Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 7 Sự huyền bí của con gà



Tôi lớn lên cùng những cuốn sách viết về khả năng sinh tồn và đặc biệt thích tác phẩm The Boxcar Children (tạm dịch: Những đứa trẻ trong toa hàng), loạt truyện ra đời hồi giữa thế kỷ XX kể về cuộc sống của những đứa trẻ chạy trốn, hầu như không có gì ngoài sự thông minh lém lỉnh. Chúng chọn một toa hàng bỏ đi làm nơi trú ẩn và trang hoàng nó bằng đủ thứ linh tinh sục sạo được từ những đống rác. Những đứa trẻ lớn hơn thì làm các công việc lặt vặt để kiếm tiền và tiêu dè xẻn từng xu. Nhưng cảnh khiến tôi nhớ nhất trong tập đầu tiên là cảnh cậu bé Henry 14 tuổi nuôi em bằng các loại rau củ mót được từ khu vườn của một gã bác sĩ.

Từ lâu tôi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao tôi – và hàng triệu trẻ em khác – lại thích cuốn truyện đó và những cuốn truyện tương tự. Hẳn một vài độc giả ở đây cũng từng có thời mê mẩn Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên với những chi tiết nói về việc gia đình cô bé Laura Ingall xây một ngôi nhà cỏ và dự trữ mùa màng cho ngày đông tháng giá như thế nào. Trong những thế giới văn học như vậy, người ta hầu như không dùng đến tiền. Họ trao đổi với nhau vài đồng xu lẻ ở cửa hàng để mua vải vóc hay muối ăn, nhưng nhìn chung, tiền gần như là một thứ không cần thiết trong đời sống của họ. Những nhân vật của chúng ta tồn tại nhờ vào sự sáng tạo của họ và lòng rộng lượng của những người xung quanh. Họ tự đóng đồ đạc, làm xà phòng, may vá quần áo, vậy nên cuộc sống của họ thân thiện với môi trường hơn những gì mà những người nhọc lòng tới các cửa hàng ngày nay để mua về loại bột giặt chiết xuất từ thảo mộc với giá trên trời. Trong một thế giới phức tạp, có lẽ chúng ta cảm thấy thích thú với đời sống tự lập giản dị của họ.

Tuy nhiên, cùng với sự đổ vỡ gần đây của hệ thống ngân hàng và trào lưu hướng tới một cuộc sống hòa nhã với môi trường hơn, tinh thần tiên phong này lại có dịp trỗi dậy. Chúng ta hân hoan với những nỗ lực tự lao động nhằm tách gia đình mình khỏi nền kinh tế chung. Phong trào xây nhà nông trại xa xưa lại trở thành một mốt thời thượng, tới nỗi blog Người phụ nữ tiên phong của Ree Drummond, vốn thường đăng những hình ảnh dân dã và công thức nấu ăn miền quê, thu hút hàng triệu lượt khách truy cập hàng tháng. Trồng cây để ăn đã thành một phong trào xã hội mạnh mẽ tới nỗi nó tấn công cả vào bãi cỏ ở Nhà Trắng. Trào lưu đổi đồ cho nhau và các hình thức giao dịch phi tiền bạc khác đang lên ngôi với sự hỗ trợ của công nghệ giúp những người có đồ thừa tìm được người muốn thêm đồ. Ở khía cạnh cực đoan hơn, phong trào này còn được ghi lại trên blog Người nội trợ cấp tiến của Shannon Hayes – một bản tuyên ngôn phiên bản năm 2010 cho những người phụ nữ (và/hoặc nam giới) muốn quay trở lại với đời sống gia đình và tạo nên một đời sống gia đình có ý nghĩa hơn so với những hoạt động tẻ nhạt như đưa đón con hay mua sắm mà Betty Friedan đã than vãn trong cuốn The Feminine Mystique (tạm dịch: Sự thần bí của nữ giới). Ý tưởng chính ở đây là các gia đình vẫn có thể phát triển với một nguồn thu nhập (hoặc thậm chí là không có nguồn thu nhập nào) nếu người nội trợ trong gia đình đó học các kỹ năng thời xưa như trồng trọt quy mô nhỏ, làm đồ hộp, chăn nuôi gia súc, may vá, sửa chữa nhà cửa, v.v… Các hộ gia đình này tách mình khỏi “nền kinh tế khai thác” cùng với những thỏa hiệp về mặt môi trường và đạo đức của nó trước nền kinh tế sản xuất. Thông qua những hoạt động sáng tạo, cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa hơn so với cuộc sống của những con người ngày ngày cắm cúi đi làm, mải mê mua sắm và trò tiêu khiển duy nhất là ngồi xem tivi. Những người hạnh phúc nhất không cần phải kiếm được thật nhiều tiền rồi tiêu phóng tay. Họ mãn nguyện với đời sống tự cung tự cấp, với việc dung dưỡng mối liên hệ với đất mẹ.

Cho dù đại đa số chúng ta sẽ không đi xa tới mức từ bỏ hoàn toàn nền kinh tế tiền mặt, song chúng ta vẫn coi tinh thần tự lao động truyền thống xưa kia là một điều có ý nghĩa hơn nhiều so với những sở thích khác, dù chúng cũng thân thiện với môi trường hay tôn vinh sự căn cơ tiết kiệm, như chuyện tỉ mẩn cắt từng phiếu khuyến mại chẳng hạn. Hãy thử nghĩ tới số tiền bạn có thể tiết kiệm được khi tự mình nuôi gà đẻ trứng, tự trồng cà chua và tự may vá quần áo! Nền kinh tế tự túc cũng là một điển hình chống lại xu thế đua đòi, a dua. Qua đó, chúng ta khám phá ra sự tự do và tự tay xây dựng tài sản cho mình – những tài sản mà tất cả tiền bạc trên thế gian này gộp lại cũng chưa chắc đã mua nổi.

