Tiểu Sử Steve Jobs

Chương 1: THỜI NIÊN THIẾU



Bị bỏ rơi và được lựa chọn

Được nhận làm con nuôi

Khi Paul Jobs giải ngũ khỏi đơn vị Cảnh sát biển sau chiến tranh thế giới II, ông đã có một cuộc cá cược với những người bạn thủy thủ của mình. Họ dừng chân ở San Francisco, nơi chiếc thuyền của họ bị bỏ lại và Paul cá rằng ông sẽ tìm được vợ trong vòng hai tuần. Ông là một người thợ máy có thân hình lực lưỡng, cao chừng 1,8m, xăm trổ đầy mình và hao hao giống James Dane. Nhưng vẻ ngoài hấp dẫn ấy không phải là lý do khiến ông có thể hẹn hò được với Clara Hagopian, cô con gái hóm hỉnh của một người Armenia nhập cư. Thật tình cờ, Paul và những người bạn có một chiếc ô tô, không giống với nhóm bạn mà Clara vốn có ý định đi cùng tối đó. Mười ngày sau, tháng 3/1946, Paul đính hôn với Clara và nhận được khoản tiền thắng cược. Cuộc hôn nhân này đã có một kết thúc hạnh phúc và dường như không gì có thể chia cắt được họ trừ cái chết, chỉ xảy ra hơn 40 năm sau đó.

Paul Reinhold Jobs lớn lên trong một nông trại bò sữa ở Germantown, Wiscousin. Mặc dù người cha nghiện rượu và đôi khi đánh đập ông, Paul là hình ảnh đối lập hoàn toàn của người cha với tính cách nhẹ nhàng và điềm đạm ẩn sau vẻ bề ngoài tưởng chừng gai góc. Sau khi bỏ học trung học, ông đi lang thang qua vùng Trung Tây (Midwest) và xin vào làm thợ máy cho đến khi gia nhập Lực lượng Cảnh sát biển năm 19 tuổi, mặc dù không biết bơi. Ông được bố trí làm việc cho sư đoàn USS M.C Meigs và dành phần lớn thời gian quân ngũ của ông là vận chuyển quân đến Ý dưới lệnh Tướng Patton. Ông đã được khen tặng nhờ tài năng và kinh nghiệm có được từ công việc của một người thợ máy và lính cứu hỏa nhưng đôi lúc ông cũng rơi vào một số rắc rối nhỏ khiến ông không bao giờ có thể thăng cấp ngoài một anh lính thủy quèn.

Clara được sinh ra ở New Jersey, nơi cha mẹ bà đã dừng chân sau cuộc chạy trốn người Thổ Nhĩ Kỳ ở Armenia. Sau đó, họ chuyển đến khu trung tâm ở San Francisco khi bà còn là một đứa trẻ. Clara có một bí mật nhưng hiếm khi bà nhắc đến là bà từng kết hôn nhưng người chồng đã hi sinh trong chiến tranh. Vì vậy, khi bà gặp Paul Jobs, bà hoàn toàn có quyền để bắt đầu một cuộc sống mới.

Giống như nhiều người đã sống qua thời kỳ chiến tranh, họ đã trải qua quá nhiều buồn vui, mất mát trong cuộc sống để khi nó đi qua, mong muốn của họ chỉ đơn giản là định cư, xây dựng gia đình và sống một cuộc sống ít biến động. Paul và Clara hầu như không có tiền, vì vậy, họ chuyển đến Wisconsin sống với gia đình bên nội trong vài năm, sau đó chuyển đến bang Indiana, nơi Paul được nhận vào làm một thợ máy ở công ty Quốc tế Harvester. Paul có niềm đam mê mày mò sửa chữa, lắp ghép những chiếc xe ô tô cũ. Ông đã kiếm được tiền nhờ vào việc mua, phục chế những chiếc ô tô trong thời gian rảnh rỗi và bán lại chúng. Chính vì vậy, cuối cùng, ông quyết định từ bỏ công việc là một thợ máy để dành toàn thời gian cho công việc kinh doanh những chiếc xe cũ.

Tuy nhiên, Clara lại thích sống ở San Francisco nên bà đã thuyết phục chồng mình quay trở lại đây vào năm 1952. Họ mua một căn hộ nhìn ra Thái Bình Dương ở quận Sunset, nằm ở phía Nam của Công viên Golden Gate. Tại đây, Paul làm cho một công ty tài chính với tư cách là nhân viên ký kết hợp đồng thu mua xe hóa giá (repo) của những người không đủ khả năng trả nợ vay. Ông đồng thời cũng vẫn tiếp tục công việc thu mua, phục chế và bán lại những chiếc xe cũ như thời gian trước nên cuộc sống của họ cũng khá đầy đủ.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn chưa được vẹn toàn. Họ muốn có con, nhưng không may mắn. Clara đã từng có mang, nhưng bị chửa ngoài dạ con, vì thế bà không thể sinh nở được nữa, điều này ngăn cản ước muốn có con của hai vợ chồng. Vì thế năm 1955, sau chín năm kết hôn, họ quyết định xin con nuôi.

Cũng giống như Paul Jobs, Joanne Schieble sinh ra trong một gia đình nông thôn vùng Wisconsin, gốc Đức. Cha bà, Arthur Schieble, đã di cư đến vùng ngoại ô của Green Bay, nơi ông và vợ gây dựng một trang trại nuôi chồn cũng như tạo được thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm cả bất động sản và quang khắc (khắc bằng ánh sáng trên bản kẽm). Arthur rất nghiêm khắc, đặc biệt là về các mối quan hệ của cô con gái. Ông đã phản đối gay gắt mối tình đầu của Joanne với một nghệ sĩ không phải là một người Công Giáo. Chính vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông dọa sẽ từ mặt Joanne, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Wisconsin khi cô đem lòng yêu Abdulfattah “John” Jandali, một người trợ giảng theo đạo Hồi đến từ Syria.

Jandali là con út trong một gia đình Syria danh giá có chín người con. Cha của ông sở hữu hệ thống nhiều nhà máy lọc dầu và vô số các ngành kinh doanh khác, trong đó phải kể đến số lượng lớn cổ phần ở Damascus và Homs, cũng như khả năng gây ảnh hưởng và kiểm soát giá lúa mì trong khu vực. Sau này, Jandali tiết lộ mẹ của ông là một “người phụ nữ Hồi giáo truyền thống”, một “mẫu người nội trợ bảo thủ và biết vâng lời.” Giống như gia đình của Schieble, Jandali rất coi trọng học vấn. Mặc dù Abdulfattah theo đạo Hồi, ông được gửi theo học nội trú ở một trường dòng và tốt nghiệp sau đại học tại đại học Hoa Kỳ ở Beirut trước khi lấy bằng tiến sĩ về khoa học chính trị tại trường đại học Wisconsin.

Mùa hè năm 1954, Joanne đã cùng Abdulfattah tới Syria. Họ ở Homs hai tháng và Joanne đã học được cách nấu vài món ăn Syria từ gia đình anh. Khi hai người trở về Wisconsin, Joanne phát hiện ra mình mang bầu. Lúc đó, mặc dù cả hai đều đã 23 tuổi, nhưng họ quyết định không kết hôn vì cha của Joanne lúc đó đang hấp hối và trước đó ông đã đe dọa sẽ từ mặt con gái nếu cô cưới Abdulfattah. Hơn thế nữa, việc nạo phá thai cũng không phải là một lựa chọn dễ dàng trong thế giới những người theo Công giáo. Vì vậy, đầu năm 1955, Joanne tới San Francisco. Tại đây bà đã gặp và được một vị bác sĩ tốt bụng giúp đỡ. Ông đã che chở cho người mẹ độc thân, đỡ đẻ và âm thầm sắp xếp việc cho nhận con nuôi.

Yêu cầu của Joanne là con của bà phải được gửi vào một gia đình có trình độ học vấn đại học. Vì vậy, người bác sĩ đã dự định giao đứa bé cho một gia đình vợ chồng luật sư. Nhưng vào ngày cậu bé ra đời – ngày 24 tháng 2 năm 1955 – cặp vợ chồng này lại quyết định từ chối vì họ muốn nhận một bé gái. Vì vậy, thay vì trở thành con nuôi của cặp vợ chồng luật sư, cậu bé lại được một người thợ cơ khí bỏ học từ cấp 3 nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc và vợ ông, một kế toán viên, nhận nuôi, cặp vợ chồng này là Paul và Clara. Họ đặt tên cậu bé là Steven Paul Jobs.

Khi Joanne phát hiện ra con trai mình đã được một cặp vợ chồng mà thậm chí chưa tốt nghiệp trung học nhận nuôi, bà từ chối ký các giấy tờ liên quan đến việc giao nhận con nuôi. Sự bất đồng này kéo dài vài tuần, thậm chí kể cả sau khi Steve đã được đưa về gia đình Jobs. Cuối cùng, Joanne cũng khoan nhượng đồng ý cho vợ chồng Jobs nhận nuôi cậu bé với điều kiện bố mẹ nuôi phải cam kết sẽ mở tài khoản tiết kiệm để lo cho Steve học đại học sau này.

