Tình sử Võ Tắc Thiên

Hồi 10: Thành tích của bà nội



Cao Tôn cảm thấy mình không khác một con chim bị nhốt trong lồng vàng, trong lồng không còn con chim nào khác để ông bầu bạn. Các cơn đau hành hạ ông dữ dội và bệnh tình càng trầm trọng hơn trước.

Tóc ông đã bạc màu nhiều. Niềm an ủi của ông hiện giờ là Thái tử Hoằng, một vị Thái tử có nhiều triển vọng thành công khi lên ngôi. Hoằng là một thanh niên trẻ tuổi, hăng hái, luôn luôn giữ được phong cách của một Thái tử. Chàng là con trai đầu lòng của Võ Hậu, dĩ nhiên chẳng ai dám mưu giết chàng.

Năm 673, Vua hoàn toàn suy yếu, Thái tử phải thay mặt Vua lo việc các bộ để Vua và Hoàng Hậu về nghỉ tại Đông đô – Lạc Dương – Chỉ nhưng việc thật quan trọng, Thái tử mới phải hỏi ý kiến Vua, hay nói đúng hơn, ý kiến Võ Hậu, vì Vua thường nằm liệt giường.

Nói tóm lại có ba giai đoạn trong thời kì Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu: Mười năm đầu, việc lâm trào thường xuyên do Cao Tôn, thỉnh thoảng do Võ Hậu. Mười năm thứ nhì, giai đoạn Nhị Thánh, hai người cùng lâm trào nghị sự. Và mười năm cuối cùng, giai đoạn Thánh Hậu, Võ Hậu thường xuyên, còn Cao Tôn chỉ thỉnh thoảng.

Trong giai đoạn thứ ba, từ năm 674 trở đi, Võ Hậu toàn quyền hành động.

Kỉ nguyên mới bắt đầu với một chương lệnh chính trị nghe rất kêu. Tài lãnh đạo và khả năng chính trị của bà được biểu hiện qua một lá thư viết cho Cao Tôn với tư cách của một người vợ khiêm nhượng.

Lá thư này gồm mười hai điểm nhằm cải tổ xã hội và chính phủ một cách rộng lớn:

1. Phát triển nông nghiệp và nghề tầm tang, giảm bớt công việc cho giới lao động.

2. Miễn thuế cho các tỉnh phía Tây Bắc.

3. Vãn hồi đạo đức để chung sống hòa bình.

4. Cấm xa hoa lãng phí.

5. Giảm thiểu đến mức tối đa việc trưng tập binh lính.

6. Tự do phát biểu ý kiến.

7. Không chấp nhận những quan lại bất chính và những quan lại chỉ biết nghe lệnh một cách mù quáng.

8. Tất cả quan tước từ Vương, Công trở xuống phải học Đạo Đức Kinh của Lão Tử – cũng họ Lý với các vua đời Đường.

9. Thời gian để tang mẹ là ba năm dù cha còn sống – tượng trưng sự bình đẳng giữa nam và nữ.

10. Những quan lại về hưu vẫn được giữ nguyên tước hiệu và phẩm trật.

11. Các quan tại kinh đô từ bát phẩm trở lên đều được tăng lương.

12. Các quan thâm niên đều được cứu xét và thăng trật nếu có công.

Ba điểm sau cùng giúp Võ Hậu được lòng nhiều người trong giới quan lại toàn quốc.

Nói một cách tổng quát, hầu hết các chính trị gia có một cái nhìn bao quát đều có thể nghĩ ra những cải tổ trên. Toàn quốc không có ai phản đối những cải tổ này, nhất là điểm vãn hồi đạo đức để chung sống hòa bình.

Những chuyện bực mình dường như luôn luôn đeo đuổi Cao Tôn.

Năm 675, lại thêm một biến cố trong gia đình làm cho ông mất hết sinh thú.

Thái tử Hoằng là một người học thức, hơi lí tưởng và nhạy cảm giống vua cha. Từ thời thơ ấu, chàng đã được rèn luyện để sau này làm người kế vị. Các học giả uyên bác được mời vào cung để chỉ dẫn chàng tất cả các môn, kể cả làm quen với việc triều chính.

