Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 8 Niềm vui vị kỉ của sự sẻ chia



Giả dụ bạn tìm thấy vài tờ đô-la ở trong túi và băn khoăn không biết nên tiêu riêng cho mình hay đưa chúng cho người khác. Theo bạn thì phương án nào sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn?

Trong một bài viết công bố năm 2008 trên tạp chí Science, ba nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn, Lara Aknin và Michael Norton đã thực hiện một thí nghiệm để tìm hiểu vấn đề này. Họ đưa cho những người tham gia 5 hoặc 20 đô-la để sử dụng hết trước 5 giờ chiều trong ngày rồi chia những người này làm hai nhóm, một nhóm phải sử dụng số tiền đó để mua sắm cho bản thân, nhóm thứ hai phải chia sẻ cho người khác, theo hình thức mua quà tặng hoặc quyên góp từ thiện. Kết quả là, số lượng tiền nhiều hay ít không quan trọng, nhưng những người chia sẻ khoản “trời cho” đó với người khác, dù tâm trạng đầu ngày ra sao, nhưng tới cuối ngày mức độ hạnh phúc của họ tăng lên đáng kể, trong khi ở nhóm chi tiêu cho bản thân lại không xảy ra hiện tượng đó.

Nhiều nghiên cứu khác cũng xác nhận kết quả này. Cũng trong bài báo nêu trên, các nhà nghiên cứu theo chân một nhóm nhân viên nhận được phần thưởng kinh doanh cuối năm. Họ đo lường mức độ hạnh phúc của những nhân viên này trước và sau khi nhận phần thưởng đó. Ở lần đánh giá thứ hai, yếu tố lớn duy nhất tạo nên hạnh phúc là những hoạt động chi tiêu vì lợi ích xã hội – tức số tiền trong khoản tiền thưởng dành để mua quà hay quyên góp từ thiện. Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện một nghiên cứu rộng hơn đối với người dân Mỹ nói chung về số tiền họ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày và bản thân và số tiền chi dùng cho người khác. Kết quả thu về cho thấy, hoạt động chi tiêu cá nhân không có mối liên hệ với hạnh phúc, trong khi đó, những khoản chi tiêu cho mục đích xã hội lại khiến họ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Tại sao lại như vậy? Nghe có vẻ hơi trái khoáy. Chẳng phải mua một đĩa DVD cho bản thân sẽ khiến bạn vui hơn so với việc mua nó cho người khác hay sao? Khi mua một đĩa DVD cho mình, bạn sẽ nhận được một lợi ích hữu hình và có thể là cả một trải nghiệm vô hình thú vị khi xem nó nữa. Thực ra, khi Dunn, Aknin và Norton hỏi 109 sinh viên rằng tiêu tiền cho bản thân hay cho người khác sẽ khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn, thì hầu hết đều chọn phương án tiêu tiền cho bản thân. Nhưng con người là sinh vật xã hội và con người hoạt động theo một cơ chế nhu cầu cơ bản là được gắn kết với người khác, được cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn hơn chính bản thân. Và những món quà nho nhỏ có thể thỏa mãn nhu cầu đó theo một cách mà việc chi dùng cho cá nhân không thể làm được. Trước thực tế rằng chúng ta đã lao tâm khổ tứ ra sao để theo đuổi hạnh phúc – mua những chiếc xe hoành tráng hơn, những chiếc nhẫn cưới lớn hơn – thì cái thông tin chỉ cần bỏ ra 5 đô-la mua quà cho người khác cũng giúp cải thiện tâm trạng bản thân cho thấy, chúng ta có thể tiết kiệm được vô khối thời gian bằng một cách hết sức đơn giản là sống thoáng hơn.

Quả là một ý tưởng hấp dẫn. Dĩ nhiên, khi nhìn vào giao điểm giữa tiền bạc và hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng có rất nhiều cách cho đi và mức độ thú vị của chúng cũng rất đa dạng. Những nhân tố chủ quan này không phải lúc nào cũng hoàn toàn theo logic. Chẳng hạn, theo gợi ý của nghiên cứu đăng trên tạp chí Sience, tôi đưa một phụ nữ ở bến xe buýt 5 đô-la dù chị ấy chỉ hỏi xin có 1 đô-la và nhiều ngày tiếp sau tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì hành động đó. Ấy thế nhưng, tôi lại có phần khó chịu khi nghe cái giọng sang sảng (và trịch thượng) của người thư ký đứng tại quầy thuốc khi anh này yêu cầu tôi quyên tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các bệnh nhân bị tiểu đường. Đúng là tôi đã có những cảm xúc trái ngược nhau như vậy, dù tôi hoàn toàn không biết người phụ nữ ở bến xe buýt sẽ làm gì với số tiền tôi đưa, trong khi chắc chắn tổ chức từ thiện kia được quản lý rất tốt. Về khía cạnh này, tôi không phải là người duy nhất. Nhìn chung, việc chia sẻ sẽ mang lại niềm vui lớn nhất khi nó cho phép chúng ta xây dựng được mối liên kết trực tiếp với những con người và những dự án mà mình ủng hộ.

Và thật may cho những ai có cùng quan điểm trên, bởi các tổ chức phi lợi nhuận đang dần thay đổi để mang lại những trải nghiệm cá nhân cho hoạt động chia sẻ, tuy rằng – như chuyện tôi thích đưa tiền cho người phụ nữ ở bến xe buýt hơn là quyên tiền cho tổ chức hỗ trợ người bị tiểu đường – sự phát triển của hình thức từ thiện này làm dấy lên những quan ngại về việc có nên chú trọng vào niềm hạnh phúc cá nhân khi làm từ thiện không. Theo tôi, câu trả lời là có. Chút ích kỷ này có vẻ lạc lõng trong một lĩnh vực liên quan tới lòng vị tha, nhưng thực ra, khi người ta có thể chịu trách nhiệm cho hoạt động chia sẻ của chính mình – khi họ được cảm thấy mình là nhà hảo tâm, có đủ tiền trên thế giới này để sẻ chia – thì về lâu dài, họ sẽ có động lực làm từ thiện nhiều hơn nữa so với các phương pháp quyên góp thụ động. Nếu nhìn nhận hoạt động sẻ chia qua lăng kính hạnh phúc, chúng ta sẽ nghĩ tới một phương pháp hiệu quả mà chúng ta sẽ bàn tới ở cuối chương này. Mục đích ở đây là tìm cách khai thác niềm vui trong từng đồng tiền từ thiện, trong khi vẫn giúp ích cho xã hội.

TỪ GIA ĐÌNH ĐẾN GIA ĐÌNH

Một trong những chuyện thú vị xảy ra trong hai thập niên vừa qua là lĩnh vực phi lợi nhuận – vốn từng được coi là cuộc chơi phong lưu của những nhân vật tai to mặt lớn và đầy trịnh trọng – đã trải qua một cuộc cách mạng của những tổ chức mới thành lập, tương tự như cuộc cách mạng đã tràn qua lĩnh vực hoạt động vì lợi nhuận. Ngày nay, người ta nói về những doanh nghiệp xã hội. Thay vì chỉ chăm chăm đi quyên tiền, người ta bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để duy trì được sự chú ý của các nhà hảo tâm và làm thế nào để phát hiện ra nhu cầu của họ để đáp ứng.

Đó chính là những gì đã xảy ra với từ-Gia đình-tới-Gia đình, một tổ chức phi lợi nhuận ở Westchester, New York. Tổ chức này hình thành từ một bài báo gây xôn xao dư luận năm 2002.