Tôi thực lòng tin chúng ta nên dành thời gian và tiền bạc cho những gì khiến mình hạnh phúc – và trong trường hợp của nhiều người, hạnh phúc là nuôi gà, trồng trọt, mày mò sửa chữa hay những việc tương tự. Tuy nhiên, để tiếp nhận trào lưu mà tôi gọi là “sự huyền bí của con gà” này – tức niềm tin gần như một tín ngưỡng rằng tất cả chúng ta đều sẽ tìm thấy ý nghĩa tự thân của một đời sống xanh, không tiền bạc, cũng như việc các bà nội trợ trong cuốn sách của Friedan buộc phải tìm thấy ý nghĩa trong việc lau dọn nhà cửa vậy – cần phải có một số quan niệm nhất định về giá trị của thời gian, tiền bạc và công việc. Dù rất thích cuốn Những đứa trẻ trong toa hàng, nhưng càng suy nghĩ về các quan niệm này, tôi càng lo lắng rằng chúng cũng có những mặt tiêu cực, nhất là trong bối cảnh vai trò của phụ nữ đang thay đổi như ngày nay. Có nhiều cách sử dụng tiền bạc để tôn vinh đời sống giản dị mà không cần phải khước từ những hiệu quả của nền kinh tế hiện đại. Bạn có thể sống một đời sống xanh tràn đầy hạnh phúc trong khi vẫn tận dụng được năng lực của mình ở những lĩnh vực bên ngoài lĩnh vực nội trợ − chẳng hạn như viết một blog về lối sống tiên phong, giúp đem lại cho bạn mức thu nhập lên tới 7 con số mỗi năm, điều mà gia đình Ingall trong Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên chắc hẳn sẽ vô cùng háo hức nếu họ có thể làm được. Trong công cuộc tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc vĩ đại, có vô vàn lý do để chúng ta không phải sống như thời đại của những năm 1870 hay thời kỳ Đại khủng hoảng và cũng có vô vàn lý do để nhớ đến chi phí cơ hội của thời gian khi chúng ta hướng tới một lối sống thông minh về tiền bạc.

XU HƯỚNG CỤC TÁC

Mỗi khi chuẩn bị viết về một đề tài mới, tôi thường nhờ các độc giả trên blog của mình hoặc trên Facebook tìm giúp những trường hợp “người thật việc thật” để minh họa cho đề tài đó. Và đôi khi, công cuộc tìm kiếm này cũng khó như mò kim đáy bể vậy. Song với trường hợp nuôi gà thì lại khác. Gần 5 phút sau khi tôi đăng yêu cầu nhờ tìm người nuôi gà để tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động này, tôi nhận được địa chỉ của hàng chục ứng cử viên, trong đó có những người thoạt nhìn không hề giống nông dân chút nào. Lấy ví dụ là trường hợp của Susan Bredimus sống tại thành phố Tempe, Arizona. Chị làm việc cho một công ty con của Aetna, chuyên ủy quyền cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chị chia sẻ: “Tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ có ngày mình nuôi gà. Nhưng sau sự ra đi liên tiếp của cả mẹ và chồng tôi, cuộc sống của tôi bỗng như chững lại.” Và để khuây khỏa, chị mua về vài chú gà con. “Mục đích ban đầu chỉ là để điều trị tinh thần thôi. Nhưng rồi tôi trở nên yêu mến chúng, chúng thật đáng yêu”, chị nói. Hiện nay, chị đang nuôi 6 con gà ở sâu sau, nơi chúng có thể tắm mình trong ánh mặt trời hay nằm thảnh thơi dưới bóng mát của mấy cây cam. Chúng được chăm sóc rất tận tình. Bredimus được nhiều người biết đến vì chị từng cho gà nghe những giai điệu nhạc bản địa bằng sáo để chúng thư giãn và vào ngày lễ Tạ ơn, chị kéo rèm cửa nhà bếp để chúng khỏi phải chứng kiến cái cảnh tượng tang thương khi chị nhồi thịt con gà tây. Với sự chăm sóc đầy yêu thương như vậy, mỗi con gà đều đặn đẻ một quả trứng mỗi ngày trong suốt cả năm. Lý do nuôi gà rất đa dạng như chính những người nuôi vậy. Trong thời đại tràn lan những nỗi sợ thực phẩm nhiễm khuẩn và mô hình nuôi công nghiệp như hiện nay, một số người muốn biết rõ nguồn thức ăn mà họ tiếp nhận đến từ đâu. Hoặc có những người chỉ đơn thuần tin rằng thực phẩm tươi tự sản xuất tại nhà sẽ tốt hơn. (“Bây giờ tôi thậm chí còn không thể đi ăn sáng ở ngoài nếu hôm đó trứng không ngon”, Bredimus nói.) Số khác muốn có cuộc sống nhẹ nhàng, gần gũi với tự nhiên. Cũng có người muốn chi tiêu ít hơn mỗi khi bước chân tới các cửa hàng thực phẩm. Chị Bridget Lorenz sống tại thành phố Anoka, Minnesota, cho hay, nếu tính cả tiền mua thức ăn cho gà, thì mỗi quả trứng nhà chị có giá 15 xen. “So với các loại trứng bán với giá 99 xen/10 quả, thì chúng tôi không tiết kiệm được gì, nhưng như thế vẫn rẻ hơn so với giá bán của trứng sản xuất theo phương pháp hữu cơ” – trứng gà thả vườn có thể lên tới 4 đô-la/1 chục. Một số người chăm gà tận tâm hệt như đối với các loài vật cảnh khác. Trong ấn bản tháng 3 năm 2011 của tạp chí Martha Stewart Living có bài viết về nông trại rộng lớn ở Kentucky của bác sĩ thú ý kiêm người nuôi ngựa Dede McGehee, trong đó, nhà báo Susan Heeger viết: “McGehee từng có ý định xây một chuồng gà đơn giản dành cho lũ gà, nhưng ông đã thay đổi quyết định khi nhà thiết kế Deborah Ludorf vẽ một phiên bản thu nhỏ ngôi nhà của ông.”Kết quả thu về: một chuồng gà trông như một dinh thự miền quê mà bạn vẫn thấy trong cuốn tạp chí Martha Stewart Living. Jen Boulden, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sạch, từng bán thương hiệu thư thông tin điện tử Ideal Bite cho công ty Walt Disney năm 2008, hiện đang nuôi gà tại sân sau nhà chị ở Bozeman, Montana. “Nhìn chúng thật dễ chịu, như ngắm cá vàng vậy. Chúng chạy lăng xăng trên sân, lúc thì nhặt sâu ở bãi cỏ, lúc thì đớp muỗi bay vo ve trên đầu, thậm chí chúng còn nhảy vào chậu trồng cây mà đẻ trứng nữa kìa,” chị nói. Boulden sống ở cả Bozeman và Los Angeles, chị đang có ý định nuôi thêm gà ở Los Angeles nữa.