Cũng còn một lý do khác khiến Joanne lúc đầu khăng khăng không ký giấy chuyển nhận con nuôi đó là vì cha bà sắp chết và bà dự định sẽ kết hôn với Jandali ngay sau đó. Bà hi vọng rằng sau khi cưới nhau, họ sẽ thuyết phục dần được gia đình và nhận lại con.

Arthur Schieble qua đời vào tháng 8 năm 1955, sau khi việc nhận con nuôi đã được hoàn tất. Ngay kỳ Giáng sinh năm đó, Joanne và Abdulfattah đã kết hôn tại Thánh đường Philip – một nhà thờ Công giáo ở Green Bay. Abdulfattah cũng lấy bằng tiến sĩ chính trị quốc tế một năm sau đó và họ có thêm một cô con gái đặt tên là Mona. Sau khi Joanne và Jandali ly dị vào năm 1962, Joanne bắt đầu một cuộc sống mơ mộng và bà cũng chu du khắp nơi cùng con gái, Mona Simpson. Sau này khi đã trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng được nhiều người biết đến, bà Mona đã đưa nguyên mẫu về cuộc sống của người mẹ vào trong cuốn sách có tựa đề “Anywhere but Here” (tạm dịch là Không đâu ngoài nơi đây). Việc cho Steve làm con nuôi cũng được giữ bí mật và vì thế phải gần 20 năm sau hai anh em mới được gặp lại nhau.

Từ khi còn rất nhỏ, Steve Jobs đã biết mình là con nuôi. “Cha mẹ tôi rất cởi mở với tôi về chuyện đó” ông nhớ lại. Steve nhớ rất rõ, hồi 6 – 7 tuổi, có lần ông ngồi trên bãi cỏ ở nhà mình nói chuyện cô bạn sống ở nhà đối diện. “Việc cậu được nhận nuôi có nghĩa là bố mẹ đẻ của cậu không cần cậu nữa phải không?” cô bạn đó hỏi Steve.

“Một luồng điện chạy qua đầu tôi như sét đánh,” Jobs bồi hồi nhớ lại. “Tôi nhớ mình đã chạy về nhà, rồi khóc nức nở. Và cha mẹ nuôi đã nói, ‘Điều đó không đúng, con phải hiểu điều đó’. Ông bà đã nghiêm nghị nhìn thẳng vào đôi mắt tôi và nói rằng, “Chính chúng ta đã đặc biệt muốn nhận nuôi con”. “Từng câu, từng chữ được cả cha và mẹ nuôi tôi nhắc đi nhắc lại một cách rành mạch và nhấn mạnh”.

Bị bỏ rơi. Được lựa chọn. Đặc biệt. Những khái niệm đó đã trở thành một phần con người Jobs và phong cách sống của ông. Những người bạn thân của ông cho rằng tuổi thơ của Jobs với ý nghĩ mình bị cho đi làm con nuôi đã để lại những tổn thương trong ông. “Tôi nghĩ niềm đam mê kiểm soát hoàn toàn bất kể thứ gì mình làm ra bắt nguồn trực tiếp từ tính cách của ông và việc ông bị bỏ rơi ngay từ lúc mới sinh,” người đồng nghiệp lâu năm, Del Yocam tâm sự. “Jobs muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh mình, ông ấy nhìn nhận mỗi sản phẩm được tạo ra như một bộ phận không thể thiếu của bản thân”. Greg Calhoun, một người bạn thân của Jobs từ sau khi tốt nghiệp đại học lại nhìn nhận ra một khía cạnh khác ở ông. “Steve kể với tôi rất nhiều về việc ông bị bỏ rơi và những nỗi đau ông phải hứng chịu. Nó giúp ông tự lập hơn. Steve chọn cho mình một hướng đi khác biệt và nó là kết quả của hoàn cảnh khác biệt mà ông đã trải qua, vượt lên trên hẳn những gì cuộc đời ban cho ông từ khi sinh ra”.

Sau này, khi Steve ở tầm tuổi người cha đẻ lúc bỏ rơi ông, Jobs cũng đã từ chối trách nhiệm của một người cha với con ruột mình. (Cuối cùng, sau này ông cũng nhận lại con). Chrissann Brennan, mẹ của đứa trẻ nói rằng chính việc bị bỏ rơi từ khi còn bé khiến Jobs như “một chiếc ly dễ vỡ” và đó cũng là nguyên nhân giải thích những hành động của ông. “Ông ấy bị bỏ rơi rồi lại trở thành người bỏ rơi chính con ruột mình” bà nói. Andy Hertzfeld, người đã làm việc với Jobs tại Apple vào đầu những năm 1980, là một trong số ít những người vẫn giữ được mối quan hệ gần gũi với cả Brennan và Jobs. Ông nhận định “Câu hỏi lớn nhất về Steve là tại sao đôi lúc ông ấy không thể kiểm soát bản thân khỏi việc cư xử tàn nhẫn và nguy hiểm với một số người”, ông này nói. “Tất cả đều chỉ quy về lý do Steve bị bỏ rơi từ khi sinh ra và phải trải qua cuộc sống khác biệt của đứa trẻ bất hạnh”.

Nhưng nhận định này của Andy đã bị Steve bác bỏ. “Có một số nhận định cho rằng bởi vì tôi bị bỏ rơi, nên tôi đã làm việc rất chăm chỉ và cố làm thật tốt để khiến bố mẹ đẻ muốn nhận lại tôi. Cũng có một vài nhận định vô nghĩa khác. Tất cả đều thật nực cười!”, ông nhấn mạnh. “Việc biết mình bị bỏ rơi và được nhận nuôi thực tế đã giúp tôi tự lập hơn, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Ngược lại, chính cha mẹ nuôi khiến tôi thấy mình đặc biệt”. Jobs sẵn sàng nổi đóa với bất cứ ai gọi Paul và Clara Jobs là bố mẹ “nuôi” hay ngụ ý họ không phải là bố mẹ “thật” của ông. Jobs nhấn mạnh rằng “Họ là bố mẹ của tôi 1000%”. Còn khi nói về bố mẹ đẻ của mình, Jobs lại lạnh lùng: “Họ chỉ là những người cung cấp tinh trùng và trứng. Chẳng có gì cay nghiệt cả, đó là cách để nhìn nhận sự việc, đơn giản là ngân hàng tinh trùng và trứng, không gì khác”.

Thung lũng Silicon

Từ bé, Paul và Clara Jobs đã nuôi dưỡng cậu con trai của họ, có thể nói, giống như khuôn mẫu nuôi dậy vào cuối những năm 1950. Khi Steve hai tuổi, họ tiếp tục nhận nuôi một bé gái tên là Patty. Ba năm sau, họ chuyển về sống tại một căn hộ ở ngoại ô. Công ty tài chính CIT mà Paul đang làm việc với vị trí nhân viên ký kết hợp đồng mua lại (repo) đã luân chuyển ông tới trụ sở tại Palo Alto, nhưng những chi phí sinh hoạt ở đó nằm ngoài khả năng của gia đình ông, vì thế ông chọn làm việc tại một chi nhánh của công ty đặt tại Mountain View, một thị trấn ở miền Nam, với sinh hoạt phí ít đắt đỏ hơn.

Tại đây, Paul cố gắng truyền tình yêu cơ khí và sửa chữa ô tô của mình cho cậu con trai. Ông chỉ vào một khu để bàn làm việc trong nhà để xe và nói với Steve: “Steve, từ giờ, đây sẽ là bàn làm việc của con”. Jobs vẫn nhớ ông hoàn toàn bị ấn tượng bởi sự lành nghề và khéo léo của cha mình khi làm việc. “Tôi nghĩ thẩm mỹ của bố tôi rất tốt vì ông ấy biết cách chế tạo nên mọi thứ. Nếu chúng tôi cần một cái thùng máy, ông sẽ làm nó. Khi dựng hàng rào, ông cũng đưa tôi một cái búa để cùng làm”.

Năm mươi năm sau, hàng rào này vẫn bao quanh sân sau và hai bên hông nhà Jobs ở Mountain View. Ông đã vuốt ve khung rào và tự hào kể cho tôi về bài học người cha đáng kính đã dạy mà ông mãi khắc ghi. Cha ông đã nói rằng, cho dù là dựng hàng rào hay làm thùng máy, đều cần phải chú ý cả mặt sau ngay cả khi nó sẽ bị che khuất, đó chính là nguyên tắc quan trọng khi làm việc. “Ông ấy thích làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Ông ấy quan tâm đến cả những phần mà thông thường mọi người không để ý”.