Ngày 29 tháng 9 năm ấy, tôi – và có lẽ là cả hàng nghìn người khác nữa – đọc được một bài viết tiêu điểm trên tờ New York Times nói về vùng Pembroke, Illinois. Ở thị trấn nhỏ chỉ cách Chicago hơn một giờ lái xe này, theo lời kể của phóng viên John W. Fountain, “một số người vẫn phải sống trong những chiếc lều xiêu vẹo, sàn nhà đầy bụi và không có nước máy. Có vài cửa hàng bán rượu, rất nhiều nhà thờ. Nhưng không có ngân hàng, siêu thị, cảnh sát, tiệm cắt tóc, trạm xăng, thậm chí cả hiệu thuốc.” Để minh họa cho sự cùng khổ ở đây, anh kể về cuộc sống của LaCheir Daniels, một bà mẹ đơn thân nuôi 5 đứa con trong một ngôi nhà bị sụt nền, máy nước nóng bị hỏng và cửa sổ bị vỡ: “Daniels lớn lên tại Pembroke. Chị bỏ học từ cấp ba và làm việc thất thường trong suốt 29 năm qua, phần lớn là những công việc thời vụ tại các nhà máy. Phiếu thực phẩm hàng tháng của chị là 450 đô-la. Theo chị cho biết, chị hoàn toàn khỏe mạnh và muốn làm việc, nhưng lại không có phương tiện đi lại.” Mẹ và anh chị em trong gia đình hỗ trợ chị khoản tiền thuê nhà 125 đô-la/tháng, trong khi 4 ông bố của 5 đứa con chị đang nuôi thường “mất hút” mỗi khi cần mua bỉm, sữa. Bài báo kết thúc bằng hình ảnh Daniels ngồi cho bọn trẻ ăn bữa ăn duy nhất trong ngày – mỳ ống và súp xương cổ lợn. Sau khi chúng ăn xong sẽ chẳng còn lại gì cho chị cả. Và trong tuần cuối mỗi tháng, vì khoản trợ cấp trong tem thực phẩm đã hết, nên mẹ con chị sẽ chẳng có gì ăn, trừ khi họ tìm ra được thứ gì đó.

Đó là một câu chuyện có sức lay động lòng người, dù nó cũng đặt ra vô số câu hỏi. Tại sao người ta lại chôn chân ở Pembroke trong khi thành phố Chicago với lượng công việc dồi dào chỉ cách đó một giờ di chuyển? Tại sao một số người khi được trao nhà mới lại chủ động chọn phương án ở lại trong những căn lều xiêu vẹo? Tại sao Daniels lại liên tục vướng vào những gã đàn ông không hề quan tâm gì tới những đứa con họ tạo ra và tại sao họ lại dễ dàng thoái thác trách nhiệm đến thế?

Pam Koner, một doanh nhân ở Westchester, cũng có những thắc mắc tương tự sau khi đọc bài báo. Nhưng thay vì ngồi suy nghĩ, chị quyết định hành động. Chị gọi cho một người làm công tác xã hội ở Pembroke để hỏi xin tên của 17 gia đình cần hỗ trợ nhất và kêu gọi bạn bè mua thực phẩm giúp đỡ họ. Bạn bè chị gửi tới hàng thùng thức ăn và thế là tổ chức từ-Gia đình-tới-Gia đình ra đời. Trong suốt thập kỷ qua, tổ chức này đã xác định và hỗ trợ cho gần 20 cộng đồng nghèo khó, thường là những vùng nông thôn như Pembroke. Những gia đình hảo tâm đóng gói đồ ăn thức uống để gửi tới riêng từng gia đình nghèo vào tuần cuối cùng trong tháng, thời điểm khó khăn nhất về tiền bạc. Hai bên được khuyến khích viết thư chia sẻ để hiểu nhau rõ hơn và, theo cách viết trên trang web của tổ chức này, họ dần trở thành “những người hàng xóm tốt dù họ sống cách nhau cả một chặng đường dài.”

Đó là một ý tưởng thú vị và từ-Gia đình-tới-Gia đình cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, Koner lại là người đứng tuyến đầu trong trào lưu làm từ thiện mới: từ thiện quy mô nhỏ.

Nếu từ thiện là hoạt động tình nguyện thúc đẩy phúc lợi xã hội, thì “từ thiện quy mô nhỏ” cũng có nội dung tương tự nhưng được thực hiện ở cấp độ nhỏ hơn. Nói một cách khái quát, đó là hoạt động từ thiện dựa trên mối liên kết trực tiếp giữa nhà hảo tâm với dự án từ thiện, trong đó, nhà hảo tâm được chủ động chọn cách sử dụng số tiền mình quyên góp ra sao, còn vai trò của tổ chức phi lợi nhuận ở đây là xác minh những trường hợp cần giúp đỡ và hỗ trợ cho quá trình từ thiện diễn ra. Chẳng hạn, tổ chức Gia đình-tới-Gia đình sẽ ghép gia đình bạn với một gia đình cần bạn giúp đỡ. Tổ chức DonorsChoose.org thì liệt kê danh sách các dự án hỗ trợ học đường để các nhà hảo tâm tùy ý lựa chọn. Tổ chức Chia sẻ toàn cầu lại cho phép những người có mong muốn đem lại sự thay đổi cho thế giới tự do lựa chọn từ danh sách hàng trăm các dự án phát triển, từ dự án đào tạo các bà đỡ ở châu Phi cho tới dự án thúc đẩy dân chủ qua các chương trình tuyên truyền trên radio. Kết quả là, thế hệ những nhà hảo tâm mới xuất hiện và ngày càng phát triển và họ đang tác động tới cách thức marketing của các tổ chức từ thiện lâu đời. Chẳng hạn, Goodwill vừa mới bổ sung thêm chức năng tính toán trực tuyến giúp bạn tính được số lượng các lớp dạy kỹ năng tìm kiếm công việc mà bạn có thể hỗ trợ thông qua việc quyên góp những chiếc đĩa CD của ban nhạc Green Day; bên cạnh đó, tổ chức này còn chia sẻ những câu chuyện “người thật việc thật” mà họ đã giúp đỡ.

Dĩ nhiên, sự chú trọng tới những sợi dây gắn kết mang tính chất cá nhân này không hẳn là mới mẻ. Ngày còn bé, gia đình tôi có lần quyên góp cho Quỹ Trẻ em Công giáo; sau đó, họ còn chuyển cho chúng tôi lá thư của những em bé ở Thái Lan được nhận hỗ trợ của quỹ này. (Thực ra, họ chuyển thư của một em bé mà chúng tôi “hỗ trợ”, nhưng họ đã khéo léo không nói rằng số tiền của chúng tôi được chuyển tới tận tay gia đình em bé này – đây là một ranh giới mỏng manh mà nhiều tổ chức phi lợi nhuận phải bước chân lên, bởi thường thì việc gửi tiền cho một người cụ thể sẽ không được công nhận là hoạt động miễn thuế).

Tuy vậy, cho tới thời gian gần đây, chúng ta ít tập trung vào ý tưởng kết nối với những người hàng xóm xa xôi hay ở một quốc gia khác. Có một số lý do cho hiện tượng này. Trước tiên, thế giới trước kia có vẻ rộng lớn hơn. Tôi nhớ những lá thư từ Thái Lan của em bé nọ được viết trên loại giấy nhẹ nhằm tiết kiệm chi phí bưu chính. Những cuộc gọi quốc tế tốn rất nhiều tiền và đòi hỏi cả người gọi lẫn người nghe đều phải có điện thoại – mà trong một thế giới không có điện thoại di động như trước đây thì đâu phải nhà nào cũng sẵn thứ thiết bị ấy.

Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, xu hướng từ thiện này thoái trào một phần cũng từ một nguyên nhân hết sức thiện chí: đó là những nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực phi lợi nhuận. Tháng 2 năm 1979, tạp chí Forbes dành hẳn trang bìa để nói về xu hướng mới và cung cấp cho độc giả những thông tin về “Nước Mỹ hào phóng: Nền công nghiệp từ thiện 9 tỉ đô-la.” Lấy dẫn chứng là tổ chức United Way, tạp chí này cho hay, tới giữa thế kỷ XX, các phương pháp quyên góp truyền thống như gõ cửa từng nhà quyên tiền đã dần trở nên đắt đỏ và kém hiệu quả. Vì các quốc gia trở nên giàu có hơn và phát triển những phương pháp thực hiện an sinh xã hội tốt hơn so với mô hình xây nhà ở cho người nghèo xưa kia, nên lĩnh vực phi lợi nhuận cũng không còn muốn sử dụng những bức hình đẫm nước mắt về những động vật bị đánh đập hay trẻ em khuyết tật. Thay vào đó, các cá nhân có thể đóng góp qua hình thức khấu trừ vào tiền lương và các nhân viên của United Way sẽ quyết định nên sử dụng số tiền đó như thế nào. William Aramony, người đứng đầu United Way, chia sẻ trên tạp chí Forbes: “Cái được của hệ thống United Way là chúng tôi mang lại một cái nhìn mới về cách sử dụng tiền bạc… Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe gia đình, người y tá không hào hứng tới độ quyên góp cho các bệnh nhân bị bệnh tim hay ung thư, nhưng họ sẽ tận tâm phục vụ − họ tới tận nhà và chia sẻ với bệnh nhân – đó mới chính là hành động. Quyên góp cho United Way nghĩa là nói rằng: ‘Tôi biết mình chưa biết cách sử dụng đồng tiền của mình một cách thông minh.’” Và theo Forbes, chính “những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và cách giám sát như doanh nghiệp của United Way đã khiến tổ chức này đi đầu trong làn sóng từ thiện tương lai.”