Lũ gà là hình ảnh bắt mắt nhất trong phong trào làm nông nghiệp quy mô nhỏ trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, những ai không muốn chăn nuôi có thể theo gương đệ nhất phu nhân Michelle Obama tự trồng rau – thậm chí là trồng ở chậu cây bên cửa sổ. Đôi khi chúng ta làm điều này vì kinh tế hoặc tinh thần hay để tiêu khiển. Đôi khi lại là sự kết hợp của cả ba lý do trên. Năm 2009, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, công ty cung cấp nguyên liệu làm vườn W.Atlee Burpee & Co. thông báo mức tăng trưởng đáng kinh ngạc về doanh số bán hạt giống trồng rau. Barbara Kingsolver còn khiến đời sống nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn nữa với cuốnAnimal, Vegetable, Miracle (tạm dịch: Động vật, Rau củ, Điều kỳ diệu) xuất bản năm 2007, trong đó, chị tường thuật lại một năm chỉ sử dụng các sản phẩm tự trồng. Chị tự nuôi gà tây, tự đóng hộp nước cà chua, tự trồng bí ngô. Tương tự, khi viết về thực phẩm, Michael Pollan hô hào mọi người hãy bước ra khỏi các cửa hàng, vì hầu hết những sản phẩm bày bán ở đó đều bắt nguồn từ hệ thống sản xuất công nghiệp. Phong trào tân trang đô thị cũng khuyến khích người dân xây dựng nông trang ở những khu đất trống khắp nơi từ Philadelphia cho tới Detroit. Rich Awn, người dẫn chương trình Bầu không khí xanh phát trên các kênh radio của CBS trên toàn quốc, sinh sống ở Greenpoint, Brooklyn; hiện anh cũng đang trồng trọt trên mảnh sân sau bé xíu nhà mình. Tuy chật hẹp, song nó cũng cung cấp cho anh đủ “một quả cà chua cho mỗi bữa trưa hàng ngày” và thậm chí còn dư để cho hàng xóm. Anh chia sẻ: “Tôi rất thích trồng trọt và quan sát tiến trình của cuộc sống, theo dõi những hạt giống bé nhỏ phát triển ra sao cho đến khi ra quả.”

Awn cũng đi đó đây tìm kiếm thức ăn – một kỹ thuật của Những đứa trẻ trong toa hàng mà người ta giờ đây đang bắt chước để có thể kiếm được đồ ăn mà không cần đặt chân tới siêu thị. Rebecca Lerner, một nhà báo mới hơn 20 tuổi sinh sống ở Portland, Oregon, vừa thực hiện một số thử nghiệm tìm kiếm nguồn thức ăn tự nhiên trong thế giới hiện đại. Cư dân bản địa ở Portland từng sống theo cách đó, nên cô cho rằng việc này khả thi. Nhưng thật không may, cuộc thử nghiệm đầu tiên của cô hồi tháng 5 năm 2009 lại không mấy suôn sẻ. Cô chia sẻ: “Mọi việc không hề đơn giản chút nào. Bạn phải có kế hoạch hẳn hoi.” Khi chỉ tiêu thụ các loại rau củ quả, con người sẽ cần một lượng thực phẩm lớn, vì lý do này mà Lerner đoán những người bản xứ vốn sống bằng săn bắn và hái lượm cũng phải phụ thuộc vào cộng đồng, trong đó có những người chuyên cung cấp một loại thực phẩm nhất định. Họ cũng phải xây dựng những hầm chứa rau quả dự trữ. Mùa màng cũng rất quan trọng, nên theo Lerner: “Họ rất hay tích trữ đồ ăn, vì làm sao có thể sống theo kiểu gặp chăng hay chớ được.” Họ thu lượm rồi bảo quản các loại hạt và củ quả. Vì không biết đến điều này, nên trong lần thử nghiệm đầu tiên, cô tìm cách sống nhờ tự nhiên trong một tuần nhưng không thành công. Cô kể lại: “Lúc đó tôi gặp gì ăn nấy. Tôi ăn cây bồ công anh, cỏ anh thảo, rễ cây ngưu bàng, rễ cây kê – tất cả đều cung cấp lượng calo rất thấp. Tôi mất hàng tiếng đồng hồ sục sạo đồ ăn, thậm chí phải đào cả rễ cây lên, vì thế nên rất tốn sức và mất thời gian; cuối cùng hầu như tôi chỉ ăn xà lách và uống trà.” Sau một vài ngày, cô kiệt sức và bị hoa mắt chóng mặt nên đành bỏ cuộc.

Nhưng rồi cô nghiên cứu thêm và bắt tay vào cuộc thử nghiệm lần thứ hai hồi tháng 11 năm 2009. Lần này, mục tiêu của Lerner đa dạng hơn, gồm cả quả óc chó, hạt dẻ, hạt phỉ, quả wapato (một loại cây thân củ mà đôi khi vẫn được gọi là “khoai tây Anh-điêng”) và nấm dại. Cô còn nhờ cả bạn bè giúp đỡ, nên vấn đề ăn uống diễn ra khá thuận lợi. Lerner tin rằng “việc tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên chính là sợi dây gắn kết chúng ta với mục đích sống của chính mình trên trái đất này – nó mang lại cho chúng ta cảm giác gắn bó mạnh mẽ với trái đất theo một cách mà những ý tưởng siêu hình rao giảng những bài học đạo đức về môi trường, hay thậm chí là vẻ đẹp của những khu rừng, cũng không thể làm được.

Tự sản xuất hay tự tìm thức ăn là một hoạt động tiếp theo bổ sung cho một loạt các phương thức sinh sống khác nhau mà không liên quan đến nền kinh tế tiền bạc, ví như hoạt động đồ đổi đồ, một cách thức giao dịch cổ xưa. Tuy nhiên, khó khăn của nó là nó yêu cầu phải tạo ra được “sự trùng hợp về nhu cầu.” Giả dụ bạn có một con bò muốn trao đổi, nhưng biết đâu bạn lại không cần món đồ mà người thứ hai muốn đổi cho bạn. Song, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hay kinh nghiệm trở nên khả thi hơn. Chẳng hạn, trang web couchsurfing.org giúp những người muốn đi du lịch ít tốn kém và thích chia sẻ tìm được những người chủ nhà thích bầu bạn và nhà có đủ chỗ để mời khách ở tạm. Mới đây, tôi có gặp nhà báo Matthew Winkler. Anh tự dạy đứa con trai lớp 6 học bằng cách đưa con đi khám phá toàn bộ 50 bang trên đất Mỹ trên ván trượt và tìm những vị chủ nhà hào phóng tại mỗi bang để ở nhờ. Theo tường thuật của Winkle trên trang web 50skatekid.com, toàn bộ chuyến du hành chỉ tốn vài nghìn đô-la. Dựa theo ý tưởng trên blog Người nội trợ cấp tiến, cuộc thử nghiệm bước một chân ra khỏi nền kinh tế tiền mặt này giúp gia đình Winkle sống thoải mái với một nguồn thu nhập (của vợ anh) trong khi vẫn mang lại cho hai bố con những kỷ niệm mà họ sẽ mang theo suốt đời.

