Tình sử Võ Tắc Thiên

Hồi 1: Biết kể thế nào



Người ta biết kể thế nào về bà nội của mình, nhất là khi bà lại là một người dâm loạn? Trong đám người thuộc Hoàng tộc, kể cả đương kim Hoàng Đế, tức vua Minh Hoàng (Huyền Tôn), có một sự giao ước là tuy chúng tôi được tha hồ nói về các người cháu họ Võ của Võ Hậu, nhưng riêng đối với Võ Hậu thì không ai được nói lời gì bất kính. Chúng tôi ngừng nói ngay mỗi khi có ai vô tình nhắc đến tên bà, vì dù sao bà cũng là bà nội của chúng tôi. Tôi không đủ tư cách để góp phần vào câu chuyện và không kể những người khác. Riêng tôi, tôi vẫn nghi ngờ không biết bà có phải là bà nội tôi thật không. Tôi thường có xu hướng tin rằng cha tôi là con của một bà Công tước (chị của Võ Hậu) chứ không phải con ruột của Võ Hậu. Tôi sẽ giải thích điểm này sau.

Tôi, người đang kể chuyện, là Vương tước đất Tần. Tôi đã quyết định viết nên tập truyện kí này để kể về một người đàn bà đã tạo ra lịch sử và suýt chút nữa đã thành công trong việc xóa bỏ hẳn triều đại nhà Đường. Bà nội tôi, nếu quả đúng như vậy, là một người đàn bà quỷ quyệt, tham lam và tàn bạo nhất trần gian. Để thỏa lòng khát vọng và đạt tới một cuộc sống huy hoàng, bà đã không dừng bước trước bất cứ việc gì, kể cả việc giết người.

Khi còn nhỏ tôi và vua Minh Hoàng thường run sợ muốn đứng tim mỗi khi nghe thấy tiếng bà ở phòng bên. Thật khó mà mô tả một người đàn bà như vậy: nhân từ và hòa ái khi bà muốn, rồi bất thình lình bà tung ra những vuốt nhọn để vồ, để xé, để nghiền nát con mồi, chỉ vì muốn thỏa mãn ác tính, hay vì muốn thưởng thức quyền uy tối thượng của mình.

Có một điều lạ là hầu như bà luôn luôn tỏ ra trầm tỉnh và đường hoàng. Trước mặt quần thần, bà có đầy đủ phong cách của một bà hoàng với vẻ đường bệ chững chạc. Nhưng mỗi khi bà mím môi, nheo mắt lại nhìn một cách khinh khỉnh thì hãy coi chừng.

Bà luôn luôn chiếm phần phải và đừng có ai cãi lại bà. Tôi cảm thấy thương ông nội tôi (vua Cao Tôn) vì người đã chịu đựng nhiều đau khổ khi lấy phải người đàn bà lang độc đó.

Tôi không được quyền hình dung Võ Hậu một cách sơ sài như: khó chịu, nhỏ mọn, hống hách.

Vì nếu chỉ có thế thì bà đã lấy gì làm nguy hiểm.

Sự nghiệp và thành tích của bà thật vĩ đại. Ý muốn trị vì thiên hạ của bà thật phi thường. Những đòn phép chính trị của bà thật tuyệt diệu. Những hành vi dâm đảng đượm màu tôn giáo của bà cũng không thiếu vẻ mỹ quan. Bà thành công trong những tham vọng của bà, đó là vì bà đủ bản lãnh để đối phó dễ dàng với bá quan văn võ.

Chúng ta không tán thành sự tàn ác và các thâm mưu của bà, nhưng chúng ta phải nghiêng mình thán phục tài năng chính trị và sự thông minh tuyệt vời của bà. Vậy thì sự soán ngôi của bà không phải là hèn mạt, vì khi một sư nữ hất cẳng được một bà Hoàng hậu, hoặc khi một người tì thiếp tầm thường của vua cha (đã chết) đi lấy vua con để được lên ngôi Hoàng hậu với sự công nhận của quần chúng thì cũng khó mà liệt vào hạng hèn mạt được.

Bà luôn luôn hành động đúng, không bao giờ lầm lẫn trong việc lựa chọn phương tiện để đạt tới mục đích. Đôi khi bà còn đóng vai trò của một nhà luân lí. Bằng cớ bà đã viết ra cuốn Bổn Phận Trong Nhà Của Người Phụ Nữ và cuốn Cuộc Đời Của Những Người Đàn Bà Gương Mẫu.