Ngày nay, lĩnh vực từ thiện thậm chí còn lớn hơn nhiều nữa (thực ra năm 1978, người dân Mỹ quyên góp 35 tỉ đô-la làm từ thiện, nhưng trong con số 9 tỉ đô-la đề cập ở trên, tạp chí Forbes chỉ tính khoản tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện về y tế và phúc lợi xã hội). Năm 2009, người Mỹ làm từ thiện hết 227,41 tỉ đô-la và sự đóng góp của các tổ chức/thể chế đã đưa con số đó lên trên 300 tỉ đô-la. Trong lĩnh vực này, có những nơi đã ngày càng trở nên chuyên nghiệp hóa, vì những tổ chức từ thiện có quy mô hàng tỉ đô-la hiện đang tuyển dụng hàng nghìn người, trong số đó có những người có kinh nghiệm thực hiện các chương trình từ thiện ở các trường đại học do sinh viên đảm trách.

Sự chuyên nghiệp hóa này cho thấy, đưa tiền cho người khác một cách có hiệu quả là một công việc khó khăn. Dù thích làm từ thiện quy mô nhỏ như đưa tiền cho những người hành khất ở các bến xe buýt, song tôi lại được nhắc nhở về điều này mỗi khi nhìn thấy những tấm biển tuyên truyền dán ở các trạm xe điện ngầm ở New York khẩn nài hành khách: “Hãy làm từ thiện, nhưng không phải ở đây.” Mấy năm trước, tôi có dịp đi lang thang phố xá ở Seattle với Rev. Craig Rennebohm, tác giả cuốn sách Souls in the Hands of a Tender God (tạm dịch: Những linh hồn trong bàn tay dịu dàng của Chúa) và chuyện trò với rất nhiều người bạn vô gia cư của anh. Hóa ra, những người vô gia cư thường mắc phải những vấn đề về y tế hay tâm lý học cần sự xử lý chuyên nghiệp. Và hãy quên đi mối lo về việc liệu họ có dành tiền bố thí để mua rượu uống (như nhiều người nghi ngờ) hay không, bởi có một vấn đề thực tế hơn là, một người vô gia cư với hàng xấp tiền trong tay sẽ là đối tượng dễ dàng của sự bạo lực. Vì vậy, trong vai trò những công dân tốt, chúng ta phải trực tiếp gọi tới ủy ban thành phố để thông báo về trường hợp người vô gia cư gặp phải. Bằng cách đó, họ có thể cử một đội ngũ chuyên trách tới gặp người đó.

Nghe có vẻ rất hợp lý. Tuy vậy, kết quả cuối cùng của sự chuyên nghiệp hóa này là một cảm giác xa lạ về những hành động thiện nguyện. Bạn đưa tiền ra và để những người chuyên nghiệp sử dụng nó. Đối với đại bộ phận người dân, điều này không giúp thắt chặt cảm giác gắn bó cộng đồng, bởi họ sẽ không tình nguyện tham gia cùng với các tổ chức mà họ quyên góp. Như nhận xét của tạp chí Forbes, chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện thông qua hình thức khấu trừ vào tài khoản lương của United Way là “một phần trong quá trình máy móc hóa đang tác động tới đời sống hiện đại.” Các công ty nhanh nhảu thông báo với nhân viên tỷ lệ phần trăm lương sẽ được khấu trừ qua United Way và, như một người lao động từng chia sẻ với tạp chí Forbes: “Tôi phản đối chuyện người ta phải dạy tôi nên quyên góp bao nhiêu cho công bằng. Chính sếp hay công đoàn vẫn luôn bắt tôi phải làm thế này, phải làm thế nọ và tôi sẽ bảo thẳng vào mặt họ rằng: ‘Cả hai hãy biến đi.’” Tất cả những phương thức này, theo Forbes, “đang khiến cho hoạt động từ thiện mang hình ảnh thể chế hóa vốn là đặc tính của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hiện nay. Yếu tố con người, sợi dây liên hệ cá nhân bị mất đi; tất cả chỉ còn là sự vận hành của máy móc.”

Con người chưa từng cảm thấy hoàn toàn thoải mái với phương pháp này, nên dẫu các tổ chức từ thiện có ngày một chuyên nghiệp hóa, thì nơi người ta cống hiến nhiều nhất vẫn là những địa điểm thực hành tôn giáo của họ. Có thể ở đó, Chúa kêu gọi họ làm việc thiện, song họ cũng muốn có mặt ở đó hàng tuần để xem số tiền của mình được sử dụng ra sao.

Tuy nhiên, trong mấy năm qua, nhu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện đã bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Công nghệ đã biến đổi mọi thứ và dĩ nhiên, nó cũng góp phần làm cho việc liên hệ giữa các cá nhân với nhau trở nên dễ dàng hơn. Không còn cảnh ngồi chờ bác đưa thư tới nhà nữa, giờ đây, tôi thường xuyên được cập nhật thông tin về từng chi tiết, như anh bạn ngoại quốc của mình dùng gì cho bữa sáng chẳng hạn. Vậy nên, nếu là người thích làm từ thiện, bạn sẽ băn khoăn là tại sao cuộc sống vốn rõ ràng mà chuyện từ thiện lại phải bí mật đến thế? Thay vì chỉ ngồi nhà viết một tờ séc gửi cho hội Chữ Thập Đỏ, tại sao bạn không quyên góp cho một dự án nước sạch ở Tanzania và thi thoảng yêu cầu họ cập nhật tình hình thực hiện dự án?

Ken Berger, chủ tịch hội Hoa tiêu từ thiện, một tổ chức giám sát phi lợi nhuận, cho hay: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thế hệ ngày nay đã quen với việc tiếp cận thông tin theo kiểu ‘cần là có’. Họ muốn được trực tiếp tham gia, tác động vào quá trình thực hiện và được tận mắt chứng kiến kết quả.” Ngay cả khi các tổ chức từ thiện quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay, những Mạnh Thường Quân “chân chính” dẫu có thể viết những tấm séc từ thiện trị giá 1 triệu đô-la vẫn hoàn toàn có thể trực tiếp chuyển số tiền đó tới tận tay người nhận và tiếp nhận phản hồi của họ. Ngày nay, ngay cả những nhà hảo tâm với số tiền đóng góp ít ỏi cũng muốn có ảnh hưởng. Họ muốn được đối xử như những thành viên trong ban điều hành của tổ chức, được biết số tiền họ quyên góp sẽ được sử dụng ra sao và liệu nó có mang lại kết quả gì không.