Các trang web khác thiên về trao đổi những món hàng truyền thống hơn. Trang swap.com sử dụng một thuật toán để khớp những “sự trùng hợp về nhu cầu” từ hàng nghìn người sử dụng và nhờ đó, họ có thể trao đổi sách cũ, đĩa DVD cũ mà không phải mua đồ mới. Tương tự, trang thredUP.com giúp các bậc phụ huynh trao đổi quần áo cũ của con mình. Carly Fauth, một nhân viên của thredUP và là mẹ của một bé trai lên 1 tuổi, cho biết: “Thực sự từ trước tới giờ, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện đổi đồ cho ai, nhưng đây quả là một ý tưởng tuyệt vời đối với lũ trẻ. Trước kia, tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua quần áo cho con, nhưng trong 8 tháng qua, tôi chưa hề chi một đồng nào, nhờ đó tôi tiết kiệm được khối tiền.” Đây cũng có thể là một cách giúp giảm chi phí biên khi nuôi trẻ, dù bạn chỉ có một nhóc tỳ.

Một số người lại tìm cách tránh dây dưa với tiền bạc bằng việc trao đổi dịch vụ. Nếu thực hiện theo đúng luật pháp, thì yếu tố tiền mặt vẫn phải xuất hiện. Theo Cục thuế nội địa (IRS), cả hai bên khi tham gia vào một giao dịch trao đổi đều phải thông báo giá trị thị trường hợp lý của các dịch vụ mà họ nhận về và coi đó là một dạng thu nhập, tức họ sẽ phải nộp thuế dựa trên số tiền này. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một trong những quy định thuế đáng lên án nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, bởi IRS không cử người kiểm tra xem liệu có đúng là một người dân nhận trông trẻ cho hàng xóm để đổi lấy dịch vụ thiết kế nội thất của người đó hay không.

Dù gì đi nữa, nếu một gia đình áp dụng tất cả những phương pháp trên, thì bạn sẽ thấy tại sao người ta có thể sống với một nguồn thu nhập vô cùng ít ỏi. Rich Awn kiếm đủ tiền hàng tháng để trả tiền thuê nhà bằng cách cho thuê phòng thừa, thi thoảng làm môi giới bất động sản và nhiều công việc khác. Nhưng anh “cố gắng sống tách biệt khỏi tiền bạc càng nhiều càng tốt” bằng việc tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên, trồng trọt và trao đổi loại trà thủy sâm kombucha, tự ủ lấy các loại hàng hóa, dịch vụ cần dùng. Anh cho biết: “Tiền bạc khiến con người trở nên kỳ quặc. Nó khiến họ trở nên tham lam và hành xử khác lạ. Trong bất kỳ dự án nào mà tôi tham gia, cứ hễ có hơi tiền ở đó là ai cũng muốn tranh phần.” Blog Người nội trợ cấp tiến đăng rất nhiều câu chuyện về những gia đình chỉ sống với 30.000 đô-la/năm hoặc ít hơn (đôi khi họ không đóng cả bảo hiểm y tế cho người lớn) nhờ tự sản xuất đồ ăn, tự may vá quần áo và dùng những gì họ có để đổi lấy những thứ họ cần. Shannon Hayes viết: “Tiền bạc trở thành một vật thừa thãi nếu một gia đình có thể tạo nên đời sống tự cung tự cấp và cộng đồng xây dựng được nền văn hóa hỗ trợ lẫn nhau. Phần lớn người dân Mỹ hiện nay đã để mất những kỹ năng nội trợ đơn giản, giúp họ có được một đời sống hòa nhã với hệ sinh thái với một nguồn thu nhập khiêm tốn.”

MUA THỜI GIAN

Có lẽ vì quá yêu Những đứa trẻ trong toa hàng và Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên mà tôi đã học được từ những cuốn truyện này rất nhiều kỹ năng nội trợ. Khi còn bé, có lần tôi tự tay đóng một ngôi nhà búp bê. Hồi tôi học lớp 7, cô giáo dạy môn kinh tế gia đình nói trước lớp rằng cô chưa từng thấy ai khâu cúc áo khéo như tôi. Tôi đã biết ninh xương gà làm nước dùng, học cách nấu dư để dự trữ, dùng kỹ năng may vá sửa chữa những bộ quần áo lùng được từ các cửa hàng đồ cũ và sống không cần ô tô dù nếu có nó thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều. Khác với những người thích tự lao động khác, việc tôi làm đôi khi không chỉ nhằm mục đích tiêu khiển. Những kỹ năng đó đã giúp tôi sống sót với chưa đầy 1.000 đô-la/tháng trong thời điểm cần thiết. Với những người làm nghề viết lách như tôi không nên kỳ vọng nhiều vào các khoản thu nhập cao ngất ngưởng. Chính lối tư duy như Những đứa trẻ trong toa hàng đã giúp tôi nhận ra từ khi còn trẻ, tôi có thể sống thoải mái mà không cần có việc làm ổn định. Chính vì thế mà tôi thấy được nét hấp dẫn từ sự huyền bí của con gà, không phải chỉ về khía cạnh sở thích, mà trên khía cạnh lối sống. Một số hoạt động nội trợ mang lại niềm vui vì bạn có thể cùng làm với cả gia đình; chẳng hạn, lũ trẻ nhà tôi trồng rau với bà ở sân phía sau nhà. Tôi hy vọng rằng nhờ việc này tụi trẻ sẽ có động lực để ăn rau nhiều hơn.

Nhưng sự phát triển của niềm tin vào sự huyền bí của con gà làm dấy lên những câu hỏi ở chiều rộng hơn: tiền là gì, nó làm gì và chúng ta xác định giá trị của nó như thế nào – đây là những câu hỏi mà tôi không nghĩ tới khi 23 tuổi, bởi lúc đó tôi không có nhiều nhu cầu và hoàn toàn yên ổn với một chương trình bảo hiểm y tế hạn chế (nhưng tới giờ tôi đã nhận thấy nó sẽ là một mối rắc rối lớn nếu có gì không hay xảy ra).