Cha ông tiếp tục tân trang để bán lại những chiếc xe ô tô đã qua sử dụng, và trang trí nhà để xe với những bức tranh yêu thích của mình. Ông chỉ ra từng chi tiết thiết kế cho con trai mình từ đường nét, lỗ thông hơi, mạ crom hay việc cắt giảm số ghế. Sau khi đi làm về, ông thường thay bộ quần áo vải thô của người thợ cơ khí và vào nhà để xe, thường thì Steve sẽ đi cùng ông. “Tôi hi vọng rằng lúc đó mình có thể giúp Steve phát triển một chút khả năng về cơ khí chế tạo nhưng thậm chí thằng bé chẳng có thích thú gì với những việc khiến nó bẩn tay. Nó thật sự chẳng bao giờ quan tâm đến mấy việc liên quan đến cơ khí”. Paul sau này nhớ lại.

“Tôi không thích thú với việc sửa chữa ô tô,” Jobs thừa nhận. “Nhưng tôi thích đi vào gara và nói chuyện cùng với cha tôi”. Ngay cả khi lớn hơn, cho dù biết được rằng mình chỉ là con nuôi nhưng Steve không xa cách mà lại càng gần gũi với cha hơn. Một ngày, lúc Steve khoảng tám tuổi, ông tìm thấy một bức hình chụp cha khi còn tại ngũ trong lực lượng Cảnh sát biển. “Ông ấy đang ở trong phòng máy, ở trần, trông giống hệt James Dean. Đó là một trong những giây phút thú vị nhất của một đứa trẻ. Ôi, cha mẹ tôi thật sự đã từng rất trẻ và quyến rũ”.

Nhờ những chiếc ô tô, cha của Steve đã cho ông những trải nghiệm đầu tiên về điện tử. “Cha tôi không hiểu sâu về điện tử, nhưng ông đã “chạm trán” nhiều trường hợp trong khi giải quyết những vấn đề liên quan đến ô tô và những thứ ông đã sửa chữa. Ông chỉ cho tôi những nguyên lý cơ điện tử, và tôi vô cùng thích thú về điều đó”.Thậm chí, mọi thứ còn thú vị hơn khi được đi cùng cha thu lượm linh kiện lắp ghép. “Cứ cuối tuần, chúng tôi đều sắp xếp một chuyến đi thu lượm phế thải vật liệu. Chúng tôi tìm kiếm những máy phát điện, bộ chế hòa khí và đủ các loại linh kiện cần thiết.” Steve vẫn nhớ những lần ông đứng chờ cha mình thương lượng mua hàng.

“Ông ấy là người thương lượng giá cả tuyệt vời bởi vì ông ấy còn rõ về giá trị của những linh kiện đó hơn cả người bán chúng”. Chính việc này đã giúp Paul và Clara có được khoản tiền tiết kiệm dùng trang trải chi phí học đại học cho Steve như đã hứa khi nhận nuôi ông. “Chi phí học đại học của tôi được tích góp từ việc cha tôi được trả 50 đô-la cho một con xe Ford Falcon hoặc sửa chữa một vài chiếc xe không hoạt động trong vòng vài tuần rồi bán với mức 250 đô-la mà không báo cáo với Sở thuế vụ (IRS).

Ngôi nhà của gia đình nhà Jobs và những người khác trong vùng được Joseph Eichler, một nhà phát triển bất động sản, xây dụng. Công ty của ông này đã xây dựng hơn mười một nghìn ngôi nhà trên khắp các vùng của California trong những năm 1950 đến 1974. Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thiết kế những ngôi nhà đơn giản, hiện đại phù hợp với người Mỹ – “mọi người”- của Frank Lloyd, Eichler đã xây dựng nên những ngôi nhà với chi phí thấp có kiến trúc tường kính cao từ sàn đến trần nhà, hệ thống dầm hở, sàn bê tông và có nhiều cửa kính trượt. Trong một lần chúng tôi đi dạo quanh khu nhà Jobs ở, ông đã nhận xét “Eichler đã làm được một việc phi thường. Những ngôi nhà của ông ấy tạo ra đều thông minh, rẻ và tốt. Họ mang đến cho những người thu nhập thấp những thiết kế đơn giản và tinh tế. Thiết kế ngôi nhà của họ có những điểm nhấn nhỏ tuyệt vời như hệ thống lò sưởi bức xạ nhiệt ở trên sàn. Bạn có thể trải tấm thảm sàn lên và khi chúng tôi còn bé, chúng tôi thoải mái nằm trườn ấm áp trên chiếc ‘giường sàn’ đó”.

Jobs nói rằng ông đánh giá cao những thiết kế nhà trang nhã và thân thiện của Eichler. Chính điều đó đã nuôi dưỡng trong ông niềm đam mê sáng tạo những sản phẩm có thiết kế tinh tế đáp ứng được hầu hết thị hiếu của người tiêu dùng. “Tôi yêu những thiết kế đó – vừa nói ông vừa chỉ tay về phía những ngôi nhà – ông ấy đã mang lại những tác phẩm thiết kế tinh xảo, chức năng đơn giản nhưng lại tiết kiệm chi phí. Đây cũng chính là tầm nhìn cốt lõi trong chiến lược phát triển của Apple, là những gì chúng tôi cố gắng tạo ra với máy tính Mac và sau đó là iPod”.

Sống đối diện nhà Jobs có một người đàn ông rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. “Ông ấy không xuất chúng nhưng ông ấy đang kiếm được rất nhiều tiền,” Jobs nhớ lại. “Vì thế cha tôi nghĩ, ‘cha cũng có thể làm được’. Tôi nhớ, ông đã làm việc cật lực. Ông tham gia các lớp học vào buổi tối, vượt qua kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ và lao vào thị trường bất động sản. Nhưng sau đó, thị trường nàychạm đáy”. Kết quả là, gia đình Steve gặp khó khăn lớn về tài chính trong vòng một năm hoặc hơn khi ông đang học tiểu học. Mẹ ông làm kế toán viên cho Varian Associates, một công ty sản xuất thiết bị khoa học và họ phải vay thế chấp lần thứ hai.

Một ngày, giáo viên dạy lớp bốn của Steve hỏi ông “Điều gì về thế giới này khiến em không hiểu”. Steve đã đáp rằng “Em không hiểu tại sao trong phút chốc cha em lại khánh kiệt đến vậy”. Steve đã rất tự hào về người cha của mình vì chưa bao giờ phải dùng những chiêu thức hèn hạ hay bóng bẩy chỉ để phát triển công việc kinh doanh của mình. “Người ta phải nịnh nọt mọi người để họ bán bất động sản, nhưng cha tôi không giỏi trong việc này. Đây không phải là con người ông và tôi ngưỡng mộ ông vì điều đó”. Paul Jobs lại trở về với công việc của một thợ cơ khí sau đó.

Cha của Steve Jobs là một người điềm đạm và khiêm nhường. Đây là đức tính mà sau này Steve ca ngợi nhiều hơn là học tập. Ngoài ra, ông cũng là một người cương quyết. Jobs đã miêu tả cha mình như sau:

“Gần nhà tôi có một anh chàng kỹ sư làm việc ở Westinghouse. Anh ta còn độc thân, thuộc loại người lập dị và có một cô bạn gái. Vì bố mẹ tôi đều đi làm nên thi thoảng cô ấy vẫn trông nom tôi. Sau khi tan học, tôi đến nhà cô và ở đó khoảng vài giờ. Vài lần tôi thấy anh chàng kỹ sư say rượu và đánh cô ấy. Một buổi tối, cô ấy chạy đến nhà tôi, tinh thần hoảng loạn và rồi anh ta cũng đến với bộ dạng say khướt. Cha tôi bình tĩnh bảo anh ta: “Cô ấy đang ở nhà tôi nhưng anh sẽ không vào đó”. Anh ta đứng ngay đó. Chúng tôi thích nghĩ đó là những điều bình thường trong những năm 1950 nhưng anh chàng này lại là một trong những người kỹ sư có cuộc sống quá lộn xộn.

Điều làm cho khu vực gia đình Steve Jobs sống khác biệt so với hàng nghìn những Hạt không một bóng cây xanh trên khắp đất nước Mỹ đó là ngay cả những kẻ chẳng làm nên trò trống gì cũng có khuynh hướng làm kỹ sư. Jobs nhớ lại “Khi chúng tôi mới chuyển đến đây, khắp nơi bạt ngàn những vườn mơ và mận. Nhưng những khoản đầu tư quân sự được rót xuống kéo theo sự phát triển bùng nổ của những thung lũng xanh này”. Ông nắm rõ lịch sử từng giai đoạn của thung lũng và mong muốn phát triển nó bằng chính sức lực của mình. Edwin Land của Polaroid kể cho Jobs rằng ông ta từng được Eisenhower nhờ lắp đặt camera cho máy bay do thám U-2 để quan sát thực tế sức mạnh quân sự của Liên bang Xô viết. Đoạn tư liệu đã được niêm phong vừa gửi trả lại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Sunnyvale, cách chỗ Jobs sinh sống không xa lắm. Ông cũng nói thêm rằng, “Trình điều khiển máy tính đầu tiên mà tôi từng được nhìn thấy là khi cha tôi đưa tôi đến Trung tâm Ames. Và ngay lập tức, tôi đã thích nó”.