Bà luôn luôn phục vụ quốc gia và giúp đỡ người chồng nhút nhát trong việc trị dân, phát giác những kẻ phản loạn và chặn đứng mọi âm mưu nổi dậy. Bà là tượng trưng của luật pháp của trật tự. Ngay những chuyện dâm ô, trơ trẽn của bà với gã mãi võ dạo, cũng được tô điểm bởi màu sắc tôn giáo.

Là một người đàn bà độc đoán, tàn ác, lại pha thêm chút tính trẻ con, bà đã nghĩ ra một hướng đi mới cho mình để trở thành người đàn bà nhiều uy quyền nhất và độc đáo nhất trong lịch sử.

Khôn ngoan và có thiên tài về chính trị, bà sắp đặt đường đi nước bước, định rõ ai sẽ là nạn nhân của mình và bà chờ đợi.

Chúng ta phải nhấn mạnh rằng bà đã nắm được thuộc hạ, trong vòng một năm sau khi lập ra triều đại nhà Chu, bà giết tất cả những người không dùng được. Còn những người có tài bị bà đày đi xa ngày trước đều được bà triệu về lo việc triều chính. Bà đã đủ khả năng giữ yên bờ cõi trong mười lăm năm.

Trong thời kì này không còn ai dám mưu đồ phản loạn. Vào cuối triều đại của bà, luật pháp và công lí lại càng mang bộ mặt trang nghiêm, cổ kính. Nhưng khôi hài thay, chính trong giai đoạn mà các triều thần đều thẳng thắn, cương trực này, mầm mống sụp đổ đã phát sinh.

Người ta phải viết thế nào về bà nội mình khi bà là một người dâm loạn, một kẻ sát nhân? Câu hỏi này được nêu lên khi tôi và một người em họ làm Công Tước dùng cơm với nhau sau một buổi đi săn.

Tôi đã kể cho y nghe là tôi đang bắt đầu viết tập truyện kí này. Cha y và cha tôi đều là Hoàng tử và đều bị giết. Tôi và y may mắn thoát khỏi bàn tay đẩm máu của bà nội tôi. Y là một người tốt, đã giúp đỡ nhiều kẻ khác trong hoàng tộc cùng chung số phận mồ côi như chúng tôi. Một số lớn Vương công hiện thời đã từng chịu ơn y rất nhiều. Chính bản thân y đã trải qua cảnh côi cút, lo sợ, đói khát, không nơi nương tựa. Khi còn nhỏ y đã phải lang thang khắp thâm sơn cùng cốc nơi đảo Hải Nam tận miền biển Trung Hoa.

Y đã nếm cảm giác của một đứa con có cha là một tên tội phạm. Một vết nhơ cho tên tuổi y. Mẹ và chín anh em y bị giết trong cùng một ngày. Y và hai đứa em út đã phải tha phương cầu thực để lánh nạn. Y và tôi thường ngồi bên chung rượu đàm luận về người đã gây ra tất cả những thảm cảnh, ấy là bà nội của chúng tôi. Y thường tự hào về cha y, càng như tôi từng tự hào về cha tôi. Cả hai người cha bất hạnh đều là nho sĩ. Chỉ khác nhau một điều là cha y bị người ta treo cổ, còn cha tôi tự treo cổ vì bắt buộc.

Nhưng dù sao chúng tôi vẫn say mê trong những cuộc đàm luận như vậy, như những thủy thủ say mê kể chuyện mình thoát hiểm nơi biển cả.

Y nói với tôi:

– Bằng mọi cách đại huynh phải viết lại câu chuyện này. Viết vì ông nội và cha chúng ta. Võ Hậu là một mụ điếm muốn giết hết họ Lý chúng ta. Như đại huynh đã biết, mụ không hề sinh ra cha tôi. Cha tôi là con của Triệu phi. Cha tôi vẫn thường kể cho tôi nghe về tấn thảm kịch rùng rợn mà Võ Hậu đã gây ra cho thân mẫu người và Vương Hậu. Tôi không nhớ là đã nhìn thấy mặt Võ Hậu lần nào chưa, nhưng đại huynh lớn lên trong cung bên cạnh tiên đế (vua Duệ Tôn) và các con cháu ngài, trong đó có cả đương kim Thánh Hoàng, chắc đại huynh phải biết nhiều chuyện bí ẩn nơi cung cấm.