Hiện chàng đã hai mươi ba tuổi và đang được trao quyền dần dần. Trong hai năm 671 và 672, chàng đã giữ trọn quyền tại Trường An để vua cha dưỡng bệnh ở Lạc Dương. Chàng đã cưới con gái của một vị học giả nên vị học giả này cùng các bạn của ông hết lòng phò tá chàng. Mọi việc tiến triển tốt đẹp.

Trong thời gian nghiên cứu nghệ thuật cai trị, Hoằng đã học được rất nhiều đức tính của ông nội – Vua Thái Tôn – là lòng nhân ái và sự lo lắng cho dân.

Chàng rất cảm thông đời sống cơ cực của đám binh lính, nhưng vì chưa lên ngôi nên chàng chỉ có thể giúp họ bằng cách bãi bỏ chế độ bắt vợ con các lính đào ngũ làm nô lệ, tuy chế độ nghiêm khắc này giúp quân đội của Thái Tôn rất hùng mạnh.

Theo chàng biết có nhiều lính không đào ngũ mà lại bị ghép tội đào ngũ. Sau mỗi lần đánh, luôn luôn có những kẻ thất lạc không về trình diện được vì những lí do bất khả kháng. Ví dụ có người bơi qua sông bị chết đuối, có người bị đau ốm bất ngờ hay bị quân thù bắt, v.v… Sẽ có sự lầm lẫn lớn nếu chỉ kiểm điểm xác chết tại trận, còn những người mất tích đều coi là đào ngũ và đem vợ con họ ra trừng trị.

Năm 672 – 673 trời hạn hán, nạn đói khủng khiếp xảy ra tại mấy tỉnh Tây Bắc Trung Hoa, dân chúng chết vô số. Khi đi viếng thăm binh lính, Thái tử Hoằng thấy họ chỉ ăn toàn vỏ và trái cây rừng, chàng bèn ra lệnh lấy gạo từ kho riêng ra phát cho họ. Chàng còn xin phép Vua chia những đất công tại Đông Châu cho dân nghèo để cày cấy.

Những hành động trên đưa Thái tử Hoằng đến chỗ chống đối với Mẫu hậu.

Chàng tán thành việc thi hành kỉ luật và công lí, nhưng chàng phản đối những hành vi tàn ác, tư thù nhỏ nhen.

Một hôm Hoằng đến Lạc Dương chơi và khám phá ra rằng hai người con gái của Triệu phi là Nghi Dương và Cao An hiện sống cô độc nơi hậu cung. Họ đều đã luống tuổi – trên dưới ba mươi – mà chưa hề tính chuyện chồng con. Thật ra họ bị giam lỏng, không có cách gì lấy chồng được.

Thái tử Hoằng tìm Võ Hậu và nói với bà:

– Thưa mẹ, theo sách thánh hiền con gái lớn phải đi lấy chồng, sao con thấy hai chị của con vẫn còn độc thân? Họ không thể làm hại triều đình được đâu, xin mẹ hãy thu xếp cho họ.

Võ Hậu không thể từ chối trước những lí lẽ hợp với công đạo này. Tuy nhiên, bà nghĩ rằng đối xử với hai người như hiện thời đã là đặc biệt, dễ dãi rồi. Tất cả thân quyến của Triệu phi đều bị gọi là bọn “kên kên” và đã bị đày đi xa, nhưng bà để hai người con ruột của Triệu phi ở trong cung là để tránh tiếng đồn đại ra ngoài. Bà trả lời với Hoằng là bà quên mất hai người và hứa sẽ cho họ đi lấy chồng.

Sau đó bà đem gả hai người cho hai tên thị vệ. Hành động này có vẻ bất nhân vì dù sao họ cũng là con ruột của Cao Tôn.

Võ Hậu làm những việc ngang trái nhưng không bao giờ bà muốn con bà đem những việc đó ra phán đoán.

Một tháng sau – tháng tư năm 672 – lại một chuyện nữa làm Thái tử giận điên người, và vợ chàng cũng rất buồn.

Vợ của Hoàng tử Triết là Đào phi một người đàn bà rất hiếu thuận. Mẹ của Đào phi là Công chúa Trường Lạc hay ra vào nội cung và đã mấy lần Võ Hậu bắt gặp bà cặp kè với Cao Tôn.