Nhiều nhà thầu quốc phòng khác mọc lên gần đó trong những năm 1950. Khu nghiên cứu tên lửa Lockheed và Sư đoàn Không gian, nơi chế tạo tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, được thành lập vào năm 1956 bên cạnh Trung tâm NASA. Tính đến thời điểm 4 năm sau khi Jobs chuyển đến sống ở đây, trung tâm này đã có tới 20.000 công nhân viên. Cách đó một vài trăm thước, Westinghouse xây dựng các cơ sở sản xuất ống và máy biến áp điện cho hệ thống tên lửa. Job nhớ lại: “Người ta xây dựng tất cả các công ty quân sự tối tân nhất ở đây. Chính những công nghệ mới tối tân nhất đi kèm với sự bí ẩn đã làm cho cuộc sống ở vùng đất này trở nên thú vị”.

Cùng với sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp quốc phòng, một nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ cao đã thực sự bùng nổ. Nguồn gốc của sự bùng nổ này phải kể đến việc David Packard và vợ ông chuyển đến sống ở Palo Alto năm 1938. Ngôi nhà của vợ chồng ông có một nhà kho và đây chính là nơi người bạn của ông, Bill Hewlett, đã chọn để tập trung nghiên cứu, sáng tạo, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Nhà để xe, vốn là một phần phụ hữu ích và mang tính đặc trưng của vùng thung lũng này, cũng là nơi họ sử dụng để làm xưởng chế tạo sản phẩm đầu tiên: bộ dao động âm thanh. Cho đến những năm 1950, Hewlett – Packard được đánh giá là một công ty sản xuất thiết bị điện tử tăng trưởng với tốc độ chóng mặt nhất.

May mắn thay, ở gần đó có chỗ để đáp ứng nhu cầu “bành trướng” của những công ty

“phát triển vượt quá phạm vi một nhà để xe” như Hewlett – Packard. Trong sự chuyển dịch mang tính chất quyết định để biến khu vực này trở thành cái nôi của cuộc cách mạng công nghệ, chủ nhiệm khoa kỹ thuật của đại học Standford, Frederick Terman đã cho xây dựng một khu công nghiệp với diện tích khoảng 283 hecta (700 arce) ngay trong khuôn viên của trường, dành cho những công ty tư nhân có khả năng thương mại hóa các ý tưởng của sinh viên trong trường. Và người chuyển đến đầu tiên chính là tập đoàn Varian Associates, nơi Clara Jobs đang làm việc. Jobs đã nói rằng “Terman đã có một ý tưởng tuyệt vời. Chính ý tưởng này đóng vai trò tiên phong tạo đà cho ngành công nghệ tại vùng này phát triển một cách mãnh mẽ”. Lúc Jobs lên mười thì HP đã có 9.000 công nhân viên và là một công ty lớn mạnh (blue chip) trên thị trường, nơi mà tất cả các kỹ sư mưu cầu sự ổn định tài chính đều mong muốn được làm việc.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, mấu chốt quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển của vùng thung lũng này là chính là chất bán dẫn. Năm 1956, một trong những nhà phát minh ra bóng bán dẫn ở phòng thí nghiệm Bell, New Jersey tên là William Shockley đã chuyển tới Moutain View và bắt đầu xây dựng công ty sản xuất bóng bán dẫn sử dụng silicon thay vì nguyên tố germani đắt đỏ vẫn thường sử dụng truyền thống. Tuy nhiên, Shockley ngày càng chán nản và bỏ rơi dự án bóng bán dẫn silicon, khiến cho tám kỹ sư của ông, đáng chú ý nhất là Robert Noyce và Gordon Moore phải tách ra khỏi nhóm để thành lập một công ty sản xuất chất bán dẫn khác tên là Farchild Semiconductor. Công ty này phát triển lớn mạnh với mười hai ngàn công nhân nhưng sau đó đã tan rã năm 1968, khi Noyce thất bại trong cuộc chiến trở thành CEO. Noyce lại cùng Gordon Moore lập một công ty khác lấy tên là Integrated Electronics Corporation và họ đã ngay lập tức gọi tắt là Intel. Thành viên thứ ba của họ là Andrew Grove, người sau này đã góp công đưa công ty lớn mạnh nhờ sự chuyển đổi từ lĩnh vực then chốt là sản xuất chip bộ nhớ sang bộ vi xử lý. Chỉ trong vòng vài năm, đã có hơn năm mươi công ty sản xuất thiết bị bán dẫn mọc lên ở khu thung lũng này.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành công nghiệp này có liên hệ mật thiết với hiện tượng khoa học nổi tiếng được phát hiện bởi Moore, một nhân vật mà năm 1965 đã đưa ra biểu đồ tốc độ của mạch tích hợp dựa trên số lượng bóng bán dẫn có thể gắn trên một con chip. Moore đã chỉ ra rằng số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi theo chu kỳ hai năm và quỹ đạo phát triển này được cho là vẫn tiếp tục diễn ra. Kết luận này được khẳng định lại một lần nữa vào năm 1971 khi Intel có thể đặt trọn một bộ xử lý trung tâm vào một con chip, được gọi là bộ vi xử lý Intel 4004. Định luật Moore vẫn còn giá trị đến tận ngày nay và dự đoán tin cậy về hoạt động của bộ vi mạch ảnh hưởng đến giá cả đã cho phép cả hai thế hệ doanh nhân, bao gồm cả Steve Jobs và Bill Gates thiết kế được biểu đồ giá cả cho các thế hệ sản phẩm của mình.

Ngành công nghiệp sản xuất chip thật sự đã mang lại một cuộc chơi mới cho vùng đất này kể từ khi Don Hoefler, người phụ trách chuyên mục của tờ Electronic News, một tờ báo về thương mại phát hành định kỳ hàng tuần, đã cho đăng một loạt các phóng sự có tựa đề “Thung lũng Silicon Mỹ” vào tháng 1 năm 1971. Vùng thung lũng Santa Clara cách đó 40 dặm, trải dài từ phía Nam San Francisco qua Palo Alto đến San Joe, có trung tâm thương mại El Camino Real, con đường huyết mạch từng nối liền 21 nhà thờ đặc trưng ở California giờ đã bùng nổ thành đại lộ trung chuyển giữa các công ty lớn, nhỏ có tổng số vốn đầu tư chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn Mỹ mỗi năm. Jobs đã từng nói rằng: “Luôn phát triển không ngừng, lịch sử của nơi này đã truyền cảm hứng sáng tạo cho tôi rất nhiều. Và đó là lý do khiến tôi luôn muốn là một phần của nó”.

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, niềm đam mê của Jobs được nuôi lớn và ảnh hưởng bởi những người thân sống cùng từ tấm bé. “Hầu hết các các ông bố ở đây đều làm những công việc đòi hỏi sự khéo léo như quang điện (photovoltaics), ắc quy và radar. Tôi lớn lên cùng với chúng và luôn tò mò hỏi mọi người về tất cả những thứ tôi muốn biết”. Jobs nhớ lại. Một trong những người hàng xóm có ảnh hưởng nhất đến Jobs là Larry Lang, sống cách nhà Jobs bảy dãy nhà. Jobs kể rằng “Larry là một kỹ sư HP kiểu mẫu: một người điều khiển radio lành nghề, một kỹ sư am hiểu điện tử ‘lỗi lạc’. Ông ấy thường cho tôi rất nhiều thứ để mày mò”. Khi đi cùng tôi đến nhà cũ của Lang, Jobs đã chỉ vào con đường dẫn vào ngôi nhà và nói “Ông ấy lấy một chiếc micro cac-bon, một bình ắc quy và một chiếc loa đặt xuống chính con đường này. Ông ấy đã bảo tôi nói vào chiếc micro và âm thanh được khuếch đại ra bằng loa”. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những điều cha của Jobs đã dạy rằng một chiếc micro thì luôn luôn cần một chiếc âm ly điện tử. “Vì vậy tôi phi thẳng về nhà và nói với cha rằng ông đã nhầm”.

“Không, chắc chắn là nó cần một bộ âm li (bộ khuếch đại âm thanh) để hoạt động”, Paul khẳng định một lần nữa với cậu con trai, nhưng Steve vẫn khăng khẳng bảo vệ ý kiến của mình khiến cha cậu vô cùng tức giận “Nó không thể hoạt động nếu không có một chiếc âm li. Điều con thấy chỉ là việc sử dụng một thủ thuật nào đó”.