Đối với một số người theo chủ nghĩa tự cung tự cấp, tiền bạc là thứ phải tránh bất kỳ khi nào có thể bởi cái mà nó đại diện. Những người đi theo quan niệm sự huyền bí của con gà thường trích dẫn câu nói của Thoreau rằng: “Chi phí của một thứ là hàm lượng cuộc sống cần phải bỏ ra để đánh đổi lấy nó, có thể là trước mắt, có thể là trong tương lai lâu dài.” Và nếu bạn tin Awn, thì tiền bạc khiến con người ta trở nên kỳ quặc. Nó buộc chúng ta phải lao mình vào cuộc mưu sinh, làm nô lệ cho đồng tiền. Tuy vậy, rõ ràng đây là một thứ giá trị mà chúng ta gán cho đồng tiền thay vì cho giá trị tự thân của những đồng xu. “Mảnh giấy ấy” – đồng tiền, nếu tách biệt thì nó cũng vô hại như cái cúc áo hay tấm thiệp mừng mà thôi.

Suy cho cùng, tiền tệ là một phát minh xuất sắc, vì nó giúp truyền tải ý nghĩa trừu tượng như vậy trong những thứ có thể dễ dàng tạo ra. Con người bắt đầu dùng kim loại làm tiền bạc từ năm 5.000 trước công nguyên, còn tiền giấy đã được lưu hành ở Trung Quốc từ hơn một nghìn năm. Nước Mỹ cũng bắt đầu áp dụng phương thức giao dịch này trong giai đoạn Nội chiến. Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc xây dựng hệ thống ngân hàng năm 1865 và áp thuế lên các loại tiền tệ lưu hành trong nhà nước, chủ yếu nhằm ngăn chúng trở thành những vật sinh lợi, từ đó dẫn tới một loại tiền tệ chung trong toàn quốc (tuy rằng loại tiền tệ này dao động như ngựa mất cương). Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 thiết lập một đơn vị có thẩm quyền (chính là Cục Dự trữ Liên bang − FED) nhằm cân bằng tình trạng này. Dĩ nhiên, cũng có người chỉ trích sự tồn tại của FED, nhưng quả thực cuộc sống đã trở nên thuận tiện hơn nhiều với loại tiền tệ nhỏ gọn, lưu hành toàn quốc và tương đối ổn định. Ở nước Mỹ này, người ta thậm chí còn có thể ra mức giá cụ thể cho mọi thứ! Từ những chuyến du lịch tới Morocco và nhiều nơi khác, tôi thấy rằng mặc cả là một quá trình mệt mỏi. Và cho dù, như Awn nói, tiền bạc khiến người ta trở nên tham lam, thì nó vẫn là một phương thức phân bổ nguồn lực hết sức hiệu quả. Thay vì nhọc nhằn kéo chiếc xe chở hàng lít nước thủy sâm đi bán, bạn có thể mang theo chiếc ví mảnh mai xinh xắn – và ngày nay, thậm chí bạn chỉ cần mang theo thẻ tín dụng là xong. Trên thực tế, hiệu quả của tiền lớn tới nỗi, dù bạn quyết tâm không dùng đến nó và tìm cách thoát khỏi nó thì bạn vẫn phải trả giá bằng một thứ khác: thời gian.

Vấn đề với sự huyền bí của con gà nằm ở chỗ thời gian cũng có giá trị của nó. Và theo như tôi thấy, thường thì thời gian có giá trị hơn số tiền mà bạn tiết kiệm được – hay sự hài lòng trước mắt có được do sử dụng tiền. Khi nói về hoạt động tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên, Rebecca Lerner nói: “Nó không miễn phí, chỉ là không phải trả tiền thôi.”

Cô đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi: liệu việc tự lùng kiếm thức ăn có giúp cô tiết kiệm được tiền hay không và tâm trí cô vẫn chưa dừng lại ở một câu trả lời nào cụ thể. Ngay cả khi cô rất thành công trong việc tìm kiếm thức ăn, thì quá trình thu lượm nào cỏ cây, nào hạt, nào quả cũng ngốn mất hàng giờ mỗi ngày. Lerner chia sẻ: “Việc xử lý đống hạt dẻ tốn thời gian khủng khiếp.” Sau khi lượm hạt dẻ về, bạn phải tách vỏ rồi phơi khô, sau đó đem nhúng vào nước để làm tan vị chát, rồi lại tiếp tục phơi khô và nghiền thành bột rồi mới sử dụng được. Quá trình này mất đến mấy ngày. Dù kiếm được bao nhiêu đi chăng nữa, thì dễ gì bạn đã dành được lợi thế, nếu xét đến yếu tố thời gian. Lerner cho hay: “Bây giờ tôi coi như mình đã phá sản”, nhưng với tư cách một cư dân đô thị, cô vẫn không cho rằng tự tìm kiếm lương thực từ tự nhiên là một nguồn cung cấp calo duy nhất. Với cô, đúng hơn, nó là một nguồn thức ăn bổ sung – và cô vẫn tiếp tục viết về nó ở blog FirstWays.com của mình. Cô chia sẻ: “Tôi thấy vui khi chợt nhìn thấy cụm cỏ bên đường phố vì nghĩ rằng: ‘Ồ, mình có thể hái chúng về cho vào món salad’”. Cô mở rộng hoạt động của mình bằng cách đăng tải trên trang web rao vặt Craigslist những quảng cáo về dịch vụ nhổ cỏ miễn phí, hay nói với quản lý các công viên về những loài côn trùng gây hại mà họ muốn loại bỏ, hoặc kết bạn với hàng xóm qua những mảnh sân màu mỡ. Cô cũng cho rằng chính quyền các thành phố nên trồng thêm nhiều loại cây ra trái hoặc hạt ở những địa điểm công cộng, bởi điều đó giúp mang lại một không gian gần gũi với không gian mà những người Mỹ bản địa đã tạo nên.

Nhưng nhìn chung, chỉ riêng lượng thời gian cần phải bỏ ra cũng đã đủ để khiến chúng ta dừng chân. Hay nói cách khác: dù chỉ nhằm bổ sung cho bữa ăn, thì những người chọn cách tìm nguồn thức ăn tự nhiên vẫn phải dành hàng giờ suy nghĩ về thức ăn. Cái hay nhất của việc sử dụng tiền để mua thực phẩm từ những người chuyên sản xuất hay chuyên buôn bán thực phẩm là nhờ vậy mà chúng ta có thời gian tư duy về những việc khác, như khoa học, công nghiệp, v.v… Nền văn minh sở dĩ có được là nhờ vậy.

