của mình, hãy tính xem:
4. Những hoạt động đó tốn kém bao nhiêu và bạn cảm thấy như thế nào? Nhiều khi chúng ta tiêu tiền để khiến mình hạnh phúc. Nhưng, theo cách nói của một phụ nữ trong một tờ kế hoạch ngân sách mà cô gửi cho tôi, chúng ta lại thường “mua những thứ vứt đi một cách vô thức.” Bạn tới khu trung tâm mua sắm vì cảm thấy buồn chán. Bạn bỏ ra 50 đô-la để mua những thứ chỉ để vứt trong xó, trong khi cũng với 50 đô-la đó, lẽ ra bạn đã có thể đãi cô em gái một bữa trưa ở nhà hàng mà nó yêu thích, rồi cùng nhau tận hưởng buổi chiều trong một bảo tàng nghệ thuật. Tốt hơn hết, bạn hãy tìm hiểu để chắc chắn rằng điều gì sẽ khiến mình cảm thấy hạnh phúc và nó đòi hỏi bao nhiêu tiền. Sau khi biết được điều này, bạn sẽ biết chính xác số tiền cần có mỗi khi cần nâng cao tinh thần trong tương lai.
Rõ ràng đó cũng là mục đích của Jennie Aguirre khi chọn ngày cuối tuần cuối tháng Giêng năm đó, nó khởi đầu rất thú vị và mỗi lúc một thú vị hơn. Khi chồng cô đi làm về vào ngày thứ Sáu với tâm thế sẵn sàng cho giờ hạnh phúc mà cả hai đã lên kế hoạch, cô định gợi ý đi ăn nhẹ ở nhà hàng sushi yêu thích của cả gia điình (“vì đứa con gái nhỏ 13 tuổi của chúng tôi thích ăn sushi California,” Aguirre nói). Tuy nhiên, trước khi cô kịp nói đề nghị ấy, chồng cô có một thông tin thú vị: bạn bè mới tặng cho anh món quà Giáng sinh muộn: thẻ ưu đãi tại chính nhà hàng đó! Trong khi thưởng thức bữa sushi, Aguirre nghĩ sẽ càng tuyệt vời hơn nếu tới nhà hàng Baskin Robbins để ăn kem. Và thế là cả nhà lại đi ăn kem. Sau đó, họ đưa con gái tới nhà bạn, chồng cô thuê một đĩa phim hành động, còn Aguirre đi gặp đám bạn gái và có một buổi nhảy nhót để đời. Câu lạc bộ đó không có bàn và bán đồ uống đặc biệt tới tận 10 giờ đêm, nhưng vì cô là người lái xe, nên phần uống rượu mạnh chỉ tốn kém một chút thôi. Vậy là buổi tối thứ Sáu của cô tiêu tốn 25 đô-la ở nhà hàng sushi, 9 đô-la tiền kem và 4 đô-la ở câu lạc bộ nhảy (2 đô-la tiền bia và 2 đô-la tiền hoa hồng cho nhân viên phục vụ).
Sáng thứ Bảy, cô ngủ nướng một chút (“thật tuyệt vời!”). Thời tiết đẹp, nên vợ chồng cô đạp xe tới cửa hàng bánh sừng bò yêu thích và họ đã có cơ hội rèn luyện thể lực ngoài trời. Cô nói: “Chúng tôi đã tận hưởng từng giây từng phút trong chuyến đi đó và nói chuyện suốt dọc đường đi.” Họ chi 10 đô-la ở cửa hàng đồ ăn nhanh Einstein Bros Bagel, mỗi người gọi một món đồ ăn sáng ưa thích và cà phê. Sau khi đạp xe trở về, chồng Aguirre đưa con gái và một người họ hàng đi tới trung tâm mua sắm, còn Aguirre thì dành vài tiếng đồng hồ đó để giải quyết đống việc nhà – cô phải dọn dẹp nhà cửa trước khi bạn bè đến chơi và mua đồ ăn nhẹ, nước uống phục vụ cho cuộc chơi game buổi tối (các vị khách cũng sẽ mang theo đồ ăn, nên cô chỉ bỏ ra 30 đô-la để mua bia, đồ làm bánh hạnh nhân và dâu phủ chocolate). Chẳng mấy chốc, bạn bè và gia đình đều về tới nhà và họ bắt đầu chơi Loaded Questions, một trò trong đó người chơi phải đoán ra câu trả lời của người chơi khác đối với những câu hỏi kiểu như “Nếu có thể loại bỏ phát minh nào đó, thì bạn sẽ loại bỏ phát minh nào?” hay “Nhân vật nổi tiếng nào không có tư cách nổi tiếng?” Mọi người ở lại cho tới tận nửa đêm, vừa chơi vừa cười nói, trong khi lũ trẻ chơi trò chơi riêng của chúng trên gác.