Võ Hậu giận lắm nhưng không giết, chỉ đổi hai vợ chồng Công chúa đi xa và cấm lai vãng về triều. Dĩ nhiên chuyện này không dính dáng tới Đào phi, nhưng Võ Hậu cũng đem nàng nhốt vào một căn buồng và sai người ngày ngày đưa cơm cho nàng. Ít lâu sau người ta phát giác nàng đã chết trong buồng vì đói.

Thái tử Hoằng biết Võ Hậu đã ra lệnh bỏ đói nàng.

Hoàng tử Triết cũng biết vậy, nhưng không dám đến thăm vợ hoặc có ý kiến gì. Triết im lặng, nhưng Hoằng nhất định nói, và chàng đi tìm mẹ.

Khi thấy chàng, Võ Hậu đã biết ý. Bà giữ vẻ mặt cực kì nghiêm nghị.

Trong hoàng tộc, dù là mẹ con cũng phải giữ đủ lễ nghi. Thái tử đến trước mặt Hoàng hậu, nói bằng một giọng dõng dạc, tự tin. Chàng không gọi mẹ xưng con mà dùng tiếng: “Muôn tâu mẫu Hậu” rất trịnh trọng.

Chàng nói:

– Muôn tâu Mẫu Hậu, hài nhi trộm nghĩ Mẫu Hậu đã viết một cuốn sách tán dương những người đàn bà đạo đức, vậy mà nay trong nhà mình lại có một người đàn bà đạo đức bị bỏ chết đói thì thật đáng buồn.

Câu nói như một tiếng sét lớn giáng xuống đầu Võ Hậu.

Bà giận run. Gã con trai của bà dám nói với bà như vậy sao? Hắn muốn ám chỉ gì? Từ khi bà đổi bố mẹ Đào thị đi xa. Đào thị dám tỏ vẻ bất mãn, mấy ngày liền không thèm mở miệng nói năng. Như vậy không đáng tội sao? Một người con dâu “đạo đức” là như vậy sao?

Bà nghiến răng:

– Thị vô lễ, ta trừng phạt thì không được hay sao? Còn thị muốn nhịn đói là quyền của thị, sao lại đổ lỗi cho ta? Còn ngươi nữa, đừng quên bổn phận làm con, đừng lên mặt dạy ta.

Thái Tử vẫn bình tĩnh:

– Tâu Mẫu Hậu, vậy mà hài nhi lại tưởng Mẫu Hậu muốn nghe những lời phân trần, cởi mở. Nếu hài nhi không lầm thì tự do phát biểu ý kiến là một trong mười hai điều mà Mẫu Hậu đã đưa ra để tránh bất công. Hài nhi vào đây chỉ muốn cản ngăn, giúp đỡ Mẫu Hậu. Nếu hôm nọ hài nhi không nhắc nhở Mẫu Hậu thì chắc hai chị của hài nhi sẽ thành gái già mất. Nhưng sao Mẫu Hậu không gả họ cho người tử tế mà lại gả cho bọn thị vệ. Dù sao họ cũng là con của một vị Hoàng đế…

Võ Hậu ngắt lời, giọng bà nghiêm nghị đầy vẻ hăm dọa, mắt bà nheo lại lạnh lùng:

– Đủ rồi. Ngươi có thể lui.

Mười tám ngày sau, Thái tử Hoằng chết trong một cuộc đi chơi cùng Vua cha và Hoàng hậu. Chàng ăn phải một món ăn “khó tiêu” nào đó, dù chàng là người con ruột đầu lòng của Võ Hậu!

Nếu đem lòng người thường ra để đo lòng bà nội, người ta sẽ thất bại. Cha tôi Hoàng tử Hiền – còn bị đối xử tàn tệ hơn thế nữa.

Tôi thường nghĩ rằng các Hoàng tử trong thời nay đều là những quân cờ để bà nội mang ra chơi. Vì không thiếu quân, bà sẵn sàng đem thí khi gặp nước. Đám con cháu chỉ còn biết tự an ủi rằng khi sinh ra mỗi người một tính. Chẳng may bà nội tính tình quả khác thường. Hay nói đúng hơn, độc nhất vô nhị thì con cháu phải chịu vậy.