Tương tự, việc trồng trọt cũng đòi hỏi hàng giờ chăm bón đất đai, gieo hạt, chăm cây và thu hoạch. Một nông trại thương mại sẽ có được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, trong khi một nông dân tự trồng trọt sau vườn sẽ không có được điều đó. Trong giai đoạn Đại khủng hoảng, người ta có rất ít sự lựa chọn. Vì không có những khoản hỗ trợ xã hội, nên khi người trụ cột trong gia đình bị thất nghiệp, đó sẽ là một rủi ro lớn. Vậy nên, những bậc phụ huynh thời đó tự khâu vá quần áo cho con cái từ những bao đựng đồ ăn bằng vải, hồ quần áo bằng nước luộc khoai tây, tận dụng từng mảnh xà phòng vì họ không thể mua được miếng xà phòng mới và tự nghiền ngô để làm bánh – tất cả những hoạt động này đều hữu ích, trừ những trường hợp như mùa màng thất bát. Và khi đó, bất ổn xã hội nổi lên: người lao động di cư (như trong tác phẩm Chùm nho phẫn nộ) chuyển tới California, hay người lao động di cư Ireland tìm cách trốn chạy khỏi nạn đói khoai tây. Mặc dù ngày nay sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp và phiếu thực phẩm cũng đã là khó khăn, song ít ra những hỗ trợ xã hội như vậy cũng còn cho phép người ta duy trì vị trí của mình trong nền kinh tế tiền tệ − và rõ ràng những hỗ trợ đó hiệu quả hơn nhiều so với những gì mà người nông dân châu Á hay châu Phi nhận được (có thể coi đây là một so sánh cận cảnh với cuộc sống của người dân Mỹ trong giai đoạn Đại khủng hoảng, hay với những gì mà gia đình Ingalls cho là bình thường). Cứ mỗi lần có ý định lãng mạn hóa mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ là tôi lại tự nhắc nhớ rằng trong lịch sử, nhiều đứa trẻ thông minh – trong đó có cả ông tôi – phải nghỉ học vì công việc đồng áng cần tới lao động của chúng. Nền kinh tế chuyên nghiệp hóa có thể có những bất lợi riêng, song nền kinh tế nông nghiệp, phi tiền tệ trước đây cũng đã làm lãng phí rất nhiều nguồn nhân lực.

Một số người có thể lên tiếng rằng chính sách hỗ trợ xã hội ở Mỹ là rộng rãi, nên về lý thuyết, hoạt động làm vườn quy mô nhỏ chỉ là một cách giúp nâng cao giá trị của việc chuyển giao thu nhập mà thôi. Nhưng ngay cả khi người ta không cần phải đi kiếm việc làm, thì vẫn không có cơ sở để khẳng định rằng tự sản xuất lương thực là một biện pháp hữu hiệu. Một đàn gà nhỏ có thể đẻ cho bạn hai chục quả trứng mỗi tuần. Trứng gà thả vườn có giá 4 đô-la/chục, còn trứng gà công nghiệp khoảng 1 – 2 đô-la/chục. Nhưng mức lương tối thiểu ở Mỹ là 7,25 đô-la/giờ. Nếu bạn có thể kiếm được 6 đô-la/giờ, thì công việc chăm gà sẽ chỉ được phép chiếm chưa đầy 1,33 giờ/tuần để có thể tạo ra lợi ích kinh tế so với việc mua trứng gà thả vườn – mà đó là chưa tính đến chi phí ban đầu vốn không có mức nào cụ thể.

Vậy những hoạt động “phi tiền tệ” này chiếm bao nhiêu thời gian? Các nhà nghiên cứu về việc sử dụng thời gian phát hiện ra, con người rất tệ trong việc ước tính thời gian họ bỏ ra cho những hoạt động như chăm sóc thú cưng hay mua sắm thực phẩm và quả thực, câu trả lời tôi nhận được từ những người nuôi gà cũng vô cùng đa dạng. Bridget Lorenz cho biết: “Không mất nhiều thời gian đâu, chắc chỉ từ 5-10 phút mỗi ngày để làm tất cả các công việc như cho gà ăn, uống nước, nhặt trứng, rửa trứng, rồi đánh dấu ngày lên chúng. Rồi mỗi tuần một lần (hoặc hai tuần/lần) thì dành ra 20-30 phút để dọn chuồng.” Với cô, sự lao động này đôi khi rất thú vị, nhưng không phải lúc nào cũng vậy: “Tôi rất thích khi nhìn lũ trẻ hào hứng nhặt trứng và chơi đùa cùng đàn gà vào mùa xuân năm ngoái. Nhưng thật tệ khi phải lê mình ra khỏi nhà vào những buổi sáng thứ bảy lạnh cóng để mang nước cho chúng uống hay lôi những sợi rơm hôi hám ra khỏi chuồng.” Stephanie Jaquez Miller ước tính gia đình cô dành 8 tiếng mỗi tuần để chăm sóc gà: “Trung bình chúng đẻ 4 quả trứng/ngày vào mùa đông, nhưng vào mùa xuân và hè, chúng có thể đẻ tới 12 quả mỗi ngày.” Nhưng ngay cả trong trường đó, nhìn từ góc độ tiền bạc thu về so với thời gian bỏ ra, thì một giờ lao động/ngày chỉ có giá trị khi bạn cho rằng thời gian của bạn không có gì đáng giá.

Một số người cho rằng yếu tố thuận tiện và tiết kiệm của hình thức hàng đổi hàng hiện đại cũng đang bị khuếch trương quá mức. Calee Lee, bà mẹ của hai đứa con nhỏ, cho hay: “Tôi từng một lần sử dụng trang web thredUP, nhưng tôi rất ghét phải ra bưu điện chuyển đồ.” Sau lần đó, cô quyết định rằng tốt hơn hết là đi xin quần áo cũ của người khác và cho đi quần áo cũ của mình mà không cần dùng đến dịch vụ bưu chính. Ngay cả hoạt động đổi đồ cũng rắc rối, đó là chưa tính đến việc bạn phải trả thuế cho nguồn thu nhập tương ứng (mà vì chuyện này nên lợi thế tiết kiệm của nó đâu còn nữa). Lee nói: “Tôi từng đổi dịch vụ thiết kế đồ họa và in ấn lấy dịch vụ dọn dẹp nhà cửa. Nhưng tôi thấy rằng, khi không xuất hiện tiền tệ − dù là những tấm danh thiếp tôi làm ra còn giá trị gấp mấy lần so với một buổi dọn dẹp nhà cửa – thì người ta có xu hướng ít giao lưu trực tiếp hơn.”