“Tôi vẫn tiếp tục khăng khăng rằng cha đã sai và nói ông phải chứng kiến tận mắt mới biết được. Cuối cùng, ông đành nhượng bộ, đi theo tôi để xem nó. Và ông nói rằng ‘Cha sẽ rời khỏi đây ngay lập tức!”

Jobs háo hức kể cho tôi nghe chuyện trên một cách sống động vì đây là lần đầu tiên trong đời cậu bé Jobs nhận ra rằng cha mình không phải cái gì cũng biết. Một phát hiện khiến Jobs chợt lúng túng nhận ra rằng mình thông minh hơn cha mẹ. Ông đã từng rất ngưỡng mộ năng lực và sự hiểu biết của cha mình. “Cha không được đi học nhưng tôi luôn nghĩ rằng cha rất thông minh. Ông không đọc nhiều nhưng ông lại có thể làm được nhiều thứ. Cha hầu như có thể làm được tất cả mọi thứ liên quan đến cơ khí”.Và chính sự việc về chiếc micro các bon bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ ngược lại trong Jobs rằng ông thông minh và nhanh nhạy hơn người cha của mình. “Đó là một khoảnh khắc khiến tôi ngạt thở. Khi cảm thấy mình thậm chí còn thông minh hơn cả cha mẹ, tôi cảm thấy thật đáng xấu hổ vì suy nghĩ này. Tôi không bao giờ quên được giây phút đó”. Sau này, Jobs có nói với những người bạn là phát hiện này cùng với sự thật rằng ông chỉ là con nuôi đã khiến ông ngày càng tách biệt khỏi gia đình và thế giới xung quanh.

Một tầng nhận thức mới cũng đến với Jobs không lâu sau đó. Jobs không chỉ phát hiện ra rằng ông thông minh hơn cha mẹ mình mà ông còn phát hiện ra là họ cũng biết điều đó. Paul và Clara Jobs là ông bố và bà mẹ tuyệt vời, hết mực yêu thương con. Họ sẵn sàng thay đổi cuộc sống của mình, điều chỉnh nó sao cho phù hợp nhất với Steve, cậu con trai rất thông minh những cũng không kém phần ngang ngạnh. Họ luôn cố gắng theo dõi mỗi đường đi nước bước của Steve. Và Steve cũng nhanh chóng hiểu ra rằng: “Cả cha và mẹ tôi đều luôn ủng hộ tôi. Họ cảm thấy trách nhiệm của họ càng cao hơn khi họ thấy tôi ngày càng đặc biệt. Họ tìm đủ mọi cách để mang lại cho tôi những thứ tôi cần và cố gắng cho tôi đi học tại những ngôi trường tốt. Họ sẵn sàng đáp ứng tất cả những gì tôi cần”. Jobs trải lòng với tôi những gì ông ấy thực sự nghĩ.

Chính vì vậy, Steve lớn lên song song với cảm giác của một đứa trẻ bị bỏ rơi và cảm giác mình là một người đặc biệt. Đối với ông, điều đó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính cách sau này.

Trường học

Trước khi bắt đầu đi học cấp 1, Jobs đã được mẹ dạy đọc. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến Jobs gặp một số rắc rối khi đến trường. Jobs nói rằng “Tôi cảm thấy nhàm chán, không thấy có thứ gì mới để học trong một vài năm đầu, vì vậy tôi đã lấp đầy thời gian đi học bằng việc gây ra rắc rối”. Điều đó chứng tỏ rằng tính cách của Jobs là do bản chất và cả do nuôi dưỡng, ông không dễ dàng chấp nhận sự áp đặt và kiểm soát. “Ở trường, tôi gặp phải những quy tắc khác hẳn với lúc ở nhà và tôi không thích điều đó. Và các thầy cô thật sự đã suýt kiểm soát được tôi. Họ gần như sắp gây được sự tò mò ở tôi”.

Trường của Jobs, trường tiểu học Monta Loma là một ngôi trường đặt trong những dãy nhà lụp xụp của những năm 1950, cách nhà bốn dãy phố. Jobs giải quyết sự nhàm chán lúc đi học bằng cách luôn nghĩ ra các trò đùa tinh quái. Jobs kể: “Tôi có một người bạn thân tên là Rick Ferrentino và chúng tôi cùng nhau tạo ra vô vàn kiểu rắc rối. Giống như, có lần, chúng tôi dán những áp phích (poster) nhỏ khắp nơi với nội dung “Hãy mang thú cưng của bạn tới trường”. Hãy tưởng tượng, thật ra điên rồ khi khắp trường toàn là chó, mèo đuổi bắt nhau còn các thầy cô phải canh chúng”. Một lần khác, họ lại thuyết phục những đứa trẻ khác tiết lộ cho họ mã số khóa xe đạp và như Jobs kể lại “Chúng tôi lẻn ra ngoài trong giờ học, thay đổi toàn bộ mã số của những chiếc khóa khiến cho đến tận khuya không ai có thể lấy được xe để đi về”. Khi Jobs học lớp ba thì những trò nghịch ngợm của ông nguy hiểm dần. “Một lần, tôi để chất nổ ở dưới ghế của cô giáo, cô Thurman và khiến cô sợ đến thót tim”.

Không có gì ngạc nhiên khi Jobs bị nhà trường trả về gia đình hai hoặc ba lần trước khi học xong lớp ba. Tuy nhiên, sau đó, cha bắt đầu đối xử với Jobs như một người đặc biệt. Với sự điềm đạm và cương quyết vốn có, cha Jobs đã nói với nhà trường rằng ông ấy muốn nhà trường cư xử như vậy: “Hãy nhìn nhận vấn đề, đó không phải là lỗi của cậu bé. Nếu trường học không thể tạo được hứng thú học hành cho cậu bé thì đó là lỗi của Quý vị”. Cha mẹ Jobs chưa bao giờ phạt ông vì những trò nghịch hay tội lỗi ông gây ra ở trường ông cũng nói thêm với giáo viên của Steve rằng: “Cha tôi là một người nghiện rượu và luôn mang theo mình một chiếc thắt lưng da, nhưng tôi khẳng định rằng mình chưa từng một lần bị đánh đòn. Đó là lỗi của nhà trường khi bắt bọn trẻ học thuộc tất cả những điều ngớ ngẩn thay vì tạo cảm hứng để khuyến khích chúng thích thú với việc học”. Tính cách của Jobs đã bắt đầu biểu hiện sự pha trộn giữa sự nhạy cảm và vô cảm, tổng hợp và tách biệt, những đặc tính tạo nên Jobs trong suốt phần đời còn lại.

Khi Jobs vào học lớp bốn, nhà trường quyết định, tốt nhất là tách Jobs và Ferrentino ra học hai lớp riêng biệt. Cô giáo lớp bốn của Jobs là một phụ nữ cứng cỏi có tên là Imogene Hill còn được biết đến với biệt danh là “Teddy”. Bà đã được Jobs ưu ái gọi là “một trong những vị thánh của cuộc đời tôi”. Sau một vài tuần quan sát Jobs, bà rút ra rằng, cách tốt nhất để kiểm soát Jobs là “hối lộ” cậu bé. “Một hôm, sau khi tan học, cô giáo đưa cho tôi một quyển bài tập toán và nói ‘Cô muốn em mang nó về nhà và làm’. Tôi nghĩ ‘Trời, cô có bình thường không?’ thì cô lấy ra những chiếc kẹo mút khổng lồ mà lúc đó tôi tưởng tượng to như cả thế giới này và nói ‘Khi nào em giải xong những bài tập toán trong quyển sách này và hầu hết kết quả đều đúng, cô sẽ thưởng cho em chiếc kẹo mút này và 5 đô-la’. Ngay lập tức tôi đã làm xong và gửi lại chúng cho cô chỉ trong hai ngày”. Sau vài tháng, Jobs thậm chí không còn đòi được “hối lộ” mới làm bài tập. Ông nói “Điều mong muốn của tôi lúc đó đơn giản là được học và tôi năn nỉ cô giáo giao bài tập cho tôi”.

Để thưởng cho sự nỗ lực của Steve, cô giáo đã tặng cậu một bộ đồ nghề dùng để mài dũa thấu kính và làm máy ảnh. Jobs thừa nhận rằng “Tôi học được từ cô ấy nhiều hơn bất kỳ giáo viên nào khác. Nếu không nhờ cô, tôi tin chắc rằng tôi sẽ vẫn mãi hư hỏng, thậm chí có thể bị đi tù”. Một lần nữa, điều đó càng khẳng định thêm nhận định rằng: Jobs là một người đặc biệt. “Ở lớp tôi, cô chỉ quan tâm đến một mình tôi. Cô thấy sự khác biệt trong tôi”, Job tâm sự.