Vì thế, vào năm 2000, Charles Best, giáo viên trường trung học Bronx đã đứng ra thành lập DonorsChoose.org giúp các giáo viên có nơi để kêu gọi tài trợ cho các dự án lớp học. Những người truy cập vào trang web này có thể xem qua hơn 20.000 dự án khác nhau và tài trợ cho những dự án mà họ thích. Tiêu chí phổ biến nhất được sử dụng khi chọn một dự án để tài trợ là địa lý, vì các nhà hảo tâm muốn “tài trợ cho một lớp học ở ngay cộng đồng nơi họ sinh sống, nhưng ở khu vực nghèo hơn”, Best cho hay. Ngoài ra, còn có một số từ khóa tìm kiếm phổ biến (như “trẻ tự kỷ”), hay những từ khóa xuất hiện theo trào lưu (chẳng hạn “dự án làm vườn”). Một số nhà hảo tâm muốn mua cho lớp học những cuốn sách của các tác giả họ ưa thích. Số khác chỉ chọn dự án có bài viết giới thiệu hấp dẫn. Best nói: “Họ tìm kiếm những dự án thể hiện tính cách cá nhân, nơi họ có thể cảm nhận được sự tận tâm của người giáo viên.” Nhìn chung, các chuyến đi thực địa có sức hút hơn những lời kêu gọi nâng cấp công nghệ, bởi ai cũng muốn số tiền mình bỏ ra sẽ được dùng để giúp vị thẩm phán tương lai của Tòa án Tối cao có cơ hội tới thăm Washington D.C nhằm củng cố thêm ước mơ của mình. Mọi nhà hảo tâm đều được nhận thông tin cập nhật và những người đóng góp trên 100 đô-la sẽ được nhận thư cám ơn gửi qua đường bưu điện của các học sinh.

Đây còn là mô hình được áp dụng cho cả các dự án phát triển quốc tế. Năm 2001, hai cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới bắt tay thành lập GlobalGiving, một tổ chức giúp các nhà hảo tâm hỗ trợ cho những dự án phi lợi nhuận quy mô quốc tế (và toàn quốc). GlobalGiving còn nêu rõ mục đích của từng số tiền cụ thể. Khoản tiền quyên góp trị giá 15.000 đô-la sẽ được dùng để xây dựng một chiếc giếng ở miền nam Sudan, nhưng vì không phải ai cũng quyên góp được 15.000 đô-la, nên con số này được chia nhỏ ra hơn nữa: 10 đô-la sẽ giúp một người tiếp cận nguồn nước sạch lâu dài. Ở Ghana, 10 đô-la có thể mua được một túi ngô giống; 260 đô-la mua được nông cụ phục vụ công việc đồng áng và một mẫu ngô.

Modest Needs (ModestNeeds.org), một tổ chức tiên phong khác trong trào lưu từ thiện mới này, cũng tập trung vào sự hữu ích của từng đồng tiền từ thiện. Keith Taylor, nhà sáng lập của tổ chức này, cũng từng trải qua thời sinh viên nhiều tủi cực, có lần anh bị chủ nhà đuổi chỉ vì trót lấy tiền thuê nhà đem đi sửa chiếc xe bị hỏng. Ông chủ nơi anh làm thuê đã ra tay giúp đỡ và anh thề sẽ trả ơn ông bằng cách giúp đỡ những người khác. Anh thành lập Modest Needs năm 2002 nhằm giúp đỡ những người lao động nghèo (tức những người kiếm đủ tiền để tồn tại, nhưng không dư tiền để tiết kiệm – theo cách nói của Taylor) thanh toán những khoản chi phí phát sinh, nhờ đó giúp họ thoát khỏi cảnh cùng cực. Chẳng hạn trường hợp của chị Susan Morrill, tiểu bang Maine. Chị chia sẻ với tôi: “Tôi là một trong số ít người thiếu may mắn – tôi không đủ tiêu chuẩn để được phát phiếu thực phẩm hay hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe.” Nhưng vào một mùa đông, bão xuất hiện; sau khi bị cắt điện, đường ống nước nhà chị bị đóng băng và tắc lại, rồi vỡ bung ra, khiến sàn phòng tắm của chị bị thủng. Chị đăng yêu cầu giúp đỡ lên trang web của Modest Needs và các nhà hảo tâm đã chung tay giúp chị mua gỗ dán và một chiếc toilet mới.

Từ thiện quy mô nhỏ không nhất thiết phải trực tiếp liên quan tới từ thiện. Năm 2005, tổ chức tài chính vi mô Kiva mở kênh hỗ trợ mọi người tham gia đóng góp vào các khoản cho vay không tính lãi đối với các doanh nhân hoạt động khắp nơi trên thế giới. Thường thì những khoản đóng góp này sẽ được người nhận hỗ trợ trả lại (ngoại trừ một số trường hợp vỡ nợ, khi đó sẽ được coi là các khoản tiền từ thiện). Chẳng hạn, bạn đưa 50 đô-la cho Godfrey Lwebudga, một nông dân ở Uganda muốn mua thêm gà để nuôi bán, sau khi anh này trả lại tiền, bạn có thể dùng số tiền đó để tài trợ cho một doanh nhân khác.

Ngày càng có nhiều tổ chức từ thiện xuất hiện trên mạng, mỗi tổ chức tập trung vào một mục đích khác nhau. Ví dụ, Citizen Effect, tổ chức ra đời cuối năm 2009, kêu gọi “những công dân hảo tâm” xây dựng các mục tiêu quyên góp quy mô lớn hơn bằng cách dựa vào mạng lưới quan hệ của chính mình. Dan Morrison, nhà sáng lập tổ chức này, cho biết: “Chúng tôi muốn tận dụng truyền thông xã hội để hỗ trợ mọi người tiếp thị và quảng bá cho các dự án riêng của họ.” Nhờ đó mà Rachel, cô bé 7 tuổi, có thể tổ chức một cuộc đi bộ tại trường để tài trợ cho các dự án cấp nước; Glen đạp xe gần 5.000km; Kate và John mở một hội chợ ớt đỏ cay. Citizen Effect hỗ trợ công tác hậu cần cho những dự án này – thường có quy mô từ 1.000 tới 10.000 đô-la – với nhiều mục tiêu khác nhau, từ gửi trẻ em Tây Tạng đến các trại mùa hè cho tới lắp đặt toilet tại ngôi làng Khuê Đông ở Việt Nam.

Theo Berger, các tổ chức này “có sức phát triển đáng kinh ngạc”. Số liệu của tổ chức Hoa tiêu từ thiện cho thấy, trong giai đoạn 2004 – 2008 (mốc tính năm tài chính ở mỗi nơi chênh lệch nhau chút ít), doanh thu của Modest Needs tăng từ 194.379 đô-la lên tới 2,7 triệu đô-la; GlobalGiving từ 508.653 đô-la lên 7,4 triệu đô-la; và DonorsChoose.org từ 2,8 lên 18 triệu đô-la.

“Có thể tự tin nói rằng các tổ chức này sẽ còn tiếp tục phát triển và họ phần nào cho thấy các tổ chức phi lợi nhuận đang phụng sự con người ra sao,” Berger nói. Mặc dù họ có quyền tự do sử dụng quỹ của mình (đây là một phần khá rắc rối trong các quy định của Sở thuế nội vụ về vấn đề quyên góp trực tiếp), song thường thì họ làm theo sở nguyện của các nhà hảo tâm và họ không khi nào quên cập nhật thông tin – có khi là những tấm thiệp hay e-mail cám ơn – để giúp bạn thêm hài lòng với việc làm phúc của mình và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi truy cập trang web của họ.

THẾ NÀO LÀ CÔNG BẰNG?

Tuy vậy, sự phát triển của trào lưu từ thiện quy mô nhỏ cũng làm dấy lên những câu hỏi về người được hưởng lợi ích ở đây. Tôi tìm đến những nhà hảo tâm quyên góp/cho vay đối với các tổ chức này để hỏi về quá trình quyết định của họ. Một số người có những tiêu chí lựa chọn rất rõ ràng. Chẳng hạn, họ chỉ hỗ trợ những dự án giúp đỡ phụ nữ ở những quốc gia mà quyền lợi nữ giới bị hạn chế. Một số người có những yêu cầu cá biệt hơn. Chị Amy Markoff Johnson, bang California, có con bị tự kỷ và mắc chứng rối loạn ăn uống – trong lúc chúng tôi nói chuyện, cậu bé ăn rất nhiều khoai lang. Chị kể: “Tôi phải luộc 10 củ khoai lang mỗi ngày.” Vì vậy, khi tìm thấy trên trang Kiva dự án bán khoai lang của một tiểu thương, chị sốt sắng quyên góp ngay, vì “tôi cảm thấy gần gũi với họ.”