Như vậy, đời sống phi tiền tệ đòi hỏi ở bạn rất nhiều thời gian. Theo tôi, điều này quan trọng – dù rằng tôi rất say mê những cuốn truyện nói về đời sống sinh tồn và dù tôi hiểu rằng bản thân việc đan lát hay nuôi gà đều là những hoạt động tiêu khiển thú vị. Chúng ta có thể kiếm thêm tiền, nếu đó là một ưu tiên trong gia đình. Nhưng không ai có thể kiếm thêm thời gian được. Ai cũng có 168 tiếng mỗi tuần và không ai có thể đầu tư thời gian vào cái gì nhiều hơn thế. Một trong những phát hiện lớn của tôi khi thấy cuộc sống của mình cứ ngày một bận rộn hơn là: sau khi đã cắt giảm những hoạt động làm lãng phí thời gian như xem tivi và lướt web, thì tiền bạc có thể giúp tôi mua lại một phần trong số 168 giờ đó vốn để dành cho những công việc lặt vặt, vì thế tôi có thể dành chỗ thời gian ấy để làm những việc có ý nghĩa với tôi hơn, mà đứng đầu danh sách này là những việc khai thác được năng lực chính của tôi như: chăm sóc gia đình, viết về những đề tài tôi cảm thấy hứng thú, duy trì sức khỏe (chủ yếu là chạy bộ và ngủ đủ giấc) và tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Nói thế không có nghĩa là tôi không cho rằng việc tự trồng trọt, tự may vá quần áo là vô nghĩa, ý của tôi ở đây là những việc đó ít ý nghĩa với tôi hơn so với việc tôi có thể tận dụng các tài năng của mình. Nếu phải nuôi gà, tôi sẽ không còn thời gian để viết về những người nuôi gà. Nếu ngồi đóng hộp và bảo quản thực phẩm, thì tôi sẽ không còn thời gian để chạy bộ và làm tình nguyện. Trên lý thuyết, có thể để lũ trẻ ở nhà thực thi mô hình tự cung tự cấp này, nhưng nếu chúng còn quá nhỏ, thì có thể hiệu quả đạt được sẽ không cao. Rất có thể bạn lại phải chạy ra cửa hàng mua cà chua vì cậu nhóc tuổi mẫu giáo ở nhà đã “thu hoạch” vụ mùa trước khi cà chua kịp chín. Bạn có thể phát điên lên vì chuyện đó ấy chứ, nhưng mặt khác, bạn cũng có thể biết ơn vì nền kinh tế hiện đại cho phép chúng ta có được cà chua bất kỳ lúc nào mình muốn  do đó, hạn chế những căng thẳng với con trẻ trong nhà.

Dĩ nhiên, sở dĩ tôi chọn lối sống này vì tôi thích sử dụng mọi năng lực của mình, kể cả chuyện đi làm kiếm tiền. Điểm mấu chốt đối với quan niệm về sự huyền bí của con gà là việc dành thời gian tự sản xuất lương thực hay đồ đạc là một hoạt động thú vị hơn những việc khác mà người ta có thể làm để kiếm được lượng tiền tương ứng – hoặc nếu không thú vị hơn thì ít ra là cũng có ý nghĩa hơn, tương tự như việc nuôi con thì có ý nghĩa hơn là có thêm thời gian tiêu khiển (dù rằng xem tivi vẫn thích hơn thay tã cho trẻ). Điều này là đúng đối với một số người. Bridget Lorenz tâm sự: “Vì tôi lớn lên cùng những vật nuôi trong trang trại, nên tôi cũng muốn con cái mình có cơ hội chăm sóc loài vật và hiểu được rằng nguồn thực phẩm của chúng đến từ đâu. Chúng hiểu được vòng đời của những con gà và hiểu ra rằng thức ăn không đến từ các cửa hàng, mà có những người đang phải làm việc vất vả để mang cái ăn đến cho chúng ta và các loài vật đã hy sinh mạng sống của chúng cho con người ra sao. Đó là một phần trong việc dạy chúng lòng biết ơn và sự lưu tâm.”

Tôi cũng ngưỡng mộ lòng biết ơn và sự lưu tâm. Song chúng ta có thể học hỏi về đời sống loài vật, về đồ ăn thức uống, về sự chăm chỉ theo nhiều cách; tương tự, chúng ta có thể rút ra ý nghĩa từ vô vàn điều khác nhau trong cuộc sống – trong đó có cả công việc ta làm để nhận lương. Điều phức tạp chính của quan niệm về sự huyền bí của con gà – ít nhất là ở những trạng thái cực đoan của quan niệm này – là không phải mọi công việc đều là sự tiêu tốn thời gian vô ích, là những hình thức lao động cực nhọc mà những người phụ nữ thông thái nên giảm thiểu hoặc tránh bằng mọi giá. Ngay cả những người ủng hộ cho chủ thuyết sự huyền bí của con gà cũng thừa nhận điều này. Shannon Hayes viết: “Không phải tất cả mọi nghề nghiệp đều hủy hoại linh hồn bạn (nếu đúng thế thì hẳn là tôi sẽ không bỏ ra nhiều thời gian đến thế để viết nên cuốn sách này).” Và không phải mọi hoạt động tề gia nội trợ đều góp phần khiến đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú hơn. Như Betty Friedan đã nhận ra trong cuốn Sự thần bí của nữ giới, chúng ta trở nên những con người hoàn thiện khi mà chúng ta làm những việc giúp thay đổi thế giới. Thứ “rắc rối không tên” này, như cách gọi của Friedan, nằm ở chỗ việc nội trợ chưa bao giờ đem đến sự thỏa mãn cho chúng ta, ngoại trừ những người muốn lập công ty chuyên về dọn dẹp nhà cửa. Bạn có thể sử dụng những thiết bị tối tân, song hành động hút bụi cho cái thảm vẫn chỉ là hành động hút bụi cho cái thảm mà thôi trừ khi bạn lồng vào đó những mục tiêu cao cả hơn. Đây chính là điều mà lối sống theo sự huyền bí của con gà mang lại cho con người. Bạn đâu chỉ nấu một bữa ăn đơn thuần, bạn đang làm cho thế giới này tươi đẹp hơn vì bạn tự nuôi trồng mọi thứ phục vụ cho bữa ăn đó! Bạn tự làm xà bông đâu phải chỉ để tiết kiệm tiền, mà bạn đang góp phần làm giảm lượng phát thải khí CO₂, do đó bạn đang giải cứu cả thế giới này đấy! Hayes cho biết, những người nội trợ cấp tiến không chỉ ru rú nơi xó nhà. Họ dẫn đầu các chiến dịch đòi thay đổi luật pháp nhằm hợp pháp hóa hoạt động nuôi gà ở thành thị, hoặc họ gây sức ép yêu cầu các công ty phải thay đổi thông lệ hoạt động của mình. Lý tưởng nhất là mỗi gia đình là một “trung tâm diễn ra sự thay đổi trong xã hội, là xuất phát điểm để từ đó một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với tất cả mọi người.”