Imogene Hill không chỉ nhìn ra ở Jobs sự thông minh. Nhiều năm sau, bà có khoe với mọi người một bức hình chụp cả lớp Jobs trong Ngày Hawaii. Jobs đã tham dự mà không mặc chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii như được dặn dò. Tuy nhiên, trong bức hình, Jobs vẫn xuất hiện trong trang phục Hawaii đứng ở hàng đầu và là tâm điểm bức hình. Hóa ra thằng bé đã đổi được chiếc áo của một đứa khác chỉ bằng vài lời thuyết phục”.

Gần cuối lớp bốn, bà Hill đã cho Jobs làm bài kiểm tra và theo Jobs thì “Tôi đã đạt điểm ở mức của một học sinh năm thứ hai trung học”. Nhờ đó, không chỉ Jobs và cha mẹ ông, mà nhà trường cũng phải thừa nhận rằng ông có một trí thông minh khác biệt. Nhà trường đã quyết định, một quyết định đáng chú ý, là cho Jobs vượt hai cấp và học thẳng lên lớp bảy. Quyết định đó được cho là cách dễ dàng nhất khiến ông cảm thấy mình được thử thách và hứng thú học tập. Nhưng cha mẹ của Jobs muốn thận trọng hơn và quyết định chỉ cho ông vượt một cấp.

Nhưng sự chuyển dịch này không êm đẹp như mong đợi. Jobs cảm thấy ông là một đứa trẻ cô đơn, khó khăn trong giao tiếp xã hội, đặc biệt là lạc lõng giữa những đứa trẻ lớn hơn mình một tuổi. Tồi tệ hơn là vào lớp sáu, có nghĩa là Jobs phải chuyển đến học ở một ngôi trường khác tên là Crittenden Middle. Tuy trường chỉ cách trường tiểu học Monta Loma tám dãy nhà nhưng nó lại thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, biệt lập với xung quanh với những nhóm thiểu số hung tợn. Chính nhà báo của tờ Silicon Valley, Michael S. Malone, cũng phải thừa nhận rằng “Bạo loạn, đánh nhau là việc xảy ra hàng ngày, đều đặn như cơm bữa ở khu vực này. Bọn trẻ thường xuyên mang dao đến trường như một biểu hiện của một đại trượng phu hay một đấng mày râu đích thực. Cùng khoảng thời gian Jobs chuyển đến học ở đây, một nhóm học sinh vừa bị bỏ tù vì tội hiếp dâm. Một chiếc xe buýt của trường khác trong khu vực bị đập phá sau khi đội tuyển của trường này đánh bại đội của trường Crittenden trong một trận đấu vật.

Jobs thường xuyên bị bạn bắt nạt và đến khoảng giữa năm lớp bảy, ông chuyển tới cha mẹ mình một tối hậu thư: “Tôi đề nghị họ phải chuyển tôi đến học ở một ngôi trường khác”. Xét về tài chính, đây quả thật là một quyết định khó khăn khi cha mẹ của Jobs chỉ kiếm được đủ số tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu nhất của gia đình. Nhưng theo đúng lý do và quan điểm mà Steve đưa ra thì không nghi ngờ gì, họ cuối cùng cũng tìm cách đáp ứng nguyện vọng của cậu con trai. Jobs kể rằng “Khi cha mẹ từ chối cho tôi chuyển trường, tôi đã nói với họ rằng, tôi sẽ bỏ học nếu vẫn tiếp tục phải theo học ở trường Crittenden này. Vì vậy, họ tìm kiếm ngôi trường tốt nhất cùng với việc vét từng xu có được để mua một ngôi nhà trị giá 21.000 đô-la ở một quận khác tốt hơn”.

Gia đình Jobs chuyển về chỗ ở mới cách nhà cũ chỉ khoảng ba dặm về phía nam, gần khu vườn mơ lâu năm ở Los Atlos, nơi sau này được chuyển thành hệ thống nhà máy sản xuất khuôn làm bánh cookies. Ngôi nhà của họ, ở 2066 Crist Drive có một tầng với ba phòng ngủ và quan trọng nhất là liền kề một nhà để xe với cửa cuốn quay mặt ra đường. Tại đây, Paul Jobs đã tiếp tục công việc sửa chữa và hàn xì những chiếc ô tô cũ, còn con trai ông thì say mê với những thiết bị điện tử.

Việc chuyển nhà đến đây còn có một lợi thế vượt qua sự mong đợi đó là sự tồn tại của trường Cupertino – Sunnyvale, một trong những ngôi trường tốt nhất và an toàn nhất ở thung lũng Silicon này. Khi chúng tôi đi dạo ở trước ngôi nhà cũ của ông, Jobs chỉ cho tôi rằng “Khi tôi mới chuyển tới đây, khắp nơi vẫn còn những vườn cây ăn trái. Người đàn ông sống tại đây đã dạy tôi cách bón phân và chăm sóc một vườn cây bằng phân hữu cơ tốt nhất. Những sản phẩm qua bàn tay của ông ấy đều trở nên hoàn hảo. Chưa bao giờ trong đời tôi lại được thưởng thức những thực phẩm tươi ngon đến thế. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu coi trọng nguồn thực vật, rau và hoa quả, có nguồn gốc nuôi trồng hữu cơ.”

Mặc dù cha mẹ Jobs không phải là người quá cuồng tín nhưng họ muốn ông được dạy dỗ về lễ nghi tôn giáo; vì vậy họ đưa ông đến nhà thờ Lutheran vào hầu hết các ngày chủ nhật hàng tuần cho tới khi Jobs mười ba tuổi. Vào khoảng tháng 7 năm 1968, tạp chí Life Magazine đã cho đăng tải hình bìa gây sốc về hai đứa trẻ bị đói khát ở vùng Biafra. Jobs mang tạp chí này đến trường dòng vào ngày Chủ nhật đó và ban đầu, ông chất vấn vị mục sư: “Nếu con giúp đỡ ai đó, liệu Chúa có biết người con sẽ giúp đỡ trước cả khi con giúp họ không?

Vị mục sư trả lời: “Có chứ, Chúa biết tất cả mọi thứ”

Sau đó, Jobs lấy ra bìa cuốn tạp chí Life Magazine và hỏi tiếp “Vậy thì, Chúa có biết về hoàn cảnh của những đứa trẻ này và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với chúng không?”

“Steve, ta biết con không hiểu nhưng có, Chúa biết về việc này”.

Từ đó, Jobs tuyên bố rằng ông không muốn làm bất cứ điều gì liên quan đến cầu nguyện người danh xưng là Chúa và ông sẽ không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa. Tuy nhiên, Jobs lại dành hàng năm trời nghiên cứu và thực hành những giáo lý Thiền của Phật Giáo và những giáo lý này có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của ông nhiều năm sau đó. Ông kết luận rằng, tôn giáo sẽ đạt được ảnh hưởng lớn nhất tới con người khi nó nhấn mạnh tới những trải nghiệm về tâm linh hay đời sống tinh thần của họ thay vì chỉ đưa ra khuyên răn giáo điều. “Những tinh túy nhất của đạo Cơ đốc sẽ trở nên xa vời nếu nó chỉ mù quáng dựa trên đức tin thay vì những gì đang diễn ra trong cuộc sống, giống như việc tin tưởng thế giới này có Chúa và hãy nhìn thế giới như Chúa đang thấy nó”. Jobs nói thêm “Tôi nghĩ mỗi một hệ tư tưởng tôn giáo khác nhau mở ra những cánh cửa khác nhau nhưng tất cả đều dẫn tới một ngôi nhà chung. Đôi lúc, tôi nghĩ ngôi nhà chung đó tồn tại, đôi lúc lại không tin điều đó. Đây chính là điều huyền bí tuyệt diệu nhất”.

Paul Jobs sau đó chuyển tới làm việc tại Spectra – Physics, một công ty sản xuất máy phát lượng tử ánh sáng (laser) cho các sản phẩm thiết bị điện tử và y tế gần Santa Clara. Là thợ máy, ông tạo ra các nguyên mẫu của sản phẩm dựa trên những phác thảo của các kỹ sư và chính yêu cầu về sự hoàn hảo của công việc này đã thu hút con trai ông. Jobs nói: “Máy phát lượng tử ánh sáng hay laser yêu cầu sự căn chỉnh chính xác gần như tuyệt đối. Những thiết bị vô cùng tinh vi như thiết bị cung cấp cho ngành hàng không hay y tế bao giờ cũng đòi hỏi độ chính xác cao đến từng chi tiết nhỏ. Nếu họ nói với cha tôi những yêu cầu, kiểu như ‘những gì chúng tôi cần là các chi tiết khớp nhau đến từng ly để hệ số giãn nở phải tương đồng nhau’ thì cha tôi phải tìm đủ mọi cách để làm được nó”. Hầu hết các chi tiết nhỏ đều phải làm từ đầu, điều đó có nghĩa là Paul phải tự tùy chỉnh công cụ phù hợp và lên khuôn. Công việc này của cha khiến Jobs rất ấn tượng nhưng ông lại hiếm khi đến các cửa hàng bán máy móc. “Sẽ rất thú vị nếu cha dạy tôi cách sử dụng máy cán và máy tiện. Nhưng tiếc là tôi không bao giờ đi cùng cha vì tôi hứng thú với những thứ liên quan đến điện tử nhiều hơn”.