Sau đây là tổng kết thành tích của bà nội:

Ông nội Cao Tôn – có chín người còn trai, một người chết non. Bà nội giết năm người – kể cả hai người con ruột, còn lại hai người bị bà giam cầm mười mấy năm trời, đó là chưa kể đứa con gái sơ sinh mà bà bóp chết.

Thái tử Hoằng chết làm mọi người náo loạn.

Ngay tối hôm đó, Vua và Hoàng hậu trở về cung.

Cao Tôn thương Hoằng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông lảm nhảm tính những người bị giết trong gia đình: Vương hậu, Triệu phi, bà Công tước, San San, Đào phi, Lý Trung – người con cả – và bây giờ là Hoằng.

Suốt đêm đó, Cao Tôn run rẩy bên xác con. Ông thực sự khóc nức nở vì thương.

Hôm sau ông không chịu đi ăn cơm; khi mọi người ép vào phòng, ông cũng chỉ ngồi vào bàn chứ không ăn. Trông ông thực tiều tụy, mắt ông đăm đăm nhìn Võ Hậu.

Thấy vẻ khác lạ của ông, Võ Hậu nói:

– Bệ hạ đừng buồn rầu thái quá. Nên ăn một chút cho khỏe.

Bất thình lình Cao Tôn đứng vùng dậy, đưa tay gạt hết bát đỉa trên bàn xuống đất, người ông run run, tóc xõa ra. Ông chỉ mặt Võ Hậu, giọng ông lạc hẳn đi vì xúc động:

– Mi! Chính mi đã giết con ta!

Võ Hậu tái mặt.

Cao Tôn lầm bầm:

– Ta với mi đến đây là hết. Mi không thể tha thứ cho bất cứ ai trên đời này trừ mi. Tại sao mi lại bắt mẹ Đào thị phải đi xa để ta không được gặp bà? Tại sao mi lại bỏ đói Đào thị?

Nói đến đây, Cao Tôn bỗng sấn lại Võ Hậu:

– Tại sao San San lại chết? Hãy nói cho ta biết mi đã làm gì nó? Mi giết nó vì nó biết nhiều chuyện về mi quá phải không?

Mặt Võ Hậu xanh lè trông gớm khiếp.

Cao Tôn giơ tay định xô bà xuống đất thì ông bỗng cảm thấy bao nhiêu hơi sức biến đâu mất hết, tay ông mềm nhủn, đã đưa lên nửa chừng lại bỏ thõng xuống, và Hoàng tử Hiền chạy lại vừa kịp đỡ ông khỏi té xuống đất. Chàng dìu ông về phòng. Mắt ông vẫn tóe lửa, hơi thở dồn dập.

Võ Hậu bỏ ra ngoài và không trở lại thăm Cao Tôn.

Chưa bao giờ trong cung lại xảy ra một chuyện như vậy.

Hoàng tử Hiền ở lại săn sóc Cao Tôn.

Đêm hôm đó ông thều thào nói với chàng:

– Ta trao tất cả cho con đó. Ta không muốn làm vua nữa, ta muốn được yên. Sơn hà, xã tắc mà làm gì… Hãy để cho ta yên.

Quan thái y hết sức săn sóc Cao Tôn mà ông vẫn mê man. Suốt đêm ông cứ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại mãi câu: Hãy để cho ta yên.

Ngày hôm sau, Cao Tôn cho gọi một số triều thần vào và tỏ ý định nhường ngôi lại cho Hiền, nhưng mọi người đều can ngăn, khuyên ông nên suy nghĩ kĩ.

Cao Tôn nghĩ lại và đã đổi ý: Ông không nhường ngôi cho Hiền mà truy phong cho Hoằng làm Hoàng đế và ra lệnh tổ chức đám tang theo đúng lễ nghi dành cho vua, tuy nhiên thời gian cả nước để tang rút ngắn lại còn ba mươi sáu ngày. Ông ra lệnh xây cho Thái tử một lăng mộ rất vĩ đại. Công việc xây thật khó nhọc, đến nỗi đã có vài bọn nhân công nổi loạn ném đá vào các quan giám thị rồi bỏ chạy.

Một năm sau, vợ của Hoằng cũng buồn rầu sinh bệnh mà chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.