Tuy vậy, chị vẫn có chút băn khoăn, vì: “Tôi không tin tưởng vào trực giác của mình, không dám chắc rằng số tiền của mình đã tới nơi cần đến. Tôi tài trợ cho một người bán khoai lang vì con tôi rất thích ăn món đó. Nó kích thích trí tưởng tượng của tôi.” Đó có phải là một lý do hợp lý để bạn đưa cho ai đó số tiền của mình không?

Quả là một câu hỏi hay. Từ thiện quy mô nhỏ thiên về đáp ứng ý muốn bộc phát của nhà hảo tâm và dựa trên đánh giá của họ về việc ai xứng đáng được nhận tiền tài trợ. Vừa rồi tôi có nói chuyện với Marilyn Assenheim, một cư dân sinh sống ở New Jersey mới đăng tải yêu cầu tài trợ trên Modest Needs để chị có thể cải tạo nhà tắm, chuyển từ bồn tắm sang vòi hoa sen. Không phải yêu cầu nào trên Modest Needs cũng được đáp ứng đầy đủ, nhưng yêu cầu của chị thì được đáp ứng nhanh chóng, một phần bởi đó là một yêu cầu hấp dẫn, một phần nhờ chị gửi thông báo tới cả những người có trong danh sách e-mail của chị. Bạn bè giúp chị chuyển tiếp lá thư, thậm chí chị còn ngờ rằng chính họ cũng bỏ tiền túi ra quyên góp cho mình. Nói cách khác, Assenheim thành công vì chị có mạng lưới quen biết rộng và Modest Needs giúp hỗ trợ phần quyên góp của cộng đồng.

Rắc rối của hình thức làm từ thiện quy mô nhỏ là nó ưu ái những trường hợp có sức cuốn hút, hấp dẫn và có khả năng truyền đạt tốt nhất trong số những người đang cần giúp đỡ. Nó làm dấy lên những vấn đề cũ mà hình thức từ thiện chuyên nghiệp cố tránh – chẳng hạn, các bậc phụ huynh thường bắt con trẻ lang thang xin ăn trên phố bởi chúng có tác dụng tạo sự cảm thông hơn người lớn. Đây không chỉ là vấn đề của các chương trình tài trợ liên quan tới con người. Mới đây tôi có viết một bài cho tờ City Journal về vấn đề hợp tác công-tư nhằm hỗ trợ cho các công viên ở New York. Những sự hợp tác này đã làm nên nhiều điều kỳ diệu làm thay đổi bộ mặt của hàng loạt khu đất trong thành phố. Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi những công viên như Central Park (tọa lạc gần những khu vực giàu có nhất nước Mỹ), hay High Line ở Chelsea (cũng ở gần người giàu) tốn ít thời gian quyên góp hơn so với một sân chơi cho trẻ em ở vùng Queens, nơi sinh sống của những gia đình trung lưu nghèo. Trên lý thuyết, việc các cá nhân hướng về ủng hộ những công viên có sức hút lớn sẽ tạo điều kiện để chính quyền thành phố tập trung đầu tư cho những công việc ít được biết đến hơn; song cũng dễ hiểu trong trường hợp khi người dân biết rằng những công viên ưa thích của họ đã được các nhà hảo tâm tư nhân tài trợ, thì họ sẽ không còn ủng hộ những chương trình quyên góp của chính quyền để hỗ trợ cho các công viên khác và khi đó các công viên này sẽ rơi vào tình trạng xập xệ. Đây là điều khó tránh khỏi. Ở New York, Bette Midler quyết tâm tài trợ cho công viên ở những khu phố nghèo. Các tổ chức phi lợi nhuận thông minh cũng có thể kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ các dự án mà họ cho rằng xứng đáng nhất. Chẳng hạn, DonorsChoose.org đã đưa ra một thuật toán để lựa chọn 4 dự án lớp học xuất hiện ở trang nhất của trang web. Charles Best cho hay: “4 dự án này không xuất hiện một cách ngẫu nhiên.” Chúng thường ở những quận có tỷ lệ nghèo cao, đã được tài trợ một phần (tức là đã có người quyên góp) và gần đạt được mục tiêu nên đóng góp của thêm một cá nhân nữa cũng có thể tạo nên điều kỳ diệu. Tuy vậy, ở đây xuất hiện vấn đề về sự công bằng.

Hoạt động quyên góp theo ý muốn của nhà tài trợ cũng làm dấy lên những câu hỏi về tính hiệu quả. Nhờ công nghệ, việc thu thập các khoản tài trợ nhỏ lẻ được thực hiện dễ dàng và ít tốn kém hơn, nhưng khi nội dung làm từ thiện quy mô nhỏ vượt qua ranh giới tiền bạc, thì vấn đề trở nên khó khăn hơn – điều này làm chúng ta nhớ đến mô hình hoạt động của từ-Gia đình-tới-Gia đình. Sau khi bắt tay vào chuyển những thùng rau quả tới Pembroke, Pam Koner trở thành “cục cưng” của báo giới với câu chuyện tuyệt vời của chị. Bao nhiêu người trong số hàng nghìn người chúng ta từng đọc bài báo viết về thị trấn Pembroke nghèo khổ trên tờ New York Times khoanh tay ngồi nhìn hay chỉ bàn tán loanh quanh cho có chuyện? Theo thông tin từ các nhà sản xuất của Chương trình buổi sáng trên đài CBS và nhiều đài khác từng dựng phim về Koner và những chiếc thùng rau quả của chị, ngày càng có nhiều người quan tâm tới chương trình này, nên Koner nghĩ cách mở rộng quy mô.

Trước tiên, chị vẫn kêu gọi các gia đình gửi các thùng thực phẩm tới những gia đình thiếu ăn như cách làm ban đầu. Lời kêu gọi dành cho các nhà hảo tâm là mỗi người sẽ là người cuối cùng chạm tay vào các thùng thực phẩm trước khi gia đình tiếp nhận mở chúng.

Tuy vậy, càng nghĩ cách xóa sổ đói nghèo cho những vùng như Pembroke, Koner càng nhận thấy bất ổn ở phương pháp này. Các gia đình mua thực phẩm cho chương trình từ-Gia đình-tới-Gia đình phần lớn đều mua với giá bán lẻ tại các siêu thị. Vậy việc mua thực phẩm với số lượng lớn cho 450 hộ gia đình nghèo có phải là cách làm hiệu quả hơn chăng? Bằng cách này, 1 đô-la cũng có thể mua được nhiều thứ hơn. Vì vậy, tổ chức này chuyển sang khuyến khích nhà hảo tâm quyên góp tiền mặt.

Nhưng rồi Koner lại tiếp tục đặt ra những câu hỏi khác. Chẳng hạn, tại sao ở Mỹ người ta lại thường đói ăn vào lúc cuối tháng? Có lẽ, thay vì chú trọng vào việc quyên góp thức ăn, Koner nên xem xét những nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo đói. Ngạn ngữ có câu: cho một người con cá thì anh ta có thể no được một bữa, nhưng dạy anh ta cách câu thì anh ta có thể no một đời. Nhiều chương trình từ thiện có thể ra đời từ lối suy nghĩ này. Họ có thể giúp người nghèo tìm kiếm công ăn việc làm hoặc đào tạo kỹ năng để họ có nghề mưu sinh sau này. Hoặc họ cũng có thể hướng vào làm công tác tư vấn cho các gia đình, khuyến khích các ông bố cùng góp tay hỗ trợ nuôi con. Họ cũng có thể đi theo cách vận động hành lang để chính phủ nâng hạn mức cho các phiếu thực phẩm, hay có hình thức phân phát phiếu khác đi nhằm giúp người nghèo không còn phải chịu cảnh “treo niêu” vào mỗi cuối tháng như câu chuyện ám ảnh về gia đình chị LaCheir Daniels.

Tất cả đều là những vấn đề lớn và đều có thể giúp giải quyết tình trạng đói nghèo ở cấp độ rộng hơn. Nhưng khi nghĩ sâu hơn, Koner chợt nhận ra một điều. Vấn đề mà bài báo trên tờ New York Times nêu ra là, sau 40 năm thực hiện cuộc chiến chống lại đói nghèo, sau khi đã huy động hàng tỉ đô-la – số tiền mà chương trình từ-Gia đình-tới-Gia đình chưa từng đạt tới, chính phủ liên bang vẫn giậm chân tại chỗ. Những vùng như Pembroke giống như nghĩa địa dành cho những thiện nguyện của người dân vậy. Koner cho rằng có thể chấm dứt đói nghèo “nếu nó là giá trị trong nền văn hóa của chúng ta.” Tuy nhiên, về cơ bản, như bài viết của phóng viên Fountain đã nêu ra, vấn đề này cũng “vô vọng” như mọi vấn đề khác và mọi giải pháp khả thi đều vắng bóng.