Một mùa hè, Pau đưa Steve đến thăm nông trại chăn nuôi lấy sữa của gia đình ông ở Wisconsin. Cuộc sống vùng nông thôn chẳng có gì thú vị với Steve nhưng một hình ảnh đã để lại ấn tượng sâu sắc với cậu bé Jobs. Jobs được quan sát cảnh một chú bê mới chào đời và ngạc nhiên khi thấy con vật bé nhỏ nỗ lực trong vài phút là có thể tự đứng dậy bước đi. “Đó không phải là điều con vật bé nhỏ được dạy mà dường như đó là thứ người ta vẫn gọi là “bản năng”. Một đứa trẻ khi sinh ra thì không thể làm được điều đó. Tôi thấy điều đó đáng kinh ngạc mặc dù mọi người chẳng ai thấy gì khác lạ”. Và Steve diễn tả điều đó bằng ngôn ngữ công nghệ như sau: “Nó diễn ra như thể cơ thể và não bộ của động vật được thiết kế và lập trình để sẵn sàng phối hợp làm việc với nhau ngay lập tức chứ không cần phải được dạy”.

Lên lớp chín, Jobs chuyển đến học tại Homestead High, ngôi trường có khuôn viên rộng lớn với những tòa nhà hai tầng xây dựng bằng bê tông xỉ than sơn màu hồng khoảng 2.000 học sinh. Jobs kể rằng “Những tòa nhà này được một kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế khi ở trong tù. Họ muốn xây dựng những toà nhà không thể phá hủy”. Jobs cũng tạo cho mình sở thích đi bộ đến trường. Ông thường đi khoảng 15 dãy nhà tới trường mỗi ngày.

Steve có rất ít bạn đồng trang lứa nhưng ông biết một vài người nhiều tuổi hơn, những người này đều chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chống đối xã hội vào cuối những năm 1960. Đó cũng thời mà thế giới của những “con mọt máy tính” và những người theo chủ nghĩa lập dị (hippie) có sự chồng chéo lên nhau. Jobs nói: “Những người bạn của tôi đều là những đứa trẻ rất đỗi thông minh. Tôi thích toán, khoa học và điện tử và họ cũng vậy. Chúng tôi cùng gia nhập hội LSD (một loại ma túy) và những người chống đối quan niệm và lối sống phổ biến của xã hội hiện thời.

Những trò nghịch ngợm của Jobs sau này chủ yếu liên quan đến điện tử. Một lần, ông trang bị hệ thống loa được kết nối với nhau khắp nhà. Nhưng vì loa cũng có thể được sử dụng như micro thu âm nên ông lập ra một phòng điều khiển trong tủ quần áo của mình, nơi ông có thể nghe ngóng được mọi chuyện đang diễn ra ở khắp nơi trong nhà mình. Một hôm, ông bật hệ thống loa theo dõi lên và lắng nghe câu chuyện trong phòng cha mẹ, cha đã bắt gặp và giận dữ yêu cầu ông gỡ bỏ ngay hệ thống “bất hợp pháp” này. Jobs đã dành rất nhiều tối sau đó sang nhà để xe của Larry Lang, người kỹ sư sống cuối phố khu nhà cũ của ông. Cuối cùng, Lang đưa cho Jobs chiếc micro bằng carbon đã từng làm ông thích thú trước đây cùng với Heathkits, bộ dụng cụ giúp tự lắp ráp những chiếc radio sơ khai nhất với những cần số điện tử được hàn đằng sau. “Heathkits có đầy đủ các bộ phận với mã màu khác nhau. Quyển hướng dẫn cũng giải thích chi tiết cách sử dụng nó. Nó giúp người dùng hiểu nguyên lý và tạo ra bất cứ thứ gì. Một khi đã tạo ra được vài chiếc radio, đồng nghĩa bạn có thể tạo ra được một chiếc Tivi sau khi xem chúng trên catalogue ngay cả khi không thể. Tôi là người may mắn vì từ khi còn là một đứa trẻ, cả cha tôi và Heathkits đã giúp tôi tin tưởng rằng tôi có thể tạo ra mọi thứ”.

Lang cũng cho phép Jobs tới tham dự các buổi gặp mặt của Câu lạc bộ những người khám phá Hewlett-Packard (The Hewlett–Packard Explorers Club), một nhóm khoảng 15 sinh viên hoặc hơn, tại quán cà phê của công ty vào mỗi tối thứ Ba hàng tuần. “Tại đây, mỗi tuần sẽ có một kỹ sư đến từ một trong những phòng nghiên cứu của công ty chia sẻ những gì anh ta đang làm. Cha đã chở tôi đến đó và tôi như lạc vào thiên đường. HP là nhà tiên phong trong việc cung cấp những thiết bị đi-ốt phát sáng. Vì vậy, chúng tôi thảo luận về những chức năng và việc có thể làm với chúng”. Lúc đó, cha của Steve đang làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị lượng tử ánh sáng (laser) vì thế đó là chủ đề đặc biệt hấp dẫn với ông. Một tối, ông ngồi nói chuyện với một trong những kỹ sư về công nghệ laser của HP sau buổi thảo luận và tới thăm phòng thí nghiệm quang học về phép giao thoa laser. Nhưng ấn tượng đáng nhớ nhất lúc đó lại là việc chứng kiến công ty đang phát triển những chiếc máy vi tính. “Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy chiếc máy tính để bàn là ở tại đây. Nó được đặt tên là 9100A, một chiếc máy tính được ca ngợi rất nhiều và thật sự cũng là chiếc máy vi tính để bàn đầu tiên. Nó lớn, chắc phải hơn 18 kg (40 pao) nhưng tôi rất hứng thú với nó”.

Những đứa trẻ tham gia câu lạc bộ Những người khám phá HP đều được khuyến khích xây dựng những dự án riêng của mình, và Jobs quyết định tạo ra một máy đếm tần số, đo lường số lượng xung điện trên một giây trong một tín hiệu điện tử. Ông cần một số linh kiện mà HP sản xuất, nên ông đã nhấc máy và gọi điện tới CEO của HP. “Họ trả lời rằng họ không có số liệu của những con số chưa được yêu cầu thống kê. Vì vậy, tôi đã tìm số của Bill Hewlett và gọi tới nhà ông ấy. Ông ấy giải đáp những câu hỏi của tôi trong vòng 20 phút. Ông ấy không chỉ đưa cho tôi những thứ tôi cần mà còn đề nghị tôi làm việc ở công ty, nơi sản xuất những chiếc máy đếm tần số”. Jobs đã làm tại đây vào mùa hè, ngay sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại Homestead High. Job kể rằng “cha chở tôi đến làm việc vào buổi sáng và đón tôi vào mỗi tối.”

Công việc chủ yếu của Jobs là “đặt những đai ốc và bu lông vào linh kiện” trong dây chuyền sản suất. Lúc đó, những người công nhân trong dây chuyền sản xuất đều tỏ ra bất mãn với một đứa trẻ khó ưa, người đã thuyết phục để được vào làm bằng cách gọi điện cho CEO. Jobs kể: “Tôi nhớ có lần nói chuyện với một trong những người quản lý rằng ‘Tôi thích những thứ này. Tôi thích những thứ này’ và hỏi ông ta rằng ông ta thích làm cái gì nhất. Ông ta đã trả lời tôi cụt lủn và giận dữ “Chết tiệt, chết tiệt”. Jobs đã không quá khó khăn trong việc lấy lòng những kỹ sư làm việc ở tầng trên. “Bánh rán và cà phê được phục vụ vào 10 giờ mỗi sáng. Vì thế, tôi chỉ cần lên trên tầng và tụ tập nói chuyện với họ”, Jobs chia sẻ.

Jobs thích làm việc. Ngoài việc ở công ty, Jobs còn đi giao báo (cha sẽ chở đi nếu trời mưa) và trong suốt năm thứ hai trung học, làm nhân viên kho bán thời gian ở cửa hàng điện tử Haltek. Những linh kiện điện tử và cơ khí có thể tìm được khắp nơi với đủ trạng thái mới, đã qua sử dụng hay những thứ được lượm nhặt trong khắp các ngõ ngách của khu “thiên đường đồ phế thải vật liệu”. Jobs nhớ rằng “tất cả những phím bấm hay bộ xử lý đều có thể thấy ở đây. Màu gốc của chúng là màu xanh lá và màu xám nhưng họ đã phủ lên bộ chuyển mạch và bóng đèn màu hổ phách và đỏ. Bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ chuyển mạch cũ, to đến nỗi khi bạn bật chúng, cảm giác thú vị như bạn đang thổi tung cả Chicago này”.