Nhưng hãy nghĩ mà xem: nuôi gà, may vá – tất cả những hoạt động này đều không phải là phương pháp hiệu quả khi bạn muốn thực hiện một mục tiêu cao cả hơn và đóng góp nhiều hơn về mặt tài chính. Nếu bạn muốn theo đuổi một mục tiêu cao cả và cũng muốn hỗ trợ tài chính cho gia đình mình, thì có gì sai khi tìm một công việc giúp bạn thực hiện điều đó? Bạn sẽ góp ích cho môi trường nhiều hơn nếu sử dụng thiết bị công ích so với việc tự làm vườn. Bạn có thể tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội từ những thay đổi diễn ra bên trong những tổ chức hay doanh nghiệp: thay đổi cơ chế vận hành của một công ty may lớn để cải thiện đồng lương cho công nhân, thiết kế chương trình học cho hệ thống giáo dục nhằm khuyến khích lối tư duy độc lập, mua sách ở nhà xuất bản để truyền bá ý tưởng về sự công bằng trong xã hội. Nhưng để làm được tất cả những công việc này, bạn phải là một phần trong nền kinh tế chung. Bạn phải sử dụng thời gian và năng lực của mình để chinh phục những tổ chức hiện hành. Và chắc chắn, đó là cả một thách thức. Nhưng kết quả mà nó mang lại có thể còn tiến bộ hơn những gì mà người ta có thể đạt được qua những con gà cục tác ở sân sau.

THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Tôi biết nhiều người tham gia trồng trọt, nuôi gà chỉ để cho vui chứ không nhằm tuyên ngôn chính trị gì cả. Và như thế là đủ − chúng ta nên dành thời gian và nguồn lực cho những việc mình thích. Một số người thích làm vườn, số khác thích nghiên cứu phả hệ gia tộc, số khác thích chơi piano và cũng có người thích xem các chương trình thể thao trên tivi. Câu hỏi đặt ra ở đây là: nếu chúng ta cho rằng cách sử dụng thời gian tốt nhất là làm những công việc mình yêu thích và chăm lo cho gia đình, bản thân chứ không phải ngồi tỉ mẩn đóng từng hộp cà chua, vậy làm sao để có thể sử dụng tiền bạc một cách ổn định? Nếu bạn cho rằng các nhà máy trang trại, các đồ thực phẩm sản xuất hàng loạt, cùng nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác là những thứ khiến con người phải nhân nhượng về môi trường và đạo đức, vậy làm sao để bạn có thể tiêu tiền mà vẫn không phải đi ngược lại với những giá trị của mình? Bạn có thể làm điều đó mà không phải hy sinh những hiệu quả của nền kinh thế thị trường cũng như khả năng tận dụng các năng lực của mình để đạt hiệu quả cao nhất không?

Theo tôi, đối với tiền bạc, trước tiên hãy ứng xử với tâm thế của một nhà quản lý cẩn trọng. Tại sao lại mua những thứ bạn không cần, hoặc thậm chí là những thứ bạn muốn? Xét về lâu về dài, trải nghiệm mới là điều mang đến hạnh phúc cho chúng ta chứ không phải vật chất, trừ khi có một mối liên hệ rõ ràng từ vật chất tới một kỷ niệm vui vẻ, chẳng hạn như ngồi đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên với lũ trẻ. Nếu đồ vật đó đòi hỏi bạn phải nhọc công đóng gói, thì tốt hơn hết, hãy cân nhắc cẩn thận trước khi rước nó về.

Nhưng nhìn rộng ra, cách tiếp cận tốt nhất lại là hãy tìm hiểu thật kỹ nền kinh tế xung quanh. Có nhiều lý do để làm thế, nhưng ích lợi của việc làm này là nếu tìm hiểu cách sản xuất hàng hóa, bạn sẽ biết được những người thực hiện công việc đó. Quá trình này không mất quá nhiều thời gian của bạn đâu. Nếu mỗi tuần bạn đi mua thực phẩm hai lần, thì hãy dành một lần tại siêu thị và một lần ở chợ. Hoặc đặt mua thực phẩm từ những nguồn bạn tin tưởng (chẳng hạn, độc giả nào sống ở phía tây vùng Bắc Carolina có thể tìm đến Chợ thực phẩm tươi của Tim Will mà tôi nhắc tới trong chương 3). Giá cả sẽ đắt hơn, nhưng nếu bạn đang có một công việc ổn định mà bạn thực lòng yêu thích, thì chắc chắn bạn sẽ có đủ khả năng để mua chúng. Hãy mua quần áo từ những hiệu may có thể cho bạn biết họ lấy nguồn vải từ đâu; và mua đồ nội thất của những bác thợ thủ công. Bằng cách này, họ có thể tập trung vào những việc họ có khả năng làm tốt nhất, còn bạn cũng có thể chú trọng vào những năng lực chính của mình và hai bên trao đổi sản phẩm cho nhau thông qua một phương tiện thuận lợi mà chúng ta gọi là tiền. Suy cho cùng thì tiền bạc cũng chỉ là một công cụ như lửa vậy. Có người dùng lửa sai mục đích và cũng có người gán cho tiền bạc quá nhiều ý nghĩa – dù họ thích hay không thích nó. Nhưng cũng giống như hầu hết mọi công cụ khác, nó thực sự là một phương tiện hiệu quả và đắc lực để hướng tới những mục đích mà chúng ta mong muốn, ngay cả khi mục đích đó là tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.