Song đây là việc mà Koner có thể làm: “Tôi có thể bảo đảm rằng các gia đình đó có thức ăn cho tuần lễ cuối cùng trong tháng”, chí ít là cho một số gia đình. Chị có thể giúp những người có điều kiện khó khăn xây dựng mối quan hệ với các gia đình khác, sống trong những hoàn cảnh khác. Và ít ra, điều đó cũng giúp lũ trẻ trong những gia đình nghèo khó này biết được rằng còn tồn tại một đời sống khác với đời sống lam lũ mà chúng đang trải qua. Và chị có thể duy trì được điều này bằng cách tạo cơ hội cho những gia đình hảo tâm có được cảm giác rằng món quà của họ đang trực tiếp mang lại lợi ích cho người khác.

Và như vậy, Koner cho hay: “Tổ chức của chúng tôi lại quay về với mô hình ban đầu, với những thùng thức ăn.” Có thể đó không phải là phương thức giải quyết tình trạng đói nghèo hiệu quả nhất, nhưng cơ hội được mua thức ăn cho một gia đình đang cần cái ăn chính là yếu tố giúp tổ chức của chị trở nên khác biệt, khiến việc làm từ thiện trở nên có ý nghĩa đối với các nhà hảo tâm và tạo động lực giúp họ tiếp tục làm như vậy. Khi người ta liên tục làm điều gì đó trong một thời gian dài, kết quả sẽ tốt hơn là làm được nửa chừng rồi bỏ cuộc và họ cũng sẽ có động lực tiếp tục làm việc thiện hơn khi họ cảm thấy hào hứng cũng như nhận thấy những gì mình làm là hữu ích. Thực ra, tôi cho rằng xu hướng cá nhân hóa và nâng cao trách nhiệm của nhà hảo tâm trong lĩnh vực phi lợi nhuận chính là lý do chính khiến tổng mức quyên góp của các cá nhân trong năm 2009 không hề sụt giảm, bất chấp những biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán và bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi so với trước đây. Khi người ta biết rõ hơn, họ sẽ đóng góp nhiều hơn, dù chính bản thân họ cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Khi việc làm từ thiện được xây dựng dựa trên niềm hạnh phúc của chính người làm việc thiện, thì nó có thể đánh bại các nhu cầu khác và người ta không còn mắc kẹt trong tình trạng tiêu dùng quá tay. Xét về lâu dài, nó khiến người ta có động lực làm việc thiện nhiều hơn so với khi họ chỉ chia sẻ dựa trên lòng rộng lượng đơn thuần.

CHO ĐI NHƯ THẾ NÀO

Như vậy, đó là lý do để chúng ta cân nhắc yếu tố hạnh phúc của bản thân khi đưa ra những quyết định làm việc thiện. Nhưng làm thế nào để đưa nó vào thực tế? Chúng ta có thể làm gì để chia sẻ sao cho những đồng đô-la ít ỏi của mình vừa giúp đem lại niềm vui cho cuộc sống của mình lại vừa mang đến lợi ích cho người khác? Sau khi nghiền ngẫm các nghiên cứu về tiền bạc và hạnh phúc, tôi đã nghĩ ra được một quá trình gồm 4 bước như sau.

1. Tính xem bạn có thể cho đi bao nhiêu. Nhiều cuốn sách viết về tài chính cá nhân gợi ý nên tạo ngân sách cho hoạt động từ thiện, hệt như cách bạn phân bổ ngân sách cho việc mua nhà, đi lại, thức ăn, v.v… Đây là một gợi ý hay, nhưng hãy nhớ đó là một con số có thể thay đổi. Thu nhập hộ gia đình lên xuống thất thường hơn chúng ta tưởng tượng nhiều và mức chi tiêu hộ gia đình cũng vậy. Nếu sẵn lòng ngủ trên ghế sofa ở nhà bạn bè, thì bạn có thể làm từ thiện tới 75% thu nhập của mình. Hoặc, có thể trên danh nghĩa bạn không quyên góp một đồng nào, song bạn cống hiến bằng cuộc sống của chính mình – chẳng hạn làm việc với mức lương thấp ở một trường nội thành hay chăm sóc sức khỏe cho những người tị nạn. Chỉ bạn mới có thể quyết định xem liệu việc làm thiện nguyện mà bạn đang làm cho nhân loại là quan trọng hơn tiền bạc hay không (và có lẽ đây cũng là suy nghĩ của Al Gore khi vợ chồng ông gây xôn xao dư luận khi quyên góp 353 đô-la năm 1997 – dù có lẽ những đối thủ chính trị cũng có cùng suy nghĩ này).

Một người bình thường làm từ thiện khoảng 3% mức thu nhập của mình. Với các chương trình từ thiện vì mục đích tôn giáo, mức phổ biến là 10%. Greg Rohlinger, mục sư ở Nhà thờ Cộng đồng Palm Valley, Goodyear, Arizona, cho hay Chúa có lý do riêng khi tạo ra con số 10%: “Tôi nghĩ 10% là con số đủ để tác động tới thu nhập của tất cả mọi người, nhưng không khiến chúng ta không thể sống khi thiếu nó.” Với câu hỏi 10% này là con số tính theo mức thu nhập trước hay sau thuế, Rohlinger trả lời: “Đó là chuyện giữa bạn với Chúa. Cá nhân tôi muốn Chúa phải đứng trước Sở thuế vụ, tuy nhiên, ở nhà thờ thì tôi không quá quan tâm tới chuyện này. Thay vào đó, bạn hãy tự hỏi xem bạn muốn được Chúa ban phước dựa theo mức đóng góp tính trên tổng thu nhập hay thu nhập sau thuế.”

Ý tưởng áp hạn mức quyên góp theo phước đức mà người làm việc thiện nhận được từ đó nghe có vẻ kỳ quặc, song như những nghiên cứu được đề cập ở phần đầu chương này phát hiện, hoạt động chi tiêu cho xã hội (bao gồm cả hoạt động từ thiện) là một trong số ít thứ có thể mua lại hạnh phúc cho con người. Cha Rohlinger thực tâm tin tưởng vào điều này. Thực ra, Nhà thờ Cộng đồng Palm Valley còn thực thi cả một chính sách bảo đảm hoàn tiền sau 90 ngày, tức là nếu bạn quyên góp 10% thu nhập nhưng sau 90 ngày bạn không thấy Chúa ban phước đức gì cho mình, thì bạn sẽ được nhận lại tiền. Sẽ không có ai hỏi bạn lý do và không có chuyện nhà thờ bêu tên bạn trước công chúng. Cha Rohlinger cho hay, khi bạn yêu cầu nhà thờ trả lại số tiền mình đã quyên góp, “Chúng tôi sẽ không nêu tên bạn trên bảng tin đâu.” Ông có rất nhiều câu chuyện về những con chiên hảo tâm mới – tức là những người mới được nhận tiền hoàn thuế một cách bất ngờ, tiền công trả cho những công việc họ từng làm nhiều năm trước và đã cho vào quên lãng từ lâu, hay được thăng chức trong khi chính họ cũng không ngờ đến. Tuy vậy, ông nói: “Tôi không cho rằng Kinh thánh lại dạy rằng công ty sổ xố sẽ gõ cửa nhà bạn mà chìa ra tấm séc trúng độc đắc 10 triệu đô-la chỉ bởi bạn quyên góp 10% thu nhập của mình trong 90 ngày.” Thường thì những phước đức đó sẽ đến với bạn theo hình thức tinh thần, tức là bạn cảm thấy gắn bó hơn với nhà thờ và các thành viên công giáo, những người sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn sau này. Cha Rohlinger đã nhắc đến chuyện này khi tôi đề cập tới một cuộc tranh luận gay gắt về chuyện quyên góp 10% thu nhập trên DailyWorth, một trang web tư vấn tài chính cho phụ nữ. Một độc giả nhờ chuyên gia Liz Pulliam Weston tư vấn cải thiện tình hình tài chính. Chị này đã vay nợ để trả tiền cho một tổ chức nhận con nuôi quốc tế trong khi vẫn tiếp tục dành 10% thu nhập để làm từ thiện. Weston khuyên chị tạm dừng khoản quyên góp 10% song chị không đồng ý. Tôi hỏi cha Rohlinger rằng liệu đây có phải là một quyết định khôn ngoan không, bởi chắc chắn Chúa cũng coi việc nhận con nuôi là một hành động thiện nguyện. Cha Rohlinger cho hay, cách đặt vấn đề của tôi là sai. Ở tình huống này, ông diễn giải như sau: “Nhà thờ vẫn phải là nhà thờ. Trong những cộng đồng nhỏ của chúng tôi, khi phát sinh một nhu cầu tài chính, chúng tôi khích lệ mọi người cùng chung tay đáp ứng.” Nói cách khác, số tiền đắt đỏ bỏ ra để nhận con nuôi không đồng nghĩa với việc dừng khoản đóng góp 10%. Trong trường hợp này, bạn nên yêu cầu đạo hữu tận dụng mạng lưới quen biết của mình để giúp bạn trả số tiền trên.”