Tôi đáp:

– Hiền đệ nói đúng. Tôi đã bị nhốt trong cung với chú tôi là vua Duệ Tôn cùng các con của người. Tôi không trông thấy thế giới bên ngoài trong suốt mười tám năm trường (từ năm 680 đến 698) kể từ năm tôi mới lên mười. Trong suốt thời gian đó tôi đã chứng kiến rất nhiều.

– Hình dáng bà ra sao?

– Tôi bị nhốt trong cung từ thời ông nội chúng ta (vua Cao Tôn) còn tại thế. Hồi đó ông nội đã suy yếu nhiều, luôn luôn phải nằm và quấn vải quanh đầu vì mắc chứng nhức đầu. Bà nội thì đã mấp mé lục tuần nhưng hãy còn khương kiện lắm. Chính sự khang kiện này đã làm cho nhà vua suy nhược. Bà có trán vuông, hàm lớn và lông mi rất đen. Tôi mường tượng là hồi trẻ bà đẹp lắm. Tôi không biết bà đã uống thứ thuốc bổ gì. Chắc nhà sư mất trí, người yêu của bà đã cho bà những thứ thuốc bí mật. Dù sao đời bà thực sự bắt đầu vào tuổi sáu mươi, khi ông nội mất, và bà bước vào cuộc sống dâm loạn. Trước đó bà cũng có nhiều nhân tình, phần lớn là những tay tà đạo được gọi vào cung hàng đêm nhưng không như giai đoạn này… Đáng sợ nhất là khi bà giận dữ, mắt bà trở nên xanh biếc.

– Tôi thấy Công chúa Thái Bình đôi khi cũng vậy.

– Công chúa rất giống mẹ. Hai người hầu như rập khuôn về tính tình, quan điểm sắc dục, tài nặng và vẻ mặt. Ta có thể nhìn Công chúa mà tưởng tượng ra con người của bà nội khi còn trẻ. Hồi trước Công chúa rất thanh tú, tới năm ba mươi tuổi thân hình mới hơi đẩy đà và có dáng đi giống bà nội. Công chúa hơn tôi năm tuổi. Vào tuổi mười bảy, mười tám, Công chúa rất hung hãn, thường ăn mặc như con trai…

Thế rồi Công Chúa lấy chồng, nhưng có chồng hay không cũng thế thôi. Một thị nữ kể cho Công chúa nghe về sự dẻo dai của một tên mãi võ. Thế là hắn được vào gặp Công chúa ngay. Chính Công chúa đã giới thiệu hắn lại cho mẹ và bà mẹ đã cùng hắn, chung gối (lúc này vua Cao Tôn đã mất). Công chúa lấy họ cha chồng mà đặt cho hắn và bảo hắn giả làm cha nuôi của chồng để có lí do lui tới thân mật. Thật ra tên hắn là Phong nhưng thường được gọi là “Bé Cưng”. Thật là khôi hài. Người hắn lừng lửng như một khúc cây và ngôn từ của hắn thì thực là thô bỉ, thứ ngôn từ của những kẻ mãi võ. Hắn có đôi tay cuồn cuộn bắp thịt, một chiếc cổ rất manh và đôi vai rộng. Trước khi hắn gọt đầu làm hòa thượng trụ trì đền Bạch Mã, tóc hắn rất đen, rậm và cứng. Tính tình cũng như điệu bộ hắn có vẻ nghênh ngang phách lối. Hồi đó hắn được tự do ra vào khu vực của các bà với tư cách một quốc sư đại diện tôn giáo. Người ta không biết nói làm sao khi trông thấy hắn vênh vang trong bộ áo tụ hành màu tía, nhảy lên lưng ngựa từ chuồng ngựa của nhà vua và tiếp lấy dây cương do mấy người cháu của Võ Hậu dâng lên.

– Tại sao họ lại gọi hắn là “Bé Cưng”?

– Điều đó dễ hiểu. Họ gọi như vậy cho có vẻ âu yếm vì hai mẹ con Võ Hậu rất cưng cái vật “bé nhỏ quý giá” kia. Chính vật đó là nhãn hiệu của hắn, chìa khóa giúp hắn ra vào khuê phòng của các bà.

Khi gọt đầu làm sư hắn có pháp hiệu là Hoài Nghĩa.

– Tại sao công chúa lại sai người giết hắn?