Ở quầy trao đổi vật dụng được dựng bằng gỗ, nơi chất đầy những quyển catalogue dày cộp bìa rách nát, mọi người có thể trao đổi để lấy những bộ chuyển mạch, điện trở, tụ điện và đôi khi là những con chip đời mới nhất. Cha Steve thường làm như vậy với những linh kiện ô tô và luôn thành công vì ông biết rõ giá trị của từng thứ hơn tất cả nhân viên ở kho. Jobs cũng làm tương tự như vậy. Kiến thức về điện tử của ông được tích lũy và mài rũa nhờ tình yêu của ông với công việc đàm phán và tìm kiếm lợi nhuận. Ông thường đi đến những khu chợ đồ điện tử cũ như San Jose để trao đổi, lấy về một bảng mạch điện tử chứa một vài con chip hữu dụng hoặc một số linh kiện khác và sau đó bán lại cho ông chủ ở Haltek.

Với sự giúp đỡ của cha, Jobs có thể mua chiếc xe đầu tiên của mình khi mới mười lăm tuổi. Đó là chiếc xe Nash Metropolitan hai màu được cha ông trang bị thêm động cơ của MG. Jobs thật sự không thích nó chút nào nhưng lại không thể nói với cha mình như vậy cũng như bỏ lỡ cơ hội có một chiếc xe của riêng mình. Jobs nói “Ngày trước, chiếc Nash Metropolitan có thể được coi là chiếc xe mà ai cũng mong muốn nhưng ở thời điểm tôi nhận được chiếc xe, nó gần như là chiếc xe cổ lỗ nhất trên thế giới. Nhưng dù sao, nó vẫn là một chiếc ô tô, có còn hơn không và điều đó thật tuyệt vời”. Trong vòng một năm, bằng việc làm đủ nghề, Jobs đã tiết kiệm được khoản tiền đủ để đổi sang chiếc xe Fiat 850 hai cửa màu đỏ với động cơ Abarth. “Cha tôi đã giúp tôi mua và kiểm tra máy. Cảm giác cố gắng tiết kiệm và cuối cùng có thể tự trả tiền cho một món đồ thật là tuyệt!”.

Cũng mùa hè năm đó, giữa năm hai và năm cuối cấp ở trường trung học Homestead, Jobs bắt đầu hút cần sa (marijuana). Ông nói “Tôi hút lần đầu vào mùa hè năm đó và rồi, tôi bắt đầu sử dụng thường xuyên hơn”. Một hôm, cha của Steve tìm thấy chất gây nghiện (Dope) trong chiếc Fiat của cậu con trai. Ông hỏi “Cái gì đây hả Steve?”. Job trả lời một cách tỉnh bơ, “Cần sa cha ạ”. Đây là một trong số ít lần trong đời Steve thấy cha mình thật sự nổi giận. Và ông từng kể rằng “Đây là cuộc chiến thực sự duy nhất xảy ra giữa tôi và cha mình”. Nhưng sau đó, như mọi lần, cha Jobs lại phải nhượng bộ cậu con trai. “Cha muốn tôi hứa rằng sẽ không bao giờ được sử dụng chất kích thích nữa, nhưng tôi đã không hứa”. Thực tế, năm cuối cấp, Jobs sử dụng thêm LSD (một dạng thuốc kích thích) cũng như luôn chìm đắm trong trạng thái mơ màng mất nhận thức đi kèm với chứng thiếu ngủ. “Tôi bắt đầu sử dụng chất kích thích nhiều hơn. Thậm chí đôi lúc chúng tôi còn dùng ma túy, thường thì ở nơi rộng rãi hoặc trong ô tô”.

Jobs cũng trưởng thành về nhận thức trong hai năm cuối cấp ở trường trung học. Ông thấy mình đang đứng ở ngã tư đường giữa một bên là sự lựa chọn trở thành một trong những “con mọt” công nghệ, đắm mình trong mớ vi mạch điện tử và một bên là trở thành con người mẫu mực, học tập và sáng tạo theo con đường hàn lâm. Jobs kể rằng “Lúc đó tôi bắt đầu nghe nhạc nhiều hơn và đọc sách về lĩnh vực khác ngoài khoa học và công nghệ nhiều hơn, như Shakespeare hay Plato. Tôi thích Vua Lear”. Steve ngoài ra cũng rất yêu thích Moby – Dick và những bài thơ của Dylan Thomas. Tôi từng hỏi tại sao ông lại luôn ví mình với Vua Lear và thuyền trưởng Ahab, hai nhân vật được nhận xét là ương ngạnh và nổi loạn nhất trong văn học, nhưng ông không trả lời về sự liên tưởng này của tôi và tôi cũng thôi không hỏi nữa. Ông nói, “Khi tôi học năm cuối trung học, có một lớp tiếng Anh ngoại khóa. Thầy giáo trông rất giống Ernest Hemingway. Thầy đã dẫn một nhóm chúng tôi đi trượt tuyết ở Yosemite”.

Có một khóa học mà Jobs đã tham gia như một phần của quá trình tìm hiểu về thung lũng Silicon: đó là khóa học về điện tử do John McCollum, một cựu lính hải quân giảng dạy. Chính sự tinh tế trong cách thuyết trình đã kích thích hứng thú học hỏi của học viên với những chiêu thức cuộn dây Tesla (một cuộn dây dạng lò xo – ruột gà). Khu nhà kho nhỏ của John chính là nơi ông “nuông chiều” sở thích của những học viên của mình, chất đầy bóng bán dẫn và những linh kiện khác.

Lớp học của McCollum nằm trong một tòa nhà giống như một xưởng làm việc nằm bên cạnh khuôn viên trường, ngay cạnh bãi để xe. Jobs chăm chú nhìn vào cửa sổ và chỉ nó cho tôi “Nó ở đằng kia, và phòng ngay bên cạnh là nơi diễn ra các lớp học về ô tô trước đây. Chính sự sắp xếp cạnh nhau này đánh dấu sự chuyển đổi của Jobs từ những sở thích đặc trưng của thế hệ cha mình. “Thầy McCollum cho rằng những lớp học về điện tử là một gian hàng đồ tự động mới”.

McCollum là người rất coi trọng kỷ luật quân đội cũng như tôn trọng chính quyền. Nhưng Jobs thì không. Ác cảm với chính quyền áp đặt là điều không bao giờ ông che giấu. Thái độ cùa ông là sự kết hợp giữa sự linh hoạt, dẻo dai đến lập dị cùng sự nổi loạn đến hờ hững. Có lần, McCollum nói với tôi rằng “Jobs thường xuyên thu mình vào một góc làm những việc riêng của thằng bé và thực sự không muốn làm bất cứ thứ gì với tôi hay những đứa trẻ khác trong lớp”. Có lẽ vì vậy mà John không bao giờ tin tưởng giao cho Jobs chìa khóa đến căn nhà kho. Một hôm, Jobs cần một linh kiện mà lúc đó không có sẵn; vì vậy, Jobs gọi điện đề nghị nhà sản xuất, công ty Burroughs ở Detroit để nhờ họ thu thập và gửi tới. Ông nói với họ rằng ông đang thiết kế một sản phẩm mới và muốn kiểm tra bộ phận chứa linh kiện đó. Đơn đặt hàng của Jobs đã được chuyển tới bằng đường hàng không một vài ngày sau đó. Khi McCollum hỏi Jobs làm thế nào mà ông có được, Jobs đã miêu tả cuộc gọi điện của mình với giọng ngạo mạn đầy thách thức. McCollum đã nói với tôi “Tôi đã rất giận. Đó không phải là cách tôi muốn những học trò của mình cư xử”. Và Jobs đáp lại rằng “Em thậm chí còn không có tiền để gọi điện trong khi họ thì có đầy”.

Jobs tham gia lớp của thầy McCollum chỉ một năm thay vì ba năm như yêu cầu của khóa học. Trong một dự án của mình, ông đã làm được một thiết bị với hệ thống đèn quang điện mà có thể chuyển mạch khi tiếp xúc với ánh sáng. Đây là một trong nhữngthứ mà không phải bất cứ học sinh trung học nào cũng có thể làm được. Điều này làm Jobs thích thú hơn nhiều so với việc  chơi với những chiếc đèn laser, thứ mà ông học được từ người cha của mình. Cùng với một vài người bạn, Jobs thiết kế ánh sáng cho những bữa tiệc bằng cách tạo ra những tia sáng đèn laser đi qua các tấm gương gắn vào loa của hệ thống dàn âm thanh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.