Gia đình tôi không đóng góp 10% thu nhập, dù tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay. Bạn có thể quyên góp với tỷ lệ bao nhiêu tùy ý, nhưng hãy nhớ rằng khi bạn tham gia vào một hoạt động từ thiện, số tiền dành cho các hoạt động khác sẽ giảm xuống, chẳng hạn, bạn nghĩ góp tiền giúp đưa 5 em gái người Ấn Độ tới trường sẽ có ý nghĩa hơn một buổi chơi golf nên số tiền dành để chơi golf sẽ được hy sinh cho mục đích này. Chính vì vậy, tôi cho rằng bước ban đầu còn quan trọng hơn cả việc lập ngân sách là:

2. Tìm hiểu xem điều gì thực sự khích lệ bạn. Khi giở một tờ báo, những bài viết dạng nào sẽ thu hút sự chú ý của bạn? Những cộng đồng nào bạn đã tới thăm hoặc đã sinh sống và nay bạn muốn góp phần cải thiện chúng? Đâu là bước ngoặt trong cuộc sống của bạn? (Vâng, đây chính là lý do mọi người lại hào hứng quyên tiền tổ chức các chuyến đi thực tế cho các em học sinh trên trang web DonorsChoose.org, tuy rằng bên cạnh đó còn có những lý do khác nữa.) Điều gì thực sự khiến bạn tức giận?

Những câu hỏi này cần đến sự suy ngẫm nghiêm túc. Chúng là một phần trong quá trình tìm hiểu bản thân, song không hề kém quan trọng hơn những quyết định khác vốn vẫn thường khiến chúng ta đau đầu, chẳng hạn như tối nay xem phim gì. Để trả lời được, bạn có thể chỉ cần nhìn vào những tờ rơi quảng bá nội dung chương trình từ thiện mà các tổ chức phi chính phủ gửi đến. Hoặc bạn có thể áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn, như Jennier Page đang làm.

Page từng là một nhà sản xuất chương trình truyền hình. Chị bước vào tuổi 40 cách đây không lâu và nhận thấy mình bắt đầu trăn trở về nhiều câu hỏi lớn trong cuộc sống. Trong lá thư gửi cho tôi, chị viết: “Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng chị đã xem vở nhạc kịch Đại lộ Q chưa? Ở phần mở đầu, nam nhân vật trong đó muốn tìm kiếm mục đích của anh ta trong cuộc sống. Giờ đây đến lượt tôi cũng muốn tìm mục đích của đời mình.” Và chị nảy ra ý tưởng sử dụng thời gian và tiền bạc của mình để mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho 100 người – dự án này được chị đặt tên là Help 100. Page chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng mình có khả năng thay đổi thế giới.” Nhưng 100 người thì có vẻ khả thi. Bởi lẽ, bạn có thể thực hiện mục tiêu đó theo cách nào là tốt nhất? Page bắt đầu với ba cách:

  1. “Thử nghiệm những ý tưởng mà ai cũng có thể dễ dàng làm… những thứ không cần nhiều tiền hay đòi hỏi nhiều thời gian – chẳng hạn, không phải ai cũng có thể bỏ việc để đi tình nguyện 5 năm ở châu Phi, vì lẽ họ còn có con cái, họ hàng, các mối quan hệ, những ràng buộc trong công việc…”

  2. “Mở một blog để sau này có thể chuyển tải thành sách hay một trang web hoàn chỉnh nhằm chia sẻ ý tưởng với mọi người về những việc họ có thể làm…”

  3. “Tìm kiếm một dự án lớn mà tôi có thể tập trung vào đó. Tôi nghĩ bằng cách đó mình có thể giúp đỡ tới 90% số người theo mục tiêu đề ra. Nhưng tôi vẫn chưa rõ đó là dự án gì. Cho nên lúc này tôi cởi mở tiếp thu gợi ý của mọi người, lắng nghe những câu chuyện họ kể và tự mình tham gia vào nhiều hoạt động – tôi tới các sự kiện để tìm kiếm những người đang cần người hỗ trợ cho dự án của họ, hay những tổ chức từ thiện nhỏ cần động lực.”

Page lập ra một danh sách những mối quan tâm của chị: giáo dục, tài chính vi mô, châu Phi và một danh sách khác liệt kê những kỹ năng chị có: dạy học, làm phim, viết lách, tổ chức. Chị thử tham gia vào nhiều dự án khác nhau và qua đó có được nhiều ý tưởng hay. Chị dành một ngày làm tình nguyện viên cho một trung tâm dành cho người vô gia cư và làm việc một buổi sáng/tuần tại tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe tâm thần gần nhà. Ngoài ra, chị còn quản lý một khóa học cuối tuần về cuộc sống đơn thân và trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện dành cho người già neo đơn. Chị cũng tham gia vào ủy ban vận động quyên góp tiền xây dựng giếng nước ở châu Phi.

Page vẫn chưa biết kết quả của tất cả những công việc này sẽ ra sao, song mục tiêu của chị là “tìm hiểu xem điều gì phù hợp với cách làm việc, cách sống của tôi.” Việc tìm kiếm một dự án thiện nguyện có thể đem lại động lực phấn đấu lớn cho bản thân cũng có chút gì đó tương đồng với việc tìm kiếm một ý tưởng khởi nghiệp phù hợp, hay tìm kiếm một công ty để đầu tư. Bạn cần bỏ thời gian, công sức để phát hiện vấn đề rồi tìm kiếm giải pháp khả thi. Tuy nhiên, sau khi hình thành được ý tưởng đó, bạn có thể dồn hết tâm sức, tiền của cho nó và nó sẽ trở thành nguồn vui lớn cho bạn.

3. Tập trung vào một tổ chức từ thiện, qua đó giúp xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Nếu mục đích của những hành động thiện nguyện là giúp chúng ta nhận ra mình là con người của xã hội, thì tốt nhất hãy làm sao để những hành động của mình giúp củng cố sợi dây liên hệ trong xã hội. Đây chính là một điểm hấp dẫn của việc quyên góp.