– Đó là mãi về sau, khi Võ Hậu có người tình mới, một thầy thuốc họ Trầm, thì hắn phát khùng vì ghen tức, rồi bệnh điên của hắn càng ngày càng trầm trọng. Hắn phỏng hỏa đốt thiền viện của hắn. Võ Hậu tìm cách che đậy cho hắn nhưng hắn tỏ ra hỗn xược không thể tha thứ được. Dạo đó việc tư thông giữa hai người được đồn đại khắp các đường phố. Vì trong khi đem Hà Tường Hiển ra hành thích, đi được nửa đường ông vùng bỏ chạy và rêu rao khắp phố về hành vi của Võ Hậu. Ông nói cho sướng miệng trước khi chết. Công chúng say sưa lắng nghe và những chuyện nhớp nhúa của Võ Hậu và Công chúa không còn gì là bí mật nữa.

Sau vụ này các tử tội đều bị bịt miệng khi đem ra pháp trường, nhưng dù sao cũng đã muộn. Ở những nơi quyền quý, cao sang, người ta còn có thể bưng bít hay bịt miệng nhau về những chuyện bỉ ổi; chứ còn đã lộ ra nơi công chúng, miệng tiếng thế gian có trời giữ.

Khi cảm thấy không thể tha thứ cho nhà sư điên kia nữa, Võ Hậu và Công chúa đặt kế lừa hắn đến vườn thượng uyển rồi cho một đám thị nữ khỏe mạnh xông vào bắt trói và xiết cổ cho chết.

Sau đó Võ Hậu tuyển được anh em họ Trương rất xinh trai.

Lúc này bà đã ngoài bảy mươi. Bà mọc thêm một chiếc răng khôn, và nhiều người lại đồn bà mọc thêm lông mày phụ, nhưng chính mắt tôi không trông thấy.

Bà thật là một người kì dị. Cuộc đời mới của bà bắt đầu vào tuổi sáu mươi. Phải, và tiếp tục cho đến năm tám mươi, khi mà thuốc kích thích cũng như cơ thể đều trở nên vô dụng.

– Tôi nghe nhiều người kể là bà tư thông với tên mãi võ từ khi bà còn tu tại chùa Hưng Long?

– Không phải vậy đâu. Đó chỉ là lời đồn nhảm. Khi Công chúa tìm ra hắn thì hắn mới vào khoảng ngoài ba mươi và Công chúa lúc ấy mười tám. Thời kì Võ Hậu tu ở chùa Hưng Long thì có lẽ hắn vừa mới ra đời.

– Như vậy đại huynh lại càng cần phải viết. Đại huynh biết tất cả những chuyện mà người khác không biết. Hoàng Thượng có biết đại huynh đang viết sách không?

– Không. Tôi chưa nói cho Hoàng Thượng hay. Hoàng Thượng sẽ không cản được tôi vì tôi không khác gì môt người anh của ngài. Nhưng dù sao, Hoàng thượng cũng phải ngăn vì ngài là Hoàng Đế, cần tỏ lòng tôn kính đối với tiền nhân, dù lòng tôn kính đó chỉ là tưởng tượng. Chính thân mẫu ngài, Hoàng hậu của vua Duệ Tôn, đã bị Võ Hậu ám sát. Khi ngài lên ngôi, ngài muốn cải táng mẹ theo đúng nghi lễ. Nhưng ngài đã không tìm thấy di hài mẹ, thậm chí ngài không biết mẹ mình có được chôn theo hay không? Ngài chỉ biết tự nhiên bà mất tích. Ngài đành phải làm lễ an táng không có hài cốt chỉ có một bộ quần áo của bà bỏ trong áo quan. Nếu ngài biết chuyện viết sách của tôi, tôi sẽ tâu rằng tôi chỉ kể chuyện tranh chấp giữa họ Lý và họ Võ mà thôi. Vả lại chính ngài là người đã “đảo chính” và giết hết dòng họ Võ. Chính ngài đã ép Công chúa phải tự sát.

Nhiều người thường so sánh Võ Hậu với Lữ Hậu, vợ của Hán Cao Tổ. Hai người cùng dâm đãng như nhau. Trong lịch sử còn ghi rõ “Lữ Hậu” thường tìm những đàn ông có dương vật vĩ đại về ân ái. Nhưng đó chỉ là chuyện riêng tư, không liên quan đến chính trị. Trường hợp của Võ Hậu cũng chỉ có tính cách tâm lí, nhưng tình cờ nó lại biến thành một vụ lem nhem có tính cách chính trị. Có lẽ bà cũng đã cố đặt chuyện tình cảm của bà trong vòng riêng tư, nhưng chẳng may bà phóng túng quá lố, bà thêu dệt giai thoại cho bà là hiện thân của “Phật Cười” hiện xuống để phục vụ “vật vĩ đại” của một nhà sư.