Ngày Chủ nhật không khởi đầu như dự định. Aguirre kể lại: “Chúng tôi có kế hoạch đi nhà thờ vào các sáng Chủ nhật và hiếm khi để lỡ” – tham gia các nghi lễ tôn giáo thường xuyên cũng là một nguồn hạnh phúc lớn – “nhưng vì cả hai đều mệt lử từ buổi tối hôm trước nên chúng tôi quyết định ngủ nướng thêm một chút.” Đây là một trong những điều rủi ro của việc lên quá nhiều kế hoạch vào dịp cuối tuần. Trong tương lai, những buổi tối vui chơi của gia đình cô có lẽ đều sẽ phải kết thúc vào lúc 11 giờ đêm. Tuy nhiên, Aguirre nhanh chóng quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, cô tới trung tâm mua đồ giảm giá Dillard vào ngày Chủ nhật đó. Vì tuần tới cô phải đi họp ở Salt Lake nên có vài thứ muốn mua, song chuyến mua sắm này thực ra thiên về trải nghiệm nhiều hơn. Cô có 5 tiếng riêng tư để mua sắm và: “Có lẽ tôi đã thử tới 50 bộ đầm khác nhau, bởi tôi đi một mình nên có thể ở lại bao lâu tùy thích.” Cô chi khoảng 60 đô-la ở đó và 25 đô-la ở một cửa hàng khác.
Trên đường trở về nhà, Aguirre mua 1,3kg càng cua với giá 8,99 đô-la/kg và một quả chanh với một ổ bánh mỳ Pháp. Chồng cô đã kịp mua bánh nhân đào và kem cho bữa tráng miệng, như vậy tổng hóa đơn cho bữa tối đặc biệt này chưa đầy 40 đô-la. Họ nấu càng cua và cùng kết thúc dịp cuối tuần trong vui vẻ.
Trong một e-mail viết cho tôi sau đó, cô nói: “Mọi việc hóa ra còn thú vị hơn tôi tưởng và trong lúc tận hưởng ngày cuối tuần đó, tôi chợt nhận ra rằng những hoạt động mà tôi chọn làm không phải là những gì bất thường, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Bài học tôi rút ra được ở đây là ngày nghỉ của bạn sẽ còn vui vẻ hơn nữa nếu bạn lên kế hoạch thời gian thực hiện nó và chủ động sử dụng thời gian cho nó. Thật hào hứng khi được đi chơi vào tối thứ Sáu, rồi ngóng chờ buổi dã ngoại bằng xe đạp vào sáng ngày hôm sau, tiếp đến là chờ bạn bè và gia đình tới chơi vào buổi tối. Và ngày hôm sau tôi còn đi mua sắm cả ngày nữa cơ đấy!”
Ban đầu, cô gọi cuộc thí nghiệm nhỏ này là “dịp cuối tuần trong mơ”, nhưng rồi vợ chồng cô thấy rằng một cuối tuần trong mơ sẽ là quá phung phí. Có lẽ nó sẽ gồm những trải nghiệm cả đời mới có một lần, như bay tới Paris rồi ăn tối riêng tại Louvre hay điều gì đó tương tự mà tháng sau bạn không thể lặp lại được. Nhưng như kết quả điều tra của nhiều nhà nghiên cứu, hạnh phúc liên quan đến tần suất hơn là mức độ. Theo Aguirre, bài tập này “giúp bạn suy nghĩ về những hoạt động đơn giản nhưng mang lại niềm vui đồng thời không đòi hỏi nhiều chi phí. Nếu sáng tạo, thì thậm chí bạn có thể tận hưởng những niềm vui miễn phí nữa cơ!” Trong bộ phim Groundhog Day (Ngày Chuột chũi) thực hiện năm 1993, nhân vật Phil, một nhà khí tượng học tự hỏi mình sẽ sống ra sao nếu phải lặp đi lặp lại một ngày. Lấy cảm hứng từ đó, Aguirre quyết định biến “Tuần lễ Chuột chũi” thành một truyền thống thường niên của mình. Giờ đây, cô thực sự hạnh phúc khi nghĩ đến những gì mình sẽ thực hiện trong năm tới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.