Trường hợp của một tổ chức như Impact Austin là một ví dụ. Rebecca Powers, cựu đại diện bán hàng cho IBM, đứng ra thành lập Impact Austin năm 2003 sau khi đọc một bài báo trên tạp chí Peopleviết về chuyện một phụ nữ ở Cincinnati đã gom những món quà trị giá 1.000 đô-la từ nhiều phụ nữ khác để tạo nên những món quà lớn hơn. Bản thân Powers cũng từng trải qua một giai đoạn khó khăn, nên chị quyết định thực hiện dự án này tại Austin. Ban đầu, dự án chỉ thu hút được một số ít thành viên, nhưng tới nay, con số đó đã lên tới 542 người. Mỗi người quyên góp 1.000 đô-la và họ chia thành 5 khoản lớn, mỗi khoản trị giá 108.400 đô-la (chi phí hành chính cho mỗi khoản được tính riêng). Sau đó, họ tìm hiểu các tổ chức phi lợi nhuận thuộc 5 lĩnh vực khác nhau – ví dụ lĩnh vực giáo dục và y tế − và trong mỗi lĩnh vực chọn ra hai ứng cử viên để đưa vào vòng bầu chọn cuối cùng. Trong sự kiện lớn của Impact Austin được tổ chức vào tháng Sáu hàng năm, các thành viên sẽ biểu quyết chọn ra 5 tổ chức từ thiện ở 5 lĩnh vực để gửi gắm số tiền được quyên góp. Lorie Marrero, là một thành viên, đã kể lại: “Chúng tôi bỏ phiếu, rồi thực hiện kiểm phiếu ngay tại chỗ, nên sẽ sớm biết ai là người thắng cuộc. Đây là một sự kiện hết sức thú vị − giống như khi bạn xem chương trình truyền hình thực tế vậy. Mọi người bật khóc vì hạnh phúc, vì xúc động trước kết quả bình bầu.” Những khoản quyên góp trị giá 6 con số − đôi khi được trao cho những tổ chức có ngân sách thấp tới 400.000 đô-la – đã hỗ trợ cho rất nhiều hoạt động, từ triệt sản mèo hoang cho đến hợp tác với Goodwill để tạo ra những công việc có ích cho môi trường.

Cộng đồng Austin cũng có rất nhiều người từ các nơi chuyển đến. Với những thành viên mới này, Impact Austin sẽ giới thiệu họ với một nhóm những phụ nữ có thể viết những tấm séc từ thiện trị giá 1.000 đô-la – một nơi lý tưởng để xây dựng mối quan hệ nếu bạn định mở công ty hay muốn tìm hiểu thông tin về các cơ hội nghề nghiệp mới. Họ gặp gỡ khách hàng và những người buôn bán trong bầu không khí chân thật, khác hẳn với sự giả tạo thường thấy ở những bữa tiệc cocktail. “Phụ nữ thích làm từ thiện theo cách này. Chúng tôi thích cùng làm việc, cùng mang lại những thay đổi và cùng chia sẻ niềm vui khi gặt hái thành quả của những công việc đó”, Powers cho hay. Một số thành viên chỉ viết séc làm từ thiện, nhưng một số người còn tích cực tham gia vào công việc tìm hiểu những cộng đồng, một cách làm khác để thắt chặt thêm sợi dây gắn kết với xã hội.

Hạn mức quyên góp 1.000 đô-la quả thực là một con số lớn mà nhiều người khó có thể một lúc bỏ ra ngay được; tuy nhiên, biết đâu con số này lại giúp chúng ta giải tỏa tâm trí. “Nó giúp tôi đơn giản hóa quá trình làm từ thiện, tất cả chỉ cần dồn vào một tấm séc mỗi năm. Tôi không còn phải nay nghĩ xem nên quyên góp 25 đô-la cho tổ chức này, mai bỏ ra 50 đô-la cho tổ chức kia nữa – tôi khước từ tất cả những khoản đó và giờ chỉ quyên góp một khoản 1.000 đô-la duy nhất mà thôi”, Marrero chia sẻ. Nhìn chung, đây là phương thức làm từ thiện hiệu quả hơn, bởi với một lượng lớn nhà tài trợ nhỏ lẻ, tổ chức từ thiện sẽ phải mất thêm nhiều chi phí cập nhật thông tin dự án cho họ. Phí gửi thư thông báo vẫn giữ nguyên, dù bạn quyên góp 60 đô-la hay 600 đô-la; vậy nên với 10 nhà hảo tâm, mỗi người tốt nhất góp 600 đô-la cho một tổ chức từ thiện, hơn là mỗi người góp 60 đô-la cho 10 tổ chức khác nhau. Marrero cũng cho hay việc tập trung hóa hoạt động từ thiện như vậy mang lại cho cô nhiều lợi ích về mặt tâm lý: “Nó giúp thay đổi quan niệm của tôi về ý nghĩa của từ thiện. Trước đây, tôi cứ cho rằng nhà hảo tâm phải là những người như Bill Gates kia, nhưng giờ tôi cũng tự xếp mình vào nhóm đó và điều đó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về rất nhiều điều trong cộng đồng của mình.” Giờ đây, cô đã có khả năng tạo ra sự khác biệt.

Tuy nhiên, có điều cần giải thích ở đây: như kết quả của nghiên cứu mà tôi nhắc đến ở phần đầu chương này, giá trị của món quà không liên quan đến hạnh phúc. Vì mỗi khoản từ thiện đều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, nên có thể bạn sẽ hài lòng với thiện nguyện của mình hơn nếu bạn cam kết đóng góp cho một tổ chức nào đó 3.000 đô-la, nhưng số tiền này lại được chia nhỏ thành 12 khoản, mỗi khoản 250 đô-la và bạn sẽ nhận được e-mail thông báo mỗi khi tài khoản của bạn bị trừ đi một khoản như vậy. Bằng cách đó, bạn sẽ được hạnh phúc nhiều lần. Tôi cũng cho rằng ngoài những khoản từ thiện lớn, vẫn có chỗ cho những khoản từ thiện nhỏ, chính vì thế, tôi nghĩ bạn nên:

4. Tạo ra cho mình một ngân sách từ thiện vui vẻ. Bạn cứ dồn phần lớn quỹ từ thiện của mình cho một số ít tổ chức, nhưng hãy để ra khoảng 20% trong tổng số ngân sách đó để bạn có thể rảnh tay hỗ trợ thêm cho bất kỳ dự án nào khiến bạn thấy thích thú. Xét về vấn đề đi mua hạnh phúc, tôi có thể nghĩ ra vô vàn niềm vui nhỏ bé hơn là cả đời chăm chăm tìm cách thay đổi thế giới với 5 đô-la, 20 đô-la mỗi lần. Và không chỉ các tổ chức phi lợi nhuận đâu. Tiêu tiền cho người khác cũng được coi là hoạt động chi tiêu vì xã hội, dù bạn có được khấu trừ thuế hay không. Dưới đây là một số gợi ý dễ làm giúp bạn thi thoảng thực hiện những kế hoạch từ thiện quy mô nhỏ một cách ngẫu hứng:

  • Thỉnh thoảng, hãy để lại cho người phục vụ một món tiền boa hậu hĩnh.

  • Tặng bút sáp màu cho nhà trẻ, hay các lớp học tình thương.

  • Bỏ tiền túi ra thuê người trông trẻ cho một cặp vợ chồng trẻ thường tới nhà thờ cùng bạn, hay nhận trông trẻ miễn phí cho họ.

  • Hãy tặng người khác những món quà tuyệt vời – tưởng tượng rằng mình đã làm người khác vui vẻ như thế nào là một cách rất hiệu quả để bản thân bạn cũng có được niềm vui.

  • Trả tiền vé xe buýt cho một người chưa kịp mua vé tháng mới.

  • Mời cô sinh viên thực tập trong công ty ra ngoài ăn trưa.

  • Để lại một tấm thẻ quà tặng trên bục cửa nhà ai đó.

  • Tặng 20 đô-la cho yêu cầu từ thiện đầu tiên bạn nhìn thấy trên danh mục đường link ở Facebook.

  • Mua ô cho một người bị mắc mưa giữa đường (như cách làm của nhóm Ô này bạn ở Pittsburgh).

  • Trả tiền lộ phí cho chiếc xe đằng sau bạn trên đường quốc lộ.

Và trong khi sử dụng khoản ngân sách từ thiện vui vẻ đó, hãy nhớ ghi lại cảm giác của bạn, rồi bạn có thể đọc lại những ghi chép đó bất kỳ lúc nào. Có thể ngày làm việc hôm nay của bạn diễn ra thật tồi tệ. Những đứa trẻ nhà bạn nổi loạn chống lại bạn, hay nhiều tuần rồi bạn không đặt chân tới câu lạc bộ thể dục. Bất chấp tất cả những điều ấy, thật khó mà không nghĩ bạn thật là người giàu có và hạnh phúc khi nhìn thấy cuộc sống được tốt đẹp hơn nhờ có bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.