Kết quả, chuyện tình của bà thành một sự pha trộn giữa xác thịt và tôn giáo. Vừa thối tha lại vừa đẹp đẽ.

Chúng ta không nên đi quá xa về đề tài đàn bà và chính trị, nhưng phải công nhận rằng khi đàn bà nắm quyền, bản tính tham lam của họ đáng sợ và tai hại hơn đàn ông. Cứ lấy ví dụ trong ba đời vua vừa qua. Ái hậu của vua Thái Tôn, như mọi người đều biết, đã giúp đỡ vua rất nhiều. Bà chính là nguồn năng lực của vua. Bà thật vĩ đại vì bà diệu hiền và biết thương người. Bà thường ở bên vua mỗi khi vua giận dữ hay bất công đối với quần thần. Bà thường khuyên vua đừng bao giờ quên những bề tôi tận trung với chúa. Nhưng người đàn bà sẽ không còn diệu hiền, biết thương người khi họ có quyền.

Như trường hợp Võ Hậu dưới thời Cao Tôn, Vi Hậu giết chồng là Trung Tôn, con trai thứ ba của Võ Hậu, và các Công chúa con của võ Hậu đã lạm quyền thưởng phạt quần thần làm triều đình đảo lộn. Trong lịch sử không có triều đại nào lại đầy rẫy những vụ dâm loạn, ngoại tình, như dưới thời Trung Tôn và Duệ Tôn. Chắc hẳn Võ Hậu đã làm gương xấu cho con cháu.

Võ Hậu là một ví dụ hiển nhiên, và hơi cực đoan, về uy quyền của đàn bà. Bà không thua bất cứ bậc đế vương khanh tướng nào, về mặt trí tuệ, về cách dùng người, về đường lối linh động, và về sự bình tĩnh. Tự bà đặt cho mình một lối đi đến tột đỉnh vinh quang.

Nhưng dù sao, ở một vài phương diện nào đó bà vẫn là một người đàn bà. Bà đã trả thù Vương Hậu một cách nhỏ mọn, vô nhân đạo, không khác loài cầm thú. Sự đố kị của bà đối với người đồng phái cũng đáng cho ta chú ý: Bà đã giết tất cả bốn người con dâu. Bà chuộng những tay phù thủy, đạo nhân, sư sãi. Vì sự đòi hỏi của tình hình chính trị, bà đã đem hàng trăm vương tôn công tử, ra tàn sát. Sự vô nhân của bà phản ảnh bản tính độc ác của phái nữ, một hiện tượng mà đàn ông chúng ta thường suy ngẫm mà không hiểu nổi. Việc bà cho người tạc một hình Phật cao hàng trăm thước, khiến tôi liên tưởng tới một em bé giàu óc tưởng tượng, đứng chơi búp bê. Vẫn biết trong mỗi người đàn bà đều có một chút trẻ con, nhưng nếu tính trẻ con đó kéo dài trong suốt tuổi già, trửng giỡn với hết nhà sư điên lại tới anh em họ Trương, với bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, bịa ra để hí lộng quỷ thần, thì quả thực chúng ta phải lắc đầu.

“Âm” và “Dương” phải bổ khuyết cho nhau. Nếu một cái thịnh quá, một cái suy quá, cuộc sống không thể tiến triễn tốt đẹp.

Gà mái không nên gáy, đàn bà không thể làm công việc của đàn ông.

Tôi đã khuyên các Hoàng tử như vậy.

Đàn bà sinh ra để tìm chúng ta. Chúng ta thỏa mản họ và ngược lại. Đó là luật của tạo hóa. Nói cách khác, nếu chúng ta là cá thì họ là người đi câu. Họ dùng đủ các thứ mồi để nhử chúng ta. Họ ước muốn một chỗ đứng trên trường đời, và sống một cuộc sống ấm no, an lạc. Để đạt mục đích, phương tiện duy nhất của họ là đàn ông.

Một vị thái tử sắp lên ngôi cần phải nhớ rằng có thể yêu đàn bà nhưng đừng để họ chen vào việc triều chính.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.